Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:07:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323682 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #320 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 10:19:21 am »

Chú ts Hùng ơi @: đọc đâu đó trong quansuvn.net, cháu thấy bộ đội ta được hướng dẫn cách mắc võng làm sao để mưa không bị ướt phải không ạ - hay là nếu mưa rả rich cả đêm thì kiêu gi` cung bị ướt ạ ?

Chú xin giải thích cách mắc võng đại khái như sau:

1. Lấy dây võng quấn quanh cọc phụ, sao cho đoạn dây mắc vào cọc phụ cao hơn đoạn dây mắc vào thân cây, để nước theo dây không chảy vào võng. Cọc phụ thường là đoạn cây nhỏ bằng cườm tay, cườm chân.
 
2. Sau đó lấy dây võng quấn tiếp vào thân cây mắc võng làm cọc giăng võng.

Tuy nhiên trong quá trình mình nằm võng, do nước mưa làm cọc phụ và dây võng trơn ướt nên nó mất ma sát, nó từ từ tuột xuống, nước mưa lại len vào võng theo nguyên lý nước chảy từ trên xuống. Mình khắc phục bằng cách lấy khăn lau mặt quấn đở trên đoạn dây dẩn nước đó để nước theo khăn rơi xuống đất. Đầu dây kia cũng vậy, vắt đại cái quần cái áo ướt gì đó để dẩn nước đi xuống đất. Chứ trời đang mưa, đang mặc bộ quần áo khô cuối cùng mà lại nhảy ra ngoài mưa giăng võng lại thì lát nửa lấy cái gì thay đây: Tài sản của thằng lính chỉ có duy nhất 2 bộ quân phục mà thôi!
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #321 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:20:29 pm »

Hình như bộ đội Việt Nam thời nào cũng khổ như nhau, nay nhắc lại cái khổ đó không thấy sợ, mà thấy nó lãng mạn mới chết chứ.   Bởi thế tại sao thằng lính chiến về đời thường nó lại hơi gàn, hơi bất cần, hơi bất chấp... Có lẽ vì nó đã vượt qua được cái gian khổ của cuộc chiến, nó đã vươn lên một tầm cao mà chỉ nó tự cảm nhận và sau đó nó nhìn lại đời bằng một con mắt bao dung và phán xét.

Bao dung vì nó sẳn sàng tha thứ cho những sai lầm vấp váp của mỗi con người, nó sẳn sàng sẻ chia giúp đở những người khốn khó hơn nó và phán xét khi nó thấy một người nào đó làm ra vẽ ta đây là anh hùng, là lãnh đạo. Bởi vì anh nói miệng thì tôi chưa tin đâu, thử ra chiến trường tôi coi anh chiến đấu thế nào thì tôi mới tin. Khi chiến trận bùng lên, khi đạn bay pháo nổ, cái bản chất con người nó hiện ra ngay, trong cái ranh sống chết đó người lính nhận ra ai là anh hùng, ai là anh... xạo!


--------------------
       @bác Thuong si Hung:
     Bác nói rất đúng. Cảm ơn sự chia sẻ của bác vì nó rất gần với suy nghĩ của tôi.
       Chúng mình vừa sống về nội tâm, vừa gặm nhấm quá khứ nên hay bị nhìn là gàn. Nhưng nhớ về quá khứ nó cũng sướng lắm bắc ạ, không gì so sánh nổi đâu. Mà cũng chỉ có lính mình mới hiểu hết được nhau thôi. Người khác hiểu được phần nào, quý phần đó, đâu dám mong họ hiểu hết.

       Nhưng dù gian lao vất vả thế nào thì tự bản thân mình vẫn thấy trân trọng cái quá khứ làm lính ấy. Nó dạy mình làm người thật sự bác ạ. Nó làm cho mình thấy bao dung hơn với những người xung quanh mình ngày nay, cho mình cảm nhận được cái hạnh phúc bé nhỏ mà nhiều người đã coi thường.
Logged

haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #322 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 01:43:06 pm »

Chú ts Hùng ơi @: đọc đâu đó trong quansuvn.net, cháu thấy bộ đội ta được hướng dẫn cách mắc võng làm sao để mưa không bị ướt phải không ạ - hay là nếu mưa rả rich cả đêm thì kiêu gi` cung bị ướt ạ ?
Cháu hỏi chú Haanh một tí: thấy các chú bộ đội hay đổi quần áo, tăng võng lấy các thứ để lien hoan, Vẫn biết là các chú đã trải qua và không sao cả, cháu vẫn thắc mắc là đổi hết đi rồi hành quân tác chiến rét mướt + muỗi nhiều như thế làm sao mà ngủ được, vì vất vả thì có thể chịu được nhưng mà thiếu ngủ thì thật sự mệt mỏi và không tỉnh táo (rất khập khiểng nhưng cháu lấy từ kinh nghiệm xem bong đá world cup ạ, nhiều khi sang hom sau đi xe máy còn ngủ gật ấy chứ  Grin)

hehe , mưa rừng dù có tăng che chắn cách gì đi nữa cũng sẽ ướt hết thôi , vấn đề là ướt sớm hay muộn Grin
Con người ta khi cùng cực quá thì không còn sợ chết nữa mà cái chết ở chiến trường K sau này nó đến và đi rất bất ngờ như mưa bóng mây , mới ngồi cười ha hả đó trong phút nghỉ giải lao , xách súng đi thêm vài bước là chết rồi  . Vì vậy sướng được chút nào thì cứ sướng , ăn được gì cứ ăn . Buồn ngủ thì tự khắc lăn ra ngủ , vừa hành quân vừa ngủ còn được nữa mà sá chi mưa ướt , gió lạnh . Ngủ ở rừng Biển Hồ sáng ra mặt mũi chân tay thằng nào cũng sưng vù như ong đốt , võng toàn là máu do muỗi cắn no máu quá không bay nổi . Lúc đó có mùng thì cũng không ai mắc vì ta và địch cùng ở chung nhau 1 khu rừng , thậm chí có thể ngủ cách nhau 5-7 m nên thằng nào cũng muốn núp cho thật kỹ để ngủ cho đã , trời sáng đánh tiếp  Grin
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
vubang
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 131


« Trả lời #323 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 02:40:33 pm »

hehe đúng thật , lính ở rừng mùa mưa cực hết chổ nói , tăng lỡ đổi chó hết rồi cứ dầm mưa suốt ngày suốt đêm , quần áo hết khô lại ướt hết ước lại khô . Hành quân thì đở lạnh còn nằm trên võng thì cái gì teo được nó sun hết lại  ;D Hết đợt chiến dịch kéo dài gần 1 tháng mới được ra phum , ôi chao sao lúc đó thấy đời sung sướng quá , con gái K đứa nào cũng đẹp   Grin ( hehe 1 tuần sau nhìn lại tự trách mắt bị bù lệch ăn )

Phải nói cảm giác lúc ra đến bìa rừng, xa xa nhìn thấy vài nóc nhà khi ẩn khi hiện mới thấy lòng rộn ràng khó tả. Sau này có lúc nhớ lại muốn so sánh với cảm giác khi còn nhỏ được ba mẹ cho đi SG nhưng thấy vẫn khập khiểng. Chắc chỉ có những thằng lính ở rừng mới cảm nhận được hết, đúng là thấy cái gì cũng đẹp, kể cả mê mai Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #324 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2010, 08:43:26 pm »

….
            Những lần được nghỉ thêm một ngày ở một trạm nào đó, nhiều đứa trong chúng tôi viết thư gửi về nhà. Gửi về đơn phương thôi vì chúng tôi không có hòm thư. Viết xong lá thư gửi đi đấy, chắc chắn thư mới đi được vài ngày chưa thể về đến nhà thì chúng tôi đã đi tiếp tới tận đâu rồi. Chẳng có khái niệm gì về trạm quân bưu giữa rừng Trường Sơn này đâu. Chẳng cán bộ nào phổ biến cho chúng tôi viết thư, vì chẳng có hòm thư để bỏ vào. Cũng chẳng có binh trạm nào đứng ra nhận thư của lính. Nhưng chúng tôi vẫn viết. Dọc đường vào Nam, chúng tôi đã gặp rất nhiều đoàn ra. Khi thì là đoàn cán bộ miền Nam, toàn người nhiều tuổi, mặc áo bà ba, đeo bòng, thắt khăn rằn, túi dết. Có ông mặc toàn dân sự mà lại đeo súng ngắn. Đa phần họ nói giọng miền nam. Có khi thì gặp cả một đoàn thiếu nhi miền Nam. Trai gái đủ cả, chừng 12, 13 tuổi, mỗi đứa đeo một túi nhỏ và có một cây gậy chống dài ngoãng. Lúc lại gặp cả đoàn thương binh đến mấy chục người. Dù là mùa khô, mùa xe chạy, nhưng chắc cũng không đủ xe, nên vẫn phải có nhiều người đi bộ ra. Cảnh gặp nhau giữa rừng thì chào nhau ríu rít, vui như đi hội.

               Thường là gặp những đoàn ra như thế, chúng tôi lấy ra những lá thư đã viết sẵn, đưa nhờ họ mang ra. Mỗi đứa một lá, có đứa hai ba lá, nên mỗi người phải nhận cả tập thư. Thời gian ấy chúng tôi còn có tem thư, mỗi lính lại được phát cả chục chiếc tem nên thư nào chúng tôi cũng dán tem. Dặn nhờ  người mang là cứ khi nào gặp hòm thư thì bỏ hộ vào đó cho tiện. Chả biết bao giờ thư về tới nhà, nhưng vẫn cứ viết cứ gửi như thế, với suy nghĩ đơn giản là khi nhận được thư, bố mẹ biết là đến lúc đó con mình vẫn còn sống.

              Tôi cũng nhiều lần viết thư như thế. Chỉ toàn viết thư về nhà thôi. Mỗi lần gửi được thư là lại đánh số và ghi vào cuốn sổ tay bé tí. Dọc đường hành quân thì vừa đi vừa ngó nghiêng nhìn cảnh vật, nhất là ở những đoạn đường bằng đều đều chân bước. Lớp trẻ chúng tôi khi đó được giáo dục lòng tự hào đất nước ta "rừng vàng biển bạc", nên tôi cố gắng tận hưởng tất cả cảnh đẹp mà mình nhìn thấy dọc đường. Mà quả là cũng luôn tin như thế. Cái mà tôi thích nhất là củi rừng. Chỗ nào cũng có củi. Dừng chân bất cứ đâu, dù bãi khách xấu đẹp hay rộng hẹp thì việc vơ lấy mấy cành cây để nấu hăng-gô cháo cá nhân quá dễ dàng. Chẳng bù cho ở nhà, mỗi tháng cả nhà chỉ được mua 10 hay 15 kg củi theo phiếu phân phối và độ 30 kg than ướt. Chính vì thế mà trong nhà tôi có một thứ vật dụng rất quý là con dao dựa mài sắc. Những ngày tháng bảy mưa bão là những ngày hết sức háo hức. Tôi chờ từng đêm có bão gió to để quần đùi áo may-ô cùng bọn thanh niên choai trong phố đi chặt cành cây đổ. Cành xà cừ lúc tươi chặt rất dễ, để khô nó quánh lại đẽo ra đun đượm lửa vô cùng. Mùa bão qua đi là nhà tôi cũng có đủ số củi bằng tiêu chuẩn phiếu hơn nửa năm trời và tôi luôn tự hào với thành tích đó. Sau này vào bộ đội, lên Bãi Nai huấn luyện đi chặt củi rừng vào các chủ nhật, tuy có khá hơn ở nhà, nhưng những ngày đi lấy củi vẫn là vất vả đối với chúng tôi và càng ngày càng phải vào rừng sâu hơn. Đi lấy củi vẫn là một công tác khó nhọc mà chúng tôi rất ngại.

              Bây giờ vào giữa rừng Trường Sơn thì thấy quả là rừng vàng. Mà lạ cái là đi trên tuyến Tây Trường Sơn thuộc đất bạn Lào, nhưng tôi không hề thấy có cái cảm giác của người được đi ra nước ngoài. Vẫn như là đất của nước mình vậy. Rừng "vàng" không phải chỉ là củi đâu thôi, tuy đó là thứ tôi cảm nhận thích nhất. Thú rừng, một nguồn thực phẩm quý và nhiều mà sau này chúng tôi săn bắn được để cải thiện thì lũ bạn ở nhà đi học (bọn con gái và những thằng con một ấy mà) có mà nằm mơ cũng không thể nào hình dung ra được. Còn cảnh đẹp thì miễn chê. Tôi đã tận hưởng và sau này nghiệm lại thì mọi thứ phong cảnh hữu tình, ở núi rừng Trường Sơn đủ cả (không khí trong lành và tôi chưa hề có trong đầu khi đó khái niệm gọi là "ô nhiễm môi trường"). Chỉ riêng chuyện nơi đây có thứ cây xương rồng mà thân gỗ của nó dùng được để làm cột nhà thì đã không gì có thể so sánh được rồi.

               Hồi hành quân dã ngoại ở ngoài Tân Lạc, tôi đã kể về chuyện có những giò phong lan rừng đã làm ngây ngất những thằng nhà chơi cây cảnh tới mức cố lấy và cất công mang hơn trăm cây số đi bộ về làm quà dịp nghỉ phép. Những thằng mù tịt về cây cảnh như tôi chỉ có cảm nhận chung là đẹp thôi.

               Từ Binh trạm 41 trở vào có nhiều rừng già, dốc cao. Gặp mưa nhiều hơn. Nói chung hành quân trong rừng mà gặp mưa thì kiểu gì cũng ướt. Đừng mong che khô người bằng tấm ni-lon. Đi ở chỗ quang thì còn được, chứ rừng rậm mà quàng ni-lon vướng cành cây thì chỉ có rách. Mà rách thì sau này lấy cái gì dùng? Ngay lính giao liên cũng chỉ thấy họ quàng cái tấm ni-lon bằng vải đựng gạo đồ cắt ra, chỉ quàng che mỗi chỗ vai và cái gùi nhỏ. Phải nói là chúng tôi khi ấy được phổ biến kỹ càng và có ý thức giữ gìn ghê lắm. Biết là lúc đi B được trang bị đầy đủ mọi thứ đấy, nhưng chắc chỉ có một lần, không lấy đâu ra mà cấp lại. Ngay cả hai thứ căn bản là Tăng và võng, nó che chở mưa nắng cho mình lúc còn sống, và nó cũng sẽ là thứ cuối cùng theo mình sang thế giới bên kia, nếu số phận mình chỉ có vậy.

              Một lần chúng tôi gặp một cánh rừng vô cùng nhiều hoa Lan. Tôi không biết hoa Lan có bao nhiêu loài, tên riêng là gì, nên gọi chung chúng là hoa Lan rừng. Cành dài đầy hoa trắng muốt như mọc ra từ một cành cây rừng trên cao. Nếu chỉ dăm bảy cành thì chẳng gây ấn tượng bao nhiêu. Đằng này nhiều đếm không xuể. Không biết cây rừng ở đây là loại gì mà hoa Lan ký sinh trên đó nhiều vậy. Trắng cả một khoảng rừng. Không thể không reo lên thích thú và đòi nghỉ giải lao để ngắm. Rất nhiều thằng chặc lưỡi hít hà tiếc rẻ. Anh giao liên chỉ cười, bảo vùng rừng này nhiều lắm. Lán giao liên nào ở binh trạm cũng lấy về treo dăm cành. Thật đúng là rừng vàng. Nhưng thôi, đường ra chiến trường còn ở phía trước. Hẹn ngày chiến thắng trở lại đây kiếm nhành hoa Lan rừng thật đẹp tặng cho người con gái của đời mình thay bó hoa Lay-ơn ngày cưới.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #325 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2010, 09:50:09 am »


              Ngày hành quân thì ngắm cảnh rừng. Đêm về nằm võng thì bắt đầu nghĩ về nhà và mơ những chuyện cổ tích. Mơ cả chuyện Việt nam và mơ cả ở những phương trời xa xôi. Lớp phổ thông của tôi có nhiều bạn gái sang Nga học. Không biết có ai đến thành phố Leningrat để được thưởng thức đêm trắng như câu chuyện tình lãng mạn trong phim "Belưie Notri" không? Nằm giữa rừng Trường Sơn mà mơ mình là chàng hoàng tử phóng ngựa đấu kiếm để cứu nàng công chúa bị nhốt trong lâu đài thì cũng thấy khoái lắm, quên cả gian nan vất vả ban ngày. Rồi lại lẩm nhẩm đếm xem mình đã gửi về nhà bao nhiêu lá thư, và chúng đã đi tới đâu.

               Hôm hành quân từ trạm 43A sang trạm 43B, tôi cũng đi ở một tốp sau cùng với đại đội phó Hảo. Đoạn đường này có nhiều dốc dài thoai thoải, nhiều cây rừng già và khe suối đá rộng. Cũng là sau bữa cơm trưa, được nghỉ lâu một chút. Chỗ này quang đãng rộng rãi nên khi tôi muốn đi giải quyết nỗi buồn âm ỉ, thủ trưởng Hảo bắt tôi đi dọc theo suối vào sâu trong rừng một quãng xa. Đi độ ba chục mét tới một khe đá, tôi bỗng hoa mắt lên khi nhìn thấy trong khe đá trắng xóa một đống thư. Phải là hàng vài trăm, không, có lẽ tới cả ngàn bì thư được bỏ xuống đấy như được trút ra từ cái bao tải khổng lồ. Tôi kêu lên gọi thủ trưởng Hảo. Cả tốp lính chạy tới. Chúng tôi nhặt lên xem, thấy địa chỉ nhận là nhiều vùng quê miền Bắc. Tại sao những lá thư này lại ở đây. Phải nói lúc ấy cái cảm giác thật khó tả. Ngạc nhiên và không thể lý giải. Người lính quân bưu nào hy sinh nơi đây ư?

               Thủ trưởng Hảo đúng là người lính già đầy kinh nghiệm. Chỉ vài phút, ông đã luận ra được đây là thư của những người lính đang trên đường vào chiến trường như chúng tôi. Họ đã gửi những lá thư viết vội dọc đường, nhờ những tốp cán bộ hay thương binh đi ngược đường đem ra Bắc. Những lá thư ấy nhiều quá đến mức là món hành lý nặng cho người mang. Để nhẹ gánh, họ đã vứt lại nơi này. Có một cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ. Sao họ không đem gửi vào binh trạm rồi lúc nào đó thuận tiện thì binh trạm gửi ra?

             - Có lẽ không dễ làm như vậy, vì từng này thư mà mang đến trạm cũng rất xa, mà chưa chắc đã có ai nhận gửi. Khi con người ta leo núi quá mỏi mệt thì "Con ruồi đậu nặng đồng cân". Cũng không nên trách họ quá, các cậu ạ.

            Đại phó Hảo trầm ngâm nói vậy. Và ông bảo chúng tôi châm lửa đốt hết số thư ấy trong khe núi, vì để đó cũng không ổn. Chờ đám cháy gần hết, chúng tôi múc nước suối dập tắt hết tro nóng, rồi lên đường đuổi theo đơn vị. Tôi còn nghĩ mãi về chuyện này, cảm thấy nó ngậm ngùi thế nào ấy. Và cũng từ hôm đó, suốt dọc đường hành quân vào chiến trường, tôi không còn hứng để viết thư gửi về nhà nữa.

*

               Trong thời gian đi trên Trường Sơn, chúng tôi chỉ họp theo trung đội. Phần vì không mấy khi có bãi đất rộng, phần vì lý do an toàn nên không tập trung cả C. Tin tức thời sự rồi cũng thưa dần. Chúng tôi chỉ cặm cụi đi hết ngày này sang ngày khác, mặc kệ cho bao giờ tới nơi thì tới, chứ không còn háo hức muốn  vào nhanh đơn vị chiến đấu để đánh trận như lúc mới hành quân nữa. Sự khắc nghiệt của rừng núi bắt đầu xuất hiện. Trong các đại đội bắt đầu có sốt rét. Chúng tôi phải chia nhau mang đồ đoàn và dìu người ốm hành quân. Cái món sốt rét này rất lạ, nhiều lúc cứ như giả vờ ấy. Trời bình thường mà thấy có thằng kêu rét, sờ đầu thấy nóng. Chỉ có ở binh trạm mới có y tá, còn trong đội hình hành quân không có. Chúng tôi tự lấy thuốc Nivaquin được phát theo cá nhân để uống. Ngày 4 viên, chia 2 lần. Thằng ốm chẳng ăn được mấy, dù là cháo, nhưng vẫn bắt uống thuốc. Viện Nivaquin rất đắng. Ấy vậy mà hôm sau, thằng sốt lại có lúc vùng lên đi băng băng như thi việt dã, thằng khỏe theo không kịp. Nhưng đó mới là dạng sốt bình thường. Trong tiểu đoàn đã có thằng sốt ác tính, khiêng vào trạm xá binh trạm, sau này không gặp lại. Nghe nói đã nằm lại Trường Sơn, trở thành liệt sĩ mà chưa được ra trận lần nào. Trong C tôi cũng có 2 thằng sốt rét nặng phải gửi lại binh trạm, sau này được nhập vào trạm làm lính giao liên, hết chiến tranh cũng trở về nhà. (Một thằng trong số đó năm 1974 còn được ra Viện Quân y 103 học Bác sĩ. Đến đợt những năm 1980 nó đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức rồi định cư luôn bên đó).

            Thế mới biết đường ra trận cũng gian nan, đâu phải chỉ có bom đạn kẻ thù. Sau này lính tráng chúng tôi cũng lần lượt nếm mùi sốt rét hết. Người ta bảo, không bị sốt rét thì không phải là lính Trường Sơn. Có thể không chết ngay, nhưng nó làm tổn hại sức khỏe lính tráng rất nhiều. Anh nào bị sốt nhiều còn bị ảnh lưởng tới gan và lá lách. Khi chúng tôi vào tới mặt trận mà mình được bổ sung, còn gặp một trường hợp thương tâm và ít nhiều ảnh hưởng tâm lý. Có một anh ở chiến trường 7 năm, bị sốt rét nhiều đã sa lá lách đến gần độ 4, mạng sườn to như đàn bà có chửa. Đơn vị cáng anh ấy ra, nghe nói anh ấy sẽ được ra Bắc. Đi ngược chiều đoàn quân vào của chúng tôi, những người cáng anh ấy trượt chân ngã, tất cả cùng lăn xuống dốc. Anh ấy bị vỡ lá lách, chết ngay trước mặt đám lính trẻ chúng tôi. Thần chết quả là phũ phàng trước số phận con người.

Logged

MUCTAU
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 534


« Trả lời #326 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 12:38:17 am »

 Chuyên đống thư làm em thấy thế nào.
 Ông anh em kể, có lần một người lính nhờ ông mang thư ra Bắc. (ông này lái xe dân sự). Ông thấy nhiều thư có vết máu đã khô liền lấy bút bic ( là của hiếm bấy giờ) viết thêm ý rằng đấy là máu của người quân bưu chứ không phải máu người viết thư. Để thân nhân ở quê đỡ lo.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #327 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 08:41:14 am »


         Tôi là thằng thích học văn (dù học toán xuất sắc hơn), thích những câu chuyện lịch sử của cả Ta và Tây, của cả Việt và Tàu. Những thằng trong cùng A huấn luyện ngoài Bắc với tôi còn sống, đến bây giờ gặp nhau vẫn còn nhắc lại chuyện khi hành quân vào Nam đã có may mắn ở cùng A với tôi. Tôi đã giúp cho những ngày hành quân trên Trường Sơn của chúng nó bớt buồn tẻ và đơn điệu. Chả là sau khi hành quân từ Trạm 5 vào được dăm hôm, một tối chúng tôi đem chuyện Thủy Hử ra tranh luận xem cuộc sống của các hảo hán Lương Sơn Bạc có gần giống như Trường Sơn không. Tôi đã đọc ra vanh vách cho chúng nó nghe rằng trước khi về Lương Sơn thì các Hảo hán còn ở những núi nào. Từ núi Thiếu Hoa của bọn Chu Vũ, Trần Đạt, Dương Xuân đến núi Đào Hoa của Lý Trung và Chu Thông rồi núi Nhị Long của Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, hay núi Thanh phong của Yến Thuận, Vương Nụy Hổ… Có nhiều đoạn văn tả cảnh chiến trận, hay lời nói của các hảo hán, tôi đọc vanh vách.

          Chúng nó tròn xoe mắt. Thế là từ hôm đó, cứ tối đến sau lúc cơm nước và nghe phổ biến về lịch hành quân hôm sau, dăm bảy đứa trong A lại mắc võng túm tụm một chỗ, hoặc trải ngay ni-lon trên lớp lá rừng nếu trời khô ráo, quây quần nghe tôi "đọc" truyện. Hết Thủy Hử lại đến Tam Quốc. Hết chuyện sử xa xưa, lại đến chuyện cận đại, như "Hầm bí mật bên sông En-bơ" hay "Nam tước Phon-gon-rinh". Đặc biệt có truyện "Nữ tài tử" chưa in thành sách mà chỉ là truyện đăng nhiều kỳ trên báo QĐND thì hầu như là của độc của riêng tôi. Câu chuyện kể về nữ gián điệp Li-di-a, con gái của một sĩ quan Bạch vệ cũ được tung vào Liên-xô sau Thế chiến thứ hai. Cả một lực lượng phản gián đông đảo của an ninh Liên-xô trong một thời gian dài chỉ tìm được dấu tích của cô gái còn lại, sau khi sự việc đã xảy ra. Việc thu phục cô gái chỉ nhờ tình người chứ không phải biện pháp nghiệp vụ…

         Những tối kể chuyện dọc đường hành quân đó quả là niềm vui thú vị trong A tôi. Người "đọc" truyện cũng hào hứng, mà người nghe cũng say sưa. Chúng nó rất thích giọng đọc truyện đầy truyền cảm của tôi. Có thằng còn phong cho tôi là "Kim Cúc đọc truyện đêm khuya". Mỗi tối như thế, tôi rì rầm độ 30 phút rồi kết thúc để còn đi ngủ, dành sức cho ngày hôm sau hành quân. Tất nhiên hôm nào mệt quá hoặc gặp trời mưa thì buổi "tự đọc chuyện đêm khuya" phải hoãn.

         Những cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc để có thể kể cho chúng nó thì rất nhiều, nhưng đường hành quân liên miên nên kể mãi rồi cũng có lúc oải. Chúng tôi quay sang kể cho nhau nghe chuyện gia đình của mình. Trong A tôi có thằng đã cùng học phổ thông với tôi, nhưng thực tình chúng tôi cũng chỉ biết về nhau rất sơ sơ, đại loại nhà ở đâu, có mấy anh chị em, ai học hay làm gì. Nhiều hơn nữa thì biết thêm tên bố mẹ. Ngày đó người ta ít gọi tên bố mẹ ra như bây giờ mà còn kiêng kỵ, giống như ở nông thôn gọi theo tên con cả. Bây giờ trên đường hành quân mới có dịp kể ra cho nhau nghe. Kể về gia đình mình cho bạn nghe, cũng chính là tự trầm ngâm nhắc về người thân để vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhất là thằng nào xác định có bạn gái thì kể ra, chẳng còn giấu diếm gì nữa. Có thằng kể chuyện bạn gái mình là cô bạn cùng lớp, con một ông thứ trưởng, nhà giàu. Chuyện có xe đạp mà lại thích rủ nhau đi tàu điện để được đi bộ với nhau một đoạn dài, tha hồ ngắm trời đất mà trò chuyện cùng nhau ra sao... Ngày đó rủ được đèo nhau bằng xe đạp cũng khó lắm. Có ý đấy, nhưng đứa nào cũng sợ chuyện gán ghép. (Trong đám lính bạn học với tôi có tới 3 cặp yêu người cùng lớp. Sau này cả 3 thằng đều trở về và có hai cặp thành công. Còn thằng có câu chuyện tình thơ mộng nhất thì bạn gái đã đi lấy chồng trước ngày 30 tháng tư lịch sử).
*

           Cao tít trên Trường Sơn vẫn có những bản người dân tộc. Không hiểu họ sinh sống bằng gì. Chỉ đôi ba lần gặp, thấy họ đứng bên đường đem sắn, chuối đổi cho bộ đội lấy bất cứ thứ gì họ cần. Từ cái kim băng, kim khâu, sợi chỉ, đến cả viên đá lửa cùng những lọ xăng bé tẹo. Chúng tôi không gặp nương rẫy nào. Chỉ có một lần gặp một bản nhỏ chưa tới chục nóc nhà. Con đường đi vòng qua cạnh bản, nhưng không hiểu sao đến giữa đội hình thì cứ thế cắt đường đi tắt qua bản. Chỉ có vài đứa trẻ, vài phụ nữ già ngồi trên sàn nhà chỉ cao độ hơn mét im lặng nhìn chúng tôi lũ lượt đi qua. Nhưng cuối bản thì chúng tôi thấy có một cô gái tuổi như chúng tôi đứng ngay trên sàn nhà. Trang phục đơn sơ, nhưng ấn tượng vì ai cũng nhận ra vẻ đẹp cùng nước da trắng của cô gái. Im lặng đi qua, không dám chào hỏi, chòng ghẹo, nhưng từ quan đến lính ai cũng ngước mắt nhìn vì ngỡ ngàng. Đi qua rồi còn khối thằng ngoái lại nhìn. Chuyện này ghi nhớ bởi đa phần những người dân tộc mà chúng tôi gặp sau này đều có nét chung là đen, gầy và khắc khổ.

   …
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #328 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2010, 06:07:06 pm »

Sau hơn 12 giờ đồng hồ cố thủ trong nhà  nghỉ Như Phước (đường Nguyễn Sinh Cung,TP Huế) với một khẩu AK và 36 viên đạn, đối tượng Nguyễn Văn Minh (SN 1988, quê ở Sơn Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), thuộc Trung đoàn 19 sư đoàn 968 bộ binh, đóng quân tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã bị lực lượng đặc nhiệm khống chế thành công vào hồi 5h30 phút ngày 17/1/2010.
-------------------

     Sư đoàn bộ binh 968 thời chống Mỹ thuộc bộ đội Trường Sơn, có đến cả chục ngàn người từng phục vụ. Tôi vẫn mong chờ có đồng đội cùng Sư thời đó vào đây tiếp sức. Bây giờ chỉ nghe đến tên "968" là đã thấy nao nao trong lòng rồi.

     Thế mà hôm nay vào mạng đọc được tin này. Thất vọng với chú hậu sinh này quá.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #329 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2010, 07:34:01 am »



              Sau khoảng hơn một tháng hành quân tính từ trạm 5, chúng tôi tới Trạm 44. Tất cả được nghỉ một ngày tắm giặt và bổ sung lương thực cùng một chút thực phẩm, chủ yếu là muối. Đây là lần cuối cùng đường dây 559 cung cấp gạo và thực phẩm cho đơn vị. Từ ngày mai, chúng tôi sẽ rời trục đường chính của Trường Sơn, rẽ nhánh đi sang hướng Tây Nam. Bây giờ thì chúng tôi biết mình sẽ được bổ sung cho chiến trường Nam Lào. Giao liên của đường dây 559 giao chúng tôi cho bộ phận nhận quân của mặt trận Nam Lào. Từ đây trở đi sẽ không còn binh trạm, không còn bãi khách nữa. Điểm dừng chân sau mỗi ngày hành quân sẽ do cán bộ nhận quân của mặt trận quyết định.

              Đường sẽ nhánh sang phía Tây chưa phải đã hết dốc ngay. Rừng núi vẫn chập trùng trước mặt. Đường đi của chúng tôi cắt ngang liên tiếp các con đường trục của xe cơ giới. Nói thật là thấy đường có vết xe chạy cắt với đường hành quân bộ thì biết là đường xe thôi, chứ tất cả những con đường ấy đều là đường đất trong rừng. Bạt núi mở rừng mà tạo đường, san lấp cũng chỉ là đất đá tại chỗ. Những con đường đó có thể biến mất chỉ qua một hai mùa mưa mà không có xe chạy. Cảnh vật lúc này vẫn chưa khác cũ là mấy vì nó vẫn thuộc dãy Trường Sơn. Sau ngày thứ nhất, chúng tôi được nghỉ giữa một cánh rừng già. Tự chọn chỗ nấu cơm, phạt bớt cây rừng và mắc võng. Nói chung là dừng chân chỗ nào thì cũng phải có suối, dù to hay bé để có nước mà nấu cơm. Từ hôm vào Trường sơn không gặp cái ao hồ nào.

              Hết ngày thứ hai thì đã thấy bớt núi rừng hơn. Đường đi có vẻ xuống dốc. Dọc đường qua nhiều chỗ có dấu vết của bom đạn, nhưng chỉ là dấu tích của quá khứ. Có rất nhiều khu rừng non lẫn trong rừng già. Bây giờ mới biết thực tế đến cái gọi là rừng tái sinh. Cả một khu rừng rộng chỉ toàn những cây nhỏ đều nhau. Cây nào to lắm cũng chỉ bằng bắp chân. Xen trong đám rừng còn sót lại nhiều thân cây đổ nằm ngang cháy chưa hết, hoặc những thân cây chết đứng to cỡ người ôm. Chúng tôi còn gặp một số đồi cỏ tranh. Buổi chiều đi trên đó thấy gió thổi mát rượi.

           Có hai loại rừng đặc trưng của vùng này khiến tôi nhớ mãi. Một là rừng Bằng Lăng. Chưa phải mùa hoa nên chỉ toàn rừng cây xanh lá. Tôi nhận ra loại cây này vì nơi nhà tôi ở ngoài Hà Nội cũng có vài cây. Hoa Bằng Lăng màu tím, nở sau hoa Phượng mùa hè, nhưng lại tàn nhanh trước. Quả của nó to tròn và cứng, chỉ dùng để ném nhau thì tốt. Thân cây Bằng Lăng không thẳng mà mọc cong queo, lắm cành. Trong này cũng thế. Tuy rừng cây Bằng Lăng bạt ngàn và nhiều cây rất to, thân cây có đường kính tới ba chục phân, nhưng cũng không thẳng để có thể làm cột nhà. Sau này đóng quân gặp loại rừng này, kiếm gỗ làm hầm chữ A còn khó.

              Cuối ngày thứ hai chúng tôi dừng chân cạnh một rừng cây Săng- lẻ. Loại cây này thoáng trông giống cây bạch đàn, vỏ trơn, thân trắng. Có lẽ nó cũng cùng họ với cây Bạch Dương mà tôi nhìn thấy trong các phim của Liên-xô. Ở đây toàn cây Săng-lẻ to từ cỡ một người ôm trở lên, cao đến trên hai chục mét. Nắng chiếu xuống tới đất chỉ nhạt và lốm đốm như những tấm vải hoa. Loại cây này nghe nói rừng miền Trung của mình cũng nhiều. Gỗ của loại cây này là thứ tốt số 1 dùng cho đóng thuyền đi biển.  Trong rừng ở đây còn có bãi rộng, dấu vết của một đơn vị xe ô-tô, nhưng không thấy chiếc xe nào. Chúng tôi dừng lại đó vì có một con suối to nước rất trong. Chỉ tội kiếm chỗ mắc võng khó, nên hầu như chúng tôi vun lá rồi trải ni-lon, ngủ đêm quanh gốc cây. Rừng Săng-lẻ rất sạch sẽ, ít muỗi.

               Đã sang hẳn đất Nam Lào rồi vì đây thuộc tỉnh Sa-ra-van. Vùng này là bình nguyên. Chúng tôi đã gặp một số bản người Lào, nhà cửa lèo tèo. Có điều là dù bé thế nào thì cũng vẫn là dạng nhà sàn. Thi thoảng cũng gặp một cái nương nho nhỏ. Nhưng dân vùng này rất nghèo, nhìn họ ăn mặc xơ xác lắm, thua xa bộ đội.

              Ba ngày sau, chúng tôi được tập trung ngay tại một cánh rừng thưa gần một bản nhỏ. Đến đây, 3 đại đội của tiểu đoàn 52 (ngoài Bắc) chúng tôi được bổ sung cho sư đoàn 968, nhưng lại bị xé lẻ luôn (lần trước một C đã tách ra ngay trên Trường Sơn để bổ sung cho chiến trường miền Nam nên tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn 3 đại đội). Một C rưỡi bổ sung cho Trung đoàn 19, còn C tôi và nửa C nữa thì về Trung đoàn 9b.

               Một điều bất ngờ là các cán bộ cấp phó B, C của đơn vị ngoài Bắc chúng tôi được Sư đoàn trả về Bắc cho BTL Thủ đô. Mỗi C có 5 người gồm 4 B phó và 1 C phó. Đại phó Hảo thân yêu của chúng tôi cũng nằm trong số được quay ra Bắc. Các anh ấy mừng như cha… chưa chết và ríu rít chia tay chúng tôi. Các anh ấy vui, còn chúng tôi, nói thật là cũng chưa biết gì để mà buồn. Chỉ có một buổi chiều để chia tay. Bây giờ chẳng còn gì để làm quà cho các anh ấy cả. Vỏ chăn và cả màn xô chúng tôi vẫn đang cần. Mũ cối và giầy vải gần như đã vứt hết dọc đường. Chỉ còn một số thằng còn giữ mấy tờ tiền Bắc, thôi bây giờ đem cho các anh nốt, kỷ niệm cũng chẳng để làm gì. Đại phó Hảo được quan tâm nhất vì quê hương Hà Tĩnh cũng là nơi tuyến lửa. Có điều khi các thủ trưởng bảo chúng tôi viết thư để mang ra, hầu như không mấy ai viết. Cái vụ đống thư bên khe suối ngày nào vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Thôi, để cho các thủ trưởng nhẹ gánh, chân cứng đá mềm để quay trở về hậu phương miền Bắc.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM