Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:00:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323526 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #580 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 02:20:29 pm »


@Trongc6: Bên cạnh cái nghề ĐTVT của bác, theo tôi bác phải có 1 cái nghiệp nữa là nhà Lào học, có phải thế không bác Grin
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #581 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 03:53:37 pm »

@bop:
Trích dẫn
Các máy bay bổ nhào mà không thấy tiếng bom nổ. Vừa đẩy du xích lên thước ngắm 3, Tế phán đoán:

- Có lẽ nó thả bom vướng vào cây nhiệt đới, thủ trưởng ạ.

Tế tì nòng súng vào thân cây cụt, ghì chắc súng vào vai, hướng nòng súng về phía địch, chờ thời cơ.

Qua khe ngắm, một chấm đen cứ to dần rồi choán cả hết khe ngắm.

- Pằng pằng pằng… pằng pằng pằng… pằng pằng pằng…

Tế nháy cò điểm xạ ba lần liền, mỗi lần ba viên theo kiểu của những anh chàng bộ binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Chiếc máy bay lạng đi, kéo theo cột khói đen mỗi lúc một to rồi cắm thẳng xuống, mất hút trong màu xanh bát ngát của rừng già đại ngàn, để lại trên bầu trời vệt khói đen kịt đang loãng dần.

Theo tôi có lẽ là sai sót do gõ bàn phím thôi, có thể là... Có lẽ nó thả bom vướng và cây nhiệt đới, thủ trưởng ạ.
Cái hay và khó là điểm xạ ba viên một lần, lính bộ binh chưa được tập bài này... Grin
Logged
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #582 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2012, 03:23:53 pm »


   Ngôi chùa bản Sen Vàng làm toàn bằng gỗ to đẹp và có dáng dấp quen quen như đã từng nhìn thấy. Nhưng to và đẹp hơn tất cả các ngôi chùa làng mà tôi đã gặp. Quả thực là ngày ở nhà tôi hầu như không coi trọng chuyện đi chùa, ngôi chùa làng tôi thì bé không đủ chứa dân cả xóm cùng vào một lúc.

   
   

Xin chào bác Trong C6. tôi theo dõi mấy bài gần đây và nhận thấy bác hiểu biết rất nhiều về  nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quan đất nước bạn Laos, nhất là những chi tiết sinh hoạt công tác của bộ đội mình. tôi xin bổ xung hai ý sau, mong các bác tham khảo:
- Về hiện tượng đã gặp trong một ngôi chùa và thắc mắc của bác là tại sao toàn thấy sư trẻ con. Theo tôi đó là một tập tục của các dân tộc vùng cao, cũng giống như tập tục của người Khơ me Kampuchea. Đó là tập tục (tu báo hiếu). Theo truyền thuyết, nguồn gốc việc tu báo hiếu của người Khmer xuất phát từ câu chuyện về hai mẹ con người Khmer. Vì chồng mất sớm nên người mẹ trong câu chuyện này phải thay cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Là một đứa trẻ thông minh, có lòng nhân từ nên từ nhỏ khi thấy mẹ sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma - đứa con trai - đã trốn mẹ lên chùa gần nhà để xin được đi tu nhằm phần nào hóa giải tội lỗi giúp mẹ. Khi người mẹ chết, linh hồn của bà đã không bị quỷ dữ hành hạ dù bà đã sát sinh rất nhiều khi còn sống. Bà có được sự may mắn đó chính là nhờ đức độ tu hành của con mình đã giúp bà hóa giải những tội lỗi. Từ đó câu chuyện cảm động, người con trai Khmer đến tuổi trưởng thành đều đến chùa tu một thời gian để tạo phước báu cho cha mẹ như một cách báo hiếu công sinh thành dưỡng dục. theo đó những người con trai, để cộng đồng công nhận trưởng thành thì phải qua thời gian xuất giá, xuống tóc tu hành tại một ngôi chùa trong khu vực. Trước đây thời gian tu báo hiếu có thể tới mười năm nhưng nay do nhiều yếu tố tác động xã hội như hoàn cảnh mỗi gia đình, khả năng kinh tế và tác động những vấn đề cộng đồng xã hội mà thời gian tu có du di phù hợp, thậm chí từ lúc làm lễ nhập tu đến lúc hoàn tục chỉ có hai mươi bốn giờ đồng hồ.
- Vấn đề thứ hai là các loại xương thú mà các bác nhặt đãi trong đất chắc không còn giữ được các chất vì nó đã bị phân hủy do môi trường, còn cái loại cao mà cấp trên phát về cho quân y mỗi đại đội, có lẽ là cao trăn, cao khỉ hoặc một hay nhiều loại thú nhỏ và với kĩ thuật nấu (tồn tính)  với thời gian khoảng ba ngày, loại này tôi đã thực hành trên sáu tấn trăn tươi và khoảng vài trăm con cháu họ tôn già rụng hết răng ở biển hồ Kampuchea. Nói chung tác dụng dược lý cũng rất tốt tùy loại ứng vào lục phủ ngũ tạng (can, tâm, tỳ, phế, thận)  của cơ thể con người, nhưng chủ yếu bồi bổ, nâng cao thể tạng, mạnh gân cốt, hoặc tăng sinh lực. Riêng  kĩ thuật nấu cao CỐT thì nhiêu khê và tốn nhiều thời gian(7 ngày), thậm chí đến giờ phút chót có thể hỏng hoàn toàn. Xin chào bác và các bác trong topic, chúc mọi người khỏe mạnh.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #583 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2012, 10:45:34 am »

@ LexuanTuong và VeTran:

 Chúng tôi ở gần và lâu với dân Lào nên cũng có dịp tìm hiểu đôi chút.

Mà người Lào quả là nhân ái các bác ạ. Trước đã vậy và giờ cũng thế thôi. Chính sách của họ luôn ôn hòa, không có giọng điệu hung hăng bao giờ. Xin kể thêm 2 chuyện này để biết sống với họ dễ chịu ra sao.

1. Tụi thằng Khiêm (hỏa lực) một lần đi công tác lẻ có nghỉ mấy ngày ở bản dân. Hai ngày đầu, cứ mỗi chiều, chủ nhà đi nương về lại vác cho chúng nó một cây mía tím to tướng. Mỗi thằng được hai tấm cũng đủ rửa răng.

Ngày thứ ba, chúng nó lần mò ra nương dân phát hiện ở một góc nương có bụi mía tím độ dăm cây. Chúng nó hạ xuống chén sạch.

Thế mà chiều về chúng nó còn hỏi khi không thấy chủ nhà mang mía về như hai hôm trước. Chủ nhà bảo: "Lúc chiều thấy bộ đội Việt ở ngoài nương đã ăn hết sạch cả mía rồi mà. Lúc ấy thấy bộ đội có súng nên sợ không dám ra nói".

Tụi thằng Khiêm im lặng, chắc lúc đó chỉ mong chui xuống đất. Tối đó ba thằng  khăn gói xin phép chủ nhà đi thẳng, chuồn sang bản khác.

2. Lúc ở Bản Bun Thẹ với dân, thấy họ có vườn cam. Vì không phải bản bỏ nên hai chúng tôi không thể tự nhiên hái. Anh Hành cùng đi giả vờ hỏi: "Đây là quả gì, có ăn được không", rồi là "Ở VN không có loại quả này". Dân Lào thật thà nói tên quả rồi còn hướng dẫn cách ăn thử. Sau cùng là hái cho dăm quả cam to mang về cho mở mang thêm kiến thức, biết thêm một thứ quả của Lào mà VN không có (!?).

Thật đúng là Việt "gian".

Dân Lào họ thế đấy các bác ạ, chứ như vớ phải người dân tộc ở Tây nguyên hay vùng Trị Thiên thì "ăn" đủ. Mà đúng là sau này chúng tôi gặp được bài học nhớ đời thật.

@VeTran:

Tôi có đọc bên Topic của bác về cái vụ nấu cao ở Biển Hồ của bác. Ấn tượng lắm. Tôi nghĩ bây giờ bác khỏe và phong độ thế, chắc cũng phải nhờ cái vụ nấu và "ăn vụng" được ít cao thời đó.

Bác là dân trong nghề nên biết món "cao" đó, chứ chúng tôi lính tráng chỉ biết bảo sao làm vậy thôi. Với lại lúc đó chỉ rình ăn thôi chứ không mơ đến cao. Bác tính, cả C mấy chục lính mà chỉ có một cục cao thì có biết nó quý cũng không dám mơ.

Kính sức khỏe các bác.
Logged

vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #584 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2012, 10:40:55 am »

@ LexuanTuong và VeTran:

 Chúng tôi ở gần và lâu với dân Lào nên cũng có dịp tìm hiểu đôi chút.


@VeTran:

Tôi có đọc bên Topic của bác về cái vụ nấu cao ở Biển Hồ của bác. Ấn tượng lắm. Tôi nghĩ bây giờ bác khỏe và phong độ thế, chắc cũng phải nhờ cái vụ nấu và "ăn vụng" được ít cao thời đó.

Bác là dân trong nghề nên biết món "cao" đó, chứ chúng tôi lính tráng chỉ biết bảo sao làm vậy thôi. Với lại lúc đó chỉ rình ăn thôi chứ không mơ đến cao. Bác tính, cả C mấy chục lính mà chỉ có một cục cao thì có biết nó quý cũng không dám mơ.

Kính sức khỏe các bác.


 Kính chào bác Trongc6, sau khi ra trường, mới chân ướt chân ráo qua Phnompenh nhận nhiệm vụ tại binh trạm 179 cục vân tải TCHC. (bị) điều đi Xiemreap với nhiệm vụ nấu 60 kg cao bồi dưỡng cho sĩ quan tiền phương cục. Tôi nghĩ: nhiệm vụ giao thì nhận thôi chứ ở đời người ta gọi là đồng cân cao, lạng cao chứ chả ai nấu tới hàng chục kg cao vì lấy đâu ra nguyên liệu. Nhưng tới trạm Siemraep nhì thấy hai tấn con trăn lim dim ngủ trong kho là tôi biết có chuyện rồi, trong khi ngày nào các sĩ quan của trạm cũng đổi hàng tạ trăn, khỉ già bằng la vét gạo rơi vãi dưới tàu, xà lan từ Việt Nam qua, bổ xung vào kho. trải qua ba tháng nấu liên tục với một trung đội (thợ) toàn là lính cơ quan, tôi chỉ coi kĩ thuật. Thì số cao gửi về tuyến sau được tính đơn vị bằng tạ và chắc chắn phải có số lượng hơn một. Tuy nhiên lúc đó còn quá trẻ, tôi cũng không thắm thiết với các sản phẩm ấy. kết thúc đợt công tác, tôi được hưởng riêng khoảng hơn hai mươi cân cao trăn, khỉ, vài mét vuông da trăn, hàng chục mật trăn, nhưng khi ( được ) phong hàm sớm, được khen thưởng vì (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ) và đặc biệt (được) điều về ban quân y phòng hậu cần ở Phnompenh, thoát được tâm trạng phập phồng sợ tập kích (vì Xiemreap lúc đó là khu vực chiến sự nóng). Thế là với tâm thái thơ thới, tôi đưa thành quả của mình chia cho các sĩ quan chiến sĩ thân quen ở trung đoàn bộ, vì cũng chẳng biết khi nào mới được về tổ quốc mà gói gém về cho người thân. Nhưng bác Trongc6 biết không, mới rồi tôi có đọc một vài tài liệu nói cao trăn làm mạnh gân cốt, chữa thấp khớp nhưng sẽ có thể gây ra tình huống nghi ngờ của bà xã vì không nộp thuế đủ và hay  khất lần do uống cao trăn. May quá hồi ấy tôi ăn chắc khoảng nửa tạ thịt vào bụng vì đó là thực phẩm chính trong các bữa ăn tập thể trạm nhưng không ngâm uống lạng cao nào. Vậy các bác cũng chớ mong có cáo uống nhé. Tôi rất thích theo dõi bài viết của bác vì với đất nước triệu voi, tôi không có nhiều hiểu biết lắm ngoài một bộ phim gì trước năm 1975 nói về mối tình cô gái Lào với anh lính tình nguyện VN. Chúc bác và các bác trong topic khỏe. Thân
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Quân khí viên
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 322


« Trả lời #585 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2012, 10:56:57 am »

[......... mới rồi tôi có đọc một vài tài liệu nói cao trăn làm mạnh gân cốt, chữa thấp khớp nhưng sẽ có thể gây ra tình huống nghi ngờ của bà xã vì không nộp thuế đủ và hay  khất lần do uống cao trăn. .......
Vụ này em có đọc rồi, em định hỏi bác thì bác nói ở đây! Chuyện này có cơ sở không vậy bác Vệ. Bác có thể giải thích rõ vì sao không, để em biết mà tránh Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #586 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2012, 10:07:52 am »



   Trong thời gian nhóm chúng tôi đi công tác tìm xương hổ, anh Trịnh cũng phải chỉ huy một tốp 5 lính đi công tác lẻ. Các anh ấy đi có một tuần, đi sau mà về sớm hơn chúng tôi. Nhiệm vụ kể ra cho biết thôi chứ cũng chẳng biết gọi là gì.

   Số là một số thủ trưởng trung đoàn tôi được đi phép ra Bắc. Có thủ trưởng còn kết hợp về quê để cưới vợ. Chiến trường chẳng có quà gì, nhưng chả lẽ về thăm quê mà tay không. Thế là tiện có tiêu chuẩn đi xe riêng loại Com-măng-ca, mùa khô lại đang đến rồi, đường dễ đi, không phải tự thân mang vác nên các thủ trưởng nhớ ra món dù hàng. Của này thì lính D tôi gặp vô khối ngoài Saravan trong chiến dịch năm trước. Trận Paksoong hồi Tết 1973 cũng có nhiều. Thế là các tiểu đoàn cử lính đi tìm về. Anh Trịnh chọn đi hướng Saravan vì còn nhớ có những bãi đất địch đóng quân dã ngoại khi trước, lúc chúng rút đi chúng tôi qua đã gặp hàng đống dù hàng (dù caro xám) đã bó gập gọn vứt lăn lóc. Lúc đó đang đánh nhau, ai cũng có đủ dù dùng cho nhu cầu cá nhân rồi nên chẳng lấy thêm làm gì cho nặng. Bây giờ lại là lúc cần, thế là lên đường.

   Mò mẫm, loay hoay tìm theo khoanh vùng trên bản đồ từ nhà, nhóm anh Trịnh rồi cũng tìm thấy bãi đất có dù khi trước. Vải dù là loại pha nilon nên vứt đó cả năm chỉ bụi bẩn thôi chứ không hỏng. Hơi sức đâu mà giặt dù và chờ phơi khô, thế là các anh ấy chọn những cái vừa ý, bó chặt lại và mang về. Dù hàng mỏng mảnh thế nhưng khi xòe ra che kín cả cái sân rộng nên cũng nặng. Mỗi người "thồ" hai cái mà toát hết mồ hôi. Cuối cùng, cũng hoàn thành một nhiệm vụ "nước sông, công lính".

   Không phải cuộc sống của chúng tôi khi đó cứ bình lặng mãi, mà đã xuất hiện mầm mống của sóng gió. Người lính sống chết quên mình nơi chiến trận cho nhiệm vụ, song mặt sau của nó không thể không quan tâm.

   Cuối tháng 9, các nhóm lính ra dự Đại hội thi đua của Đoàn 559 và được kết hợp về phép đã lục tục trở lại đơn vị. Chuyện hậu phương là điểm sôi nổi nhất trong những buổi sinh hoạt tập thể của đại đội ở hội trường. Những người được may mắn về phép thì quá vui rồi. Có anh đã tranh thủ tìm hiểu và lấy được vợ chỉ trong vòng non tháng phép. Đồng hương cũng vui lây vì có nhiều tin tức từ quê nhà.

   Tôi nghe đài cũng có biết trong đợt máy bay B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội tháng 12/1972 đã thả bom trúng phố Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai. Nhà tôi nằm kẹp giữa hai khu vực đó nên cũng thấy lo lắm, nhất là mãi mà chưa nhận được thư nhà, dù đã viết về cả dăm lá. Gặp anh Ca, y tá đại đội, quê Hà Bắc đi phép đợt này vào, tôi bám lấy hỏi thăm. Anh ấy không thạo Hà Nội lắm nên nghe tôi tả khu vực nhà tôi mà mãi anh ấy vẫn không hiểu ra. Sau cùng tôi hỏi anh: "Thế cảnh quan tính từ ga Hàng cỏ đi ra, ngồi trên tàu hỏa anh thấy hai bên thế nào". Anh ấy bảo: "Ối giời ơi, từ ga Hàng cỏ đi ra nhìn thông thống đến công viên Thống Nhất. Hai bên đường toàn ruộng và bãi đất trống. Chả còn nhận ra cái bệnh viện Bạch Mai nó nằm chỗ nào". Thế là gay rồi. Tôi thừ người ra, không dám hỏi thêm nữa, lòng nặng trĩu. Tôi buồn cả tuần, lầm lì chả muốn nói chuyện với ai. Trong lòng lúc nào cũng thấy nóng và trống vắng.

   Nửa tháng sau, may quá, tôi nhận được thư nhà. Bố tôi kể tỉ mỉ những chỗ bị bom B52 ở Hà Nội. Rất may khu nhà tôi ở không làm sao cả. Gia đình tôi tại thời điểm đó cũng sơ tán lên Vĩnh Phúc, nên hoàn toàn bình an. Tôi nhẹ cả người.

   Không chỉ tôi mà lính tráng trong C hầu như ai cũng có thư nhà. Nhiều người vui vẻ và phấn khởi như tôi, nhưng có nhiều thằng buồn. Có mấy thằng quê Hà Tây và Nam Hà, gia đình thông báo là chúng nó đi Nam chỉ có mấy tháng đầu là gia đình nhận được tiền trợ cấp. Chả là khi đó loại lính binh nhì như chúng tôi đi B thì ở nhà mỗi tháng gia đình nhận được 10 đồng tiền trợ cấp đi B. So với lương kỹ sư 63 đồng một tháng thì chẳng đáng là bao. Chỉ có sĩ quan thì được trợ cấp nguyên lương, đủ để vợ con ở nhà sinh sống. Gia đình tôi và gia đình lính Hà Nội nói chung là nhận đủ, có lẽ là gần Trung ương và khi đó còn ít cái tệ nạn địa phương cường quyền, nên người ta chấp hành nghiêm chỉnh. Ở mấy vùng nông thôn và rơi vào trường hợp tôi kể, chính quyền địa phương không biết nghe từ đâu mà loan tin là chúng nó đào ngũ, đầu hàng địch rồi, thế là cắt trợ cấp. Tiền rợ cấp đã không được nhận mà còn mang tiếng với làng nước. Gia đình chúng nó viết thư vào kể, bức xúc lắm. Họ kể cả chuyện có đem mấy cái thư của con gửi về trình lên xã để chứng tỏ con họ vẫn đang chiến đấu ở miền Nam, nhưng địa phương không chấp nhận với bằng chứng là mấy cái thư đó. Mấy thằng lính đó bực bội, đứng ngồi không yên, chẳng muốn tập tành, sinh hoạt gì. Có thằng còn có nguyện vọng là về được ngay được nhà, đem theo khẩu AK lên xã xả mấy băng vào bọn ở Ủy ban cho nó hả giận. Không riêng ở C tôi, các C khác cũng lác đác có chuyện đó. Thế là các lính ấy tìm cách gặp nhau rồi đồng loạt đề nghị lên tiểu đoàn, trung đoàn. Xác định chuyện này có thật và ảnh hưởng lớn đến tâm tư tình cảm và sức chiến đấu của bộ đội, về sau Ban chính trị Trung đoàn phải cử cán bộ đem theo giấy tờ đầy đủ về tận từng địa phương đó minh oan và đòi lại chính sách cho anh em thì tình hình mới dần yên được.

   Đấy là chuyện quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương đã để xảy ra điều đáng tiếc. Trong nội bộ trung đoàn cũng có chuyện. Ở một C của K16, không hiểu từ đâu và từ lúc nào nảy ra mâu thuẫn giữa một thằng lính và chính trị viên đại đội ấy. Cán bộ chính trị chứ không phải quân sự, thế mới phiền. Thằng lính quyết tâm trả thù bằng máu. Nó kiếm một quả lựu đạn M67, đến đêm bò vào lán BCH đại đội cài vào chân giường. Giường làm bằng phên tre cả dãy dài. Lớ ngớ thế nào ban đêm một thằng liên lạc mò dậy đi giải, vấp phải dây cài. Nó bị vướng chân, nhảy vấp và lao ra ngoài cửa, kéo giật quả lưu đạn văng ra đó. May là quả lưu đạn loại 2 ngấn nên văng ra ngoài cửa mới nổ. Thằng liên lạc bị thương vào chân, còn BCH đại đội chỉ giật mình phát hoảng chứ không ai làm sao. Cả đại đội báo động và nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Thằng lính cài lựu đạn bị vệ binh trung đoàn xuống bắt giải đi, còn chính trị viên C đó về sau phải điều lên Ban Thanh niên trung đoàn. Đấy cũng là một bài học kinh nghiệm cho các cán bộ chỉ huy. Thế cho nên nói rằng trong chiến trường, tình cảm quan và lính phải như anh em gắn bó sống chết có nhau là hoàn toàn đúng và có cơ sở.

   Gần cuối tháng 9/1973, chúng tôi nhận một đợt tân binh Hà tĩnh. May là năm ngoái chúng tôi đã nhận một đợt tân binh Nghệ an ngoài Saravan nên cũng đã làm quen nhiều với thổ ngữ khu Bốn. Tuy thế nhưng nhiều khi chúng nó nói chuyện riêng với nhau, nói nhanh mình cũng không hiểu, đành lờ đi coi như không biết. Lính Hà Tĩnh có đủ dân vùng biển lẫn dân vùng núi. Bọn vùng núi có vẻ cứng cáp hơn. Đơn giản hơn vì chúng nó quen núi rừng, bây giờ lại vào rừng thì cũng chẳng phải ngơ ngác gì. Bọn ngoài vùng biển thì dè dặt hơn. Mấy ngày đầu về đại đội, chúng nó được phân về các trung đội để học chính trị chung, kết hợp chờ biên chế vì lính cũ chúng tôi cũng cần phải biên chế lại. Thế là mình cũng thành lính cũ rồi đấy, hơi oách trong con mắt chúng nó. Chúng nó kể nhiều chuyện ở quê rất hay, nhưng điều đáng để tôi phải nghĩ là nhiều thằng nói "đi bộ đội sướng hơn ở nhà". Chỉ xét về hai khía cạnh là ăn và mặc thôi. Bộ đội được mặc đầy đủ và ăn no. Ở nhà đói lắm, nhiều đứa kể cảnh nhà mà tôi không muốn tin, vì nó phảng phất hình ảnh gia đình chị Dậu trong tiểu thuyết "Tắt đèn". Không ngờ người dân khu Bốn trong chiến tranh có nhiều vùng khổ thế.

   Đầu tháng 10/1973, tôi lại đi công tác lẻ một chuyến nữa vào Cao nguyên Boloven. Gọi là đi lẻ nhưng thực ra cả đoàn rất đông, tới hơn hai chục người gom từ các đại đội lên, lập thành một đoàn do chính trị viên tiểu đoàn V.B. Thịnh chỉ huy. Chúng tôi vào Cao nguyên làm chính sách, thực chất là đi bốc mộ để quy tập liệt sĩ từ những trận đánh hay chiến dịch nhỏ khi trước, tập trung lại một nghĩa trang lớn rồi bàn giao sơ đồ cho Ban chính sách sư đoàn. Trung đoàn phải làm việc này trước khi chuyển địa bàn. Chuyển địa bàn đi đâu thì cũng chưa rõ.

   Theo sơ đồ chôn cất liệt sĩ của các đại đội mà tiểu đoàn nắm được, chúng tôi lần lượt đến từng khu vực có mộ liệt sĩ. Nhiệm vụ là bốc mộ, gói vào thành từng túi nilon, sau đó gùi ra một khu vực định sẵn ngoài Saravan rồi chôn lại, trong từng bọc cốt có hộp nhựa đựng giấy ghi rõ thông tin về từng liệt sĩ. Nói gọn thì như vậy, nhưng cụ thể cũng nhiều chuyện lắm. Các mộ chôn lâu hoặc chỉ quấn một lượt võng thôi thì việc bốc cốt bình thường. Mỗi mộ liệt sĩ được cấp 2 lít rượu để rửa xương. Có liệt sĩ khi chôn còn nguyên dày dép, xanh-tuya-rong, thậm chí cả bao xe có băng đạn. Chắc là lúc đó đang đánh nhau ác liệt nên chôn vội vàng. Các lính nhà ta rửa cốt rất tiết kiệm, để có rượu dôi ra uống. Về sau tiêu chuẩn rút xuống mỗi mộ LS chỉ có một lít, thế mà các anh vẫn có rượu uống mới tài. Số mộ mà thịt tan hết chỉ còn cốt rất ít. Đa phần là mộ chôn mới khoảng trên một năm, hay những mộ chôn nơi đất khô, bó chặt trong tấm tăng thì còn dính thịt rất nhiều. Nhiều mộ phải dùng dao để rọc và cạo tách thịt để lấy xương. Lúc đầu cũng thấy hơi chờn, sau rồi thấy người khác bạo, tôi mới bạo theo được bằng cách rửa tay bằng rượu rồi tợp bừa một ngụm. Có rượu, hình như người ta bạo dạn hơn. Thảo nào mà các anh ấy cứ bớt rượu làm chính sách ra để uống. Khoản rượu này chúng tôi phải mua từ trong bản dân, gần với vùng mình làm nhiệm vụ.

   Vòng đi đảo lại nhiều lần chúng tôi mới quy tập hết được các liệt sĩ về một nơi chung. Khu vực này dùng cho cả trung đoàn nên chúng tôi cũng gặp nhiều đồng đội làm nhiệm vụ tương tự ớ các tiểu đoàn khác. Chừng ba tuần thì mọi việc xong xuôi.

   Mấy ngày cuối cùng của đợt công tác thì lại xảy ra một chuyện khá buồn.

   Hôm đó chúng tôi nghỉ đêm lại tại bản Xăm-xi-nuc "may". Bản có ít dân, là chỗ quen thuộc của chúng tôi từ hai năm trước. Đông người nên chúng tôi phải chia ra xin ngủ ở nhiều nhà dân. Hình như đây là quyết định sai lầm của trưởng đoàn khi không để chúng tôi mắc võng ngủ ngoài rừng. Một đêm mệt mỏi và không canh gác trôi qua. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm, nấu cơm sáng ăn và chia tay dân bản. Bỗng nhiên có một người dân bản đến báo cho anh Thịnh biết là họ bị mất một chiếc đài bán dẫn 3 băng hiệu National. Tối qua họ vẫn bật đài nghe, nhưng sáng nay dậy không thấy đâu cả. Anh Thịnh liền tập trung cả đoàn kéo ra rìa bản họp, làm công tác tư tưởng và động viên người lấy trộm trả lại cho dân. Tất cả ngồi im, không ai nhận. Chúng tôi quyết định cùng kiểm tra quân tư trang của tất cả. Sau mấy chục phút không có kết quả, anh Thịnh đến nói gì đó với người dân, rồi chúng tôi lên đường. Tôi nghĩ là anh Thịnh đã lấy tiền công tác phí để đền cho dân.

   Chúng tôi lên đường, anh Thịnh đi giữa đoàn quân, không nói năng gì. Không khí trầm lắng nặng nề, không có chút khí sắc gì như mọi ngày. Sau chừng hai tiếng đồng hồ, đã đi được khá xa, tới một bãi đất trống, anh Thịnh cho dừng lại nghỉ rồi phát lệnh kiểm tra quân trang. Chúng tôi chấp hành nhưng có người tỏ ra khó chịu. Thế mà không ngờ, trong ba lô của anh T. ở C tôi lại tòi ra một cái đài đúng hiệu National quấn trong một mảnh dù. Hóa ra đêm qua anh T. mò vào nhà dân lấy cái đài rồi đem đi một đoạn đường rất xa, giấu vào bụi. Hôm nay trong lúc hành quân, qua chỗ dấu anh ấy bí mật lấy cái đài cho vào balo. Anh Thịnh chắc đã dự tính từ trước chuyện này nên phải đi rất xa, chắc chắn người lấy trộm đã thu hồi lại chiếc đài, mới cho dừng chân. Khỏi phải nói chúng tôi bực mình và anh T. ngượng nghịu thế nào.

   Anh Thịnh cho tất cả dừng lại nghỉ luôn tại cánh rừng cạnh đó, mắc tăng võng đàng hoàng và chuẩn bị cơm chiều. Một nhóm ba người gồm anh Thịnh, tôi và anh T. quay lại bản Xăm-xi-nuc "may". Chúng tôi trả đài cho dân, anh T. xin lỗi họ rồi anh Thịnh giải thích thêm nhiều điều nữa để người dân thông cảm. Chúng tôi trở lại chỗ mọi người dừng chân. Thế là hôm đó cả đoàn được nghỉ ngơi dài, còn ba chúng tôi đã phải đi bộ tới sáu tiếng đồng hồ, đủ mệt.

   Sau chuyến công tác đó, tiểu đoàn chỉ thị cho C tôi họp kiểm điểm rút kinh nghiệm. Anh T, bị khai trừ Đoàn. Cuối năm đó, anh ấy được xuất ngũ ra Bắc vì nhập ngũ cũng đã được sáu năm rồi. May mà không bị tước quân tịch.

   Câu chuyện này về sau trong C tôi ít nhắc lại vì mọi người cũng muốn quên đi. Chỉ có một lần, mãi sau chiến tranh, anh Thịnh lúc đó đã lên chính trị viên tiểu đoàn, có nhắc lại trong một lần học tập chính trị để minh họa cho một chân lý: "Con người ta nhiều khi chiến đấu quên thân mình, bom đạn không quật ngã được, nhưng lại bị ngã bởi cám dỗ vật chất tầm thường".


Logged

anhtho
Thành viên
*
Bài viết: 1282


Một thời để nhớ !


« Trả lời #587 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2012, 10:45:23 am »

Em xin kính chào anh Trongc6 và các anh chị tham gia topic. Em theo dõi diễn biến bài viết của các anh, em cảm nhận những chi tiết thật bi hùng của một thời chiến tranh tàn khốc mà ở mặt trận nào cũng nếm đủ chông gai cay đắng. Em là phận gái, lớp chiến sĩ sau các anh, thời gian ở chiến trường công pông chàm Căm pu chia cũng ngắn nhưng cũng đã chứng kiến cái đớn đau chết chóc của đồng đội, ngửi thấy mùi máu và tay đụng chạm vào những cơ thể móp méo vì hỏa khí (vì em làm quân y trạm trung chuyển). Có những anh thương binh đau đớn vì vết tương lại trút giận vào chúng em, có anh chửi tục : Em ơi, em như bông hoa sao lạc vào đây, cút về nước đi, qua đây làm đéo gì. Có anh chửi xong thì tự khóc hu hu. Chúng em lúc đó không buồn rồi cũng khóc theo và biết rằng tâm lý ấy, trăn trở ấy chỉ có ở những người đàn ông đầy bản lĩnh, giám hy sinh và lo lắng cho đồng đội nữ trước hòn tên mũi đạn ngay lúc tính mạng mình đang bị đe dọa bởi thương tích. Nhưng cũng như anh TrongC6 viết về chuyện đồng đội mình đã có lúc có suy nghĩ hành động lệch chuẩn dẫn đến những hệ lụy sau đó, thì theo ý em: chúng ta cũng co cái nhìn thoáng rộng hơn trong những hoàn cảnh cụ thể và cảm thông. Còn cái Tham, Sân, Si là ba cái nghiệp (theo nhà Phật) là những cái NHÂN tạo ra QUẢ khổ đau day vò thiêu đốt nhân thế thì chưa chắc ai tránh được phải không anh Trongc6. Hôm nay chúng ta còn ngồi viết cho nhau những dòng này để chúng ta có thể bình tĩnh nhìn lại một thời trăn trở không thể quên cũng là một hạnh phúc anh ạ. Chúc anh và gia đình mạnh giỏi.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2012, 05:58:43 am gửi bởi anhtho » Logged

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #588 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2012, 09:49:02 am »

Chào bạn Anh Thơ,

      Ngày trước xem phim Liên xô về chiến tranh, thấy cảnh nữ chiến sĩ trong Hồng quân LX ngoài mặt trận rất đẹp và ấn tượng.

      Khi mình là lính, ngày ở chiến trường cũng mong gặp được đồng đội nữ cho cuộc sống thêm xuân, nhưng thực tình thấy cảnh TNXP ngoài tuyến lửa và bộ đội nữ binh trạm TS vất vả thì lại thấy thương vô cùng. Càng thương hơn với những chiến sĩ nữ ở đơn vị chiến đấu (như F2 chẳng hạn).

      Thú thực là mình không hề muốn có nữ ngoài mặt trận, vì thấy họ bị thương hay hy sinh thì còn đau lòng hơn như với lính nam giới bọn mình.

      Nhưng dù sao, Anh Thơ cũng có thời đã từng là lính ngoài mặt trận nên mình rất khâm phục bạn.

        Càng khâm phục và ngưỡng mộ trước mối tình của hai bạn Anh Thơ - Vệ Trần. Mình đã từng nói, mối tình nảy nở nơi chiến trường của những người lính là mối tình đẹp, có thể ví như những bản tình ca.

        Mình luôn tin rằng mối tình như của hai bạn sẽ rất hạnh phúc và bền vững. Bởi vì ngoài tình chồng vợ thì một lúc nào đó nếu gặp khó khăn, hai bạn nhất định sẽ vượt qua vì trên hết, hai bạn là "ĐỒNG ĐỘI".

      Chúc gia đình Anh Thơ - Vệ Trần khỏe và hạnh phúc.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #589 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2012, 10:34:15 am »


   Nam Lào đã bước vào cuối tháng 9. Mùa mưa ở Lào đến sớm hơn mùa mưa ở miền Nam VN một tháng thì cũng kết thúc sơm hơn một tháng, vì thế bây giờ đã là cuối mùa mưa. Những ngày không mưa và có nắng nhiều hơn. Đường đi lối lại trong đơn vị đã bớt ẩm ướt.

   Tuy thế, vì áp lưng vào dãy Trường Sơn (nhiều khi không thể phân biệt rõ ranh giới giữa dãy Trường Sơn và những cánh rừng Lào, cũng như dãy Trường Sơn và những cánh rừng đại ngàn của Tây Nguyên đất đỏ vậy), nên vẫn còn những trận mưa cuối mùa. Mưa cuối mùa tuy không dai dẳng, nhưng có khi tầm tã không kém.

   Chúng tôi làm được nhiều việc hơn, từ tập tành đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ, chứ không phải chỉ ngồi co ro trong lán học và thảo luận hết bài chính trị này đến bài chính trị khác. Mục làm bích báo thi gữa các trung đội là rôm rả nhất. Có bọn tân binh mới vào, không khí huấn luyện còn đang hừng hực, lại thêm cảnh vật và điều kiện chiến trường có nhiều cái lạ nên ở B nào cũng hào hứng cảnh làm bích báo và tập văn nghệ, chủ yếu là hát hò.

   Bọn lính cũ thì giở vài mẹo vặt làm mấy bài thơ con cóc ôn lại những câu chuyện chiến đấu đã qua để góp vui cùng đám lính mới vào. Xin ghi lại một vài bài bích báo đó mà tôi có dịp chép và giữ lại.


Vở chèo đánh trận

     Năm xưa miệng hát tay đàn,
Lời thơ tiếng hát ngân vang quê nhà.
     Rộn ràng náo nức lời ca
Giục lòng tuổi trẻ xông ra trận tiền.
     Tháng ngày chiến đấu liên miên,
Diệt địch nối liền mảnh đất quê ta.

     Xuân này Quý Sửu bảy ba,
Tiếng hát quê nhà như vọng bên tai.
    Trong đêm đánh địch mồng hai
Vây đánh Pak Sòng, một dải phù cao.
    Suốt trận nổ súng hiểm nghèo,
Quản chi, ngỡ cảnh vở chèo năm nao.

     Sân khấu: Trận địa, chiến hào.
Phông màn: là cả trăng, sao, đất, trời.
     Lo thiếu ánh điện sáng ngời
"Chủ nhiệm pháo sáng" được mời tới ngay.
     Khẩn trương làm việc luôn tay,
Từng chùm pháo sáng bắc bay lưng trời.
     Hai hàng "hai mươi ly" rơi
Xung quanh trận địa làm nơi kết đèn
     "Sập hầm!" cất tiếng đánh xen.
"Diễn viên" ta bèn chớp lấy thời cơ
     Chuẩn bị diễn xuất bất ngờ,
Đã sắp tới giờ, còn chút nữa thôi.
     Diễn viên thao tác xong rồi,
"Cối, pháo" đổ hồi giục diễn viên ra.

     Mở đầu tiết mục đơn ca:
Mìn ta bấm nổ phá ba hàng rào.
     Vi vu tiếng sáo vút cao
"Tám lăm" độc tấu ào ào không trung.
     "Hăm hai" chẳng kém anh hùng,
U, u như tiếng dương cầm từ xa.
     Vù vù, xoèn xoẹt lao qua.
DKB cất tiếng ca góp phần.
     "Hai mươi" xoạc vững đôi chân
Ho từng cục lửa xả thân điểm chầu.

     Diễn viên xung kích bỗng đâu.
Ào ào xuất trận, đi đầu 40
     41 cũng cất tiếng cười.
"Ục, oàng" cấp tập, rền trời tiếng ngân
     "Phốc! Oành!" trống cối cá nhân
"Tằng, tằng" giòn giã góp phần: AK.
     Hầm tung, địch hóa ra ma.
Diễn viên thừa thế đột qua hàng rào.
     Thọc sâu, phát triển đánh vào.
Địch hàng, địch chết ngã nhào từng xâu.
     Vở chèo diễn hết đêm thâu
Phông, màn sân khấu rực màu hồng tươi.
     Diễn viên "son phấn" đầy người
Sặc mùi khói đạn, tươi cười thu quân.
     "Cực nhanh" cùng cối cá nhân,
Máy, bia, dù , thuốc nhanh chân thu về.

     Diễn xong kịch, sướng hả hê
Vui mừng chẳng kể chân tay mệt nhoài.
     Công sức tập, không phí hoài.
Diễn thành công vở "Diệt loài xâm lăng".

(trận đánh Pak soong 2 tết 1973)

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM