Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:30:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323499 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #570 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 09:38:34 am »

cháu cũng chỉ là người đọc bài thường xuyên của các bác thôi, báo An ninh thế giới có đăng bài về một cựu chiến binh tại Lào, quê ở Thị trấn Văn Điển - Hà Nội đã có thành tích 9 viên đạn AK bắn rơi Thần Sấm F105 20/4/1970 tại Xiêng Khoảng, Lào.
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2011/12/77042.cand
"phục tài" phóng viên Lê Đình Lai phóng bút "nổ" to quá! Cái câu nói: "- Có lẽ nó thả bom vướng vào cây nhiệt đới, thủ trưởng ạ"?! Đã nói lên tất cả.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #571 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 06:05:09 pm »

Chào bác TTNL và các CCB cùng anh em trên trang VMH.

Ngày cuối năm rồi, chỉ còn vài giờ nữa là sang năm mới. Nhiều bác CCB chắc đang tất niên ở 19C Ngọc Hà. Tiếc là không thể ra được.

Xin chúc tất cả mọi người một năm mới sức khỏe và hạnh phúc.

Bác TTNL@:

Chuyện tôi viết theo thời gian. Bây giờ là cuối năm 1973 rồi. Chuyện không có gì hấp dẫn. Tôi viết và kể lại với các bác chỉ mong có thêm một hình ảnh về tình hình chiến trường Nam Lào khi đó để các bác có thêm một góc nhìn và tiện so sánh với các nơi khác về những ngày chiến tranh. Thế cho nên chuyện nó nhàn nhạt, mong các bác thông cảm.


 ( Viết tiếp ký ức Nam Lào 1973 ...)




   Không phải mọi chuyện lúc nào cũng ổn. "Đi đêm lắm có ngày gặp ma", các cụ nói cấm có sai. Trong tháng 10/1973, liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn chết người do đi săn bắn phải nhau của K15 và K16. Trung đoàn họp rút kinh nghiệm và phổ biến ngay đến các đơn vị. Chuyện nào nghe cũng thấy rùng mình. Chết lúc bom đạn không sao, chết thế này chắc cũng không được liệt sĩ. Thằng chết số ruồi đã đành, còn thằng bắn nhầm cũng day dứt.

   Trung đoàn vẫn không cấm săn mà chỉ nhắc nhở các đơn vị tổ chức săn bắn chu đáo hơn. Nhưng như thế nào là chu đáo thì chẳng ai chỉ ra được rõ ràng. Chết người rồi mới nhìn ra chỗ sai.

   Tiểu đoàn K18 chúng tôi thì chặt chẽ hơn, tuyên bố đi săn phải tổ chức theo tiểu đoàn chứ các C không được tùy tiện. Có lịch giao ban về chuyện săn bắn hẳn hoi. Sau đợt đó, hầu như chúng tôi không còn được ăn thịt hoẵng nữa, nhưng bù lại thì lại được chén rất nhiều lợn rừng. Tôi không thạo lắm về thú rừng, chỉ nghe lính dân tộc nói là lợn rừng chia ra hai loại là lợn cỏ và lợn độc. Lợn cỏ đi theo đàn cỡ hơn chục đến vài chục con, có cả lợn đực trong đàn. Loại này không hung dữ, khi bị săn đuổi thì chạy là chính. Còn loại thứ hai cực kỳ nguy hiểm là lợn lòi hay còn gọi là lợn độc. Đây là những con lợn đực sống riêng lẻ không bao giờ đi theo đàn. Chúng thường to cỡ trên một tạ, khỏe và có răng nanh to nên rất nguy hiểm, không ngần ngại tấn công đối thủ kể cả là người. Đi lẻ mà bất ngờ gặp nó là một điều tệ hại. Ngay cả người chủ ý đi săn nó mà kinh nghiệm kém cũng dễ trở thành nạn nhân. Ở đường dây 559 đã có cả một câu chuyện kể về một vụ săn lợn lòi trừ hại cho dân bản vì con lợn này phá phách kinh lắm. Nó to cỡ tạ rưỡi, vết chân to như chân trâu. Chưa nhìn thấy nó, chỉ nghe thấy tiếng hộc hộc cũng đủ sợ rồi. Binh trạm ở đó vì muốn bảo vệ dân và đường dây nên đã tổ chức đi săn để trừ diệt. Người lính - thợ săn ấy phải lùng suốt 5 ngày đêm mới tìm ra nó trên một sườn núi đầy tre gai. Có điều không hiểu tình thế lúc đó vì sao ấy nên anh ta bắn con lợn ở vị thế thấp hơn con lợn. Trúng đạn vào đầu từ khoảng cách hai chục mét mà nó còn đủ sức lao cả người đâm hàng nanh sắc nhọn vào đối thủ. Khi đơn vị tìm được thì thấy cả hai xác người và lợn quấn vào nhau ngay dưới chân núi. Anh Thanh trong C tôi bảo nếu như người thợ săn ấy chủ động chọn được chỗ phía cao hơn con lợn và linh hoạt di chuyển thì mới có thể thoát được, còn trong tình huống như trong chuyện kể thì dù là ai chắc cũng phải chịu số phận như thế.

   Thế cho nên mục tiêu chính là săn lợn cỏ. Loại lợn này thịt nạc nhiều, ngon hơn cả lợn nhà nuôi. Khởi đầu cho vụ săn lợn cỏ năm đó là tiểu đoàn bộ. Do tiểu đoàn bộ đóng gần nương lúa của dân hơn cả nên dễ phát hiện ra dấu vết của lợn rừng. Một lần ngay đầu buổi sáng có truyền đạt của tiểu đoàn đến báo các C lên D bộ nhận thịt. (Thời gian chúng tôi đóng quân tĩnh tại không bao giờ có điện thoại hữu tuyến nối giữa các đại đội với tiểu đoàn. Mọi liên lạc đều bằng người báo trực tiếp. Các cán bộ C nhận lệnh hay giao ban cũng phải tự đi bộ. Chỉ khi có chiến đấu, mà chỉ ở một số trận đánh tập trung mới có rải dây hữu tuyến).

   Lên đến nơi chúng tôi mới biết D bộ do bác Chớt (anh nuôi cựu nhưng là thợ săn có nghề) chỉ huy ra phục ngoài nương lúa bắn được hai con lợn to, đến hơn hai tạ thịt. Mỗi C được đến nửa con, quân số lại ít nên ăn thoải mái, chả khác gì liên hoan ngày thành lập trung đoàn. Món thịt lợn dễ ăn và hấp dẫn lính tráng chúng tôi ngay từ ngày hôm đó. Thế là về sau C nào cũng tổ chức săn. Nương lúa của dân rất nhiều và lợn cỏ cũng rất nhiều. Bị bắn chỗ này, chúng bỏ sang vùng nương khác. Tiểu đoàn khoanh vùng nương cho các C để khỏi bắn vào nhau. Đại đội tôi được phân chia khu vực nương hướng về chân núi phía Đông, cách xa nơi đóng quân chừng một giờ đi đường. Tôi cũng được các anh lính cũ cho đi săn cùng và tôi thấy săn lợn rừng rất dễ và hứng thú.

   Chúng tôi toàn săn vào ban đêm. Chọn phục kích nơi nào vẫn là do lính cũ, nhất là các anh người dân tộc. Lính người Kinh dù khôn ngoan cỡ nào thì cũng không thể sánh được với kinh nghiệm của người dân tộc trong những phần việc có liên quan đến núi rừng. Chúng tôi đi săn lợn theo tốp ba người. Chọn chỗ xong, cả tốp nằm phủ phục trong nương, hướng súng về một phía. Thời gian này đã dần về cuối mùa mưa, những đêm mưa như trút nước không còn nhiều, nhưng vẫn còn có mưa. Chúng tôi phải lấy nilon che trên người cho khỏi ướt vì những cơn mưa nhỏ hay sương đêm. Nằm ngoài nương cả đêm cũng lạnh lắm. Khoảng thời gian gần về sáng lợn mới vào nương kiếm ăn. Lúc này cũng là về cuối vụ, lúa đã gần chín nên mới hấp dẫn lợn rừng về. Các anh lính cũ bảo dù biết rằng chỉ săn được lợn lúc gần về sáng, nhưng vẫn phải nằm phục từ đêm cho sương làm tan hơi người. Lợn rừng tuy không phải là giống tinh nhanh lắm, nhưng dù sao chúng cũng có kinh nghiệm bản năng của thú rừng. Ngay cả chọn hướng phục không tốt, lợn nó lại xuất hiện từ phía sau lưng mình lại thì cũng coi như hỏng ăn.

   Gần về sáng, nếu đúng đêm có lợn về (không phải đêm nào đi phục cũng bắn được lợn vì nó không về) thì sẽ nghe tiếng chân và hiếng hộc của chúng. Những con đầu đàn và to thường đi trước, bọn be bé chạy sau. Chúng cũng thận trọng lắm, đánh hơi, tiến chậm, mãi mới chọn chỗ ăn. Nương rộng mênh mông, lợn nó không đi khắp nương nên nếu chọn sai chỗ phục cũng không bắn được lợn. Khi có mục tiêu, chúng tôi hiệp đồng rất nhanh. Thường anh Thanh hay một anh cầm đầu ra hiệu, mỗi người chọn duy nhất chỉ một mục tiêu và nổ súng, sao cho càng đồng loạt càng tốt. Cũng chỉ bắn mỗi người được một điểm xạ hai viên AK thôi. Sau đó lợn nó chạy tung tóe, trong đêm chẳng nhìn thấy gì nên có đứng lên mà quạt bừa cũng chẳng trúng cái gì, nát lúa của dân thì đền ốm.

   Nếu đạn bắn trúng đầu hay vào tim thì con lợn chết ngay, còn thường thì lợn nó còn chạy chán rồi mới chết, vì đa phần những con bị chọn bắn là con to, khỏe. Chúng tôi phải chờ đến sáng hẳn, xem vệt máu và kiểm tra, tìm kiếm thì mới thu được chiến lợi phẩm. Những đêm bắn được ba con lợn rất hiếm, còn thì thường chỉ được một hoặc hai con, chẳng hiểu tại sao lại thế. Chỉ đoán là loạt AK nổ đầu hạ được lợn, còn các loạt AK khác nổ sau nên không trúng mục tiêu, lợn nó nhanh chân chạy mất. Nếu ít thì chúng tôi chặt đòn khiêng về, còn nếu bắn được nhiều thì phải cử người về báo đại đội cho thêm người khiêng. Trước lúc về cũng phải vuốt lại những cây lúa đổ cho dân họ đỡ kêu.

   Thời gian này chúng tôi được ăn nhiều lợn rừng, còn vì khi bắn được nhiều lợn, chúng tôi không làm thịt khô mà gọi chia cho các C bạn trong cùng tiểu đoàn. Đến khi họ bắn nhiều thì lại gọi chia cho chúng tôi.

   Về gần cuối mùa lúa của dân, chúng tôi còn bắn lợn rừng bằng cối cá nhân M79. Lúc này những con lợn to trong đàn cỡ tám chục cân trở lên còn rất ít, chỉ còn nhiều con cỡ dăm sáu chục cân, thậm chí có con bắn được chỉ độ ba chục cân. Chúng tôi dùng đạn cối bi M79. Loại này khi bắn văng ra hai chục viên bi chì to như viên bi xe đạp, xa tới hai chục mét và sát thương như đạn ria của súng săn. Nếu nhằm được vào chỗ lợn ăn tập trung thì cũng hạ được hai, thậm chí ba con lợn nho nhỏ cỡ vài chục cân. Nhưng đa phần lợn không chết ngay mà chạy một đoạn xa mới chết, hơi phải mất công tìm khi trời sáng. Nhưng kiểu bắn này cũng chỉ được một thời gian ngắn vì đạn cối bi không có nhiều.

   Trong mấy tháng trời đóng quân ở cái vùng bản Tùm Nho này, chúng tôi không thiếu thực phẩm. Gạo cũng phát đủ tiêu chuẩn bảy lạng một ngày nên ăn no, lính tráng khỏe lên trông thấy. Gần đường dây 559 nên chúng tôi được phát khá đủ các loại như thịt hộp, giò hộp, muối, mì chính và nhiều nhất là mắm tôm khô. Không có cá hộp, còn rau thì chỉ toàn là rau cải khô, hình như của Trung Quốc thì phải.

   Còn có hai món nữa mà chúng tôi cũng hay kiếm được ăn và rất khoái. Một là những con chuột núi (con dũi). Khu vực chúng tôi đóng quân nhiều rừng tre bương, lại vào mùa mưa lắm măng nên dũi về đào ăn măng rất nhiều. Cứ lúc nào tĩnh lặng, bất kể đêm hay ngày mà nghe tiếng kèn kẹt chỗ bụi tre bương là thể nào cũng có một con dũi đang đào gặm củ măng. Ban ngày thì chúng tôi tổ chức đào, mất công một tý và phải biết cách thì kết quả thể nào cũng tóm được một con dũi, thường to nặng tới hơn một ký. Chỉ được một con thôi vì dũi không đào hang theo cặp. Một con cho cả đại đội ăn thì hơi thòm thèm, nhưng chia ngọt xẻ bùi vài miếng trong bữa cơm, đổi món thì cũng thật thú vị.

   Đoạn đường từ C tôi lên tiểu đoàn bộ phải qua một đoạn suối khá dài, cứ men theo bờ suối hẹp mà đi. Điều đặc biệt là khu vực này có rất nhiều cua đá. Lưng của nó thiên về đen nhiều hơn chứ không vàng đen như cua đồng. Có lẽ giống cua này cùng loại với cua đá trong bài hát của các chiến sĩ ngoài đảo Cồn Cỏ. Cua đá cũng nhỏ như cua đồng, tôi thấy chẳng có gì khác nhiều. Cua bò rào rào bên bờ suối nên chỉ nhanh tay bắt là được chứ không phải móc cua trong hang như cua đồng. Cứ bỏ tất vào cái túi vải, về nhà tính sau. Ba người đi làm nhiệm vụ cải thiện mà bắt cua đá thì quá nhàn. Đường gần nhà, cua bắt dễ, chả mấy chốc đã đầy ba túi, thời gian còn lại tha hồ mà chơi và tán gẫu. Anh nuôi cũng làm cua giống như ở nhà. Chúng tôi cũng có đủ chầy cối tự tạo. Gốc cây khô trong rừng không thiếu, cưa ngang và khoét một buổi là có cái cối đại. Có lẽ trong rừng cái bí nhất là rau xanh và gia vị thôi. Nhưng mắm tôm (dù là loại khô) cũng khá hợp vị với canh cua nên hôm nào làm canh riêu cua ăn với thân chuối non thái mỏng (quá sẵn ở Nam Lào) thì lính tráng ăn rào rào như trả bữa.

   Ngoài hai thứ ăn khoái khẩu ấy còn có thể kể đến một quà tặng khác của núi rừng, tuy không thật tuyệt lắm. Đi xa hơn một chút vào phía núi chỗ chúng tôi đóng quân còn có rùa núi. Mỗi con to như cái mũ sắt của lính, mai nâu đen mốc. Rùa núi rất chậm chạp, phát hiện ra nó nhờ khu vực và tiếng đi của nó trên lá. Vào ngày nắng, lá khô, rùa ra sưởi thì mới nghe thấy tiếng chân nó nhè nhẹ trên lá, còn ngày mưa thì chả bao giờ phát hiện ra chúng. Rùa núi bắt rất dễ chỉ cần tiến lại lật ngửa nó ra là cu cậu chịu chết. Chẳng bao giờ sợ nó cắn như ba ba, vì rùa chậm hơn ba ba. Có điều lượng thịt rùa không nhiều như ba ba và không ngon bằng, cái mai và yếm của nó hầu như không ăn được. Chỉ có chút thịt, cái đầu và bốn cái chân. Chúng tôi cũng chỉ bắt ăn cho biết chứ loại này làm thịt vất vả và không bõ để ăn.

   Tất nhiên ăn mãi một thứ cũng chóng chán nên chúng tôi rất chịu khó cải thiện để có thêm cái ăn. Mùa mưa năm đó có thể nói là mùa bồi dưỡng sức quân. Ngoài những thứ của rừng, chịu khó đi xa một chút, chúng tôi xin được của dân cả rau cải xanh, bí ngô và các sản phẩm của chuối như chuối quả (xanh và chín), thân chuối hay bắp bi (hoa chuối). Dưa chuột cao nguyên ở đây cũng có rất nhiều, tha hồ lấy, nhưng xào ăn chỉ cách bữa thôi chứ cũng chóng chán. Đặc biệt khu vực này không có kiệu. Dân bản có trồng hành nhưng rất ít, tại ngay các bầu đất đặt trên nhà sàn, chỗ để chum nước. Muốn xin cũng chỉ độ hai ba nhánh nên chúng tôi cũng chẳng buồn xin.

   Khi nào ngại đi xa thì chúng tôi lấy măng các loại ngay tại rừng nhà. Măng nứa luộc kỹ chấm mắm tôm (Mắm tôm khô đem tãi ra chưng với ít thịt hộp) hay măng vầu thái lưỡi lợn luộc kỹ thì ăn cũng tốt tuy thật ra nó chẳng có chất bổ gì.

   Cuộc sống cứ thế trôi qua với tập tành huấn luyện chút ít kiểu nửa du kích, nửa chính quy. Có lẽ thời gian này bộ đội Trường Sơn nói chung và lính E9 chúng tôi nói riêng là nhàn nhã nhất so với đồng đội ở khắp các chiến trường. Cuộc đời tưởng cứ thế trôi qua chờ ngày đất nước hết chiến tranh để về nhà với mẹ.


« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 08:16:40 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

ductung2510
Thành viên
*
Bài viết: 19


« Trả lời #572 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2011, 11:34:57 pm »

Cháu viết vài hàng này cũng sắp năm mới rồi, chắc chỉ còn 30' nữa. Chúc chú Trọng, các bác, các chú CCB, BQT QSVN và các bạn đọc lời chúc đầu năm mới sức khỏe dồi dào, có nhiều may mắn và niềm vui trong cuộc sống.

Cháu rất mong và thường xuyên đón đọc bác viết tiếp, viết đều và viết dài những hồi ức, ký ức của bác trong những ngày chiến đấu hành quân đấy ạ.   
Chúc bác và gia đình có nhiều nhiều niềm vui và sức khỏe trong cuộc sống.

Logged
vanthang341ht
Thành viên
*
Bài viết: 1065

Nhât ky vanthang 341ht


« Trả lời #573 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 02:41:37 pm »

    Bạn Trongc6 thân mến! Tôi chưa đọc được nhiều về bài viết của bạn, tôi mới đọc qua bài viết của bạn ở trang 56 đoạn nói về những suy nghĩ và hành động của chị em TNXP ấy, sao tôi thấy lòng mình bùi ngùi xúc động, mông lung thế nào ấy. Tôi cũng càng khâm phục bạn, chỉ mới vài tuổi quân mà bạn xử sự rất bản lĩnh. Thời ấy bạn đúng là "Anh bộ đội Cụ Hồ"
    Nhân dịp năm mới 2012 chúc bạn và gia đình mạnh khỏa, hạnh phúc. Câu chuyện bạn kể thật hay đấy, bạn tả sự vật chi tiết và rất hấp dẫn, tiếp tục đi bạn nhé!
Logged

Các vua Hùng  đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
                         Hồ Chí Minh
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #574 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2012, 04:16:19 pm »

"phục tài" phóng viên Lê Đình Lai phóng bút "nổ" to quá! Cái câu nói: "- Có lẽ nó thả bom vướng vào cây nhiệt đới, thủ trưởng ạ"?! Đã nói lên tất cả.

Riêng vụ này thì ANTG nói đúng bác bob ạ ;-)

Thống kê Mỹ chép chiếc này là  F-105D, số đuôi 60-0451, đang bổ nhào đánh 02 khẩu 105mm của Pathet Lào thì bị trúng đạn vũ khí bộ binh tự động.  Phi công Đại úy Douglas F. Mahan không nhảy dù, hài cốt tìm thấy ngày 05/07/1972.
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #575 vào lúc: 03 Tháng Giêng, 2012, 09:27:20 am »


Riêng vụ này thì ANTG nói đúng bác bob ạ ;-)

Thống kê Mỹ chép chiếc này là  F-105D, số đuôi 60-0451, đang bổ nhào đánh 02 khẩu 105mm của Pathet Lào thì bị trúng đạn vũ khí bộ binh tự động.  Phi công Đại úy Douglas F. Mahan không nhảy dù, hài cốt tìm thấy ngày 05/07/1972.
Trường hợp máy bay phản lực Mỹ bị bắn rơi bởi súng bộ binh (AK, CKC) là có. Ý tôi muốn nói: Nhà báo nên "tô vẽ" hợp lý một chút, nếu không sẽ phản tác dụng. Ví dụ nói: "...Bom vướng vào cây nhiệt đói..." - không nổ!? ai tin! Nhất là các bác CCB đã biết về bom, biết cây nhiệt đới...!
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #576 vào lúc: 21 Tháng Giêng, 2012, 10:46:24 am »

Mùa xuân chiến trường

(Xin tạm ngắt mạch chuyện để nói về mùa xuân chiến trường…)
   
       Những người lính chúng tôi ai cũng từng trải qua vài mùa xuân chiến trường. Dù là trong lúc đạn bom ác liệt thì thể nào cũng dành ra được ít phút để bồi hồi đón xuân, để nhớ về những cái tết ngày còn ở nhà bên bố mẹ, anh chị em, được hồ hởi đón xuân dù vật chất thật khiêm tốn.

   Với chúng tôi, tết chiến trường thì vào thời điểm giao thừa không có khi nào phải ngồi bên chiến hào. Có bận rộn chăng thì cũng chỉ là ở một cánh rừng nào đó chuẩn bị cho trận đánh sắp tới mà thôi. May mắn là mấy cái tết chiến trường, tết nào chúng tôi cũng được hưởng hương vị xôi nếp. Không có bánh chưng nhưng cũng thổi được nồi xôi nóng mà quây quần với nhau.

   Lúc bom đạn ác liệt quá không nói làm gì, nhưng lúc không có đạn bom hay không phải chuẩn bị chiến trận thì có thể nói bộ đội Trường Sơn là đàng hoàng nhất. Chúng tôi không có được cái đầm ấm của bộ đội B2 ăn tết trong lòng dân, nhưng xét về khoản tự mình tổ chức thì thật không đâu bằng lính 559.

   Cái tết 1974 chúng tôi đã được hưởng như thế. Lúc ở nhà cùng bố mẹ, đêm trước giao thừa (thậm chí là chính trong đêm giao thừa) ngồi đun nồi bánh chưng thì cũng do mẹ gói mà có. Nay vào lính mình tuy vụng về, nhưng bù lại những người lính cũ tháo vát thì rất nhiều. Chúng tôi vào những khe núi hái dong, bạt ngàn tha hồ chọn lá to lá đẹp. Giang và nứa chẻ lạt thì chả nơi nào thiếu. Chúng tôi cũng ngâm gạo, đãi đỗ, mổ lợn gói bánh chưng và làm đủ các  món ăn. Có thể nói là so với ở nhà thì sung túc hơn rất nhiều. Lính tráng nhiều thằng gói bánh không cần khuôn mà cũng rất chặt và đẹp. Chúng tôi đào hố làm bếp (chả phải bếp Hoàng Cầm gì sất) rồi chất củi gộc đun bánh chưng trong những cái thùng phuy cắt bỏ một phần ba. Thùng phuy tìm ngoài trận địa nhiều vô số. Phải cắt bớt cho giống cái nồi thì khi luộc bánh chứng nó mới đều. Để nguyên cả thùng sâu xếp bánh mà không đảo thì bánh chưng ở dưới nát, còn bánh chưng ở trên không rền. Có thể nói bánh chưng nấu ngon nhất phải đun bằng củi gộc chứ không phải bằng than hay dầu.

   Cuộc sống tinh thần cũng rôm rả. Nhiều thằng có hoa tay, chúng tôi làm bích báo thi giữa các trung đội. Rồi đêm giao thừa liên hoan văn nghệ, tự biên tự diễn tự hoan hô mà ai cũng cháy hết mình.

   Không thể không kể đến chuyện trang trí lán trại. Hoa rừng Trường Sơn, nhất là phía Tây bên đất Lào thì thật phong phú. Người Lào ăn tết vào 14-16/4 dương lịch theo Bun hót nạm (Tết té nước), khi đó với họ chỉ có hoa Chăm pa. Còn Tết Nguyên đán của ta thì họ không mấy quan tâm. Mà rừng Lào lại thừa hưởng đào rừng rất nhiều và đẹp, toàn đào phai. Chúng tôi mò vào rừng chặt về trang trí khắp quanh lán. Mai rừng Trường Sơn cũng không thiếu, tuy chỉ là cây rừng chứ không phải mai thế trồng trong chậu. Nhiều tiểu đội lấy mai vàng về trang trí, trông cũng đẹp mắt. Nhiều thằng cầu kỳ còn mò vào rừng kiếm những giò phong lan về treo trước lán. Có thể nói là lán trại giữa rừng mà đẹp đến xao xuyến lòng những thằng lính xa nhà, làm ấm cúng thêm cảnh tết rừng. Các lính A cối còn bày trò tìm về trận địa cũ kiếm dù hàng (dù ca-rô xám) về căng trước sân tiểu đội, lại càng tăng thêm vẻ đẹp chiến trường (nói thật là tôi có cảm giác như dù căng ở hầm chỉ huy trên cánh đồng Mường Thanh thời Điện Biên Phủ ấy).

   Bây giờ tết về, nhiều khi ngồi ôn lại chuyện xưa lại mong được hưởng lại cái tết Trường Sơn năm đó, được hát hò nghiêng ngả cùng đồng đội mà đối với nhiều người, đó là cái tết cuối cùng vì họ đã phải mãi mãi nằm lại chiến trường vào những ngày chiến trận của mùa mưa năm đó.

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #577 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2012, 11:23:29 am »



   Cao nguyên Boloven hùng vĩ, tình sâu nghĩa nặng tưởng chừng sẽ mãi mãi lùi vào dĩ vãng, thì bất ngờ tôi lại được trở lại nơi đó. Không chỉ một mà là hai lần, toàn đi theo kiểu công tác lẻ. Cấp trên cũng chỉ tổ chức vớt vát và có phần khá vội vàng vì nghe tin trung đoàn sẽ được bổ sung quân số cho gần đủ với biên chế chính quy và còn phải huấn luyện tân binh cho kịp nữa. Chả biết sẽ đi đâu, nhưng trong tiềm thức, chúng tôi chưa hề nghĩ đến chiến trường miền Nam.

   Đầu tháng 9/1973, bảy chiến sĩ trong đại đội do B trưởng B4 Tuyền chỉ huy nhận lệnh lên đường trở lại Cao nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm lại vị trí ngày trước ở Khoong xedon đơn vị đã bắn được một con gấu và chỗ Nam đường 23 bắn được con hổ. Thịt thì đã ăn rồi, nhưng ngày đó chúng tôi cũng đã tập trung xương vất vào sau bếp anh nuôi. Bây giờ chúng tôi phải quay lại đó tìm bới xương hổ, xương gấu đem về nộp cho trạm xá trung đoàn để nấu cao. Hầu như tất cả các đơn vị trong trung đoàn, nếu có bắn được mấy loại thú trên (kể cả bò tót nữa) khi trước thì đều phải cử người quay về tìm xương.

   Sau nhiều ngày mưa nằm dầm dề và công tác vớ vẩn quanh đơn vị, nay chúng tôi được đi công tác lẻ thì thật như chim sổ lồng. Nhiệm vụ chả có gì là nặng nề cả. Chỉ là tìm được xương quý hay không mà thôi. Ra khỏi khu vực tiểu đoàn, đến con đường cái to (đường đất) là đã thấy chân tay ngứa ngáy lắm rồi. Chúng tôi đi ào ào nhằm hướng Paksoong. Trời tạnh, nhìn trời xanh bao la thấy mình như người tự do, làm chủ đất trời. Cả bảy người đều mang AK, như vậy là không có đánh nhau gì sất, chỉ có tự bảo vệ mình với thú dữ thôi.

   Chúng tôi xác định ngày đi đêm nghỉ. Chỉ trú quân ở rừng ven đường chứ không cần vào nhà dân. Vào đấy thì cũng có xin xỏ được gì đâu, vì mọi thứ của dân đều ở ngoài nương. Đối với chúng tôi thì kiếm chác ngoài nương tốt hơn, vì chúng tôi quen như nhà của mình rồi. Chủ yếu cũng chỉ là rau cỏ cải thiện, còn chúng tôi xác định sẽ kiếm thịt từ thú rừng. Trong nhóm cùng đi có anh Sơn bắn hổ ngày trước là người dân tộc thì yên tâm rồi. Chúng tôi dự định vào trong Lào Ngam trước, nơi đó tuy có gần địch một chút, nhưng nhiều thứ còn hoang vu. Vụ bắn hổ mới xảy ra có một năm thì khả năng tìm thấy xương dễ hơn.

   Dọc hai bên đường 23, mới chỉ có một số bản dân hồi cư thưa thớt. Càng vào sâu trong cao nguyên thì mức độ càng thưa thớt hơn. Người Lào vốn dân số ít, khi đã tản cư vào Pakse làm ăn ổn định rồi thì chẳng mấy ai muốn về vội nơi cũ, vì chiến tranh chắc gì đã hết hẳn. Cả mấy chục cây số hoang vu chẳng có ta hay địch. Cây cỏ mọc lan tràn ra đường, chắc từ trên máy bay nhìn xuống chỉ còn thấy một vệt nhỏ tựa như con đường mòn. Trên cao nguyên Boloven đặc biệt hai bên đường có rất nhiều cây mâm xôi và cây xấu hổ. Loại cây cành nhánh này mọc lan rất nhanh. Chúng tôi nhằm giữa đường mà đi, nhưng nhiều chỗ cũng phải đem dao tông ra phát bớt lấy đường. Lối vào các bản cũ vẫn dễ nhận ra, dù nơi đâu cây cối cũng um tùm. Chúng tôi nghỉ một đêm ngay tại thị trấn Paksoong. Chỗ này mà chịu khó lần mò chắc cũng còn khối thứ hay hay, mặc dù dấu vết của dân Lào trở lại khu căn cứ của bọn lính Thái năm trước để bòn mót các thứ dùng được đem về bản khá rõ. Thế nhưng nhiều khi có thứ cần với lính thì dân họ lại không cần. Tuy thế, chúng tôi không có nhiều thời gian, anh Tuyền lại lo nhỡ dẫm phải mìn nên không cho chúng tôi sục xạo nhiều. Lúc này chúng tôi nghỉ dưới một cái nhà sàn bỏ, chỉ ra loanh quanh một tý là đủ các thứ rau mọc hoang. Cơm canh có thêm thịt hộp, thế là tươm lắm rồi. Anh Tuyền vốn cẩn thận nên trong chuyến đi này, đêm nào chúng tôi cũng phải cắt cử canh gác.

   Mấy chục cây số dọc theo đường 23, chúng tôi được nếm lại nhiều thứ hoa quả mà chúng tôi đã từng lấy cải thiện hồi mùa mưa năm ngoái. Có điều khi thiếu bàn thay người chăm sóc của con người thì cây gì rồi cũng thoái hóa dần, quả nhỏ hẳn đi. Anh Sơn vẫn nhớ vùng đất ngày trước chúng tôi được bắn bò và ngựa bỏ hoang của dân bản để cải thiện. Ngày ấy chúng tôi bắn đã gần hết, con vật đi hoang thì ngày càng tinh khôn hơn nên bây giờ chúng tôi chẳng hy vọng bắn được bò hay ngựa. Nhưng thú rừng khác thì rừng càng hoang vu thiếu bóng người, chúng càng dễ xuất hiện. Anh Sơn mò ra một vùng rừng ven suối, tìm dấu vết và bắn được hai con chồn. Hy vọng bắn được con hoãng cơ vì thịt loại này mới ngon. Ở khu bản Tùm nho chúng tôi thường xuyên bắn được lợn rừng nên bây giờ cũng muốn đổi món. Hai con chồn cho bảy người ăn cũng không phải là nhiều lắm. Anh Tuyền bảo có thịt chồn là tuyệt rồi, chúng mày cứ được voi đòi tiên. Tất nhiên là như thế, nhưng đi lẻ một mình, nhất là vào Cao nguyên thì chúng tôi tất phải mong nhiều hơn mới bõ.

   Anh Sơn ăn mà không nói gì, nhưng trong bụng đã ngầm có ý định. Anh ấy bảo nên đi vòng một chút rẽ ra phía bản dân có người để hỏi thăm tình hình và kiếm ít rượu uống. Có lẽ anh Tuyền cũng là lính cũ có cỡ nên kinh nghiệm nhiều, tán thành luôn. Thế là chiều hôm sau chúng tôi đi qua một bản dân ở khu Fakcut. Cầu được ước thấy. Hôm ấy chúng tôi phải dồn tiền ra mấy trăm "kíp" để mua một bi đông rượu của dân, nhưng khoản thịt tưởng còn phải chờ đi săn thì bỗng dưng lại gặp may. Chiều đó dân bản bắn được một con hoẵng khá to. Vì chúng tôi dừng lại nghỉ tại bản, nên theo phong tục của họ (một phong tục quá tốt cho khách qua đường mà không phải nơi nào cũng có) cũng được coi như một gia đình và được họ chia cho thịt săn được. Cũng phải đến ba cân chứ không ít. Thế là đêm đó vừa được ở nhà sàn ấm cúng, đốt lửa tưng bừng và có rượu thịt để xơi. Cảm ơn một phong tục mến khách của các bộ tộc Lào, mộc mạc và đáng yêu làm sao.

   Chia tay dân bản, sáng sau chúng tôi lại lần mò nhằm đường 23 thẳng tiến. Anh Sơn đã thăm dò được nhiều tin tức và hạ quyết tâm đợt này phải bắn được một con hoẵng. Của rừng đãi mình mà không biết tận dụng cơ hội thì thật xoàng. Gì chứ cái quyết tâm này thì chúng tôi giơ cả hai chân hai tay lên mà biểu quyết. Nhưng tất nhiên là phải có thời gian. Tới một cánh rừng ở Nam đường 23 gần đối diện với khu bãi đá, một căn cứ đóng cỡ đại đội của địch, đã bị tiểu đoàn tôi nhổ gọn từ tháng 2 năm trước thì chúng tôi chia làm hai tốp. Anh Sơn dù là người bắn hổ khi xưa, nhưng vẫn phải ở lại khu rừng đó cùng hai lính để tìm bắn hoẵng. Còn lại bốn người do anh Tuyền chỉ huy thì lần tìm về khu trú quân cũ tìm xương hổ. Đám xương ngày đó vất ở sau bếp anh nuôi nên cũng dễ tìm hơn vì hầu như tất cả chúng tôi đã từng ở đó. Tôi đi theo nhóm anh Tuyền vì dù sao ngày trước đã làm liên lạc cho đại trưởng Băng, cũng được đi lại và khá quen vùng này. Đợt đi đó chúng tôi không gặp địch. Có lẽ bọn địch lấy ngã ba Lào Ngam làm mốc, cùng lắm chúng cũng chỉ đóng quân ở cái khu căn cứ của tiểu đoàn Thái 621 ngày nọ thôi, thế thì chúng tôi còn cách xa lắm. Trong rừng mà cách nhau đến cây số có thể coi là đã xa lắm rồi. Nhất là cả năm trời qua bộ đội Bắc Việt rút ra mãi tít ngoài dãy Trường Sơn đóng quân; địch nó cũng bỏ trống cả mấy chục cây số từ ngã ba Lào Ngam tới Păksoong không thèm ngó nghé đến thì bây giờ chắc chúng cũng chỉ đóng trong căn cứ, hàng ngày tập luyện vớ vẩn thôi chứ không vào rừng lùng sục. Vì thế mà chúng tôi yên tâm lắm. Những chỗ ngày xưa địch thả bom bay bắn pháo, bây giờ dấu vết gần như mất hết bởi cây cối đã xanh tươi trở lại. Có biết chắc và chính xác chỗ khi trước địch thả bom thì may ra mới tìm thấy chút ít cây cối gãy cành.

   Không khó khăn gì để chúng tôi tìm ra nơi trú quân ngày trước, dù mọi thứ của cái bếp cũ đã gần như mục nát. Vất vả chỉ là phần tìm bãi đất đã đổ xương hổ. Chúng tôi chia nhau đào bới đất tìm, vừa bới đất vừa vục tay bóp đất tìm xương. Cũng may là những con thú đơn vị bắn được như gấu hay hổ ngày đó,  anh nuôi chỉ lọc thịt rồi nấu ăn chứ không chặt xương đem hầm rồi chia cho các tiểu đội gặm nên đám xương cũng chỉ vất tập trung ở đâu đó thôi. Mất gần nửa ngày trời rồi chúng tôi cũng tìm ra, nhưng phải đào và bọc rất nhiều đất đem xuống suối đãi, vì ngày trước vất bừa xuống hố đất chứ ai ngờ có ngày phải quay lại tìm mà tập trung vất thật gọn. Một năm trời trong đất ẩm không bị mục nát, xương hổ vẫn còn khá cứng. Chúng tôi rửa sạch sẽ mà cũng được một bọc khá to. Anh Tuyền bảo mình rửa đất mang cho nhẹ thôi, chứ khi về nhà, bọn ở trạm xá cũng còn phải cạo rửa lại chán mới đem nấu cao được. Thế là một nửa công việc đã hoàn thành, ai cũng hỉ hả.

   Chúng tôi lần về đến khu bãi đá gặp nhóm anh Sơn thì lại có ngay tin vui. Anh ấy đã bắn được một con hoẵng rất to. Có điều là con hoẵng ấy đang có mang. Kể ra cũng hơi tội nghiệp. Nhưng xét về quy luật sinh tồn, chiến thắng thuộc về kẻ mạnh thì tất phải vậy thôi. Nhóm anh Sơn đã làm thịt hôm trước và rán mấy cái bào thai chén trước, bổ bằng xơi cả con hoẵng rồi còn gì. Phần thịt còn lại rất nhiều. Tất nhiên thường bắn được thú rừng ở đây thì phải lột bỏ mất tấm da chứ không làm tất cả như ở nhà được. Đặc biệt tôi thấy anh Sơn chặt khúc đuôi (ngắn cũn) của con hoẵng ra rồi chia đôi đem nấu cháo một nửa cho cả tốp bảy người chén. Tôi thấy thế là hơi ít, nhưng anh Sơn bảo giống nai hoẵng, ở con cái (nhất là con có mang) thì cái đuôi của nó bổ thượng hạng. Đem nấu nồi cháo từng này người ăn, chưa chắc đã tiêu hóa hết chất. Nếu tham mà hai ba thằng đem hầm rồi chén cả một cái đuôi nai (hoẵng) cái thì dù có sắp chết đói như năm 1945 thì rồi người cũng béo nứt ra; da dẻ nứt toắc chảy máu rồi nhiễm trùng mà chết. Nghe mà thấy hãi. Hóa ra trong rừng còn có nhiều điều bí ẩn thật. Không có các anh lính dân tộc chỉ bảo mà cứ phàm ăn như hảo hán Lương Sơn thì thật là có ngày chết vì ăn, quá xấu hổ. Nửa cái đuôi còn lại anh Sơn bảo vài bữa nữa nấu ăn nốt cho nó an toàn. Ngày hôm đó chúng tôi nướng thịt hoẵng ăn thoải mái một bữa. Tôi không uống được mấy rượu nên chỉ ăn, còn các anh khác kêu chưa khoái lắm vì hơi ít rượu. Nhưng thôi, còn đang phải làm tiếp nhiệm vụ cơ mà. Với lại như thế này so với bọn ở nhà là sướng hơn nhiều lắm rồi.

   Ngày hôm đó do cơm no rượu say nên chúng tôi nghỉ lại cánh rừng đó. Số thịt hoẵng còn lại đem sào mặn để giữ. Một phần khá lớn đem hơ lửa sấy khô để giữ cho lâu hơn. Của này sau này đem về hậu cứ làm quà hay nướng chén lúc nhàn cư thì không gì bằng.

   Sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường, nhằm hướng Khoong Xedon thẳng tiến. Chúng tôi đã xa đơn vị gần một tuần rồi. Chắc cũng phải từng ấy ngày nữa mới xong nhiệm vụ.

   Khoong Xedon là vùng đất nằm giáp Tây Nam Saravan, dính một chút vào những dãy núi đá thấp của cao nguyên Boloven, nhưng toàn rừng già và rậm. Phần phía Tây của nó giáp vùng dân cư ven đường 13 bên dòng Mekong rộng lớn. Sang bên kia sông Mekong là vùng đất của Thái lan rồi. Từ đây đi xuống Păkse, thủ phủ của tỉnh Chămpaxac cũng không bao xa. Có điều, nó không có thế chiến lược như cao nguyên Boloven nên từ sau năm 1970 khi ta giải phóng thì vùng đất này gần như là vùng trắng. Chỉ con dân cư lưa thưa, không có lính của bên nào chiếm đóng. Khi chúng tôi còn ở trong cao nguyên Boloven, mường Khoong xedon cũng là cái đích đến của những tốp lính hậu cần của các đơn vị đi mua lợn. Lợn ở đó nhiều và rẻ, còn hơn cả ngoài Saravan.

   Đường đến Khoong xedon phải đi xuyên qua nhiều vùng đất trù phú của cao nguyên Boloven. Trong số nhiều bản dân thì bản Sen Vàng là một cái bản lớn nhất mà tôi gặp. Trong bản có đến hơn ba chục nóc nhà. Toàn nhà sàn to, cột gỗ nguyên cây. Gỗ thưng quanh nhà cũng là tấm gỗ lớn được xẻ ra. Nơi đây không có tí dấu vết gì của chiến tranh. Hầu hết các nhà sàn được lợp gỗ hoặc ngói. Đường đi lối lại quang đãng, sạch sẽ và bằng phẳng. Có rất nhiều khoảng đất rộng như cái sân chơi. Điều đặc biệt là ở bản này có một cái chùa rất to và đẹp. Chúng tôi quyết định dừng chân nghỉ lại đây một ngày để tắm giặt và dưỡng sức. Trong rừng thì nơi đâu mà chả có suối trong nước mát để tắm, nhưng con suối chảy qua cạnh bản này cũng thật đẹp và sạch sẽ bởi cả một khúc dài lòng suối toàn đá sỏi. Chúng tôi tán thành ngay quyết định của B trưởng Tuyền. Tôi còn háo hức hơn nữa vì cũng muốn thăm ngôi chùa.



« Sửa lần cuối: 10 Tháng Hai, 2012, 12:09:03 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #578 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2012, 11:37:57 am »

Trích dẫn
Khoong Xedon là vùng đất nằm giáp Tây Nam Saravan, dính một chút vào những dãy núi đá thấp của cao nguyên Boloven, nhưng toàn rừng già và rậm. Phần phía Tây của nó giáp vùng dân cư ven đường 13 bên dòng Mekong rộng lớn. Sang bên kia sông Mekong là vùng đất của Thái lan rồi. Từ đây đi xuống Păkse, thủ phủ của tỉnh Chămpaxac cũng không bao xa. Có điều, nó không có thế chiến lược như cao nguyên Boloven nên từ sau năm 1970 khi ta giải phóng thì vùng đất này gần như là vùng trắng. Chỉ con dân cư lưa thưa, không có lính của bên nào chiếm đóng. Khi chúng tôi còn ở trong cao nguyên Boloven, mường Khoong xedon cũng là cái đích đến của những tốp lính hậu cần của các đơn vị đi mua lợn. Lợn ở đó nhiều và rẻ, còn hơn cả ngoài Saravan.

Muang Khong Xedon của bác Trongc6,  Grin
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #579 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 10:21:31 am »


   Ngôi chùa bản Sen Vàng làm toàn bằng gỗ to đẹp và có dáng dấp quen quen như đã từng nhìn thấy. Nhưng to và đẹp hơn tất cả các ngôi chùa làng mà tôi đã gặp. Quả thực là ngày ở nhà tôi hầu như không coi trọng chuyện đi chùa, ngôi chùa làng tôi thì bé không đủ chứa dân cả xóm cùng vào một lúc.

   Quanh chùa không có rào cổng gì cả, Từ đường hay vườn xung quanh có thể luồn qua những hàng cây đi tắt vào. Ngoài phần sân to trước chùa, còn lại xung quanh chỗ nào cũng có những sân đất nện. Quanh chùa chỗ nào cũng có cây hoa Đại (hoa Chăm pa). Loại hoa này ở Việt nam cũng thường thấy trồng ở sân chùa. Có điều ở đây trồng rất nhiều, cây rất to. Cảnh chùa đẹp như khu nghỉ dưỡng.

   Hôm đó trời không mưa, tôi thấy chỗ sân cạnh chùa có một đám sư trẻ con gần hai chục đứa đủ mọi lứa tuổi. Đứa bé chỉ sáu bảy tuổi, còn thằng lớn nhất chừng mười lăm, đều là con trai. Chúng chỉ giống nhau ở cái đầu trọc. Chùa có một sư thày trụ trì tuổi khá cao, có một số người nữa làm ở chùa. Tôi thấy lạ vì sao toàn thấy sư trẻ con, mà lắm thế. Lân la hỏi chuyện thì được biết phong tục của Lào, đàn ông mà không muốn đi tu cả đời như sư thì ai cũng phải qua 3 năm làm sư ở chùa. Cái này giống như một chế độ nghĩa vụ, kiểu như nghĩa vụ quân sự của ta. Có điều tùy sự sắp xếp của từng gia đình, đi tu 3 năm vào tuổi nào cũng được. Đa phần dân Lào họ chọn cho con mình đi từ lúc trẻ con, để khi lớn còn lao động. Nội dung đi tu "nghĩa vụ" cũng thật nhân văn. Đó là thời gian nhà chùa giáo dục cho người ta nhân cách con người. Từ chữ viết đến văn hóa… Phong tục hay thế nên người Lào nhân ái cũng phải.

   Tôi chơi cả một buổi sáng với đám sư trẻ con, chúng nó cũng biết nhiều trò chơi như trẻ con bên ta. Các anh lính cũ chỉ nghé qua chùa một lúc rồi mò vào nhà dân tán gái và xin thuốc lá (thuốc rê). Vùng này khi trước bộ đội ta qua cũng nhiều nên dân rất dễ quen. Chúng tôi xin được khá nhiều thuốc lá. Buổi trưa chúng tôi ra suối tắm, một mình làm chủ đất trời vì dân Lào không ra tắm buổi trưa. Tối hôm đó chúng tôi nghỉ nhờ ngay tại chùa, sư thày cũng rất dễ tính. Chúng tôi còn được mấy cô gái bản đem cà phê đến cho uống. Thú thực là cũng hơn nửa năm rồi mới có cà phê. Sân chùa cũng như sân HTX bên mình, ngồi chơi nói chuyện tự nhiên như chỗ sinh hoạt cộng đồng, chả kiêng cấm điều gì. Mãi khuya chúng tôi mới đi ngủ. Đêm hôm đó là một đêm thảnh thơi, ngủ ngon vì không phải gác, nhưng cái cảm giác sướng nhất là như ở làng quê mình. Các anh lính cũ cũng chỉ tán gái vơ vít cho vui chứ không làm chuyện gì đáng trách.

   Hôm sau chúng tôi cơm nước đàng hoàng rồi mới lên đường. Dọc đường đi còn qua vài cái bản nhỏ nữa, nhưng chúng tôi chỉ dừng chân nghỉ giải lao chút ít rồi đi luôn. Anh Tuyền xác định từ đây lại tiếp tục ngủ rừng. Hai ngày sau thì chúng tôi đến vùng Khoong Xedon.

   Nơi này hoàn toàn xa lạ với tôi, vì ngày tôi được bổ sung vào đơn vị thì nơi đây đã giải phóng rồi và trung đoàn đã chuyển hướng về Paksoong. Vụ bắn gấu xảy ra từ năm 1971. Trong số 7 người chúng tôi chỉ có anh Tuyền và anh Sơn biết vùng này. Con gấu chính là do tiểu đội anh Tuyền bắn được.

   Vùng này dốc núi không cao, nhưng rừng rậm toàn cây to. Gỗ rừng đủ loại, có nhiều cây gỗ quý. Đấy là nghe các anh ấy giảng giải chứ tôi không biết nghề mộc nên chỉ biết lõm bõm được vài loại gỗ chính mà thôi. Đi trong rừng ở đây có cảm giác rất lạ. Phải chăng vì ít phải leo trèo, địa hình rất rộng mà lại khá bằng phẳng nên tôi có cảm giác như mình đang ở cánh rừng của một câu chuyện cổ tích nào đó vậy. Tôi có cảm giác như trong cánh rừng này có nhiều hạt dẻ và nấm, có nhiều bầy ong làm tổ nên mới có gấu sống ở đó.

   Quả đúng là vậy. Ngày ở hậu cứ Xăm xi Núc, trong chỗ đơn vị tôi trú quân cũng có hai cây hạt dẻ cổ thụ, thu hút bọn chồn sóc đến rất nhiều. (Một lần tôi đã kể là anh Hùng C phó bắn được một con chồn ngay giữa nơi trú quân, nhân lúc cả đơn vị đi gùi gạo vắng). Ở đây có rất nhiều dẻ, quả có phần to hơn. Nhẩn nha mà nhặt quanh gốc thì cũng được vô khối. Tuy thế ở đây không có nấm như trong chuyện cổ tích, nhất là nấm hương. Còn nấm dai trên các cây gỗ mục và nấm mối thì chẳng nói làm gì, vùng rừng nào mà ít nhiều chẳng có. Chỗ hậu cứ Tùm Nho, nấm mối gây ấn tượng hơn nhiều. Rừng ẩm ướt, lắm cây lá mục nên chỉ dọc con đường chúng tôi lên tiểu đoàn cũng có nhiều nấm mối. Nấm mối là loại nấm lành, rất ngon. Có điều là vòng đời của chúng rất ngắn. Buổi sáng nhìn thấy mũ cây nấm nhô lên độ vài phân trên mặt đất là đã phải theo dõi canh chừng rồi. Chỉ độ đến gần trưa là cây nấm đã mọc cao hàng hơn gang tay, có cây thân của nó to cỡ ngón chân cái. Còn mũ nấm thì xòe to như cái đĩa sắt tây. Lúc chóp mũ nấm có màu nâu nhạt, khô mịn là lúc phải thu hoạch ngay. Độ ba cây nấm như thế thì cả trung đội bảy người có một bữa chén ngon lành, đã miệng. Nếu không phát hiện ra thì sang buổi chiều, muỗi, dĩn và những con bọ gì đó tìm đến ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lúc đi qua buổi sáng chỉ thấy cái mũ nấm bé tẹo, không chú ý đến, nhưng chiều về thì ôi thôi, cả một cấy nấm mối to đùng, mỡ màng đã bị sâu bọ chén và cây nấm đã bắt đầu thối rữa ra rồi. Chính các anh lính dân tộc cũng bảo đặc biệt ở đây có nấm mối to như thế, chứ ở rừng nhà các anh ấy cũng thường chỉ có nấm mối mà mũ to cỡ lòng bàn tay thôi.

   Vùng rừng Khoong Xedon không có nhiều nấm mối to, nhưng ong mật thì chắc chắn có. Có điều anh Sơn bảo là bây giờ còn đang mùa mưa, cây rừng ít hoa thì tổ ong không có nhiều mật. Muốn đi "ăn" ong (tức là đi rừng lấy mật ong) thì phải độ tháng năm tháng sáu cơ. Lúc ấy hoa nhiều, ong mới làm nhiều mật đặc và chất lượng. Anh Sơn bảo trong rừng có nhiều loài ong làm mật. Bé như con ong ruồi làm tổ trong các ụ đất mối cũng có, nhưng mật của nó cả một tổ vắt ra chỉ được độ một bát là cùng. Tuyệt vời nhất của rừng là ong Khoái, làm tổ trên các chạc cây to cao cách mặt đất cỡ năm bảy mét. Giống ong này thân to như cái đầu đũa. Tuy nó chỉ làm tổ có một "kèo", nhưng to như cái nong, mật ong vắt ra sánh vàng, thu được cỡ trên chục lít mật là thường. Nghe kể thôi mà thèm. Anh Sơn bảo cứ yên chí, nếu còn ở rừng thì thể nào cũng có lúc anh ấy dẫn đi "ăn" ong cho mà biết. Tôi tiếc, nhưng cũng mong có ngày đó để mở mang cho biết chứ đúng là dân thành phố, nghe kể chuyện gì về rừng cũng mắt tròn mắt dẹt.

   Có bản đồ trong tay mà anh Tuyền còn phải loay hoay đến cả ngày trời mới "lạ nhỉ", "ô kìa" rồi "đây này" để phán đoán chỗ đơn vị đóng quân ngày trước. Dấu vết hầu như chẳng còn gì ngoài mấy cái hầm đã sập, đất lấp gần đầy. Chúng tôi chẳng biết gì, cứ lọ mọ theo sau anh ấy. Phán thế nào thì nghe vậy, chẳng biết đằng nào đúng sai mà lần. Ngay cả dấu vết mấy cái hầm thì cũng có thể đoán là ngày xưa quân ta ở đây thật, nhưng có đúng là cái chỗ ở của C6 và bắn được con gấu không thì chỉ có há mồm chờ nghe anh Tuyền khẳng định. Hy vọng anh tuyền nhớ được là chính. Lại mất một đêm mắc võng trú quân, khơi bếp nấu cơm ăn. Buổi tối chẳng có đèn đóm gì mà bàn bạc, với lại giữa rừng âm u thế này mà không kín đáo thì có khi cũng nguy hiểm. Chúng tôi cứ việc ngủ ngon, chỉ có anh Tuyền là trằn trọc để suy tính và phán đoán tiếp vì trách nhiệm bây giờ đặt lên vai anh ấy là chính.

   Sáng hôm sau, anh Tuyền bảo, "chỉ có chỗ này thôi chúng mày ạ. Vì cả C chỉ ở tập trung chứ có đi đâu nữa đâu". Chúng tôi ăn cơm, không nói gì nhiều để cho anh ấy đỡ rối. Cơm nước xong rồi, anh Tuyền lại phải lấy giấy bút ra vẽ lại từ trong trí nhớ cái sơ đồ đại đội đóng quân ngày đó. "C bộ chỗ này, các B những chỗ này, bọn cối 60 đằng kia, còn phía suối là bếp anh nuôi..."

   Theo tôi cái may nhất là bếp anh nuôi bao gờ cũng bố trí ở gần suối, dù cho đó là suối to rộng hàng chục mét hay chỉ là cái lạch nước rộng hơn chục phân. Khi tìm được chỗ đóng quân của đại đội rồi, thì cứ men theo suối mà xác định chỗ bếp anh nuôi. Chỉ phiền một nỗi là nhiều khi anh nuôi C tôi chỉ làm bếp Hoàng Cầm "một nửa", nghĩa là bỏ đi phần hầm om và thông khói, nên dấu vết còn lại của nó sau hai năm thật mờ nhạt. Nói thì vậy, nhưng tốt hơn là phải làm. Thế là theo trí nhớ và phán đoán của anh Tuyền, chúng tôi hùng hục đào chỗ anh ấy chỉ. Đào rộng đến hai mét, xới sâu một mét. Không thấy lại đào rộng tiếp. Chỗ này không thấy, anh Tuyền lại nhăn trán nhớ, đoán rồi lại chỉ chỗ khác. Cứ thế cả ngày hôm ấy chúng tôi đào có tới bốn chỗ khác nhau. Tới chỗ cuối cùng, anh Sơn bóp đất và phán là "có cái gì đó giống xương chúng mày ạ". Thế là mừng rú và lại hăm hở đào, bọc cả mấy bọc đất lại và đem ra suối đãi.

   Chẳng ai có kinh nghiệm về món "xương cốt học", thành ra cứ đào và đãi thấy xương là mừng rồi. Tôi cũng "ù ù, cạc cạc" về cái khoản xương này nên cứ cắm đầu làm. Nói dại chứ nếu ngày trước ở đây ngoài chuyện thịt con gấu mà đơn vị còn làm thịt cả lợn nữa (Lợn mua của dân do hậu cần D cung cấp), thì trong cái đám xương nháo nhào này cũng không thể phân biệt được đâu là xương lợn, đâu là xương gấu. Thôi cứ coi như xương gấu đi cho nó vui vẻ, mọi chuyện khác, hậu xét. Tôi không nói ra nhưng thầm nghĩ trong bụng, nếu không tìm ra chính xác xương gấu thì cái tội này cũng chẳng thể khép vào mục nào được. Nước sông, công lính, nhiều lúc cũng phải đổ đi chứ có phải lúc nào cũng dùng được đâu. Chắc các anh khác cũng nghĩ thầm như thế, nên tối đó chúng tôi lại vui vẻ nấu cháo nốt nửa cái đuôi hoẵng liên hoan. Buổi tối quấn thuốc rê hút mù trời.

   Nhiệm vụ coi như đã hoàn thành, chúng tôi lên đường trở về hậu cứ. Những ngày thảnh thơi và tự do sắp chấm hết, chuẩn bị chui vào khuôn phép. Lúc đi thì thấy dài chứ lúc về mau lắm. Cứ theo các đường xe bò liên bản của dân mà đi. Lúc về chúng tôi toàn nghỉ đêm trong bản dân, vừa đỡ phải canh gác, vừa xin cái ăn. Lúc này gạo chúng tôi mang theo đã cạn. Được cái dân Lào mến khách và có phong tục lạ nhưng lại hay. Buổi sáng dậy họ thường nấu xôi và cho vào những cái "tuyp" nhỏ (đan bằng tre, kích thước na ná như cái cặp lồng của ta). Mỗi người một "tuýp" ăn trong cả ngày. Thế nhưng không bao giờ họ ăn hết sạch, mà thường để lại dưới đáy "tuýp" một nắm nhỏ to cỡ quả trứng vịt. Đó là do phong tục, với quan niệm rằng làm như thế để của ăn "không bao giờ hết" đối với họ. Chỗ xôi ấy họ dùng tiếp vào nồi xôi sáng sau, nhưng nếu có khách thì họ lại có thể đem cho hết mà không có vấn đề gì. Vậy là chúng tôi vào cuối chiều rẽ lại dừng chân ở bản, thì chỉ xin vài nhà là đủ ăn cho cả bọn. Thức ăn thì chúng tôi tự lo, chấm muối hoặc ăn thịt của mình mang theo. Dân Lào họ cũng có món chấm, nhưng lính ta không quen. Món "Phà đẹt" nổi tiếng (na ná như món "bò hóc" của Campuchia) thực chất là một loại thịt ươn thối vì ướp rất ít muối, ngửi nó có mùi khăn khẳn thì dù đói cũng khó mà nuốt được. Còn món chấm đơn giản khác là bắt bất cứ con côn trùng gì (Dân Lào rất thích bọ hung và bọ xít). đem vặt cánh rồi giã sống với muối và ớt thành một thứ hỗn hợp ươn ướt rồi vê xôi chấm ăn, thì chúng tôi cũng thấy nó tanh ngòm, ghê ghê.

   Những buổi trưa, chúng tôi dừng chân nấu gần nương của dân. Vừa dễ kiếm rau, vừa dễ tự nhiên thưởng thức. Nói chung, lấy các thứ rau quả của dân Lào mà chỉ tỉa, đừng vặt trụi kiểu "hủy diệt" thì cũng chẳng có ai kêu.

   Chúng tôi về đến nhà, nộp mấy túi xương lên tiểu đoàn để chuyển lên trạm xá trung đoàn. Nhiệm vụ coi như xong.

   Về sau, trạm xá trung đoàn có nấu cao thật. Không có ai kêu ca xuống dưới về các loại xương thú mà các đơn vị mang về nộp. Rồi y tá mỗi đại đội cũng được phát một lạng cao. Cục cao to gần như bao thuốc lá, màu nâu nhạt, hơi dẻo như cái đế dép bằng kếp. Nhưng các anh dân tộc xem rồi bảo đây là cao toàn tính, chắc nấu ra từ nguyên thân những con khỉ. Có thể do xương thú ít quá không đủ nấu nhiều, nên trung đoàn phải nấu thêm cao toàn tính để đủ phát tới các đại đội. Cục cao đó về sau cũng chẳng biết các anh y tá đem ngâm rượu rồi cho những ai uống khi nào.

Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM