Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:21:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323497 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #560 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 01:17:09 pm »

Đọc bài của bác, thấy đời lính rất thực và rất có nét đẹp của đời.
Tất nhiên thì lính là có đánh nhau. Nhưng suốt ngày chỉ thấy oàng, nhoáng lửa cầu vồng, tiếng mảnh rít xé vải..., thì thằng đọc cũng chóng chết  Grin
Mong bác viết đều tay hơn.
Những bài của bác, còn cho biết, người lính cũng có tâm hồn, cũng là con người bình dị, khi không phải siết cò.


 Cũng tùy từng giai đoạn thôi bác ạ, nếu tác giả viết bài theo trình tự của thời gian quân ngũ thì có những lúc bị cuốn theo cuộc chiến và luôn là ùng oàng ở phía trước đến thở cũng chẳng còn thời gian ấy chứ. Grin

 Trong KCCM là cuộc chiến tranh có giới tuyến, đánh nhau có mùa có chiến dịch cùng sự chuẩn bị chu đáo chứ cuộc chiến ở K thì chẳng có lúc nào là mùa chiến dịch hay giới tuyến nào cả nhất là thời gian đầu khi còn quá căng thẳng.

 Ngay: Thằng đọc bài hôm nay đã thấy "chóng chết" thì đủ biết thằng "phải chết" lúc đó sẽ chết không biết bao nhiêu lần. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #561 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 01:24:29 pm »


...Trong một chiều mùa mưa Trường Sơn, trên một phiến đá ven suối, tôi đã ngồi cầm tay một đồng đội TNXP, nghe những lời thủ thỉ chân tình và tha thiết của cô ấy mà lòng quặn đau, không nói được nhiều nhưng nước mắt thì nhiều vô kể, chỉ có điều nó chảy vào trong. Giá như có nhiều thời gian hơn…, giá như biết được chiến tranh sẽ kết thúc và mình sẽ trở về… thì biết đâu nơi đây chẳng nảy nở một cuộc tình và tôi sẽ vun đắp cho nó thật đẹp và có tương lai… Nhưng lúc này tất cả chỉ sầm sì một màu xám xịt của rừng chiều mưa. Tôi không nghe theo ý cô ấy, nhưng cũng không biết làm cách nào để gúp cô ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết rằng trên đời này có những quy định thật bất công và nghiệt ngã, còn phận người thì quá mong manh.

   Rồi chúng tôi cũng phải chia tay nhau trong buồn bã. Chia tay mà không hẹn hò, không mong chờ tin tức gì về nhau nữa...


@trongc6:Câu chuyện của bác cảm động quá, quả thật những lúc như thế nếu như phần người trong chúng ta lớn hơn phần con thì sẽ như vậy, đâu cứ phải cứ bom đạn ác liệt mà mọi sự chỉ biết đến hiện tại và sống theo bản năng. Chính vì thế mới có lớp người bị khoác cái áo là có lối sống tiểu tư sản đã không hòa đồng với quần chúng.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #562 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 02:02:06 pm »

Ơ, cái avata mới của bác LXT1972 hay nhỉ ? Chắc người vẽ thuận tay trái Cheesy
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #563 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2011, 02:14:32 pm »

Ơ, cái avata mới của bác LXT1972 hay nhỉ ? Chắc người vẽ thuận tay trái Cheesy

@tuaans: Đây là lô-gô của anh em CCB - SV Đại học xây dựng HN đã tham chiến tại Quảng Trị. Tác giả là Quách Ngọc Lâm nguyên là SV Mỹ thuật CN và là chiến sĩ trinh sát C20/f325 đồng đội với TTNL, 6971, TanvinhPRC25, tralientay. Hiện tại Lâm đang là họa sĩ của Thời báo kinh tế Việt Nam. Còn đưa lên avata là tác phẩm của TMH, tôi vốn dốt về IT lắm.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2011, 09:28:37 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #564 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2011, 10:13:46 am »

   Chắc ý bác Tuaans là cái logo nhìn có vẻ ngược?! Mũi súng, lá cờ...nói chung là hướng tiến công theo lẽ phải hướng về phía trước, tức là phía bên phải của logo. Còn ở đây lại phía trái, nên trông giống như là bắn về phía sau. Hay tác giả có ý gì khác?
 
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #565 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2011, 11:00:09 am »

   Chắc ý bác Tuaans là cái logo nhìn có vẻ ngược?! Mũi súng, lá cờ...nói chung là hướng tiến công theo lẽ phải hướng về phía trước, tức là phía bên phải của logo. Còn ở đây lại phía trái, nên trông giống như là bắn về phía sau. Hay tác giả có ý gì khác?
 

@ nguyenquochung & tuaans : Thực ra theo ý tôi tác giả cũng không quan niệm đâu là hướng tiến công. Nhưng suy từ trận chiến tại Thành cổ QT thì khá hợp lý vì sau lưng chúng ta chỉ còn sông TH và bên kia sông mới là vùng của ta, quân thù bao vây 3 mặt và đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến bảo vệ TX-TC QT chúng ta chỉ còn lại khu hầm dinh tỉnh trưởng sát bờ sông mà thôi.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #566 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2011, 09:58:26 am »


   Sau ít ngày thấp thỏm chờ đợi ở cái binh trạm Trường Sơn ấy, chúng tôi cũng nhận được lệnh hành quân tiếp, nhưng hướng đi không phải ra phía Bắc, mà là quay lại Saravan. Cả bọn nhìn nhau ngơ ngác. Ban chỉ huy chắc cũng thế, nhưng các anh ấy không dám biểu lộ thái độ mà chỉ gọn ghẽ phát lệnh hành quân.

   Cả đại đội lại nhổ trại lên đường. Ít ngày trước hăm hở và càng đi càng thấy dẻo chân bao nhiêu, thì nay lòng âm thầm trĩu nặng và buồn bã bấy nhiêu. Cơn mưa rừng đổ xuống trên chặng đường hành quân như người bạn cảm thông và chia sẻ cùng nỗi buồn và tâm trạng đầy lo âu thắc mắc của chúng tôi.

   Cả trung đoàn đã hành quân đi rồi nên chúng tôi không phải quay lại đúng theo lộ trình khi trước lúc đi ra. Cứ nhằm hướng cắt đường mà đi thôi. Cả đại đội lầm lũi nhằm thẳng hướng thị xã Saravan. Sau khi vượt qua sông Sê Đôn, chúng tôi đi theo đường 23 về hướng Tha Teng. Tha Teng cũng là một cái thị trấn nhỏ như Ngã Ba Lào Ngam, nằm giữa khoảng cách từ Saravan về Păk Soong. Vùng này sau chiến sự năm 1970 thì đến nay dân Lào đã trở lại các bản cũ của họ. Các bản ven đường đều là nhà sàn gỗ xẻ nhưng nhỏ hơn so với trên Cao nguyên. Một loạt bản mà không có nơi nào đủ hai chục nóc nhà. K15 đã dừng chân tại ngã ba bản Bèng và đi sâu vào rừng tìm chỗ đóng quân. Bản này có vẻ đông vui như bản Sen Vàng trong cao nguyên.  Còn lại hai cái bản nữa nằm ven đường thuộc loại khá lớn là Ca Đáp và La Vang chỉ có đúng 12 nóc nhà. Trong bản toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, tuyệt không có bóng thanh niên. Từ đây, Trung đoàn bộ và các đơn vị còn lại đi sâu vào rừng phía Tây và chia ra bố trí trên một vùng rộng lớn, dựa lưng vào nhiều dãy núi đất và rừng già. Phía ngoài đường này, xung quanh các bản dân có rất nhiều nương rẫy nằm thoai thoải và rộng lớn, nhìn ngút tầm mắt.

        Dọc con đường chúng tôi đi, bạt ngàn hai bên đường, giữa các bản dân là những vườn chuối tây mọc như rừng. Ngoài đường đi, đất đỏ lúc nắng thì bụi mù, lúc mưa thì lầy lội nên cứ nghỉ giải lao là lính tạt vào vườn chuối chặt lá rải ngồi cho sạch. Đi sâu một chút vào vườn thì nơi đâu cũng có chuối chín. Chuối chín cây cũng có mà chuối già chặt đổ xuống đất rồi lợn rừng sục ăn dang dở thì cũng vô số.

   Tôi đã kể là ở Nam Lào trên cao nguyên và nhiều vùng đất khác nữa, người Lào trồng rất nhiều chuối tây. Trồng nhiều như rừng và có lẽ vì chiến tranh nên họ không thể thu hoạch đem bán đi đâu. Họ ăn không hết nên cho ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Cũng vì phải để vườn chuối tiếp tục phát triển nên họ quy ước với nhau là ai có việc đi vào vườn chuối nếu thấy cây có buồng già hoặc chín thì phải đặt đổ cây đó xuống để gốc mau ải, lấy chỗ cho mầm chuối mới đẻ phát triển. Còn buồng chuối ấy nếu ai thích thì lấy đem về, không thì cứ bỏ mặc đó cho lợn nhà, lợn rừng vào ăn cũng được. Thiên nhiên và điều kiện thuận lợi vùng này đã ưu đãi những người dân Lào như vậy đó.

   Hành quân tới đây rẽ vào vườn chuối, chúng tôi hăm hở tìm chuối, ăn xong thằng nào cũng xách theo một nải, nhưng đi cả chặng dài chỗ nào cũng ê chề chuối thì lại chán ngay, không buồn lấy nữa.

   Qua bản Ca Đáp, chúng tôi rẽ vào nghỉ chân, nhưng Già bản (Phò bản) không cho vào mà bắt nghỉ bên ngoài. Chỉ cử người vào xin nước thì được. Hơi lạ vì người Lào vốn mộc mạc và mến khách lắm cơ mà. Mãi sau cán bộ đại đội hỏi chuyện (rồi chắp ghép thêm thông tin nghe kể sau này nữa) chúng tôi biết dân họ không muốn cho bộ đội Việt nghỉ trong bản cũng phải.

   Chuyện là cách đây vài ngày, một đơn vị của K16 khi hành quân qua đây đã rẽ vào bản nghỉ chân. Dưới sàn nhà ở đây sạch như sân đất ở nông thôn ngoài Bắc vì dân họ không chăn nuôi trâu bò trong bản, nên lính tráng hạ ba-lô ngồi nghỉ dưới sàn. Đám trẻ con chắc cũng đã quen với cảnh bộ đội Việt như thế này nên sà vào chơi. Trong lúc những thằng vào trước hạ ba-lô nghỉ ngơi và xoa đầu trẻ nhỏ thì các lính đi sau lục tục kéo tới. Thằng K. (cũng lính đoàn Hà Nội chúng tôi) nghiêng người, mệt nhọc tụt ba-lô xuống. Không ngờ cái góc ba-lô của nó móc luôn vào cái "khong" của chốt quả lựu đạn mỏ vịt và cứ thế từ từ kéo tuột cái chốt an toàn theo đà hạ của ba-lô. Mọi việc diễn ra lúc ấy có lẽ thằng K. khi về thế giới bên kia mới hiểu là chuyện gì. Quả lựu đạn phát nổ ngay trên xanh-tuya của thằng K. làm nó chết ngay. Ngoài ra thêm một lính và hai đứa trẻ Lào cũng bị thương. Một ông già ngồi trên sàn nhà thẳng hướng với chỗ thằng K. đứng cũng bị mảnh văng lên làm gãy chân. Thế là tất cả đơn vị tán loạn và è cổ ra mà giải quyết hậu quả. Sau vụ này, trung đoàn phổ biến rút kinh nghiệm xuống khắp các đại đội và lệnh cấm lính đeo móc lựu đạn mỏ vịt trên dây lưng khi hành quân. Phải bỏ lựu đạn vào trong túi cóc ba-lô hay bỏ trong túi con trên dây lưng. Còn lúc đánh nhau thì thoải mái. Về sau này đánh nhau với tụi lính VNCH, thấy chúng nó cài lựu đạn ở dây đeo chéo trước ngực, thấy có lý.

   Tiểu đoàn K18 đóng quân ngay phần cuối nương từ bản La Vang đi vào chừng hai cây số. Đi sâu thêm nữa độ một cây là một bản có tên Tùm Nho. Bản này toàn nhà sàn nhỏ làm bằng cột gỗ và tre nứa, không phải gỗ xẻ, cũng chỉ chưa đến chục nóc nhà. Trông dân ăn mặc nhếch nhác như đồng bào trên các bản cao tít dọc đường Trường Sơn. Từ vị trí đóng quân của D bộ, các đại đội rẽ ra các nhánh đi sâu hơn vào rừng. C6 chúng tôi phải đi sâu thêm 4 cây số nữa tính từ bản Tùm Nho. Đường đi vào là cắt rừng và được cắm chỗ theo tọa độ. Chiều tối của ngày đầu tiên hành quân tới nơi, chúng tôi tổ chức nấu cơm ăn theo từng trung đội tại vạt rừng đồi mà sau này sẽ làm nhà. Đêm mưa phải mắc tăng võng để ngủ.

   Hôm ấy là ngày 27/7/1973, đúng ngày thương binh tử sĩ.

   Điểm lại toàn đại đội tôi còn non bốn chục người. Mỗi Trung đội có 7 người, riêng B6 chủ công có 8. Số còn lại thuộc về A cối 60, quản lý, anh nuôi, y tá và BCH đại đội.

   Lúc này tuy không có ai nói đến chuyện chiến sự, nhưng kết quả của việc hòa hợp các phái của Lào ra sao thì chúng tôi chưa biết. Chỉ biết vùng Păk sế vẫn là quân ngụy Lào và Thái Lan chiếm giữ. Chúng tôi hiểu lờ mờ là lúc này Thượng Lào thuộc quân ta. Trung Lào có căn cứ của Vàng Pao và tỉnh Chăm Pa xắc ở cực Nam của Lào thuộc phái Phu mi. Xem ra quân số của địch cũng ít vì dân số Lào lúc này chỉ có 3 triệu người thôi. Phải hành quân trở lại, chúng tôi đoán hay là phải đánh nhau tiếp và giải phóng xong nốt cái tỉnh Chăm Pa Xắc ấy thì chiến tranh ở Lào mới coi như xong?

   Tham mưu con như chúng tôi trong đơn vị rất nhiều. Nhiều thằng còn lập luận rất văn vẻ khi đưa ra ý kiến để phán, nhưng nói chung thường là sai toét. Bởi vì có rất nhiều chuyện phải bí mật, không phải cái gì cũng được cấp trên phổ biến hết

   Hôm sau đại đội họp giao ban, phát lệnh cho toàn C làm hậu cứ kiên cố để ở lâu dài. Chúng tôi sẽ không được ra Bắc nữa mà phải đóng quân lại tại chỗ để làm nhiệm vụ, còn chính xác là nhiệm vụ gì thì chưa biết. Đến cán bộ cấp C cũng chỉ biết là còn phải tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ cách mạng Lào, thế thôi.

   Vị trí đóng quân của C6 nằm trong rừng già, ven một con suối đá nước trong và chảy rất mạnh. Bây giờ đang là mùa mưa. Trung đội 5 của chúng tôi nằm sâu nhất, áp sát suối. Bên kia suối là bạt ngàn rừng tre và nứa. Cả B chúng tôi được làm một nhà nửa nổi và vẫn phải đào một cái hầm chữ A to cho đủ lệ. Trong rừng này toàn cây gốc rất to nên chúng tôi quyết định dựng nhà toàn bộ bằng tre nứa. Cột kèo thì đương nhiên là tre rồi. Phần thưng xung quanh nhà, chúng tôi đan nứa thành phên để che. Riêng cái đoạn làm mái nhà thì lần đầu tiên tôi được biết đến mái ống. Không phải mái nứa mà là mái vầu. Cứ rọc cây vầu làm đôi, róc mắt rồi xếp đan úp ngửa chéo sát nhau cho kín mái nhà rồi neo giữ chặt là xong. Trông mái nhà rất gọn và đẹp, thẳng tăm tắp. Đúng là của rừng có khác, tha hồ dùng. Trong thời gian ở đây chúng tôi còn dùng tre nứa làm nhiều đồ dùng thông thường như rổ rá, ken thùng đựng nước ăn, rồi các loại bàn ghế, giá súng, thậm chí cả đường đi… Tiện nghi sinh hoạt đầy đủ và tiện lợi rất nhiều.

   Sau một tuần làm xong nhà, trung đội tôi tổ chức liên hoan khánh thành. Bao nhiêu đường còn lại được góp tập trung để nấu kẹo. Cà phê bột tự làm cũng được đem ra dùng nốt vì loại này để lâu trong điều kiện mùa mưa cũng mau hỏng. Đặc biệt còn có hai bao thuốc "A Lào" của tôi. Chả là dạo ở bản Ka pơ, tôi đổi được hai bao thuốc và cất kín trong ba-lô khi biết tin được ra Bắc. Tôi mơ có ngày nào đó về hậu phương, được ngồi trong một quán nước (như Quán Gió hay Bốn Mùa chẳng hạn), gọi một tách cà phê rồi chậm rãi bóc bao thuốc đầu lọc (của này ngoài Bắc còn chưa có) lấy một điếu ra châm lửa hút rồi nhả khói lên trời, làm thơm ngát cả một góc quán trước nhiều cặp mắt ngưỡng mộ của bọn thanh niên. Ôi, một ước mơ vừa nhỏ bé, vừa ích kỷ làm sao. Bây giờ không được ra Bắc nữa nên tôi đem ra cho trung đội cùng liên hoan. Thế mà cũng vui vẻ được hai tối, lại còn mời thêm được cả mấy anh quản lý, y tá và anh nuôi.

   Hơn nửa tháng trời chúng tôi chỉ quanh quẩn từ chỗ trú quân ra đám rừng xung quanh để kiếm vật liệu làm nhà. Tất nhiên vẫn phải có người ra tiểu đoàn lấy gạo. Buổi tối chỉ phổ biến kế hoạch làm việc tiếp chứ chưa phải họp hành và sinh hoạt chính trị. Sau khi làm xong nhà, chúng tôi tiếp tục tham gia làm hội trường, làm đường đi, phát quang lấy một cái sân chung. Nhà của đại đội và nhóm quản lý anh nuôi, nhà bếp… cũng được làm đồng thời, do các B cử người hỗ trợ.

   Khu doanh trại làm xong, đẹp tuyệt vời, chẳng hề kém doanh trại hồi còn huấn luyện ở Bãi Nai, Hòa Bình. Có khi còn đẹp hơn, vì cảnh rừng thì ở ngoài Hòa Bình không thể sánh bằng.

   Lúc này chúng tôi xác định nhiệm vụ huấn luyện là chính. Nghe nói sẽ được bổ sung thêm quân. Như vậy chuyện trung đoàn chúng tôi được ra Bắc để an dưỡng và củng cố sẽ thay bằng an dưỡng và củng cố tại chỗ. Lúc đầu quả thật chúng tôi có buồn, nhưng về sau xét lại, ngoài chuyện không có đồng bào Việt để giao lưu, còn về các khoản khác cả vật chất và tinh thần chắc còn tốt hơn ở Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Đơn giản là vì chúng tôi đang là chủ của những cánh rừng bạt ngàn có nhiều muông thú.

   Nhưng không phải là không có niềm vui tinh thần. Toàn trung đoàn chúng tôi tổ chức bình công (chậm sau chiến sự tới nửa năm trời). Sau đó cả E có một đoàn được ra ngoài Bắc dự hội nghị chiến sĩ thi đua, kết hợp nghỉ phép (sướng thế!). Lính Hà Nội chúng tôi cũng có thằng Thắng (K16) được tham gia. Ngoài ra trong C nào cũng có mấy anh được đi phép, chủ yếu là các anh nhập ngũ từ năm 1965, 1967. Nói thực là số này còn lại cực ít, chủ yếu là anh nuôi, y tá và cán bộ từ B trở lên. Lại tíu tít chia tay và hùng hục viết cả một nắm thư gửi về nhà nhờ các anh ấy mang ra.

   Đơn vị vắng đi gần chục người mà thấy thưa hẳn. Sẽ là hơn một tháng trời chờ đợi các anh ấy vào để biết tin nhà, nếu gia đình chưa kịp gửi thư. Đến lúc này, bọn lính Hà Nội chúng tôi cũng chưa ai biết tin ngoài Hà Nội qua thư gia đình.

….
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Một, 2011, 10:05:50 am gửi bởi Trongc6 » Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #567 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2011, 01:21:26 pm »

…..
   Đóng quân ở một vị trí mới thì nhiệm vụ trước tiên bao giờ cũng là lùng sục, chúng tôi đã quen với nếp này rồi.

   Cái dẻo đất chỗ đại đội tôi đóng quân thật ra không phải là rộng lắm. Đi xa sang hai bên chỗ nào cũng có khe suối và rừng rậm chen kín. Cây gỗ mọc dày tới mức muốn lùng sục đi qua cũng phải mò mẫm phát các cây con lấy đường. tầm nhìn xa chưa đến chục mét. Đấy là chưa kể còn có dây leo chằng chịt. Rừng rậm, lại mùa mưa nên không khí rất ẩm thấp, vắt nhiều vô kể. Vùng này ngoài vắt nâu như trong các rừng nứa, còn có cả vắt xanh. Bọn vắt xanh không bò dưới đất mà bám trên lá cây. Đi đứng thế nào thì đầu và mặt cũng phải quệt vào lá. Những con vắt xanh màu lẫn vào lá như phục kích sẵn tha hồ thả người rơi vào cổ vào vai chúng tôi. Bọn này bò rất êm, nhưng cắn thì cực đau. Nhiều khi rùng hết cả mình, chỉ mong chạy ra được một khoảng trống nào đó cởi phanh cổ áo rồi giúp nhau vừa phủi vừa bứt chúng ra.

   Để chống vắt, chúng tôi phát quang khá rộng quanh mỗi lán, hội trường và đường đi giữa các trung đội và bếp ăn. Con đường xuống suối và một con đường đi ra khỏi đơn vị để lên tiểu đoàn cũng vậy. Đường dốc trong khu vực đại đội còn được chúng tôi chặt gỗ lát hoặc đan phên tre đi cho khỏi bẩn chân.

   Qua khỏi con suối đá phía sau B5 chúng tôi là rừng tre nứa. Đi xa thêm vài trăm mét thì ra một cánh rừng thưa hơn, cũng sát suối. Hôm đầu tiên lùng sục đến đây, từ xa chúng tôi đã nghe thấy cây rung rào rào. Vùng rừng rậm này không có voi, với lại voi đi thì rung đất chứ không rào rào trên cành cây như thế. Thoạt đầu, tôi đã liên tưởng đến trăn, nhất là những con trăn gió, trăn mốc dài hàng chục mét, nặng vài chục cân mà khi còn ở nhà tôi đã đọc trong truyện. Trăn chỉ di chuyển kém khi ở ngoài bãi đất trống, còn trong rừng, nó quăng mình qua các cành cây vèo vèo như gió. Tôi đã từng đọc về chuyện trăn mò đến nuốt người nằm trên võng, hay quấn người rồi vặn cho gãy hết xương. Con trăn chỉ có mỗi điểm yếu là cái khấu đuôi. Nếu chặt được vào đó hoặc nghiến răng ngoạm đứt (điều này khó hình dung) cái chót đuôi thì con trăn mới chịu bỏ mồi. Nghĩ thế là rợn hết cả người, súng bật chốt an toàn sẵn sàng nhả đạn, chúng tôi lò dò mãi mà chả thấy gì. Hôm ấy có lẽ đi chỉ độ non cây số đã phải chuồn về.

   Tối về kể chuyện, A trưởng Thanh bảo, mày có ngửi thấy mùi gì không? Mùi tanh chẳng hạn. Nhớ lại, bảo không có chuyện đó, thế là anh ấy cười. Hôm sau anh Thanh xung phong đi lùng sục lại đúng hướng ấy. Anh ấy đi đầu, nhẹ nhàng và chú ý nghe ngóng. Đến một lúc nào đó thấy cây lá rào rào và tiếng kêu chí choét ngay trên đầu. Giật mình ngẩng lên thì chao ôi, cơ man nào là khỉ. Đàn khỉ đến vài chục con chuyền cành chạy trốn rào rào. Ngây người ra chỉ vài phút thì lũ khỉ chuồn mất tăm. Hóa ra khu vực này là một rừng cây có thứ quả hay hoa lá nào đó mà khỉ thích ăn. Chúng tôi ngồi nghỉ lại một lát rồi đi tiếp. Bây giờ thì yên tâm rồi vì bọn khỉ không nguy hiểm. Chúng không tấn công người. Chúng tôi đi tiếp, ngó nghé tiếp, cố mong tìm thấy một thứ quả gì người ăn được thì tuyệt, nhưng không có. Đến anh Thanh là người dân tộc mà cũng chẳng biết cái thứ mà lũ khỉ tìm ăn ở đây là quả gì.

   Lính tất nhiên là phàm ăn, nhưng ở tại khu rừng đóng quân này, chúng tôi đã phạm phải một sai lầm, đó là săn bắn khỉ. Trong cao nguyên, năm ngoái B5 chúng tôi cũng đã bắn khỉ, nhưng đó chỉ là bất chợt. Ở đây các anh trong C tôi đã quyết định bắn khỉ để cải thiện. Lúc đầu bọn khỉ dát lắm, chúng tôi chưa đến gần chúng đã rào rào chuyền cành chạy trốn. Về sau chúng bạo dạn hơn, chạy trốn từ từ và thậm chí còn có con gan lì ngồi lại trên cây kéo cành lá che để nhìn chúng tôi. Khi hai bên đã dạn dĩ với nhau rồi thì đơn vị tôi mới bắn. Khỉ ở đây lông màu xám và nhỏ con chứ không to như con khỉ vàng trên cao nguyên. Cả đơn vị mấy chục người có một con thì chả ăn thua gì, nên mọi bộ phận của con khỉ đều chế biến hết. Hôm đầu tiên chưa có cảm giác gì, chỉ thấy thịt nó hơi gây gây, ngang ngang.

   Mấy hôm sau đơn vị tôi lại bắn khỉ. Lần này khó hơn vì lũ khỉ đã nghi ngờ những láng giềng mới, nhưng chúng tôi vẫn bắn được. Khi xuống bếp xem anh nuôi làm thịt, tôi thấy có một cái gì đó ghê ghê, vì khi con khỉ bị cạo lông thì nhiều bộ phận của nó giống người.

   Đến lần thứ ba bắn khỉ thì thật là não lòng. Anh Hành B4 không hiểu chọn mục tiêu thế nào lại bắn trúng một con khỉ mẹ đang nuôi con. Nó trúng đạn mà còn một tay ôm con, một tay cố bíu mãi vào cái cành cây, rất lâu rồi mới chịu rơi do đuối sức. Con khỉ con chỉ bé như con mèo rơi theo rồi cứ chót chét kêu cạnh khỉ mẹ mà không thể chạy đi đâu. Hôm ấy tôi theo anh Hành, phải chứng kiến cảnh ấy, thấy não lòng thế nào ấy. Nói dại chứ lúc ấy tôi nghĩ là chúng tôi đã bắn người chứ không phải bắn khỉ.

   Con khỉ con được đem về cứ bám mãi theo xác mẹ, không trói mà nó cũng chả chạy đi đâu. Hôm ấy tôi thấy ghê ghê, không dám đụng đến món thịt khỉ. Cứ nghĩ cảnh khỉ mẹ bị đạn rớt mà vẫn níu con thì tôi cứ thấy không yên lòng thế nào ấy. Hình như con người tôi không hợp với cảnh bắn giết, dù đó là gì. (Nếu như ai đó nói rằng có hội chứng chiến tranh thì chắc tôi cũng là người mắc phải vì về sau và cho đến bây giờ, tôi vẫn không dám cắt tiết gà).

   Con khỉ con bé quá, chúng tôi không nuôi được vì nó chẳng chịu ăn. Hôm sau tôi phải đem nó ra chỗ bắn khỉ hôm trước. Chẳng thấy bóng dáng đàn khỉ đâu cả. Chúng đã coi những thằng lính chúng tôi là kẻ thù nguy hiểm mất rồi. Tôi đi sâu tiếp vào rừng nhưng cũng không tìm thấy khỉ. Nghĩ mãi, tôi quyết định cứ đặt con khỉ dưới gốc cây, hy vọng biết đâu lũ khỉ quay lại gặp sẽ cứu con khỉ con vì tính bầy đàn. Chỉ lo là không phải con mình thì con khỉ khác có nuôi nó không. Nhưng như thế này may ra con khỉ con còn cơ hội sống, chứ ở với chúng tôi chắc vài hôm nó cũng chết mất.

   Tôi đã đem chuyện này nói với anh Mỵ chính trị viên. Tôi kể mà giọng giống như đang lên án tội ác của chúng tôi. Anh Mỵ cũng là người dân tộc (may thế), đánh giặc thì hăng, nhưng tính tình thì dáng vẻ như con gái. Anh ấy cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi. Thế là từ hôm sau đại đội ra lệnh không được bắn khỉ nữa. Nếu nâng lên quan điểm thì đám khỉ cũng cùng tổ tiên với loài người chúng ta cơ mà. Còn thú trong rừng thì thiếu gì mà sợ không có cái ăn. Bắn con gì có nguồn gốc xa xa với loài người ấy cho nó đỡ ghê.

   Nói thêm về chuyện khỉ. Sau hai hôm tôi có mò ra chỗ đã thả con khỉ. Không thấy nó, kể cả xác cũng vậy. Tôi tin và hy vọng con khỉ ấy đã được cứu sống nhờ lòng nhân ái của bầy đàn. Sau này, khi chúng tôi ở đó khá lâu và không săn bắn khỉ, không có tiếng súng nên dần dà đàn khỉ đã quay lại khu rừng. Chắc không phải chúng quên tội chúng tôi, mà là vì cánh rừng đó có thứ quả mà chúng ăn được nên chúng phải tìm đến. Hơn nữa chúng vốn là chủ nhân của khu rừng này trước chúng tôi, thì chúng cũng cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước cánh lính không mời mà đến là chúng tôi chứ. Một đôi lần khi ra suối đá tắm lúc trưa nắng, nhiều lần tôi đã thấy thấp thoáng bóng dáng những con khỉ. Chúng dè dặt hơn trước nhiều. Tôi cố nhìn nhưng không thấy (hay không thể nhận ra) có con khỉ con dạo trước trong đó không. Tôi cứ vơ vẩn nghĩ lũ khỉ đã tha thứ cho chúng tôi, nhưng chúng vẫn phải cảnh giác. Thế cũng phải thôi.

   Có lẽ tất cả những người đã từng sống những năm tháng gắn bó với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đều phải công nhận rằng, trừ những khi đạn bom ác liệt, còn thì đó là nguồn tài nguyên sống vô tận và rất phong phú nuôi sống con người. Dưới một góc độ nào đó thì có khi còn sung túc nữa là khác. Chúng tôi có cái may mắn hơn rất nhiều đơn vị khác là chiến đấu ở dải đất Tây Nam Trường Sơn nên mức độ ác liệt có phần ít hơn. Khi dừng tác chiến thì cuộc sống cũng thật dư dả, tất cả đều là của rừng.

   Mùa đốt nương phá rẫy đã qua nên những chuyện phục kích ngoài nương chờ bắn những con nai ban đêm mò ra ăn tro tranh lấy muối không còn nữa. Thời kỳ này chúng tôi vẫn săn bắn được nhiều hoẵng. Tôi chưa thấy hươu rừng, nhưng giống hoẵng có họ với nai thì ở đây rất nhiều. Con to chỉ độ cỡ ba bốn chục cân là cùng. Trung đoàn cho các đơn vị được phép săn bắn để cải thiện. Chúng tôi đi xa hơn vào rừng và nhiều lần bắn được hoẵng. Có lần các anh người dân tộc hứng chí đi bắn đêm bằng đèn. Bắn đêm khá vất vả, có lẽ thích thú chỉ ở cái cảm giác lúc con hoẵng bắt đèn của người săn mà ngơ ngác rồi đứng im chịu đạn mà thôi. Tôi thích đi cùng các anh ban ngày hơn, vì đỡ hẳn cái khoản rắn rết. Ban ngày dù sao mình cũng ít nhiều nhìn thấy để mà tránh.

   Thời gian này chúng tôi huấn luyện là chính nên chuyện cải thiện cái ăn rất phong phú. Chính thời gian này được ăn thịt thú rừng rất nhiều. Cứ tổ chức đi săn là có thịt ăn. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, đấy là những tai nạn khôn lường.

   Một lần chúng tôi đi lấy gạo ngoài vùng bản Ca Đáp. Đường đất không đủ rộng cho hai xe ô-tô tải tránh nhau một cách bình thường. Xe cũng ít qua lại, kể cả xe bò của dân nên hai bên đường lau lách rất nhiều, mọc tràn cả ra đường. Thỉnh thoảng lại gặp chỗ có lối mòn đạp rẽ vào rừng. Vì ít bóng người nên thỉnh thoảng lại có những con hoẳng rẽ bụi chạy băng qua đường. Lần ấy, khi nhóm lính C tôi đi đến một khúc cong, vừa rẽ ra chỗ đường thẳng thì bất ngờ phía trước cách độ vài chục mét có một con hoẵng nhảy ra đường. Nếu nó phi thẳng mất hút thì không sao, đằng này nó lại dừng ngay giữa đường nhìn chúng tôi như thể tò mò xem chúng tôi là cái giống gì. Thế là anh Trịnh quỳ ngay xuống giữa đường, xoay nòng AK cho nó ngay một điểm xạ. Liền lúc đó cũng có ngay một loạt AK khác nã về phía chúng tôi. Con hoẵng nhảy ngay vào rừng, mất hút. Phía trước mặt có tiếng kêu ầm lên rồi thấy mấy thằng lính nhà ta lóp ngóp bò dậy. Hóa ra phía trước cũng có một tốp lính của C khác đi lấy gạo về, ngược với chúng tôi. Cả hai tốp đều bất ngờ nhìn thấy con hoẵng, đều phản xạ bản năng muốn bắn con hoẵng. Kết quả là con hoẳng chỉ hoảng sợ chạy mất, còn chúng tôi hết hồn vì hai loạt đạn chĩa vào nhau. Phúc tổ bảy mươi đời là không thằng nào dính đạn. Chúng tôi cùng cáu tiết chửi nhau, cùng nhận ra chẳng thằng nào đúng nên đành chia tay đường ai nấy đi, nhưng vừa đi còn vừa run. Về đến lán đêm nằm nghĩ lại còn thấy sợ.

   Những chuyện như thế cũng chẳng dấu kín được ai. Không thằng nào bị kỷ luật, nhưng có lệnh từ trên truyền xuống là chỉ được tổ chức săn bắn hẳn hoi chứ không được tùy tiện bắn lung tung.

   Bây giờ thì lại xảy ra chuyện khác. Vốn dĩ cũng chẳng ai phân định đâu là vùng rừng của ai, nên đã xảy ra chuyện có đơn vị nọ cử người đi săn, tưởng cách xa đơn vị lắm rồi, nhưng lại lần mò sang đến khu rừng của đơn vị khác. Có ai cho chúng tôi biết rõ ràng vị trí đóng quân của từng đơn vị trong trung đoàn đâu, phải bí mật cơ mà.

   Một lần chúng tôi đang ngồi thảo luận chính trị trong lán thì nghe thấy phía dưới gần suối có tiếng rung cây rất to. Chỗ ấy có nhiều cây to cao đến hai chục mét, mây song chằng chịt, um tùm. Anh Dũng B trưởng cho tạm dừng họp rồi  xách súng ra xem. Tiến động cứ rùng rùng tít trên lùm cây cao, ào ào từng đợt. Chả hiểu sao mọi người lại đoán là có con gấu trên ngọn cây, tuy chẳng ai nhìn rõ. Lúc ấy cũng chẳng ai đủ bình tĩnh để suy nghĩ xem, trên cây ấy có tổ ong đâu mà gấu nó leo lên. Cứ nghĩ có con gấu rất to, bắn được là tuyệt rồi. Thế là chẳng cần nhìn thật rõ, anh Dũng choảng luôn một điểm xạ AK lên đó. Tiếng động im bặt, nhưng ở gốc cây có tiếng người gào ầm lên. Chúng tôi chạy lại thấy hai thằng lính C5 mặt tái mét ngồi thụp ngay gốc cây. Hóa ra bọn C5 đi lấy dây mây đã mò sang khu vực C tôi, nhưng chúng nó không đi theo đường mòn chính vào mà cắt rừng đi như ở chỗ không người. May mà anh Dũng đoán con gấu trên ngọn cây mà bắn lên đó, chứ đoán con gấu đang ngồi dưới gốc cây thì chắc có thằng kết oan.


Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #568 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2011, 10:08:50 pm »

.
     Gần một tháng trời nay mới lại thấy bác Trongc6 nổ tiếp. Bác để lâu quá, đứt mất mạch, khó theo dõi quá !
Logged

tiepvhtt
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #569 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2011, 08:39:57 am »

cháu cũng chỉ là người đọc bài thường xuyên của các bác thôi, báo An ninh thế giới có đăng bài về một cựu chiến binh tại Lào, quê ở Thị trấn Văn Điển - Hà Nội đã có thành tích 9 viên đạn AK bắn rơi Thần Sấm F105 20/4/1970 tại Xiêng Khoảng, Lào.
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/tulieu/2011/12/77042.cand
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM