Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:42:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323510 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #540 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 09:15:25 pm »


       Bây giờ đến chuyện làm giúp anh nuôi.

             Bốn anh nuôi trong C tôi vốn là lính thu dung của đợt D34, D36. Chúng nó nhập ngũ đợt hè 1970, trước chúng tôi hơn một năm. Khi đó, chúng nó được nhiều ưu đãi lắm, vì chưa phải cảnh tổng động viên. Đóng quân bên Đông Anh, cách nhà chỉ trên hai chục cây số, thằng nào mà chả tranh thủ "tút" về nhà vài lượt. Có khi chúng nó "tút" cả đám hơn chục thằng, về Hà Nội chơi vài ngày rồi lại nhập lên đơn vị vô tư. Kỷ luật khá lỏng lẻo. Đợt chúng nó chỉ gặp cảnh ăn bí ngô triền miên thay rau là xót ruột thôi, còn thì không có gì đáng phàn nàn. Lúc ấy, mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật, thấy bọn lính mặc quân phục bạc màu, tay áo thả dài không cài khuy, quần chít ống mà giày cao cổ lại không thắt dây, thả bước vào quán Gió, quán Bốn mùa gọi cà phê, hút thuốc lá thả khói hình vòng tròn điệu nghệ thì thanh niên Hà Nội mê lắm.

              Cũng vì chiều quá nên lính tráng sinh hư. Sau tết năm 1971, chúng nó chuẩn bị vào Nam. Lính trung đoàn 1867 Bộ Tư lệnh thủ đô thường không bổ xung cho các sư chủ lực ở Bắc, mà hành quân theo đội hình đông vào bổ xung thẳng cho chiến trường. Cả tiểu đoàn sáu trăm con người lên cả một chuyến tàu hỏa ở ga Yên viên. Đợt đó chúng nó được phát ngay quân tư trang mới ở Đông Anh. Súng đạn cũng phát luôn, toàn Ak và lựu đạn chày. Toa hậu cần phía đầu tầu chất sẵn bánh kẹo, thuốc lá và nước ngọt. (Chủ yếu là si-rô thôi chứ chưa có bia). Lính mà được phát thuốc lá Tam đảo, Điện biên, có cả bao bạc hẳn hoi. Lúc đó ngay cả thời gian huấn luyện cũng chưa có lệ phát thuốc lá cho lính, vậy mà lúc đi B, chúng nó đầy đủ vậy. Nghe nói toàn đồ úy lạo của thành phố. (cái này nghe giống như chuyện úy lạo của nhân dân TQ cho các chiến sĩ Quân giải phóng ND TQ trong chiến dịch Thượng Cam Lĩnh bên Bắc Triều tiên hồi 1953 quá).

              Lên tàu là thuốc lá và bánh kẹo đã được phát tới tận tay lính. Tàu chạy chậm, lính tráng ngả ngiêng hát hò, trò chuyện. Sẩm tối thì qua cầu Long Biên. Cầu Long Biên khi đó đã bị máy bay Mỹ đánh sập mấy nhịp trong chiến tranh phá hoại, được sửa lại, nhưng chỉ được phần cầu, còn những dầm khung giằng thép mang dáng dấp đặc trưng của cây cầu thì không có (đến bây giờ cũng vẫn thế) nên tàu chạy chậm. Một thằng nào đó phởn chí chợt thò AK ra cửa sổ toa tàu nhả lên trời một loạt đạn. Thằng khác thấy thế cũng hưởng ứng góp một loạt. Thế là như phản ứng dây chuyền, lính ở các toa cùng thi nhau xả đạn lên trời. Chỉ huy đi cùng toa quát được thằng này, thì thằng ở góc kia bắn, cứ loạn cả lên. Trong cảnh láo nháo mà thằng lính nào cũng có súng đạn, tâm trạng đầy phấn khích thì chỉ có bó tay. Quá đáng hơn, một thằng rút lựu đạn giật nụ xòe rồi quăng xuống lòng sông. Tiếng nổ to và cột nước dựng lên gây ấn tượng hơn. Một thằng làm được thì thằng khác cũng làm được. Thế là mặt sông dọc cầu dậy lên tiếng nổ và cột nước. Chắc khi đó dưới sông không có tàu bè và thuyền đánh cá qua lại, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Bọn cá chết oan nổi lên mặt sông, chắc phải trôi cả cây số xuống dưới hạ lưu mới có người vớt.

               Tàu vào đến ga Long Biên thì tình hình mới tạm ổn. Lính tráng không dám bắn vào khu vực có dân. Chúng nó chỉ thò cổ ra ngoài toa hò hét om sòm. Tối rồi, đường Phùng Hưng cũng vắng vẻ nên không khí lịm dần.

               Vào Ga Hàng cỏ thì tàu dừng lại. Chắc các thủ trưởng cấp trên ở Bộ TLTĐ muốn dừng tàu để vào ga trấn chỉnh lính. Nhưng hình như quyết định này là sai lầm. Tàu dừng là lính tỏa xuống sân ga. Rồi lếch thếch cả ba-lô và súng đạn, từng tốp lính kéo nhau ra hai đầu đường sắt phía Khâm Thiên và phố Nguyễn Khuyến. Tốp thằng Luân phố Huế vừa ra đến gần cầu vượt phố Khâm thiên thì bị một đại uý  đứng chặn giữa đường tàu giang tay ngăn lại. Chẳng sợ chút nào, thằng Luân chỉ vào mặt người sĩ quan, hỏi anh em lính: "Lão này có phải thủ trưởng chúng ta không hả chúng mày?". Một thằng kêu to: "Cóc phải". Thế là chúng nó gạt ông sĩ quan ra rồi ào ào đi. Sức ngăn không lại, cũng không thể rút súng ra bắn (bọn thằng Luân khi đó cũng súng ống đầy mình), ông đại úy đành bất lực nhìn đám thằng Luân, rồi nhiều tốp lính khác tràn qua trước mặt.

               Đêm đó, cả tiểu đoàn lính, lớp ngủ lại sân ga, lớp ra công viên Thống Nhất chơi cả đêm, một số thằng về nhà ở gần. Đến sáng, chúng nó cũng lục đục trở lại tàu. Gần như đủ cả mới lạ chứ. Trời sáng rõ, đoàn tàu mới chuyển bánh rời ga.

              Nhưng như thế chưa phải là đã hết.
…….

Tôi khi ra bắc cuối năm 1974 có đi tầu cùng tốp lính HN của f2 ra giải quyết chính sách. Họ chính là quân của d34, d36 lừng danh của BTL Thủ đô. Trên tầu từ Vinh ra đến Thường Tín, toa bộ đội đi cùng các toa của dân, thì mới biết họ không hổ danh là lính 34, 36 nhất là bây giờ được trở về. Đến đoàn 869 cũng có 1 số lính của 2 d đó đã ở đấy từ trước. Qua câu chuyện của họ thì thực sự khi vào đến Vinh mới tới đỉnh điểm của việc quậy tung trời. BTL thủ đô phải vào cùng BTL quân khu 4 để giải quyết. Xé lẻ toàn bộ đội hình của 2 d này thành từng tốp nhỏ. Vị nào có số má thì giữ tại 33 Phạm Ngũ Lão hoặc về các đơn vị huấn luyện sau này. Số quân còn lại bị xé lẻ ghép vào các đơn vị khác bổ sung cho các đơn vị của B1 trong đó có f2, một số về f324 ở Thừa Thiên. Nói chung quân ta bị xé lẻ là tạnh vở không thể quậy theo kiểu bầy đàn được.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #541 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 09:43:31 pm »

              .......... Thật may là ngay đỉnh dốc có một cái cửa hàng ăn uống mậu dịch. Có độc món mì (sợi) nấu với nước canh đậu phụ, có pha chút gừng chống lạnh. Chẳng có chút xương xẩu nào, và tất nhiên là không có mì chính. Giá cũng bình dân, một hào rưỡi một bát.................

Bác Trong c6  đã gợi nhớ về những món ăn sang trọng của một thời.
Còn nhớ, tại cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ở Nhổn-Hà Tây, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn. Tại của hàng này cũng có phục vụ 2 món trứ danh, đó là: phở trứng và miến đậu phụ.
Phở trứng bao gồm 1 tô phở không người lái, có 1 chút hành, và tâm điểm là 1 miếng trứng vịt rán. Miếng trứng được chế biến theo kiểu: trứng đánh tơi, nhanh tay đổ vào chiếc chảo to đang nóng vì mỡ sôi già, khéo léo lắc chiếc chảo cho trứng dàn mỏng được ra khắp lòng chảo, tạo thành 1 lớp trứng mỏng tang. Sau đó, cuộn lớp trứng mỏng ấy lại như cuôn bánh cuốn. Thành phẩm là được 1 chiếc chả trứng cuộn tròn và dài. Khi dùng dao sắc như dao cạo râu cắt ra, ta được từng miếng trứng tráng có đủ độ đậm nhạt của sắc mầu và có những lớp lang như miếng bánh ga tô. Mỗi bát phở trứng được 1 miếng trứng thái cuộn như trên, tầm 1 phần 3 quả trứng vịt.
Còn miến đậu phụ thì được đựng trong cái bát chiết yêu. Bao gồm một chút miến dong, một chút hành, nước dùng là nước sôi có chêm muối-không mì chính. Và đỉnh của đỉnh là có 2 miếng đậu phụ rán. To bằng 2 nửa miếng đậu phụ loại 1 nghìn/bìa bây giờ.
Gía của bát phở trứng là 3 hào/bát. Còn giá của tô miến đậu phụ là 2 hào/bát.
Cách phục của cửa hàng ăn thời đó cũng rất độc đáo.
Đó là phải xếp hàng để mua tích kê. Phở trứng là cái mảnh sắt tây hình gần vuông hoặc gần chữ nhật. Miến đậu phụ thì tích kê là mảnh sắt tây hình gần giống tam giác.
Còn xi-rô lựu (chẳng hiểu tại sao lại gọi là xi-rô lựu, chỉ biết đó là 1 thứ nước hơi ngòn ngọt và có mầu hơi hồng hoặc hơi đỏ-tùy theo tay nghề của nghệ nhân chế biến), thì tíc kê là miếng sắt tây hình gần tròn.
Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh chỉ phục vụ 3 món đó, không có món thứ tư. Vua đến ăn cũng mặc kệ, thực đơn chỉ có vậy.
Tất cả 3 loại tích kê trên, đều có 1 cái lỗ thủng  ở gần giữa miếng sắt tây.
Và sau khi xếp hàng mua tích kê xong, đến lượt phải xếp hàng để lĩnh món sơn hào-hải vị kể trên.
Cái dây xếp hàng này có hướng ngược với dây xếp hàng tích kê, đầu hàng hướng về cái ô vuông phát ngọc thực.
Để chống bọn lưu manh-phản động làm giả giấy tờ có giá, cơ quan chuyên môn đã có cách thức sau: nối giữa quầy bán tích kê và ô lĩnh hàng, có ba sợi dây thép song song. Một cái dây để lồng và dẫn hướng tích kê hình chữ nhật (hoặc vuông), một cái dây để lồng và dẫn hướng cái tích kê hình tam giác, cái dây thứ 3 còn lại thì để lồng và dẫn hướng cái tích kê tròn.
Đó là lý do tại sao, các tíc kê đều có lỗ thủng ở giữa.
Khi đã nộp tiền xong, thủ quỹ căn cứ vào vật phẩm được bán ra, sẽ lồng cái tíc kê tương ứng vào sợi dây thép phù hợp, rồi đẩy cái tíc kê ấy ra ngoài. Khách hàng tự dẫn cái tíc kê của mình đến cái ô vuông thần tiên kia.

Nếu như có 1 ông hỗn ăn, mua cả 3 thứ, thì ông ta phải khéo léo đi vào giữa 3 hàng dây và phải nhanh tay đẩy 3 cái tíc kê của mình cùng lúc, không thì con ma đói phía sau nó chửi.
Baoleo còn nhớ đó là năm 1970, kết thúc đợt sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất.
Để liên hoan chia tay nơi sơ tán là thôn Kim Hoàng, baoleo quyết định lắc cái ống tre tiết kiệm (làm gì có tiền mua lợn đất-mà chỉ lấy cái đoạn ống tre, cưa vát 1 tý ở thân ống để làm chỗ đút tiền) ra 6 đồng 5 xu-tức là 3 hào, cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao.
Sau khi đứng trước cửa hàng tầm gần 1 tiếng, nghiến răng cỡ mòn mất đề xi dem răng cho đỡ tiếc, baoleo hùng dũng tiến vào quầy mua tíc kê. Lúc trao tiền, cô thủ quỹ kêu thét lên vì bỏng tay. Hóa ra, do baoleo nghiến răng, nắm chặt 6 đồng 5 xu mạnh và lâu quá, đến mức cả 6 đồng xu đều nóng đỏ cả lên.

Đến tận hôm nay, khi gõ những dòng này, baoleo vẫn ân hận là đã dám xa xỉ tiêu tiền để ăn một cách hoang toàng, phá phách như thế. Cool


Bác Trongc6, chẳng phải riêng cửa hàng ăn uống ở Nhổn đâu mà tất cả các CH đều như thế cả. Bác hồi ấy đi học bằng gì ? Tôi và thằng Kường (chính là Kường Ngân xe máy nổi tiếng) cùng mấy thằng nữa đi tầu điện từ Cửa Nam, xuống bến Cầu Giấy thỉnh thoảng có tiền rẽ vào CH ăn uống Cầu Giấy ăn 1 bát mì không người lái giá hào rưỡi với cái cảnh đi theo đồng xèng luồn dây thép từ nơi bán vé tới ô cửa lấy mì.

Ôi chao một thời làm sao có thể quên được. 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #542 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2011, 10:09:07 am »

(Còn nhớ, tại cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ở Nhổn-Hà Tây, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn. Tại của hàng này cũng có phục vụ 2 món trứ danh, đó là: phở trứng và miến đậu phụ)

(cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao)

 - Các Bác lại" dám" thay đổi địa danh" nhà em rồi " Nhổn" không phải là thị trấn, nó chỉ là một cái ngã tư thôi . Đây là Ngã tư Nhổn là giao cắt giữa đường 70 và đường 11A cũ ( nay là đường 32) thuộc địa bàn xã Xuân Phương , huyện Từ Liêm ,TP Hà Nội ( quê hương của Bác Xuân Thủy). Chào các bác
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #543 vào lúc: 29 Tháng Sáu, 2011, 01:52:59 pm »

@bác PhongQuang.

       Sư 320 thời chống Mỹ nằm địa bàn B3 (Tây Nguyên). Tháng 5/1973, Trung đoàn 52 của sư 320 bị rút đi bổ sung cho chiến trường Quảng trị (Nó nhập vào sư 325 thì phải). Thế là E9B bị cắt ra khỏi sư 968 và bổ sung cho sư 320A. Mãi đến tháng 8/1975, trung đoàn 9B mới trở lại đội hình sư 968 và ở đó cho đến ngày hôm nay. Đúng như bác PhongQuang đã nói, bây giờ sư 968 thuộc QK4 và đóng tại Quảng Trị

Trung đoàn 52/f320A  - tên truyền thống là trung đoàn Tây Tiến - bổ sung cho chiến trường QT nhưng không về 325. Tại QT lúc đó f320B chỉ có 2 e là 48 và 64 sau đó e27 của QK Trị Thiên sát nhập vào 320B. Thời kỳ đó chúng tôi chưa nghe thấy tên e52.

Gốc gác của f320 từ thời đánh Pháp có 3 e là 48 (Thăng Long), 52 (Tây Tiến)  và 64 (Quyết thắng).
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Sáu, 2011, 02:05:04 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #544 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2011, 09:42:52 pm »

hehe,nghe các bác nhắc lại Hà Nội thời xưa làm cháu cũng nhớ phở mậu dịch ở Phùng Hưng với Thuốc Bắc. Buổi sáng 2 ông cháu dẫn nhau đi ăn. Ôi cái thời đã xa mà chưa xa lắm,nhắc lại sao mà nhớ thế.
Có chi tiết vui này nói nhỏ với chú Lê Xuân Tường nhé : Cháu có 1 thời gian "quen" với DH,con gái của chú Hồng Kỳ. Nhớ lần đầu đến nhà ở Hàng Dầu (Bè - lâu quá nên cháu quên) đón đi chơi hồi lớp 10. Bà nội DH đứng trên ban công đổ cả cái ống nhổ ăn trầu xuống thẳng đầu cháu với thằng bạn. May mà 2 thằng có võ né kịp. Kỷ niệm không bao giờ quên.
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #545 vào lúc: 04 Tháng Bảy, 2011, 11:04:24 pm »

Đào ngũ:thời các bác có câu truyền đến bọn em .; Hà chuồn ,Nam lủi Thái bình bay
                                                              Hải phòng anh dũng trốn ban ngày
                                                              Thanh hóa mất mùa xin ở lại
                                                               Nghệ -tĩnh thấy thế cũng dơ tay
                                                            hà....hà....

Tối nay cháu mới nghe bố cháu đọc 2 câu đầu bài này (Cụ đọc nhầm thành Hà Nội hiên ngang trốn ban ngày) và bảo mấy câu này có từ trước thời cụ nhập ngũ (1966). Cụ là dân HN nhưng sơ tán và tình nguyện nhập ngũ ở Phú Xuyên - huyện có thành tích tuyển quân hẻo nhất của Hà Tây (tỉnh có truyền thống thiếu quân Cheesy) ạ. Cháu cũng nhờ Gúc thần chưởng mà mò được để đọc lại chủ đề này của chú TrongC6 đấy ạ.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #546 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 09:18:59 am »

Được bạn Khương 726 khích lệ qua tin nhắn và ý kiến trao đổi với một vài CCB khác, tôi sẽ viết tiếp những ngày ở Lào. Thực chất đó chỉ là những ngày bình lặng, nhưng cũng có thể cung cấp cho các bạn một vài điều về tình hình và sinh hoạt ở chiến trường đó của anh em lính, vì chiến trường này ít người viết quá.


(Viết tiếp những ngày ở Nam Lào…)   

   Thế là ở chiến trường này cũng đình chiến, cũng có hòa bình rồi. Cứ dần dà mỗi ngày được phổ biến và được học tập một ít, chúng tôi biết được rất nhiều thông tin cần thiết.

   Nghe tin ở Việt Nam, ta và địch phân chia gianh giới tại những vùng kề nhau như giới tuyển. Ta và địch xây dựng chung những ngôi nhà hòa hợp, khu thể thao để hai bên giao lưu vì đều là dân Việt cả. Những thằng lính đã hoàn thành nhiệm vụ đánh nhau, bây giờ chia phần đất xong rồi, không đánh nhau nữa. Phần việc còn lại là của lãnh đạo các bên bàn bạc rồi đi đến tổng tuyển cử thông nhất đất nước. Lần này có nhiều bên quốc tế giám sát, phe XHCN đã mạnh hơn nên chắc địch không phá được như hồi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Đấy, lúc ban đầu là nghĩ như vậy. Chúng tôi ở bên này không làm nhà hòa hợp và giao lưu với địch vì là người hai nước khác nhau. Ai ở đâu cứ đóng ở đấy thôi. Gianh giới cũng chỉ ước lệ bởi đất Lào rộng lớn, quân của cả hai bên đều ít thì cũng chỉ lập chốt là đủ.

   Chúng tôi được biết dần và nhiều hơn về Chiến dịch B52 của Mỹ ném bom Hà Nội hồi tháng 12/1972 và chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của ta. Nghe nói ga Hàng cỏ, bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên bị đánh bom tan tành. Nhưng thằng có gia đình ở các tiểu khu thuộc mấy chỗ đó lo lắng ra mặt, nóng ruột nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn.

   Trong khoảng thời gian hơn hai tuần trú quân ở bản Xăm-xi-núc "cầu", công việc tương đối nhàn. Không phải cùi cõng lót đạn hay gạo cho tuyến trước như hồi năm ngoái. Chỉ đi lấy gạo cho riêng đơn vị mình là đủ. Có hai việc làm chủ yếu là học về vũ khí, chủ yếu là M79 và B41. Lúc này trong đơn vị vẫn còn B40, nhưng khi súng hỏng hoặc được bổ sung mới thì toàn là B41 của Trung Quốc. Loại súng này tuy có nặng hơn nhưng tác dụng của nó mạnh hơn B40 nhiều. Cối cá nhân M79 thì không nói làm gì, loại này quá ưu việt. Việc thứ hai của chúng tôi là hàng ngày đi lùng sục quanh vùng đóng quân theo tuyến của phần đất bên ta giữ. Chúng tôi chỉ đi trong phạm vi 5 cây số, không lấn sang phía địch làm gì.

   Một lần nhóm 4 người B5 chúng tôi do anh Trịnh phụ trách lùng sục về khu vực bản Xăm-xi-núc "may". Vẫn cái bản dân bé nhỏ ấy, cuộc sống thanh bình. Mùa khô không làm nương và trồng cây gì nên các nương rẫy hoang tàn xơ xác. Chẳng còn vết tích của những đồi kiệu bạt ngàn xanh tốt, những nương trồng thuốc lá nhiều tới mức cứ có dịp lính tráng đi qua là tạt vào bứt ào ào đem về thái phơi hút như của mình mà mãi không hết. Giờ thì chỉ có men theo bờ suối, dân bản làm những mảnh vườn nhỏ rồng lưa thưa ít rau cải. Mình mà có ý định lấy về cải thiện cho cả đại đội một bữa thì chắc phải vặt bằng hết mới đủ. Đi qua bản, lính và dân chào hỏi vài câu lấy lệ rồi chuồn mất hút, cảm giác buồn buồn.

   Một lần khác nhóm chúng tôi lại lùng sục về khu vực Xăm-xi-núc "may", nhưng không vào bản mà rẽ theo con đường nhỏ đi vào hướng khu rừng già nơi mà năm trước C6 trú quân. Trở lại chốn cũ, cảm giác bồi hồi xúc động qua từng bước chân. Qua cái nương nhỏ, chúng tôi vào khu vực B5 trước tiên. Những cái lán cũ mái đã mục nát, xiêu vẹo trông thật hoang tàn. Các sạp nứa trong hầm thùng ẩm mốc. Đường đi lối lại cây cỏ mọc đầy, nhiều chỗ chắn hết lối. Mà đấy là chỉ sau có một phần cuối mùa mưa và chủ yếu là mùa khô thôi đấy. Cảm giác buồn hơn nữa là nhìn những cái lán đổ nát mà thấy lồng trong đó như hình ảnh của một cuốn phim quay chậm đè lên cảnh sinh hoạt của cả đơn vị ngày nào. Vậy mà bây giờ nhìn lại chẳng còn mấy ai. Nhiều người bị thương ra Bắc, nhiều người nằm lại những cánh rừng khôộc lưa thưa bóng nắng ngoài Saravan. Một trung đội mười mấy người ngày đó mà nay có bổ sung thêm lính Nghệ An thì mỗi B cũng chỉ có 7, 8 người. Tràn ngập nỗi buồn man mác khó tả.

   Chúng tôi đi lướt nhanh một vòng quanh cứ cũ của đại đội rồi nghỉ lại chỗ cái sân đại đội cũ giở cơm ra ăn. Rừng già đã trở lại dần vẻ âm u của nó với tiếng chim và đám sóc bay cùng những con chồn bé nhảy qua nhảy lại giữa các cành cây, ngơ ngác nhìn chúng tôi lạ lẫm.

   Cơm nước và nghỉ ngơi xong, chúng tôi đứng dậy lên đường. Thật không thể tả rõ lúc đó vui hơn hay buồn nhiều hơn. Chiến tranh đã chấm dứt rồi, đáng lẽ phải vui, nhưng khi có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về số phận con người thì lại thấy buồn buồn trước những mất mát chia ly. Tôi biết cái cảm giác như thế này sẽ còn trở lại nhiều lần nữa trong cuộc đời nếu như mình còn sống và còn nhớ về đồng đội thân yêu.

   Những ngày sau, chúng tôi còn vài lần trở lại lùng sục ở khu vực bản Xăm-xi-nuc "may", nhưng không bao giờ chúng tôi vào lại khu rừng đóng quân ấy nữa.

   Ngày 8/3/1973, đại đội chúng tôi lại hành quân chuyển về bản Phù Đin, lại trở lại chính cái vườn cà phê tốt um nằm sát nhà dân ấy. Chẳng đào hầm nhưng tôi với anh Trịnh vẫn trải nilon nằm cạnh nhau. Thời gian chúng tôi ở đây chỉ có 4 ngày nhưng là những ngày nghỉ ngơi và lắm chuyện quấy nhộn.

   Bản Phù Đin tuy không nhiều nhà, nhưng là một bản trù phú trên cao nguyên. Dân bản chủ yếu sống bằng trồng cây cà phê. Nhà toàn là loại nhà sàn gỗ to, làm sẵn ở đâu đó (các cột và ván gỗ là loại cưa xẻ bằng máy phẳng lỳ hẳn hoi chứ không phải đẽo bằng tay). Nhà to và rộng rãi. Ăn mặc của dân bản cũng có vẻ sang. Cái nhà cạnh chỗ B5 chúng tôi ở có hai vợ chồng và một cô con gái. Cô gái cũng độ tuổi "sao" (tuổi thiếu nữ 20), khá xinh và dáng người đầy đặn cân đối. Sống trên đất Lào đã gần một năm, nhìn thấy dân Lào và nói chuyện vặt vãnh với họ cũng không ít, nhưng thời gian này là lần đầu tiên tôi được ở gần và có thể quan sát và ngắm người dân Lào, nhất là con gái thoải mái như thế. Tôi với anh Trịnh không nằm võng mà đem hai cái tăng căng qua một sợi dây nối giữa hai cây cà phê tạo thành một cái lều trên mặt đất. Bên trong phủ ít lá khô, trải nilon, thế là có chỗ nằm kín đáo và thoải mái. Lúc không phải đi công tác hay sinh hoạt, nằm đây nhòm ra thì tha hồ mà ngắm sinh hoạt của nhà dân chỉ cách độ hai chục mét. Hình ảnh cô gái chủ nhà lên xuống cái cầu thang luôn in dậm trên nền trời xanh. Mà cho dù cô có đứng trên sàn ngoài nhà thì nhìn cũng thật rõ giữa thanh thiên bạch nhật vì lúc nào trời cũng sáng mà chẳng có gì che khuất. Cô ấy luôn đi đất (đôi khi mới thấy xỏ đôi dép Thái), mặc một cái váy hoa ngắn ngang bắp chân, nhưng đặc biệt là lúc nào phía trên cũng chỉ có mỗi một chiếc áo nịt con màu đen. Biết là không phải, nhưng chúng tôi rất thích nằm trong lán (cho kín đáo) mà ngắm nhìn (trộm) thân hình đầy đặn của cô gái, nhìn đôi vai trần và làn da trắng của cô ấy. Còn cô ấy thì cứ vô tư với những cử chỉ tự nhiên như chỗ không người. Mới đầu tôi và anh Trịnh cho là đặc ân của hai thằng khi lọt vào cái góc này, nhưng hóa ra không phải. Bản không đông dân nhưng cũng có đến chục cô gái tuổi "sao", còn cái đám trai gái bé hơn nữa thì cũng khá. Lúc chúng tôi có việc đi ngang dọc trong bản mới biết đám con gái ở đây đều ăn mặc thế cả. Thật khác xa ở nhà, vì con gái Bắc (kể cả đám thanh niên xung phong bạo dạn) cũng chẳng có ai mà trên mình có mỗi cái "tùng chiêng" lại dám thản nhiên đi lại trong sinh hoạt cộng đồng. Trong cái cảnh ấy, chắc cũng có thằng lính ta thầm nuốt nước bọt. Nhìn vài hôm thấy quen, nhưng tôi với anh Trịnh vẫn khoái vì cô gái nhà gần chỗ chúng tôi trông xinh nhất. Tiếc là nhìn ngắm thoải mái, nhưng đơn vị không cho giao lưu, thành ra chỉ hỏi được mỗi cái tên, nói vài câu chung chung rồi tịt.

   Thời gian chúng tôi ở Lào tuy không phải là nơi đèo heo hút gió, vẫn có dân nhưng vốn chẳng bao giờ đóng quân trong bản nên nhìn dân gần gũi lúc này vẫn cảm thấy tình thương mến thương như làng xóm quê nhà. Gần bản có một con suối đá chảy qua, khá rộng, nước trong veo. Phía bên kia suối liền sát với một cánh rừng khá rậm rạp. Dân bản họ ăn uống và tắm giặt đều lấy nước từ con suối này. Chúng tôi ở đây thì cũng nhờ con suối như thế. Có điều chúng tôi nhận xét thấy là khi tắm giặt, dân bản phân chia khu vực rõ ràng. Đàn ông được tắm phía trên dòng chảy, còn phụ nữ và trẻ con tắm phía dưới, cách xa nhau đến cả trăm mét, khúc suối lại cong nên chẳng bên nào nhìn thấy bên nào. Bộ đội chúng tôi là đàn ông nên tất nhiên cũng được tắm ở khúc phía trên, nhưng cũng cách ra phía trên một tí vì dân họ không tắm chung cùng lính, nhất là không đi tắm tập trung.

   Lòng vả cũng như lòng sung. Lính tráng xa nhà mà gần dân, thế nào chẳng có điều trắc ẩn. Không ít thằng mong được nhìn trộm con gái tắm, nhưng bộ đội cách mạng đâu có thể làm ấu. Cầm tay con nhà người ta công khai thì chẳng sao, nhưng nhòm ngó lung tung thì không được. Thế là mấy ông tai quái (nơi nào chẳng có các bố ấy) tìm cách mò sang bờ suối bên kia phục kích. Bên đó là rừng rậm, lại muốn giữ bí mật (cả với "quân ta" và "quân địch") nên phải vờ đi rừng ở đoạn rất xa, đi một khoảng cũng rất xa rồi mới định hướng đạp rừng quay lại. Đầu têu là mấy anh dân Hà Bắc (cựu nhất trong đơn vị) rồi đến các anh Hà Tây. Cho đến một lần anh Trịnh cũng ngứa ngáy chân tay rủ tôi cùng đi. Phải nhân một buổi chiều được cử đi lùng sục chỉ có hai người. Chúng tôi chỉ mang AK cho gọn, nhưng không đi theo lộ trình đơn vị giao, mà nhanh chóng cắt đường đổi hướng. Đường dài và gian nan đến nỗi có nhẽ sau hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới mò trở lại được bên kia suối. Lại định vị cho đúng khúc suối trong điều kiện chỉ được bò loặc lổm nhổm bốn chân. Bí mật được thì không sao, lộ ra thì coi như không còn gì để cãi. Chúng tôi chọn chỗ phục kích, cũng may là nơi đó toàn cây lúp xúp, bờ suối lại dốc đứng cao hơn lòng suối đến hơn chục mét nên khả năng bí mật được nâng cao. Chúng tôi còn phải nằm chờ rất lâu cho đến khi nắng chiều đã nhạt thì dân họ mới đi tắm (không như lính ta toàn phải đi tắm vào buổi trưa). Đang nằm im chờ thời cơ thì chúng tôi phát hiện chếch phía sau có tiếng động sột soạt. Chúng tôi nằm bẹp xuống, im re, không biết người hay thú dữ đây. Thú dữ cũng chết vì đâu dễ giải thích chuyện săn bắn ở vị trí này. Còn nếu là dân thì đúng là họ theo dõi bắt quả tang mình rồi. Thế thì đằng nào cũng chết. Cảm giác hồi hộp lúc này chẳng kém lúc phục kích địch thật là bao nhiêu. Dù sao chúng tôi cũng vẫn phải hơi xoay người chĩa mũi súng vào cái hướng loạt soạt ấy. Thật vô cùng bất ngờ khi tôi nhận ra một người đội mũ tai bèo đang bò đến, lính ta và không phải ai khác, chính là anh H. C viên phó của chúng tôi. Lúc này tôi muốn đái ra quần cho nó nhẹ người đi quá. Bị bố này bắt được thì coi như hết đường về quê mẹ rồi. Chắc phía sau còn có thằng liên lạc đi hộ vệ nữa. Tôi bấm tay anh Trịnh nằm im, không dám thở mạnh. Anh H. cứ chậm rãi bò dần tiến lên bờ suối, cách chúng tôi chỉ độ gần chục mét mà không phát hiện ra chúng tôi. Thế mới biết yếu tố bất ngờ quan trọng thật. Chẳng mấy chốc anh ấy cũng chọn xong chỗ để "quan sát". Không thấy thằng liên lạc đi cùng, hóa ra anh ấy cũng có mục đích giống hai chúng tôi. Cái khổ nhất đối với chúng tôi lúc này là vừa không được hút thuốc, vừa phải canh chừng thủ trưởng. Mãi sau thấy cứ thế này thì không ổn, anh Trịnh quyết định chủ động xuất cờ trước, lấy một hòn đất nhỏ ném về phía anh H. Anh ấy giật mình ngơ ngác. Đến khi nhìn thấy chúng tôi, vẻ mặt anh ấy khiến tôi dám chắc anh ấy muốn đái ra quần hơn cả tôi lúc nãy. Nhưng chỉ thoáng qua thôi, vì toàn là quân ta nên bắt liên lạc với nhau rất nhanh. Nói cho cùng, trong bụng ai chả có chất giống nhau, nên ba chúng tôi nhanh chóng hợp thành một đội.

   Chiều hôm ấy, từ khoảng cách gần bốn chục mét, ba chúng tôi được xem "phim cấm". Nhưng nói thật là mọi thứ cũng chỉ mờ mờ ảo ảo như trong tranh thủy mạc của họa sĩ Đổng Thìn Sinh mà thôi. Nhưng thế cũng là lên tiên rồi.

   Chỉ khổ là đến lúc "hết phim" phải về thì lại chạy như ma đuổi, đi tắt cắt rừng để về cho kịp giờ cơm chứ đi lùng sục gặp tình huống gì mà lâu thế. Được cái là các B ở phân tán, không phải ăn cơm và sinh hoạt tập trung nên chuyện này vẫn giữ được bí mật cho đến bây giờ, chỉ có ba chúng tôi biết mà thôi.



« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2011, 09:27:28 am gửi bởi Trongc6 » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #547 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 09:50:59 am »

@Trongc6: Hoan hô bác lại chiến tiếp. Lần trước bác kết thúc làm chúng tôi hụt hẫng quá.

...Hình ảnh cô gái chủ nhà lên xuống cái cầu thang luôn in dậm trên nền trời xanh. Mà cho dù cô có đứng trên sàn ngoài nhà thì nhìn cũng thật rõ giữa thanh thiên bạch nhật vì lúc nào trời cũng sáng mà chẳng có gì che khuất. Cô ấy luôn đi đất (đôi khi mới thấy xỏ đôi dép Thái), mặc một cái váy hoa ngắn ngang bắp chân, nhưng đặc biệt là lúc nào phía trên cũng chỉ có mỗi một chiếc áo nịt con màu đen. Biết là không phải, nhưng chúng tôi rất thích nằm trong lán (cho kín đáo) mà ngắm nhìn (trộm) thân hình đầy đặn của cô gái, nhìn đôi vai trần và làn da trắng của cô ấy. Còn cô ấy thì cứ vô tư với những cử chỉ tự nhiên như chỗ không người. Mới đầu tôi và anh Trịnh cho là đặc ân của hai thằng khi lọt vào cái góc này, nhưng hóa ra không phải. Bản không đông dân nhưng cũng có đến chục cô gái tuổi "sao", còn cái đám trai gái bé hơn nữa thì cũng khá. Lúc chúng tôi có việc đi ngang dọc trong bản mới biết đám con gái ở đây đều ăn mặc thế cả. Thật khác xa ở nhà, vì con gái Bắc (kể cả đám thanh niên xung phong bạo dạn) cũng chẳng có ai mà trên mình có mỗi cái "tùng chiêng" lại dám thản nhiên đi lại trong sinh hoạt cộng đồng. Trong cái cảnh ấy, chắc cũng có thằng lính ta thầm nuốt nước bọt. Nhìn vài hôm thấy quen, nhưng tôi với anh Trịnh vẫn khoái vì cô gái nhà gần chỗ chúng tôi trông xinh nhất. Tiếc là nhìn ngắm thoải mái, nhưng đơn vị không cho giao lưu, thành ra chỉ hỏi được mỗi cái tên, nói vài câu chung chung rồi tịt.

Đoạn này quả là tuyệt vời. Bác có chia sẻ với bác gái không ? Nghe nói bác gái trình CNTT cũng tuyệt hảo phải không, nhưng đoạn này thế nào bác cũng bị nghoéo tai phải không. Grin Grin Grin

Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba lính tráng. Bác kể tiếp đi nhé. Tôi ở QT mang tiếng ở đồng bằng nhưng xa dân mà toàn cát cháy, nóng bỏng. Con gái QT không dám chê, nhưng buổi tối thì tìm khó lắm không khác gì câu chuyện về lính tây đen đi càn đêm Cheesy Cheesy Cheesy
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tám, 2011, 01:11:48 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #548 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 10:01:43 am »

   Chiều hôm ấy, từ khoảng cách gần bốn chục mét, ba chúng tôi được xem "phim cấm". Nhưng nói thật là mọi thứ cũng chỉ mờ mờ ảo ảo như trong tranh thủy mạc của họa sĩ Đổng Thìn Sinh mà thôi. Nhưng thế cũng là lên tiên rồi.

   Chỉ khổ là đến lúc "hết phim" phải về thì lại chạy như ma đuổi, đi tắt cắt rừng để về cho kịp giờ cơm chứ đi lùng sục gặp tình huống gì mà lâu thế. Được cái là các B ở phân tán, không phải ăn cơm và sinh hoạt tập trung nên chuyện này vẫn giữ được bí mật cho đến bây giờ, chỉ có ba chúng tôi biết mà thôi.




- He...he...! Bác trongC6! kể đoạn này hay đấy! Cũng giống tui! Thế hồi ở B3 bác đã có lần nào bò ra bờ suối rình chị em dân tộc tắm chưa? Wink Grin Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #549 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2011, 02:31:11 pm »



   Thời gian ở bản Phù Đin quá ngắn nên không đủ để xảy ra sự cố với dân, những thằng tò mò cũng không có cơ hội được nhòm ngó bao nhiêu thì ngày 12/3, cả đại đội tôi nhổ trại hành quân về vùng bản Tà Kịt. Nghe nói tiểu đoàn phải chuyển sang giữ chốt ở hướng Keng Nhao trên con đường 231. Con đường này bắt nguồn từ ngã ba Lào Ngam và chạy xiên về hướng Tây Bắc. Nếu đi theo đường 231 thì từ ngã ba Lào Ngam đến Keng Nhao cũng chỉ chừng hai chục cây số, nhưng ngoài con đường đó ra thì sát theo huội Chăm Pi chỉ toàn là rừng rậm núi cao không có đường. Vì thế chúng tôi phải quay lên hướng ra phía Saravan rồi vòng lại theo các tuyến đường xe bò của dân thì mới đến được Keng Nhao. Cái bản Tà Kịt nằm ở chỗ gấp khúc trung chuyển đến đó.

   Cũng như các cặp bản ở Lào có tên "cầu" (cũ) và "may" (mới) có nguồn gốc từ một bản, lần này chúng tôi ở cạnh bản Tà Kịt "nọi" (bé). Bản Tà Kịt cũ (Bản "nhầy"-to) thì đã bị phá rồi. Chúng tôi đóng quân ven một cái đồi rất to có hình dài như cái bánh mì. Trên mặt đồi trọc lốc toàn đất đá cứng, không có một bóng cây che. Chúng tôi phải chia làm hầm cạnh các gốc cây to ở một mé đồi cạnh một con suối. Cả đại đội nằm rải rác một bên bờ suối theo một chiều dài trăm mét. Đi xa một đoạn rồi vượt qua suối đi tiếp chừng hai trăm mét là tới bản Tà Kịt "nọi" có gần hai chục nóc nhà dân. Bản này cây cối rậm rạp và mát mẻ, nhưng hầu như không có cây ăn quả. Nhà cửa bé và xấu. Còn về tít xa cuối cái dãy đồi "bánh mì" là vết tích của bản Tà Kịt "nhầy", ở đó không còn nhà sàn nhưng lại có rất nhiều dừa, cây nào cây nấy cao vút có đến hơn chục mét, rất nhiều trái.

   Trung đội tôi được bổ sung anh Thanh (dân tộc Tày) ở trên C25 vận tải về làm A trưởng. Thế là tôi chia tay anh Trịnh sang làm lính cho anh ấy, A chỉ có 2 người. Tôi và anh Thanh đào một cái hầm hàm ếch dựa vào một gốc cây gạo, gọi là có hầm thôi vì vùng này không có gỗ nhỏ. Vả lại lúc này không khí lính tráng cũng chủ quan lắm vì đã lâu không nghe tiếng máy bay và bom pháo. Đến nơi trú quân mới nghe nói đào hầm đã thấy ngại. Hai anh em che tạm lá và nilon trải ngay cạnh gốc cây gạo làm nơi trú ngụ, cảm giác thấy mình gần giống như anh Thạch Sanh làm nghề đốn củi trong chuyện cổ tích. Đang mùa khô nên không sợ ướt, ở độc lập chỉ có hai anh em, nhìn xa xa thấy con suối ẩn hiện sau những rặng cây rậm, "sơn thủy hữu tình", cũng thấy khoái.

   Thời gian chúng tôi ở bản Tà Kịt "nọi" chỉ có một tuần. Hầu như chỉ nghỉ ngơi. Sinh hoạt đại đội có một lần. Một lần được tập trung ở đỉnh đồi "bánh mỳ" xem phim, một bộ phim tài liệu tuyên truyền và bộ phim "Trần Quốc Toản ra quân", một phim thể loại Chèo của Việt Nam. Vì không sợ máy bay nên chiếu ngay trên đỉnh đồi, cả tiểu đoàn ngồi theo hàng lối để xem. Nội dung phim gần như đã biết rồi (ai mà chả biết chuyện "Trần Quốc Toản bóp nát quả cam"), nhưng hơn năm trời mới được xem phim nên lính tráng chúng tôi đón nhận rất vui vẻ.

   Thời gian ở đây, hàng ngày chúng tôi lọ mọ kiếm ăn. Suối bé không có cá, mà có cá đơn vị cũng không cho đánh bằng thuốc nổ. Đến bữa nấu cơm chỉ phát cơm và muối, còn lại tự túc. Đại đội cũng có cử lính đi "cải thiện" tức là đi tìm thứ gì ăn được làm thức ăn, nhưng thất bại. Khu vực này đến chuối cây hay rau tàu bay đều không có. Tôi cùng anh Thanh lần mò mãi thì gặp một vạt vườn ớt be bé đã bỏ hoang, toàn cây xơ xác chỉ có chút lá. Tôi ngắt một ít lá ớt về đem nấu canh với cái gói gia vị trong gói mì ngày trước lấy ở Păk Soòng, ăn thấy rất ngon. Thế là cứ mỗi bữa làm một cái hăng-gô cho một gói gia vị và mươi ngọn lá ớt là đủ canh ăn. Tôi cũng lấy đưa sang cho anh Trịnh cùng ăn. Có điều cái vườn bé quá nên chỉ vài bữa là hết sạch. Sau đó chúng tôi còn mò về bản Tà Kịt "nhầy" để tìm cái ăn. Ở đây có một ít cây dừa, sai trái nhưng cây rất cao. Chả thằng nào biết trèo dừa. Vác súng đem bắn thì chỉ làm thủng dừa chảy phí nước. Về sau chúng tôi tập trung nhiều thằng lại chặt đổ cả cây rồi lấy dừa chia nhau. Đem về bóc lấy cùi dừa đun với muối như kiểu món dừa kho thịt ở nhà, ăn với cơm cũng được, tuy hơi chát . Chặt được độ 5 cây thì BCH đại đội ra kiểm tra rồi cấm, không cho chặt dừa nữa vì tàn phá thế dân họ kêu thì chết.

   Lại một chuyện làm liều nữa. Thời gian này chúng tôi ăn no đủ không thiếu gạo. Một lần lọ mọ sục xạo thế nào mà tôi phát hiện ra một kho gạo của quân ta, không biết giấu từ lúc nào. Kho làm nửa chìm, cây lá xung quanh che phủ chứng tỏ lâu không có ai nhòm ngó đến, tất nhiên là không có lính coi kho. Chỉ chừng độ hơn tấn gạo nhưng toàn là gạo đồ của Trung Quốc bọc trong bao nilon xanh, mỗi bao khoảng năm chục cân. Tôi báo cho anh Thanh và hai anh em cùng mò ra xem xét. Xác định tạm thời là vật vô chủ, nhưng không thể báo cả đơn vị lấy về dùng được. Chúng tôi đang đủ ăn, loại gạo này đun mãi không nhừ nên thực tình cũng không háo hức. Tuy thế anh Thanh lại bảo, dân Lào họ thích loại gạo này vì nấu xong hạt cơm cứ rời nhau tơi ra nên ăn bốc kiểu Lào thì rất tiện. Thế là hai anh em quyết định lấy trộm hai bao đem bán cho dân. Phải đi làm hai chuyến vào ban đêm đúng ca chúng tôi gác thì mới hết. Cũng may anh Thanh (người Tày) rất thạo tiếng Lào nên giao dịch trước được với dân. Chúng tôi đổi hai bao gạo được hai cái bật lửa và hai tút thuốc "A Lào", thêm được một ít đường. Anh Thanh cho tôi một cái bật lửa, còn thuốc lá không dám chia bừa bãi. Thế là do trú quân phân tán, buổi tối sau cơm nước anh Thanh kéo mấy đứa cùng B tụm lại đun cà phê uống (cà phê trên cao nguyên không thiếu, chỉ mỗi tội phải tự xay, giã và lọc thôi) và lấy thuốc lá thơm ra cùng hút. Không chia được trong cả C thì cho mấy anh em trong B quây quần thế này cũng đủ chan hòa tình đồng đội rồi. Chả ai thắc mắc từ đâu mà có, chúng tôi cứ từ từ thưởng thức hàng tối, rồi cũng hết nhanh chóng.

   Thời gian này lúc nằm rỗi, anh Thanh kể cho tôi nghe rất nhiều về chuyện sinh hoạt của người dân tộc Tày, về chuyện đi săn bắn. Anh bảo ở quê anh ai cũng biết làm súng kíp để đi săn. Tuy thế súng này chỉ bắn được thú nhỏ. Loại to như gấu, hổ phải tìm mua súng hai nòng dưới xuôi bắn nó mới chết. Bây giờ ở quê cũng chỉ còn ít thú thôi, không có nhiều như trong này nên săn bắn cũng vất vả. Anh bảo hồi ở trên C25 anh bắn được nhiều chim thú cho đơn vị lắm. Bây giờ xuống bộ binh, nếu có điều kiện anh sẽ bắn thú cho mà ăn. Tôi háo hức lắm vì tuy từ ngày vào đơn vị được ăn cũng khá nhiều thứ, từ chồn, rắn, khỉ, bò, ngựa, thậm chí cả hổ và voi nữa, nhưng cũng chỉ tùy lúc, mà từ ngày ra Saravan đến nay không có. Bây giờ ở cùng anh, nếu đi hoạt động lẻ chắc chuyện cải thiện sẽ rất ngon lành.

   Một lần tôi còn chứng kiến một chuyện mà cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu có phải đó là một thứ bùa mê không? Lần ấy trung đội chúng tôi đi lấy gạo cho đại đội. Đường đi phải lội suối rồi đi xuyên qua bản Tà Kịt "nọi". Lúc về, sau lúc ngồi nghỉ giải lao ở bản, anh Thanh để mọi người về trước, kéo tôi ngồi rốn lại về sau. Lúc vượt qua bản, chúng tôi thấy có một đàn gà mẹ con. Anh Thanh lấy ra một nắm gạo, là động tác gì đó rồi vãi ra trước mặt con gà mẹ, miệng kêu "tục…tục…" Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy con gà mẹ mổ ăn mấy hạt rồi cứ thế chạy theo sau chúng tôi ra phía bờ suối, bỏ mặc cho cả đàn con nháo nhác đuổi theo gọi mẹ. Tôi đã từng xem gà mẹ đuổi diều hâu hồi còn đi sơ tán ở Vĩnh Phúc, biết rằng gà mẹ khi nuôi con sẽ dữ chẳng kém gì chó nằm ổ. Thế mà ở đây nó như không còn biết đến đàn con. Ra đến bờ suổi, tôi còn chưa hết ngạc nhiên thì thấy anh Thanh lội xuống nước rồi bụm tay hất nước "xùy, xùy…" đuổi con gà mẹ. Một lúc sau con gà mẹ mới như chợt tỉnh, quay lại đám gà con phía sau như bản năng vốn có rồi dẫn đàn con về bản.

   Về đến đại đội trả gạo xong, lúc nằm khểnh hút thuốc, tôi mới bảo anh Thanh là "suýt nữa anh em ta có gà ăn". Anh Thanh cười bảo "không có đâu, làm chơi thì được chứ bắt con gà đó làm thịt là phải tội đấy, hỏng hết phép". Phép đó là gì, có phải thứ bùa của người dân tộc dùng để "chài" mà tôi có nghe nói không? Anh Thanh không trả lời, từ đó về sau trong hoàn cảnh nào gặng hỏi, anh Thanh cũng không quay lại chủ đề này nữa. Thế đấy.

   Sau một tuần nghỉ thảnh thơi ở cạnh bản Tà Kịt "nọi", ngày 20/3 đại đội tôi lại lên đường, nhằm hướng đến bản Noọng Bua ở gần đường 231. Dọc đường đi chúng tôi có qua một hai cái bản khác của vùng cao nguyên. Trên cao nguyên, lính có câu:

   "Phù sao Phăk Cụt,
      Gia đụt Na Sịa,
         Mía Noọng Tôm".


   Điều đó có nghĩa là bản Phăk Cụt nổi tiếng có gái đẹp (tôi chưa đến đây nên chưa được chiêm ngưỡng), bản Na Sịa nổi tiếng về trồng thuốc lá. Nếu như vùng bản Xăm-xi-nuc người dân trồng cây kiệu bạt ngàn trên những nương rẫy rộng lớn thế nào thì ở vùng bản Na Sịa, họ trồng thuốc lá nhiều như thế. Cả một đại đội hành quân qua, lính tạt vào vặt mỗi thằng một ôm lá mà trông như nương thuốc không hề suy chuyển gì. Đi lẻ mà vào bản dân ngồi chơi tán chuyện là cũng có thể xin được một nắm thuốc rê to tướng đủ hút cả tháng. Dân Lào được tiếng mến khách và hào phóng.

   Đợt hành quân này chúng tôi chỉ đi qua bản Noọng Tôm. Phía ngoài bản dân trồng mía bạt ngàn, nhưng có luống lối vun đắp tử tế chứ không phải những bãi mía trồng như rừng cho voi ăn vùng cao nguyên. Hình như tôi đã kể là trong cao nguyên vùng gần Păk Soòng có những bãi mía dân họ trồng cho voi ăn, bãi mía rộng tới cả hec-ta, toàn là loại mía nhỏ gióng dài màu vàng giống như mía chuyên để nấu đường. Loại mía này ngọt sắc. Lính tráng đi lẻ rất thích nghỉ chân ở đó, chui hẳn vào trong cho mát, ăn mía đến rát lưỡi mới chịu chui ra. Mỗi tội không được chặt mía đem về (ai lại đi ăn tranh của voi nhỉ?).

   Ở bản Noọng Tôm này lại toàn giống mía tím gióng ngắn, thân to mà người ta hay gọi là mía "Tuy Hòa". Mía này không ngọt sắc, nhưng rất giòn, dễ gặm. Tuy chỉ gọi là vườn vì mía trồng ngay bên đường, khắp xung quanh bản nhưng nhiều đến độ nổi tiếng toàn cao nguyên thì cũng có thể hình dung rộng lớn thế nào. Có điều họ để ăn hay đem bán đi đâu đó chứ cũng không thấy có lò nấu đường. Thôi thì bộ đội hành quân nắng nóng cứ dừng chân rẽ vào mà giải khát. Chẳng phải tìm dân để xin vì vốn dĩ lính ta cũng không thích xin, đã quen như của nhà từ lâu rồi. Vả lại trong dân các bản cao nguyên lúc đó đã truyền tụng nhau câu nói "Bộ đội Việt Nam nó bảo, phong tục Việt Nam chỉ xin một lần là lấy mãi đấy". Vậy thì thể nào chả có lúc đã có lính hỏi xin, mà chúng tôi ai cũng là lính Việt giống nhau thì khỏi phải hỏi xin lần nữa. Chuyện này kể lại thì nghe có vẻ đùa, nhưng tình hình lúc đó là thế thật.

   Mà lính ta khi có vật chất sẵn có và dồi dào thì cũng công tử lắm. Từ quan đến lính tự nhiên như ruồi, rẽ vườn mía chui vào chọn cây nào to, gióng đều, thẳng và còn nguyên lớp bụi bám trên các đốt thì mới chặt. Mía mùa hè ngon phần gốc, thì về mùa đông (có gió heo may) phần ngọn lại ngọt hơn. "Gió heo đường trèo lên ngọn", câu này truyền nhau, lính nào cũng biết. Bây giờ là tầm tháng 3 thì cả cây mía đều ngon. Trung bình mỗi lính "hạ" hai cây để giải khát, lúc lên đường hành quân còn một khúc gặm nốt là tròn khẩu phần. Quy định không chặt thêm mía mang theo, ngày đó chúng tôi chấp hành nghiêm lắm.

   Đêm hôm ấy chúng tôi nghỉ lại cạnh bản Noọng Bua. Nghỉ ngoài rừng sát cạnh bản chứ không vào trong dân. Mùa khô hành quân và dừng chân chỗ nào cũng tiện.


Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM