Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:49:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323537 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #530 vào lúc: 10 Tháng Sáu, 2011, 04:18:08 pm »

Cảm ơn bác Tường và bạn NguyenQuocChung quan tâm.

@bác Tường:
    
    Tôi vẫn còn giữ được một mảnh dù của cái dù trắng đỏ ấy. các mảnh dù trắng khi đó cũng phải dùng thuốc pháo sáng nhuộm đỏ hết vì không được để màu trắng. Miếng vải dù vẫn còn tốt, chắc nằm võng cũng phải được vài đời lính mới có thể hỏng được.

-------------------------


….
   Chạy đến bờ suối, tất cả cùng lội ào xuống. Lúc này cái cảm giác trong người rất lạ. Vừa mệt như đứt hơi, lại vừa thấy nóng và khát nước. Chân vẫn lội trong nước, chả ai bảo ai cùng vục đầu xuống uống nước như những con bò vừa vượt qua sa mạc. Uống nước vào đến đâu, cơn khát vợi đến đấy nhưng bụng chúng tôi căng ra. Con suối nhỏ, chỗ này là vũng nước quẩn, uống một hồi xong đứng thẳng người lên nhìn, không hiểu dòng nước chảy hướng nào, cứ như nó đang chảy ngược lại thì phải. Một lúc sau leo lên bờ thì không còn ai đi nổi nữa, tất cả nằm vật ra đất. Bây giờ mà có địch, chắc chúng nó bắt sống chúng tôi. Chung quy tất cả cũng chỉ vì mỗi người đã tu hết cả một hộp sữa, rồi khát quá uống cho no bụng nước nên gần bội thực. Bụng tức anh ách, to như bụng đàn bà chửa. Cứ nằm như thế có đến nửa tiếng mới hoàn hồn và ngồi dậy được. Câu đầu tiên của anh Điện là: "Cái gì thế này", khi nhìn thấy cái dù xổ một đống tướng cạnh người tôi. Nghe tôi trình bày, anh Điện nhăn mặt:

   - Mày đúng là đồ tham mà lại ngu nữa.

   Rồi anh giải thích, may lúc sáng sớm địch nó chưa kịp quan sát chứ nếu nó nhìn ra thấy mất cái dù sẽ biết ngay có người ở đó, nó tương cho mấy quả cối thì chết cả lũ chứ còn gì. Tôi thè lưỡi, rụt cổ: hú vía, nhưng rõ ràng là số vẫn còn may.

   Nghỉ thêm lúc nữa, chúng tôi trở về chỗ trung đội. Nhìn đống chiến lợi phẩm toàn của quý, anh Dũng và mọi người mắt sáng rực. Lúc này mọi người vừa ăn sáng xong, nhưng vẫn sẵn sàng chén được tiếp. Anh Điện và anh Dũng hội ý nhanh rồi chia chiến lợi phẩm cho anh em. Mỗi người được mười gói "bánh trứng", giữ lại một thùng đem về nộp đại đội, còn thì cùng thưởng thức. Vì không  biết đó là mỳ ăn liền có thể nấu lên được nên tất cả đều nhai sống, ai cũng khen ngon và thầm ghen tỵ với đời sống của lính địch. Tôi nhặt lại tất cả các gói muối trong các gói mỳ đó cất đi, đơn giản vì nghĩ nó là muối, trông lại hay hay, tuy lúc này chúng tôi không phải là thiếu muối. Sữa đặc cũng chia mỗi người hai hộp. Anh Dũng cho đục mấy hộp lẻ cho mọi người thưởng thức chung, tu luôn là chính nhưng cũng có có thằng đem pha luôn với nước suối, thế mà cũng chẳng đau bụng gì cả. Phần sữa còn lại cũng để dành cho đại đội và cho D bộ. Riêng khoản thuốc lá thì anh em biểu quyết chia hết vì chỉ có 2 tút. Sáng hôm ấy khu chốt của chúng tôi thơm lừng khói thuốc.

   Cái dù trắng đỏ tôi đem về, bây giờ xem lại mới thấy quý. Nó gồm nhiều tấm vải dù lụa hình chữ nhật ghép lại, dày dặn chứ không mỏng như dù ca-rô xám của loại dù hàng. Mỗi tấm rộng vừa đủ một cái võng. Thế là chúng tôi tháo ra chia nhau mỗi người một tấm. Chỉ việc khâu lại ở hai đầu làm chỗ luồn dây võng là có một chiếc võng ngon lành.

   Ba anh em đi sục dù lúc sáng không thể ăn được cơm sáng nữa vì đã quá no. Thế mà đến trưa lại vẫn ăn được bình thường. Bọc dưa cải muối đem ra ăn với cơm nếp vẫn thấy ngon, vì nó là chất rau. Có người tiếc rẻ còn đề nghị cho quay lại chỗ dù rơi lấy nốt mấy bọc dưa cải muối, nhưng anh Điện không đồng ý. Bây giờ quay lại đấy có khi lại nguy hiểm rồi. Nếu có tổn thất, chết vì ăn thì phen này anh Điện và anh Dũng chịu đủ án kỷ luật, nhưng quan trọng hơn vẫn là sinh mạng anh em. Vả lại những thứ chúng tôi đang có cũng quá tuyệt vời rồi, không nên tham quá làm gì.

   Buối sáng hôm nay thế là đã sang ngày thứ tư, trời vẫn trong veo. Leo lên nhà sàn quan sát, thấy phía trận địa có đì đùng nhưng không có vẻ đánh nhau to. Có thể ở xa nên chúng tôi không cảm nhận hết, nhưng đúng là không phải kiểu đánh mạnh để dứt điểm. Hôm nay địch cũng không thả dù tiếp tế. Trong buổi sáng có mấy lần thấy pháo cấp trên bắn ít quả vào trận địa. Kiểu bắn như để khống chế hoặc tiêu hao sinh lực địch chứ không phải bắn cấp tập yểm trợ cho bộ binh xung phong. Cũng có thể vì thế mà địch không dám thả dù.

   Buổi chiều thấy súng nổ nhiều hơn và bọn địch trong căn cứ di chuyển qua lại nhiều hơn. Có nhiều thằng còn đeo ba-lô to xù vì cái dáng chạy của những "quả táo" trông lũn cũn lắm. Nhờ thông tin cấp trên báo hôm trước cộng với kinh nghiệm chiến trận, anh Điện đoán đêm nay địch sẽ rút, dù ta không làm chủ trận địa trong ngày. Buổi chiều chúng tôi ăn cơm sớm rồi anh Điện xem bản đồ và cho chúng tôi chuyển vị trí. Chúng tôi luồn ra cái đường xe bò (chỉ còn lại vệt mờ) ở phía cánh phải cách chỗ chúng tôi chốt cũ chừng hai trăm mét. Mỗi người đào một cái hố chiến đấu xen vào trong đám lau và ngồi chờ phục kích ở đó.

   Khoảng nửa đêm, phía xa có nhiều tiếng dậm dịch, chắc bọn địch đang rút ra từ căn cứ. Chúng tôi im lặng nhưng chờ khá lâu vẫn không thấy địch đến. Anh Điện quyết định dẫn chúng tôi rời hầm luồn ra phía có tiếng động. Hóa ra phía này khá quang, có lối đi được nên địch không đi theo đường xe bò cũ mà đạp thẳng luôn theo đó mà đi. Không biết địch có bao nhiêu tên, nhưng chắc đại bộ phận chúng đã đi qua rồi. Chúng tôi ngồi nán một lúc thì lại thấy lao xao rồi có những bóng đen. Anh Điện cho nổ súng luôn. Chúng tôi cứ bắn ào ào vào hướng đó. Không có tiếng súng đáp trả. Đợi một lát, chúng tôi sục lên gặp xác địch, đếm được 7 tên. Chờ mãi nữa cũng không thấy gì, chắc đây là tốp cuối, may mà chúng tôi kịp nổ súng chứ nếu ngồi chờ tí nữa thì chắc chẳng còn gì mà đánh. Bọn đã rút qua thì chắc cứ thế mà cắm đầu chạy chứ không quay lại cứu đồng bọn. Phải khá lâu sau, chúng tôi nghe tiếng súng nổ rộ phía Thị trấn. Chắc các đơn vị của E19 đã kịp triển khai đánh chặn. Tiếng súng nổ loạn lên, lúc lại lắng thưa, rồi lại nổ, xa dần. Anh Điện đoán bọn địch rút chạy bị chặn đánh, thằng chết cứ chết còn thằng sống cứ thế mà chạy tiếp, nhưng chắc thoát được không nhiều.

   Mặc dù không bắt được liên lạc với các đơn vị bạn, nhưng trong đêm đó anh Điện và anh Dũng vẫn cho chúng tôi lùng sục theo hướng địch rút chạy, nhưng không đi quá xa. Kết quả là chúng tôi thu thêm được một số ba-lô nữa của địch. Súng thì chỉ thu về mỗi người một khẩu lấy thành tích. Chiến lợi phẩm  lấy được có thêm một ít thuốc lá và những vật dụng cá nhân, ai thích gì giữ thứ nấy. Anh Trịnh lấy được một chiếc đài bán dẫn nhỏ của Nhật. Mờ sáng thì chúng tôi rút trở lại chỗ chốt ban đầu ở cái bản cũ.

   Sáng hôm đó, tôi và anh Trịnh vừa nằm bên miệng hầm hút thuốc, vừa bật đài nghe. Đã lâu lắm rồi, bây giờ được nghe nhạc hiệu và giọng nói: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa" sao mà thấy hạnh phúc thế. Bây giờ không biết ở nhà những người thân trong gia đình đang làm gì. Có ai bật đài lên để nghe được cùng bản tin như chúng tôi không. Cảm giác thanh bình quá. Không hiểu sao lúc đó chúng tôi đã nghĩ là sau đợt chiến đấu này chắc địch phải rút lui rất xa và những trận đánh tiếp theo chắc cũng còn phải rất lâu.

   Buổi sáng hôm đó là một ngày đẹp trời. Trời trong xanh, có nắng và có những đám mây trắng trôi nhè nhẹ trên bầu trời. Không gian tĩnh lặng vì không còn bóng dáng chiếc máy bay nào. Cũng không còn nghe tiếng súng. Chúng tôi chỉ còn việc ngồi chơi và hút thuốc, chờ tin tức đơn vị. Chừng giữa buổi sáng, trinh sát tiểu đoàn đến và truyền lệnh cho chúng tôi rút. Chúng tôi chia cho chúng nó một ít chiến lợi phẩm. Vì chỉ mang cùi không nên chúng nó trảy một lô bưởi đem về. Chúng tôi còn phải mang theo súng, kèm thêm chiến lợi phẩm nên cũng chỉ mang theo ít bưởi gọi là. Mấy cây bưởi thế là đã trút hết quả để chuẩn bị đâm chồi cho một mùa sau.

   Sau bữa cơm trưa, đến đầu giờ chiều chúng tôi hội quân được với đại đội, lúc này cũng đang nghỉ trong một cánh rừng. Cũng lạ là bây giờ chẳng thấy ai nhắc gì đến chuyện tránh xa rừng già đề phòng bom B52 nữa. Chúng tôi tay bắt mặt mừng líu ríu chia nhau chút chiến lợi phẩm của cá nhân. Trận này C6 chúng tôi không có tổn thất vì là thê đội hai. Cánh B5 chúng tôi còn nổ súng đánh tí chút chứ cánh của đại đội đi theo mũi chính chẳng bắn phát nào (trừ hỏa lực bổ sung cho tiểu đoàn), cuối trận lại còn không được vào trận địa nên tất nhiên chẳng thu được gì. Đại đội hội quân xong cùng kéo luôn về bản Phù Đin, cách đó cũng hơn chục cây số.

   Chúng tôi trú quân tạm trong một khu vườn cà phê của dân. Vườn cây lâu năm, thân cây cà phê rất to, có thể mắc võng được. Buổi tối đơn vị nấu cơm dù nhiều người vẫn còn cơm vắt. Tối hôm đó là một tối vui vẻ vì trung đội nào cũng có tiết mục cà phê sữa và thuốc lá thơm. Chuyện trò râm ran cứ như đất trời là của riêng mình. Mấy gói "bánh trứng" bóc ra toàn ăn sống như một thứ bánh kèm cà phê, ngon tuyệt. Chẳng ai biết là nó có thể nấu được. Về sau này cũng thế, chúng tôi đã chén hết tất cả số mỳ gói ấy chỉ bằng cách ăn sống. Riêng tôi giữ lại được vài chục gói muối gia vị trong đó.

   Thêm được một ngày nghỉ ngơi, hôm sau cả đại đội hành quân vòng sang khu rừng ở phía Bắc của bản Phù-đin cách đó hơn cây số. Tại đây mỗi A phải đào một cái hầm chứ A kiên cố. Được cái đất mềm và cây rừng có sẵn nên tiểu đội hai người chỉ mất hai ngày là đào xong một cái hầm chữ A to tướng và chắc chắn. Đề phòng thôi, còn ban đêm chúng tôi vẫn rải nilon ngủ ngay cạnh hầm. Ổn định rồi, anh Trịnh phải đem nộp tiểu đoàn cái đài bán dẫn thu được bữa trước. Kể cũng tiếc.

   Mấy ngày sau đó, chúng tôi về mấy cái bản có tên Y Beng và Bun Thẹ cách đó tới hơn hai chục cây số để lấy gạo và đạn dược bổ sung. Khu vực này cũng loanh quanh là khu hậu cứ cũ của trung đoàn khi chúng tôi còn đứng chân ở bản Xăm-xi-núc "may" năm ngoái. Như vậy sau chiến dịch Saravan, về lại cao nguyên, trung đoàn bộ và phần lớn các C trực thuộc lại trở về khu vực trú quân cũ. Chỉ có bộ binh và nhất là K18 thì bật ra khỏi khu vực cũ vì chiến sự đã lùi sâu về vùng đất của quân ta rồi.

   Bây giờ mới tổ chức sinh hoạt và bình báo công cho trận đánh vừa rồi, nhưng cũng chẳng có gì nhiều. Chưa kịp làm gì thêm thì ngày 17/2/1973, cả đại đội lại rời rừng già để vào trú trong khu vườn cà phê, lần này sát ngay bản Phù Đin, cách nhà sàn của dân chỉ có dăm chục mét.

   Ngày 20/2 lại rục rịch chuẩn bị súng đạn. Chúng tôi hỏi nhau mình sẽ đánh cứ điểm nào nhỉ, vì ngay cán bộ C cũng không thấy đi trinh sát trước. Câu trả lời là đánh theo mệnh lệnh, nghĩa là cấp trên chỉ chỗ nào thì đánh vào đó và cố mà chiếm cho bằng được. Ngày 21, đêm 21 và cả sáng 22/2 tất cả các đơn vị bộ binh của trung đoàn (Chắc các E khác cũng thế) ra quân. Hỏa lực tiểu đoàn đi sát, yểm trợ tối đa cho bộ binh. Trinh sát E và D được điều đi cùng, bám địch nhanh phía trước và dẫn ngay bộ binh theo phía sau. Chúng tôi đánh thành nhiều mũi, vỗ mặt suốt mấy chục cây số dọc đường 23 từ Thị trấn Păk Soòng đến ngã ba Lào Ngam, tức là khu vực hồi tháng 10 năm trước chúng tôi đã chiếm. Địch không tập trung thành căn cứ mà chỉ có các đơn vị đóng dã ngoại nên bị chúng tôi đánh cho tơi bời. Thậm chí chiến sự kéo trên một đoạn đường rất dài nên những tên địch tháo chạy cũng không thể rút lui theo đường cái mà phải chạy nháo nhào sang mé Nam đường 23 để rút dọc theo những cánh rừng. Chúng tôi cũng được lệnh đánh chiếm vị trí chứ không cần truy kích rát.

   Trưa ngày 22/2 hầu như tiếng súng đã im. Trung đoàn để lại K16 chốt giữ ở khu vực gần ngã ba Lào Ngam, K18 về khu vực nằm giữa hai bản Xăm-xi-núc "cầu" và Phù Đin. Đại đội chúng tôi đóng quân ngay cạnh bản Xăm-xi-núc "cầu", trong một rừng non tái sinh. Đào hầm hay mắc võng đều tiện vì cây con bằng cổ  tay, cổ chân mọc nhiều và rất sát nhau, chỉ có khâu ngụy trang hơi bất tiện. Khu vực này cách cánh rừng già của bản Xăm-xi-núc "may" năm trước đại đội tôi đóng quân chừng 3 cây số. Như vậy là K18 đã kết hợp với K16 tạo thành một cánh cung chốt giữ, hướng về phía ngã ba Lào Ngam và đường 231 chắn Păk-xế.

   Mấy ngày sau, chúng tôi được tin ngày 21/2/1973, Hiệp định Viên Chăn về đình chiến và lập lại hòa bình ở Lào đã được ký kết. (Hiệp định này với Lào cũng có ý nghĩa như Hiệp định Pari về Việt Nam). Sáng ngày 22/2 thì Hiệp định có hiệu lực và bên nào ở yên tại chỗ bên ấy.

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #531 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 11:20:00 am »


   Cuộc chiến của những người lính tình nguyện Nam Lào thuộc sư đoàn bộ binh duy nhất của bộ đội Trường Sơn đã đi vào hồi kết.

   Diễn biến của việc thực hiện Hiệp định Viên Chăn khác một trời một vực so với thực hiện hiệp định Pari ở Việt Nam. Sau ngày đình chiến, chúng tôi không đánh lấn thêm một tấc đất nào và kẻ địch cũng vậy. Vùng giáp ranh là cả một dải đất rộng lớn không hề cài răng lược hay theo hình da báo. Hai bên chẳng nhìn mặt nhau, nói gì đến giao lưu hòa hợp. Thế nhưng diễn biến quân sự lại thật êm ả.

   Các đơn vị lính Thái vượt sông MêKông về nước. Mỹ không chi viện bom, nhất là B52 nên các cánh rừng Trường Sơn trở nên yên ả. Bây giờ trên vùng đất Nam Lào chỉ còn các trung đoàn lính Fumi, sư đoàn 968 quân tình nguyện và khoảng 3 đại đội Pathet Lào. Nếu sườn Tây Trường Sơn không bị uy hiếp và đánh phá thì nhiệm vụ chiến đấu của Sư đoàn chúng tôi cũng kể như kết thúc.

   Đất nước Lào rộng bằng nửa Việt Nam khi đó chỉ có dân số 3 triệu. Không có biển nhưng rừng của họ thực sự là rừng vàng, còn sông MeKông không bao giờ hết cá thì chắc cũng sánh ngang với bạc. Dãy Trường Sơn hùng vĩ và trùng điệp chung cho cả hai nước Việt Lào, nhưng những cánh rừng gỗ Lim bạt ngàn đi cả ngày không vượt qua với những cây to cỡ hai người ôm, hay những sườn núi cao có nghĩa địa voi tự nhiên thì chỉ ở bên Tây Trường Sơn thuộc đất Lào mới có. Đất rộng, người thưa còn chưa thể quản lý hết nổi giang sơn của tổ tiên để lại thì khi không có thế lực bên ngoài kích động, dân tộc Lào dễ tìm ra tiếng nói chung để hòa hợp hòa giải dân tộc. Vốn dĩ ba phái bên Lào gốc gác cũng là của ba anh em hoàng thân Suphanuvong, Suphana Fumi và Fumimunum nên họ cũng dễ nói chuyện với nhau. Nói là các phe đánh nhau, nhưng thực chất là những trận chiến đấu của bộ đội Việt Nam tình nguyện với lính Fumi có sự chi viện của lính Thái Lan mà thôi. Lính Pathet không tham gia bất cứ trận đánh nào. Bởi vậy khi các phái bên Lào đã hòa giải thì những trận chiến đấu trên chiến trường Nam Lào cũng đã chấm dứt từ sau cái ngày 22/2/1972 đó.

   Tất cả các đơn vị của sư đoàn 968 chúng tôi sau ngày đó rồi sẽ rút dần ra khỏi vùng đất cao nguyên, về đóng quân bám quanh tuyến đường Trường Sơn. Chúng tôi sống cuộc sống hòa bình như các đơn vị huấn luyện ngoài Bắc. Thế là kết thúc những chuyện chiến đấu, chỉ còn lại những chuyện thường ngày của lính mà chắc người lính nào cũng biết.

Thân ái
TrongC6
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #532 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2011, 01:14:11 pm »


   Cuộc chiến của những người lính tình nguyện Nam Lào thuộc sư đoàn bộ binh duy nhất của bộ đội Trường Sơn đã đi vào hồi kết.

   Diễn biến của việc thực hiện Hiệp định Viên Chăn khác một trời một vực so với thực hiện hiệp định Pari ở Việt Nam. Sau ngày đình chiến, chúng tôi không đánh lấn thêm một tấc đất nào và kẻ địch cũng vậy. Vùng giáp ranh là cả một dải đất rộng lớn không hề cài răng lược hay theo hình da báo. Hai bên chẳng nhìn mặt nhau, nói gì đến giao lưu hòa hợp. Thế nhưng diễn biến quân sự lại thật êm ả.

   Các đơn vị lính Thái vượt sông MêKông về nước. Mỹ không chi viện bom, nhất là B52 nên các cánh rừng Trường Sơn trở nên yên ả. Bây giờ trên vùng đất Nam Lào chỉ còn các trung đoàn lính Fumi, sư đoàn 968 quân tình nguyện và khoảng 3 đại đội Pathet Lào. Nếu sườn Tây Trường Sơn không bị uy hiếp và đánh phá thì nhiệm vụ chiến đấu của Sư đoàn chúng tôi cũng kể như kết thúc.

   Đất nước Lào rộng bằng nửa Việt Nam khi đó chỉ có dân số 3 triệu. Không có biển nhưng rừng của họ thực sự là rừng vàng, còn sông MeKông không bao giờ hết cá thì chắc cũng sánh ngang với bạc. Dãy Trường Sơn hùng vĩ và trùng điệp chung cho cả hai nước Việt Lào, nhưng những cánh rừng gỗ Lim bạt ngàn đi cả ngày không vượt qua với những cây to cỡ hai người ôm, hay những sườn núi cao có nghĩa địa voi tự nhiên thì chỉ ở bên Tây Trường Sơn thuộc đất Lào mới có. Đất rộng, người thưa còn chưa thể quản lý hết nổi giang sơn của tổ tiên để lại thì khi không có thế lực bên ngoài kích động, dân tộc Lào dễ tìm ra tiếng nói chung để hòa hợp hòa giải dân tộc. Vốn dĩ ba phái bên Lào gốc gác cũng là của ba anh em hoàng thân Suphanuvong, Suphana Fumi và Fumimunum nên họ cũng dễ nói chuyện với nhau. Nói là các phe đánh nhau, nhưng thực chất là những trận chiến đấu của bộ đội Việt Nam tình nguyện với lính Fumi có sự chi viện của lính Thái Lan mà thôi. Lính Pathet không tham gia bất cứ trận đánh nào. Bởi vậy khi các phái bên Lào đã hòa giải thì những trận chiến đấu trên chiến trường Nam Lào cũng đã chấm dứt từ sau cái ngày 22/2/1972 đó.

   Tất cả các đơn vị của sư đoàn 968 chúng tôi sau ngày đó rồi sẽ rút dần ra khỏi vùng đất cao nguyên, về đóng quân bám quanh tuyến đường Trường Sơn. Chúng tôi sống cuộc sống hòa bình như các đơn vị huấn luyện ngoài Bắc. Thế là kết thúc những chuyện chiến đấu, chỉ còn lại những chuyện thường ngày của lính mà chắc người lính nào cũng biết.

Thân ái
TrongC6


Chả nhẽ hết thật rồi sao, bác Trongc6. Quả thực mỗi chiến trường có một sắc thái riêng tất cả đều làm nên một bức tranh sinh động đầy bi tráng của một thời mà mỗi người chúng ta là 1 nét chấm phá của bức tranh kỳ vĩ đó, có phải không bác Trongc6
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #533 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 02:41:24 pm »

....nhớ chút ít con đường rẽ từ Cầu Giấy vào trường phải đi qua một cái xưởng của HTX làm mắm, lúc nào cũng nồng nặc mùi, và con đường làng nhỏ chạy men quanh mấy cái ao...

Vâng, đọc những dòng chữ trên của bác tôi lại nhớ đến cái tuổi thơ của tôi vào những năm ấy ( 1968 - 1970 ), ở cái làng Yên Hòa ấy, ở cái " xưởng nước mắm " ấy quá bác Trongc6 ạ!

Cái ngôi trường cấp 3 Yên Hòa ấy, ngày ngày tôi vẫn đi qua để đi học.. Tôi nhớ ngôi đình làng dưới bóng cây đa, hàng ngày học sinh học hát vẫn ra đấy ngồi nhờ... " Ta vượt trên triền núi cao Trường sơn, dá mòn mà đôi gót không mòn..." Bài hát ấy tôi biết lần đầu tiên là do ngồi hóng giờ học hát của các anh, các chị học sinh cấp 3. Nhớ ngồi trường cấp 3 có thày giáo tên Thướng, vợ là cô Lan nhà cũng gần ngay trường. Nhớ mấy cái bể ngâm vỏ cây Dó để làm giấy mà tôi cứ đứng nhìn mấy bà, mấy chị thao tác mà không chán mắt. Và nhớ nhất là cái " xưởng nước mắm " nơi cả tuổi thơ tôi gắn bó với nó. Nó không hẳn là xưởng làm nước mắm đâu bác Trongc6 ạ. Nó có tên là " Xưởng chế biến thực phẩm xuất khẩu " nhưng nhiệm vụ làm Lạp xưởng xuất khẩu là phụ mà chủ yếu là làm ruốc, làm Magi, nước mắm cô đặc phục vụ chiến trường là chủ yếu...
Con đường làng lát nghiêng gạch chỉ, bóng học sinh đầu đội mũ rơm, tay xách lọ mực nhựa vui đến trường trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ...mãi vẫn đọng lại trong tâm trí biết bao thế hệ.

Đọc lại những dòng hồi ức của bac trongc6 thì lại phát hiện ra bác lethaitho cũng học Yên Hòa nhưng chắc là YHA. YHA bây giờ vẫn còn, YHB giải thể 1971 và sát nhập nhập với Trần Phú B để thành Ba Đình (Chu văn An buổi chiều). Bác Trongc6 đứng ra tập trung quân YH cũ ta gặp nhau đi. Bác học lớp Như Anh thì chị gái tôi chủ nhiệm năm bác học lớp 8 đấy, chị tôi dạy Sử mà. Nhờ bác trinhsat  nhắn cho bác mấy lần nghe chừng khó quá  Cheesy

Tôi gửi bác Trongc6 hộp thư của Trường YHB: yenhoa3b@yahoo.com.vn MK: 19651971. Bác mở hộp thư sẽ có các thông tin về trường YH B của mình đấy.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Sáu, 2011, 02:49:51 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #534 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 03:01:45 pm »

...Lớp tôi còn có thằng Trường (thằng này là anh ruột ca sĩ-nghệ sĩ Hồng Kỳ của nhà hát Tuổi trẻ sau này đấy) học giỏi nhất lớp, sức khỏe dư thừa song do tiền bối "dẫm nhầm giày quốc tế" nên không được vào đại học, mà tức khí xin đi lính (viết đơn bằng máu thật hẳn hoi) cũng không được chấp nhận...

Cậu Trường này hồi đi học hay cặp kè với cái Quỳnh (cháu cụ Phan Kế Toại). Phải nói rằng Q hồi ấy nếu như bây giờ thì gọi là chân dài  Cheesy Cheesy Cheesy, có phải thế không bác?. Sau này Trường về làm CN bộ môn Toán của ĐHXD, vì trong đêm giao lưu KN 50 năm trường ĐHXD của các CCB SV với các SV của trường năm 2006, tôi nhìn thấy Trường ngồi ở hàng ghế đầu.  
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #535 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 03:34:39 pm »

@bác Phong Quảng:

        Tôi đã sửa lại bài viết sau khi nhận nguồn tin của bác. Có điều hơi phân vân. Sau cái buổi chiều có cái xe Com-mang-ca lên đón anh ấy từ doanh trại tiểu đoàn về HN, anh ấy không quay lại đơn vị. Đầu tháng 4/1972 chúng tôi cũng mới hành quân vào tới chiến trường, thế thì anh ấy đi đường nào vào chiến trường để kịp đánh trận giải phóng Đông Hà ấy.

        Nhưng thông tin bác nói chắc chính xác, và chắc không có chuyện có hai người giống nhau.

        Cảm ơn bác.
Về câu chuyện này tôi nhớ lại khi tôi ở đoàn Chuyên gia giáp dục VN tại KPC, hôm ấy có 1 cuộc tranh luận sôi nổi sau bữa cơm chiều. Có 2 luồng ý kiến:
- Luồng thứ nhất là cái luồng tôi được nghe nhiều nhất là việc TT VTN có 1 cậu con trai cũng đi bộ đội nhưng lại được đón ra một đơn vị không phải vào chiến trường, sau đó cậu này mất không rõ lý do.

- Luồng ý kiến thứ 2 của 1 người duy nhất đó là 1 ông đã từng làm cán bộ GD tăng cường cho QT sau giải phóng đã theo TT VTN cùng 1 số sĩ quan quân đội lùng sục khu vực 544, 241, Cam Lộ... để tìm mộ của con trai TT VTN.

Những người của tốp thứ nhất có hỏi tôi có biết tin này không tôi trả lời có nghe loáng thoáng ông già tôi kể lại TT VTN có con trai hy sinh ở QT thôi. Còn quan điểm của tôi việc con cái cb cao cấp có như thế nào cũng là việc bình thường vì họ cũng là con người.

Tôi kể chuyện này bác Trongc6 chắc có biết nhân vật này. Một vị lãnh đạo khả kính của HN có cậu con trai nhập ngũ và được về QKTT. Dọc đường hành quân vào tới nơi cậu ta cùng 1 tốp chiến hữu thân thiết quậy vô cùng, đến nỗi các trạm giao liên không dám để giao liên nữ dẫn đường nữa. Vào đến nơi, cậu ta ở QK bộ. Anh em ở đấy có nói chuyện rằng cậu ta có báo hàng ngày để đọc được chuyển vào bằng đường quân bưu của QK. Cuối 1974 tôi gặp cậu ta ở Đoàn 869, tuy cậu ta ít tuổi nhất nhưng lại láo nhất không coi các anh em lớn tuổi là gì, cậu ta chửi tất. Cậu ta hầu như không có mặt ở đơn vị nhưng hàng tháng quản lý của đơn vị phải thanh toán đầy đủ những ngày không ăn cho cậu ta, trong khi đó chúng tôi cắt cơm không có lý do thì không bao giờ được thanh toán. Đầu năm 1975 có đợt giải quyết chính sách, cậu ta cũng chẳng thèm sang đơn vị, đơn vị phải sang tận nơi làm chế độ cho cậu ta. Sau này nghe nói cậu ta đi Đức.   
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #536 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 03:35:18 pm »

Bac LXT cái gì cũng biết, bác biết nhiều thế ! bác phải là nhân viên của "Google" mới phải, bác sắp về h rồi; nếu xin vào làm của hãng Google thì sẽ chấp nhận ngay lập tức. Nếu không bác xin vào ban biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư của VN. sẽ đượpc trả lương cực khủng./.
Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #537 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 04:03:58 pm »

...Dân khu phố chúng tôi đi có đến gần hai nghìn đứa, vào thẳng trung đoàn 1867 (D59) thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (tư lệnh: trung tướng Chu Duy Kính) quản lý. Mỗi khu phố một điểm giao nhận quân. Tôi thuộc khu Đống Đa, tập trung tại rạp chiếu phim Đống Đa ở phố Thái Thịnh bây giờ. Đọc tên xong ra xe, ô-tô chở thẳng chúng tôi vào Đại Mỗ (Hà Đông)...

Nếu tôi không nhầm thì tư lệnh BTL thủ đô những năm đó là 4// Lê Nam Thắng.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #538 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 04:52:01 pm »

Bac LXT cái gì cũng biết, bác biết nhiều thế ! bác phải là nhân viên của "Google" mới phải, bác sắp về h rồi; nếu xin vào làm của hãng Google thì sẽ chấp nhận ngay lập tức. Nếu không bác xin vào ban biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư của VN. sẽ đượpc trả lương cực khủng./.
Hồi trước ở trường tôi có 2 thầy tên là Di:
- Thầy Phạm Khắc Di (người nhà cụ Phạm Khắc Hòe) được gọi là Di dỉ dì di cái gì cũng có. (nhà giàu?)
- Thầy Võ Nguyên Di (người nhà cụ Võ Bổng thì phải) được gọi là Di dỉ dì di cái gì biết.
- LXT bạn mình phải gọi là tương tưởng Tường tương mọi đường đều biết. Biết nhiều mà lại sống dai mới khổ chứ! Grin
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #539 vào lúc: 28 Tháng Sáu, 2011, 06:49:12 pm »

Bac LXT cái gì cũng biết, bác biết nhiều thế ! bác phải là nhân viên của "Google" mới phải, bác sắp về h rồi; nếu xin vào làm của hãng Google thì sẽ chấp nhận ngay lập tức. Nếu không bác xin vào ban biên soạn Từ điển Bách khoa toàn thư của VN. sẽ đượpc trả lương cực khủng./.
Hồi trước ở trường tôi có 2 thầy tên là Di:
- Thầy Phạm Khắc Di (người nhà cụ Phạm Khắc Hòe) được gọi là Di dỉ dì di cái gì cũng có. (nhà giàu?)
- Thầy Võ Nguyên Di (người nhà cụ Võ Bổng thì phải) được gọi là Di dỉ dì di cái gì biết.
- LXT bạn mình phải gọi là tương tưởng Tường tương mọi đường đều biết. Biết nhiều mà lại sống dai mới khổ chứ! Grin

Mình mệnh thủy nên mấy lần chìm trên sông mà không chết. Tử vi  của mình có 2 ngôi sao chiếu mệnh đó là Tả phù và Hữu bật cho nên mới nghiệm ra rằng toàn là quý nhân phù trợ, bạn bè giúp đỡ tận tình mới có ngày hôm nay. Thầy bói bảo rằng 82 tuổi mới giã từ vũ khí.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM