Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:35:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323523 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tvthai
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #490 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2011, 10:42:34 pm »

Tiếp đi bác trongc6 ui, đang lên cơn nghiện đây.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #491 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2011, 11:40:01 am »

….

   Tình thế hiện nay cũng lại là một điều đặc biệt đối với chúng tôi. Mọi khi đánh xong phải nhanh chóng thu chiến lợi phẩm (cũng chỉ thu được ít thôi và cố gắng mỗi thằng thu một khẩu súng của địch, lục lọi nhanh mỗi thằng độ hai ba cái ba-lô của địch) rồi nhanh chóng rút ra ngoài trận địa, có khi xa tới cả cây số mới được lệnh dừng. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ tảo thanh rồi cũng phải mau chóng rút. Đánh nhanh thì rút cũng phải cực nhanh.

   Vậy mà lần này…

   Nhưng không chốt lại thì trong đêm tối đen thế này thì biết rút đi đâu. Bộ phận chính sách tất nhiên phải làm ngay trong đêm rồi. Các C bộ binh có quay ra cũng không biết về tập kết chỗ nào. Mà tình hình trận địa còn ngổn ngang, quân ta đánh xong nhưng đã kiểm soát xong hết mọi thứ đâu.

   Toàn trận địa im tiếng súng. Thoạt đầu chúng tôi bám sát vào các hầm to của địch, loại hầm thùng có nắp đất dầy để nhỡ ra địch nó câu pháo vào thì cũng đỡ tổn thất. Nhưng cũng lạ là mãi vẫn không thấy địch bắn pháo, thế là bắt đầu chủ quan. Lính tráng ở khu vực nào tranh thủ lục lọi các hầm ở quanh khu vực đó. Thứ được tận dụng đầu tiên là đèn pin. Trang bị và cơ sở vật chất của bọn Thái có thể nói là giàu có và phong phú. Chẳng mấy chốc mà trong căn cứ không còn im ắng nữa mà bắt đầu nhộn nhịp. Ánh đèn pin soi loang loáng trong các hầm hào, dù cẩn thận thì thỉnh thoảng cũng vẫn có ánh đèn chiếu hắt ra ngoài, soi lên hàng cà phê rậm rạp. Lính tráng tự động tìm chiến lợi phẩm, chẳng ai ngăn cấm được. Gặp xác chết thì gạt ra chẳng thấy ghê gì cả, khu hầm nào cũng có lính chui vào lui cui lục lọi, tìm kiếm rồi chia nhau. Không biết bây giờ là mấy giờ, nhưng cả bọn giờ chợt nhận ra là chưa có lệnh ăn cơm chiều. Gói cơm nếp vẫn còn, thằng nào thấy đói thì tự ăn. Nhưng nhiều chỗ kiếm được sữa hộp đem chia nhau húp cũng thấy no, còn khoái hơn chén cơm nếp. Tiếp theo là thịt hộp và thuốc lá. Tự kiếm tự thưởng. Trong trung đoàn tôi có lệnh khi đánh căn cứ nếu thu được đồ hộp nhiều hoặc thuốc lá nguyên tút phải gom lại nộp về trung đoàn để cấp trên chia cho trạm xá và phía sau. Nhưng lính các C trực thuộc trung đoàn thường được đồng hương bộ binh cho trực tiếp khi gặp nhau chứ những thứ nộp về cũng không nhiều đến mức đủ chia khắp cho lính các C trực thuộc. Với lại quy định là thế thôi chứ chỉ có cán bộ đại đội là phải chú ý, thỉnh thoảng thu lại một chút nộp lên tiểu đoàn rồi từ đó lại nộp lên trên, còn lính tráng thì không mấy thằng muốn tự giác. Lo thân mấy thằng cùng cảnh trước đã nên đồ ăn và đồ hút là tự xử lý luôn. Trung đoàn phải dùng biện pháp là sau những trận đánh cứ điểm, thường chỉ chậm nhất 2 ngày là chúng tôi bị báo động kiểm tra quân tư trang bất thình lình để đơn vị thu bớt các thứ lấy được.

   Không hiểu sao đêm ấy trôi qua yên lành trong căn cứ. Chúng tôi được ăn no, hút thuốc thơm (bên Lào khi đó chủ yếu là thuốc lá đầu lọc nhãn hiệu chữ A, gọi là "Gia tô A đeng" hoặc "Gia tô A khao") nhưng đồ uống lại không có. Đến mờ sáng mới chính thức có lệnh kiểm tra toàn bộ trận địa, thu vũ khí và chiến lợi phẩm rồi các đơn vị rút ra tập kết về một số địa điểm gần căn cứ, là những cánh rừng già. Có một điều chúng tôi rất nhớ là trong căn cứ có một kho gạo Thái cực ngon, đóng trong các bao dứa có trọng lượng 45 cân. Các đơn vị được lấy thoải mái. Tiểu đoàn còn cử cả một đội cùi gạo về hậu cứ cho trung đoàn. Mỗi tiểu đội chúng tôi hè nhau khiêng một bao. Gạo vẫn còn rất nhiều. Có cả một kho nước mắm nữa, đóng trong các chai độ một phần ba lít. Thế ra khẩu vị ăn của lính Thái cũng không khác ta bao nhiêu. Chúng tôi rời căn cứ, ai mang được bao nhiêu thì mang. Ba chiếc xe tăng bây giờ cũng mới rút lui ra theo đường cũ của K18. Bây giờ mới biết xe tăng lợi hại thật. Không lo mang nặng nên ngoài những thứ gì không biết, riêng khoản gạo mỗi chiếc xe tăng lấy tới 3 bao . Trong cảnh trước trận đánh khẩu phần ăn mỗi người một ngày có 3 lạng thì bây giờ với gạo nhiều như thế, tất cả thành tiên rồi còn gì. Đại đội chúng tôi rút về một khe suối có rừng già nằm cách căn cứ địch khoảng dăm trăm mét về phía Đông. Mệt mấy thì mệt nhưng lệnh trong ngày là phải đào xong mỗi tiểu đội một hầm chữ A. Trong căn cứ bây giờ chỉ còn một trung đội của C7. Chắc trung đoàn vẫn muốn chốt giữ căn cứ này.

   Yên vị rồi, bây giờ mới nghe thêm thông tin về trận đánh. Cấp trên đánh giá trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phối hợp tốt cùng xe tăng đánh chiếm nhanh gọn cứ điểm địch, xóa sổ một tiểu đoàn địch, bộ đội ta thương vong ít. Chẳng thấy nói gì về chuyện chiến thuật đánh trận này là hay hoặc dở, hay là theo bài bản nào. Trên chiến trường Nam Lào, cũng chỉ có duy nhất một trận đó trung đoàn tôi được đánh cùng tăng, sau đó cũng không có lần thứ hai để mà trải nghiệm, so sánh. Cũng không phải tất cả mọi sự đều mĩ mãn. Xe tăng có một chiếc khi rút ra chạy thế nào lại bị tụt xuống vệ con suối đất. Suối sâu, đất mềm nên nó cứ bị tụt dần xuống do quá nặng. Không thể kéo lên được. Thế là công binh phải đánh mìn phá hỏng cho nó yên nghỉ tại đó. Còn trong căn cứ tuy diệt hết địch nhưng không hiểu sao vào lúc nào và theo lối nào đó, vẫn có một bộ phận địch chạy thoát. Ngay cả một số tù binh ta bắt được nhưng do trong đêm chưa giải đi ngay, chúng nó cũng tìm cách cứu giúp nhau chuồn hết lúc nào không biết. Lạ một điều là K15 đón lõng sâu trong hướng ngã ba Lào Ngam không những không gặp địch ra ứng cứu đã đành, mà cũng chẳng chặn được thằng địch nào rút lui qua đó. Cứ như có ma vậy.

   Ngày đầu tiên rút ra khu tập kết, việc làm đầu tiên của chúng tôi là yêu cầu anh nuôi (đi theo B5) nấu gạo Thái cho trung đội ăn thật nhiều. Mà chẳng cứ gì B5 chúng tôi, chắc B nào cũng vậy, kể cả tiểu đoàn bộ. Thức ăn chỉ có nước mắm rưới. Thế mà ngon tuyệt, nhất là sau một thời gian dài ăn cơm nếp mà lại bị đói. Không còn nhớ mỗi thằng ăn bao nhiêu bát: năm, bảy hay có khi mười bát cũng nên. No lòi kèn. Ăn xong còn phải nghỉ mãi mới đi chặt gỗ làm hầm được. Thế mà đến tối vẫn xong hầm. Lại nấu cơm tuy không ăn được nhiều như lúc trưa, nhưng vẫn ngon.

   Hôm sau nghỉ ngơi tắm giặt và vẫn phải chờ lệnh mới. Địch nó cũng bỏ hẳn cái cứ điểm bị mất đi hay sao nên chúng cũng không tổ chức chiếm lại, cũng không bom pháo vào đó. Thật lạ, chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhưng lạ thì lạ, chỉ khoảng cách chưa đến cây số nên các B lại tổ chức từng nhóm quay lại vào khu căn cứ lùng sục tiếp. Căn cứ rộng lớn, một B của C7 trụ trong đó đã "càn quét" các kiểu cả một ngày trời nhưng vẫn không xuể. Lính ta mò vào ngoài chuyện lấy thêm gạo còn lục lọi được ối thứ linh tinh. Giấy trắng và bút bi thì thoải mái, đủ quấn thuốc hút và viết thư cả năm (Thực ra lúc này chúng tôi chưa có mấy ai gửi được thư về nhà). Tôi lấy được một lô tất chân sợi pha nilon loại hảo hạng và thay luôn cái Xanh-tuya-rông loại thớ ngang. Cái Xanh-tuya phát từ ngoài Bắc của TQ thớ dọc nên khi đeo nặng nó cứ văn vẹo quăn như vỏ đỗ rất chán. Thế mới biết đồ của Mỹ tốt thật. Tôi cũng lấy một ít túi băng cá nhân có vỏ bọc không thấm nước và thay cái vỏ bi-đông vải bạt bằng một vỏ bi-đông bằng vải dù có lớp sợi mềm lót trong giữ ấm nước rất tốt. Thật ra thích thì lấy thôi chứ lính ta có bao giờ đun nước sôi đâu mà giữ nước ấm.

   Chúng tôi còn ở vị trí tập kết thêm 5 ngày nữa. Bây giờ chỉ ăn với nghỉ. Đã sốt ruột chuyện trở về căn cứ ở bản Xăm xi núc. Ngày 24/10/1972, chúng tôi nhận nhiệm vụ đột xuất mới. Trong tuần vừa qua, trong khi cả trung đoàn chúng tôi còn đang say sưa với chiến thắng Ba Lào Ngam thì địch đã kịp đổ xong 2 trung đoàn GM41 và GM42 từ trong Pắc xế nhảy cóc ra thị xã Saravan là vùng giải phóng của ta từ giữa năm 1970. Trung đoàn 39 của sư đoàn 968 vốn toàn lính thạo tiếng Lào gom từ các binh trạm Trường Sơn về làm công tác dân vận phía sau các E9B và E19 bị địch đánh cho chạy tan tác. Họ vốn chỉ gồm các đội công tác lẻ cỡ trung đội, trang bị gọn nhẹ ở lẫn trong dân và hướng dẫn quân sự cho các đơn vị Pathet như kiểu huấn luyện bộ đội địa phương nên không phải là đối thủ của lính Fumi cơ động. Nhưng tổn thất không bao nhiêu vì họ đã có trình độ luồn rừng ngang với thổ dân rồi nên đã tìm cách thoát thân. Thế là cả E9B từ Boloven và E19 từ Atopơ được lệnh hành quân gấp ra đánh địch. Saravan nằm sát liền nhánh Tây Trường Sơn của Đoàn 559 nên tuyến vận tải ở đây bị uy hiếp. Sư 968 chúng tôi vốn là sư bộ binh nằm trong biên chế của 559 có nhiệm vụ giữ sườn Tây Trường Sơn, vì thế phải quay ra đây đánh địch. Lệnh phải xuất quân càng nhanh càng tốt. Cả tiểu đoàn lo chuẩn bị, bỏ lại cái căn cứ Ba Lào Ngam vô chủ để lên đường. Chúng tôi đã bổ sung xong đạn dược. Gạo vẫn còn rất nhiều, lệnh trên phải mang mỗi người 7 cân, còn lại ai có sức mang thêm thì mang, không tính vào cơ số. Chúng tôi cố lèn nhau mỗi người mang mười cân với phương châm ăn thật no thêm mấy ngày đầu nữa, sau này có đói lại cũng hài lòng.

   Chiều tối ngày 25/10, cả đại đội 6 hành quân về bản Chăn Tua theo hướng Pắc soong cách đó ba chục cây số. Gạo thừa còn bỏ lại ở khu tập kết rất nhiều, chắc sau này những con sóc và mối rừng cũng ăn hết. Chúng tôi không tiện đường để ghé về qua khu hậu cứ Xăm-xi-núc và cũng rời xa nơi đã gắn bó chúng tôi suốt những tháng mùa mưa cùi cõng gạo đạn từ đó. Chiến trận đã cuốn chúng tôi đi. Những khu lán, những căn hầm không có người ở đó, rồi đây sẽ ẩm ướt, mốc thếch và hoang tàn dần theo thời gian. Con đường người lính đi qua nhiều khi một đi không trở lại. Những khu rừng đã sống, những hậu cứ đã ở rồi sẽ mờ dần trong trí nhớ theo thời gian và lùi xa dần qua năm tháng, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người lính, để rồi một lúc nào đó lại lóe lên vào những khoảnh khắc hoài niệm mà thôi. Nó như một nỗi buồn, nỗi nhớ day dứt tâm can người lính nếu như còn có lúc phải gặm nhấm lại quá khứ của một thời  trai trẻ.


Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #492 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2011, 08:02:09 am »

…. Chiến trận đã cuốn chúng tôi đi. Những khu lán, những căn hầm không có người ở đó, rồi đây sẽ ẩm ướt, mốc thếch và hoang tàn dần theo thời gian. Con đường người lính đi qua nhiều khi một đi không trở lại. Những khu rừng đã sống, những hậu cứ đã ở rồi sẽ mờ dần trong trí nhớ theo thời gian và lùi xa dần qua năm tháng, chỉ còn đọng lại trong ký ức những người lính, để rồi một lúc nào đó lại lóe lên vào những khoảnh khắc hoài niệm mà thôi. Nó như một nỗi buồn, nỗi nhớ day dứt tâm can người lính nếu như còn có lúc phải gặm nhấm lại quá khứ của một thời  trai trẻ.


Trongc6 ơi. Quả vậy những năm tháng chiến tranh đã cuốn hút tuổi trẻ chúng ta đi, cái gì còn, cái gì mất với chúng ta cũng là lẽ tất yếu nhưng nó sẽ mãi mãi là Một thời để nhớ trong tâm hồn của những thằng lính chúng ta. Mọi sự như bạn nói có thể sẽ mờ dần trong ký ức nhưng đúng là nó sẽ lóe sáng trong khoảng khắc hoài niệm nhất là khi tuổi tác chúng ta mỗi lúc một già thêm, chính vì thế theo mình chúng ta phải trải lòng ra để nhẹ vơi đi và chia sẻ với nhau.

Tối qua nhóm chúng mình đến thắp hương cho anh Được (nhà ở ngõ Nam Ngư), người mà mình đã gửi gắm tình cảm trong bài Chuyện về những người anh         http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.500.html  và http://www.quansuvn.net/index.php/topic,17230.510.html.

Anh hy sinh trước ngày ngừng bắn theo HD73 chưa đầy 10 ngày. Mấy thằng ngồi nhâm nhi chén rượu mà lòng nguôi ngoai nhớ tới bạn bè đã nằm lại trên đất QT gần 40 năm trước. Lúc ấy mới biết tin một lính trinh sát c20 của e101/f325 của mình được vào BCT, nhưng tin ấy với mình hình như không có nghĩa gì hết...  
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2011, 08:09:04 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Mig-29
Thành viên
*
Bài viết: 50



« Trả lời #493 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2011, 03:35:38 pm »

Mấy ngày hôm nay bác trọngc6 đâu mất rồi, tiếp đi bác, bọn em đang đói thông tin của bác  Roll Eyes
Logged
dream_kgb
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #494 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2011, 12:35:31 am »

Cháu thì cứ lâu lâu vào đọc cho đã , chứ ngày nào cũng hóng ... đọc khó chịu ạ. Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #495 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2011, 09:05:19 am »

….

   "Hành quân, ta lại hành quân, núi sông nâng bước đôi chân ta lên đường".

   Cuộc đời lính tất nhiên phải như vậy, băn khoăn gì nữa. Chỉ trong non một ngày dừng chân tại bản Chăn Tua, chúng tôi phải chuẩn bị thêm tất cả những thứ có thể chuẩn bị để tiếp tục lên đường. Thằng Thái "Pitơ" và thằng Sưởng của C tôi trong thời gian mùa mưa được anh Choát trên tiểu đoàn bộ điều lên chuyên đi mua lợn cho tiểu đoàn, nay cũng được trở về đội hình đơn vị để cùng hành quân ra Saravan. Có còn ở hậu cứ nữa đâu mà đi mua lợn.

   Người dân bản Lào thản nhiên nhìn những đoàn quân lũ lượt đi qua. Dân Lào hầu như thờ ơ với chiến cuộc. Trừ những chuyện tai bay vạ gió, quân lính cả hai bên không ai động đến họ. Có thể nói không có nguồn thông tin về đối phương nào khai thác được từ người dân Lào. Bên nào không cần biết, muốn đánh nhau thì tự đi tìm nhau mà đánh. Mà tốt nhất là đánh nhau nhưng chỉ bắt sống nhau thôi chứ đừng có người chết. Người dân Lào rất không vui khi bộ đội ta nói là  đánh nhau ở chỗ này, chỗ kia và có nhiều người chết. Người Lào ít lắm (khi đó dân số Lào là 3 triệu) nên họ sợ chết nhiều thì dân tộc họ bị tuyệt chủng mất.

   Đi thêm một ngày nữa, bắt đầu sang địa phận Saravan thì chuyển sang  hành quân đêm. Đi tiếp hai ngày nữa, đại đội tôi đến một vùng gọi là bản Bạc. Đây là khu vực nằm ở phía Nam thị xã Saravan. Địa hình bằng phẳng. Các nương lúa đã gặt của dân nằm xen kẽ những cánh rừng, phổ biến là rừng Khôộc. Có một số là rừng cây thưa tầm thấp xen lẫn cây cổ thụ và có rất nhiều ụ mối. Những ụ mối to đường kính hàng ba bốn mét trên đó có cây con mọc. Cây không dày nên nếu chú ý thì tầm quan sát được khá xa. Nếu cứ lơ đễnh mà đi thì có khi vòng qua một ụ mối bất chợt mới phát hiện thấy có người ngồi sau đó, rất có thể là một họng súng của địch đang chờ ta.  Dạo ở Boloven theo làm liên lạc cho đại trưởng Băng, tôi được xem bản đồ nhiều, cộng thêm những lần đi trinh sát nên hiểu địa bàn khá rõ. Bây giờ đến nơi mới không có bản đồ, cũng không được ngồi chầu rìa xem ké nên nhiều thứ mù tịt. Trinh sát họ bảo thế nào thì biết thế. Với lại đi theo đội hình đại đội thì cứ bám các thủ trưởng là đủ rồi. Còn chúng tôi, có khi trinh sát tiểu đoàn họ dẫn đi rồi mấy hôm sau lại dẫn vòng ngược về theo lối khác, có khi đi vòng vèo hình đít thúng mà cũng không tường, nhất là ở địa hình bình nguyên như Saravan này.

   Trinh sát tiểu đoàn đã phát hiện và bắt đầu bám địch. Chúng tôi dừng lại.
   Ba ngày sau, ngày 31/10/1972, cả tiểu đoàn đã triển khai thành một hình cánh cung bao lấy khu vực có địch. Lấy vị trí các bản làm mốc thôi chứ địch không ở trong bản. Chúng đào hầm trong các cánh rừng gần bản, đóng quân theo từng đại đội. Chúng tôi cũng vậy. Lúc này C5 lập chốt ở khu bản Đông-noọng, còn C6 ở khu bản Tông-la-vi, cách nhau độ hơn cây số. C7 chủ công và C8 hỏa lực đứng chân phía sau. Lúc này súng đạn của chúng tôi hoàn toàn là lượng bổ sung từ sau trận Ba Lào Ngam, mang từ cao nguyên Boloven ra. C8 đi đường xa chắc cũng chỉ mang được theo ít đạn. Sau này trong các trận đánh ở Saravan, hậu cần D và E tiếp tế dần cho chúng tôi mọi thứ, nhưng hầu như sự chi viện hỏa lực của D rất ít. Hỏa lực trung đoàn lại càng không có, nhất là cối 120. Bọn DKB thì vô tác dụng rồi. Suốt chiến dịch Saravan kéo dài 3 tháng rưỡi, không thấy DKB bắn một phát nào. Cũng đúng thôi vì thời gian này tuy địch có 2 trung đoàn nhưng chúng xé lẻ và cơ động liên tục. Ta với địch tìm đánh nhau cứ như mèo vờn chuột.

   Thời gian đầu ở Saravan, thế trận hai bên gần như hình da báo. Các đơn vị cỡ đại đội của ta và của địch hành quân và đóng giữ xen kẽ nhau. Địa hình bằng phẳng nên cứ nhắm hướng đi là thành đường. Hầu như không bám theo đường xe bò như trên cao nguyên. Mà đơn vị có trụ lại một chỗ cũng không ở lâu. Chỉ vài ba ngày, sau đó phải di chuyển. Công tác bám địch của trinh sát rất khó. Nhiều khi đánh địch là do bản thân các C phát hiện rồi tổ chức đánh luôn. Có khi chúng tôi đến một nơi thì địch cũng chỉ vừa bỏ đi từ hôm trước. Có lúc quay lại nơi mình vừa đóng quân tuần trước thì cũng lại phát hiện địch nó cũng vừa trú tạm ở đó xong. Nhiều khi không có khái niệm phía trước, vì mình đang chốt đánh thằng trước mặt thì lại có đơn vị địch khác đi vòng ra phía sau mình hạ trại. Cứ như tiễu phỉ vậy. Thời gian ở Saravan, lắm lúc có cảm giác lạnh lưng hở sườn.

   Khi C5 ở khu bản Đông-noọng mấy ngày không có gì, đến khi chúng tôi vừa qua thế chân thì hôm sau đã có địch. Ngày 3/11/1972, một đám địch khá đông từ phía bản lùng sục lại phía B4 và B6 của C tôi đang chốt giữ. Chúng nó đi phăm phăm như ở nhà chúng nó. Thằng Lễ nghe tiếng động thò ra khỏi ụ mối nhìn thấy địch liền dã luôn một phát B40 tung xác 3 thằng. Địch nằm rạp xuống và bắn trả. Súng đã nổ rồi thì cả hai bên cùng say máu. Các hầm cá nhân ở Saravan đều là hầm không nắp vì không có cây gỗ để làm nên thực chất cũng chỉ là hố chiến đấu. Lính ta phải lợi dụng ụ mối nhiều. Thằng địch trơ ra trên mặt đất không công sự, song nó cũng lợi dụng rất tốt địa hình có nhiều ụ mối đế đánh lại chúng tôi. Đạn bắn thẳng ít có tác dụng so với hỏa lực B40, B41. Cối cá nhân lợi hại nhưng bắn không khéo toàn nổ trên tán cây. Di chuyển vị trí liên tục, chốt mà không giống chốt. Bắn nhau một hồi, bên địch không có thêm thằng chết. Bên ta có anh Nhị người Hà Tây bị thương vào trán không phải do địch mà là do thằng Số (Nam Hà) nằm ở ụ mối bên cạnh tương B40 sang. May mà B40 chỉ có vỏ mỏng, mảnh hắt lại chỉ là mảnh nhỏ nên chỉ cào rách trán, không nguy hiểm. Do máu chảy nhiều nên vẫn phải băng kín và đưa về phía sau, gọi là phẫu tiểu đoàn. Phẫu nhưng không có mổ xẻ gì, chỉ như là nơi nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Mà vớ vấn địch nó hành quân tạt qua thì cũng phải đánh nhau chí tử. Chỗ vững dạ nhất bây giờ là nằm trong đội hình đơn vị, súng ống đầy đủ, có anh có em.

   Hôm sau, địch lại lên, hai bên bắn nhau mà không có ai làm sao, chỉ tốn đạn. Hôm sau nữa tiểu đoàn chi viện cho ít cối 82 và điều C7 vòng ra phía sau địch thì chỉ mới lẹt đẹt vài loạt súng, bọn địch đã biến mất.

   Ngày 8/11, đại đội tổ chức lùng sục với sự hậu thuẫn của C7 lần mò được khắp quanh bản Đông-nọng, vào cả trong bản thì chẳng còn thấy địch đâu nữa. Trên một cánh rừng rộng chỉ còn dấu vết những hố chiến đấu, đếm qua thì cũng biết chừng địch có một đại đội. Sát ngay đó còn có một kho gạo nếp ước đến cả tấn. Bọn địch không mang theo được, nhưng chúng cũng tai quái đổ nước ướt sũng thành món gạo ngâm. Sau khi kiểm tra (tôi cũng chẳng biết kiểm tra bằng cách nào), tiểu đoàn lệnh cho các đại đội cử người khẩn trương đến lấy về để kịp nấu trước khi gạo hỏng. Lúc này gạo Thái mang ra từ căn cứ Ba Lào Ngam cũng đã hết nên chúng tôi nhiệt tình lắm. Anh nuôi đem đồ bằng hết. Ăn được đến đâu cố mà ăn, không có cũng hỏng. Thế là lại thêm một ngày ăn thả cửa nữa.

   Đợt đi lấy gạo ướt ấy tôi bị một trận lạc đường đầu tiên ở Saravan. Anh Thành dẫn tôi và một lính nữa trong B5 mang gùi đi lấy gạo cho trung đội và đại đội. Lúc đi đã là chiều rồi. Lấy gạo xong thì trời sẩm tối. Tất cả hăm hở ra về, chắc mẩm đêm nay có bữa xôi no. Anh Thành cầm đầu, nhưng chúng tôi đi chẳng được bao lâu thì trời tối không nhìn thấy gì nữa. Đường đi chỉ là vệt đạp mờ trong rừng nên trong đêm đen chẳng thấy gì. Rừng lại thưa nên đi theo hướng nào chả được. Chẳng mấy chốc đã mất phương hướng. Mà cũng có biết hướng Đông Tây Nam Bắc nào đâu mà dò đường, nhất là không còn địa bàn (Cái địa bàn của tôi đã kỷ niệm cho thằng Lộc đồng hương trên C16 của trung đoàn từ lâu rồi). Thế là cứ đi mãi mà chẳng thấy đường. Người ta nói đi trong rừng mà không có địa bàn và xác định vật chuẩn thì thế nào rồi cũng đi thành hình vòng tròn. Quả là thế thật vì chúng tôi đi mãi, có lẽ phải bằng hai lần về đến nhà rồi ấy chứ, thế mà trước mặt vẫn mịt mùng. Càng ngày càng mệt và thấm đói. Gạo ướt không lấy nhai được nên đành ôm bụng. Sau cùng mệt quá và vô vọng nên anh Thành tìm một gốc cây to cho cả bọn ngồi nghỉ. Chúng tôi quyết định ngồi ngủ qua đêm bên mấy cái gùi gạo ướt. Chỉ còn bình tông nước uống dần, õng cả dạ dầy để chống đói.

   Mờ sáng hôm sau, khi vừa nhìn rõ đường là anh Thành bốc cả bọn dậy. Lần mò tìm đường thì ối giời ơi, cái lối mòn về đơn vị chỉ nằm cách chỗ chúng tôi ngồi nghỉ đêm qua có dăm mét. Não hết cả người. Về đến đơn vị bị mắng luôn. Từ B trưởng Quân cho đến anh nuôi cũng lên tiếng mắng. "Chúng mày chết dẫm ở đâu để cả đơn vị cùng chịu đói chờ gạo chúng mày suốt cả đêm". Nhưng rồi cũng hòa cả làng vì chính chúng tôi cũng bị đói cơ mà. Hơn nửa tiếng sau có cơm, tất cả lại lao vào ăn như những thằng chết đói. Gạo ướt để không được lâu nên sau đó anh nuôi đem  thổi tất. Chia cho mỗi thằng một đùm còn ăn được trong hai ngày. Sau đó thì gạo của hậu cần cũng cấp xuống. Vẫn chỉ là gạo nếp đem từ trong cao nguyên ra, nhưng được ăn tăng lên tiêu chuẩn 4 lạng một ngày.

   Ngày 13/11 C6 chúng tôi hành quân sang vùng khác đến phía Nam bản Na Thon cách đó vài cây số và chếch sang phía Tây thị xã Saravan. Vẫn đánh nhau đèn cù mà. Khu vực này rừng thấp và thưa hơn vùng bản Đông nọng. Có nhiều khe suối cạn vòng vèo có rất nhiều tre gai mọc. Từ hôm ra Saravan, chúng tôi không làm được hầm chữ A vì không có gỗ. Khu vực này có tre nên đại đội bắt làm hầm chữ A. Đất ở đây rất cứng, không đào sâu được nên cuối cùng hầm chữ A cũng chỉ chìm được hơn nửa xuống đất, còn lại lộ thiên. Ở đây không có bao cát nên đất đắp cũng chả được bao nhiêu. Đào hầm cho có là chính. Các cán bộ từ A trở lên được tổ chức đi kiểm tra thực địa một vòng rộng quanh nơi trú quân. Đây cũng là một thủ thuật khi trú quân trên địa hình bình nguyên xa lạ, vì nó sẽ giúp mình nhận ra địa hình quen thuộc khi đi từ nơi khác về mà không thể đạp đường trúng ngay được vị trí trú quân nhỏ hẹp.

   Các trung đội cũng cử các tiểu đội lùng sục ra các hướng thăm dò tình hình. Ban đêm ở đây phải tố chức mỗi B một vọng gác nghiêm chỉnh. Địa hình thế này thì khi phát hiện ra nhau, ban đêm ta tổ chức tập kích địch dễ thì địch cũng có thể tập kích lại quân ta ngon lành.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #496 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 08:15:40 am »

….
   Liền mấy ngày, chúng tôi được cắt cử đi lùng sục địch ra các hướng. Cũng chỉ làm một vòng tròn đường kính độ hai cây số là quay về đơn vị. Thế cũng là xa lắm rồi. Vớ vẩn gặp địch có khi không kịp chạy về. Không phải đi lùng sục theo từng A mà cứ ghép nhau lại lẫn lộn các A trong B. Lúc này tôi đã chuyển sang A khác cùng trung đội, không ở với anh Trịnh nữa. Anh Quán A trưởng mới của tôi cũng dân Hà Tây, hồi ở nhà là giáo viên cấp I, đã có vợ và 1 con. Anh ấy có cái động tác hút thuốc, dù là thuốc rê cũng ngậm vểnh cao điếu thuốc lên, trông điệu đà lắm. Trước khi tôi vào đơn vị, anh Quán cũng có thâm niên làm liên lạc cho đại đội được nửa năm. Anh ấy xuống bộ binh là do tuổi anh ấy ngang bằng các cán bộ đại đội nên khó xưng hô và sai bảo vặt. Đánh nhau cũng lỳ, nhưng theo tôi không dày dạn bằng anh Trịnh.

   Một hôm tôi được đi lùng sục với A thằng Lễ (Nam Hà). Thằng này xông xáo và hùng hục có tiếng trong đại đội. Đi với nó cứ hùng hục như trâu húc mả, ngại ghê lắm nhưng bị phân công thế thì phải đi, chối làm sao được. Đi ra khỏi cái suối có mấy bụi tre gai dầy, thằng Lễ dẫn chúng tôi đâm thẳng ra một cái trảng trống. Đi trong rừng khôộc cây cối đã thưa thớt, phải nép vào và men theo từng thân cây mà đi, căng mắt quan sát vì cái tán cây nó thưa lắm, không đủ để ngụy trang, nhất là với máy bay. Ra ngoài bãi trống lại thấy mình càng tơ hơ luôn. Bãi đất dưới chân ngoài các mô đá nhỏ là các cây cỏ cứng như rễ tre mọc lòa xòa trên lớp cát mỏng. Lá cỏ mà tròn như các cọng phi lao, không biết trâu bò có ăn được không. Để những cọng cỏ này đâm vào chân thấy ngưa ngứa. Đôi khi lớp da chỗ đó còn bị nổ bong ra như những nốt rộp trên cái bánh đa nướng. Thằng Lễ dẫn chúng tôi đi hướng này cũng có ý của nó. Đêm trước ở khu vực này có máy bay AC130 đến bắn pháo sáng. Loại pháo sáng to dài như thân chuối, lúc bật sáng nghe nổ "ục" một cái rồi mới phát sáng chói lòa. Mỗi ống pháo sáng cháy đến vài phút. Chúng nó cứ thả gối nhau 3 ống theo một hình tam giác trên một vùng rộng, soi sáng rực mặt đất. Cái dù treo pháo sáng bay lơ lửng, ống pháo sáng lắc lư nên ánh sáng rọi xuống đất cứ chao đảo, chập chờn. Khi cháy hết thì cái vỏ ống pháo sáng tụt ra rơi tự do xuống đất, còn cái dù bay quẩn thêm rồi rơi hay mắc vào đâu đó. Ống pháo sáng nếu ở hậu cứ dùng được vào khối việc, kể cả làm các đồ dùng như chậu, ca, bát … Dù pháo sáng loại này khá to nhưng mỏng, dễ bị bai nhưng dùng vào những việc vớ vẩn như bọc gói gì đó thì cũng tốt. Vải dù tốt nhất phải là dù lụa thả người. Nó mỏng, bền và trơn như tấm vải lụa vậy, nhưng có pha nilon nên rất dai. Trong căn cứ Lào Ngam chúng tôi tìm thấy rất nhiều dù lụa. Không hiểu sao bọn lính Thái hành quân ra đó bằng đường bộ, có nhảy dù gì đâu mà cũng lắm dù thế. Mỗi mảnh dù tháo ra vuông vức vừa khổ một chiếc võng. Bây giờ hầu như trong tiểu đoàn ai cũng có một vài mảnh, vo lại mảnh vải dù chỉ gọn trong bàn tay. Mảnh thì đem khâu thành võng, nằm tốt lắm, còn vài mảnh khác chỉ cần nhét gọn trong túi cóc là vừa, sau này dùng gì thì dùng. Tuy vậy đại đội không cho vứt võng vải. "Chúng mày chết thì lấy gì mà quấn". Đại trưởng Băng mắng lính thế, nghe ghê hết cả người. Thực tế sau này có phải võng ai quấn người ấy đâu vì rất nhiều lính không còn võng. Người đi trước thì cứ lấy võng của ai đó mà dùng trước, còn lại xét sau. Đã thành qui ước thế trong đơn vị rồi mà.

   Chả biết thằng Lễ còn say sưa gì mấy cái dù pháo sáng, nhưng nó bảo "ra chỗ địch thả pháo sáng khi đêm xem như thế nào" rồi cứ phăm phăm dẫn anh em theo hướng đó thì phải lao theo mà đi thôi. Tôi là lính "cũ" hơn nó hai tháng, nhưng là "tốt đen" nên phải tuân lệnh. Nhưng tôi cũng cảnh báo nó phải thận trọng vì vùng địch nó đã bắn pháo sáng cầm canh ban đêm tức là vùng đó có địch đóng quân. Bọn trên trời bắn pháo sáng là để cảnh giới canh chừng giúp bọn dưới đất chứ đâu phải bắn bừa cho vui. Rất may là chúng tôi lần qua mấy cái bãi trống, lấy được 2 cái dù pháo sáng mà không gặp địch. Thằng Lễ thân mật cho tôi một cái bảo mang về lót hầm nằm rất tốt, nhưng tôi không lấy. Hành quân di chuyển liên tục, nhẹ chừng nào hay chừng đó, ôm thêm cái dù làm quái gì. Sang mùa khô rồi tôi cũng không thích nằm võng. Cứ chọn chỗ đất không gồ ghề, vơ tẹo lá lại, rải tấm nilon lên là nằm co lại mà ngủ ngon lành, giống như hồi nằm ở mấy cái hầm thùng trên các binh trạm Trường Sơn. Hơn nữa nằm võng trên cao khả năng ăn đạn lạc hay trúng đạn khi bị tập kích cũng cao hơn.

   Chủ quan nên tất phải chịu hậu quả. Lúc đi an toàn nên lúc quay về cả bọn nghênh ngang đi thành hàng trên bãi trống. Bất ngờ khi về đến gần chỗ trú quân chừng dăm trăm mét thì bị trực thăng nó đuổi. Chả biết nó từ đâu bay ra nữa. Đây là lần đầu tiên ở Saravan chúng tôi gặp trực thăng. Loại máy bay có 2 càng, nhỏ chỉ chở vài người, cửa trống hoác nhưng ác là có một thằng bắn súng máy thò ra qua cái cửa đó. Theo như ảnh chiến trường miền Nam chúng tôi đã xem thì nó là HU-1A. Thằng này cơ động nhanh thế không biết, nó xà đến mình gây cảm giác hệt như lũ gà con xa mẹ trên bãi cỏ bị diều hâu bổ nhào. "Tản ra, nấp vào các gốc cây". Thằng Lễ quát to rồi cắm đầu chạy bổ về phía trước. Tản ra thì đúng rồi nhưng nấp cái con khỉ gì vào đâu bây giờ. Khi còn ở trong Boloven đôi khi chúng tôi đi đêm ra tuyến trước cũng bị AC130 nó bắn đạn 20 ly ngẫu nhiên xuống rừng. Vệt đạn đỏ lừ, mỗi thằng phải ôm một gốc cây to như cây Săng lẻ rồi nhìn hướng máy bay mà xoay quanh đó tránh đạn. Bây giờ giữa nơi như đồng không mông quạnh thế này, bám vào mấy các gốc cây khôộc chỉ to như bắp đùi thì nước non gì. Thế là cả bọn chạy tóe ra các hướng, may hơn khôn. Đạn đại liên trên máy bay nổ chói tai, bắn xuống cầy tung thành vệt trên mặt đất. May là cái máy bay bắn trượt thì nó lao lên quá đà, cần phải quay lại nên cũng mất chút thời gian. Tiếng súng và tiếng máy bay càng kích thích chúng tôi chạy nhanh hơn, thằng nào thằng nấy phi như ngựa nhưng đều nhằm hướng bờ suối cạn lao tới. Bên bờ suối cạn chỗ này có mấy bụi tre gai rất to và dầy. Nấp được sau đó rồi thì đạn đại liên cũng chưa chắc lọt qua. Năm thằng ngồi lăn ra đất, mồm mũi tranh nhau thở. Sau đó chúng tôi lợi dụng bụi tre xoay tròn quanh đó tránh đạn. Để an toàn, chúng tôi phân tán chia ra xoay quanh mấy bụi tre. Chỉ có mỗi chiếc trực thăng thì cóc làm gì được chúng tôi, bắn hết đạn thì chắc nó sẽ phải quay về. Thằng Lễ còn lấy lại khí thế bằng cách khi cái máy bay không bắn vào cái bụi tre nó trốn thì nó nghiêng người thò AK ra xổ mấy loạt về phía cái máy bay. Chiếc trực thăng mà trúng đạn thì chắc thằng Lễ lập công to, đoạt danh hiệu dũng sĩ bắn máy bay đầu tiên trong chiến dịch.

   Chiếc trực thăng không trúng đạn nhưng chắc cũng cay cú nên nó gọi thêm đồng bọn. Tiếng cánh quạt phành phạch bổ sung cho tiếng động trên bầu trời khi xuất hiện thêm một chiếc trực thăng nữa, cũng chẳng biết đến từ hướng nào. Bây giờ lại đến lượt chúng tôi gặp nguy tiếp khi hai chiếc trực thăng bay đối diện nhau quanh chỗ mấy thằng chúng tôi và bắn xối xả đạn xuống. Chúng nó xả từng loạt dài, cứ như nguồn đạn vô tận vậy. Phen này chắc toi rồi. Tôi rời bụi tre phi thẳng xuống lòng suối cạn, bờ cao tới ngực, mặc cho cành tre gai cào vào người. Thực ra sau này xem lại mới thấy xót xa với những vết gai cào trên ngực, cánh tay và đùi chứ lúc đó không cảm thấy gì hết. Những thằng khác cũng theo tôi lao xuống suối. Thằng Lễ luống cuống thế nào đó lại chui sâu vào một bụi tre gai. Chắc nó mắc trong đó làm mồi ngon rồi, khi hai chiếc trực thăng cùng nhìn rõ nó. Đạn bắn tung các cành tre gai, nhưng không trúng nó, số thằng Lễ vẫn cao thật. Bất ngờ tôi nhìn thấy thắng Lễ rướn người rồi "soạt" một tiếng chui thẳng qua bụi tre gai lao xuống suối, hệt như người chui qua tường trong phim thần thoại. Không thể tưởng tượng nổi. Lập tức sau đó cả bọn chúng tôi lom khom chạy dọc theo suối, cứ chạy bừa thôi. May mà chạy được chừng vài chục mét thì gặp được một cái hàm ếch khá và sâu rộng ngay cạnh lòng suối, chắc  váo mùa nước đây là chỗ dòng chảy đổi hướng của con suối. Tất cả chui tọt vào đó nằm im. Bây giờ chỉ còn có cầu trời khấn phật. Chắc trời đất còn thương nên hai chiếc trực thăng không kịp nhìn rõ chỗ chúng tôi nấp. Bất chợt bị mất mục tiêu, chúng nó cứ bay dọc theo suối bắn bừa vào lòng suối và bắn nát các bụi tre gai hai bên bờ. Chúng tôi cứ nằm im vì bây giờ chẳng có nơi nào tốt hơn nơi này. Chừng hai chục phút sau, chắc hết đạn hoặc giả không thấy động tĩnh gì, hai chiếc trực thăng bỏ đi.

   Đợi cho không gian yên ắng thêm một lúc rất lâu nữa, chúng tôi chui ra khỏi hàm ếch. Không ai bị thương vì đạn nhưng sau phen kinh hoàng, thằng nào người ngợm cũng xây xước, áo quần tơi tả. Mệt bã người. Thằng Lễ bị nặng nhất với vệt gai to cào giữa mặt, vẫn còn rỉ máu. Chúng tôi phải lần theo suối tìm những cây nhỏ còn sót lá, bứt ra nhai và rịt đỡ cho nó. Thế mà chỉ một lúc sau nó lại hơ hơ cười. Gai cào đối với nó thường xuyên hơn so với chúng tôi, cũng may da nó lành. Cả bọn lên đường lò dò về nơi đơn vị tập kết. Cả đơn vị đều lo lắng khi thấy trực thăng đến quần cách vị trí trú quân có dăm trăm mét, đạn nổ ầm ầm gần nửa giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi trở về an toàn, ai cũng mừng. Tuy thế khi báo cáo lại đầy đủ tình hình, thằng Lễ cũng bị xạc cho một trận về tội chủ quan. Khi nghe tôi kể về đoạn thằng Lễ suýt bắn rơi máy bay trực thăng, anh Thắng hỏa lực cối 60 bảo, "mày trông cái máy bay trực thăng to thế thôi chứ nó còn cách xa lắm, AK bắn tới thế quái nào được". Có nhẽ thế thật. Còn anh Bớt A trưởng thì bảo chúng tôi phúc còn to bằng cái đình làng. Nếu như ở miền Nam bị trực thăng nó quây thì xong rồi. Nhẹ thì nó bắn rockét nếu như phát hiện mình ở chỗ suối sát bìa rừng, còn quân mình mà đang chấp chới trên đồi cỏ tranh trống trải thì khả năng bị bắt sống là chủ yếu. Nó sẽ bay sà xuống gọi hàng, không chịu hàng thì cái thằng đứng ở cửa máy bay sẽ thò ra một quả cối 61 thả xuống, có nằm trong hầm cũng như bị thả đáo lỗ, xơi trọn quả cối là cái chắc. Nghĩ mà hú vía.

   Đêm đó, đại đội tôi phải di chuyển đến nơi mới cách xa hơn cây số hạ trại. Phần cho nó an toàn, phần phải chuẩn bị cho nhiệm vụ mới ở một cái bản cách đó dăm cây số.


Logged

quaham
Thành viên
*
Bài viết: 21


« Trả lời #497 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 09:21:01 pm »

Bác nhập ngũ năm 1972 à, huấn luyện ở đau thế. mình cũng là lính năm 1972, huấn luyện ở d62 bộ TL TD tại hòa bình, chưa biết chừng có khi anh em mình đã gặp nhau ở Quảng trị rồi cũng nên đấy nhỉ. Kể ra có dịp gặp mặt nhau cũng hay đấy chứ
Logged
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #498 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2011, 03:24:37 pm »

   Bác Trong c6 đánh nhau bên chiến trường Lào, không tham gia Quảng Trị 72. Vì thế bác í mới nói may mà không phải vào cái cối xay thịt đó
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #499 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 02:19:55 pm »

….
   Lúc này tất cả các đại đội trong K18 đều đang phân chia theo khu vực và tác chiến độc lập. Các tiểu đoàn khác cũng thế thôi. Thằng địch có 2 trung đoàn nhưng không hiểu mấy cái sở chỉ huy nằm ở đâu. Cũng phải có một bọn nào co cụm chứ. Thế nhưng thực tế cho thấy là chúng tôi và địch cứ quần nhau theo từng đơn vị nhỏ chứ không phải chúng đóng thành căn cứ lớn. Hơn nữa bọn địch ra đây chạy loăng quăng mới làm cho các thủ trưởng trên 559 lo đường dây bị càn phá chứ chúng nằm một chỗ thì chắc cũng chẳng nghĩ nhiều làm gì.

   Nhảy cóc ra Saravan, địch thiếu hẳn thế mạnh về pháo. Tuy có hành quân đường bộ là chủ yếu, chúng nó vẫn không đem theo được pháo lớn, mạnh nhất vẫn chỉ có cối 81 vác vai giống như hỏa lực tiểu đoàn của chúng tôi thôi, mà sức người thì lại có hạn. Bù lại, địch có máy bay ném bom T28 và trực thăng ra trợ giúp. Hiện tại quân ta vẫn chưa có súng phòng không nên bầu trời vẫn là của địch. Sau khi E9B và E19 ra Saravan thì thằng địch mất tiếp tế đường bộ. Nhiều đêm chúng tổ chức thả dù hàng tiếp tế, nhưng nhận hàng xong thì di chuyển luôn, giống như các đội du kích vùng địch hậu trong thế chiến thứ hai ở Liên xô vậy. Nhiều khi trinh sát, thậm chí là các đơn vị bộ binh chúng tôi mò đến thì chỉ còn thấy những chiếc dù hàng vải ca-rô xám vứt bừa trên mặt đất mà thôi. Mỗi cái dù căng ra to như một nóc nhà, khá nặng nên lính ta chẳng màng.

   Ngay sau hôm bị trực thăng bắn đuổi, chúng tôi đến nơi mới và B4 ra chốt ở khu rừng của bản Phôn Phai cách đó 2 cây số. Ổn định xong chỗ ở một ngày, hôm sau B5 chúng tôi kết hợp lùng sục và tiếp tế một số thứ, đem cơm cho B4. Đường không xa nhưng ngoằn nghoèo, vẫn toàn rừng khôộc và có cả một con suối đất có ít nước tù. Tôi thấy rất ngán loại rừng này vì rất dễ lẫn phương hướng. Trên đường đi, chúng tôi chỉ có cách nhìn các ụ mối làm chuẩn, nhưng các ụ mối cũng rất giống nhau. Tất nhiên nếu có bản đồ và địa bàn thì ngon lành rồi.

   Buổi chiều B5 chúng tôi từ chốt trở về nơi tập kết của đại đội. Trên đường về, anh Quân phát hiện thấy địch. Độ khoảng hai chục thằng đang hành quân vắt chéo qua. Chúng đi thấp thoáng phía trước cách chúng tôi chừng hai trăm mét. Chúng nó không nhìn thấy chúng tôi. Bây giờ đuổi theo thì không kịp vì chúng đi khá nhanh, mà chắc gì khi đuổi kịp đã có thế bất ngờ để đánh chúng nó trước. Vì chỗ này nằm sau lưng chốt B4 nên anh Quân quyết định báo cho B4 biết để không bị bất ngờ. Thế là A trưởng Quán, tôi và anh Thành phải quay lại B4 báo tin, còn mọi người về nhà trước. Chúng tôi quay lại báo tin, còn chờ B trưởng B4 là anh Chèo hỏi lại căn kẽ, tổ chức lại đội hình chán chê rồi mới cho chúng tôi về. Lúc này thì trời đã sập tối. Trời tối ngoài bình nguyên không đen kịt mà cứ trắng nhờ nhờ. Thú thực lúc này tôi chỉ mong anh Chèo cho ở lại cùng B anh ấy cho tăng thêm người, dù có phải đánh nhau cũng hơn đi đêm về cùng anh Thành. Tôi đã ngán cái vụ lạc đêm hôm đi lấy gạo ướt chỉ mới cách đây độ hơn tuần cùng anh ấy. Dân Sơn tây "ba vi co con bo vang" nói líu ríu toàn chữ không dấu, lúc nào cũng tỏ ra thành thạo mà thực chất cũng mít đặc rất nhiều thứ. A trưởng Quán thì quá hiền, lại chưa từng chứng tỏ khả năng lần nào nên cũng chẳng làm tôi tín nhiệm được bao nhiêu. Mình non nhất, tay không nên cũng chẳng thể làm gì, đành im lặng đi theo.

   Cả bọn rời khỏi chốt B4 hối hả lên đường. Đoạn đường hai cây số nếu đi thông thì chỉ độ nửa tiếng là chúng tôi về đến chỗ trú quân, có thể chén cơm rồi ai về hầm nấy được rồi. Tôi chỉ mong có thế nhưng thật là ghét của nào trời trao của đấy. Về được đến chỗ lúc chiều gặp địch thì anh Quán cho đi chậm lại và cẩn thận quan sát. Ban đêm nhỡ lao vào chỗ địch đóng quân thì hết đường chạy. Cứ một đoạn cả bọn lại nằm xuống sát đất rồi ngẩng cổ lên để quan sát. Nơi trống trải thì đúng là thằng ở thấp quan sát thằng đứng cao rất rõ nhất là nếu nó di chuyển. Nhưng lúc này chắc địch nó cũng ngồi im nên chúng tôi phải nằm quan sát khá lâu cho chắc chắn an toàn mới đi tiếp. Đứng lên ngồi xuống, quay phải quay trái độ mươi lần như thế thì mất phương hướng. Chẳng còn chắc chắn cái gì nữa, nhưng chúng tôi cứ đi theo cái hướng mà anh Thành khăng khăng là đúng. Chúng tôi gặp một con suối đất. May quá rồi vì lúc đi cũng có cái suối đất. Nhưng vì cái suối uốn cong nhiều chỗ nên chúng tôi không thế cứ đi theo nó, với lại biết nó dẫn đến đâu, mình còn phải nhằm hướng của mình chứ. Thế là lúc bám suối, lúc rời ra đi theo hướng mà mình cho là đúng. Hai cây số mà chúng tôi đi rã cả người mà vẫn chưa về đến nhà. Thế rồi tôi phát hiện thấy một cái cây đổ trông quen quen mà cả bọn hình như đã đi qua thì phải. "Thôi chết, đi vòng tròn rồi các anh ơi". "Tròn là tròn thế nào, cấy khô đổ thì cây đếch nào mà chả giống cây nào". Anh Thành quát thế nên tôi đành im. Phăm phăm đi tiếp mãi, tôi lại nhận ra cái cây quen quen ấy và lại phải kêu lên. Lần này anh Quán ngờ ngợ nhưng anh Thành vẫn bảo thủ. Tôi đành tìm quanh kiếm một hòn đất to và một cái cành khô gác lên một đầu cây khô để làm dấu rồi tất cả lại hùng hục đi tiếp. Đi mãi rồi lại gặp cái cây khô ấy. Bây giờ thì không thể cãi nhau là nhầm hay không vì cái vết đánh dấu còn sờ sờ ra. Anh Thành cứng họng đành im. Thế là chúng tôi đã bốn lần vòng tròn đi qua cùng một chỗ ấy. Bây giờ thì mệt và nản quá rồi, anh Quán đành cho cả bọn kiếm một cái ụ mối to rồi nép vào đó vừa nghỉ vừa ngủ qua đêm. Sáng hôm sau nghe có tiếng chân và tiếng lao xao. Nhìn ra thấy 3 thằng trinh sát tiểu đoàn đi cách đó chừng chục mét. Cuống cả lên gọi ý ới rồi xin nhập bọn để về cùng. Cái chỗ chúng tôi nghỉ đêm cũng chỉ cách đơn vị dăm sáu trăm mét thôi chứ nhiều nhặn gì đâu, thế mới cú. Vậy là từ khi ra Saravan đến nay chưa đầy một tháng mà tôi đã bị lạc hai lần, mỗi lần mất toi một đêm rồi. Không biết còn mấy lần lạc nữa đây. Thế là lòng nhủ lòng từ nay đi lẻ phải tránh xa anh Thành và cố gắng tốt nhất là không bị cử đi lẻ nữa.

   Ăn vội được suất cơm để từ tối hôm trước và thêm suất cơm sáng nữa, anh Quân cho mấy thằng chúng tôi tranh thủ nghỉ. Có tin chiều nay cả đại đội sẽ tập kết ra chốt B4 đánh địch dã ngoại. Trinh sát tiểu đoàn đã bám địch, phát hiện chúng có một đại đội và C6 được lệnh đánh cho chúng một trận. Thế là sau mấy tiếng nghỉ ngơi, chúng tôi lại chuẩn bị súng đạn cá nhân. Tất cả sẽ ăn cơm trưa, nhận cơm đùm một ngày rồi lên đường. Anh nuôi sẽ mang cơm cho B4.

   Mọi chuyện chuẩn bị súng đạn cá nhân không có vấn đề gì. Tôi vẫn giữ AK với cơ số đạn 250 viên. Ra Saravan không mang thủ pháo mà mỗi lính phải đeo hai quả lựu đạn. Trận tới sẽ đánh vận động nên tôi buộc chéo hai băng đạn ngược chiều nhau để thao tác cho nhanh. Lúc này chúng tôi vẫn có thói quen đeo bao đạn (loại 1 băng) ở Xanh-tuya-rông, không có bao-xe. Lúc ấy tôi chưa biết, nhưng về sau thấy nếu có bao-xe thì sẽ có rất nhiều trường hợp lính ta tránh được thương vong không đáng có. Anh Quán A trưởng cũng mang AK, còn anh Thành mang M79. Trong trung đội chỉ có anh Trịnh là A trưởng mà thích cầm B40 thôi. Lúc trưa xuống bếp lấy cơm cho tiểu đội, tôi thấy nhiều người cãi cọ ầm ĩ về cơm nước. Hóa ra anh nuôi nấu cơm bị khê. Đổ ra cả một soong 20 cơm mà bị khê nên không ai muốn nhận. Lính tráng thì bảo anh nuôi vô trách nhiệm, làm thế này bằng giết anh em, ai còn dám đi đánh nhau. Anh nuôi thì bảo nó khê là nó khê chứ chúng tao nấu có phải chỉ có một nồi đâu, không ăn thì thôi. Tất nhiên gạo có hạn, không thể nấu nồi khác, giờ nếu sợ chỉ có cách chia nhau mấy nồi cơm chín, ăn ít đi vậy. Đấy là CTV nói thế chứ anh nuôi họ cũng không chịu trách nhiệm. Chuyện này về sau nói về số phận con người còn nặng nề nữa chứ chưa phải đã hết. Thế nhưng ở đâu thì cũng có những con người quả cảm. Anh Bớt là đảng viên phải gương mẫu nên bảo "sống chết có số, sợ đếch gì", còn anh Quán là đối tượng Đảng sắp kết nạp nên cũng cần phải gương mẫu. Thế là hai A trưởng ấy bê cả cục cơm to không thằng nào dám lấy ấy về cho tiểu đội mình. Tôi cũng phải nhận một cục to bọc vào miếng vải dù. Riêng phần cơm trưa hôm ấy thì tôi chưa dám ăn. Anh Trịnh thương tôi cho tôi ăn ké suất cơm trưa không bị khê của anh ấy. Còn một bọc cơm khê, tôi mang đi nhưng tự nhủ chưa ăn nên cũng chỉ thấy sợ ít thôi.

   Hơn hai giờ chiều cả đại đội lên đường, nhằm hướng rừng bản Phôn Phai nơi B4 đang chốt. Hôm nay là ngày 18/11/1972, đúng một tháng sau ngày trung đoàn đánh căn cứ Ba Lào Ngam.

   Đi cả đội hình, đúng đường nên chẳng mấy chốc đã tới nơi. Các cán bộ đại đội và trung đội trao đổi kế hoạch tác chiến. Theo trinh sát D thì cả một đại đội địch chỉ nằm cách B4 có hơn ba trăm mét thôi. Rừng thưa nhưng lắm ụ mối nên có nhìn cũng chẳng thấy gì phía xa. Chúng tôi sẽ chia thành hai cánh vận động theo hai gọng kìm bao lấy bọn địch. Chúng nó cũng chỉ có hố chiến đấu tơ hơ trên mặt đất thôi. Chúng tôi sẽ lợi dụng ụ mối bám sát, dập B40, B41 vào chỗ có địch rồi vận động lợi dụng ụ mối tiếp cận và tiêu diệt dần bọn địch. Nghe ngon lành thật đấy.

   Chừng 4 giờ chiều chúng tôi bắt đầu xuất kích. B5 và B6 chia làm 2 cánh phía trước còn B4 vận động phía sau. Đoạn trăm mét đầu tiên không có vấn đề gì. Chúng tôi vận động kiểu vọt tiến bám nhau lần từ ụ mối này sang ụ mối khác tiến về hướng địch. Trăm mét thứ hai thận trọng và chậm hơn nhưng cũng rút dần được khoảng cách với địch. Trăm mét thứ ba áp sát địch thì có vấn đề. Thằng địch cũng có cảnh giới cẩn thận nên đã phát hiện thấy quân ta và ra tay trước. Thoạt đầu là mấy quả M72 của địch bắn tới nổ chói tai trên ụ mối. Liền sau đó là M79 "cốc, oành" liên tục.  Chưa có tiếng đạn AR15. Tất cả chúng tôi bây giờ chia thành từng tốp bám vào các ụ mối để tránh đạn. Những cây khôộc nơi đây chỉ to cỡ bắp đùi không đủ để che chắn thân người. Thằng lính nào lỡ nằm nấp sau gốc cây chỉ một lát sau là phải nhắm ụ mối chạy tới. Chúng tôi nhìn ra nhưng quả tình cũng không trông rõ địch vì chúng cũng có ụ mối che chắn. Quân ta đành bắn bừa B40, B41 vào cạnh các ụ mối phía trước rồi lại dùng động tác vọt tiến xông lên, thay đổi vị trí liên tục. Cối M79 cũng bắn đại lên phía trước. Vượt thêm được vài ụ mối thì đạn thẳng của địch bắt đầu nổ ran. Toàn tiếng AR15 "rèn rẹt" và có cả tiếng cacbin "cắc bụp". Thằng địch không có trung liên bar. Phía ta xung kích cũng chỉ có AK, không có RPD hay đại liên. Vũ khí hai bên thế là tương ứng, hòa. Bây giờ chúng tôi cũng đã phải bắn AK nhưng chỉ lúc vọt tiến vượt ra chỗ trống mới phải vừa vận động vừa bắn để chế áp địch, chứ lúc tọt vào sau ụ mối thì cũng không nhìn rõ địch. Nghe tiếng súng bắn ra từ đâu thì địch ở nơi đó thôi.

   Không hiểu sao lại có tiếng máy bay ù ù trên đầu. Rồi chẳng phải chờ lâu, từng chiếc T28 từ đâu bay đến và bổ nhào ném bom ngay vào giữa khoảng trống của ta và địch. Toàn là bom phát quang nên tiếng nổ to, đanh và hơi tạt rất mạnh dù chúng tôi nấp sau ụ mối. Chỉ có hai chiếc T28 thôi nhưng chúng thả bom từng quả một nên vòng vèo ù ù khá lâu. Thế là vừa vận động vừa phải ngó lên trời quan sát máy bay dè chừng. Nhiều thằng còn nằm ngửa chĩa AK lên bắn lại máy bay nhưng chẳng ăn thua gì. Giá có 12ly7 của C8 giá súng đàng hoàng mà nện máy bay, chắc cũng làm nên chuyện. Không biết T28 có trang bị đại liên không mà không thấy chúng bắn xuống ngoài việc thả bom. Thế cũng là một điều may. Rồi có lệnh đại đội cho đơn vị vận động thật nhanh áp sát địch chừng nào hay chừng ấy. Đúng là địch thả bom phát quang nên chúng tôi vượt qua khu trống mà không gặp hố bom. Cỏ nơi đây vốn đã xơ xác nên mặt đất trông vẫn thế, chỉ cảm nhận được mùi khói bom.

   Trời tối nhanh lúc nào không biết. Chúng tôi đã tản ra rất rộng để đánh vào các ụ mối có địch. Có vẻ địch lùi dần. Đã nhìn thấy một vài xác địch khi vòng qua mấy ụ mối, chắc do ăn B40, B41 thôi chứ AK chắc chưa làm nên trò trống gì. Cảm giác lại gần giống như đánh đêm ở Ba Lào Ngam, khác chăng là địa hình nơi đây rộng, chả biết đâu là điểm cuối. Đánh vận động bắn AK rất tốn đạn, dù chưa chắc đã trúng tên địch nào. Hai băng AK buộc chéo hết veo, bắn đến viên cuối của băng hẫng một cái tưởng như hóc súng.  Tôi vội tạt vào sau một ụ mối móc túi đạn rời ra lập cập lắp vào vỏ băng AK. Mấy thằng khác cũng lần lượt như vậy. Có đạn rồi lại tiếp tục xung phong và bắn tơi bời. Đạn bay chớp nhóa nhì nhằng trong màn đêm.


Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM