Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:38:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323524 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #470 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 10:47:59 am »

Tiếp tuc cuộc hành quân của những ngày đầu tháng 4 năm 1972...

                 ... Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn tham gia đánh Huế, giữ cờ trên cố đô 26 ngày đêm, với người chỉ huy là Tư lệnh kiêm chính ủy Lê Khả Phiêu...

Thế trung đoàn Phú Xuân cũng chốt giữ 26 ngày đêm tại Huế hồi Mậu Thân đâu phải là e9b của bác. Tôi cũng không rõ gốc tích của e này nhưng nhớ nó vì nó cứ khăng khăng là cắm cờ ở thành Huế ngày 26/3/1975 mà thực tế e mọt linh kẹt (e101) của tôi đã cắm cờ trên Phu Văn Lâu lúc 13 giờ ngày 25/3/1975.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #471 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 11:10:52 am »

@bác PhongQuang.

       Sư 320 thời chống Mỹ nằm địa bàn B3 (Tây Nguyên). Tháng 5/1973, Trung đoàn 52 của sư 320 bị rút đi bổ sung cho chiến trường Quảng trị (Nó nhập vào sư 325 thì phải). Thế là E9B bị cắt ra khỏi sư 968 và bổ sung cho sư 320A. Mãi đến tháng 8/1975, trung đoàn 9B mới trở lại đội hình sư 968 và ở đó cho đến ngày hôm nay. Đúng như bác PhongQuang đã nói, bây giờ sư 968 thuộc QK4 và đóng tại Quảng Trị

Theo sự tìm hiểu của tôi thì thời gian Quảng Trị 1972 chưa bao giờ thấy xuất hiện phiên hiệu của e52. f325 không hề bổ sung 1 e nào cả khi vào QT (gồm các e101, 95,18 sau 1973 thêm e pháo 84). Tôi biết e52 tên truyền thống từ hồi đánh Pháp là Trung đoàn Tây Tiến, khi thành lập đại đoàn 320 thì về đại đoàn này ( gồm các e 48, 52, và 64). F320 này tham chiến tại Bắc QT năm 1966 sau vào Tây Nguyên. Còn tại QT 1972 f320 chỉ có 2 e là 48 và 64 sau 1973 rút ra Bắc thành lập QĐ1 và bổ sung e27 cho đủ 3 e bb. e52 xuất hiện nhiều ở chiến trường Tây Nguyên. 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #472 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 02:36:16 pm »

Bố mày quen miệng, lúc ấy Không lực VNCH chủ yếu chỉ có A7,F5...Một cái nhần nữa là thượng sĩ nhưng các bài viết và sách đã phong cho ông này lên Thiếu úy.
PQ gõ chữ thiếu, A37 chứ.
À, chuyện F4 Hải quân Mỹ bảo vệ di tản thì mình không biết thật.
Bác Đại Cương này còn nhầm phiên hiệu F367 thành F673, gõ nhịu?

Tôi nghĩ f673 là đúng vì đây là f PK của QĐ2 cho nên đi với đội hình của QĐ2 là đúng
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #473 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 04:29:07 pm »

Kính bác Tường và bác Trongc6: Sau này đọc lại sử sách thì tôi biết cái e9 của bác Trongc6 đúng là cùng trung đoàn Phú Xuân và tiểu đoàn 10 giữ Huế 1968. Bác Phúc Thanh năm 68 là đại đội trưởng một đại đội thuộc e9 của bác Trongc6, sau về làm tư lệnh QD2 rồi làm chủ nhiệm TCHC thủ trưởng của tôi nên tôi nhớ, bác ấy vừa được nhận danh hiệu Anh Hùng LLVT cách đây không lâu.
Tôi suy luận thế này có gì bác trongc6 đừng giận nhé. F968 của bác chỉ có e9 là gốc BB đã trải qua nhiều chiến trận còn các e khác đều là lính 559 gộp lại chưa từng đánh lớn nên 1975 e9 mới tăng cường cho 320 đánh Đồng Dù. QK4 có rất nhiều sư đoàn danh tiếng nhưng hiện nay chỉ giữ lại có f324 và f968, đủ biết f968 là sư đoàn có bề dày truyền thông.
Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #474 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 05:11:34 pm »

 Đề nghị các bác xem lại cho chứ ngày này 34 năm trước là cuối năm 1976 đất nước mới được hòa bình hơn 1 năm , nhân dân VN đang vui sướng sống trong thống nhất 2 miền thì làm gì có chuyện súng đạn bắn nhau ầm ầm nữa  Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #475 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 06:24:58 pm »

Ôi, bác PhongQuang đúng là ma xó, bái phục, bái phục. Thông tin bác đưa ra hoàn toàn chính xác. E9B có 2 thủ trưởng lên to nhất chính là Thượng tướng TBT LK Phiêu và Trung tướng - PCT Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh như bác chỉ ra đấy. Chính xác thế. Ngày thành lập E9B bây giờ bác Thanh vẫn về dự, còn bác Phiêu chỉ gửi lẵng hoa và thư.

Bác Quảng nói về F968 cũng hoàn toàn đúng. F968 là bộ đội Trường Sơn mà. Nó là sư BB duy nhất của 559. Nó có nhiệm vụ chính là bảo vệ sườn Tây Trường Sơn. Năm 1968 nó mới là mặt trận 968. Mãi 1970 mới thành F968, đúng là chỉ có E9B là gốc. Thành lập thêm được E19, nhưng E này tác chiến ít, luôn coi E9B là đàn anh. Còn E39 chỉ toàn lính Trường Sơn giỏi  tiếng Lào chuyên làm nhiệm vụ dân vận và giúp các đơn vị Pathet cấp đại đội.

Chuyện E9B về F320A cũng là cả một câu chuyện dài. Nếu còn hứng tôi sẽ túc tắc kể chuyện hầu các bác.

Chúc tất cả các bác mạnh khỏe.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #476 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2010, 08:38:53 am »

…..
   Cả đại đội hành quân ra một cánh rừng gần bãi Đá làm hậu cứ tạm để trú chân. Buổi chiều tập trung làm công tác chuẩn bị để tập chiến thuật. Nhóm mở cửa chúng tôi làm sẵn các giá đỡ mìn và các que thuốn, còn anh em khác chặt gỗ và chuẩn bị bao cát cho cá nhân. Mỗi người phải chuẩn bị một vác gỗ dài 1,6m to cỡ trên cổ tay một chút. Kèm theo đó là hơn chục vỏ bao cát. Chúng tôi tập chiến thuật ngay từ đêm, bắt đầu từ khâu hành quân tiếp cận trận địa. Những trận đánh căn cứ địch đều diễn ra vào các đêm không có trăng. Ở đây chúng tôi không có điều kiện kiếm đom đóm hay miếng củi mục có lân tinh cài làm dấu ở người trước để đi. Tất cả đều phải tập theo cảm nhận.

   Chỉ riêng khâu hành quân tiềm nhập cũng đủ thứ rắc rối rồi. Vì phải vác theo vác gỗ nên không thể đi sát nhau. Tốc độ lúc nhanh lúc chậm tùy theo thằng trinh sát dẫn đầu đã dò đường đến đâu. Vì thế có lúc thì dò từng bước, rậm rịch như trâu ăn đêm trong chuồng. Lúc lại cắm đầu cắm cổ đi vèo vèo. Ở ngoài chỗ trống còn đỡ chứ trong rừng rậm vướng dây rừng thì thật mệt. Chúng tôi đã được truyền thụ kinh nghiệm lồng vào 2 đầu vác gỗ mỗi đầu một chiếc vỏ bao cát để tạo thành một khối liền, nhưng nhiều thằng buộc không chắc, một chiếc bao cát tụt rơi lúc nào không biết. Thế là đang đi phăm phăm húc và bụi dây rừng bị dây nó giắt vào giữa các thanh gỗ làm vướng lại, căng ra như cánh cung rồi bật lại làm ngã bổ chửng. Có khi các dây rừng nó níu lại mạnh quá, thế là bị giật lùi va vào thằng đi sau, có khi đến hai ba thằng cùng ngã. Những lúc như thế lại phải hạ bó gỗ xuống để tháo dây rừng hoặc rút dao găm ra chặt. Xử lý xong thì hàng quân phía trước đã đi đến đâu ấy rồi, thế là cả bọn lại cắm cổ lao theo cho khỏi lạc. Vì đi trong rừng phải im lặng (dù là buổi tập) không biết phía trước đã đi đến đâu thành ra có lúc thằng đi trước nó đang đứng ngay phía trước cách mình chỉ có một đoạn mà lao luôn vào nó. Lao vác gỗ của mình vào vác gỗ của nó thì chỉ có 2 thằng ngã là cùng, chẳng may đúng lúc đó mình đang nghiêng vác gỗ để xoay đầu đổi vai, thế là cái mặt mình bị hứng trọn vác gỗ của nó đâm vào mặt. Đau ê ẩm mà không dám kêu. Những buổi tập đêm như thế (và sau này cả trong đánh trận nữa) chúng tôi không bao giờ thoát khỏi cái đoạn mặt mày xây sát. Chỉ có là bị ít hay nhiều mà thôi.

   Hành quân đến trận địa thì được cấp trên phân công vị trí. Cánh làm nhiệm vụ mở hàng rào chúng tôi thì bò vào hàng rào và tập dựng giá mìn. Lúc ấy mỗi trung đội có chừng 13,14 người. Cả B5 tập trung học dựng mìn mở cửa dưới sự hướng dẫn của tôi và Thành. Lúc đầu chúng tôi tập toàn ban ngày để dễ hình dung, sau đó mới tập đêm theo đại đội. Tập cả B nhưng sau này khi vào trận sẽ sử dụng 5 người thôi. Những người còn lại phải mang hỗ trợ thêm mìn DH và phải nhận khâu đào hầm chung cho cả bọn trú ẩn khi điểm hỏa mìn. Chúng tôi chia nhóm và dựng nhiều giá mìn hơn đánh thật để còn tập. Vẫn phải bài bản cả khâu dò mìn, cắt rào, tuy trên thực tế thì ở cao nguyên Boloven này, địch rất ít khi gài mìn xen lẫn giữa các hàng rào. Còn cái chuyện mắc ống bơ cho kêu loảng xoảng như thời Pháp thì không hề có. Địch chỉ đặc biệt thích dùng pháo sáng loại dập bằng tay hoặc bắn bằng M79 và nện cối cá nhân khi nghi ngờ gì thôi.

   Các trung đội khác thì phải tập đào hầm trong đêm, đảm bảo bí mật và đúng thời gian. Hầm đào hình chữ L nằm ngang, quay cái phần chân chữ L lại hướng mình. Yêu cầu thân chính của hầm là 1,2m rộng 80 phân và sâu tối thiểu cũng 80 phân, đủ để nằm lọt cả người và vũ khí. Phần thân hầm phải rải các thanh gỗ lên, xúc đất cho vào các bao cát buộc lại rồi xếp lên trên làm nắp. Cán bộ đại đội đi kiểm tra, chỗ nào phát ra tiếng động nhiều quá thì đến véo tai cho một cái. Cứ thế mà hì hục làm trong đêm. Sáng bảnh ra rồi thì các cán bộ đại đội và tiểu đoàn đi kiểm tra để rút kinh nghiệm. Các giá mìn của chúng tôi được xem xét xem có đúng yêu cầu kỹ thuật không, còn bọn khác thì chủ yếu là kiểm tra kích cỡ hầm. Chưa đạt yêu cầu thì ăn cơm sáng xong phải làm tiếp.  Cứ như thế trong ba đêm liền rã hết cả người. Chúng tôi cũng phải đào hầm nhưng chỉ là hố chiến đấu. Khi nào đánh thật sẽ được ở chung hầm với người khác.

   Tiếp theo đó là tập chiến thuật. Vẫn phải tổ chức vọng gác để canh chừng thằng L19 nhòm ngó. Mới chỉ tập mà bị nó phát hiệt đánh bom rồi thì còn đâu người mà đánh thật nữa. Cũng may chỗ bãi Đá này là trận địa cũ bỏ hoang, trống huếch trống hoác nên địch nó cũng chủ quan coi thường ít nhòm ngó đến. Phần chiến thuật thì cứ theo cái bài bản như trên tôi đã nói để tập. Tất nhiên chỉ là hô mồm không có đạn thật, không có quân xanh và tình huống diễn ra chỉ là giả định của cấp trên. Đến cái đoạn tập đánh phối thuộc cùng xe tăng mới thấy thương cho cái điều kiện nghèo nàn của quân ta. Không thể tập cùng xe tăng thật nên chúng tôi đành tập cùng xe tăng giả. Tình huống giả định là bộ binh bám theo xe tăng tại khu cửa mở rồi xông vào cứ điểm. Bộ binh ở khu cửa mở chờ xe tăng đến thì chỉ hướng cho nó xông vào rồi chạy theo. Như thế chắc chắn sẽ chiếm được đầu cầu nhờ sức mạnh của tăng. Khi tăng lao vào trong căn cứ rồi thì mũi thọc sâu sẽ theo tăng rồi đánh tỏa ra trong căn cứ. Như vậy về bản chất tăng sẽ thay cho hỏa lực bản thân của các mũi thọc sâu khi đánh căn cứ và có thêm yếu tố tâm lý nữa để đè ép địch. Tham mưu trên E chỉ phổ biến như vậy rồi bắt đầu tập. Hai thằng lính cầm ngang một cây gậy rồi chạy song song với nhau phía trước, mồm kêu "pành pành…" giả làm xe tăng định hướng cho bộ binh chạy sau. Chúng tôi còn được phổ biến kinh nghiệm thêm là phải chạy theo đúng vệt xích xe tăng vì cây con ở chỗ đó đã bị bẹp nát. Nếu chạy ở giữa mà gần xe tăng quá, cây non ở đó chỉ bị uốn xuống rồi bật lại mà đập vào d… là bỏ mẹ có ngày. Chỉ như thế thôi mà cũng tập hăng ra phết.  Hơn một tuần vất vả trên khu bãi Đá nhưng tất cả đều an toàn. Ba đại đội bộ binh và C hỏa lực cày nát các hướng quanh cái trận địa cũ ấy để tập. Cuối cùng thì những ngày tập chiến thuật cũng kết thúc vào độ ngày 10 tháng 10 năm đó. Hôm sau chúng tôi được trở về hậu cứ.
....
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #477 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2010, 11:46:37 am »

....

        Lại một chuyện bất ngờ xảy ra trong tiểu đoàn chúng tôi. Thằng Hải lính đoàn Hà Nội ở C7 đảo ngũ. Nếu nó tìm đường chuồn ra đường dây 559 rồi ra Bắc hay nhập vào binh trạm nào đó thì không nói làm gì. Đằng này nó chuồn vào Lào Ngam, vào Pắc xế theo địch. Đại đội hành quân về hậu cứ thì trời đã tối. Đơn vị không thấy nó đâu chỉ đoán là nó bị rớt lại, quay ra hỏi loạn nhau lên rồi cử người đi tìm. Mất một đêm chẳng có kết quả gì. Thế là đoán già đoán non, nghi nghi hoặc hoặc.

        Đáng lẽ chẳng ai biết sự thật thế nào nếu như hai hôm sau không có cái máy bay vận tải bay đêm vè vè đễn các khu rừng hậu cứ gọi chiêu hồi. Đúng là giọng thằng Hải, dù tiếng được tiếng mất và nghe nó cứ ù ù. Thằng này chỉ là lính, chẳng biết gì nhiều nên địch nó khai thác luôn theo khoản kêu gọi chiêu hồi này. Cái máy bay ấy cứ bay và oăng oẳng trong độ 3 đêm thì hết. Cũng có thể nó còn bay tiếp nhưng chúng tôi đã ra vùng khác rồi. Cả tiểu đoàn chuyển ngay hậu cứ đề phòng, nhưng không có hậu cứ của C nào bị bom. Có lẽ thằng Hải cũng gà mờ về bản đồ, hoặc giả địch nó cũng đoán ta đã đề phòng rồi nên không gọi máy bay đánh bom. Vào thời điểm đó ở Boloven chỉ có các phi vụ ném bom đơn lẻ bằng máy bay cánh quạt T28 là chủ yếu. B52 thì rải tít mãi tận dãy Trường Sơn xa xăm, xa hơn cả vùng A-tô-pơ thì còn lâu mới đến chỗ chúng tôi. Các cấp chỉ huy phán đủ kiểu nào không rõ chứ cánh lính Hà Nội chúng tôi thì cũng lờ mờ biết chuyện thằng Hải từ lâu rồi, chỉ có điều là không biết nó có làm thật hay không và vào lúc nào mà thôi. Thằng Hải vốn là dân Việt kiều Thái Lan về nước quãng năm 1960, lúc nó chưa đầy chục tuổi. Nó về Việt Nam theo ông bà và các bác, còn bố mẹ nó vẫn ở lại Thái Lan. Nó sống ở Hà Nội với ông bà và cũng chẳng hiểu nó phải đi lính theo diện nào. Về mặt lý tưởng và ràng buộc gia đình thì chắc chắn là nó lỏng lẻo hơn chúng tôi. Khi nghe nói Boloven (Chăm-pa-xắc) là tỉnh cực nam của Lào, thủ phủ Pắc-xế chỉ cách Thái Lan có một con sông Mê-kông thôi thì nhiều lần nó đã nói là chỉ cần đi quá một tí là được về với bố mẹ. Với nó thì bọn lính Thái chưa chắc đã là địch. Cũng cứ tưởng nói chơi vô thưởng vô phạt vậy thôi, thế mà nó đi thật. Ra ngoài Bãi Đá tập chiến thuật xong, thế là nó cứ dọc đường 23 mà xuôi thẳng vào Lào Ngam, chẳng ai phát hiện nó đi lúc nào.

        Chỉ khổ lính Hà Nội là sau vụ đó trung đoàn về từng C hỏi vặn vẹo đủ điều xem trong đơn vị còn thằng nào gốc Việt kiều nữa không. Còn chúng tôi tất nhiên cũng chỉ xì xào với nhau thôi chứ cũng chẳng đứa nào dại mà nói là đã đoán thằng Hải có thể vù sang Thái. Vụ đào ngũ của thằng Hải rốt cuộc cũng chẳng gây thiệt hại gì cho đơn vị ngoài danh tiếng và quân số một người lính. Sau này cũng chẳng còn ai biết tin gì của nó nữa, kể cả đến bây giờ.

   Ở hậu cứ được đúng một ngày, chúng tôi lại được lệnh ra đường 23, nhưng cách Bãi Đá đến cả chục cây về phía ta. Đến đây thì nhiệm vụ sắp tới không thể giữ kín được rồi. Chúng tôi sẽ đánh một trận có xe tăng phối hợp. Nhiệm vụ của cánh bộ binh bây giờ trước hết là đi làm đường cho xe tăng. Sao  lại phải làm đường thế nhỉ. Xem phim thấy xe tăng nó chạy vù vù, gặp gì đè nát thứ đó. Những ngôi nhà gạch một tầng nó húc băng băng, còn cây cỏ thì có gì mà phải cản nó được. Hóa ra không phải chỉ có vậy. Xe tăng đi ngoài bình nguyên, rừng khôộc hay đồng cỏ thì vô tư, nhưng vào rừng, leo núi và lội suối thì chưa chắc bằng bộ binh. Để tránh máy bay T28 săn lùng thả bom, bọn xe tăng cần đi vào chỗ đất càng cứng càng tốt cho không thành vệt. Nó không dám đi vào các khu rừng cây lúp xúp và rừng tái sinh vì sợ đè nát cây thành vệt sẽ bị lộ. Bọn tăng cứ dọc đường nhựa 23 mà tiến. Bộ binh mang xẻng ra vén các cây xấu hổ, mâm xôi bò lòa xòa ra mặt đường cho tăng đi qua, xong lại phải kéo cây trả lại để ngụy trang. Chỉ chỗ nào rừng cây to nằm sát đường, ngụy trang tốt mới dám làm đường rẽ cho xe tăng vào trú ẩn. Đến đoạn đi trong đường rừng, chỗ nào dốc quá tăng nó cũng không leo được. Bàn tay lính lại phải bạt dốc cho nó thoai thoải để tăng đi. Chỗ nào đất hay đá cứng gồ lên lại phải đập vỡ hoặc san phẳng. Một anh lính bên đơn vị tăng đi chỉ đạo làm đường giải thích là nếu tăng nó đang chạy mà bị cái gờ đá nào nó đội vào bụng thì dù xích có quay tròn, tăng cũng bị mắc cạn. Nghĩ đến cái lúc tăng nó lao vào cửa mở, đầu cầu không đánh cũng chiếm được thì khoái mà cố gắng thôi chứ mấy ngày làm đường tăng cũng mệt nhọc lắm. Cuối cùng thì chúng tôi cũng biết là sẽ có 4 chiếc xe tăng phối hợp trong trận đánh sắp tới.

Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #478 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2010, 08:51:31 am »

……

   Tụi lính Lào ở Cao nguyên Boloven là quân của 2 trung đoàn GM41 và GM42 thay đổi nhau. Tôi không biết chính xác có bao nhiêu lính Fumi ở Chămpaxac, nhưng khi chúng mở cuộc tấn công lớn tập trung cả 2 GM thì biết đó là 2 trung đoàn cơ động của địch. Chắc còn thêm bọn lính địa phương nữa. Không thấy nói đến cấp sư đoàn của địch. Còn bọn lính Thái Lan từ bên kia sông Mê Kông sang thì chỉ thấy biên chế tới cấp tiểu đoàn. Tại ngã ba Lào Ngam hiện có một tiểu đoàn Thái đóng căn cứ mang phiên hiệu 621. Chúng làm chỗ dựa chính thôi chứ không đi lùng sục mấy. Phần này vẫn dành cho lính Fumi.

   Liên tục trong mùa mưa vừa qua, hướng đường 231 do K15 đảm nhiệm và các đợt luồn sâu sang Nam đường 23 của K18 vẫn chỉ đánh nhau với lính Lào. Trận đánh cuối mùa mưa này, sư đoàn 968 quyết định tập trung cho E9 một trận đánh lớn, tiêu diệt dứt điểm tiểu đoàn Thái 621 này và nhổ bỏ cái chốt Ba Lào Ngam, chuẩn bị cho mùa khô tiến sâu hơn vào Phù Chiêng, Pắc xế. Từ đây vào Pắc xế chỉ còn non hai chục cây số thôi. Lính Thái dù sao vẫn là lính chiến có sức chiến đấu cao hơn lính Fumi, lại ở căn cứ vững chắc nên cấp trên chi viện cả xe tăng phối thuộc giúp trung đoàn chúng tôi.

   Cái căn cứ của bọn 621 này, vào giữa mùa mưa vừa qua, khi còn đang làm liên lạc cho đại trưởng Băng, tôi đã từng được theo anh vào trinh sát, từng có cả đêm nằm ngủ phía ngoài hàng rào địch như trước đây tôi đã kể. Cái căn cứ này nếu có bay trên máy bay nhìn chắc cũng không rõ. Địch không thả bom phát quang thành bãi mà lập căn cứ dựa ngay trên một khu vườn cà phê rộng lớn. Chỗ nào đào hầm hào thì chúng chặt bỏ cây, còn lại vẫn để nguyên những cây cà phê có tuổi đời hàng hai chục năm, cao vút và xanh um. Xung quanh căn cứ, địch phát cây thành một hình vành khăn rộng vài chục mét, dựng 3 lớp hàng rào, trong đó có một hàng rào bùng nhùng đơn nằm xen giữa. Cây phát quang nhưng để gốc lởm chởm. Qua mùa mưa nhiều chỗ nảy lộc, nhánh cây non đâm xuyên qua cả hàng rào. Phía ngoài xa độ 10 mét vẫn là rừng cây tái sinh, mọc lúp xúp. Vào đến khu trống, bò cũng dở mà đi cũng dở, người cứ như dạng đi ngồi lổm nhổm. Tầm nhìn không xa. Ngay cả ban ngày ở bên ngoài nhìn vào căn cứ cũng phải căng mắt nhìn mới phát hiện thấy địch bên trong. Trinh sát không vào được tận trong căn cứ để vẽ sơ đồ hầm hào, tất cả chỉ là tập hợp góc nhìn các hướng rồi về mô phỏng lại kết hợp với cách bố trí của địch ở các trận địa cũ để lập giả định. Nhưng cứ mở xong cửa mở đi, khắc đánh khắc biết. Đánh tới đâu nhìn tới đó mà đánh tiếp.

   Ngày 14/10, C5 vượt đường 23 sang phía Nam và lập một cái chốt ở phía đông cách căn cứ 621 chừng một ngàn mét để chặn địch phục vụ cho công tác chuẩn bị lót quân của các đơn vị khác. Dự kiến sẽ có hai mũi của K18 đánh hướng Bắc và K16 đánh hướng Đông Nam.  K15 sẽ chia lửa đánh vào các đơn vị Fumi ở phía Tây.

   Ngày 15/10 máy bay L19 của địch phát hiện vệt xe trên đường 23 tít tận ngoài bãi đá và gọi T28 đến đánh bom. Một chiếc xe tăng đang cất giấu bị trúng bom, may người không việc gì. Địch cũng đánh bom thăm dò lung tung nhiều chỗ khác nhưng vì mỗi xe tăng giấu một nơi nên cuối cùng vẫn còn được 3 chiếc để vào trận. Cũng chiều hôm đó một  đại đội Fumi đánh lên chốt của C5. Trung đội chốt trên đó đã đánh chặn vài đợt, diệt được một số địch. Sau đó do trận địa chốt nằm gọn trên một quả đồi, khá lộ liễu nên địch gọi luôn T28 đến đánh bom. Chưa cần dùng đến pháo từ Phù Chiêng mà cả quả đồi đã nát nhừ. C5 bị tổn thất nhẹ, nhưng trong đó có một lính đoàn Hà Nội chúng tôi là thằng Toàn ở Đông Anh. Nó là thằng lính Hà Nội đầu tiên trong K18 hy sinh. Nghe nói sau hai đợt bom, hầm của nó bị bung, nó tưởng địch hết ném bom nên chạy ra ngoài lẩn xuống khe suối để nấp. Đợt bom thứ ba của địch có một mảnh văng trúng nó.

   Ngay tối hôm ấy, B5 chúng tôi được lệnh lên lập chốt mới thay cho C5. Chỗ chốt mới của chúng tôi sẽ đi qua chốt C5, vượt sang hẳn vùng đồi thuộc Lào Ngam, chung với căn cứ 621 của địch và chỉ cách căn cứ đó chừng 600 mét. Từ khu tập kết phía Bắc đường 23, anh Quân dẫn chúng tôi sang thẳng qua chốt C5. Lúc này chúng tôi đã chuẩn bị xong đủ cả mìn DH, giá gỗ và cả gỗ cùng vỏ bao cát làm hầm chiến đấu. Nhẽ ra đến ngày xuất kích, chúng tôi sẽ vào thẳng hưởng cửa mở để làm nhiệm vụ mở cửa vì khi đã có lệnh chặt gỗ rồi thì ngày N chắc cũng đến sát rồi. Song có lẽ vì B5 vốn nổi tiếng về chốt giữ trong C6 nên đại đội cử chúng tôi. Bỏ lại toàn bộ mìn DH và những thứ chuấn bị cho mớ cửa, chúng tôi hành quân sang đường 23 ngay sau khi ăn cơm tối, có mang theo đầy đủ gỗ và bao cát để làm hầm cá nhân. Hành quân mang vác cồng kềnh nên đi khá chậm, nhất là trong đêm tối. Trinh sát tiểu đoàn phải dẫn đường. Chừng 9 giờ tối mới đến được đồi chốt của C5. Đơn vị bạn tuy không phải bàn giao vị trí chốt cho ai, nhưng đến bấy giờ cũng mới làm xong mọi việc và khiêng tử sĩ ra. Có 3 cái cáng tất cả. Tôi thì thào hỏi thăm được biết cái cáng cuối cùng là Toàn, Trong đêm tối cũng chẳng nhìn rõ gì và cáng vẫn khiêng. Tôi chỉ lần sờ tay vào lưng võng để cảm nhận thân hình đồng đội và hít thở trong mùi máu còn tanh nồng từ thi thể bạn. Đội ngũ những thằng lính đồng ngũ 4971 của D tôi bắt đầu có đứa ra đi. Tiếp theo sẽ là ai? Chưa biết. Vĩnh biệt bạn Toàn nhé.

   Trung đội tiếp tục đi theo trinh sát. Quả đồi chốt của C5 tan tành với những hố bom sâu và cây đổ ngổn ngang. Mùi khói đạn khen khét và ngai ngái. Đường vượt qua chẳng thành lối, cứ theo trinh sát nhắm hướng bước thấp bước cao mà đi. Thỉnh thoảng có đứa ngã dúi dụi, vác gỗ tuột ra lăn xuống hố bom. Lại vừa ngồi vừa quỳ lần mò tìm vác gỗ, xốc lên vai và bám theo đồng đội. Lúc chiều tối có một trận mưa nên đất đồi bị bom đánh tơi lên trộn nước đã trở nên những đám bùn nhoe nhoét, bước chân đi trượt trơn không vững. Thỉnh thoảng vấp phải những thân cây nhỏ trụi lá nhô lên đâm vào háng, vào bụng dưới làm đau lịm cả người, chỉ biết há to mồm ra mà suýt xoa chịu đau chứ không thể kêu ai được. Cứ thế mà đi. Lần mò mãi rồi cũng vượt được qua, thằng nào cũng bê bết bùn đất kể cả hai thằng trinh sát tiểu đoàn dù chỉ có mang AK báng gấp.

   Trời đã tối đen lại càng tối đen hơn và trở nên lạnh lẽo hơn khi trời lại đổ mưa xuống sụt sùi. Bàn chân nếu không có những đôi tất sợi giúp bám chắc vào dép cao su thì có lẽ đôi dép sẽ trượt ra mà tuột lên tận bắp chân. Cả trung đội đi hết mé đồi thì tụt xuống và lội dọc theo một khe suối nhỏ chỉ rộng chừng hơn mét nhưng sâu quá đầu gối, nước lạnh ngắt. Vừa đi vừa tranh thủ ngồi thấp xuống dìm người để tẩy bớt đi đám bùn đất trên người. Đằng nào cũng ướt rồi. Bây giờ chỉ cần giữ khô vắt cơm đã được bọc nilon và túi thuốc rê cùng chiếc bật lửa để ở túi ngực thôi, còn tất cả phó mặc hết cho trời. Có thằng còn lùa cả vác gỗ xuống nước rồi kéo đi cho đỡ nặng. Được chừng ba chục mét thì rẽ leo lên dốc. Cũng chỉ là đạp đường mà đi nên gặp trúng cái dốc đứng quá. Thằng Sơn B41 người Nam Hà to xác mà không hiểu sao cứ trầy trật mãi với vác gỗ và khẩu súng cùng cùi đạn, kéo được thứ nọ thì thứ kia lại tụt xuống suối, lại quay lại mò mẫm lôi lên. Chúng tôi cùng giúp sức nhau đun đẩy, thế mà không hiểu sao vác gỗ của thằng Sơn lại một lần nữa tuột trôi trở lại, đâm vào cả mặt B trưởng Quân. Hầy à, bố này nóng tính nghiến răng chửi, nhưng chỉ dám chửi nhỏ nên tiếng cứ rít lên nghe càng sợ. Dân tộc mà sao chửi tiếng kinh giỏi thế, đặc sản văng ra loại nào ra loại đó. Cả thằng Sơn lẫn chúng tôi không dám phàn nàn câu nào, chỉ cuống quít giúp nhau lôi súng và gỗ vượt dốc. Phải kết hợp vừa kéo vừa đẩy nhau khá lâu mới rời được khỏi suối.  Trời mưa lạnh thế mà mồ hôi vẫn rịn ra trộn với nước mưa trở nên chua loét.

   (Sau này khi đã đánh trận xong ngồi họp rút kinh nghiệm, thằng Sơn phê bình anh Quân nhưng nói mát cực khéo. Nó bảo:
   - Cảm ơn Trung trưởng. Xa xôi thế mà đêm đó bu em ở nhà được đ… một bữa sướng.
   Anh Quân đần mặt ra nghe. Nhưng chuyện qua rồi, thằng Sơn nói ra cho hả lòng tí chút thôi chứ chẳng để bụng thêm làm gì).


   Lại đi tiếp, vòng và vòng vèo đến giữa đêm thì tất cả đến nơi tập kết. Thở phào nhẹ nhõm, hạ tất cả những thứ trên vai và ngồi bệt xuống nghỉ. Theo trinh sát, chỗ này cách hàng rào căn cứ D621 Thái chừng sáu trăm mét. Nơi đây cũng là rừng tái sinh toàn cây nhỏ chỉ cao chừng 3 mét là cùng xen kẽ nhiều vạt cây lúp xúp. Cũng chỉ là nhắm hướng thôi chứ trong đêm đen có nhìn thấy gì đâu. Hai thằng trinh sát quay lại tiểu đoàn, còn trung đội tôi chia thành 3 cụm tổ chức đào hầm chốt.

   Tất cả đều mệt, nhưng chúng tôi cũng chỉ ngồi nghỉ ít phút, vặn vẹo chân tay, xoa nắn bả vai cho giãn bớt gân cốt rồi bắt tay vào đào hầm. Đào được cái hầm cho tử tế cũng phải mất hơn 3 tiếng chứ không ít. Đất cao nguyên mùa mưa dễ đào, nhưng nó cứ bết vào xẻng khi muốn hất ra. Trời lại tối như hũ nút, làm cái gì cũng phải sờ soạng như thằng mù nên tốc độ đào bị chậm lắm. Lúc đào xong cái hố to hình chữ L, xếp gỗ lên rồi xúc đất cho vào bao cát để chất lên làm nắp cũng là cả một gian nan vì đất ướt. Bẩn quá muốn chùi tay cho khô để chuyển động tác cũng chỉ có cách tự chùi vào quần áo mình. Thỉnh thoảng mệt quá lại ngồi bệt thừ người ra một lúc cho lại sức. Thật khổ cho cái vóc lính thành phố thư sinh của tôi. Lúc gian nan mệt mỏi quá mà lặng đi được một chút lại tủi thân nhớ mẹ. Ước mong nhỏ bé nhất lúc này chỉ là được chui vào cái hốc rút rơm của cây rơm ngoài sân mà ngủ. Thêm củ khoai lang luộc còn nóng nữa thì ngoài trời có mưa to mấy cũng chẳng bận lòng. Ước thì ước thế thôi chứ thật lòng lại không dám mong thế. Chui vào đống rơm ngủ tránh mưa ở nhà thì ai đi bộ đội thay mình. Chắc ở nhà không ai hình dung ra cảnh mình thế này. Nhưng có cho kể chắc cũng dấu những chuyện như thế này. Nước mắt mình chảy một mà mẹ biết thì thương mình nước mắt chảy mười.


Logged

songvedem
Thành viên
*
Bài viết: 129



« Trả lời #479 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2010, 09:55:13 am »

Chào bác Trọng C6,

Bác viết hồi ký vào loại hay nhất (Top 5 trên diễn đàn QS) nhưng mà bác viết ........... chậm quá. Có cách nào nhanh lên 1 tí được không ạ. Chúc bác mạnh khoẻ, tay dẻo, bút trơn, bàn phím mềm mại, và chúc Noel vui vẻ.
Logged

Bỏ lại sau lưng nước mắt nhạt nhòa dĩ vãng
Bỏ lại sau lưng nỗi đau làm tim ta tan nát
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM