Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 05:29:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngoclanhp
Thành viên
*
Bài viết: 89



« Trả lời #460 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 11:51:49 am »

Lính nhà mình tài thật, đọc chuyện các bác viết còn hay hơn tiểu thuyết và thấy thật tự hào về đất nước mình.
Câu chuyện nhỏ mà bác Tai_lienson viết cảm động quá, ai không tin em không biết, chứ em tin chuyên đó, mặc dù em chỉ ở hậu phương thôi.
Em còn nhớ cái cảm giác những ngày tháng đầu năm 1975, bọn em còn là học sinh phổ thông thôi, nhưng hậu phương lúc đó theo dõi từng bước chân của các chiến sĩ ngoài chiến trường, tin chiến sự, tin chiến thắng dồn dập bay về, ngày ngày tin chiến thắng được đọc vang vang trên hệ thống loa truyền thanh làm cả hậu phương nức lòng các bác ạ, biết là có chiến thắng tất phải có hy sinh, thương vong, cả nước biết ơn các chiến sĩ chiến đấu ở tiền tuyến, học sinh bọn em lúc đó cũng thấy  thật tự hào về quân đội mình.
Logged

CỬA SỐ HAI NHÀ CUỐI PHỐ<br />CHẲNG HIỂU VÌ SAO KHÔNG KHÉP BAO GIỜ...
hoangdang_hm
Thành viên
*
Bài viết: 182


« Trả lời #461 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 12:12:40 pm »

 Tiếp đi chú ơi, sao chú nghỉ lâu thế. Lần nào vào cháu cũng canh đọc bài của chú!
Logged

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu.
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu.
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều!
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #462 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 01:17:22 pm »

…..
   Ổn định chỗ ăn ở ngay trong chiều tối hôm đó, sáng sau chúng tôi đã bắt đầu tập trung học về công binh. Đại đội công binh có một cái hội trường rộng làm trên sườn dốc. Mái lợp bằng thứ lá gì đó như lá mía rừng, nhưng ken dầy nên chống được nước mưa. Ghế ngồi là các thân gỗ gác trên các cọc bắt chéo. Phần lý thuyết được giảng bằng giáo cụ trực quan và vẽ trên giấy. Chúng tôi ai có giấy bút gì thì cứ ghi, còn không thì cố mà nhớ. Phần thực hành thì ra một bãi đất rộng ở cách đó khá xa. Chúng tôi được học về thủ pháo trước tiên. Học cách bấm kíp, gắn nụ xòe, tập gói thủ pháo từ 2 miếng TNT 2 lạng, cách bọc nilon chống ẩm. Rồi lại học cách buộc thủ pháo ống dài 1,2 mét ép bằng nẹp tre, dùng để phá hàng rào đơn. Loại bộc phá khối để phá lô-cốt như thời Điện Biên thì không phải học. Tuy thế vẫn được giới thiệu cách tính toán lượng thuốc TNT để gắn thêm kíp phụ kích nổ đồng thời. Được giới thiệu cả hợp chất nổ C4 và dây nổ để kích nổ đồng thời mìn cài ở nhiều vị trí xa nhau. Những của này tôi cũng có biết qua. Lính Fumi đem rất nhiều mìn Cleimo khi hành quân dã ngoại. Mỗi cái túi vải đựng 2 quả và một hộp công tắc bấm (công tắc điện-từ). Hầu như trận nào đánh kha khá một chút là có chiến lợi phẩm loại này. Thường chúng tôi lấy cái túi vải đựng mìn, gỡ bỏ chỉ máy ở vách ngăn đi để làm cái túi dết công tác rất tiện. Còn mìn thì tháo bỏ kíp điện rồi dùng dao găm cậy vỏ. Mỗi quả mìn được 4 lạng thuốc trắng phau, dẻo, cất đâu cũng tiện. Lúc đói có thể vê một tí bằng hòn bi ve, ăn ngòn ngọt, tạm chống đói. Còn chủ yếu để đun nước sôi pha chè hay cà phê. Tặng của này cho y tá đại đội thì thật hết chê. Còn dây nổ thì theo tôi là một loại vũ khí quá tuyệt vời. Chỉ cần kích nổ 1 chỗ là nổ cả dây, không phải gài kíp phụ. Tốc độ truyền nổ của nó là 3000 m/s. Các lính công binh trong trung đoàn tôi thường quấn quanh gốc cây to rồi cho nổ để hạ cây đổ qua suối làm cầu. Vết nổ cắt thân cây ngọt lịm, gọn gẽ chứ không phá nát thân cây.

   Tiếp theo là học các loại mìn cài. Chúng tôi học 2 loại mìn ống: POMZ2 của Liên xô và mìn chân voi (mìn nhảy-mìn râu tôm) M1 của Mỹ. Học cả mìn chống tăng nữa. Biết cách cài và cách gỡ nó như thế nào; học cả các thủ đoạn cài bẫy phụ chống tháo gỡ. Các bài giảng và thực hành học rất kỹ. Ngoài các loại mìn cài thụ động ấy, chúng tôi còn học khá kỹ về dùng mìn cleimo có kíp điện. Ngoài việc điểm hỏa chủ động còn có thể cài bằng pin điện theo nguyên lý vướng nổ và "căng-chùng" nổ. Toàn là của giết người ghê răng cả. Thời gian chúng tôi học các nội dung như trên cũng chỉ chiếm một tuần thôi. Suốt hai tuần còn lại chúng tôi học về mìn định hướng ĐH và cách đánh hàng rào để mở cửa. Chúng tôi học cách tiềm nhập có dò gỡ mìn bằng que thuốn, học cách bò kiểu sâu đo có đeo mìn định hướng mà quả nặng nhất là ĐH30 (30kg). Không hiểu sao lúc đó đói ăn, gầy gò mà lại tập được những động tác dùng đến nhiều cơ tay, cơ bàn chân và bụng như vậy (bây giờ thấy bọn sinh viên ở các trường đại học khi học thể dục tập hít đất có mươi cái mà trầy trật, vặn vẹo cứ như người không có xương, mới biết ngày xưa lính ta giỏi thật).

   Chúng tôi được đến tham quan xưởng sản xuất mìn định hướng ĐH của C công binh. Xưởng làm cách xa nơi ở tại một góc rừng riêng. Có hẳn một lò rèn ngày nào cũng đỏ lửa. Trung đoàn chúng tôi tự đốt than, xây bễ. Mọi loại dao rừng và cuốc xẻng phát cho các đơn vị trong E đều do C công binh này tự rèn. Thép lấy từ các trận địa cũ về, nhiều lắm (nhưng nói thật là đối với bộ binh ở tuyến trước, cái xẻng pháo binh của Liên-xô là tuyệt nhất. Nó mỏng, cứng và rất sắc, xắn rễ cây ngọt lịm. Còn cái loại xẻng-cuốc gập đa dụng của công binh Mỹ thì chỉ lấy đem về hậu cứ chơi hay tặng cho nhà bếp thôi chứ mang ra trận thì nó vừa cồng kềnh, vừa lọc xọc rất khó chịu). Các lính công binh gò tôn (của này ngoài đường 23 có mà thiếu giống) làm khuôn trông như cái phễu tòe to, tùy loại mà dày 3 đến 5 phân. Mặt lõm xếp đầy mẩu sắt, mảnh đạn nhỏ đã ngâm nước đái cho rỉ, sau đó đun thuốc TNT đổ vào. Gò kín, có chừa lỗ ở giữa để nhét kíp nổ là xong. Mìn DH7, DH10 hay DH30 là tên gọi theo trọng lượng của nó. Cách xếp mảnh ở mìn DH ngược với hướng cách xếp các viên bi  của mìn Cleimo. Mìn DH do công binh E làm chủ yếu dùng để phá hàng rào, mở cửa nhưng nếu cần cũng có thể dùng khi đi phục kích đánh bộ binh rất tốt. Các mảnh sắt rỉ do ngâm nước đái chỉ cần sượt da đối phương làm bị thương cũng có nhiều khả năng gây nhiễm trùng uốn ván mà chết. Dã man quá. Song nghĩ lại, đạn bi, bom bi hay những mũi tên sắt có đuôi xếp đầy trong đầu đạn pháo của địch thì cũng nguy hiểm như thế chứ kém gì.

   Chúng tôi được mượn những quả mìn DH10 (loại này sẽ dùng chủ yếu) ra bãi tập làm giá. Mỗi giá gá 3 quả theo chiều dọc sát nhau, chân cao cỡ 20 cm. Học cách dựng giá mìn trước hàng rào. C công binh còn có cả một thao trường nhỏ dựng sẵn một số loại rào thép gai. Qua đó chúng tôi học biết cách phá các loại rào bằng mìn DH sao cho có hiệu quả. Nếu căn cứ địch có nhiều hàng rào thì phải cắt bớt các hàng rào phía ngoài bằng kìm cộng lực (loại có tay gấp của công binh chứ không phải cái loại to kềnh càng như của dân xây dựng bây giờ đâu), sau đó dựng mìn để phá các lớp rào trong cùng. Kể ra thì rất dài dòng như thế, nhưng tóm lại là trong thời gian 3 tuần đó chúng tôi học rất bài bản và kỹ càng. Mấy ngày cuối còn thực tập ban đêm, kể cả khi trời mưa cho quen với thực tế. Sau đợt học ấy nếu trong chúng tôi có thằng nào được bổ sung ở lại C công binh thì cũng có thể coi là lính công binh được rồi.

   Thời gian tập huấn ở C công binh khá vất vả nhưng chúng tôi rất hào hứng vì mình thu được rất nhiều kiến thức hay. Cái mệt của tập tành dù sao vẫn sướng hơn đi cùi cõng đạn, gạo. Hôm nào học trên hội trường thì quần áo khô sạch sẽ dù bên ngoài mưa rơi. Lúc giải lao quấn điếu thuốc sâu kèn rít rồi nhả khói ra ngoài trời, nhìn hàng nước mưa trên giọt gianh rơi xuống đất lỗ chỗ rồi nổi bong bóng trôi đi thì cũng cảm thấy ấm cúng và hạnh phúc lắm. Cuộc sống chiến khu của các bậc cha chú năm xưa chờ ngày toàn thắng chắc cũng giống thế này. Buổi tối cúng tôi thường thắp giấy dầu đánh bài. Vì chỉ có mấy người nên không phải sinh hoạt nhiều như ở đơn vị. Lại không phải gác đêm nữa chứ, quá nhàn. Vào trong chiến trường tôi mới biết đến kiểu đánh bài "tiến lên" bằng bộ tú-lơ-khơ. Mà cũng chỉ đánh kiếu đó thôi chứ không ai chơi kiểu "tấn-đỡ" như ở nhà. Chơi kiểu "tiến lên" rôm rả lắm, từ 3 người trở lên là đã chơi được rồi. Có đông người ngồi cổ vũ càng vui, không phải dè chừng như đánh cờ tướng. Bộ bài thì đơn vị nào cũng có, A nào cũng có một bộ. Đây cũng là một loại chiến lợi phẩm chúng tôi thích thu thập, được lấy dùng tự do mà không phải nộp cấp trên theo chính sách chiến lợi phẩm. Trong lính mà không có chơi bài kiểu này, chắc cũng đến buồn mà chết.

   Ngày cuối cùng đợt học, chúng tôi họp tổng kết vào buổi sáng. Tham mưu trưởng trung đoàn cũng đến dự. Ông ấy khen ngợi tinh thần học tập miệt mài và nghiêm túc, đạt kết quả tốt của chúng tôi. Ông còn vui mừng tuyên bố là sẽ từ chúng tôi mà nhân rộng ra dưới đơn vị, từ nay trong các trận đánh của bộ binh, phần dựng mìn mở cửa sẽ do bộ binh đảm nhiệm toàn bộ. Trung đoàn động viên luôn chúng tôi bằng một bữa ăn tươi cùng C công binh: mổ thịt một con lợn. Rau cỏ không có gì, nhưng thịt thì cũng đủ ngập chân răng. Buổi chiều chúng tôi được nghỉ tắm giặt. Lại ra cái suối mà 3 tuần qua mình thải chất rắn ra đó để tắm. Chuyện thường thôi mà.

   Hôm sau tất cả chia tay, ai về đơn vị nấy. Mỗi thằng được phát một nắm cơm nếp ăn trưa vì hầu như các đơn vị đều ở xa. Bọn K18 chúng tôi về xa nhất, phải bảy tám tiếng đi đường. Cả tốp đi cùng được hơn nửa đường lại chia tay nhau lần nữa, ai cũng muốn đi lối đi riêng để còn lo cải thiện. Thằng Thành dẫn tôi vòng ra phía bản Phù-đin. Tuy có xa hơn, nhưng qua được một số nương dân. Mỗi thằng chúng tôi hái được một túi vải đầy thuốc lá. Quá nửa chiều rồi, thằng Thành dẫn tôi vào một nương ngô. Ngô nếp của dân rất nhiều. May quá gặp dân, chúng tôi liền hỏi xin. Một người dân Lào tuổi cỡ cha chú chúng tôi vui vẻ bảo chúng tôi cứ lấy tùy thích, lại còn chỉ cho chúng tôi cái nồi nhôm to tướng để ở dưới lều phía góc nương. Thế là thằng kiếm củi nhóm bếp, thằng bẻ vội ngô. Có một lạch nước nhỏ cạnh lều nên chẳng phải đi đâu xa. Ngô luộc chín còn nóng đã đổ vội ra chén. Không hiểu sao lúc ấy chúng tôi lại như ma đói, ăn ngon đến thế. Hết nồi ngô này lại bẻ tiếp ngô chất củi luộc tiếp nồi khác. Chúng tôi vừa ăn vừa chuyện trò tào lao, quên cả thời gian trôi qua trên đầu. Tắt hết nắng thì người dân Lào quay lại. Ông ta tròn mắt nhìn đống lõi ngô và hai thằng bọn tôi đang ngồi thở. Ông ấy bảo có nhiều bộ đội à. Chúng tôi đưa mắt đếm lược vội đống lõi ngô, phải đến sáu chục chiếc chứ không kém. Chết cha, hai thằng xin mấy bắp mà ăn như thuồng luồng thế này thì còn gì là nương ngô của dân nữa. Xấu hổ quá, thằng Thành đứng lên khom người lắp bắp "men lẹo" (dạ đúng) rồi kéo tôi đứng dậy. Hai thằng vừa "khớp chay" (cảm ơn) vừa lùi dần ra nương rồi chuốn thẳng. Thoát khỏi người dân Lào là vừa đi vừa chạy, đau quặn cả bụng mà không dám dừng.

    Trời tối rất nhanh. Nghỉ tạm bên suối lấy vội bi-đông nước. Bây giờ mới tiếc là không kịp lấy nước ngô đổ vào bi-đông lúc trước, khi đó chỉ mải ăn thôi. Nếu không có chuyện xin ngô luộc ăn thì chúng tôi cũng đã về đến đơn vị rồi và có thể mò xuống anh nuôi xin bữa cơm tối. Nhưng lúc này chúng tôi cũng không đói, cũng không cần đến bữa ăn tối ở đơn vị nữa. Thằng Thành nhẩm tính đường về đến đại đội chắc chừng non hai tiếng nữa nhưng đấy là đi ban ngày. Bây giờ đi đêm mò mẫm chắc mất nhiều thời gian hơn. Chúng tôi ai cũng có đèn pin (chiến lợi phẩm) nhưng pin thì đã hết từ lâu rồi. Thằng Thành là lính Hà Tây vào trước tôi đã đánh nhau với lính Thái còn lấy được một chiếc đèn pin cổ ngoéo của Mỹ chính hiệu tuyệt vời lắm. Cổ đèn có thể vặn thẳng hay gập thước thợ. Vỏ đèn bằng nhựa (màu xanh ghi) rất kín nên có thể soi chìm được trong nước và đặc biệt cái đèn có một mắt kính mờ có thể dùng để soi xem bản đồ ngay trong hàng rào mà thằng lính gác đứng cách đó hơn chục mét cũng không phát hiện ra vệt sáng. Đèn xịn nhưng hết pin thì cũng bằng nhau với đồng bào. Mò mẫm về đơn vị trong đêm vừa vất vả mà lỡ ra không bắt liên lạc được, bị thằng gác nó bắn nhầm thì cũng toi nên thằng Thành bàn với tôi rồi quyết định ngủ đêm lại trong rừng, sáng mai sẽ về đơn vị. Lính tráng hành quân, tăng võng đầy đủ, ngả đâu đấy là nhà nên chẳng có gì phải lo lắng. Chúng tôi mắc võng cạnh nhau, ôm súng trong võng mà ngủ. Chỗ này là vùng hậu cứ cũng ít khi có thám báo nên chúng tôi còn hút thuốc và rì rầm nói chuyện chán rồi mới ngủ.

   Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm rồi mò về đơn vị, thế mà cả đơn vị cũng đã đi cùi đạn rồi. Chúng tôi mất bữa sáng, nhưng được nghỉ lại hậu cứ để làm việc vặt. Thằng Thành không chịu đói, mò sang  nương của bản Xăm-xi-nuc "may" đào được một mớ dong (loại dân Bắc dùng làm miến) về luộc, còn chất lượng hơn cả bữa ăn sáng của đơn vị. Buổi trưa hôm đó lại gặp may. Kể cả hai chúng tôi và anh nuôi, cán bộ… trong hậu cứ còn lại chưa đến chục người, trong đó có C phó Hùng. Anh Hùng người Hà Tây, không phải dân tộc nhưng rất máu đi săn. Anh ấy lấy được một khẩu Cacbin chiến lợi phẩm nhưng để lại ở hậu cứ C, không nộp lên trên (Trên D bộ K18, các anh tác chiến, quản lý cũng giữ mấy khẩu Cacbin chuyên cho việc đi săn. Không nộp lên trên, nhưng lúc hành quân chuyển hậu cứ thì phải tự mang). Ngay trong rừng hậu cứ C tôi cũng có nhiều chồn, sóc vì là rừng già có nhiều cây to. Mọi ngày nếu ở nhà có đông người thì không ai cho bắn, nhưng hôm đó anh Hùng là chỉ huy cao nhất nên tự quyết và rình bắn được một con chồn hơn 3 cân. Anh Hùng cũng thuộc loại "ca cóng" có đẳng cấp trong C tôi. Thế là bữa trưa anh em hậu cứ có một bữa tươi, rôm rả. Tôi và thằng Thành được một ngày thoải mái sau đợt tập huấn công binh, chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ mới đang chờ.


Logged

votmuoi
Thành viên
*
Bài viết: 221


« Trả lời #463 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 01:41:03 pm »

Đến lứa bọn em vẫn giữ một khẩu cạc bin để chyên săn,nhưng đạn quý hiếm nên rất tiết kiệm (chính trị viên em vác khẩu này)
Anh ơi sao các bác trong quân sử không dùng từ " ca cóng " như đơn vị em và đ vị bác? hôm nay mới thấy bác dùng Grin
Đọc đến từ này mà em nhớ ra biết bao câu chuỵện " ca cóng " của mấy thằng em  Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #464 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2010, 11:54:28 am »


   Tôi lại về B5 với anh Trịnh. Trả đạn ở khu trung chuyển sau chuyến cùi cõng xong, các B lục tục kéo về hậu cứ hưởng bữa cơm chiều. Rửa chân tay từ suối lên, ngúc ngắc cái đầu húi cua, nhe cái răng vàng to tướng ra cười khi thấy tôi đứng trước lán của tiểu đội, anh Trịnh vỗ vai tôi:

   - Mày lại về với tiểu đội hả. Thôi được rồi, lại như xưa cũng tốt. Thế này có khi hay, mày ở lính đánh nhau hợp hơn làm "tít tò" (liên lạc - tiếng Lào) cho mấy ông ấy. Lăng xăng mãi cũng chán. Vào nhà đi, tối sinh hoạt, giao việc.

   Rồi anh ấy lấy trong túi ra hai quả ổi ương trảy được ở đâu đó lúc đi cùi đạn, đưa cho tôi một quả. Quả ổi ương quá rắn, cắn mãi mới được một miếng bé, nhưng nhai kỹ thấy trong cái chát cũng có tí vị ngọt.

   Cơm chiều xong, đại trưởng Băng gọi tôi và thằng Thành lên C bộ. Chúng tôi báo cáo lại tình hình đợt đi tập huấn về công binh. Hai thằng bổ sung báo cáo cho nhau và trả lời các câu hỏi của BCH đại đội mất gần một tiếng đồng hồ. Đại trưởng Băng bảo: "Chúng mày thế là biết quá nhiều rồi đấy, có khi hơn cả bọn anh. Chuẩn bị tập huấn lại cho trung đội rồi tập chiến thuật nhé. Sắp đánh to đấy". Chúng tôi vâng dạ rồi trở về B5.

   Buổi tối sinh hoạt A, nhưng nội dung không có gì đặc biệt. Ngày mai chỉ là đi cùi gạo, nhưng lót sang tận mép đường 23. Tuy thế cũng có một điểm mới trong lúc tôi đi tập huấn công binh là đơn vị vừa được trang bị thêm một loạt súng chống tăng B41. Toàn là súng của Trung Quốc. Hỏa lực này mạnh hơn B40 ở tầm bắn xa (375m theo thước ngắm, trong khi B40 chỉ có 150m) và có cơ chế tự nổ theo thời gian nếu trước đó không gặp mục tiêu. Khẩu súng cũng có điểm hay là có buồng giảm áp giữa nòng súng và ống che lửa phía đuôi nên xạ thủ khi bắn an toàn hơn, có thể cấp tập được nhiều đạn hơn mà chưa tức ngực. Trung đội tôi cũng được 2 khẩu và tôi cũng rất muốn có dịp bắn thử. Dạo nọ ở nam đường 23 mà đã có khẩu này đi tập kích ban đêm thì quá tốt. Anh Trịnh thấy tôi cứ loay hoay sờ mó mãi khẩu súng B41 và quả đạn thì cười bảo: "Thể nào chả có lúc được bắn. Mong hòa bình để được buông tay súng mới khó chứ chiến tranh thế này thì dù không muốn cũng có lúc phải dùng đến. Thôi ngủ đi mai còn cùi cõng".

   Hôm sau cả C lên đường từ sớm. Nhận ngay từ hậu cứ tiểu đoàn, mỗi thằng một bao gạo đồ 25 cân. Dạo này tuy đang mùa mưa, không hiểu sao xe tải lại vào được hậu cứ trung đoàn một cách ngon lành. Chúng tôi bắt đầu được ăn cơm gạo đồ thay cho cơm nếp. Nói thật là vì ăn cơm nếp mãi nên chán (dù vẫn bị đói) nên chúng tôi hào hứng đón nhận món gạo mới này thôi, chứ thật ra cơm gạo đồ nó cứ chuồi chuội thế nào ấy. Chẳng hạt nào dính hạt nào. Không thể dùng loại cơm này để dán giấy như cơm gạo tẻ thường của mình. Ấy thế mà dân Lào lại thích gạo này chứ không thích gạo tẻ của mình. Tìm hiểu mãi hóa ra họ quen ăn bốc bằng tay nên thứ gạo này hợp với tập tục của họ.

   Một bao gạo, thêm súng ống và cơm nước vào là đủ 30 cân đè lên vai rồi. Sau mấy tuần ở C công binh không rèn luyện cùi cõng, trọng lượng đó đè nặng trên vai tôi hơi quá mức bình thường nên chỉ sau chừng hai tiếng, vượt qua vài dốc suối là tôi đã bị tụt lại cuối đội hình. Vẫn phải vươn dài cổ ra mà đi chứ chẳng dám kêu ai. Tới chỗ nghỉ, người ta nghỉ giải lao được mười phút thì tôi chỉ được nghỉ dăm phút thôi là đi ngay vì phải cố bám đội hình. Sau chặng thứ hai ngồi nghỉ sát một cái nương dân, tôi bỗng thấy một con chó khá to đứng cạnh lùm cây bên đường nhìn tôi thân thiện. Lông con chó màu vàng, giống như đại đa số những con chó ở làng quê ngoài Bắc. Thấy nó không gầm gừ mà vẫy đuôi, tôi tặc lưỡi "tục, tục" mấy cái. Thế là nó tiến lại sà vào chân tôi, vẫy đuôi rối rít cứ như là lâu ngày gặp lại chủ. Con chó còn để nguyên cho tôi vuốt tay lên đầu. Lúc tôi xốc bao gạo đứng dậy đi tiếp, nó liền đi theo. Tôi chỉ ngoái lại nhìn nó một lúc rồi cắm đầu cắm cổ đi theo đơn vị. Lại qua suối và dừng nghỉ chân giải lao ở chặng thứ ba, tôi bất ngờ thấy con chó xuất hiện và chạy rúc vào chân mình. Hóa ra nó đã đi theo tôi cả một chặng đường dài, lại dám lội qua cả suối. Bây giờ thì tôi bạo dạn hơn, ôm nó vào lòng, vuốt tay lên đầu mà cảm thấy như cái mệt của mình vơi đi rất nhiều. Một thứ tình cảm nào đó chợt xuất hiện trong tôi. Tôi là chú bé Rê-mi còn nó là con Ca-pi trong "Không gia đình" của Hecto Malo chăng?

   Không thể giải thích nổi vì sao mà con chó lại đi theo tôi, cứ như tôi là chủ nó vậy. Tôi đi thì nó đi theo, tôi ngồi nghỉ thì nó cũng nằm nghỉ bên cạnh chân. Cứ như thế cho đến khi chúng tôi trả gạo vào buổi trưa. Suất cơm trưa ít ỏi, nhưng tôi cũng chia cho nó một phần. Chỉ dám cấu từng viên cơm to như hòn bi ve  chậm rãi cho nó ăn và cho mình ăn. Không thể đủ no cho cả hai nhưng tôi và chắc là cả nó cũng đều hài lòng. Có khác nào cảnh ông già Vi-ta-lít và anh bạn Rê-mi chia từng mẩu bánh mì nhỏ cho cả chú khỉ Giô-li-cơ lẫn mấy con chó Ca-pi, Đôn-xơ và Giec-bi-nô ở cánh rừng hoang lạnh giá trong cái đêm bị chó sói tấn công. Tất cả đều đói, nhưng nhẫn nại và cam chịu trước hoàn cảnh. Tôi vuốt con chó này, thấy nó không đến nỗi gầy như chó hoang, chắc chủ nó cũng cho ăn đủ, vậy thì nó đi theo tôi làm gì.

   Buổi chiều quay trở về đơn vị, con chó vẫn chạy theo tôi. Bây giờ thì lính trong trung đội mới chú ý đến nó. Ba lô lúc về không còn gạo, chân bước nhẹ tênh nên có lúc tôi bế con chó, có lúc lại bỏ nó vào ba lô khi lội qua mấy cái suối rộng cho nó đỡ mệt. Cũng chẳng biết con chó của ai mà đem trả. Lúc đi ngang qua mấy cái nương cũng không gặp người dân nào. Lính tráng tranh thủ tạt ngang tạt ngửa vặt cái gì đó cho vào mồm hay hái vài lá thuốc lá của dân nhưng con chó của tôi thì chả ăn được thứ gì. Tôi bảo anh Trịnh là thôi, em cứ đem con chó về hậu cứ để nuôi nhé. Chẳng hề nghĩ đến sẽ nuôi nó như thế nào, nhưng cứ đem về cái đã. Do lúc về trời đã sang chiều, lại tạt ngang nương của dân nhiều quá nên trời sập tối mà chúng tôi vẫn chưa về đến hậu cứ. Tự nhiên lúc đó tôi lại đau bụng mới chết chứ. Đau quặn cả người, mồ hôi vã ra, chân tay rã rời, mặt nhợt nhạt. Tôi cứ cố vùng dậy đi một đoạn ngắn lại phải ngồi xuống ôm bụng nhăn nhó. Không thể chờ nhau mãi được, anh Trịnh quyết định chuyển con chó cho người khác đem về trước, còn anh ở lại dìu tôi đi sau. Mãi đến hơn 9 giờ tối tôi mới cùng anh Trịnh về đến hậu cứ của trung đội. Lúc này cơn đau bụng của tôi cũng đã dứt.  Cả trung đội đã ăn cơm tối, chỉ còn phần lại cho hai người. Tôi giật mình thấy trong một góc xoong sáu có ít thịt, kêu lên hỏi thì B trưởng Quân bảo: "Ăn đi, thịt chó đấy". Thế là thế nào, mọi người đã thịt mất con chó gắn bó cả một ngày với tôi rồi sao. Mà sao chẳng ai nói trước gì cả với tôi. Tôi cáu lắm mà chẳng biết làm thế nào, bắt đền được ai, trách được ai bây giờ. Đói mà tôi thấy đắng ngắt, không ăn được, có một cái gì đó vừa nghẹn ngào, vừa chua xót. Cũng chẳng cần phải phân bua hay dỗ dành gì như với con trẻ, anh Quân bảo thẳng tưng như ra lệnh. Nào là con chó chẳng phải của ai, nào là không thể nuôi được nó, nào là cần để cải thiện cho anh em có sức… vân vân và vân vân. Tất nhiên anh ấy có lý nhiều hơn để đè bẹp đi cái tình cảm ủy mị của tôi. Tôi không thể trách mãi các anh ấy, nhưng vẫn mặc cảm như mình có lỗi. Dù đó chỉ là một con chó, nhưng tôi đã lạm dụng vào lòng tin, vào bản tính trung thành cố hữu của một con chó khi nó bám theo tôi. Hồi ở bản Phiệt bên huội Chăm pi, khi mới chỉ là lính mới mà tôi đã là thằng trộm gà rồi, bây giờ lại trở thành thằng bắt chó, thật là tồi tệ. Nếu biết tôi cũng chỉ là hạng trộm gà bắt chó thì chắc con chó đã tránh xa tôi rồi. Khổ thân cho nó.

   Cả trung đội tôi đã thịt trộm và xơi hết cả một con chó trong đêm ấy. Thế nhưng vẫn có hai người không đụng vào một chút nào. Người thứ nhất là tôi. Vì không chủ định với cái chuyện bắt chó ấy nên tôi mặc cảm và không thể ăn nổi miếng nào, dù các anh trong đơn vị có tán kiểu nào đi nữa. Người thứ hai là anh Thanh làm anh nuôi, người dân tộc Tày. Anh ấy bảo dân tộc anh ấy không ăn thịt chó, cũng như người Lào vậy. Chẳng bù cho B trưởng Quân là người dân tộc Mường, nổi danh gan góc khi đánh trận đấy nhưng cũng nổi danh là vua "khợp" trong đại đội, chả có con gì mà anh ấy không dám ăn. Kể cả món bọ hung vặt cánh giã cùng muối ớt chấm xôi, đặc sản của người Lào, anh ấy cũng chẳng từ. Việc trung đội làm thịt con chó cũng khá vất vả. Thoạt đầu anh Thanh không cho mượn xoong nồi. Mãi sau nằn nì quá anh ấy đành cho mượn nhưng bắt đem xuống dọc suối một đoạn xa mới cho nấu nướng. Những thứ bỏ đi như xương xẩu phải đem chôn kỹ. Sau đó còn phải đem xoong nồi đi xa, lấy đất và lá rừng cọ cho đến khi không còn mùi anh ấy mới nhận lại. Chuyện như thế mà rồi cũng giấu được đại đội, không ai biết cũng nhờ đặc điểm B5 đóng riêng lẻ trên một góc đồi cách đại đội cả một con suối và đoạn đường dốc lớn.
...
Logged

nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #465 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2010, 10:24:14 pm »

   Bác Trongc6 mất hút bấy lâu nay, nay đã trở về. Mà chuyện bác hay thế sao lại khiêm tốn cho rẳng chỉ làng nhàng thôi, thôi thì bác cứ làng nhàng đều cho mọi người được nhờ, chứ đừng mất hụt lần nữa nhá. Em phải đọc lại từ đầu để không bị đứt mạch đấy, vất vả quá.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #466 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 09:01:35 am »

.....

         Ngày hôm sau, mọi việc lại trở lại bình thường. Bây giờ đã sang đầu tháng 10 năm 1972 rồi. Chỉ trong hơn chục ngày tiếp theo thôi mà chúng tôi làm đủ mọi thứ việc. Việc đầu tiên là cả đại đội ra khu bãi Đá, trận địa cũ của địch để tập chiến thuật cho sát thực tế. Các C khác có lẽ cũng vậy, nhưng mỗi C một khu vực riêng. Lần đầu tiên chúng tôi được giới thiệu và tập chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc. Cách đánh này có lẽ là bài bản từ thời Điện Biên, có khác chăng chỉ là hiệp đồng và phối hợp giữa các bộ phận. Các anh đã qua trường SQ Lục quân chắc thuộc lòng từng bước chiến thuật này. Trinh sát đi thực địa nắm địch, báo cáo tiểu đoàn rồi lên phương án tác chiến. Đầy đủ nhất thì đắp sa bàn, còn thường chỉ là bày quân cờ trên mặt đất rộng để dễ hình dung trận địa. Đánh mỗi căn cứ thường có 3 mũi, mở cửa 3 hướng, lệch nhau chừng 120 độ.  Có khi chỉ có 2 cửa mở, còn một hướng phục đón lõng đánh bọn rút chạy hoặc đánh quân tiếp viện. Tùy theo đánh căn cứ cỡ đại đội hay tiểu đoàn địch mà ta điều quân trên đó một cấp. (Cái này theo lý thuyết từ thời Điện Biên thì lực lượng bên ngoài phải gấp từ 3 đến 5 lần lực lượng chốt giữ thì mới mong thắng được). Trên vùng Nam Lào địch thường đóng căn cứ cỡ đại đội trở lên, còn cỡ trung đội thì chỉ là đóng dã ngoại hay lập chốt như quân ta.

   Về chiến thuật trên một hướng thì sau khi chọn hướng cửa mở, ban đêm bộ đội sẽ phải tiềm nhập vào đó. Bộ phận mở cửa cắt bớt các lớp rào ngoài rồi chui vào dựng các giá mìn sao cho khi điểm hỏa thì đủ sức phá thông nốt số hàng rào còn lại. Các trận đánh của chúng tôi thường bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, khi trời còn nhờ nhờ nhìn chưa rõ mặt người. Cùng với hiệu lệnh bấm mìn phá hàng rào, các tay súng hỏa lực bắn thẳng tại chỗ (B40, B41, DK, 12ly7) của đại đội và tiểu đoàn (đã chui vào đào hầm trong đêm theo hàng ngang, ngay sát lớp hàng rào ngang bằng với chỗ đặt giá mìn) sẽ bắn cấp tập vào khu lô cốt đầu cầu nhằm đập nát các hỏa điểm và công sự tại đó. Cùng lúc các loại cối pháo cấp trên sẽ cấp tập vào cùng khu cửa mở đó để chế áp và tiêu diệt các hỏa điểm của địch. Tùy theo thời gian của từng trận (15 đến 20 phút hoặc hơn), pháo cấp trên sẽ chuyển làn sâu vào trong căn cứ địch. Lúc này hỏa lực B40, B41 tạm ngừng, còn 12ly7 sẽ bắt đầu phát hỏa, bắn chéo vào cửa mở tạo lưới lửa che phía trước cho bộ binh. Cối 60 của đại đội cũng bắn sâu vào trong, nhưng độ linh hoạt của nó cao hơn các loại cối pháo của cấp trên. Lệnh được phát ra và bộ binh (bố trí phía sau theo hình cánh gà) sẽ đồng loạt xung phong vào cửa mở. Bộ binh chạy đến đâu thì 12ly7 sẽ rê dọc theo sao cho đường đạn phải bay trước bộ binh chừng 15 mét.  Bộ binh chạy qua khu hỏa lực ở cửa mở thì bốc luôn theo hỏa lực B40, B41 của tiểu đội mình nhập vào đội hình. Lúc bộ binh chạy vào sát đến khu lô cốt đầu cầu thì 12ly7 phải ngẩng nòng bắn sâu vào căn cứ địch, cao hơn trên đầu bộ binh chừng 1,5 mét trở lên, mục đích lúc này chỉ là uy hiếp địch trong căn cứ bằng tiểng nổ. Khi bộ binh vào đến khu đầu cầu thì tự dùng thủ pháo và AK đánh chiếm các công sự, còn hỏa lực B40, B41 chỉ hỗ trợ khi nhìn rõ mục tiêu. Trong đánh căn cứ, bộ binh chỉ dùng thủ pháo, không dùng lựu đạn để tránh mảnh văng lung tung. Đơn vị đầu tiên (thường là cả trung đội) vào cửa mở chủ yếu chỉ cần chiếm cửa mở để tạo đầu cầu làm bàn đạp. Đây cũng là lúc cối pháo cấp trên dừng chi viện. Đơn vị thứ hai sẽ lao thẳng vào cửa mở, vượt qua đầu cầu tạo mũi nhọn đánh thọc sâu vào tung thâm, kết hợp với đơn vị phía sau nữa đánh tỏa ra căn cứ. Sau đó thì cứ thế mà đánh lan ra cho đến khi bắt tay được với đơn vị bạn ở hướng khác thì thực hiện tảo thanh. Làm chủ trận địa xong lại phải khẩn trương thu vũ khí, chiến lợi phẩm đồng thời làm ngay công tác thương binh tử sĩ để nhanh chóng rút khỏi trận địa vì khi chắc chắn biết đã mất căn cứ, địch thường tập trung pháo và máy bay ném bom đánh thẳng vào trận địa. Một trận đánh cỡ căn cứ có đại đội địch thường chỉ hơn một tiếng là đã gọn gẽ. Trong trường hợp cần giữ đất thì lại phải tổ chức chốt ở xa chỗ khác để chặn địch chứ không được chốt trong căn cứ. Có căn cứ chỉ sau một tuần khi ta bỏ đi, địch đã lại đưa quân lên lập lại căn cứ mới. Còn nếu chiến sự vào sâu hơn thì sau này cái trận địa bỏ hoang đó cũng được các tốp lẻ quân ta trở lại thu dọn sạch sẽ các thứ có thể dùng được.

   Đấy là nói về lý thuyết một trận đánh căn cứ phòng ngự vững chắc của địch, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Hàng rào mở không hết ngay từ đầu thì lại phải dùng bộ binh đánh bộc phá bằng tay mở cho xong. Hàng rào càng nhiều lớp càng khó, phức tạp nhất là hàng rào cũi lợn (hay hàng rào vướng chân). Hàng rào bùng nhùng chỉ cần đặt bộc phá đúng kỹ thuật là đánh ngon lành. Trên cao nguyên có một đặc điểm là nếu căn cứ đó địch không phát quang từ đầu bằng bom mìn mà chỉ dùng dao phát cây rồi đặt hàng rào thì chỉ sau một mùa mưa, lớp chồi non tái sinh mọc lên chui vào khe các vòng thép gai sẽ tạo nên sự gắn kết rất chắc chắn. Mở thông cửa mở là cả một nhiệm vụ nặng nề, nhiều khi quyết định đến số phận cả một trận đánh.

   Rồi chuyện cối pháo cấp trên khi chi viện không bắn trúng ngay cửa mở mà đấm đít  luôn bộ binh vài trái. Chỉ cần vậy thôi là các thủ trưởng hai tuyến đã chửi nhau loạn xạ trong máy điện thoại rồi, đặc sản văng ra thoải mái đủ loại mà nếu như có thật thì cả đơn vị được ăn tươi cả tháng không hết. Hoặc là 12ly7 khi bắn chế áp cho bộ binh xung phong mà hạ nòng hơi thấp là bộ binh xanh mắt mèo, tưởng như đạn nó quạt thẳng vào lưng mình rồi, không dám xung phong… Đấy, cứ theo giả định tình huống do cấp trên tự đặt ra, và chúng tôi phải tập theo như thế. Còn một sự thật nữa là khi tập chỉ bắn đạn mồm nên khác xa nhiều lắm lúc xung trận. Nếu không có dàn lính cũ làm nòng cột thì các trận đánh chắc không thể thắng như khi lên phương án được.

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 09:07:57 am gửi bởi Trongc6 » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #467 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2010, 03:17:06 pm »

         
               Chúng tôi mới trở về Hà Nội được năm đầu, sau 5 năm đi học sơ tán. Chỉ mới năm học 1969-1970 thôi, tôi còn học ở trường cấp III Yên Hòa B. Đây là trường Chu Văn An (trường Bưởi) sơ tán về học chung trên đất ở Cầu Giấy của trường Yên Hòa. Tôi học lớp 9C, cùng lớp với Phạm Như Anh, con gái của luật sư Phạm Thành Vinh. (Bác luật sư này cùng với bác Đỗ Xuân Sảng là 2 luật sư bào chữa cho vụ máy bay biệt kích C47 của Mỹ-ngụy bị bắn rơi ở Ninh Bình năm 1963 đó). Tôi cũng biết anh Nguyễn Văn Thạc, học sinh giỏi văn toàn quốc học trên một lớp, đã mang vinh quang về cho trường năm đó. (Hơn 30 năm sau, khi có tập nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của anh Thạc, tôi mới biết rằng Như Anh lớp tôi yêu anh ấy, và anh ấy đã hy sinh. Lúc đó con gái lớp 9 mà đã yêu cũng hiếm lắm. Như Anh bây giờ chắc còn nhớ chút ít con đường rẽ từ Cầu Giấy vào trường phải đi qua một cái xưởng của HTX làm mắm, lúc nào cũng nồng nặc mùi, và con đường làng nhỏ chạy men quanh mấy cái ao, không ít đứa học sinh nghịch trêu nhau đã lăn tòm cả người và xe đạp xuống đó).

              
Bạn TrongC6 ơi! Hôm 31/10/2010 lễ hội Trường Yên Hòa 3B-Một thời để nhớ đã thành công tốt đẹp thỏa lòng mong ước của các thế hệ thầy cô và học trò. Gần 300 HS của 16 lớp về dự từ khóa đầu tiên 1964-1967 đến khóa cuối của bạn 1968-1970. Mình xin đính chính lại năm học 1966-1970 trường Yên Hòa được tách ra làm 2 YHA và YHB. YHB tồn tại được 4 năm hết năm học 1970-1971, khung giáo viên của trường kết hợp với Trần Phú B thành cấp 3 Ba Đình (trường buổi chiều của Chu Văn An). Bạn mở hộp thư yenhoa3b@yahoo.com mật khẩu 19651971 sẽ có thông tin về lễ hội đấy.

Từ Cầu Giấy qua cửa hàng ăn uống 1 quãng ngắn rẽ trái vào ngõ nhỏ sặc mùi nước mắm, bên phải là ao bên trái có 1 lớp học trong vườn nhãn, ở đây có bố con ông què kéo xa làm dây thừng. Mình học lớp 9 tại đây. Năm lớp 10 về học tại thôn Hậu xã Dịch Vọng, 10 B của mình học sáng, 9B của Thạc học chiều cùng chung 1 lán...

Bây giờ những khu vực đó còn đâu...     
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #468 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 09:32:41 am »

Chào Bác Lê Xuân Tường.

Cảm ơn bác đã cho biết nhiều thông tin về mái trường Yên Hòa B thân thương. Đang xem ảnh để tìm nhận gương mặt quen.

Xem các bài trong topic của bác, em thấy cảm phục tấm lòng đồng đội của bác và sức vóc của bác khi tham gia được nhều hoạt động xã hội.

Kính chúc bác, người anh lớp trên ở mái trường YHB luôn mạnh khỏe và vững tay viết bài
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #469 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2010, 10:35:55 am »

Bác trongc6 ạ, e9 của bác trước mậu thân là e9 của 304, năm 1968 vào Huế sau đó qua Lào tách khỏi 304. Theo như bác kể thì năm 1975 có qua 320 nữa phải không ạ. Cái trung đoàn này cũng lang thang đấy nhỉ. Hôm trước tôi có xem tivi thấy TBT Lê Khả Phiêu về thăm f968 ở Quảng Trị.

f968 giờ đóng ở trục đường 9 cách Đông Hà có mấy cây số. Mấy năm trước đây là sư đoàn khung của QK4, giờ thế nào không biết.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM