Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:42:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323529 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #430 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2010, 04:23:22 pm »

Anh nộp giấy tờ cho phường để làm cái gì? Anh chưa vào Hội CCB phường à? Khi nghe phong phanh có chuyện làm BHYT miễn phí cho CCB, tôi phải nhảy vào hội luôn rồi kê khai với ông chi hội trưởng. Có cái BHYT lúc nào đi hoàn vũ được 10 tháng lương tối thiểu đấy. Bây giờ sáng nào cũng đi tập thái cực quyền với hội, vui lắm, chắc cũng còn lâu mới phải đi hoàn vũ.
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #431 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2010, 05:15:24 pm »

Các bác lạc đề thì em sẽ xóa bài và nếu còn tiếp tục lạc đề thì....

Tại sao các cụ ít chịu đọc tên topic và chịu hiểu nó nói về cái gì, về thời điểm nào thế nhỉ? Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
lethaitho
Thượng tá
*
Bài viết: 1313



« Trả lời #432 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2010, 05:45:43 pm »

Các bác lạc đề thì em sẽ xóa bài và nếu còn tiếp tục lạc đề thì....

Tại sao các cụ ít chịu đọc tên topic và chịu hiểu nó nói về cái gì, về thời điểm nào thế nhỉ? Grin

TL thông cảm! Mấy lão lính này trinh độ vi tính và trình độ tham gia diễn đàn đều thuộc dạng binh nhì, binh nhất cả. Vả lại nhiều khi trong đầu nó chợt nghĩ đến cái gì là pọt luôn cái đó nên nó vậy. Ai cũng thạo như TL thì còn nói làm gì! Lúc ấy mấy cái cột điện của TL mang ra làm củi đun hết!
Logged

Ngôi sao như mắt anh, trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở, cho ánh sao bay vào
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #433 vào lúc: 02 Tháng Bảy, 2010, 06:05:39 pm »

Thông cảm chứ, có thông cảm thì em mới chỉ nhắc, không thông cảm thì em xóa bài lâu rồi! Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #434 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2010, 01:00:30 pm »

….
              Thời gian ở Nam đường 23 xảy ra thật lắm chuyện. Vui cũng có mà buồn cũng có. Mùa mưa đang vào độ đỉnh điểm giữa mùa. Mưa nhiều hơn, kéo dài và liên tục hơn. Người lúc nào cũng ẩm ẩm. Đi rừng lúc mưa khó chịu lắm. Quàng áo mưa thế nào cũng ướt. Gấp đôi lại mà quàng phía trên thắt lưng thôi, không dám mở to vì sợ đi rừng cây nó cào vào rách hết nilon rồi sau lại không có cái mà dùng. (Tấm nilon của lính mình là tốt nhất. Bọn địch nó cũng có nilon là tấm vải dù quét nhựa. Loại này nhẹ mềm nhưng không chống được mưa to. Còn loại Pông-xô che mưa rất tốt nhưng nặng chình chịch, chả ai muốn dùng). Phía dưới ướt đã đành, mà đầu và cổ trước sau rồi cũng ướt. Lính tráng khi đó thằng nào cũng có một cái ví vỏ nilon để đủ các thứ linh tinh. Cần giữ khô nhất là cái bật lửa và cái túi con đựng thuốc lá. Chỗ tạm trú quân có đào hầm trên dốc cao, không bị ngập nước, nhưng hầu như chả ai chịu vào nếu không có pháo bắn. Ban đêm chúng tôi cứ mắc võng sát đó mà nằm. Chỉ có về đêm mới là thời gian riêng của mình. Duỗi thẳng chân tay trên võng cho nó đỡ mỏi, hay khoanh tay trước ngực để tự ủ ấm mình mà ngủ. Mơ gì tùy thích, nhưng nhiều khi đặt lưng lên võng là ngủ như chết. Sẽ quên đi tất cả nếu nửa đêm không bị thằng khác gọi dậy gác.

              Lính Hà Nội chúng tôi vào đây mấy tháng rồi, nhưng hầu như chỉ có trong cùng C gặp được nhau, còn khác C và nhất là khác K thì chịu. Chẳng biết những thằng ở các C trên Trung đoàn thế nào. Một lần theo đại trưởng Băng về tuyến sau, tôi gặp bọn hỏa lực trung đoàn. Trong E tôi có 2 C hỏa lực. Một C có DKB và cối 120 ly. C khác có DKZ và 12ly7. Lần đó tôi gặp thằng Lân "xế lô" ở cối 120 ly. Chúng nó đi hướng Lào Ngam đường 231 về đến đó thì nhập chung với đường về của chúng tôi. Đó là một giông đồi rất cao gần huội Chăm Pi. Thằng Lân cũng chẳng cao to gì hơn tôi, vào C16 hỏa lực được ưu tiên vác cái núm "qui tỳ" của khẩu cối vì nó nhỏ con nhất tiểu đội cối. Lúc gặp nhau thấy nó lấm lem bùn đất đầy người, chào hỏi mà như mếu. Hóa ra nó đang đánh vật với cái núm qui tỳ. Đó chính là cái cục sắt có kim hỏa nằm ở cuối nòng khẩu cối, chỗ gắn với bàn đế. Cái cục đó tròn như cái cối đá nhỏ, nặng tới ba chục cân chứ không ít. Vì nó tròn nên rất khó vác. Dốc huội Chăm pi rất dốc và cao, đường từ huội lên đỉnh dốc phải tạo ngoắt ngoéo chữ chi cho dễ đi. Vì trời mưa, dốc cao, đường trơn nên thằng Lân bị trượt chân ngã liên tục. Mỗi lần như thế, cái cục qui tỳ lại lăn vào bụi rậm. Thế là lại phải hạ ba lô rồi chui vào vần ra. Cũng phải lên gân lên cốt mới kéo ra được chứ. Rồi lại đeo ba lô, lại dé chân chèo để bốc nó lên vai. Có lần thằng Lân "tối kiến" lấy dây dù buộc vào cái mấu (phần cắm vào đế cối) rồi quấn vào người với hy vọng khi ngã cái núm qui tỳ không lăn xa. Không ngờ ở chỗ dốc quá, khi ngã cái núm qui tỳ vẫn lăn lông lốc, còn sợi dây thì giằng vào cổ thằng Lân thít lại, suýt nữa thành treo cổ nằm ngang. Mấy thằng khác trong A cối cũng nặng nhọc không kém vì phải khiêng đế và nòng cối còn cồng kềnh và nặng hơn, nên chẳng giúp được gì cho thằng Lân. Gặp nó trong cảnh đấy, tôi cũng xáp vào cùng nó hì hục vần cái núm qui tỳ cho đến khi lên được tận đỉnh dốc. Người tôi cũng bê bết đất, mệt rã rời. Dạo trước lúc mới chia quân đôi khi thắc mắc là tại sao, tiêu chuẩn nào mà bọn thằng Lân, thằng Khiêm được bổ sung vào hỏa lực (luôn ở phía sau, sướng thế), còn mình lại vào bộ binh ở tuyến trước, gần hơn với cái chết. Sau vụ gặp và giúp thằng Lân vần cái núm qui tỳ lên dốc huội Chăm pi, tôi dẹp ngay cái suy nghĩ ấy. Sống chết có số. Nếu phải chết thì chết ở tuyến đầu sướng hơn, ít nhất là không phải hành quân chiến đấu quá vất vả như thế.

               Chia tay thằng Lân, tôi phải gần như chạy mãi mới đuổi kịp đại trưởng Băng. Anh ấy xạc luôn sau khi tôi nói lý do bị rớt lại. Anh ấy bảo, "ai có nhiệm vụ người ấy, nhiệm vụ của cậu là bám sát tôi nghe lệnh chứ không phải gặp đồng hương là dừng lại giúp như thế. Nếu không phải đang về hậu cứ mà đi sang hướng khác, làm sao cậu tìm được tôi". Tất nhiên là tôi sai rồi. Sau này tôi còn nhận ra là mình không đủ khả năng để làm một thằng liên lạc nữa cơ, vì sức khỏe của tôi chỉ có hạn. Hôm đó, dọc đường đi, Anh Băng lúc thì dừng lại lấy dao găm đào một búp măng mai, lúc lại rẽ ngang nương dân đào mấy củ dong riềng già hay vặt ít lá thuốc lá. Tất cả đều giao cho tôi mang. Anh ấy đang dạy tôi thêm nhiệm vụ khi đi đường luôn phải để ý tìm và kiếm đồ cải thiện thêm cho BCH. Tối về khu hậu cứ rừng già mà vắng tanh không có người, anh Băng bày tôi cách nấu các thứ. Thế là tôi biết thêm nhiệm vụ phải nấu ăn cho chỉ huy khi không đi cùng đơn vị có anh nuôi. Tôi tiếp thu rất nhanh và dần dà nấu nướng cũng khá thạo. Chỉ mỗi tội tôi không làm được nhanh và không lanh lợi bằng anh Liêu (cũng là liên lạc) người Bắc Thái vào chiến trường trước tôi hai năm. Anh ấy rất khỏe, có thể vác thay cả ba lô cho thủ trưởng. Hai ba lô mà đi băng băng, dọc đường dừng lại đào vội một củ măng mai bên đường mà vẫn theo kịp đội hình hành quân đơn vị. Ngay cả khi ở hậu cứ có anh nuôi nấu cơm chung, ngoài cơm và thức ăn chia giống như lính, bao giờ anh Liêu cũng nấu thêm một món thức ăn khác bổ sung cho bữa ăn của các thủ trưởng (và của cả liên lạc nữa).

               Được dịp đi theo chuyến công tác về hậu cứ hội họp của thủ trưởng, tôi cũng có thêm điều kiện gặp lính Hà Nội ở các đơn vị khác để hỏi thăm tin tức của nhau. Có một chuyện của thằng Tuấn "đen" làm lính Hà Nội bọn tôi không được vui. Tôi đã kể về thằng này ít nhiều trong những trang hồi ức trước. Nó ở cùng B với tôi từ ngày mới vào lính (C36 D50) ở trong dốc Bụt (Hòa Bình), rồi lại cùng nhau chuyển ra ngoài C40 D52 ở khu suối cạn ngoài Bãi Nai. Thằng này chỉ tội đen thôi, chứ khuôn mặt nó rất đàn ông và đẹp trai, dáng dấp khỏe mạnh. Đặc biệt nó có giọng hát rất trầm ấm. Nó không hát nhạc vàng, nhưng lúc sinh hoạt đại đội, nó hát mấy bài thời tiền chiến như bài "Đêm đông"… thì nghe tuyệt vời lắm. Lẽ ra nó phải vào Văn công thì hợp hơn, nhưng lúc đó người ta cần thêm tay súng chứ không cần thêm giọng ca, nên nó vẫn đi B cùng chúng tôi. Nó còn hơn những thằng như tôi là đã có người yêu (lại rất xinh nữa chứ). Người yêu tiễn nó vào bộ đội và tiễn nó cả lúc đi B với những lời thề non hẹn biển. Người yêu của nó nói "chỉ cho anh đi B 6 tháng thôi" và nó đã đinh ninh lời dặn ấy. Thời gian phía trước trôi đi thật chậm lúc người ta mong ngóng, nhưng lại trôi quá nhanh khi ta ngoái đầu nhìn lại. Kể từ lúc chúng tôi rời Đại Mỗ (Hà Đông), hành quân qua Trường Sơn rồi vào đơn vị, hưởng mùa mưa đầu tiên trong chiến trường thì sáu tháng trời đã trôi qua lúc nào không biết. Những người lính theo đoàn quân hành quân rầm rập vào Nam thì chúng tôi ai cũng biết, nhưng con đường trở ra Bắc sẽ như thế nào thì lại không ai hay. Có một điều chắc chắn rằng không ai dám mong đó là đường về trong đoàn quân ngày  chiến thắng, vì ai biết bao giờ mới kết thúc chiến tranh. Thằng Tuấn "đen" hiểu lờ mờ con đường về trước mắt chỉ có thể là con đường lẻ loi đối với cá nhân từng người lính mà thôi. Thế là nó đã tự chọn cho mình con đường đau thương nhất: tự thương. Nó lấy đủ loại khăn vải quấn quanh cổ tay rồi dùng súng AK tự bắn vào tay mình trong một lần K15 của nó ra tuyến trước.

               Các bác sĩ (và cả y sĩ, y tá) trong chiến trường là những chuyên gia bậc thầy về giám định vết thương. Kết hợp với tình huống chiến đấu và vết đạn, mùi khói súng trên vết thương, họ dễ dàng bắt được thằng Tuấn nói ra sự thật. Nó được đưa về trạm xá trung đoàn. Nó cũng được chữa chạy, nhưng không được đối xử tử tế như những thương binh khác, nếu không muốn nói là bị phân biệt. Người ta khinh rẻ nó ra mặt và luôn bỏ rơi nó. Những thương binh khác bị vết thương như thế chỉ cần hai tuần là khô vết thương, sau một tháng có thể được giám định sơ bộ để chuyển ra Bắc hay đưa trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Vết thương của thằng Tuấn "đen" tới sáu tháng sau vẫn chưa lành. Tới tận sau hiệp định Viên chăn (Hiệp định đình chiến tại Lào này ký sau Hiệp định Pari - Việt Nam một tháng và cũng có ý nghĩa giống như Hiệp định Pari vậy), thằng Tuấn vẫn còn ở trên Trạm xá Trung đoàn. Chúng tôi đi công tác lên đó gặp nó không được tự do mà phải hạn chế trong một phạm vi nhất định. Những thằng đào ngũ đã quay lại đơn vị cũng không bị đối xử đến mức như nó. Sáu tháng rồi mà vết thương của nó vẫn không lành, có lúc còn đầy ròi, tưởng như phải cắt bỏ cả cái tay. Vết tiêm trên bắp tay của nó cũng bị áp-xe, nhiễm trùng. Nó không được cấp đủ thuốc mà cũng không dám kêu, vì mở mồm ra là bị mắng chửi. Có lúc muốn ép mủ từ vết thương ra mà không có người giúp, nó phải nhét gấu áo vào mồm cắn chặt rồi ra nắm chặt tay vào một cành cấy, nén đau lên gân vặn cho cơ tay nó ép mủ trào ra. Một lần thằng Kim "con" cùng C lên gặp nó đúng lúc như thế đã xông vào giúp rồi chửi ầm lên mắng y tá, nhưng đã nhanh chóng bị tống cổ ra khỏi khu quân y. Sau thằng Kim "con" gặp kể lại chuyện cho tôi, tôi cũng thấy rơm rớm nước mắt vì thương thằng Tuấn. Dù sao nó cũng là đồng đội, là đồng hương Hà Nội với tôi.
 
                Chúng tôi không nghĩ là người ta lại có thể xử ác như thế với thằng Tuấn, tuy nó có lỗi lầm. Nhưng hèn nhát chưa chắc đã phải là một cái tội. Thằng Tuấn phải tự lau rửa vết thương cho nó bằng nước muối pha. Khổ thêm một nỗi là mùa mưa năm đó, trung đoàn chúng tôi cũng thiếu muối. (Nhiều khi trong đơn vị chúng tôi không nấu thức ăn có muối, mà muối nhận về được đếm hạt chia theo đầu người để tự bảo quản và sử dụng. Chuyện này tôi sẽ kể riêng sau). Lính Hà Nội chúng tôi thương nó tìm cách góp muối gửi cho nó để nó tự rửa vết thương. Chuyện này cũng phải làm giấu chứ không dám công khai. Có lẽ tình đồng đội cũng giúp được nó ít nhiều để cuối cùng cái tay của nó cũng trở nên lành lặn. Mãi tới cuối mùa khô năm 1973, Tuấn "đen" mới được ra Bắc, tất nhiên không phải với tư cách là một chiến sĩ quân giải phóng. Lính Hà Nội chúng tôi chẳng ai biết mà tiễn nó. (Sau năm 1985 tôi có gặp lại, nhưng nó không muốn nói chuyện nhiều. Chúng tôi có mời nó đến gặp mặt vào ngày nhập ngũ 4/9 tổ chức hàng năm, nhưng không lần nào nó đến. Có lẽ nó còn tự mặc cảm thôi, chứ chúng tôi cũng không nghĩ xấu về nó).

…..
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2010, 01:27:00 pm gửi bởi Trongc6 » Logged

kisilangthang
Thành viên
*
Bài viết: 66


Xe đạp ơi!...đã xa rồi còn đâu


« Trả lời #435 vào lúc: 03 Tháng Bảy, 2010, 01:07:22 pm »

Thông cảm chứ, có thông cảm thì em mới chỉ nhắc, không thông cảm thì em xóa bài lâu rồi! Grin
@Bác Trọng, tại bác lâu lâu mới hành quân tiếp làm cho các bác khác tranh luận lại dẫn đến lạc đề Huh Có điều kiện thì bác nhớ hành quân liên tục nhé bác Cheesy
Logged
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #436 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2010, 04:55:12 pm »

Bác admin ơi, không biết trong trang quân sử này có topic nào giải đáp về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước giành cho CCB không để anh em thắc mắc còn biết đường hỏi nhau. Nếu chưa có thì đề nghị mở riêng một tôpic chuyên về khoản này. Xem ra nhiều người hãy còn mù mờ về chế độ chính sách lắm. Hỏi phường thì phường bảo chưa có hướng dẫn hoặc không nắm được. Không có nhẽ lại vượt cấp lên quận hỏi (như cái đoạn giấy XYZ ấy).
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #437 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2010, 05:08:38 pm »

Diễn đàn quansuvn không phải của Nhà nước, Quân đội hay Bộ LĐ-TB&XH nên không có chức năng "giải đáp" về chế độ, chính sách bác ạ!

Tuy nhiên, nếu các bác CCB muốn tự hỏi - tự đáp nhằm giúp nhau hiểu thêm và có thể qua đó giúp nhau có quyền lợi chính đáng thì BQT và cá nhân em sẵn sàng ủng hộ. Mời các bác tạm mở topic về vấn đề trên dưới box Quán nước trong khi chúng em nghĩ cách "quy hoạch" cho nó! Grin 
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #438 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2010, 09:48:29 am »

……
              Bọn lính Nam Hà vào sau chúng tôi hai tháng đánh nhau rất gấu. Đoàn Tân binh đó chỉ đông hơn đoàn chúng tôi một chút. Trong khi đoàn Hà Nội chưa có lính nào hy sinh, thì lính Nam Hà đã bị hy sinh và bị thương khá nhiều. Không riêng các K15 và K16 ở hướng đường 231, ngay trong K18 chúng tôi khi thay chốt đánh nhau cũng như vậy. Có trường hợp bị thương rất đau lòng. C6 chúng tôi đã phải chi viện để đi khiêng thương binh tử sĩ. Có lần tôi khiêng một thương binh Nam Hà ở C5. Thằng này mang AK, lúc đánh đường 231 vận động lên cùng đội hình lại chạy ngay sau thằng B40. Thằng mang B40 khi bắn không quan sát phía sau, cứ thản nhiên làm "rầm" một phát. Quầng lửa phụt lại trúng luôn vào mặt thằng tân binh. Thằng này bị bỏng nặng, khiêng về cứu sống được nhưng bị mù hai mắt. Súng AK của nó chưa bắn viên nào. Trận đánh đầu tiên cũng là trận cuối cùng trong đời của người thương binh nặng (chắc là hạng cao nhất) mới 18 tuổi đó. Chúng tôi vừa khiêng vừa thương nó, nhưng cũng trách thầm sao tập tành không đến nơi đến chốn.

               Trong C tôi có thằng Lễ (Nam Hà) cũng hăng máu lắm. Lính mới vào chỉ có AK, thế mà nó chỉ sau một đợt ra tuyến trước đã được giao B40 và cứ khư khư như bảo bối không nhường ai. Thằng Lễ ít nói, tính tình lạnh lùng. Ngày còn ở nhà, máy bay Mỹ đến ném bom vào làng trúng ngay ngôi nhà nó. Mẹ nó cùng hai đứa em gái bị chết. Nó cùng bố ra đồng cày đất nên thoát chết. Nó đã phải tự tay chôn mẹ và em. Vì thế mới hơn 17 tuổi một tý, nó đã nằng nằng đòi đi bộ đội. Văn hóa thấp, trình độ có hạn, học chính trị được phát biểu thì chỉ độ 3 câu là nó chửi Mỹ. Có lúc CTV phải ngăn nó mới dừng để người khác còn phát biểu. Thằng Thái "pi-tơ" có một lần chỉ lỡ phát biểu rằng "Trai thời loạn phải đi đánh nhau chứ thích thú chó gì", thế là nó xông vào đấm đá thằng Thái, nói là không biết căm thù giặc, là đồ hèn. Thấy nó thái quá như thế nên từ đó về sau chúng tôi tránh không nói đến chuyện chính trị với nó nữa. Đấy chỉ là ở hậu cứ, còn ra tuyến trước thì nó hăng lắm, lúc nào cũng đòi đánh nhau. Vừa mới nổ súng đã đòi hô xung phong, khiến có lúc tôi nghĩ, ở cùng thằng này có ngày chết oan. Nhưng cũng chính vì thế mà có lần nó bắt được tù binh, mặc dù thời gian ở Lào chúng tôi rất ít bắt được tù binh. Bọn lính Lào chạy nhanh lắm. Kể cả bị thương nhẹ, nếu trong tình huống rút lui là nó biến mất rất nhanh. Còn nếu nó bị thương nặng là chúng tôi "bòm" luôn. Khiêng thương binh của mình vượt suối leo dốc cao đã mệt bỏ mẹ, giờ ôm thêm chúng nó vào thành tích chả thấy đâu, chỉ tổ ốm xác. Mà khai thác gì cái bọn tù binh này, chúng cũng chỉ là lính trơn. Mùa mưa nống ra thì phải đánh nhau nhì nhằng chứ kế với hoạch quái gì. Thế mà lần phục kích ấy, vừa nện xong quả B40, xung lực AK còn đang quạt "tằng tằng…" thì thằng Lễ đã lao ra đường tống cả cái nòng B40 không đạn vào ngực tên địch làm thằng này hoảng quá ngã lăn ra, giơ vội hai tay, chưa cần phải nghe lính ta hô "Ọc ma nhom bò tải" (hàng thì không chết). Chỉ khổ là sau đó đơn vị lại phải trích ra hai người để giải thằng này về tuyến sau. Mà lúc giải nó đi cũng khổ. Phải trói nó hai tay, lại buộc luôn một khúc gỗ to và dài vào người nó cho yên tâm, chứ nếu không lúc qua suối sâu, dù đi đất hay đi giày, nó cũng đi phăm phăm lôi lính mình trượt ngã lên ngã xuống dưới lòng suối.

               Chỉ mới vào đơn vị được 3 tháng, đánh vài trận, khi A trưởng hy sinh là thằng Lễ lên làm A trưởng luôn. Tiểu đội nó có cả thảy 5 người. Bốn thằng lính trong A nó rất vất vả vì nó quá hăng hái. Lúc ở hậu cứ, chỉ mới nghe cán bộ đại đội nhắc anh em củng cố lán trại cho tươm tất một chút, thế là ngay trưa hôm đó nó kéo cả A bỏ giờ nghỉ sang tít tận cái rừng bên cạnh chặt nứa. Nói là bên cạnh thôi nhưng cái rừng đó cách chỗ chúng tôi hai cái dốc, đi không cũng phải bở hơi tai mất 30 phút. Lại phải mất thêm buổi trưa không nghỉ nữa để thưng lại mấy cái bức liếp quanh hầm thùng. Nếu là A khác thì  lính kêu bằng chết, nhưng lính của A  nó thì không dám kêu to vì sợ nó chửi. Thằng này chửi cũng đơn giản lắm, không văn hoa gì đâu mà chửi bậy rất tục, gọn và cục cằn. Đôi lúc thấy nó chửi lính A nó, tôi thầm mừng là may mà mình không bị ở cùng nó. Tôi lại còn cười thầm là thằng này chửi văng ra mấy thứ bậy bạ như thế, nhưng chắc đếch gì nó đã một lần được nhìn thấy cái của mà nó văng ra. Mà của đáng tội là thằng này cũng không phải là loại khéo tay hay thạo việc nhà, nên cái vách hầm thùng bên A nó tuy được thưng lại mới nhưng chỉ kín chứ không đẹp. Nói vụng chứ nó không hơn cái nhà cầu của A khác bao nhiêu.

               Dạo chúng tôi ở hậu cứ gần bản Xăm-xi-nuc "may", nhiều đêm có máy bay địch đến gọi loa kêu chiêu hồi. Mới đầu chúng tôi không để ý, chỉ thấy lạ là lúc bắt đầu tổ chức canh gác (khoảng 9 giờ tối) thì nghe trên đầu có tiếng máy bay ì ì rất nặng rồi nghe như có tiếng loa, tiếng được tiếng mất. Sau chú ý thì thấy vào đêm trời quang có máy bay vận tải của địch bay chậm trên các cánh rừng. Rừng già rất dày nên nó không thể nhìn thấy chỗ chúng tôi đóng quân, nhưng chắc nó cũng khoanh được vùng tọa độ. Không biết nó bắc loa trên máy bay kiểu gì mà nghe cũng khá rõ. Nó nói tiếng Việt, kêu gọi chúng tôi trở về miền Bắc hoặc ra Pắc-xế đầu hàng. Nó cũng đọc tên của lính mình mà nó bắt được. Thời gian chúng tôi ở Lào, số lính mình bị bắt làm tù binh rất ít, song cứ có vụ nào là nó lại bay và gọi loa rỉ rả suốt đêm. Điều đặc biệt là nghi ngờ vùng đóng quân của chúng tôi, nhưng chúng lại không dội bom tọa độ. Có thể chúng cho rằng cái máy bay ấy bay gọi loa sẽ phủ được trên cả một vùng rộng mà B52 nếu có ném bom cũng không xuể chăng. Một điều khác nữa là nó chỉ gọi loa chứ không thả truyền đơn chiêu hồi như trên chiến trường B3. Một lần trời quang có máy bay bay như thế, thằng Lễ nổi khùng vác AK xả hết gần một băng lên trời ở cái bìa rừng nơi A nó đóng quân. Tất nhiên là không thể bắn tới cái máy bay ấy được, nhưng nó tức quá mà bắn. Cái máy bay chắc cũng không phát hiện ra nên chẳng đếm xỉa gì đến chuyện đó. Chỉ có chúng tôi được phen hoảng hồn lo lắng. Thằng Lễ bị gọi lên BCH đại đội, nhưng vì cái lý căm thù giặc kèm theo cái nhận thức thấp của nó, cộng với việc hậu cứ vẫn chưa bị lộ nên nó chỉ bị khiển trách và rút kinh nghiệm.

              Mới tuổi thanh niên nhưng thằng Lễ đã hói đến 1 phần 3 đỉnh đầu. Mặt mũi nó lúc nào cũng sứt sẹo vì khi đi đường có mấy khi nó chọn đường quang đâu. Khi lùng sục thì cứ thẳng hướng mà đạp đường, bụi gai thường chứ tre gai hay mây song nó cũng không ngại. Thế nên vết cào cũ chưa liền da thì đã vết mới đã xuất hiện. Quần thì hầu như lúc nào cũng ống thấp ống cao, xộc xệch. Ở hậu cứ thì thế đấy, nhưng lúc hành quân hay chiến đấu thì thằng Lễ chững chạc hơn nhiều. Nó chẳng ngại khó và nguy hiểm nên chúng tôi rất nể và quý nó. Vì cái chuyện chết hụt khi ở nhà nên nó bảo số nó không chết được. Có lẽ thế thật. Vào chiến trường được hơn một năm thằng Lễ đã được kết nạp Đảng. Sau này khi về miền Nam, đi đánh chốt được vài trận, nó được rút lên học quân chính trên sư đoàn. Về sau nó được bổ nhiệm về làm B trưởng bên E64 (theo chính sách đảo quân của B3) và không về đại đội nữa nên chúng tôi cũng mất tin tức về nó luôn.

              Ngoài thằng Lễ nổi bật ra, bọn lính Nam Hà khác cũng sàn sàn như bọn tôi. Ngoài chuyện đánh nhau và cùi cõng ra, những kinh nghiệm sống của chúng nó cũng không hơn gì chúng tôi. Có lẽ quê chúng nó là vùng đồng chiêm trũng, nghề phụ không có gì nên vào lính cũng không có gì đặc biệt để thi triển. May chăng có món bơi lội và bắt cá, nhưng ở rừng thì những món này ít gặp. Trong đơn vị tôi rất ấn tượng với các anh lính quê rừng núi và các anh Hà Tây. Đặc biệt là có anh đã đi làm chán chê rồi mới vào lính. Anh Liêu liên lạc với tôi cũng vậy. Đợt ở đường 23 dài ngày, chính anh ấy đã tìm và chỉ cho chúng rôi những cành Gắm trong rừng già. Khi đói thì ăn quả gắm cũng tốt lắm. Khai thác nó cũng phải cẩn thận. Phải cho vào bao cát rồi đem ra suối chà cứ nếu để lông gắm dính vào tay chân thì ngứa bằng chết. (Vào chiến trường tôi mới biết đến từ "bao cát". Thực ra nó là của địch. Có hai loại bao cát, một loại bằng vải dứa, một loại là sợi tròn như vải. Tất cả đều là dạng sợi tổng hợp pha nilon. Kích cỡ của nó chứ được từ 15 đến 20 kg đất. Cho đất vào đó rồi buộc túm lại để đem đắp lên làm công sự. Hầu như trận đánh nào, trừ những trận phục kích, chúng tôi cũng phải đem theo bao cát làm công sự cho nhanh). Hạt gắm đem rang ăn rất bùi. Anh Liêu bảo quê anh ở Bắc Kạn có rất nhiều cây gắm trong rừng, nhưng quả nhỏ hơn trong này. Về sau anh ấy còn giúp chúng tôi đào cả củ mài nữa. Trong thời gian làm liên lạc cùng anh Liêu, anh ấy còn dạy tôi cách sao chè. Tranh thủ lúc đi cải thiện hay đi công tác qua các bản bỏ ở đường 23, anh ấy dẫn tôi tạt vào vườn chè để hái. Ngắt ngọn 3 lá là vừa và ngon nhất, anh ấy hái rất nhanh, chỉ đi lướt lướt qua mà hái được rất nhiều. Khi về hậu cứ anh ấy lấy mảnh tôn ra bắc bếp và bỏ chè vào sao. Chè hái ở vườn không báo giờ rửa, có thể mới nguyên chất. Đảo một lúc trên bếp lại phải bỏ ra miếng tôn khác để vò cho nó mềm đều. Cứ như thế vài lượt, tay thì đen nhẻm vì nhựa chè, còn sản phẩm là một ít chè móc câu đàng hoàng. Không có hương bưởi hương sen, nhưng như thế là quá tuyệt. Ngoài ra anh Liêu còn dạy tôi cách tìm dây lông beo trong rừng. Loại dây này sau khi bứt đem xoắn lại cho mềm hoặc tết nhiều sợi lại thì được sợi dây còn bền hơn dây thừng. Càng ngâm nước càng chắc nên dùng trong mùa mưa thì không gì bằng. Anh ấy còn dạy tôi cách buộc các nút thắt, thật không khác gì trong sổ tay của các hướng đạo sinh thưở trước. Phải chăng chính những điều như thế đã giúp tôi trở thành một người chăm làm và tháo vát khi ra quân trở về với cuộc sống đời thường?

….
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Bảy, 2010, 10:00:22 am gửi bởi Trongc6 » Logged

tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #439 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2010, 03:47:30 pm »

Chuyện bác kể về bác Lễ hay thật ,một mẫu người mà ở đơn vị nào cũng có ,có thể hoàn cảnh xuất thân của họ khác nhau nhưng có cái  chung là sự hăng hái nhiều lúc thái quá có thể dẫn đến những hy sinh không đáng có , nhưng chính những người lính mang tâm hồn trong sáng có  nhận thức mộc mạc đó là nòng cốt  là chất xúc tác của ý chý chiến đấu trong đơn vị .Nếu đơn vị không có những người lính như vậy thì sức mạnh giảm thiểu biết bao nhiêu
 Tuy nhiên các bác đó được đào tạo bồi dưỡng chỉ huy đến cấp C là tốt , lên nữa chắc sẽ gặp nhiều khó khăn
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM