Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:21:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #360 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2010, 11:03:32 pm »

Bác Trongc6 đã bao giờ quay lại thăm chiến trường cũ chưa, nghe nói vùng này bây giờ phát triến nhất Lào đấy, rất nhiều Việt kiều thành đạt ở đây.
Logged
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #361 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2010, 11:22:08 pm »

     Rất cảm ơn bác Rongxanh cung cấp bản đồ. Tôi đã nhận ra ngã Ba Lào Ngam và Bản Phin. Nhưng phải nửa tháng nữa tôi mới ra bản Phin. Còn bản Xoan và Bản Phiệt (mà tôi sẽ kể tiếp đây) thì không thấy trên bản đồ. Phải chăng nó bé quá hay cảnh vật đã thay đổi.




Khả năng tên bản đó chỉ có trên bản đồ tỷ lệ lớn hơn (1:100.000 hoặc 1:50.000) bác ạ.
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #362 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2010, 03:18:02 pm »

Đã 35 năm rồi...Đọc bài của bác trongc6 đánh Đồng dù (29/4/1975). tôi dần nhớ lại: Cũng ngày ấy Đơn vị tôi (sư 10) tiến vào SG khi ngang qua Đồng dù thấy trong căn cứ khói lửa vẫn còn nghi ngút, thỉnh thoảng vẫn còn tiếng súng bộ binh nổ đì đùng. Toàn bộ sư 10 đi bằng cơ giới (xe tăng, xe bọc thép và xe tải...). Đội hình xe nối đôi nhau dài hàng chục km. cơ động ầm ầm trên đường. Đơn vị tôi (E 24) dẫn đầu. Xe tăng T54 đi trước, xe bọc thép K63 tiếp theo rồi xe tải chở bộ binh. (Riêng chiếc đi đầu tiên của đội hình xe tăng là chiếc tăng M48 chiến lợi phẩm). trên các xe đều cắm cờ giải phóng. Còn cán bộ chiến sĩ sư 10 mang băng đỏ trên tay trông thật khí thế. Trước khi xuất trận anh em chúng tôi được quán triệt nhiệm vụ; thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân sơn nhất, Bộ tổng tham mưu ngụy. thời cơ thuận lợi tiến chiếm Dinh độc lập. Cấp trên còn nhắc đi nhắc lại: Dọc đường không đươc nổ súng chỉ khi nào địch kháng cự thì mới tiêu diệt mà đi tiếp vào mục tiêu đã định. xe nào bị cháy, bị hỏng điều ngay xe ủi lên gạt qua bên đường cho đội hình hành tiến. Trận đánh Đồng dù của sư 320 đã mở của ngõ sài gòn cho sư 10 tiến quân thuận lợi... (còn tiếp)
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #363 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 09:56:35 am »

...tuy nhiên khi vừa qua Đồng dù, đoàn quân sư 10 đang hành tiến bỗng gặp ngay lực lương xe tăng + xe bọc thép M113 của địch ra đánh chặn. tôi không còn nhớ địa danh chỗ giao tranh, nhưng mang máng hình dung lại thấy: xe tăng 2 bên dàn trận bắn nhau "ùng ục", nhiều chiếc bị cháy khói đen cuồn cuộn bốc lên...có chiếc tháo chạy bị trúng đạn chúi đầu xuống ruộng. Cánh bộ binh chúng tôi cứ ngối yên trên xe tải ở phía sau xem "họ đánh nhau". Ngồi xa xa (Khoảng gần 1km) xem xe tăng bắn nhau như tập trận thế mà không ai tỏ ra sợ sệt gì, thậm chí còn khoái nữa vì chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng đánh nhau 'hoành tráng" như vậy. Nhưng cảnh tượng đó chỉ diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ thì chúng tôi nhận lệnh tiếp tục hành quân. Lúc đó tôi hiểu rằng: Lực lượng xe thiết giáp địch đã bị tiêu diệt... Khi chúng tôi đi ngang qua Quân trường quang trung, ngó qua lỗ châu mai ở các lô cốt thấy lính địch còn đầy trong đó chĩa đại liên ra phía chúng tôi, nhưng địch không dám bắn nên chúng tôi cũng không bắn cứ rầm rầm đi qua. chiều tối ngày 29/4/1975 Đơn vị tôi đã vào tới ngã tư Bảy Hiền...
Logged
dream_kgb
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #364 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2010, 04:51:28 pm »

Bác Bob mở thêm cái topix kể chuyện nữa đi ạ. Bọn cháu vào xem cho đỡ lận lộn.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #365 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2010, 09:01:23 am »

….
               Đêm về nằm trong hầm tôi hỏi chuyện anh Trịnh. Anh bảo, mày cũng khá đấy. Đại trưởng Kim Băng cũng khoái, anh bảo lính Hà Nội cũng chơi được đấy nhỉ. Nhưng tôi thì lại chẳng cảm thấy gì cả, chẳng biết tại sao. Nhưng tôi ghi sâu trong lòng cái lỗi của anh Hoài về việc ra trận mà quên không lên đạn trước. Kiểu như thế có ngày chết oan. Đấy là bài học và một kinh nghiệm phải luôn luôn ghi nhớ. Tôi lại hỏi anh Trịnh sao lúc mình đánh nhau, đại đội không chi viện thêm cho mấy quả cối 60. Anh bảo hỏa lực riêng mình cũng đủ rồi. Súng M79 bắn tại chỗ nhiều khi có tác dụng hơn là cối 60 từ phía sau câu lại. Hơn nữa đạn cối chỉ để đánh những trận quan trọng thôi vì số lượng có ít. Chi viện được dăm quả chẳng bõ bèn gì, lại lộ thêm nơi trú quân, địch nó gọi máy bay táng cho mươi quả bom thì quá tội. Lúc đánh nhau chỉ nên trông cậy ở trang bị bản thân thôi. Sau này rồi tôi cũng hiểu, cảnh con nhà nghèo đi đánh nhau với con nhà giàu thì đương nhiên chiến tranh còn phải kéo dài 5 năm, 10 năm… là tất nhiên thôi.

               Sau này các đơn vị trong E chúng tôi cũng gặp phải nhiều cảnh trớ trêu, kể ra thì như chuyện hài. Đánh trận mà xin trên được 2 quả cối 82 đòi bắn cấp tập thì thật như gãi ghẻ. Bắn trúng địch thì không sao, bắn trượt (mà trượt là chính) thì chỉ tổ địch nó cười. Đấy là chưa kể chi viện mà lại đấm đít bộ binh thì cha con tha hồ chửi nhau. Thằng chỉ huy phía trước chỉ muốn rút súng quay lại bắn bỏ hỏa lực phía sau trước khi hô quân xông lên đánh địch. Cánh bộ binh chúng tôi có một nguyên tắc phải thuộc, nhất là khi đi lùng sục hay đánh tao ngộ chiến. Đó là phải nhằm diệt thằng thông tin của địch trước. Mất thông tin thì mày cũng cô lập như chúng ông, chẳng còn nhờ thằng bố gửi bom pháo hỗ trợ nữa, đánh tay bo xem thằng nào hơn. Thứ nữa là diệt thằng chỉ huy của địch. Mày cậy có sĩ quan học trường lớp, đào tạo tử tế, chê chúng ông là lính quèn qua chiến trận tự kéo nhau lên thì bây giờ mất đầu rồi, cùng lính chơi nhau xem sao.

               Đêm hôm ấy tôi cũng phải tham gia gác đêm. Đây là ca gác đầu tiên trong đơn vị. Rồi từ đó về sau, gác đêm đã trở thành một nhiệm vụ thường xuyên mỗi đêm của tôi. Nó dần ăn sâu vào người, đến nỗi sau này khi ra quân phải mất một thời gian dài tôi mới quen được cảnh đêm không phải thức dậy một tiếng. Cũng phải thôi, bởi vì bây giờ nếu phải đếm xem trong thời gian quân ngũ có bao nhiêu đêm không phải gác thì có lẽ còn dễ hơn là đếm xem có bao nhiêu đêm phải gác. Khi ấy không có đồng hồ, cũng chẳng quen nhìn sao trời vì có phải lúc nào gác cũng  nhìn thấy bầu trời đâu mà học nhau cách này. Cách tốt nhất truyền nhau là đếm. Cứ "một trăm linh một" là đủ một giây. Đếm đủ 3600 cụm từ như thế thì đủ một giờ gác. Nhưng đấy là ở doanh trại cơ, chứ gác tuyến trước còn phải quan sát và nghe ngóng động tĩnh, sẵn sàng xử lý tình huống thì không thể chỉ nhăm nhăm vào đếm. Tốt nhất là luyện cho mình cảm nhận thời gian. Mới nghe thì có vẻ phi lý, nhưng thật sự là như vậy. Rèn mãi cũng thành bản năng. Bây giờ giữa đêm, tôi có thể ra ngoài hiên, chỉ ngồi nghĩ vơ vẩn thôi cũng có thể canh được một giờ trôi qua với sai số chỉ chừng 5 phút.

               Đêm đó trôi qua thật yên tĩnh. Không có pháo địch bắn. Chỉ có tiếng côn trùng thôi, vì chỗ nào mà chả có giun dế.

               Mờ sáng hôm sau, chúng tôi lại ra bản Xoan. Chỉ có ba người là anh Trịnh, anh Hoài và tôi. Lần này chúng tôi không vào trong mấy cái hầm hôm qua trong bản, mà lùi hẳn ra ngoài đám cây lúp xúp phía ngoài bản đào hầm mới theo kế hoạch của đại trưởng Băng. Đất mềm nên chỉ độ hơn tiếng là mỗi người đã đào xong cho mình một cái hầm cá nhân be bé có đủ cả nắp hầm chống được cối cá nhân và ngụy trang tử tế. Ngồi chỗ này chốt thì chẳng có gì nhấm nháp ngoài hút thuốc lá và phải canh chừng máy bay. Cấp trên dự kiến địch có thể không vào bản mà dùng pháo bắn phá. Đào thêm hầm dịch hẳn ra ngoài này an toàn hơn. Quả nhiên chừng độ 9 giờ, khi mặt trời đã lên cao thì nghe vè vè tiếng máy bay. Hai chiếc máy bay cánh quạt xuất hiện, sau này tôi biết nó là máy bay ném bom T28 và quen thuộc với nó suốt thời gian ở Lào. Chúng nó đã có chủ định sẵn nên chẳng cần trinh sát trước làm gì. Bay đến trên đầu chúng tôi là chúng nó bổ nhào cắt bom luôn. Làm mấy vòng như thế, tất cả các đợt bom đều ném vào trong bản Xoan. Chỉ cách chúng tôi chừng trăm mét nên tiếng nổ rất to, đất rung và khói bụi mù mịt. Hết một đợt như thế lại thấy hai chiếc T28 khác vè vè bay đến và lại bổ nhào ném bom. Ba đợt máy bay như thế, có quả cũng ném gần ra rìa bản, tưởng như nó thả trúng đầu mình. Chúng tôi chúi xuống hầm tránh mảnh thôi chứ nếu nó thả trúng thì đi tong tất cả. Sau đợt bom cuối chừng hai chục phút, biết chúng đã kết thúc, chúng tôi mò vào bản. Cả cái bản sáng hôm trước còn an bình thì nay tan hoang tất cả. Nhà cửa, cây cối chả còn gì. Đám gia cầm gia súc có lẽ cũng chạy bạt hết đi từ hôm trước. Có lẽ người dân cũng chẳng quay trở lại đây nữa, vì làm bản ở nơi mới có lẽ còn thuận lợi hơn. Các lính cũ bảo địch ném bom như thế này thì chúng nó cũng chẳng trở lại nữa đâu. Thế là chiều hôm ấy chúng tôi rút lui sớm về chỗ trú quân.

               Nửa đêm, theo chân trinh sát tiểu đoàn, hai tiểu đội trong đó có A của tôi luồn rừng vòng lên phía trước bên kia bản Xoan chừng 300 mét. Chỗ đó có một ngã tư đường xe bò. Sáu người chúng tôi đào hầm phục kích (hầm không nắp) lùi sâu vào một bên vệ đường. Tiểu đoàn cho rằng địch ném bom hôm trước xong có thể trở lại bản Xoan kiểm tra nên đưa chúng tôi ra đây phục kích nhằm tiêu diệt địch bất ngờ trước khi chúng chuẩn bị tổ chức vào bản. Tại khu vực này vẫn chỉ có một cái đại đội địch hôm trước đã vào bản Xoan thôi.

               Hôm ấy là một ngày dài. Chúng tôi ăn sáng ngay sau lúc đào xong hầm, trời còn tối. Sau đó là ngồi đếm thời gian trôi qua. Cái vệ đường xe bò này toàn cỏ tranh mọc hai bên, đã tươi tốt lại sau mấy trận mưa đầu mùa. Bọn địch đi ngoài đường không dễ nhìn thấy chúng tôi, tuy hầm phục kích chỉ cách vệ đường chừng dăm mét. Nhưng công tác ngụy trang lại rất cần thiết. Hôm đó máy bay trinh sát cánh bằng L19 của địch bay lượn rất nhiều. Nó đảo qua đảo lại khu vực Bản Xoan nhiều lần. Tôi che cỏ tranh kín đầu mà vẫn có cảm giác như thằng phi công địch nhìn thấy mình, vì những lúc nó chao cánh, tôi thấy cái đầu phi công rõ mồn một. Lực lượng phòng không của ta trong chiến trường rất yếu, nếu không muốn nói là không có, nên không quân địch gần như làm chủ bầu trời. Tiểu đoàn có một khẩu 12 ly 7, nhưng là để chi viện bộ binh đánh địch mặt đất khi cần chứ không phải để bắn máy bay. Tuy rằng máy bay nó bay thấp thế thì 12 ly 7 bắn quá tốt, nhưng nếu đem ra bắn máy bay thì lại sợ T28 nó đến làm cỏ mình. Tóm lại, chúng tôi cứ bí mật ngồi im là tốt nhất. Cả ngày hôm đó chỉ thấy L19 trên bầu trời, còn đưới đất tụi địch không đến. Trời tắt nắng, chúng tôi lại rút về bên bờ Huội Chăm-pi vì muộn thế này rồi thì cũng chẳng còn thằng địch nào hành quân ra nữa.


Logged

VietPo`Lut´
Thành viên
*
Bài viết: 397


Bé bé bồng bông


« Trả lời #366 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2010, 01:04:24 am »

Hay quá chú Trọng à, chú tiếp tục viết nhé vì hồi ký thời kỳ KCCM là của quý hiếm lắm chú ạ. Phần lớn các chú bác CCB KCCM đến bây giờ đều nhiều tuổi và ít có cơ hội tiếp xúc với internet nên hồi ký trong QSVN ít quá, mới lác đác có mấy người. Chúc chú luôn khỏe mạnh và dẻo tay gõ phím như ngày xưa bóp cò AK
Logged

Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi thuộc về Viêt Nam                  Paracel Island and Spratly Island is belong to Viet Nam                 Paracel Inseln und Spratly Inseln gehoeren zu Viet Nam
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #367 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2010, 10:22:56 am »


               Đêm ấy, cả 2 B còn lại của C tôi và một vài đơn vị của tiểu đoàn cũng ra tuyến trước. Khu vực bản Xoan tơi bời được bàn giao cho C hỏa lực. Đại đội chúng tôi đi xuôi theo huội Chăm-pi xuống hơn một cây số nữa đến một cái bản có tên là bản Phiệt. Con Huội (suối-tiếng Lào) Chăm-Pi là con suối chính và lớn nhất trên cao nguyên Bô-lô-ven. Nó bắt nguồn từ bên A-tô-pơ sát dãy Trường Sơn chảy vòng qua thị trấn Pắc-Soòng trên cao nguyên Bô-lô-ven rồi men theo bờ phía Bắc con đường 23 chảy xuôi về Tây Nam. Đến ngã Ba Lào-ngam, nó bẻ ngoặt lên phía Bắc theo hướng  Keng-Nhao để hòa nước vào một con sông từ Sa-ra-van chảy xuống. Con sông này chảy xuyên qua lộ 13 phía bắc thị xã Pắc-xế rồi đổ nước vào dòng Mê-Kông hùng vĩ. Song song với huội Chăm-pi luôn luôn có một con đường lớn là quốc lộ hay tỉnh lộ. Các bản Lào nằm ven đường thường có mật độ dày hơn so với các vùng khác, có khi cách nhau chỉ hơn cây số. Vào sâu phía trong cao nguyên thì có khi bản lại cách bản tới mấy giờ đi đường. Giữa chúng là các nương rẫy, các cánh rừng rộng lớn và nối với nhau bằng các con đường xe bò.

               Chiến sự chỉ mới lan rộ lên ở khu vực này từ sau trận Bãi Đá, nên dân bắt đầu rời bản bỏ chạy. Họ mang theo đủ các vật dụng cần thiết, nhưng phải bỏ lại nhiều nhất hai thứ là gia cầm gia súc thả rông và các hũ rượu nếp chưa chưng cất trên nhà sàn. Bản Xoan và bản Phiệt cũng vậy, nhưng vì bản Phiệt ở xa địch hơn nên sau khi đào hầm bố trí quân ngoài bản, chúng tôi đã có thể túc tắc mò vào bản một cách thận trọng. Nếu ở nhà biết câu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" thì bây giờ ở đây phải nói là "nhất lính, nhì ma, thứ ba tới quỷ" mới đúng. Chỉ mới tới bản một ngày, bố trí xong đội hình, đào xong hầm và tổ chức lùng sục là chúng tôi đã như những người chủ của bản Phiệt rồi. Nói thêm một chút là các đại đội bộ binh chúng tôi sau khi đến một địa bàn mới, bất kể ở ít hay nhiều ngày, thì song song với việc tổ chức đào hầm, bao giờ cũng phải tổ chức ít nhất 2 tổ đi lùng sục ra các hướng để nắm địa bàn và tình hình. Trinh sát tiểu đoàn có cách nắm địa bàn theo kiểu của họ (kết hợp nắm địch và thuộc địa hình), thì bộ binh chúng tôi cũng có kiểu lùng sục địa bàn của mình, càng ở nơi mới càng phải tổ chức lùng sục sớm, bán kính thường rộng ra tới cả cây số. Lần ấy địa bàn phải nắm chắc nhất là bản Phiệt và các con đường dẫn vào nó. Tất nhiên các nhà sàn, khu vực gà đậu ban đêm được tìm hiểu luôn. Bộ đội đi đến đâu cũng phải chấp hành chính sách dân vận, một trong nhiều chính sách bắt buộc phải thực hiện (như chính sách tù hàng binh, chính sách thương binh tử sĩ…). Nhưng đấy là khi ở cùng dân, tiếp xúc với dân cơ, chứ đằng này dân bỏ chạy hết rồi thì cũng nên coi như chỗ bỏ hoang. Ta không ăn thì địch nó cũng ăn, hoặc nếu không ai ăn thì lũ gia súc gia cầm cũng chạy hết vào rừng, lâu ngày rồi cũng thành thú hoang cả. Đấy, lính tráng thì chỉ nghĩ đơn giản như thế thôi (mà rồi sau này có nghiệm lại thì đúng là như thế thật). Thế mà các cấp chỉ huy (mà thực chất chỉ là dân chính trị) lúc nào cũng hô hào rất nghiêm khắc. Không may cho các chính trị viên là cứ phải đem thân mình ra mà làm gương cho lính. Nói cho cùng thì cán bộ chính trị nơi chiến trường là thiệt thòi nhất. Họ chính là sợi dây tư tưởng, sợi dây tinh thần xuyên suốt của Đảng từ trên xuống để tạo nên sức mạnh kỷ luật trong quân đội mà. Nhớ ngày xưa xem phim hay đọc truyện về chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên-xô, khi Hồng quân bị bắt, bọn Phát-xít chẳng mấy quan tâm đến các sĩ quan chỉ huy mà chúng chỉ nhăm nhăm truy hỏi ai là Chính ủy rồi đem bắn ngay không í ó gì hết. Chúng sợ truyền kiếp cáí đội ngũ Chính ủy Bôn-sê-vích trong Hồng quân.

               Mệnh lệnh là mệnh lệnh và trong đơn vị tôi ai cũng tỏ ra chấp hành nghiêm chính sách dân vận. Nhưng về thực chất, các lính cũ đã láu cá vượt quá cả ma và quỷ rồi. Khi đào hầm chữ A để phục vụ chiến đấu thì hầm bao giờ cũng phải có hai cửa đối chéo nhau. Cái cửa phụ đáng lẽ bé và đơn giản hơn thì lại được làm to và tăng thêm ngách. Đấy chính là sào huyệt để tạo nên "bài ca ống cóng". Tất nhiên nếu chiến sự đang diễn ra ác liệt thì không nói làm gì, nhưng lúc này lại đang bình yên và cái bản Phiệt này đang do chúng tôi làm chủ. Thế là khi đêm đến, các đệ tử của "Thời Thiên" trong Thủy Hử liền ra tay. Các anh ấy có mẹo bắt gà và giết gà mà chúng không hề ọ ẹ lấy một tiếng. Đứng cách chục mét cũng chẳng nghe thấy gì. Thế là ngay từ đêm đầu tiên, từ những cái bếp trong ngách hầm phụ mà khi đun ban đêm cũng không lộ ra ánh sáng ấy, tiểu đội nào cũng có gà ăn. Chỉ toàn luộc thôi, vì món này ít bốc mùi thơm đi xa. Từ B trưởng trở xuống thì thông đồng với lính rồi. Các liên lạc cũng được giao đi truyền lệnh để xuống các B hưởng lộc. Đại trưởng chúng tôi cũng chả kém ai. Ông ấy cũng đi kiểm tra các B một cách thầm lặng. Cuối cùng chỉ còn mỗi CTV đóng chốt tại hầm chỉ huy và tất nhiên không hay biết gì. Tất cả ăn xong đều chùi mồm sạch sẽ. Còn những thứ bỏ đi thì cứ đào hố mèo thật sâu mà chôn.

               Trong 4 ngày chúng tôi chốt giữ và lùng sục tại khu vực bản Phiệt, đám gia cầm vợi dần. Nhưng có sổ sách nào bàn giao gì đâu nên cũng chẳng ai phải lo lắng. Thú thực là chỉ thương cho thủ trưởng chính trị. Trong khi tất cả đều được bồi dưỡng hàng đêm thì anh ấy vẫn chỉ ngày ba bữa cơm nếp với muối rang. Thương mà cũng chẳng biết làm thế nào, vì chính sách dân vận nó thế, lộ ra với CTV thì chết cả nút. Sau này nếu anh ấy có biết cũng chỉ là do cảm nhận thôi chứ chẳng ai kể lại chuyện cũ bao giờ. Còn tôi, thú thực là khi ấy tôi thấy đời lính sao mà lắm chuyện lạ thế. Ở nhà sống chế độ tem phiếu, đâu có thể có thịt mà ăn thả phanh. Vào lính ngày huấn luyện thấy thủ trưởng nếm gần nửa cân thịt luộc đã thấy quá thèm. Bây giờ đi đánh nhau lại được ngồi ngắm trăng sao mà chén vã một mình tới nửa con gà to, thì không khỏi chạnh lòng nhớ thương cha mẹ và các em ở hậu phương đang còn nhiều khốn khó.

               Sau bốn ngày cắm tại bản Phiệt, vì tình hình quá an toàn, hơn nữa địch cũng không đủ quân để bung ra khắp nơi, nên đại đội chúng tôi lại được lệnh quay trở lại khu vực bản Xoan để chuyển qua hướng khác. Chúng tôi rút đi, để  lại bản Phiệt nguyên vẹn và còn nhiều sản vật. Vậy là kết thúc bốn ngày đóng chốt bồi dưỡng sức quân. Từ ngày mai sẽ trở lại với cơm nếp muối rang. Tiếc cũng chẳ làm gì bởi đời lính khi no lúc đói là thường.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #368 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2010, 08:34:43 pm »


               K18 là tiểu đoàn chủ công của E9B. Trong các trung đoàn của ta thì bao giờ cũng vậy. Mỗi D mạnh về một mặt nào đó và ở D chủ công thì bao giờ cũng có cán bộ chỉ huy chiến đấu vững hơn. Vững ở đây không chỉ là lòng dũng cảm, mà còn là ý chí, mưu mẹo, quyết tâm và xử lý tình huống nhanh nhậy. Trong K18 chúng tôi thì C7 là chủ công (C7 đã từng được phong anh hùng), còn C6 chúng tôi lại mạnh về chốt giữ. Tất nhiên trong một C lại có B chủ công, nhưng tính cách biệt giữa các B không rõ rệt  như các C trong tiểu đoàn. Chính vì thế mà trong khi C7 vẫn còn nằm lùi xa phía sau thì C6 và C5 cùng một B của C8 hỏa lực phải loay hoay ở phía trước để đánh địch nhỏ lẻ.

   Trở lại khu vực bản Xoan, C6 chúng tôi lại làm dự bị cho C5  theo hướng ngược huội Chăm-pi để lần lên gần ngã Ba Lào-ngam (nằm trên đường 23). Chỗ ngã ba này có một bản gọi là bản Phin. Để lại một B ở bờ nam Huội Chăm-pi, còn hai B quay trở lại bờ bắc Huội. Chúng tôi phải tổ chức đào nhiều căn hầm chữ A suốt dọc con đường mòn đi từ tuyến sau lên theo hướng này. Con đường này là do trinh sát đạp đường mà thành, chứ không có trên bản đồ. Chiều dài của đoạn cần đào hầm cũng tới gần hai cây số. Con đường này sẽ là trục đường chính để chúng tôi ra ngã Ba Lào-ngam nên trước sau gì cũng sẽ bị địch phát hiện và ném bom hay bắn pháo. Không có hầm dự bị để ẩn nấp tránh pháo trên suốt cả một giông đồi dài thì thật nguy hiểm khi phải cùi đạn và gạo qua đây. Không những thế, chúng tôi còn phải đào hầm xây dựng thêm một khu trú quân tạm ngay gần suối, trong một vườn chuối rừng rộng lớn. Đào hầm trong rừng già có cảm giác rất an toàn, nhưng đào hầm trong vườn chuối thì thấy nó trống trải lạnh lẽo thế nào ấy. Có lẽ vì nơi đây ẩm ướt, lắm muỗi và làm lối đi cũng rất bất tiện.

               Sau mấy hôm đào hầm, B tôi được làm nhiệm vụ cùi gạo và đạn ra tuyến trước. Vì đơn vị đã lót sẵn gạo và đạn ở vị trí trung gian, nên chúng tôi chỉ phải vận chuyển trên đoạn đường độ hơn một tiếng kể cả qua suối. Sau khi vượt huội Chăm-pi thì phải qua một cánh rừng nhỏ ven suối rồi, rồi ra một bãi trống chỉ toàn cây lúp xúp cao ngang đầu người, rộng tới sáu bảy trăm mét để tới khu rừng trú quân của C5. Ngay chỗ cửa rừng có một cái cây to cỡ gần hai vòng người ôm bị đổ, nằm xòa sát đất và chắn ngang đường. Các lính đi trước đã phạt bớt cành để tạo một lối đi trèo qua nó. Cái thân cây vướng cành nên nó không nằm hẳn sát đất mà còn kênh lên cách độ hơn hai chục phân. Chui qua dưới nó thì không được nên toàn phải trèo qua. Thân cây to quá nên ai muốn vượt qua nó cũng phải ôm rồi trườn qua, trông cứ như con nhái ôm cây tre ấy. Đí không còn đỡ, chứ vừa đeo súng vừa cùi gạo hay đạn thì rất khó khăn. Đi thêm nữa, đến lúc chuẩn bị vượt qua khu vực cây lúp xúp có nhiều bãi đất trống thì phải bẻ mỗi người một cành lá to rồi vừa đi qua đó vừa ngó nghé máy bay. Nghe thấy tiếng L19 là phải ngồi im, che cành lá lên đầu. Khi nó vòng xa thì lại nhổm người chạy nhanh một đoạn. Cứ như thế nên có khi phải mất đến mấy chục phút mới vượt qua được bãi trống. Hai ngày đầu không sao, đến ngày thứ ba khi vừa giao gạo xong cho C5, quay lại bãi trống thì chúng tôi gặp L19. Vì vội nên chúng tôi di chuyển hơi nhanh qua đó và bị L19 phát hiện. Khi thấy nó vừa chao cánh bắn xịt ra một quả pháo khói, anh Trịnh biết đã lộ nên hô chúng tôi vùng dậy vứt cây ù té chạy. Thế mà chỉ một tẹo sau thôi, hai chiếc T28 từ đâu đã vè vè bay đến, cứ như là nó phục kích sẵn ở đâu đó vậy. Khi chúng tôi vừa thoát vào đến cửa rừng thì cũng là lúc chiếc T28 đầu tiên chúi xuống thả bom. Chỉ còn mỗi cách ẩn nhanh vào rừng mới mong thoát. Cả 4 người chúng tôi cứ cắm đầu chạy, kệ cho bom nổ rầm rầm sau lưng. Chạy thoát đến suối rồi mới nằm vật ra thở. Một lúc sau, chợt nhớ ra chúng tôi hỏi nhau lúc chạy về có qua cái cây đổ không nhỉ, vì chúng tôi không ai còn nhớ đã vượt qua cái cây đổ đó như thế nào. Nhảy hay bay qua không biết nữa. Có lẽ giữa cái sống và cái chết, con người ta chợt có thêm sức mạnh phi thường thì phải.

              Mấy ngày sau đó, đám tân binh chúng tôi được học súng M79 và B40. Lúc này trong đơn vị chưa có B41. Người dạy là lính cũ thôi. Phần lý thuyết như tác dụng sát thương, liều phóng, nguyên lý đạn lõm… chỉ học sơ qua để biết. Chủ yếu là thao tác bắn súng. Phải lắp đạn như thế nào, bắn ra sao, địa hình nào thích hợp, tư thế bắn... là phải nghe kỹ mà nhớ. Tiếp theo là tập suông chứ không được bắn đạn thật. Rồi lại được học bắn rocket66 (M72) của địch. Ở chiến trường này, tụi bộ binh địch cũng chỉ có trang bị bản thân gọn nhẹ như lính ta. Súng bắn thẳng thì có AR15, cạc-bin. Hỏa lực tại chỗ có M79, trung liên Bar, cối 61 và mỗi thằng thường có thêm khẩu M72 bắn một lần. Cấp tiểu đoàn của chúng cũng có cối 81. Cả ta và địch đều không có đại liên. Như vậy có 3 loại vũ khí của địch mà chúng tôi có thể lấy để dùng lẫn gồm lựu đạn, cối cá nhân M79 và rocket M72. Còn những vũ khí khác thì phân biệt của địch của ta rõ ràng, không dùng lẫn.

               Một hôm tôi được cùng các anh lính cũ đi cải thiện. Chúng tôi ra trận địa bãi Đá lấy giấy dầu (vải tẩm dầu bọc đạn pháo của địch) về làm nến và sang vườn dứa cạnh đó bẻ dứa về làm thức ăn. Nơi đây khi trước lúc quân ta chưa đánh đến thì vẫn có bản và những nương rẫy của dân nằm sát ngay căn cứ địch. Vườn dứa rất to này cũng chỉ nằm cách hàng rào căn cứ độ trăm mét. Dân họ sống với địch cũng thân thiện. Tôi bắt đầu biết thế nào là nhiệm vụ đi "cải thiện" trong chiến trường. Đó là việc đi tìm những thứ ăn được đem về đơn vị làm thức ăn hay bổ sung cho nguồn quân lương còn ít ỏi của lính. Ở trận địa Bãi Đá, các anh còn dẫn tôi đi xem lại cửa mở khi trước, xem bố trí hầm của địch và ta đã đánh như thế nào để hình dung ra, sau này về còn học chiến thuật.

               Ngày 7 tháng 5 năm đó, cả tiểu đoàn được làm thịt một con bò, Chắc không phải kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức, mà đơn giản vì lâu quá rồi đơn vị chưa được ăn thịt. Thêm một điều quan trọng nữa là ngày mai chúng tôi lại phải ra khu vực bản Phin đánh địch, thay cho C5 về hậu cứ.…
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #369 vào lúc: 20 Tháng Ba, 2010, 06:29:55 pm »


               Chưa đến nửa đêm, khi suất cơm chiều có thịt bò còn chưa tiêu hết thì chúng tôi được lệnh hành quân. Lần này chúng tôi ra bản Phin, nằm cách ngã Ba Lào Ngam chừng độ cây số. Dân cũng chạy hết từ lâu. Trinh sát tiểu đoàn bám địch cho biết hiện trong bản không có địch. Ngoài căn cứ chính tại ngã Ba, bọn địch cũng nống ra đóng dã ngoại ven đường 231 nhưng còn cách bản khá xa.

               Một giờ sáng, trung đội tôi đã vào bản bố trí vị trí và tổ chức đào hầm. Hai trung đội còn lại nằm ngoài bản, lui xa đến mấy trăm mét. Bản Phin khá rộng, nhà sàn nhiều hơn, to hơn nhưng ít cây cối hơn bản Xoan. (Mấy năm qua ở Hà Nội có nhiều đại gia mới phất đua nhau lên vùng dân tộc mua nhà sàn và tháo ra chở về lắp ở Hà Nội hay ở các  trang trại đồng bằng cho có vẻ hoang dã. Tôi cũng đã ngó nghé qua vài nơi, nhưng những căn nhà sàn ấy thua xa các nhà sàn của dân Lào ở các bản to trên cao nguyên Bô-lô-ven, kể cả ở cái bản Phin này). Phần lớn các căn hầm của chúng tôi đều bố trí sát các căn nhà sàn để còn lợi dụng chúng mà tránh mảnh pháo. Cũng chỉ đào hầm bằng thôi. Đào gần nhà sàn còn dễ vì đất mềm chứ nếu đào hẳn dưới gầm nhà sàn thì đất cứng lắm vì đó là đất nện. Người Lào cũng thả rông gia súc nhưng đặc biệt không có cái kiểu buộc trâu bò dưới gầm sàn nên cũng khá vệ sinh và đỡ muỗi.

               Trời sáng, chúng tôi chia nhau ngồi chốt. Địch không vào bản, nhưng chúng nó cũng bố trí trận địa và đào công sự không cách xa bản bao nhiêu, vì sáng hôm đó chúng tôi nghe tiếng chúng nó chặt gỗ lạch cạch ở cánh rừng ngoài bản. Buổi chiều, anh Trịnh kéo tôi ra phía đầu bản và leo lên một cái nhà sàn ở phía đó. Nói thật là cũng hơi liều nếu như địch nó phục kích lại mình sát ngay bản thì coi như tiêu. Nghé qua một khe cửa sổ, chúng tôi nhìn ra được một bãi trống khá rộng. Chắc công sự của địch ở đám rừng phía bên kia bãi. Nhòm ngó được độ hơn chục phút, định mò về thì thấy có ba thằng địch xuất hiện và đi ra ở phía bên kia bãi trống. Chúng nó không phải định đi lùng sục vì chỉ có 3 thằng thì quá ít. Ba thằng đó bước rất thong thả ra bãi trống rồi hành động như các diễn viên phường tuồng. Một thằng vung tay chỉ về một hướng, thế là thằng cầm M79 "cốc" ngay một quả về hướng đó, nổ "oành". Tiếp theo thằng thứ ba lại trỏ tay về một hướng khác và một quả cối cá nhân lại "cốc…oành" về hướng ấy. Cứ như chúng nó chơi trò nghịch ngợm gì vậy. Đến lúc chúng nó "cốc…oành" hướng vào bản thì tôi và anh Trịnh giật mình. Chuồn thôi chứ không có khi chẳng phải đầu lại trúng tai thì phiền. Chúng tôi rút về hầm rồi mà vẫn cứ thấy tiếng nổ "cốc…oành" quả Đông quả Tây mãi như thế. Đúng là cái bọn thừa đạn. Anh Trịnh bảo có đạn bắn chơi thả sức như thế cho nên chúng nó mới đa phần bắn giỏi hơn ta, vì luyện tập thường xuyên thế mà lại. Nghĩ cũng phải. Quân ta không có đạn hỏa lực để bắn tập thật đã đành, ngay cả đạn AK khi về hậu cứ tít mãi đằng sau cũng đâu có được bắn chơi (hay thậm chí bắn chim chóc) để tập. Chỉ còn cách nâng cao trình độ qua các trận đánh thôi.

               Đêm đến, đại đội tăng cường thêm một B nữa vào Bản Phin. Chúng tôi bố trí lại hầm theo một hình cánh cung quây vào lòng bản. Hôm sau, vừa mới bảnh mắt, địch đã nã pháo và cối vào bản ầm ầm. Lại cảnh cây đổ nhà sập. Tụt người xuống cái hầm bằng được chắn trên nắp bằng hơn nửa mét đất mà cứ nghe tiếng đất dội nảy lên thình thình, mong trời khấn phật đừng có quả pháo nào rơi trúng vào hầm mình. Dập pháo được nửa tiếng thì bọn địch ngưng bắn và xua bộ binh vào. Chúng tôi khi đó chưa có ai bị thương vong, đã đón đánh chặn địch ngay từ đầu bản. Trong cảnh chiến trận ấy, tôi vẫn nhận rõ tiếng súng ta giòn hơn tiếng súng địch. Chúng tôi đứng trong công sự bắn ra, nhưng địch dựa vào địa hình là các cây hay các cột nhà bắn vào nên chúng cũng chẳng hề lép vế. Chúng nhiều đạn hơn nên bắn liên tục như vãi đạn. Phía ta, công bằng mà nói chỉ có AK là được hơn 200 viên đạn, còn B40 mỗi khẩu chỉ có 5, 6 quả đạn, M79 mỗi khẩu 40 viên nên cũng phải bắn dè sẻn. Trong ngày thì chẳng có ai tiếp tế đạn cho đâu, nên có nhìn thấy địch mới được bắn. Hai bên đã lộ diện thì khi địch muốn vào chỗ nào, chúng nó tập trung bắn dữ dội chỗ đó. Ta và địch đều không biết quân số của nhau, chỉ đoán áng chừng theo tiếng súng. Được chừng hai đợt xông vào bản bắn dữ dội như thế không ăn thua gì nên bọn địch rút ra. Cả hai bên đều không có tử sĩ.

               Đầu giờ chiều, đại trưởng Băng cho một tổ ra đầu bản thăm dò rồi quyết định kéo chúng tôi vượt hẳn ra ngoài bản phục sẵn để đánh địch bất ngờ nếu chúng vào tiếp trong bản. Chẳng còn thì giờ đào công sự, chúng tôi nằm phục một bên mé đường xe bò. Cứ nằm tơ hơ trên mặt đất như thế thấy lạnh lưng lắm. Giá có cái hầm dù bé cũng yên tâm hơn.

               Rồi địch lại bắn pháo vào bản. Cái bài nã pháo rồi dấn bộ binh là cách đánh muôn thuở của địch. Chúng tôi nằm ngoài bản nghe tiếng pháo nó ù ù xoèn xoẹt bay vượt qua đầu mình rồi nổ rầm trong bản mà cũng thấy hơi lạnh người. Tiếng đạn pháo lúc nó lao xuống đất mà gần chỗ mình thì thấy tiếng nó nặng lắm, cứ như đè mình xuống. Hết đợt pháo, chúng tôi ngỏng cổ lên nghe ngóng. Chẳng phải chờ lâu đã phát hiện thấy tốp địch đi đầu trên đường xe bò, chừng độ dăm tên. Chúng đi thưa và thận trọng, nhưng chắc không nghĩ chúng tôi mò hẳn ra đây phục sẵn nên cứ thong thả mà lọt vào đội hình quân ta. Không thể chờ tốp thứ hai vì chúng đi cách quá xa, đại đội ra lệnh nổ súng. B40 và AK tập trung quất ra đồng loạt rầm rầm nên chẳng thằng nào còn sống mà kịp bắn trả. Bọn địch ở tốp sau liền nằm ngay trên mặt đường mà bắn trả lại dữ dội nên chúng tôi cũng không thể xung phong ra mà thu súng. Nằm đấy cũng không ổn vì địa hình trống trải, chúng tôi phải rút ngay về bản, cứ lom khom ven đường đạp qua bãi tranh mà chạy. Pháo binh địch quả là lợi hại vì chúng tôi vừa về đến mấy cái nhà sàn là đạn pháo đã rót đến rồi. Chúng bắn rải từ đầu bản rồi chuyển làn sâu dần vào trong, đạn như đuổi theo sát nút chúng tôi vậy. Lại chúi xuống dưới mấy cái gầm nhà sàn. Lần này chúng dùng pháo lớn hơn hay sao ấy, nên nhà sàn trúng đạn là sập luôn. Hai B chúng tôi tản ra hai phía rìa bản. Mấy cái hầm đào hồi đêm trước không làm chúng tôi yên tâm vì nó mong manh quá nên chẳng ai chui xuống. Thế là cả bọn cứ chúi vào cái gầm nhà sàn nào to mà còn nguyên vẹn. Tôi cũng cảm thấy sợ, cứ bám theo anh Trịnh, rồi cả hai lao vào chỗ B trưởng Quân đang nấp. Anh ấy chửi rầm lên, bảo chúng mày tản ra ngay, muốn chết cả nút à. Nhưng giữa cái lúc đạn nổ rầm rầm như thế thì chạy đi đâu? Thôi, thà chết một đống còn hơn sống một người, chửi thì chửi, chúng tôi cũng cứ chúi vào. Cái cảm giác lúc đó hoang mang ghê sợ lắm, tưởng chết hết cả lũ đến nơi. Sau này chúng tôi có bị pháo bắn nhiều lần nhưng không hề giống cảm giác hôm ấy, vì đa phần là ở chốt có công sự chắc chắn, chết chỉ còn do số mà thôi.

               Hết đợt pháo, đại đội kiểm điểm quân số. Chỉ có một anh lính cũ ở B khác bị mảnh pháo vào bắp chân, còn B tôi không sao. Xem lại vũ khí thấy đạn hỏa lực bắn gần hết. Chiều tối, tất cả rút ra khỏi bản, về vị trí của 1 B bên ngoài cách xa bản tới năm trăm mét. Sau một ngày mệt rã rời, thế mà vẫn phải đào hầm hì hục cả đêm. Không còn cách nào khác. Căn hầm luôn là chiếc vỏ bọc như áo giáp và ấm áp che chở cho người lính nơi chiến trường.


Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM