Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:44:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323505 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #340 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2010, 09:20:14 am »

…..
         Được mấy ngày đầu cùi đạn gạo như thế cũng chưa có gì là vất vả lắm, mệt nhưng quen ngay. Đến ngày thứ 5 thì bắt đầu có thương binh. Cứ ba thằng một thương binh, cáng võng buộc đòn tre thay nhau khiêng. Bây giờ mới biết mặt nhé. Đeo quai ba-lô dù sao cũng êm ái, bây giờ cáng võng bằng cái đòn tre cứng nó tì vào vai đau lắm. Lính Hà Nội, thằng nào vốn dân ngoại thành đã quen gồng gánh còn đỡ, mấy thằng nội thành có gánh bao giờ, bây giờ mặt nhăn như bị. Đảo vai liên tục rồi lại đỡ bằng cả hai tay cho khỏi đau vai. Đoạn đường 4 tiếng đồng hồ cùi cõng trở nên vô tận. Đau nhất là những đoạn lên xuống dốc, cáng nó cứ chuội sượt trên vai thằng đi phía đầu thấp. Không hiểu sao cái trạm phẫu lại đặt xa trận địa thế không biết. Đi hết 4 giờ đồng hồ về gần đến khu hậu cứ D bộ K18 rồi, lại bàn giao cho đơn vị khác khiêng tiếp về tuyến sau hơn. Về đến nhà xuống suối ngồi nghỉ mãi vẫn không hết mệt. Cởi áo ra mà thương xót cho cái vai mình quá. Đỏ bầm tụ máu và đau ê ẩm. Hôm cáng thương binh đầu tiên về đến hậu cứ mà bã hết cả người, không muốn ăn cơm nữa dù vẫn đói. Hôm sau lại có lệnh đi cáng thương binh tiếp. Ôi cha mẹ ơi. Hôm đầu đau một thì hôm sau đau mười. Lót cả cái khăn mặt vào vai rồi mà đặt cái cáng lên nó đè như muốn lột da. Bây giờ mới biết thương cái kiếp con trâu con bò. Nó kéo cày, cái vai nổi u lên một cục chai to tướng. Thân trai này sắp thành con bò mất rồi. Còn đâu trong tim hình ảnh anh Lê Mã Lương đội mũ tai bèo, khoác tấm khăn dù đứng nghiêng người quạt Ak giữa trận tiền nữa.

          Hôm thứ ba nhóm bọn tôi phải cáng một thương binh bị thương vào chân. Trong nhóm có thằng Sưởng người to cao nhưng lại vốn dân công tử bột, con nhà giàu. Thằng này chẳng nể mặt ai đâu. Huấn luyện ngoài Bắc đứa nào va chạm với nó là nó chửi thẳng thừng, chẳng nể nang gì. Lần này tôi phải khiêng cùng nó mới khổ chứ. Nó vốn cao hơn tôi đến cả chục phân, nên phần nặng tất nhiên lúc nào cũng nghiêng về phía tôi. Đường không bằng phẳng nên cứ phải bước thấp bước cao mà tránh rễ cây rừng. Cáng thương binh đi trước hay sau đều khổ. Đi trước thì phải giữ cho cân mà chỉnh theo đường. Nhiều lúc nặng quá đi không vững, chân nam đá chân chiêu loạng choạng như thằng say rượu. Còn đi sau thì không nhìn rõ đường, thằng trước kéo thì cứ phải lao theo nó cho khỏi ngã. Lần này anh thương binh có lẽ cũng to con nên nặng lắm. Đã thế anh ấy còn rên la ghê lắm, nó đánh vào tinh thần làm cho người khiêng mệt thêm nhiều phần. Nghe kêu rên ghê quá, thằng Sưởng cáu tiết bảo:

        - Thôi ông ơi, ông làm ơn im cho chúng tôi nhờ. Đã nặng bỏ mẹ…

        Người thương binh không những không im mà vẫn kêu, có khi còn to hơn. Thằng Sưởng lại bảo:

         - Im đi không các bố mày vứt mẹ nó xuống đất bây giờ.

          Thế là lập tức ông thương binh nhỏm ngay dậy giữa võng, chỉ mặt thằng Sưởng bảo:

          - Này đồng chí tên là gì, ở đơn vị nào hả? Có biết tôi là ai không?

          Nghe thế bọn tôi cũng sợ. Lúc này nhìn kỹ vào võng thấy bố này vẫn đeo nguyên cả cái Xanh-tuya-rông có khẩu súng ngắn. Thảo nào mà cáng nặng thế. Chúng tôi không dám nói thêm gì, lặng lẽ cáng tiếp. Đến một đoạn đường dốc hơi trơn, thằng Sưởng trượt chân ngã. Tôi cũng ngã theo, hất ông thường binh lăn mấy vòng trên đất. Ông ấy gầm lên nhổm người dậy chửi ầm lên rồi rút súng ra dọa bắn. Bọn tôi sợ quá ù té chạy núp vào mấy bụi cây, bỏ mặc ông ấy đứng ngoài bãi dốc với cái chân băng trắng toát. Mãi sau anh Choát đi tới xin lỗi rồi dàn xếp lại người để khiêng tiếp. Thằng Sưởng lủi sang nhóm khác, dứt khoát không khiêng cùng tôi nữa. Thế là tôi đành chịu trận. Nhưng tôi dứt khoát không nói tên thằng Sưởng, dù ông thương binh gặng hỏi. Nhưng rồi cuối cùng ông ấy cũng biết chúng tôi là đám tân binh Hà Nội mới vào. Sau này chúng tôi biết ông thương binh hôm ấy là CTV của K16 (vẫn còn may vì không phải K18 chúng tôi). (Sau này ông ấy lên chính ủy Trung đoàn. Năm 2000, ông ấy là chính ủy QĐ1, hàm thiếu tướng rồi mới nghỉ hưu).

         Cáng thương binh mấy ngày mệt quá, chúng tôi chỉ mong được về các C để tham gia đánh nhau.  Cứ phải khiêng vác thương binh thế này mãi, nếu không gục ngã thì khéo cũng đến đảo ngũ mất thôi.

          Sau đợt ấy, chúng tôi gùi đạn cho C5. Hướng tác chiến quay sang phía khác vì trận đánh Bãi Đá đã xong rồi. Đêm hôm ấy chúng tôi được nghỉ lại ngoài tuyến trước cùng C5, đơn vị cũng vừa tham gia đánh Bãi Đá. Chúng tôi háo hức hỏi chuyện, còn các anh ấy trả lời và chuyện trò bình thản lắm, chẳng có gì là gay go ác liệt  hay hào hùng gì. Mọi việc xảy ra chỉ như chuyện thường ngày ở huyện vậy. Thế nên bọn tôi càng phục và càng náo nức. Đêm nằm hầm, hút thuốc thơm chiến lợi phẩm và thò cổ ngắm sao trên trời. Nói chung lính cũ già trước tuổi, khó đoán chính xác. Khi hỏi các anh vào chiến trường bao lâu, có anh bảo, bọn tớ vào cũng chỉ mới độ 3, 4 năm thôi. Ôi chao ôi. Từng ấy năm mà mới. Còn chúng tôi mới vào chưa được 2 tuần, chỉ mới cùi cõng thôi mà đã thấy lâu lâu rồi. Biết đến khi nào chúng tôi mới có được khoảng thời gian 3, 4 năm như các anh bây giờ. Đêm đó tôi xin được của một anh lính cũ một quả lựu đạn mỏ vịt của Mỹ. Cài nó vào Xanh-tuya-rông rồi lấy cái dây chun cột lại trông cũng ra dáng lắm.

          Hôm sau về hậu cứ được nghỉ một ngày, tôi rủ hai thằng nữa mò ra một cái suối gần đó để thử quả lựu đạn và cũng để kiếm ít cá. Tôi đã nghe nói nhiều về cái chuyện bộ đội đánh cá bằng lựu đạn. Chúng tôi lần mò ra cách nơi ở đến hơn một cây số, tìm một khúc suối sâu nước lặng. Nhìn xuống thấy có cá bơi. Mấy thằng tôi nấp sau tảng đá, làm đúng thao tác yếu lĩnh rồi ném quả lựu đạn xuống suối. Tiếng nổ không to lắm, chắc suối sâu. Chúng tôi mò ra vớt được một ít cá bé tí tẹo, chắc khoảng 3, 4 lạng. Đem về bếp, anh nuôi D bộ chỉ cười, nhưng cũng chiều lòng nấu cho chúng tôi nồi cháo cá gạo nếp. Không có gạo tẻ nên nồi cháo quánh lắm. Đứa nào ăn cũng khen ngon, nhưng thực chất lúc đó chắc đói và tự hào là kiếm được nên thấy thế thôi.

               Chúng tôi ở D bộ đã được chục ngày. Lúc đầu chúng tôi được phổ biến chờ các đơn vị ở tuyến trước rút về thì tiểu đoàn sẽ phân chia chúng tôi về các đại đội. Sau vì Tiểu đoàn vẫn còn ở phía trước dài ngày, nên chúng tôi được chia quân luôn. Các anh lính cũ của các C có việc về hậu cứ khi trở ra tuyến trước đã kết hợp đón và dẫn chúng tôi về đại đội. Chúng tôi được chia đều về 4 đại đội và tiểu đoàn bộ. Tôi được về C6, cùng với thằng Sưởng và thằng Thái "Pi-tơ" anh nuôi ngoài Bắc, lính thu dung của D36 mà khi trước tôi đã nhắc tới. Lúc này chúng tôi mới được phát súng đạn. Mỗi người nhận một khẩu AK cũ cùng hai trăm viên đạn. Bao xe không có nên ngoài băng lắp ở súng, chúng tôi phải cho băng còn lại vào ba-lô.

     …
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #341 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2010, 08:15:12 am »


               Lúc này C6 đang đứng chân phía trước. Từ D bộ, chúng tôi cũng phải đi hơn 6 giờ mới tới vị trí tập kết của đại đội. Có hai B đóng trên đỉnh một giông đồi. Cái giông đồi này chỉ rộng chừng dăm chục mét, nhưng dài tới hơn cây số. Toàn cây to kiểu rừng già. 4 thằng trong bọn tôi được chia về 2 B đó, còn lại tôi với thằng Đức (người huyện Từ Liêm) đi tiếp hơn nửa tiếng nữa. Lội qua một con suối to có tên là Huội Chăm-pi, lòng cạn mà cũng phải rộng tới hai chục mét, đi thêm hơn trăm mét nữa thì tới B5. Khu vực trú quân là vạt rừng thưa có nhiều cây lúp xúp. Địa hình không phẳng, các hầm phân tán. Hầm bếp anh nuôi gần suối, còn hầm của các A nằm rải rác men theo sườn dốc. Ở đây chỉ có đại trưởng và một B bộ binh. Trong các hầm đều có người. Chẳng thấy ai làm gì cả ngoài việc ôm cây súng ngồi ngay cửa hầm. Ở đây toàn hầm chữ A. Tôi được chỉ cho một căn hầm để cất ba-lô vào đó. Có một anh nói đơn vị đang ở chốt, tối mới về.

              Sẩm tối, từ một hướng trên dốc có mấy anh lính cũ chạy ào ào xuống. Đó là các anh từ trên chốt về. Một anh dừng lại chỗ hầm tôi ngồi, hạ cây B40 và cái ba-lô đạn xuống, rồi hỏi tôi: "Mày mới vào hả, tên gì?". Tôi xưng tên. Anh ấy cũng xưng tên là Trịnh, rồi nhoẻn miệng cười rất hiền và đưa cho tôi một túm dâu da to tướng, vỏ màu trắng hồng, ăn rất ngọt. Cũng là anh chạy xuống bếp đem lên một bọc cơm nếp, ít muối vừng bảo tôi cùng ăn. Chúng tôi ngồi ăn ngay trên miệng hầm, trời sập tối lúc nào không biết. Tôi nhanh chóng được biết sẽ ở cùng tiểu đội và cùng nằm chung hầm với anh. Đây là lần đầu tiên tôi được nằm hầm chữ A. Hầm dài hơn 2 mét và cũng phải rộng cỡ mét rưỡi. Tôi đưa tay sờ thấy hàng gỗ to cỡ cổ chân ken dày vách hầm. Đáy hầm trải cỏ tranh, rải ni-lon nên nằm trong cũng thấy ấm cúng ra phết. Mặc dù có nến bằng giấy dầu, nhưng ở đây không được đốt vì sợ ánh sáng. Các lính cũ hầu như ai cũng có đèn pin chiến lợi phẩm, che miếng giấy chỉ để một lỗ sáng nhỏ với ánh sáng mờ. Đêm đầu tiên tôi chưa phải gác. Các anh còn đi hội ý gì đó rồi anh Trịnh nói sáng sớm mai tôi sẽ ra chốt cùng anh.

               Đại đội trưởng C6 là anh Đỗ Kim Băng, người Nam Hà. Bổ sung vào đơn vị rồi phải đi chốt hay ra trận ngay, thực ra là điều rất bình thường đối với tất cả những người lính. Nhưng có một lý do khiến tôi được ra trận trước tất cả 6 thằng lính  Hà Nội khác trong C, sau này tôi mới biết. Số là nghe tin có lính Hà Nội vào, các thủ trưởng nghĩ ngay bọn tôi là công tử bột, không phải dân lao động. Thủ trưởng Băng hỏi anh Thiết quản lý xem trong đoàn Hà Nội có thằng nào là đoàn viên không. Trong 6 thằng chúng tôi có 3 đứa đã học hết lớp 10, nhưng cũng chỉ có tôi với thằng Đức là đoàn viên thanh niên thôi. (Cũng cần nói thêm là ngày đó, tuy đã vào lính, đã ra chiến trường nhưng không phải ai cũng được vào Đoàn. Tất cả bọn đoàn viên chúng tôi đều đã được kết nạp từ thời học phổ thông, chứ suốt cả 6 tháng huấn luyện cả chi đoàn đại đội huấn luyện của tôi tuy có thành lập và họp hành chiếu lệ dăm lần nhưng cũng không hề kết nạp ai cả). Vì thế mà tôi và thằng Đức được đưa ngay ra B5 là B đang chốt giữ tuyến trước. Thêm việc nữa là khi vừa bổ sung vào B thì thằng Đức lại đau bụng, nên tôi trở thành ứng cử viên duy nhất cho đoàn Hà Nội được ra trận để "xem chúng nó đánh đấm thế nào". Vậy là tôi trở thành thằng lính Hà Nội trong cái đoàn tân binh hơn hai trăm lính ấy ra trận đầu tiên và có cơ hội được nổ súng trước chúng nó.

               Đêm ấy nằm cùng hầm, anh Trịnh đem thuốc đầu lọc ra mời hút và trò chuyện cùng tôi một lúc. Thuốc lá là chiến lợi phẩm trận đánh tuần trước ở Bãi Đá. Nghe chuyện đánh nhau cứ ngon ơ như định sẵn. Anh Trịnh bảo ngày mai chúng ta sẽ ra chốt bản Xoan, ngoài đó đã đào  sẵn hầm chữ A rồi. Mỗi người một hầm, vị trí theo sự phân công. Địch vào thì đánh. Có gì chưa rõ thì cứ hỏi và nhìn lính cũ mà làm. Còn bây giờ đi ngủ để mai lấy sức đi sớm. Nếu muốn tè thì chui ra ngoài hầm mà tương vào rệ cỏ. Còn đi đồng thì nhớ cầm cái xẻng đào hố mèo xa xa một chút. Chấm hết.

               Vốn quen với mấy tháng hành quân Trường Sơn, nên tôi cũng nhanh chóng ngủ ngon lành, chẳng lạ lẫm cái gì cả. Sớm tờ mờ đất hôm sau, anh Trịnh thúc tôi dậy. Chưa quen địa hình nên vẫn anh Trịnh xuống suối lấy cho mỗi người một bi-đông nước và qua bếp lấy cơm. (Lại vẫn là cơm nếp, chuỗi thời gian ăn cơm nếp liên tục còn kéo dài đến hơn hai tháng nữa). Tôi tranh thủ đánh răng bằng ngón tay, còn rửa mặt thì từ nay chỉ có lúc nào qua suối mới biết đến rửa mặt. Ăn vội phần cơm sáng , túm nắm cơm còn lại vào tấm khăn dù (vải dù lính cũ có rất nhiều và tôi đã được anh Trịnh cho một miếng to bằng 4 chiếc khăn mùi-xoa. Gói cơm nếp bằng vải dù tuyệt lắm. Nó không bị hấp hơi, không dính bết và nhất là giặt rất nhanh khô). Tôi để ba-lô lại hầm, chỉ mang theo khẩu AK, hai băng đạn lắp sẵn cùng một bọc đạn AK gần 200 viên, được phát thêm một quả lựu đạn mỏ vịt nữa. Nhóm 4 người chúng tôi ra chốt bản Xoan, gồm anh Lạc A trưởng người Tuyên Quang, anh Hoài - Nam Hà, anh Trịnh - Hà Tây và tôi.  Anh Lạc mang súng cối cá nhân M79, còn tôi và anh Hoài mang AK. Men theo các sườn dốc và chui qua các hàng cây lúp xúp, chúng tôi đi chừng hơn 300 mét thì lọt vào một cái bản Lào bỏ không. Lối chúng tôi vào không phải là đường mà chỉ là do chúng tôi đạp rừng mà vào. Hướng đối diện mới có một con đường xe bò đi vào bản.

           Cả bản có chừng hơn chục nóc nhà, toàn nhà sàn khá to và đẹp. Cây ăn quả trồng nhiều trong bản, nhưng lúc này nổi bật là mấy cây dâu da to và rất sai quả. Dân cũng mới bỏ chạy nên vẫn còn bóng dáng gia súc. Các hầm chốt của chúng tôi nằm phía rìa bên này bản, nên nếu có địch vào thì chúng cũng phải vào hết trong bản thì mới gặp chúng tôi. Trận địa chính là trong lòng bản. Theo hướng nhìn vào bản thì tôi được bố trí hầm bên trái, anh Hoài hầm bên phải, còn anh Trịnh B40 và anh Lạc M79 ở giữa và hơi lùi lại phía sau. Tôi chẳng biết kế hoạch tác chiến là gì, chỉ biết nếu địch vào thì theo các anh lính cũ mà nổ súng. Tôi chỉ làm ngay được mỗi việc mà sau này trở thành thói quen trong suốt cả quãng đời cầm súng là cây AK của tôi luôn có sẵn một viên đạn lên nòng, bất cứ là đang ở tuyến trước hay về hậu cứ tuyến sau.

Logged

tycon
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #342 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2010, 10:24:16 pm »

 Năm mới chúc Chú và gia đình mạnh khỏe an khang thịnh vượng.
 Cháu vẫn thường xuyên theo dõi các bài viết của Chú, các bài viết về chiến trường Lào ít quá mà cháu rất muốn tìm hiểu về quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Bố cháu là cựu chiến binh chiến trường này, Bố cháu nhập ngũ năm 1967 thuộc sư đoàn 316 đến năm 1973 Bố cháu bị thương và được cho ra quân. Nhà cháu bây giờ còn giữ rất nhiều kỷ niệm chiến trường của Bố đó là vải dù, võng bằng dây dù...
 Rất mong được đọc các bài của chú.
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #343 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 10:12:54 am »

Em là lính sư 10 có mặt trên đoàn xe đi qua căn cứ Đồng dù trưa ngày 29/4/1975 để đánh thọc sâu vào SG.
Lần đầu tiên vào trang Web QUANSU và đọc bài của Bác TrongC6 em thấy bác viết rất hay, rất thực và xúc động. cảm ơn bác! Kính chúc bác khỏe và tích cực viết nhiều hơn nữa.     
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #344 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 03:09:54 pm »

Xin chào đ/c Bob.
Trên QSVN này, thế là bạn ở đơn vị gần gũi với tôi nhất trong chiến trường rồi đó. Chúng mình đã cùng chung một cánh trong cả 2 chiến dịch lớn 1975.
Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị đạn đánh Ban Mê Thuột, còn bọn tôi đánh Buôn Hồ và đường 14.
Chiến dịch HCM thì đơn vị bạn đánh thọc sâu vào SG, còn chúng tôi đánh Đồng Dù.
Chúng mình đã cùng có cảm nhận chung về không khí chiến thắng khi đó phải không bạn.
Các bài của lính thời trước 1975 còn ít, nhất là của QĐ 3.
Bạn vào đây viết bài chia lửa đi nhé.
Chờ bạn
Logged

bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #345 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 03:55:58 pm »

Chào bác trongc6, tôi mới vào QSVN tình cờ đọc bài bác viết về những kỷ niệm một thời "máu lửa". tôi rất thích (đồng cảm) cách viết của bác. Suy nghĩ và nhớ lại mà, trí nhớ của bác còn tốt lắm. Tôi cũng tham gia chiến trường từ 1970, Tham gia khá nhiều chiến dịch, khá nhiều trận, bị thương nặng nhẹ, cũng dăm bảy bận... Chiến dich 1975 (thần tốc) được tham từ mở đầu Buôn mê thuột , Nha trang cho đến trận cuối cùng: giải phóng SG... (nhiều kỷ niệm không quên được)Nhưng không viết được như bác. hoặc viết ra thì sợ người ta đánh giá; "Thằng cha này muốn kể công" nên hơi ngại.
Logged
pain
Thành viên
*
Bài viết: 421



« Trả lời #346 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 04:08:36 pm »

Chào mừng bác bob tham gia diễn đàn. Bác cứ viết theo hồi ức của mình thôi, không ai nói bác kể công đâu. Chúc bác khỏe và có nhiều bài viết về KCCM.
Logged

Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc. Đó là không...ham muốn gì nữa!!!
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #347 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 04:09:09 pm »

Chúc các bác lính "tiền 75" và bác TrongC6 một năm mới an khang mạnh khỏe, vạn sự như ý!  Cheesy

Trên này lính K thì nhiều. Lớp các bác thì hơi hiếm, nên các đàn em chỉ dám đọc thôi chứ cũng không biết gì nhiều để tham gia cho xôm. Nhưng cũng có mấy bác tiền 75 như PQ, Lixeta, Mig21_58 ...vẫn tham gia ọp ác đấy. Hôm nào tiện đầu xuân, kính mời các bác ly trà chén gụ, như tình đồng ngũ quân sử... Cheesy
Logged
daccong-tinhnhue
Thành viên
*
Bài viết: 800


« Trả lời #348 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 08:50:49 pm »

Chào bác trongc6, tôi mới vào QSVN tình cờ đọc bài bác viết về những kỷ niệm một thời "máu lửa". tôi rất thích (đồng cảm) cách viết của bác. Suy nghĩ và nhớ lại mà, trí nhớ của bác còn tốt lắm. Tôi cũng tham gia chiến trường từ 1970, Tham gia khá nhiều chiến dịch, khá nhiều trận, bị thương nặng nhẹ, cũng dăm bảy bận... Chiến dich 1975 (thần tốc) được tham từ mở đầu Buôn mê thuột , Nha trang cho đến trận cuối cùng: giải phóng SG... (nhiều kỷ niệm không quên được)Nhưng không viết được như bác. hoặc viết ra thì sợ người ta đánh giá; "Thằng cha này muốn kể công" nên hơi ngại.
Bác Bop à?Trươc lạ,sau quen thôi mà.Đa phần các CCB,toàn kể lại nhưng việc thật,chuyện thật mà mình đã trải qua trong các cuộc chiến,các bác ý có xuất thân là nhà văn,nhà báo đâu.Mà nhà văn,nhà báo Xịn chắc gì đã có những bài hay được như các CCB."Gái có công,chồng chẳng phụ" kiểu gì các bác cũng có Công cả,dù ít ,dù nhiều.Bàn tay còn có ngón dài,ngón ngắn mà,tránh sao được những lời nọ,kia.Nhưng việc ai,người lấy làm.Rât nhiều bạn đọc mong bác sớm" khai bút" đó.Cố lên-Cố lên Thái bình dương. Grin Kiss Grin
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #349 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2010, 09:10:06 pm »

Chào bác Bob.

        Đúng là lính KCCM mới chỉ có rất ít người vào viết trong QSVN, dù chỉ dăm bài. Lính trận thì mới có vài người. Tôi, bác Lixeta và bác PhongQuang cùng tuổi.
        Bác Bob vào chiến trường từ 1970, có thể nói là nhỉnh hơn mấy anh em tôi một chút đấy. Nếu ngày trước được vào đúng đơn vị bác, có khi lại được làm lính của bác cũng nên.

         B3 ác liệt và nổi tiếng cát cứ một thời, lính khổ nhiều hơn so với hai đầu chiến tuyến (B2 và B4,B5). Sư 10 khi đó đóng vùng Kontum phải không bác Bob (vì Sư 320 ở Gia Lai rồi). Còn Đắc Lăk khi đó đâu có quân mình, rừng sâu còn lắm cọp mà.

       Bác ở chiến trường từ 1970, tham gia nhiều chiến dịch, bị thương nhiều lần mà vẫn trụ lại, chắc khi thần tốc vô Sài Gòn bác đã là cán bộ C phải không.
        Bác kể chuyện đơn vị bác đi. Tôi tuy có ở B3, nhưng hiểu biết về chiến trường Tây Nguyên không được mấy, vì thời gian không dài.

      Bác viết chuyện đi nhé. Đừng ngại gì cả. Nếu kể công thì mình đã kể ở nơi khác, chứ trang QSVN chỉ là giúp ôn hồi ức thôi. Viết ra cho nó vui, để tạm quên đi cái cuộc sống nhọc nhằn đời thường ấy mà bác.

      Chờ bác, chờ một đàn anh lính cựu đấy nhé.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM