Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 12:26:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323503 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #330 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2010, 09:10:28 am »


              Chia quân, nhưng hầu như chúng tôi chưa có cảm giác khác lạ gì ngoài cái chuyện thủ trưởng dẫn quân của chúng tôi là người mới. Chúng tôi thấy yên tâm vì đó là chỉ huy ở trong chiến trường, chắc chắn dày dạn kinh nghiệm hơn cán bộ khung huấn luyện. Mọi lời nói các anh phát ra, chúng tôi đều chăm chú nghe và tuân lệnh răm rắp. Hơn nữa đội hình của đám chúng tôi cũng còn đông tới trên hai trăm thằng, nên vẫn còn nguyên cái nếp cũ.

               Chia quân xong, chia tay các thủ trưởng khung xong, chúng tôi được nghỉ lại một đêm yên ổn. Cũng cần nói thêm là từ hôm bắt đầu hành quân từ Hà Nam đất Bắc đến nay, chúng tôi chưa phải tổ chức gác đêm lần nào. Màn đêm buông xuống thì cứ yên tâm mà ngủ. Mặt trận còn xa thì tuyến đường này vẫn còn là hậu phương. Với lại có muốn gác cũng không ổn, vì đoàn quân chúng tôi không đủ vũ khí, lại không tổ chức chặt chẽ như ở ngoài Bắc thì cũng không biết phải gác thế nào.

        Sáng hôm sau, chúng tôi nhận gạo bổ sung. Mạng lưới hậu cần của ta vươn khắp mọi nơi, nhưng nơi đây thật quá đơn sơ. Kho gạo chỉ là một cái nhà be bé nằm cạnh một bản nhỏ, không to và chắc chắn như các kho của binh trạm trên Trường Sơn. Chúng tôi lĩnh gạo nếp. Lính tráng khoái quá vì gạo nếp vốn hiếm và quý hơn gạo tẻ mà. Tha hồ mà nấu cháo hay cơm nếp nhé. Cơm nếp nấu khéo còn ngon như xôi đồ ấy chứ. Lúc này chúng tôi vẫn ăn tiêu chuẩn 7 lạng/ngày, và vì cứ được lĩnh gạo bổ sung luôn nên chúng tôi chưa nhận ra được nguy cơ tiềm tàng của cái đói trong chiến trường. Cũng vì bây giờ là mùa khô nên đường vận chuyển vẫn thông suốt. (Nhưng cũng chẳng lâu nữa đâu. Khó khăn đằng trước mà chúng tôi đâu có biết thì cũng chỉ vài tháng sau là xảy ra. Gạo ăn tiêu chuẩn 3 lạng rồi 2 lạng/ngày thật quá ít ỏi với sức ăn và làm của lính tráng tuổi trai trẻ. Gạo tẻ còn đỡ, vì nấu cháo nó cũng nở ra ít nhiều. Khổ nhất là gạo đồ của TQ đựng trong bao nhựa xanh 50 kg. Hạt gạo đem nấu cứ trơ ra. Cứ cho gạo vào nồi, cho bao nhiêu nước cũng được, cứ đun cạn nước để một lúc là cơm chín. Còn định nấu cháo bằng thứ gạo đồ này thì đúng là bất khả thi. Nếu có cho ca gạo vào nồi, đổ cả một huyện nước vào đun thì rồi mãi tới khi cạn nước, nó cũng chỉ thành cơm, vì hạt gạo không nở. Còn gạo nếp, thú thực cũng không hơn, vì nó không nở. Nấu cháo ăn mãi cũng chán (mà đói), còn nấu cơm thì mỗi bữa được nắm to chưa bằng quả trứng vịt. Lại còn gặp lúc thiếu không có muối nữa thì "ôi thôi…").

               Lĩnh gạo buổi sáng thì buổi chiều hành quân luôn. Cung đường này sao xa thế. Đi suốt buổi chiều tới một dòng sông rộng. Tất cả được lệnh nấu cơm ăn khẩn trương để tối vượt sông. Nghe bảo đây cũng là sông Sê-kông. Sao lắm Sê-kong thế. Hóa ra con sông này chảy từ Việt Nam sang, qua đất Lào thì nó chảy ngoằn ngoèo như con rắn trước khi trở lại Việt nam, nên vượt sông mấy lần mà vẫn là nó. Chúng tôi vượt sông theo một cái ghềnh đá. Đoạn này lội được, nhưng nước chảy rất xiết, lại rất trơn. Chặt sẵn gậy chống rồi mà không biết có bao nhiêu là thằng bị ngã. Ngã rồi lại túm gậy, túm tay nhau kéo cho khỏi bị trôi theo dòng nước. Lội sông trong đêm tối mênh mông nước thấy rợn lắm. Thằng biết bơi còn tự nhủ nếu có gì bất trắc thì cứ cởi bỏ mẹ nó ba-lô, vứt hết mọi thứ mà bơi cho thoát, thằng không biết bơi thì run như cầy sấy, chỉ lo bỏ xác nơi đây làm mồi cho cá, hết cả mộng làm anh giải phóng hưởng cuộc đời đẹp nhất nơi trận tuyến đánh quân thù. Thế mà rồi cũng qua được hết, dù hầu như thằng nào cũng ướt (Ông thủ trưởng dẫn quân biết thế nào chúng tôi cũng ngã ướt hết rồi, nên trước lúc hành quân đã bắt tất cả quấn gạo bọc kín trong ni lon rồi cất vào trong ba-lô).

         Vượt sông xong rồi thì đi tiếp, ngay đêm đó chúng tôi vượt đường 23 để đi sang phía Tây. Con đường 23 kéo dài từ đường 9 chỗ ngã ba Mường Phìn, chạy thẳng xuống Nam rồi đâm vào ngay thị xã Sa-ra-van. Đến đây nó lại đi tiếp vào cao nguyên Bô-lô-ven, đến thị trấn Pắc-soòng. Lại chạy tiếp 50 cây số nữa theo hướng Tây Nam, đường 23 sẽ giao nhau với đường 13 từ Viên Chăn men sông Me-kông xuống tại Pắc-xế, thủ phủ của Chăm-Pa-Xắc, tỉnh cực Nam của đất bạn Lào. Không biết ngày xưa con đường 23 được xây dựng thế nào chứ lúc chúng tôi qua, nó cũng chỉ là con đường đất giống như con đường 9 mà chúng tôi qua độ trước. Có điều nơi đây quang đãng, chẳng có cây cỏ gì mọc xung quanh. Đi dọc qua nó một quãng dài mới biết là đường. Nơi này mà có xe chạy thì chẳng bao giờ sợ bị phục kích vì tầm nhìn quá rộng. Chúng tôi đi qua một khoảng đất nhỏ có thứ cây gì đó không cao, ít lá mà lá rất to, tưởng như có thể đếm được lá trên cây. Về sau có dịp trở lại tác chiến nơi này, gặp thứ cây đó giữa ban ngày nhiều hơn, chúng tôi mới biết đó là cây Khộp (hay khọoc), một thứ cây điển hình của vùng bình nguyên đất đá khô cằn.

              Lại phải qua một ngày hành quân đường xa và nắng nóng nữa. Bây giờ phải phơi đầu ra đi giữa trời nắng chang chang mới biết giá trị của tuyến đường trên Trường Sơn hầu như lúc nào cũng rợp bóng cây. Lúc ngồi nghỉ cũng ngồi luôn giữa trời nắng vì chẳng có bóng cây nào. Được cái không có bụi vì dưới chân toàn một thứ cỏ lưa thưa đã chết khô, loại cỏ như kiểu cỏ may mà trâu bò cũng không ăn được. Đến chiều thì tới một vạt rừng nhỏ có con suối to. Mệt nhưng cũng nhiều thằng tắm cho mát. Kiểu tắm xong lại mặc luôn quần áo cũ vào ấy mà, vì vẫn còn phải hành quân tiếp.

              Hôm sau chúng tôi lại lên đường từ sớm. Đơn vị lại vượt qua một con sông không lớn lắm, bây giờ không còn nhớ rõ chính xác tên sông là gì. Hình như là Xê-băng-phai thì phải. Chỗ vượt sát ngay một một cây cầu sắt bị sập. Cây cầu chắc chỉ dài hơn cái cầu Đuống lên ga Yên Viên (ngoài Bắc) một chút thôi. Qua sông là địa phận thị xã Sa-ra-van. Cái thị xã này không giống với sự tưởng tượng của tôi, vì tôi nghĩ nếu là thị xã thì nó cũng phải na ná như Phủ Lý, hay kém ra thì cũng phải như thị xã Hòa Bình, nhà cửa dọc đường chứ. Ở đây gọi là thị xã mà chẳng thấy nhà cửa gì. Đôi chỗ thấy có những nhà sàn đổ nát, nhưng có vẻ đó như cái bản nhỏ bên đường chứ không phải dãy nhà.

               Chúng tôi rẽ vào một con đường đất rộng và cứ đi dọc theo nó mãi. Từ đây bắt đầu làm quen với một loại đường gọi là đường xe bò. Các bản Lào nối với nhau bằng những con đường này để đi lại và vận chuyển. Phương tiện của nó là những cái xe na ná như xe bò ngoài nông thôn miền Bắc. Hai bên đường xe bò mọc nhiều loại lau lách. Hôm đó đi rất xa. Cuối chiều chúng tôi được dừng chân tại một cánh rừng rộng, cây thưa nhưng toàn là những cây rất to. Chỗ này gần một bản Lào, nhưng chúng tôi không được gặp dân. Nơi đây bắt đầu là địa bàn đóng quân của Trung đoàn 9B.

….
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #331 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2010, 10:18:59 pm »

....
(Tạm ngắt để nói về một việc ngày hôm nay)
...
      Cuộc hành quân bây giờ  mới là đầu tháng tư năm 1972. Nhưng xin tạm dừng lại để nói về một trận chiến đấu tấn công địch ở khu Xưởng cưa, sân bay  Sa-ra-van sau thời điểm này hơn 8 tháng. Trận đó đại đội tôi bị tổn thất nặng. Lính Hà Nội bị "dính" khá nhiều. Trong đêm tối hôm đó, có 2 người lính trong C tôi là Nguyễn Khả Nhật và Hoàn (cùng người huyện Từ Liêm) mải tấn công địch mà không thấy trở về đơn vị. Trung đội trưởng Lê Đức Chèo (người Đình Bảng, Từ Sơn, Hà Bắc) chỉ còn nhớ được bóng 2 người lính của mình vào phút cuối đã nhập nhoạng lẫn vào bóng đêm mờ dần chạy về hướng Tây Nam. Anh đã ghi vào cuốn nhật ký của mình một dòng chữ mang nội dung như thế.
Đêm hôm sau, chúng tôi cử một nhóm lần theo hướng đó đi tìm. Kết quả cuối cùng chỉ là thấy nhiều nấm mộ mới. Chúng tôi đoán các anh đã hy sinh và bị địch chôn cùng với lính chết trận của chúng. Lúc ấy, các anh chỉ được coi là mất tích.

      Sau đấy chúng tôi chuyển địa bàn như đèn cù rồi xa dần vùng đất ấy. Cuối mùa mưa năm sau, chúng tôi có quay trở lại vùng Sa-ra-van để quy tập hài cốt các liệt sĩ, trước khi chuyển chiến trường khác, nhưng trong số đó không có các anh Nhật và Hoàn, bởi không ai xác định đâu là nấm mộ của các anh. Báo cáo cuối cùng của đơn vị là đề nghị lên trên ghi tên các anh là Liệt sĩ.

        Sau năm 1975, anh Hoàn trở về trong diện trao trả tù binh. Khi ấy chúng tôi mới biết chắc Nguyễn Khả Nhật đã hy sinh. Hoàn về nhà buồn chán (cảnh tù binh trao trả thì các bác có thể hình dung phần nào số phận), rượu chè rồi ốm chết mấy năm trước.

         Còn gia đình của Nhật (Nhà có 4 anh em trai và 1 em gái, Nhật là con cả) vấn tiếp tục sang Hạ Lào để tìm kiếm hài cốt của anh. Các đội quy tập của Nghệ An và Thừa Thiên Huế trong những năm sau chiến tranh có sang Lào quy tập hài cốt bộ đội tình nguyện, nhưng không có Nhật trong danh sách đó. Điều này dễ hiểu vì Nhật hy sinh và được chôn cất trong trường hợp như tôi kể trên thì không ai dám xác nhận chính xác. Sau mấy lần sang Nam Lào, gia đình cũng chỉ tìm được khu vực Nhật hy sinh thôi chứ không xác định được mộ. Nhưng có một may mắn là nhờ chính quyền tỉnh Sa-ra-van giúp đỡ nên đã tìm được 2 người lính đối phương trong cái đơn vị ZM41 đã chiến đấu với chúng tôi ngày trước. Một trong hai người lính đó đã ném quả lựu đạn khiến Nhật hy sinh, còn người lính kia thì đã chôn cất Nhật. Nhưng thời gian trôi qua đã quá lâu, cảnh vật thay đổi, đô thị xây dựng nhiều, nấm mồ đã bị san bằng nên không thể xác định chính xác. Tháng trước, nhờ một nhà ngoại cảm trên Hòa Bình giúp, cử hẳn người em trai đi cùng sang đó. Nhà ngoại cảm đã tìm được chính xác vị trí, chính quyền địa phương của Bạn đã không ngần ngại phá cả một bức tường ở cái vị trí nghi ngờ ấy để đào bới. Cuối cùng đã tìm thấy hài cốt của Nhật, để gia đình đưa anh trở về.

        13h30 hôm nay (05/02/2010), chính quyền địa phương phường Mai Dịch đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Nguyễn Khả Nhật. Đồng đội cũ chúng tôi đã đến dự lễ truy điệu và cùng đưa anh về nơi vĩnh hằng ở nghĩa trang Nhổn. Nhiều người nguyên là Trung đoàn trưởng, Chính ủy Trung đoàn 9B đã tới dự. Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Trung doàn 9B Lê Khả Phiêu cũng đã gửi vòng hoa đến viếng.

        Tôi không chụp được ảnh vì không có phương tiện. Xin viết mấy dòng này để chia sẻ cùng đồng đội, cùng các CCB và nghiêng mình tưởng nhớ đến anh, người lính Hà Nội Nguyễn Khả Nhật trong cùng đại đội 6 quân tình nguyện thân yêu của tôi, đã ngã xuống trên chiến trường đất bạn, vì một sự nghiệp cao cả như lời Bác Hồ dạy quân tình nguyện chúng tôi: "Giúp bạn chính là giúp mình".

Logged

trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #332 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2010, 03:30:49 pm »

Cháu xin hỏi chú Trongc6 một tí,
Cháu có người nhà là CCB kể rằng: nhập ngũ năm 69 (Hà tĩnh), vào sư đoàn 968 chiến đấu giúp bạn Lào, nhưng sau đó lại thành bộ đội Trường Sơn bảo vệ các binh trạm, nhưng năm 75 lại trở về sư đoàn 968 tham gia chiến dịch HCM sau đó về trường quân chính binh đoàn 12. Như vậy bác ấy có cùng sư đoàn với chú không ạ ?
Cháu đang vận động bác ấy – tham gia quân sử kể chuyện chiến trường năm xưa  Smiley
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #333 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2010, 12:45:24 pm »

       @Trevn: Ông bác của bạn là lính sư 968, và Trung đoàn 9B chúng tôi cũng thuộc sư 968.
Theo bạn nói thì ông bác ấy chắc thuộc Trung đoàn 39 của sư 968. Trung đoàn này có từ năm 1968, nhưng lúc đó chỉ gọi là mặt trận 968 thôi. Năm 1970, thêm E9B và thành lập E19 thì mới gọi là sư 968. Sư 968 vừa thuộc Bộ đội Trường Sơn, vừa là quân tình nguyện Việt Lào, bạn ạ.
Logged

Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #334 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2010, 03:57:59 pm »

Bác trongc6 ạ, e9 của bác trước mậu thân là e9 của 304, năm 1968 vào Huế sau đó qua Lào tách khỏi 304. Theo như bác kể thì năm 1975 có qua 320 nữa phải không ạ. Cái trung đoàn này cũng lang thang đấy nhỉ. Hôm trước tôi có xem tivi thấy TBT Lê Khả Phiêu về thăm f968 ở Quảng Trị bây giờ nó lại về QK4.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #335 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2010, 09:10:19 pm »

Tiếp tuc cuộc hành quân của những ngày đầu tháng 4 năm 1972...

        Sáng dậy, chúng tôi được tập trung toàn đơn vị. Đây là lần đầu tiên hơn hai trăm thằng chúng tôi được tập trung gặp nhau. Thời gian gian qua chỉ toàn đi là đi theo đội hình đơn vị, nên biết là đi cùng nhau đấy, nhưng không dễ gặp nhau. Bây giờ gặp nhau, cùng trong đoàn quân mà cứ như từ những nơi nào về ấy, hỏi thăm nhau ầm ĩ. Tất cả được tập trung một chỗ học chính trị trong buổi sáng. Nội dung là học truyền thống Trung đoàn 9B.

               Chúng tôi háo hức nghe để biết mình được vào một đơn vị có tiếng tăm thế nào. Đại khái sơ sơ một vài ý chính mà chúng tôi còn nhớ đến tận bây giờ.

               Trung đoàn 9B được thành lập ngày 23/9/1947 tại Nông Cống, Thanh Hóa. Đó là một trung đoàn độc lập. Trong kháng chiến chống Pháp nó đã từng nhập về Đại đoàn 304, lập nên chiến công trên Đường số 6 (Xuân Mai) tháng 12 năm 1951 với thành tích một mình diệt xe tăng của anh hùng Cù chính Lan. Sau hòa bình 1954, Trung Đoàn 9 được nhân đôi.  Bản gốc tách ra và lấy tên 9B lại trở về Quân khu 4. Những năm sáu mươi, Trung đoàn 9B trở thành quân tình nguyện Việt Lào, cứ mùa khô sang Trung Lào chiến đấu, mùa mưa lại về Việt Nam củng cố. Xuân Mậu Thân 1968, Trung đoàn tham gia đánh Huế, giữ cờ trên cố đô 26 ngày đêm, với người chỉ huy là Tư lệnh kiêm chính ủy Lê Khả Phiêu. Hết đợt thì rút lên rừng. Sau năm 1969, khi tổng kho 61 trên rừng Trường Sơn thuộc địa phận Trị Thiên bị Mỹ Ngụy đánh chiếm và phá tan tành, Trung đoàn rút ra Bắc, an dưỡng và huấn luyện ở Quảng Bình. Cuối 1970, Trung đoàn làm dự bị cho Sư 2 Quảng Đà của tướng Nguyễn  Chơn đánh Nam Lào, rồi tiếp quản Sa-ra-van. Mặt trận 968 thành lập tháng 9/1968 vốn chỉ có một trung đoàn 39 (chuyên làm công tác dân vận), khi đó đã tiếp thu Trung đoàn 9B, thành lập thêm trung đoàn 19 để nâng cấp thành sư đoàn 968. Đây là sư đoàn bộ binh duy nhất trực thuộc bộ đội Trường Sơn (559) có nhiệm vụ bảo vệ hành lang Tây Nam của tuyến đường. (Đoàn 559 còn có một đơn vị cấp sư đoàn nữa là sư đoàn vận tải 471. Còn lại là các đơn vị như binh trạm, công binh, pháo cao xạ, đoàn xe… chỉ ở cấp Tiểu đoàn là chính). Hiện tại, Trung đoàn 39 vẫn làm công tác dân vận, Trung đoàn 19 đảm nhận vùng A-tô-pơ, còn Trung đoàn 9B đảm nhận cao nguyên Bô-lô-ven.

               Cái thông tin trên lúc đầu mới nghe chỉ ù ù cạc cạc nhớ được một ít. Về sau được học, được nhắc lại nhiều nên nó mới ngấm như thế.
 
              Buổi chiều chúng tôi được phát xẻng và đào hầm. Đây là căn hầm đầu tiên tôi phải đào trong chiến trường. Thực ra đó là cái hố thì đúng hơn vì nó không có nắp. Chẳng biết mục đích là để chúng tôi làm quen hay để đề phòng địch tập kích hoặc tránh máy bay. Thế mà chúng tôi chấp hành nghiêm ra phết. Không phải là sợ chết (chẳng đứa nào tin nơi đây đã có địch) mà đơn giản là lính thì phải phục tùng. Sau này, chuyển quân, ở hậu cứ chỗ nào chúng tôi cũng phải đào hầm nghiêm chỉnh. Tối thiểu phải có hầm chữ A. Ở lâu một chút phải làm thêm hầm thùng. Còn đi đánh nhau thì trận nào cũng phải đào ít nhất một cái hầm cá nhân, dù là đánh phục kích, đánh điểm hay đánh chốt. Có trận phục kích đón đuổi địch, trong có 2 ngày đêm mà mỗi thằng phải đào tới 3 hầm cá nhân. Các hầm chốt thì phải làm loại hầm chữ A thật chắc chắn. Nếu ở kiềng hay chốt công trình thì hầm chữ A phải to và đủ sâu để có thể chống được cả đạn pháo 105ly.

              Chiều hôm đó có mấy thằng đào xong hầm còn rủ nhau mò ra phía bản gần đấy. Đúng là dân Hà Nội chỉ biết đến đường nhựa mà dám học đòi dân vùng cao. Chúng nó thấy một cái cây có tổ ong to tướng trên đó, tưởng bở có mật, lại nghĩ ong nó hiền như ong nuôi nên chặt gậy ném. Cả bọn bị ong đuổi đốt chạy bằng chết. Một đứa số không may bị ong đốt mặt sưng như cái lệnh vỡ, mắt díp lại không còn nhìn thấy gì. Chỉ biết mỗi cái bài bôi vôi chống ong đốt, nhưng giữa chốn này lấy đâu ra vôi. May được thủ trưởng nhận quân có cái bình-tông mật ong (không hiểu sao ông ấy lại có mà mang bên người), lấy mật ong ra bôi lên khắp mặt cho nó. Tưởng bôi đùa làm phép, thế mà hôm sau mặt nó tẹt hẳn, lại hành quân được cùng anh em như thường. Đấy là bài học đầu tiên về sản vật rừng.

              Hôm sau chúng tôi hành quân tiếp. Từ đây thấy toàn đi theo đường xe bò. Đầu giờ chiều thì gặp mưa rất to, kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đường đi đã vào vùng cao nguyên Bô-lô-ven rồi và mùa mưa đã tới. Đi theo đường xe bò nên khá trơn, nhiều thằng vồ ếch. Mãi đến xẩm tối chúng tôi đến một hậu cứ, có các lán lợp cỏ tranh, có hầm thùng, trong đó có các sạp nằm bằng nứa ghép. Nghe nói đây là hậu cứ của C công binh. Đã có người nấu sẵn cơm, chúng tôi chỉ việc đi lấy cơm về ăn. Chẳng có đèn đóm gì, nên ăn xong là chúng tôi dọn chỗ ngủ. Ban đêm trời vẫn mưa rả rích.

             Buổi sáng trời tạnh. Chúng tôi được báo đi nhận cơm sáng, khẩn trương ăn rồi thu dọn mang ba-lô ra một bãi đất tập trung. Có thêm nhiều cán bộ cũ nữa đến. Chúng tôi bị tịch thu toàn bộ súng Ak (3 thằng có một khẩu), dao găm và hăng-gô. Hai món trên thì được, nhưng hăng-gô là vật dụng cá nhân cơ mà. Chúng tôi thắc mắc, nhưng vẫn bị thu, không í ó gì hết. (Sau này nghĩ lại, chắc các thủ trưởng khi đó muốn triệt nọc từ gốc "bài ca ống cóng" của lính, và cũng để có cái mà trang bị cho các ban bệ, trạm xá…của Trung đoàn. Sau này khi đã thành ma cũ rồi thì chúng tôi cũng tự kiếm cho mình một cái hăng-gô riêng từ các đợt tân binh vào sau. Của lính cũ rồi thì chẳng bố nào dám thu. Cái hăng-gô tôi mang về nhà sau chiến tranh làm kỷ niệm, bây giờ chuyên dùng để đựng mỡ là của một chú tân binh nào đó vào sau tôi cả năm, chứ không phải là cái tôi mang từ Bắc vào đâu).

          Sau đấy một thủ trưởng đọc tên lính chúng tôi để chia quân. Chúng tôi cũng chưa hình dung được các đơn vị trong trung đoàn khác nhau như thế nào, nhưng cứ đọc tên ai thì lại đứng ra thành tốp, có người nhận. Một đám 30 thằng trong đó có tôi được chia về K18, là tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn. Chia quân xong là chúng tôi lên đường về đơn vị ngay. Tiểu đoàn tôi đang đứng chân ở tuyến trước, xa nhất nên không thể chậm trễ. Chúng tôi phải qua 2 bản nhỏ rồi rẽ vào đi theo con đường xuyên rừng. Đường nhỏ, cây rừng quệt cả vào ba-lô. Có đoạn còn đi ngang qua vườn cà-phê của đồng bào. Buổi trưa dừng lại ăn cơm nếp nhận từ sáng. Sau bảy giờ hành quân, chúng tôi đến một cánh rừng già, hậu cứ của D bộ K18. Đơn vị đang ở tuyến trước nên hậu cứ chỉ còn ít người. Cả bọn được chia vào 3 lán. Cơm tối đã nấu sẵn. Hậu cứ ở đây có vẻ chắc chắn, sạch sẽ, nhưng đường xuống suối (và bếp ăn cũng ở dưới đó) xa quá, ngót 200 bậc nên lên xuống cũng ngại. Tối đó không phải là sinh hoạt chính thức, chỉ phổ biến qua loa nhiệm vụ rồi ngồi nói chuyện phiếm hỏi han nhau. Chúng tôi giới thiệu mình, rồi hỏi tình hình đơn vị với mấy anh lính cũ. Buổi nói chuyện diến ra rất thân mật, có nước chè và thuốc lá thơm có đầu lọc, chiến lợi phẩm tuyến trước gửi về. Sang thật.

Logged

Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #336 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2010, 09:39:00 pm »

Thế trận đánh Đồng Dù trung đoàn 9B của bác lại thuộc 320 phải không ? Sự "lang thang" của một số đơn vị kiểu như e9 mà sau này việc xác minh tìm mộ liệt sĩ rất khó khăn.
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #337 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2010, 09:51:25 pm »

@bác PhongQuang.

       Sư 320 thời chống Mỹ nằm địa bàn B3 (Tây Nguyên). Tháng 5/1973, Trung đoàn 52 của sư 320 bị rút đi bổ sung cho chiến trường Quảng trị (Nó nhập vào sư 325 thì phải). Thế là E9B bị cắt ra khỏi sư 968 và bổ sung cho sư 320A. Mãi đến tháng 8/1975, trung đoàn 9B mới trở lại đội hình sư 968 và ở đó cho đến ngày hôm nay. Đúng như bác PhongQuang đã nói, bây giờ sư 968 thuộc QK4 và đóng tại Quảng Trị
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #338 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2010, 09:30:26 pm »


            Lúc này cả tiểu đoàn K18 có tăng cường đang đánh một căn cứ địch gọi là Bãi đá nằm trên đường 23, nên cả bọn chúng tôi tạm thời ở lại tiểu đoàn bộ, do anh Choát, trợ lý tác chiến D phụ trách. Anh cho chúng tôi nghỉ một ngày tắm giặt, sau đó sẽ tham gia cùi đạn và gạo ra tuyến trước, đồng thời cáng thương binh về. Tối hôm trước trong bữa ăn các anh lính cũ có đãi chúng tôi món nấm xào. Nấm trắng, mềm và rất ngọt. Lúc ở nhà tôi cũng có thưởng thức mấy món nấm hương (của này hiếm, chỉ tết mới có một ít) hay nấm rơm, nhưng không so được với cái nấm ở đây. Đặt miếng nấm lên miệng thấy vừa mát vừa mịn. Vì chỉ được ăn nên chúng tôi không biết rõ hình thù cây nấm ra sao. Cứ nghĩ đơn giản như chuyện vào rừng hái nấm trong chuyện cổ tích. Hôm sau chúng tôi lang thang trong khu hậu cứ. Có đi xa cũng chỉ cách độ vài trăm mét. Rừng già, cây to lá đan kín, nhìn không thấy trời. D bộ làm nhiều lán thành các khu vực của từng đơn vị nhỏ, nối với nhau bằng các đường mòn tự tạo. Trong rừng rất nhiều sóc, ngoài ra không thấy con gì khác. Vẫn là cái đám sóc chuột bé tẹo tôi đã thấy ở trạm 5. Nhưng ở đây có cả sóc bay. Bọn sóc này cũng không to hơn bọn sóc chuột bao nhiêu. Ngồi im một chỗ đừng làm náo động thì chỉ một lúc là thấy sóc. Lần đầu tiên ngắm sóc bay thấy thú vị lắm. Giáo cụ trực quan sống về sinh vật rừng là đây chứ đâu. Tự nhiên thấy cuộc đời lính có vẻ thơ mộng quá. Thảo nào mà anh bộ đội trong bài "Nhạc rừng" hứng chí vừa đi vừa hát một mình trong rừng mà thấy đời lên hương.

          Đi dịch ra phía suối thì nấm nhiều vô kể. Chúng tôi thi nhau hái, đem về định đến tối tự nấu ăn với nhau (nấu vụng thôi, vì chúng tôi vẫn còn có ruốc mặn để làm gia vị. Có nó mà nấu với nấm chắc ngon hơn đứt món nấm tối qua chỉ sào với muối). Loanh quanh thế mà mãi gần tối vẫn chưa nấu được. Phần vì suối xa, phần vì không mượn được soong nên chúng tôi xếp gọn đám nấm vào góc nhà. Bữa cơm tối diễn ra với thức ăn mới là món kiệu sào. Ở ngoài Bắc chỉ nghe nói củ kiệu muối đem ăn với thịt lợn quay rất hợp, chứ lúc đó lấy đâu ra thịt lợn quay mà ăn với kiệu. Rất nhiều thằng còn chưa biết củ kiệu là gì. Mới nhìn thì nó na ná giống củ hành, nhưng củ của nó lại không to tròn như hành củ. Tất nhiên là vị khác rất nhiều. Chẳng ai đem xào hành không để ăn cơm bao giờ. Thế mà ở đây có món kiệu xào ăn lạ miệng mà ngon ra phết. (Sau này sống lâu ở Lào chúng tôi mới biết là cả cái vùng Nam Lào người ta không trồng và ăn hành bao giờ. Thâm chí chả bao giờ nhìn thấy cây hành. Nhưng người Lào trồng kiệu thành nương, có khi là cả một vùng đồi bát ngát. Bụi kiệu cũng gần giống bụi hành. Mùa mưa kiệu mọc tốt, đẻ nhánh rất nhanh. Có những bụi kiệu to bằng cả một vòng tay ôm. Kiệu đem xào, muối, luộc hay nấu canh đều được. Ngon nhất là kiệu muối, nhưng nhiều khi muối còn chả có thì đừng mơ kiệu muối). Chúng tôi tạm quên đi món nấm. Đến tối khi chúng tôi trở lại lán thì thấy cái đống nấm ban chiều của chúng tôi đang phát sáng rực lên ở góc nhà như ma trơi. Màu lân tinh sáng xanh rõ hình từng chiếc nấm. Chúng tôi gọi và kể chuyện cho các anh lính cũ. Họ cười bò ra rồi giải thích. Đó là một loại nấm độc. May mà chúng tôi chưa nấu ăn, chứ nếu đã nấu ăn vụng với nhau rồi thì ngộ độc không biết sẽ thế nào. Hú vía. Chúng tôi vội dẹp hết vứt xa phía sau nhà. Rồi các anh giảng giải cho chúng tôi. Lính mới vào thằng nào cũng lớ ngớ, cần phải chịu khó mà nghe và học hỏi lính cũ. Cứ tự ý làm mọi thứ có ngày đi ngủ với giun lúc nào không hay.

           Hôm sau một anh dẫn chúng tôi đi lấy nấm để chúng tôi tạm làm quen. Ngoài các nương rẫy của dân có những cây đổ nhưng không cháy hết khi đốt rẫy từ nhiều năm trước. Bây giờ trên đó thường có loại nấm trắng xòe như cái dẻ quạt, to lắm cũng chỉ cỡ bàn tay. Đó là nấm dai. Loại nấm này không mềm thịt, nhưng nấu nước rất ngọt. Loại thứ hai ngon hơn, đó là nấm mối mọc dưới đất, nhất là vùng đất ẩm có lá đã mục. Lúc sáng sớm nó đẩy đất nhô cái mũ lên như chiếc ô cụp. Sau đó nó nở rất nhanh. Chỉ trong một hai tiếng, cái mũ nấm đã xòe to ra như chiếc ô. Chính giữa mặt cái nấm có một vùng sậm như núm vú đàn bà. Những chiếc to, mũ rộng có đường kính tới 20, 25 phân, cao chừng hơn gang tay thì chỉ 3 chiếc là đủ bữa cho một tiểu đội bốn năm thằng. Hái lúc 9, 10 giờ là đẹp nhất. Để chậm, những con muỗi, con dĩn nó bâu vào ăn lỗ chỗ mặt nấm. Cây nấm mối già rất nhanh, đến chiều tối thì nó rũ ra, có khi thối ủng không còn ăn được nữa. Đấy là hai loại nấm dễ nhớ nhất. Nói chung cây nấm nào có con muỗi con dĩn (hay con sâu) ăn được là người cũng ăn được. Còn loại nấm hôm trước chúng tôi được ăn thì hiếm hơn phải tinh mới biết. Nghe vậy thôi nhưng tốt nhất là cứ đi theo các anh lính cũ cho nó chắc. Tất nhiên là đến một lúc nào đó thì chúng tôi cũng phải thành thạo.

          Liền suốt 10 ngày sau đó, anh Choát và một anh nữa chia chúng tôi làm hai nhóm thay nhau cùi đạn ra phía trước. Chúng tôi phải bỏ toàn bộ quân tư trang ra gói vào cái tăng cất trong lán, còn ba-lô đem đựng đạn hay gạo. Đạn cối 60 hay B40, B41 thì mỗi lính cùi 8 quả. Đạn cối 82 thì 5 quả. Nếu là gạo thì mỗi người 20 kg. Không phải là nhiều lắm, nhưng bước đầu như thế cũng đủ nặng. Đường ra trận địa Bãi Đá xa 4 giờ đồng hồ. Tất nhiên là đướng rừng và lội suối quanh co. Mỗi chuyến là hết một ngày. Trận đánh này hình như là vây ép nên đánh mấy ngày. Chỗ chúng tôi đem đạn và gạo ra cách trận địa một quả đồi to. Đó là khu bàn đạp. D bộ tiền phương đóng ở đó, hầm hố đàng hoàng. Khung cảnh khẩn trương nhưng vẫn an toàn, chúng tôi chỉ nghe tiếng súng nổ ùng oàng xa xa. Các anh lính cũ bảo chỗ này chỉ sợ máy bay hay pháo nó câu tới thôi. Giao đạn gạo xong rồi thì chúng tôi được ăn cơm (cơm nếp mang đi từ hậu cứ) rồi ngồi uống nước chè với lính cũ. Trong này chè có mà thiếu giống, có làm có uống, lính cũ bảo thế. Có lần chúng tôi còn được mời hút thuốc lá thơm có đầu lọc. Đó là thuốc chữ A của Lào. Có 2 loại đầu lọc: đỏ và trắng. Loại trắng có bạc hà hút thấy man mát trong lưỡi. Bao thuốc mềm trông rất đẹp, chữ loằng ngoằng như giun chỉ đọc được mỗi chữ A. Tôi bắt đầu tập tọng hút thuốc từ lúc này, toàn được lính cũ cho. Về sau tôi cũng nghiện thuốc từ lúc nào không biết. Ngày nào không có thuốc không thể chịu được. Rồi lúc đi đánh nhau luôn có ý thức trong đầu là sau trận đánh phải lục ba-lô và túi của lính địch chết để tìm thuốc lá. Thời gian ở Lào cũng chỉ có một loại thuốc lá chữ A thôi, không hề có loại thuốc nào khác. Hết thuốc thẳng (thuốc điếu trong bao) thì tự lấy lá thuốc của dân (dân Lào trồng ngoài nương nhiều lắm) về phơi hoặc sao lên, rồi quấn sâu kèn để hút.


Logged

dream_kgb
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #339 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2010, 01:47:13 pm »

Hôm nào ol cũng vào đây hóng, tiếp đi bác. Lâu quá ạ.  Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM