Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:38:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323492 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoangdang_hm
Thành viên
*
Bài viết: 182


« Trả lời #310 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 11:27:27 pm »

 Tiếp đi chú ơi, sao chú ngừng lại lâu thế  Smiley
Logged

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu.
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu.
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều!
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #311 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 10:47:35 pm »


               Sau một ngày nghỉ lại trạm T10 để nhận gạo, chúng tôi hành quân sang T11. Như vậy là cứ đi vài ngày lại nghỉ một ngày lấy sức. Đôi khi được nghỉ lặp nhiều hơn, vì trạm chưa có giao liên dẫn đường, hoặc có tình hình đột xuất nào đó, nhưng cỡ lính tráng lèm nhèm thì không thể biết rõ. Chúng tôi như đàn ngựa, con đầu đi đâu thì cả đàn theo đấy. Dừng thì cùng dừng. Vẫn là cái đội hình lính huấn luyện ngoài Bắc cùng nhau, dựa dẫm vào nhau nên chẳng phải lo lắng gì.

               Ở trạm T11 rừng rất thấp. Rặt một thứ cây gì đó lá mềm, to và mỏng. Thân cây nào to chỉ cỡ bắp chân, còn thì bé tẹo. Mắc võng nằm phải cột giằng mấy gốc mới đủ lực giữ. Không dám căng tăng, và cứ thấy nó trống huếch trống hoác thế nào ấy, nhất là khi trời còn sáng. Nhưng chịu khó rải lá khô ra, rồi trải ni-lon nằm thì thấy kín đáo hơn. Lúc mới vào chiến trường cứ thấy rừng già cây to cổ thụ cao vút che hết cả nắng thì yên tâm vì kín đáo. Nhưng thật ra những khu rừng thưa, rừng thấp, thậm chí rừng toàn lau lách, nếu giấu quân tốt thì đó mới thật là nơi an toàn. Rừng già mà chẳng may gần tuyến đường chiến lược thì bị ăn B52 lúc nào không biết. Nhưng đấy là kinh nghiệm về sau, còn lúc đó thì chỉ thấy sợ thôi. Nấu cơm mà vừa nấu vừa lo khói. Nhiều bãi khách có những bếp đào sẵn cho lính nấu cơm, hết đoàn này đến đoàn khác. Chúng tôi nghe biết nó là bếp Hoàng Cầm, nhưng cấu tạo ra sao chưa biết. Chỉ biết là đun ở các bếp đó không thấy có khói.

               Trạm T12 và T13 nằm dọc bên một con sông, hình như là sông Se Băng Hiêng. Sông ở đây dốc rất cao. Vì thế ở bãi khách mà ra sông lấy nước nấu cơm như đồng bào vùng cao đi gùi nước. Thằng nào đến phiên đó phải nấu cơm thì đúng là số ruồi. Những thằng không phải nấu cơm thì thậm chí nhiều thằng không đi rửa mặt mũi, chân tay vì ngại. Phải nhờ thằng khác lấy hộ bình tông nước dùng tạm qua đêm.

               Hôm vượt sông phải dậy từ 2 giờ sáng. Công binh mắc cho sợi dây soong chăng ngang mặt sông. Chỗ vượt là một cái ghềnh, đi qua các mỏm đá cho nông, nhưng nước chảy rất siết. Cái dây chăng cứ oặt ẹo, giằng qua giằng lại qua tay thằng này thằng khác, nên nhiều thằng mất đà ngã ướt hết. Cuối cùng thì cũng qua hết được sông. Không biết từ lúc nào, chúng tôi đã vứt hết giày. Vừa nặng, vừa khó dùng. Dép cao su đúc là ưu việt nhất. Càng về sau, chúng tôi càng thấy tác dụng to lớn không gì sánh được của đôi dép đúc. Vừa nhẹ, vừa bền, vừa chắc chắn. Nhưng dứt khoát phải có tất. Tốt nhất là tất len của bọn ngụy. Đi khô, đi ướt, đi bùn kiểu gì đôi tất cũng làm cho chân bám chặt vào dép, không bị trơn hay xoay vòng. Thế là sau chiếc mũ cối, đôi giày cao cổ phát cho lính vượt Trường Sơn đã cho thấy tác dụng kém của nó.

               Qua sông, chúng tôi tới một ngã ba rẽ sang nhánh khác và thay giao liên. Bây giờ là trạm T31. Do vượt sông ngã rơi gạo… chúng tôi phải ăn cháo một ngày và phải nhịn ăn một ngày trong điều kiện vẫn phải hành quân đủ một cung đường hơn hai chục cây số. Lính tráng làu bàu, nhưng chỉ có cây rừng nghe. Cả đội hình tụt tạt, lõng thõng. Thằng đi đầu tới trạm khách lăn ra ngủ đến hơn tiếng sau thằng cuối cùng mới tới. Nhe răng ra mà nhìn nhau, đói cả lũ một lượt. Hộp sữa bột 1 kg và cân đường cá nhân cũng chẳng mấy thằng còn. Đành lấy ra nhúm ruốc mặn khuấy vào ca nước suối mà ăn uống tạm.

               Hôm sau chúng tôi được lấy gạo bổ sung, ăn no, nghỉ một ngày chờ đêm hành quân vượt đường 9.

              Con đường 9 đã trải qua 1 năm kể từ chiến dịch đường 9 Nam Lào. Mùa khô mà lau lách hai bên đường vẫn cao vút, bò lấn ra con đường lâu ngày không người qua lại. Chúng tôi vượt đường 9 không phải theo hướng cắt vuông góc, mà phải đi dọc theo nó tới cả trăm mét. Không thể tin là mình đang đi qua con đường đã lừng danh sử sách. Đường đất, hẹp như một con đường miền trung du. Có lẽ con đường 4 qua Đông Khê, Thất khê đầy bông lau hai bên đường, nơi bộ đội ta mở chiến dịch Biên giới 1950 cũng giống thế này. Chẳng còn dấu tích nào của những trận đánh năm ngoái, hay nơi đây chỉ đơn thuần là con đường hành quân của những lữ đoàn dù ngụy? Thế mà chúng tôi vẫn phải ngậm tăm, lom khom chạy để vượt qua con đường thật nhanh. Mà có lẽ nơi này cũng gần với tuyến đường xe vận tải Trường Sơn rồi thì phải.
......

Logged

songvedem
Thành viên
*
Bài viết: 129



« Trả lời #312 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 06:50:02 am »

Mãi giờ cái ấn tượng sâu nhất với tôi thời ấy không phải là các trận đánh mà chính là các cuộc quân hành dai dẳng không biết đâu là đích. Mùa mưa 9h sáng hơi nước mù mịt trong rừng thẳm sau đêm ngủ mệt. Ngủ rừng không khí nó nặng lắm! Ngày nào cũng như ngày nào ... Mùa khô thì vạ vật đái ra mà uống, ăn cắp cả nước đái nhau mà uống, mà sống...

--------------------------
Em vừa xem Discovery tối qua xong, trong trường hợp bị đắm tàu hay lạc trong rừng, nếu cố uống nước biển hay nước tiểu thì sẽ bị khát hơn, bị tác động lên não và nhanh toi hơn nếu chỉ cố gắng nhịn bác ạ.
Cả anh Trung Sỹ và Bình Yên đều có đái ra mà uống khi đi rừng, có thể đây là liệu pháp tinh thần hơn là hiệu quả các bác nhỉ
Logged

Bỏ lại sau lưng nước mắt nhạt nhòa dĩ vãng
Bỏ lại sau lưng nỗi đau làm tim ta tan nát
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #313 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2009, 09:16:04 pm »

…..
              Đúng như vậy. Sau khi vượt qua đường 9 thì tình hình có nhiều điều khác hẳn. Chúng tôi chỉ đi được một chặng đến gần sông SeKong thì phải nghỉ. Từ đây vào, phòng không của ta yếu hơn nên máy bay địch hoạt động rất nhiều. Đường vượt sông của tuyến đi bộ sát ngay gần đường xe. Trong này không thể có cầu, xe ô-tô phải đi qua sông bằng đường ngầm. Nằm ở một cái trạm không ra trạm ngay gần bờ sông. Có lẽ cũng không phải bãi khách vì ở đây chỉ thấy vô số hầm nằm dọc hai bên đường. Rồi vào sâu hơn cũng thấy cảnh hầm dọc đường. Đa phần là hầm nắp bằng, nhưng cũng nhiều hầm chữ A. Có lẽ những hầm này dùng cho giao liên hoặc các đơn vị hành quân qua đường. Thật đúng là "…Trên đường ta ra tiền phương, có những căn hầm ven Trường Sơn. Hầm chở che ta trước giờ xuất kích, hầm cùng ta đi đánh giặc đêm ngày…" như lời một bài hát.

              Chúng tôi chưa thể vượt sông vì địch đang đánh phá rất mạnh. Phía ngầm địch thả pháo sáng suốt đêm. Tiếng máy bay nghe cứ ì ì. Vệt sáng của pháo sáng cứ nhập nhòe, chập chờn, chao đảo. Rồi tiếng súng nghe lùng tùng lúc xa lúc gần. Cảm giác rất lạ, vừa nôn nao, vừa là lạ như đang xem phim ngoài trời.

              Chúng tôi lấy nước nấu cơm, không phải dưới sông mà phải đi lùi lại một con suối xa đến cả tiếng đồng hồ. Cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa đi qua một bãi bom nào. Các cánh rừng đều có vẻ yên bình. Đến đêm thứ ba thì chúng tôi dược lệnh vượt sông. Nhận lệnh từ tối. Cả đơn vị đeo sẵn ba-lô ngồi ngủ vạ vật theo đội hình hàng dọc, đến tầm 3 giờ sáng thì được lệnh lên đường. Hành quân đêm không phải là lần đầu với chúng tôi, nhưng ở nơi chưa quen biết địa hình, đêm tối đen, tốc độ hành quân lại do giao liên quyết định, lúc nhanh lúc chậm nên chỗ nào cũng xảy ra cảnh thấy thằng trước đi vèo vèo thì mình vội vàng chạy bám theo kẻo lạc. Bất thình lình hàng quân dừng lại đột ngột, thế là thằng sau đâm sầm vào thằng trước ngã dúi dụi. Nhất là đoạn xuống dốc ra bờ sông thì ngã xoành xoạch.

              Cuối cùng thì chúng tôi cũng ra được đến bờ sông và lội qua sông dưới khung trời bàng bạc. Nước sâu đến ngang lưng. Có muốn đội ba-lô lên đầu cũng không được vì không quen, lại mỏi, thế là lại bị ướt mất nửa ba-lô. Tẳng sáng thì thằng lính cuối cùng cũng leo lên được bờ sông bên kia. Không được nghỉ mà phải cắm cúi hành quân hơn một tiếng nữa mới được lệnh dừng lại. Tất cả được phép nghỉ một tiếng rưới để nấu cơm. Chỗ này có khoảng bằng rất rộng, gần một con suối nhỏ nên chuyện cơm nước cũng dễ dàng. Hành quân tiếp đến chiều thì chúng tôi tới được bãi khách. Bãi khách rộng, hầm rất nhiều và tốt.

              Cạnh bãi khách có mấy căn nhà khá vững chắc. Chắc nơi đây từng là nhà chỉ huy hay trạm phẫu gì đó. Cột nhà to hơn bắp đùi, đều nhau chằn chặn, chẳng hiểu là thứ cây gì. Trong này làm nhà, cột nhà chỉ là thân cây lóc vỏ, thế mà loại cây này như là thứ cây không vỏ, nhẵn như kiểu thân cây chuối.

               Hôm sau hành quân qua một cánh rừng lớn, chúng tôi ngạc nhiên nhận ra loại cây có thứ gỗ làm cột nhà ở bãi khách đêm qua. Hóa ra đó là cây xương rồng. Nếu không tận mắt nhìn, chắc chẳng bao giờ tôi tin có thứ cây xương rồng to mà thân gỗ của nó làm được cột nhà. Cả một cánh rừng chỉ toàn cây xương rồng. Thân chúng mọc thẳng, cao vút và tự tróc hết vỏ. Có ngửa cổ nhìn lên cao tới 3, 4 mét mới thấy đám ngọn xương rồng xanh cằn cỗi. Tuổi thọ của chúng chắc không dưới vài chục năm.

              Sang đến chiều thì phải qua một khu rừng trông như những ruông dâu. Tất cả được lệnh bẻ mỗi thằng một cành cây to che đầu làm ngụy trang. Con đường qua cánh rừng này dài tới mấy trăm mét, lối mòn nhỏ như không có mấy người qua. Chắc là đường nhánh tránh con đường giao liên chính bị hỏng. Hàng quân cũng dài nên không phải qua ngay được cùng một lúc. Chợt có lệnh ngồi xuống tại chỗ và lấy cành cây che đầu vì có máy bay. Một lúc cũng nghe thấy tiếng máy bay thật, nhưng nó cứ o o… như ở mãi đâu. Rồi ngẩng đầu ngó lên trời thì cũng thấy một cái máy bay hai thân màu trắng bạc bay tít trên cao. Nhìn nó bé tẹo, không biết nó có nhìn thấy mình không. Đợi mãi đến khi nó vè vè đi đâu mất thì lại được lệnh lên đường.

               Từ hôm đó trở đi, nhiều lần chúng tôi phải đi qua các khu rừng thưa, hầu như đều gặp loại máy bay trinh sát này. Rồi được biết nó là OV10, chuyên thám thính cho B52 đánh bom. Sau này ở chiến trường, cuối năm 1972 ra Sa-ra-van đánh nhau, chúng tôi gặp loại này thường xuyên. Đi nhóm vài thằng thì cứ đậy lá nằm ngủ rồi ngắm nó bay vè vè cả ngày. Cũng có lần bị nó nghi ngờ gọi B52 đến. Chỉ nghe tiếng F105 bay thấp sạt cánh rừng trinh sát lần cuối rồi chưa đầy 10 phút sau thì bom đã rơi ngập đất. May mà ở rìa bãi bom, căn hầm chữ A bị lật trơ lên một bên vách, trơ khấc ra mấy thằng lính, nhưng người chỉ bị chút sức ép mà không chết ai.

               Dọc đường Trường Sơn, tiểu đoàn chúng tôi không bị dính bom trận nào. Thế những cũng phải đến dăm lần phải đi qua bãi bom B52 mới thả. Có một lần nghe tiếng bom ở xa mà rồi lại đi qua chính chỗ đó. Cây cối đổ ngổn ngang, cành là còn tươi nguyên. Mùi thuốc bom hòa mùi thân cây gãy còn ngai ngái, khen khét và có lúc ngửi như mùi đường cháy. Đi qua đó, dù chỉ là cắt ngang mà cũng vướng víu vô cùng. Nhưng giao liên bảo, đó mới là con đường an toàn nhất.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #314 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2009, 11:08:32 am »


   "…Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay,
   Đất Thánh hiên ngang "tút" ban ngày…"


               Chả hiểu cái câu đó do ai sáng tác, và bắt đầu có từ bao giờ. Khi chúng tôi vào bộ đội, thì được nghe câu đó từ các cán bộ khung. Nhắc nhở, giáo dục và răn đe, nhưng lính "tút" vẫn cứ "tút". Chúng tôi không coi đó là tội lỗi, chỉ xem như là tranh thủ, vì trước sau chúng tôi vẫn vào Nam và sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ và cuộc đời cho Tổ Quốc trong những trận chiến đấu đang chờ chúng tôi trong chiến trường.

               Đó là ngoài Bắc, còn đã vào đến Trường Sơn rồi thì không ai còn nghĩ đến chuyện quay lại. Tât cả chỉ có một hướng phía trước là con đường vào chiến trường. Mới chỉ vất vả thôi và trong lòng còn có niềm háo hức ra trận của tuổi trẻ. Mùa khô quả là mùa ra trận, và "… đường ra trận mùa này đẹp lắm…", đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, quả là không ai muốn hoặc có gan quay lại. Thế mà cái câu ".. Hà chuồn…" lại ứng đúng vào một buổi chiều, khi chúng tôi đang trên một cung đường thuộc đất bạn Lào ở tỉnh Sà-Vằn-Nà-Khẹt.

               Cung đường này không có dốc cao; rừng già, đường rộng và có lắm khe suối nhỏ. Hôm ấy đến phiên tôi mang khẩu AK. Mỗi tổ tam tam có một khẩu AK được phát từ ngày nhận quân trang ở Hà Nam với 20 viên đạn nên cứ quay vòng ba ngày là tới lượt mình. Chỉ có súng không, còn đạn do A trưởng cầm. Thằng này không phải mang súng. Thật đúng là chuyện quản lý dở hơi, vì nếu có gặp thám báo thì có súng mà không đạn thì còn vướng hơn, chạy đâu cho thoát. Nhưng hôm trước qua một trạm lấy gạo bổ sung, tôi lân la xin được một anh lính giữ kho của binh trạm hơn chục viên đạn. Thế là khoái lắm, tôi dấu kín trong ba-lô, coi như của riêng. Hôm nay đến lượt mang súng, tôi lắp luôn 3 viên vào băng, thế là dù sao mình cũng có vũ khí ra vũ khí. Tiểu đội tôi có thằng Nghị bị ốm (chưa phải là sốt rét), nên tôi mang đỡ ít đồ và đi cùng nó. Chúng tôi đi sau cùng đội hình, có thêm đại đội phó Hảo khóa đuôi. Lúc ăn cơm trưa, chúng tôi cũng ăn sau cùng, rồi lại lẽo đẽo đi sau đơn vị. Giao liên đã chỉ sẵn đường nên thủ trưởng Hảo rất yên tâm. Cả tốp đi chậm và phải nghỉ giải lao nhiều hơn so với cả đơn vị.

               Khoảng gần giữa chiều, chúng tôi ngồi nghỉ lại bên một con suối. Tôi đang duỗi chân tay khoan khoái trên một phiến đá, ngửa cổ nhìn lên tán cây cao vút của rừng già và ngó ngoáy nhìn quanh thì chợt thấy có làn khói mỏng ở khe suối phía xa. "Thám báo"! Tôi kêu lên rồi tụt ngay xuống khỏi mỏm đá, giương khẩu Ak (chưa kịp lên đạn) lên và vấy tay cho thủ trưởng Hảo. Tât cả cùng nằm bẹp xuống. Thủ trưởng Hảo rút cây K54 ra lăm lăm, nhưng cũng chưa ra lệnh gì. Có đến mấy phút trôi qua, không thấy gì, thủ trưởng mới bảo tôi đi xuống khe suối rồi tiến lại xem khói ấy là gì. Lính mới tò te, kinh nghiệm là số không, nhưng có khẩu AK trong tay nên tôi cũng vững dạ dò dẫm tiến lên. Trượt chân mấy lần thì tôi cũng mò tới nơi. Chỉ thấy có một cái hăng-gô treo trên hai chạc cây đang đỏ lửa, cạnh đó có một cái ba-lô như của lính chúng tôi mà không thấy có người. Thủ trưởng Hảo cũng tới nơi, nhanh chóng nhận ra đây là quân tư trang của một thằng lính Bắc đang nấu cháo, thấy động thì bỏ trốn. Đoán thằng này đang đảo ngũ, chúng tôi lần ra xung quanh tìm. Nó chắc cũng vừa mới chạy, lại bỏ quên ba-lô nên cũng không thể chuồn thẳng. Chúng tôi kiên nhẫn ngồi đợi. Độ chục phút sau, tôi phát hiện có bụi cây gần đó lay động, mò lại thì phát hiện một thằng lính mình. Nó thấy tôi có súng nên tất nhiên là sợ và phải chui ra ngay. Thằng này cao và dáng khỏe hơn tôi rất nhiều. Thủ trưởng Hảo bình tĩnh bảo nó ra ăn cháo cho khỏi đói rồi hỏi chuyện tỉ tê. Tất nhiên là cu cậu phải khai vì đã lâm vào thế bí. Hóa ra nó là lính đoàn Hà Tây, hành quân trước chúng tôi một ngày. Sớm nay nó trốn lại, và lần theo đường cũ quay ra, đến đây nấu cháo ăn thì bị chúng tôi phát hiện. Thế là nó phải cùng chúng tôi quay lại trạm khách, nơi đoàn của nó nghỉ đêm trước. Thằng này cũng tử tế, mang vác luôn đồ cho thằng Nghị để tất cả cùng đi cho nhanh.

               Chiều đó nhập vào được với đơn vị, tôi lại phải cùng thủ trưởng Hảo đưa nó vào giao cho Ban chỉ huy trạm. Lúc này tôi đã biết tên nó là Mạnh. Tuy không ủng hộ chuyện nó "B quay", nhưng trong lòng tôi cũng thấy nể nó một phần. Có mỗi cái ruột tượng gạo, vũ khí không mà dám một mình lặn lội theo kiểu chui lủi để tìm đường về nhà thì ghê thật. Thằng Mạnh được BCH Trạm tiếp nhận, còn chúng tôi ra về bãi khách.

               Hôm sau, chúng tôi lại hành quân tiếp. Đi chừng nửa tiếng, chúng tôi gặp một tốp giao liên binh trạm đi ngược chiều. Chợt trong đoàn có một thằng nhảy ra ôm chầm lấy tôi rồi túm hai tay lắc lắc. Tôi nhìn, nhận ra nó là thằng Mạnh đoàn Hà Tây gặp hôm qua. Nó bảo nó đã được nhận vào bổ sung làm lính binh trạm. làm nhiệm vụ cùi hàng, tải thương. Nó có vẻ mãn nguyện lắm, vì không phải vào Nam đánh nhau. Nó nói rối rít rồi vội chạy cho kịp toán giao liên. Tôi cũng nói vội câu chúc mừng nó. Thế là nó vừa toại nguyện không phải đánh nhau, vừa vẫn được phục vụ Tổ quốc, không phải mang tiếng đào ngũ, sống lao động cải tạo trong mấy cái trại thu dung ngoài Bắc.

               Cảnh đào ngũ trên con đường Trường Sơn, tôi cũng chỉ gặp một lần đó thôi. Sau này vào chiến trường, trải qua gian lao, vất vả và ác liệt, lính trong trung đoàn và cả nhứng đồng đội Hà Thành của tôi đảo ngũ rất nhiều. Nhưng đó lại là chuyện khác, chuyện của nhiều năm sau…


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #315 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 08:32:39 pm »

….
               Không chỉ những đường mòn chuyển quân, mà cả những con đường vận chuyển hàng bằng xe ô-tô trên Trường Sơn, phần lớn nằm vắt qua đất Lào. Ai cũng bảo có tuyến Đông và tuyến Tây Trường Sơn, nhưng những câu chuyện về các chiến sĩ công binh làm đường, làm ngầm và chuyện của cánh lính lái xe thì phần lớn đều mang dáng dấp rừng và địa danh Lào.

              Tuyến đường ống của bộ đội xăng dầu trên Trường Sơn cũng vậy. Nó tránh xa các con đường vận tải luôn bị bom Mỹ đánh phá vì nơi đó mất an toàn. Nó bám theo các tuyến đường mòn của đoàn quân đi bộ. Tôi biết điều đó vì không chỉ một lần, chúng tôi phát hiện thấy đường ống dẫn dầu. Nhiều đoạn qua khe hay sườn núi, nó nằm lộ thiên ngay trên mặt đất. Kẻ địch không thể đủ thám báo để tung ra mà lần mò khắp Trường Sơn, chứ đường ống dẫn dầu không phải là khó tìm. Có những lần nó nằm sát đường đi, ngồi nghỉ giải lao ven đường chỉ cách nó độ một mét.

              Lính tráng cũng là con người, nên có lúc, có thằng bộc lộ cái ngu hết sức ngớ ngẩn và dở hơi. Thằng Bình bên Đông Dư (Gia Lâm), một lần dừng chân giải lao thấy cái ống dẫn dầu đã dùng dao găm cậy cái nắp ở một chỗ nối. Đầu tiên là nó, rồi tất cả đám lính tại đó đều tranh nhau lấy xăng đổ bật lửa từ cái dòng xăng phọt ra không lấy gì làm mạnh đó. Hết khôn dồn đến dại. Lấy đủ hết xăng rồi thì không sao bịt lại được nữa. Cái dòng xăng ấy dù bé nhưng cũng chảy dần ra thấm đẫm cả một khoảng đất. Xăng cũng hòa vào không khí, bốc mùi ra một vùng rộng lớn xung quanh. Cán bộ và giao liên không ai biết. Đến lúc đứng dậy hành quân, một thằng ngu nào đó còn lấy bật lửa ra lách tách bật thử. Thế là cả đám cỏ xung quanh bừng cháy rất nhanh. Đám lửa lan nhanh ra cả khoảng đất thấm dầu, khói bốc cao. Thế là tất cả bỏ chạy. Bọn nghịch dại này nằm ở tốp sau cùng. Thấy bọn đằng sau rầm rầm chạy lên kèm theo khói lửa bốc cao, chúng tôi ngồi nghỉ phía trên cũng bật dậy chạy. Cứ thế, cả hành quân rùng rùng chạy. Chạy cho mau vì lúc đấy cũng chưa ai hiểu ra tình hình là thế nào. Lại sợ, lúc này mà có máy bay trinh sát OV-10 trên đầu thì chạy đằng trời. Tất cả xanh mặt. Cán bộ cũng phải chạy tới chạy lui, một lúc lâu sau mới hiểu ra tình thế. Mấy thằng hiểu biết một chút còn đoán là một lúc nữa thôi cả đoạn ống sẽ nổ như bom. Lính tráng sợ đã đành, mà cán bộ khung dẫn quân cũng sợ.

               May thay đám cháy lùi lại ở phía sau chắc tắt dần, vì không thấy khói bôc lên nữa. Không có nổ đường ống. Đám cây rừng quanh đó cũng không bị cháy để có thể gây ra cháy rừng. Sau này chúng tôi biết là đường ống dẫn dầu chỉ bơm từng trạm. Trong lòng đoạn ống khi đó chỉ còn lượng xăng dính ống nên khi bị thủng chỉ chảy ra ít và không đủ để gây cháy nổ đường ống. Thật hú vía.

              Rồi chúng tôi cũng an toàn đến được trạm khách sau. Đơn vị họp ngay để kiểm điểm, nhưng không đứa nào bị sao cả, vì thực ra cũng có tìm ra đứa nào bật lửa đâu. Tất cả lại lên đường tiếp tục hành quân. Về sau chúng tôi rút kinh nghiệm, xin luôn xăng của cánh lái xe khi gặp họ ở những trạm phải lấy gạo bổ sung.

*

              Không hiểu bắt nguồn từ đâu mà tít trên dãy núi Trường Sơn, có chỗ tưởng như là đỉnh cao nhất rôi, mà vẫn có nhiều suối. Mùa khô, nhiều con suối nhỏ và cạn đã đành, nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều con suối to. Chiều rộng dòng nước của nó cũng tới hai, ba mét. Có nhiều chỗ dòng chảy quẩn lại, nước rất sâu. Có lần dừng chân ở một bãi khách, lính tráng nhìn thấy cá, đem AK ra bắn mà cũng được cá. Một điều rất may là trước đó, chúng tôi đã được phổ biến kiểu truyền miệng là không được thò nòng AK xuống nước rồi bắn. Bắn kiểu đó nòng AK sẽ vỡ toắc ngay vì gây ra một thứ áp suất nào đó. Không đứa nào dám thử, nhưng chắc là như vậy. Vài con cá suối ranh, thế mà đem nấu cháo cũng thấy ngon tuyệt. Dọc Trường Sơn, chúng tôi đứa nào cũng thạo cái món tự nấu cháo bằng hăng-gô rồi thả tí ruốc vào. Lúc ấy là ruốc thịt, chưa biết tới ruốc cá. Cháo ruốc ngon tuyệt vời, nhất là trong cảnh lúc bấy giờ.

               Lúc ở nhà đọc chuyện cổ tích, tôi cứ nghĩ rừng có nhiều thứ ăn được lắm, và những cuộc đi chơi rừng sẽ vô cùng thơ mộng. Nào là hái nấm, nhặt hạt dẻ… Thực ra trong rừng cũng có rất nhiều thứ đó, sau này chúng tôi cũng có nhiều dịp hái nấm và nhặt hạt dẻ về rang ăn, nhưng lúc ấy dọc đường không thấy những của đó. Chẳng có rừng vải, rừng chuối, rừng mơ gì cả. Hành quân mùa khô nên hầu như không có rau ăn. Gặp Tre, gặp Vầu, gặp Bương, gặp Luồng… vô khối ra đấy, nhưng không phải mùa măng. Chỉ có đôi lần qua những đoạn có khe suối cạn, chúng tôi được giao liên chỉ cho cây rau tàu bay. Ngày ở nhà nghe cha chú kể nhiều về loại rau này trong kháng chiến ở Việt bắc, nhưng bây giờ mới biết. Rau mọc tốt, xanh um. Chúng tôi hái cả ôm mang theo, để đến khi tới trạm thì nấu ăn. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, hái dài ngoẵng, mang nặng. Lúc nhặt vẫn phải bấm ngọn non như nhặt rau muống, bỏ cọng già rất nhiều. Rau tàu bay lúc mới ăn thấy hơi hăng hắc, nhưng vì thiếu rau xanh lâu ngày nên chẳng để thừa tẹo nào. Nhiều người còn bảo ăn thứ rau ấy hay bị ngã nước, nhưng chắc không phải. Sau này có một thời gian mấy tháng trời, chúng tôi chỉ có thứ rau đó ăn. Hết luộc lại sào, nhưng theo tôi ngon nhất là rau tàu bay muối dưa. Dòn và đậm lắm.

               Không phải ở rừng chỗ nào cũng có rau tàu bay mà ăn đâu. Trong rừng mà ăn được nhiều nhất có lẽ là các thứ lá chua. Không chỉ cây bứa, mà còn nhiều loại cây lá chua khác, chả biết tên nó là gì. Cây chỉ nhỏ như cây mọc tái sinh, lá màu như lá sấu non. Vò ăn thấy chua chua, đem ngắt thả bừa vào nồi nấu canh, lùa cơm cũng dễ.

               Hết mơ rau lại đến mơ quả. Đi mãi ngày này qua ngày khác mà không gặp rừng cây ăn quả. Nhiều lúc cũng thấy thứ cây có quả, nhưng không ăn được. Đặc biệt có những thứ quả quái quỷ gì đó màu sắc cực đẹp, rực rỡ. Loại này chỉ có đem bày cho đẹp. Hỏi mấy anh giao liên, bọ bảo trong rừng quả gì càng đẹp, càng độc. Chớ có hái cắn thử mà có ngày chết. Thậm chí họ còn bảo có thứ quả chim ăn được, nhưng người không thể ăn được. Tốt nhất là nên hỏi lính cũ trong rừng chứ đừng có mà cắn bừa. Đấy cũng là những bài học vỡ lòng về rừng với lính mới chúng tôi…


Logged

hoangdang_hm
Thành viên
*
Bài viết: 182


« Trả lời #316 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:51:07 pm »

 Chú Trọng viết bài này hay quá, cháu có cảm giác như được ở cạnh chú, cùng chú đi về quá khứ , cùng với chú hành quân trên con đường năm nào. Chú viết nhanh thêm tí nữa nhé Smiley
Logged

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu.
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau
Trái tim cho ta nơi về nương náu.
Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều!
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #317 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 12:54:15 am »

             Đến trạm T10 thì chúng tôi bắt đầu vào địa phận tỉnh Sa-va-na-khet của Lào. Đêm đó gặp mưa. Chiến trường Lào mùa mưa đến sớm hơn chiến trường miền Nam một tháng, nhưng cơn mưa đầu mùa này cũng là cơn mưa đến sớm, vì lúc này mới là nửa đầu tháng 3. Mưa không to, nhưng dày hạt, kéo dài chừng hơn một giờ. Lần đầu tiên được hưởng mưa rừng Trường Sơn, được thấy tác dụng thứ nhất của tấm tăng bộ đội (cái từ tăng mà xuất phát gốc của nó là TANK, thì rồi mãi về sau chúng tôi mới hiểu hết). Lúc đó chưa khuya, nằm trên võng mà cảm nhận rõ cái tiếng rơi lộp bộp của những hạt mưa xuyên qua lớp lá rừng thưa đập vào mái tăng, ngay sát mặt mình chỉ chừng mấy chục phân. Cảm giác hơi lạnh… và nhớ nhà.

Nửa đêm về sáng, tâm hồn yên tỉnh, đọc giọng văn kể chuyện hành quân trầm buồn tha thiết của bác Trọng thấm lắm. Biết được thêm mùa mưa ở Lào đến sớm hơn mùa mưa ở Miền Nam Việt Nam một tháng.

Thấy cái cảnh nằm rừng đêm mưa dưới tán rừng, dưới tấm tăng nylon bộ đội của bác Trọng mà tự dưng tôi chạnh lòng nhớ lại cảnh hành quân truy quét năm nào ở biên giới Thái gần Đăng-cum (phía bắc ngã ba Con Voi 20km), nằm dưới cơn mưa rả rít dai dẳng, nghe tiếng mưa rơi lộp bột trên mái tăng, cảm nhận rõ dòng chảy của nước theo thân cây thấm vào dây võng quấn thân cây, thấm qua cọc phụ, thấm xuống dây giăng võng, rồi lan ra cả cái võng mình nằm, thấy cái lạnh đêm mưa, thấy cái ướt át khó chịu, thấy rõ cái khổ cực kỳ của đời lính rừng, vậy mà tuổi 20 bất chấp tất cả, sáng dậy vuơn vai, thay bộ đồ khô mình mặc ngũ ra nhét vào ba lô, mặc lại bộ đồ ướt hành quân tiếp...

Hình như bộ đội Việt Nam thời nào cũng khổ như nhau, nay nhắc lại cái khổ đó không thấy sợ, mà thấy nó lãng mạn mới chết chứ.  Grin Bởi thế tại sao thằng lính chiến về đời thường nó lại hơi gàn, hơi bất cần, hơi bất chấp... Có lẽ vì nó đã vượt qua được cái gian khổ của cuộc chiến, nó đã vươn lên một tầm cao mà chỉ nó tự cảm nhận và sau đó nó nhìn lại đời bằng một con mắt bao dung và phán xét.

Bao dung vì nó sẳn sàng tha thứ cho những sai lầm vấp váp của mỗi con người, nó sẳn sàng sẻ chia giúp đở những người khốn khó hơn nó và phán xét khi nó thấy một người nào đó làm ra vẽ ta đây là anh hùng, là lãnh đạo. Bởi vì anh nói miệng thì tôi chưa tin đâu, thử ra chiến trường tôi coi anh chiến đấu thế nào thì tôi mới tin. Khi chiến trận bùng lên, khi đạn bay pháo nổ, cái bản chất con người nó hiện ra ngay, trong cái ranh sống chết đó người lính nhận ra ai là anh hùng, ai là anh... xạo! Angry
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 01:47:23 am gửi bởi thượng sĩ Hùng » Logged
haanh
Thượng tá
*
Bài viết: 5795


HOT nhất forum


« Trả lời #318 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 01:39:02 am »

hehe đúng thật , lính ở rừng mùa mưa cực hết chổ nói , tăng lỡ đổi chó hết rồi cứ dầm mưa suốt ngày suốt đêm , quần áo hết khô lại ướt hết ước lại khô . Hành quân thì đở lạnh còn nằm trên võng thì cái gì teo được nó sun hết lại  Grin Hết đợt chiến dịch kéo dài gần 1 tháng mới được ra phum , ôi chao sao lúc đó thấy đời sung sướng quá , con gái K đứa nào cũng đẹp   Grin ( hehe 1 tuần sau nhìn lại tự trách mắt bị bù lệch ăn )
Logged

NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ .
trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #319 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 10:02:41 am »

Chú ts Hùng ơi @: đọc đâu đó trong quansuvn.net, cháu thấy bộ đội ta được hướng dẫn cách mắc võng làm sao để mưa không bị ướt phải không ạ - hay là nếu mưa rả rich cả đêm thì kiêu gi` cung bị ướt ạ ?
Cháu hỏi chú Haanh một tí: thấy các chú bộ đội hay đổi quần áo, tăng võng lấy các thứ để lien hoan, Vẫn biết là các chú đã trải qua và không sao cả, cháu vẫn thắc mắc là đổi hết đi rồi hành quân tác chiến rét mướt + muỗi nhiều như thế làm sao mà ngủ được, vì vất vả thì có thể chịu được nhưng mà thiếu ngủ thì thật sự mệt mỏi và không tỉnh táo (rất khập khiểng nhưng cháu lấy từ kinh nghiệm xem bong đá world cup ạ, nhiều khi sang hom sau đi xe máy còn ngủ gật ấy chứ  Grin)
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM