Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:38:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323493 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #270 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2009, 08:52:30 pm »

mục tiêu phấn đấu của mình trong quân đội chỉ đơn giản là làm sao lên được đến đại phó để có lúc được nếm gần nửa cân thịt lợn luộc cho nó thỏa mãn cái đời.
Anh nuôi có cái "lợi thế cạnh tranh" mà bác TrongC6 không biết dùng. Bọn tôi một bữa trong cơm có cục mỳ sợi to vón cục bị một ông nhiều di-ốp hắt ra ngoài. Một thằng không đeo kính kêu "từ từ", nhìn kỹ lại hoá ra một cục thịt nạc to bằng nắm tay. Phán đoán là chị nuôi A vùi cục thịt vào nồi cơm mới cạn thì chị nuôi B đảo chảo. Thế là các sĩ quan mới được chia 6 cái phần của 1 chị.
(sửa vì nhầm, khi mới SQ)
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2009, 04:54:01 am gửi bởi vitính » Logged
qua_den
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #271 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2009, 02:33:51 pm »

Tìm hiểu việc bắt chuẩn tướng Lý Tòng Bá, e tìm ra duoc hồi ký của đại tá ĐINH HỮU TẤN  nội dung
TẤM CĂN CƯỚC CỦA CHUẨN TƯỚNG LÝ TÒNG BÁ pót lên để các bác đánh giá
 

Lý Tòng Bá   giờ hiện ở USA
Với trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, trận đánh căn cứ liên hợp Đồng Dù-Củ Chi ngày 29-4-1975 thật sự là một trận đánh ác liệt.

 

Trong chiến dịch Tây Nguyên, trung đoàn tiêu diệt đồn Chư Sê ngày 7-3. Tiếp đó ngày 8-3, tiêu diệt chi khu Cẩm Ga-tức quân lỵ Thuần Mẫn, rồi phát triển đánh chiếm thị xã  Cheo Reo cùng sư đoàn truy kích địch rút chạy trên đường 7, bắt sống hàng nghìn tù binh thuộc lực lượng quân đoàn 2, quân khu 2 ngụy, giải phóng thị xã Tuy Hòa. Cả trung đoàn hy sinh 21 chiến sĩ. Trong trận đánh căn cứ Đồng Dù, nổ súng mở 12 hàng rào dây thép gai xong lúc 5 giờ mà đến 9 giờ 30 phút, bộ đội ta vẫn chưa vào được bên trong căn cứ của địch vì Lý Tòng Bá, chỉ huy sư đoàn 25 của ngụy kiêm chỉ huy trưởng căn cứ liên hợp này đã phái 12 chiếc xe tăng ra bịt cứng cửa mở. Y còn động viên binh lính dưới quyền: “Các chiến hữu cứ yên tâm chiến đấu, để tôi xem bọn cán binh Bắc kỳ “bụng toàn rau muống” này còn giở  được trò gì nữa” (tin ta thu được của bộ phận kỹ thuật A50 theo dõi sự chỉ huy của địch). Do vậy, khi trung đoàn dùng hỏa khí chống tăng bắn cháy được một số xe tăng của địch, bộ đội ta mới xung phong được vào bên trong căn cứ.

 

Trong trận này, anh  Lê  Quang Bình,  Trung đoàn trưởng (hiện nay anh Bình là Ủy viên thường vụ, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội khóa XI), tôi là Chính ủy trung đoàn. Chúng tôi kêu gọi các phân đội lùng bắt cho được Lý Tòng Bá, nhưng mãi gần tối mới bắt được tên tướng này. Khi ấy Lý Tòng Bá đã trút bỏ bộ quân phục, nói dối với bộ đội ta y là thầu khoán dân sự vào trong căn cứ để xây dựng nhà cửa cho quân sự thuê, nên bộ đội ta đã thả cho  y chạy trốn ra bến xe  Củ  Chi, ngồi đợi xe ca trốn về Sài Gòn.  May nhờ có các cô du kích Củ Chi chỉ cho bộ đội ta đi tuần tra nên bắt được tên tướng rất nhiều tham vọng này. Khi anh em giải Lý Tòng Bá đến, tôi bắt trình và giữ luôn thẻ căn cước của hắn. Kết thúc trận đánh, hoàn thành nhiệm vụ “mở cánh cửa sắt ở tây bắc Sài Gòn” để cho Sư đoàn 10 và các đơn vị phối  thuộc làm nhiệm vụ thọc sâu của quân đoàn tiến vào đánh chiếm các mục tiêu lớn như sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu quân đội ngụy, trung đoàn đã hy sinh 61 chiến sĩ gấp 3 lần số liệt sĩ của trung đoàn đã hy sinh trong 25 ngày của chiến dịch Tây Nguyên.

 

Tôi đã giữ chiếc căn cước của tên chuẩn tướng Lý Tòng Bá cho đến nay. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc ta, của quân đội ta, tôi đã báo cho anh Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, xin tặng lại hiện vật này cho nhà bảo tàng.

 

Trích Sự Kiện & Nhân Chứng

Ngày 22 tháng 04 năm 2005

ĐDTB, ngày 18/12/05

Logged
MUCTAU
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 534


« Trả lời #272 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2009, 03:18:05 am »

 Thức nguyên đêm đọc lại topic này . Bác Trọng kể chuyện chống fulro đi . Ngày trước nghe mấy anh ở đ/v biên phòng kể hay lắm .
 Nữa đi anh !
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #273 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2009, 06:32:19 pm »

Hôm nay hội lính 4/9/71 chúng tôi tổ chức gặp mặt nhân 39 năm ngày nhập ngũ tại quán Lã Vọng 181 Đê La Thành. Tất cả chừng 200 người.
Ngoài đoàn văn công, khách mời chừng bảy tám chục người thì lính 4/9/71 chúng tôi cũng đủ hơn trăm. Đợt bọn tôi đi là 1800 thằng, nhưng chỉ có chừng 450 thằng vào 2 E của F968. Các thủ trưởng cũ của 2 E 9 và 19 về dự nhiều. Đại tá nhiều nhưng không có tướng (Bác L.K. Phiêu, bác Vũ Xuân Sinh không tới dự).
Hò hét như trẻ con, cười đùa hết mình.
Nhiều thằng giờ là tổng GĐ các công ty nên tài trợ nhiều, kinh phí thoải mái.
Ra về khản hết cả cổ.
Logged

binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #274 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2009, 10:31:46 pm »

 Bên bác tổ chức vui thế , chắc bia và gụ chảy thành suối . Cho em ké chia vui với các bác , chúc các bác hàng ngày có thêm niềm vui hơn nữa , nhưng cũng nên uống ít thôi để còn ra về trong an toàn .
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #275 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 08:15:04 am »

( Lại tắc bọp tiếp vài phát súng lẻ làm nền cho chuyện chiến đấu của bác Bình Yên bên "Mũi chính diện...")
------

              Những ngày đầu tháng 2/1972, tiểu đoàn huy động các C cử người ra khu ruộng cạn của dân cạnh đường cái để đắp sân khấu. Không hiểu cái đợt nhập ngũ của chúng tôi có tầm quan trọng gì mà được ưu tiên nhiều thế. Độ trước thì được Đại tướng đến thăm. Bây giờ nghe nói là sẽ được đón đoàn văn công TCCT về biểu diễn. Với lính tráng thì đơn giản nhất là đắp sân khấu đất. Chả phải tốn vật liệu gì, còn công lính thì yên tâm đi, nhiều như… nước sông mà.

              Ngày thứ bảy đầu tiên của tháng 2 đó, đoàn văn công về thật. Chúng tôi được ăn cơm chiều sớm rồi hành quân tập kết đến khu sân khấu. Cả tiểu đoàn ngồi thành hàng lối, súng ai nấy cầm, để tựa vai và tất nhiên là không có đạn. Đoàn văn công về biểu diễn chủ yếu là hát, nhạc và độc tấu nhạc, không có múa. Tôi chỉ còn nhớ nhất diễn viên Kim Quy hát bài "Người ở đừng về". Tất nhiên là còn nhiều tiết mục hay khác nữa.

               Sáng hôm sau, cả tiểu đoàn báo động sớm, sắp xếp ba-lô rồi nhận lệnh hành quân về Hà Nội. Đợt dã ngoại xa này đã kết thúc đợt huấn luyện quân và chúng tôi chuẩn bị vào chiến trường. Tiểu đoàn trưởng đọc lệnh hành quân, tuyên bố chúng tôi đã hành quân dã ngoại mang vác nặng đủ 400 cây số. Còn thiếu 100 cây nữa mới đủ tiêu chuẩn đi B, thì từ đây về Hà Nội hơn 100 cây sô, cộng vào là đủ tiêu chuẩn. Thế là cả đoàn quân hăm hở lên đường. Không hiểu sao buổi sáng hôm ấy phấn khích lắm, không thấy mệt bao nhiêu. Thằng Thái Pi-tơ (và cả nhóm 4 thằng anh nuôi) được biên chế vào các B để đợt này vào Nam luôn, không phải ở lại làm anh nuôi nữa. Cái ba lô của nó lép xẹp, lại không phải mang súng (còn soong nồi thì ô-tô tiểu đoàn đã chở đi rồi, kỳ này chúng tôi tập nấu ăn theo từng A), nên nó phởn chí vừa đi vừa hát. Thằng này có biệt tài âm nhạc. Nó hát lại đúng theo các bài mà các anh chị văn công đã hát tối qua. Nó uốn giọng theo diễn viên, kể cả giọng nữ nghe cũng lả lướt mềm mại lắm. Nó làm chúng tôi không thấy mệt vì như được nghe lại buổi biểu diễn. Đoan đường rút ngắn lại dần.

               Tôi còn có một niềm vui khác ở nông trường cam. Lần này tôi không được đi tiền trạm, nhưng nếu đêm nay dừng chân ở khu nông trường cam bữa trước thì tôi cũng sẽ gặp được Hoa. Sẽ có người giúp tôi tìm Hoa, đó là vợ chồng cô giáo người Kinh, chủ nhà bữa đó tôi ở.
             Nhưng số phận con người ta quả là do ông trời sắp đặt. Khi còn cách nông trường cam rất xa thì đơn vị tôi lại rẽ theo một con đường khác để về Hà Nội theo hướng Kim Bôi. (con đường này là đường 128 hay gì đó, nghe nói do TNXP làm từ thời mới hòa bình 1954). Tôi hẫng cả người, rồi từ đó cứ lầm lũi đi, không còn nghe cả tiếng thằng Thái "pi-tơ" hát hay thôi lúc nào nữa. Tôi còn phải nghĩ vơ vẩn về cô giáo Hoa cho đến hết ngày hành quân đó. Thôi, số trời là vậy. Nhưng chắc Hoa cũng chẳng giận tôi hay phải buồn nhiều, vì tình cảm của chúng tôi chưa có bao nhiêu. Rồi cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng có lẽ cô ấy cũng trách cái thằng trai Hà Nội không có được cái thật mộc mạc của những người dân tộc như cô. Tự nhiên tôi lại nghĩ quẩn là nếu vào trong kia, tôi ngã xuống trong một trận đánh nào đó, rồi tin tôi hy sinh được báo tới cô, thì khi đó cô sẽ ra bên bờ suối cạnh trường, nơi có những vườn cải xanh mướt, ngồi khóc một mình rồi tha thứ hết cho tôi. Hoa ơi, thôi anh đi đây. Bao giờ anh cũng là người có lỗi mà chẳng biết làm thế nào được. Đành đổ lỗi tất cả cho chiến tranh vậy, em nhé.

              Cũng từ đó, tôi không còn tin gì của Hoa và cũng không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.
   …

               Tối hôm đó chúng tôi dừng chân ở một bản Mường thuộc huyện Kim Bôi. Không phải sinh hoạt nhiều, nhưng có một việc phải làm là mỗi lính chuẩn bị một bó củi độ 5 kg. Củi sẵn đầy sân, dân cho, chỉ việc sắp lại và bó cho gọn. kế hoạch là ngày mai chúng tôi sẽ dừng chân ở Quốc Oai, đem sẵn củi ở rừng về để không làm phiền dân.

              Ngày hôm sau, cả đơn vị hành quân cẳt qua Lương Sơn, đường số 6 về Quốc Oai. Chúng tôi nghỉ nhờ ở một xã khác chứ không phải cái xã hôm chúng tôi lên Hòa Bình 6 tháng trước. Về đến đồng bằng, lại đúng ngày 23 ông Công ông Táo, nên không khí tết đã rõ rệt lắm, dù khi ấy thành thị nông thôn đều nghèo như nhau. Phú quý mới sinh lễ nghĩa. Ngày đó cả nước nghèo nên ngày 23 cũng chỉ là ngày nhắc nhở sắp tết thôi, không có cúng lễ lằng nhằng như sau này. Nhưng dù sao cũng có chút không khí tết. Ở phố thì nhộn nhịp tem phiếu mua chút hàng tết, còn nông thôn thì đã chuẩn bị lá dong, đụng lợn, tát ao bắt cá… nên cũng náo nức.

              Cuối chiều ngày thứ ba của cuộc hành quân huấn luyện cuối cùng, chúng tôi về đến Đại Mỗ, Hà Đông. Hôm đó là ngày 24 tết rồi. Thế mà chúng tôi còn phải nằm lại Đại mỗ, học chính trị, lau chùi súng ống nộp kho thêm 3 ngày. Lạ cái là không khí Tết sát đít, hồ Hoàn Kiếm chỉ cách xa nơi này có 14 cây số, thế mà không ai chuồn. Đến chiều ngày 11/2 (27 tết) chúng tôi tập trung nghe BCH từng C phổ biến kế hoạch nghỉ phép, ngày tập trung trở lại. Chúng tôi nhận tiêu chuẩn tết (tôi không còn nhớ có những gì, chỉ nhớ 1 điểm đặc biệt là mỗi lính được một bao thuốc lá Thủ Đô bao bạc, hàng cao cấp lúc bấy giờ) rồi giải tán, tự túc về nhà. Vậy là đợt chúng tôi lại có thêm một cái may mắn nữa là nghỉ phép chuẩn bị đi B đúng dịp tết.

               Từng toán lính áo quần bụi bặm, ba-lô kềnh càng (lúc đó chúng tôi mang cả chiếu cói cá nhân, thằng nào có cành Lan rừng lấy ở núi Tân Lạc về mang theo còn lỉch kỉch hơn) bổ ra thị xã Hà Đông, ra bến tàu điện. Lính tráng lên ngồi chật cả 3 toa tầu điện. Lại một cái may nữa là không ai phải mất tiền vé, dù từ đó về bến Bờ Hồ dài nhất tiền vé cũng chỉ có 1 hào. Có lẽ cả mấy chuyến tàu điện Bờ Hồ - Hà Đông tối đó cũng thế, các bác tài và bán vé tàu điện đã úy lạo cho cả một tiểu đoàn lính Thủ Đô, con em của họ chuẩn bị ra chiến trường.

              Bảy giờ tối hôm đó, ngày 11/2/1972, tức là ngày 27 tết Tân Hợi, tôi về đến ngôi nhà sau hơn nửa năm trời xa vắng.


Logged

Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #276 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 09:18:49 am »

...Nhưng số phận con người ta quả là do ông trời sắp đặt. Khi còn cách nông trường cam rất xa thì đơn vị tôi lại rẽ theo một con đường khác để về Hà Nội theo hướng Kim Bôi. (con đường này là đường 128 hay gì đó, nghe nói do TNXP làm từ thời mới hòa bình 1954). Tôi hẫng cả người, rồi từ đó cứ lầm lũi đi, không còn nghe cả tiếng thằng Thái "pi-tơ" hát hay thôi lúc nào nữa. Tôi còn phải nghĩ vơ vẩn về cô giáo Hoa cho đến hết ngày hành quân đó. Thôi, số trời là vậy. Nhưng chắc Hoa cũng chẳng giận tôi hay phải buồn nhiều, vì tình cảm của chúng tôi chưa có bao nhiêu. Rồi cô ấy sẽ nhanh quên tôi. Nhưng có lẽ cô ấy cũng trách cái thằng trai Hà Nội không có được cái thật mộc mạc của những người dân tộc như cô. Tự nhiên tôi lại nghĩ quẩn là nếu vào trong kia, tôi ngã xuống trong một trận đánh nào đó, rồi tin tôi hy sinh được báo tới cô, thì khi đó cô sẽ ra bên bờ suối cạnh trường, nơi có những vườn cải xanh mướt, ngồi khóc một mình rồi tha thứ hết cho tôi. Hoa ơi, thôi anh đi đây. Bao giờ anh cũng là người có lỗi mà chẳng biết làm thế nào được. Đành đổ lỗi tất cả cho chiến tranh vậy, em nhé.

              Cũng từ đó, tôi không còn tin gì của Hoa và cũng không bao giờ gặp lại cô ấy nữa...


Đoạn đối thoại với bản thân của bác thực, mộc mạc mà sâu lắng quá, đúng với tâm tư lính trẻ HN. Mà cũng mấy ai viết ra với tận cùng suy nghĩ, trải lòng thanh thản, bác Trongc6 ôi.
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #277 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2009, 09:41:26 am »

@ Bác Trongc6: Tết năm đó tôi chỉ đi chơi với lính 48, 52 các bác. Đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2, tôi vẫn nhớ mấy tên Tùng, Thắng  ở Hàng Trống và Phan Thế Hùng. Năm đó đi chơi Hàng Bài ( Phố Tẩy ) va chạm với học sinh miền Nam, HSNM quây kín hai đầu phố Hàng Trống vào phút chót nhận ra vài mặt quen là giải tán. Sau này tôi có gặp Thắng f968 bị thương ở chân và nhà đã về Khâm Thiên, những người này bác có biết không nhỉ?
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #278 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2009, 06:43:22 pm »

Bác PhongQuang:
Bác biết nhiều anh em trong đơt lính bọn tôi. Chắc gặp nhau sẽ có ối chuyện để nói.
C tôi lúc đó có Thắng "bột" Hàng Trống, nhưng nó bị thương vào mắt phải.
(Thôi, tiếp một đoạn nữa hồi ức về ngày đó:)

-------------------

     … Mươi ngày phép thật bận rộn. Thằng nào có chút bạn gái học cùng lớp hẹn hò thì tha hồ mà bận. Tán quanh tán quẩn, nhớ thương nhau kiểu gì thì cũng không thoát khỏi câu nói kinh điển thời chiến khi đó là "hẹn ngày chiến thắng", hoặc "hết chiến tranh anh sẽ về". Lãng mạn và thơ mộng thế đó, dù rằng sau đó có nhiều thằng về trước cả ngày chiến thắng. Đó là khi các cậu bị thương đủ tiêu chuẩn để ra Bắc, nhưng lúc đó chẳng ai nghĩ đến tình huống này. Thằng Tuấn "đen" ở Khâm Thiên có cô người yêu xinh như mộng (Xinh tới mức không muốn cho những thằng lính khác trong đơn vị gặp mặt vì… ghen). Cô nàng nũng nịu chia tay lúc lên đường bằng câu: "Hẹn anh nửa năm sau. Em chỉ cho anh đi sáu tháng thôi đấy". Không ngờ câu nói đó ám ảnh nó suốt. Sáu tháng sau, thấy chẳng có vẻ gì là hết chiến tranh cả, thằng Tuấn "đen" nghĩ quẩn chọn đường về bằng cách tự thương vào tay. Quân y phát hiện ra ngay. Nó bị hành thêm 18 tháng gian lao nữa mới được tước quân tich đuổi ra Bắc.

               Nhưng đó là chuyện sau này. Còn tết đó chúng tôi đi chơi thả phanh. Ngoài chuyện thăm hỏi chia tay họ hàng, bạn bè, ăn tết cùng gia đình ra, chúng tôi lại í ới tụ tập nhau. Ngày ấy chưa có điện thoại gia đình. Sang thì bon xe đạp tìm nhau, không thì cuốc bộ hay nhảy tàu điện. Ra Bờ Hồ, ra công viên Thống Nhất chụp ảnh kỷ niệm, quân phục bèo nhèo, xộc xệch. Có tối thì rủ nhau ra Quán Gió hay hiệu Bốn Mùa, ăn kem và uống cà-phê. Bỏ bao thuốc lá Thủ Đô ra hút khoe với thiên hạ. Hôm giáp tết còn tập trung ở Cột Đồng hồ xem đài "Tàng hình" phát thử chương trình truyền hình thời sự. Đêm giao thừa rồi đêm mồng một, mồng hai Tết, toàn là lính cứ quấn lây nhau mà đi chơi. Cùng một sắc áo bạc màu, nhận ra nhau ngay, gặp nhau chan chát trên phố. Cụm lại tán chuyện ầm ĩ, cứ như Hà Nội chỉ có mình, rồi lại xé lẻ từng nhóm tiếp tục "bát" phố. Rồi lại giăng nhau từng đàn đến hai chục đứa chật một góc phố, nghiêng ngó lần cuối khung cảnh Thủ Đô. Có đêm đi chơi tới mấy giờ sáng mới về.

               Bố mẹ cũng không kêu ca như thời còn đi học. Hầu như cái gì ngon cũng được tập trung cho ăn. Chẳng phải là bồi dưỡng sức quân gì đâu, mà là các cụ thương con, không biết sau này có còn được trở về nữa hay không. Nhưng thật tình lúc đó chẳng ai nghĩ đến tình huống xấu. Còn chính cái sự chơi bời nghịch ngợm vô tư của chúng tôi khi đó cũng làm cho các bậc phụ huynh bớt đi phần nào lo lắng.

              Ngày 24/2, hết đợt phép ba thằng bạn cùng lớp 10 (chúng nó là diện con một hoặc đã có anh trai đang ở chiến trường nên không phải đi lính) đèo xe đưa tiễn tôi vào tận Đại Mỗ. Tôi bị chậm một ngày phép. Sáng sớm nay cả tiểu đoàn đã hành quân về hướng Vân Đình xuống Hà Nam rồi. Anh Thụy (B phó) đang chờ đón mấy thằng lính muộn chúng tôi, chừng hơn chục thằng. Tối đó chúng tôi ăn cơm và nghỉ lại nhà dân. Ba đứa bạn học cũng cùng ăn cơm và ở chơi với chúng tôi tới khuya mới về.

               Thế là kết thúc huấn luyện, kết thúc những ngày ở Bắc. Từ ngày mai, chúng tôi sẽ chính thức bước chân lên đường vào chiến trường.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #279 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2009, 06:59:49 pm »


              Sớm hôm sau anh Thụy dẫn chúng tôi ra bến xe ô-tô Hà Đông. Lính tráng góp tiền mua vé xe đến Vân Đình. Anh Thụy bảo phải đi ô tô cho kịp. Tới Vân đình cả bọn xuống xe đi bộ sang tỉnh Hà Nam.

              Đoạn đường cũng chỉ độ non chục cây gì đó thôi, vì chúng tôi tìm đên đơn vị thì cũng còn kịp ăn cơm trưa. Nơi ấy là xã Đại Kim, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Tất cả đều ở trong nhà dân, nhưng hình như nơi đây có một cái trạm nào đó thì phải, vì có nhà bếp, có anh nuôi nghiêm chỉnh, nấu cơm bằng cái chảo gang to tường. Đến bữa ăn là đi ăn tập trung.

               Hôm sau chúng tôi học chính trị. Cấp trên không phổ biến cụ thể, chúng tôi chỉ cần biết là đi B, thế là đủ. Chính trị viên Trần Tính người Thanh Hóa có một bài chính trị vô cùng ấn tượng, nó theo suốt tôi những ngày quân ngũ và cho đến nay tôi vẫn còn nhớ, cứ như mới được nghe vừa hôm nào đấy thôi. Cái giọng xứ Thanh nằng nặng quyện chất thuốc lào khi đã nghe quen thì mê li lắm. Ông bảo:

              " Các đồng chí là lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Các đồng chí đang được hưởng một niềm vinh dự lớn lao mà không một thế hệ nào có được. Đó là được đánh Mỹ và sẽ đánh thắng Mỹ. Niềm vinh dự và tự hào này sẽ không bao giờ còn có nữa. Đến đời con, đời cháu các đồng chí, dù có muốn cũng không còn Mỹ nữa mà đánh. Các đồng chí hãy vững bước lên đường. Quê hương luôn chờ tin chiến thắng của các đồng chí. Chúc các đồng chí lên đường mạnh khỏe, lập công và chiến thắng trở về".

               Những bài học chính trị không bao giờ thừa. Còn khoác áo lính là còn học chính trị thường xuyên. Nhưng ấn tượng với tôi chính là điều CTV Trần Tính khẳng định rằng chính thế hệ chúng tôi sẽ đánh thắng xong Mỹ. Sau này tôi cứ ngẫm mãi điều này. Ông nói suông theo kiểu chính trị, hay là một niềm tin mãnh liệt mang tính dự đoán thiên tài? Tôi nhớ lại Di chúc của Bác Hồ, trong đó Bác chả nói rằng cuộc KCCM của chúng ta nhất định thắng lợi, nhưng có thể phải kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa đấy là gì? Vậy thì cái gì là quyết tâm, cái gì là niềm tin thực tiễn?

               Chính trị gì thì chính trị, nhưng thực tình lúc đó nghe bài chính trị ấy, chúng tôi háo hức lắm. Đúng là náo nức ra trận thật chứ không phải là miễn cưỡng hay bắt buộc gì.

              Rồi sau này suốt trong những ngày tháng hành quân trên Trường Sơn, mỗi khi nghe tin chiến thắng trong chiến trường là chúng tôi sốt ruột ghê lắm. Kèm tin chiến thắng, CTV phó (Vì lúc đó cấp trưởng B,C và A ở lại, chỉ có cán bộ B,C cấp phó là theo vào chiến trường cùng chúng tôi thôi) bao giờ cũng thêm một câu:"Nhanh chân lên, khẩn trương lên các đồng chí, không có vào trong đó muộn các đơn vị bạn họ đánh hết Mỹ rồi thì còn gì mà đánh nữa".

               Ừ nhỉ. "Các đồng chí ơi, đánh nhè nhẹ thôi, còn dành Mỹ cho chúng tôi với. Đừng lấy mất niềm tự hào được đánh Mỹ của chúng tôi". Thật mà cứ như đùa. Đúng là lúc đó suốt dọc đường chúng tôi cứ luôn có ý nghĩ luẩn quẩn như vậy.
*

               Trở lại câu chuyện ở xã Đại Kim, Hà Nam. Sau hai ngày học chính trị, chúng tôi chuẩn bị tinh thần để ngày mai nhận quân trang mới. Hai bộ quần áo lính qua sáu tháng huấn luyện tuy đã cũ, nhưng còn tốt lắm. Cứ so với cái tiêu chuẩn một năm được 5 mét vải của người dân khi đó, thấy cứ tiếc bộ quần áo lính thế nào ấy. Đã vậy, bác chủ nhà còn lôi ra ở đâu mấy bộ quần áo lính còn cũ hơn, sờn rách cả vai và đầu gối bảo đổi cho chúng tôi để mai đem nộp. Bác ấy bảo, đằng nào số quần áo thu lại của các chú cũng chỉ đem cho lính pháo làm giẻ lau thôi. Nể quá, chúng tôi cũng lấy quần áo cũ của mình ra đổi, nhưng chỉ đổi bộ trong ba-lô, còn bộ mặc trên người dù sao anh em cũng đã quen nhìn lành lặn, mặc bộ rách quá thấy nó bôi bác thế nào ấy.

               Hôm sau chúng tôi tập trung thành từng C ra sân kho đổi quân trang. Chuyện nộp quân trang cũ xảy ra êm thấm. Đến lúc được phát quan trang mới, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng và sung sướng. Toàn quần áo Tô-Châu xanh mượt. Dép đúc, giày cao cổ, mũ cối, mũ tai bèo, thắt lưng, xanh-tuya-rông, rồi chăn, màn… đủ cả. Rồi cả ruốc, đường, Hăng-gô, bi-đông, thuốc chống vắt… nói chung là đầy đủ tới mức không thể ngờ. Mối tổ 3 người được phát một khẩu súng AK có 20 viên đạn, 1 dao găm, 1 bật lửa Trung Quốc. Đồ đoàn cá nhân thế mà cũng gần 20kg.

              Chúng tôi mặc quần áo mới thay ngay tại chỗ, trông thằng nào cũng xúng xính. Nhưng phải nói thật là đa số quần áo đều rộng so với số đông lính chúng tôi. Quần toàn phải xắn gấu. Áo lót cũng là một cái sơ mi cộc tay vải phin. Còn quần đùi thì đúng là quần chính ủy. Thắt cái dải rút xong mà nó rộng thùng thình, chim chóc thoáng mát cứ như không mặc gì. Mặc cái quần đùi ấy mà đi quây bắt lợn, đảm bảo con lợn 20kg phi lọt từ ống quần này chui qua ống quần đùi kia của mình.

….
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM