Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:27:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày này 34 năm trước...  (Đọc 323498 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #250 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2009, 06:29:02 pm »

         Lính D34, D36 phá phách thế nên đã bị tóm về thu dung cả trăm thằng đấy thôi. Lúc đi B chúng nó mới thế chứ khi huấn luyện thì cũng chưa đến nỗi nào.

         Mà cũng chỉ có đợt ấy thôi. Những đợt sau bị tống đi xa, lên Hòa Bình nên chỉ có chuyện lính "tút" thôi. Miễn là đủ quân số đi chiến trường là các thủ trưởng huấn luyện hoàn thành nhiệm vụ rồi.

       Còn chuyện các 'thủ trưởng anh nuôi" dằn mặt lính mới thì lần nào chả thế. Các thủ trưởng thật còn né tránh thì bọn tôi cũng chỉ biết im lặng. Chả lẽ đánh nhau à.
Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #251 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2009, 05:59:41 pm »

          … Trong đời chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. May mắn đa phần là nhờ số phận.

               Sau lần đi bắn đạn thật bài 1, thằng Bắc "con" trong B tôi loay hoay xin được 3 viên đạn AK. Nó khoái chí lắm, cứ đến phiên gác là lại lắp 3 viên đạn đó vào băng. Nó bảo cầm súng có đạn khi gác đêm yên tâm lắm. Thực tình khi đó chúng tôi gác để tập thói quen rèn luyện là chính, chứ đào đâu ra địch. Kẻ gian thì cũng chẳng có ma nào mò lên cái xứ huấn luyện hẻo lánh này. (Từ doanh trại chúng tôi ra khu suối cạn rồi đến mấy cái quán nước bên đường số 6 cũng phải 2 cây số. Chỉ có khi đi lấy gạo, chúng tôi mới được ra đó, tranh thủ mà tạt vào quán. Tất cả tiền gia đình tiếp tế chỉ đổ vào mấy cái quán đó, mà chỉ có kẹo lạc dồi, thuốc lá quấn hay thuốc Lào. Một lần ghé vào bưu điện cạnh đó, tôi mua được cuốn truyện "Vi-chi-a Ma-lê-ép ở nhà và ở trường" của Liên-xô đem về doanh trại đọc cho nhớ lại thời còn học sinh mới chỉ cách đó nửa năm trời. Tưởng đỡ buồn nhưng càng đọc càng nhớ nhà, càng buồn thêm).

               Một đêm thằng Bắc "con" gác, tầm 10 giờ thì đại phó Hảo đi kiểm tra. Nó chờ ông ấy đến gần mới thỏ thẻ chào: "Thủ trưởng đi kiểm tra gác đấy ạ". Tưởng được khen, được động viên mấy câu, ai dè đại phó Hảo lên lớp cho một bài. Ông ấy cầm lấy súng của nó bảo: "Đồng chí phải đứng nép vào một góc khuất, thấy người đến bất kỳ ai phải chờ đến gần quát to, "ai! đứng lại, giơ tay lên", đồng thời lên quy lát chỉa thẳng súng vào đối phương như thế này này". Nghe ông ấy lên quy lát "roạt" một cái và chĩa súng vào mình, thằng Bắc "con" run như cầy sấy. Nó biết một viên đạn đã thực sự được lên nòng. Bây giờ mà ông ấy bóp cò "tạch" một cái là xong đời. Nhưng nó không dám kêu vì sợ ông ấy thu mất 3 viên đạn. May làm sao ông ấy đóng chốt an toàn rồi trả súng lại cho nó, qua kiểm tra vọng gác khác. Ông ấy đi xa rồi, thằng Bắc mới hoàn hồn. Không đến mức đái ra quần, nhưng mồ hôi ướt đầm, dù khi đó trời đã bắt đầu se lạnh. Sau lần đó, Bắc "con" chỉ bỏ đạn trong túi quần, không dám lắp đạn vào băng khi gác.

              Lính tráng mỗi thằng mỗi nghề, có ngón gì cũng đem theo vào lính. C tôi có thằng Thịnh người Lệ Mật, Gia Lâm. Lúc đó không phải ai cũng biết Lệ Mật là làng rắn. Một lần cả C đang ngồi học chính trị trong hội trường, một thằng ngồi phía ngoài nhìn ra sân bỗng kêu to lên vì phát hiện thấy một con rắn rất to vừa trườn khỏi một bụi tre vào sân. Nhanh như cắt, chẳng cần xin phép, thằng Thịnh lao ra sân chạy đến chỗ con rắn. Nó chộp nhanh đuôi con rắn giật mạnh rồi quay tít. Được một lát, nó dùng tay kia vuốt mạnh con rắn từ đuôi lên đầu, nghe roạt một tiếng rồi vứt ra đất. Con rắn bị tuốt rạn xương sống không bò được phải nằm im. Nói thì chậm vậy chứ làm thì nhanh, mọi chuyện diễn ra chắc chưa tới một phút. Cả hội trường lính ồ lên khen ngợi. Hôm đó thằng Thịnh đem con rắn biếu Ban chỉ huy làm bữa cải thiện. Từ đó tiếng tăm Thịnh "rắn" bay khắp tiểu đoàn. Trong thời gian huấn luyện ngắn ngủi sau đó, hễ ở đâu phát hiện rắn là gọi Thịnh "rắn" tới giúp sức và bao giờ cũng thành công. Các thủ trưởng quý nó lắm.

              Lại đến chuyện bên C38 có thằng Hùng con cháu nhà nghệ sĩ xiếc Tạ Hiển. Sau khi phát hiện khả năng của nó, Tiểu đoàn cho nó về phép 3 ngày, rồi mang lên đơn vị một cái xe đạp một bánh. Nó diễn xiếc mấy lần cho cả D xem. Rồi lại diễn cả cho đồng bào xem. Thỉnh thoảng buổi chiều trước giờ ăn cơm, nó còn đi xe 1 bánh ra con đường đất ngoài bản. Phụ nữ và trẻ con bản Mường xem khá đông. Thằng này từ khi có món "xiếc xe đạp 1 bánh" không còn bao giờ phải đi lấy củi hay lấy gạo ngoài kho đường số 6 nữa. Sợ hỏng nhân tài. Tuy thế hết đợt huấn luyện nó vẫn phải đi B. D tôi khi vào Trường Sơn có C38 bị xé ra bổ xung cho chiến trường Quảng Nam nên không biết tin gì của nó nữa.


Logged

Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #252 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2009, 05:19:00 pm »

        … Dịp 22/12 năm đó, chúng tôi tổ chức hội thao, có cả các thủ trưởng ở Bộ TLTĐ lên thăm. Được ăn tươi, mỗi C được mổ một con lợn. Từ đây tôi bắt đầu quen nếp và luôn mong đợi được ăn tươi vào những ngày kỷ niệm của quân đội. Ngay cả khi vào chiến trường cũng thế. Khó khăn quá, trên không cấp được thì chúng tôi tìm cách cải thiện tại chỗ. Tóm lại cũng là một cái cớ để ăn.

              Rồi một lần tiểu đoàn có lệnh báo động lúc 4 giờ sáng. Tập trung hết cả ra sân đại đội, ngồi vêu mặt ngắm những ngôi sao muộn mằn. Ngáp và gật trong khi đại đội phổ biến sẽ hành quân xa. 5 giờ sáng có cơm ăn. Trời đông chưa sáng rõ lắm nên không vào nhà ăn mà đem hết ra sân. Cơm sáng đơn giản nên cũng chẳng có gì phức tạp. Ăn xong lại ngồi nghỉ theo đội hình, lại rì rầm cho đến 6 giờ. Rồi tất cả được lệnh hành quân ra thao trường, giống như một buổi tập sớm. Nhưng hình như không phải thế, chúng tôi lại được lệnh đi tiếp, vòng vèo qua những quả đồi lạ mà chúng tôi chưa từng qua. Sau đó tập trung và có lệnh "giá súng" theo từng B. Mỗi B cử 2 người ở lại trông những cái giá súng đó (tất nhiên có đại phó quản lý chung), còn tất cả hành quân sang một quả đồi khác. Đến đây thì mới biết tất cả các C khác cũng đang lục đục tay không từ các hướng khác đi đến. Cả tiểu đoàn tập trung thành hàng lối rồi lại ngồi nghỉ. Mới có 7 giờ sáng.
 
            Chẳng biết có chuyện gì, nhưng chúng tôi cứ ngồi gà gật như thế mãi. Đến 10 giờ, khi tất cả đã bã người ra rồi (may hôm đó nắng không gắt lắm) thì chúng tôi được lệnh đứng dậy, hàng lối chỉnh tề. D trưởng tuyên bố hôm nay tiểu đoàn vinh dự được đón Đại tướng Tổng tư lệnh đến thăm. Thế là ồn ào cả lên. Rồi chúng tôi được lệnh tập vỗ tay. Phải vỗ to và đều. Của đáng tội, cái món này cũng làm cho lính tỉnh táo hẳn ra.

             Nhưng cũng phải nửa tiếng sau mới nghe tiếng ô-tô, rồi đoàn xe com-măng-ca xuất hiện. Quả tình lúc đó chúng tôi cũng bị mất phương hướng, không biết là đoàn xe đi từ đâu tới. Rồi Đại tướng cùng các thủ trưởng E và Bộ TL xuống xe đi vào bãi. Chả biết là bàn và micro chuẩn bị từ khi nào. Khi đó, các Thủ trưởng đều ăn mặc bình thường như lính, đội mũ mềm chứ không có lễ phục gì, thậm chí không đeo quân hàm (chúng tôi cũng vậy. Từ lúc nhập ngũ đến lúc ra quân, tôi chưa hề được đeo quân hàm lần nào, thật chẳng biết cảm giác nó ra sao). Chúng tôi được nghe Đại tướng huấn thị chừng 20 phút, đại loại là động viên lớp thanh niên chúng tôi chiến đấu lập công, giữ vững truyền thống quân đội và truyền thống Hà Nội…

             Đoàn xe của Đại tướng lăn bánh về rồi, nửa tiếng sau chúng tôi mới được quay lại quả đồi kia lấy súng và hành quân trở về doanh trại. Buổi chiều tất cả được nghỉ tắm giặt.

             Sự kiện ấy được cấp trên phổ biến là niềm vinh dự đặc biệt của tiểu đoàn tân binh chúng tôi, vì không phải đợt luyện quân nào cũng được đón Đại tướng đến thăm. Nhưng thật tình mà nói, khi đó chúng tôi cũng không thấy hết được niềm vinh dự đó. Vả lại khi đó trong lính đang truyền tụng một câu nói của bác Hồ: "Tướng phải như tướng Thanh, tá phải như tá Kiện".

               Nghe phổ biến sau 22/12 chúng tôi sẽ hành quân xuống Tân Lạc (giáp Ninh Bình), đoán rằng chúng tôi sắp vào chiến trường, có thể không được về phép thăm nhà, lính tráng rủ nhau "tút' hàng loạt. Cả 4 đại đội đều diến ra cảnh như nhau. Trên đường số 6 có đêm từng tốp lính "tút" của các C gặp nhau cứ như đi tiền trạm. Khi đó có B hụt đến 1/3 quân số.

              Đơn vị trống vắng hẳn, mà chúng nó "tút" đến cả tuần, ngày hành quân đã ngoại đi Tân Lạc sắp đến, nên các cán bộ C của các đại đội phải cử nhau về tận từng khu của Hà Nội gọi lính lên đơn vị. Mục thức đêm học 10 lời thề quân đội diễn ra từng đêm.

              Thế mà rồi cuối cùng, ngày tận cùng của năm 1971 ấy, đoàn tiền trạm vẫn kịp lên đường nhằm hướng thị xã Hòa Bình. Một cái duyên nào đó lại dẫn tôi vào đoàn tiền trạm. B phó Thụy (người Đông Anh) của B tôi dẫn đầu hớn hở kéo chúng tôi vượt suối cạn Bãi Nai ra đường 6. Lội qua dòng suối mát lạnh, tôi không hề nghĩ rằng cho đến 38 năm sau tôi cũng không có dịp nào trở lại nơi đó, cứ như dòng nước trôi để người đời phải thốt lên rằng "con người ta không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông"…
......



Logged

thaynhin
Thành viên
*
Bài viết: 178


« Trả lời #253 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2009, 09:40:49 pm »

  Chào các bác CCB!
 Em là lính và là sĩ quan dự bị bộ đội Hóa học của những năm 1983,1984.Đọc nhưnngx dòng tâm sự và chuyện kể về kỷ niệm củ các bác làm em cảm động lắm!Em mới vào Quansuvn được một tuần,cũng muốn đôi điều thưa chuyện với các bác!
TIỆN ĐAY EM RÂT MUỐN LIÊN LẠC VỚI BÁC TRONGC6,BÁC PHONGQUANG...VÀ CÁC BÁC CÓ CHẤT LĨNH VÀ KHÔNG CHÊ EM ..VỚ VẨN.THÂN ÁI!
  Em mới vào Quansuvn được 1 tuần,đọc topic của bác Trongc6 là chủ đề thứ 3!
  Xin lỗi Admin vì mình dùng PC chưa ngon lắm,chúc Admin khỏe và làm tốt nhiệm vụ!

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tám, 2009, 10:27:55 am gửi bởi dongadoan » Logged
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #254 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2009, 12:46:57 am »

 Ở đây chẳng ai chê bạn vớ vẩn nếu bạn không phải người vớ vẩn , toàn lính với nhau thôi, ôn lại thời máu lửa đã qua chứ chẳng phải tướng tá gì , bạn cứ biết sao nói vậy , bạn thấy vui , anh em cũng thấy vui thôi.
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #255 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2009, 09:54:48 pm »

        … Thị xã Hòa Bình quá nghèo nàn. Con đường 6 xuyên qua Thị xã để lên hướng Tây Bắc đi Sơn La cũng chính là trục chính của Thị xã. Nhà cửa thưa thớt. Đây đó gặp mấy ngôi nhà cấp 4 là trụ sở của các cơ quan Dân Chính Đảng. Rồi căn nhà gạch mà lợp mái nứa của một HTX mua bán. Quá sơ sài. Đúng là cảnh miền núi. Đoàn tiền trạm lầm lũi đi qua. Đến chân dốc Cun thì dừng lại làm điểm dừng chân thứ nhất. Làng nông thôn miền núi nhỏ bé nhưng còn có vẻ ấm áp hơn mấy ngôi nhà ven đường Thị xã.
 
              Hỏi nhờ nhà dân, tôi lại giở cái bài tìm các em 14 tuổi. Nhưng điều đó không ấn tượng như ở Quốc Oai. Các thôn nữ vùng sơn cước mang đậm nét chất phác thật thà vùng người dân tộc, dù làng là của người kinh. Các em giúp lính thật nhiệt tình. Chuyện củi nước ở đây cũng khá đơn giản. Nhà nào cũng nhiệt tình đón bộ đội nghỉ nhờ. Chúng tôi còn thời gian thảnh thơi tắm giặt trước khi trời tối. Có ít người nên nấu cơm cũng đơn giản. Tiếc là thức ăn quá xoàng. Chẳng có gì ngoài nồi canh rau láo nháo vặt vội ngoài ruộng. Rau dền cơm, càng cua, tập tàng ấy mà. Dân cũng ăn vậy thôi. Lấy đâu mà tiếp tế cho hơn chục thằng lính. Được cái sau bữa ăn vẫn có nước chè do B phó Thụy mang theo một gói (chè Ba Đình loại 30gram một gói). Cả tối ngồi tán chuyện, giao lưu với các em dân quân, không phải sinh hoạt, thế là sướng rồi.

              Sáng sau một nửa ở lại đón đơn vị, còn 7 chiến sĩ lại lên đường. Bữa cơm sáng ăn với đường cát nâu, lạ mồm nhưng cũng dễ nuốt.

               Hành quân tiếp theo đường số 6. Con đường vắng vẻ, cứ như chỉ dành cho lính. Thảng hoặc mới có một chiếc xe tải chạy qua, hoặc mấy ngườii dân đẩy xe đạp lên lấy củi. Hì hục nửa buổi mới bò lên đến đỉnh dốc Cun. Thật may là ngay đỉnh dốc có một cái cửa hàng ăn uống mậu dịch. Có độc món mì (sợi) nấu với nước canh đậu phụ, có pha chút gừng chống lạnh. Chẳng có chút xương xẩu nào, và tất nhiên là không có mì chính. Giá cũng bình dân, một hào rưỡi một bát.

              Buổi chiều hành quân xuống đến chân dốc. Trên con đường nhựa vắng tanh bỗng xuất hiện một đồng chí tiếp phẩm cưỡi cái xe đạp Vĩnh cửu chở rau đi ngược chiều. Tôi đánh bạo lên tiếng: "Đồng chí ơi, cho chúng tôi mấy mớ rau". Người lính ấy không nói gì, cũng không ngoái cổ lại, nhưng vòng tay ra sau kéo 4 mớ rau cải thả xuống đất. Chúng tôi mừng quá nhặt vội, còn kịp nói với theo thật to: "Xin cảm ơn đồng chí và lời thề thứ bảy". Chỉ thế thôi mà sao trong cái buổi chiều hoàng hôn mùa đông se lạnh ấy, tôi chợt thấy vô cùng ấm áp tình cảm thật là lính của những người mặc quân phục xanh mà mình cũng đang vinh dự khoác trên mình.

               Qua khỏi chân dốc Cun chừng vài cây số, chúng tôi tách khỏi con đường số 6 đi Sơn la mà rẽ sang hướng đi Tân Lạc, xuống Ninh Bình. Đi thêm dăm cây số thì chúng tôi đến một nông trường trồng cam. Anh Thụy cho cả nhóm dừng lại, tuyên bố đây là nơi dừng chân. Toàn là các gia đình công nhân nông trường, nhưng cũng chẳng khác gì bản làng. Có chăng chỉ là cái kiểu bố trí nhà nằm theo cụm và chạy dọc theo quốc lộ. Cũng muộn nên tối đó chúng tôi tạt nghỉ nhờ một nhà ngay ven đường chỉ có hai vợ chồng trẻ, chưa có con. Cơm nước xong nắm tình hình qua nhà chủ rồi nghỉ ngơi. Anh Thụy bảo chúng tôi sáng mai hẵng đi tìm nhà nghỉ nhờ cho đơn vị. Một lệnh nữa cũng được đưa ra là đêm nay nghỉ tập trung ngoài hè, cấm thằng nào được lảng vảng vào nông trường lấy trộm cam. Ở đây bảo vệ họ có đi tuần đêm bằng ngựa, có súng và sẵn sàng bắn hạ kẻ gian.

              Làng quê vốn mến khách. Nơi đây vắng vẻ lại càng mến khách hơn. Tối đó có rất nhiều công nhân đến chơi, uống nước và hỏi thăm chuyện Thủ đô khi biết chúng tôi là lính Hà Nội. Rất nhiều người tròn xoe mắt khi nghe chúng tôi kể chuyện về những chiếc tàu điện "leng keng" chạy trên nhiều tuyến phố. (Thời đó tàu điện còn hoành tráng lắm, không bị ví "lừ lừ như tàu điện" thời cuối những năm 70 đâu). Rồi đủ các thứ chuyện khác nữa. Đám lính chúng tôi cứ như những người mở mang đầu óc cho dân xứ núi không bằng. Và tất nhiên là không cần phải đi ăn trộm cam mà vẫn có cam ăn. Cam của Ban Giám đốc mời hẳn hoi nhé.

              Nông trường còn giúp chúng tôi việc sắp xếp bộ đội của đơn vị chính vào nghỉ những nhà nào trong công nhân. Thế là không phải đi hỏi nhờ từng nhà, quá sướng. Tình quân dân thời chiến ấy đầm ấm quá. (Chắc bây giờ chẳng bao giờ còn trở lại cảnh "Bao giờ cho đến tháng mười" như thế nữa).
….
Logged

baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #256 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2009, 09:44:13 am »

              .......... Thật may là ngay đỉnh dốc có một cái cửa hàng ăn uống mậu dịch. Có độc món mì (sợi) nấu với nước canh đậu phụ, có pha chút gừng chống lạnh. Chẳng có chút xương xẩu nào, và tất nhiên là không có mì chính. Giá cũng bình dân, một hào rưỡi một bát.................

Bác Trong c6  đã gợi nhớ về những món ăn sang trọng của một thời.
Còn nhớ, tại cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ở Nhổn-Hà Tây, nằm ven đường 32, đối diện với chợ Nhổn. Tại của hàng này cũng có phục vụ 2 món trứ danh, đó là: phở trứng và miến đậu phụ.
Phở trứng bao gồm 1 tô phở không người lái, có 1 chút hành, và tâm điểm là 1 miếng trứng vịt rán. Miếng trứng được chế biến theo kiểu: trứng đánh tơi, nhanh tay đổ vào chiếc chảo to đang nóng vì mỡ sôi già, khéo léo lắc chiếc chảo cho trứng dàn mỏng được ra khắp lòng chảo, tạo thành 1 lớp trứng mỏng tang. Sau đó, cuộn lớp trứng mỏng ấy lại như cuôn bánh cuốn. Thành phẩm là được 1 chiếc chả trứng cuộn tròn và dài. Khi dùng dao sắc như dao cạo râu cắt ra, ta được từng miếng trứng tráng có đủ độ đậm nhạt của sắc mầu và có những lớp lang như miếng bánh ga tô. Mỗi bát phở trứng được 1 miếng trứng thái cuộn như trên, tầm 1 phần 3 quả trứng vịt.
Còn miến đậu phụ thì được đựng trong cái bát chiết yêu. Bao gồm một chút miến dong, một chút hành, nước dùng là nước sôi có chêm muối-không mì chính. Và đỉnh của đỉnh là có 2 miếng đậu phụ rán. To bằng 2 nửa miếng đậu phụ loại 1 nghìn/bìa bây giờ.
Gía của bát phở trứng là 3 hào/bát. Còn giá của tô miến đậu phụ là 2 hào/bát.
Cách phục của cửa hàng ăn thời đó cũng rất độc đáo.
Đó là phải xếp hàng để mua tích kê. Phở trứng là cái mảnh sắt tây hình gần vuông hoặc gần chữ nhật. Miến đậu phụ thì tích kê là mảnh sắt tây hình gần giống tam giác.
Còn xi-rô lựu (chẳng hiểu tại sao lại gọi là xi-rô lựu, chỉ biết đó là 1 thứ nước hơi ngòn ngọt và có mầu hơi hồng hoặc hơi đỏ-tùy theo tay nghề của nghệ nhân chế biến), thì tíc kê là miếng sắt tây hình gần tròn.
Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh chỉ phục vụ 3 món đó, không có món thứ tư. Vua đến ăn cũng mặc kệ, thực đơn chỉ có vậy.
Tất cả 3 loại tích kê trên, đều có 1 cái lỗ thủng  ở gần giữa miếng sắt tây.
Và sau khi xếp hàng mua tích kê xong, đến lượt phải xếp hàng để lĩnh món sơn hào-hải vị kể trên.
Cái dây xếp hàng này có hướng ngược với dây xếp hàng tích kê, đầu hàng hướng về cái ô vuông phát ngọc thực.
Để chống bọn lưu manh-phản động làm giả giấy tờ có giá, cơ quan chuyên môn đã có cách thức sau: nối giữa quầy bán tích kê và ô lĩnh hàng, có ba sợi dây thép song song. Một cái dây để lồng và dẫn hướng tích kê hình chữ nhật (hoặc vuông), một cái dây để lồng và dẫn hướng cái tích kê hình tam giác, cái dây thứ 3 còn lại thì để lồng và dẫn hướng cái tích kê tròn.
Đó là lý do tại sao, các tíc kê đều có lỗ thủng ở giữa.
Khi đã nộp tiền xong, thủ quỹ căn cứ vào vật phẩm được bán ra, sẽ lồng cái tíc kê tương ứng vào sợi dây thép phù hợp, rồi đẩy cái tíc kê ấy ra ngoài. Khách hàng tự dẫn cái tíc kê của mình đến cái ô vuông thần tiên kia.
Nếu như có 1 ông hỗn ăn, mua cả 3 thứ, thì ông ta phải khéo léo đi vào giữa 3 hàng dây và phải nhanh tay đẩy 3 cái tíc kê của mình cùng lúc, không thì con ma đói phía sau nó chửi.
Baoleo còn nhớ đó là năm 1970, kết thúc đợt sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lần thứ nhất.
Để liên hoan chia tay nơi sơ tán là thôn Kim Hoàng, baoleo quyết định lắc cái ống tre tiết kiệm (làm gì có tiền mua lợn đất-mà chỉ lấy cái đoạn ống tre, cưa vát 1 tý ở thân ống để làm chỗ đút tiền) ra 6 đồng 5 xu-tức là 3 hào, cuốc bộ ra thị trấn Nhổn để tự khao.
Sau khi đứng trước cửa hàng tầm gần 1 tiếng, nghiến răng cỡ mòn mất đề xi dem răng cho đỡ tiếc, baoleo hùng dũng tiến vào quầy mua tíc kê. Lúc trao tiền, cô thủ quỹ kêu thét lên vì bỏng tay. Hóa ra, do baoleo nghiến răng, nắm chặt 6 đồng 5 xu mạnh và lâu quá, đến mức cả 6 đồng xu đều nóng đỏ cả lên.

Đến tận hôm nay, khi gõ những dòng này, baoleo vẫn ân hận là đã dám xa xỉ tiêu tiền để ăn một cách hoang toàng, phá phách như thế. Cool
Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #257 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 09:10:48 am »

        …. Hôm sau chúng tôi được cả một ngày nghỉ ngơi. Tôi và thằng Xuyên được cử vào Bản Mường gần đó kiếm rau. Tinh thần chỉ đạo là có thể mua, nhưng xin được là tốt nhất.

               Hai chúng tôi hỏi đường rồi cứ theo con đường đất to mà đi vào phía chân núi. Chưa được cây số thì thấy cả một không gian rộng mở ra trước mắt. Một con suối nước to, nông, toàn đá và trong veo chảy hiền hòa na ná như suối cạn Bãi Nai. Bờ bên kia là cả một khu vườn trồng rau rộng lớn ríu rít tiếng của hơn chục cô cậu học sinh. Phụ trách chúng là một cô giáo ăn mặc kiểu dân tộc Mường, người nhỏ nhắn và… xinh quá đi mất. Hai thằng tôi đứng ngây ra nhìn. Chỉ một nhoáng là đám học sinh đã phát hiện ra có hai chú bộ đội đứng bên kia suối. Chúng líu ríu vẫy tay gọi. Hai chúng tôi nhìn nhau rồi cùng xắn quần lội sang.

               Đám học sinh quây lấy chúng tôi như người nhà, còn cô giáo thì e thẹn đứng lùi sau một chút, nhưng không giấu được nụ cười tươi. Vốn đã có một vài bài tập nho nhỏ về công tác dân vận, tôi và Xuyên hòa nhập ngay với cô giáo và học sinh. Tôi đề nghị được cùng tham gia tưới rau và nhổ cỏ. Việc này cũng dễ thôi, thằng Xuyên vốn là dân Thanh Trì, nông dân chính hiệu trước khi vào lính, còn tôi cũng đã nhiều năm sơ tán về quê.

              Vừa làm vừa tán chuyện, chúng tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của đám học sinh và cả… cô giáo. Chừng một tiếng sau, chúng tôi ra về sau khi được cô giáo và học sinh tặng cho một ôm rau cải to tướng, được biết tên cô giáo là Hoa, và còn được cô hẹn buổi tối sẽ ra chỗ chúng tôi chơi. Giá không còn phải về lo cơm nước chung cho cả nhóm, chắc tôi và Xuyên còn muốn nhổ cỏ, bắt sâu lâu hơn nữa.

               Hôm đó là một ngày thảnh thơi hiếm có từ ngày nhập ngũ. Từ đấy, tôi bắt đầu hiểu được cái sướng của đi công tác lẻ. Không chỉ ngoài Bắc mà sau này vào chiến trường cũng thế. Không gò bó, ăn uống bao giờ cũng tốt hơn và nếu khéo sắp xếp thì kể cả không phải gác, dù ở gần ngay sát địch.
 
               Tối đó chúng tôi tập trung tại nhà một công nhân nông trường có vợ cũng là cô giáo của cái trường cấp I mà lúc sáng chúng tôi đã tới. Anh chị ấy mới có một đứa con gái chừng 3 tuổi. Buổi tối trời lạnh ngồi trong nhà uống nước, tôi ngồi khoanh tròn trên giường và cho cháu bé ngồi trong lòng. Đứa bé ngồi im, thỉnh thoảng ngoái cổ ngước nhìn mặt chú bộ đội. Anh chị em công nhân cũng kéo nhau đến chơi khá đông. Anh Thụy (vốn trước đây là lính trong Đội Danh dự của Quân đội, cao to, đẹp trai) trổ tài tán chuyện. Đôi lúc tôi chợt quên đi mình đang là lính, và nghĩ rằng nếu cuộc đời cứ như thế này thì đẹp biết bao nhiêu.

               Hơn tám giờ tối, cô giáo chủ nhà nháy tôi ra ngoài. Cô giáo Hoa (dân tộc Mường) đang chờ tôi ngoài sân và rất mạnh bạo rủ tôi dạo chơi. Bây giờ trông Hoa bình dị như một cô gái kinh, áo trắng (có khoác thêm một chiếc áo len hay sợi gì đó), quần lụa, cái hình ảnh thiếu nữ đơn giản một thời đã làm xao xuyến lòng trai của cả một thế hệ. Chúng tôi chậm rãi đi dạo ra phía suối. Trời mùa đông, mọi khi thì chiếc áo vệ sinh (một loại áo khoác nỉ dài tay cài khuy màu cỏ úa phát cho lính khi đó) chưa phải đủ ấm, nhưng hôm đó tôi lại không thấy lạnh. Tôi mới 18 tuổi, và Hoa thì cũng chắc tuổi đó, nếu không muốn nói là nhỉnh hơn. Nhưng cô ấy bé nhỏ và xinh xắn trước cái thằng trai mới lớn là tôi. Vụng về và ngượng nghịu, nhưng cũng khoái vì chính tôi được rủ đi dạo chứ không phải mấy thằng khác trong tốp tiền trạm. Chúng tôi cứ chậm rãi đi trên con đường đất nhỏ và nói đủ thứ chuyện linh tinh. Hoa kể về mình ít thôi, nhưng gợi ý để tôi kể chuyện. Kể chuyện Hà Nội, chuyện lính tráng tập tành chứ không phải là tán. Thú thực là nếu cô giáo Hoa không bạo dạn, thì tôi không biết nói chuyện gì cho phải. Nhưng tôi nhớ nhất cái cảm giác lúc đó là tuy nói chuyện rất vui vẻ, nhưng trong lòng tôi thoáng có chút buồn. Chiến tranh không biết trước thế nào. Số phận con người càng mong manh, khó đoán. Đón nhận một tình cảm trên đường hành quân, liệu mình có đem lại điều tốt lành cho người ta? Tính tôi cầu toàn nên không muốn làm điều gì trái lương tâm mình khi đó.

               Chúng tôi chỉ lang thang và nói chuyện đâu đâu thế thôi, cho đến khi trở lại nhà cô giáo người kinh thì đã khuya khuya. Chia tay nhau cũng chỉ là cái bắt tay chứ không phải cầm tay. Rồi anh Thụy thò đầu ra gọi tôi đi ngủ.

               Lại chơi gần một ngày nữa, chiều hôm sau thì đơn vị hành quân đến. Rồi sau một đêm nghỉ, cả đơn vị hành quân tiếp xuống phía Ninh Bình.

               Chuyện thoáng qua của tôi và Hoa, nhiều đứa trong C biết. Chúng nó bàn tán đủ kiểu, nhưng nói chung là bậy bạ. Tôi không chấp nhận cái kiểu sống gấp của kẻ sắp chết. Tôi tự hào mình vừa là trai Hà Nội, có học và lại là anh bộ đội cụ Hồ, nên sẽ phải sống cho xứng với niềm tự hào đó.

               Đến nơi mới hơn một tuần thì nhận được thư Hoa. Chả hiểu cô ấy hỏi ai được số Hòm thư của C tôi. Không ngờ cô ấy mến tôi thật sự và muốn kết bạn. Tôi cũng có thư hồi âm cho cô ấy. Chỉ một lần thôi. Tôi đánh bạo nói là sẽ hẹn gặp cô ấy khi đơn vị hành quân trở lại Thị xã Hòa Bình sau đợt dã ngoại, khi đi ngang qua nông trường cam.

Logged

songvedem
Thành viên
*
Bài viết: 129



« Trả lời #258 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 11:45:04 am »

              .......... Thật may là ngay đỉnh dốc có một cái cửa hàng ăn uống mậu dịch. Có độc món mì (sợi) nấu với nước canh đậu phụ, có pha chút gừng chống lạnh. Chẳng có chút xương xẩu nào, và tất nhiên là không có mì chính. Giá cũng bình dân, một hào rưỡi một bát.................

Trong cửa hàng ăn uống Mậu dịch còn có: Các ghế được xích vào nhau và xích vào cái bàn vì sợ bọn CIA và phản cách mạng nó bê đi mất. Các thìa (cùi dìa) múc phở cơm, miến thì đều được đục lỗ ở giữa, tránh bị bọn gián điệp đội lốt quần chúng ăn trộm.

Mẹ em kể ngày xưa có cấm phở, đến thời năm 79- 80 thì lại có đợt cấm phở nữa. Mà đau ốm thập tử nhất sinh, khen thưởng thì cũng quy ra phở hết và cũng chỉ nhận phở chứ không nhận cái khác. Mà sao hồi đấy ăn bát phở mậu dịch cứ thấy ngon lừ đi. Em ăn phở làm từ thịt xương thủ mà vẫn thấy trên cả tuyệt vời, phở Bát Đàn hay Lý Quốc Sư cú phải gọi bằng bố.

@ mod, min: cái này tiện để ở đây hay mang sang bên bao cấp các Sếp nhỉ
Logged

Bỏ lại sau lưng nước mắt nhạt nhòa dĩ vãng
Bỏ lại sau lưng nỗi đau làm tim ta tan nát
Trungsy1
Thượng tá
*
Bài viết: 1670



« Trả lời #259 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2009, 02:13:05 pm »

Đề nghị bác Trọng hành quân trở lại Hoà Bình nhanh nhanh lên cái! Giờ cũng đến đoạn "đồ hộp" thì quăng bài đấy cho thiên hạ chờ là không có được !
Kiểu cắt bài này giáo Hà đầu têu rồi lây thành cái bệnh toàn Quân sử roài ! Hic  Cool
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM