Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:24:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: FULRO - Tập đoàn tội phạm  (Đọc 17394 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #70 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 06:59:42 am »

24. BÀ NGOẠI TRƯỞNG

Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Chương trình "Cứu nguy Cao Nguyên" chẳng ai thực hiện. Họ còn thu vén vàng, kim cương để di tản. Ban chỉ huy "Mặt trận cứu nguy dân tộc Cao Nguyên" thành "Ban chỉ huy di tản" cho các vị tai to mặt lớn của Cao Nguyên.


Ngày 24 tháng 4, Nay Loét cùng Giám đốc các Nha của Bộ chờ ở cư xá Tân Quý Đông để lên máy bay trực thăng ra Tân Sơn Nhất. Ba ngày ăn chực nằm chờ, mãi đến ngày 27-4, Cách mạng đã giải phóng Biên Hòa, bao vây Sài Gòn rồi mà vẫn chẳng thấy máy bay nào tới.


Nay Loét thấy nguy, chửi rủa Thomas Busker, Thiệu là mang con bỏ chợ, rồi đánh xe chở vợ con về Bộ, hùng hồn tuyên bố với các nhân viên:

- Tôi quyết định không đi nước ngoài để sống sung sướng một mình. Tôi xin ở lại để cùng chia sẻ gian nan, nguy hiểm với đồng bào ta.

Y Chôn cười, rỉ tai Y Buăn:

- Không còn có màn kịch nào hài hước hơn màn kịch mà ông Tổng trưởng vừa công diễn. Một tiếng đồng hồ trước, ông ta còn định sang Mỹ để "đấu tranh cho dân tộc". Lúc này ông lại tuyên bố sống, chết với đồng bào. Không biết rồi ông còn tuyên bố những gì nữa?


Sài Gòn giải phóng. Nay Loét, Paul Nưr chạy trốn. Lợi dụng tình hình nhộn nhạo, Y Chôn nhảy ra tự thành lập "Ủy ban Cách mạng dân tộc thiểu số", bàn giao Bộ phát triển sắc tộc cho Cách mạng khi vào tiếp quản. Ông mập mờ làm như mình là một cán bộ Cách mạng hoạt động bí mật. Vì thế, ông được Ủy ban quân quản tạm thời cử làm Chủ tịch "Ủy ban Cách mạng dân tộc thiểu số". Y Chôn hí hửng, chắc mẩm rằng, mình lại sẽ lọt qua màng lưới sàng lọc của chánh quyền Cách mạng và sẽ leo lên những cương vị cao trong chánh thể mới như đã từng leo trong các chánh thể trước. Ông xin làm bất cứ việc gì Cách mạng giao. Nhân sắp đến ngày 19-5-1975, ông viết bản "Thành tích cách mạng của một người dân tộc hoạt động bí mật từ năm 1945 đến 1975, ghi lại ngày 19-5-1975 để mừng sinh nhật thứ 85 Hồ Chủ Tịch vĩ đại" nộp chánh quyền Cách mạng. Sau đó ông xin làm cố vấn vấn đề sắc tộc cho Chánh phủ. Với tư cách là người sáng lập FULRO, ông soạn thảo "Bản tuyên cáo của Mặt trận thống nhất tranh đấu của các dân tộc bị áp bức (FULRO)", tuyên bố FULRO là một lực lượng cách mạng, đã góp công đánh đuổi Mỹ, Thiệu giải phóng đất nước và xin tham gia chánh phủ.


Tuyên bố của Y Chôn không đúng sự thật. Yêu sách của FULRO trái với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và nguyện vọng của toàn dân. Vì thế không được chấp nhận.

Không kiếm chác được quyền chức, Y Chôn tức tối quyết định chống phá Cách mạng bằng vũ lực. Ông cử Trung tá Hajuni - Đặc phái viên chánh trị quân khu 4 FULRO phái Nikôlai - gặp Kpă Kới, Nikôlai, K’Năm và các vị chỉ huy khác truyền đạt mệnh lệnh. Kpă Kới lệnh cho FULRO toàn Cao Nguyên bạo động.


Vì thế mà tiếng súng của quân Thiệu vừa im, tiếng súng của FULRO lại nổ ở khắp Cao Nguyên và Bình Nguyên miền Trung. Ở Gia Lai - Công Tum, quân khu 2 của chúng đánh các buôn quanh thị xã Plei Ku, Công Tum. Chúng phục kích giết chết anh hùng Quân giải phóng Ma Trang Lơn; đánh phá Phú Bổn; nổi loạn ở Phú Thiện... Ở Đắc Lắc, quân khu 3 FULRO tấn công các cơ quan huyện Lạc Thiện, Buôn Hồ, Krông Pách... giết hàng trăm cán bộ, bộ đội. Chúng phục kích đường 19, 21, 15 đánh xe quân sự, giết hành khách, cán bộ và nhân dân. Ở Lâm Đồng, quân khu 4 của chúng đánh các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh...


Ở Ninh Thuận, Bình Thuận, FULRO Chàm ngấm ngầm kéo thanh niên Chàm, Rắc Lây lên rừng.

Thấy FULRO hoạt động mạnh, Paul Nưr không thể ngồi yên. Phải làm gì đây? Bao nhiêu năm hoạt động "cách mạng", giờ chả lẽ an phận thủ thường sao? Thời cơ trở lại chánh trường đã đến, ông phải cướp lấy.

Sau khi họp bàn kế hoach hậu chiến với Nay Loét, Paul không thể không bắt tay với FULRO.

Nhưng Paul không muốn cộng tác với Y Bliêng và Y Chôn "những tên Ê Đê xảo quyệt", sẵn sàng hất ông khỏi cương vị cao, cướp lấy thành quả. Là Phó chủ tịch BaJaRaKa, một bậc "tiền bối cách mạng", Paul muốn trực tiếp nắm lấy FULRO trong tay mình. Paul được Y Buăn cho biết là trong số những tên chỉ huy FULRO thì Hội trưởng phụ nữ H'Tlỗn vừa thay Y Prêh làm Tổng trưởng Ngoại giao, là người có nhiều quyền lực, Paul không lạ gì H'Tlỗn.


H'Tlỗn là người Hdrung, ở một buôn hẻo lánh thuộc Khánh Dương. Hồi nhỏ, cô rất nhút nhát, ngoan ngoãn. Mỗi lần cô đi học, buổi sáng, má phải đưa đến trường, buổi trưa đến đón về. Cô không dám chơi với bạn trai, chỉ thui thủi một mình hoặc quanh quẩn với một vài cô gái khác.


Học hết tiểu học ở Khánh Dương, cô lên châu thành Buôn Mê Thuột và được vào học ở trường Trung học.

Tiếp xúc với cuộc sống ở nơi thủ phủ của Cao Nguyên này, cô mạnh dạn dần lên.

Năm thứ nhất, cô có thêm bạn gái mới. Năm thứ hai có bạn trai. Phần lớn là con nhà giàu, con các viên chức hoặc sĩ quan. Họ dạy cô cách nhảy đầm, nghe những bản nhạc tân kỳ, đọc những cuốn sách trụy lạc.

Họ dạy cô học tiếng Anh, làm quen với những sĩ quan, binh lính "Lực lượng đặc biệt Mỹ" thường được mệnh danh là những chiến sĩ "mũ nồi xanh"; quen những nhân viên Mỹ ở cơ quan USAID Buôn Mê Thuột.

Đến năm học cuối H'Tlỗn đã thành cô gái tân kỳ, biết mặc quần loe, mi-ni-dip, quần áo bó; thạo các mốt ăn chơi, tiêu tiền. Học xong trung học, cô không muốn học đại học vì phải chịu thời gian khắc khổ, không có tiền ăn chơi, may mặc. Vốn biết tiếng Anh, cô chọn một nghề rất thịnh hành, kiếm nhiều tiền nhất lúc đó: phiên dịch cho "Lực lượng đặc biệt" Mỹ.


Sau một thời gian sống nhầy nhụa với các sĩ quan và quân nhân "mũ nồi xanh", cô gặp đại tá Kersting cố vấn quân đoàn II. Đại tá đã cặp bồ với cô, đưa cô về trụ sở Bộ chỉ huy Quân đoàn II ở Plei Ku làm phiên dịch và làm vợ hờ của mình. Đó là thời kỳ hoàng kim của cô. Nhờ người chồng hờ có uy thế lớn đối với Quân đoàn, cô được nhiều người kiêng nể, từ tướng Ngô Du, đến tướng Nguyễn Văn Toàn. Và hai tướng cũng thường lén lút đi lại với cô.


Đại tá Kersting về nước, trung tướng Jôn Pôn Van thay làm cố vấn quân đoàn và cũng thay luôn làm nhân tình của H'Tlỗn. Jôn Pôn Van nhận cô vào mạng lưới CIA và ép Y Chôn đưa vào làm Phụ tá Ngoại trưởng, kiêm Hội trưởng phụ nữ FULRO. Jôn Pôn Van chết, H'Tlỗn bắt nhân tình với nhiều người và sống như một gái điếm thượng lưu. Trong số nhân tình, cô phân ra nhiều loại theo màu da, dân tộc. Loại thượng hạng là các sĩ quan Mỹ trong Ban cố vấn quân đoàn, các đơn vị thuộc "Lực lượng đặc biệt Mỹ".


Khi nào vắng các vị đó, cô mới bắt mối với các sĩ quan Việt Nam người Kinh. Cạn sĩ quan người Kinh, cô mới chịu đi với sĩ quan người Thượng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #71 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 07:00:56 am »

Số tiền kiếm được khi làm vợ bé của hai ngài cố vấn và các sĩ quan Mỹ, cô mua một chiếc xe Pơ-giô 504 và một xe Jeep. Cô đi lại nghênh ngang như một vị chỉ huy trong trụ sở Bộ tư lệnh quân đoàn.

Một lần, cô phóng xe Jeep từ Plei Ku về Bộ chỉ huy. Tên lính gác cổng mới thuyên chuyển đến, không biết cô, chặn xe lại hỏi. Chẳng cần xuất trình giấy tờ, cô hất hàm:

- Mày không biết tao là ai à?

Tên lính nói thật:

- Tôi không biết!

- Láo!

Cô rút súng Côn trong bao, nổ một phát vào tên lính rồi ung dung lên xe, phóng vào Bộ chỉ huy.

Cô gặp Trung tướng Toàn, giận dữ kể tội của tên lính. Trung tướng Tư lệnh quân đoàn chiều lòng cô, bắt đưa tên lính đang hấp hối từ bệnh viện về nhà cô tạ tội.

Để kiếm thêm nhiều tiền, cô còn lập một Bar ngay cạnh sở chỉ huy, bán rượu, ma túy và chứa gái cho cố vấn và quân nhân Mỹ. Cô trở thành một chủ nhà chứa. Cô lấy tiền bọn Mỹ rất cao, nhưng trả cho các cô gái rất rẻ. Với nghề này cô hốt tiền triệu. Chẳng bao lâu cô trở thành giàu có - Càng giàu có, cô càng oai vệ, nhiều quyền lực và được nhiều sĩ quan chỉ huy kiêng sợ. Với số tiền kiếm được trên thân thể các cô gái, cô lao vào những trò chơi kỳ quái về ái tình. Cô chọn những thanh niên trẻ, khỏe, lấy họ dùng một thời gian rồi lại thải đi như những bã thuốc. Không ai tính được cô có bao chồng hờ người Mỹ, người Kinh và Thượng như thế.


Sau khi thải Rcom Mep, cô lấy Siu Chang - Một võ sư ở Trung tâm huấn luyện biệt kích Plei Ku. Siu Chang người Ja Rai, to, khỏe, có cánh tay rắn chắc, có bộ ngực nở nang của lực sĩ. Siu Chang thuộc nhiều môn phái võ thuật các nước Pháp, Trung Hoa, Nhật Bổn, Đại Hàn.


Mặc dù là võ sư, tính tình hung hãn, nhưng Siu Chang vẫn bị lép vế trước vợ. Nhiều lần, cô ngồi bên các cố vấn Mỹ, hút thuốc lá, uống bia, ăn kẹo, nói năng cười đùa, để xem Siu Chang lấm lem, hoa chân múa tay mồ hôi đầm đìa huấn luyện lính biệt kích.


Lấy Siu Chang rồi, nhưng cô vẫn đi lại với các cố vấn Mỹ.

Một hôm Siu Chang bắt quả tang H'Tlỗn ngủ với tên cố vấn Mỹ. Hai vợ chồng cãi nhau.

Không kìm được cơn ghen, Siu Chang chửi vợ:

- Đồ con đĩ!

Cô quát lại:

- Thằng ăn bám vợ!

Rồi cô xua tay:

- Cút đi, cút khỏi nhà tao ngay!

Bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, uất ức quá, Siu Chang rút súng bắn vào... lốp chiếc xe Jeep của vợ rồi bỏ đi.

Bên cạnh cuộc sống tình cảm dữ dằn như thế, cô còn tham gia hoạt động chánh trị ngấm ngầm, kín đáo. Cô vừa là người của CIA, vừa của FULRO. Nhiều công vụ của cô đã được CIA đánh giá khá cao và thưởng những món tiền lớn.


Với tư cách là Hội trưởng phụ nữ kiêm phụ tá Tổng trưởng Ngoại giao, H'Tlỗn vẫn liên lạc với Y Chôn, Y Bliêng, ngấm ngầm xây dựng lực lượng ở vùng II FULRO.

Paul Nưr vẫn đắn đo, có nên hợp tác với H'Tlỗn không? Về tư cách thì mụ ta quá tồi tệ. Cộng tác với một con đĩ như thế chẳng hay ho gì. Nhưng là một nhân viên CIA, Ngoại trưởng FULRO, về quyền lực và khả năng, mụ ta có thể làm nên cơ nghiệp. Nếu như, qua bàn tay mụ, ông bắt tay được với người Mỹ ở Thái Lan thì ắt nắm lại được FULRO.


Có một cái cầu bắc sang Thái Lan, dù là cái cầu mục, hiện nay cũng là tốt. Huống hồ, H'Tlỗn đâu phải là cái cầu mục? Paul quyết định cử người liên lạc với H'Tlỗn, bắt tay với mụ, tìm cách sang Thái Lan. Sang Thái Lan bằng cách nào, phương tiện và phí tổn ai chịu? Paul Nưr nghĩ ngay đến những cánh đã từng cộng tác với ông buôn lậu, thực hiện những áp-phe táo bạo trước đây. Đó là một số thương gia Hoa kiều ở Chợ Lớn.


Paul gặp may mắn. Một số người đó vừa thành lập xong tổ chức "Phục hưng quốc để chống lại Cách mạng do Quốc Hùng Khanh chỉ huy. "Phục hưng quốc" đang muốn liên lạc với Mỹ ở Thái Lan.

Paul gặp Quốc Hùng Khanh. Khanh triệu tập luôn cuộc họp giữa Paul và một số tên cầm đầu "Phục hưng quốc". Bọn này gồm một số tên người Hoa: Quốc Hùng Khanh, Bùi Quang Thuyết, Chung Quang Ý và một mục sư Tin lành người Ê Đê: Y Cheng.


Mở đầu cuộc họp, Y Cheng phát biểu. Bộ mặt y buồn rười rượi vì vợ y đã chạy theo một tên Mỹ trong ngày giải phóng Sài Gòn, để lại nỗi đau dai dẳng trong y.

- Thưa các ngài, chắc các ngài đã biết ông Parr, Trước đây ông là sĩ quan cao cấp của CIA, chỉ huy mạng lưới ở Đông Dương. Hồi Ngô Đình Diệm, ông là cố vấn khối cảnh sát. Ông đã bất mãn với Lên-đên, bỏ về Mỹ. Một thời gian sau, ông sang làm cố vấn cho các ông Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu. Trước khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản, ông sang Thái Lan. Hiện nay ông là Tùy viên kinh tế đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan. Ông vừa cử ông Thacher - cộng sự viên của ông - ngụy trang là nhân viên hàng không của Mỹ ở Thái Lan - liên lạc với tổ chức ta. Ông Thacher nói, nếu có người sang Thái Lan, sẽ được ông Parr giúp đỡ, nắm lại được FULRO vì hai ông Les Kossem và Y Bhăm đã sang Pháp, không chỉ huy FULRO nữa.

Một vấn đề đặt ra là từ đây sang Thái Lan bằng cách nào? Những việc đó xin ông Paul cho ý kiến.

Paul nhìn mọi người:

- Nếu như ông Y Bhăm không còn lãnh đạo FULRO nữa, do Phong trào yêu cầu, tôi tuy tài hèn sức kém, nhưng cũng xin cố gắng tìm cách làm cho Phong trào tái hoạt động và lớn mạnh. Mong các vị ủng hộ và cộng tác chặt chẽ với chúng tôi.

Sau đó, mọi người bàn cách tổ chức đi Thái Lan. Khi ra về, ai nấy hí hửng, hăng hái lao vào công việc.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #72 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 07:01:51 am »

Công việc đầu tiên của "Phục hưng quốc" và Paul là đưa sáu thương gia Hoa kiều sang Thái Lan liên lạc với Parr. Paul vui mừng vì có dịp vừa hất cẳng Y Chôn và Y Bliêng, nắm lại FULRO, trở thành lãnh tụ của Cao Nguyên hiện nay, vừa có tiền tiêu xài như là một cú áp-phe lớn. Có thất bại về chánh trị thì cũng "thắng" về kinh tế.


Sáu thương gia Hoa kiều góp mỗi người 20 lượng vàng, đưa cho Paul.

Paul bớt 60 lượng bỏ túi, còn 60 lượng giao cho Y Cheng cầm về Buôn Mê Thuột gặp những người chỉ huy FULRO.

Y Cheng tức tốc về Buôn Mê Thuột gặp Y Bliêng.

Từ ngày giải phóng, Y Bliêng rất hoang mang. Hai con rể Mỹ đã cuốn gói về nước. Hai con gái chạy theo chồng. Ông chờ đợi xem chánh quyền mới có phải cần đến ông, gọi ra làm việc không? Nhưng ngày tháng trôi qua ông vẫn bị lờ đi, chẳng ai đoái hoài đến. Những người bị ông Chánh án ức hiếp, xử oan, bắt đút lót... làm đơn xin chánh quyền Cách mạng trừng trị ông... Y Bliêng càng căm Cách mạng, đốc thúc FULRO ráo riết hoạt động. Nhưng Y Bliêng rất kín đáo.


Y Cheng về gặp Y Bliêng. Bàn bạc xong với Y Cheng, Y Bliêng ẩn mặt, giao cho Y Pôi (con trai Y Chôn) và Y Cem (con trai Y Nguê) dẫn Y Cheng vào khu rừng buôn Êa Khít gặp H'Tlỗn.

Khi Y Pôi, Y Cem, Y Cheng vào gặp, bà Ngoại trưởng đang tình tự với ông Tổng tham mưu trưởng Y Bách. Hai người đang nằm chung trên một chiếc võng dù Mỹ, màu xanh thẫm.

Sau khi đuổi Siu Chang đi, H'Tlỗn lại lang chạ với nhiều người khác. Những mối tình thoáng qua làm cho tâm hồn bà đỡ trống trải. Không có chồng, bà tha hồ tự do, yêu ai thì yêu, ăn ở với ai thì ăn ở, chẳng ai ngăn cản, hạch sách bà. Vì thế, hiện nay bà không muốn lấy ai. Bà tuyên bố với mọi người: "Tôi không lấy chồng vì sợ ảnh hưởng đến bước đường hoạt động cách mạng FULRO".


Về hậu cứ FULRO, là một Tổng trưởng, kiêm Hội trưởng Hội phụ nữ, bà phải giữ uy tín, không thể yêu ai cũng được. Bà phải có người bạn lòng xứng đáng, ở cương vị cao.

Người lọt vào đôi mắt xanh của bà là ngài Tổng tham mưu trưởng Y Bách có nước da trắng, mắt luôn lấp lánh đôi kính trắng gọng vàng, ông trông như một giáo sư hơn là một vị chỉ huy quân sự. Đối với quá trình hoạt động FULRO, tuy chưa được xếp vào bậc tiền bối thuộc thế hệ thứ nhất, nhưng cũng thuộc thế hệ thứ hai, đã từng chỉ huy binh lính Thượng nổi lên ở trại Sarpa, đã từng ở Căm-bốt cho đến khi về hợp tác; đã từng làm đại úy quân đội Sài Gòn. Ở thế hệ thứ ba, ông được cử làm Tổng tham mưu trưởng. Một con người có 11 tuổi đảng FULRO; giữ cương vị cao như thế, lại đẹp trai, thật xứng đáng với bà Ngoại trưởng.


Ở cùng một P.C, tình yêu giữa một ông xa vợ và một bà bỏ chồng bùng lên mãnh liệt.

Để tránh sự truy lùng, các vị chỉ huy chia ra ở từng khu vực khác nhau. Ông Tổng tham mưu trưởng và bà Ngoại trưởng ở riêng một khu vực. Hai ông bà tha hồ tự do mèo mỡ.

Y Bách mở khuy túi áo ngực, lấy ra một tờ giấy đưa cho H'Tlỗn:

- Thư của Bộ Tổng tham mưu gửi sĩ quan, chiến sĩ FULRO, em đọc xem có được không?

H'Tlỗn đón mảnh giấy trong tay Y Bách, chăm chú đọc, rồi reo lên:

- Câu này anh viết hay quá! "Vợ mất có thể lấy vợ khác, cha mẹ mất có thể gọi người khác bằng cha mẹ và họ cũng gọi lại bằng con. Còn Cao Nguyên bị mất, đất ở đâu mà tìm?..."

Bà vừa nói đến đây thì những liên lạc viên của Paul Nưr theo người dẫn đường đi đến.

Sau những câu chào hỏi xã giao, Y Cheng thưa:

- Thưa bà, ông Paul cử chúng tôi đến liên lạc với bà. Đây là thư của ông!

Đọc xong thư, H'Tlỗn bảo bọn liên lạc đứng chờ, bà cùng Y Bách đến chỗ vắng bàn bạc riêng. Y Bách đập tay vào bức thư:

- Thằng già này định nhờ bàn tay ta thoát ra nước ngoài, dựa vào CIA trở về lãnh đạo ta đây. Thằng này khi còn làm Tổng trưởng đã chửi FULRO ghê lắm. Khi gọi bọn anh về hợp tác, nó hứa đủ chuyện. Sau khi bọn anh về, nó nuốt lời, đối xử rất tệ. Nhiều người chẳng có công ăn việc làm, phần đông bị đầy đi lính. Nhiều người xin vào làm ở Bộ phát triển sắc tộc, ở các ty, phải đút nó nặng lắm. Giờ nó lại muốn nắm FULRO. Cứ để cho nó về đây, ta trần cho một trận. Có thế mới hả giận.

H'Tlỗn cười, can:

- Trong lúc này, cần tập trung sức lực chống Cộng sản, ta chưa lục tội hắn làm gì. Hắn muốn chỉ huy FULRO, mặc kệ hắn. Còn Y Bliêng, Y Chôn, thằng này chẳng làm nên trò trống gì đâu. Cứ để hắn cho bọn Tàu đem tiền cung phụng ta. Em sẽ viết thư cảm ơn, giục hắn cho bọn Tàu về đây.

Y Bách khen người yêu khôn ngoan. H'Tlỗn gặp lại bọn Y Chang, nở một nụ cười duyên trên môi:

- Chúng tôi là lớp hậu sinh, không bao giờ quên ơn cụ Paul Nưr, cựu Phó chủ tịch FULRO 1, bậc tiền bối của chúng tôi. Vậy xin các quý vị báo cáo với cụ cứ cử người đến, chúng tôi sẽ tận tình phục vụ. Đây là trách nhiệm của FULRO chúng tôi. Mối liên hệ của chúng tôi với Miên, Lào và Thái rất chặt chẽ.

Thấy bà Ngoại trưởng vồn vã, tưởng bà thân tình, sẵn sàng giúp đỡ Paul Nưr, Y Cheng phấn chấn hẳn lên. Nỗi buồn vì bị tên Mỹ cuỗm mất vợ như tan dần đi trong lòng ông mục sư.

Y Cheng, Y Pôn, Y Cem đã bàn nhau, bớt 20 lượng vàng, còn đưa cho H'Tlỗn 40 lượng để mua voi và lương thực.

Y Cheng vội vã về Sài Gòn. Sáu người Hoa theo Cha đến Buôn Mê Thuột, chắc mẩm là nhờ FULRO sẽ chuồn được ra nước ngoài, gặp lại tên Parr và đồng bọn. Từ đó họ sẽ đi Hồng Kông, Đài Loan, Pháp, Mỹ, tiếp tục buôn bán làm giàu.

Đến Buôn Mê Thuột, Y Pôn, Y Cem, Y Cheng nói là thiếu tiền mua voi.   Mỗi người Hoa phải nộp thêm 2 lượng nữa. Bọn họ đút túi.

Sau khi nhận vàng, H'Tlỗn và Y Bách bàn nhau lấy vàng rồi lánh mặt.

Ba liên lạc viên dẫn người Hoa đến nơi hẹn. Khu rừng vắng ngắt, chẳng có ai đón.

Ba liên lạc viên biết bị lừa, bàn nhau trốn biệt. Bơ vơ trong rừng, không có gì ăn, không nơi nương thân, số
gười Hoa đành kéo nhau về, chửi Paul Nưr là tên lừa đảo.

Paul Nưr biết Y Pôn chủ mưu trong việc lừa đảo, ức lắm, viết thư chửi bố nó là Y Chôn thậm tệ. Ông kết luận: "Thằng bố lưu manh về chính trị, thằng con lừa đảo về tiền bạc. Cả nhà nó lừa đảo. Rau nào sâu nấy, thật đểu giả".
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #73 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 07:03:46 am »

25. MỘT TÊN ĐỘC ÁC

Chiến dịch truy quét FULRO mở rộng khắp Tây Nguyên.

Y Chôn, Y Bliêng, Y Nguê, Y Djao, Nay Guh, Nay Fun, Nay Rông lần lượt bị bắt vì không ngừng chống phá cách mạng. Kpă Kới tập hợp những tên còn lại, Y Bách, H'Tlỗn, Y Ghơk... tiếp tục quấy phá ở các buôn làng.

Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị giải quyết vấn đề FULRO. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ huy động các lực lượng bộ đội, công an phối hợp cùng dân quân, du kích các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai - Công Tum, Thuận Hải, cán bộ các ngành thuộc bốn tỉnh được tổ chức thành các "Đội cơ sở", đến các buôn ấp phát động quần chúng, kêu gọi những người lầm đường theo FULRO trở về, làm ăn lương thiện.


Thấy bọn già ngoan cố như Y Chôn, Y Bliêng, Y Nguê... đã bị bắt, lớp chỉ huy mới như Kpă Kới không dám hung hăng. Bọn cầm đầu trẻ đầy tham vọng đang ở trong trại như Y Djao, Nay Guh, Nay Fun, Nay Rông... thấy rõ nguy cơ tan rã của FULRO, thấy rõ quyền lợi của chúng đang bị đe dọa. Cần phải thay đổi bộ máy cầm đầu tê liệt hiện nay, nắm lại FULRO, chống phá cách mạng đến cùng.


Y Djao chuẩn bị ráo riết một cuộc đảo chánh, thâu tóm quyền hành vào tay mình.

Sau khi Y Dhơn, Ynuỉn bị Y Bhăm giết, trung đoàn FULRO đóng ở buôn Buôr bị triệu hồi về hậu cứ, Y Djao đã nằm im chờ thời. Khi FULRO về hợp tác, Y Djao được chánh quyền Sài Gòn cho theo học lớp sĩ quan hoàn hảo ở Đồng Đế (Nha Trang). Y được phong hàm đại úy, chỉ huy một đại đội lính Thượng đóng ở chốt Buôn Đưng.


Thời kỳ này, y giết nhiều cán bộ Cách mạng và nhân dân.

Mọi người căm thù, muốn trừng trị. Trong một cuộc đụng độ, y bị bắn què chân. Mang cái chân thọt, y càng căm thù Cách mạng, càng trở nên tàn ác. Đại tá tỉnh trưởng Đắc Lắc Nguyễn Trọng Luật dự định đưa y làm Tổng trấn Buôn Mê Thuột.


FULRO 3 thành lập, Y Djao nhập bọn ngay và được phong hàm chuẩn tướng. Y Djao tỏ ra hung hăng, lôi kéo tay chân thành phe cánh riêng đối lập với Kpă Kới. Kpă Kới thấy y có nhiều tham vọng, đang chuẩn bị hất cẳng mình, liền tìm cách trị. Y Djao chưa kịp lật Kpă Kới thì bị Cách mạng bắt đưa vào trại Mê Van. Ở đây, y gặp Nay Fun, Nay Rông, Nay Guh... Những tên này đều muốn lật Kpă Kới, ngoi lên cương vị cao. Bọn chúng đã tổ chức một cuộc trốn trại trót lọt.


Sau khi ra rừng, vừa hoạt động chống phá cách mạng, Y Djao vừa kêu gọi đồng bọn phải lật Kpă Kới giành lấy quyền chỉ huy và giữ vững "ngọn cờ đấu tranh".

Công việc chuẩn bị cho cuộc đảo chánh được tiến hành bí mật. Y Djao cùng đồng bọn đã bố trí lực lượng, theo dõi mọi hoạt động của Kpă Kới và phe cánh.

Ít lâu sau, tự nhiên Kpă Kới, Y Bách, H'Tlỗn cùng một số tên chỉ huy trong nội các Kpă Kới bị mất tích. Nhiều nguồn tin từ Ban tuyên huấn FULRO lan truyền, giải thích về sự mất tích bí ẩn này: Bị bom quân Cách mạng ném chết? Bị nước lũ cuốn trôi? Ra nước ngoài trốn tránh?... Nhưng các đoàn viên FULRO không tin sự giải thích chánh thức ấy. Mọi người tin vào sự bàn tán cửa miệng của các đoàn viên FULRO hơn. Nguồn tin đó cho hay: Kpă Kới và số chỉ huy cũ bị Y Djao cùng phe cánh phục kích giết chết.


Vị Phó chủ tịch và các thành viên nội các cũ mất tích.

Djao cùng đồng bọn đứng ra triệu tập một hội nghị bầu Chánh phủ mới. Những tên đứng đầu "chánh phủ" hoàn toàn theo Y Djao. Y Djao làm Thủ tướng với biệt danh là Đămpa Kwei. Các tay chân tin cậy của Y Djao là Nay Ful, Nay Rông, Nay Guh nắm các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ... Y Djao táo bạo gạt cả Y Bhăm, vị cựu Chủ tịch, người sáng lập ra FULRO, một "lãnh tụ vĩ đại của Cao Nguyên". Tất cả những tên trước đây là chân tay thân thuộc của Kpă Kới, đều bị giết, bị gạt ra khỏi cương vị chủ chốt, hoặc bị giáng chức như Y Ghơk Niê. Thay vào đó là "ê-kíp" mới của Y Djao. Chuẩn tướng Y Đuê, không ăn cánh với Y Djao, liền bị Y Suếch giết ngay. Nội các mới được lập ở trung ương, nhưng ở các vùng, các vị chỉ huy quân đoàn khác dân tộc với Y Djao, không tuân theo y. Trong đó có tư lệnh vùng 4 Nikôlai.


Sau ngày giải phóng, hai Bộ tư lệnh của K’Năm và Nikôlai ở vùng 4 có nhiều biến động.

Với số quân của trung ương chi viện, cộng với số tàn quân Thiệu còn lại, K’Năm giữ Đàm Rông làm P.C chánh. Đây là vùng hẻo lánh, hiểm trở, không có đường sá qua lại, dường như bị cách biệt với bên ngoài. Muốn vào Đàm Rông, quân lính Thiệu phải đi bằng trực thăng. Còn người dân thường đi tắt qua những con đường rừng ngoắt ngoéo.


Dựa vào vị trí hiểm trở này, K’Năm hy vọng sẽ tồn tại được lâu dài. Nhưng hoạt động được một tháng. Quân giải phóng kêu gọi y phải giải tán FULRO. K’Năm hoang mang, không biết xử lý ra sao buộc phải đi gặp Nikôlai.

Nikôlai nói với K’Năm:

- Cộng sản thắng ở đất Cao Nguyên này thì ta mất hết. Chúng ta phải đoàn kết chống Cộng sản. Hiện nay FULRO đã được 33 nước ủng hộ và Liên hiệp quốc công nhận. Anh hãy về lệnh cho quân của anh tìm đất, làm sân bay ngay để đón máy bay Mỹ, các nước và Liên hiệp quốc tiếp viện vũ khí, lương thực và cả quân lính cho ta. Thắng lợi đang đến gần rồi.

Tin lời Nikôlai, K’Năm vui vẻ ra về, đôn đốc lính làm sân bay.

Thiếu tá K’Đin dẫn một tiểu đội FULRO đi tìm đất.

Lặn lội ba ngày đêm, đoàn thăm dò đến chân núi Gung Rê. Chúng nhìn thấy một thung lũng rộng. Một tên FULRO chỉ thung lũng đó hỏi K’Đin:

- Thưa Thiếu tá, đây có thể làm sân bay được không?

K’Đin lắc đầu:

- Phải làm sân bay lớn, hàng trăm máy bay thường xuyên lên xuống. Cả Bô-ing cũng hạ cánh được. Chỗ này hẹp quá.

Toán FULRO lại trèo đèo, lội suối, vạch rừng tìm đường, len lỏi bước đi.

Lương thực hết, chúng tìm củ rừng. Một tốp được cử vào rẫy đào trộm củ mì. Năm ngày sau, đoàn đến bờ sông Rô Nô. Trời đổ mưa như trút nước. Lũ lên, nước sông mênh mông, cuồn cuộn chảy. Toán FULRO dừng lại ở bờ sông, K’Đin nhìn dòng nước chảy, lo ngại:

- Hạn tìm đất đã sắp hết rồi. Ta không thực hiện mau, quá hạn, bị kỷ luật cả lũ.

Cả bọn lo sợ. Tìm một đoạn sông, nước ít chảy xiết nhất, bơi ra. Đến giữa dòng, bỗng một luồng nước lũ đột ngột ào đến cuốn phăng đám người.

K’Đin lên trước, nhìn rõ năm, sáu cái đầu nhô lên, ngụp xuống, cuộn vào các xoáy rồi chìm nghỉm.

Lên tới bờ bên kia, K’Đin kiểm lại quân số thấy thiếu ba tên. Cả bọn nhìn dòng sông, nặng nề bước đi.

Năm ngày nữa nhịn đói, chịu rét, chúng mới tìm ra một thung lũng rộng. K’Đin dẫn toán FULRO về báo cáo. Một tiểu đoàn được phái đi phát cây, san sân.

Rồi K’Đin lại vui mừng được lệnh lập danh sách FULRO để lãnh quân trang, quân dụng. Bọn chỉ huy cấp dưới bàn nhau khai tăng quân số. Số FULRO quân khu 4 lên tới hàng vạn.

Danh sách nộp lên Quân đoàn, K’Năm lại ghi thêm, trình trung ương.

K’Năm thấp thỏm chờ máy bay và quân trang. Trung tá Ka Cháp - Tham mưu trưởng Quân đoàn - đi họp trung ương về lại khẳng định thêm:

- Sắp tới, quân đội "Phục quốc" của Nguyễn Cao Kỳ sẽ nổi dậy. Vì thế ông Y Djao lệnh cho FULRO toàn Cao Nguyên phải nổi lên trước để các nước biết tiếng, không lẫn với cuộc nổi dậy của "Phục quốc". Quân khu 4 phải tấn công Cộng sản ngay!

K’Năm cử Ka Cháp, K’Đin dẫn quân đi tấn công cơ quan huyện Bảo Lộc, tập kích xã Châu Trung và Đinh Trang Thượng. Ở Đinh Trang Thượng, bốn mươi bộ đội, cán bộ và dân bị giết.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #74 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2022, 07:04:48 am »

Lại có lệnh trung ương triệu tập K’Năm về Đam Pao nhận chỉ thị mới. K’Năm vượt từ Đàm Rông về Đam Pao. Đêm ấy, đang nằm, bỗng nghe tiếng súng nổ ầm ầm gần đó, K’Năm tưởng quân Cách mạng tấn công. Từ ngoài cửa, trung tá Ha Chông - Đặc phái viên của Nikôlai - chạy vào, K’Năm nhìn Ha Chông:

- Tiếng súng của quân nào thế?

Ha Chông thản nhiên:

- Nikôlai đánh chiếm Yeng Lê rồi.

K’Năm bực tức:

- Chính Nikôlai đã nói phải đoàn kết chiến đấu chống Cộng sản, sao các anh đánh chiếm vùng đất do tôi cai quản?

Sáng hôm sau, Nikôlai tự ý ra lệnh FULRO đánh Đơn Tiêng Liêng của Y’Năm. Thấy Nikôlai quá lộng hành, K’Năm tức tối bỏ về Đàm Rông.

Chờ đợi mãi, K’Năm chẳng thấy máy bay, vũ khí, lương thực, tiếp viện. ít ngày sau, vẫn im ắng, chẳng có tăm hơi về cuộc nổi dậy của quân Nguyễn Cao Kỳ. Biết là bị lừa, K’Năm vô cùng chán nản.

Giữa lúc ấy, bộ đội tấn công Đàm Rông rất mãnh liệt,    P.C bị máy bay bắn phá. Những chiếc lán của Bộ chỉ huy quân đoàn cháy sạch, FULRO tan tác, chạy tán loạn.

K’Năm hoang mang, nói với K’Đin:

- Nikolai lừa ta. Cả trung ương cũng lừa dối ta, không còn biết tin ai nữa. Tình hình này kéo dài, chúng ta sẽ bị cô lập, trước sau sẽ bị tiêu diệt. Anh định thế nào?

K’Đin trình:

- Trong khi tấn công Đinh Trang Thượng, chúng ta có bắt được một cán bộ tên là K’Bang. Hắn đang bị giam giữ. Anh hãy cho gọi hắn ta lên hỏi, thăm dò xem sao. Qua hắn, may ra ta có thể tìm được cách giải quyết.

K’Nam sai một lính FULRO dẫn ông K’Bang lên gặp.

K’Năm nhìn ông K’Bang:

- Ông đã từng thấy người nào trong FULRO chúng tôi về hàng Cách mạng chưa?

K’Bang thành thật:

- Tôi đã gặp.

- Bộ đội, an ninh Cách mạng có đánh đập họ không?

- Không!

- Thiệt không?

- Thiệt!

- Nếu chúng tôi về hàng, Cách mạng sẽ đối xử thế nào? - K’Năm thăm dò

Ông K’Bang nói ngay:

- Các anh sẽ được khoan hồng. Cách mạng luôn mở rộng cánh cửa đón những người lầm lạc trở về, đúng như những lời trong bản kêu gọi của Ủy ban mà tôi đã gửi các anh.

K’Năm đã cùng hai con trai và K’Din, K’Đim, Ka Cháp ra hàng. Bộ tư lệnh vùng 4 FULRO của K’Nam tan rã.

Nikôlai thâu nạp số FULRO còn lại của K’Năm, chỉ huy toàn bộ vùng 4.

Thấy Y Djao lập nội các mới lôi kéo bọn Ê Đê, J Rai thành phe cánh giết hại nhiều chỉ huy FULRO, Nikôlai viết một bản tường trình gửi Y Djao, phê phán Y Djao độc đoán. Điều này làm Y Djao nổi cáu.

Vị tân thủ tướng bàn với tổng trưởng nội vụ Nay Fun. Vị tổng trưởng nói:

- Nikolai thuộc cánh Ka Ho, Cil, Mạ, Lát. Cánh này được người Mỹ tin cậy hơn cánh Ê Đê, Ja Rai, Ba Na chúng ta. Hắn lại là con Mỹ. Dựa vào bọn giáo sĩ Mỹ, hắn tỏ ra kiêu ngạo, coi thường tất cả những người chỉ huy FULRO từ trước đến nay. Dám phê phán chúng ta, hắn đã có rắp tâm tách vùng 4 ra khỏi trung ương, cần phải thủ tiêu hắn ngay, loại trừ một cuộc đảo chánh mới của hắn.

Y Djao lúc lắc cái chân thọt:

- Thằng nhóc con dám phê phán ta! Cần cho nó biết những tên Ka Ho, Cil không thể lật được những người Ê Đê, Ja Rai chúng ta đâu.

Mấy hôm sau, Nikôlai nhận được công văn triệu tập các Tư lệnh quân khu về trung ương họp. Nikôlai cùng hai em trai là Ha Biêng và Ha Tưn vội vã lên đường đi về P.C trung ương.

Đến cửa rừng dẫn vào bản doanh của Y Djao, Nikôlai gặp một toán FULRO người Ê Đê canh gác. Tên toán trưởng chặn ba người lại nói:

- Thủ tướng ra lệnh, ai vào họp phải để vũ khí ở ngoài.

- Tôi là Tư lệnh quân khu 4

- Bất cứ ai cũng phải tuân lệnh trên, kể cả Tư lệnh quân khu. Ông là Nikôlai?

Nikôlai nghe câu nói xấc, nhận ra là bị mắc mưu, chưa kịp đối phó thì toán FULRO đó đã ập vào bắt.

Ha Tưn ở phía sau, nhanh chân chạy thoát, trèo lên một ngọn cây cao. Từ trên ngọn cây, Ha Tưn nhìn thấy cảnh hành hình hai anh mình rất thảm hại.

Toán FULRO trói hai người vào một gốc cây, rồi nhặt đá đập vào đầu Nikôlai và Ha Biêng. Máu phun ra, thấm đỏ thân cây.

Ha Tưn choáng váng, ôm ghì lấy cành cây.

Toán FULRO để xác hai anh em Nikôlai ở đó rồi bỏ đi.

Ha Tưn lang thang trong rừng mấy hôm rồi lần về nhà báo tin cho cha. Mục sư chủ nhiệm Ha Brông đang cầu kinh buổi tối. Nhìn thấy bộ mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu, trắng dã của con, ông thấy thương hại, đau xót. Ông tắt bớt ngọn nến. Ha Tưn khóc, nói không ra hơi, kể lại cái chết bi thảm của hai anh.

Ha Brông lảo đảo, ngã khuỵu xuống nền nhà thờ lạnh lẽo: "Ôi hai con ta!".

Hôm sau, Ha Brông quyết định bỏ FULRO, ra đầu thú với Cách mạng.

Đặc phái viên ngoại giao Ha Chông tập hợp số còn lại thành lập Bộ tư lệnh vùng 4 mới do Ha Chông làm Tư lệnh trưởng, ly khai khỏi Y Djao.

Liêng-hót Ha Krông, người trong nhóm Nikôlai, vốn là Chánh án Tòa án phong tục liên tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức, làm đơn tố cáo và lên án Y Djao.

Diệt xong Nikôlai, Y Djao cũng lập Bộ tư lệnh vùng 4 và cử Ya Duck làm Tư lệnh trưởng.

Là một nhân vật kỳ cựu FULRO, trong thời kỳ ở Căm-bốt, đã từng làm đại diện dân tộc La Ho trong "Ban chấp hành trung ương FULRO"; khi về hợp tác, đã từng làm Đệ nhị Phó chủ tịch Phong trào Đoàn kết, Ya Duck được bọn Nikôlai tin cậy phòng làm Tỉnh trưởng Tuyên Đức.

Là thuộc cấp của Nikôlai, nhưng Ya Duck rất ấm ức, muốn leo lên chức Tư lệnh. Y tỏ ra tuân phục Y Djao, được tên này tin cậy. Nikôlai chết và cố nhiên Ya Duck lên thay ngay.

Thế là lại có hai Bộ tư lệnh ở quân khu 4. Ha Chông và Ya Duck luôn đem quân đánh phá hòng tiêu diệt lẫn nhau, độc chiếm quyền hành trong vùng.

Ya Duck muốn tăng thêm vây cánh, cho liên lạc viên xuống Ninh Thuận gặp Huỳnh Ngọc Sắng, bàn việc hợp tác giữa FULRO Chàm và quân khu 4 FULRO Thượng.

Thời gian này, Mặt trận FULRO Champa cũng đang phát triển lực lượng. Huỳnh Ngọc Sắng thấy không thể không liên minh với FULRO Đê-ga, một lực lượng quan trọng ở Cao Nguyên để tăng thêm sức mạnh. Huỳnh Ngọc Sắng cùng Nhung lên Đơn Dương gặp Ya Duck. Hai bên đã thảo luận và thỏa thuận hợp tác. Ya Duck báo cáo với trung ương. Y Djao cử Thuận Văn Hải, một người Chàm, nguyên là giáo sư trường Trung học kỹ thuật Cao Thắng ở Sài Gòn, làm Công cán ủy viên, từ Buôn Mê Thuột về Ninh Thuận gặp Huỳnh Ngọc Sắng, bàn bạc và đặt cơ sở cho sự hợp tác giữa hai mặt trận.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:51:20 am »

26. TỘI ÁC

Đầu tháng 5-1975 sắng triệu tập một cuộc họp ở khu rừng Chung Mỹ. Trong cuộc họp có Sắng, Quyên, Bình, Đổng Thẹo, Huỳnh Ngọc Trăn, Phú Văn Lưu, Lưu Ngọc Tuấn, Kiều Trọn, Đạt Nhậm, Đạt So... Sắng quyết định đưa thêm thanh niên lên Sông Pha.


Sắng giao cho Kiều Ngọc Quyên chỉ huy chung, Phú Văn Lưu chỉ huy quân sự. Tất cả thanh niên sẽ tập trung ở Hữu Đức, rồi từ đó lên Sông Pha. Đạt Nhậm đi hon-da theo đường 14 lên trước, cùng sắng, Thẹo sẽ đón mọi người ở ấp Gòn.


Chiều mồng 10-5, theo đúng kế hoạch, Quyên, Lưu dẫn hơn ba trăm thanh niên Chàm từ Hữu Đức kéo tới khu rừng Sông Pha. Tới nơi, Quyên cử người vào ấp Gòn liên lạc với Sắng.

Cả đêm, Quyên nằm chờ tin của liên lạc. Tờ mờ sáng ngày 11, vẫn không thấy liên lạc viên về.

Giữa lúc đó, bộ đội, công an bao vây, tấn công. Súng nổ ran. Cả bọn chạy tán loạn. Kiều Ngọc Quyên, Huỳnh Ngọc Trăng, Lưu Ngọc Tuấn, Phú Văn Lưu bị bắt.

Sắng, Đồng Thẹo, Hà Giáo, Đạt Nhậm... đang ở nhà Hà Giáo. Nghe tiếng súng, cả bọn chạy ngược lên núi. Khi tiếng súng im, chúng xuống nơi tụ quân thì số thanh niên đã chạy hết. Ba lô, túi đồ đạc lổng chổng. Có hai xác người, một nam, một nữ nằm trên bãi cỏ.


Sắng, Giáo nhìn hai xác người, lạnh lùng bỏ đi. Sắng cùng Đổng Thẹo, Kiều Trọn, Kiều Đỡ, Nhung, Trang lên phía Đơn Dương.

Chán ngán trước cảnh thất bại và thái độ thờ ơ của các vị chỉ huy khi nhìn thấy quân lính của mình bị chết, Đạt Nhậm bỏ về ấp. Về tới nhà, thấy một số FULRO vừa về, được tự do, không ai bị bắt. Nhậm yên tâm ở lại. Mấy hôm sau, Nhậm nghe người ta xì xào: số người theo FULRO trở về sẽ bị bắt hết. Hiện còn yên ổn vì công an nhử cho về thật nhiều. Sợ hãi, Nhậm lại chạy lên suối Tân Kè. Ở đây y gặp Từ Công Xuân (Dân biểu hạ viện); Lê Sơn Cường (Trưởng ty phát triển sắc tộc Cam Ranh); Đạt So (Ấp trưởng Văn Lâm, là anh ruột Nhậm), cùng nhiều người khác, số người này cho biết, họ nghe theo lời kêu gọi của Mặt trận FULRO, chạy lên đây, không liên lạc được với Sắng. Mấy hôm sau, Từ Công Xuân và Lê Sơn Cường tập hợp toán người, thành lập Đại đội Chế Bồng Nga, giao cho Đạt Nhậm làm Đại đội trưởng. Xuân và Cường làm cố vấn. P.C được lập, có ba trạm gác bảo vệ...


Ngày ngày, Đại đội Chế Bồng Nga hoạt động ráo riết, giết cả người Chàm và người Kinh một cách rất dã man.

Một lần, nhìn thấy một người Kinh cầm rìu lên rừng, Đạt So nói với La Trí và Thập Văn Khuyên:

- Thằng Mần ở Phú Quý lên đấy, chúng mày tính sao?

- Bắt trói lại, khử đi!

Ba thằng đón đường giữ anh Mần lại. Một tên hỏi:

- Mày lên đây có việc gì?

Nhận ra người quen, anh Mần thành thật:

- Vợ tôi đẻ, tôi đi đốn củi, đốt than cho cô ấy sưởi.

Đạt So hất hàm:

- Mày là người Kinh, áp bức người Chàm chúng tao. Phải giết mày.

Mặc anh van xin, Đạt So cùng đồng bọn lấy chà-gạt bổ vào đầu anh, chặt thân thành nhiều khúc rồi vất trên mặt đất.

Hàng chục người khác bị giết một cách dã man như thế.

Đại đội Chế Bồng Nga có thể còn tiếp tục hoạt động gây tội ác nữa nếu sự biến sau đây chưa được giải quyết đúng đắn.

Đầu tháng 7-1975, Từ Công Xuân nhận được một bức thư từ ấp gửi lên. Y buồn bã trao cho Nhậm:

- Thư thằng Sửu gửi lên đấy!

Nhậm đón bức thư. Thiên Sanh Sửu là cháu gọi Xuân bằng cậu. Trước kia Sửu làm cảnh sát đặc biệt. Sau giải phóng, theo FULRO, nhưng y khéo léo lọt vào làm Trưởng ban An ninh ấp Văn Lâm. Y khôn ngoan, hoạt động rất kín. Khi FULRO về, Sửu bảo vệ. Khi FULRO đi rồi, Sửu mới báo cho công an biết. Xác minh thấy đúng có FULRO về, nhiều người cho là Sửu trung thành.


Nhưng Sửu không thể che đậy mãi hành động xảo trá. Và hôm nay phải viết thư bảo: "Hình như bọn công an đang theo dõi cháu. Cháu sẽ lên ở chung với anh em". Bức thư vẻn vẹn có thế.

Từ Công Xuân thở mệt nhọc:

- Nó bị lộ. Cứ cho nó lên. Ta tính sau.

Xẩm tối ngày 19-7-1975, Nhậm đang ở bộ chỉ huy, một tên gác trạm 1 lên báo:

- Thiên Sanh Sửu đòi lên bộ chỉ huy, anh có cho hắn lên không?

Nhậm gật đầu:

- Cho lên!

Nhậm cử Tri, Thương, Xẩm xuống đón Sửu.

Ba tên ra đi. Thập Văn Khuyên chạy theo. Một lúc sau, Nhậm nghe tiếng súng nổ phía cửa rừng.

Tri, Thương, xẩm đi lên, Nhậm hỏi:

- Sửu đâu?

Trí hốt hoảng:

- Chúng tôi đưa Sửu từ trạm 1 đến trạm 2. Đang đi, Khuyên và Thương bàn nhau rồi Khuyên bảo tôi: "Bắn Sửu đi! Khi làm Trưởng ban an ninh ấp, nó hống hách chửi mắng chúng ta nhiều lắm. Đạt So giết bò, nó đòi phạt đấy". Tôi hỏi: "Ai ra lệnh?". Nó nói: "Đạt Nhậm". Tôi tưởng lệnh của anh, tôi bắn Sửu rồi.

Đạt Nhâm giật mình:

- Chết rồi. Mày bắn chết cháu ông Xuân, lại là người của ta rồi.

Nhậm tức tốc lên gặp Từ Công Xuân, trình lại sự việc.

Xuân hoảng hốt. Đôi mắt già đờ ra:

- Cháu tôi chết rồi à?

Xuân ho lên sù sụ. Một lúc sau, Xuân mệt mỏi thở:

- Bây giờ làm thế nào đây? Chôn nó ở đây à? Ai làm ma cho nó?

Nhậm tính:

- Phải khiêng xác Sửu về ấp, để ở đó, vợ Sửu sẽ làm ma cho chồng. Rồi ta tung tin Cách mạng giết Sửu.

Từ Công Xuân chấp nhận. Nhậm bắt Khuyên, Trí, Thương, Xẩm khiêng xác Sửu về ấp. Bọn chúng đem xác Sửu đặt ở ngã ba Hiếu Thiện - Vụ Bổn.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:52:44 am »

Trinh sát Nguyễn Văn Cầm từ Phan Rang về huyện An Phước. Đồng chí Lê Thanh Bình, Trưởng Công an huyên giao nhiệm vụ cho anh:

- Thiên Sanh Sửu chết đột ngột. Ngày 17-7 vừa qua, Sửu lên họp ở đây. Sáng 19, Sửu cùng một anh du kích ở thôn Nho Lâm đi hon-đa về nhà. Sáng 20, người ta thấy xác ở ngã ba Hiếu Thiện - Vụ Bổn. Thị Song - vợ Sửu - lên đây gặp tôi, cứ đổ riết cho công an ta giết. Bọn FULRO đang lợi dụng cái chết của Sửu, tung tin Cách mạng tàn sát người Chàm. Tôi nghĩ, chỉ bọn FULRO giết Sửu. Anh cố gắng tìm ra thủ phạm. Không tìm ra, đồng bào bị kích động, chạy theo FULRO nhiều lắm. Từ 17 đến nay, đã có hơn 200 người chạy rồi.

Cầm về Văn Lâm. Chưa thể vào ở nhờ đồng bào được, anh nằm tại trường cấp I. Học sinh đang nghỉ hè, vắng teo. Ở đây, anh cảm thấy rờn rợn.

Ngày ngày, anh đi gặp dân. Mọi người nhìn anh với ánh mắt lạnh nhạt, nghi ngờ và căm thù. Anh cố tình làm quen, họ cố tình lảng tránh. Họ xì xào với nhau bằng tiếng Chàm, anh không hiểu gì cả.

Không có người Chàm dắt dẫn thì không thể nào đi vào quần chúng, Cầm trở về huyện, gặp ông Bình, xin một vài cán bộ cơ sở người Chàm. Ông Bình cầm một bản danh sách, nói:

- Huyện đang trưng dụng một số thanh niên Chàm từ thôn ấp tập trung lên, đi vận động quần chúng. Trong số này, có em Năng Thụy Kim Dung, học sinh lớp 12, rất nhiệt tình, hăng hái. Anh cần thì tôi cử đi.

Cầm nhận. Dung theo anh về Văn Lâm.

Cầm và Dung vào từng nhà thăm hỏi bà con. Đồng bào nhìn Dung nghi ngờ, khinh rẻ. Mấy chị nói với nhau, cốt để Dung nghe tiếng. Một chị hất hàm, liếc về phía Dung:

- Con đĩ kia bán thân cho bọn người Kinh rồi!

Thị kia họa theo:

- Đồ chỉ điểm, phản bội dân tộc Chàm ta!

Tim Dung nhói lên. Cô biết nói làm sao để họ hiểu. Cô nói đồng bào cũng chưa tin. Chưa nghe ra. Phải có thời gian, có việc làm rõ ràng bà con mới tin. Cô đành im lặng như không nghe thấy.

Một buổi, Dung đến thăm một gia đình ở cạnh nhà Sửu, gợi hỏi. Ông chủ nhà nói:

- Chiều 19 tháng 7, anh Sửu sang tắm giếng nhà tôi. Xong, anh về nhà rồi mới ra đi!

- Chiều 19 anh còn về nhà? Sao chị Song nói chồng đi họp rồi bị giết luôn?

Dung về nhà Sửu, hỏi đứa con gái lớn:

- Trước ngày má cháu nhìn thấy xác ba, ba cháu có về nhà không?

- Có, ba cháu ăn cháo với cháu rồi dắt xe hon-đa đi.

- Mình ba cháu hay đi với ai?

- Mình ba cháu.

Thế thì anh du kích ở Nho Lâm đâu? Phải tìm tiếp.

Cầm, Dung đi Nho Lâm. Đến ngã ba, nơi rẽ đi Văn Lâm và Nho Lâm, Dung hỏi một bà cụ bán nước ở vệ đường:

- Hôm 19, cụ có thấy anh Sửu qua đây không?

Cụ già bấm tay nhẩm tính ngày. Nhớ ra, cụ nói:

- Có, tôi thấy anh Sửu đèo một anh nữa trên hon-đa đi về Nho Lâm.

Dung mừng quá:

- Vào lúc nào hở cụ?

- Vào buổi sáng, lúc mặt trời lên cao khỏi ngọn cây kia!

Nghe cụ nói, cầm phán đoán: Sáng 19, từ huyện về, Sửu đèo anh du kích đến Nho Lâm. Sau đó, Sửu mới trở về nhà ăn cháo cùng con. Chiều 19, anh đi vào rừng, bị FULRO giết và đêm 19, chúng đem xác về vất ở ngã ba.

Cầm, Dung tiếp tục đi về Nho Lâm. Đến nơi, hai người gặp anh du kích đi với Sửu. Anh nói sáng 19 Sửu đèo anh về đây. Sau đó Sửu phóng xe trở về Văn Lâm. Đi dò hỏi thêm, Dung được một người cho biết: Từ Công Đời, tiểu đội trưởng FULRO, từ núi vừa về nhà. Cầm, Dung bàn bạc tìm cách khai thác Đời.


Làm sao đây? Nếu đến gặp, nó sẽ chạy mất. Phải đi vòng bằng cách nhờ một người khác gặp Đời.

Dung gặp Thiên Sanh Sả, em họ của Sửu.

Nghe nói anh mình bị giết, Sả buồn lắm. Anh nhận lời đến gặp Đời ngay. Thấy Sả là bà con tin cậy, Đời chẳng cần giấu giếm, nói hết sự thật.

Thế là đã rõ, cầm bố trí người bí mật ghi âm lại lời Đời rồi nói cho chị Song và bà con ở Văn Lâm biết. Chị Song khóc, gặp ông Bình xin lỗi. Bà con bắt đầu nhìn Cầm và Dung với ánh mắt thiện cảm. Nhiều người lên núi nói lại với chồng, con mình đang theo FULRO, khuyên họ trở về.


Bộ đội, công an mở các đợt truy lùng vào rừng. Ở rừng bất lợi, Sắng lệnh cho bọn chúng giả vờ về đầu thú, hoạt động ngầm trong ấp chờ cơ hội sẽ lại lên rừng. Từ Công Xuân, Lê Sơn Cường, Đạt Nhậm cùng số FULRO trở về ấp.


Ty Công an cử Cầm, Tiễu, Dung tổ chức một lớp học tập cải tạo cho số FULRO vừa trở về. Chúng cài người vào Ban tự quản lớp, tìm mọi cách phá lớp học. Học viên học chiếu lệ, chểnh mảng.

Ì ạch mãi, qua phần nghe giảng. Đến phần khai báo, học viên không chịu khai, hoặc khai chung chung, không nhận có vũ khí, không khai tên chỉ huy.

Cầm băn khoăn, cho Dung gặp riêng một số học viên, hỏi han. Dung được biết trong lớp có 12 tên: Từ Công Xuân, Lê Sơn Cường, Đạt So, Đạt Nhậm, La Trí, Thập Văn Khuyên... đã khống chế đe dọa học viên, phá lớp học. Nếu để bọn này, lớp học sẽ không có kết quả.


Ban chỉ đạo truy quét FULRO cho bắt 12 tên đó về huyện.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:53:56 am »

Sáng hôm sau, Cầm đang ở lớp bỗng truyền đơn tung đầy sân: "Cộng sản Kinh giết người Chàm". Một lúc sau, nhấp nhô từ ngoài vào, đàn ông, đàn bà bế theo trẻ con, kéo nhau đến vây kín trường học, hò hét, chửi rủa. Họ gào lên:

- Cách mạng bắt 12 người đi thủ tiêu!

- Trả xác đây!

- Trả chồng, con chúng tôi về!

Số FULRO học viên còn lại lùng bắt cán bộ. Cầm, Tiễu thoát ra khỏi trường học, chưa biết chạy đi đâu. Bỗng các anh nhìn thấy nhà bà Đựng, một người dân Chàm, là cơ sở Cách mạng lâu năm. Cầm, Tiễu chạy về nhà bà. Hai anh vừa lọt vào sân thì chúng ập đến. Bà Đựng đóng kín cổng.


Tiếng chửi rủa từ đám đông xả vào bà:

- Đồ bán rẻ dân tộc, theo đít Cộng sản Kinh!

- Mở cổng! Chúng ông phá nhà bây giờ!

Tiếng phá cổng ầm ầm. Cổng gỗ tung ra. Dòng người tràn vào sân. Bà Đựng đóng cửa nhà. Hai anh lên gác nhìn xuống sân thấy người đứng kín. Chúng hò hét phá cửa.

Tiếng bà Đựng quát:

- Đây là nhà tôi, các người không được phá!

Tiếng người gào lên trong đám đông:

- Trả hai thằng cán bộ Kinh ra đây!

Tiếng bà vẫn đanh, gọn:

- Họ là cán bộ của chánh quyền. Bọn bay không được phép hành hung như thế!

Rút khẩu súng trong bao ra, Tiễu nói với cầm:

- Nguy hiểm quá rồi! Phải bắn, may ra họ mới rút, anh thấy thế nào?

Cầm lắc đầu:

- Không được! Bọn cầm đầu FULRO có ít, còn đồng bào bị kích động nhiều, dù có chết cũng không được bắn!

Trong khi đó, Dung chạy thoát khỏi sân trường, vượt qua con sông nhỏ, sang bờ bên kia.

Bọn FULRO ùa theo, vây kín, định giết Dung.

Nhận tin cấp báo, ba xe chở bộ đội từ huyện về lao vào sân trường. Bọn chúng bỏ Dung chạy về bao lấy xe, bộ đội không tỏa ra được.

Lại thêm năm xe bộ đội nữa đến giải được vòng vây. FULRO và dân chúng tụ ở sân.

Chiếc com-măng-ca chở ông Thái, Chủ tịch huyện An Phước đến. Ông tập hợp mọi người lại hỏi:

- Ai cầm đầu vụ nổi loạn này?

Bọn FULRO đã bàn bạc trước với nhau. Một tên tỏ ra yêng hùng, hung hăng bước lên, vỗ ngực:

- Tôi đây!

Đó là tên Bá Trung Thắng.

Ông Thái ra lệnh cho bộ đội bắt tên Thắng đưa lên xe.

Ông lại hỏi:

- Ai viết truyền đơn?

Bốn tên bước lên, vỗ ngực:

- Chúng tôi đây!

Ông Thái ra lệnh điệu bốn tên lên xe.

Thấy thái độ kiên quyết của ông Chủ tịch. Bọn chúng bắt đầu chùn, nhìn nhau, xao xác: Trong đám đông có tiếng bàn tán xôn xao. Một tiếng nói nhỏ:

- Bọn bị bắt kia không bị chết cũng sẽ bị tù mọt gông.

Một tiếng khác:

- Cứ anh hùng rơm, cho chết!

Tiếng đàn bà nháo nhác:

- Thôi, chị em ta về đi!

Ông Thái hỏi một thày Chang đang đứng trong đám đông:

- FULRO giết cán bộ, giết nhân dân, giết anh Sửu, người Chàm. FULRO tốt hay xấu? Cách mạng không giết, không bắt tù, cho học tập. Cách mạng đối xử như thế là tốt hay xấu. Xin thày cho biết ý kiến?

Thày Chang chưa trả lời ông Thái, ôn tồn hỏi lại:

- Có phải các ông giết 12 người bị bắt rồi không?

Ông Thái lắc đầu:

- Đây là bọn giết Sửu, bọn phá lớp học; chúng tôi đưa đi hỏi thêm, cho học tập riêng. Ai giết chúng? Bọn xấu nói dối, lừa gạt bà con. Không ai giết chúng cả. Chúng vẫn còn ở huyện kìa.

Thày Chang tươi tỉnh hẳn lên, quay ra nói với bà con:

- Những người theo FULRO giết người là đáng tội chết. Chánh phủ Cách mạng đã không giết, cho học tập là tốt lắm rồi. Hiện nay, những người đó còn sống cả, đang ở huyện, bà con tụ tập ở đây làm gì nữa? Về đi thôi.

Mọi người lục tục kéo nhau về. Học viên vào lớp học tiếp.

Từ đó, họ bắt đầu khai báo. Hôm bế mạc, một số người mang lễ đến nhà bà Đựng, xin bà tha thứ. Họ lại đi gặp Dung. Họ cũng làm một lễ hoa quả mong cô bỏ qua việc làm hung hăng của họ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #78 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:56:25 am »

Từ Công Xuân về. Đại đội Chế Bồng Nga tan rã. Số còn lại hoang mang và bắt đầu bất đồng ý kiến. Huỳnh Ngọc Sắng chủ trương về ấp hoạt động bí mật trong dân chúng. Đổng Thẹo thì cho là phải ở trong rừng đánh phá, tập kích các thôn ấp. Hai tên không chịu nghe lời nhau. Thẹo tức, bỏ Sắng, lập P.C riêng do mình phụ trách.


Những ngày lang thang ăn đói, ở rét làm cho Trang gầy rạc hẳn đi. Nước da nâu trở thành đen xạm. Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng. Tất cả vẻ mỡ màng, mượt mà của cô nữ sinh ở tuổi dậy thì đã biến mất, chỉ còn lại vẻ khô cứng của những người già.


Một hôm thấy người mệt mỏi, cổ lờm lợm, buồn nôn, Trang hỏi Nhung. Cô giáo cho biết Trang đã có bầu. Cái tin đó làm Trang lo lắng vô cùng. Đang hoạt động bí mật thế này, có bầu là một cực hình. Hàng ngày phải trèo đèo, lội suối, băng rừng, mang bầu rồi, đi sao được? Khỏe mạnh đã đành, ốm đau thì sao? Thôi cứ liều để mặc, phó thác cho số mệnh.


Trang cứ lầm lụi sống qua ngày. Có lúc hết gạo, không có gì ăn. Rồi cô thèm của chua. Không có khế, có chanh, cô lặn lội đi tìm quả bứa, quả me. Nhưng rừng ở đây toàn rừng thông, lim. Những cơn sốt rét rừng làm cô càng lo sợ. Trang càng mất ăn mất ngủ.


Một đêm, Trang từ ấp trở lại góc hang lạnh lẽo. Cô ngồi bên đống lửa, cời than, thổi cho cháy bùng lên. Ngồi một chút cho đỡ lạnh, Trang đến ổ của Nhung, định ngủ chung với cô giáo cho ấm. Vừa đến bên ổ, Trang hoa mắt. Hay mình nhìn nhầm. Không phải ai đang nằm với Nhung kia? Tấm chăn đắp lên cổ, để lộ cái đầu hói, Trang chạy về ổ của mình gục xuống, ôm mặt khóc.


Sáng hôm sau, Trang ốm, mắt đỏ hoe, nằm liệt trên ổ. Nhung đến, ngồi xuống bên Trang. Cô học sinh tưởng sẽ đón chờ lời thanh minh của cô giáo. Nhưng không, Nhung cười chua chát:

- Việc gì em phải khóc, phải đau khổ? Cái thời kỳ vua Chàm chết các hoàng hậu và thứ phi phải chôn theo đã xa lắm rồi. Ngày trước cô dạy em hãy giữ gìn phẩm giá người con gái. Ngày nay cô khuyên em hãy sống như mọi người, mà mọi người này nay, tình yêu ngày nay như thế nào thì em đã biết.

Những ngày sau, Nhung tiếp tục thuyết phục Trang theo quan niệm của mình. Lạ lùng thay, những lời nói của Nhung đã làm cho Trang chấp nhận, cho là có lý. Trang không ghen nữa. Cô biết Nhung có bầu trước cả cô. Từ đó Sắng chẳng cần giữ gìn gì. Những cuộc ái ân lộ liễu giữa Nhung và Sắng diễn ra trước mắt Trang. Những tiếng cười dâm đãng của họ nấc lên trong hang như cơm bữa. Nhung có bầu to, Sắng lại chạy theo các cô gái khác. Nhung về nhà thương Long Hưng ở Bắc Bình đẻ rồi gửi con, bỏ Sắng, đi theo Đổng Thẹo.


Hôm giã từ, Nhung nhìn Sắng với đôi mắt giễu cợt, cười khanh khách, để tay lên miệng hôn một cái rất kêu, vẫy vẫy: "Gút bai! Gút bai!". Nhung ưỡn ngực, ngoáy mông bước đi. Mái tóc cắt ngắn cum cúp của Nhung dựng lên như lông nhím.


Đến ở với Đổng Thẹo, Nhung muốn giễu cợt và trả thù Sắng. Nhung tin rằng Sắng sẽ tức tối, uất ức với Nhung vì Đồng Thẹo là tên lính biệt kích vô học, độc ác và còn dâm đãng hơn cả Sắng.

Mồ côi cha từ bé, mẹ đi lấy chồng, Đổng Thẹo về ở với bà ngoại. Lớn lên, y không được học hành. Học lỏm chỉ biết viết một chữ ký loằng ngoằng, thiên thẹo.

Đến tuổi quân dịch, Thẹo đi theo Pháp, gác cầu Tháp Chàm. Hồi ấy, Thẹo nhát lắm. Gác cầu, nhưng thấy Việt Minh qua, Thẹo kệ, im như thóc. Thậm chí còn "gác" cho họ qua lại. Công việc gác cầu chán ngán và buồn tẻ. Pháp rút, Thẹo chuồn luôn khỏi lính, về đi cày. Thẹo khoái vác cày hơn là vác súng.


Theo đang sống yên bình trong ấp thì quân Mỹ rầm rộ kéo đến. Phi trường Tháp Chàm đầy ắp máy bay Mỹ. Người ta bảo làm cho Mỹ sung sướng, tự do lắm. Thẹo xin vào làm trong phi trường. Vì không biết chữ, Thẹo xin làm chân quét dọn. Công việc hàng ngày của Thẹo là quét cầu tiêu, đốt giấy bẩn cho lính Mỹ. Nhiều lúc thấy nhục, nhưng Thẹo lại nghĩ: chỉ rất ít người cùng làm trong phi trường biết công việc hầu hạ của Thẹo, còn bà con, làng ấp có ai biết đâu. Hết giờ làm, đánh bộ cánh sạch sẽ về, ai cũng trầm trồ khen là được.


Ít lâu sau, ông Xã trưởng Trượng Cái khuyên Thẹo đi lính biệt kích Mỹ. Thấy lính biệt kích được lương cao, Mỹ cưng, oai vệ gấp mấy lính Cộng hòa, Thẹo đi luôn.

Thẹo được xung vào đại đội biệt kích toàn người thiểu số: Chàm, Thượng, Nùng di cư... Có 2 sĩ quan Mỹ chỉ huy. Thẹo thấy bọn chúng toàn loại anh chị, đầu bò đầu bướu.

Ngày ngày, từ Nha Trang, Thẹo cùng toán biệt kích, được chở bằng máy bay trực thăng, đến các vùng rừng núi xung quanh bắn giết, cướp phá vô tội vạ. Sau mỗi trận tàn phá, chúng lại bắt được trâu, bò, bán lấy tiền nhậu nhẹt thỏa chí.


Chẳng bao lâu, cuộc sống của biệt kích đã làm cho Thẹo trở thành một gã say máu và say gái.

Chê người vợ cũ đã có hai con với mình quê mùa, gã bỏ, lấy cô Tháo, người giặt quần áo cho lính Mỹ trong phi trường, biết cách làm dáng và mơn trớn đàn ông.

Cô Tháo sinh được một con trai với Thẹo. Thẹo bỏ, lấy cô Bảu. Thẹo ăn ở với vợ ít, còn mèo mỡ lung tung. Trong bộ quần áo biệt kích, khẩu súng kè kè, Thẹo vênh vang, nhăn nhở, xấu hổ trêu ghẹo và có dịp là hiếp tróc, chẳng ai dám làm gì.


Sau giải phóng, Thẹo đi theo Sắng. Thẹo tỏ ra hung hãn nên được Sắng phong là Trung tá chỉ huy quân sự. Nghe đồn Thẹo có phép tàng hình, nhiều phát thuật, nhiều người sợ hãi.

Thẹo tàn ác, giết người không gớm tay.

Trong vòng một tháng, Thẹo chỉ huy tay chân giết nhiều người. Hai người Kinh ở Hữu Đức đi đốn cây, bị Hán Nhẫn, Đàng Năng Tân bắn chết. Nại Thành Bì, Hán Nhẫn, Thập Thiết, Đàng Năng Tân... tập kích ấp Hữu Đức, bắn và giết hai người Kinh khác. Bá Trung Thắng, Từ Khăng bắt ông Hồng, người Chàm ở Chất Thường đem chôn sống.


Thẹo chỉ huy đồng bọn đi Thành Tín bắt một người Kinh đang đào nhông giao cho Tân và Sâu đem chôn sống.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Năm, 2022, 06:57:40 am »

Một hôm, Đổng Thẹo nói với Hán Nhẫn:

- Mày về bắt thằng Thành lên đây để chúng tao hỏi tội. Nó là tay sai của bọn Cộng sản Kinh! Nó đang định dẫn bộ đội, công an lên diệt ta.

Chẳng cần suy nghĩ Thành là em con dì ruột mình, Hán Nhẫn dẫn một số tên về ấp Bình Chữ bắt luôn. Thành hỏi Nhẫn:

- Sao anh bắt em?

Nhẫn quắc mắt:

- May là tay sai của Cộng sản Kinh, định giết chúng tao.

Nhẫn lôi Thành vào rừng trình Đổng Thẹo. Thẹo ra lệnh cho Nhẫn:

- Đem về cạnh ấp giết, làm gương cho kẻ khác!

Nhẫn cùng đồng bọn điệu Thành về cạnh ấp. Thành bị trói giật cánh khuỷu ném ở bờ ruộng. Thành van nài Nhẫn:

- Anh thương em, anh em với nhau mà sao anh nỡ giết em?

Nhẫn không hề động tâm, lắc đầu quầy quậy. Hắn nhặt những viên gạch đập vào đầu Thành, bỏ xác trên mộng rồi về rừng.

Cũng như Thẹo, nhiều tên trở thành ác ôn, Hán Nhẫn đã giết bảy người, Đàng Năng Tân chôn sống bốn người.

Nhiều tên thấy chúng tàn ác quá, cũng chán nản, muốn trở về, nhưng không dám nói ra.

Một đêm, Thẹo, Nhẫn, Thi, Mâu, Đái, Tân về ấp Thành Tín dự một lễ cưới.

Bọn chúng ăn uống ngấu nghiến, nốc rượu nhiều quá, đứa nào cũng say. Riêng Tân say quá, nói lung tung:

Đêm ấy, chúng ngủ ở rừng Thành Tín. Sáng hôm sau cả bọn chửi Tân:

- Mày phàm ăn quá! Không còn ra thể thống gì nữa.

Tân ức, im lặng.

Bọn chúng lấy ống bơ, nấu cà-phê, vừa uống, vừa hát nghêu ngao:

"Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng... "

Bọn chúng đang hát, Đổng Thẹo ra lệnh:

- Hành quân lên núi Chà Bang ngay!

Thạch Thi nói:

- Lên núi lấy gì mà ăn?

Nại Mâu uể oải:

- Chạy mãi, chán lắm! Toàn chỉ có bắn giết! Đếch thấy làm gì cả!

Đổng Thẹo tức vì bọn kia dám phản đối, không tuân lệnh, gọi Hán Nhẫn và Đàng Năng Tân ra phía sau nói nhỏ:

- Hai thằng kia ăn phải bả tuyên truyền của Cộng sản rồi. Nó định về ấp, phản bội ta. Phải khử nó đi để làm gương cho bọn khác.

Nhẫn, Tân chẳng nói chẳng rằng, vơ súng quạt liền. Thi, Mâu trúng đạn ngã vật bên ống cà-phê. Bắn xong, Nhẫn, Tân lại lùi lụi đi đào hố, chôn đồng bọn.

Nhìn cảnh chém giết lẫn nhau của FULRO, Trang càng chán nản. Trang muốn bỏ FULRO trốn về nhưng lại sợ.

Biết nỗi băn khoăn của Trang, Sắng chặn trước:

- Cô tưởng tội của cô nhỏ lắm đấy à? Chúng sẽ đưa cô đi tù, bắt lao động khổ sai, chết rục trong trại cải tạo. Cô đã đọc cuốn "Quần đảo ngục tù" chưa? Đấy, Cộng sản Nga Xô cũng như Việt Nam kinh khủng lắm!

Trang càng sợ. Thôi cứ liều ở lại, trông vào số mệnh, trông vào sự phù hộ của Pô Yang.

Một buổi tối lạnh giá, Trang vượt qua vùng Suối Thông về hang, bụng đau dữ dội.

Cô lần đến ổ của mình, nằm ôm bụng quằn quại. Một người vào ấp Gòn, tìm bà Ha Kin ra đỡ cho Trang.

Hang lạnh ngắt, gió lùa hun hút. Những giọt nước rơi từ trên nóc hang xuống, tí tách.

Thời gian nặng nề trôi đi trong đau đớn, cho đến nửa đêm thì Trang sinh được một đứa con trai.

Trang vô cùng cơ cực. Rét và đói hành hạ cô. Ngày ngày, tốp FULRO ở hang kiếm được cho Trang thứ gì, cô ăn thứ ấy. Có khi là gạo, có khi là củ mì, có khi phải lấy ruột cây gòn giã ra nấu cháo. Nhiều ngày phải nhịn đói. Cơn sốt rét lại kéo đến hành hạ Trang. Đói mệt làm cô kiệt sức, không có sữa cho con bú. Không có sữa bò, Trang nấu cháo cây gôn cho con. Cô nếm trước, không độc mới cho con ăn. Hai mẹ con sống lay lắt qua ngày.


Nửa tháng sau, Sắng mới từ ấp trở về.

Trang đưa con, Sắng nhìn đứa bé lạnh lùng như không phải con mình. Mặt lầm lầm, y cáu gắt:

- Tôi đang bận trăm công ngàn việc, không có thời giờ đâu mà bế trẻ con.

Trang uất lên, nước mắt giàn giụa.

Sắng rút trong gấu áo ra một mảnh giấy nhỏ, nói:

- Tôi đã họp với các đại biểu FULRO cả hai vùng Thượng và Chàm thành lập lực lượng quân sự cho "Mặt trận FULRO Champa". Cô chép lại bản danh sách này.

Trang nén khóc, lừa con xuống ổ, cầm bút viết. Những dòng chữ nhập nhòe trước mắt cô. Trang gắng gượng chép xong, Sắng nói như ra lệnh:

- Lực lượng quân sự đã thành lập xong, cần phải mở các đợt tấn công vào bọn Cộng sản. Chúng ta phải di chuyển sở chỉ huy khỏi nơi này ngay.

Trang sửng sốt:

- Tôi mới đẻ, con thì còn yếu lắm, đi sao được?

Sắng nghiêm nét mặt:

- Sự nghiệp chung đòi hỏi mỗi người phải hy sinh mọi tình cảm riêng tư, kế cả tình mẹ con.

- Thế là thế nào? Tôi chưa hiểu?

- Phải bỏ nó lại đây!

Như sét đánh ngang tai, Trang ôm riết lấy con nức nở:

- Lạy Pô Yang! Không, tôi không thể giết đứa con vô tội này. Thà tôi chết còn hơn!

- Chuẩn bị đi! Đứng dậy, đặt nó xuống đó, thế nào Pô Yang cũng thương tình có cách chăm sóc nó.

Trang ôm con khư khư không rời, gào thét, cầu cứu. Sắng nhìn xung quanh, vỗ vào khẩu súng trong túi dọa dẫm.

Trang vẫn không thể tuân lệnh, Sắng không ép được cô, thở dài:

- Thôi được. Tôi sẽ gửi nó cho bà Ha Kin nuôi vậy! Nào, cô bế nó vào Ấp Gòn theo tôi! Trang đành đem con gửi bà Ha Kin rồi theo Sắng đi nơi khác.

Phải xa đứa con đỏ hỏn, lòng Trang đau đớn vô ngần. Rồi nó sẽ ra sao? Liệu có sống được cho đến ngày gặp lại mình không?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM