Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:32:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: FULRO - Tập đoàn tội phạm  (Đọc 17532 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:35:03 am »

Với lương tháng khá cao của một Dân biểu, cộng với tiền đút lót, tiền tham ô ngân sách, tiền thu ở đồn điền cà-phê, ông nghị trở thành triệu phú.

Cũng như Y Dhé, ông Y Bling (nguyên ủy viên chánh trị kiêm ngoại giao Ban đại diện FULRO, Chủ tịch "Phong trào Đoàn kết" cũng đắc cử nghị sĩ Thượng viện. Cùng là chiến hữu trong FULRO, cùng là ông nghị, hai người trở nên thân thiết và nhất là cùng đua nhau ăn chơi.


Là một ông nghị giàu có, sống giữa Sài Gòn hoa lệ, ông xa dần bà con dân tộc và lao vào ăn chơi trác táng. Dấu hiệu "cái gùi" của ông trở thành mỉa mai. Ông chẳng trả tiền cho các cử tri bầu cho mình, ông quỵt luôn cả bữa khao dân. Ông ở tịt Sài Gòn, trong một biệt thự riêng. Ông "mua" luôn hai cô gái người Kinh làm vợ. Một cô nữ sinh, thích trưng diện, thích các vũ trường, thích các tiệm ăn nổi tiếng. Ông nghị đã trả cho bố mẹ cô ta 600 ngàn đồng và đưa cô về làm vợ bé.


Một cô con nhà giàu. Ông bố đánh bạc thua, bán hết tài sản, phải bán con cho ông nghị một triệu đồng lấy tiền trả nợ.

Hai cô này đều trẻ, còn ít tuổi hơn cô gái H'Uê của ông. Ông mê mệt hai cô, quên người vợ già ở quê hương.

Biết chuyện xấu xa của chồng, bà H'Djáp cùng con rể là Y Nhiam mời khéo ông về nhà để "khuyên bảo". Không biết ý đồ của vợ và con rể, lại cũng cần lấy tiền thu hoạch cà-phê cho hai vợ bé ăn diện, ông vội vàng đánh xe về nhà. Về đến nơi, ông không thấy vợ và con oán trách, nói năng nặng lời. Một bữa rượu thịnh soạn được dọn lên. Mọi người ăn uống vui vẻ. Bà H' Djáp vẫn đảm đang, nhanh nhẹn, chiều chồng như xưa. Ông hết lời khen ngợi tình cảm vợ, con.


Ăn uống xong, Y Nhiam mới từ tốn thưa:

- Thưa ba, chúng con thấy ba sống ở Sài Gòn xa gia đình, không ai chăm sóc, chắc ba buồn lắm. Má độ này đã già, không làm lụng được gì, xa ba, má cũng nhớ. Vì vậy, má muốn lên ở cùng ba, để ba má vui tuổi già...

Y Dhé giật mình. Vợ ông quê mùa, xấu xí, già nua... Ông ngọt ngào khuyên bảo, tìm mọi lý do để từ chối.

- Ba sắp phải đi kinh lý xa, nay nơi này, mai nơi khác, lấy ai chăm sóc cho má? Hơn nữa, ở Sài Gòn xe cộ ầm ầm suốt ngày, đinh tai nhức óc lắm. Ba còn định bỏ về huống hồ là má yếu, bị bệnh thần kinh luôn, chịu sao được?

Vợ, con rể, con trai, con gái thuyết phục thế nào, ông cũng cứ giãy ra. Bà không chịu nổi, to tiếng với ông vừa khóc, vừa kể lể:

- Ông không nhớ hồi ông làm Trưởng ban đại diện à? Tôi đã bỏ bao công sức, thu vén mới được cơ ngơi như thế này chớ.

Ông đánh cho bà một trận, gãy cả tay.

Không chịu nổi, bà H'Djáp và con rể kiện ông lên Tòa án phong tục về tội tự ý bỏ vợ đi lấy người khác và đánh vợ bị thương.

Y Bliêng hí hửng mừng thầm. Lại một dịp tốt để vừa moi tiền ngài nghị viện giàu có, vừa hạ uy thế của một tên vẫn dương dương tự đắc, coi ông Chánh án chẳng ra gì. Ông Y Bliêng thật có số hên. Hết vụ này đến vụ khác, tiền bạc cứ rơi vào nhà ông như lá rừng. Cứ đà này, chẳng mấy chốc mà ông sẽ nhảy lên làm Chánh án tối cao pháp viện.


Nhận đơn kiện Y Dhé của H'Djàp và Y Nhiam, Y Bliêng tức tốc cho nhân viên đi điều tra, cố tìm mọi chứng cứ, trị tội ông Dân biểu thật nặng.

Hồ sơ lập rất tỉ mỉ, chứng cứ dày cộp, minh bạch, thừa sức luận tội. Ông Chánh án vui mừng nói với bà H'Djáp:

- Tôi không làm cho bà thắng vụ kiện này, tôi không nhìn mặt bà nữa. Bà xem, bộ luật Bi-duê của ta đã nói rõ tội "bỏ vợ đi lấy vợ khác" như sau:

"Đêm thời nó nói một chuyên, ngày thời nó nói một lời, hễ quay lưng là nó tìm chuyện khác.

Nó lại thích hoa vàng ở trong rừng thưa, hoa đỏ ở trong rừng sậy ‘kwách', nhìn thấy cô gái khác nó lại ước mơ.

Nó bỏ vợ nó không chút thương tiếc. Nó bỏ vợ nó ra đi một cách vô cớ.

Nó vượt qua hàng rào ‘kủng', vượt qua hàng rào ‘knông', nó vi phạm lời kết ước của nhà giàu sang, nó toét miệng, nó căng miệng, vòng tay đã được khép kín nó lại mở ra.

Như vậy nó có tội, có lỗi với người ta".

Đấy luật lệ đã rành rành, mà phong tục tập quán của ông bà để lại là khuôn vàng thước ngọc, kẻ nào chống lại là phản bội dân tộc. Luật pháp Việt Nam Cộng hòa hiện hành cũng trị tội bội ước rất nặng, bà cứ yên tâm. Bà không thắng tôi là con chó!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Năm, 2022, 06:35:53 am »

Nghe ngóng thấy Y Bliêng định trị tội mình, Y Dhé tìm cách đối phó. Không lạ gì nội tình Đắc Lắc và kẻ thù của Y Bliêng, ông tìm đến Y Dhắt, người đang sẵn mối thù với ông Chánh án.

Y Dhé, Y Dhắt sẽ cùng chung lưng đấu cật hành động, liên kết với các vị tai mắt có thế lực trong tỉnh chống lại Y Bliêng.

Y Dhắt, sau khi bị xử, tuy vẫn ở với H'Bi và chẳng phải nộp phạt, những cũng bị dân trong tỉnh cười chê, chế giễu. Được Y Dhé rủ cùng liên kết chống Y Bliêng, Y Dhắt mừng rỡ nhận lời ngay. Một lá đơn của Y Dhắt sẽ đệ trình Tối cao pháp viện tố Y Bliêng hàng loạt tội: ăn hối lộ, xử không công bằng, ăn tiền để cho giấy ly hôn bất hợp pháp... Mỗi tội đều có nhân chứng, số liệu rất cụ thể.


Tiếp theo, Chủ tịch hội đồng Đắc Lắc Phạm Hồng Điên cũng viết đơn sẽ trình Tối cao pháp viện tố ông Chánh án tòa án phong tục đã ăn tiền của thương phế binh, trẻ mồ côi ở cô nhi viện khi xin giấy hưởng trợ cấp.

Dân biểu Y Dhé cũng làm một bản tường trình khá cụ thể để trình Quốc hội về tội ông Chánh án để cho các chủ đồn điền người Pháp, người Kinh, các thương gia chiếm hết đất. Ông Chánh án ăn tiền của các chủ đồn điền, bênh vực họ, tiếp tay cho họ chiếm đoạt nương rẫy, hoa màu của dân trong tỉnh. Ông Chánh án còn bắt bà con phá bỏ nhiều thuần phong mỹ tục, để nhập lối sống lố lăng vào buôn làng, làm cuộc sống trở nên xấu xa.


Có đơn tố cáo rồi, Y Dhé đem trình ngài Tỉnh trưởng, xin cứu giúp mình.

Nhận lễ đút lót lớn, đại tá tỉnh trưởng Đắc Lắc Nguyễn Trọng Luật cầm tập hồ sơ đến gặp ông Chánh án.

Ngài Tỉnh trưởng khẽ đặt tập hồ sơ trước bàn, buồn rầu:

- Tôi thật đau lòng phải báo ngài một tin buồn. Tôi vừa được biết có đơn tố cáo ngài gửi Tối cao pháp viện. Chỗ bạn bè, đồng nghiệp với nhau, tôi tìm và giữ lại tập đơn này, mang đến để ngài đọc, ngài chuẩn bị trước kịp đối phó với Tối cao pháp viện, khỏi bị bất ngờ khi thẩm vấn.

Nói rồi ngài Tỉnh trưởng lấy tập hồ sơ đưa cho ông Chánh án.

Y Bliêng cảm ơn lòng tốt của ngài Tỉnh trưởng, đọc nghiến ngấu. Nét mặt ngài biến sắc theo từng trang giấy.

Sau khi đọc xong bản tường trình và hai lá đơn trên, Y Bliêng hoảng sợ, mồ hôi lấm tấm trên vầng trán hói. Toàn những sự thật, không thể nào cãi được. Ông run như đứng trước vành móng ngựa.

Biết ông Chánh án sợ, Tỉnh trưởng thủng thẳng:

- Chỗ thân tình tôi nói thật, tôi thấy việc này nguy hiểm cho ngài đấy. Ba lá đơn của ba vị có quyền thế trong tỉnh cùng gửi một lúc, hậu quả khó mà lường trước được. Dù tôi có muốn bênh vực ngài, cũng khó có thể chống lại họ, bác bỏ những chứng cớ của họ. Nhưng tôi thấy có thể cứu vãn được, bằng con đường khác, quanh co một chút:

- Ngài định nói cứu thế nào? - Ông Chánh án như người chết đuối vớ được cọc.

- Chỗ bạn bè, tôi thành thật muốn tìm cho ngài một giải pháp nhưng sợ ngài mếch lòng.

- Không, không, ngài cứ dạy!

Ngài Tỉnh trưởng còn rào trước đón sau, dềnh dàng mãi để ông Chánh án van nài, mới nói:

- Thưa ngài, tôi được biết là ông Dân biểu bị vợ và con rể kiện lên Tòa án của ngài. Ngài định xử vụ đó ra sao?

- Dạ, thưa ngài, tôi định cứ chiếu theo luật pháp mà thi hành. Và ông Y Dhé không tránh khỏi bị trừng trị.

Ngài Tỉnh trưởng lắc đầu:

- Thưa ngài Chánh án, tôi thiển nghĩ, ông Y Dhé là Dân biểu đại diện cho tư cách và đạo đức của cả tỉnh nhà. Tôi biết ông ta có tội, tôi biết ngài xử thẳng thắn. Tôi thiển nghĩ, nếu như tội đó ở người dân thường, ngài xử thế thì đúng, nhưng, một vị Dân biểu quốc hội, một tấm gương của tỉnh, làm thế tôi thấy không ổn đâu.

Y Bliêng thấy ngài Tỉnh trưởng nói vô lý quá, cãi:

- Thưa ngài, chúng tôi xử là xử "ông Y Dhé", "công dân Y Dhé" chứ đâu xử "Ông dân biểu", và "vị đại diện toàn dân trong tỉnh"?

Ngài quan đầu tỉnh nghiêm nét mặt:

- Sự đời đâu đơn giản thế? Ông Dân biểu đại diện cho dân toàn tỉnh mà còn xấu thì người dân trong tỉnh còn xấu đến đâu? Người ta sẽ suy ra như thế chứ. Đã là dân biểu thì không còn là công dân đơn thuần nữa. Mọi xử lý, đối đãi của Nhà nước đối với vị Dân biểu phải khác với người dân thường. Kể cả luật pháp, phải có sự phân biệt và dành cho ông ta sự ưu đãi chứ!

Nghe ra, biết ý ngài Tỉnh trưởng muốn xóa vụ này Y Bliêng dịu giọng:

- Thưa ngài, thế theo ý ngài, tôi nên làm thế nào?

- Nói gần, nói xa, chẳng qua nói thật. Trước khi đến đây tôi đã gặp ông Y Dhé. Ông ta nói, nếu ngài bỏ qua vụ đó cho ông ta thì ông ta xin rút bản tường trình. Ông Y Dhắt và Phạm Hồng Điên cũng sẽ làm theo ông ta. Vì thế, ngài nên nghe lời tôi, hãy xóa vụ này đi. Có như thế, thì ngài mới có thể thoát được sự tố cáo của các ông ấy, bảo toàn tính mệnh và danh dự của ngài.

Y Bliêng băn khoăn:

- Đơn kiện đã gửi lên Tòa. Toàn dân trong tỉnh đã rõ, làm sao xóa được, thưa ngài?

Ngài Tỉnh trưởng cười:

- Là Chánh án mà ngài không biết cách à? Ngài cứ nói là chưa đủ yếu tố xét xử và khuyên bà H'Djap hãy thương chồng, rút đơn kiện về. Bênh vực ông Y Dhé, không đơn thuần ngài bênh vực cá nhân ông ta mà là bênh vực cả tỉnh nhà, trong đó có danh dự cả ngài và tôi nữa. Việc làm của ngài có ý nghĩa lớn lao lắm.

Y Bliêng biết rằng làm như thế trái với công lý, là bẽ mặt với bà con trong tỉnh, là tự công nhận mình thua Y Dhé, nhưng làm thẳng thừng thì Y Dhé tố mình, cũng chết. Ông Chánh án chỉ còn tự an ủi là mình thi hành lệnh của ngài Tỉnh trưởng.

Ông Chánh án lập tức xóa vụ đó đi. Bà H'Djap và Y Nhiam kêu than, vặn ông, ông lựa lời an ủi:

- Vợ chồng ăn ở với nhau tránh sao khỏi xô xát. "Xấu chàng hổ ai", người Kinh có câu như thế. Bà nên nghĩ lại. Hơn nữa thời đại văn minh hiện nay, người ta tự do bỏ vợ, bỏ chồng, lấy người khác, bồ bịch tùm lum là lẽ thường chứ!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:30:13 am »

PHẦN THỨ BA:
BÌNH MINH VÀ MÂY MÙ


17. ĐƯỜNG CŨ, LỐI MỚI

Ông Chánh án Y Bliêng đang trầm tư đọc tập "Bộ luật Bi-đuê" bằng tiếng Ra Đê. Bộ luật là vũ khí lợi hại giúp ông bảo vệ thành công phong tục tập quán, nhất là những luật lệ ngàn đời để lại. Ông thuộc từng chương, từng điều. Mỗi lần xét xử một vụ án, dù phức tạp đến đâu, ông chỉ cần giơ bộ luật ra, ở đó đã trả lời rành rọt, và dân chúng thi hành răm rắp.


Ông đang đọc chương nói về hôn nhân, thì từ cổng có hai người đi vào. Một người Mỹ to lớn, râu quai nón che kín miệng, mắt xanh biếc. Một cô gái có khuôn mặt nhỏ nhắn, nước da nâu. Chiếc quần loe bó căng đôi mông và cặp đùi to, chiếc áo mút đỏ, cộc tay bó sát thân hình tròn lẳn. Một vai cô gái đeo túi vải thổ cẩm, một vai đeo chiếc máy ảnh Pen-tắc, hộp da đen. Người Mỹ to lớn như con gấu, làm cô gái nhỏ nhắn trông như một đứa con nít. Cô gái trông thấy Y Bliêng liền giang hai tay ra phía trước, chạy ào tới. Ông Chánh án vội vã đẩy ghế đứng lên. Cô gái đánh đu lên cổ ông, hôn chùn chụt vào trán rồi reo lên:

- Pa-pa! Pa-pa!

Vẫn đu trên cổ ông, cô gái nhìn người Mỹ hất hàm giục bằng tiếng Anh:

- Vào hôn "pa" đi, sao anh đứng ngẩn người ra thế?

Người Mỹ tươi cười, lừng lững đi vào, ôm cả ông Y Bliêng và cô gái trong vòng tay, nghiêng đầu hôn trán ông Chánh án. Bộ râu quai nón đen dày trùm lên mặt ông.

Cố gắng lắm mới quay mặt ra được khỏi bộ râu của người Mỹ, ông Chánh án cất tiếng gọi sang sảng:

- Bà nó đâu, vợ chồng con H'Lưm đã về!

Từ trong căn buồng bưng bằng những tấm gỗ dày, bóng, bà H'Brơi bước ra. Người Mỹ rời tay khỏi bố con ông Chánh án, chạy lại ôm hôn bà, tưởng như nghẹt thở.

Cô gái mở chiếc túi, lấy ra chai rượu Mác-ten, cổ chai vòng một dây vàng; ba tút thuốc lá 555, ân cần:

- Quà của anh Struharik mang từ Sài Gòn về, biếu ba. Còn má...

Vừa nói cô vừa chạy ra chiếc xe Pơ-giô 504 bóng loáng, xách vào một chiếc va-li. Cô lục tung, rút ra tấm áo lông to xù, thơm nức nước hoa, ném ra bàn.

Bà mẹ ngắm nhìn con với va-li quần áo toàn len dạ đắt tiền, gật gù sung sướng, quay sang chồng:

- Cái số nó nhàn, toàn lấy chồng Âu-Mỹ, giàu có, quyền thế. Cả cái tỉnh này, mà cả cái đất Cao Nguyên này, có đứa nào sung sướng được như nó? Nó làm rạng rỡ cho cả gia đình nhà ta.

Mà cái số H'Lưm nhàn và may mắn thật, như là có thần Yang phù hộ. Đối với nhiều người, nhất là những người Âu-Mỹ, H'Lưm đẹp và hấp dẫn. Cô hấp dẫn vì có nước da nâu, mái tóc xoăn như cô gái Ả Rập. Có thân hình tròn lẳn, cái eo nhỏ. Cô hấp dẫn, lôi cuốn vì rất có duyên. Cô có một cái nhìn tình tứ, một nét cười tươi, hóm hỉnh; một cái lắc đầu duyên dáng, một câu làm nũng ngọt ngào...


Vốn là một viên chức cấp tỉnh, ông Y Bliêng quen nhiều người Pháp. Khi làm phó tỉnh trưởng Thượng vụ, mối quan hệ giữa ông và các chủ đồn điền người Pháp càng rộng rãi và chặt chẽ.

Năm H'Lưm 20 tuổi, ông Pierre - chủ đồn điền cà-phê Buôn Phê, người Pháp thường xuyên đến gặp ngài Phó tỉnh trưởng. Chỉ gặp H'Lưm một vài lần, ông chủ đồn điền bị lôi cuốn và say con gái ngài tỉnh phó mê mệt.

Chẳng cần biết tông tích Pierre, chẳng cần để ý tính tình ông, chẳng cần biết vợ con ông thế nào, thấy ông giàu có, sang trọng, ngài tỉnh phó gả luôn con gái và nói với vợ:

- Có một đứa con rể người Pháp, uy thế nhà ta lớn lên nhiều lắm!

Một đám cưới rất linh đình được long trọng tổ chức. Có nhạc Tây và nhạc dân tộc. Có nhảy "van" và nhảy dân gian. Có uống rượu vang, bia và rượu cần. Có lễ "Kpih" và lệ cô dâu chú rể ôm hôn nhau của người Tây...

Ông Y Bliêng càng thêm giàu có và uy thế. Năm năm sau, H'Lưm đã có thêm 2 đứa con Pháp lai Ê Đê làm phong phú thêm Cao Nguyên vốn đã nhiều sắc tộc. Tưởng rằng bầy con ấy cứ sinh sôi mãi. Ai ngờ, khi người Mỹ thay người Pháp hai người chán nhau. H'Lưm trước kia thấy người Pháp giàu sang, lịch sự, thì nay, cũng thấy nhiều chàng trai Mỹ còn sang trọng, quyền thế và giàu có hơn chồng mình nhiều. Pierre trước kia say mê cô gái Ê Đê trẻ trung, là lạ, thì nay cũng chạy theo cái lạ khác. Hai người ly dị nhau.


Bà H'Brơi khuyên con lấy một thanh niên người Kinh hoặc Thượng nhưng H'Lưm không thể chấp nhận cuộc sống nghèo.

50 vạn quân Mỹ ùa vào Việt Nam, tràn lên Cao Nguyên. Các cố vấn Mỹ lũ lượt kéo lên Đắc Lắc, làm vui mắt cô gái H'Lưm nhiều tính toán. Sau thời gian suy nghĩ, H'Lưm gửi con cho một người khác nuôi rồi lao vào học tiếng Anh.


Cũng từ đó, ngài Chánh án có thêm nhiều người bạn Mỹ. Họ đủ các giới: cố vấn USAID, USOM, sĩ quan "Lực lượng đặc biệt", chuyên gia kinh tế... Họ đem đến cho ngài đủ thứ chuyện. Chuyện về "chế độ công bằng và nhân đạo Hoa Kỳ". Chuyện về "nền tự do, dân chủ Mỹ", "chuyện về đời sống ấm no, hạnh phúc như ở Thiên đường"...


Mọi câu chuyện trôi qua như tin tức và quảng cáo trên vô tuyến truyền hình. Nhưng cái đọng lại đối với ngài Chánh án là: con thú Mỹ nào cần đưa con mồi H'Lưm ra.

Cuối cùng con thú đã dẫn xác đến.

Struharik, Giám đốc cơ quan USAID ở Buôn Mê Thuột đã xuất hiện.

Sau vài lần đi săn với ngài Chánh án Tòa án phong tục, viên cố vấn này đã nhìn thấy con mồi ngay trong ngôi nhà sàn gỗ dài gần 100 mét của Y Bliêng.

Struharik đã qua nhiều nước Đông Nam Á, qua nhiều hộp đêm, nhày nhụa với các loại gái thuộc nhiều màu da. Giữa rừng núi xa xôi, hẻo lánh, H'Lưm hiện ra như một món hàng lạ; nước da nâu, tóc xoăn, eo nhỏ, nét cười tươi, đôi mắt tình tứ.


Y Bliêng vui mừng biết rằng Struharik, ẩn dưới danh nghĩa Giám đốc cơ quan USAID, thật sự là một sĩ quan CIA đầy quyền lực. Dựa vào tên Mỹ này, cái ghế Chánh án của ông sẽ vững chãi đời đời. Mọi thế lực đối lập, thù hằn ông, sẽ sợ hãi và chẳng dám ngo ngoe chống đối. Dựa vào viên cố vấn này, ông sẽ bắt Y Dhắt quỳ trước mặt nhận thi hành bản án và Y Dhé sẽ mất chức Dân biểu chứ chẳng chơi. "Có đứa con rể người Mỹ, uy thế của ta lớn nên nhiều lắm", ông lại nói với vợ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #53 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:31:37 am »

Những đứa con của H'Lưm với người chồng Pháp được giấu biệt đi. H'Lưm trở lại ngây thơ như một nữ sinh chưa hề biết yêu, trong lành như dòng suối mát. Cặp uyên ương quấn quýt với nhau, sống như vợ chồng một thời gian dài thì đám cưới được tổ chức.

- Phải tổ chức theo đúng phong tục Ê Đê - Ông Chánh án ra lệnh.

- Phải có nhảy! Cô con gái nằn nì.

Đám cưới rất linh đình. Phong tục Ê Đê và Mỹ hòa hợp. Có rượu cần và Uýt-ki, nhạc Chinh và nhạc "Za" xầm xập ngày đêm. Có cúng Yang và nhảy đầm.

Từ ngày có con rể Mỹ, thanh thế của ông càng lớn. Các quan trong tỉnh, Kinh cũng như Thượng, ai cũng sợ ông như các giống vật sợ chúa sơn lâm. Cũng từ đó, ông mạnh tay xử các vụ án một cách thiên vị và độc đoán hơn. Người ít tiền đút lót sẽ bị xử sai, oan ức nhưng không dám kêu. Người có tiền đút lót, được bênh vực. Của hối lộ lại đổ về nhà ông như nước.


Thấm thoắt đã một mùa khô. H'Lưm theo chồng đi Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, thỉnh thoảng lại về Buôn Mê Thuột sống với bố mẹ và ở cơ quan của chồng. Hôm nay, cô vừa theo chồng từ Sài Gòn về đây...

Uống xong ly cà-phê, H'Lưm tươi cười mở máy ảnh nhí nhảnh đề nghị:

- Ba má, chúng ta chụp ảnh đi!

Ông bà Chánh án thay quần áo xong, cô con gái chạy đi chạy lại, tìm góc độ, ánh sáng. Bỗng cô hét lên bảo chồng:

- Phải mặc quần áo Ê Đê!

Cô lục trong hòm của bố, lấy ra bộ quần áo dân tộc màu đen; gấu, tay viền nẹp đỏ. Cô bắt chồng bỏ bộ com lê, mặc bộ đồ dân tộc. Struharik mặc bộ đồ ngắn cũn cỡn. Hắn ngắm nghía trong gương, cười ngờ nghệch.

Chụp xong cho bố mẹ, H'Lưm bảo mọi người chụp chung. Cô bấm nút tự động, chạy ra đứng cạnh chồng, nhoẻn miệng cười tươi như bông hoa ê-đắp. Trông bốn người đứng thật là một hình ảnh lạ mắt. Ông bố người Thượng mặc com-lê, đầu đội mũ phớt, tay chống can. Bên cạnh là bà vợ nhỏ nhắn khoác tấm áo lông to xù. Cô gái vận quần loe, áo mút, khoác tay chàng trai Mỹ râu quai nón xồm xoàm, bộ quần áo Ê Đê cổ truyền ngắn cũn cỡn.


Sau cơm tối, Struharik mời bố vợ vào trong phòng kín, chỉ có hai người. Đây không còn là một câu chuyện tâm sự giữa hai bố con mà là một cuộc họp bí mật.

Struharik nói sau hơi thuốc lá xì gà:

- Thưa ba, tướng Jôn Pôn Van, cố vấn tư lệnh quân đoàn II và vùng II chiến thuật, cho biết Y Bhăm sẽ không về nước, người để đưa ra làm lực lượng thứ ba ở Cao Nguyên hiện nay chưa có. Đại sứ Bân-cơ ra lệnh cho tướng Jôn Pôn Van phải đưa người khác lên thay Y Bhăm để sau này sẽ dành số ghế trong Chánh phủ Liên hiệp với tư cách là lực lượng thứ ba. Theo con nghĩ thì đại diện cho lực lượng đó ở Cao Nguyên không thể tách rời lực lượng phong trào FULRO sống dai dẳng từ 1958 đến nay. Cần phải làm sống lại phong trào đó.

Ông Chánh án gật gù, xoa xoa cái trán bóng:

- Phải, phải! Đưa người vào Chánh phủ Liên hiệp, cần lực lượng thứ ba. Lực lượng thứ ba ở Cao Nguyên không thể tách rời những người lãnh đạo phong trào FULRO. Có như thế mới thu hút phiếu bầu dân chúng.

- Vì vậy, tướng Jôn Pôn Van giao nhiệm vụ cho con nhờ ba đứng ra tái lập phong trào FULRO. Tướng Jôn Pôn Van sẽ trực tiếp giao nhiệm vụ cho giáo sĩ Kswan, Y Chôn, Y Nguê vận động tín đồ Tin lành.

Strubarik ngừng lại rít thuốc, nhìn bố vợ. Ông Y Bliêng lập lại, vừa có thành ý, vừa có ý tâng bốc con rể:

- Đúng, đúng. Bộ phát triển sắc tộc, các phong trào dân tộc chỉ là con bài tồi. Tiếng vang của FULRO với cái tên Y Bhăm vẫn còn dai dẳng trong từng người dân Cao Nguyên. FULRO tan rã. Y Bhăm lưu vong. Phải tái lập lại phong trào FULRO. Nhưng, tìm ai đủ uy tín để đánh bại ảnh hưởng của Y Bih, thu hút số phiếu về cho các ứng cử viên là FULRO.

- Ngoài ba và ông Y Chôn ra, không ai có thể đảm đương được vai trò ấy. Tướng Jôn Pôn Van nói thế.

Ông bố vợ tươi tỉnh hẳn lên, nét mặt phương phi nở nang:

- Cám ơn! Cám ơn tướng Jôn Pôn Van và anh quá quý mến của tôi. Mà có lẽ, anh tính, Cao Nguyên này còn ai ra gì đâu, toàn lũ bất tài, sâu mọt. Y Dhé lấy hai người vợ Kinh, đánh vợ thành thương tật, Y Dhắt tằng tịu rồi cướp H'Bi của R Mah. Y Bling tham ô tiền quỹ "Phong trào Đoàn kết". Paul Nưr trai gái, tham nhũng, buôn lậu... Cứ nghĩ đến họ là tôi thấy buồn và thất vọng.

- Thế thì ba nhận chức Chủ tịch ban chấp hành FULRO đi. Ghế Chánh án Tòa án tối cao trong Chánh phủ Liên hiệp có thể sẽ về ba.

Ông Chánh án trầm ngâm hồi lâu, xoa trán:

- Không được, không được. Làm như thế ích kỷ quá. Phải nhường cho người khác. Ba không thích chức tước, địa vị. Nên tìm người khác.

- Hay là ông Y Chôn?

Y Bliêng cũng thừa biết, Y Chôn cũng như ông, chẳng dại gì mà nhận chức Chủ tịch giơ đầu chịu báng, quyền rơm vạ đá. Thành công thì quyền lợi chức tước cũng chưa chắc đã đem lại cho ông những món lợi lớn như hiện tại. Mà thất bại thì tù đày, chết chóc. 50 vạn quân Mỹ còn chẳng làm gì nổi Việt Cộng, cái tổ chức FULRO liệu có đứng vững được không? Người Mỹ tếch, FULRO khó bề xoay xở. Dại gì. Phải còn xem xét tình hình đã. Người Mỹ có đủ sức nâng đỡ, FULRO có đủ sức sống không đã chứ. Mà lại còn chuyện thanh trừng, ám hại lẫn nhau khi tranh giành chức tước. Phải tìm chỗ đứng, nếu thắng lợi thì được hưởng công to, mà thất bại thì dễ phủi tay, ít liên lụy.

- Ba biết ông Y Chôn cũng khiêm tốn lắm, chẳng chịu nhận đâu. Cần phải nhường cho lớp trẻ, hăng hái và xốc vác, có kiến thức. Chúng tôi thuộc lớp già, không còn sức mạnh như bọn trẻ nữa. Ba sẽ tìm người khác giữ chức ấy. Còn ba và ông Y Chôn xin làm cố vấn. Cố vấn, nhưng thực ra ba và ông Y Chôn sẽ lo liệu mọi công việc.

- Cám ơn, cám ơn!

Hai bố con bàn bạc đến khua. H'Lưm bưng đến một nồi cháo chân khỉ. Bà mẹ mang ra một chai rượu. Bốn người xì xụp uống rượu, ăn cháo. Ăn xong, H'Lưm vặn nhạc, ôm chồng ngoáy đít, nhảy một lúc rồi đi ngủ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:33:01 am »

Mục sư Y Nguê ngồi lặng lẽ trong ngôi nhà thời Tin lành Alê A, Buôn Mê Thuột. Nhà thờ Cơ đốc giáo, có vòm cao vời vợi làm cho con người bước vào thấy mình nhỏ bé quá. Nhìn lên vòm, các thiên thần đang thi nhau bay lên, còn mình đứng đó, lẻ loi, cô đơn, bất lực trước cuộc đời. Nhà thờ Tin lành khác hẳn. Nó nhỏ bé, đơn sơ gợi cho con chiên thấy rằng mình gần gũi với Chúa. Chúa sống chan hòa với mọi người.


Năm 1930, một giáo sĩ người Mỹ tên là Goa lon Sanyte vùng với mục sư Phạm Xuân Tín lên Buôn Mê Thuột để truyền đạo. Họ không bị thất bại như các giáo sĩ Cơ đốc giáo người Pháp trước đây. Ngay sau khi đặt chân đến Việt Nam, các giáo sĩ Cơ đốc giáo Pháp đã lên Buôn Mê Thuột nhưng không sao gieo được giống lành của Chúa. Họ bị người dân Thượng xa lánh, không thích bỏ cúng Yang, không muốn xa rời đạo Ông Bà đã sống hàng ngàn năm trong tâm trí họ, để theo Chúa. Các giáo sĩ đó phải về Công Tum lập tòa thánh.


Sanyte lên Buôn Mê Thuột, đầu tiên cũng bị dân Thượng xa lánh. Cha liền lập một nhà thờ gỗ nhỏ bé và sống như mọi công dân Thượng: cởi trần, đóng khố cà răng, ăn bốc. Cứ như thế, Cha làm quen với người dân Thượng và giảng giải dần dần lòng nhân đạo của mình, ý muốn đem ánh sáng văn minh, cuộc sống an lành đến cho họ. Các vị Cha khác đến tiếp theo. Họ cũng sống như Cha Sanyte. Có người còn lấy vợ người Thượng. Những người dân ở đây cho rằng các Cha đang ở một nước văn minh, giàu có, thế mà bỏ sang đây, sống cơ cực và mông muội như thế này, thế thì chẳng phải các cha thật lòng muốn khai sáng cho họ hay sao?


Một vài người bắt đầu lân la đến nhà thờ Tin lành. Các Cha cho đường, sữa, gạo... và hứa, nếu theo Tin lành, sẽ được phát nhiều hơn.

Theo Chúa Tin lành không phải nộp tiền nong gì, chỉ đến nhà thờ vào sáng chủ nhật, còn ngày ngày thờ Chúa trong lòng mình. Theo Chúa tin lành được sữa, đường, gạo mà chả mất gì.

Thế rồi, một việc làm lạ lùng của các Cha khiến cho mối nghi ngờ của người dân đối với thiện tâm, thiện chí của những người mắt xanh, mũi lõ mới này phải tan đi hoàn toàn. Nhà thương cùi buôn Eesa Ana được dựng lên. Những con người bị bệnh cùi lở loét, đau đớn nhức nhối, trước đây bị dân trong buôn bắt thiêu sống, thì nay được đưa vào đây để nuôi nấng, cứu chữa. Những người thầy thuốc Mỹ sang sống ở nơi buồn thảm, bẩn thỉu, nguy hiểm kinh khủng này.


Nhà thương ngày càng rộng ra, bệnh nhân vào ngày một đông hơn (vì hầu như họ chỉ có vào mà không có ra) thì những người theo Chúa cũng ngày một đông hơn. Thêm vào đó, những đồn đại về phép lạ của Chúa cứ bay đi. Nào là chuyện có kẻ đang ăn thịt người, theo Chúa rồi không ăn thịt đồng loại nữa. Nào là chuyện có người bị điên, sắp chết, tin Chúa khỏi bệnh ngay.


Dân Cao Nguyên dần dần biến thành dân nước Chúa. Sáng chủ nhật, người ta kéo đến nhà thờ. Tiếng cầu kinh rộn ràng, âm vang.

Cũng như những người dân Thượng vùng Buôn Mê Thuột, khi Y Nguê lớn lên thì các nhà thờ bằng gỗ, nóc nhọn, cắm thánh giá đã mọc lan tràn khắp buôn làng và tiếng cầu kinh rì rầm của cha mẹ đã đưa chú bé vào giấc ngủ có thiên thần bay quanh.


Bố Y Nguê - ông Y Khuýt - đi lính cho Pháp. Ông muốn cho con thoát khỏi cảnh sống cơ cực của người dân Thượng nhưng không muốn cho con theo đường binh nghiệp luôn bị cấp chỉ huy bạt tai, đá đít; luôn chém giết, ngửi mùi thuốc súng và mùi máu. Ông cho con đi học làm thầy thuốc. Nhưng Y Nguê không thực hiện ước mơ của bố. Bị lôi cuốn vào giáo lý của đạo Tin lành, học xong tiểu học, Y Nguê vào học trường Kinh thánh của giáo sĩ Ziêmer. Tuổi xuân tươi đẹp nhất của Y Nguê tan đi trong bốn bức tường của ngôi trường này.


Những ngày tháng để lại nhiều dấu ấn nặng nề nhất trong trí não Y Nguê là thời gian làm truyền đạo sinh hầu việc Chúa tại nhà thương cùi buôn Êa Ana. Khi Y Nguê giảng cho họ "cuộc sống trần thế là tạm bợ, cuộc sống ở Thiên đường mới là vĩnh cửu, mọi người hãy quên nỗi khổ đau để về với Chúa" thì họ nhăn nhó, đau đớn vì bệnh tật đang hành hạ. Y Nguê không hiểu tại sao người ta không triệt bệnh này ở ngay các buôn mà cứ để bệnh nảy nở. Những người bị bệnh được đưa vào đây để rồi chết dần, chết mòn và báo chí lại quảng cáo ầm ĩ về những việc làm vô cùng nhân đạo của Hội thánh Tin lành, của các giáo sĩ Mỹ. Các đoàn khách thăm quan, nghiên cứu, điều tra lại ùn ùn kéo đến, ghi ghi chép chép ca ngợi choang choang trên đài và đăng kín trên các báo.


Sau khi được phong mục sư, Y Nguê về hội thánh Buôn Mê Thuột do mục sư Y Hăm làm chủ nhiệm. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất của Y Nguê.

Ở đây các giáo sĩ Johnson, Philip, Michell, Jiemer, K'Swain cùng các mục sư giảng cho dân Chúa: "Bọn Cộng sản xâm lăng đã tràn đến Cao Nguyên, chém giết đồng bào. Vì Chúa, dân Chúa phải đứng lên chống lại quỷ sa tăng Cộng sản".


Ngoài việc rao giảng theo lời các giáo sĩ, Y Nguê còn phải lập danh sách dân Chúa từng buôn, thái độ từng người, nộp cho các giáo sĩ; còn phải gặp từng con chiên giảng giải khuyên bảo. Dân chúa đua nhau đi lính, cùng lính Mỹ diệt Cộng sản, bảo vệ Chúa. Những người lính Thượng có đeo tượng Chúa chịu nạn, bắn giết đồng bào không gớm tay, không ai còn nhớ lời Chúa dạy về nhân từ, bác ái...


Y Nguê được giáo sĩ K'Swain tuyên dương công trạng: "Đã có nhiều công lao làm cho dân Thượng bảo vệ nước Chúa, chống Cộng sản xâm lăng, diệt đạo".

Tết Mậu Thân, Quân giải phóng tấn công Buôn Mê Thuột, Y Nguê bị cách mạng bắt đưa vào rừng.

Y Nguê tin rằng mình không bị chôn sống thì cũng bị bắn. Nhưng lạ lùng thay. Cha được đối đãi tử tế, được học tập. Một cán bộ của ông Y Bih nói với Y Nguê:

- Bọn giáo sĩ Mỹ là bọn CIA. Chúng dùng đạo Tin lành, mượn lời Chúa để ru ngủ, lôi kéo người dân Thượng thật thà, hiền lành phục vụ mục đích xâm lược của chúng. Chúng chia rẽ, làm người Thượng bắn giết lẫn nhau. Những mục sư Thượng đã tiếp tay cho chúng, mê hoặc giết hại đồng bào.

Tiếp tay cho Mỹ thì Y Nguê thông, nhưng Mỹ giết hại đồng bào thì Y Nguê chưa tin. Người Mỹ có bắn, giết nhiều người Kinh thật, nhưng đó là giết Việt Cộng; có giết nhiều người Thượng thật nhưng là giết Thượng Cộng chống lại họ. Còn dân lành thì chưa có, trừ trường hợp tên rơi, đạn lạc.

Một tháng sau, Y Nguê được tha về.

Về đến nhà, Cha tưởng như lạc xuống địa ngục. Căn nhà sàn gãy gục, tan hoang. Những hố bom sâu nham nhở. Cả buôn Ea Bhok bị bom. Hơn trăm nóc nhà bị phá tan tành. Cha đi tìm mãi mới thấy vợ. Vợ cha, bà H'Lim vừa khóc, vừa nói:

- Máy bay Mỹ ném bom xuống buôn trúng nhà ta. Ba thằng Y Ben, Y Kem, Y M ưel bị bom hết rồi!

Mặt đất như sụt xuống dưới chân Cha. Những quả bom của người Mỹ đã giết Cha. Đời éo le thay. Chúa đã dạy Cha: "Hễ ai vì danh Ta mà bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái, đất mộng thì sẽ lãnh được trăm lần hơn, và thừa thọ sự sống đời đời". Cha đã làm theo lời răn của Chúa. Thế mà, ôi, những đứa con Cha. Cha chưa được gì mà đã mất những đứa con.


Cha trở lại nhà thờ Buôn Mê Thuột. Nén nỗi đau trong lòng. Các giáo sĩ lại an ủi, động viên Cha: "Người Mỹ ném bom giết quân Cộng sản để cứu đồng bào, cứu vợ con ông. Chẳng may bom rơi đạn lạc nên nông nỗi này. Quân đội Mỹ sẽ bồi thường cho ông. Ông cứ tin vào Chúa, vào chúng tôi. Linh hồn các con ông sẽ được sổng bên Chúa suốt đời


Cha lại hầu việc Chúa. Các giáo sĩ khen Cha có đức hy sinh, biết quên khổ đau riêng tư để thờ phượng Chúa. Cha được vinh thăng.

Địa hạt Tinh lành Thượng toàn Cao Nguyên chia làm hai: Trung và Nam Thượng hạt. Nam Thượng hạt gồm 12 tỉnh Nam Cao Nguyên do Cha Ha Brông làm Chủ nhiệm. Trung Thượng hạt gồm 12 tỉnh Bắc Cao Nguyên do Cha làm chủ nhiệm.

Làm mục sư Chủ nhiệm cai quản việc chăn đàn chiên của Chúa trong 12 tỉnh, một trọng trách lớn, vì thế uy tín, tiếng tăm của Cha trong dân Thượng không phải là nhỏ. Tướng Jôn Pôn Van và giáo sĩ K'Swain không thể bỏ qua khi cần tìm người chỉ huy FULRO.

- BaJaRaKa, FULRO đều tan rã. Người thì bị tù đày, bị bắt, kẻ đầu hàng, lưu vong. Dân tộc chúng tôi vẫn đắm chìm trong cõi tối tăm đau khổ. Bây giờ ngài lại nói tái lập FULRO, lại đẩy hàng triệu sinh linh vào cảnh chém giết lẫn nhau. Tôi cho là vô vọng lắm! - Y Nguê trả lời khi K'Swain nói tướng Jôn Pôn Van có ý định tái lập FULRO.

Cao Nguyên sắp mất vào tay Cộng sản. Dưới sự áp đặt của chúng, cái đầu tiên bị xóa là các tòa tôn giáo mà chúng gọi là thuốc phiện, trong đó có Tin lành của chúng ta. Ông Thiệu và quân đội của ông ta không giữ nổi Cao Nguyên. Người Thượng phải tự giữ lấy. Người Mỹ chúng tôi sẽ giúp các ông - K'Swain quả quyết.

Y Nguê lắc đầu:

- Hồi năm 1968, tôi bị bắt, họ có xóa tôn giáo, giết tôi đâu?

- Hồi ấy, chúng còn yếu, cần lôi kéo ông. Bây giờ chúng mạnh rồi. Chúng không tha ông đâu.

Y Nguê im lặng, nửa tin nửa ngờ.

- Ông còn không tin sao? Ông có thấy ở miền Bấc các tôn giáo bị xóa không? Bọn Cộng sản là "tam vô". Tất cả mọi người, kể cả các mục sư, cần phải tự vệ bằng cách diệt trừ hiểm họa Cộng sản xâm lăng.

Y Nguê thấy lo sợ. Người Mỹ đã giết ba con Cha. Nhưng ai sẽ xóa đời Cha? Cộng sản ư? Cha ngần ngại:

Thưa giáo sĩ, Hội thánh chúng tôi có một điều lệ: "Hội thánh Tin lành Việt Nam không chấp nhận các giáo hữu làm chánh trị với danh nghĩa hội".
K'Swain cười:

- Thì từ trước đến nay ông chả làm chánh trị là gì? Ông tưởng rằng, ông làm mục sư, truyền đạo, lôi kéo dân Chúa chống Cộng sản là không làm chánh trị đó à? Là đơn thuần hầu việc Chúa, tôn giáo thuần túy đó sao? Ông Y Chôn sẽ bàn thêm với ông.

Y Nguê im lặng chấp thuận.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #55 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:34:54 am »

Bị mất chức Tổng thư ký Bộ phát triển sắc tộc, Y Chôn bất mãn, bỏ về nhà. Ông căm Nguyễn Văn Thiệu và Nay Loét lắm, quyết tìm cách trả thù "tên Ja Rai hung hăng".

"Họa vô đơn chí", chưa trả xong mối thù kia, thì ông lại vấp thêm vụ thất cử khi tranh ghế Dân biểu hạ nghị viện với Y Dhé. Ông càng uất, càng tức với Nguyễn Văn Thiệu đã bạc đãi ông. Ông không hiểu vì sao, người Mỹ lại để cho bọn Thiệu chó má chà đạp ông thế?


Tướng Jôn Pôn Van ra lệnh tái lập FULRO đã đem đến cho ông một luồng sinh khí mới. Chỉ có FULRO mới làm thỏa mãn trái tim đang bốc lửa căm thù của ông đối với chánh quyền Nguyễn Văn Thiệu đồng thời lại phù hợp với ý nguyện chống Cộng sản trong ông. FULRO sẽ làm dịu nỗi đau đớn, tan cơn sốt chánh trị trong ông bấy lâu nay. Ông hăng hái đi gặp Y Bliêng, Y Nguê tìm người xếp đặt guồng máy ban chấp hành FULRO mới mà các ông gọi là FULRO 3 để phân biệt với FULRO 1 (BaJaRaKa năm 1958) và FULRO 2 (năm 1964).


Điều khó nhất với các ông là chọn ai đứng ra giữ cán cờ. Khó khăn không phải là chọn người có đủ tư cách giữ chức vụ quan trọng này, mà là: người đó phải hợp với ý của các ông.

Y Chôn đưa ra một số người như Y Prếh, Y Bách, Y Bliêng lắc đầu quầy quậy, rồi đưa luôn con chủ bài của mình ra:

- Theo tôi, tốt nhất là Kpă Kới.

Lại đến lượt Y Chôn, nhíu đôi lông mày:

- Thằng này chẳng đã ủng hộ Y Dhé, chơi xỏ tôi trong vụ bầu cử vừa qua rồi sao?

Y Bliêng ôn tồn:

- Đã đến lúc chúng ta phải dẹp những bất hòa riêng, dồn sức để thắng Y Bih và bọn Việt Cộng. Hơn nữa, sau khi bị Y Dhé nuốt lời, quỵt tiền vận động bầu cử, Kpă Kới đã chửi Y Dhé và ngả theo chúng ta rồi.

Y Chôn lo ngại:

- Tên này kém uy tín lắm. Thậm chí, còn bị dân chúng khinh rẻ. Ông không nhớ, hắn ta vừa tham ô 1 triệu đồng tiền quỹ của tỉnh bộ "Phong trào Đoàn kết", vừa lừa tên thương gia Hoa Kiều trong vụ khai thác gỗ, đang bị tên Tàu đó kiện à?

Y Bliêng xua tay:

- Không sao, không sao, chánh vì thế mà ta cần đến hắn. Ông thử tính xem, về uy tín chánh trị, ta vẫn giữ lá cờ Y Bhăm để thu hút dân chúng. Còn Kpă Kới, có đưa ra làm Phó chủ tịch, ta cũng chỉ cần khai thác, tận dụng tài xoay sở về kinh tế của hắn mà thôi. Hắn làm phó ty Lao động, quen nhiều chủ đồn điền cao-su, cà-phê. Hắn có khả năng móc với bọn chủ này moi tiền và lương thực. Hắn ta đang bị kiện, đang lo sốt vó, không biết trốn đi đâu. Đưa hắn ta ra, cho chạy vào rừng, mở đường thoát, hắn ta sẽ vồ lấy thời cơ, hăng hái hoạt động ngay. Bọn ta yên thân, chẳng ai nghi ngờ và vẫn có tay chân hoạt động.

Y Chôn lim dim đôi mắt, im lặng, tỏ ý chấp thuận con bài của Y Bliêng.

Hai ông tiếp tục bàn về những vị chỉ huy cho tổ chức mới. Các chức tước trong nội các mới được hai ông sắp đặt đâu vào đó.

Đến kế hoạch, thời gian hành động. Y Chôn ghé vào tai Y Bliêng:

- Bây giờ, nếu biết chúng ta theo lệnh Jôn Pôn Van thành lập FULRO 3, dân chúng và cả số tên từ FULRO 2 còn lại sẽ không hăng hái theo ta. Cần phải lấy ngay tiếng nói của Y Bhăm, dùng Y Bhăm thu hút, kêu gọi cả những người chỉ huy và dân chúng. Vì thế phải tìm người liên lạc với Y Bhăm, nhờ tiếng nói, uy tín của ông ta mà thúc đẩy công việc. Ông thấy được không?


Y Bliêng ngạc nhiên hỏi:

- Ông định cho người sang Nam Vang liên lạc với Y Bhăm à? Tìm đâu ra người liên lạc? Mà có sang tới Nam Vang cũng khó mà gặp được Y Bhăm. Thằng Chàm Les Kossem đời nào nó cho gặp? Hiện nay, nó giấu biệt ông ta đi rồi, chẳng ai biết cả. Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo của Thiệu còn chịu không mò ra Y Bhăm nữa là ta. Nhờ thằng Sắng thì mất công toi.

Y Chôn nghĩ ngợi, lo lắng:

- Ta chịu bó tay sao?

Y Bliêng cười hóm hỉnh:

- Tôi đã có giải pháp hữu hiệu lắm.

Y Bliêng rỉ tai, Y Chôn gật đầu thán phục: "Thế này thì có thần Yang cũng bị lừa!".

Một đêm mùa hạ năm 1972, Ban vận động thành lập FULRO 3 nhóm họp. Thành phần của Ban phần lớn nằm trong "Ban bảo vệ dân tộc" thành lập đầu năm 1972 khi "Phong trào đoàn kết" giải tán. Đó là các vị tai mắt của Cao Nguyên: Y Bliêng, Y Chôn, Kpă Kới, Y Bách, Y Prêh, Y Nguê...

Sau khi tuyên bố lý do cuộc họp, Y Bliêng kéo một người Chàm, đứng lên, tươi cười:

- Xin giới thiệu với các vị, đây là ông Sinh cốp, bí danh là Y Lan Enuôl, liên lạc viên của cụ Y Bhăm vừa từ Nam Vang về. Ông Y Lan sẽ mang bản danh sách dự kiến Ban chấp hành FULRO 3 của ta sang Nam Vang cho cụ Y Bhăm. Khi nào cụ duyệt xong, ta sẽ công bố mở đại hội thành lập FULRO 3.

Tin là thật, mọi người tỏ ra hoan hỉ. Họ lao vào bàn luận sôi nổi. Y Chôn, Y Bliêng thông qua dự kiến Ban chấp hành và phác thảo tuyên ngôn của FULRO 3.

Ít lâu sau, "Ban vận động" đã nhận được công văn đáp từ của cụ Y Bhăm. Một đêm, Đại hội thành lập Mặt trận FULRO 3 được tổ chức tại khu rừng vắng buôn Ea Khít. Đại biểu các nơi đến dự khá đông.

Chủ tọa đại hội - ông Y Bliêng - đọc diễn văn khai mạc. Sau khi tố cáo những thủ đoạn của ngụy quyền Sài Gòn đối với đồng bào các dân tộc Cao Nguyên từ trước tới nay, Y Bliêng thông báo:

- Cụ Y Bhăm, lãnh tụ vĩ đại của chúng ta hiện nay vẫn ở Căm-bốt, cụ vẫn hướng về Tổ quốc Cao Nguyên. Vừa qua được lệnh của cụ, chúng tôi đã họp hội nghị, lập danh sách Ban chấp hành mới. Chúng tôi đã trình danh sách cho cụ. Cụ đã cử liên lạc viên mang nghị định số 001/AP/F, cử những người giữ chức vụ trong Ban chấp hành FULRO. Đồng thời cụ cũng gửi thư cho chúng ta. Tôi xin đọc thư của cụ:

"Toàn thể đồng bào nước Đê-ga - Chàm thân mến!

Tôi tên là Y Bhăm Enuôl, Chủ tịch phong trào FULRO kiêm Tư lệnh lực lượng FULRO, long trọng thông báo đồng bào được rõ, tôi vẫn còn sống, sức khỏe vẫn dồi dào, vẫn tiếp tục lãnh đạo phong trào. Tôi kêu gọi đồng bào Đê-ga - Chàm phải sáng suốt ý thức cùng một đường lối, đoàn kết chặt chẽ và giữ vững lập trường cách mạng.

Tôi có bổ nhiệm ông Kpă Kới do nghị định số 001/AP/F và 002/AP/F, đại diện tôi để tái lập Phong trào hoạt động trong nội địa.

Tôi hy vọng và ước mong các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và toàn thể đồng bào Đê-ga - Chàm chấp hành lệnh của ông ta và đừng có nghi ngờ là Kpă Kới tự ý tổ chức. Cũng vì sợ đồng bào nghi ngờ, hiểu lầm nên tôi gửi theo đây tấm hình của gia đình tôi để xác nhận những điều tôi nói trên đây".


Y Bliêng giơ cao tấm hình chụp gia đình Y Bhăm rồi đưa cho từng người xem.

Y Chôn đứng lên trịnh trọng tuyên bố:

- Kính thưa các đại biểu, vì những người lãnh đạo FULRO Chàm chưa muốn liên minh với ta, nên chúng ta tổ chức một mặt trận riêng biệt cho người Thượng chúng ta ở Cao Nguyên. Mặt trận chúng ta được mệnh danh là: Front Libération Hauts Plateaux Montagnards viết tắt là FLHPM. Bộ chỉ huy của Mặt trận được gọi là "Chánh phủ lâm thời Đê-ga" do cụ Y Bhăm Enuôl làm Chủ tịch, và ông Kpă Kới làm Phó chủ tịch phụ trách công việc trong nước.

Y Chôn đọc danh sách các vị Tổng trưởng, Phụ tá tổng trưởng của 11 bộ.

Các đại biểu nghe qua danh sách, thấy các vị lãnh đạo toàn là công chức, làm việc trong các cơ quan của Mỹ và Thiệu, giàu sang và có nhiều quyền thế, họ không khỏi lo ngại cho lập trường cách mạng của các vị. Liệu các vị sẽ đấu tranh đến cùng cho dân tộc hay là chỉ đấu tranh cho địa vị mình?
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #56 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:36:12 am »

18. MỘT ÂM MƯU

Hê Aly - Giám đốc JCRC - rời mắt khỏi tấm bản đồ quân sự Tây Nguyên, quay sang nhìn tướng Jôn Pôn Van:

- Vì chúng tôi còn lạ lẫm vùng đất này, nên nhờ các ngài tìm người liên lạc giúp chúng tôi gặp bọn Việt Cộng. Đồng thời bên các ngài cũng sẽ cung cấp cho số người tìm kiếm xác chết và mất tích.

- Đóng góp của các ngài? - Jôn Pôn Van lạnh lùng.

- Chúng tôi sẽ chịu mọi phí tổn cho việc tìm kiếm.

- Bao nhiêu?

- Mỗi xác chết hoặc mất tích tìm được, chúng tôi sẽ trả 1 triệu đồng Sài Gòn.

- Rẻ thế? Tôi biết, mỗi người hoặc xác về Mỹ, gia đình họ sẽ trả có khi tới hàng triệu đô-la?

- Thưa Trung tướng, giá của Chính phủ Mỹ quy định cho phép chúng tôi thực hiện.

Jôn Pôn Van rướn thẳng người lên, nói rành rọt:

- Tôi biết, tôi biết, giá cả nào thì cũng có sự co giãn và lên xuống. Điều vô lý của các ngài là, tại sao một xác chết lại giá bằng một người còn sống? Tìm kiếm xác chết và người mất tích, những chiến hữu của mình, chúng tôi không muốn cò kè làm gì, thôi xin ngài cứ cho triệu rưỡi.


Hê Aly đòi rút, Jôn Pôn Van nhất định không nghe. Hai vị mặc cả mãi, bớt xén mãi, cuối cùng ngã giá mỗi xác chết hoặc người mất tích là 1 triệu ba trăm ngàn.

Sau khi định xong giá cả, hai vị cố vấn (một cơ quan chiến tranh, một cơ quan từ thiện) bàn về người liên lạc ra vùng giải phóng.

Hê Aly hỏi:

- Ngài định trực tiếp chỉ huy hay nhờ người của tướng Toàn.

Jôn Pôn Van cười:

- Người Mỹ chúng ta trực tiếp, hoặc nhờ tướng Toàn cử người đi đều thất bại ngay từ đầu.

- Thế thì nhờ ai, thưa ngài?

- Chúng tôi có một lực lượng thực hiện rất hữu hiệu. Đó là tổ chức FULRO. Tổ chức này của người Thượng chắc ngài đã biết, đang chống Thiệu, những cũng muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị ra vùng giải phóng để tranh thủ thế đứng trước thời cuộc thay đổi. Chúng có khả năng bắc cầu với Việt Cộng, nhất là Việt Thượng Cộng. Chúng tôi sẽ cho bọn này ra thăm dò và có điều kiện thì xâm nhập chốt lại luôn ở vùng giải phóng.

Hê Aly đắn đo một hồi rồi mạnh dạn:

- Thưa trung tướng, làm thế nhỡ lộ ra tôi sợ rằng báo chí sẽ rêu rao ầm lên là người Mỹ thực hiện âm mưu xâm lấn chính trị trên đống xương tàn của những chiến sĩ đã hy sinh. Hoặc chúng sẽ nói ta nhảy múa trên nỗi đau khổ của cha mẹ, vợ con những người đã chết!

Ngài cố vấn quân sự lắc đầu:

- Không tên nào, kể cả bọn tình báo già đời của Việt Cộng và những ký giả láu cá nhất, cũng không thể nào biết được việc làm của chúng ta. Chúng tôi có tay trong để làm việc này.

Thấy vị tướng coi thường dư luận, Hê Aly lo ngại, nhưng đành chấp nhận, vì hắn đã lập 30 ủy ban cho Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa thực hiện nhưng vô hiệu. Tiền vung ra như rơi vào thùng không đáy, chưa mò ra được ra vùng giải phóng, chưa tìm được một xác chết nào.


Ký xong hiệp đồng với Hê Aly, Jôn Pôn Van mừng rỡ đáp máy bay trực thăng xuống Buôn Mê Thuột. Ngài cho gọi giáo sĩ K'Swain đến, K'Swain gặp Y Nguê, Y Prêh, Y Chôn thảo luận. Y Chôn và Y Prêh thấy: mặc dù có nội gián đánh vào tận hang ổ Việt Cộng, từ khi thành lập, FULRO đã dồn mọi nỗ lực để tiếp xúc với Cách mạng, xâm nhập vùng giải phóng nhưng không có kết quả. Sau khi thành lập Y Prêh đã cho người liên lạc với Mặt trận tỉnh Đắc Lắc, nhưng bị từ chối. FULRO lại cử người xuống Công Tum liên lạc với Mặt trận tỉnh Công Tom nhưng cũng vô hiệu. Giờ đây, có được một tổ chức từ thiện hợp tác và làm màn che, còn gì thuận lợi hơn. Họ nhận lời ngay. Một Ban liên lạc giữa JCRC và Cách mạng được thành lập gồm: Y Chôn, Y Prêh, Y Nguê, Ksor Láp, Jimi, Rcom Tok. Trừ Jimi (liên lạc viên của Jôn Pôn Van), còn toàn là các vị chỉ huy và sĩ quan FULRO.


Trước khi tiến hành công việc này, tướng Jôn Pôn Van đã gặp Ban liên lạc ở nhà giáo gĩ K'Swain, động viên các "sứ giả nhân đạo" sắp bước vào cuộc chiến đấu tế nhị và khó khăn này.

Bọn Y Chôn biết rằng đây là thời cơ để FULRO xâm nhập vùng giải phóng, gây ảnh hưởng chính trị thuận lợi trước thời cuộc mới đồng thời cũng là dịp để làm tiền Jôn Pôn Van. Y Chôn tin vào nội gián của FULRO nhưng cố làm cao. Y đưa ra hàng loạt khó khăn, nào là Việt Cộng khôn ngoan, nào là công việc nguy hiểm đến tánh mạng và danh dự FULRO, Jôn Pôn Van thấy rõ đã đến lúc phải nói về giá cả, tiền nong:

- Công lao của các vị sẽ được đền đáp xứng đáng. Mỗi xác chết hoặc người mất tích Mỹ sẽ được JCRC trả cho 80 vạn đồng Sài Gòn. Gọi là chút xíu thôi, chứ còn việc xâm nhập vùng giải phóng, theo tôi, mới là phần thưởng cao quý của các ngài.

Jôn Pôn Van và ban liên lạc lại mặc cả, Jôn cố dìm giá; Ban liên lạc cố nâng giá lên. Cuối cùng, giá một xác chết hoặc một người mất tích là 1 triệu đồng.

Ngã giá xong, Jôn Pôn Van lên máy bay về Plei Ku. Ban liên lạc họp, tìm cách thực hiện. Tổng trưởng ngoại giao FULRO Y Prêh bàn:

- Trước khi gặp Việt Cộng ta cần phải hiểu rõ tình hình và yêu cầu hiện nay của chúng, có như thế mới mong thắng lợi.

Ngoài tin tức mật báo viên cung cấp cho ta, cần khai thác những tên trước làm cho Cộng sản, đã về chiêu hồi bọn Thiệu. Từ trong lòng Cộng sản đi ra, những tên này sẽ hiểu rõ Cộng sản hơn ai hết. Trong hàng ngũ của chúng ta cũng có nhiều người thuộc loại đó như đại tá KSor Kin - Tư lệnh phó vùng II FULRO chẳng hạn.

Y Chôn đồng tình với ý kiến của Ngoại trưởng, cho người gặp KSor Kin ngay.

Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, KSor Kin đi theo cách mạng, KSor Kin hoạt động hăng hái.

Hòa bình lập lại, y được ra Bắc tập kết và được học ở trường Lý luận nghiệp vụ Bộ văn hóa, được trang bị những quan điểm cơ bản về lý luận văn nghệ cách mạng.

Cũng trong thời gian này, tính ích kỷ và ham ăn chơi nảy nở trong y. Y thường trốn học, đi chơi, sống bê tha, trác táng.

Sau khi tốt nghiệp, KSor Kin được phân về Ty Văn hóa Bắc Cạn. Y bất mãn vì cho rằng mình là người có "thành tích kháng chiến", tập kết, có công lao mà không được công tác ở Hà Nội hoặc các thành phố lớn, lại phải về miền biên giới xa xôi.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #57 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2022, 06:37:20 am »

Năm 1964, KSor Kin được về quê hương công tác làm cán bộ tuyên huấn tỉnh Gia Lai.

Cuối năm 1966 đầu 1967, địch bao vây vùng giải phóng rất căng thẳng. Không chịu được khó khăn gian khổ, KSor Kin chạy theo địch.

Được một cán bộ tuyên huấn người Thượng đã từng học ở miền Bắc 10 năm về hàng, bọn địch mừng rơn.

KSor Kin được chúng đưa vào làm ở Ty Chiêu hồi Plei Ku.

Thế là, từ một cán bộ tuyên truyền cách mạng, KSor Kin đã trở thành một nhân viên tâm lý chiến của địch. Ở Ty Chiêu hồi, y tỏ ra tận tụy với chủ, hung hăng hoạt động. Được tên trung tá trưởng ty Đặng Văn Thạch động viên khen ngợi, y càng hung hăng hơn.


Nhiều lần y dẫn địch vào vùng căn cứ cách mạng. Một lần đưa địch vào căn cứ khu 3 Gia Lai, bắn chết 3 cán bộ trước kia là bạn chiến đấu của mình.

Y còn làm hướng đạo viên chiêu hồi tại Sư đoàn 4 Mỹ, dẫn bọn này đi đốt phá buôn làng, kêu gọi các chiến sĩ cách mạng về hàng.

Càng tiếp tay cho địch, càng gây tội ác, KSor Kin càng bị bà con căm ghét. Đi đến đâu, y cũng nghe tiếng chửi rủa. Y phát ốm và loạn thần kinh hơn một năm. Thấy mất tác dụng, Sư đoàn 4 Mỹ và Ty Chiêu hồi bỏ rơi y.

Đang loay hoay không tìm ra đường thoát thân, thì KSor Kin gặp H'Tlỗn Niê, Phụ tá Tổng trưởng ngoại giao, và Nay Yủ, trưởng vùng IIFULRO, Họ đưa y vào FULRO từ đó.

Y Prêh gặp KSor Kin nói:

- Anh hiểu nội tình của Việt Cộng, anh hãy cho chúng tôi biết, làm thế nào để lọt được vào vùng giải phóng?

KSor Kin thận trọng:

- Theo tôi, phải lưu ý hai điều: Một là, phải đánh vào lòng nhân đạo của chúng bằng cách khoa trương vấn đề tìm xác chết và mất tích. Hai là, phải tiếp xúc với số cán bộ lãnh đạo ở các địa phương, tránh gặp bọn cấp khu, cấp trung ương vì ở cấp trên, chúng ta càng dễ lộ tẩy.

Ông già Y Puê, liên lạc viên của huyện ủy Buôn Hồ vừa vào đến vùng ven đã lọt vào ổ phục kích của FULRO. Ông bị giam ở một căn nhà vắng tại ngoại vi Buôn Mê Thuột.

Y Prêh đến gặp ông, tỏ ra ân cần:

- Tổ chức "Trung tâm Hoa Kỳ tìm những người chết và mất tích" muốn gặp Cách mạng để bàn việc tìm xác chết và mất tích, một việc làm đơn thuần từ thiện, có lợi cho Cách mạng. Ông dẫn họ ra nhé!

Ông già nghi ngờ hỏi lại:

- Có thiệt chỉ là việc từ thiện không?

- Thiệt. Không dính dáng gì đến chánh trị và quân sự cả. Tổ chức này của người Mỹ nhưng chống Ních-sơn.

- Người Mỹ ra à? Tôi không dẫn đâu. Chết thì chết!

Y Prêh lắc đầu:

- Không, người Thượng thôi! Người Thượng ta thôi!

- Được, người Thượng thì được!

Rcom Tok và KSor Lăp theo ông Y Puê ra vùng giải phóng phía bắc Buôn Hồ.

Y Hông tiếp hai liên lạc viên của JCRC. Hai bên trao đổi chớp nhoáng và đi đến thỏa thuận:

Y Hông sẽ trực tiếp gặp "Ban liên lạc" JCRC. Một cuộc họp giữa hai phái đoàn được tổ chức trong khu rừng vắng vùng giải phóng. Phía cách mạng do Y Hồng, phía JCRC gồm những người trong "Ban liên lạc" do Y Chôn dẫn đầu.


Y Chôn nhìn Y Hông, mỉm cười sung sướng.

Y Hông Mlô trước kia là mật báo viên của cảnh sát đặc biệt ngụy và của FULRO.

Y được đánh ra vùng giải phóng. Nhờ vỏ bọc kín, lọt được vào Mặt trận Tây Nguyên tự trị, y đã che giấu, ngấm ngầm hoạt động, cung cấp tin tức cho cảnh sát ngụy và FULRO.

Y Chôn hy vọng tên nội gián cao cấp này sẽ tiếp tay cho mình thực hiện âm mưu này...

Y Chôn và Y Prêh đưa ra một bản danh sách những người xin ra vùng giải phóng. Y Hông nhận để đem về báo cáo lên trên.

Họ thỏa thuận với nhau đến ngày N, JCRC sẽ cho máy bay trực thăng đến khu rừng Y. Nếu thấy lựu đạn khói của Y Hông báo hiệu thì hạ cánh.

Tuy chưa phát hiện ra bộ mặt của Y Hông nhưng thấy rõ âm mưu của Mỹ - Thiệu và FULRO lợi dụng cơ quan "từ thiện" để thăm dò, điều tra vùng giải phóng, Tỉnh ủy quyết định cắt liên lạc với tổ chức JCRC.

Đúng ngày hẹn, hai máy bay trực thăng chở "Ban liên lạc", giáo sĩ K'swain cùng nhân viên JCRC đến khu rừng Y. Máy bay lượn đi lượn lại mãi, không thấy ám hiệu liên lạc, đành quay về.

Tướng Jôn Pôn Van mất một cú làm ăn lớn về quân sự, chánh trị và cả tiền tài, tức tối trách móc Y Chôn:

- Ông là người khôn ngoan, một trong những người khôn ngoan nhất của dân tộc Thượng, thế mà để công việc đổ bể thế này! Các ông cần thêm bao nhiêu tiền, tôi xin trả chứ đừng lừa dối nhau.

Y Chôn cảm thấy nhục nhã quá nhưng biết thanh minh thế nào? Ông thề sống thề chết là bị thất bại thực sự, và xin với Jôn Pôn Van cho "đoái công chuộc tội".

- Thưa ngài, có thể bọn Việt Cộng không gặp ta vì trong danh sách có người Mỹ mà họ biết đích xác là CIA chứ chẳng phải bác sĩ, nhà nhân chủng học gì. Lần này, chúng tôi định cho FULRO trực tiếp gặp chúng, chỉ toàn người Thượng trong tổ chức FULRO thôi. Tôi tin rằng bọn Cộng sản sẽ nhận lời hợp tác với FULRO, cho quân lực FULRO ra vùng giải phóng và dân chúng sẽ nghĩ rằng FULRO cùng Cách mạng chống Thiệu, chắc chắn số cử tri bầu cho FULRO vào Chánh phủ Liên hiệp sẽ tăng lên rất nhiều.

Jôn Pôn Van chờ mong từng giờ từng phút ngày FULRO gặp Cách mạng lần thứ hai và kế hoạch xâm nhập vùng giải phóng của y sẽ hoàn thành một cách êm thấm. Nhưng cuộc gặp gỡ chưa diễn ra và kế hoạch của y còn dang dở thì, trong một chuyến bay từ Công Tum về Sài Gòn, máy bay chở y bị nổ tung. Có người cho do tai nạn, có người nói do trúng đạn Quân giải phóng, và cũng có người nói y tự sát vì những thất bại thảm hại liên tiếp xảy ra.


Y Chôn và bọn chỉ huy FULRO ngậm ngùi thương tiếc vị chỉ huy khôn khéo. Chúng dồn mọi nỗ lực thực hiện kế hoạch hậu chiến.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #58 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 09:08:58 am »

19. NƠI HỘI TỤ CỦA NHỮNG Ý ĐỒ

Đàng Năng Giáo chết, Trúc bơ vơ. May sao cha Mussây được tin, đáp máy bay về an ủi và lo cho Trúc từng li từng tí. Cha vẫn cử bà sơ Ma-ri chăm sóc cô, nhờ bạn bè, quan chức địa phương giúp đỡ.

Một tháng sau khi chồng mồ yên mả đẹp, Trúc sinh đứa con thứ hai. Một thằng con trai kháu khỉnh. Trúc đặt tên con là Frăng-xoa để tỏ lòng biết ơn bà sơ Ma-ri Frăng-xoa và ông bà Đa-ni-en Frăng-xoa, bố mẹ nuôi của vợ chồng cô. "Frăng-xoa Yang Neh" - cái tên Pháp - Chàm thật đẹp.


Trúc rất cảm động về sự chăm lo quá chu đáo của người Pháp. Đứa trẻ sinh một ngày, người ta đã cho cô xem tờ báo La-van đăng tin nó ra đời trong mục thống kê trẻ con sinh ngày hôm đó.

Nửa tháng sau, hai mẹ con được đón đi an dưỡng ở khu nghỉ mát Poóc-ni-nhê.

Chiếc xe du lịch rất êm đưa hai mẹ con đến một nơi tuyệt đẹp. Những cánh rừng xanh biếc viền cỏ non mơn mởn. Một con suối nhỏ róc rách. Những căn phòng yên tĩnh, cửa gương lấp lánh. Nắng vàng ấm áp tỏa xuống bầu không khí trong lành. Trúc thấy sảng khoái, nhẹ nhõm khác thường.


Ở đây, hai mẹ con được chăm sóc hết sức tỉ mỉ. Hàng ngày Frăng-xoa được cân, đo, cho ăn sữa, đường, thức ăn tổng hợp. Bác sĩ định lượng từng bữa ăn. Tã lót trắng tinh, hấp sạch bong.

Nhà an dưỡng còn cử các cô giáo "nữ công gia chánh" dạy Trúc và các bà mẹ cắt may quần áo cho con.

Trúc còn nhận được của một nhà hàng gửi tặng một bộ quần áo, mũ giày, tất trẻ con, kèm theo một tấm thiếp: "Chúc mừng cháu Frăng-xoa Yang Neh ra đời" và một tập Ca-ta-lô giới thiệu các mẫu hàng phục vụ trẻ em sơ sinh, có lời mời "Tiệm lớn của Maul Chezol xin mời quý bà mua tất cả những gì dành cho trẻ con để chúc mừng Frăng-xoa Yang Neh ra đời".


Hàng tuần, ô-tô đưa Trúc đi thăm thắng cảnh vùng lân cận.

Hàng tháng, người ta lại tổ chức lễ sinh nhật Frăng-xoa Yang Neh thật vui vẻ.

Tất cả những thứ đó làm Trúc cảm thấy cuộc sống ở đây tươi đẹp quá, văn minh quá, khác xa cảnh sinh đẻ khổ cực của người dân Chàm ở quê hương. Sự thán phục và yêu mến xứ sở này dần dần khắc sâu trong cô.

Thời gian qua đi, mẹ con khỏe mạnh, tươi tắn. Cảnh đẹp và cuộc sống vui tươi làm cô khuây khỏa quên đi cái chết bi thảm của chồng.

Hai tháng sau, Trúc trở lại La-van. Cô đến thăm ngay gia đình Cha Mussây. Cuộc sống hai mẹ con êm ả trôi đi.

Tháng tháng, cô lên Pa-ri, thăm thủ đô và bạn bè của chồng. Một lần, cô thấy một nhà sư từ quê hương sang đang diễn thuyết về cuộc chiến ở Việt Nam, kêu gọi Việt kiều, nhất là các phật tử, đóng góp tiền ủng hộ đồng bào và nạn nhân chiến cuộc. Ở dưới sân, các vị sư căng những tấm vải vàng. Người ta ném tiền lên trên đó. Trúc vừa ném mấy quan để tỏ lòng hướng về Tổ quốc, bỗng nghe tiếng mấy sinh viên xì xào:

- Vị sư nào thế?

Một người nói:

- Thượng tọa Thích Đô La đấy!

Trúc ngơ ngác không hiểu, hỏi. Anh kia cười:

- Cô không biết à, Thượng tọa Thích Tâm Châu, một nhân viên CIA đang giở trò lừa bịp đấy!

Trúc sống trong gia đình ông Đa-ni-en Frăng-xoa được gần một năm, thì cô thấy cần phải tự lập. Cô được phân ngay một căn phòng, tiện nghi đầy đủ, có máy điều hòa, có tủ lạnh, ti vi...

Tháng 7 năm 1973, Cha Mussây đột ngột từ Việt Nam bay về Pháp. Cha đến gặp Trúc. Sau những lời hàn huyên tâm sự, Cha nghiêm nét mặt nói:

- Cha không muốn để con tiếp tục sống cô đơn, góa bụa ở đây mãi. Con nên về quê hương. Cha đã bố trí cho con làm việc ở một nơi rất tốt để phục vụ dân tộc như chồng con đã làm trước đây.

Trúc tiếc ngôi nhà mới đầy tiện nghi, nhưng cô cũng biết tính Cha. Bất cứ việc gì, Cha đã nói "nên" tức là "phải", không thể cưỡng lại được. Cô buồn bã thu xếp hành lý, trả mọi thứ người ta trang bị cho. Cha Mussây mua vé máy bay rồi đích thân đưa mẹ con Trúc về Phan Rang.


Cha Mussây cử Trúc làm Giám thị khối nữ ký túc xá ở Trung tâm văn hóa Chàm do Cha làm Giám đốc.

Công việc làm ăn ở Trung tâm của Cha Mussây phát triển theo nhịp độ công nghiệp. Cha Giám đốc trở nên giàu sụ và có uy quyền lớn. Ông Mạnh (Chuyên viên nghiên cứu kim loại cổ ở Trung tâm, được thay Cha khi Cha đi vắng) yêu cô làm mướn ở Trung tâm, liền bị Cha đuổi ngay. Ông Thiên Sanh Cảnh, có kiến thức sâu rộng về văn hóa Chàm, nhiều lúc cãi lại Cha, cũng bị Cha ghét, trù, nên bỏ sang làm việc cho tên Polouss người Mỹ, tại Tháp Chàm.


Ở Trung tâm, chỉ có hai người là được Cha yêu mến, được ăn cơm cùng mâm với Cha. Đó là Trúc và Từ Thị Nhung.

Nhung quê ở Văn Lâm. Học xong bậc trung học ở trường Duy Tân, nhờ sự giúp đỡ của chú là Từ Công Xuân - Dân biểu hạ viện, cô lên Sài Gòn học trường Nữ công gia chánh. Tốt nghiệp, cô vào làm nhân viên Bộ phát triển sắc tộc. Ở đây cô về Ty sắc tộc, các buôn ấp vận động phong trào "Phụ nữ kỹ thuật". Khi ở Tây Ninh, khi ở Plei Ku, khi ở Phú Bổn...


Thấy cô là một nữ thanh niên Chàm tân tiến, hăng hái Cha Mussây đã nhờ Lưu Quang Sang xin Nay Loét cho về phục vụ ở Trung tâm. Nay Loét là bạn cùng học ở Đà Lạt với Sang nên yêu cầu đó được vị Tổng trưởng chấp nhận ngay, về Trung tâm, hàng ngày cô dạy các nữ sinh Chàm nội trú cắt may, nấu nướng. Cô cũng chuyên nấu những món ăn ngon cho Cha Giám đốc.


Nhờ sắc đẹp và cách sống thời trang thành thạo, cô được thanh niên chú ý và có nhiều người tình. Mối tình sâu đậm nhất của cô là với Châu Văn Tần. Mối tình làm cô sung sướng, tự hào và cũng đau khổ nhất. Năm 1970, đang yêu nhau tha thiết, xã ấp ai cũng biết, Tần sắp thành chồng cô, thì đùng một cái, anh theo Bá Trung Di và Kiều Ngọc Quyên đi Căm-bốt tham gia FULRO. Les Kossem cử anh đi Mã Lai học tình báo. Anh bỏ rơi Nhung, lấy một cô gái Mã Lai và trở lại xứ vợ.


Thất vọng trong mối tình đầu, Nhung lao vào nhiều mối tình khác để trả thù đời, trong đó lâu hơn cả là với Não Văn Anh.

Ở Trung tâm, Nhung được nhiều người ủ ấp. Nhưng người yêu thương cô nhất vẫn là Cha Giám đốc. Để đáp lại lòng thương của Cha, Nhung vừa rất tận tụy phục vụ Cha trong các công việc được giao, vừa đối xử với Cha thật thân tình.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #59 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2022, 09:17:10 am »

Hai cô gái cùng duyên dáng, trẻ trung, cùng được Cha yêu mến như nhau, điều đó không thể kéo dài mãi. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ coi nhau như kẻ thù, luôn luôn tìm dịp nói xấu nhau.

Trúc nói Nhung lẳng lơ, đĩ thõa, mơn trớn và cám dỗ Cha vào vòng tội lỗi.

Nhung nói Trúc nhiễm lối sống Âu, Mỹ dễ dãi và khéo léo "hại" ngầm Cha.

Các bà sơ phục vụ ở Trung tâm và các em học sinh lại được dịp bàn tán, kháo nhau về quan hệ bí ẩn giữa Cha Giám đốc và hai nữ nhân viên thân tín.

Một buổi, cô giáo Từ Thị Nhung đang dạy các em nữ sinh học thêu, thì phía câu lạc bộ Trung tâm vang lên tiếng hát.

Cô giáo cùng các em ngừng tay, lắng nghe. Đàng Thị Trang, em học sinh lớp 10, có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da nâu, đôi mắt tròn xoe, cất tiếng hỏi:

- Ai hát những bài ca Chàm thế cô?

- Cô cũng chưa rõ. Các em tạm nghỉ tay. Ta sang nghe chút xíu đi.

Các em ùa sang câu lạc bộ. Từ một chiếc ghi âm cát-sét Sony phát ra tiếng hát ai oán, buồn thảm. Cha Mussây đang lắng nghe.

Trang nghe có cả tiếng hát của chị Trúc. Em mạnh bạo hỏi:

- Thưa Cha, ai hát đó ạ?

- Những diễn viên Chàm trong đoàn Văn công FULRO.

Các em ngơ ngác nhìn nhau. Trang lại cất tiếng:

- Thưa cha, FULRO là gì ạ?

Cha đưa ngón tay múp míp, trắng ởn bấm nút. Tiếng hát ai oán bỗng tắt. Cha thủng thẳng giảng giải:

- Cha biết nói thế nào với các con nhỉ? Các con còn non dại, ngây thơ, chưa hiểu vấn đề chánh trị. Mà lại là những vấn đề lớn lao, liên quan đến vận mệnh cả một dân tộc, cả cuộc đời của các con, tương lai và hạnh phúc của các con. Khó nói quá! Chà, Cha chỉ có thể tóm lược thôi. Đại thể là như thế này.

Thế là, như giảng kinh thánh, Cha nói về những lãnh tụ người Chàm như Les Kossem, Huỳnh Ngọc Sắng; người Thượng như Y Bhăm, Y Bun Sor... đứng ra lập FULRO.

Cha ngừng lại, thay băng, rồi bấm nút. Một giọng nữ ngâm như nấc, một bài thơ lời lẽ rất chi là bi lụy:

   ... Lệ này giấu kín trong mi.
   Thù kia giăng bủa đường đi, lối về...

Giọng ngâm tắt, Cha giải thích:

- Đây là bài thơ của Chiêm Nhân, tức là chí sĩ Huỳnh Ngọc Sắng, một trong những lãnh tụ Chàm, xuất dương sang Căm-bốt tìm đường cứu dân Chàm khỏi lầm than, nô lệ.

Đàng Thị Trang cùng các bạn lắng nghe. Trong lòng các em dấy lên niềm thán phục.

Từ đó, hàng tuần, câu lạc bộ Trung tâm thường xuyên có những buổi sinh hoạt, hội thảo về FULRO. Những cuốn sách viết về lịch sử dân tộc Chàm cũng được tung ra như: "Dân tộc Chàm lược sử", "Lịch sử Vương quốc Champa", "Chế Bồng Nga"... Những cuốn sách viết về FULRO cũng lưu truyền trong học sinh như "Tìm hiểu phong trào đấu tranh FULRO" của Nguyễn Trắc Dĩ.


Thời gian này, đáng lẽ cô Giám thị Thuận Thị Trúc phải tham gia vào các buổi sinh hoạt vì cô là một nữ chiến sĩ FULRO, đã sang tận hậu cứ. Nhưng vì quá chán ghét FULRO và không muốn nhắc đến hình ảnh đau buồn của người chồng bất hạnh, cô im lặng, tự xóa đi quá khứ đau buồn của mình.

Cha Giám đốc biết thế, nên cũng không nhắc đến. Chỉ có các em học sinh xì xào bàn tán về cô. Người thì ca ngợi, người thì chê bai và nghi ngờ.

Nhận lệnh trục xuất khỏi Việt Nam, Huỳnh Ngọc Sắng vội trốn về Ninh Thuận. Không dám ở Mỹ Nghiệp, Sắng lánh đến Chung Mỹ, ở nhờ nhà Đàng Tấn Phóng, một đoàn viên FULRO từ Căm-bốt về hợp tác rồi ở lại quê hương sinh sống.


Gặp lại một vị chỉ huy, Đàng Tấn Phóng thấy vui mừng và lo sợ. Vui mừng vì nếu FULRO thành công, là người chứa chấp, bảo vệ sắng, Phóng sẽ được cất nhắc lên địa vị xứng đáng. Lo vì sợ liên lụy. Nhưng lòng ham danh át nỗi lo sợ, Phóng giấu vị chỉ huy trong nhà mình, nhờ mẹ và các em chăm sóc.

Từ Chung Mỹ, Sắng lén lút đến Trung tâm văn hóa Chàm gặp Mussây.

Ở đây, Sắng gặp lại Trúc. Những câu chuyện vui, buồn kín đáo nảy nở giữa hai người.

Quá hiểu tính hám gái và quá khứ lang bạt xấu xa của Sắng, Trúc tỏ ra lạnh lùng, coi sắng như người xa lạ. Mặt khác, đang được Cha Mussây quý mến, Trúc thấy không nên thân mật, gần gũi con người dâm đãng này.

Cha Mussây hiểu quá rõ về quan hệ giữa sắng và Trúc nhưng Cha muốn tỏ ra cao thượng, vẫn tận tâm giúp đỡ "nhà chí sĩ Chàm", không mảy may ghen tuông.

Sau khi liên lạc được với Trung tâm, Huỳnh Ngọc Sắng sang trường Pô Klông gặp các giáo viên và em trai là Huỳnh Ngọc Trăng đang theo học ở đây. Sắng vui sướng được gặp Jay Sla Rborongh. Jay là một "thanh niên chí nguyện Mỹ". Năm 1967, sau khi đỗ bằng cử nhân lịch sử, Jay loay hoay chọn nơi làm việc.

Cuối cùng Jay quyết định sang Việt Nam do nhiều động cơ. Sang Việt Nam, có ngay việc làm và đồng lương cao gấp hai, gấp ba ở Tổ quốc; sang Việt Nam để thỏa óc hiếu kỳ, tính thích xê dịch đây đó của tuổi thanh niên. Jay định sang Việt Nam vài ba năm để kiếm chút vốn chánh trị cũng như tiền bạc rồi về làm chuyên viên lịch sử.


Nhưng cuộc đời đâu chịu đi theo dự tính? Vừa đến Việt Nam, y đã bị cuốn ngay vào guồng máy chiến tranh. Và cơ quan CIA đã khéo léo biến y thành một nhân viên "tự nguyện".

- Anh là cử nhân lịch sử, chà, tuyệt quá. Tôi chưa thấy dân tộc nào có lịch sử lạ lùng như dân tộc Chàm. Nếu như anh bỏ công nghiên cứu, tích lũy về lịch sử dân tộc ấy, thì cái bằng tiến sĩ lịch sử sẽ về tay anh. Để giúp anh đạt nguyện vọng, tòa Đại sứ cử anh về Phan Rang. Anh sẽ có cơ hội sưu tầm tư liệu. Ông Phân cục trưởng CIA nói.

- Dạ thưa ông, nhưng tôi sẽ làm gì?

- Ở Phan Rang, có một trường dành riêng cho con em người Chàm, trường Trung học An Phước. Trường thành lập từ năm 1964 với sự trợ giúp của ta. Anh hãy về dạy tiếng Anh. Ở đó, anh sẽ tìm thấy nhiều bạn bè thú vị.
Thế là Jay về Phan Rang với tư cách là một nhân viên IVS

Lúc ấy, trường Trung học An Phước đang ở Phú Nhuận, do ông Thành Phú Bá làm hiệu trưởng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM