Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:30:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: FULRO - Tập đoàn tội phạm  (Đọc 17392 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2022, 07:01:53 am »

Năm 1966, khi về đưa Giáo đi, Sắng lại tìm cách làm thân với Trúc, cố thanh minh những chuyện xấu xa của minh mong xóa dần ác cảm.

Lần này, trở về quê hương, đường đường là một Tổng ủy viên Nội vụ FULRO, đang được Tổng thống Thiệu tâng bốc, Sắng vênh vang, tin chắc rằng với vầng hào quang mờ ảo quanh mình, với tài thuyết phục phái nữ của mình, sẽ nhanh chống làm cho Trúc choáng ngợp.


Thế là ông Tổng ủy viên Nội vụ FULRO dồn hết trí tuệ, tài năng làm một cuộc "đảo chánh tâm lý" ông Đệ nhất bí thư Phủ Chủ tịch để chiếm lấy người tình.

Biết cô gái trẻ lãng mạn, Sắng làm những bài thơ tình lả lướt dưới bút danh Chiêm Nhân .

   ... "Trời buồn trời đổ cơn mưa.
   Đất buồn, đất chỉ trơ trơ mặt lỳ.
   Mây buồn mượn gió đưa về.
   Gió buồn gió ngủ trên đê sông làng.
   Mưa buồn góp hạt về ngàn.
   Sương buồn sương đẫm rừng hoang lạnh đầy... "



Những vần thơ lâm ly ấy thế mà cứ như dòng nước mát thấm dần vào Trúc. Thêm vào đó, Sắng là một người có biệt tài thuyết phục. Giọng nói của Sắng trầm trầm, chậm rãi, lời của Sắng văn hoa, chải chuốt càng làm cho Trúc vừa thấy thương hại, vừa thấy thán phục. Lạ lùng thay, như có phép thần, quá khứ xấu xa, đê tiện của tên ma chài dần dần được xóa đi, cuối cùng chỉ còn đọng lại trong óc cô hình ảnh một chí sĩ giàu tình cảm, tài hoa và đầy nghĩa khí.

Sắng rủ Trúc đi Căm-bốt.

- Em hãy đi theo anh, ở đó, anh sẽ dành cho em cả một phương trời đầy mây hồng.

Trúc hiếu kỳ, muốn biết đất nước xa lạ, nhất là muốn biết anh em Chàm ở hậu cứ sống như thế nào...

Thuận Thị Trúc cùng Sắng lên Buôn Mê Thuột. Họ vào trụ sở Ban đại diện FULRO. Y Dhé vồn vã đón Trúc, Sắng tươi cười nói với ông Trưởng ban và các chiến hữu:

- Cô Trúc rất thiết tha với sự nghiệp giải phóng dân tộc của FULRO chúng ta, tình nguyện sang hậu cứ, hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng.

Y Dhé mỉm cười hóm hỉnh, bắt tay Trúc và hết lời ca ngợi một nữ thanh niên Chàm biết chọn con đường cao đẹp cho tương lai của mình.

Khi Sắng dẫn người "nữ chiến sĩ" FULRO mới đi thăm châu thành Buôn Mê Thuột, ở nhà, ông Trưởng ban đại diện nói với các chiến hữu:

- Thằng Chàm bẻm mép đã cuỗm được một con bé trẻ trung và duyên dáng. Bợm thật!

Mấy hôm sau, một máy bay trực thăng của lực lượng đặc biệt Mỹ đưa hai người sang hậu cứ gặp Y Bhăm.

Huỳnh Ngọc Sắng báo cáo về bản thỉnh nguyện cuối cùng của FULRO gởi Thiệu. Còn Trúc thì được bổ sung vào Đoàn văn công FULRO. Cô trở thành một diễn viên xuất sắc của Đoàn, làm cho tên Biếng và vợ là Đàng Thị Triệu - hai cựu diễn viên trong Đoàn phải ghen tức, Triệu vẫn coi mình là một danh ca, tự đặt tên là Ha Natrì, đến nay phải mờ đi trước giọng hát của Trúc.


Một điểm làm cho Trúc bối rối và khó xử là Đàng Năng Giáo đang ở đây. Giáo ở trong một nhà sàn nhỏ, cạnh nhà của Y Bhăm và Thiên Sanh Thi.

Giáo đã biết về mối quan hệ của Trúc với Sắng nên cố ý tránh mặt. Giáo buồn và đau xót. Để quên người tình, vị Bí thư lao vào đọc sách. Sách về lịch sử Champa và cả về chủ nghĩa Mác. Tìm hiểu chủ nghĩa Cộng sản để làm cố vấn cho Les Kossem và Y Bhăm chống Cộng và để học cách viết các văn bản, tuyên ngôn cho FULRO. Giáo tỏ ra có đầu óc, có lý luận nên được Les Kossem tin cậy.


Sự hăm hở bước đầu của Trúc dần dần tiêu tan. Hằng ngày cô được chứng kiến những cảnh lục đục của các nhà lãnh đạo FULRO. Y Bhăm coi Thiên Sanh Thi, Đàng Năng Giáo, Huỳnh Ngọc Sắng... là những kẻ đối lập nguy hiểm.


Thiên Sanh Thi là đại tá tư lệnh khu 3 mà học lực chỉ đủ biết ký một chữ; lại vũ phu, suốt ngày đánh chửi vợ là Mari Dàng, vì vợ y không sinh nở, ngày càng già xấu đi:

- Con khọm quê kệch kia, mày đi tìm vợ bé cho ông, ông cần đứa con nối nghiệp!

Trúc lại càng tức và ngứa mắt với Triệu. Triệu cứ dề mỏ ra chế giễu mối tình của cô với Giáo và Sắng; nói cạnh nói khóe cô là "thay người yêu như thay váy". Để trả thù, cô tìm thấy một thói kệch cỡm của Triệu. Triệu không thích mặc váy Chàm dài mà thích mặc váy ngắn kiểu Âu. Một hôm Trúc hỏi Triệu:

- Sao mày thích diện mi-ni-díp hả?

Triệu vênh vênh tự hào:

- Tao sắp được ông Kossem cho sang Pháp học, mặc cho quen mắt dần đi là vừa. Vả lại, giò tao đẹp, cũng phải cho thiên hạ ngắm chứ!

Từ đó, Trúc thường lấy chuyện đó ra chế giễu Triệu trước chị em FULRO.

Những ngày sau, Trúc, Triệu được lệnh hát những bài ca của FULRO, những bài ca Chàm ai oán, than khóc cho đất nước, cho thân phận của người Chàm. Huỳnh Ngọc Sắng cùng Ban tuyên huấn FULRO ghi vào băng cát-sét gởi về nước để khích lệ đồng bào.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2022, 07:03:24 am »

10. ĐẠI LỄ HỢP TÁC

Có lệnh gọi Huỳnh Ngọc Sắng, Đàng Năng Giáo và Thiên Sanh Thi về Môn-đun-ki-ri họp với Y Bun Sor.

Chiếc xe jeep bám đầy bụi đất đỏ, lao vun vút trên con đường rừng, ngoặt vào thành phố, dừng xịch trước dinh tỉnh trưởng.

Từ trong ngôi nhà ba tầng đồ sộ, quét vôi màu xanh, cửa kính lấp lánh, Y Bun Sor vén rèm nhìn, rồi lững thững ra cửa. Bộ com-lê téc-gan Anh màu xanh nhạt ôm sát người, ca-vát đỏ tươi, mũ dạ đen chụp trên đầu, kính trắng lấp lánh, mặt đen xạm, chiếc đồng hồ Ô-mê-ga vàng lộ ra dưới cổ tay áo trắng toát, cài măng sét.


Y Bun tươi cười bắt tay ba người.

Đàng Năng Giáo lạnh lùng:

- Chào ngài thiếu tá tỉnh trưởng! - Giáo nhấn mạnh tiếng thiếu tá, tỏ vẻ coi thường một tên có cấp bậc xoàng.

Y Bun hiểu, cười nhạt làm ngơ, đưa ba người vào dinh. Khi sang Pháp học, nhờ Les Kossem, Y Bun đỗ bằng tiến sĩ xã hội tại trường đại học Xoóc-bon. Trở về tuy là người Thượng, đoàn viên mặt trận Cao Nguyên nhưng Y Bun tỏ ra trung thành với Les Kossem và người Pháp. Trong thời gian đi học, y đã lấy một người vợ đầm và tỏ ra yêu mến xứ vợ.


Cần có con bài để nhử Y Bhăm như đã bàn trước kia, Les Kossem giới thiệu Y Bun với Lon-non. Vốn là một tên Hoa kiều làm nên sự nghiệp ở Căm-bốt, Lon non rất thích thâu dụng những người nước ngoài theo Căm-bốt. Lúc này, Lon non đang chuẩn bị lực lượng lật Xi-ha-núc, vì vậy y đã nhận Y Bun Sor làm con nuôi, phong cấp thiếu tá và cử làm tỉnh trưởng Môn-đun-ki-ri, nơi có hậu cứ Cample Rolland, để trợ lực cho Les Kossem nắm Y Bhăm và các đoàn viên FULRO người Thượng.


Ở Đắc Lắc, biết tin chồng đã làm tỉnh trưởng và lấy vợ đầm, H'Kruk - vợ Y Bun - viết thư sang báo cho y biết chị ta sẽ đi lấy chồng. Y Bun phải về đón ba đứa con, nếu không chị sẽ gửi chúng vào cô nhi viện.

Sợ người vợ đầm, Y Bun dứt tình cha con, nhắm mắt cho chúng vào nơi đầy ải.

"Một tên Thượng gian ngoan, tàn ác. Giáo và một số đoàn viên khác thường chửi ngầm Y Bun như thế.

Ông tỉnh trưởng đón ba người vào một phòng riêng sang trọng, bóng loáng bàn, ghế xa-lông, lung linh những chùm đèn, những tranh và đầy đồ cổ.

Họ ngồi một lúc thì Les Kossem từ Nam Vang tới.

Sau những lời hỏi thăm thường lệ, họ bắt đầu họp bàn.

Les Kossem hất hàm hỏi Sắng:

- Ông vừa ở Sài Gòn về, hãy cho biết tình hình bọn Thiệu và Y Bhăm?

Sắng mở cặp, chậm rãi:

- Bản thỉnh nguyện cuối cùng đã được thảo xong gửi Nguyễn Văn Thiệu. Y Bhăm sẽ về Việt Nam và được phong cấp trung tướng. Các sĩ quan FULRO sẽ được phiên chế sang quân lực Việt Nam Cộng hòa, giữ nguyên cấp bậc. Y Bhăm đang chuẩn bị kéo toàn bộ FULRO trở về.

Thiên Sanh Thi nói oang oang:

- Thằng già ấy về sẽ trở mặt, tìm cách trả thù người Chàm ta.

Les Kossem quay sang Y Bun Sor:

- Tình thế gấp lắm rồi, chúng ta phải ra tay ngay! Ông hãy huy động toàn bộ quân lực trong tỉnh, bao vây hậu cứ Bốt Chá. Ông Thiên Sanh Thi nổi dậy bên trong. Ông Giáo chỉ huy việc bắt Y Bhăm. Thế nào cũng có đứa thoát về Việt Nam. Ông Sắng chưa lộ, còn được chúng tin cậy, hãy theo chúng về Việt Nam hoạt động lâu dài trong bọn Thiệu và Thượng!

Kế hoạch đã được vạch kỹ. Mọi người về chuẩn bị.

Ngày 30-12-1968, Y Bhăm cùng vợ con gói ghém kim cương, vàng, cho vào va-li, chờ sẵn ở sân bay dã chiến để máy bay trực thăng của Thiệu đến đón.

Ngay lúc đó, hai trung đoàn quân lực Hoàng gia Khơ-me, do tỉnh trưởng Y Bun Sor điều động đã bao vây phong tỏa toàn bộ hậu cứ.

Đàng Năng Giáo, Y Bhăn, Y Năm, Ksor Đuốt, Kpà Dơh, Kpă Blan chỉ huy nhóm FULRO Thượng ập đến bắt Y Bhăm điệu về Nam Vang. Y Em với cả một trung đoàn bảo vệ hậu cứ, vẫn không kịp trở tay, chỉ còn lo sao chạy thoát.

Thế là cái mảng FULRO Thượng lưu vong bị cái mảng FULRO Chàm làm cho tan tác. Nhưng một số vẫn vượt được vòng vây chạy thoát về Việt Nam. Trong đó có Huỳnh Ngọc Sắng.

Chiều hôm đó, Les Kossem từ Nam Vang đáp phi cơ đi Môn-đun-ki-ri, triệu tập tức khắc toàn bộ FULRO tại trung tâm huấn luyện (cách tỉnh lỵ Môn-đun-ki-ri 16 cây số) để trấn an tinh thần.

Ngày hôm sau, Les Kossem lại triệu tập đại biểu về Nam Vang họp bàn việc lập nội các mới và cử phái đoàn chuẩn bị đi dự hội nghị Pa-ri.

Các đại biểu về họp ở tư nhất của Les Kossem - 387/10 đường Mô-ni-vông.

Les Kossem thành lập chính phủ FULRO mới lấy tên là: "Hội đồng Nội các lâm thời FULRO" thiên hẳn về người Chàm, gồm có:

Chủ tịch: Yang Neh (Đàng Năng Giáo).

Phụ tá: Soley Man (Thiên Sanh Thi).

Tham mưu trưởng: Đại tá Y Phan.

Tham mưu phó: Trung tá Y Năm.

"Hội đồng Nội các lâm thời FULRO" chỉ tồn tại được 20 ngày. Thấy Đàng Năng Giáo không đủ uy tín lãnh đạo các thành viên kỳ cựu, sừng sỏ, có quá trình hoạt động lâu dài, Les Kossem giải tán nội các này, thành lập luôn "Ủy ban chỉ đạo tối cao FULRO" do chính y làm chủ tịch.

Các phụ tá toàn là người Chàm:

Soley Man: Phụ tá đặc trách quân sự.

El Ibrahim: Phụ tá đặc trách hành chánh.

Môhamét: Phụ tá đặc trách tiếp vận.

Đồng thời, y cho ra đời "Mặt trận giải phóng Cao Nguyên và Bình Nguyên Champa" do Y Bhăn Kpơr chỉ huy để thay vào "Mặt trận Cao Nguyên" của Y Bhăm: Y Bhăn viết thư cho cố vấn Mỹ ở trại Buprang, giải thích vụ lật đổ Y Bhăm, xoa dịu và lôi kéo sự ủng hộ của người Mỹ, cái tên có khác nhưng nội dung Mặt trận giải phóng Cao Nguyên và Bình Nguyên Champa vẫn là thế.

Y Bhăn Kpơr viết:

"Chúng tôi từ khước sự thương thuyết với Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa.

Chúng tôi xin lim giữ người Mỹ và quân đội Mỹ lại tại Cao Nguyên để giúp đỡ chúng tôi trong cuộc cách mạng cho tới khi chúng tôi đạt được nguyên vọng tự do..."

Mẻ lưới của Les Kossem ngày 30-12-1968 bắt gọn toàn bộ những người cầm đầu chủ yếu của cái quen được gọi là "FULRO Thượng" làm cho cái lễ đón FULRO về hợp tác mà Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền từ mấy tháng trước nay bỗng mất hết đối tượng. Thì giờ không cho phép người Mỹ tìm một con bài khả dĩ thay thế Y Bhăm.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Tư, 2022, 07:04:08 am »

Sáng ngày 1-2-1969, tại sân vận động trường Buôn Mê Thuột, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn tổ chức ra được một cái lễ hết sức long trọng, rầm rộ gọi là lễ đón nhận toàn bộ FULRO trở về hợp tác thân thiện với Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa.


Một lễ đài đồ sộ được dựng lên. Những băng khẩu hiệu lớn đỏ chói, chữ vàng chăng kín quảng trường: "Tình đoàn kết Kinh Thượng đời đời bền vững", "Hoan nghênh các chiến sĩ FULRO anh em trở về phụng sự Tổ quốc"... Cờ ba sọc vàng đen lẫn cờ FULRO xanh phất phơ trong bụi đỏ bay mù.


Ban nhạc Chinh với những chiếc cồng, chiếc chiêng to nhỏ khua vang. Những ché rượu cần xếp thành dãy dài. Một con trâu bị trói ghì lưng vào một cái cột giữa sân, đầu ngẩng lên, thở hổn hển, lúc lúc lại khua cặp sừng nhọn hoắt cong vút, vùng vằng định thoát khỏi mớ dây thừng bao quanh.


Hơn 5.000 đoàn viên FULRO cùng người nhà từ hậu cứ trở về xếp hàng thành từng khối trên sân, mặt hướng về lễ đài.

Trời nắng chang chang. Bụi đất đỏ bay mù mịt theo những đợt gió xoáy. Người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt đen, bóng nhẫy như láng mỡ, cháy đen dưới ánh mặt trời gay gắt. Những bộ quần áo dày cộp như mo nang, bám đầy bụi đất và cáu ghét. Những dải khố viền tua đỏ bao chặt để lộ cặp đùi đen, gầy guộc như rễ cây.


Đám "nữ chiến sĩ" địu theo những đứa con ngặt ngoẹo sau lưng, gầy nhom, ốm nhách. Nhiều đứa bé không chịu được nắng khóc thét lên đòi nước, đòi về. Người mẹ nựng con, mếu máo như khóc.

Một tiếng hô dõng dạc cất lên. Ban nhạc Chinh xầm xập cử hành. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu tướng tư lệnh vùng II chiến thuật Vĩnh Lộc, Tổng trưởng Phát triển sắc tộc Paul Nưr, Trưởng Ban đại diện FULRO Y Dhé, Tổng ủy viên Nội vụ Huỳnh Ngọc Sắng... cùng các đại biểu đĩnh đạc bước lên lễ đài trong tiếng chiêng xầm xập.


Paul Nưr đóng bộ quân phục là phẳng, thẳng đứng như một cái hộp, cúc đồng sáng loáng, ngực lấp lánh huân chương "Sắc tộc bội tinh". Tất nhiên là ngài không thuyết phục được ai bằng những lời lẽ văn hoa mà bản thân ngài cũng không tin là chân thật. Ngài nhìn đám đông dưới kia, rồi cúi xuống đọc diễn văn khai mạc.


Biết vậy, nhưng ngài vẫn nói vì đây là dịp có một không hai để lấy lòng những người có quyền, củng cố địa vị cao sang hiện nay của ngài. Phần tâm huyết, phần quan trọng nhất của bài diễn văn, ngài dành để ca ngợi ngụy quyền Sài Gòn. Ngài nói:

- Sở dĩ có cuộc trở về của toàn bộ lực lượng FULRO hôm nay, chúng tôi xin ghi nhận công lao và thiện chí của Thiếu tướng tư lệnh quân đoàn II và vùng II chiến thuật. Thiếu tướng tỏ ra là người rất thiết tha với sự nâng đỡ đồng bào thiểu số, chính nhờ vậy mà tinh thần đoàn kết Kinh Thượng tại Cao Nguyên ngày thêm bền vững.

Vĩnh Lộc nghe Paul Nưr tâng bốc mình thấy khoái nhưng cũng ngượng. Các ký giả hôm đó, cho Paul nói xỏ Vĩnh Lộc. Vì từ 1964 đến giờ, Vĩnh Lộc chẳng đã huy động quân tiễu trừ thẳng tay FULRO, chẳng đã chửi FULRO thậm tệ là gì?


Tiếng chiêng xầm xập cử hành. Paul Nưr bước xuống, mặt mày rạng rỡ, hoan hỉ.

Người ta chờ đợi. Y Bhăm và những vị cầm đầu FULRO lưu vong đều đã bị bắt, còn ai xứng đáng đại diện nhỉ?

Bỗng Y Dhé bước ra trước máy. Lúc này ai nấy mới ngã ngửa ra! Người ta khéo xoay xở thật! Y Dhé chẳng là kẻ đã được Y Bhăm cử làm đại diện từ năm nảo năm nào là gì!

Y Dhé dành phần quan trọng của bài diễn văn để ca ngợi những kẻ cách đây không lâu, y còn coi là kẻ thù! Hơn thế, y hứa hẹn một sự trung thành hết mức:

- Sau khi được trở về hợp tác, chúng tôi nguyện sẽ đem hết khả năng để phục vụ đất nước và xứ sở, quyết tâm tôn trọng và bảo vệ hiến pháp, tuyệt đối trung thành với Chánh phủ, đoàn kết chặt chẽ Kinh Thượng để diệt Cộng sản.

Y còn thừa nhận một sự thật mà mãi về sau này những kẻ mưu toan dựng lại lá cờ FULRO dù muốn quên đi cũng không được. Với tư cách là Trưởng ban đại diện FULRO, Y Dhé long trọng tuyên bố:

- Kể từ ngày hôm nay, phong trào FULRO sẽ không còn tại Cao Nguyên! Mọi sự lạm dụng danh nghĩa FULRO để phá hoại tình đoàn kết Kinh Thượng sau này nếu có, kính xin Tổng thống và Thủ tướng Chánh phủ cho áp dụng những biện pháp theo luật lệ hiện hành!

Phía trước lễ đài, một đại đội FULRO xếp hàng thẳng tắp, quỳ trên đất đỏ, hai tay nâng ngang khẩu súng trước mặt như dâng nạp. Nguyễn Văn Thiệu từ trên lễ đài đi xuống, đến trước tên chỉ huy đại đội, đón khẩu súng, nâng trên tay rồi nói to:

- Tôi trao lại vũ khí này cho anh em để chiến thắng Cộng sản xâm lăng!

Thiệu từ từ đặt khẩu súng trở lại tay tên đó rồi mới trở lên lễ đài đọc huấn thị.

Tiếng cồng, tiếng chiêng ầm vang. Lễ cúng Yang và trao vòng kỷ niệm bắt đầu.

Một đoàn thanh niên Thượng trai tráng, mình trần, đóng khố, đầu tết vòng cỏ có cắm lông công, tay cầm những chiếc giáo dài, quay thành vòng tròn quanh con trâu. Một hồi trống dồn dập. Đám thanh niên múa giáo, giậm chân một hồi rồi đột nhiên, một người đâm ngọn giáo nhọn hoắt vào ngực trâu. Con trâu kêu lên một tiếng, máu ộc ra, giãy đành đạch trong tiếng rú của đám thanh niên. Đám đông reo hò ầm ĩ.


Các đoàn viên FULRO và dân chúng kéo đến các ché rượu, hút lấy hút để.

Ông Trưởng ban tuyên huấn FULRO tất tả, hết chỉ huy chương trình cho đoàn văn công FULRO biểu diễn lại chạy đến túm áo các ký giả, phân phát tài liệu, diễn văn, rồi kéo các nhà báo chụp ảnh cảnh Tổng thống thăm hỏi các đoàn viên FULRO.


Nguyễn Văn Thiệu đi trước, Paul Nưr đi theo thăm hỏi đồng bào, thân nhân FULRO vừa về. Thiệu cầm tay từng người tỏ ra ân cần.

Y Dhé bị đám ký giả vây quanh hỏi về sự thật của vụ Y Bhăm bị bắt giữ tại Căm-bốt.

Ấp úng một lúc, ông Trưởng ban đại diện FULRO mới tìm ra câu trả lời khôn ngoan nhất:

- Cộng sản và đế quốc thực dân đã bắt mất vị chủ tịch của chúng tôi, đúng vậy, thưa quý vị!
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2022, 08:47:10 am »

11. PHONG TRÀO ĐOÀN KẾT

Bí thư Nguyễn Hữu Oanh dẫn Paul Nưr vào một buồng sâm sang trọng loại nhất của khách sạn Pa-lat. Một chiếc giường mô-đéc trải đệm dày. Bộ sa-lông bọc da có viền đăng ten trắng. Trên bàn, một lọ hoa lay-ơn Đà Lạt màu hồng nhạt. Ánh đèn ống xanh hòa với những cánh màn che màu tím. Máy điều hòa nhiệt độ chạy nhè nhẹ làm căn phòng lành lạnh như khí hậu ở Đà Lạt. Tiếng nhạc từ những chiếc loa chìm bay du dương. Trên tường ảnh con gái khỏa thân treo la liệt.


Ngài Tổng trưởng ngả mình trên ghế, mỉm cười nhìn ông Bí thư:

- Ông Oanh, hôm nay ông định đưa elle nào đến đây cho tôi đây! Có hấp dẫn không?

Hữu Oanh tươi cười, đặt ly cà phê xuống bàn, nói nhanh:

- Thưa Tổng trưởng, ngài cứ tin ở tôi. Người bấy lâu nay làm ngài mất ăn mất ngủ sẽ đến chứ không ai khác!

Paul gật gù hài lòng. Nguyễn Hữu Oanh vốn là một tay chân đáng tin cậy trong khoa này.

Lên làm Tổng trưởng, trước khi chọn những người có đức, có tài, Paul Nưr nghĩ ngay đến một loạt chân tay đặc biệt, vốn thích "của ngọt", Paul Nưr tìm một tên ma mãnh, thông thuộc các "động" ăn chơi, để dùng.

Nguyễn Hữu Oanh, người Kinh, thông thuộc Sài Gòn như lòng bàn tay, đã từng làm ma-cô chuyên dắt gái cho các cố vấn Mỹ, có kinh nghiệm nhận của đút lót và xoáy tiền công nên dễ được Paul chú ý.

Sau một vài lần dắt mối thành công, đưa đến cho thượng cấp những cô gái trẻ đẹp, Oanh được Paul tin, cử làm bí thư riêng, một địa vị xứng đáng, thuận tiện trong việc sai bảo lâu dài. Sau đó Paul bắt đầu "quảng cáo" Oanh với phụ tá tổng trưởng Y Chôn, Giám đốc Nha phát triển sơn thôn Nay Loét và các vị khác trong bộ là: "Oanh có đức độ, tài năng, có thể đảm nhận những công vụ lớn lao mà người khác khó bề làm nổi".


Từ ngày làm Bí thư, Oanh càng đắc lực với Paul Nưr hơn nữa trong việc tìm kiếm "món lạ", Paul càng thả cho Oanh thụt công quỹ và ăn cắp tài sản của Bộ nhiều hơn.

Từ chỗ dùng Oanh chuyên dắt gái, thụt quỹ công, Paul Nưr tin cậy sử dụng Oanh làm "thám tử" riêng, chuyên thăm dò những tên đối địch đã tìm cách bêu xấu và lật Paul như Y Chôn và Nay Loét...

Sau một thời gian tìm kiếm và được đút lót hậu hĩnh, gần đây, Oanh bố trí cho cô Phi vào làm nhân viên văn phòng. Cô Phi đẹp, lẳng lơ, đã từng làm ở sở Mỹ, cặp bồ với các cố vấn Mỹ, đã từng làm gái nhảy, biết đủ các mánh khóe ăn chơi, biết làm cao và thu hút các quan chức cỡ bự. Được Oanh bố trí, cô nhân viên mới tuyển này đã làm cho ngài Tổng trưởng mê mệt. Paul Nưr đâu có biết quá khứ của cô. Chỉ nghe Oanh nói cô là con nhà lành, một nữ sinh có học thức, đứng đắn và trinh tiết, Paul mê ngay.


Biết tính dâm đãng của chồng, Tổng trưởng phu nhân Siu-Hyum từ Công Tum lên Sài Gòn ở, đánh ghen ầm ĩ và tìm mọi cách giữ rịt chồng một chỗ.

Paul Nưr và Oanh cũng tìm mọi thủ đoạn đánh lừa, thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Tổng trưởng phu nhân. Khi thì nói bận họp với cố vấn Mỹ, với Tổng thống, khi thì nói đi kinh lý... Paul Nưr vẫn đi lại được với các cô gái.

Lần này, lấy cớ đi họp nội các ở dinh Độc Lập, Paul Nưr được Oanh bố trí về đây và chờ cô Phi đến gặp.

Thấy Tổng trưởng xem đồng hồ có vẻ sốt ruột, Oanh vội thưa:

- Thưa Tổng trưởng, 20 phút nữa tên tài xế sẽ đưa con bé tới. Ngài cứ yên tâm.

- Được! Này, ê-kíp anh và Y Chôn làm ăn trong việc xây cư xá cho sinh viên sắc tộc thế nào rồi? Có kham khá không?

Hữu Oánh buồn bã:

- Dạ, ông Y Chôn làm mạnh tay quá. Ông chỉ dành phần nhỏ đất để xây cư xá, còn bán cho bọn Tàu xây vi-la hết. Vôi, gạch, cát, ngói ông bán quá nửa. Thế mà ông chỉ chia cho ngài và tôi 3 triệu. Đó là chưa kể việc ông ta thông đồng với nhà thầu bớt tiền ăn, tiền may đồng phục của học sinh; tiền thuốc của nhân viên... Bọn sinh viên không có nhà ở, kéo nhau vào nằm tùm lum trong Bộ!

- Thằng đểu thật! Trước kia nó hứa sẽ chia phần cho ta một cách đứng đắn, sòng phẳng. Thế mà bây giờ nó lại làm ăn lật lọng, lem nhem the! Ta trót nhận tiền chia của nó, khó nói quá. Anh điều tra thêm, ta sẽ trị nó sau. Lâu nay anh thấy thằng Nay Loét thế nào?

- Thằng Nay Loét tự hào là không ăn của đút, không xà xẻo của công nên tố tội Y Chôn và ta với bọn báo chí ghê lắm. Nó vừa tố ta ăn bớt tiền viện trợ của Mỹ và các nước cho đồng bào các sắc tộc. Ngài không ra tay trị nó đi, rồi nó làm ngài mất uy tín với người Mỹ, với Tổng thống và đồng bào.

Paul Nưr cười:

- Lo gì, Tổng thống và các ngài bự hơn cũng thế cả. Tôi e nhất là thằng Nay Loét được tên cố vấn Thomas Busker đỡ đầu, lên mặt chống đối với ta. Tôi đã định trị nó nhiều lần nhưng thằng Busker bênh chằm chặp nên tôi chưa làm gì được. Nguy hiểm quá. Ta phải tìm cách đẩy hắn đi, không thể nuôi ong tay áo mãi thế này được!

Có tiếng chuông reo. Hữu Oanh mỉm cười đứng lên nháy mắt nói với Paul Nưr:

- Con bé đã đến!...Tôi sẽ cho xe đón ngài vào lúc 10 giờ. Chúc ngài hạnh phúc!

Oanh mở cửa. Cô Phi với đôi môi đỏ tươi, mắt đánh đen quầng, lông mi đen, cong; mặc chiếc quần loe trắng bó sát lấy đùi, chiếc áo mút đỏ bó chặt căng để lộ bộ ngực đồ sộ, õng ẹo đi vào.

Nguyễn Hữu Oanh ý tứ đi ra...

10 giờ, Hữu Oanh đến, cho xe đón cô Phi về trước rồi mới đến bến Paul Nưr cười xun xoe:

- Ngài thấy câu chuyện của ta có kín đáo không? Thế này thì bà tổng trưởng có là thần Yang cũng không biết được!

- Khá lắm! Đợt này tôi sẽ cử anh làm chánh văn phòng thay tên Phiên. Có chuyện này cần nói với anh: Vừa qua, tôi đi kinh lý về quận Thuần Man. Ở đó có con bé đánh máy tên là Liên khá xinh. Tôi ưng lắm. Tôi có hỏi tên Rcom Tút, Trưởng chi Phát triển sắc tộc về con bé. Rcom Tút hứa tháng tháng sẽ gửi con bé về đây cho tôi. Kỳ tới, anh lấy sự vụ lệnh làm phái viên của tôi về Thuần Mần đưa con bé về cho tôi. Làm cho kín đáo. Mấy tên ký giả bố láo đang nói Bộ ta là Bộ "phát triển sắc đẹp" đấy.

Hai người đi xe trở về Bộ. Sự việc tưởng như kín đáo, ai ngờ vẫn bị lộ.

Siu H' Yum đã đánh hơi thấy. Máu ghen nổi lên, bà quyết làm cho chồng bẽ mặt một mẻ trước các cố vấn Mỹ, các quan chức của Bộ.

Chiếc Méc-xê-đéc chở Paul Nưr đỗ xịch trước sân Bộ. Paul vừa bước xuống, Siu H' Yum đã chạy ra xỉa tay vào mặt chồng, nói ầm lên:

- Ông có biết xưa kia ông là một tên giáo quèn, một tên gõ đầu trẻ không hơn không kém? Tôi đây, con gái một dòng họ danh giá nhất Công Tum, đã cứu vớt ông ra khỏi nơi đày ải. Nhờ tôi mà ông có máu mặt. Nấp sau gấu váy con này, ông leo lên chức này chức khác. Cái ghế tổng trưởng hiện nay cũng nhờ con này mà có. Thế mà ông vô ơn bội nghĩa, ông đi ăn nằm với hết con này đến con khác, tính phụ con này à? Ôi các ông cố vấn Mỹ ơi! Các ông dạy bảo chồng tôi thế à?

Paul Nưr tái mặt, lúng túng không biết xử trí ra sao.

Nguyễn Hữu Oanh hoảng hốt, chạy ra ngăn bà Tổng trưởng, rồi đứng giữa hai người nói như van với bà:

- Xin bà! Có chuyện gì ta cứ đóng cửa bảo nhau! Ai lại làm thế, mất danh dự ông, cả Bộ người ta trông vào!

Tổng trưởng phu nhân chỉ tay vào mặt ông Bí thư quát:

- Mày, mày là tên lưu manh, ma-cô! Mày làm hỏng chồng tao, làm hại đời bao người con gái đáng tuổi con gái mày! Mày dùng các cô gái làm thang leo lên à? Chúng mày là đồ bất nhân!

Máu ghen càng cồn lên, bà chẳng nể nang ai, tố chồng hết chuyện này đến chuyện khác.

- Lúc nào ông cũng nói ông là người đạo đức, bảo tồn tinh hoa dân tộc Ba Na. Dân tộc gì mà ông trai gái đĩ bợm thế, ông chỉ lừa bịp mọi người, lường gạt mẹ con con này thôi.

Hữu Oánh can mãi không được, phải cho chuẩn úy Tung, em ruột và là cận vệ của Paul Nưr, kéo Tổng trưởng phu nhân về nhà.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #34 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2022, 08:51:33 am »

Theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu, Paul Nưr, Y Chôn, Nguyễn Văn Nghiêm, Y Bliêng, Y Buăn triệu tập cuộc họp bầu người lãnh đạo phong trào thay thế (đúng hơn là nối tiếp) phong trào FULRO đã giải tán. Cuộc họp phần lớn là người của Paul Nưr.


Nguyễn Văn Nghiêm đã được Thomas Busker và Thiệu đưa trước danh sách những người lãnh đạo. Các chức vị đã được chỉ định. Nhưng muốn tỏ ra chánh phủ là khách quan, Thiệu cho các đại biểu họp thảo luận để bầu ban chấp hành, trong đó phần đông là các đại diện FULRO.


Nguyễn Văn Nghiêm xin cử tọa im lặng, rồi mở đầu:

- Kính thưa các quý vị đại biểu! Đã nhiều năm qua, có một phong trào chánh trị không được đề cập tới. Vì còn phong trào FULRO nên cả phía chánh quyền lẫn dân chúng Thượng đều không muốn có thêm một phong trào mà rồi không biết sẽ đi đến đâu.

Từ năm 1965, đã có hội "Thân hữu Kinh Thượng". Hội này mãi đến cuối năm 1966 mới được ông Y Chôn làm sống lại và tháng 3 năm 1969 mới bầu ban chấp hành mới do ông Y Chôn làm Hội trưởng. Những mục tiêu hoạt động chú trọng đến phần tình cảm, hữu hảo nhiều hơn là công tác xã hội.


Giữa năm 1967, khi có khối đoàn kết dân tộc thiểu số Việt Nam do cố đại tá Đàm Văn Quý sáng lập nhưng mãi đến ngày 23 tháng 3 năm 1969 vừa qua, ông Voòng A Sáng mới triệu tập đại hội bầu ban chấp hành mới. Xét về mục tiêu hoạt động, tổ chức này có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu của công cuộc cải tiến dân sinh cho đồng bào thiểu số. Nhưng đường lối phát triển của khối sợ rằng chưa được sâu rộng và nặng về chánh trị hơn là công tác.


Nhìn chung các đoàn thể và phong trào quần chúng, dù dưới danh nghĩa "hội" hay "khối" vẫn hoạt động chưa mạnh, chưa có đóng góp lớn cho đời sống xã hội và cải tiến dân sinh.

Bây giờ chúng ta phải thành lập một phong trào mới. Phong trào này phải là một phong trào dấn thân, phải có cán bộ có đức, có tài, hăng hái hướng dẫn và thực hiện tất cả mọi công tác do phong trào chủ trương nhằm mục đích đem lại cho đồng bào thiểu số một đời sống chánh trị và xã hội tươi đẹp hơn.


Vì thế, được lệnh của Tổng thống và Thủ tướng, hôm nay ông Paul Nưr mời các quý vị đến đây tự do bàn bạc việc thành lập một phong trào mới đó. Vậy xin các quý vị tự do phát biểu ý kiến.

Y Bling đứng lên nhìn cử tọa:

- Là một đại biểu của phong trào FULRO, tôi xin phát biểu. Trước hết, các quý vị đều thấy rằng, phong trào FULRO từ nay không còn nữa, nhưng sự hăng say của các đoàn viên phong trào FULRO vừa mới về hợp tác vẫn còn nguyên. Được tham gia vào một phong trào mới để tranh đấu cho cuộc cách mạng xã hội, cho đồng bào các dân tộc thiểu số, giải phóng họ khỏi sự bần cùng, tiến lên xây dựng xã hội tươi đẹp văn minh là nguyện vọng thiết tha của những đoàn viên FULRO chúng tôi. Vậy mong các quý vị quan tâm đến những thành viên phong trào FULRO chúng tôi, dành cho chúng tôi đặc ân được phụng sự đồng bào.

Y Dhắt, Y Buăn lần lượt phát biểu tỏ lòng hăng say, sẵn sàng dấn thân, đem hết sức mình phụng sự đồng bào.

Đến phần bầu ban chấp hành đã bố trí sẵn, Y Chôn nói:

- Theo quy định của Phủ thủ tướng, những viên chức nhà nước sẽ không tham gia giữ vai trò chủ chốt trong các đoàn thể chính trị, vì thế, ông Paul Nưr và tôi xin rút khỏi ban chấp hành. Nếu quý vị quý mến thì xin ở ban cố vấn. Theo ý kiến riêng tôi, ta nên chọn đại biểu có uy tín ở trong phong trào FULRO để đưa vào lãnh đạo phong trào mới. Vì các vị đó đã được thử thách, đã dấn thân lâu dài đấu tranh cho quyền lợi dân tộc, đã có kinh nghiệm lãnh đạo một phong trào lớn lao.

Y Dhắt đề cử:

- Theo tôi, ta nên cử ông Y Dhé làm chủ tịch, vì sau ông Y Bhăm, ông Y Dhé là nhân vật số hai của FULRO. Ông là người có uy tín lớn. Ông đã từng giữ chức trưởng ban đại diện FULRO ở Buôn Mê Thuột. Trong thời gian làm trưởng ban, ông đã rất nỗ lực, đem đến sự đoàn kết Kinh Thượng, ông đã dẫn đầu những đoàn viên FULRO về hợp tác.

Y Bliêng vốn ghét Y Dhé, lại thấy Y Dhé không có mặt trong cuộc họp này, liền đứng phắt lên:

- Ông Y Dhé, từ ngày về hợp tác đến nay tỏ ra rất bất mãn và có nhiều tham vọng cá nhân. Ông tưởng rằng sẽ được cử làm tỉnh trưởng Đắc Lắc. Không được cử, ông bất mãn bỏ về quê mở đồn điền cà-phê, không tham gia công việc xã hội gì cả. Chủ tịch của một phong trào quần chúng phải là người biết hy sinh mọi tham vọng cá nhân, toàn tâm phục vụ quần chúng, phải luôn luôn coi quyền lợi dân tộc trên hết; phải lấy mục tiêu phục vụ đồng bào làm lẽ sống của mình; phải dẹp bỏ mọi tính toán, ích kỷ, vụ lợi. Ông Y Dhé thì trái hẳn lại. Xét về mọi mặt ông Y Dhé chưa xứng đáng làm chủ tịch một phong trào lớn lao thế này.

Các đại biểu thi nhau phát biểu. Người nào cũng đề cử người thân, cùng cánh với mình. Biết cứ để bàn cãi, chỉ thêm rối chuyện, vả lại, như thế cũng đủ tỏ ra dân chủ rồi, Paul Nưr đứng lên tổng kết các ý kiến, nêu danh sách đề cử và nói:

- Thưa quý vị, các ứng cử viên và đề cử viên chúng ta đã lập xong, bầu ai, quý vị hoàn toàn tự do lựa chọn. Có một điều xin lưu ý quý vị là, vừa qua khi gọi chúng tôi đến ra lệnh thành lập phong trào, Tổng thống và Thủ tướng có cho danh sách dự kiến, danh sách này do các chuyên viên sắc tộc và Hội đồng sắc tộc đề nghị, chúng tôi cũng xin đọc danh sách đó để các vị lưu ý và tham khảo trong việc bầu. Danh sách đó như sau:

Chủ tịch danh dự: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Chủ tịch chánh thức: Ông Y Bling Buôn Krông Pang.

Đệ nhất phó chủ tịch: Ông Y Dhắt Niê Kdăm.

Đệ nhị phó chủ tịch: Bà H' Bi Buôn Yă.

Tổng thư ký: Ông Y Kuốt.

Thủ quỹ: Ông Y Buăn.

Ban cố vấn có: Tôi - Paul Nưr, Ông Y Chôn và ông Y Bliêng.

Như thế là ban chấp hành có đại diện các dân tộc khác nhau: Ba Na (tôi), Ê Đê (ông Y Bliêng, Y Dhắt...), Ka Ho (ông Ya Duk)... Có nam, có nữ. Toàn những người có uy tín lớn trong phong trào FULRO và các phong trào khác của dân tộc, tiêu biểu cho tài năng, đức độ của các dân tộc trên Cao Nguyên.

Paul dứt lời. Các đại biểu bàn tán, xì xào.

Khỏi phải bầu thì mọi người cũng biết ban chấp hành là phải như thế vì Tổng thống và Thủ tướng đã dự kiến, ai dám bầu khác đi? Y Dhắt thấy mình là phó ban đại diện FULRO, trên cấp của Y Bling mà giờ lại dưới quyền, ấm ức muốn phản đối, nhưng thấy Tổng thống đã quyết định thì có nói cũng vô ích nên đành im lặng. Kết quả cuộc bầu cử là thành phần ban chấp hành đúng như danh sách dự kiến.


Phong trào được mang tên là: "Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao Nguyên miền Nam Việt Nam".
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2022, 08:54:19 am »

Ban chấp hành các tỉnh bộ không có bầu bán gì hết, mà do Ban chấp hành trung ương chỉ định. Danh sách cả trung ương và địa phương lập xong, Nguyễn Văn Thiệu cho in, rồi các vị lãnh đạo phong trào kéo nhau về Buôn Mê Thuột làm lễ ra mắt.


Hội nghị trù bị cho lễ ra mắt được tổ chức. Các tỉnh bộ cũng được triệu tập. Nghe đọc tên mình làm chủ tịch tỉnh bộ phong trào Đắc Lắc, Kpă Kới làm phó chủ tịch, Y Khỉa Mlô Đuôn du ngơ ngác. Tưởng làm chủ tịch phong trào là phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề, phải luôn giữ mình trong sạch để được quần chúng tín nhiệm, không được buôn gian bán lận, ông liền gặp Y Chôn kêu:

- Tôi không quen làm chánh trị, lại không có tài đức uy tín, xin ông miễn cho, đừng bắt tôi làm chủ tịch tỉnh bộ. Xin ông!

Các thành viên tỉnh bộ PleiKu, Công Tum, Quảng Đức... cũng nhao nhao xin rút.

Y Chôn phải nhẫn nại giải thích. Nhiệm vụ các vị trong tỉnh bộ nhẹ nhàng thôi. Chỉ có đi họp, dự tiệc động viên quần chúng. Quyền lợi khá hậu: được hưởng một phần trong phong trào phí; được chi tiêu trong các khoản tổ chức mít tinh, hội họp; được dự tiệc luôn; được ưu tiên mua bán hàng hóa viện trợ với giá rẻ... các vị lúc đó mới vui vẻ nhận.


Lễ ra mắt "Ban chấp hành trung ương Phong trào đoàn kết" được tổ chức long trọng ở rạp Thăng Long, Buôn Mê Thuột. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tới dự làm các vị trong ban chấp hành các cấp thấy mình quan trọng quá, và các vị may mắn được làm lãnh tụ phong trào lớn lao này.


Sau lễ ra mắt, việc kết nạp đoàn viên phong trào được xúc tiến trên toàn Cao Nguyên. Danh sách được ghi lập tận các buôn theo kiểu "đánh trống ghi tên". Toàn thể những người sắc tộc từ 18 tuổi trở lên đều phải tham gia phong trào, nộp đoàn phí hàng tháng, nộp tiền làm thẻ đoàn viên, có nghĩa vụ đóng góp sức người, sức của cho phong trào, bất luận là ý thức giác ngộ cao hay thấp, quá khứ và hiện tại xấu tốt thế nào.


Trụ sở trung ương của phong trào được lập tại nhà Y Tluôp ở buôn Alê A, Buôn Mê Thuột, ngay cạnh trụ sở Ban đại diện FULRO ngày nào. Trụ sở nườm nượp ngày đêm. Người đến đóng nguyệt liễm, người đến thăm, người đến nhờ phong trào bênh vực, cứu trợ.


H' Bi sung sướng tột độ. Bà thật không ngờ là lại được cử giữ chức vụ cao như thế. Đệ tam phó chủ tịch, lãnh đạo chị em phụ nữ toàn Cao Nguyên chứ có phải xoàng đâu!

Nửa năm đầu, phong trào hoạt động rầm rộ, các vị lãnh đạo tỏ ra hăng hái, bà cũng cố giữ mình, tỏ ra trong sạch, làm tấm gương cho chị em soi.

Bà đi thăm chị em các tỉnh bộ, nói chuyện, hô hào, động viên chị em "tự giải phóng mình, làm chủ Cao Nguyên".

Nhưng sau đó, phong trào như quả bóng xì hơi xẹp dần xuống. Các vị lãnh đạo đâm ra sa sút, lợi dụng phong trào làm giàu và hục hặc với nhau.

Ngài chủ tịch Y Bling tìm đủ mọi cách xoáy tiền của phong trào. Tiền nguyệt liễm, tiền làm thẻ đoàn viên toàn quốc nộp lên cuối năm 1969 và đầu năm 1970, được vài chục triệu thì ngài cuỗm luôn 9 triệu. Bị các đoàn viên chửi bới, ngài trốn biệt ở Sài Gòn không dám về trụ sở ở Buôn Mê Thuột.


Đệ nhị phó chủ tịch Y Duk thì rượu chè bê tha. Ngài tìm đủ cách để được đánh chén. Lúc ngài thăm tỉnh bộ này, lúc ngài thăm tỉnh bộ kia, không ngoài mục đích ăn uống. Tỉnh bộ nào có tiệc to, thường xuyên ngài đến thăm và ở lâu để "động viên phong trào". Tỉnh bộ nào ăn uống xoàng, ngài chẳng đến thăm hoặc chỉ tạt qua rồi rút luôn. Ngài thích nhất là tỉnh nào đón ngài bằng liên hoan văn nghệ. Vừa được uống rượu ngon, vừa được nghe nhạc hay lại vừa xem gái đẹp múa hát. Khi về lại còn có tặng phẩm, ảnh kỷ niệm chụp chung với các diễn viên.


Còn bà H' Bi và ngài Đệ nhất phó chủ tịch thì thế nào?

Thấy các bậc đàn anh thi nhau tham ô và bê tha như thế, bà vạ gì mà phải giữ mình, giữ tư cách? Bà cũng phải sống gấp được ngày nào hay ngày ấy chứ!

Sau khi chồng (ông Y Nuỉn) bị Y Bhăm xử tử hình H' Bi thấy vô cùng đau đớn, chán nản. Bà muốn bỏ hậu cứ về Cao Nguyên làm ăn, dạy học. Nhưng thoát làm sao được khỏi sự bao vây của các tay chân Y Bhăm trên toàn Cao Nguyên và của cả chánh quyền Sài Gòn nữa?


Chán ngán với con đường hoạn lộ, cảnh sống lừa lọc chia rẽ của các lãnh tụ FULRO, không có thế để tham ô tiền và ăn uống nhậu nhẹt H' Bi tìm lối thoát trong những thú vui xác thịt. Bà cặp bồ lung tung với các vị chỉ huy FULRO và cuối cùng chài được trung tá Rmah Kiel - trưởng phòng 5 bộ tổng tham mưu FULRO. Lúc ấy Rmah Kiel là một trai tân, cao to, đẹp trai. Hai người cưới nhau. "Nạ dòng vớ được trai tơ...", H' Bi say sưa với mối tình mới tưởng như sẽ sống với chồng cho đến khi đầu bạc răng long.


FULRO về hợp tác, H' Bi cùng chồng trở về quê hương... Rmah Kiel làm trung tâm trưởng định canh định cư Piel Quen. H' Bi dạy học ở xã và nội trợ gia đình. Hai người ăn ở với nhau khá đầm ấm và chắc chắn rằng họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi nếu như không có biến cố mới đến với bà: Bà được làm đệ tam phó chủ tịch phong trào Đoàn kết. Bắt đầu từ đây, những va chạm giữa hai vợ chồng tăng dần, tăng dần và dẫn đến đổ vỡ. Cái chức phó chủ tịch quá cao sang kia đã gây nên bao điều bất hạnh trong cuộc sống tình cảm của vợ chồng bà.


Là Đệ tam phó chủ tịch, là lãnh tụ lớn nhất của chị em sắc tộc, bà được các quan chức, các ký giả để ý, thăm hỏi luôn. Bà tự cảm thấy mình sang trọng và oai vệ quá. Còn Rmah Kiel phụ trách định canh định cư. Gọi là trung tâm cho oai chứ phạm vi chỉ bằng một buôn nhỏ. Ông thấp kém, không có được một địa vị cao như bà. Có lần, bà đi xe du lịch bóng loáng về thăm nhà trong khi ông đang đóng khố, mặc áo lính dày cộp, bụi đất, nhựa cây bám đầy, vác cuốc đi thăm nương rẫy.


Hố ngăn cách giữa họ sâu dần. Tình cảm rạn nứt và không thể nào hàn gắn được cho đến lúc bà thấy sống bên chồng là điều sỉ nhục.

Giữa lúc ấy, ông Đệ nhất phó chủ tịch Y Dhắt lại tha thiết yêu bà Đệ tam phó chủ tịch.

Cùng là lãnh tụ của một phong trào, cùng làm phó chủ tịch trong ban chấp hành, thường xuyên họp hành, đi thăm hỏi quần chúng, cùng oai vệ và sang trọng như nhau, hai người gần gũi và say nhau mê mệt.

Ngay ở trụ sở phong trào, hai vị đã thường xuyên ân ái với nhau. Ai dám nói? Nhị vị chủ tịch sẽ trù mà trị thẳng tay thì chết!

Để có thể "hòa đồng" tình cảm hơn, nhị vị chủ tịch cố tạo cơ hội gần nhau. Ông chủ tịch Y Bling nằm tịt ở Sài Gòn, công việc do ông Đệ nhất phó chủ tịch điều hành. Thế là Y Dhắt cùng bà Đệ tam phó chủ tịch đi kinh lý hết tỉnh này đến tỉnh khác để "gặp gỡ, kiểm tra, giúp đỡ các tỉnh đưa Phong trào đoàn kết đi lên những bước mới, ngõ hầu kiến tạo cuộc sống văn minh tươi đẹp cho vùng rừng núi xa xôi này".


Ra khỏi trụ sở trung ương, xa vợ, xa chồng, nên đường kinh lý, hai vị thả sức "bàn bạc", "trao đổi"...

Tình cảm cứ thế thấm sâu và cuối cùng nhị vị chủ tịch đều cảm thấy không thể sống với những người chồng, người vợ cũ hèn kém, quê mùa. Hai vị đều quyết tâm ly dị vợ, chồng cũ để lấy nhau.

Bà H' Breo - vợ ông Y Dhắt - không biết kêu ai, đành để cho chồng chạy theo nhân tình. Nhưng còn Rmah Kiel, dù có kém thế ông Y Dhắt và vợ, thì cũng đã từng là trung tá trưởng phòng của "chánh phủ FULRO", đã từng bốn năm "xuất ngoại" sang Căm-bốt hoạt động "cách mạng" thì đời nào chịu mất vợ? Ông liền gặp các vị tai mắt trong tỉnh hỏi ý kiến. Ông Y Bliêng, cố vấn phong trào, rất phẫn nộ với hành động hèn hạ của ông phó chủ tịch, liền xúi ông Rmah Kiel kiện lên Tòa án phong tục, hiện ông Y Bliêng đang làm Chánh án. Ông sẽ chiếu theo công lý mà trị tội kẻ lợi dụng chức quyền cướp vợ người khác, mà lại là cướp vợ người đồng chí đã cùng ở trong FULRO, cùng lưu vong với nhau, cùng đã đồng cam cộng khổ với nhau bao năm... một cách trắng trợn như thế.


Rmah Kiel phát đơn kiện Y Dhắt lên Tòa án phong tục và hy vọng sẽ thắng kiện vì Tòa án phong tục rất có quyền thế và ông Y Bliêng nổi tiếng là một Chánh án công minh, chánh trực, dũng cảm bảo vệ chân lý.

Liệu Rmah Klel có thắng kiện không? Liệu ông Y Bliêng có trị nổi ông Đệ nhất phó chủ tịch Phong trào đoàn kết đầy uy quyền cả một vùng Cao Nguyên rộng lớn này không?

Xung quanh vụ kiện này, các vị tai mắt trong tỉnh ham "bình luận thời cuộc" hồi ấy đánh cá nhau khá cao. Có vị dám bỏ ra hàng triệu đồng, nói như đinh đóng cột là ông Y Bliêng sẽ làm cho Rmah Klel thắng kiện, thách ai dám cá với mình. Có vị dám cá cả chiếc xe Jeep và nói rằng Y Dhắt sẽ trắng án. Họ vồ lấy thời cơ, tung tiền ra, lao vào cuộc đỏ đen, thấp thỏm, chờ đợi kết quả vụ kiện như chờ đợi một biến cố trọng đại của quốc gia.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #36 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2022, 08:56:49 am »

12. BƯỚC ĐƯỜNG MỚI CỦA LES KOSSEM

Không được giữ chức vụ nào trong Phong trào đoàn kết, Huỳnh Ngọc Sắng bất mãn chửi Thiệu lừa đảo, Paul Nưr là kỳ thị dân tộc Chàm. Tháng 5-1969, Sắng bỏ Việt Nam trốn sang Nam Vang. Lúc này Lon-non cùng Les đang chuẩn bị theo Mỹ lật Xi-ha-núc.


Được Sắng cho biết Thiệu đã thành lập Phong trào đoàn kết đập gãy phong trào FULRO ở khúc xương sống quan trọng nhất là Cao Nguyên trung phần Việt Nam, Les Kossem thấy càng cần phải phất cao hơn nữa mảnh cờ còn lại của FULRO trên đất Căm-bốt này bằng cách nhanh chóng củng cố mảng FULRO còn lại trong tay.


Hạ tuần tháng 6-1969, Les ra lệnh tạm ngừng khóa huấn luyện FULRO tại Nam Vang, bắt các khóa sinh lên đường đi phục vụ ngay tại Môn-đun-ki-ri và Rát-ta-na-ki-ri. Ở hai tỉnh hậu cứ này, sau cú mưu phản của Y Bhăm thất bại, Les Kossem đã cử về đây những tay chân thân tín để nắm chặt phong trào FULRO như bọn Đặng Nô, Đồng Tập, Kinh Hoài Diệp... Ở Môn-đun-ki-ri và bọn Đàng Năng Giáo, Kpă-Tớh, Bá Văn Lành ở Rát-ta-na-ki-ri. Còn ở Nam Vang, Les lưu giữ Huỳnh Ngọc Sắng, Quảng Đại Đủ, Thiên Sanh Thi, Đặng Văn Thủy.


Tuy vậy họ vẫn chỉ đại diện cho phái Chàm, chỉ có uy tín đối với thành viên người Chàm, không ảnh hưởng gì đến dân Tây Nguyên. Les Kossem buộc phải tìm một vị chủ tịch mới để lôi kéo người Thượng khỏi chạy về Việt Nam.

Ngày 19-7-1969, Ủy ban chỉ đạo tối cao FULRO triệu tập cuộc họp do Les Kossem chủ tọa, tại tư thất 387/10 đường Mô-ni-vông. Tham dự cuộc họp có các nhân vật trong số đã ly khai với Y Bhăm từ trước. Ngoài những đại biểu Chàm quen thuộc như Huỳnh Ngọc Sắng, Đàng Năng Giáo, Hoàng Minh Mộ, Thiên Sanh Thi, Quảng Đại Đủ, Les Kossem may mắn tập hợp được những đại biểu người Tây Nguyên đã từng ly khai với phong trào Mặt trận Cao Nguyên của Y Bhăm như: Y Phan, Y Năm, Kpă Dơh. Mở đầu cuộc họp Les Kossem nói:

- Bọn Thiệu cho lập Phong trào đoàn kết, đưa số người Thượng ra làm lãnh tụ hòng lôi kéo các dân tộc thiểu số, nhất là ở Cao Nguyên, theo chúng. Chúng ta cũng cần có một tân chủ tịch để thu hút quần chúng. Tôi chỉ xin nhận nhiệm vụ chỉ đạo, trợ giúp mà thôi. Vậy xin các vị đề cử người giữ chức vụ quan trọng này.

Các đại biểu nhìn nhau im lặng. Họ hiểu rằng có ra làm chủ tịch thì cũng chỉ là bù nhìn, con bao quyền hành Les Kossem vẫn nắm. Mà số phận cũng ngắn ngủi, một sớm một chiều như Đàng Năng Giáo ngày nào, làm chủ tịch chưa đầy một tháng mà thôi.

Thấy mọi người không đề cử, vị chủ tịch nói thẳng:

- Tôi xin đề cử, một là ông Y Bhăm sẽ tái nhiệm làm chủ tịch, hai là ông Y Bun Sor hiện đang làm tỉnh trưởng Môn-đun-ki-ri, người rất có uy tín hiện nay.

Các đại biểu im lặng hồi lâu, Đàng Năng Giáo đánh bạo phát biểu:

- Ông Y Bhăm đã phản bội phong trào, xa rời đường lối của FULRO, thỏa hiệp với ngụy quyền Viêt Nam, ông chẳng còn uy tín gì với đồng bào. Vì vậy, ta không nên bầu. Còn ông Y Bun Sor, đây là vị chỉ huy quân sự và lãnh đạo dân sự của Cam-bốt. Bầu ông, tôi e rằng đồng bào ở Việt Nam khó theo ta. Bọn Y Dhé, Y Bling lại có dịp đả kích là FULRO bị Cam-bốt áp đặt...

Được khơi mào, mọi người đua nhau phát biểu. Ai cũng nói ý kiến của Giáo đúng đắn.

Mãi hết buổi họp, hội nghị vẫn chưa tìm được người đứng ra làm chủ tịch FULRO. Kossem kết thúc:

- Tôi sẽ cử ông Hoàng Minh Mộ và Đặng Văn Thủy về Việt Nam. Hai ông có nhiệm vụ thăm dò ý kiến các viên chức, nhân sĩ sắc tộc xem họ tín nhiệm ai. Qua đó ta sẽ cử sau. Tạm thời "Ủy ban chỉ đạo tối cao FULRO" vẫn giữ nguyên, điều hành công việc của phong trào.

Hôm sau, Mộ và Thủy lên đường về Sài Gòn. Hai người gặp Dân biểu hạ viện Thanh Giác và nghị sĩ thượng viên Ksor Rớt để thăm dò ý kiến. Hai vị nghị sĩ lạnh lùng, tỏ ra thờ ơ với FULRO.

Ksor Rớt uể oải ngáp rồi nói:

- FULRO đã về hợp tác. Các đoàn viên FULRO đã thành viên chức, sĩ quan, công dân Việt Nam Cộng hòa. Là đại biểu cho dân tộc Việt Nam, chúng tôi thấy có bổn phận bảo vệ hiến pháp Việt Nam. Chúng tôi không hiểu và không dám có ý kiến gì về phong trào FULRO ở Cam-bốt của ông Kossem.

Thấy các đoàn viên FULRO trở về đã chán nản, không còn hăng hái. Les Kossem cho rằng cần phải đi vận động lớp người trẻ cho FULRO. Ông chú ý đến người Chàm ở miền Trung cũng như miền Tây Nam kỳ Việt Nam. Les liền cử Sắng về nằm vùng ở biên giới Miên Việt thuộc tỉnh Châu Đốc.


Sắng về các vùng làng mạc người Chàm, giả làm dân chài lưới. Hắn cạo trọc đầu, mặc sa-rông như một người dân. Ở đây hắn liên lạc với các đoàn viên FULRO Chàm và Khơ-me đã về hợp tác.

Đã bước sang năm 1970.

Công việc lật đổ Xi-ha-núc vẫn được Lon-non, Les Kossem chuẩn bị ráo riết. Kossem tiếp tục cử người về Việt Nam, lôi kéo người Chàm sang Nam Vang.

Cuối tháng 2 năm 1970, Les cử Bá Trung Di về Sài Gòn. Từ đấy, Di tung chân tay về miền Trung.

Hôm ấy, Kiều Ngọc Quyên - quận phó Tuy Phong - cầm số tiền thuế của quận từ Long Hương về Phan Thiết. Phải đi đường vòng để tránh bị quân giải phóng phục kích, y về Phan Rang định đáp máy bay đi Phan Thiết.

Quyên vào một tiệm giải khát. Ở đây y gặp Bá Văn Tường và Châu Văn Tần. Ba người chuyện trò. Quyên than thở:

- Chánh phủ đào tạo người thế nào mà ùn lên như mối. Nghe nói, sắp tới tao bị mất chức vì họ sẽ đưa bọn học khoa đốc sự về thay số học khoa tham sự chúng tao. Không biết rồi họ sẽ đẩy tao đi đâu. Sang quân sự hoặc về các tỉnh miền núi thì dễ xơi đạn của Việt Cộng lắm.

Châu Văn Tấn gật gù:

- Tôi cũng chán học lắm rồi. Anh học Quốc gia hành chánh ra, còn không yên ổn huống là chúng tôi. Tìm việc gì bây giờ?

Bá Văn Tường chen vào:

- Tôi vừa gặp ông Bá Trung Di ở Sài Gòn. Ông vừa là nhân viên tình báo của ông Thiệu, lại vừa là người của FULRO. Ông ta nói người Chàm ở Căm-bốt được ông Les Kossem ưu ái lắm. Các anh có sang thì tôi nhờ ông ấy dẫn đi.

Tấn reo lên khe khẽ:

- Tôi sẽ đi!

Quyên hất hàm hỏi Tấn:

- Mày bỏ con Nhung ở lại một mình à?

- Bỏ thôi. Vợ con sớm làm gì. Vướng chân lắm!

Sau đó, Quyên, Tấn theo Tường về Sài Gòn gặp Di. Di dẫn Quyên, Tấn, Báo Văn Danh qua đường Châu Đốc sang Căm-bốt. Họ tới Nam Vang vào ngày 30-2-1970.

Ở đây, họ được Les Kossem vồn vã đón nhận. Les cử Đàng Năng Giáo và Ngụy Văn Nhuận (người vừa sang được Les Kossem tin dùng, cử làm bí thứ riêng cho mình) coi sóc. Họ ở ngôi nhà cạnh tư thất của Les Kossem trên đường Mô-ni-vông.


Công việc của số mới sang là học tập về đường lối FULRO để chuẩn bị xung vào các đơn vị quân sự FULRO Chàm.

Một buổi, thấy Sắng đi vào tư thất Les Kossem, Quyên hỏi Giáo:

- Tao muốn gặp thằng Sắng một chút được không?

Giáo nhìn Quyên, trợn mắt:

- Gặp thằng dê cụ ấy làm gì?

- Chuyện trò cho vui chút xíu thôi!

- Nó là thằng đểu, lừa thày, phản bạn. Không nên chơi với nó. Rồi nó sẽ lừa cả mày đấy!

Quyên biết Giáo đang căm vì bị Sắng cuỗm mất Trúc.

Chánh biến 18-3-1970 đã xảy ra. Được Mỹ ủng hộ Lon-non, Is-tam, Cheng-heng đã lật đổ Xi-ha-núc, lập nội các mới thân Mỹ.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #37 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2022, 08:58:07 am »

Là một chân tay đắc lực của Lon-non trong chính biến lần này, Les Kossem cướp thời cơ, lao vào hoạt động. Thời gian ấy, trên ti vi, các báo, đài phát thanh, người ta loan tin Xi-ha-núc thân cộng sản, tiếp tay cho Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, bênh người Việt khi có cuộc xô xát giữa người Việt và Khơ-me. Và vì thế, họ cần lật đổ Xi-ha-núc để xây dựng quốc gia "độc lập, tự do, không bị Cộng sản áp đặt".


Trong tư thất của mình và trụ sở của FULRO ở đường Mô-ni-vông, Les Kossem cho chiếu những bộ phim nói về chuyện người Việt, do Phan Thanh Giản chỉ huy, đã chiếm đất Căm-bốt, tàn sát người Khơ-me.

Sau khi đã chuẩn bị xong dư luận, Kossem liền xin Lon-non cho khởi xướng phong trào "Cáp-đuồn" .

Hàng loạt đồng bào Việt kiều bị đánh đập, bắn giết, xua về Việt Nam, Les Kossem kêu gọi Mỹ - Thiệu tấn công Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam. Người ta hỏi vì sao khi còn Xi-ha-núc, Les Kossem tỏ ra ủng hộ ngầm Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, buôn bán cung cấp lương thực cho Quân giải phóng, mà bây giờ lại kêu gọi Mỹ - Thiệu tấn công tiêu diệt, lại còn hứa sẽ giúp Mỹ - Thiệu tấn công tổng hành dinh Mặt trận giải phóng đóng ở biên giới Việt - Miên, thì Les Kossem viện mối thù dân tộc trung cổ ra để lấp liếm mọi sự phi lý của mình.


Thời gian này, Les Kossem lên như diều gặp gió. Ông được Lon-non cho toàn quyền điều hành lực lượng thiểu số tại Căm-bốt. Ông không chỉ là lãnh tụ của dân tộc Khơ-me Islam mà còn là lãnh tụ của tất cả các dân tộc thiểu số ở trên xứ sở này. Được Lon-non cho huy động người thiểu số vào quân đội, Les thành lập 7 tiểu đoàn biệt lập, quân gồm toàn sắc dân Chàm, Miên Hạ và Thượng.


Y gom các tiểu đoàn biệt lập thành Lữ đoàn 5 bộ binh, viết tắt là 5_e (5_e Brigade d'Infanteric) và làm chỉ huy trưởng. Chỉ năm sau, y đổi tên thành 5_eBIC (5_e Brigade de Choe = lữ đoàn 5 ứng chiến). Năm sau nữa, y lại đổi sang tên 5_e BIS (5_eBrigade Spéciale = Lữ đoàn 5 đặc biệt). Nhờ ba lần đổi tên ấy mà y làm cho nhiều người lầm tưởng rằng y có những ba lữ đoàn!


Sau khi củng cố quân đội, Les Kossem liền mở một chiến dịch ngoại giao mới.

Les bay đi Vọng Các vận động "Tổ chức người Chàm chánh thống". Vị tướng gốc Chàm chỉ huy lục quân Thái nhận ra cơ hội hiếm có để bành trướng sang phía đông, liền bàn với chính phủ Thái Lan chấp nhận cho y chỉ huy 10.000 quân Thái tình nguyện sang Căm-bốt để giúp Les Kossem chống lại Khơ-me đỏ. Nhưng Kossem cũng cảnh giác, ngại quân Thái sẽ lợi dụng thời cơ, lấn đất Căm-bốt, liền đề nghị vị tướng Chàm tạm hoãn đưa quân sang để dành lực lượng đó yểm trợ cho công cuộc phục quốc Champa của y sau này.


Les Kossem bay đi Nam Dương vận động "Tổ chức người Chàm yêu nước" ở đây và vận động Tổng thống Nam Dương Xu-hắc-tô.

Sau khi lật Xu-các-nô, Xu-hắc-tô vẫn giữ nguyên mật ước "Xu-các-nô - Les Kossem", giữ nguyên 2 lữ đoàn quân Nam Dương yểm trợ cho Les.

Đại tá Su-sê-nô (vừa được phong tướng nên thôi giữ chức tùy viên quân sự ở Nam Vang về Nam Dương làm Tổng cục trưởng Tổng cục quân huấn) và tướng A-ly, hai bạn thân của Kossem, vui mừng đón người bạn Chàm.

Hai tướng dẫn Les Kossem yết kiến Tổng thống Xu-hắc-tô. Tổng thống cũng hứa hết lòng giúp đỡ Champa, hứa sẽ nhận đào tạo lớp sĩ quan tình báo người Chàm từ Căm-bốt gửi sang cho Les Kossem.

Hai tướng A-ly và Su-sê-nô tiễn Les Kossem ra tận phi trường.

Les Kossem vừa về đến Căm-bốt thì hậu cứ Môn-đun-ki-ri bị Khơ-me đỏ tấn công và thất thủ. Số sĩ quan và binh lính FULRO ở đây được Lực lượng đặc biệt Mỹ cứu, chở bằng trực thăng về Nam Vang.

Thuận Thị Trúc cũng theo số tàn quân về trụ sở FULRO. Les Kossem cho cải hoán toàn bộ lực lượng FULRO vào Lực lượng biệt lập trong 2 lữ đoàn sắc tộc mà ông đang chỉ huy, thuộc quân đội Khơ-me. Các đoàn viên FULRO Chàm thuộc lữ đoàn 5, các đoàn viên Thượng thuộc lữ đoàn 40, được cấp bậc tương xứng như: Trung tá thì có: El Ibrahim, Sietmiet, Chek Ibrahim, Math Soleyman, Rovsman Soleman... Thiếu tá có: Thiên Sanh Thi, Mô-ha-mét, Y Bun Sor, Y Bhăn, Kpă Dớh, Y Năm... Đại úy có: Hoàng Minh Mộ, Đặng Văn Thủy, Đàng Năng Giáo, Bá Trung Di, Ngụy Văn Nhuận, Quảng Đại Đủ... Trung úy có: Châu Văn Tấn, Đạt Rài... Les Kossem trực tiếp chỉ huy các lữ đoàn này, có El Ibrahim và Chek Ibrahim phụ tá.


Hai lữ đoàn của Les lao vào đánh nhau, giành giật từng mảnh đất xóm làng với Khơ-me đỏ. Những trận ác chiến xảy ra liên miên.

Kossem kêu gọi chánh phủ Mỹ ủng hộ trực tiếp nhiều hơn nữa. Y xin vũ khí cho 75.000 quân, hứa sẽ chỉ huy số quân này "tiêu diệt Cộng quân Việt Nam và tổng hành dinh Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam trên đất Căm-bốt".

Hoàng Minh Mộ và Đặng Văn Thủy lại đi Sài Gòn. Khi về, họ cho biết, các viên chức, nhân sĩ thiểu số Việt Nam coi FULRO như đã giải tán, không nhận đề cử ai làm chủ tịch. Les Kossem chửi um lên rồi tự lập "Ủy ban hành động lâm thời Trung ương" bên cạnh "Ủy ban chỉ đạo tối cao". Y chỉ định:

Hoàng Minh Mộ làm Chủ tịch.

Huỳnh Ngọc Sắng làm Phó chủ tịch, kiêm ủy viên tổ chức.

Y định sẽ đưa ủy ban này về lập trụ sở ở Sài Gòn, chọn một số dân biểu, công chức cao cấp tại Sài Gòn làm cố vấn, huy động số sinh viên Chàm, Thượng ở Sài Gòn làm cổ động viên. Les trao cho Mộ 200.000 Riel để hoạt động. Nhưng Hoàng Minh Mộ và Huỳnh Ngọc Sắng có ở lỳ Nam Vang, không dám về Sài Gòn, sợ bị cảnh sát Thiệu gây khó dễ và dân chúng phản đối, coi như tay sai của Les Kossem. Thấy ủy ban hoạt động ì ạch, cuối năm 1970, Les Kossem lại giải tán "ủy ban hành động lâm thời Trung ương", thành lập: "Ủy ban lãnh đạo FULRO", cử Y Bun Sor làm chủ tịch. Ngụy Văn Nhuận làm phó chủ tịch. Phụ tá cho Y Bun Sor có 10 ủy viên trung ương dự khuyết. Ủy ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của "Cố vấn đoàn" do Les Kossem làm chủ tịch và Châu Đêra làm chủ tịch danh dự.


Huỳnh Ngọc Sắng lại được Les Kossem cử về biên giới Việt Miên, vùng Châu Đốc, hoạt động gây cơ sở và liên lạc với các cựu đoàn viên FULRO ở Việt Nam, Đàng Năng Giáo ở lại Nam Vang bên cạnh Les Kossem, cùng Y Bun Sor và Ngụy Văn Nhuận thực hiện công việc do Les Kossem vạch ra cho "Ủy ban lãnh đạo FULRO".


Trong những ngày này Giáo thường gặp và nghe Trúc hát trong các hội nghị, lễ kỷ niệm ngày thành lập FULRO, tết ka-tê Chàm.

Tiếng hát Chàm ai oán của Trúc được nhiều người Chàm ở Căm-bốt, nhất là những người lưu vong, ưa thích:

Chàng ơi, em đã kết thề.
Trăm năm chỉ một lối về Tháp xưa...


Tiếng hát ấy cũng lay động trái tim Giáo. Lâu nay, lao vào hoạt động chánh trị, Giáo tưởng đã quên đi mối tình với Trúc. Nhưng không, tiếng hát quê hương đã đánh thức niềm say đắm. Giáo lại làm thơ gửi Trúc:

Tim anh cằn cỗi lâu rồi
Bỗng nghe em hát bồi hồi lại rung.


Cầm lá thư có bài thơ Giáo gửi, những kỷ niệm về mối tình đầu với Giáo ở quê hương bỗng sống dậy trong lòng Trúc. "Ru hồn vọng gác đêm sương. Bài ca mộng ước vấn vương trong lòng". Câu thơ cũ còn nhớ thì mối tình đâu dễ quên! Trúc quyết định trở lại với người yêu cũ.


Thế là đám cưới của họ được tổ chức, theo đúng phong tục đạo Islam mà hai người theo từ khi sang Căm-bốt.

Giáo đội mũ nhung đen theo kiểu Nam Dương, mặc com-lê đen. Trúc mặc váy áo Chàm trắng toát. Những bản nhạc Chàm với đàn Kanhi, trống Kmưng... cử hành du dương, rộn ràng.

Cưới xong, Giáo và Trúc ở lại Nam Vang, bên cạnh Les Kossem. Les Kossem cho hai vợ chồng Giáo học tiếng Pháp để chờ dịp dùng vào công việc của FULRO. Trúc có thai, Giáo đưa vợ về Lăng-spet, cách Nam Vang 30 cây số, ở với gia đình một vị giáo sư người Chàm tên là Pơ-cơ (bố nuôi của Giáo) chờ ngày sinh nở.


Thấy Trúc có thai quá nhanh, anh chị em FULRO nghi ngờ... Triệu nói xơi xơi: "Con ông Sắng đấy".
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #38 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2022, 10:19:21 am »

13. VỊ TÂN TỔNG TRƯỞNG

Trưởng ty Phát triển sắc tộc Tây Ninh Đô-may-ét cáo từ Paul Nưr về tư thất gặp vợ ngài.

Bà Siu H'Yum tươi cười đón ông Trưởng ty quen thân.

- Thưa bà, ông nhà vừa giao cho tôi một công vụ lớn lao: sang Căm-bốt để úy lạo đồng bào Chàm và lo thủ tục cho ai muốn về Việt Nam xây dựng tổ quốc. Tôi đã chạy chọt, và đã có giấy phép được vượt biên do Quân khu 3 quân lực Khơ-me cấp. Nhân tiện xin mời bà viếng thăm Nam Vang.

Đô-may-ét dừng lại, mỉm cười ý nhị, vì y đã biết Tổng trưởng phu nhân luôn sẵn săn đón cơ hội buôn bán thuận lợi.

Đi Nam Vang là một dịp làm ăn tốt, bà Tổng trưởng đon đả nhận lời. Hai người bàn bạc kế hoạch làm việc ở Nam Vang. Đô-mây-ét vui vẻ về Tây Ninh, chuẩn bị xe cộ.

Ba hôm sau, chiếc xe Jeep của Bộ Phát triển sắc tộc chở bà đi Tây Ninh. Trên xe có chuẩn úy Tung hộ vệ. Ở đây, Đô-mây-ét cùng ba nhân viên của Ty dùng một xe Jeep khác, tháp tùng bà sang Nam Vang.

Đoàn đến thị xã Xoài-riêng thì gặp tên Cam, cận vệ của Les Kossem, xin đi nhờ.

Ra khỏi thị xã 5 cây số, bỗng từ bên đường có một tràng súng lia vào xe. Tên Cam bị dính đạn chết gục.

Đến Nam Vang, bà Tổng trưởng và Đô-may-ét quên khuấy việc đi úy lạo và hỏi nguyện vọng những người Chàm xin về Việt Nam. Họ đi chơi các nơi, thăm các nguồn hàng, nhất là các tiệm bán ô-tô. Đô-may-ét đã giúp bà Tổng trưởng mua được một chiếc Pơ-giô 504 với giá 280.000 Riel, tính ra khoảng 1.400.000 đồng tiền Nam Việt Nam, quá rẻ. Họ định đem về Sài Gòn, nhờ số sĩ quan cảnh sát công lộ quen biết xin số rồi bán. Để tránh tiếng, Đô-may-ét gửi xe ở nhà một người bạn chờ dịp trở về.

Ông Trưởng ty mượn bạn một xe Pơ-giô 404 đưa bà Tổng trưởng về.

Bốn ngày sau, họ lên đường.

Khi họ đến trạm kiểm soát vùng ngoại vi đô thành Nam Vang thì bị cảnh sát giữ lại. Một sĩ quan cảnh sát sẵng giọng:

- Có lệnh của Trung tá Les Kossem bắt giữ chiếc xe này.

Bà Tổng trưởng cau mặt gắt gỏng hỏi:

- Vì sao?

- Xin mời bà về hỏi Trung tá Kossem!

Họ bị giải về tư thất của Les. Bà Paul Nưr cùng chuẩn úy Tung được Les mời vào nhà. Còn Đô-mây-ét và ba nhân viên tháp tùng thì bị tống ngay vào nhà giam quân cảnh.

Hai ngày sau, bà Paul Nưr được Les Kossem cho về Việt Nam, Đô-may-ét bị giải đến văn phòng của Les.

Ngài chủ tịch FULRO hầm hầm nét mặt, giận dữ:

- Tên phản quốc! Mày là người Chàm mà không thương yêu gì người Chàm. Vì sao mày đi lấy tin tức cho bọn Việt Nam, dụ dỗ người Chàm trở về.
Les Kossem ngừng lại, không cho Đô-may-ét trả lời đập tay xuống bàn, quát:

- Chính mày bảo thằng Cam về giết tao. Nó không nghe lời mày nên mày bắn nó chết rồi đổ tội cho Việt cộng. Tao có tin tức mật báo, tao biết hết tất cả hành động của mày. Chuyến này mày sang dụ dỗ anh em ở trong mặt trận FULRO và tìm kiếm tin tức ông Y Bhăm phải không? Tội mày đáng chết!
Đô-may-ét chỉ một mực kêu oan.

Hai hôm sau, Đô-may-ét được đưa từ nhà giam quân cảnh về với đám lính cận vệ gác tư thất Les Kossem. Cứ vài ba ngày một lần Les Kossem lại gọi y lên văn phòng, buộc phải khai hết sự thật về chuyến đi.

Cứ như thế, suốt hai tháng, Đô-may-ét bị giam lỏng.

Cuối năm 1970, thượng nghị sĩ Tôn Ái Liên sang Nam Vang. Tôn Ái Liên là chỗ thân tình với Les, vừa là một trong những người sáng lập FULRO, vừa là cha vợ Les Sari (em ruột Kossem). Tôn Ái Liên xin Les tha cho Đô-may-ét. Nhận lời, Les nới tay cho Đô-may-ét nhưng vẫn giam lỏng, không cho về Việt Nam.

Một hôm, Đô-may-ét xin Les cho ra phố để hớt tóc. Hớt xong, y mời tên lính Miên đi theo vào uống bia trong tiệm giải khát và nói với tên này:

- Anh ngồi uống nước, tôi đi toilette một chút xíu!

Đô-may-ét lẻn đến tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Nam Vang, gặp Trung tá Trương Kim Cang, xin can thiệp.

Cang vồ lấy cơ hội:

- Tôi sẽ can thiệp với điều kiện, anh hãy dò la xem Y Bhăm ở đâu, người của chúng tôi có thể tiếp xúc được không?

Đô-may-ét nhận lời.

Trở về nhà, Đô-may-ét đã dò hỏi Kpă Dơh, Ksor Đuốt, Đàng Năng Giáo, Ngụy Văn Nhuận... và được biết Les Kossem đang nhờ Um Savuk cai quản Y Bhăm.

Từ đó, cứ vài ba hôm, Đô-may-ét lại tạo cớ đến gặp Trương Kim Cang.

Les Kossem theo dõi mọi hành tung của Đô-may-ét, nhưng vờ như không. Les được biết Việt Nam Cộng hòa đang tìm cách kéo Y Bhăm về nước.

Đầu tháng 12, Les tỏ ra vỗ về Đô-may-ét. Một hôm Les nói giọng chân tình:

- Cần phải tái lập quốc gia Champa. Bọn Việt Nam xấu bụng lắm. Không đời nào chúng thật lòng thương yêu người Chàm đâu. Muốn tái lập quốc gia Champa phải có quân đội mạnh. Tôi sẽ cho anh về Việt Nam. Nhưng anh phải tuyển cho tôi một tiểu đoàn, khoảng 1.000 người Chàm. Khi nào tuyển đủ, anh lên đây ở hẳn với mặt trận FULRO. Tôi sẽ phong anh làm thiếu tá, chỉ huy tiểu đoàn Chàm ấy.

Đô-may-ét suy nghĩ. Hiện y có một vi-la đang cho Mỹ mướn ở Sài Gòn, hàng tháng thu tiền triệu. Y còn có một hiệu tạp hóa ở Châu Thành Tây Ninh. Giờ bỏ đi, tiếc lắm. Les Kossem như đoán được ý nghĩ của Đô-may-ét, nổi giận:

- Mày quên nỗi nhục mất nước của dân tộc Chàm ta rồi sao? Mày coi mạng sống và tài sản to hơn sự nghiệp phục quốc thiêng liêng? Mày tiếc cái chức trưởng ty à?

Đô-may-ét sợ hãi:

- Không, thưa Trung tá, tôi đâu dám thế, tôi sẽ thực hiện lời Trung tá dạy.

Ngày 7 tháng 12, Đô-may-ét được đưa đến Bộ Quốc phòng quân lực Khơ-me và được Trương Kim Cang nhận về.

Về đến nhà, Đô-may-ét được biết, báo "Da vàng" viết bài tố giác bà Tổng trưởng cùng y buôn lậu xe hơi đã bị bắt giữ ở Căm-bốt. Y thanh minh với đồng sự:

- Tôi bị bắt vì hoạt động cho dân tộc chứ đâu phải vì buôn lậu xe hơi?

Sau đó, Đô-may-ét lao vào việc tuyển lính Chàm cho Les Kossem và tìm mối làm ăn mới cho bà Tổng trưởng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #39 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2022, 10:25:55 am »

Một ngày xuân 1971, tại bàn giấy Tổng trưởng Paul Nưr.

Tiếng chuông điện thoại reo vang "Tổng trưởng phát triển sắc đẹp" cầm ống nghe. Tiếng viên bí thư Nguyễn Hữu Oanh hốt hoảng trong máy:

- Thưa Tổng trưởng, Y sa vừa từ Châu Đốc lên, cần gặp ngài.

- Bảo y lên ngay, tôi chờ - Paul Nưr lo lắng.

Hai phút sau, Trưởng ty phát triển sắc tộc Châu Đốc Y Sa bước vào phòng, nét mặt buồn bã, uể oải.

Tổng trưởng hỏi giật:

- Sao? Bị xui à?

- Dạ, người của ta đã mang crô-in thứ thiệt từ Căm-bốt về Châu Đốc. Sau đó tôi đã thuê tên trưởng ty Cảnh sát cho một tiểu đội cảnh sát áp tải xe chở về đây. Tưởng như thế là chắc ăn quá rồi, ai ngờ vừa bước chân đến ngoại vi Sài Gòn, bọn cảnh sát Tổng nha có lẽ được báo trước, ngăn xe lại khám. Bọn này đông. Tiểu đội cảnh sát Châu Đốc chuồn sạch. Thế là hàng của ta bị giữ và đưa về Tổng nha. Công việc đổ bể hết trọi. Chuyến này ta sẽ mất vài chục triệu. Xin ngài điện ngay cho tên Bình chia phần cho nó để ỉm chuyện đi. Để cho chúng nó làm to chuyện ra thì nguy hiểm quá!

Paul Nưr giận dữ quát:

- Cung cách này thì vô khám cả nút! Bọn cảnh sát chẳng vẫn kình địch với ta sao, chúng chỉ rình sơ hở để hại ta! Chúng lạ gì các mánh của ta? Trước khi về sao không điện cho tôi để tôi dàn xếp trước đi?

Paul Nưr quát tháo một hồi rồi hạ giọng:

- Nhưng thôi, chuyến này có cả phần của bà Bảo Trân và ông Quang. Thu xếp khéo may ra có thể ổn.

Paul Nưr tức tốc sang Tổng nha. Nhưng muộn quá rồi. Vụ buôn lậu quá lớn đã vỡ lở. Bọn cảnh sát vốn ghét Paul đã báo vụ này lên tận Nguyễn Văn Thiệu và cố vấn Bộ phát triển sắc tộc Thomas Busker. Bảo Trân và Đặng Văn Quang cũng đành làm ngơ, rút dù, không dám can thiệp.


Lâu nay, Thomas Busker vẫn bị ngài Đại sứ và ngài Phân cục trưởng CIA khiển trách về việc để cho Bộ phát triển sắc tộc bê bối. FULRO đã về hợp tác hơn hai năm rồi mà Bộ phát triển sắc tộc chẳng tăng uy tín lên được chút nào. Trong khi đó thì uy tín của Y Bih trong đồng bào Thượng ngày càng lớn. Cứ đà này thì dân chúng các sắc dân toàn Cao Nguyên sẽ về tay Y Bih hết! Cần phải thay ngựa. Thomas Busker nghĩ đến một con bài mới. Cần có một tên ít bị tai tiếng, ít tham tiền tài, gái đĩ hơn, nhất là phải có "lý tưởng chánh trị" hăng hái xốc vác, táo bạo hơn để thay Paul Nưr.

Tên nào đây? Những tên có vai vế trong Bộ phát triển sắc tộc ư? Toàn bọn tham nhũng. Paul đã đẻ ra đội ngũ thuộc cấp dốt nát, ham tiền, xu nịnh và mất tư cách. Vả lại, Paul đổ thì ê-kíp của y cũng phải đổ theo chứ, dùng thế nào được.

Y Bling ư? Y cũng trai gái, rượu chè, tham ô, xa lánh quần chúng. Vụ tham ô 9 triệu đồng còn sờ sờ ra đó. Y Bling vừa được cử làm Tổng thư ký ủy ban ngân sách Thượng nghị viện. Làm nghị viện được, nhưng không làm tổng trưởng được. Vì nghị viện chỉ có nghe, hoan hô, tán thành, còn tổng trưởng phải điều hành công việc nhiều quyền sinh sát lắm.

Y Chôn ư? Thomas Busker không tin, vì Y Chôn có tính khôn vặt, thường hai mặt, đáng sợ. Y Chôn chỉ giỏi làm cố vấn, nghĩa là chuyên nấp đằng sau xúi người ta, làm thầy dùi, để rồi cướp lấy thành quả.

Y Bliêng, Y Dhé ư? Họ đều bê bối như Paul Nưr hay quay quắt như Y Chôn.

Điểm đi điểm lại, ngài cố vấn chỉ thấy còn có Nay Loét. Phải, chỉ có Nay Loét là xứng đáng cương vị đó. Một người "đại diện cho lớp trẻ, hăng hái, giữ được tư cách" và nhất là tỏ ra say mê với "lý tưởng chính trị".

Nay Loét quả có một lịch sử phù hợp cho sự lựa chọn của người Mỹ. Y sinh ra ở một buôn hẻo lánh, nghèo đói nhất tỉnh Phú Bổn: buôn Ma Hing. Cha Nay Loét ông Kpă Tlam, rất nghèo. Thấy cả buôn Ma Hing mù chữ, người dân sống trong tối tăm, đói rách, ông quyết cho con đi học để sau này dễ kiếm miếng ăn. Ông tin rằng chỉ có bằng cấp cao mới đỡ bị người ta đè hầu bóp cổ, mới sống nổi ở vùng heo hút này. Ông thắt lưng buộc bụng cho con lên tận quận lỵ Cheo Reo học. Nay Loét nổi tiếng cả cùng Cheo Reo về tính ham học và học giỏi. Y được ông quận trưởng Nay Mun để ý. Thấy y sau này có cơ làm nên, Nay Mun liền nhận làm con nuôi, bỏ tiền ra nuôi cho ăn học. Chẳng bao lâu, Nay Loét đỗ đầu trường tiểu học và được vào học Grand Lycée Đà Lạt, nơi dành riêng cho con cái những gia đình có quyền thế, giàu có. Làm con nuôi ông Quận trưởng, chơi bời, giao du với con nhà giàu có, Nay Loét quên cuộc sống nghèo, bắt đầu mơ ước làm quan, có địa vị cao trong xã hội.

Một năm sau, Nay Mun bàn với vợ, cưới Nay Loét cho con gái là H'Om. Bà vợ đồng tình ngay.

Thế là ông bà Nay Mun sắm một lễ lớn, cho người mai đến buôn Ma Hing, gặp ông bà Kpă Tlam hỏi Nay Loét cho H'Om.

Được gả con trai cho con gái vị Quận trưởng, có nơi nương tựa. Ông bà Kpă Tlam mừng lắm.

Ông bà Nay Mun cho người mang cơm gói và gà nước đến nhà trai rước rể Nay Loét.

Heo đã hạ, rượu đã nấu, cả buôn được mời.

Chân của đôi vợ chồng được thoa máu. Sau lễ "Kpih" vợ chồng được coi như đã kết hợp với nhau như cánh nỏ với thân nỏ. Lễ "Lih Miêl" cũng được cúng cho hai vợ chồng.

Tám vòng tay, mềm để cõng con, bát bằng đồng để đựng sữa đã cho bên trai rồi.

Cưới xong, Nay Loét ở lại Cheo Reo, chờ ngày đến trường. Giữa lúc đó, Y Dư gặp Nay Loét báo tin phong trào BaJaRaKa đã nhóm, đấu tranh với Diệm đòi quyền sống cho đồng bào. Nếu độc lập thì người Thượng sẽ cai quản Cao Nguyên, giữ những chức vụ cao. Chắc mẩm sẽ làm quan to, Nay Loét tham gia ngay. Nay Loét cầm đơn thỉnh nguyện của Y Bhăm lên Sài Gòn trao cho đại sứ Mỹ, Anh, Pháp và Liên hợp quốc.

Ngô Đình Diệm đàn áp, bắt các lãnh tụ của phong trào BaJaRaKa. Nay Loét bị bắt, giam ở nhà lao Plei Ku rồi chuyển về nhà lao Huế.

Bốn năm sau, tháng 9 năm 1962, Nay Loét mới được tha. Sau khi ra tù, Nay Loét lâm vào hoàn cảnh tăm tối buồn thảm, gần bị lòa hai mắt.

H'Om không chờ chồng, đã lấy Nguyễn Văn Miễn, một sĩ quan Cộng hòa.

Nay Loét phải đi chữa mắt ở bệnh viện Chợ Rầy. Bệnh khỏi y phải sống ở Plei Ku không dám về nhà vì sợ công an Diệm bắt.

Nhưng dù ở Plei Ku thì bọn mật thám, cảnh sát Diệm vẫn bám riết y. Nay Loét lại bỏ Cao Nguyên, ra Đà Nẵng kiếm sống.

Vốn thạo tiếng Anh, y xin làm thông dịch viên cho quân đội Mỹ ở Hòa Cầm.

Sống ở đây, hằng ngày tiếp xúc với sĩ quan binh minh Mỹ, Nay Loét bắt đầu thay đổi cách nhìn. Tiền của Mỹ đổ ra như nước. Lính Mỹ trang bị tận răng. Ngay nước tắm cũng được phun từ máy bay. Vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Tất cả làm Nay Loét thán phục, sợ hãi Mỹ. Y thấy rằng, bất kể làm gì, không thể không dựa vào Mỹ.

Diệm đổ, Khánh lên, Nay Loét về nhà ít lâu, nghe ngóng tình hình rồi ra làm thông dịch viên cho cơ quan USOM. Ít lâu sau, Nay Loét được Mỹ cho làm kiểm soát viên, chuyên kiểm soát hàng hóa viện trợ.

Hàng ngày, y được chứng kiến các quan chức thẩm lậu, ăn cắp hàng hóa viện trợ rất trắng trợn.

Tỉnh trưởng Phú Bổn Đỗ Cao Chi, quận trưởng Phú Thiện Nguyễn Văn Thơm vơ vét gần hết hàng viện trợ.

Heo giống, bột mì, gạo, tôm... các ông lần lượt quơ hết.

Buôn Plei Ngon bị pháo chi khu Phú Thiện bắn cháy. Để mị dân, Mỹ cho ít mền chiếu. Ông tỉnh trưởng và Quận trưởng bớt quá nửa. Nay Loét tố, bị các ngài trù, tìm cách hại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM