Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:40:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ai giết Lê Lai? giặc Minh hay Lê Lợi?  (Đọc 64584 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
BắcBìnhĐạiTướng
Thành viên

Bài viết: 4


« vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 02:46:21 pm »

Ai giết Lê Lai? giặc Minh hay Lê Lợi?




Tại sao "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư " không chép chuyện "Lê Lai liều mình "?
Chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa là một hành động hy sinh vì đại nghiã rất đáng cho người đời sau ghi nhớ . Ở Thành Phố H.C.M ,đại lộ Lê Lợi chạy từ Nhà Hát Thành Phố đến Chợ Bến Thành, nối liền là đường Lê Lai chạy cho đến Nhà Thờ Huyện Sĩ. Trong nhân gian cụm từ " Hăm mốt Lê Lai,hăm hai Lê Lợi " cũng nói lên lòng kính trọng đối với ngày giỗ của hai vị anh hùng này. Những vị cao tuổi bây giờ , ngày xưa học tiểu học cũng đã từng học chuyện" Lê Lai liều mình cứu chúa" .Trong "sử ký lớp ba" do sử gia Trần Trọng Kim soạn, Nha Học Chính Bắc Kỳ ấn hành đã được dùng làm sách giáo khoa dạy trong các trường . Nếu không nghiên cứu thêm các sách sử khác mà cứ một mực tin theo như thế và lòng tin ấy vẫn kéo dài hằng mấy mươi năm ,có thể cho đến khi chết vẫn yên trí như vậy, không biết điều đó có thật đúng như vậy hay không?

Với những người yêu môn sử học,có nghiên cứu thì thấy chuyện này lại khác. Nhiều nghi vấn được đặt ra:

* Lê Lai cứu chúa ở trận nào, thời gian nào ?

* Ông có bị quân Minh bắt không ?

* Hay ông còn sống và sau đó chết vì tay Lê Lợi ?

Về việc này mỗi nhà viết sử viết một khác.

a. Theo Dực Tông Anh Hoàng Đế (vua Tự Đức ) trong Ngự Chế Vịnh Sử Tổng Luận cuốn 5 trang 49 ".....Có lần vua Lê Thái Tổ tiến đóng ở Lạc Thủy bị quân nhà Minh vây sát, vua yếu thế, lén rút về ở núi Chí Linh, giặc Minh rút lui để trở lại tấn công xứ Mỹ-Lộng, sách Hà Đã.

Trong tình cảnh nguy khốn, quân ít thế cô lại nhiều lần bị quân Minh vây hiếp, vua ban hỏi các tướng lãnh"trong các tướng có ai bằng lòng đem mình thay ta ra đánh ở Tây Đô để làm mồi nhử cho giặc bắt, trường hợp đó ta sẽ rảnh tay chiêu tập quân sĩ để sau này mưu đồ đại sự."

Lê Lai liền tình nguyện đảm đương việc này bèn xuất binh đến thành Tây Đô khiêu chiến và mặc áo Ngự bào, tự xưng Bình Định Vương. Quân giặc trông thấy người mặc áo vàng tưởng là Bình Định Vương thật, bèn đem hết quân đến vây và bắt sống; đem về rồi giết ... Nhờ thế Bình Định Vương được nghỉ ngơi vài năm để lo tích dưỡng binh đội mà quân Minh không hề để ý đến.

b. Theo Ngô Thì Sỹ trong Việt Sử Tiêu Aùn trang 298 thì " ... Trước Vương khởi binh ở Lam Sơn, thế quân kém và ít, người Minh lùng bắt mãi, bèn mưu cùng tướng tá rằng ai có thể đem thân ra thay ta, để cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghĩ để mưu đồ cử binh lần sau. Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy, Vương lạy khấn trời nói ; "Lê Lai đem thân mà thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn". Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương đã chết. Người Minh cũng tin là thật không lưu ý. Đến lúc này Vương rời đồn đến Mang Thôi, .... Lý Bân Phương Chính (tướng Minh) đem 10 vạn quân đến vây .Vương phục binh ở Thị Lang tập kích địch....".

c. Theo Phan Huy Chú, trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí trang 332, chỉ nói Lê Lai vì nước bỏ mình... cho nên không riêng chép ra mà chỉ nhân thể chú phụ vào sau thôi - trong phần chú thích có ghi "Lê Lai là người làng Dụng Tú huyện Lương Giang. Lúc mới khởi binh bị tướng Minh vây chặt, vua hỏi các tướng bàn xem đổi áo đánh lừa giặc như việc Kỷ Tín ngày xưa, Lê Lai xin đi bèn mặc áo bào đem quân xông vaò hàng trận của giặc, đánh đuối sức và bị bắt , vua nhân dịp này trốn thoát.

d. Theo Lê Quý Đôn trong Đại Việt Thông Sử "... Đóng ở Mang Cốc trong núi Linh Sơn hơn 10 ngày, phải dùng mật ong trộn với vũ dư lương làm bữa ăn rất là khốn đốn. Hoàng Đế bèn hỏi các Tướng: "có ai dám bắt chước Kỷ Tín thời xưa không ?". Người ở thôn Dụng Tú là Lê Lai khẳng khái vâng mệnh, tự nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua,xưng là vua Lê Lam Sơn, dẫn quân ra đánh quân Minh, quân Minh mừng rỡ liền dồn cả lực lượng vây chặt Lê Lai, ông chống cự đến kiệt sức rối bị bắt, quân Minh dẫn ông về thành Đông Quan giết chết, chúng liền lui binh, ta thoát nạn...

e. Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thấy viết " ... về Chí Linh lần thứ hai tháng tư năm Kỷ Hợi (1419) quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Định Vương lui tới bèn đem binh đến vây đánh, Vương bị vây nguy cấp lắm bèn hỏi các tướng rằng có ai làm được như Kỷ Tín ngày trước chịu chết cho vua Hán Cao không? Bấy giờ Lê Lai liều mình vì nước xin mặc áo bào cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân nhà Minh tưởng là Bình Định Vương thật xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.

f. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí lại viết " ... Lê Lai người thôn Dựng Tú huyện Thụy Nguyên, Thái tổ khởi nghĩa bị quân Minh vây hãm, các tướng bàn mưu cho một người mặc áo bào giả làm Bình Định Vương để đánh lừa giặc theo như việc cũ của Kỷ Tín nhà Hán, Lê Lai xin làm việc ấy vì vậy Thái tổ mới lén ra đi năm Thuận Thiên thứ nhất được tặng thái ký..."

g.Trong Đaiï Việt Sử Ký Toàn Thư, cuốn thứ X có lẽ do Phan Phu Tiên viết là chính sau này các sử quan khác như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ, Lê Hy nhuận sắc thêm thì chỉ có ghi theo biên niên các trận đánh mà ở đó Lê Lợi khốn đốn vì bị vây hãm và hết lương.

1. Mùa xuân tháng giêng ngày Canh thân, vua khởi binh ở Lam Sơn (1418) , ngày mồng 9 tháng ấy bọn nội quan nhà Minh là Mã Kỳ đem đại binh tới uy hiếp vua ở Lam Sơn, vua bèn lui quân đến đóng ở Lạc Thủy, ngày 13 dời quân đến núi Chí Linh. Ngày 16 giặc đi lối tắt đánh úp đằng sau vua bắt mất gia thuộc của vua và rất nhiều vợ con của quân dân. Tháng 2 vua hết lương, không còn gì để nổi lửa gặp khi giặc lui quân bèn về đắp thành ở đất Lam Sơn.

2. Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1419) vua đánh đồn Nga Lạc, tháng 5 đóng ở sách Đà Sơn, quân Minh tiến đánh vua phục kích ở Mường Chách... ít lâu sau dời sang Mường Thôi rồi lại về Vu Sơn.

3. Tháng 10, năm Canh Tý (1420) quân ta đánh nhau với quân Minh ở Mường Nanh.

4. Từ năm 1420 - 1422 lúc nào cũng có giao tranh với quân Minh.

5." Mùa đông tháng 12 năm Nhâm Dần (1422) quân ta bị giặc Minh vây ở Sách Khôi, vua bảo các tướng sĩ " giặc vây ta bốn mặt, có muốn chạy cũng không có lối nào thoát. Đây chính là tử địa mà binh pháp đã nói, đánh nhanh thì sống, không đánh nhanh thì chết. Vua nói xong chảy nước mắt, các tướng sĩ đều xúc động tranh nhau liều chết quyết chiến....Vua đem quân về đóng ở núi Chí Linh, quân lính hết lương, hơn 2 tháng chỉ ăn rau củ và măng tre mà thôi, vua giết 4 con voi và cả ngựa của mình cưởi để nuôi quân sĩ...."

Từ trận đó cho đến khi toàng thắng giặc Minh vào năm 1428 không có trận nào mà Lê Lợi bị vây khốn nữa.

Theo như lời của vua Tự Đức có lẽ việc Lê Lai đổi áo bào cho Lê Lợi là trong trận ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) hoặc tháng hai năm đó - xứ Mỹ công sách Hà Đã có lẽ là vùng thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn.

Theo Ngô Thời sĩ thì có lẽ hành động của Lê Lai được thực hiện trong trận tháng 5 năm Kỷ Hợi (1419) khi quân Minh tiến đánh Lê Lợi ở sách Đà Sơn.

Còn Phan Huy Chú thì không ghi rõ địa điểm cũng như thời gian của việc này.

Lê Qúy Đôn thì ghi "đóng quân ở Mang Cốc trong núi Chí Linh hơn 10 ngày hết lương..." và hành động mặc áo bào của nhà vua xưng là Lê Lam Sơn có thể vào mùa đông tháng 12 năm1422 trong khi đó Trần Trọng Kim thì ghi rõ là tháng 4 năm1419.

Một điều đáng ngạc nhiên là sử gia các đời về sau đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa .Trong khi nhóm sử thần đời Lê lại không ghi chuyện này.Trong Đại Việt Sử Ký Tòan Thư phần bản kỷ , quyển số 10, trang 27b chỉ thấy chép : "Ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427) giết Tư Mã Lê Lai , tịch thu gia sản vì Lai cậy có chiến công nói năng khinh mạn "

Điều này cho phép ta hiểu rằng chuyện Lê Lai đổi áo giả làm Lê Lợi là có thật nhưng ông đã may mắn thoát khỏi tay quân giặc để trở lại hàng ngũ kháng chiến .Nghĩa là ông vẫn còn sống cho đến năm 1427 tức là 8 năm sau mới bị Lê Lợi ra lệnh giết chết

" Điểu tận cùng tàng" chim hết thì cung tên xếp xó; thỏ hết thì chó săn bị bắt ra làm thịt, việc giết công thần sau khi đã làm nên nghiệp lớn là việc thường xảy ra dưới thời đại phong kiến.Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Việt Vương Câu Tiễn giết Văn Chủng , Phạm Lãi nhờ trốn sang nươc Tề rồi vào đất Đào, cải tên là Đào Chu Công mới may còn sống sót.

Theo nhận xét của các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ,quyễn X ,trang 75b viết : "Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay,thi hành chính sự thực rất khả quan....song đa nghi hiếu sát là chổ kém ". Khi thành công trong việc giành lại độc lập - Lê Lợi đã giết chết nhiều công thần đã sát cánh cùng mình trong gian khổ chiến đấu. Ngày 10 tháng giêng Mậu thân ( 1428 ) giết Trần Cảo,Năm 1429 giết Trần Nguyên Hãn , Năm 1431 giết Phạm Văn Xảo ... vì lo rằng sau này họ có chí khác nên bên ngoài thì đối xử theo lẽ tiết hậu nhưng trong lòng lại rất ngờ vực.
                                                 (đây chỉ là y kiến chủ quan của em)
mọi người cho ý kiến nha! Wink
----------------------------------
Đề nghị bạn chủ topic ghi rõ nguồn của bài viết này. Sau 24h mà không ghi rõ nguồn, chủ đề sẽ bị xoá
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tư, 2009, 02:50:22 pm gửi bởi ptlinh » Logged
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 03:18:14 pm »

 Tôi là con cháu Lê tộc , xin nói với Bet be đại tướng là  gia phả họ  Lê hay còn gọi là "Lê Triều Ngọc Phả " nói rất rõ là có 2 ông Lê Lai , .Ông thứ nhất là Nguyễn Lai đã liều mình cứu chúa  sau được Lê lợi ghi nhớ công ơn  ban quốc tính là họ Lê  con cháu ngày nay đã cải lại họ là Nguyễn bá. (một số chi vẫn để họ Lê )  .Ông thứ hai là đại tướng Lê Lai  là một trong những khai quốc công thần ,Điều đặc biệt trong gia phả  ghi là cả Hai  Ông đều giỗ ngày 21 còn ngày 22 là giỗ Lê Lợi .đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên  nên nhiều người kể cả các nhà sử học hay bị nhầm lẫn  Cuộc kháng chiến chống giặc phương Bắc của nhân dân Việt nam thắng  lợi là nhờ vào những đóng góp vô cùng to lớn của toàn thể dân tộc Việt nam trong đó có sự hy sinh trong điều kiện hết sức đặc biệt như của ông Nguyễn Bá Lai . Sáu trăm năm sau con cháu của 2 ông lại sát cánh bên nhau chiến đấu  để nhắc lại cho người phương Bắc nhớ Bạch Đằng ,Chi Lăng còn đó
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tư, 2009, 03:49:09 pm gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
pain
Thành viên
*
Bài viết: 421



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:03:36 pm »

Congngheso.net hoặc web.datviet Grin Grin Grin
Logged

Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc. Đó là không...ham muốn gì nữa!!!
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 04:39:28 pm »

Cái vụ 2 ông Lê Lai này em nhớ ngày xưa còn cả 1 seri phản biện nhau (tất nhiên là cả 2 bên đều chưa tham khảo gia phả họ Lê mà bác Tài nói Wink), để thử tìm lại mọi người đọc cho vui.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 05:26:00 pm »

     Trích bản Lê tộc sinh hạ    "...Nguyễn Bá Lai  chống cự quyết liệt,kiệt sức không địch nổi  bị quân Minh bắt đưa  về Đông quan rổi đưa về nước Tàu ,xử tử ngày 8 tháng 8 năm 1421.."
  "Ông Lê Bá  Lai mất giờ tý ngày 21 tháng 8 năm Ất Tỵ (1425) táng ở trang Bái đê..."(  sự trùng hợp)
 Giỗ Lê Lợi là 22/8 nên phải giỗ Nguyễn Bá Lai trước một ngày  là 21/8 nên có câu :hai mốt Lê Lai ,hai hai Lê Lợi
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 09:24:40 pm »

Bắc bình đại tướng rút kinh nghiệm lần sau có cọp ở đâu về thì ghi nguồn và đặc biệt là sửa lại chính tả nhé! Smiley
Logged
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 09:29:25 pm »

Bắc bình đại tướng rút kinh nghiệm lần sau có cọp ở đâu về thì ghi nguồn và đặc biệt là sửa lại chính tả nhé!
------------------------------
 Hì, theo em cái quan trọng nhất là bạn ấy đừng tự nhận bài copy là của mình, bác tuaans ạ! Grin
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 09:36:58 pm »

Gốc là ở đây http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/chuongtrinhphanphuluc.htm các nơi đăng lại. Nhiều bài các bác ấy viết được lắm, nhiều bài thì các bác ý gồng mình viết vì cái danh "nhà khoa học", viết ra khối thằng tin!
------------------
theo bài viết trên thì còn một đoạn nữa như sau:

Lê Lợi đã ra lệnh giết chết Lê Lai cũng nằm trong ý đồ này

Thêm một yếu tố xác định việc thanh toán này là trong danh sách ban biển ngạch công thần cho 93 người vào ngày 3 tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429 ) không có tên của Lê Lai và suốt các đời vua Lê về sau trong các lần phục hồi công trạng cho các công thần bị hàm oan cũng không thấy có tên Lê Lai mà chỉ nói đến tên của Lê Lâm và Lê NIệm là con và cháu nội của Lê Lai mà thôi.Mãi cho đến năm Nhâm Tý (1672) Lê Gia Tông niên hiệu Dương Đức năm thứ nhất mới thấy phục hồi cho Lê Lai hạ .Lê Gia Tông hạ chiếu giảm bớt ruộng thế nghiệp của các công thần thời Lê sơ, ngoại trừ Lê Lai (sách Biên Niên Lịch Sứ Cổ Trung Đại Việt Nam trang 320 )

Giết một người đã chết thay cho mình ,để mình được sống mà bảo tòan lực lực lượng,đổi nguy thành an, sau này lên ngôi Hòang Đế ; giết mà còn tịch thu gia sản sau khi đã thề thốt nặng lời " Lê Lai đem thân mà thay chúa , nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi , bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn " quả Lê Lợi đã làm một việc thật là......... Nếu các tác giả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi chuyện" Lê Lai liều mình" và sau đó còn ghi việc Lê Lai bị giết thì khác nào bêu xấu Lê Lợi ,điều mà các vua Lê không lấy gì thích thú .Có thể các sử gia có chép chuyện "Lê Lai đổi áo" vì rằng đó là một sự kiện đáng tự hào, không thể không ghi, nhưng khi dâng vua xem thì e rằng vua hạ lệnh "biên tập " đi chăng !

Còn tại sao các sử gia như Lê Qúy Đôn, Trần Trọng Kim và ngay cả vua Tự Đức không ghi việc Lê Lợi giết Lê Lai vào năm 1427 là vì họ đã cho giặc Minh bắt và giết Lê Lai ngay lần cứu chúa vào năm 1419 rồi còn đâu nữa ! Chỉ có Ngô Thì Sĩ là không ghi ai đã giết Lê Lai , còn Phan Huy Chú thì chỉ nói khaí quát là "Lê Lai vì nước bỏ mình"...

Trong sách Lịch Sử lớp 7 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ấn bản lần thứ 9 tháng 7/1996 đang được dạy tại các trường Phổ Thông, trang 69 viết: " Trước tình thế hết sức nguy hiễm, Lê Lai liền cải trang làm Lê Lợi chỉ huy một đội quân cảm tử xưng là chúa Lam Sơn, xông thẳng vào vòng vây của địch.Quân Minh dồn hết sức hướng về phía Lê Lai . Chúng bắt được Lê Lai và đội quân cảm tử đem giết hết."

Một câu hỏi cần thiết phải đặt ra: Có nên sửa lại bài học lịch sử này hay không ? và nếu không thì phải giải thích chuyện Lê Lợi ra lệnh giết Tư Mã Lê Lai vào ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427 ) như thế nào ? Rất mong được các bật cao minh đóng góp ý kiến, nhất là các nhà sử học .


« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tư, 2009, 09:39:00 pm gửi bởi tuaans » Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 10:06:41 am »

Vụ này đã có từ cách đây hơn 10 năm.

Nguồn từ tusach.vietnhim.com.

Ai Giết Lê Lai

Nguyễn Dư


Hầu hết những người được đi học, bạo miệng hơn thì có thể nói rằng tất cả những người được đi học, đều biết chuyện "Lê Lai liều mình cứu chúa". Chuyện như sau: Năm 1418, tại đất Lam Sơn, Lê Lợi và 18 người bạn tâm huyết khởi nghĩa chống quân Minh. Năm sau, nghĩa quân bị quân Minh vây ở núi Chí Linh.

"Quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Định Vương (Lê Lợi) lui tới, bèn đem binh đến vây đánh. Vương bị vây nguy cấp lắm, mới hỏi các tướng rằng : Có ai làm được như người Kỷ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không ? Bấy giờ có ông Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc thay áo ngự bào, cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân Minh tưởng là Bình Định Vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Đô.
Vương nhờ có ông Lê Lai chịu bỏ mình cứu chúa, mới thoát được nạn lớn..." (Trần Trọng Kim : Việt nam sử lược, Nxb Miền nam, Hoa kỳ, tập I, tr.219).

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú (Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.266) kể tên một số công thần nhà Lê :

"Công thần đầu nhà Lê nguyên số là 93 người, không thể chép hết được (...) Họ đều là bậc anh tài giúp vua, gặp hội phong vân trổ hết trí dũng, đều là có công đầu mở nước cả (...). Còn như Lê Thạch làm tiên phong thường thắng, Lê Lai vì nước bỏ mình, Lê Triện, Lê Lễ bày mưu lạ phá giặc, đều là tướng tài giỏi, có tiếng một thời tiếc rằng chết vì việc nước, công nghiệp chưa trọn (...)".

Phan Huy Chú ghi thêm về Lê Lai :

"Ông người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa) : Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem [có ai] đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt. Vua nhân dịp trốn thoát".

Ở đoạn trên Phan Huy Chú viết "Lê Lai vì nước bỏ mình", xuống dưới lại viết "đánh đến đuối sức, bị bắt". Phải chăng vì thế mà đã khiến các thế hệ sau hiểu lầm ? Nếu Lê Lai chỉ bị bắt thì hành động"vì nước bỏ mình"của ông phải được hiểu là "vì nước bỏ chuyện riêng tư của mình", chứ không phải là "chết vì nước".

Hoàng Đạo Thúy (Đi thăm đất nước, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1978, tr.302) viết còn rõ hơn Trần Trọng Kim :

"Thiệu hóa là quê của nhiều tướng Lê : Lê Lai, tướng đã chết thay vua Lê, ở Dựng Tú, 5 km bắc Lam Sơn (...)".

Lịch sử Việt nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.244) kể lại "hành động hy sinh cao cả và lẫm liệt của người anh hùng Lê Lai" như sau :

"Năm 1419, nghĩa quân bị bao vây lần thứ hai ở núi Chí Linh. Vòng vây của kẻ thù ngày càng khép chặt và lương thực của nghĩa quân đã hết sạch hơn mười ngày. Trước tình thế đó, tướng Lê Lai xin cải trang làm Lê Lợi, dẫn 500 quân cảm tử ra đột phá vòng vây để đánh lạc hướng quân thù. Quân Minh tập trung lại bao vây để bắt sống Lê Lai và tiêu diệt đội quân cảm tử. Nhờ đó cuộc khởi nghĩa thoát khỏi một cơn hiểm nghèo.

"Lê Lai là người làng Dựng Tú (...). Cả gia đình Lê Lai gồm 2 anh em và 3 người con trai đều tham gia cuộc khởi nghĩa và 4 người đã hy sinh anh dũng trong chiến đấu. Hành động xả thân vì nước của Lê Lai đã trở thành một hình tượng anh hùng không bao giờ phai mờ trong ký ức của dân tộc ta".

Đọc đoạn sử này ta hiểu rằng gia đình Lê Lai có 5 người theo cuộc khởi nghĩa, và 4 người đã hy sinh trong chiến đấu. Còn một người sống sót, đó chính là Lê Lai, bị quân Minh bắt sống.

Lời văn tuy không rõ ràng, dứt khoát, nhưng đọc kỹ thì cũng hiểu được.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, tập 3, tr.5-78) không chép chuyện "Lê Lai liều mình cứu chúa".

Sự thực ra sao ? Quân Minh có giết Lê Lai không ? Chắc chỉ có Nguyễn Trãi, một người trong cuộc, một nhân chứng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mới đem lại cho chúng ta câu trả lời đúng nhất.

Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976) được chính Lê Lợi đề tựa, kể rằng (tr.50) :

"Bấy giờ quân ta mới thắng nhỏ, mà thế giặc lại đang lớn mạnh, vua liền vời các tướng lại nói rằng :

- Ai có thể mặc áo hoàng bào thay ta đem 500 quân và 2 thớt voi đi đánh thành Tây Đô, thấy giặc ra đánh thì tự xưng "ta là chúa Lam Sơn", để cho gặc bắt được, cho ta có thể ẩn náu nghỉ binh, thu nhặt binh sĩ mưu cử sự về sau ?"

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai nói :

- Thần nguyện đổi lấy áo bào. Ngày sau bệ hạ thành đế nghiệp, có được thiên hạ, nhớ đến công thần mà cho con cháu muôn đời của thần được chịu ơn nước. Đó là điều thần mong ước.

Vua vái trời mà khấn :

- Lê Lai có công đổi áo, sau này trẫm cùng con cháu trẫm và các tướng tá công thần cùng con cháu họ, nếu không nhớ đến công ấy, thì xin điện cỏ này hóa thành rừng núi, ấn báu hóa ra cục đồng, gươm thần hóa ra dao thường.

Vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cổng trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy binh mạnh xông ra đánh, Lê Lai cưỡi ngựa phi vào trận giặc, nói rằng :

- Ta là chúa Lam Sơn đây !

Giặc liền vây và bắt trói đem vào trong thành xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng".

Nguyễn Trãi cho biết là Lê Lai bị quân Minh bắt sống, trói đem vào thành Tây Đô và bị tra tấn dã man.

Như vậy, chúng ta thấy rằng những ai viết rằng Lê Lai bị quân Minh "bắt được giết đi" hay là Lê Lai "chết thay vua Lê", "Lê Lai vì nước bỏ mình", Lê Lai có "hành động cao cả và lẫm liệt, xả thân vì nước" là viết không đúng sự thật hoặc vô tình để người đọc hiểu lầm.

Đại Việt sử ký toàn thư chép : Tháng giêng năm 1427, "ngày 13, bọn Lê Lựu, Lê Bôi ngày đêm đánh gấp thành Khâu Ôn, người Minh tự liệu không chống được, bỏ thành trốn đi đêm.

"Giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết".

Rõ ràng là Lê Lai bị "phe ta" giết. Lê Lợi hạ lệnh giết Lê Lai năm 1427, một năm trước khi đuổi sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi và lên ngôi hoàng đế.

Chi tiết quan trọng này không thấy các sách khác chép lại. Hoàn cảnh của Nguyễn Trãi không cho phép ông viết lúc Lê Lợi còn sống. Điều đó dễ hiểu. Ngô Sĩ Liên, một sử thần nhà Lê, đã chép lại cho hậu thế một sự kiện lịch sử. Ngô Sĩ Liên đã giữ đúng tác phong của một sử gia nghiêm túc. Thật đáng ca ngợi. Không hiểu tại sao các sử gia đời sau lại quên chi tiết này ?

Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427, có nghĩa là ông phải được trở về với nghĩa quân Lam Sơn trước năm 1427. Năm nào ? Lam Sơn thực lục chép rằng (sđd, tr.59) :

Năm 1425, tháng 5 "Vua bèn chia hai nghìn tinh binh, hai thớt voi, sai bọn cháu ngoại là Lê Lễ, Lê Sát, Lê Bị, Lê Triện, Lê Nhân Chú suốt ngày đi ra đánh úp thành Tây Đô. Giặc đóng cửa chống giữ. Quân ta đánh vỡ, bắt được đảng giặc rất nhiều, chém hơn năm trăm đầu. Phàm nhân dân ở gần thành giặc, mảy may không xâm phạm".

Trong bài Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi cũng nhắc lại chiến công này (sđd., tr.86) :

(...) Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
Đất Nghệ An chiếm lại, Tây Đô thu nhanh về tay
Gạo nước đón rước
Người theo đầy đường (...)

Chu Kiệt bị bắt, Hoàng Thành bị chém ở Bồ Ải năm 1424. Nghĩa quân Lam Sơn chiếm thu Nghệ An, Tây Đô năm 1425.

Ta có thể phỏng đoán rằng Lê Lai được giải cứu khỏi thành Tây Đô trong dịp này, tức là năm 1425. Trở về với nghĩa quân, Lê Lai được Lê Lợi phong chức tư mã vì ngày trước có công giúp Lê Lợi. Lê Lợi giữ đúng lời thề năm xưa.

Từ tháng 5-1425 đến tháng giêng 1427, kể từ lúc được cứu đến lúc bị giết, trong vòng gần 2 năm, có thể Lê Lai đã tham dự vài trận đánh quân Minh. Nhưng trong tất cả các trận đánh, sử không bao giờ nhắc đến tên Lê Lai. Điều đó cũng cho phép ta nghĩ rằng Lê Lai không phải là tướng lãnh chỉ huy, không giữ vai trò quan trọng nào. Thế mà ông lại tự cho mình "có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn, nên bị giết".

Sau này Lê Lợi còn giết thêm một tư mã nữa. Năm 1432 "mùa xuân, tháng giêng, sai thân vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Đèo Mạnh Vượng là con tù trưởng Đèo Cát Hãn ra hàng, cho ở Đông Kinh, lập làm tư mã, rồi năm sau giết chết".

Ngày nay chúng ta có thể thắc mắc tự hỏi tại sao quân Minh không giết Lê Lai ? Đọc Lam Sơn thực lục và Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi và Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì thấy rằng dường như hai bên quân Minh và quân Lam Sơn đã "thỏa thuận ngầm" với nhau rằng lúc lâm trận thì chém giết thẳng tay, nhưng tù binh bắt được thì không giết. Chỉ giết tù binh nào chống đối, mưu phản.

Năm 1418, quân Minh bắt vợ con Lê Lợi. Năm 1428 Lê Lợi xin trả lại con gái. Năm 1427, "Bí (Lê Bí) bị giặc bắt được. Sau giặc về nước, lấy lễ đưa Bí trở lại".

Lê Lễ bị bắt. "Lễ không chịu khuất, bị giết chết".

Quân Lam Sơn bắt được Cầm Bành. "Bành đã đầu hàng, chớ xâm phạm một tí gì, đều tha tội cả, không giết một người. Sau Cầm Bành mưu phản, vua sai giết chết".

Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Thái Phúc.... bị bắt nhưng không ai bị giết.

Nếu Lê Lai không chống đối, mưu phản, thì quân Minh không giết ông, chỉ giữ làm con tin.

Chúng ta có thể tóm tắt chuyện "Lê Lai liều mình cứu chúa" như sau :

Năm 1419, nghĩa quân Lam Sơn bị vây ở núi Chí Linh. Lê Lợi tìm người thay mình ra đánh quân Minh. Lê Lai tình nguyện và có "mặc cả" với Lê Lợi. Lê Lợi thề sẽ nhớ công của Lê Lai.

Lê Lai mặc áo bào xông ra trận, bị quân Minh bắt sống, trói đưa vào thành Tây Đô tra tấn.

Năm 1425, nghĩa quân đánh thành Tây Đô, cứu được Lê Lai. Lê Lai được thăng chức tư mã, tham dự vài trận đánh. Thành tích quân sự không đáng kể.

Lê Lai cậy có công, hay nói lời ngạo mạn, bị Lê Lợi giết năm 1427.

Ngô Sĩ Liên nhận xét về vua Lê Lợi như sau :

"Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 10 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, dựng quan chức, lập phủ huyện, thu sách vở, mở học hiệu. Có thể gọi là có mưu lớn sáng nghiệp. Song đa nghi hay giết, đó là chỗ kém".

***

Trong một buổi gặp gỡ bạn bè, tôi nửa đùa nửa thật đặt câu hỏi "Ai giết Lê Lai ?", thì lập tức gặp phản ứng :

- Giễu dở ! Vô duyên !

- Biết rồi ! Khổ lắm ! Hỏi mãi !

- Mẹ kiếp ! Mới ngày nào còn mài rách cả đũng quần, thế mà bây giờ để cho "bò cười" quyến rũ, quên cả chuyện "Lê Lai liều mình cứu chúa".

Có bạn còn nhắc khéo tôi rằng ở Sài gòn, đại lộ Lê Lợi và đường Lê Lai cùng "nằm gai nếm mật", suýt đụng đầu nhau tại bùng binh chợ Bến Thành. Ngoài Hà Nội, hai đường nằm hai bên Hồ Gươm như cùng tưởng nhớ tới thanh gươm thần cứu nước ngày nào.

Vâng, trang sử còn đẹp hơn nữa nếu như Lê Lợi không giết Lê Lai.


Nguyễn Dư
(16.4.1998)
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Tư, 2009, 10:12:17 am gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2009, 10:07:31 am »

Trao đổi ý kiến với Nguyễn Dư :
Nói chuyện Lê Lai, mà Lê Lai nào?


Nguyên Thắng


Nghề đọc sách cũng lắm công phu. Anh bạn Nguyễn Dư kể ra đã không ít công phu lần giở sách xưa. Khêu ra một sự kiện có ghi chép rành rành trong bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư (từ đây gọi là Toàn thư) :
Năm 1427 "giết tư mã Lê Lai, tịch thu gia sản, vi Lai cậy có công đánh giặc, nói ra những lời ngạo mạn nên bị giết". Mà Toàn thư lại chẳng ghi chép gì về chuyện Lê Lai liều mình chết thay Lê Lợi trong những năm đầu khởi nghĩa (1418-1419) bị quân Minh vây khổn ở núi Chí Linh. Vậy, không phải là quân Minh, mà chính Lê Lợi giết Lê Lai, vào năm 1427. Nghi án lịch sử tày đình mà không một ai thấy trước anh ?

Và anh đề nghị một kịch bản để lý giải chuyện này. Phải nói ngay rằng anh trích dẫn tư liệu lịch sử cẩn thận để dựng nên kịch bản. Thế mới lý thú.

Vậy, ta phải tin Nguyễn Dư về chuyện Lê Lai ?

Xin khoan nói chuyện tin hay không tin. Trước hết chúng ta bình tâm đọc lại sử. Bắt đầu bằng những tư liệu quan trọng anh Dư sử dụng : Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi, đồng chí từ buổi ban sơ với Lê Lợi, Lê Lai, tên có trong danh sách 19 người hội thề Lũng Nhai ; Lịch triều hiến chương loại chí (từ đây gọi là Lịch triều) của Phan Huy Chú, một nhà bách khoa, một sử gia nghiêm túc và Toàn thư nói trên.

Có một Lê Lai nhân vật quan trọng trong những ngày đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Lê Lai này đứng vào hàng thứ hai ngay sau Lê Lợi trong danh sách những người hội thề ở Lũng Nhai ; gia đình ông là gia đình hào trưởng, phụ đạo thôn Dựng Tú (Thanh Hóa).

Khi quân Minh vây chặt núi Chí Linh, chuyện Lê Lai giả xưng là Bình Định Vương Lê Lợi để lừa giặc, xông vào trận, bị bắt sống tại trận tiền, Lê Lợi nhân đó trốn thoát, được Nguyễn Trãi kể khá chi tiết trong Lam Sơn thực lục ; Phan Huy Chú chép trong Lịch triều. Anh bạn Nguyễn Dư không phủ nhận chuyện này.

Nhưng anh cho là sau khi bị bắt sống, Lê Lai không hề bị quân Minh giết chết mà chỉ giam giữ ở Tây Đô. Đó là điểm khổi đầu cho kịch bản của anh, dựa vào câu của Nguyễn Trãi "Giặc liền vây và bắt trói đem vào trong thành xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng".

Anh diễn dịch "xử bằng cực hình" ra tra tấn dã man. Và từ đó không ngần ngại phủ nhận nghĩa từ ngữ "vì nước bỏ mình" của Phan Huy Chú là "chết vì nước". Cho rằng phải hiểu nó là "vì nước mà bỏ chuyện riêng tư của mình".

Anh quên đi rằng các nhà viết sử như Nguyễn Trãi, như Phan Huy Chú cân nhắc từng chữ trước khi viết ra. Không thể tùy tiện mà diễn dịch sao cũng được.

Trước hết là từ "cực hình". Luật pháp xưa có "hình" và có "luật". Hình là các hình phạt được quy định trong văn bản gọi là "hình thư". Có năm loại (ngũ hình) : xuy hình là đánh bằng roi, trượng hình là đánh bằng gậy, đồ hình là đày làm khổ dịch, lưu hình là đày phát vãng và tử hình là giết chết. Tử hình có ba bực : một là giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu) ; hai là khiêu (chém bêu đầu), ba là lăng trì nghĩa là chặt chân tay, xẻo thịt, làm cho chết dần.

Ngoài lăng trì còn khiêu liệt nghĩa là phân thây xé xác, hai loại hình phạt dùng từ thời xa xưa, nhưng ngoài pháp luật, để xử những tội quy là ác nghịch cực nặng. Đến đời Nguyên, lăng trì mới được ghi vào hình thư, còn khiêu liệt vẫn để ngoài. (Muốn biết rõ thêm xin bạn xem phần Ngũ hình trong Hình luật chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tập II, tr.305-306).

Vậy, phải hiểu "xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng" là giết chết bằng những hình phạt không có ghi trong Hình thư, ác độc có lẽ còn hơn là lăng trì.

Vậy, từ ngữ "bỏ mình vì nước", trong trường hợp Lê Lai này vẫn phải hiểu là "chết vì nước". Bị bắt sống ở trận tiền và bị giết sau đó hai việc không có gì là mâu thuẫn với nhau. Còn một nơi khác chép Lê Lai "bỏ mình vì nước" mà khung cảnh từ ngữ buộc ta phải hiểu là chết vì nước. Đó là truyện Lê Niệm (Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, sđd. Tập I, tr.332-333) :

"Ông (Lê Niệm) người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa), cháu Lê Lai. Cha ông là Lê Lâm theo vua đi đánh giặc Ngô có công, sau đi đánh Ai lao làm tiên phong trúng chông sắt chết được tặng thiếu úy".

Khi Lạng sơn vương Nghi Dân giết Lê Nhân Tông (1459) mà chiếm ngôi vua, Lê Niệm đang làm xa kỵ vệ coi tất cả việc quân, ông cùng các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt bàn mưu đem cấm binh giết đảng nghịch, bỏ Nghi Dân đón Lê Thánh Tông lên ngôi. Vì công đó ông được phong Suy trung bảo chính công thần, làm nhập nội tư mã tham dự triều chính. Bài chế văn trong dịp ấy có câu : "(...) Huống chi một nhà trung nghĩa, thương ông ngươi, cha ngươi vì nước bỏ mình (...)". Chế văn là lời của vua, đây là Lê Thánh Tông. Cha Lê Niệm bị chết trận, đặt song song Lê Lâm (cha) vvói Lê Lai (ông) thì chỉ có thể hiểu "vì nước bỏ mình" là cả hai đều chết vì nước. Đồng thời chế văn này cũng khẳng định rằng các vua triều Lê nối tiếp nhau đời đời ghi nhận công đức Lê Lai hy sinh chết thay Lê Lợi.

Ấy là chưa kể đến các tư liệu khác mà bạn Nguyễn Dư không nhắc tới. Theo lời dặn của Lê Lợi con cháu nhà Lê sau này bao giờ cũng làm giỗ Lê Lai vào ngày hôm trước ngày giỗ của Lê Lợi (22 tháng 8 âm lịch), vì vậy trong dân gian có câu "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". Các bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Việt sử Thông giám Cương mục đều chép việc Lê Lai hy sinh. Và còn gia phả họ Lê Lai mới tìm ra sau này.

Thế là, phải gượng ép ngữ nghĩa và bỏ rơi không kể đến nhiều tư liệu quan trọng thì mới dựng được lên việc Lê Lai người thôn Dựng Tú bị giặc bắt trong những năm đầu khởi nghĩa Lam Sơn nhưng không bị quân Minh giết hại.

Kịch bản đến đó nào đã hết đâu, còn phải cho Lê Lai trở về với nghĩa quân Lam Sơn trước năm 1427. Và bạn Nguyễn Dư lại vội dẫn Lam Sơn thực lục để cho là nghĩa quân hạ thành Tây Đô vào năm 1425, giải thoát cho Lê Lai bị giam cầm ở đó.

Chuyện hoàn toàn trái ngược với lịch sử. Vì theo mọi tư liệu, kể từ Lam Sơn thực lục kể đi, quên Minh giữ được thành Tây Đô cho mãi đến sau khi Liễu Thăng bị giết. Và phải đến 1427, khi Vương Thông rút quân về Trung Quốc thì quân ta mở vây cho quân Minh thủ thành Tây Đô theo toàn quân về nước.

Vậy sao bạn Nguyễn Dư lại diễn giải như vậy. Xem lại, bạn Dư trích dẫn đúng. Nhưng phải chăng vì chăm chắm cho Lê Lai được về với nghĩa quân bạn đã hiểu sai Nguyễn Trãi đi? Mà sai rất xa.

Tháng 5 năm 1425, nghĩa quân thắng trận, bạn vội hiểu là thành Tây Đô đã bị hạ. Nhưng nào có phải thế thật đâu. Mới bị bổ vây thôi ! Quân Minh bị đánh vỡ khi ấy là quân ngoài thành, chúng rút vào thành đóng cửa chống giữ. Vì thế mà quân ta "không mảy may xâm phạm nhân dân ở gần thành giặc" nào phải là nhân dân trong thành?

Bạn chưa tin, xin lật tới vài trang nữa, Nguyễn Trãi ghi rõ: Năm Bính Ngọ (1426), "Trong một thời gian ngắn mấy thành (Điêu Diêu, Thị Cầu, Xương Giang, Khâu Ôn) đều vỡ, chỉ có Đông Đô, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh là 4 thành chưa hạ được mà thôi" (Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1976, tr.64).

Chẳng phải sức nghĩa quân khi ấy không hạ nổi một thành Tây Đô. Nhưng chiến lược của Lê Lợi xem "Đánh thành là hạ sách; ta đánh vào thành vững hàng tháng hàng năm không hạ nổi [làm cho] quân ta sức mệt khí nản. Nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mắt, sau lưng đều bị giặc đánh, đó là con đường nguy ! Sao bằng nuôi dưỡng sức quân giữ lấy nhuệ khí để đợi viện binh của giặc. Viện binh bị phá thì thành tất phải hàng. Làm một việc mà được cả hai, đó mới là kế vạn toàn vậy" (Toàn thư, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1972, tập III, Kỷ nhà Lê, q.10, tr. 42-43).

Phá viện binh giặc, chiến lược ấy buộc phải tiêu diệt nhanh chóng những thành còn bị quân Minh chiếm đóng trên đường viện quân từ Trung Quốc kéo qua, ta thấy các thành Tam Giang trên đường Vân Nam vào đất ta, Khâu Ôn, Xương Giang, Thị Cầu, Điêu Diêu trên đường Quảng Tây đi Đông Đô bị hạ. Nói là nhanh chóng, nhưng thành Xương Giang bị công kích 9 tháng trường, chỉ phá vỡ được có 10 ngày trước khi Quân Liễu Thăng kéo tới biên giới. Còn các thành Đông Đô, Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh, không nằm trên đường chiến lược, là những ốc đảo chơ vơ giữa những vùng rộng lớn nghĩa quân làm chủ thì chỉ bị bao vây thôi.

Quả nhiên Liễu Thăng bị giết, viện binh bị phá, quân Minh giữ các thành còn lại không hy vọng vào đâu được nữa. Và năm Đinh Mùi (1427), "Ngày 16 tháng chạp, tướng giặc Vương Thông, Mã Anh, Lý An, Trần Trí, nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Đặc Khiêm cùng bọn chỉ huy giữ thành Tây Đô là Hà Trung, giữ thành Chí Linh là Cao Tường đưa hết số ngụy quan lớn nhỏ cùng những nhà dân nước ta bị bắt hiếp vào thành trả lại cho ta và xin được đem quân về Bắc" (Lam Sơn thực lục, đ.d. tr.68).

Toàn Thư cũng chép ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427) Lê Lợi "sai đồng tri Nguyễn Mãn và đội trung Nguyễn Lôi mang thư đến thành Tây Đô và Cổ Lộng bảo bỏ vây, vì cớ hai thành chưa hạ được" (Toàn thư, s.đ.d., Tập III, tr. 48).

Có một Lê Lai hy sinh chịu chết trong những năm mới khởi nghĩa, và từ buổi ban đầu đến khi quân ta giải vây cho tướng Hà Trung đem quân Minh về nước, nghĩa quân không hề chiếm thành Tây Đô. Nhiều sử liệu xác minh cho hai sự kiện ấy.

Tuy nhiên, chuyện có một Lê Lai bị Lê Lợi sai đem giết đi vẫn còn nguyên đó. Lý giải làm sao?

Tiềm ẩn đằng sau lý luận của ông bạn Nguyễn Dư là giả thuyết chỉ có một Lê Lai duy nhất, và vì vậy phải moi bằng cớ, uốn dữ kiện chứng minh cho được Lê Lai còn sống đến 1427. Bạn không nghĩ tới khả năng có nhiều Lê Lai.

Có chăng một Lê Lai người thôn Dựng Tú bị quân Minh giết khoảng những năm 1418 - 1419 và một Lê Lai khác bị Lê Lợi giết năm 1427?

Lam Sơn thực lục tục biên chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và việc Lê Lai bị giết năm 1427. Vậy là mặc nhiên nhận có hai Lê Lai. Có một bản Lam Sơn thực lục tục biên được sao năm 1942 chép Nguyễn Thận người sách Mục Sơn, sau được ban họ Lê tên là Lai. Một tấm bia Phan Huy Lê tìm thấy ở Mục Sơn năm 1962 do con cháu họ Lê soạn năm Tự Đức thứ 3 (1850) chép thủy tổ táng ở nơi ấy vốn họ Nguyễn người Khoái Châu húy là Lai, tự là An được ban họ Lê; theo văn bia này thì Lê Lai chết năm 1437 "đã lấy thân thay (Lê) Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại". Mặt sau bia có sắc phong thần cho Lê Văn An đề năm Cảnh Hưng 40 (1779) được con cháu khắc vào năm 1851. So lại chức tước được phong ghi ở mặt trước tấm bia thì Lê Lai này chính là Lê Văn An. Lại thêm một Lê Lai nữa cứu mạng Lê Lợi nhưng không bị chết, đặt ra câu hỏi Lê Lợi được cứu mạng mấy lần?

Mới loanh quanh vùng Thanh Hóa mà đã gặp Lê Lai người Dựng Tú, Lê Lai - Nguyễn Thận người Mục Sơn và Lê Lai - Lê Văn An táng ở Mục Sơn. Thêm tài liệu ở Đăng Cao, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh cho biết Nguyễn Bá Lai tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có công được ban quốc tính cũng gọi là Lê Lai.

Dường như thời đầu nhà Lê khi nói đến Lê Lai thì phải nói rõ là Lê Lai nào.


Nguyên Thắng
(23.4.98)
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM