Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:53:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ nhân dân mà ra  (Đọc 39787 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 09:22:56 am »

XXI

Mục tiêu của cuộc chiến đấu thứ hai là đồn Nà Ngần, cách Phai Khắt khoảng 25 cây số. Đồn này có 22 lính khố đỏ do hai tên sĩ quan người Pháp chỉ huy. Chúng tôi hy vọng bổ sung đạn dược cho đội tại đấy.

Địch đã chọn nhà của tên lí trưởng, ngôi nhà kiên cố nhất trong làng này, đào hào, đắp lũy, rào kín mấy lớp xung quanh biến thành đồn. Chúng tôi đến cách Nà Ngần nửa cây số, trời vẫn còn tối. Để địch không nghi, ban chỉ huy ra lệnh cho anh em dừng lại hút thuốc, và phái người đi trước theo dõi tình hình hoạt động của địch.

Đợi sương sớm tan hẳn, trời sáng rõ, cả đội tiến thẳng về phía đồn. Còn xa, đã nhìn thấy chòi canh của địch.

Toàn đội đã thay quần áo cải trang từ chiều hôm trước bằng những bộ quần áo lính dõng và lính tập, mới lấy được tại Phai Khắt. Lão đồng chí Toàn, một đồng chí người Mán rất tốt, còn có bí danh là “Phạm Ngũ Lão”, cùng hai hội viên trung kiên khác, đóng vai ba đồng bào Mán bị bắt với sợi dây thừng trói ở khuỷu tay.
Vị trí địch ở trên một đỉnh đồi. Đường đi chạy men theo sườn một quả đồi trước đồn địch, để xuống một con suối rồi lại từ bờ suối bên kia chạy ngược lên đỉnh đồi tới cửa đồn.

Khi tới quả đồi trước đồn, trông thấy rõ tên lính gác đứng trên chòi, và binh lính địch đi lại trong sân. Các chiến sĩ được lệnh nói chuyện ầm lên, để bọn lính trong đồn chú ý đến y phục và những người bị bắt được dẫn đi trước. Toàn đội ung dung qua suối, tiến lên đồn.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn đi với tổ xung phong đầu tiên, chìa giấy cho tên lính gác xem. Đồng chí Bắc đi sau anh, rút một điếu thuốc lá mời tên gác và đánh diêm châm lửa cho hắn. Bọn gác và bốn năm tên lính ở trong đồn chạy ra, trố mắt nhìn mấy người bị trói, hỏi tíu tít:

- Lại bắt được Mán cộng sản à?

Tiểu đội trưởng Thu Sơn và tiểu đội trưởng Mậu tiến thẳng vào đồn. Đồng chí Bắc và một đồng chí khác đứng lại trước cửa đồn, dềnh dàng nói chuyện với hai tên linh gác.
Hôm ấy, cả hai tên Pháp đều mới lên tỉnh, giao quyền chỉ huy lại cho một tên quản khố đỏ nổi tiếng phản động.

Khi bộ đội tiến vào, một số binh lính đang thu dọn chăn màn tại nhà ngủ, một số đang đi rửa mặt. Súng còn gác trên giá. Tên quản khố đỏ dậy sớm, đã ngồi ở bàn làm việc.

Bốn chiến sĩ Giải phóng quân tiến lại án ngữ cửa kho súng. Đồng chí Thu Sơn và đồng chí Mậu đang nói chuyện với tên đội, bất thần chĩa ngang súng, hô lớn:

- Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng của Tây, tất cả giơ tay lên, không thì bắn!

Ngoài cổng đồn, đồng chí Bắc giật luôn khẩu súng trường trong tay tên gác. Anh chĩa súng lên chòi canh, bắt tên gác thứ hai đứng trên đó phải thả ngay súng xuống.

Nghe tiếng hô, cả đồn nhốn nháo. Phần lớn hoảng hốt giơ tay, đứa quỳ, đứa đứng. Mấy tên nhảy qua hàng rào định chạy trốn. Riêng tên quản chụp ngay khẩu súng ngắn đặt trên bàn, lên đạn, bóp cò. Khẩu tiểu liên trong tay đồng chí Thu Sơn nổ giòn, kết liễu đời hắn.

Tiểu đội 2 vào ngay sau đã chẹn các cửa đồn và chia thành từng tổ bao vây bắt tù binh. Sáu phát súng nổ giết luôn bốn tên lính cố ý chống cự. Tiểu đội 3 cũng xông vào tiến viện, vừa bắn chỉ thiên vừa kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Anh Hoàng Văn Thái giương lá cờ đỏ sao vàng, phất mạnh giữa đồn địch.

Trận đánh kết thúc trong vòng dăm phút. Toàn bộ binh lính địch đầu hàng. Về phía ta, đồng chí Bê bị thương ở ngón tay vì viên đạn của tên quản.

Bộ đội nhanh chóng thu thập súng đạn, tài liệu, phát truyền đơn và dán biểu ngữ. Tù binh được tập hợp lại giữa sân. Chị Loan, chị Cầm và chị Thanh giải thích cho họ bằng tiếng Thổ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy hai nữ chiến sĩ vai mang súng, lưng đeo đạn, mói năng rất lưu loát, phân tích cho họ về tình hình trong nước và nghĩa vụ của những người dân, kêu gọi toàn thể binh sĩ quay súng lại giết giặc.

Phần lớn binh lính xin trở về quê quán. Các chiến sĩ trả lại túi dết, chăn màn, đồ đạc thu nhầm của họ. Mỗi người đều được cấp giấy. Những người ở xa, ai thiếu tiền ăn đường, được cấp thêm một ít lộ phí. Hôm đó, đội đã chi mấy trăm đồng. Số tiền này vay của một đồng chí hội viên, hẹn sẽ trả lại bằng súng chiến lợi phẩm.

Binh lính đều rất cảm kích về lượng khoan hồng và thái độ đối xử rất tốt của bộ đội cách mạng. Chúng tôi giảng giải cho họ rõ, mỗi khi gặp Giải phóng quân thì nên làm như thế nào để khỏi bắn giết lẫn nhau, để cùng nhau giết giặc cứu nước. Họ đều thề sẽ không bao giờ nổ súng vào quân cách mạng.

Chúng tôi nói chuyện với đồng bào trong làng, dặn đồng bào khi quân địch tới thì nói, quân cách mạng đến, binh lính đã giao súng cho họ và kéo đi cả rồi.

Hai mươi phút sau, bộ đội rút khỏi đồn, mang theo chiến lợi phẩm. Mỗi người mang hai, ba khẩu súng. Lần này, thu được khá nhiều đạn. Anh em vừa đi vừa hát bài Tiếng súng reo. Núi rừng vang vọng lại những tiếng ca hùng tráng như muốn chia vui cùng đội quân chiến thắng. Đi ngang quả đồi trước đồn, ngoảnh lại thấy nhân dân và binh lính giơ tay chào tiễn biệt.

Những hội viên trung kiên ở cơ sở đã được giao nhiệm vụ giữ đồng bào tại làng, không để đi theo bộ đội. Đoàn quân đi về phía nam. Nhưng đi khuất khỏi làng, chúng tôi quành lại, đi ngược lên phía bắc. Bây giờ phải rút sao cho thật nhanh. Hai trận đánh liên tiếp chắc đã làm rung chuyển bọn địch và chúng sẽ có phản ứng. Ánh nắng vừa lên, ngày mới bắt đầu. Phải thực hiện lời Bác đã dặn: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Các đồng chí trung kiên đón đường đưa cơm. Mỗi người nhận một nắm cơm, một phần thức ăn, rồi tiếp tục đi ngay. Toàn đội đi ngược lên khu Mán trắng. Lão đồng chí Tiên như biết trước yêu cầu của anh em, nấu một nồi nước nóng, đón đợi giữa đường. Chúng tôi không để lại một dấu chân trên những đường mòn hẻo lánh. Buổi chiều, dừng chân bên rẫy nghỉ một lát, lại tiếp tục đi. Tối vượt qua đường Cao Bằng - Nguyên Bình đến triền núi đá vôi Gia Bằng. Ngày hôm đó, chỉ ăn có một bữa. Nhưng không hề một ai kêu ca. Có đồng chí đã thốt ra những lời lẽ rất tự hào: “Quân cách mạng chúng tôi, ăn thì mỗi ngày một bữa, đánh thì mỗi ngày hai trận”.

Bộ đội đi suốt ngày đêm trên những núi đá tai mèo. Trưa hôm sau, đội tới vùng đồng bào Mán trắng, quê hương của đồng chí Hồng Trị.

Hai ngày sau khi đồn Phai Khắt bị diệt, địch mới kéo quân tới. Chúng dọa dẫm truy hỏi đồng bào, để tìm hiểu vì sao tất cả binh sĩ cùng mọi thứ quân trang quân dụng trong đồn bỗng nhiên biến mất. Đồng bào trong làng, già trẻ lớn bé, ai cũng nói một lời. Cuối cùng, chúng đành chịu, chỉ điều một bọn lính khác thay thế và cũng không bắt bớ một ai.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:19:35 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 09:25:55 am »

XXII

Địa điểm trú quân mới của đội nằm trong một thung lũng tại vùng núi đá tổng Thiện Thuật. Lòng thung lũng khá bằng phẳng có thể san làm bãi tập. Chung quanh là những ngọn núi cao vút hiểm trở, những khu rừng già âm u chỉ có tiếng chim rừng kêu và vượn hú. Đồng bào địa phương gọi lũng này là Lũng Dẻ (nghĩa là lũng thành) và đã có những lần lợi dụng bức thành thiên nhiên này để chống bọn thổ phỉ. Mấy trăm năm về trước, nhà Mạc đã nương náu ở đây để chống cự với nhà Lê. Quân Cờ đen cũng đã đóng quân tại đây trong thời kì đánh nhau với Pháp.

Chúng tôi biết thư về báo cáo với Bác và Liên tỉnh ủy những chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, đề nghị với Liên tỉnh ủy chỉ thị cho các châu, lựa chọn một số đồng chí bổ sung cho Đội tuyên truyền để phát triển thành một đại đội.

Anh em được phổ biến ở lại đây mươi ngày nghỉ ngơi, kiểm điểm và tiếp tục luyện tập. Các chiến sĩ đẵn gỗ làm ván, sửa soạn bãi tập, vét sạch các mỏ nước.

Vài ngày sau, đội nhận được thư của anh Đồng chúc mừng thắng trận. Thư từ và quà ủy lạo từ khắp các nơi tới tấp gửi đến: khăn vuông thêu khẩu hiệu, quần áo, giày, chăn, màn, gạo, thịt, bánh trái. Anh Lã, bí thư Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng thân tới thăm đội, đem theo thư chúc mừng của Liên tỉnh ủy cùng với một số quà quý: Mấy tấm chăn len, mấy hộp sữa cho các đồng chí yếu mệt, và một số đạn Mỹ vừa mới mua được. Cũng trong lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ được các châu tuyển lựa bổ sung cho đội, tấp nập kéo về. Nghe các đồng chí thuật lại mới biết ở các địa phương, trong hàng ngũ du kích đang có một phong trào rầm rộ, yêu cầu “đi Giải phóng”, người nào được cấp trên chuẩn y, đều coi đó là một vinh dự và cũng là một điều may mắn.

Chỉ trong một tuần, việc bổ sung đã xong. Đại đội đã hình thành.

Đại đội trưởng: đồng chí Hoàng Sâm.

Chính trị viên: đồng chí Xích Thắng.

Ban công tác chính trị đại đội do đồng chí Xích Thắng phụ trách.

Đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách công tác tình báo và chuẩn bị kế hoạch chiến đấu. Ban quản lí đại đội được tổ chức.

Ban chỉ huy các trung đội gồm các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Quốc Chủng, Vũ Lập, Nam Tuấn, Mai Trung Lâm.

Chẳng con bao lâu nữa là đến Tết. Chúng tôi chủ trương chỉ nghỉ ngơi, luyện tập một thời gian ngắn, rồi lại lên đường đi chiến đấu. Một chương trình hoạt động trong dịp Tết được đề ra với cái tên “Mùa Tết chiến đấu” của đội. Tổ chuẩn bị khẩn trương lên đường đi về phía châu Bảo Lạc, gần biên giới Việt - Trung.

Mấy ngày trước khi xuất phát, toàn đơn vị tập trung dưới cờ, làm lễ chính thức thành lập đại đội. Đại diện các hội cứu quốc và nhân dân tới dự lễ rất đông. Dưới lá cờ đỏ tươi thắm, bộ đội đã đông đảo hơn, sau hai cuộc chiến đấu, súng đạn khá đầy đủ, lưỡi lê tuốt trần sáng quác trên đầu súng. Màu cờ như rực rỡ hơn, khung cảnh núi rừng càng thêm hùng vĩ. Bằng những lời lẽ đanh thép, cán bộ, chiến sĩ hứa hẹn trước cá đại biểu và trước nhân dân, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ tới công ơn của Bác và Đoàn thể, toàn thể đại đội quyết nghị kính tặng Bác thanh kiếm Nà Ngần, thanh kiếm đầu tiên đoạt được của giặc, để nói lên lời hứa hẹn kiên quyết thực hiện chỉ thị của Bác, nỗ lực chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi. Nhân dân và bộ đội đều hết sức phấn khởi.

Vài ngày sau, chúng tôi lên đường.

Một bộ phận do anh Thái phụ trách, đi về phía Nậm Ti hoạt động mở rộng cơ sở.

Đại bộ phận đi về phía Bảo Lạc, tiến hành một cuộc tập kích mới.

Cuộc hành quân chiến đấu lần này khá gian khổ. Đường xa, phải qua nhiều triền núi đá tai mèo và nhiều bản làng có bọn phản động canh gác. Toàn đi đêm. Những đêm tối trời, cả đoàn quân, vũ khí, hành trang buộc chặt vào người, nín lặng vượt qua những điểm gác. Tiếng mõ cầm canh của bọn dõng phản động lốc cốc khua trên đầu. Một đêm trời tối như mực, đi luồn trong rừng, người sau không nhìn thấy người trước. lại được lệnh không nói to, em bé Hồng đã nghĩ ra một sáng kiến, lượm một cái lá mục có lân tinh, gài vào lưng người đi trước. Sáng kiến của em được phổ biến cho toàn đội và có một tác dụng thật đặc biệt không những trong đêm đó mà còn cho các cuộc hành quân đêm về sau. Trời về dạo này mưa luôn. Đi đêm trên núi đá tai mèo đã khó khăn, qua núi đất, đường lầy lội, đi cũng chẳng dễ dàng hơn.

Sau một đêm hành quân, trời sáng, tôi hỏi đồng chí Mán đưa đường, sắp tới nơi có cơ sở của ta chưa. Đồng chí vui vẻ đáp:

- Sam cây thinh, nưa ngải1.

Đi miết tới trưa vẫn chưa đến. Bộ đội dừng lại nghĩ giữa vùng núi đá tai mèo. Biết không nên làm người đưa đường rối trí, tôi nói với đồng chí nên bình tĩnh, nhớ kĩ lại đường. Lát sau, đoàn quân lại tiếp tục đi. Đến gần chiều, mới ra khỏi vùng núi đá, đến những đồi đất. Nhìn phía trước, thấy thấp thoáng có làng. Tôi hỏi:

- Có phải làng cơ sở đây rồi không?

- Chưa phải đâu. Làng này có phản động.

- Đồng chí đã nhận ra đường chưa?

- Đi qua làng này thì biết đường rồi.

Như thế là đội buộc phải vượt qua làng. Thấy sương chiều đang xuống nhiều, chúng tôi quyết định đi vòng qua những quả đồi, vượt nhanh sang bên kia làng để đồng chí giao thông nắm lại đường.

Bộ đội đi được một quãng, bỗng sương tan hết. Cả đoàn quân lộ ngay ra trước làng. Không thể quay lại, cũng không thể tránh sang lối khác. Ban chỉ huy hạ lệnh cho bộ đội đi thẳng qua làng, làm như một đội quân đế quốc đi tuần tiễu. Mấy chiến sĩ vào nhà tổng đoàn, vờ xét hỏi người lạ mặt và hàng buôn lậu. Bộ đội cứ ung dung đi qua làng. Đồn địch ở cách ba cây số. Về sau, chúng tôi biết, cách đó năm hôm, nhân một phiên chợ, người làng thuật lại cho nhau nghe, bọn Tây trên đồn mới biết là có bộ đội cách mạng đi qua, và bấy giờ mới cho quân tuần tiễu.

Qua khỏi làng này, đồng chí giao thông nhận ra đường. Gần tối, chúng tôi đến một bản Mán có cơ sở. Đồng bào ở đây rất thiếu thốn. Không có ruộng nương, phải đi xa lấy đất về đổ vào những hốc đá để trồng ngô. Nhưng thái độ tiếp đón bộ đội cách mạng thì đặc biệt ân cần. Đồng bào chia sẻ cùng bộ đội những bữa ăn chỉ có bột ngô đồ, với canh rau.

1Ba cây số thôi, ăn cơm sáng là vừa.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:22:05 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 09:26:46 am »

Vài ngày sau, chúng tôi đến gần Đồng Mu, mục tiêu của trận tập kích lần này. Tổ trinh sát tiến hành điều tra đồn địch lần cuối.

So với các đồn Phai Khắt, Nà Ngần, đồn Đồng Mu rắn hơn. Địch đóng trên một một ngọn đồi cao, nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Vì ở giáp biên giới Việt - Trung, thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng công sự khá vững chắc. Đồn có nhiều lô cốt, trường trình dày với lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bọc quanh. Quân địch gồm hơn bốn chục tên khó đỏ do ba sĩ quan Pháp chỉ huy.

Lần này, không thể dùng cứ cách cải trang để vào đồn vì bọn địch chắc chắn đã rút được kinh nghiệm. Chúng tôi chủ trương bí mật đột nhập đồn trong đêm tối để tiêu diệt địch.

Khi nắm lại tình hình, thấy có khó khăn. Các đồng chí ở địa phương báo cáo cách đây ít ngày bọn địch được tin sắp có thổ phỉ bên kia biên giới tràn qua, nên chúng đã tăng cường thêm binh lính, báo động bộ đội và đề phòng cẩn mật. Nhưng sau đó, cơ sở của ta trong đồn ra báo cáo lại, địch đợi thổ phỉ một thời gian không thấy, cho là hoang báo, việc đề phòng đã bắt đầu chểnh mảng. Ban chỉ huy đại đội quyết định đánh.

Đêm 22 tháng 12 ta, bộ đội xuất kích. Khi đi ngang cánh đồng, chó trong làng sủa ran. Nhờ điều tra kĩ lưỡng từ trước, cán bộ và chiến sĩ đã nắm vững địa hình đồn địch. Bộ đội chia làm hai mũi, vượt qua những mô đá sắc nhọn, tiến lên đỉnh đồi. Theo kế hoạch đã định, chúng ta sẽ bí mật đột nhập, chiếm nhà bọn chỉ huy, các mặt cùng đánh vào, kết hợp với nội ứng tiêu diệt quân địch.

Hai tổ xung phong đi đầu, im lặng vượt qua ra dây thép gai đến sân đồn trước cửa trại lính.

Tổ các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường đang tiến vào, bỗng nghe từ lô cốt cất tiếng một tên lính hỏi:

- Ai?

Đồng chí Nam Long nói nhỏ:

- Im đi! Chúng tôi là Việt Minh đến lấy súng của Tây, không đánh các anh em đâu.

Trường hợp này, không bàn với nhau ở nhà trước khi đi.

Địch lập tức ném lựu đạn xuống tới tấp và bắn ra một loạt đạn. Đồng chí Quang Trung hội ý với tôi:

- Lộ rồi, đề nghị anh và anh Hoàng Sâm bây giờ ở lại vị trí chỉ huy. Chúng tôi vào đồn sẽ cử người ra bắt liên lạc.

Địa điểm chỉ huy đã quy định ở sau một gò đất, sát đồn địch. Một lát sau, một chiến sĩ liên lạc bò dưới làn đạn của địch từ trong đồn ra báo cáo, các tổ xung phong đã lọt vào đồn.

Trên đồn, tiếng súng nổ rát, điểm những tiếng lựu đạn. Các chiến sĩ chiến đấu giáp lá cà quyết liệt với kẻ địch.

Anh em trong đồn tiếp tục báo cáo, quân địch tại nhà tên chỉ huy và chỗ ở của bọn lính bắn súng ra như mưa. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Các chiến sĩ vừa chiến đấu vừa hát. Tiếng hát lúc này có tác dụng động viên sĩ khí và giúp cho việc liên lạc dễ dàng, nhưng đồng thời cũng làm lộ các vị trí chiến đấu của ta, để cho quân địch phát hiện được mục tiêu.

Chúng ta đã diệt được khoảng hai chục tên địch, nhưng bọn còn lại vẫn dai dẳng chống cự. Thấy kéo dài cuộc chiến đấu không lợi, ban chỉ huy hạ lệnh rút khỏi đồn trước khi trời sáng, mặc dầu nhiều chiến sĩ yêu cầu tiếp tục xung phong để tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Trong trận chiến đấu rất anh dũng này, tiểu đội trưởng Xuân Trường hi sinh. Một mình đồng chí Quang Trung đã dùng súng và dao giết năm tên địch. Địch thiệt hại rất nặng. Chúng ta thu được năm khẩu súng, một số đạn dược và bắt ba tù binh.

Bộ đội rút dần ngang cánh đồng về một khu rừng có những cây nhỏ, cách đồn địch khoảng ba trăm thước. Tảng sáng, mọi người có mặt đông đủ. Quân địch từ Bảo Lạc có thể tiếp viện lên. Bộ đội lợi dụng các lùm cây, đi sâu vào phía trong, nghỉ một lát bên sườn núi, rồi chuyển hướng về phía Nam.

Trận tập kích đêm vào Đồng Mu tuy không thắng lợi theo như kế hoạch đã định, nhưng đã rèn luyện cho bộ đội rất nhiều, và đã xây dựng cho đội một truyền thống anh dũng chiến đấu. Qua bọn tù binh, mới biết vì sao ta đã gặp khó khăn.

Buổi trưa hôm ta tập kích, tên đồn trưởng người Pháp bắt được một lá thư của bọn thổ phỉ biên giới dọa, tối hôm ấy, chúng sẽ kéo đến hạ đồn.

Vì vậy, bọn chỉ huy đã báo động binh lính chuẩn bị đối phó, súng lên đạn sẵn, quần áo nai nịt gọn gàng; Đêm đó, một nửa binh lính địch thức để đề phòng. Trường hợp bất ngờ này, anh em binh sĩ nội ứng không kịp báo cho chúng tôi biết trước.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:24:29 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #43 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 09:27:52 am »

XXIII

Đại đội đi về hướng nam. Các chiến sĩ được lệnh tuyệt đối giữ bí mật, hết sức tránh để lại dấu vết trên dọc đường. Đi qua các đồn trại địch, hoặc các làng mạc không có cơ sở của ta, phải im lặng hoàn toàn, tránh để lộ một tiếng ho, một dấu gậy. Ở những nơi trú quân, bộ đội thường lấy lá về rải nằm; trước lúc đi, mọi người phải xóa sạch vết tích chỗ ăn, chỗ ngủ, nấu nướng. Ngay cả khi dừng lại dọc đường để ăn cơm hoặc ngồi nghỉ, lúc đi, cũng phải nhặt từng chiếc lá gói thức ăn, từng hạt cơm rơi, không để lại dấu chỗ ngồi trên bờ cỏ. Đến trú quân ở một địa phương nào, cán bộ và chiến sĩ lập tức chia nhau đi giáo dục nhân dân vấn đế giữ bí mật, phải thực hiện đúng ba không: “không có, không biết, không thấy”; dặn đi dặn lại cặn kẽ từ người già đến các em, và kiểm tra lại xem đồng bào đã thực hiểu chưa.

Một số đồng bào gần biên giới thoáng thấy bộ đội tưởng nhầm là thổ phỉ, hoảng hốt bỏ chạy. Bộ đội thu thập những đồ đạc, của cải nhân dân bỏ rơi dọc đường, đem trả lại. Đồng bào rất cảm kích vì từ xưa tới nay chưa hề thấy một bộ đội nào lại tốt như vậy.

Nhiệm vụ của trận đánh chưa hoàn thành. Lần đầu trong đội có đồng chí hi sinh. Anh em không khỏi có những suy nghĩ. Cán bộ giải thích cho các chiến sĩ: “Trong cuộc chiến đấu dài lâu, tất nhiên là phải có lúc thành lúc bại, qua trận đánh lần này, chúng ta đã rút được nhiều kinh nghiệm để sau này chiến thắng lớn hơn”.

Tiết trời về cuối mùa đông, rét cắt da cắt thịt. Nhiều đồng chí bị đau chân. Các cán bộ đã nêu cao tinh thần thương yêu săn sóc chiến sĩ. Đồng chí Vũ Lập cởi chiếc áo ấm của mình, đưa cho một chiến sĩ bị mệt. Nhiều cán bộ nhường giày cho những anh em đau chân. Có đồng chí cán bộ bị thương ở chân, cũng nhịn đau, vui vẻ hành quân, cố gắng theo kịp bộ đội, do đó đã có tác dụng động viên các chiến sĩ.

Một tối, chúng tôi tới một bản Mán có cơ sở của ta. Các cụ già chạy ra cầm tay bộ đội, nói:

- Bây giờ các con mới đến, các mẹ đợi đã bao lâu nay rồi. Phải ở lại đây vài ngày.

Anh em chúng tôi đáp:

- Chúng con chỉ ở lại một đêm nay, sớm mai phải đi công tác rồi.

- Các con khổ cực quá! Phải ở lại đây nghỉ ngơi ít hôm để dân bản chăm nom.

Tại vùng này, đồng bào sợ thổ phỉ, của cải đều cất giấu rất sâu trong rừng. Đồng bào biết là không thể giữ chúng tôi lại lâu, ngay đêm đó, cùng nhau vào rừng sau bắt lợn, bắt bà về. Sáng hôm sau, khi chúng tôi thức giấc, thì lợn đã thịt, cơm canh đã xong xuôi. Sự căn sóc của nhân dân vùng biên giới hẻo lánh xa xôi này, đã làm cho cả đội rất cảm động.

Khi đã đi khá xa châu Bảo Lạc, cuộc hành quân biến thành một cuộc vũ trang tuyên truyền. Chúng tôi tung truyền đơn, dán biểu ngữ, viết khẩu hiệu trên các đền chùa, đình chờ, nhà trường và họp mít tinh tuyên truyền các tin chiến thắng.

Về đến vùng Thông Nong vào ngày cuối năm. Cơ sở vùng này rất tốt. Biết bộ đội về, anh em tự vệ canh gác khắp nơi. Năm giờ chiều, bộ đội đã hành quân, chỉ các đồn địch vài ba cây số. Dọc đường, đồng bào bày cỗ, đốt đuốc đón bộ đội ngồi nghỉ. Anh em chúng tôi ai nấy đều thấy rõ, mình là con đẻ của nhân dân, đang sống trong sự chăm nom, bảo vệ của nhân dân.

Nửa đêm, chúng tôi trú quân lại trên một đỉnh núi ở gần làng. Đồng bào hẹn sáng sớm hôm sau sẽ đưa cơm nước lên. Sáng 30 Tết, bất chợt có người lên báo, Tây kéo về càn. Toàn thể bộ đội phải bố trí chiến đấu. Tây sục sạo dưới làng.

Một lát, nghe có tiếng súng nổ, tưởng như đánh nhau to ở đâu. Trong đội, có đồng chí Đức Cường đêm qua hành quân đau chân tụt lại sau, chưa về, mọi người đều sốt ruột. Buổi sáng hôm đó, không có cơm nước gì. Đồng bào dưới làng vẫn luôn luôn lên báo cáo tình hình. Đến chiều, đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã lên nói, Tây đã rút hết rồi. Đồng chí đó kể lại: Tây vào rừng lùng đến một cái hang thì thấy ở trong có người. Thằng quan hai cho lính vào định bắt, nhưng ở trong hang bắn ra. Chúng ở ngoài bắn vào. Hai bên bắn nhau một lúc. Thằng quan hai bảo lính về làng lấy rơm chất đầy cửa hang, rồi đốt. Bên trong lại bắn dữ, và có người xông ra, thế là tất cả chúng nó bỏ chạy. Chính thằng quan hai Tây hốt hoảng chạy đến ôm lấy cỏ đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã, nói: “Ê… ê… cõng quan lớn!”. Ít hôm sau, đồng chí Đức Cường về, chúng tôi biết, chính đồng chí Đức Cường đã bị vây ở trong hang, đồng chí đã chiến đấu với mười hai tên lính do thằng quan hai chỉ huy, bắn bị thương hai tên và đuổi chúng chạy tán loạn. Lần ấy, đồng chí Đức Cường bị đội phê bình vì hành quân chậm trễ, nhưng lại được đồng bào địa phương tặng rất nhiều quà vì tinh thần chiến đấu dũng cảm.

Để bù lại bữa sáng hôm đó không ăn, các chị dưới làng đem lên rất nhiều bánh trái.

Tối 30, bộ đội tới vùng rẻo cao của đồng bào Mán trắng. Đồng bào được tin bộ đội về, chuẩn bị bò, lợn để khao quân. Ngày mồng 1, đang liên hoan cùng đồng bào thì anh Đồng tới. Anh Đồng suốt thời gian qua bị sốt luôn, nước da xanh tái, thay mặt cơ quan chúc Tết, mừng bộ đội liên tiếp thắng trận, và nói cho anh em nghe tình hình phong trào các nơi. Mọi người hết sức phấn khởi.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:25:40 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #44 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2009, 09:29:10 am »

Sáng mùng 2 Tết, trở về tổng Hoàng Hoa Thám, nơi khoảng hai tháng trước đây đội đã làm lễ thành lập. Bộ phận của anh Hoàng Văn Thái đi hoạt động mở rộng cơ sở vùng Nậm Ti, từ Tĩnh Túc về Phia U Ắc, cũng vừa về tới nơi. Đồng bào đã mổ trâu, giết lợn đợ từ mấy hôm trước. Đúng như lời chúc mừng của một đồng chí trong ngày thành lập đội, trung đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã lớn lên thành một đại đội, đã lập nên được chiến công, và bây giờ trở về đây ăn Tết với đồng bào.

Phong trào tại hai tổng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám đã sôi nổi hơn trước nhiều. Trên dọc  một con suối trong rừng sâu, đồng bào đã cất sẵn mấy ngôi nhà vầu, mái lợp lá chuối, có sàn nứa cao ráo, chờ bộ đội, và chuẩn bị sẵn bò, lợn, bánh trái. Quà của nhân dân gửi về tặng đội do các trạm chuyển đến rất nhiều. Những gói giò, những thanh chè lam, những ống tre đựng đầy thịt muối để làm lương khô, nhưng đôi giày vải do tự tay các mẹ, các chị khâu, cùng với gạo, ngô, vải vóc. Mỗi món quà đều mang nặng tình thương yêu của đồng bào với những người con bộ đội cách mạng. Những ngày đầu Xuân năm đó thật tưng bừng, phấn khởi.

Thi hành chỉ thị của Bác, đội luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ của mình: “Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Cho nên trước khi đánh đã nghĩ đến mục đích tuyên truyền; sau khi đánh lại tận dụng thắng lợi để mở rộng công tác tuyên truyền. Bấy giờ, tin thắng lợi của đội đã đồn ra khắp các châu, huyện. Nhận thấy, nếu cuộc thắng lợi ấy chỉ có một trăm người biết thì chỉ có ảnh hưởng đối với một trăm người; nhưng nếu làm cho một nghìn người biết, thì về mặt chính trị, chẳng khác gì ta đã thu được mười cuộc thắng lợi hay là một cuộc thắng lợi lớn gấp mười. Chúng tôi cùng liên tỉnh ủy đặt một kế hoạch mở rộng tuyên truyền đi đôi với một kế hoạch mở rộng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng cách mạng. Trên báo Việt Nam độc lập, mấy số liên tiếp đều có những bài đặc biệt thuật lại các trận đánh của đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Vả lại không phải chỉ đánh mới tuyên truyền được. Ngoài tác chiến ra, chúng toi còn trực tiếp tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền trong nhân dân. Vũ trang tuyên truyền là dùng lực lượng vũ trang để trr chính trị, làm cho nhân dân tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng, rồi từ đó đưa đến chỗ giác ngộ chính trị. Nhân dân khi thấy quân cách mạng có vũ khí, thì hay tin tưởng vào vũ khí. Các cán bộ, chiến sĩ đã chú ý dùng những lời lẽ đơn giản để nói cho đồng bào hiểu rõ, sức mạnh của vũ khí chỉ là một sức mạnh phụ thuộc, sức mạnh tinh thần của toàn dân đoàn kết mới là sức mạnh quyết định. Chúng tôi đã coi đó là một yêu cầu cơ bản của công tác tuyên truyền vũ trang. Nếu không làm cho nhân dân hiểu rõ điều đó, thì không đạt được mục đích của công tác vũ trang tuyên truyền.

Nhân dịp Tết, đội đã in những thiếp mừng trên giấy hồng, gửi cho các hội cứu quốc, các trường học, các thân hào thân sĩ, chúc sang năm mới, nhân dân được hưởng muôn sự tốt lành, nước nhà sẽ giành được độc lập, tự do. Đoàn thể tổ chức nhiều cuộc mít tinh đông đảo để báo tin thắng lợi, hô hào nhân dân ủng hộ đội quân cách mạng. Từ chợ đến quê, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu của Giải phóng quân “Kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân”, những tờ biểu ngữ “Mỗi viên đạn là một tên giặc”. Truyền đơn hô hào binh lính “Quay súng lại bắn vào đầu quân giặc, đi theo Giải phóng quân” được phát khắp nơi.

Ảnh hưởng của các cuộc chiến thắng khá sâu rộng. Bọn Tây đồn, binh lính ta trong quân đội Pháp đâu đâu cũng bàn tán, phục tài dùng binh của cán bộ cách mạng, sợ lực lượng hùng hậu của quân đội cách mạng. Binh lính nhắc nhiều đến các nữ chiến sĩ du kích bằng một thái độ đặc biệt khâm phục. Họ khuyên nhau, nếu gặp quân cách mạng thì không nên chống cự, cứ theo hàng là tức khắc được đối đãi tử tế. Nhiều tên Việt gian phản động mới trước đây còn ra sức khủng bố cách mạng, nay bảo nhau kéo đến tìm cán bộ Việt Minh để kí giấy nhận tội, nguyện đem trả lại những tiền bạc, lễ vật đã đục khoét của nhân dân. Những người lừng chừng, phần lớn ngả về phía cách mạng và ủng hộ cách mạng. Bà con hội viên thì hăng hái bội phần. Số cán bộ tình nguyện đi công tác thoát li ngày càng tăng. Phong trào đấu tranh vũ trang sôi nổi trong nhân dân.

Đến mỗi địa phương, sau khi tiến hành tuyên truyền, đội bắt tay ngay vào công tác tổ chức. Đội chọn một số thanh niên hăng hái tiến hành huấn luyện, rồi giao nhiệm vụ cho họ tiếp tục công tác tại địa phương. Ngoài ra, đội còn lựa chọn một số thanh niên để đưa vào đội. Các anh em này sẽ được giáo dục, rèn luyện dần trong quá trình ở bộ đội về sau này, khi cần thì sẽ đưa trở về địa phương công tác, làm nòng cốt cho phong trào.

Chúng tôi quyết định: Đi đôi với việc tác chiến phải dùng vũ trang tuyên truyền trực tiếp để gây dựng một khu vực rộng rãi từ các vùng rừng núi giáp giới Hòa An, gần tỉnh lị Cao Bằng cho đến các châu Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã, vùng phụ cận các triền núi Phia U Ắc, Phia Giả, Phia Bioóc.

Sau mấy ngày Tết ngắn ngủi, đội gấp rút tiến hành công tác huấn luyện một thời gian, rồi phân tán đi hoạt động ở các nơi, vừa xây dựng cơ sở, vừa tranh thủ tác chiến với địch. Anh Hoàng Văn Thái đi về phía Phia U Ắc, điều tra mỏ Tĩnh túc. Một trung đội ở lại vùng Ben Le (Belair) chờ cơ hội tiêu diệt địch. Một trung đội bố trí phục kích tại vùng Khâu Áng, Ngân Sơn. Tôi tranh thủ thời gian viết lại những kinh nghiệm của các cuộc chiến đấu tại Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu để trao đổi với các nơi.

Các hoạt động của chúng tôi phần lớn hướng về phía nam.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:27:52 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 07:49:28 am »

XXIV

Bước sang đầu năm 1945, cuộc giao chiến giữa Đồng minh và bọn phát xít xâm lược đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Phát xít Đức đang ngắc ngoải giữa hai gọng kìm siết chặt của Hồng quân Liên Xô và quân đội Anh - Mỹ. Tại Thái Bình Dương, sau khi mất Phi Luật Tân, đường liên lạc trên mặt biển của Nhật hầu như đã bị cắt đứt. Trước tình hình quân đội Đồng minh sớm muộn cũng sẽ vào Đông Dương, Nhật phải tiêu diệt quân Pháp để trừ một mối lo về sau. Phong trào cách mạng ở miền xuôi và trên cả nước ngày càng sôi nổi. Nhưng do sự khủng bố của địch, liên lạc giữa căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng với Trung ương ở miền xuôi thường bị gián đoạn.

Liên tỉnh ủy gấp rút kêu gọi nhân dân chuẩn bị đón lấy thời cơ, và chỉ thị cho các đội vũ trang, các đội tự vệ sẵn sàng mở rộng đấu tranh vũ trang.

Để kịp với sự phát triển của tình hình, đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tích cực thi hành kế hoạch tiến về phía Nam. Một bộ phận đi trước khôi phục và mở rộng những cơ sở trên dọc đường từ Ngân Sơn, qua Chợ Rã, Chợ Đồn tiến về phía Chợ Chu.

Trong khi đợi củng cố đường giao thông, đại bộ phận đẩy mạnh hoạt động tại khắp vùng tiếp giáp hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Những hoạt động vũ trang tuyên truyền đã đi vào nền nếp, phát triển thuận lợi. Nhiều nơi, trên những bản làng tan nát, phong trào phục hồi nhanh chóng, trở lại sôi nổi, phấn khởi như trước thời kì địch khủng bố. Nhưng việc tác chiến trở nên khó khăn hơn. Thanh thế của bộ đội cách mạng đã lớn, buộc kẻ địch phải đề phòng cẩn mật. Với những trang bị thô sơ và trình độ bộ đội mới bước đầu xây dựng, còn nhỏ bé, ta chưa thể cường tập tiêu diệt đồn địch. Trong khi di chuyển, bọn địch cũng rất tinh khôn, biết tìm cách né tránh các cuộc phục kích của ta. Có lần, một trung đội do đồng chí Quảng Trung chỉ huy, bắt gặp một bọn lính đi tuần, đã sẵn sàng nổ súng tiêu diệt quân địch, nhưng vì địch biết lợi dùng sương mù để di chuyển, nên ta nghe rõ tiếng giày đinh của chúng mà không nhìn thấy, đành để chúng đi thoát.

Một hôm, tôi mở cuốn “Chiến tranh du kích kháng Nhật” của đồng chí Chu Đức ra đọc lại chương “Nguyên tắc căn bản của chiến thuật du kích”, thấy đồng chí có viết một câu đại ý như sau: “Phải hành động cho rõ tích cực mà bị tổn thất ít nhiều, còn hơn là hành động không tích cực”, tôi đã có cảm tưởng như câu nói đó, đồng chí đã viết để tặng riêng cho chúng tôi. Đã nhiều lần, các đơn vị quyết tâm tiêu diệt địch lập công, nhưng hoặc tìm không thấy giặc, hoặc có lúc được tin giặc đến thì quân ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, hành quân chậm trễ, thành thử cũng không đánh được giặc. Lúc này càng thấm thía phương châm Bác chỉ thị ngay từ ngày mới thành lập đội: “Bí mật, nhanh chóng, tích cực…”. Bộ đội ta mới chỉ là một lực lượng du kích tập trung nhỏ bé, vũ khí ít, lương thực không có nhiều, nếu không hết sức tích cực, chủ động tìm địch mà đánh, thì không thể nào tiêu diệt được lực lượng địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Đơn vị quyết tâm thực hiện phương châm “tích cự”, lúc nào cũng sẵn sàng vũ khí lương thực, tìm nơi đóng quân thuận lợi, tăng cường công tác tình báo, thông tin nhanh chóng, liên lạc kịp thời, hành quân nhẹ nhàng… để không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.

Đội đã điều tra quy luật di chuyển của quân địch trên đường từ Nà Ngần đi Ben Le và chuẩn bị đánh địch trên con đường này. Khi được tin chắc chắn có đội vận tải của địch sắp đi qua, một trung đội do đồng chí Hoàng Sâm chỉ huy, đã hành quân cấp tốc cả một buổi chiều và suốt một đêm đến địa điểm phục kích. Trung đội được bố trí kín đáo trên quãng đường, một bên là thành vại, cây côi rậm rạp, một bên cỏ gianh mọc um tùm. Anh Hoàng Sâm và tôi đã chọn địa điểm chỉ huy ở trên một quả đồi có thể nhìn xa khoảng ba cây số, theo dõi sự vận chuyển của địch. Bố trí từ sáng đến ba giờ chiều địch mới về tới nơi. Đợi địch lọt vào giữa vòng vây, anh Hoàng Sâm bắn một phát súng ra hiệu lệnh xung phong. Quân địch không tên nào kịp chống cự. Trận này, ta bắt sống một trung đội địch, thu 16 khẩu súng và khá nhiều lương thực, đạn dược.

Bộ đội ta tuyên truyền giải thích cho tù binh, rồi thả một số cho trở về đồn Nà Ngần. Quân địch còn đóng tại đây hết sức hoang mang. Ngay đêm ấy, bộ đội ta tiến theo đường núi tới bao vây đồn. Tiếng súng, tiếng hô xung phong xen lẫn với tiếng loa kêu gọi. Tinh thần binh lính địch trong đồn tan rã, một số bỏ chạy, một số mang súng ra hàng. Chúng ta thu được gần 30 khẩu súng. Trời tảng sáng, bộ đội vào chiếm đồn, thu tất cả đạn dược và đồ quân dụng.

Sau mỗi lần chiến thắng, đội lại điều động một số cán bộ và phân phối những vũ khí thu được về các châu để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Châu Hòa An đã thành lập trung đội Giải phóng quân. Các châu, huyện khác cũng đều sửa soạn thành lập những trung đội Giải phóng quân.

Thượng tuần tháng 3, anh Phạm Văn Đồng và anh Vũ Anh tới thăm bộ đội tại tổng Hoàng Hoa Thám. Các anh nói: Tình hình rất khẩn trương, nhiều triệu chứng Nhật sắp lật Pháp, đội phải đi xuống phía Nam sớm, mở nhanh đường liên lạc với vùng xuôi.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:30:30 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 07:50:15 am »

Hai ngày sau, đồng bào đi chợ Nguyên Bình về nói chuyện, xe Nhật chở quân từ tỉnh lị đến đánh chiếm đồn Nguyên Bình và bắt Tây làm tù binh.

Chúng tôi đoán có xung đột lớn. Nếu đợi thảo luận với các anh em thì sợ lỡ thời cơ, theo kế hoạch Nam tiến đã bàn bạc trước, chúng tôi quyết định cho Giải phóng quân xuất ngay.

Cả đại đội từ rừng Phan Thanh, tổng Hoàng Hoa Thám kéo xuống cánh đồng Kim Mã giữa ban ngày. Lần đầu, lá cờ đỏ sao vàng ngang nhiên phấp phới tung bay giữa cánh đồng, trong tay những chiến sĩ Giải phóng quân. Đồng bào các làng, bản đổ ra đón chào, hoan hô bộ đội.

Sau bao năm hoạt động bí mật, sinh sống trong rừng sâu, núi hiểm, mỗi khi qua các làng mạc đều phải đi đêm, nén từng tiếng ho, nhẹ từng bước chân, đến bây giờ, chúng tôi bỗng ra khỏi rừng, giữa ban ngày ung dung đi trên đường cái, trên cánh đồng, được đồng bào nhiệt liệt đón mừng, ai nấy đều hết sức cảm động, sung sướng. Các cổng làng, các điếm gác biến mất hẳn dáng vẻ kinh sợ ngày xưa. Những làng, bản, những mái nhà lúc này như mới trở về tay nhân dân. Trời như cao hơn, nắng như ấm hơn, ngọn tre, nhánh lúa đều có vẻ tươi sáng hơn mọi ngày. Hương vị tự do, độc lập tràn khắp núi rừng, làng mạc. Thực không thể nào tả được cái không khí thơm nhẹ, cái cảm tưởng hớn hở của những người lần đầu được hưởng những hương vị độc lập, tự do.

Chúng tôi tổ chức mít tinh, giải thích với đồng bào: “Nhật - Pháp đã đánh nhau, đây là thời cơ tốt để đứng dậy chuẩn bị khởi nghĩa”, và hạ lệnh cho tất cả các lính dõng phải nộp súng.

Ngày hôm sau, chúng tôi biên thư báo cáo, rồi kéo thẳng đường cái, tiến xuống châu Ngân Sơn. Dọc đường, một trung đội do đồng chí Sơn Cương chỉ huy được phân công ở lại tổng Hoàng Phài, bắt tên tổng đoàn phản động, tịch thu vũ khí của các lính dõng, và tuyên truyền giải thích cho nhân dân. Có tin, tên Pháp chỉ huy đồn Ngân Sơn không chịu rút quân ra khỏi đồn, hình như muốn nấn ná ở lại, đợi Nhật đến. Chúng tôi lập tức biên thư cho hắn: “Nếu muốn cùng hợp tác với Việt Minh để đánh Nhật thì phải kéo quân vào ngay khu du kích, sẽ được giúp đỡ, trái lại, nếu ở lại để nộp khí giới cho Nhật thì Việt Minh sẽ đánh đồn”.

Chiều hôm ấy, tên chỉ huy đồn cùng mụ vợ to béo, đưa theo toàn bộ binh sĩ đóng tại đồn Ngân Sơn, đến một địa điểm được chỉ định gần nơi bộ đội ta đóng quân. Chúng tôi tiếp nhận bộ phận binh lính này.
Các anh Hoàng Sâm, Quang Trung cùng một đơn vị theo dọc đường quốc lộ tiến xuống Phủ Thông đi về phía Bắc Kạn tước vũ khí lính dõng, phát triển bộ đội và chiến đấu với Nhật.

Đại bộ phận tiến về phía Chợ Rã.

Trên suốt dọc đường, đồng bào tấp nập đổ ra đón mừng, hoan hô bộ đội. Thấy các lí trưởng, quản chiếu trước kia hằng ngày vẫn lên đồn trình bẩm, bây giờ mang gà, gạo đến ủy lạo bộ đội, gọi chúng tôi là “đồng chí”, tên Tây đồn hết sức kinh ngạc, hỏi:

- Những người này đối với các ngày là thế nào?

Chúng tôi đáp:

- Đó là những hội viên trong các hội cứu quốc của Việt Minh.

Tên Tây đồn ngẩn người ra rồi nói:

- Đất đai dưới chân tôi biến mất từ bao lâu nay mà tôi không hề hay biết! Không ngờ Việt Minh lại có lực lượng to lớn như thế này!

Hắn nói không hiểu tại sao bộ đội Pháp trước kia đến đâu nhân dân cũng trốn tránh, mà bộ đội Việt Minh đi đến đâu, nhân dân cũng đón chào.

Chúng tôi đã nắm được tình hình tư tưởng binh lính tại đồn Ngân Sơn, chỉ một số rất ít muốn đi theo bộ đội cách mạng, phần lớn muốn trao súng lại để trở về nhà. Tại Chợ Rã, tên quan đồn ngỏ ý muốn chia tay chúng tôi để kéo quân sang Trung Hoa, nhưng toàn thể binh lính không ai chịu theo hắn, xin nộp khí giới cho bộ đội cách mạng rồi trở về nhà. Hai vợ chồng tên Pháp xin ta cấp giấy để đi về phía biên giới Việt - Trung.

Bộ đội ta gửi thông tri cho tên tri châu và tên đồn trưởng người Pháp đang lẩn lút ở chung quanh Chợ Rã biết, chúng ta sẽ vào giải phóng Chợ Rã. Tên tri châu này nổi tiếng là phản động, chạy trốn, định đi báo tin cho Nhật lập tức bị đuổi bắt lại và tuyên án xử bắn trước nhân dân. Tên chỉ huy đồn xin nộp lại bốn trung đội lính khố xanh cùng toàn bộ vũ khí cho quân cách mạng.

Quân đội Pháp còn trong địa hạt tỉnh Bắc Kạn lúc bấy giờ khoảng trên dưới năm trung đội, trong đó có một sĩ quan Pháp, do một tên quan năm chỉ huy. Các đơn vị này được lệnh cấp trên của chúng, tiến hành những hoạt động quấy nhiễu Nhật trong khi còn ở lại đây đợi lệnh mới. Có tin, bọn chỉ huy Pháp định tập trung quân ở miền sông Thao, gây căn cứ du kích đánh Nhật, và đang liên lạc với Bộ tham mưu Đồng minh ở Trung Hoa.

Chúng tôi viết thư cho tên chỉ huy Pháp khuyên hắn cùng Việt Minh đánh Nhật với các điều kiện:

1 - Phải tôn trọng chủ quyền của ta. 2 - Binh lính của hắn không được quấy nhiễu nhân dân. 3 - Ta sẽ để nhân dân bán cho hắn lương thực. Nhưng thực ra bọn chỉ huy Pháp không có ý muốn chống cự với Nhật, chúng chỉ mong thoát thân. Hầu hết binh sĩ của chúng đến gặp ta, nộp súng, rồi xin trở về quê quán.

Sau này, chúng tôi biết, bọn Pháp mặc dầu có hàng vạn quân trong tay, nhưng khi bị Nhật lật, chỉ làm có hai công việc: chạy trốn và đầu hàng. Đại bộ phận quân Pháp ở Cao Bằng rút chạy sang Trung Hoa, một bộ phận dồn về phía Bắc Kạn. Bọn tàn quân ở Lạng Sơn kéo về Bắc Kạn, họp nhất với bọn ở đây, rồi chạy về Pắc Nậm, quan Nậm Quét sang Trung Hoa. Binh lính của chúng ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn Tây… đều rút lên Tuyên Quang, men theo đường rừng dọc sông Gâm, đến Nậm Quét hay tới Hà Giang để vượt biên giới. Chúng đi hốt hoảng, vội vã, quên cả dặn dò những tên tay chân tổng đốc, tuần phủ đón chúng ở dọc đường. Nhưng chúng không quên dùng hơi ngạt giết chết những người cách mạng bị giam giữ tại Cao Bằng, Yên Bái. Trên dọc đường rút lui, chúng cướp bóc nhân dân hết sức tàn tệ. Có nơi, đồng bào bỏ chạy vào rừng; một tháng sau, cán bộ Việt Minh đến giải thích rồi, vẫn chưa dám trở về làm ăn. Hầu hết các binh lính người Việt bị dồn theo, đều bỏ rơi chúng, đem vũ khí nộp cho bộ đội cách mạng, rồi trở về làng. Một số xin gia nhập hàng ngũ Quân giải phóng để kháng Nhật.

Khi chúng tôi vào Chợ Rã thì cờ sao đã đỏ rực trên suốt dọc phố, trên mái đình, trên trường học. Nhân dân trông chờ bộ đội, nhà nào cũng chuẩn bị cơm nước để đón bộ đội.

Lâu lắm mới thấy lại đường phố. Chợ Rã chỉ là một châu lị nhỏ ở miền thượng du, nhưng trước mắt chúng tội lúc này, phố xá nhà cửa đã có vẻ to lớn. Các đồng chí liên lạc đưa chúng tôi vào nghỉ tại một gia đình cơ sở ở trong phố. Chủ nhà là một người miền xuôi, trước kia là độc giả của báo Tin tức trong thời kì Mặt trận bình dân.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:33:18 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 07:51:34 am »

XXV

Chúng tôi ở lại Chợ Rã một hôm, tổ chức mít tinh nhân dân để tuyên truyền, giải thích những chính sách của Việt Minh, tước súng của lính dõng, tổ chức lực lượng vũ trang châu, tuyển mộ một số thanh niên để mở rộng bộ đội và nhằm đạo tạo cán bộ cho địa phương về sau. Chính quyền địch đã hoàn toàn tan rã. Mọi việc từ tổ chức các đoàn thể cứu quốc, chống cự với Nhật khi chúng kéo lên, cho tới việc tranh chấp ruộng, rẫy… nhân dân đều đến hỏi cán bộ. Đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Mai Trung Lâm ở lại địa phương, rồi tiếp tục tiến về phía Nam. Anh Hoàng Văn Thái chỉ huy một đơn vị đi về phía Lục An Châu. Đại bộ phận của đội đi xuống Chợ Đồn.

Bộ phận tiến xuống phía Chợ Đồn phải qua Hồ Ba Bể. Từ trước, đã nhiều lần nghe nói Hồ Ba Bể là một thắng cảnh. Lần này, lại được đến nơi trong những ngày đất nước bắt đầu đổi mới, thấy thật là một thắng cảnh tuyệt vời. Hồ Ba Bể do ba cái hồ rất lớn họp thành. Giữa những núi non hùng vĩ đột ngột hiện ra một dải nước mênh mông, rất nhiều ngòi, lạch tia ra xung quanh, giống như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ ở ngay giữa đất liền. Tại vùng này, việc giao thông chủ yếu phải dùng thuyền, bè, hay canô, vì đường qua núi rất ít nẻo đi thông.

Giữa hồ có một dải đất nổi lên như hòn đảo. Tại đây, thực dân Pháp trước kia đã xây một khách sạn khá lớn để phục vụ cho những “ông Tây, bà đầm” đi nghỉ mát và xem cảnh đẹp. Tây từ lâu không đến, nhưng những người phục vụ tại khách sạn vẫn còn. Chúng tôi điều tra xem Pháp có giấu súng đạn ở chung quanh đây không. Anh chị em làm việc tại khách sạn dẫn chúng tôi đi lấy được một số đạn giấu ở hốc đá. Đội triệu tập đại biểu nhân dân các xã chung quanh tới để tuyên truyền, giải thích chính sách và tuyển một số thanh niên vào đội. Nhân dân nô nức đến chào mừng bộ đội, mang theo nhiều lương thực, và sốt sắng cho con em gia nhập hàng ngũ Quân giải phóng. Đội quyết định tịch thu mọi thứ đồ đạc của bọn thực dân còn để lại tại khách sạn như chăn, màn, vải vóc… chia cho đồng bào nghèo, và tặng lại những gia đình có con em đi Giải phóng quân.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, chuyển vào một làng ở ven hồ. Mặt trời đỏ thắm nhô dần lên khỏi mặt nước. Một đoàn thuyền độc mộc chở bộ đội nối theo nhau lướt trong gió mát lạnh ban mai. Chúng tôi thấy rõ ràng minh đang đi giữa một kì công của thiên nhiên. Đồng bào đang quăng chài, kéo lưới, đều ngừng làm việc để nhìn bộ đội đi qua. Mấy chị người Tày đem những con cá tươi vừa đánh được, tặng bộ đội.

Từ khi ở Chợ Rã ra đi, có một điều làm tôi hết sức suy nghĩ… Cho đến lúc đó, vẫn chưa nắm được rõ ràng tình hình chung. Bọn Pháp có nói Nhật đã đánh chúng, nhưng chính chúng cũng không rõ tình hình tại Hà Nội ra sao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đoán chắc chắn là có sự biến chuyển lớn. Vấn đề chính làm tôi băn khoăn là: Pháp đã bỏ chạy, chính quyền cũ hoàn toàn tan rã, lúc này đã nên thành lập chính quyền cách mạng chưa? Trường hợp này, khi chúng tôi còn ở cơ quan, chưa có dịp bàn đến. Tôi nghĩ đến những điều đã đọc trong các tác phẩm của Lênin: đại ý như: “Khi tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện thì phải kiên quyết đứng lên… Phải luôn luôn tấn công… Phải hết sức cân nhắc những điều kiện khởi nghĩa, nếu đã chín muồi thì phải hành động ngay, nhưng nếu manh động thì thất bại…”. Điều kiện như thế này là đã chín muồi chưa? Vấn đề này chưa có chỉ thị của Trung ương mà Liên tỉnh ủy cũng chưa có nghị quyết. Lại nhớ đến lần Bác phê  bình những nghị quyết về khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng. Rồi lại nghĩ, ngày đó Bác phê bình là rất đúng, nhưng hiện nay tình hình đã khác hẳn trước rồi. Năm trước, chúng tôi xuống Chợ Rã, phải đi lén lút trong rừng sâu, e ngại từng vọng gác nhỏ của địch; lần này, cả đoàn quân kéo đi trên đường cái, giữa ban ngày, không gặp sức mạnh nào cản trở. Cuối cùng, tôi nhận thấy, với chủ trương chúng cho tất cả các nơi thì phải đợi chỉ thị của trên, nhưng riêng trong vùng này thì nên thành lập chính quyền cách mạng.

Tôi quyết định để đại bộ phận tiếp túc tiến về Chợ Đồn, mình cùng một số đồng chí quay lại Chợ Rã.

Khi họp để trao đổi về ý định này tại Chợ Rã, các cán bộ đều nhất trí. Tại châu lị Chợ Rã và mấy xã lân cận, cơ sở củ của ta không có mấy. Chúng tôi tiến hành điều tra, chọn một số người trước đến nay vẫn tỏ ra có cảm tình đối với cách mạng, được nhân dân tin cậy, thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời Chợ Rã. Cán bộ triệu tập mít tinh, giới thiệu Ủy ban ra mắt nhân dân. Chính quyền mói tuyên bố sẽ thực hiện Mười chính sách của Việt Minh đã ban hành. Chúng tôi cũng thảo luận với cán bộ địa phương kế hoạch tuyên truyền, tổ chức ủy ban nhân dân lâm thời tại các xã trong toàn châu, kế hoạch xây dựng các hội cứu quốc, các đội tự vệ, chia công điền, và chuẩn bị trước một địa điểm ở nơi an toàn để tạm rút nếu quân Nhật kéo lên đông, ta chưa đủ sức kháng cự. Tôi biên thư cho đồng chí Sơn Cương, nêu ý kiến cần thành lập ngay chính quyền nhân dân ở trên đó.

Ngay hôm sau, chúng tôi lại quay xuống Chợ Đồn. Bộ đội dừng lại ở bản Chi Án, một nơi chưa có phong trào. Sau khi chúng tôi tước vũ khí của lính dõng, thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời, nhân dân địa phương hỏi ngay đến vấn đề ruộng đất. Can bộ đội đã tiến hành điều tra vấn đề ruộng đất, nợ lãi tại đây, sau đó đem chia tất cả những công điền.

Đến Chợ Đồn, thì nhận được thư của các anh.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã ra nghị quyết:

1. Đánh đổ chế độ thống trị của Pháp ở hương thôn, rồi tùy nơi, sẽ thành lập chính quyền nhân dân từ cấp xã đến cấp châu, huyện, phủ, hoặc đến cấp tỉnh.

2. Phân phối cán bộ của Đội tuyên truyền về cùng cá đội vũ trang địa phương tổ chức thêm những đơn vị Giải phóng quân mới, chuẩn bị trực tiếp đánh Nhật.

3. Phá hoại đường sá, cầu cống, dân chúng tích cực làm vườn không nhà trống khắp nơi.

4. Đối với quân đội Pháp bị Nhật đánh đuổi, chủ trương không khiêu chiến với họ trong lúc họ rút lui, mà tích cực kêu gọi họ cùng nhau thành lập mặt trận chống Nhật.

Các đội Giải phóng quân ở Cao Bằng đã được lệnh đi về nhiều hướng khác nhau. Anh Thiết Hùng chỉ huy một đơn vị tiến sang chiến đấu tại phía Bảo Lạc, sau đó tiến về mạn Thất Kê, Bình Gia cùng các đồng chí Đàm Ninh Viễn, Hoàng Minh Thảo đẩy mạnh mọi hoạt động. Anh Lê Quảng Ba đã chỉ huy một đơn vị tiến về biên giới Việt - Trung, phía Sóc Giang, sau khi giao nhiệm vụ chiến đấu lại cho anh Bằng Giang, tiếp tục tiến sang phía Bắc Giang.

Các đơn vị vũ trang tại Cao Bằng đã hạ một loạt đồn trại, thu súng của lính dõng, gọi trước vũ khí của các đoàn quân Pháp nối tiếp nhau vượt qua biên giới Việt - Trung từ Trùng Khánh đến châu Bảo Lạc, đã thu được hàng ngàn súng, trong đó có nhiều súng máy, có cả súng cối và đại bác; ngoài ra còn thu được khá nhiều lừa ngựa. Một số sĩ quan Pháp không đáp lời kêu gọi của ta cùng hợp tác chống Nhật, còn quay lại bắn vào ta, như ở Trà Lĩnh, Mã Phục, đã bị các lực lượng vũ trang của ta đánh bại, phải nộp toàn bộ vũ khí.

Với những lực lượng cách mạng không ngừng được tôi luyện suốt mấy năm qua, trong tình hình chuyển biến mới có lợi, phong trào cách mạng Cao Bằng như nước vỡ bờ tràn lan nhanh chóng khắp nơi. Không đầy một tháng sau khi Nhật đảo chính, toàn bộ các châu Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, tại Thạch An và một phần các châu Bảo Lạc, Quảng Uyên, Trung Khánh… chính quyền đã về tay nhân dân ta. Các ban Việt Minh tổng và xã đều ra công khai; mọi thứ thuế má cũ đều bãi bỏ; ra đường mọi người chào nhau bằng “đồng chí”. Thanh niên, đặc biệt là những người ở trong các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu nô nức tòng quân. Với những vũ khí đoạt được của địch, các châu tại Cao Bằng dần dần tự thành lập trên mười đại đội Giải phóng quân. Anh Vũ Anh cùng một đơn vị tiến xuống phía Bắc Sơn, Đình Cả. Những đại đội Giải phóng quân mới được tổ chức di chuyển về phía Nam, sẵn sàng đợi lệnh.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:35:38 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2009, 07:54:28 am »

XXVI

Cuối tháng 3 năm 1945, chúng tôi về tới Chợ Chu.

Ngay sau ngày Nhật đảo chính, các đơn vị Cứu quốc quân đã nổi lên hoạt động, chặn đánh quân Pháp tại Đèo Khế, tước khí giới, đoạt những vũ khí quân đội Đồng minh thả dù tiếp tế cho Pháp, bao vây hạ một loạt đồn bốt châu lị: La Hiên, Chợ Chu, Chiêm Hóa, Đại Từ… Đảng bộ Thái Nguyên và Ủy ban quân chính Thái - Tuyên đã lãnh đạo nhân dân ở các xã giành chính quyền từng bộ phận. Cuối tháng 3 năm 1945, chính quyền ở các xã trong toàn tỉnh hầu hết đã về tay ta.

Về phía Tuyên Quang, Cứu quốc quân hạ đồn Đăng Châu, chiếm đống huyện Sơn Dương. Chính quyền nhân dân đã thành lập ở nhiều châu, huyện từ bờ sông Lô đến đường quốc lộ số 3, và về phía Nam tới gần tỉnh lị Vĩnh Yên.

Trong khi chúng tôi gặp nhau tại Chợ Chu thì các đơn vị Cứu quốc quân, Giải phóng quân khác cũng gặp nhau tại Đại Từ (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Đầm Hồng, Bản Thi, Chiêm Hóa, Sơn Dương (Tuyên Quang), Văn Mịch (Lạng Sơn).

Những người bạn chiến đấu gặp nhau lần này trong vận hội mới của cách mạng, tay bắt mặt mừng giữa ban ngày tại phố xá đông đúc, khắc hẳn lần gặp trước trong rừng sâu, đêm khuya cách đây hơn một năm. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe tình hình phong trào cách mạng trong những vùng đã công tác từ ngày đó đến nay. Anh Chu Văn Tấn cho biết phong trào tại Tuyên - Thái đang phát triển mạnh, và đã bắt được liên lạc với Trung ương ở miền xuôi.

Bộ đội đóng quân ngay tại chợ. Công việc dồn dập. Cuộc hàn huyên không thể kéo dài. Sau một đêm liên hoan tưng bừng, các cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc, Giải phóng quân chia nhau đi làm công tác dân vận.

Về đến đây, chúng tôi biết, ngay sau khi Nhật bắt đảo chính pháp, Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ấn định đường lối, sách lược của Đảng trước tình hình mới. Khẩu hiệu: “Đánh đuổi Nhật - Pháp” nay đổi thành “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Đảng chủ trương “Phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa”.

Ít ngày sau, tôi nhận được thư của anh Trường Chình, triệu tập về họp Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Tôi viết thư lên Cao Bằng báo cáo tình hình với các anh, rồi lên đường đi họp.

Hết đường rừng, phải bỏ ngựa lại, bắt đầu đi bộ. Các đồng chí đã kiếm cho tôi đủ bộ, quần trắng, áo the, khăn xếp, làm hành trang đi đường. Qua Đại Từ, Cát Nê, Ký Phú, phố Nỉ… mỗi lúc một thấy gần miền xuôi. Đã mấy năm nay mới lại nhìn thấy cánh đồng xanh chạy dài tít tắp đến chân trời. Chưa kịp vui vì được nhìn lại những cánh đồng quê hương thì lòng đã se lại khi thấy đồng bào lam lũ, đói rách quá chừng. Người đói từ miền xuôi kéo lên, nằm rải rác suốt dọc đường, da bọc lấy xương. Mấy năm qua ở Cao - Bắc - Lạng trong thời gian dài địch khủng bố, đồng bào cũng sống rất thiếu thốn, nhưng không đến nỗi cơ cực như thế này. Nghe nói, ở miền xuôi, nạn đói còn hoành hành dữ dội hơn nhiều. Có những làng ở Thái Bình, Nam Định dân bỏ đi hết không còn ai. Tại Hà Nội, mỗi sáng xe chở rách đầy chặt những xác người nhặt trên các hè phố: Cùng với những tội ác đẫm máu của giặc tại Cao - Bắc - Lạng mấy năm qua, lại còn tội ác tầy trời chúng đang gây nên ở đây. Sự bóc lột của giặc đã lên tới mức cùng cực. Với lòng căm phẫn tột độ, nhân dân đã đứng dậy cả rồi. Cách mạng không thể nào đi bước một. Tình hình đã cấp bách đồi một sự đổi thay đến tận gốc rễ.

Đến Bắc Giang, thấy mình thật đã đặt chân lên cánh đồng màu mỡ kéo liền một dải của đồng bằng. Từ đây về đến Hà Nội chẳng còn đèo dốc nào. Cảm thấy đã gần nhà quá chừng.

Đồng chí giao thông đưa chúng tôi qua những quả đồi thông xinh xắn, tới một làng cơ sở. Tại đây, chúng tôi gặp các anh Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng…

Cuộc họp kéo dài bốn ngày dưới sự điều khiển của anh Trường Chinh. Anh Chu Văn Tấn báo cáo trước hội nghị tình hình phong trào và những hoạt động của Cứu quốc quân tại Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tôi báo cáo tình hình phong trào và những hoạt động của Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng, Bắc Kạn. Qua hội nghị, biết rõ một cao trào kháng Nhật đang lên mạnh từ Bắc chí Nam. Nhiều nơi trên Việt Bắc, đã thành lập chính quyền công khai. Nhiều vùng tại trung du đã có Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức là một thứ chính quyền nửa công khai của cách mạng. Tại miền xuôi cũng đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành vũ trang rầm rộ. Ngoài những lực lượng vũ trang của Đảng tại Việt Bắc, còn rất nhiều những đội tự vệ, tự vệ chiến đấu ở trung du, ở miền xuôi và ngay ở trong lòng cá thành phố lớn. Tại miền Trung, du kích đã nổi dậy ở Quảng Ngãi (sau này chúng tôi mới biết là Đội du kích Ba Tơ1). Tại Nam Kỳ, những hoạt động của Việt Minh đang phát triển mạnh ở Mỹ Tho và miền Hậu Giang.

Hội nghị nhận định tình thế hiện nay, cần phải phát động chiến tranh du kích và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Về quân sự, hội nghị quyết nghị chia toàn quốc thành bảy chiến khu, đề ra nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa kháng Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích; thống nhất Cứu quốc quân và Giải phóng quân lại, đồng thời thành lập Bộ tư lệnh Việt Bắc. Hội nghị quyết định sáp nhập một số tỉnh trung du vào căn cứ địa Việt Bắc để làm vùng hoạt động du kích ngoại vi, bảo vệ cho căn cứ. Nhiệm vụ vũ trang Nam tiến được chú ý đặc biệt; một bộ đội tinh nhuệ phải tiến gấp về hướng Nam. Hội nghị bầu ra một Ủy ban quân sự cách mạng để trực tiếp điều khiển công việc cho đến lúc khởi nghĩa.

Về chính trị, hội nghị đề ra nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, lôi cuốn cả các thành phần tâng lớp trên vào phong trào cứu quốc, đẩy mạnh phong trào đi tới bằng cách kêu gọi nhân dân vũ trang tuần hành trong những vùng chưa phát động chiến tranh du kích. Theo chỉ thị của Bác, hội nghị ra nghị quyết đề nghị triệu tập một cuộc đại hội đại biểu toàn quốc gồm các giới, các đảng phái, các nhân sĩ trong toàn quốc để thành lập một Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam và tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời.

Từ ngày lên đường đi họp, tôi hi vọng về đây gặp các anh sẽ được biết tin nhà. Mấy năm qua, không được tin tức gì về gia đình. Tôi có đội lần gửi thư về nhà nhưng không rõ có đến nơi hay không. Tôi cảm thấy ngày chúng tôi gặp lại nhau không còn xa nữa.

Buổi đầu gặp lại anh Trường Chinh và các anh sau bao năm xa cách, thật là vui mừng khôn xiết. Tôi đang ngồi nghe các anh kể chuyện địch khủng bố gắt gao dưới xuôi, cơ quan luôn phải di chuyển địa điểm, thị anh Trường Chinh nói:

- Chị Thái chỉ vì gửi cháu chưa được, chưa kịp đi bí mật thì đã bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại mất ở trong tù…

Tôi lặng người đi.

Lát sau, tôi hỏi:

- Anh nói sao, Thái mất rồi ư?

Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Anh chưa biết tin à?

Khi ở Cao Bằng, các anh cũng đã có lần nghe tin đâu như chị Thái bị bắt, nhưng vẫn giấu chưa muốn cho tôi biết. Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật.

Tôi nằm nhớ lại ngày chúng tôi mới gặp nhau ở Huế trong khi cùng hoạt động bí mật, nhớ đến những lời hứa hẹn sẽ cùng nhau phấn đấu trọn đời cho chủ nghĩa cộng sản, nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay, nghĩ đến Hồng Anh… Sau này tôi mới biết trong thời gian tôi đi xa, Thái vẫn tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho Trung ương; sau chuyến đi Sài Gòn để gặp chị Minh Khái lần cuối cùng trước lúc chị bị đế quốc đem xử bắn, trở về nhà được ít lâu thì bị bắt. Trong nhà tù, bọn đế quốc đã dùng mọi cực hình tra tấn để truy tìm mối dây liên lạc với anh Hoàng Văn Thụ. Thái đã quyết không khai một lời, giữ tròn khí tiết của một người đảng viên cộng sản, và đã mất tại nhà giam Hỏa Lò Hà Nội.

Liền hôm đó, cuộc họp lại tiếp tục. Các anh hết sức tìm cách an ủi tôi. Cho đến mãi về sau, trong không khí nô nức của những ngày tiền khởi nghĩa, mỗi lúc nghĩ đến Thái, tôi vẫn không tin được là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau trở lại. Nợ nước, thù nhà, oán hờn giai cấp, đối với người đảng viên cộng sản chỉ có thể trả bằng một cách: vượt lên những khó khăn, đau thương, kiên quyết tiến lên trên con đường Đảng đã chỉ rõ, dốc hết sức mình chiến đấu tiêu diệt quân thù, hi sinh tất cả cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, của dân tộc.

1Xem Từ núi rừng Ba Tơ, hồi kí về Du kích Ba Tơ của đồng chí Phạm Kiệt.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:38:02 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #49 vào lúc: 25 Tháng Tư, 2009, 06:23:35 am »

XXVII

Về đến Chợ Chu đúng vào ngày 1 tháng 5, chúng tôi dừng lại đây làm mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế lao động. Một số tin mừng đến. Bên chiến trường châu Âu, phát xít Đức sắp hoàn toàn gục ngã trước Hồng quân Liên Xô và Đồng minh. Cũng lúc ấy, được tin Bác đi xa mới về, đang từ trên biên giới xuống cùng với chúng tôi. Trước đó, có tin Bác định về dưới này, chúng tôi đã đề nghị Bác đi theo con đường Nam tiến Bác đã vạch ra cho đội Tuyên truyền ngày trước.

Tôi vội vã đi đón Bác. Dọc đường, ngựa phóng nhanh quên nghỉ. Lên Đèo Re, qua Nghĩa Tá, tới Nà Kiên thì vừa gặp Bác đang đi về. Bác ngồi ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ, râu để dài, duy đôi mắt vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào.

Từ ngày Bác giao nhiệm vụ xây đựng Đội tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân đến bây giờ tôi mới được gặp lại Bác. Tôi không nén được xúc động, báo cáo với Bác:

- Vùng giải phóng  đã được mở rộng…

Tôi trình bày với Bác tình hình phong trào nhân dân trong những vùng rộng lớn mà chúng tôi đi qua, từ ngày Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tôi báo cáo đã liên lạc được với Trung ương, đã gặp anh Trường Chinh và các anh, phong trào cách mạng ở miền xuôi đang lên mạnh. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, trong đôi mắt Bác có ánh vui.

Bác kể chuyện tình hình bên ngoài, thời cơ cũng đang có lợi cho ta. Bác nói, cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài.

Tôi trở về Kim Quan Thượng bàn với anh Song Hào. Chúng tôi nhận thấy nên chọn vùng Tân Trào. Tân Trào là một vùng rừng núi hiểm trở, giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, rất xa đường cái lớn. Từ ngày các anh Song Hào, Tạ Xuân Thu… thoát ngục Chợ Chu, đã về đây cùng các đồng chí Dục Tôn, Lê Trung Đình… xây dựng cơ sở và thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân và cơ sở tại đây rất tốt.

Anh Chu Văn Tấn mấy hôm trước tưởng Bác về theo đường Chợ Đồn, đã đưa bộ đội lên đây bố trí tại Đèo So để đón Bác, được tin Bác đi đường khác, vội vã quay về Sơn Dương.

Bác về Tân Trào vào một buổi trưa. Anh Chu Văn Tấn và anh Song Hào cùng một số đồng chí cán bộ đón Bác trước đình Hồng Thái.

Bác ở lại ít ngày tại một gia đình cơ sở xóm Kim Long rồi chuyển lên một chiếc lán nhỏ làm trên sườn một quả đồi. Tiếng đồn bay đi khắp nơi: “Có ông Cụ đã cao tuổi, sao mà nhanh nhẹn, tài giỏi, tốt đến thế. Dân mình lắm người tài, phen này nhất định lấy lại được nước”.

Thời gian này anh Cả1 ở xuôi lên và anh Hoàng Quốc Việt ở nước ngoài mới về, cũng đến Tân Trào. Tôi báo cáo lại với Bác và các anh những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Bác nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt, nhưng Bác nói: “Chia các tỉnh ra làm nhiều chiến khu như thế rườm rà quá, không lợi cho việc chỉ huy chung. Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng”. Bác bàn với chúng tôi làm dự thảo nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác.

Theo nghị quyết của hội nghị cán bộ ngày 4 tháng 6 năm 1945, được triệu tập theo chỉ thị của Bác, Khu giải phóng phải trở thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa để làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc.

Tân Trào được chọn làm thủ đô của Khu giải phóng.

Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng được thành lập. Tình hình cụ thể của các chiến khu, các địa phương trong Khu giải phóng bấy giờ rất khẩn trương. Ủy ban chỉ huy lâm thời khu chưa kịp họp lần nào. Tôi được chỉ định làm thường trực của ủy ban, một mặt giữ liên lạc với Trung ương dưới xuôi, với các anh Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh tại Bắc Giang, một mắt giữ liên lạc với Cao Bằng, Bắc Sơn.

Trên đất nước còn mang đầy vết thương và những bóng đen ảm đạm sau gần một trăm năm bị đô hộ, đã xuất hiện một hình ảnh tươi sáng của một nước Việt Nam ngày mai.

Chính quyền nhân dân trong toàn Khu giải phóng được chỉnh đốn lại bằng bầu cử, theo phổ thông đầu phiếu.

Lần đầu, người dân được trao lại những quyền tự do dân chủ đã bị cướp đoạt, tự mình lựa chọn những người đứng ra đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình. Ý nghĩa của việc bầu cử được tuyên truyền, giải thích sâu rộng. Ngoài những cuộc mít tinh hàng châu, hàng tổng, hàng xã để nghe cán bộ giải thích, còn có những đội kịch đi khắp nơi làm công tác tuyên truyền. Đồng bào Khu giải phóng là những người đầu tiên được cầm lá phiếu của tự do. Nhân dân bầu ra người đại diện và cũng chính nhân dân phế truất những người không còn xứng đáng để đại diện cho mình. Tại châu Sơn Dương, một ủy viên châu làm trái phép, nhân dân đã vận dụng quyền bãi miễn, các xã phái đại biểu đi họp hội nghị, biểu quyết cách chức ủy viên này.

Về kinh tế, cũng có nhiều chuyển biến tốt. Trong vòng khói lửa, ngày nào cũng nghe tiếng súng nổ, công việc tăng gia sản xuất vẫn tiến hành đều đặn. Những đám đất hoang đều được vỡ. Các bà, các chị đua nhau phát rẫy tập thể. Tại Chợ Chủ đã mở một cuộc hội nghị tăng gia sản xuất, bàn kế hoạch phát nương, trồng rau, nuôi gà, lợn… của đại biểu các nhà nông, có một kĩ sư canh nông cùng tham gia bàn bạc. Nhiều hợp tác xã mua bán được tổ chức. Các hợp tác xã tại Chợ Rã chuyên vải xuống, các hợp tác xã từ Tuyên, Thái tải muối lên.

Những hoạt động văn hóa cũng triển khai mạnh mẽ. Phong trào chống nạn mù chữ phát triển rất nhanh chóng, phần lớn các  xã đều có trường dạy quốc ngữ. Lần đầu, các cụ già, các bà mẹ cắp sách đến trường. Nhiều châu mở trường cứu quốc sơ cấp. Chợ Đồn mở trường sư phạm. Chiêm Hóa mở hội nghị văn hóa. Châu, huyện nào cũng bắt đầu có tờ báo của địa phương. Cao - Bắc - Lạng vẫn ra tờ Việt Nam độc lậpQuân giải phóng.

Mỗi xã đều có một nhà Hồi đồng cứu quốc. Nhân dân thường đến họp để nghe tình hình và bàn bạc những công việc chung.

Nghĩ lại thấy bộ máy thống thị của tên đế quốc cáo già Pháp thật là khe khắt, độc ác và tinh vi. Nó đã chăng khắp đất nước ta biết bao tầng lưới sắt chằng chịt. Từ thành thị đến nông thôn các cỗi rễ của nó ăn sâu một cách lạ thường. Bây giờ, cái cây già cỗi đó bao năm che lấp cả ánh sáng mặt trời, phút chốc bỗng đổ nhào trước cơn gió lốc. Cửa nhà, làng mạc như lúc này mới được hiện ra dưới ánh sáng ấm áp. Rừng sâu, núi cao, đêm tối không phải là nơi làm việc tốt nhất nữa. Trên các đường lớn, ngõ hẻm, bỗng dưng khôi phục lại cái quyền ung dung đi lại, không phải lấm lét xa gần để tránh người lạ mặt. Nhớ lại lúc đi giày, đi dép chẳng được đã đành, ngay đi chân không cũng con e sợ để lại dấu vết trên rêu xanh, sỏi trắng… Cả bộ mấy thống trị đàn áp ghê gớm của kẻ địch xây dựng từ gần một thế kỉ nay, lúc này đã tan tành trước sức mạnh của nhân dân.

1Đồng chí Nguyễn Lương Bằng.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tư, 2012, 05:41:01 pm gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM