Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:38:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ nhân dân mà ra  (Đọc 39680 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2009, 02:55:30 pm »

Cứ khoảng hai tuần lễ, anh Đồng, anh Hoan và tôi lại thay phiên nhau từ Tĩnh Tây về Pắc Bó báo cáo. Con đường đã trở nên quá quen thuộc. Đi dọc đường, gặp trời tối ở đâu, cũng có thể tạt vào bên đường tìm được nhà quen và được đối đãi như bà con thân thuộc.

Có một buổi chiều, trên đường về, gần tới cơ quan thì trời ập tối. Ở miền núi, trời chuyển sang tối rất nhanh. Quãng này rậm, đèn đóm không có, không sao tìm ra đường. Đứng một lúc, tôi nhìn thấy có ánh lửa ở lưng chừng núi. Nhận ra đó là nhà của một đồng bào Nùng, tôi bèn cứ chiếu hướng mà leo. Khoảng một giờ sau tới nơi, cành cây và gai đâm rách cả quần áo. Vào nhà, định xin bó đuốc và hỏi thăm đường về, thì gặp lúc gia đình vừa cúng giỗ xong, nhất định giữ lại uống rượu, ăn cơm. Từ chối không được, biết không nhận lời thì đồng bào giận, tôi nán ở lại. Đi đường xa vừa mệt, vừa đói, uống chút rượu vào tôi bị say, phải nằm ra sàn. Đồng bào chạy lên hang gọi người xuống đón. Anh Vũ Anh xuống cõng tôi về. Khi tỉnh dậy, anh Kiên đem cháo nóng cho ăn, kể lại, vừa ròi tôi nằm cứ nói luôn: “ không biết uống rượu, chóng mặt quá, đừng có phê bình”; Bác nghe vậy đã nói: “Được rồi, tỉnh lại đi, sẽ không phê bình đâu”.

Anh Phùng Chí Kiên ở cùng Bác tại Pắc Bó một thời gian thì lên đường về Bắc Sơn.

Cuối tháng 9 năm 1940, khi chúng tôi còn ở Trung Quốc, nhân lúc quân đội Nhật tràn vào Lạng Sơn, bọn Pháp rút chạy, nhân dân Bắc Sơn dưới sự lãnh đạo của một số đồng chí đảng viên tại địa phương đã đứng lên, khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị địch tập trung đàn áp, Trung ương đã quyết định tăng cường cán bộ, duy trì phong trào tại đây. Vào đầu năm 1941, đội du kích Bắc Sơn đã thành lập. Theo quyết định của Trung ương lần thứ tám tại Pắc Bó, xây dựng Bắc Sơn - Vũ Nhai và Cao Bằng thành hai trung tâm khởi nghĩa tại Việt Bắc, anh Phùng Chí Kiên được cử về cùng các anh Huy, Chu Văn Tấn mở rộng khu căn cứ và chỉ huy đội du kích Bắc Sơn1.

Anh Vũ Anh ở lại Pắc Bó với Bác.

Sáng nào, Bác cũng dậy rất sớm và gọi mọi người cùng dậy. Bác tập thể dục rất đều, tập xong lạnh mấy cũng đi tắm suối, rồi bắt đầu làm việc. Khi Bác khai hội, khi Bác nghiên cứu, khi Bác xuống làng nói chuyện với đồng bào, có khi Bác đi lấy củi. Bữa cơm của Bác chỉ có chút thịt muối hoặc con cá vừa bắt được dưới suối.

Trời tối, trong hang rất lạnh, phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Không có đèn, nên buổi tối ít khi làm việc. Anh em thường ngồi quây quanh đống lửa nghe Bác nói chuyện. Một lần, Bác nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn, những cuộc cách mạng từ trước tới nay, rồi Bác phỏng đoán độ bốn, năm năm nữa, chiến tranh sẽ tới bước quyết định, và lúc đó là một cơ hội tốt cho cách mạng ta.

Khuya khuya, mọi người ngủ chung cả trên sàn. Những cành cây ngổn ngang dưới lưng, nằm vừa đau vừa lạnh.

Có lần, Bác viết một cuốn lịch Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến này. Bác viết vào cuối trang mục lục: “Việt Nam độc lập 1945. Anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: “Để rồi xem”.

Về nước một thời gian, Bác chỉ thị cho cơ quan ra một tờ báo để hướng dẫn phong trào. Chuẩn bị cho tờ báo ra đời cũng khá khó khăn. Các đồng chí ở địa phương mày mò mãi mới kiếm về được một cái bia đá. Bác cùng các đồng chí thay nhau mài mấy ngày liền mới hết những chữ nho khắc trên mặt bia. Giấy bản in báo do các chị phụ nữ mua từng ít một trong các phiên chợ đem về góp lại. Tên báo là Việt Nam độc lập, gợi tắt là Việt Lập. Vì khuôn khổ tờ báo nhỏ, chữ, theo chỉ thị của Bác, lại phải viết to để đồng bào đọc dễ dàng, nên các bài viết rất ngắn. Có lần tôi ở Tĩnh Tây về, Bác phân công viết một bài về phong trào phụ nữ cho báo Việt Lập. Bác nói:

- Chú viết đúng một trăm chữ, viết hơn thì không có chỗ đăng đâu.

Tôi ngồi viết, cảm thấy khó quá. Thời gian qua ở Tĩnh Tây, chúng tôi cũng ra báo. Cũng chỉ là báo in thạch, nhưng giấy sẵn, khuông khổ tờ báo rộng, viết thoải mái chứ không hạn chế như thế này.

Thấy tôi ngồi viết khó khăn, Bác cười rồi bảo:

- Báo của các chú gửi về nhưng mình không xem hết, mà ở đây cũng không mấy ai xem. Báo của các chú văn hay, chữ nhiều, nhưng khó đọc, và có đọc cũng không mấy ai hiểu. Báo Việt Lập tuy đơn giản, nhưng dễ đọc, dễ hiểu.

Về sau có dịp đi công tác tại các địa phương, tôi mới thấy hết tác dụng rất to lớn của tờ báo, đồng bào ở khắp các nơi đều rất hoan nghênh báo Việt Lập.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:09:40 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2009, 03:00:21 pm »

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, phát xít Đức bắt đầu tiến công Liên Xô. Cuộc đại chiến lần thứ hai mở rộng hơn và bước vào giai đoạn quyết liệt. Đảng ta đã phát động một phong trào ủng hộ Liên Xô, tuyên truyền, ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của Hồng quân Liên Xô. Bác đã viết nhiều bài, nhiều thơ ca trên báo Việt Lập, phân tích thế nào Đức cũng thua và Liên Xô cũng thắng.

Công tác của chúng tôi tại Tĩnh Tây không tiến triển được bao nhiêu. Bọn Quốc dân đảng miệng thì hứa hẹn, nhưng ngoài lớp học quân sự đã mở, chúng chẳng giúp đỡ được gì hơn. Chúng vẫn tiếp tục điều tra xem chúng tôi có phải là cộng sản không, và thăm dò lực lượng của ta. Tên Trần tham mưu trưởng yêu cầu cho người của hắn vào Việt Nam xem tình hình phong trào. Xin ý kiến ở nhà, được đồng ý, một lần về nước, chúng tôi cho hai tên sĩ quan Quốc dân đảng đi theo. Bọn chúng được ở đây một tuần. Chúng ta bố trí một phái đoàn đi kiểm tra các nơi, cho hai tên võ quan Tưởng đi theo. Đâu đâu, chúng cũng thấy phong trào của ta rất mạnh mẽ, rầm rộ. Nhân dân họp mít tinh đông đảo, đem theo vũ khí, có cả súng, để chào mừng phái đoàn. Khi trở về nước, hai tên võ quan này yên trí đã được đi qua một vùng rộng lớn tại khu căn cứ của ta, làm cả một bản báo cáo dài để nói về lực lượng và phong trào cách mạng lớn mạnh ở Việt Nam. Thực ra, trong suốt thời gian ở đây, để giữ bí mật cho các cơ sỏ của ta, bọn chúng chỉ được dẫn đi ban đêm loanh quanh trong một phạm vi nhỏ. Có ít khẩu súng thì đêm nay để ở địa điểm này, đêm sau lại chuyển sang địa điểm khác đón phái đoàn. Sau chuyến đi thăm này, bọn Quốc dân đảng chuyển cho chúng ta mấy chục quả lựu đạn chày, trong đó có lẫn một số quả bị điếc. Chúng vẫn nghi ngờ chúng ta là cộng sản.

Như đã dự đoán từ trước, tại lớp học cho học sinh quân Việt Nam, bọn Quốc dân đảng một mặt dạy quân sự, một mặt ra sức tìm mọi cách nhồi nhét thứ chính trị phản động của chúng. Các đồng chí ta để những lời lẽ của chúng ngoài tai. Thái độ lạnh nhạt của anh em ta đối với các luận điệu của chúng, càng làm cho chúng thêm nghi ngờ.
Thỉnh thoảng, tôi lại lên Quế Lâm để thăm anh em. Tháng 11 năm 1941, khi tới Thiên Bảo, thấy pháo nổ ran khắp thành phố. Hỏi ra mới biết nhân dân Trung Quốc đốt pháo ăn mừng vì cuộc chiến tranh giữa Nhật và Mỹ ở Thái Bình Dương đã bắt đầu. Nhật vừa đưa quân tiến đánh Trân Châu Cảng. Lần này, khi tôi đến trường, bọn phụ trách tìm cách kéo dài cuộc tiếp đãi, bao vây khéo không để có thời giờ gặp anh em. Chúng tôi đoán bọn Quốc dân đảng khác ý.

Khi trở lại Tĩnh Tây ít ngày chúng tôi biết là Nguyễn Hải Thân đã dò được tung tích của chúng ta, và tố giác với bọn Quốc dân đảng. Chúng đã nắm được tên thực của anh Phạm Văn Đồng và tôi. Bọn Quốc dân đảng thay đổi thái độ ngay. Các anh lập tức cử tôi về báo cáo lại tình hình với Bác.

Từ ngày Bác về nước, cơ quan đã thay đổi địa điểm mấy lần. Đồng bào Nùng tại đây rất tốt vì đã có cảm tình và liên lạc với cách mạng từ trước. Vùng này rất hẻo lánh. Nhưng bọn Tây và quân lính ở các đòn phía dưới Sóc Giang vẫn thường kéo lên, khi lùng bắt những người trong làng nấu rượu lậu, khi tìm thổ phỉ, khi dò la tung tích cách mạng. Nơi ở đầu tiên của Bác tại Pắc Bó tuy lạnh nhưng vẫn là nơi ở tốt nhất. Tại đây, có hang, không sợ mưa nắng. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rấp ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh người. Về đây, Bác hay sốt. Nhiều lần, Bác đang ngồi khai hội thì lên cơn sốt, mặt tái ngắt, tay chân run cầm cập. Chúng tôi mời Bác đi nằm, nhưng Bác nói: “Nằm càng mệt, ngồi thế này có đấu tranh đỡ hơn”.

Lần này, tôi trở về nước, cơ quan đã chuyển sang một địa điểm mới. Đường đi hiểm trở hơn những lần trước. Phải lội ngược mãi một con suối nằm giữa những ngọn núi cao; gần đến cơ quan lại phải vượt qua ba thác nước, leo một cái thang qua một vách núi, mới vào đến nhà. Lán của cơ quan cất dưới lùm cây, song, mây chằng chịt, vừa tối, vừa ẩm. Bác chỉ một cái lạch nước mới khơi, tự tay Bác đã xếp than, sỏi và cát làm chỗ lọc nước, nói:

- Chú xem, cơ quan ta chuyển về đây lại có cả nước lọc.

Ở đây, hẻo lánh và âm u vô cùng. Tôi biết nhiều ngày các đồng chí trong cơ quan đi công tác, đêm khuya, chỉ có Bác với đồng chí bảo vệ nằm nghe tiếng gió rừng cùng với tiếng beo gầm.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác quyết định, tôi không sang Tĩnh Tây nữa, tin cho anh Đồng ở bên đó cũng trở về, chỉ để mình anh Hoan ở lại duy trì biện sự xứ và liên hệ với anh em học sinh quân. Ít lâu sau, anh Hoan bị bọn Quốc dân đảng bắt một thời gian.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:10:50 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:47:56 pm »

VI

Cao Bằng là một tỉnh ở miền biên giới có phong trào cách mạng rất sớm.

Từ năm 1929, tại đây, đã có chi bộ của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương mới thành lập, Cao Bằng đã tổ chức chi bộ Đảng. Trong những năm khủng bố trắng, cơ sở Đảng vẫn được duy trì. Đến thời kì Mặt trận bình dân, phong trào cách mạng phát triển khá rộng rãi trong nhân dân. Tại mỏ Tĩnh Túc đã nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân. Đồng bào địa phương tổ chức nhiều cuộc biểu tình hưởng ứng Đông Dương đại hội.

Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, Cao Bằng ở biên giới Việt - Trung nên ảnh hưởng chiến tranh càng sâu sắc. Nhân dân Cao Bằng bị bắt đi lính, bị áp bức, bóc lột nhiều hơn các tỉnh khác; sinh hoạt thì cực kì đắt đỏ. Nhân dân phần sợ Pháp, sợ bọn quan lại, phần sợ bọn thổ phỉ, lại luôn nơm nớp lo Tàu, lo Nhật kéo vào. Sau khi đầu hàng Nhật, Pháp lại quay ra đàn áp phong trào cách mạng. Cao Bằng bị địch khủng bố rất mạnh. Các cán bộ và đảng viên phải chuyển vào hoạt động bí mật, du trì cơ sở, giữ gìn phong trào.
Chính vào thời kì này, vì bị địch khủng bố, truy lùng ráo riết, một số đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng đã phải trốn ra nước ngài và đã được gặp Bác tại Trung Quốc.

Sau lớp huấn luyện ngắn ngày tổ chức tại gần biên giới, các đồng chí dự lớp đã trở về ngay trong nước, nắm lại các cơ sở quần chúng, tìm cách phục hồi phong trào. Từ ngày Bác trở về nước, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Bác, phong trào Cao Bằng không những đã phục hồi nhanh chóng mà lại còn phát triển rất mạnh mẽ.

Về nhà được ít ngày, một buổi chúng tôi đang cùng Bác dự một cuộc hội nghị thì gặp một đồng chí báo tin dữ: Địch tập trung quân càn quét tại Bắc Sơn - Vũ Nhai, anh Phùng Chí Kiên và anh Huy đã hi sinh.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, phong trào Bắc Sơn - Vũ Nhai phục hồi nhanh chóng, trở thành một căn cứ nằm sâu trong lòng Việt Bác. Địch đưa quân từ ba mặt Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang tấn công vào. Anh Phùng Chí Kiên và anh Huy trong khi cùng một số đòng chí rút về phía Cao Bằng, đã hi sinh vì một trận phục kích của địch tại Lũng Sao thuộc châu Ngân Sơn. Một số đồng chí khác vẫn còn ở trong vòng vây của địch, chưa rõ tình hình ra sao.

Nghe tin, Bác đứng lặng một lúc, nước mắt ứa ra. Sau đó, Bác lại tiếp tục đi tới địa điểm hội nghị1.

Tôi về nước được một thời gian thì Bác giao nhiệm vụ về châu Hòa An, còn có bí danh là châu Trần Phú, để mở lớp huấn luyện.

Trước khi lên đường, tôi đã cải trang thành một người dân địa phương với bộ quần áo chàm, chiếc mũ nồi dạ và một chiếc túi dết bằng vải chàm đeo sau lưng. Trong túi, ngoài những tài liệu của lớp huấn luyện tại biên giới, lúc này đã được in lại thành tập với tên Con đường giải phóng, còn có tập Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô do Bác dịch và đánh máy cho mỗi chúng tôi một bản, để làm tài liệu huấn luyện các đảng viên.

Càng đi càng thấy phong trào của ta đã ăn khá sâu rộng trong nhân dân. Địch giăng nhiều vọng gác trên dọc đường. Nhưng những anh lính dõng đứng gác không gây khó dễ cho chúng tôi, mà lại còn nhìn chúng tôi với vẻ mặt tươi tỉnh. Có nơi, đồng chí đưa đường vào ngay trạm gác của lính dõng hỏi mua thức ăn. Phần lớn những người lính dõng này đều là hội viên các hội cứu quốc. Biết có đoàn càn bộ đi qua, đồng bào ở các làng cơ sở ra đón đường chúng tôi, tay bắt mặt mừng. Đến bữa ăn, chúng tôi dừng chân, nghỉ lại trên đồi hoặc ven rừng, lát sau la có đồng bào đưa cơm nước lên. Qua thái độ của bà con, biết là người cán bộ cách mạng tại đây được quý mến nhường nào. Quang cảnh này, tình hình này thực khác hẳn ngày chúng tôi ra đi. Thấy đồng bào đón tiếp nhiệt tình, quý trọng cán bộ, nghĩ chính mình đang đi trong sự che chở của đồng bào, chính nhờ đồng bào mà mình đang được đi trên những miền của đất nước đã mang màu sắc của ngày mai tự do.

Hết đường núi, ở lại gia đình đồng chí Lén. Cả gia đình đồng chí Lén, kể cả các cụ thân sinh, đều tham gia hội cứu quốc. Trời sáng, tôi lánh ra ở một hốc núi đá ngay giáp vườn. Đến bữa ăn, lại vào nhà ăn cơm. Xã nay là một xã “hoàn toàn”. Trong xã, trừ một vài phần tử tối phản động bị bao vây giám sát chặt chẽ từng bước đi, tất cả nhân dân đã được tổ chức vào các hội cứu quốc.

Lớp huấn luyện được tích cực chuẩn bị. Vùng này nhiều núi đá có cây cối rậm rạp. Các đồng chí ở địa phương đã chọn một hang đá rộng rãi, quang đãng làm địa điểm lớp học. Chừng mươi đồng chí nam, nữ được lựa chọn đi học. Anh chị em mang theo nồi, gạo, thức ăn tới địa điểm với nét mặt rất phấn khởi.
Chúng tôi lấy lá về rải trong hang làm nơi lên lớp, thảo luận. Hết buổi học, các học viên cùng làm bếp, nấu nướng lấy ăn.

1Xem tập Một năm trên biên giới Việt - Trung; Hồi kí về Cứu quốc quân của đồng chí Chu Văn Tấn.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:11:57 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:50:53 pm »

Nội dung huấn luyện gồm có: tình hình thế giới, tình hình trong nước, tại sao phải đánh Tây, đuổi Nhật, rồi đến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, cách tỏ chức hội cứu quốc, các đội tự vệ, năm bước công tác bí mật; lại học cả cách khai hội, cách phát biểu ý kiến… Trong thời gian học tập, anh chị em còn đồng thời được tuyên truyền giáo dục về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng, về chế độ và đời sống tốt đẹp tại Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Mọi người rất ham học. Anh chị em thảo luận sôi nổi, nói lên sự áp bức, bóc lột của Tây, Nhật, của bọn quan lại, tổng lí, và những âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ các dân tộc của bọn chúng. Tôi nhận thấy, mỗi điều hiểu biết mới về cách mạng đều tác động sâu sắc đến anh chị em. Chúng tôi tìm trong hàng ngũ hội viên trung kiên, những đồng chí đã tham gia phong trào từ lâu, bồi dưỡng thêm, chuẩn bị cho việc phát triển Đảng.

Hang đá này nằm ở một hòn độc sơn. Ngồi trong hang nhìn ra, ngay trước mặt là làng mạc, là cánh đồng. Lớp học tiến hành rất an toàn. Ngày, đêm lúc nào cũng có các anh chị em tự vệ chung quanh. Các đồng chí ở dưới xã luôn luôn lên báo cáo tình hình hoạt động của bọn phản động.

Khi học tập thì giản dị, nhưng lúc kết thúc lại khá “long trọng”. Lễ bế mạc được tổ chức tại một thung lũng. Nhiều đồng bào tới tham dự. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, ban phụ trách lớp thay mặt đoàn thể giao nhiệm vụ. Đại biểu các hội cứu quốc ở địa phương lên hoan nghênh những đồng chí đã học xong, sắp trở về công tác. Các hội viên cứu quốc sôi nổi hứa hẹn với đoàn thể, với nhân dân trước khi ra về. Một không khí phấn khởi, náo nức, hừng hực khí thế cách mạng bao trùm lấy cả buổi lễ.

Sau một thời gian ở đây, tôi chuyển sang một tổng khác trước vùng cánh đồng của châu Hòa An. Phong trào tại vùng này rất mạnh. Nơi tôi tới công tác và những tổng ở chung quanh đều là tổng “hoàn toàn”. Lớp học mở ngay tại giữa làng. Mặc dầu ở gần Nước Hai, không xa tỉnh lị bao nhiêu, nhưng chúng tôi tổ chức liền mấy lớp không gặp trở ngại gì. Tôi được bố trí ở với một gia đình nông dân. Gia đình này nghèo, nhưng hằng ngày, ngoài hai bữa cơm, khi củ khoai, khi bắp ngô, luôn luôn tìm mọi thứ ra mời cán bộ. Một lần, giữa lớp huấn luyện, tôi bỗng lên cơn sốt. Nằm không yên, chỉ lo cơn sốt kéo dài, lỡ việc học tập của anh em. Gia đình vội vã đi tìm một hội viên biết thuốc tới. Ông cụ sờ đầu và xem mặt tôi rồi nói: “Đồng chí cán bộ à, lên ban thôi, không việc gì đâu!”. Cụ đi kiếm ít lá về sắc một chén nhỏ đưa tôi uống, rồi bảo tôi đắp chăn nằm ngủ. Buổi chiều, tỉnh dậy, thấy hết sốt. Hỏi cụ cho uống thứ lá gì, cụ nói: Lá nụ ảo.

Tôi trở về cơ quan. Bác đã chuyển từ Pắc Bó về Lam Sơn. Căn lán của Bác nằm trên một sườn núi khá quang đãng, phía sau, có một mảnh đất nhỏ, sáng sáng Bác vẫn ra để tập thể dục. Tôi báo cáo tình hình công tác tại Hòa An. Bác nhận xét làm tốt, và chỉ thị cho tôi chuyển sang châu Nguyên Bình.

Tình hình Nguyên Bình so với Hòa An có khác. Hòa An là một châu có phong trào cách mạng từ lâu. Nguyên Bình trước kia, chỉ riêng mỏ Tĩnh Túc có phong trào khá mạnh trong công nhân, các nơi khác thì gần đây mới bắt đầu xây dựng một số cơ sở.

Từ Cao Bằng có đường cái lớn chạy về Tĩnh Túc, nhưng chúng tôi phải đi theo đường núi cho kín đáo. Ngày đầu, phải vượt qua nhiều đèo cao và những triền núi đá. Đường đi rất vắng vẻ. Chập tối, tới một bản mới được tổ chức gần đây, nằm giữa một vùng hẻo lánh. Đồng chí giao thông dẫn tôi vào nhà một hội viên. Thấy chúng tôi đến, cả gia đình đều tỏ vẻ mừng rỡ.

Sau bữa cơm, tôi được đưa vào nghỉ trong một căn buồng kín đáo. Nằm một lúc, nghe dưới nhà có nhiều tiếng lao xao. Tuy vậy, chưa nhận thấy có dấu hiệu bất trắc. Một lát, có tiếng kẹt cửa. Một người đẩy cửa bước vào, rón rén đến giường, vén màn lên, đứng nhìn một lát rồi quay ra. Và liên tiếp sau đó những người khác đẩy cửa buồng vào làm như vậy. Hơi ngạc nhiên, tôi gọi đồng chí hội viên vào, hỏi:

- Tôi ở đây mà đồng chí để nhiều người vào buồng luôn luôn như vậy thì làm sao giữ được bí mật?

Đồng chí hội viên đáp:

- Các anh, các chị ấy cũng là người trong hội cả thôi. Đồng chí “thượng cấp” từ xa đem đến đấy ánh sáng cho chúng tôi, anh chị em đều mừng rỡ, nên ai cũng xem mặt một tí.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi Gia Bằng. Trước khi đi, tôi nói chuyện với các đồng chí hội viên ở đây, cần chú ý giữ bí mật trong mọi công tác của hội. Mặc dầu chỉ trú chân tại đây một đêm, nhưng khi đi, cả gia đình đều tỏ vẻ quyến luyến.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:12:49 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:51:39 pm »

Gia Bằng là một cánh đồng hẹp nằm giữa một vùng núi đá. Tại đây, một người giao thông sẽ đưa tôi đi nốt đoạn đường cuối cùng trong đêm hôm đó. Khi gặp đồng chí này, tôi hơi ngạc niên vì thấy anh ta bị mù cả hai mắt. Tên đồng chí đó là An.

Năm giờ chiều, đồng chí An đưa tôi ra đi. Đường toàn đá tai mèo, hết lên lại xuống, lại lắm khe nhiều suối, với người sáng mắt, đi cũng rất khó khăn. Đồng chí An chỉ dùng hai bàn chân dò dẫm và chiếc gậy trúc trong tay, khua khua vào những hòn đá, những thây cây hai bên đường là nói được với tôi ngay, nơi đó là đâu. Trời càng tối, tôi càng thấy đồng chí giao thông hỏng mắt này đi đường giỏi hơn mình rất nhiều. Dọc đường, nói chuyện, mới biết anh An trước kia mắt cũng sáng nhưng đã bị mù từ lâu, sau một trận đau mắt. Anh có một trí nhớ đặc biệt. Có lần, anh vào rừng lấy củi, khi về nhà mới nhớ ra mình đã bỏ quên con dao, anh quay trở lại rừng và tìm được con dao mang về. Anh An kẻ lại với tôi cuộc đời khổ cực tối tăm của mình sau ngày hỏng mắt, và nói, anh đã tìm lại được ánh sáng từ khi biết hội. anh tự nguyện sẽ đem cả cuộc đời mình để hiến cho cách mạng. Về sau, tôi biết thêm, anh là một hội viên trung kiên hoạt động rất tích cực. Tối hôm đó, vừa đi với anh, tôi vừa ngẫm nghĩ về sức mạnh kì lạ của phong trào cách mạng đã cuốn hút được vào cuộc đấu tranh quyết liệt này cả những người như anh An. Hình ảnh đồng chí giao thông mù trong những năm tranh tối tranh sáng đó, đã gây cho tôi một ấn tượng rất sâu.

Đêm hôm đó, anh An dẫn tôi đi đến nhà đồng chí Xích Thắng, bí thư châu ủy.

Tôi ở lại nhà đồng chí Xích Thắng một thời gian và mở mấy lớp huấn luyện tại vùng đồng bào Mán trắng. Một buổi sớm, có đồng chí trên vùng Mán trắng về đón. Đồng chí này mặc quần áo chẽn, đầu chít khăn, một con dao rừng giắt chéo qua chiếc dây lưng thắt bó lấy người, trông như một nhà hiệp sĩ thời xưa. Đồng chí Xích Thắng giới thiệu với tôi, đó là đồng chí Hồng Trị, một trong hai đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương tại khu Thiện Thuật, tức là vùng Mán trắng. Đồng chí Hồng Trị nói bằng tiếng Kinh:

- Chào đồng chí, đồng chí về thế này chúng tôi rất hoan nghênh.

Đồng chí Hồng Trị đưa tôi đi. Đúng là đi theo đường chim. Vừa đi chúng tôi vừa phải lách lá rừng, phát mây gai để mở đường trên những triền núi đá tai mèo. Mỗi lần tôi hỏi đi về đâu, thì đồng chí Hồng Trị lại chỉ một ngọn núi cao vòi vọi trước mặt. Buổi trưa, chúng tôi nghỉ chân một lúc tại nhà một đồng chí Mán. Rồi lại tiếp tục leo ngược núi. Vắt nhiều vô kể. Đi miết cho đến chiều, mới hết triền núi đá, trước mặt, hiện ra một khu rừng đại ngàn, cây cối rậm rạp, mây đước chằng chịt. Tôi nhìn thấy mấy đồng bào Mán đang ngồi trong một chiếc lán nhỏ làm bám vào một gốc cây cổ thụ. Đồng chí Hồng Trị nói với tôi, lớp học sẽ mở tại đây, và nhưng người ngồi đó là các đồng chí học viên. Các đồng chí nhìn chúng tôi với vẻ mặt mừng rỡ. Đến lúc nói chuyện, mới hay không đồng chí nào biết tiếng Kinh. Lát sau, lại có thêm mấy chị đến, đầu vấn khăn tròn, áo hoa, váy trắng, mặc đẹp như những người đi hội. Các chị cũng là những đồng chí được cử đi học. Chúng tôi tươi cười gật đầu chào nhau, nhưng đến khi nói chuyện thì không bên nào hiểu. Chiều hôm đó, đồng chí Bình Dương cũng tới. Đồng chí Bình Dương là người châu Hòa An, được cử lên công tác tại vùng này. Anh nói thạo tiếng Tày, tiếng Kinh, và cũng biết một ít tiếng Mán.

Từ khi làm công tác huấn luyện đã nhiều lần tôi gặp khó khăn về việc giải nghĩa những danh từ mới, nhất là những danh từ về chính trị. Đồng bào phần lớn, lần đầu làm quen với những danh từ mới này, lại phải nhớ nhiều quá trong một lúc. Chúng tôi đã có kinh nghiệm đem một số danh từ đặt tên bí danh cho các đồng chí, để học viên dễ nhớ. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tên mới: Minh Khai, Ấu Triệu, Đấu Tranh, Độc Lập, Đề Thám, Hồng Phong… Nhưng ở lớp huấn luyện đầu tiên trên rẻo cao này, thì việc giảng bài khó khăn một cách đặc biệt. Đồng chí Hồng Trị biết tiếng Kinh nhưng chỉ nói được những tiếng thông thường trong sinh hoạt hằng ngày, khi gặp những danh từ chính trị thì bản thân đồng chí cũng không hiểu. Tôi cố gắng tìm hiểu tình hình áp bức, bóc lột tại đại phương, một mặt, khai thác khả năng phiên dịch của đồng chí Hồng Trị và đồng chí Bình Dương, một mặt, dùng thêm những hình vẽ để giảng bài. Khi nói đến Tây, Nhật áp bức bóc lột dân ta, thì tôi vẽ hình thằng Tây, thằng Nhật đánh đập đồng bào, vẽ người dân trên lưng chồng chất sưu cao, thuế nặng. Khi giảng về vấn đề đoàn kết để đánh Tây, đuổi Nhật thì vẽ người Mán, người Thổ, người Kinh cùng nắm tay nhau… Cách này đã giúp anh chị em hiểu được dễ dàng hơn.

Đồng bào Mán trắng vốn đã có một tinh thần cách mạng rất cao, một lòng tin từ trước, hết sức cố gắng tìm hiểu những lời cán bộ nói, vì tin tưởng chắc chắn đó là chân lí. Cuối cùng, kết quả lớp học khá tốt. Trong lễ tốt nghiệp, một chị đã nói bằng một giọng cảm động:

- Chúng tôi ở núi cao, rừng rậm bao đời nay không có ánh sáng. Hội đã đưa đồng chí giáo viên đến chỉ cho cho chúng tôi con đường độc lập, tự do. Anh chị em chúng tôi như những người thức đêm, nhà có ngọn đèn dầu đã cạn, sắp tắt, giờ cấp trên cử người đến đem dầu đổ thêm vào, làm cho đèn lại sáng ra. Đầu óc chúng tôi trước kia tối tăm, bây giờ nhờ hội đã sáng tỏ.

Đồng bào miền núi thường hay dùng hình ảnh và sự so sánh để diễn tả những ý nghĩ của mình. Cũng trong lớp huấn luyện này, tôi còn nhớ một câu nói vui của một đồng chí phát biểu về kết quả học tập:

- Chúng tôi làm nương rẫy, muốn ngô lúa tốt thì phải có phân. Đồng chí giáo viên đến đây như người đem phân bón cho ngô lúa, thế nào phong trào cũng xanh tốt.

Trước khi ra về, các đồng chí dự học tập đều được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển thêm hội viên mới để mở rộng các hội cứu quốc.

Tôi đi cùng đồng chí Bình Dương tới tham dự một cuộc mít tinh giải thích chủ trương của Việt Minh: Đoàn kết các dân tộc đánh Tây, đuổi Nhật. Đồng bào các bản kéo tới rất đông. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp, nô nức, vui mừng như đi dự một ngày hội.

Qua những lớp huấn luyện tại Hòa An và Nguyên Bình, càng thấy rõ, trong khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mặt thiết đến đời sống của quần chúng, thì quần chúng rất dễ tiếp thụ, công tác vận động sẽ trở nên có một sức hấp dẫn đặc biệt, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh. Một điều khác tôi đã nhận thấy là, với những tâm hồn rất chất phác, trong trẻo của đồng bào miền núi, khi cách mạng đã đem đến cho họ một lòng tin, thì không có sức nào lay chuyển được lòng tin đó.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:14:28 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:53:39 pm »

VII

Sang năm 1942, trong các châu ở Cao Bằng đã có những châu “hoàn toàn”. Đây là một hiện tượng mới trong lịch sử phong trào cách mạng của ta. Ngoài ra, ở tất cả các châu khác, cách mạng đều đã xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng.

Đồng bào Tày, Nùng nô nức tham gia các hội cứu quốc. Thanh niên dẫn đầu phong trào. Chị em phụ nữ vào hội rất đông. Các em nhi đồng cũng đều vào hội. Một thứ chính quyền hai mặt đã xuất hiện ở nông thôn. Trong các xã “hoàn toàn”, Ban Việt Minh xã giải quyết hầu hết các vấn đề sinh hoạt hằng ngày trong nhân dân, từ việc cưới xin đến tranh chấp ruộng rẫy. Ta tranh thủ được phần lớn các hương lí. Những người này hoặc đã tham gia các hội cứu quốc, hoặc có cảm tình với cách mạng. Trước khi lên châu, lên tỉnh, các chức việc thường đến xin chỉ thị của Ban Việt Minh xã, khi về cũng báo cáo lại mọi việc đã làm với “quan trên”.

Phong trào lan rộng trong hàng ngũ lính dõng. Hồi này, bọn Pháp ra lệnh tăng cường canh gác nghiệm ngặt. Mỗi xã có hai ba, điếm canh. Nhưng phần lớn các điếm canh của địch đã biến thành trạm liên lạc hoặc nơi theo dõi tình hình của ta.

Trên những vùng cao, phong trào cũng phát triển mạnh. Đồng bào dân tộc Mán vào hội rất đông, yêu quý cán bộ như ruột thịt.

Trong khi tiến hành cong tác vận động chính trị, giáo dục lòng yêu nước cho đồng bào, ta còn đồng thời giáo dục, tuyên truyền một cách rộng rãi về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng, về Liên Xô. Ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng rất rộng. Đồng bào đã hiểu Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng lãnh đạo cách mạng, Đảng sẽ giành lại độc lập. tự do cho nước nhà sẽ đem lại ấm no hạnh phúc cho quần chúng công nông đau khổ, cho toàn thể các dân tộc. Nhiều đồng bào đã coi Đảng như chính là của mình. Nhiều hội viên trung kiên được chọn lựa, giáo dục rồi kết nạp vào Đảng. Phần lớn các xã có phong trào đều đã thành lập chi bộ.

Phong trào cách mạng dần dần xua tan những ảnh hưởng chia rẽ dân tộc của bọn phong kiến, đế quốc tự bao nhiêu đời nay. Các dân tộc đã đoàn kết lại, kề vai sát cánh bên nhau trong Mặt trận Việt Minh. Nhiều cuộc đi lại thăm hỏi giữa các dân tộc vùng cao và vùng thấp đã được tổ chức. Đại biểu các dân tộc Thổ, Mán, Nùng, Kinh, Hoa kiều… cùng nắm tay nhau trong những cuộc liên hoan cảm động.

Sau khi Bác về nước, Tỉnh ủy Cao Bằng được củng cố lại. Tháng 11 năm 1942, đại hội đại biểu Việt Minh toàn Cao Bằng đã họp và bầu ra ban Việt Minh tỉnh chính thức. Hệ thống tổ chức của Mặt trận Việt Minh đã thông suốt từ sã qua các châu, huyện đến tỉnh. Trong các châu, các tổng “hoàn toàn”, các ban Việt Minh đều do bầu cử dân chủ từ xã lên. Tiếp sau đó, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng được chỉ định, do đồng chí Lã làm bí thư. Anh Đồng, anh Vũ Anh và tôi được giao nhiệm vụ giúp Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng.

Nhiều lớp huấn luyện ngắn kì được tổ chức ở các châu, huyện, Để học viên khỏi phải đi xa làng, bản, vừa mất công ăn việc làm vừa dễ bị lộ, liên tỉnh đã phân phối giáo viên về các địa phương mở những lớp huấn luyện. Mỗi lớp huấn luyện hồi đầu thường tổ chức cho khoảng mươi người trong mươi lăm ngày. Bác đã chỉ thị rút ngắn thời gian huấn luyện xuống bốn, năm ngày, và ở những nơi có phong trào mới lên, thì không cần đợi đồng bào tập trung đủ mười người, cứ vài ba người là cũng có thể tiến hành huấn luyện ngay. Ban Liên tỉnh đặt kế hoạch mở những lớp huấn luyện tới các thanh niên, nam nữ không ở trong các ban chấp hành. Các lớp huấn luyện cho cán bộ, cho những phần từ trung kiên trong các hội cứu quốc mở liên tiếp khắp nơi, vẫn không sao đáp ứng được yêu cầu của quần chúng tham gia phong trào cách mạng ngày một đông.

Liên tỉnh ủy phụ trách huấn luyện cho đảng viên. Đối với một số cán bộ cấp tỉnh, thì ngoài nghị quyết của Trung ương và các chủ trương công tác của Liên tỉnh ủy, còn huấn luyện thêm sơ lược về lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô.

Vào năm 1941, tại Pắc Bó, Bác đã ra chỉ thị tổ chức đội vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng, đội gồm các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, Lê Thiết Hùng, Đức Thanh, Thế An, v.v… do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Đội có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, củng cố và giữ vững đường giao thông, đồng thời làm công tác tuyên truyền và giúp việc huấn luyện tự vệ và tự vệ chiến đấu.

Tại khắp các nơi có phong trào, đều đã tổ chức ra các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu.

Vấn đề huấn luyện quân sự trở nên cấp thiết. Nhưng cán bộ thì rất thiếu. Đồng chí nào biết chút ít về quân sự đều phải đi huấn luyện. Bác tự tay biên soạn một số tài liệu về chiến thuật du kích, rồi cho in li-tô thành những cuốn sách nhỏ bỏ túi, như quyển: Chiếu thuật du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tầu… Những cuốn sách đơn giản ấy là những tài liệu quý giá, bổ ích cho các đội tự vệ và những hội viên cứu quốc các giới. Trong thời gian này, anh Đồng cũng viết cuốn Người chính trị viên, tôi thì lược dịch cuốn Chiến tranh du kích kháng Nhật của đồng chí Chu Đức và cuốn Công tác chính trị trong quân đội cách mạng.

Liên tỉnh ủy chỉ thị soạn chương trình huấn luyện quân sự và định ra các khẩu lệnh thống nhất. Mọi việc đều rất mới mẻ. Chỉ có việc như hô “một, hai mà khi ra tập, người hô cũng chưa quen, quần chúng lại càng bỡ ngỡ. Tuy vậy, cùng với phong trào học tập chính trị, phong trào học tập quân sự cũng lên mạnh. Hễ thấy đồng áng hơi rỗi là lại tập luyện. Mỗi kì tập từ năm đến bảy ngày. Từ phong trào tự vệ này, qua một vài đợt củng cố, luyện tập, chúng ta tổ chức ra những đội tự vệ chiến đấu. Thành phần của đội tự vệ chiến đấu gồm những đội viên tự vệ dũng cảm nhất trong xã.

Hầu hết thanh niên nam nữ trong các xã “hoàn toàn” đều tham gia tổ chức tự vệ và đã trải qua luyện tập một hai kì. Mỗi một xã đều có một hay hai trung đội tự vệ chiến đấu được tổ chức và luyện tập khá chặt chẽ.

Ít lâu sau, Liên tỉnh ủy tổ chức ra những lớp huấn luyện để đào tạo cán bộ quân sự. Mỗi khóa học tập trong một tháng. Thông thường một khóa triệu tập khoảng năm, sáu chục cán bộ về học.

Ngoài công tác huấn luyện, phải lo sắm vũ khí đạn dược. Vấn đề này rất quan trọng và cũng rất khó khăn. Sau phải dựa vào quần chúng để giải quyết. Mỗi đội viên tự vệ phải tự sắm một thứ vũ khí, giáo, mác, súng kíp, súng hỏa mai. Có nơi đồng bào góp tiền mua súng thổ tạo ở bên kia biên giới. Mỗi đội viên tự vệ lại phải có một cuộn dây thừng để bắt Việt gian.

Tiểu đội vũ trang do anh Lê Quảng Ba phụ trách có một khẩu “pặc-hoọc” và một khẩu súng lục. Khẩu súng lục này là của một đồng chí Hồng quân Trung Quốc. Khi chuyển lên phái bắc, Hồng quân đã giao cho một đồng chí ở lại một khẩu sũng. Khi anh em chúng ta đi ngang, biết chúng ta là những người cách mạng Việt Nam đang cần vũ khí, đồng chí đó đã đem khẩu súng tặng chúng ta.

Để góp phần giải quyết khó khăn về vũ khí, Liên tỉnh ủy quyết định lập một cơ sở lò rèn nhỏ, thí nghiệm đúc lựu đạn, địa lôi. Đồng chí Cáp được phân công phụ trách công tác này. Nguyên liệu gồm nồi, chậu thau mâm đồng, sắt vụn… toàn là những thứ do đồng bào ủng hộ. Đồng chí cùng năm, sáu anh em công nhân làm việc suốt ngày đêm trong một thung lũng rất sâu, sau mấy dãy núi đá ở vùng Lô cốt đỏ. Một hôm, tôi đi ngang công tác, thì được tin anh Đồng và anh Vũ Anh nhắn về Lô cốt đỏ để dự cuộc thử quả địa lôi đầu tiên vừa chế tạo xong. Địa điểm thử ở một vùng chung quanh toàn núi đá cao. Quả địa lôi được đặt vào một hốc đá ở chân núi. Một sợi dây thừng dài khoảng gần một trăm thước buộc từ quả địa lôi kéo dài tới chỗ người giật. Các anh cho biết, khi thử từng phần, các bộ phận đều tốt. Tất cả những người đến dự, ngồi trên núi cao, nấp cẩn thận sau những tảng đá to ngó ra, đề phòng mảnh gang bắn phải. Ai nấy đều hồi hộp. Anh Cáp ra lênh:

- Giật đi!

Mọi người chăm cú nhìn về chỗ quả địa lôi, thấy khói phụt lên. Nhưng rồi đợi mãi, đến khi tan khói cũng không có tiếng nổ. Anh Lê Quảng Ba hôm đó cũng có mặt, phì cười, nói:

- Te nằng du tỷ1!

Sau cuộc thí nghiệm này, anh Cáp và những anh em công nhân lại kiên nhẫn tiếp tục nghiên cứu, và cuối cung đã thành công. Lò rèn này về sau, trong thời kì kháng chiến, được mở rộng thành binh công xưởng Lam Sơn. Có thể nói lò rèn ở Lô cốt đỏ là binh công xưởng đầu tiên của chúng ta.

1Nó còn ngồi đấy!
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:16:56 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:58:13 pm »

VIII

Sau một thời gian ở Nguyên Bình, tôi được chỉ thị cùng anh Thiết Hùng chuyển xuống phía Nam gây phong trào tại tổng Kim Mã, một nơi chưa có tổ chức Việt Minh. Bác và Liên tỉnh ủy muốn tổ chức cơ sở ở vùng này làm chỗ đứng chân, phát triển phong trào về dưới xuôi, mở đường Nam tiến.

Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các đồng chí ở Gia Bằng bắt mối với một vài thanh niên hăng hái ở tổng Kim Mã, đưa anh em về Gia Bằng mở lớp huấn luyện. Sau khi anh em đã học tập, chúng tôi cùng anh em thảo luận kế hoạch đưa chúng tôi về địa phương hoạt đọng. Mấy anh em này đều sốt sắng, hẹn về nhà thu xếp xong một thời gian ngắn, sẽ lên đón chúng tôi. Trong số các anh em có đồng chí Lạc.
Ít ngày sau, đồng chí Lạc trở lại Gia Bằng. Đồng chí nói mọi việc ở địa phương đã thu xếp xong. Một đêm, chúng tôi cùng vượt đường cái lớn và bắt đầu trèo núi. Dọc đường đi rất vắng lặng, đồi gianh triền miên nối tiếp nhau. Thỉnh thoảng mới nhìn thấy một bản nhỏ với năm ba ngôi nhà heo hút trên đầu núi. Đồng chí Lạc cho biết, trên rẻo cao này là vùng đồng bào Mán tiền. Đi cả ngày hôm sau, sẩm tối mới tới cánh đồng Kim Mã. Nhìn cánh đồng rộng, lúa rất tốt, cảm thấy như đã gần miền xuôi. Chúng tôi vượt qua một quả núi nhỏ sau làng Phai Khắt rồi vào nhà đồng chí Lạc.

Sáng hôm sau, đồng chí Lạc đưa tôi đi xem địa điểm đã chọn để mở lớp huấn luyện. Tôi nhìn quả đồi chỉ có những cây con lưa thưa, nằm bên một khe suối, thấy chỗ này trống trải quá. Đồng chí Lạc nói: “Ở vùng chúng tôi chưa có cách mạng hoạt động bao giờ, mở lớp tại đây bất ngờ, không ai chú ý đâu”.

Bảy nam nữ thanh niên được các đồng chí giới thiệu đến dự lớp đầu tiên. Đồng bào tại đây ít người biết tiếng Kinh. Thời gian qua, tôi đã tranh thủ học tiếng Tày, tiếng Mán dần dần đã nói được, nên việc giảng dạy cũng đỡ khó khăn. Tôi vừa làm công tác huấn luyện vừa tìm hiểu tình hình địa phương. Chúng tôi rút ngắn thời gian học tập để có thể nhanh chóng mở thêm nhiều lớp sau. Việc học tập ở đây không gặp gì trở ngại, duy chỉ có một lần, mấy người dân đi lấy củi tình cờ sục vào chỗ chúng tôi, họ có vẻ ngạc nhiên, không hiểu tại sao ở quả đồi này lại có người. Để đề phòng, tôi nói với đồng chí Lạc chuyển địa điểm vào sau trong núi cho những lớp sau.

Qua các lớp huấn luyện, chúng tôi đã nắm được tình hình địa phương. Vùng nay ở xa thị trấn, tương đối hẻo lánh, từ lâu đến nay chưa có phong trào nên bọn đế quốc ít chú ý, và những tên đại gian ác trong hàng ngũ tay sai của chúng cũng chưa lộ mặt. Ở đây, cũng như tại Hòa An hay Nguyên Bình, đồng bào đã bị bọn đế quốc, phong kiến bòn rút đến xương tủy từ bao đời nay. Với cơ sở của cái thực tế rất sâu sắc đó, khi được chỉ dẫn phân tích cần phải đấu tranh đánh đổ kẻ thù để giành lấy một cuộc sống độc lập, tự do, thì đồng bào nhận thức được rất nhanh chóng.

Các đồng chí đi huấn luyện trở về hoạt động rất hăng hái. Những nhận thức mới của anh em, đầu tiên, lan ra trong gia đình, rồi tỏa ra họ hàng, thân thuộc. Mỗi làng chỉ có vài dòng họ lớn, người trong làng đều là anh em thân thích dễ ăn ở, chung sống với nhau từ bao đời, nên rất tin nhau. Chẳng bao lâu tư tưởng cách mạng đã tràn lan khắp nơi, thu hút được cảm tình của nhiều người. Các hội cứu quốc phát triển rất nhanh.

Trong công tác huấn luyện, tôi cũng rút thêm cho mình một số kinh nghiệm.

Một lần, trong một lớp học, nhân khi giảng về tình hình thế giới, tôi đã nói cho anh chị em nghe về bốn mâu thuẫn trên thế giới hiện nay. Trước kia, hoạt động ở xuôi, mỗi khi làm công tác tuyên truyền, huấn luyện thường quen phát triển, mở rộng vấn đề; lên đây, dựa vào bài giảng soạn rất ngắn gọn, tôi nghĩ là mình đã nói rất đơn giản. Đến lễ tốt nghiệp, anh chị em hăng hái nói lên kết quả học tập, hứa hẹn ra về sẽ tích cực hoạt động cho hội. Khi tôi tưởng mọi người đã nói xong thì thấy đồng chí Đề Thám giơ tay xin phát biểu.

- Xin đồng chí cho em ra hội.

Đồng chí này vốn là một thanh niên tốt, hăng hái. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Vì sao đồng chí lại xin ra hội?

- Vào hội thì làm việc gì khó khăn, nguy hiểm đến đâu em cũng làm được, chỉ có mỗi cái học như thế này khó quá, không nhớ được, sợ không làm tròn nghĩa vụ của người hội viên. Em không hiểu bốn mâu thuẫn là gì.

Tôi nhớ đến lời Bác nhận xét về tờ báo của chúng tối làm tại Tĩnh Tây, và những yêu cầu của Bác giao cho mỗi khi viết bài đăng báo Việt Lập.

Sau khi được giải thích, người hội viên cốt nhất là có tinh thần yêu nước, trung thành với hội, trong đấu tranh thì không sợ hiểm nghèo, không sợ hi sinh, còn học thế này là để về tuyên truyền, giác ngộ cho bà con, lần này chưa hiểu thì lần khác học tập thêm sẽ hiểu chứ hội không bắt buộc phải hiểu cả, nhớ cả ngay trong một lúc… thì đồng chí Đề Thám hết sức vui lòng. Đồng chí nói:

- Tưởng bắt buộc phải nhớ hết thì em chịu.

Về sau, đồng chí Đề Thám vào bộ đội, được kết nạp vào Đảng, trở thành một cán bộ tốt của quân đoàn, một chiến sĩ thi đua trong thời kì kháng chiến.

Lần này, bản thân tôi đã rút ra được một bài học thấm thía: một điều cơ bản trong công tác vận động quần chúng là muốn đưa quần chúng, đưa phong trào lên, thì phải rõ trình độ quần chúng, có đi sát với trình độ quần chúng thì mới đưa quần chúng lên được.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:18:48 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Tư, 2009, 06:58:50 pm »

Sau những thời gian huấn luyện, anh Thiết Hùng và tôi lại cùng các đồng chí ở địa phương đi các làng, bản làm công tác vận động quần chúng, tham gia những cuộc sinh hoạt của các giới nông dân, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng. Nhiều nơi bắt đầu tổ chức những cuộc mít tinh có hàng trăm người tham dự.

Phong trào tại Kim Mã phát triển tốt. Chẳng bao lâu các hội cứu quốc đã lan ra các xã trong tổng, các ban Việt Minh xã, tổng được thành lập.

Lúc này, chúng tôi đã nhận thấy, tình hình phong trào hiện nay đang tốt, nhưng Kim Mã ở cạnh đường cái, bọn địch có thể kéo đến rất nhanh, xung quanh đều là núi, trên núi lại có đồng bào dân tộc khác; nếu không tổ chức được cả đồng bào trên rẻo cao, thì khi bị địch khủng bố có thể gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sau này còn phải mở đường về phía Bắc Kạn, Lạng Sơn, như vậy càng cần phải tổ chức đồng bào trên núi.

Khi bàn với các đồng chí hội viên, mọi người đều nhận thấy vấn đề tổ chức đồng bào trên rẻo cao cần được tiến hành ngay. Một hội viên trung kiên là đồng chí Trọng Khánh, nói mình có người anh em đồng canh, người Mán tiền ở trên xã Cẩm Lý, xin đi tuyên truyền vào hội. Từ bao nhiều đời nay, bọn phong kiến, đế quốc đã tìm mọi cách chia rẽ các dân tộc, gây nên những mối thù truyền kiếp, nhưng giữa một số người của dân tộc này với dân tộc khác vẫn có những mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng tôi đồng ý giao cho đồng chí Trọng Khánh đi làm nhiệm vụ này.

Sau mấy lần đi tuyên truyền, vận động, đồng chí Khánh về báo cáo, người bạn đồng ý vào hội mời cán bộ lên để kết nạp, nhưng đòi phải làm lễ ăn thề. Tôi hỏi lại tình hình phong tục và tập quán của đồng bào Mán tiền, nhận thấy sự chia rẽ lừa lọc của bọn thống trị đã gây nên giữa các dân tộc một sự nghi kị sâu sắc, muốn giải quyết được lòng tin tuyệt đối, đồng bào Mán thường dùng cách ăn thề. Tôi nói với đồng chí Khánh:

- Ăn thề để cùng tin nhau, để suốt đời trung thành với hội, thì càng tốt chứ sao!

Tôi cùng đồng chí Khánh lên Cẩm Lý và gặp người bạn của đồng chí bên bờ một con suối. Tôi trình bày mục đích, tôn chỉ của hội. Người bạn đồng chí Khánh đồng ý xin vào hội. Đồng chí Khánh đánh diêm thắp mấy nén hương và ra bờ suối múc một bát nước, rồi làm lễ ăn thề. Chúng tôi cùng nói: “Chúng tôi tên là… cùng nhau vào hội để cùng đồng bào đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho nước nhà, mưu hạnh phúc cho con cháu, dù sau này, trong khi đấu tranh có thể bị đế quốc khủng bố thế nào thì cũng một lòng trung thành với hội, không phản bội, không bỏ hội… Ai trái lời thề thì sẽ như cây hương này”. Chúng tôi cùng dúng ba nén hương đang cháy vào bát nước.

Đồng chí người Mán tiền vào hội đầu tiên tại đấy được đặt tên là đồng chí Đồng Minh. Đồng chí Đồng Minh quen biết rất nhiều bà con trên vùng cao. Qua đồng chí Đồng Minh, chúng tôi bắt tay vào phát triển phong trào trên rẻo cao.

Những bản ở trên này thưa thớt, hẻo lánh. Đồng bào Mán tiền rất chất phác. Cách sống của đồng bào giản dị, còn mang nhiều tập tục, tàn tích của thời kì bộ lạc. Kinh tế của đồng bào Mán là một thứ kinh tế tự nhiên. Đồng bào tự túc lấy hầu hết mọi nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, từ cái ăn đến cái mặc. Bà con tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải và thêu thùa lấy những thứ quần áo khá đẹp. Với những công cụ sản xuất còn thô sơ, sự làm ăn sinh sống của đồng bào còn rất nặng nhọc. Sống trong một hoàn cảnh vắng vẻ, bà con phải luôn luôn dựa vào nhau. Mối quan hệ từ đời này sang đờ khác, giữa những con người thuần phác như vậy, đã tạo nên một mối tình rất khăng khít. Hết mùa làm nương rẫy, đồng bào Mán tiền thường đi săn bắn hươu, nai và vui chơi với nhau. Đồng bào rất thích hát lượn. Có những người bạn từ các bản xa tìm đến chơi nhà nhau, ở lại hàng tháng trời, thân mật, tự nhiên như người trong một gia đình. Tuy ở những nơi hẻo lánh xa xôi như thế này, nhưng bọn thống trị vẫn với tay tới. Đi đâu cũng vẫn thấy xuất hiện bóng dáng của những tên tuần bổng, những tên lính dõng. Đồng bào Mán tiền phải chịu nhiều tầng áp bức bóc lột của đế quốc, phong kiến, của các dân tộc đông người hơn ở vùng thấp. Mọi thứ sưu thuế đều rất nặng.

Chúng tôi hơi ngạc nhiên là mặc dầu luôn luôn nhắc nhở vấn đề bí mật, nhưng đi tới bản nào, chỉ một lát sau, tất cả người quen, người lạ đều biết mình là cán bộ đi hoạt động. Tôi đoán, chính các đồng chí hội viên đã lộ bí mật với các bạn bè. Tôi hỏi các đồng chí đó tại sao không giữ bí mật? Các đồng chí trả lời: “Có việc gì phải giấu! Toàn là bà con, họ hàng, cùng ghét Tây, ghét Nhật, một bụng một dạ với nhau cả thôi!”.

Phong trào tại vùng cao này cũng phát triển rất nhanh. Có nơi vào hội cả bản. Chúng tôi cùng đồng bào tổ chức những lễ ăn thề tập thể, khi thắp hương, khi chặt đầu gà, có khi chích máu nhỏ vào rượu cùng uống để ăn thề. Chẳng bao lâu, ở làng bản nào cũng có các tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên, tự vệ chiến đấu. Hội viên đều được qua một lớp huấn luyện năm ngày. Cán bộ và các tự vệ chiến đấu được huấn luyện lần thứ hai. Các hội viên, rồi cả các bà con dần dần hiểu chủ nghĩa cộng sản, hiểu Đảng. Trong hàng ngũ trung kiên đã có những người được bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng.

Một thời gian không lâu, phong trào từ Kim Mã đã lan ra các nơi chung quanh như Cẩm Lý, Khuổi Mân, Nâm Ti và nhiều làng bản ỏ Ngân Sơn, Chợ Rã.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:20:39 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 08:24:40 am »

IX

Hôm đó, người tôi gây gây rét, đương gượng ngồi lên lớp cho anh chị em ở gần bản Nà Dú, thì một đồng chí hớt hải đến nói:

- Tây đưa lính về rất đông để bắt cán bộ người Kinh… Chúng nói nói ai vào hội mà ra thú thì chúng sẽ tha, nếu để phải đi lùng, bắt được sẽ đem đi tù hết.

Biết là điều chúng tôi dự kiến đã đến. Đồng bào ở đây mới bị khủng bố lần này là lần đầu. Một lát sau, có thêm các đồng chí khác đến báo tin, địch từ các phía đang tiến vào rất đông. Nhìn anh chị em hội viên, thấy tên mặt một số người có dấu hiệu xao xuyến. Có đồng chí giục tôi nên lánh ngay khỏi đây để tránh nguy hiểm. Tôi nghĩ lúc này mình không nên đi ngay, mặc dầu địa điểm lớp huấn luyện ở gần làng. Nhìn con suối từ phía làng sang, thấy nước lên to vì trời mưa liền mấy hôm, biết bọn địch chưa thể đến ngay được, tôi nói với anh chị em:

- Ta cứ bình tĩnh ngồi đây một lúc nữa nghe giảng cho hết bài. Chưa việc gì đâu.

 Tôi nói với các chị phục vụ lớp học, tiếp tục nấu cháo. Nhưng một lát, tôi cũng thu gọn bài giảng lại, vừa vừa nói vừa nghĩ cách làm thế nào để chống sự khủng bố của quân địch.

Trong tất cả các lần huấn luyện, chúng tôi đều đã nói với anh chị em hội viên: “Mình là cách mạng để đánh đổ đế quốc phong kiến, thì việc chúng khủng bố để phá phong trào cách mạng là một chuyện tất nhiên”. Để đồng bào dễ hiểu và dễ nhớ, chúng tôi thường hay tìm những thí dụ trong công việc làm ăn sinh sống của đồng bào tại địa phương: “Người làm nương, làm rẫy muốn có hạt thóc, hạt ngô, cũng phải đốt rừng, xới đất, gieo hạt, chăm bón, chống thú rừng, phải đổ mồ hôi, phải khó nhọc như vậy mà vẫn có mùa không được ăn. Làm cách mạng để tiêu diệt bọn đế quốc, bọn thống trị là một việc rất to lớn và khó khăn hơn rất nhiều, không thể mau chóng, dễ dàng đi đến thắng lợi. Trên rừng có con lợn, con beo phá hoại mùa màng, bắt giết trâu bò. Muốn giết được thú rừng để bỏ vệ trâu bò, bảo vệ mùa màng thì những người đi săn cũng phải hết sức can đảm. Khi đi săn thú, cũng có người không giết được thú lại bị thú dữ ăn thịt. Nhưng nếu có tinh thần dũng cảm, không sợ khó khăn nguy hiểm mà trừ được thú dữ thì sẽ được tất cả dân làng biết ơn. Bọn đế quốc, phong kiến còn dữ hơn con lợn, con beo rất nhiều. Ta định tiêu diệt chúng, nhất định chúng sẽ không chịu ngồi yên. Vậy làm cách mạng thì không thể nào tránh khỏi bị địch khủng bố. Nhưng nếu mọi người đều một lòng thương yêu nhau như ruột thịt, không sợ khó khăn, không sợ nguy hiểm, dám đấu tranh đến cùng với kẻ địch, thì thể nào cách mạng cũng sẽ thắng lợi và sẽ giành được độc lập, tự do”.
Tôi nói lại vắn tắt với anh chị em một lần nữa: “Có đấu tranh cách mạng tất nhiên là có khủng bố của kẻ địch”, và góp ý kiến về cách chống khủng bố để duy trì phong trào chung. Tôi dặn dò thêm một số trung kiên, những việc cần làm để giữ vững tinh thần của đồng bào.

Khi đồng chí Lạc và đồng chí Khánh đưa tôi ra đi thì anh Thiết Hùng và tôi đều lên cơn sốt.

Tin từ dưới làng đưa lên, bọn địch đang lùng sục ráo riết. Chúng tôi đi về hướng núi. Lúc này càng thấy rõ tầm quan trong của việc xây dựng cơ sở trên vùng cao.

Chập tối, đến nhà đồng chí Thượng, một hội viên trung kiên người Mán. Ở đây, đồng bào đã biết tin địch đang khủng bố dưới chân núi. Gia đình đồng chí tỏ ra rất bình tĩnh. Ông cụ thân sinh ra đồng chí Thượng bảo chúng tôi: “Mặc chúng nó, bà con đều là hội viên một bụng một dạ cả, chúng nó không làm được gì đâu!”. Rồi cụ đi giết gà làm cơm vì biết chúng tôi yếu mệt.

Thấy ở đây gần địch quá, không lợi, hôm sau chúng tôi lại cùng các đồng chí Lạc, Khánh đi quành sang xã Cẩm Lý. Bà con ở Cẩm Lý đã biết tin địch khủng bố dưới làng, và sắp lùng lên trên này. Một vài gia đình tỏ vẻ sợ hãi. Có người đến nói: “Cùng một bùng với nhau cả thôi, nhưng bây giờ đang lúc “nóng” như thế này, các đồng chí hãy lánh đi nơi khác. Khi nào bớt “nóng” chúng ta lại tiếp tục việc hội”.

Cùng hôm ấy đồng chí Quang Hưng ở ngoài vào. Bác đã được tin địch khủng bố tô nên phái đồng chí Quang Hưng tới đây để đón anh Thiết Hùng và tôi. Lần này, địch chia quân từ ba mặt Nguyên Bình, Mang Động, Gia Bằng kéo vào bao vây Kim Mã. Mấy đồng chí cùng đi cũng lo nguy hiểm cho chúng tôi, khuyên chúng tôi tạm lánh ra ngoài. Tôi bàn với anh Thiết Hùng, nhận thấy cơ sở tại vùng này mới xây dựng, đồng bào lại chưa có kinh nghiệm chống khủng bố, nếu cán bộ rút đi thì cơ sở chắc chắn sẽ dễ bị bỡ. Chúng tôi nói với đồng chí Quang Hưng  về báo cáo lại với Bác, cho chúng tôi ở lại để duy trì phong trào.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:21:31 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2009, 08:25:59 am »

Buổi chiều, bỗng thấy mấy đồng chí người Tày ở Kim Mã tìm lên. Các đồng chí tới hỏi ý kiến về cách đối phó với địch. Khi lánh lên đây, chúng tôi không nói với ai. Cẩm Lý nằm cũng khá xa lớp huấn luyện. Tôi hỏi:


- Tại sao các đồng chí lại biết chúng tôi ở đây mà tìm tới?

Một đồng chí nói:

- Khó gì đâu. Chúng tôi đến lớp huấn luyện thấy không còn ai, biết là các đồng chí đi rồi. Chúng tôi bảo nhau cứ dò dấu gậy mà đi theo, thể nào cũng gặp các đồng chí. Thế là chúng tôi đến được đây.

Tôi thoáng nghĩ: thật là nguy hiểm, nếu kẻ địch từ ngày hôm qua cũng biết tìm chúng tôi theo dấu gậy…

Nhận thấy không nên ở lại Cẩm Lý, chúng tôi bàn bạc với đồng bào về cách đối phó với địch, và nói chúng tôi tạm lánh ra ngoài một thời gian rồi sẽ trở lại.

Chiều hôm ấy, chúng tôi từ Cẩm Lý đi về phía ngoài. Đi khuất khỏi làng một quãng xa, chúng tôi nói với đồng chí Lạc và đồng chí Khánh dẫn vòng trở lại, quay về rặng núi ở phía Bắc cánh đồng.

Suốt đêm, trời tối đen, mưa tầm tã. Các đồng chí Lạc và Khánh đều không nắm vững đường, chỉ đoán chừng phương hướng, nơi nào rậm rạp thì đánh dao phát mở đường mà đi. Hết núi lại khe, hết khe lại núi. Cơn sốt đêm nay không chừng nặng hơn. Nhiều quãng anh em phải dìu chúng tôi lên dốc.

Hết đêm, cảm thấy đi đã được khá xa. Trời sáng, chúng tôi nhận ra đang đi trên một quả đồi gianh. Bốn chúng quanh là biển sương mù dày đặc. Có ánh sáng, đường đi dễ hơn, nhưng anh Thiết Hùng và tôi đều đã mệt lắm. Chúng tôi bàn cùng các đồng chí đi lát nữa, tìm được khu rừng kín đào nào sẽ nghỉ chân. Đi mãi vẫn là đồi gianh. Sương mù vẫn trắng xóa, chẳng còn biết đâu là đồi, đâu là rừng. Trời mỗi lúc một oi ả. Qua nửa buổi, sương bỗng tan rất nhanh, trời hửng nắng. Chúng tôi nhìn sang bên phải, chợt nhận thấy đang ở lưng chừng một quả đồi trọc nằm ngay giáp làng. Nhìn thấy rõ bọn lính mặc quần áo vàng đang đi lại từng tốp trong làng và trên cánh đồng. Chúng tôi nhìn thấy rõ bọn chúng, trời nắng thế này, chắc hẳn bọn chúng nhìn lên cũng thấy rõ chúng tôi. Mọi người vội bảo nhau ép mình xuống sườn đồi.

Nhưng chả lẽ cứ nằm mãi đây, nếu bọn địch lùng lên đồi thì sao? Phía trên, khá xa có một khu rừng. Chúng tôi bảo nhau bò dần về phía đó. Sau nhiều ngày mưa, có nắng mới, hơi nóng từ dưới đất bốc lên hầm hập. Bò như vậy, khá lâu, mới đến được khu rừng.

Lúc này, ai nấy đều mệt, cơ hồ đứng không vững. Quần áo mọi người rách toạc nhiều chỗ, bết đất và mồ hôi. Đồng chí Lạc tìm ra một nương ngô bẻ mấy bắp, mỗi người nhai một chút ngô sống cho lại sức, rồi tiếp tục đi. Ở gần làng rất nguy hiểm, vì có thể kẻ địch lên đồi nhìn ra những vết bò, trườn của chúng tôi. Chúng tôi phải cố gắng đi xa.

Xế chiều, đến một đỉnh núi cao. Anh Thiết Hùng và tôi ngồi nghỉ ở một gốc cây cổ thụ. Các đồng chí Lạc, Khánh đi chặt ít cành cây gác lên mặt đất, làm tạm chiếc sàn nằm cho đỡ lạnh lưng. Buổi chiều đó không có gì ăn. Cơn sốt kéo dài liên miên. Đồng chí Lạc và đồng chí Khánh để chúng tôi nằm nghỉ tại lán, lần mò xuống làng nắm tình hình khủng bố và kiếm ít lương thực. Cơ quan tạm đặt tại đây.

Phong trào được thử thách. Một số nhỏ dao động chạy ra đầu thú. Phần lớn đồng bào nằm yên, gắng chịu đựng cho qua cơn khủng bố. Các phần tử trung kiên xuất hiện rất nhiều. Đồng chí Lạc và đồng chí Khánh nối lại được nhanh chóng liên lạc với các đồng chí trung kiên trong làng. Có những tối, đồng chí Lạc mò về làng hẹn gặp một, hai đồng chí, khi tới địa điểm thấy lố nhố một đám đông, tưởng địch phục, hóa ra toàn anh chị em ở trong làng nóng ruột, kéo ra để trực tiếp gặp các đồng chí liên lạc hỏi thăm tin tức các cán bộ. Đồng chí Lạc về nhà, ông cụ nói: “Con cứ đi theo cán bộ mà làm việc hội, con ở nhà chúng nó cũng không để yên, ở đâu thì phải cẩn thận”. Gia đình vét gạo, muối, cá khô, đưa cả chảo con, bát ăn cơm để đồng chí Lạc đem lên cơ quan bí mật. Một bữa đồng chí Khánh về nhà, trời sáng một lúc vẫn chưa lên. Chúng tôi đều lo đồng chí bị bắt, vì gia đình đồng chí Khánh ở liền nhà một tên tay sai gian ác của địch. Mọi người đang ngồi chờ rất sốt ruột chợt nghe phía chân dốc có người thì thầm. Hôm qua, đã hẹn đồng chí Khánh không đưa ai lên địa điểm bí mật, chẳng lẽ đồng chí Khánh dẫn người lên mà không hỏi ý kiến cơ quan. Đồng chí Lạc lấy khẩu súng kíp gương cò sẵn, chạy ra hỏi:

- Ai?

Tiếng đồng chí Khánh đáp:

- Còn ai nữa, Trọng Khánh đây.

- Mấy người?

- Một thân một mình thôi, lấy đâu ra mấy người.

Đồng chí Khánh đội chiếc nón rách, rẽ lau bước vào, mặt đỏ hầm, mồ hồi nhễ nhại. Chúng tôi đều hỏi, tại sao về muộn và vừa đi lại vừa nói một mình. Đồng chí Khánh bực dọc thuật lại:

- Về gần làng, chờ mãi, canh ba vợ mới ra. Vợ tôi nói từ tối đến giờ chó cứ sủa, bên nhà thằng tổng đoàn Lý có nhiều tiếng động, chắc là nó rình mò nhà mình. Hôm qua, cả bố con chúng nó cùng sang nhà bảo, phải khuyên tôi ra thú không thì nhà tan cửa nát hết. Nó là tổng đoàn, nó sẽ bảo đảm cho. Rồi vợ tối bảo tôi: “Anh về nhà thú đi, không nghe em thì anh mang con đi theo anh mà nuôi”. Tôi bực quá, ngồi giải thích một thôi, rồi sợ trời sáng, vác các thứ lên vai, chạy một mạch bây giờ mới tới đây.

Đồng chí Lạc rót một bát nước đưa đồng chí Khánh. Đồng chí Khánh uống hết bát nước, nằm ngủ luôn.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:24:43 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM