Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:39:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ nhân dân mà ra  (Đọc 39784 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:25:13 pm »

Tên sách: Từ nhân dân mà ra
Thể hiện: Hữu Mai
Trích từ "Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký" của NXB QĐND năm 2006
Số hóa: macbupda

TỪ NHÂN DÂN MÀ RA

Nhân ngày kỉ niệm quân đội năm nay, theo yêu cầu của Tổng cục Chính trị, chúng tôi kể lại một số chuyện về thời kì mới xây dựng của quân đội ta.

Ngay từ ngày Đảng ta mới thành lập, trong khi xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là phải đánh đổ kẻ thù đế quốc và phong kiến, thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã chỉ rõ cho toàn dân con đường giải phóng duy nhất là con đường bạo lực cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong suốt mấy chục năm qua, nhân dân ta đã đi theo con đường đúng đắn do Đảng vạch ra, khi thì tiến hành đấu tranh chính trị, khi thì tiến hành đấu tranh vũ trang, khi thì kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và đã không ngừng đưng cách mạng tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày càng to lớn hơn.

Từ những năm 1930, 1931, những đội tự vệ đỏ của quần chúng công nông trong phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh đã từng anh dũng đứng lên bảo vệ chính quyền Xôviết, bảo vệ nhân dân. Năm 1940, tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, tiếp đó là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã báo hiệu một thời kì mới. Với Hội nghị Trung ương làn thứ Tám, vấn đề chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa đã được đề ra thành nhiệm vụ cần kíp của toàn Đảng và toàn thể nhân dân ta. Các đội Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Du kích Ba Tơ cùng hàng ngàn đội tự vệ, tự vệ chiến đấu tại khắp các địa phương trên cả nước đã sinh ra và lớn lên trong cao trào đấu tranh cách mạng chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang của nhân dân ta đã ra đời. Quân đội của chúng ta thực sự là một quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì sự nghiệp của nhân dân mà chiến đấu.

Từ những hoạt động bé nhỏ nảy mầm trong khói lửa đấu tranh cách mạng của toàn dân, trải qua biết bao cơn phong ba bão táp, quân tội ta đã lớn mạnh không ngừng và đã không ngừng chiến đấu và chiến thắng.
Mấy năm trước, nhân những ngày kỉ niệm “Ba mươi năm ngày thành lập Đảng”, “Bảy mươi năm ngày sinh của Bác”, với sự giúp đỡ của các đồng chí Tô Hoài, Trần Cư, tôi đã có dịp kể cùng các đồng chí và đồng bào ít mẩu chuyện về Bác Hồ với Quân đội, về Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Cao - Bắc - Lạng.

Năm nay, nhân ngày kỉ niệm quân đội, cùng với những tập hồi kí về Cứu quốc quân của anh Chu Văn Tấn, Du kích Ba Tơ của anh Phạm Kiệt, về các lực lượng tự vệ và tự vệ chiến đấu thời kì trước Cánh mạng tháng Tám, với sự giúp đỡ của đồng chí Hữu Mai, tôi muốn ôn lại cùng các đồng chí về công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tại chiến khu Cao Bằng - Bắc Kạn, nơi đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời. Tôi sẽ kể lại những chuyện từ ngày được gặp Bác, vị lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, Người đã trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại Cao - Bắc - Lạng và tại Khu giải phóng trước ngày Tổng khởi nghĩa, đã ra chỉ thị thành lập và xây dựng, rèn luyện Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Tôi cũng muốn nhân đây kể lại một số chuyện về Khu giải phóng, nơi lực lượng vũ trang thống nhất của Đảng ta, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã nhận được bản quân lệnh đầu tiên của Ủy ban khởi nghĩa. Phong trào cách mạng tại chiến khu Cao - Bắc - Lạng, và tại Khu giải phóng sau này là một phóng trào cách mạng rất rộng lớn; trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, địch khủng bố gắt gao, sự liên lạc với Trung ương ở miền xuôi và ngay giữa các địa phương với nhau cũng thường bị gián đoạn. Tôi chỉ kể ở đây ít nhiều những chuyện, những việc tôi đã chứng kiến hoặc được biết trong phạm vi và trong địa phương công tác của mình, mong rằng sẽ được các đồng chí khác cùng hoạt động hồi đó có dịp bổ sung cho đầy đủ.

Nhân dân ta vô cùng vĩ đại. Quân đội ta, con đẻ của Nhân dân, là một quân đội anh hùng. Từ nhân dân mà ra, được nhân dân đùm bọc, chăm sóc, thương yêu, Quân đội ta đã làm tròn và quyết sẽ làm tròn mọi nhiệm vụ nặng nề, vẻ vang mà Nhân dân và Đảng giao phó.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2021, 05:03:48 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:26:06 pm »

I

Tháng 9 năm 1939, đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ.

Bọn đế quốc tranh giành nhau thị trường lại lôi cuốn loài người vào thảm họa của một cuộc chiến tranh mới.
Tại Đông Dương, bọn thống trị thủ tiêu nốt chút quyền tự do dân chủ chúng ta đã đấu tranh giành được từ ngày Mặt trận bình dân ở Pháp lên cầm quyền. Chúng thẳng tay đàn áp cách mạng, thẳng tay bóc lột nhân dân, đẩy hàng vạn đồng bào ta di làm mồi cho súng đạn, chết thay cho chúng như trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những sách báo công khai của Đảng đều bị cấm. Nhiều đồng chí đã lộ mặt trong thời kì hoạt động nửa công khai. Cuộc khủng bố của đế quốc Pháp mỗi ngày một thêm ráo riết. Các tổ chức hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp của Đảng đều phải rút vào bí mật.

Tháng 4 năm 1940, anh giáo Minh tới báo cho tôi đi gặp anh Hoàng Văn Thụ. Tôi lên Chèm, nghỉ lại đó một đêm. Anh Thụ nói lại cho nghe những nghị quyết của Đảng trong phiên họp Trung ương lần thứ sáu vừa qua. Đảng đã nhận định, con đường sống còn duy nhất của các dân tộc ở Đông Dương hiện nay là phải đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả bọn ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng, độc lập. Mặt trận dân chủ thích hợp trong hoàn cảnh trước, không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đảng đã chủ trương thành lập mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Để chống với sự khủng bố của đế quốc, nhiều cán bộ và quần chúng của Đảng đã chuyển sang hoạt động bí mật. Anh Hoàng Văn Thụ cho biết, theo quyết định của Đảng, anh Phạm Văn Đồng và tôi sẽ vượt biên giới sang Trung Hoa.

Hoàn cảnh của chúng tôi khi đó cũng có khó khăn. Anh Đồng từ ngày ở Côn Đảo về, vẫn yếu. Bọn mật thám đã theo dõi chúng tôi trong những hoạt động chính trị và làm báo công khai của Đảng tại Hà Nội vẫn giám sát chúng tôi trong mọi hành động. Tuy vậy, ít ngày sau, cuộc chuẩn bị đã xong, anh giáo Minh lại đến báo với tôi đi gặp anh Hoàng Văn Thụ một lần nữa trước khi lên đường.

Một buổi chiều, sau khi dạy học, nhân lúc học sinh tấp nập ra về, tôi lên tàu điện đi về phía Hà Đông. Đến Cầu Mới, tôi xuống tàu.

Trời đã nhá nhem tối. Nhìn trước, nhìn sau, không thấy có ai theo dõi, tôi rẽ vào nghĩa trang Quảng Thiện. Một người đội khăn xếp, mặc áo dài đen, tay cầm chiếc ô, đang đứng vẩn vơ trong đó. Tôi nhận ra anh Hoàng Văn Thụ.

Bữa đó, anh Thụ đã nói với tôi: “Tình hình này, sớm muộn thế nào bọn phát xít Nhật cũng sẽ chiếm đóng Đông Dương. Như vậy, rất có thể quan Đồng minh cũng sẽ đổ bộ vào. Cách mạng ta cần phải có lực lượng quân sự. Chúng ta phải chuẩn bị nhiều mặt để phát động chiến tranh du kích thì mới kịp thời được”.

Trước khi chia tay, anh Thụ dặn thêm:

- Anh ra nước ngoài lần này có thể gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Anh hỏi xem sự hoạt động của “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” hiện nay như thế nào?

Tôi biết lần này sẽ phải xa anh lâu, nhưng không ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng.

Về đến nhà, tôi vấn suy nghĩ việc chuẩn bị phát động chiến tranh du kích anh Thụ đã nói. Từ lâu tất cả chúng tôi đều biết, tại Trung Hoa, Đảng Cộng sản đã phát động một phong trào chiến tranh du kích rất rộng lớn trong nhân dân nhằm đánh đổ chính quyền của bọn thống trị. Chúng tôi đã đọc nhiều sách báo về Diên An, căn cứ địa của cách mạng Trung Hoa, về những hoạt động du kích kháng Nhật của Đệ bát lộ quân, Tân tứ quân…. Tôi nghĩ đến cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống Minh dưới thời Lê Lợi. Tôi nghĩ đến cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Ban Nha chống lại sự xâm lăng của Napôlêông. Tôi chưa tưởng tượng được tình hình sẽ diễn ra như thế nào nếu phát động chiến tranh du kích trong hoàn cảnh nước ta. Một bữa, nhân qua thư viện, tôi mượn tập Bách khoa toàn thư tìm phần giải thích các loại vũ khí, tôi xem kĩ những đoạn về súng trường và lựu đạn.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:51:22 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:26:50 pm »

Một buổi chiều, vào đầu tháng 5 năm 1940.

Đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc sẽ có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ sáu. Tôi đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu, để có được một khoảng cách hai ngày, thứ bảy và chủ nhật, không phải đến trường. Mấy hôm trước, tôi đã biên sẵn một lá thư cho ông giám đốc nhà trường (khi đó là anh Hoàng Minh Giám), trong đó viết là về thăm nhà rồi bị mệt nên chưa ra Hà Nội được. Thư này, gia đình tôi sẽ gửi từ Quảng Bình ra, sau khi tôi đã đi khỏi Hà Nội.

Từ ngày ra Hà Nội hoạt động, tôi đã làm nghề dạy học tại trường Thăng Long, một trường trung học tư thục. Mấy năm qua, làm nghề này, giữa tôi và học sinh đã có nhiều gắn bó. Một số học sinh đã tìm đến với chủ nghĩa cộng sản. Cũng có đôi người biết tôi sắp ra đi.

Năm giờ chiều, tan học. Tôi lững thững đi về phía Hà Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả. Tôi vừa đi vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm dó, không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Nhưng chúng tôi khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Chị Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, thấy chị Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở gốc cây vắng người. Chị Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với chị Thái, ở nhà giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gắng gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Chị Thái nhắc tôi, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách báo cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát. Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:

- Thầy có đi xe không?

Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay chị Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt.

Đồng chí Minh đưa tôi đến một hàng cơm nhỏ ở cuối đường Yên Phụ. Lát sau, anh Đồng cũng tới. Chúng tôi nghỉ đêm tại đây để tránh sự kiểm soát giấy tờ của bọn cảnh sát.

Sáng sớm hôm sau, anh Đồng và tôi ra ga Đầu Cầu, lên xe lửa đi Lào Cai. Vé tàu đồng chí Minh lấy cho từ trước. Cả hai chúng tôi đều không đem theo hành lí. Lên tàu, mỗi người ngồi một nơi. Tôi lấy chiếc kính râm ra đeo cho mặt hơi khác đi và dễ quan sát.

Dưới thời Pháp đô hộ, người được đi ra nước ngoài phải là người giàu có và trung thành với chính phủ “bảo hộ”. Với những người có chí hướng hoạt động cách mạng, thì chỉ có cách là trốn, một là thoát, hai là vào tù ngục. Từ hồi còn là học sinh, sau cuộc bãi khóa những năm 1926, 1927, tôi cũng đã được các đồng chí định bố trí cho đi cùng với lớp thanh niên mới giác ngộ cách mạng. Nhiều lần, tôi đã mơ mình cùng một số anh em nằm trốn trong khoang một con tàu biển lênh đênh giữa đại dương. Về sau, tham gia tổ chức bí mật, tôi ở lại hoạt động không đi nữa.

Ngồi trên con tàu ra đi, nghĩ đến lúc đã qua biên giới, cảm thấy như trời sẽ cao hơn, đất sẽ rộng hơn, cánh chim sổ lồng tha hồ vùng vẫy. Xen với niềm phấn khởi đó, cũng có những lo âu, không biết từ đây đến biên giới có thoát khỏi tay bọn Pháp không. Không hiểu điều kiện hoạt động ở bên kia biên ra sao. Tướng Long Vân đứng đầu chính quyền của bọn Quốc dân đảng ở Vân Nam vốn là một tên quân phiệt nổi tiếng chống cộng. Thêm vào với những phấn phới, lo âu đó, là sự bồi hồi khi phải xa những người thân, xa đất nước, xa quê hương.

Hai chúng tôi dừng lại một đêm ở Yên Bái, chờ đồng chí Minh, người dẫn đường vượt biên giới, đi chuyến tàu sau.

Sáng hôm sau, đồng chí Minh tới. Chúng tôi cùng lên tàu tiếp tục đi Lào Cai. Khi tàu đỗ cách thị xã một ga, chúng tôi xuống. Đồng chí Minh dẫn đi bộ vòng quanh thị xã tới bờ sông Nậm Ti. Con sông ở quãng này là ranh giới giữa Lào Cai và Vân Nam.

Chúng tôi ngồi nép trong một bụi lau bên bờ sông đợi đồng chí Minh đi chuẩn bị. Anh kiếm đâu được một chiếc bè nhỏ, chèo sang sông trước. Anh vừa lên bờ bên kia thì một chiếc ca-nô của lính đoan Pháp đi tuần xình xịch tới. Chúng tôi ngồi nhìn hồi hộp. Bọn lính đoan không nhận ra có người vừa vượt sông. Chúng đi khỏi một lát, đòng chí Minh lại chèo bè trở về đón chúng tôi.

Bè nhỏ, mỗi chuyến chỉ chở được hai người. Anh Đồng bảo tôi sang trước. Đã sắp đến mùa nước. Dòng sông Nậm Ti chảy cuồn cuộn, đục ngầu. Đồng chí Minh ra sức chèo chống một lúc, đưa được tôi sang bờ bên kia. Tôi quay lại nhìn những núi non trùng điệp của Tổ quốc nằm bên kia sông, u ẩn sau màn sương. Tình cảm lúc này thật khó tả. Non sông kia là của mình, nhưng lại nằm trong tay quân địch. Lúc phải xa đất nước, xa quê hương, cũng lại là lúc cảm thấy vừa thoát được vòng tù hãm…

Đồng chí Minh đưa anh Đồng và tôi vào một gia đình người Trung Hoa. Tại đây, chúng tôi thay quần áo mặc khi ở nhà ra đi bằng hai bộ quần áo kiểu Tôn Trung Sơn, cao cổ, màu xám xẫm. Cả hai chúng tôi đền đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng ở nước ngoài mới về.

Ngay tối hôm đó, ra ga Hà Khẩu, tiếp tục đi luôn Côn Minh. Chuyến tàu chợ chật ních hành khách. Lại phải tránh sao cho khỏi bị bọn Tưởng kiểm soát vé và hộ chiếu. Mỗi khi thấy bọn soát vé từ phía trên đi xuống, cả ba chúng tôi lùi dần về cuối đoàn tàu. Khi tàu đõ, chúng tôi xuống sân ga, đi ngược một quãng, rồi lên ngồi ở toa chúng vừa kiểm soát vé xong. Bọn chúng làm ăn cũng lơ mơ, chúng tôi thoát khỏi tất cả những lần kiểm soát không khó khăn lắm.

Hai ngày sau, tới Côn Minh. Anh Vũ Anh và anh Hoàng Văn Hoan đón tại ga. Các anh đưa chúng tôi đi vòng đầu ghi, vượt ra ngoài để tránh bị kiểm soát vé. Chúng tôi đến chỗ ở của anh Phùng Chí Kiên. Anh Kiên khi đó là ủy viên Trung ương của Đảng ta, công tác tại nước ngoài.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:50:47 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #3 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:30:07 pm »

II

Côn Minh hồi đó là đại hậu phương kháng Nhật ở phía Tây Nam Trung Quốc. Dân Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… đổ về rất đông. Thành phố đầy ngập người và xe cộ. Nhiều trường đại học, nhiều nhà ngân hàng, hiện buôn ở các tỉnh chuyển về đây. Do đó, những hoạt động kinh tế, văn hóa tại thành phố cũng trở nên nhộn nhịp. Vân Nam ở giáp Diến Điện1, nên Côn Minh còn là nơi tiếp nhận hàng viện trợ của Mỹ qua đường Diến Điện để vào Trung Quốc. Xe vận tải nhà binh chạy ầm ầm suốt ngày trên các đường phố. Thời kì này, Quốc dân đảng đã kí kết hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc để đánh Nhật. Trong thành phố có nhiều cửa hàng bán sách báo tiến bộ. Không khí kháng Nhật khá sôi nổi. Đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu “Đánh Nhật đến cùng”. Thành phố tuy có những biểu hiện tiến bộ, nhưng vẫn nằm dưới chế độ quân phiệt của tướng Long Vân. Pháp có đặt lãnh sự tại đây. Ảnh hưởng của Pháp với chính quyền Quốc dân đảng tại Vân Nam vẫn còn khá mạnh.

Kiều bào ta ở Côn Minh khá đông. Đảng ta được sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc, hoạt động bí mật trong kiều bào. Bọn Việt Nam Quốc dân đảng cũng có mặt. Chúng dựa vào bọn Quốc dân đảng Trung Hoa, hoạt động công khai.

Anh Phùng Chí Kiên ở khu du kích Sán Đầu cũng mới về Côn Minh. Căn buồng nhỏ của anh ở trong một ngõ hẻm, chi có một cái giường và một tấm ván kê giáp tường làm bàn viết. Chúng tôi cùng ở với anh Kiên. Anh Đồng và tôi tiếp tục đóng vai những người Trung Hoa sinh trưởng tại nước ngoài mới về Tổ quốc. Vai này cũng không khó lắm. Thành phố rất đông người từ các nơi khác đến, màu sắc khác nhau, tiếng nói khác nhau, nên mặc dầu chúng tôi lúc đầu chỉ nói được một vài tiếng quan hỏa, cũng không ai để ý.

Anh Kiên nói chuyện về tình hình kiều bào, tình hình chiến tranh chống Nhật tại Trung Quốc, và dạy chúng tôi học tiếng Trung Quốc. Anh Kiên hoạt động tại Trung Quốc khá lâu và đã học ở trường đại học của Hồng quân tại khu Xôviết. Anh là một người vui tính, hồn nhiên, rất tốt. Khi chúng tôi hỏi về công tác, anh Kiên nói: “Công tác của các anh phải đợi đồng chí Vương về quyết định”.

Một tuần sau khi đến Côn Minh, chúng tôi chuyển sang ở chỗ mới. Nhà này của một đồng chí Trung Quốc cho ở nhờ. Nhà có gác, sạch sẽ, cao ráo. Trước nhà có sân. Trên sân lại có một cây ngọc lan cao, rất nhiều hoa. Cả gia đình đồng chí Trung Quốc này đối xử với chúng tôi thân mật như người trong nhà.

Anh Cao Hồng Lĩnh mới từ Diên An về, cũng đến ở cùng chúng tôi. Anh em thổi nấu lấy ăn. Anh Cao Hồng Lĩnh thạo tiếng Trung Quốc, nhận phần đi chợ. Chúng tôi phân công nhau lần lượt nấu ăn. Về sau, các anh thấy tôi nấu nướng kém quá, nên chỉ phân công cho rửa bát.

Chúng tôi vẫn phải đợi đồng chí Vương về để giải quyết công tác. Hằng ngày, sau bữa cơm, lại ra Thúy Hồ ngồi học tiếng Trung Quốc. Thúy Hồ là một thắng cảnh của Côn Minh. Hồ khá rộng, có đường chạy ngang và chạy vòng quanh. Gần hồ, có trường Giảng Võ, học sinh quân thường kéo ra đây luyện tập. Giờ nghỉ, họ hát những bài ca kháng Nhật. Lần đầu, được nghe một đội quân hát những bài hát kháng chiến, tôi có ý nghĩ: Dù sao, binh sĩ ở một nước nửa thuộc địa vẫn còn hơn một nước thuộc địa.

Gần nửa tháng, vẫn chưa thấy đồng chí Vương về. Các anh ở đây không nói với tôi đồng chí Vương là người như thế nào. Nhưng qua thái độ kính trọng của các anh khi nói đến đồng chí Vương, tôi đoán được đồng chí Vương phải là một đồng chí rất quan trọng. Tôi liên tưởng đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đối với nhiều người vào lớp tuổi chúng tôi hồi đó, hình ảnh Nguyễn Ái Quốc đã trở nên một hình ảnh lí tưởng.
Khoảng những năm 1926-1927, do ảnh hướng cách mạng Nga và cách mạng Trung Quốc, phong trào học sinh ở Huế phát triển khá mạnh. Chúng tôi hay đến nhà cụ Phan Bội Châu để nghe nói chuyện tình hình thế giới và trong nước. Khi đó, cụ Phan mới bị đưa từ Hà Nội về Huế an trí. Trong nhà cụ, ảnh Lênin treo cạnh ảnh Tôn Dật Tiên và Thích ca Mầu ni. Chúng tôi là những thanh niên háo hức đi tìm chân lí. Có khi chúng tôi ngồi hàng buổi nghe cụ Phan nói chuyện.

Nhưng rồi trong anh em bắt đầu có những lời thì thào, bàn tán về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Một hôm anh Nguyễn Khoa Văn (anh Hải Triều) kiếm đâu được một quyển Bản án chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ái Quốc, đem về chuyền tay chúng tôi. Ngoài bìa sách có in cả chữ Ảrập.

Anh em lượm lặt khắp nơi và kể cho nhau nghe nhiều chuyện li kì về Nguyễn Ái Quốc. Những chuyện Nguyễn Ái Quốc làm báo Người cùng khổ ở Pari. Những người nói chuyện đều say sưa như chính như chính mắt họ đã nhìn thấy Nguyễn Ái Quốc trong các câu chuyện mà họ kể lại. Có một thời kì, bỗng nghe tin đồn Nguyễn Ái Quốc đã mất vì bệnh ho lao. Ít lâu sau, mọi người đã tìm ra, đó chỉ là tin bịa đặt của bọn đế quốc. Chúng không biết làm cách nào để ngăn chặn ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc trong thanh niên, nên đã tung ra tin này. Rồi không biết anh em lại tìm đâu ra được một tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc. Trong ảnh, Nguyễn Ái Quốc còn trẻ, có đôi mắt rất linh lợi, đầu đội mũ phớt đen. Tấm ảnh rất mờ. Nhưng với trí tưởng tượng và lòng kính phục của chúng tôi, đấy là hình ảnh sáng ngời của người thanh niên cách mạng đầy nhiệt tình và chí lớn.

1Tức Miến Điện.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:52:49 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:31:38 pm »

Sau cuộc bãi khóa năm 1927 của học sinh Huế, tôi phải trở về quê. Một hôm, anh Nguyễn Chí Diểu, một người bạn rất thân ở Huế về, đưa tôi một tập tài liệu. Đó là một cuốn sách về chủ nghĩa cộng sản bằng tiếng Pháp, một tập tài liệu của “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” in ở Bờruyxen (nước Bỉ), và một số văn bản về cuộc họp ở Quảng Châu, đặc biệt trong đó có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc. Tôi đem tập tài liệu ra cánh đồng vắng, trèo lên cây, ngồi đọc. Lần đầu tôi được đọc một tập tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa cộng sản đã được cắt nghĩa lần lần qua từng trang sách. Sau đó, tôi trở lại Huế. Lần này, không phải là đi học, mà đi hoạt động cách mạng. Ở Huế, anh Phan Đăng Lưu từ Quảng Châu về, nhiều lần nói chuyện về đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Mấy năm trước đây, trong thời gian làm báo Tiếng nói của chúng ta (Notre voix), một tờ báo công khai của Đảng bằng tiếng Pháp ở Hà Nội, chúng tôi thường nhận được những bài đánh máy kí tên “P.C. Lin” từ nước ngoài gửi về. Qua một vài lần, chúng tôi đoán được những bài đó của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Mỗi khi nhận được bài của P.C.Lin, chúng tôi lại chuyền tay nhau đọc đi, đọc lại, và khi đăng báo thì xếp vào một mục với tên Những lá thư từ Trung Hoa. Đó là những ý kiến về mặt trận dân chủ rộng rãi, những nhận định mới mẻ về tình hình thế giới, những kinh nghiệm bổ ích về cách mạng của Trung Quốc. Nhiều bài viết khá dài, chúng tôi phải đăng trên báo thành nhiều kì. Có lần, anh em trong tòa soạn tìm mua một chiếc máy chữ gửi cho đồng chí “P.C.Lin” (chiếc máy chữ đó Bác dùng mãi về sau này).

Tất cả những câu chuyện, những hình ảnh đó đều gây cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Nhớ đến lời anh Hoàng Văn Thụ nhắc trước khi ra đi, tôi càng tin đồng chí Vương chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Sang đầu tháng 6, một hôm, anh Phùng Chí Kiên rủ chúng tôi đi Thúy Hồ. Dọc đường, anh Kiên nói:

- Đồng chí Vương đã đến và hẹn chúng mình tới gặp ở Thúy Hồ.

Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gày gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt.

Tôi nhận ngay ra chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều (hồi đó Bác gầy và chưa để râu).

Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Chỉ có một điều làm tôi chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.

Bác và chúng tôi rời thuyền lên bờ, vừa dạo quanh hồ vừa nói chuyện. Bác hỏi chúng tôi về những khó khăn khi đi đường, và hỏi chuyện chúng tôi làm báo. Bác nói:

- Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí.

Tôi nói với Bác điều anh Thụ dặn dò về vấn đề “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”. Bác nói:

- Vẫn rất cần, nhưng điều kiện tổ chức thì hiện nay chưa chín nên chưa đặt ra.

Cho mãi về sau này, được công tác trực tiếp với Bác, tôi vẫn giữ nguyên vẹn cảm giác như ngày gặp Bác lần đầu tiên trên bờ Thúy Hồ. Ở Bác, trước sau vẫn là phong cách giản dị và trong sáng ấy. Tôi nghĩ con người vĩ đại thường là con người lúc nào cũng giản dị.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:54:04 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:33:15 pm »

III

Nhân dân Trung Quốc lúc đó đang tiến hành cuộc chiến tranh kháng Nhật. Trước áp lực của nhân dân, bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch buộc phải bắt tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc để đánh Nhật, nhưng bên ngoài thì hợp tác, bên trong thì chúng ngấm ngầm tìm mọi cách để làm suy yếu lực lượng cách mạng, và lúc nào cũng sẵn sàng giở giáo, phản bội lại những lời chúng đã cam kết.

Dựa vào những điều kí kết với bọn Tưởng, Đảng Cộng sản lập nhiều biện sự xứ ở các nơi. Đó là những cơ quan công khai của Đảng để giao thiệp với chính quyền Tưởng Giới Thạch. Mặt khác, trong khu vực của Quốc dân đảng, Đảng vẫn có những tổ chức rất bí mật.

Bọn Việt Nam Quốc dân đảng đang định bám gót quân đội Tưởng Giới Thạch để trở về Việt Nam khi “Hoa quân nhập Việt”. Chúng tìm mọi cách phát hiện các tổ chức của Đảng ta ở Trung Quốc, báo cho chính quyền Tưởng Giới Thạch, và cả bọn đại diện Pháp ở đây, tiêu diệt.

Chúng ta phải hoạt động hết sức bí mật và khéo léo. Với Việt kiều, chúng ta tổ chức những hội quần chúng hoạt động hợp pháp công khai để thu hút lực lượng, qua đó giáo dục dần dần những tư tưởng tiến bộ cho kiều bào, và chống lại những sự khiêu khích, phá hoại của bọn Việt Nam Quốc dân đảng. Tại Vân Nam, chúng ta đã tổ chức nhiều hội quần chúng, trong đó có “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội”.

Từ khi sang Trung Quốc, tôi càng nhận thấy sâu sắc mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. Các đồng chí Trung Quốc đối với chúng ta như anh em ruột thịt. Mặc dầu ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, luôn luôn phải đối phó với kẻ địch và rất thiếu thốn, nhưng các đồng chí Trung Quốc đã tìm mọi cách săn sóc những người đồng chí Việt Nam, từ nơi ăn, chốn ở đến việc học tạp và mọi hoạt động khác.

Sau lần gặp Bác ở Thúy Hồ, anh Phạm Văn Đồng và tôi luôn luôn được gặp Bác cùng các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh. Bác thường nói nhiều đến cuộc chiến tranh chống Nhật của Trung Quốc. Bác nhận rõ cái thủ đoạn hai mặt của bọn Quốc dân đảng. Theo Bác nói, nhiệm vụ lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó, là ra sức đoàn kết mọi lực lượng để chống lại cuộc xâm lăng của phát xít Nhật. Do đấy phải đoàn kết với Quốc dân đảng, cố gắng lôi kéo những phần tử tiến bộ để cùng đánh Nhật, vừa đoàn kết vừa phải đấu tranh, đặc biệt là phải cảnh giác với cánh hữu trong bọn đó gồm những phái thỏa hiệp, đầu hàng và thân Nhật.

Một bữa, Bác bảo anh Đồng và tôi:

- Các đồng chí sẽ đi Diên An. Lên trên ấy, vào trường Đảng học tập chính trị, cố gắng học thêm quân sự.
Mấy lần gặp sau, trước khi chúng tôi đi, Bác vẫn dặn đi, dặn lại tôi “cố gắng học thêm quân sự”.

Các đồng chí Trung Quốc tại Côn Minh tổ chức cho chúng tôi đi Quế Dương, từ đó sẽ đi xe tiếp lên Diên An. Sinh hoạt thư điếm giới thiệu chúng tôi với đồng chí lái xe hồng thập tự, có nhiệm vụ chuyên chở thuốc từ Côn Minh về Quế Dương. Xe này là của bọn Quốc dân đảng, nhưng người lái xe là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các anh Phạm Văn Đồng, Cao Hồng Lĩnh và tôi được bố trí ngồi trong khoang để hàng. Trời nóng. Bụi đường bị hút qua miếng vải bạt che sau khoang, đọng thành lớp dày trên mặt, trên quần áo.

Xe nhà binh chạy trên đường này rất nhiều. Thỉnh thoảng xe chúng tôi phải dừng lại vì máy bay Nhật đến. Có lần máy bay Nhật ném bom gần chỗ trú ẩn. Khắp nơi nhan nhả những khẩu hiệu: “Kháng Nhật đến cùng”, “Ủng hộ Tưởng ủy viên trưởng”… Nơi nào có thị trấn là thấy trụ sở của Quốc dân đảng, của Tam dân chủ nghĩa thanh niên đoàn, và ảnh Tôn Trung Sơn, ảnh Tưởng Giới Thạch. Ngồi trên xe, thỉnh thoảng lại nhìn thấy những thanh niên bị trói chung ở cánh tay bằng một sợi dây thừng, đi thành đoàn dài dằng dặc, có lính Quốc dân đảng áp tải. Bọn lính vừa đi vừa chửi mắng và đánh họ bằng báng súng. Hỏi ra mới biết là những người bị bắt đi lính đánh Nhật.

Xe chạy ròng rã ba ngày đến Quế Dương. Chúng tôi vào trú tại biện sự xứ của Bát lộ quân, đợi xe đi Diên An.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:55:09 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 03:34:40 pm »

Biện sự xứ ở mấy nhà thấp nhỏ vùng ngoại ô thành phố. Trước nhà có một khu vườn con, các đòng chí ở cơ quan trồng đầy rau, đỗ tương và bí. Ở đây, lần đầu tôi được xem báo Giải phóng từ Diên An gửi về. Các đồng chí tại biện sự xứ kể cho nghe nhiều chuyện về Diên An, đất thánh của Cách mạng Trung Quốc, giờ lại được biết rõ tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, và mọi mặt sinh hoạt của khu căn cứ. Đã nghĩ tới tiết trời rét buốt của Diên An, những buổi nghe lên lớp ngoài trời, những buổi sinh hoạt rất mới mẻ với chúng tôi: ở động, ăn bánh mì…

Cùng ở với chúng tôi, còn một số đồng chí Trung Quốc, cả nam cả nữ, cũng chờ để đi Diên An. Tôi nhớ lại, khi ở Côn Minh, Bác đã kể với chúng tôi: Có lần bọn Quốc dân đảng lùng bắt những thanh niên định trốn lên Diên An, đem về giam trong một bể nước tại tập trung cho tới khi chết để khủng bố tinh thần những người khác; nhưng thanh niên cả nước vẫn nô nức kéo đến nơi đất thánh của Cách mạng.

Chúng tôi ở lại Quế Dương đợi xe khá lâu. Không biết Bác đã qua lại Quế Dương nhiều lần chưa nhưng tại cơ quan, từ đồng chí phụ trách đến đồng chí cấp dưỡng, ai cũng nhắc đến đồng chí Hồ Quang (một bí danh của Bác) bằng thái độ rất quý mến. Những đồng chí thích học tiếng Anh và tiếng Nga càng mong muốn đồng chí Hồ Quang trở lại.

Việc tiếp tế lương thực tại một vùng nội địa sâu như Quế Dương rất khó khăn, tài chính lại eo hẹp; sinh hoạt của các đồng chí tại biện sự xứ rất kham khổ. Bữa ăn thường chỉ có rau do cơ quan tăng gia tự túc, ít đậu tương rang, một bát canh bí. Họa hoằn mới có một chút thịt. Trong khi chia ngọt sẻ bùi, bao giờ các đồng chí Trung Quốc cũng dành phần ưu tiên cho anh em chúng tôi.

Một bữa, các đồng chí Trung Quốc vui mừng báo cho chúng tôi là sắp có xe. Thấy chúng tôi chờ quá lâu, chưa có chuyến xe từ Diên An về, các đồng chí đã quyết định thuê một chuyến xe riêng. Mỗi người chúng tôi được phát một bộ quần áo Thập bát tập đoàn quân, có băng đeo tay và phù hiệu trên túi ngực. Còn ít tiền, chúng tôi ra phố sắm áo rét và ít đồ cần dùng trước khi đi.

Giữa tháng 6, một hôm giở báo ra xem thấy Pari thất thủ, Pháp đầu hàng. Cũng biết là Pháp yếu, nhưng không ngờ bọn tư bản cầm quyền Pháp đã khuất phục sớm thế. Ngay ngày hôm sau, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Hồ Quang ở lại, đợi tại Quế lâm. Chúng tôi biết là do Pháp mất nước, tình hình biến chuyển, nên có quyết định mới.

Mấy hôm sau, các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh cùng đến Quế Dương. Các anh cho biết, trước tình hình mới, Pháp đã đầu hàng, tất cả chủng tôi cùng đii Quế Lâm để tìm cách về nước.

Chúng tôi tới Quế Lâm. Lần này, chúng tôi không ở lại biện sự xứ mà thuê một căn phòng ở ngoại ô, lấy danh nghĩa Việt Nam giải phóng đồng minh để hoạt động.

Sinh hoạt văn hóa tại thành phố này khá hơn ở Côn Minh và Quế Dương. Đảng Cộng sản Trung Quốc có tại đây một tờ báo công khai là Cứu vong nhật báo do đồng chí Hạ Diễn làm chủ biên. Những hiệu bán sách, báo tiến bộ rất nhiều. Các đồng chí Trung Quốc thường hay tổ chức những buổi tọa đàm để giáo dục thanh niên. Thanh niên học sinh tới tham gia khá đông. Chúng tôi cũng tớ dự một vài lần. Cũng như ở Côn Minh và Quế Dương, các đồng chí Trung Quốc ở đây hết sức giúp đỡ chúng tôi. Đồng chí Hạ Diễn đã tổ chức một buổi họp báo để chúng tôi giới thiệu tình hình và phong trào cách mạng Việt Nam, lấy danh nghĩa là những người thay mặt Việt Nam giải phóng đồng minh.

Trước khi chúng tôi rời Quế Dương, ông Hồ Ngọc Lãm, một người Việt Nam có tinh thần yêu nước, một võ quan trong quân đội Quốc dân đảng dã viết thư giới thiệu chúng tôi với Lý Tế Thâm. Lý là chủ nhiệm Tây Nam hành dinh của Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi lấy tư cách là những người của Việt Nam giải phóng đồng minh để giao dịch với Lý. Anh Đồng mang tên mới: Lâm Bá Kiệt, chủ nhiệm biện sự xứ hải ngoại của Việt Nam giải phóng đồng minh. Anh Hoan thì lấy tên là Lý Quảng Hoa. Tôi cũng tự đặt cho mình một tên mới: Dương Hoài Nam.

Nơi Lý ở giống như một cung điện, khi vào phải qua nhiều lần cổng có lính gác. Chúng tôi đã biết, khi ở Quảng Châu Lý nổi tiếng về giết cộng sản. Lý làm ra niềm nở khi gặp chúng tôi. Lý hứa giúp đỡ Cách mạng Việt Nam. Lý nói, nay mai theo lệnh của Đồng minh, quân Tầu sẽ tiến vào Việt Nam, và yêu cầu chúng tôi làm giúp kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Lý hỏi chương trình điều lệ của Việt Nam giải phóng đồng minh, rồi khuyên chúng tôi: “Muốn cách mạng thành công thì đừng đi theo con đường cộng sản”.

Được ít ngày, chúng tôi được tin về sự biến Giang Nam. Quân của Quốc dân đảng đã thừa lúc Tân tứ quân di chuyển bộ đội, đánh úp. Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng phản đối kịch liệt. Đọc Tân Hoa nhật báo thấy có bốn câu thơ với cả bút tích của đồng chí Chu Ân Lai, lên án hành động phản bội này của Quốc dân đảng. Liền sau chuyện này, chính quyền Quốc dân đảng tại Quế Lâm cũng trở mặt. Chúng ngang ngược tịch thu sách báo tiến bộ, đóng cửa Tân Hoa thư điếm, nêm phong Sinh hoạt thư điếm. Không khí khủng bố căng thẳng.

Tháng 9 năm 1940, chúng tôi được tin thực dân Pháp đã cúi đầu rước phát xít Nhật vào Đông Dương. Sự việc đã diễn ra đúng như dự đoán của Đảng mà anh Hoàng Văn Thụ đã nói với tôi trước khi ra đi.
Vào khoảng đó Bác đến Quế Lâm.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:56:17 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2009, 02:44:51 pm »

IV

Chúng tôi tới gặp Bác ở một vùng ngoại ô. Bác cùng chúng tôi đi lững thững như những người nhàn rỗi dạo chơi trên cánh đồng. Tới một bãi cỏ có bóng mát, chúng tôi ngồi lại khai hội. Bác nói: “Tình hình Quốc Cộng hợp tác hiện nay đang trải qua một bước rất gay go. Tân tứ quân vừa bị bọn Quốc dân đảng cấu kết với Nhật đánh úp. Hồng quân có bị thiệt hai nhưng vẫn giữ được các căn cứ địa ở sau lưng địch tại vùng phụ cận Nam Kinh, Thượng Hải. Từ nay kỉ luật bí mật của Đảng phải được chấp hành triệt để. Sách vở, tài liệu, phải hết sức cẩn thận. Mua sách, báo về chủ nghĩa cộng sản, đọc xong hủy đi trước khi về nhà. Trong lúc giao dịch với bọn Quốc dân đảng tuyệt đối không để lộ mình là cộng sản”.

Khi nghe báo cáo lại tình hình giao dịch với Lý Tế Thâm, Bác nói: “Trong việc giao dịch với Quốc dân đảng không mong chi nhiều. Điều chủ yếu là làm sao cho chúng không cản trở công việc của ta. Phải hết sức bí mật. Về chuyện “Hoa quân nhập Việt” đừng chỉ nhìn mặt thuận lợi. Hiện nay chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Hoa mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là đồng minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”.

Bác nhận định tình hình chung trên thế giới và ở Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách trở về nước ngay để hoạt động.

Ai cũng nóng ruột muốn mau chóng trở về, nhưng chưa có liên lạc với trong nước. Việc về nước lúc này cũng chẳng phải dễ dàng. Ở lại Quế Lâm cũng nguy hiểm. Cơ quan tập trung đông và ở đã lâu. Chỉ cần một người sơ ý để lộ tung tích là lập tức bọn địch sẽ bắt bớ, khủng bố.

Một hôm, các báo ở Quế Lâm đăng nhiều tin về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tại Việt Nam. Không hiểu tình hình ra sao, ai nấy đều nóng lòng sốt ruột. Trong một buổi họp, Bác nhận định: “Tình hình chung thế giới và Đông Dương ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa thể khởi nghĩa được. Song nay đã nổ ra rồi, thì cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào”.

Bác viết ngay một bức điện, nhưng sau đó, không tìm ra cách nào để chuyển bức điện ấy về Đảng bộ Nam Kỳ.

Trong những ngày ở Quế Lâm, có lần Bác bàn với chúng tôi: Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Việt Nam phản đế đồng minh? Hay là Việt Nam độc lập đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ. Những ý kiến Bác nói hồi đó, sau này, đã được thảo luận tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ tám của Đảng ở Pắc Bó.

Tin tức về phong trào tại nước nhà ngày càng thúc giục, nhưng vẫn chưa tìm ra cách để liên lạc với Trung ương ở trong nước. Bác chủ trương là nên chuyển về hoạt động ở sát biên giới, rồi tìm cách về nước sau.
Lúc này, Lý Tế Thâm đã giới thiệu chúng tôi với tướng Trương Phát Khuê, tư lệnh trưởng quan của Đệ tứ chiến khu. Trương Phát Khêu vừa được giao nhiệm vụ lập một đội công tác biên khu, chuẩn bị đưa quân vào Việt Nam theo kế hoạch của Đồng minh. Khuê dùng Trương Bội Công, một người Việt Nam làm sĩ quan trong quân đội Tưởng, tiến hành công việc này. Trương Bội Công tập hợp một số Hoa kiều và Việt kiều để lập đội công tác. Khi chúng tôi tới Liễu Châu gặp Khuê, Khuê giới thiệu lại với Trương Bội Công. Qua tiếp xúc với Trương Bội Công, chúng tôi đã nhìn rõ chân tướng hắn là một tên đặc vụ. Nhưng biết Trương Bội Công đã chuyển từ Liễu Châu về Tĩnh Tây cho gần biên giới Việt Nam hơn, chúng tôi cũng tìm cách lợi dụng hắn để mượn xe cộ đi về biên giới cho dễ dàng.

Một hôm chúng tôi được tin Trương Bội Công về Tĩnh Tây đã đón được một số thanh niên các dân tộc ở Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh, phải vượt biên giới chạy ra ngoài. Bác đã nhìn thấy một cơ hội tốt để tổ chức đường dây liên lạc về nước. Bác nói: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”. Cũng từ lúc này, Bác đã nhận định về vị trí của Cao Bằng: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối thông phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Từ khi chưa đặt chân vào Cao Bằng, Bác đã vạch ra một cách chính xác tính chất quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc sau này.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:57:15 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2009, 02:45:21 pm »

Cuối tháng 11 năm 1940, chúng tôi về đến Tĩnh Tây.

Anh Đồng và tôi tổ chức ngay biện sự xứ của Việt Nam giải phóng đồng minh để duy trì quan hệ với Quốc dân đảng. Một mặt, các anh Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh cùng tôi tìm cách bắt mối với anh em ta ở chỗ Trương Bội Công. Những thanh niên này đều là cán bộ, quần chúng tốt của Đảng ta, trong lúc vượt biên giới còn ngỡ ngàng chưa biết thế nào, nghe nói bọn Trương Bội Công có tổ chức Đội công tác biên khu thì tạm dựa vào mà thôi. Chúng tôi tìm cách đưa khéo các đồng chí đó ra khỏi sự kiểm soát của Trương Bội Công. Tất cả hơn bốn chục đồng chí, trong đó có các đồng chí Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang…

Đầu tháng 12, Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện. Chúng tôi lên đường về nơi Bác hẹn gặp. Từ đó còn phải đi bộ khá xa mới đến địa điểm đã chọn để mở lớp huấn luyện. Đường đi toàn đồi núi. Bác đi bộ rất nhanh, tất cả chúng tôi không ai theo kịp. Dọc đường, thỉnh thoảng Bác lại dừng lại đứng chờ.

Lớp huấn luyện được tổ chức ở một vùng dân tộc Nùng đã từng chịu ảnh hưởng của Hồng quân Trung Hoa trong thời kì Hồng quân hoạt động ở Quảng Tây. Nhân dân ở đây rất quý những người cách mạng Việt Nam. Chúng tôi phân chia nhau ở trong hai làng.

Hai việc trước tiên phải lo, là việc chuẩn bị lương thực và làm chương trình huấn luyện.

Nhân dân ở các làng biên giới này rất giàu tinh thần và tình cảm với cách mạng, nhưng đời sống thì còn rất nghèo khổ. Việc lo ăn một lúc cho năm chục con người hàng nửa tháng, không phải là một việc dễ dàng. Đồng chí Cáp được giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nhưng mọi người đều phải góp sức. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều đi lấy gạo, bắp về giã, kiếm củi để nấu ăn và để giúp đỡ đồng bào. Bác cũng bổ củi rất khỏe.

Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại, thông qua đề cương, rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn, chu đáo. Nội dung chính trị phải đúng đắn, lời lẽ phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, hợp với ý nghĩ quần chúng. Bác rất chú trọng đến việc thực hiện sau này. Mục nào, cuối cùng có những câu hỏi: Học xong về địa phương thì làm gì, làm thế nào? - Bước thứ nhất như thế, bước thư hai làm ra sao?...

Trong khi theo dõi học tập, Bác thường hỏi đi, hỏi lại để kiểm tra sự thâu nhận của mọi người. Nếu còn có những người chưa hiểu thì người giảng phải nói lại, học viên cũng phải trao đổi thêm.

Lần đầu làm việc với Bác, tôi đã nhận thấy cách làm việc của Bác là: cụ thể, chu đáo, đến nơi đến chốn.
Lễ tốt nghiệp tổ chức giữa một khu rừng vắng vẻ.

Sau nhưng ngày học tập, mọi người phấn khởi, náo nức hẳn lên. Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.

Lá cờ đỏ sao năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn chúng tôi, khi đó còn là những người dân mất nước phải sống xa quê hương. Chúng tôi ngoảnh mặt cả về phía Nam, hoan hô tình thần khởi nghĩa Nam Kỳ, thề sẽ thẳng tiến không lùi trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao giữa Thủ đô…

Ngay sau đó, cả bốn mươi đồng chí Cao Bằng lại quay về nước, tìm về những cơ sở cũ. Chúng tôi ở lại, chuẩn bị thêm cho kế hoạch công tác sắp tới.

Ngày Tết đến với chúng tôi tại biên giới. Suốt thời gian qua, bà con dân làng hiểu rõ chúng tôi hơn, càng thêm quý mến. Gần làng có miếu thờ thành hoàng, nhân dân ai cũng đến lễ bái. Bác cũng đi cùng bà con đến viếng đền. Anh em chia nhau đi ăn Tết các nơi trong làng. Bà con ai cũng mời đến nhà, nếu không đến thì không bằng lòng. Có đồng chí trong một ngày phải đi ăn tết với gần một chục nơi. Đến nhà ai, Bác cũng đều mang theo một tờ giấy hồng điều tự tay Bác đã viết dòng chữ: “Cung chúc tân niên”.

Nhìn Bác mặc bộ quần áo chàm, quần xắn cao, tay cầm gậy, đi chúc tết nhân dân với dáng nhanh nhẹn, thái độ thoải mái vui vẻ, nhớ lại khi Bác ở Côn Minh mặc âu phục, cổ cồn, mũ phớt, tôi thấy Bác đã hòa vào trong hoàn cảnh mới một cách hết sức tự nhiên.

Sau Tết ấy, các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, có anh Lê Quảng Ba dẫn đường, về Cao Bằng tìm cơ sở đặt địa điểm cơ quan rồi ra đón Bác cùng về.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 06:58:26 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2009, 02:49:24 pm »

V

Anh Đồng, anh Hoan và tôi trở lại Tĩnh Tây công tác thêm một thời gian sau khi Bác về nước. Chúng ta tiếp tục duy trì biện sự xứ của Việt Nam giải phóng đồng minh, và vẫn giao dịch với bọn Quốc dân đảng.

Nguyễn Hải Thần cũng đã về Tĩnh Tây, chờ bám gót chân quân Tầu Tưởng trong chuyến “Hoa quân nhập Việt”. Chúng tôi để hắn cùng ở một nhà. Biết rõ bản chất của hắn, nhưng chúng tôi cũng cố gắng giữ quan hệ, dùng hắn để che mắt bọn Quốc dân đảng một phần nào. Mặc dầu cố tránh, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những va chạm về chính kiến. Thấy chuyện trò với chúng tôi chẳng hợp, hắn ngồi ủ rũ suốt ngày tại biện sự xứ, chẳng biết âm thầm tính toán những việc gì.

Chúng tôi đã nhận thấy nếu phát động vũ trang khởi nghĩa thì sẽ gặp một khó khăn là chúng ta thiếu cán bộ quân sự. Cử người lên Diên An học thì đường đi quá xa và không có điều kiện. Bàn với nhau, thấy là có thể lợi dụng bọn Quốc dân đảng, nhờ chúng làm việc huấn luyện quân sự cho một số đồng chí. Biết trước thế nào là nếu chúng làm việc này chắc chắn chúng sẽ đưa thêm vào đó nội dung chính trị phán động của chúng. Nhưng điều đó cũng không đáng lo ngại. Chúng ta sẽ cử một số đồng chí vững vàng đi học. Các đồng chí đó sẽ rút ra từ nội dung học tập những hiểu biết về quân sự cần cho công tác sau này, và vứt bỏ lại cho chúng phần chính trị phản động.

Tháng 4 năm 1941, tôi được chỉ thị ở lại Quế Lâm gặp Lý Tế Thâm, yêu cầu Lý mở cho những người trong Việt Nam giải phóng đồng minh một lớp huấn luyện quân sự. Lý đồng ý. Nhiều đồng chí ở nước nhà được cử sang học như đồng chí Hoàng Văn Thái, Nam Long, Quang Trung, Thanh Phong… Trương Phát Khuê cũng chỉ thị cho tên tham mưu trưởng họ Trần mở cho chúng ta một lớp huấn luyện về công tác phá hoại tại Tĩnh Tây. Tên tham mưu trưởng họ Trần lúc nào cũng tỏ ra thân mật, ngọt ngào, hay nói những lời lẽ tiến bộ, nhưng thực ra là một tên đặc vụ lơi hại. Hắn theo dõi điều tra mọi hành vi của chúng tôi.

Thời gian này, chúng tôi thường đi lại giữa Tĩnh Tây và nơi làm việc mới của Bác ở trong nước, tại hang Pắc Bó, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.

Lần đầu về nước, tôi đi cùng một đồng chí giao thông.

Qua một quả núi đất khá cao, lởm chởm đá, xuống một con đường mòn nằm quanh co giữa những nương rẫy bên sườn núi, đồng chí giao thông chỉ một phiến đá nhỏ, nói đó là cột mốc biên giới. Tôi dừng chân, đứng nhìn một lúc. Phiến đã có khắc mấy chữ Hán, đứng giữa hai nương ngô. Bên kia, bên này cây cỏ cũng như nhau. Đồng chí giao thông lại cho biết thêm, nhân dân ở cả hai bên biên giới tại vùng này, đều là bà con dân tộc Nùng, cùng nói chung một thứ tiếng. Thấy biên giới đúng là một sản phẩn của con người đặt ra.

Thấm thoắt đã một năm trời xa Tổ quốc, đặt chân lên dải đất quê hương, lòng chẳng khỏi bồi hồi. Mỗi bước đi thấy trong người ấm áp hơn lên. Chỉ vừa mới đi thêm mấy bước chân mà trước đó chỉ thấy như còn ở rất xa, lúc này lại thấy đã ở gần nhà.

Vùng này núi đá xen với núi đất, địa thế hiểm trở. Những chòm nhà nhỏ của đồng bào Nùng nằm thưa thớt giữa những nương ngô trên sườn núi hay bên những thửa ruộng nhỏ dưới thung lũng. Sương trắng từng dải đọng trên các đầu núi. Khung cảnh Pắc Bó hiện ra trước mắt như một bức tranh thủy mạc.

Khắp vùng này đều đã có cơ sở. Chúng tôi vừa đi vừa ngắn núi non, đất nước. Nhớ lại lúc vượt sông Nậm Ti hết ngó trước lại ngó sau, cảm thấy vui vui với ý nghĩ, cả nước tuy còn nằm dưới ách thống trị của bọn đế quốc, nhưng ở nơi này đã có một mảnh đất tự do.

Đi chẳng bao xa, tôi đã nhận ra Bác đang ngồi trên một phiến đá. Sau bao năm xa nước, hoạt động từ Đông sang Tây, Bác đã trở về góc rừng hoang vắng của Tổ quốc với bộ quần áo chàm giản dị, rất tự nhiên trong vai một ông già người Nùng. Gần chỗ Bác ngồi, dưới chân những khối nhũ đá thấp nhỏ, hình thù kì dị, nước từ khe núi chảy ra đọng lại trong mắt.

Bác trỏ dòng suối rồi nói:

- Đây là suối Lênin.

Trèo qua một quả núi đá không cao lắm, lách người đia hết một đám lau rậm, thì thấy hiện ra một cửa hang. Trong hang ẩm lạnh không có đồ đạc gì ngoài chiếc sàn nằm làm bằng những cành cây nhỏ gác ngang, gác dọc. Chính ở đây vào tháng 5 năm đó, Hội nghị Trung ương lần thứ tám đã họp dưới sự chủ tọa của Bác, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Trong hội nghị này, Trung ương đã quyết định duy trì và phát triển cơ sở du kích ở Bác Sơn - Vũ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng cơ sỏ Cao Bằng, xây dựng hai nơi đó làm trung tâm của công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa tại Việt Bắc. Cũng tại đây, Bác đã nhân danh nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc viết lá thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm (…) Hỡi các chiến sĩ cách mạng, giờ giải phóng đã đến! Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân đánh tan thù chung. Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai các đồng chí! Máu nóng của các bậc anh hùng đương sôi sục trong lòng các đồng chí…”.

Những lời lẽ tâm huyết của Bác đã gây một tác động lớn trong đồng bào và các đồng chí ta suốt từ Bắc chí Nam.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2012, 07:08:41 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM