Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:31:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Phản trắc  (Đọc 32429 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:07:08 pm »

"Ừ, cha chết rồi. Người chết mới đủ quyền hạn để khuyên răn người sống!".
Tụ bần thần nhìn bóng cha đổ dài trên cánh đồng đã từng hàng vạn lần in bóng mẹ anh hết dài lại ngắn, hết ngắn lại dài. Bây giờ cha anh về đây để khuyên ta ư?
"Không! Con chưa thể chết được. Một viên đạn chứ hàng trăm viên đạn như của thằng đệ tử ngu dốt cũng không giết được con". Tụ vẫn khăng khăng. "Công việc của công ty…".
Ông lão râu bạc bỗng đập một cái gì giống như miếng gỗ vuông vuông xuống đất. Một tiếng "cạch" khô khốc đầy uy vũ vang lên. Khuôn mặt hồng hào của ông bỗng chuyển dần sang màu xám, rồi trở thành đen bóng, ánh lên nước dầu luyn:
"Nghe đây, tên gian tặc kia! Nhà ngươi không biết mình mắc tội gì à?"
Tụ biết, mình không có tội. Có tội thì không làm lãnh đạo được. Đó là lô-gíc thời đại. Làm lãnh đạo thì không có tội.
"Tôi không có quan hệ gì với ông đâu nhé! Đây là cánh đồng của mẹ tôi chứ không phải công đường của ông".
"Người đâu!". Ông lão mặt sắt hét lên. "Cẩu đầu trảm!"
Tức thì hàng chục, hàng trăm con muỗm đầu nhọn, nhe hai cái răng nửa đen, nửa đỏ rắn chắc và bén ngọt xông vào Năm Tụ. Anh hốt hoảng kêu lên:
"Ngừng lại! Thôi, ngừng lại!"
Người y tá trực đang lơ mơ nghĩ ngợi về một chuyện gì đó liên quan đến đứa con chuẩn bị xin vào học lớp Một của mình, bỗng giật mình nhìn vào màn hình máy tính. Những ngọn sóng màu xanh đang nhấp nhô bỗng duỗi dài ra, lịm dần. Chị choàng dậy kêu to:
-Bác sĩ! Thưa bác sĩ… Tim ngừng đập!
Bích vừa ra ngoài hàng lang, đứng lẳng lặng nhìn những vệt đèn xe màu đỏ như một trời sao sa nối đuôi nhau lên cầu. Ở đây có gió, dù là gió bụi. Nghe tiếng người y tá thất thanh, chị chạy vội vào, và đã thành một phản xạ quen thuộc, vớ lấy cái bơm tiêm. Lại một liều thuốc hồi sinh tiêm vào cơ thể bất động của Năm Tụ.
                                                         *
Trong những khuôn mặt lần lượt trôi qua trong cơn hôn mê của Tụ, tất cả đều là những số phận đã được định đoạt. Họ đã từ giã cõi đời. Cuộc gặp gỡ chênh vênh giữa những số phận ngắn ngủi với một người mấp mé cõi âm chỉ lướt qua mà không đưa lại kết quả mong muốn. Mặc dù những cuộc "tao ngộ" như thế này thật hiếm hoi trong cõi vũ trụ vô biên. Họ không ở lại với Tụ được, họ có những nhiệm vụ và niềm kiêu hãnh của những người đã chết. Riêng Tụ cảm thấy có một chút nuối tiếc. Nuối tiếc vì đã từ lâu rồi những cuộc gặp gỡ như thế với bạn bè, người thân trong những khung cảnh trang trọng hơn, bề thế và tiện nghi hơn, cũng rộng rãi thư thả thời gian hơn thì lại… nhạt nhẽo, chán ngắt! Cuộc tao ngộ trong cơn hôn mê mang nhiều ý nghĩa gợi cảm đến sự sống, cái chết, vinh quang và hèn mọn… thì lại quá ngắn ngủi. Bóng họ lẩn vào vùng tiềm thức màu sữa đục, dính quánh lại rồi tan biến. Tụ cố hết sức để níu họ lại, bắt họ ngừng lại đều vô ích, bất lực!
Nhưng lạ lùng thay, có một khuôn mặt, đúng hơn là một con người, một thân thể với đầy đủ cả hồn vía, thanh sắc, hành động của con người đó vào những lúc Tụ sắp sửa chìm hẳn vào cõi mê không đáy, lại xuất hiện.
Thoạt đầu, Tụ tưởng đó là Bích, người vợ và là chỗ dựa, điểm tựa, thậm chí còn là bàn đạp để Tụ tiếp tục trên con đường thăng tiến. Nhưng không phải, không phải chỉ vào những giờ khắc hiểm nghèo, mà ngay cả những lúc hân hoan nhất, vinh danh nhất, thậm chí cả những khi lạc thú nhất, Bích vẫn cứ nhẹ nhàng tuột khỏi tầm tay anh. Đúng là rất nhẹ nhàng!
Hai đứa con, một trai một gái, sản phẩm của tình yêu hôn nhân giữa Tụ và Bích "đẹp như thiên thần, thông minh như quỷ sứ" (Tụ vẫn thường nói về các con mình như thế, với một niềm kiêu hãnh thầm kín và sự bực bội ra mặt) đã gắn họ lại, như một sự phiên chế cơ hữu trên cõi đời. Đứa con gái lớn sắp sửa ra nối nghiệp mẹ làm bác sĩ. Nó đúng là một thiên thần của Tụ, tình yêu của anh. Còn đứa con trai, thằng Tiến, đang học ở Vương quốc Ănglê, thông minh và quỷ sứ, hiện thân của anh và cũng là đối trọng của anh. Mẹ của chúng có những lúc hiện ra chói chang như vầng hào quang kiêu hãnh, nhưng đồng thời, chỉ ngay sau đó chút ít lại trở về như một ngọn lửa nhỏ, một tấm ảnh ảo trong ngôi nhà đầy quyền uy sang trọng và giống như một cơ quan công quyền, có cả bạo lực trấn áp. Đó là những khẩu súng.
Người đàn bà còn sống duy nhất xuất hiện trong cõi hôn mê của Tụ chính là Hảo, người kế toán trưởng đáng tin cậy và người đàn bà không ngớt nghi hoặc của Năm Tụ. Hảo lúc nào cũng toả ra một niềm đam mê tuy kín đáo nhưng lại luôn hứa hẹn một ngọn lửa bùng cháy. Hảo như đám lửa đã bị dập tắt, nhưng vẫn còn những ngọn khói xanh lơ bay mờ nhạt xung quanh nàng. Người ta thường gọi đó là "mồi lửa yếm khí". Mồi lửa ấy sẽ trở nên nguội lạnh một cách thảm hại, theo thời gian và môi trường, nhưng cũng có thể bùng cháy vào bất kỳ lúc nào, chỉ cần một cơn gió thoảng mang dưỡng khí đến. Với Tụ đó là một nguy cơ.
Hảo đến và nàng mặc một bộ váy áo màu xám đậm. Ở tuổi ấy, với cương vị ấy, màu xám đậm đà vừa đủ để gói kín nỗi đam mê, và lại vừa như cố tình phô bày, có chút hớ hênh vẻ phong phú bên trong. Niềm đam mê của nàng như cái ống nghe của người bác sĩ trẻ trong hành lang bệnh viện, không muốn phô ra, nhưng vì công việc, vì thiên chức nghề nghiệp, không thể cất vào chỗ khác. Hảo bước những bước đi vừa phải, vừa thể hiện những bước chân hoạt bát của công sở, nhưng vẫn giữ những kiểu cách của sự mệt mỏi, mong chờ.
"Rasvui! Chào anh!".
Ôi, cái tiếng Nga xa lắc, xa lơ trong cõi nhớ của Tụ bỗng ào ạt trở về. Hảo đem nó về với Năm Tụ cùng với một triền sông phủ đầy tuyết trắng. Tiếng gió lạnh thổi vi vút trong những hốc cây và tiếng chân người lạo xạo trên tuyết đã đưa Tụ về vói tuổi hoa niên đầy niềm tụ hào.
"Đa-xvi-đá-nhi-a…!". Em từ biệt anh để đi lấy chồng. Em từ biệt niềm khao khát mạo hiểm để rẽ vào một cái ngõ bề bộn công việc vặt vãnh. Và như thế, em càng đốt cháy lòng anh. Em đến với anh không phải bằng bộ váy áo màu xám thời trang mà đó chính là một sắc trời, một bầu trời màu xám uy nghi.
"Sao lại bầu trời xám?". Hảo lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh Tụ. Không phải là đối diện mà là bên cạnh, nhẹ nhàng, mỏng mảnh. "Bầu trời hồng rực rỡ của kiêu hãnh, của vinh quang và trí tuệ. Bầu trời xanh mặc nhiên của ánh sáng thiên thanh của hy vọng. Bầu trời vàng của niềm đam mê, khao khát. Còn bầu trời xám là gì hả anh?".
"Ừ, bầu trời xám là sắc trời chứa đựng niềm nuối tiếc của một ngày nắng đã tàn. Màu xám của trời cũng chứa đựng vô vàn những tín hiệu của giông bão. Nó là bầu trời riêng của mỗi chúng ta".
"Em đã nghe và đã nghĩ về một bầu trời riêng. Bầu trời của tự do, ít nhất cũng là tự do trong ý nghĩ".
"Còn nghĩ là còn tồn tại. Đê Cactơ đã phát biểu như thế. Còn nghĩ là còn tự do, còn muốn phá phách, còn muốn lật đổ".
Đột nhiên Hảo cúi xuống, hai tay choàng qua cổ Tụ, ghì sát đầu anh vào mặt nàng. Trong hơi thở hối hả, có mùi thơm hơi gắt của son môi, nàng hôn tới tấp vào mặt, vào má, vào môi Tụ.
"Anh yêu của em! Thần tượng của em!"
Tụ ngây ngất ngả người ra phía sau vừa để không phải cưỡng lại sức nặng của Hảo, vừa kéo nàng vào lòng. Một bàn tay Tụ phải chống vào thành giường, còn bàn tay kia anh lùa vào trong lần áo Hảo. Thứ hàng màu xám đậm này may bằng vải gì thế nhỉ? Trong niềm hân hoan bất ngờ, Tụ còn nghĩ đến giá trị của váy áo, như thói quen của một con người lún sâu vào thực dụng. Nó không quá cứng, gây khó chịu cho người mặc cũng như người đụng chạm, vuốt ve, nhưng cũng không hề mềm mại, không thể để lại dấu nhăn mỗi khi bị giày vò. Nó phát ra những tiếng kêu sột soạt, như có ai đó đang kéo tấm màn gió ở cửa sổ nhìn trộm. Mồ hôi từ tấm lưng tròn lẳn của thiếu phụ rịn ra, nóng ấm và dinh dính, là lạ.
"Thần tượng của em" bắt đầu khám phá ở con người nhiều tin tưởng và cũng lắm nghi ngờ này. Khi những ngón tay Tụ chạm phải sợi dây ngang của chiếc áo nịt vú, nó cứng cỏi hằn sâu vào lần da mịn phía lưng của Hảo, ngầm đoán nó màu đen, trong đầu anh bật ra câu hỏi:
"Tất cả những con số thể hiện qua bản báo cáo chi tiết của em là chặt chẽ đấy chứ?".
Lúc này Hảo đã lắng cơn cuồng si, hai tay nàng vẫn ôm ghì lấy đầu Tụ, nhưng đôi môi nàng đã dừng lại ở vành tai anh. Nàng thì thào, âu yếm:
"Những con số nào, hả anh?".
Người đàn bà thường ghét cay ghét đắng những chuyện phá ngang cuộc vui. Họ xoay xở chậm chạp theo chiều hướng câu chuyện do người khác đem lại mà không liên quan đến hiện tình. Nhưng Tụ khác, anh là người của công việc, là người lãnh đạo. Anh phải có khả năng phân thân, khả năng thích ứng với nhiều tình huống trong cùng một thời điểm. Điểm mạnh của Tụ ở đó. Người ta đánh giá cao năng lực của anh cũng ở chỗ đó.
"Bản hợp đồng thực hiện dịch vụ xuất khẩu xe hơi của ta với công ty Yahachico! Một hợp đồng đưa anh và em ra đây. Em nhớ chứ?".
"Chặt chẽ! Anh yêu…".
Tụ từ từ gỡ tay Hảo ra. Anh nhìn kỹ hai bàn tay nàng, chúng không còn thon dài, lây tròn, đều đặn như thời con gái. Tụ vẫn nhớ, cái thờ xa xa gần gần, hư thực, như có như không. Bây giờ những ngón tay thánh thiện đã mập lên, chia ngón tay ra thành những đoạn ngắn với những ngấn mỡ và trắng nhợt nhạt như bị ngâm trong nước quá nhiều. Những ngón tay của thiếu phụ trải qua thời gian và những công việc cửa nhà, bếp nước, chồng con… Lúc này bàn tay Hảo nằm gọn trong tay Tụ, khờ dại và ngoan ngoãn, thơm lừng mùi phấn ngủ.
Chợt Tụ như sực nhớ ra điều gì như một lời kêu gọi, canhe báo, thanh cao, hoành tráng, rất quyến rũ nhưng đầy mạo hiểm và đe dọa. Để Hảo ngồi lại một mình, Tụ đứng dậy đi về phía cửa sổ. Từ đây, anh phóng tầm mắt nhìn bao la ra mãi tận nơi biển tiếp giáp với trời. Những hòn đảo xanhh mờ cô độc giữa khơi xa loang loáng ánh mặt trời gợi lên niềm kiêu hãnh của những kẻ đi chinh phục.
Nha Trang!
Từ lâu, Tụ vẫn mong có một lần được thảnh thơi, tự do vui vầy với người kế toán trưởng mặn mà của mình. Anh đã âm thầm chuẩn bị. Gọi là âm mưu cũng được. Tình yêu nào mà chẳng cần phải dùng đến âm mưu! Không phải trở ngại ở công việc. Cũng không hẳn từ phía Hảo. Đi công tác, đi nghiên cứu thị trường, tìm đối tác… thì giám đốc và kế toán trưởng phải "hai trong một" là lẽ thường. Hơn thế nữa, nó là mốt thời đại. Nhưng cái cản trở lại ở ngay trong con người đầy mâu thuẫn này. Anh thích Hảo, nhưng lại sợ Hảo. Anh muốn phiêu lưu với khoảng trời riêng. Với cảm giác lạ nhưng lại sợ tai tiếng, "cấp trên nhìn xuống, người ta trông vào". Nó giống như cái mâu thuẫn của một con người mẫn cán, con người hy sinh vì nghĩa cả, vì lý tưởng với một con người thực dụng, tham lam. Giữa một chiến sĩ cách mạng và một nhà buôn.
Nha Trang!
Cuộc hành trình đi về phía thực dụng đầy lãng mạn của Tụ diễn ra vào cuối mùa thu. Ôi Nha Trang, mùa thu lại về… Câu hát hào phóng ngân nga trong đầu Tụ. "Cho em yêu tình yêu trong sáng, cho em đi trên con đường cách mạng…"! Cuộc "cách mạng" theo một lịch trình nghị sự rõ ràng, trong sáng. Thuê khách sạn, gặp gỡ, tham quan và…
Tụ quay lại thì Hảo đã không còn ở đó nữa. Nàng lặng lẽ biến đi trong cơn suy diễn tràng giang của anh.
"Hảo! Hảo ơi, đừng đi! Đừng bỏ anh…".
Hảo không bỏ anh. Nàng đang bay lượn nhịp nhàng, uyển chuyển ở ngoài ô cửa trong bộ váy áo ngủ màu xám mỏng như cánh chuồn chuồn. Một con chuồn chuồn chuối màu xám tuổi thơ của Tụ. Anh vùng đuổi theo Hảo. Nàng vẫn nhún nhảy trên đôi gót chân màu chì theo dọc hành lang. Họ đuổi và họ chạy, họ vờn nhau và họ ở cách xa nhau. Cho đến khi đôi chân Tụ cuống quýt, anh sụp đổ và tuyệt vọng:
"Hảo ! Hảo ơi! Ngừng lại! Ngừng! …".
Người hộ lý trực chăm chú nhìn vào màn hình máy tính. Những đường cong hình sin màu xanh lên xuống thất thường. Rồi như một cơn gió tan, yếu ớt, đường cong mong manh duỗi ra, thoai thoải… Người y tá lắc đầu. Chị không kêu lên hoảng hốt như những lần trước, mà lặng lẽ cầm cái bơm tiêm đã sẵn thuốc, vạch cánh tay trắng nhợt của Tụ. Một mũi thuốc hồi sinh nữa…
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:07:37 pm »

Chương 15
Ông bộ trưởng đứng lặng, đôi mắt đỏ hoe dưới cặp kính lão gọng vàng nhìn người học trò của mình thiêm thiếp bất động trong một bọc vải bọc trắng toát. Sau lưng ông là Tổng giám đốc Trần Khanh, cao lớn lênh khênh trong tấm áo choàng trắng mà bệnh viện bắt buộc phải mang khi tiếp xúc với giường bệnh, trông ông như một vị bác sĩ thực thụ với khuôn mặt lạnh băng và hàm râu mới cạo nhẵn, phớt xanh. Tiếng o o từ một chiếc máy điện nào đó phát ra nghe não nề. Thời gian như căng ra, chực đứt. Bất chợt bộ trưởng rùng mình, ông nghĩ đến tấm vải liệm. Chỉ khác ở đây nó màu trắng tinh khiết, vô cùng tuyệt đối chứ không phải là màu cỏ úa, có khi còn đẫm máu khô. Khoảng cách thời gian hơn một phần tư thế kỷ qua đi không làm vơi những hình ảnh đau thương chết chóc. Hai cuộc kháng chiến thần thánh đã đè lên vai ông. Cái còn lại là những tấm huân chương mà thỉnh thoảng vào những ngày lễ tết, gặp gỡ bạn bè, ông vẫn đem ra gắn lên ngực. Ông chỉ đeo phần cuống. Những miếng cuống huân chương là những ký hiệu. Được cái nó không kêu xủng xoảng, tiếng kim khí va vào nhau, mà nó lặng lẽ, âm thầm, nhẹ như bấc. Vinh quang là thế!
Bên trên khuôn mặt tái nhợt chụp mặt nạ thở ôxy của Trịnh Quang Tụ là vầng trán cũng xanh nhợt, nhưng ông vẫn nhận ra vẻ thông minh, tháo vát của một cậu bé liên lạc ngày nào và cũng như những năm sau này, Trịnh Quang Tụ trở thành một chàng kỹ sư bằng đỏ. Ông không nghi ngờ cái vầng trán ấy đã trải qua hơn ba mươi năm, nó có những nếp nhăn toan tính, âu lo, mà nó vẫn gần gũi bên ông từ những tháng ngày máu lửa. Cái ngày xưa trong trẻo ấy, có những đêm ông đã từng đắp cho Trịnh quang Tụ tấm chăn đơn giữa rừng khuya giá lạnh. Trong ánh sáng mờ ảo của đêm rừng, ông đã dừng cái nhìn âu yếm của mình trên vầng trán ấy, thiêm thiếp trong giấc ngủ binh nhì, vô tư và khờ dại.
Bây giờ thì Tụ đã đủ khôn ngoan. Một thằng bé bặt thiệp, linh hoạt và có đạo đức. Ông bao giờ cũng tin như thế. Ông tin vào con người.
Nắm bàn tay nhỏ và mềm của Bích trong tay mình, ông bộ trưởng nói những câu ngắn gọn, đầy ý nghĩa. Bích khẽ gật đầu và khóc. Tiếng khóc nén chặt cho số phận.
-Chiều nay cô có về nhà không? Bộ trưởng hỏi nhỏ.
-Dạ, có thể em sẽ tạt qua nhà. Đã hai ngày nay, em ở trong này rồi.
-Ừ, cố gắng đừng để xáo trộn quá mức. Bốn giờ chiều nay, tôi sẽ đến thăm cô. Nhân tiện muốn hỏi một vài điều…
Bích ngần ngại:
-Vâng! Nhưng em…
-Cô đừng ngại. Tôi đến thăm cô thôi!
Ông bộ trưởng lặng lẽ trở ra, đến hành lang bệnh viện, ông quay lại nói nhỏ với Trần Khanh, nhưng hình như là ông nói với chính mình, mà cũng có thể là ông nói với đám đông:
-Có thể nào tin được là bây giờ chúng lại bắn vào nhau? Những chàng trai, những ngài cán bộ, những trí thức, tinh hoa của một dân tộc? Danh lợi, mưu toan, được mất đã thành những nẻo đường ma quỷ ám mất rôi!
Trần Khanh lặng lẽ đi bên Bộ trưởng, lặng lẽ lắng nghe, không biết nên nói thế nào. Bộ trưởng tiếp, lần này nói với Tổng giám đốc:
-Ông Khanh này! Ông có khi nào nghĩ rằng trong bụng những thằng như thằng Tụ, thằng Tài… lúc nào cũng có sẵn một khẩu súng? Thậm chí là một quả bộc phá?
Trần Khanh không qua chiến tranh. Đúng hơn là ông không tham gia vào quân đội, không được cầm súng và không biết bắn súng. Ông không biết sử dụng chúng, lại càng không biết thế nào là bộc phá. Chiến tranh đối với ông là một chuỗi ngày gian nan, cực khổ, đầy ải và đáng oán. Nó là một cuộc trường kỳ chạy trốn, là ẩn nấp, là sơ tán, là hoảng hốt, là băng bó và chết chóc. Ông căm ghét chiến tranh. Ông có lý do để căm ghét chiến tranh. Ông cũng biết rằng ông căm ghét nó vì ông không có nó. Đôi khi ông cũng tự ngượng với mình, như một đứa trẻ. Không có được món đồ chơi thì đâm ra thù ghét kẻ có đồ chơi và cả cái món đồ chơi ấy!
Ngày ấy, bây giờ và mãi mãi ông ngưỡng mộ và kính phục những anh hùng, liệt sĩ đã xả thân vì nước. Ông coi họ là mình đồng da sắt, là hiện thân của lòng can đảm và ý chí tiến công. Từ sau ngày hoà bình lập lại, mỗi lần giao tiếp với những người anh hùng ấy, ông vẫn thường có ý nghĩ mặc cảm. Khi ông được học hành tử tế thì họ bắn nhau và chôn cất nhau. Khi bộ máy mới của một bộ, một công ty cần ông, ông khiêm tốn, nhã nhặn nhận lãnh trách nhiệm và chức vụ, ông vẫn một lòng ưu ái và thân thiện với họ. Họ anh hùng, họ dũng cảm nhưng họ không biết cách làm việc, không biết cách điều hành một guồng máy hòa bình. Thậm chí họ cũng không cả biết cách nhún nhường, "tế nhị"! Giao việc cho họ thì được đấy, nhưng rất dễ hỏng, và đã hỏng rồi! Trần Khanh vạn bất đắc dĩ phải "qua mặt" họ. Nhưng đến một lúc nào đó, việc ông ngồi vào vị trí lãnh đạo, điều hành lại là tất yếu.
-Có lẽ ta cần phải xem lại công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, anh ạ!
Nghe Trần Khanh nói thế, bộ trưởng nổi nóng. Suýt nữa thì ông nổi nóng, nhưng đã kịp trấn tĩnh. Điều này làm nên sự kỳ diệu của ông. Nhưng không nổi nóng không có nghĩa là không bày tỏ thái độ:
-Giáo dục cái gì, và giáo dục thế nào? Giết người là bản năng, anh Khanh ạ! Giữa chiến thắng và giết người có họ hàng thân thích với nhau. Khao khát chiến thắng và nung nấu hận thù cũng là bản năng. Anh và tôi, chúng ta đã giáo dục cho cán bộ những gì nào? Đạo đức? Nhân bản? Tình thương hay tôn giáo? Chúng ta luôn luôn thúc giục họ phải là một cán bộ giỏi làm ăn, có lời có lãi, có phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Để có được miếng ăn, mỗi cá nhân đã phải thể hiện mình như thế nào? Trung thực, chân thực, thật thà đều có cùng nguồn cội, đều làm nên nhân cách. Nhưng mỗi nhân cách đã có những cái khác nhau, có khi thành bản chất. Trong khi đó tôi và anh lại mong mỏi họ trở thành những chiến sĩ cách mạng trung kiên, sả thân vì nghĩa lớn. Có đúng thế không?
-Vâng! Đạo đức là phạm trù lịch sử. Kiếm tiền là vĩnh viễn… Trần Khanh thảng thốt.
-Chúng ta đang đứng trước sự chọn lựa giữa cái tất yếu và cái có thể. Giữa cái được và cái không được.
Trần Khanh đi chậm lại ngang với bộ trưởng:
-Nói thật với anh, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, chúng ta đang làm cách mạng hay… làm tiền?
Bộ trưởng nheo mắt cười, lộ vẻ hóm hỉnh thường thấy:
-Thế ông bảo làm cách mạng không phải là làm tiền à? Mười vạn phụ nữ đang làm trong ngành ngân hàng, chả là mười vạn cô gái "làm tiền" hay sao? Đừng băn khoăn quá thế, ông Khanh ạ! Bộ trưởng nhìn quanh, thấy một chiếc ghế đá còn trống. Ông có bận lắm không? Ta ngồi đây tí nhé… Mấy khi được thư thả ngồi công viên.
Bộ trưởng khoác vai Trần Khanh đến bên ghế đá. Trần Khanh còn đang lưỡng lự, thì bộ trưởng đã ngồi xuống.
Giờ này các bệnh nhân đang trong phòng làm thuốc, nên công viên bệnh viện vắng người. Mùi thuốc hăng hăng trong gió, có vẻ yên tĩnh, nhưng xen lẫn lo âu. Ở mãi góc sân bên kia, một bệnh nhân đang ngồi trầm ngâm. Đó là một người đàn ông có tuổi, có lẽ xấp xỉ tuổi bộ trưởng. Ông ta ngồi trầm ngâm, nhìn ra ngoài đường phố. Có thể quá khứ dĩ vãng đang ào ạt chảy trong ông ta. Mà cũng có thể ông ta chẳng nghĩ ngợi gì. Ông ta cô đơn quá, liệu có ai viếng thăm không? Tiếng ầm ào của xe cộ vọng qua bức tường cao, phủ kín cây vẩy ốc. Bộ trưởng đập tay mình lên đầu gối Trần Khanh:
-Ông Khanh này! Hoá ra mình không có bệnh tật gì mới chết chứ!
Trần Khanh cười thán phục:
-Anh tài thật đấy. Bất tài quân vương khí. Đa bệnh cố nhân sơ.(1)Bao nhiêu năm ở chiến trường, ăn hầm ngủ hào, mà sao sức khoẻ anh tốt thế!
-Cũng không tốt lắm. Không thấy có bệnh thôi chứ không lấy gì bảo đảm. Sáu mươi sáu rồi đấy. Mỗi lần vào bệnh viện thăm ai, mình lại tự hỏi: bao giờ đến phiên mình? Nhất là khi đi dự đám tang một người thân…
-Anh bảo, trẻ con thì lớn, còn người lớn thì già…
-À, thằng cháu nhà ông học ngành gì?
Tổng giám đốc cúi xuống nhặt một mảnh giấy báo được gió cuốn đang bay về phía ông:
-Không biết con anh thế nào, chứ cháu nhà tôi chỉ một mực thi vào Đại học tổng hợp, khoa sử. Nhất định không chịu thi vào Đại học Kinh tế quốc dân như gợi ý của mẹ nó.
-Còn ông?
-Tôi không bắt ép nó, nhưng ý kiến của vợ tôi là chấp nhận được.
Bộ trưởng cười:
-Con mình lớn cả rồi. Dạo thi vào đại học nó cũng không chịu nghe gợi ý của mình. Nó học mỹ thuật. Hồi đó mình cũng khuyên nó học kinh tế. Mà ông có biết nó nói với mình thế nào không?
-Bây giờ bọn trẻ nhiều lý sự lắm.
-Nó nói thế này mới tệ chứ: "Con của bố không có năng khiếu làm nhà buôn, cũng chẳng có tài làm chính trị. Cả hai nghề đó đều phải có phẩm chất riêng". Mình hỏi phẩm chất gì, nó trả lời: gian!
-Tệ thật?
-Tệ lắm, nhưng mình không nạt nó, chỉ lặng im. Nó biết mình giận, muốn làm lành, nhưng lại giải thích: "Làm chính trị muốn bền vững thì phải gian hùng, còn làm thương mại muốn giàu có thỉ phải gian manh!".
Trần Khanh cười chua chát:
-Anh thấy nó nói có đúng không?
Bộ trưởng nhìn Tổng giám đốc bằng cái nhìn dò xét, song ông lại nheo mắt cười:
-Ông hỏi mình câu hỏi khó trả lời. Vì nó là câu hỏi vừa của đứa con nít mới lớn, lại vừa của một lão già từng trải, tai quái. Tốt nhất là không trả lời. À, này ông Khanh, có điều này, mình cũng định nói với ông, nhưng chưa có dịp.
Trần Khanh nhìn đồng hồ tay:
-Có ghê gớm không anh?
Bộ trưởng nheo mắt nhìn lên những ô cửa bệnh viện, vẻ suy nghĩ căng thẳng hiện rõ trên vầng trán và sống mũi. Lát sau ông cúi xuống, cũng nhìn đồng hồ:
-Bảo ghê gớm cũng chưa đến nỗi, mà bảo là không có gì hoặc chuyện nhỏ thì hoá ra sai lầm. Có bao giờ ông nhận thấy mình thoả hiệp không?
Trần Khanh chưa hiểu hết câu hỏi của cấp trên, ông im lặng, để chờ bộ trưởng giải thích thêm.
-Cũng có người bảo mình thế đấy! Và mình cũng nhận thấy mình có, ít thôi nhưng có đấy. Thế mới chết!
-Tất nhiên trong công việc, giao dịch bên ngoài… Trần Khanh dò xét.
-Không phải trong giao dịch, hay công việc đối ngoại, cái đó mình có đủ khả năng kiên định. Thoả hiệp ở đây là khá trầm trọng, nó làm cho bộ máy của mình chuyển động một cách chủ quan. Một ông tướng già cấp trên của mình ngày xưa, nay đã nghỉ hưu có nói với mình thế này: "Các cậu đang thoả hiệp với mình, với cấp dưới và cấp trên của mình rồi đấy. Cậu "khoanh vùng" cho cấp dưới để nhận lấy lợi ích". Ông ta nói thêm: sự kính trọng cũng là lợi ích! Vừa rồi, mình có ký cho cơ quan Bộ thành lập một công ty Dịch vụ, ông cũng biết nó rồi đấy. Nói thật nhé, mình đã suy nghĩ về cái công ty ấy có cũng được, mà không có cũng được. Nhưng anh em cứ đề đạt mãi, mình giải thích mức độ không cần thiết của nó, nhưng lại nhận được những lời tán dương về nó, đâm ra mình cũng ký để cho nội bộ được yên. Đến bây giờ thì mình nghĩ cái công ty ấy có nó cũng chết mà không có nó cũng chết… Làm cái anh đầu têu khổ thật!
Trần Khanh giật mình. Đây là điều ông đã nghĩ đến, đã tự chất vấn mình. Không ngờ, cấp trên của mình, một ngài bộ trưởng cũng băn khoăn về hiện tình này. Đã có lần, ông bộ trưởng "khoanh vùng" cho mình dưới hình thức "cá nhân phụ trách". Thật xấu hổ…
-Vụ thằng Tụ này càng chứng tỏ mình quan liêu. Hỏi đến cái gì cũng không biết, cũng phải chờ ở cấp dưới. Làm lãnh đạo hành chính, dân sự thật khổ tâm.
Bỗng bộ trưởng ngồi xoay mặt vào Trần Khanh:
-Ông cũng thế, ông Tổng giám đốc ạ. Ông "khoanh vùng" trách nhiệm, để nó cát cứ, nó chủ quan. Tính mệnh của nó là quan trọng, đồng thời, một cái gì đó còn ghê gớm hơn…
Trần Khanh cúi đầu im lặng. Một bệnh nhân tâm thần đang đi ngang qua, tò mò nhìn hai ông cán bộ đang làm gì nhau, như là tâm sự. Người bệnh cười ngờ nghệch, đáng thương. Ông bộ trưởng cười với người điên, còn người bệnh thì lại nhìn Trần Khanh một cách chăm chú.
-Nào thôi tạm biệt nhé… Bộ trưởng đứng dậy. Xe nó đợi mình cũng lâu rồi đấy.
Trần Khanh vẫn thấy băn khoăn:
-Tôi muốn anh cho ý kiến, về vụ này…
-Thôi thế đủ rồi, anh bạn già ạ. Trưa mai tôi phải đi Trung Đông, khi nào về về ta bàn sau. Tôi chỉ nhắc cái Tổng của ông rằng: đồng hương, đồng môn, đồng ngũ, tuổi "tam hợp"… chính là bè phái, là cánh hẩu là vô nguyên tắc, cơ hội! Không cẩn thận sẽ dẫn đến suy tàn, sụp đổ đấy. Súng nổ, ta còn nghe thấy, nhưng dao găm đâm vào lưng nhau, bọn mình không nghe được tiếng của nó đâu…
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #42 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:07:59 pm »

Toà cao ốc, nơi Chi nhánh công ty CHANDCO đặt văn phòng vẫn như mọi ngày. Một nửa thân mình nó phơi ra trước ánh nắng chói chang, nhức mắt. Nửa kia là phấp phới những lá cờ của nhiều quốc gia, đủ màu sắc, có những cái khuất lấp dưới tán cây dầu, phượng vĩ. Mỗi khi có một chiếc xe tải nặng chạy qua dưới lòng đường, dưới chân nó, toà nhà rung lên, đầy vẻ sợ sệt.
Ngô Kha vừa bước vào cửa phòng, Hảo đã chạy sang nói ngay:
-Bộ trưởng hỏi anh đấy, anh Kha! Anh sang ngay đi!
Quẳng cái túi nặng chịch - gia tài lưu động - của mình lên bàn, Kha mệt mỏi hỏi lại:
-Sang đâu?
-Phòng tổ chức. Bộ trưởng đang ngồi bên ấy.
Kha vẫn ngồi ở ghế của mình, nhìn Hảo nheo nheo:
-Bộ trưởng có việc gì mà cần gặp tôi? Hoá ra tôi lại quan trọng đến thế cơ à?
Hảo đến đứng sát bên Kha, làm anh cảm nhận được cả mùi nươc hoa nhàn nhạt:
-Em nghe nói bộ trưởng cần một người biết nhà anh Năm. Bạn anh Năm…
-Nhà Năm Tụ thì thiếu gì người biết. Trưởng phòng tổ chức hành chính đấy. Chơi với sếp tôi cũng hơi ngại. Đây lại là sếp quá lớn…
Kha vừa nói xong ngẩng lên anh bắt gặp chính uỷ Đức Hoàn vừa bước vào. Kha nhận ra ngay, ông không khác ngày xưa bao nhiêu, chỉ có khuôn mặt hồng hào hơn và mái đầu bạc trắng.
-Cậu là Kha?
Kha đứng dậy, trịnh trong như người lính năm xưa:
-Báo cáo thủ trưởng, tôi - Kha đây ạ!
-Cậu đã chơi với sếp bao giờ chưa? Bộ trưởng nghiêm khắc, nhưng trong giọng nói của ông vẫn chứa đựng một nụ cười thân mật, hài hước.
Kha lúng túng, nhưng anh vốn là người đã từng hiểu tính nết bộ trưởng. Anh tự tin:
-Báo cáo thủ trưởng, nhiều rồi chứ ạ…
-Nhiều là bao nhiêu? Cậu là bạn của Tụ phải không?
-Vâng. Ngày trước, chúng tôi ở cùng một trung đoàn. Rất gần nhau!
Ông quay sang nhìn Hảo đang rụt rè trong góc phòng:
-Cô thấy tay này có láu cá không? Nhiều người cầu cạnh để được làm quen với bộ trưởng không được. Thế mà hắn dám bảo "ngại chơi với sếp". Hình như các thủ trưởng của cậu đều là những tay khó chơi phải không?
Kha nghĩ không nên đối thoại bông đùa với với bộ trưởng nữa, anh nhũn nhặn:
-Thưa thủ trưởng! Hôm nay thủ trưởng đến đây, lại hỏi riêng đến tôi. Vậy thủ trưởng đến với tư cách là Chính uỷ hay Bộ trưởng ạ?
-Cậu thấy tư cách nào tiện hơn?
-Dạ… với tôi thì tư cách nào cũng vậy. Trước sau tôi cũng là người lính dưới cùng!
Bộ trưởng không cười nữa, đến vỗ vai Kha:
-Đi với mình đến nhà cậu Tụ, được không?
-Vâng! Được ạ! Nhưng tôi sợ giờ này không có ai ở nhà.
-Mình đã hẹn cô Bích rồi. Nào ta đi. Chào các cô nhé!
Lên xe, bộ trưởng bảo Kha chỉ đường cho tài xế:
-Nhà Tụ ở khu đó thuộc quận nào Kha nhỉ?
-Dạ, quận Mười Ba, một quận mới được thành lập. Trước đây thuộc huyện ngoại thành…
Bộ trưởng ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, vợ con Kha. Anh trả lời dè dặt, khiến ông đâm cáu:
-Cậu có vẻ cảnh giác với cả mình nữa nhỉ? Cái gì làm cho một anh trung đội trưởng tả xung hữu đột ngày xưa trở nên dè dặt, yếm thế thế?
Kha khẽ cười một mình:
-Dù sao tôi cũng đang phải tiếp chuyện một ngài Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Ngày xưa, tôi đã ngồi cùng mâm, ngủ cùng hầm với một đồng chí chính uỷ, lúc đó tôi có thể giãi bày tâm sự…
Bộ trưởng im lặng nhìn hàng quán, phố sá trôi vùn vụt ngoài cánh cửa xe. Tất cả cứ như chong chóng, quay cuồng hối hả và tất bật. Đúng thật, cái ngày xưa thân ái đó, cái ngày mà quan với lính cùng chịu chung trách nhiệm và số phận, mọi chuyện rạch ròi, dễ nói hơn. Ông chợt nhận thấy một khoảng cách xa vời giữa chiến tranh và hoà bình. Không chỉ là thời gian hoàn cảnh hay tuổi tác, mà cả tấm lòng cũng đã đổi thay.
-Ngày xưa mình được mọi người tin, còn bây giờ mình được mọi người nghi ngờ. Chính các cậu cũng nghi ngờ mình phải không? Kể ra sống cũng khó nhỉ?
-Vâng! Thưa thủ trưởng!
-Kha này, anh em trung đoàn mình còn sống trở về cậu có biết còn nhiều không?
-Dạ, tôi cũng không biết hết, nhưng hàng năm gặp nhau cũng được gần hai mươi người. Có lẽ đấy là số anh em ở lại thành phố này. Nhưng mà…
Bộ trưởng quay sang nhìn Kha chăm chú:
-Cậu định nói cái gì?
-Có lẽ ngoài Tụ ra, là người được học hành đến nơi đến chốn, số còn lại vất vả lắm. Ngay cạnh nhà Tụ cũng có một anh, cùng học lớp trung đội với tôi.
-Thế à? Bây giờ cậu ấy làm gì?
-Đơn giản lắm anh ạ! Chạy xe ôm!
Bộ trưởng lại nhìn ra đường, nhưng dường như ông mải nghĩ về những cái gì đó mà không chú ý đến những gì đang trôi tuột ở bên ngoài, trên đường phố. Lát sau ông quay lại:
-Vào thăm gia đình cô Bích một lát, anh em mình tìm chỗ nào ngồi với nhau một buổi tối được không Kha?
-Sợ Bích giữ lại ăn cơm.
-Không! Nhà cửa nó đang bối rối như thế, cơm nước gì.
-Bích là em gái Bảo, cái cậu Việt kiều lái xe cho anh đấy! Anh còn nhớ không?
Đột nhiên Kha chuyển sang gọi bộ trưởng bằng anh. Ngày xưa cũng thế, họp hành thì gọi chính ủy là thủ trưởng. Còn khi gác đùi lên nhau, dưới hầm kèo, Kha và nhiều anh em cũng vẫn "anh - tôi" với chính ủy.
-Mình biết rồi. Tội nghiệp cậu Bảo, hồi đó nó với thằng Tụ không hục hặc nhau, chắc nó chưa xuống đơn vị đâu. Lúc ra Bắc nhận công tác, mình tìm Bảo, thì nó vừa hy sinh. Chúng nó bắn nhau hôm giỗ cậu Bảo chứ gì!
-Thế ra anh cũng biết cả rồi?
-Sáng nay mình với ông Khang vừa ở bệnh viện, chỗ thằng Tụ nằm. Chắc nó khó qua khỏi…
Bỗng dưng Kha thấy buồn. Lòng anh trĩu nặng nỗi buồn rất không rõ rệt. Nếu Tụ có mệnh hệ nào, hỏi Kha có buồn không, thì chắc chắn là buồn. Nhưng bảo là nó đè nặng lên anh thì không hẳn. Tụ phải trả cho cái giá của anh ta. Cái đè nặng lên anh chính là câu hỏi: tại sao bây giờ họ lại bắn vào nhau? Giết nhau, hành hạ nhau, phỉ báng nhau là bản năng. Biết thế, nhưng nếu lấy bản năng mà xử nhau thì thật bi kịch. Kha biết sau này, khi đã có một ít quyền lực, Tụ đã hành xử theo bản năng nhiều quá, đến nỗi anh ta đã bị mờ mắt. Bản năng thì không hẳn là xấu, chỉ đáng thương thôi. Nhưng tỉnh táo quá, kỹ càng quá thì có khi lại thiệt thòi. Tiến sĩ Han đấy… Nhớ tới Han, Kha hỏi bộ trưởng:
-Anh có thích ăn thịt chó không?
Bộ trưởng cười giòn:
-Sao lại không? Ở đâu? Có ngon không?
-Gần nhà anh Tụ thôi. Tôi cũng mới ngồi hai ba lần. Theo tôi là ngon. Chế biến đúng kiểu, rượu đúng kiểu, rượu Ngang!
-Được! Tớ với cậu thôi hay có ai nữa?
-Có thể có cả ông "tiến sĩ" chạy xe ôm, vốn dân 271, người mà tôi vừa nhắc đến. Kha nói với tài xế. Đó, tới ngã ba trước mặt, rẽ vào con đường bên phải, bác tài. Sắp tới nơi rồi, độ năm trăm mét nữa…
Căn biệt thự màu hồng phấn ẩn sau rặng cây viết âm thầm hơn mọi ngày. Tiếp bộ trưởng với một bộ mặt trĩu năng lo âu, Bích ngồi khép nép ở góc bộ ghế bành đồ sộ. Kha lặng lẽ quan sát phòng khách, anh lại nhìn lên cái giá chứa những khẩu súng đủ kiểu, đủ loại đã không còn nữa.
-Công an họ lập biên bản thu giữ hết cả rồi. Bích nhỏ nhẹ. Em cũng mong chỉ có thế. Nhưng bây giờ thì đã muộn…
Đây vừa là bộ sưu tập có giá trị tinh thần, nhưng cũng là một tài sản lớn của Tụ, Kha nghĩ. Từ khi bước vào "top red-capital", Tụ đã để nhiều thời gian và tiền bạc để sưu tập bộ võ khí này. Tụ chơi ngông nhưng chơi sang. Không phải như những kẻ giàu mới phất khác, chơi nhưng không biết chơi. Tụ chơi súng, chơi đạn vì anh là chiến binh thực thụ. Tụ bắn giỏi và hiểu biết về vũ khí. Chỉ tiếc, anh không hiểu biết gì về con người, kể cả chính anh…
Bích nói:
-Các anh đến thăm em rất buồn. Khi anh Tụ chưa mắc nạn, em cũng mong các anh lắm. Bỗng Bích quay sang Kha, giọng trách móc, có phần gay gắt. Thủ trưởng Hoàn ở xa, lại bận nhiều việc, em không dám nói. Nhưng anh Kha, ở ngay đây, lại làm việc bên cạnh anh Tụ em, thế mà từ ngày em dọn về nhà này, anh ấy không thèm đến…
-Có! Tôi có đến rồi, chị trách thế là oan tôi đấy.
-Được một lần. Em nhớ hôm ấy tân gia, anh cùng đi với anh em trong cơ quan… Còn sau này, có thấy anh đâu? Em buồn lắm. Em chẳng hiểu gì về nhà em hết. Anh ấy làm gì, đi đâu, chơi với những ai, em đều không biết…
Kha chống chế:
-Anh ấy bận mà tôi cũng bận!
Bích vẫn chưa thôi trách móc:
-Em nghĩ anh Kha là người biết rõ về anh Tụ nhất. Thế mà anh không chịu khuyên can… Ngay như hôm giỗ anh Bảo, anh cũng không tới. Nếu hôm ấy có mặt Kha, chắc là anh Tụ em không bị thằng Tài bắn…
Im lặng. Một không khí oán trách, pha lẫn tang tóc bao trùm căn phòng. Kha thấy ngột ngạt, anh muốn thoát ra.
Cũng may, ông Bộ trưởng sau khi thăm hỏi tình hình gia cảnh, các con của Bích, ông nói:
-Nghe tin xấu này, tôi tranh thủ vào thăm cô và để biết một số tình hình. Tôi rất đau lòng, xin chia sẻ nỗi buồn bực này của tôi, một thủ trưởng cũ của Tụ. Mong rằng mọi chuyện sẽ qua đi, êm đẹp. Ông đưa mắt sang Kha, rồi lại nhìn Bích. Nhân đây tôi có câu chuyện riêng muốn hỏi thêm cô. Có gì cô cứ nói hết…
Kha hiểu ý, anh đưa mắt nhìn quanh và làm như vô tình, phát hiện ra cái gì đó:
-Vườn nhà chị Bích rộng nhỉ? Nghe nói anh Tụ sưu tầm được cả một cây tùng Brazil?
Kha đứng dậy, ra sân. Từ đây, vô tình anh nhìn ra ngoài song sắt, bắt gặp ngay cái dáng đi tuyệt đẹp của Mỹ Liên. Hình như cô dừng lại, nhìn cái nhìn ngờ vực vào ngôi biệt thự màu hồng phấn. Một chút xao động ập đến, Kha muốn ra khỏi cánh cổng này quá!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #43 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:08:29 pm »

Chương 16
Sản Huê được một phen hết hồn khi thằng Bèo Chột chạy đến sòng bài thông báo: "Có một ông quan bự lắm, từ nhà ông Năm vào quán mình!".
-Hả? Từ trong nhà ông Năm đi ra? Có công an theo không? Sản lo lắng.
-Em không biết, nhưng xe hơi láng coóng! Biển số quốc doanh!
Sản vuỗi quần đứng dậy, giọng thì thào:
-Mày thấy có anh tiến sĩ ở nhà chứ?
Thì ra, dù là ma cô hay mặt rỗ, đầu gấu, đâm thuê chém mướn… đều sợ quyền lực. Quyền lực ở đây không phải là dao găm, mã tấu như của cánh thằng Tư Khỉ hay thằng Bé Lãi Hầm cá dồ. Những cái đó là đồ bỏ, đồ chơi con nít. Đây là xe hơi, là quốc doanh. Quyền lực thể hiện ở uy vũ, không bày ra cho người ta nhìn thấy, nhưng có sức nặng ghê gớm, có thể đè bẹp cả một cuộc đời, thậm chí một giòng họ, một dân tộc. Sản Huê tức tốc chạy về, nhìn thấy Kha, hắn cười hắt ra:
-Tưởng ai? Xe của anh Hai hả?
Kha kéo ghế mời Sản Huê ngồi trước mặt bộ trưởng:
-Đây là anh Sản, người Hà Nam, chủ quán!
Bộ trưởng chìa tay ra cho Sản Huê, hắn bối rối chùi tay vào bụng áo thun, rồi đứng lên chìa cả hai tay ra. Mắt liếc nhìn sang Kha vẻ cầu cứu. Kha cười:
-Đây là ông Đức Hoàn, thủ trưởng cũ của mình. Thủ trưởng của mình và của tiến sĩ Han. Này, anh Sản, không biết ông tiến sĩ có nhà không nhỉ. Chú nào đi kêu giùm, bảo có anh Kha…
-Con đi!
Thằng Bèo chỉ đợi có thế, nó phóng ngay đi, như một con thỏ con lủi biến vào bụi rậm, thật dễ mến.
Sản Huê tỏ ra lịch sự bất thường, hắn uốn giọng theo những câu học được trong phim võ hiệp Hồng Kông:
-Dạ… chả mấy khi sếp, à dạ… thủ trưởng đến thăm tệ quán. Chẳng hay thủ trưởng dùng món gì để "tiểu nhị" phục vụ…
Trong khi Kha nín nhịn thì bộ trưởng Hoàn cười rất to. Ông cười hồn nhiên như trẻ thơ, như lính tráng. Hình như đã từ rất lâu, ông không được cười như thế. Mãi sau, ông gỡ kính, lấy khăn mù-soa ra lau, mà vẫn còn cười. "Tiểu nhị" cứ nghệt người ra, không hiểu, khiến cả Kha cũng không nhịn được cười.
-Chờ chút nữa, tiến sĩ Han ra sẽ gọi nhé! Ông tiến sĩ là tay sành ăn lắm, Sản nhỉ?
Sản Huê "vâng dạ" rất lễ phép vào nhà. Kha nhìn theo và bắt gặp bộ mặt đỏ lòm vết chém của thằng Tư Khỉ. Nó chưa chết, Kha thầm nghĩ, chả thuốc thang gì. Hay thật! Anh nghe nó hỏi Sản: "Anh Hai, thủ trưởng là gì?". Tiếng Sản Huê: "Đồ ngốc! Có thế mà cũng phải hỏi. Là Sếp, hiểu chưa? Ngày xưa, cán bộ cộng sản gọi sếp của mình là thủ trưởng. Còn bây giờ họ kêu thủ trưởng của mình là sếp". Thằng Khỉ: "Anh Hai giỏi quá ta, cái gì cũng biết". Sản Huê: "Chuyện! Tao có ăn có học nó khác với mày chứ".
Hai thầy trò bộ trưởng nhìn nhau cười. Kha bỗng thấy có gì không phải với thủ trưởng cũ của mình. Đường đường là một ông bộ trưởng, ai lại ra ngồi ở cái quán thịt chó bờ sông như thế này, coi sao được. Hình như nhận thấy vẻ băn khoăn của người lính cũ, ông Đức Hoàn chủ động:
-Ở Hà Nội, thỉnh thoảng có lúc rỗi rãi, các cậu ấy cũng rủ mình lên đê sông Hồng. Ở đó tập trung nhiều quán, họ đặt là "Liên hiệp cầy tơ", nhưng không ngon. Hơn nữa, ăn thịt chó mà cầu kỳ quá, như ăn tiệc Tây Âu, mất hết hương vị…
Kha nhìn bộ trưởng nói bằng một giọng biết ơn:
-Tôi sợ anh ra đây không hợp…
-Vẽ! Cậu nhớ câu của Mác chứ: "Không có gì thuộc về loài người mà xa lạ với tôi". Mình còn hơn các cậu, được ăn thịt chó Triều Tiên rồi, chả ngon. Trung Quốc toàn thuốc bắc. Sang Liên Xô, đến nước cộng hoà Tatgich cũng có thịt chó. Thế mới hay chứ…
Bỗng đâu có tiếng thằng Bèo Chột ngân nga:
-Tiến - sĩ - tơ… ới!
Lê Quốc Hán có cái vẻ tề chỉnh của một anh xe ôm bất đắc dĩ phải đi ăn đám cưới. Áo sơ mi kẻ ca rô màu cà phê dàu dàu, mái tóc chải rẽ đường ngôi lật sang bên để lộ một bên trán gồ ghề. Han đứng sững lại nhìn bộ trưởng Đức Hoàn, rồi dường như đứng nghiêm hẳn lại:
-Anh!
Bỗng dưng trong giọng nói ấy biểu lộ sự nghẹn ngào. Hán đưa cả hai tay nắm lấy bàn tay của bộ trưởng, rồi ngồi xổm xuống trước mặt ông:
-Anh! Nghe các cháu nói cậu Kha này đưa ông "sếp lớn" nào đó từ nhà Năm Tụ đến. Em nghĩ một nhân vật nào đó không ngờ lại là anh!
Bộ trưởng đỡ Hán dậy, chỉ vào ghế:
-Ngồi lên đây! Cậu vẫn nhận ra mình à? Giỏi nhỉ!
-Anh không khác ngày xưa bao nhiêu. Chỉ có mái tóc bạc trắng và sức khoẻ thì có vẻ như là tốt hơn!
Kha gọi Sản Huê ra nói mấy câu vắn tắt, rồi quay sang nói với Han:
-Anh Hoàn bây giờ là bộ trưởng của chúng mình!
-Cậu nói lạ! Bộ trưởng của nhân dân, của chính phủ chứ sao lại của các cậu. Anh thấy nó nói có "chuẩn" không?
Bộ trưởng xua tay:
-Chuyện đó có gì là quan trọng. Này, có phải cậu là cái tay đi học trường H10 rồi lấy trộm sắn của Kinh tài không?
Han cười hềnh hệch:
- Đạ đúng! Anh đã kỷ luật đưa em xuống làm tiểu đội trưởng…
-Không phải mình kỷ luật cậu, mà đó là kỷ luật quân đội. Cậu giận mình à?
-Sao lại giận anh được, vì anh đúng, em sai. Kể ra thì ngay lúc đó chưa nhận ra cái sai ngay đâu. Nhưng sau này…
Bộ trưởng thích thú lắng nghe, còn Han thì đang nghĩ không biết có nên nói ra không?
-Sau này mới nhận ra?
-Vâng! Sau này, sau ngày giải phóng, anh Tính lên thay anh làm chính ủy, đã ra lệnh: làm lại lý lịch quân nhân, xoá hết mọi dấu vết kỷ luật. Ông Tính bảo: "Đi được hết chặng đường này, không ai là người xấu"… (Kha nhớ không?)
Bộ trưởng ngậm ngùi:
-Mình có gặp lại Tính. Cậu ấy bị ung thư gan, nằm Viện quân y 110, đã mất cách đây mấy năm…
Kha nói:
-Bọn tôi có nghe tin, nhưng ở xa quá…
-Với lại cũng nhờ đó mà sau ngày giải phóng, em ra quân dễ dàng. Han vẫn tiếp tục.
-Sao thế? Bộ trưởng hỏi lại, nghi ngờ.
Han cười:
-Vì em là thượng sĩ. Nếu làm cán bộ trung đội em sẽ được phong quân hàm thiếu uý. Là sĩ quan thì năm bảy bảy, xuất ngũ chuyển ngành sao được? Chiến tranh kề ngay trước ngõ biên giới…
Bộ trưởng gật đầu: "Ra thế!". Rồi ông hỏi tiếp:
-Cậu không thích ở trong quân đội à?
-Nói không thích thì cũng không phải. Sau này, phân phối nhà cửa đất đai cho sĩ quan quân đội nhộn nhịp lắm. Ai cũng có phần. Thế là con vợ cũ của em nó nhảy dựng lên: "Sao ông ngu thế? Cứ ở bộ đội có phải giờ này cũng được vài trăm mét đất rồi không? Bán đi một nửa, đắp lên mái thành căn nhà phố mặt tiền!". Em mới điên tiết lên, dộng cho một cái bạt tai: "Mấy trăm mét hay là hai mét? Tham vừa thôi chứ! Hàng ngàn thằng bỏ mạng trên biên giới kia sao không lên đó mà tị?". Han cười, ngân ngấn nước mắt.
Bộ trưởng Đức Hoàn lại gật đầu:
-Cậu nói đúng. Nhưng sao lại đánh vợ? Cậu có vẻ thích đánh nhau lắm nhỉ?
Han đưa tay lùa vào mái tóc bù xù của mình, chữa ngượng:
-Đâu có! Đấy là lần đầu tiên và duy nhất em đánh vợ. Sau đó hai đứa ra toà. Ly hôn!
-Căng thăng đến thế cơ à?
Tiến sĩ cười khùng khục, trái táo ăn vụng từ thời hồng hoang chạy lên, chạy xuống như con thoi:
-Em nói chuyện này anh đừng cười, Kha cũng không biết đâu. Chúng em lấy nhau được mấy tháng, vì không muốn lệ thuộc vào gia đình vợ, (dù gia đình vợ em rất khá giả) nên em ra ở nhờ một căn phòng vốn là nhà gác-dan của ngôi biệt thự, chia ra cho nhiều người. Những năm đó rất gian khó, mọi người ai cũng phải làm cái gì thêm để sống. Nội thành lúc đó Kha nhớ không, người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo. Bọn em tuy vợ chồng son, nhưng cũng thu xếp một góc để nuôi được hai con heo. Tất cả tiền lương tiền thưởng đặt vào đấy. Người thì ráng mà ăn kham khổ, để dành nuôi heo. Vợ em vốn con nhà được nâng niu, nhưng cũng rất ham nuôi heo, vì nó hứa hẹn có một khoản thu nhập kha khá…
Thế rồi đến hôm ấy là ngày giỗ bố em (ông cụ mất từ trước ngày hòa bình năm 1975), em dặn vợ ở nhà ngâm gạo đăt một chõ xôi. Còn mọi thứ chờ em đi làm mua về. Đến chiều em về, anh có biết vợ em nó làm thế nào không?
Tiến sĩ ngừng một lát, rồi anh cười, nụ cười như mếu:
-Vợ em nó làm thế này: nồi nước đáy ở dưới chõ xôi là nồi… cám heo. Rồi đến cái chõ xôi ở giữa! Trên cùng, thấy có hơi nóng, nó đem cái… váy của nó đặt lên hong cho khô!
Kha bật cười sằng sặc, đến nỗi văng cả nước miếng ra bàn khiến anh phải chạy ra ngoài, mà tiếng cười ằng ặc vẫn không dứt. Còn ông bộ trưởng thì ngồi nhìn Han, cười tủm tỉm. Mặt ông đỏ lên, vì cố nhịn cơn buồn cười. Tiến sĩ Han ngơ ngác như một kẻ mất hồn nhìn bộ trưởng:
-Sao anh lại cười? Anh không tin em à?
Ông xua tay:
-Khó tin quá, nhưng mà thôi. Tạm tin câu chuyện của cậu.
Lúc sau Kha vào, vẫn còn cười:
-Cậu làm tớ đến chết cười mất. Bỏ nhau rồi mà còn kiếm chuyện bôi bác!
-Chuyện thật đấy. Thế rồi bữa giỗ cũng êm xuôi. Em sắp một mâm mời mấy anh em thân thiết đến chơi. Cuối cùng thành… hai mâm!
-Đông thế cơ à? Kha hỏi thật tình.
Đến đây thì tiến sĩ cười vô tư:
-Không! Một mâm cỗ với mặt vợ mình một mâm nữa… là hai!
Ông bộ trưởng cầm cái ly lên dứ dứ trước mặt Han:
-Cậu cũng quái đản lắm. Bây giờ thế nào? Là chuyện vợ con của cậu bây giờ ấy?
Han cười cười, gân mặt như giãn ra, hàm răng trắng loá. Kha xen vào:
-Cô vợ sau của Hán còn trẻ và đẹp lắm!
Han quay sang lừ mắt:
-Cậu chỉ đoán mò. Đã gặp bao giờ đâu mà bảo đẹp hay xấu?
-Mình nghe người ta nói. Cái cô Mỹ Liên bán cà phê khen lắm. Đàn bà mà đã khen nhau thì không phải chuyện thường…
-Giỏi nhỉ? Cậu đào hoa thật đấy… Bộ trưởng khen Han một cách nhiệt thành. Có con chưa?
-Em được một cháu gái lên ba, đang đi nhà trẻ. Còn cô vợ trước, ăn ở với nhau hơn chục năm, có một cháu gái. Han bỗng ngậm ngùi. Cháu chẳng may bị mất lúc sáu tuổi vì bênh sốt xuất huyết…
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #44 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:09:00 pm »

Han im lặng, nỗi buồn rung nhẹ trên hai vai. Lúc sau, anh tiếp:
-Thế rồi cô ấy bỏ em đi lấy người khác, cũng có con rồi. Nói thật với thủ trưởng, vợ em bây giờ vốn là một cô gái bán bia ôm, dân nhà quê Bến Tre… Em nghĩ số mình nó long đong. Cô vợ trước của em là tiểu thư, con nhà đài các, có "nhà mặt phố, bố làm to". Em xin lỗi anh, không phải ai làm to cũng "khó chơi" cả đâu. Mà là, chúng em không hợp nhau. Có lẽ em chỉ hợp với những người ở dưới đáy xã hội…
Thấy bộ trưởng chăm chú lắng nghe một cách căng thẳng, Kha sợ ông phật ý, nói thêm vào:
-Quan điểm của Hán cũng không giống người ta đâu anh ạ. Cậu ấy cho rằng đã lấy vợ thì phải chọn người đẹp. Tính tình đạo đức không thành vấn đề. Vợ đẹp thì con đẹp. Đạo đức có xấu thì sửa, "phần nhiều do giáo dục mà nên". Còn cái đẹp không ai dạy mà cũng chẳng ai học được…
Bộ trưởng trầm ngâm:
-Cũng lạ đấy nhỉ? Thế sao đang làm báo cậu lại thôi việc, để ra chạy xe ôm? Cũng không hợp à?
-Có lẽ thế! Em nghĩ đã đi buôn thì phải ăn gian nói dối, còn làm báo thì phải chấp nhận ăn không nói có. Ăn cắp ăn trộm em có thể chơi được, còn hai cái đó thì không.
Bộ trưởng gay gắt:
-Quá thể! Cậu đúng là một tay gàn. Lính tráng ra về sau chiến tranh đến một nửa là thương tật về cơ thể, còn lại thằng nào cũng gàn dở, thương tật ở tâm hồn! Các cậu như thế thì ai người ta chịu nổi?
Kha thấy lo lo, ngộ nhỡ ông Đức Hoàn phật ý thì chẳng ra làm sao! Nhưng vừa hay Sản Huê bưng một mâm thịt chó đầy đặn ra. Mới nhìn Kha không nhận ra Sản, áo sơ mi trắng, bỏ trong quần tây đàng hoàng. Mọi ngày hắn toàn cởi trần phơi bụng.
Sản Huê, và đặc biệt là hai thằng ma cô Bèo Chột và Tư Khỉ, và cả cô vợ "xương với hoa" của Sản đều bí mật quan sát ba người nhậu. Bọn họ rất cần biết xem ông "thủ trưởng bự" ăn nhậu như thế nào. Và họ càng ngạc nhiên khi thấy ông cùng với tiến sĩ Han và ông bạn Kha của tiến sĩ cụng ly lách cách, rôm rả. Ông ta uống, ông ta gắp, ông ta cười cười nói nói… như hai người kia, nghĩa là cũng y như chúng ta, Sản Huê kết luận và đem nói điều này với đàn em. Lâu nay, nhờ ti-vi, và họ chỉ thấy các ông ấy qua màn hình, rất gần, rất rõ nét nhưng chẳng làm gì được ổng! Có một lần, nhậu say vào, ông già vợ của Sản Huê đã chửi một ông nào đó trên tivi. Ông bị chửi lại cười, cười rất tươi, rất mãn nguyện, khiến cho ông già cụt giò, phế binh Tám Kiệu càng lên cơn tức. Ông ta chửi nữa, tất nhiên ông bắt con cháu phải đóng cửa lại, rất kỹ. Để rồi cuối cùng, ông lão say kết luận: "Chưởi khuất mặt cũng tổn thọ lắm chớ!".
Trong khi đó ở bàn nhậu, mọi chuyện trở nên vui vẻ trở lại. Ông bộ trưởng hỏi:
-Cậu là tiến sĩ từ bao giờ?
-Anh ơi! Tụi trẻ khu này nó gọi em là "tiến sĩ Han", là thấy em giống một nhân vật trong phim Hàn Quốc đấy thôi!
Ông rất khoái chí, còn nói thêm, như một nhận định:
-Quả là phim ảnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là những nơi còn nghèo và lạc hậu, văn hóa thấp. Mà cậu cũng có vẻ là một tiến sĩ thần học. Mình muốn đến thăm chỗ ở của gia đình cậu. Được chứ tiến sĩ?
Han lại gãi đầu:
-Thực tình em cũng muốn mời thủ trưởng đến nhà, nhưng… ngặt nỗi, nhà em chật chội và luộm thuộm quá, nên không dám. Đến thằng Kha đây em cũng chưa dám cho nó biết nhà…
-Thôi được rồi! Ông Đức Hoàn xuề xòa, cậu đã không muốn mời thì chúng tôi cũng chả ép. Phải không Kha?
-Anh ngồi với chúng tôi như thế này là đã phiền cho anh quá lắm rồi. Mà tôi xin hỏi thật anh nhé? Rất nhiều cán bộ, những người danh tiếng và giàu có, kiêng không ăn thịt chó. Mà sao anh không thuộc trong số họ?
-Thế các cậu có biết họ "sợ" cái gì mà phải "kiêng" không? Bộ trưởng hỏi lại.
Cả hai im lặng, trước câu hỏi của bộ trưởng. Đó là một câu hỏi thông thường, rất dễ trả lời, nhưng để trả lời cho đúng, cho hay lại không dễ chút nào.
-Nào! Tiến sĩ Han, ông nói cho chúng tôi nghe đi…
Hán ậm ừ rồi chậm rãi:
-Theo tôi biết, có lẽ xuất phát từ quan niệm Phật giáo. Chó là kiếp sau gần nhất của con người, nó là hệ lụy của một kiếp người. Mà kiếp người vốn đầy rẫy những xấu xa. Anh càng xấu xa khi làm người, thì sau khi "hoá kiếp", anh lập tức trở thành con chó. Đó là quan niệm của thuyết luân hồi. Như vậy, trong quan niệm này ăn thịt chó là ăn thịt người…
Kha tủm tỉm:
-Thuyết này hay đấy…
-Thuyết luân hồi đầy tính đe dọa, biểu hiện sự bất lực của loài người trước mưu ma chước quỷ. Con chó hay chính anh? Tiến sĩ Han bắt đầu hăng. Mà con chó, đặc biệt là ở phương đông, là con vật ăn bẩn - đó là sự trừng phạt. Xin lỗi thủ trưởng, anh em chúng tôi, tôi và Kha đều thuộc thế hệ "cho chó liếm đít"! Ngày xưa (và chắc chắn ngày nay vẫn còn) khi trẻ con bậy ra nhà, người ta gọi chó đến, bằng những cái tên "Tô, tô… Quýt, quýt…" hay đơn giản là "Êu, êu…". Con vật vẫy đuôi mừng rỡ, hăng hái xông vào "dọn dẹp vệ sinh" một cách hồ hởi. Có đôi khi, con chó còn dùng lưỡi của mình làm "giấy vệ sinh" cho đứa trẻ…
-Khiếp! Cậu nói gì nghe ghê quá! Thôi đi… Kha van vỉ.
-Cứ để cậu ấy nói. Đúng đấy! Bộ trưởng cũng tủm tỉm khuyến khích.
-Sự thật là như thế! Nói tóm lại, con chó đại diện cho sự bẩn thỉu, cũng như trong đạo Hồi, người ta quan niệm con heo là đồ dơ dáy, chạm vào chúng, ăn thịt chúng là ô uế! Nhưng, với người dân thường, ở Việt Nam chúng ta chẳng có thuyết giáo gì hết. Thịt chó là món ăn "ngon - bổ - rẻ"!
Han gắp một miếng "nầm" hấp, ba chỉ bỏ vào bát, gói ghém cẩn thận với lá mơ lông. Tiến sĩ nhấp một hớp rượu Ngang, rồi cười:
-Tiện đây em xin hỏi thủ trưởng chuyện này. Dạo em còn làm báo, có lan truyền câu chuyện về một ông Phó thủ tướng. Trong một hội nghị của ngành thương nghiệp, ông ấy phê phán dữ lắm. Đặc biệt là công tác điều hành, quản lý giá cả, thị trường. Ông ấy nói: "Cứ cái gì các anh quản lý thì khan hiếm, đắt đỏ, chất lượng kém, từ quả trứng đến miếng đậu. Cái gì không quản lý thì vẫn phát triển tốt. Không tin, các anh cứ ra quán thịt chó mà xem. Các anh chê, không quản lý, nó vẫn rẻ, vẫn ngon…".
Bộ trưởng lại được dịp cười chảy nước mắt:
-Chắc là từ hồi nào, chứ từ ngày mìmh được họp Hội đồng Chính phủ chưa nghe ai nói thế. Nhưng mà hình như cũng đúng đấy nhỉ? Thôi nào tớ với các cậu làm hết ly này!
Không ngờ, bộ trưởng Hoàn, ông chính uỷ ngày xưa cũng thành thạo trong món ăn dân tộc này. Ông gói ghém, gắp chấm rất gọn ghẽ, sạch sẽ. Trong cái bát của ông hầu như không một chút mắm tôm nào rây ra. Nhìn ông ăn, ông uống ai cũng phải phát thèm, Ngô Kha nghĩ.
-Chuyện ông Phó thủ tướng tớ không biết, nhưng tớ kể câu chuyện này. Có một ông đại sứ của ta ở một nước phương Tây, vốn rất mê thịt chó. Mà ở phương Tây, các cậu biết rồi, họ quý chó lắm, không ăn thịt. Nhưng cánh Việt kiều thì vẫn xơi như thường. Ông đại sứ cứ mỗi cuối tháng, lại xuống khu phố Việt kiều, vừa là để thăm hỏi bà con, chuyện trò cho đỡ nhớ nhà. Và thế nào cũng được chiêu đãi món thịt cầy tơ! Thế rồi ngoại giao đoàn nước chủ nhà phát hiện ra ông đại sứ Việt Nam khoái ăn thịt chó. Họ bèn nhắc nhở, tất nhiên là tế nhị theo kiểu ngoại giao… Các cậu thấy đấy, nào kể gì đẳng cấp. Trong ăn uống, thích thì ăn. Tội gì cứ phải khụng khiệng…
-Thật hả thủ trưởng? Hán hỏi với vẻ thích thú.
-Thật một trăm phần trăm, tớ đã từng gặp ông này để xác minh! Thế còn cậu Kha, phát biểu đi chứ?
Kha đã định chỉ ngồi nghe và lúc nào anh cũng thon thót lo. Đến đây, câu chuyện có vẻ cởi mở, anh cũng tham gia:
-Tôi nghĩ, người ta không ăn thịt chó bởi một lý do rất nghĩa cả. Chó là con vật nuôi trong nhà, nó là con vật trung thành nhất. Từ rất xa xưa, nó giữ nhà, đi săn và còn giúp con người nhiều việc, kể cả cứu mạng. Có bao nhiêu câu chuyện, tác phẩm văn học kể, viết về con chó. Có những con chó sống với chủ, đến khi chủ chết, nó cũng không chịu ăn, nhịn đói để được chết theo. Và có những con chó khôn như người, khi già chết cũng được làm ma, chôn cất như người. Chính vì lẽ đó nên có những người không ăn thịt chó…
Bộ trưởng chăm chú chờ cho Kha nói, khi anh ngưng lời đã lâu, ông gật đầu:
-Quan niệm này cũng rất đáng xem xét, gần với phương Tây. Phải không tiến sĩ?
Mặt, tai, cổ tiến sĩ Han đã đỏ lên:
-Mình hỏi cậu nhé: nếu vậy tại sao thiên hạ vẫn dùng con chó để chỉ những cái gì xấu xa bỉ ổi nhất? Thí dụ như: "đồ chó", "ngu như chó", "đểu như chó"…
Kha cười lảng:
-Cái đó mình không hiểu sao lại thế! Có lẽ vì cái tính "ăn bẩn" của giòng họ chúng như cậu nói.
Bộ trưởng nhìn hai "ông quân" đang gườm gườm nhìn nhau, giàn hòa:
-Thôi được rồi, mình công nhận cả hai cậu đều có lý. Bây giờ các cậu cho mình trình bày ý kiến của mình với chứ. Mình sẽ kể cho các cậu nghe hai mẩu chuyện. Một là mình được chứng kiến, hai là câu chuyện của chính mình. Tất nhiên là xung quanh chủ đề "chó".
Câu chuyện thứ nhất: Sau hòa bình năm 1954, gần nhà mình có một hàng cơm do một bà chủ đứng bán. Sau đó do cải tạo, căn nhà thuộc về nhà nước, và bà chủ đi đâu không biết. Bà ta để quên lại một con chó vằn. Con chó đực, mới thau tháu ở tuổi "vị thành niên", trông nó rất xấu xí. Ngay sau đó, căn nhà được phá đi để xây một cái gì đó, mình không nhớ. Thế là con chó vừa mất chủ, vừa mất nhà, nó lang thang khắp xóm, bới tung các hố rác, vớ được cái gì thì ăn. Đêm đêm nó nằm ngủ dưới đống gạch vụn. Cách đó mấy căn nhà, có cha con ông già người Hoa. Chỉ có hai cha con thôi, không thấy có đàn bà. Anh con trai tên là Chảy, mỗi ngày đi bán bánh quẩy về, nhìn thấy con chó, anh cho nó một mẩu bánh. Lâu dần thành thân thiện, thấy Chảy vừa đeo cái thùng sắt tây về là nó mừng, vẫy đuôi tíu tít. Thương tình, Chảy đem nó về nhà. Từ đấy, con chó nhận Chảy là ông chủ và ngôi này là nhà của nó.
Mấy năm sau, bà chủ hàng cơm trở về. Con chó vằn đánh hơi thấy chủ cũ, nó vẫy đuôi mừng. Cảm kích trước "tình cảm" của nó, bà chủ hàng cơm đến nhà Chảy, xin chuộc lại con chó. Ông lão người Hoa nói với bà ta: "Thằng con tôi đưa nó về, bây giờ nó đã là một thành viên trong nhà này. Bán hay không là quyền của nó. Bà đợi nó về mà hỏi". Chảy về, anh ta nghĩ một lúc rồi nói với bà chủ hàng cơm: "Bây giờ bà cho nó ăn, rồi đi. Nếu nó theo bà, thì con chó thuộc về bà, tôi không lấy một đồng nào. Còn nếu nó không theo bà mà ở lại với tôi thì nó là của tôi".
Bộ trưởng dừng lại hỏi:
-Các cậu thử đoán xem. Con chó nó theo bà chủ cũ hay ở lại với ông chủ mới?
Tiến sĩ Han và Kha nhìn nhau, rồi lại nhìn ông Đức Hoàn dò xét. Lúc sau Kha nói:
-Nó sẽ ở lại!
Tiến sĩ nói:
-Nó sẽ đi với chủ cũ!
Ông bộ trưởng cười dễ dãi, tay cầm cái nậm đựng rượu Ngang để từ bên này sang bên kia mép bàn:
-Thôi được, tạm để cái kết cục của câu chuyện qua một bên. Rồi mình sẽ cho các cậu biết về cách "ứng xử" của con chó sau. Tiếp tục nhé!
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #45 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:09:24 pm »

Câu chuyện thứ hai:
Sau ngày thống nhất đất nước vài năm, mình từ Liên Xô về nhận công tác ở Bộ Vật tư. Lúc đó gia đình mình vẫn ở trong khu tập thể bên ngoài bãi sông. Tình hình an ninh có vẻ có vấn đề, nên anh em đến chơi khuyên mình nên nuôi một con chó, vừa là để cho vui, cũng vừa để nó giữ nhà. Mình cũng thích nuôi chó. Những năm ở bên Liên Xô, thấy có loại chó Béc-giê, giống Đức lai Nga to, đẹp mà rất hiền. Vào những buổi chiều dân Nga thường dẫn chó đi dạo, có đeo giỏ bịt mõm. Thấy khách lạ, nó chỉ liếc nhìn, chứ không hề hung hãn. Nhưng nếu thả nó ra, bảo nó làm cái gì nó cũng làm, từ việc nhăt cành cây đến bảo vệ quần áo trên bãi tắm, nó đều làm rất đắc lực. Ý mình muốn nuôi một con giống ấy. Tìm mãi vẫn chưa có. Cũng có người khuyên nên mua môt con chó con, nuôi nó từ nhỏ, để dạy dỗ, huấn luyện, thì về sau nó mới trung thành.
Thế rồi một hôm, đi qua khu chợ bán súc vật, mình thấy một con chó rất to, màu xám tro, ngồi cạnh một người đàn ông. Cả hai đều im lặng. Con chó to lớn cao hơn hẳn gã kia đang ngồi đầu gối quá tai. Họ ngồi làm gì nhỉ? Chắc là để bán thôi, chứ khu này là chợ gia súc, chim thú mà! Mình đến gần, hỏi thăm thì quả là tay kia muốn bán con chó.
-Bác mua đi! Đây là giống chó Đức lai Nga. To khỏe mà tinh khôn. Thằng em tôi nó đem từ bên ấy về.
-Tại sao ông lại bán nó? Minh nghi ngờ, biết đâu chả là chó ăn cắp. Mua về không khéo thành vạ.
-Chẳng sao cả! Gã kia nhát gừng. Hoàn cảnh thôi.
Mình đã mê, phải nói là mê con chó này. Thế là quyết định mặc cả. Số tiền bao nhiêu mình không nhớ, nhưng chắc chắn đó là một món tiền to. Đến khi chuẩn bị giao tiền, mình sực nhớ ra:
-Này, nếu ông bán cho tôi mà nó không theo tôi thì làm thế nào?
-Bác cứ yên tâm. Bác giao tiền cho em xong, em sẽ bảo nó. Quân này cũng vô tư lắm!
Quả nhiên, khi mình giao tiền xong, gã kia nắm lấy sợi dây xích đang xích cổ nó đặt vào tay mình, và nói:
-Đây! Từ nay ông này là chủ của mày! Mày phải nghe lời ông chủ mới! Nghe chưa?
Mình có cảm giác như đó là một lời dặn dò, từ biệt của hai con người vì hoàn cảnh phải chia lìa. Nhưng không, con chó từ từ đứng dậy, bước qua mặt ông chủ đi theo mình mà không hề ngoái lại. Các cậu bảo như thế là nó khôn không?
Cả hai cùng im lặng. Nhìn vẻ mặt và ánh mắt của hai người cựu binh, ông bộ trưởng biết, họ cũng đang xúc động. Ông tiếp:
-Trên đường ra xe ôtô chẳng may, sợi xích trên cổ nó tuột ra. Mình lo quá, chết cha, hay là thằng bán chó xỏ mình, cố tình để tuột xích, rồi nó lại quay về với chủ cũ? Mình và cậu lái xe thì sợ, không dám đến gần vì lạ. Nhưng, thật kỳ diệu, các cậu biết không? Con Béc-giê lai đi chầm chậm lại, chờ mình đến móc sợi xích vào cái cổ dề của nó, rồi nó mới nhanh nhẹn nhảy lên xe… Sau đó mình lại chưa về nhà ngay. Đến cơ quan, mình móc sợi xích vào hàng rào, bảo nó "ở đây, chốc nữa về nhà". Nó ngoan ngoãng ngồi xuống. Mình vừa quay đi thì thấy có người thét lên thất thanh. Ngoảnh lại đã thấy con chó nhảy bổ lên cắn chặt cổ tay ông bạn, phó của mình. Thấy mình quay lại, nó nhìn mình, nhưng vẫn ngậm cổ tay áo ông kia. Mình quát: "Béc! Buông ra!". Nó nhả tay ông kia ra, lại quay về chỗ cũ. Ông bạn mình bị một phen khiếp vía, hổn hển:
-Em thấy anh về có con chó, đang định hỏi mua ở đâu. Nào ngờ vừa đến sau lưng anh, định đưa tay lên vỗ vai anh thì nó xông vào! Chắc nó tưởng em định tấn công anh. Thật đúng là chó!
Các cậu bảo đó là một lời khen hay câu chửi?
Kha ngồi im lặng, ngó sang bên kia con rạch. Nơi đó vẫn mịt mùng sau rặng dừa nước đầy muỗi mòng. Tiếng reo hò hoan hỉ ở mấy bàn cách biệt sau tấm liếp lá dừa vọng sang. Hình như có tiếng sấm đầu mùa. Trên cao là bầu trời vòi vọi, lập lòe ánh sao. Bầu trời phố u ám, vô cùng, vô tận. Đột nhiên anh rời khỏi câu chuyện chó mà nghĩ về Mỹ Liên. Hẳn cô bé giờ này đang trong vòng tay một gã đàn ông nào đó. Có thể một ông sang trọng, hào hoa mà cũng có thể một tên sở khanh, đàng điếm. Em! Mỹ nhân dưới đáy, như lời tiến sĩ Han đã phán. Buồn thật!
Tiến sĩ Han thì cúi đầu nhìn xuống đôi dép nhựa tái sinh của mình. Anh đang cố phán đoán ý nghĩa từ hai mẩu chuyện chó. Ông này trải qua thực nghiệm hay sáng tác thành một ngụ ngôn? Câu chuyện đầy tính ngụ ngôn, nhưng cũng rất hiện thực. Cuộc đời đan xen giữa ngụ ngôn và thực tế xanh tươi.
Ông bộ trưởng tự thưởng cho mình một ly rượu nhỏ. Tửu lượng của ông khá, sức bền ngồi của ông cũng không vừa. Nhìn hai cậu học trò tóc bạc lốm đốm đang suy tư, ông cười:
-Thôi, các cậu đừng phải mất công suy nghĩ về câu chuyện bông phèng của mình. Mình không có khiếu kể chuyện của nhà văn, chỉ thuật lại những gì đã chiêm nghiệm mà thôi.
-Em hiểu rồi! Có hai loại thái độ đối với một mối quan hệ. Con chó rất trung thành, nhưng không hề chung thủy. Đó chính là cái chất "chó" của chúng. Có thể suy rộng ra được không anh?
Ông bộ trưởng giục Kha rót rượu:
-Mình uống với các cậu ly này nữa thôi nhé. Đến đây vừa đủ. Cả chuyện chó lẫn chuyện người, đều là chuyện bông phèng lúc trà dư tửu hậu. Không nên để ý nhiều. Ông có vẻ rào đón. Mình mong các cậu hãy suy nghĩ để tỉnh táo mà sống. Phải sống cho có ý nghĩa…
Chương 17
Tiễn ông bộ trưởng ra xe, hai chàng lãng tử là Ngô Kha và tiến sĩ Han trở lại bàn, ngồi uống nốt chỗ rượu. Kha nói:
-Câu chuyện của ông Hoàn thật thâm thúy, mà cậu cũng là tay thông minh. Đúng là con chó chỉ trung thành với chủ khi chủ cho nó ăn và cưu mang nó. Khi anh không còn là chủ của nó, nó sẽ sẵn sàng ngoảnh mặt đi… Cái chất chó nằm ở đấy, thế mà mình không nghĩ ra!
Tiến sĩ Han:
-Và vì thế, người ta khi gặp thất cơ lỡ vận vẫn hay rủa sả rằng "đời thật chó má". Bữa rượu hôm nay đáng giá với mình lắm…
Tiến sĩ mệt mỏi ngửa cổ lên trời:
-Cậu nhìn lên kia mà xem: chi chít sao. Ngôi nào cũng sáng, cũng lấp lánh…
Ngô Kha:
-Ừ, đúng thật. Cậu tinh mắt thật đấy. Chúng ta vừa bày một bữa tiệc dưới sao trời để luận về một loài súc vật. Cậu say chưa? Tự nhiên mình muốn uống nữa.
Tiến sĩ Han can:
-Đủ rồi! Anh Đức Hoàn là người tốt, chỉ tiếc, người tốt lại ở quá xa…
-Cậu có biết ông ấy vào đây vì việc gì không?
Han lè nhè:
-Một ông thượng thư, đi mây về gió thì ai biết được!
Kha làm như không để ý:
-Vụ án bên nhà Năm Tụ, thầy trò cậu đã điều tra đến đâu rồi?
-Bế tắc! Chỉ biết là bọn cướp có vũ trang…
Kha lắc đầu:
-Thế mà cũng đòi làm thám tử. Hôm ấy nhà Năm Tụ rất đông khách?
-Đúng!
-Thế cậu có biết hôm ấy là ngày gì không?
-Chịu!
-Là ngày giỗ anh vợ Năm Tụ. Mà anh vợ Năm Tụ, chính là thằng Bảo, lái xe Hon đa cho chính ủy Đức Hoàn ngày xưa.
Tiến sĩ gật đầu:
-Có nghe!
-Và đêm đó ai bắn NămTụ cậu có biết không?
-Không!
Ngô Kha uống một hơi cạn ly:
-Đó là thằng Tài, phó của Tụ…
Han ngạc nhiên, những đường gân trên trán nổi vồ lên:
-Sao lại thế? Làm gì có chuyện?
-Có chuyện đấy! Tên Tài vốn là một đê tử trung thành của Tụ. Phải nói là cực kỳ trung thành. Bọn họ đã kết với nhau như một, bằng rất nhiều lý do: tam hợp, ngoan ngoãn dễ bảo. Lại nợ nần ân oán…
-Thế thì làm sao họ bắn nhau được?
Ngô Kha buồn bã nhìn sâu vào mắt Han:
-Vì thế, ông bộ trưởng, người đỡ đầu cho Năm Tụ, cho cái Tổng công ty mà Năm Tụ làm phó, (trong tương lai anh ta sẽ ngồi vào cái ghế Tổng giám đốc), phải vội vã bay vào. Và ông đã thất vọng…
-Vậy là hai mẩu chuyện về chó lúc nãy là có ý đồ.
-Mình không biết. Nhưng quả thực tớ nghe thấy có vẻ liên quan đến sư kiện này!
Trên trời sao sáng lại hiện ra. Bỗng ngay giữa đen thẳm vô biên, một vệt sao băng rạch nghiêng kéo dài về tận cuối trời, bên kia thành phố. Han ngửa cổ nhìn lên lẩm bẩm:
-Lại một vì sao sa, một linh hồn bay vào vũ trụ…
-Cậu tin thế à? Kha cũng ngả người trên ghế.
-Thì cứ cho là thế! Liệu Tụ có qua khỏi hay lại như vệt sao băng kia?
-Chắc là qua được. Nếu trúng đạn vào giữa ngực mà không chết ngay thì chắc chưa trúng tim. Thằng Tài bắn rất gần bằng một khẩu carbine…
-Đêm ấy mình cũng nghe tiếng súng, và biết đó là carbine…
Hai người cứ nói như thế rất lâu. Họ nói với nhau, nói với sao trời, với quá khứ, với rượu Ngang… Đến khi mỏi cổ, Kha nhìn xuống trần gian và anh vô cùng kinh ngạc: giữa trần gian hăng hăng mùi bùn và nồng nặc mùi rượu này, một tiên nữ hiện ra: Mỹ Liên!
Mỹ Liên mặc một bộ quần áo màu đen, bằng một thứ hàng mềm và mịn như hơi nước. Trong dáng đứng nghiêng nghiêng, mang một vẻ nũng nịu, mái tóc đen huyền chảy xuống đôi vai trần trắng muốt. Đôi mắt đen lấp lánh dưới cặp lông mày nhíu lại, làn môi son tươi mọng mấp máy. Kha không thể nói được câu gì. Anh như người vừa từ cõi trăng sao trở về.
-Anh tiến sĩ! Tiếng Mỹ Liên thảng thốt. Tuy gọi "anh tiến sĩ", nhưng tất cả sự thảng thốt trong đôi mắt ướt lại dồn về Kha.
Logged
trachvandung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 747



« Trả lời #46 vào lúc: 16 Tháng Tư, 2009, 05:10:46 pm »

Tiến sĩ Han thì không tỏ ra ngạc nhiên:
-À Liên! Em đến lúc nào vậy? Quán xá thế nào?
-Ế quá đi anh ơi! Các anh ngồi đây từ chiều đến giờ? Khiếp, nhậu gì mà nhậu lấy chết hả?
-Kha này! Han lay vai bạn. Thấy ai đây không?
-Mỹ Liên hả? Trông em lạ quá. Ngô Kha nói nhỏ. Anh định hết chỗ này, về chỗ em…
Mỹ Liên ngồi xuống ghế đối diện với Kha, nhưng lại quay mặt đi:
-Về? Về đâu? Anh mà còn nhớ tới ai…
-Thôi mà! Anh nói thật mà. Không tin em cứ hỏi anh tiến sĩ coi!
Tiến sĩ Han cười khà khà:
-Cô này hay thật đấy. Ai nói mà biết ông bạn tôi ngồi đây? Lại thằng Bèo hả?
-Em qua nhà anh, chị ấy nói anh có bạn đang ngồi ngoài này. Lúc tối em tới nhưng thấy có ông nào lạ hoắc à…
Han chân tình:
-À đó là ông sếp cũ của bọn anh. Thôi đừng giận nữa. Vể bển đi…
Kha lặng lẽ theo Han về quán "Hai chị em". Chỉ hơn trăm mét, nhưng sao Kha thấy nó dài lê thê, đôi chân anh mệt mỏi đi bên Mỹ Liên, còn Han tụt lại sau.
Quán vắng, Han nói to:
-Cho một cà phê đá để về nào! Ối cha ơi, buồn ngủ!
Trong khi Kha vẫn còn đang quậy đường thì tiến sĩ đã uống xong ly của mình:
-Mai gặp lại nhé, ông bạn! Han giơ tay chào Kha theo kiểu nhà lính. Mỹ Liên này, em mà làm bạn anh giận là anh giật sập quán, hết bán buôn gì nữa nghe. Chào…
Han đi rồi, Kha càng bối rối. Hai tai anh nóng bừng. Không phải vì rượu, rượu đã tan từ lâu. Một cảm giác hồi hộp, bâng khuâng và cả nỗi lo âu dâng lên trong tận sâu thẳm. Kha nhìn Liên đang lăng lẽ vắt những miếng chanh tươi vào ly. Đôi bàn tay nhỏ bé, run run, phập phồng:
-Anh uống đá chanh cho tỉnh. Không ỷ y so bì với anh tiến sĩ được đâu. Ảnh khỏe như voi…
-Liên này, Kha ngập ngừng, bữa trước em tới kiếm anh hả?
Liên ngước lên nhìn anh. Trong bóng tối lờ mờ, anh nhận thấy hai đốm lửa nồng nàn:
-Em chờ hoài. Anh đi đâu vậy?
-À anh ra Long Khánh công tác. Kiếm anh có chuyện gì thế?
-Có chuyện… nhưng em ngại quá.
Kha cố sức đoán xem đó là chuyện gì? Nhưng không thể đoán nổi:
-Có gì đâu mà ngại. Nếu giúp được em anh làm ngay…
-Em muốn nhờ anh kiếm cho em một… việc làm! Mỹ Liên nói nhanh, dường như cô sợ không nói ngay thì sẽ không còn kịp.
Kha thở nhẹ ra:
-Tưởng gì! Em làm anh hồi hộp quá… Thế em định làm việc gì?
-Việc gì cũng được. Em chỉ muốn làm việc.
Kha nghĩ ngợi:
-Việc nhà nước thì khó lắm, mà anh cũng không quen biết nhiều. Còn ở công ty trách nhiệm hữu hạn thì…
Mỹ Liên không để Kha nói hết:
-Không! Em không cần làm nhà nước, cũng chẳng cần công ty. Em chỉ muốn có việc làm. Bán rau, bán chanh ớt ngoài chợ, hay làm Ô sin, giặt thuê… Việc gì cũng được…
Kha không hiểu, anh hoang mang:
-Sao thế?
Bất ngờ Mỹ Liên úp hai bàn tay lên khuôn mặt vừa non nớt vừa già dặn, ngửa trên đầu gối, hai vai cô rung lên hồi lâu:
-Em muốn có được việc làm, như chị vợ anh Tiến sĩ…
Rồi bất ngờ cô ngẩng lên, vươn tới Kha, hai tay cô nắm lấy tay anh:
-Anh! Em muốn được như chị vợ anh Tiến sĩ. Được làm việc, được vất vả, và được tôn trọng, thương yêu… Anh! Chẳng lẽ em lại không làm được như chị ấy hay sao? Em biết em xấu xa tội lỗi. Em là đứa con gái hư hỏng, đáng bỏ đi, đáng để cho người đời phỉ nhổ… Nhưng em muốn làm việc, muốn được như vơ anh tiến sĩ, như mọi người…
Kha lặng lẽ vuốt mái tóc đổ xuống bờ vai cô gái. Anh thấy mình đang đứng trước lời cầu khẩn của một đứa em. Thấy Kha im lặng không nói, Mỹ Liên càng nức nở:
-Anh! Anh hãy nói cho em biết, em còn có thể được thương yêu, được tôn trọng, được làm việc nữa không? Làm việc gì cũng được, dù phải vất vả, cực nhọc, phải đổ mồ hôi, đổ máu, em cũng làm. Anh! Anh nói đi…
Nước mặt cô gái từng đợt, từng đợt chảy xuống tay Kha, thấm vào ngực áo anh. Anh nâng cằm Mỹ Liên lên, nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp của cô:
-Được! Nhất định được! Anh hứa…
Mỹ Liên choàng lấy cổ Kha, cô nhỏ bé như một đứa trẻ, nằm gọn trong vòng tay anh. Kha hít một hơi thở dài, khẽ lắc đầu, rùng mình. Cảm giác ngọt ngào được tin cậy, được chở che kàm anh nghẹt thở. Ngô Kha ngửa lên bầu trời qua tán lá dừa. Đêm đã khuya và trong hơn. Một bầu trời chi chít sao đang sáng lên rực rỡ. Anh chờ một vệt sao băng, nhưng mãi vẫn không có. Kha nâng khuôn mặt Mỹ Liên hướng lên bầu trời sao sáng bạc:
-Em nhìn kìa! Thấy gì không?
-Thấy gì hả anh?
-Sao! Trời đêm nay toàn là những ngôi sao. Một bữa tiệc sao vui.
-Mỗi ngôi sao là một số phận phải không anh? Em nghe người ta nói thế!
-Đúng rồi! Em giỏi lắm. Kha khen Liên.
-Thế ngôi nào của anh, ngôi nào của em!
-Ngôi sao của em thì anh chưa biết, còn ngôi sao của anh thì nó đang ở đây này!
Kha nói và anh hôn lên trán cô gái!
PHẦN VIẾT THÊM CUỐI SÁCH

Thưa bạn,
Câu chuyện tôi vừa kể với bạn đã đến lúc phải kết thúc rồi. Có nói thêm đôi dòng trong chương chót này không khéo hóa thừa. Thế nhưng, khi chấm cái dấu chấm hết vào cuối sách, tôi cứ không yên tâm. Tôi cũng không biết là mình không yên tâm về cái gì, về ai? Nghĩ mãi không ra nên đành bắt chước các nhà văn đàn anh, tôi cũng xin viết thêm một đoạn sau của cuốn sách, không nằm trong nội dung cuốn sách. Cũng ngắn thôi, để khỏi phiền bạn đọc.
Câu chuyện trong cuốn sách mỏng này, vốn là một chuyện ở ngay chỗ tôi làm việc. Chuyện xảy ra ở tầng lầu dưới, khi tòa soạn của tờ báo nơi tôi làm phóng viên ở tầng trên. Chúng tôi, tôi và vài nhân vật trong sách đi cùng một cầu thang máy, nhìn rõ mặt nhau, rất gần. Sáng hôm ấy, khi đến làm việc, nghe kể lại câu chuyện, tôi không thể nào tin được. Cho đến khi mọi người cùng kể lại, rồi báo chí loan tin đồng loạt và tỉ mỉ, và tôi không gặp, không thấy hai nhân vật kia nữa, thì tôi biết là có một sự thật như thế. Họ đã bắn nhau. Nếu ai mà không tin, hãy đọc báo, và nếu vẫn chưa tin xin liên hệ với chúng tôi, tôi sẽ cung cấp địa chỉ, để thẩm định tính trung thực của câu chuyện.
Nhưng, với tư cách là một người viết văn, tôi hiểu rằng, không phải hễ cứ một sự thật nào cũng đều có thể viết ra được, nhất là viết để sao cho có hình tuợng, để chuyển tải tư tưởng của nhà văn, cụ thể là tôi, người kể chuyện. Bản thân sự thật chỉ có thể đưa lên mặt báo chí, có thể tồn tại mãi mãi trong những tin đồn, những cuộc chuyện trò lúc trà dư, tửu hậu, ở những quán xá, vô công rồi nghề.
Khi vụ án đã xử, và mọi sự đã kết thúc, sau một thời gian rất lâu, tôi không nghĩ là mình lại viết được thành một câu chuyện. Nhưng rồi, một cái gì đó thôi thúc tôi, khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về hiện tượng này.
Gần đây, ý nghĩ của tôi càng lúc càng nặng nề. Tôi đem ý định viết lách ra nói với bạn bè. Được sự cổ vũ quyết liệt và chân thành của các đồng nghiệp, của những bạn đọc biết tôi, của những bạn bè thân thiết... tôi bắt tay vào viết. Nhưng khi viết, tôi thấy bí, bởi vì anh không thể bê nguyên xi câu chuyện vào được. Cái ác vốn dễ mô tả, dễ làm anh sa đà, vì nó biến dạng ra thành trăm ngàn hình trạng, thậm chí có lúc nó ẩn mình dưới dạng "chỉ được cái tốt"! Nó xa lạ với ý nghĩ chân thiện mỹ, nó xa lánh người thường, nhưng nó lại là một cái gì đó, lấp ló, khêu gợi tính tò mò của người thường.
Khi viết, để câu chuyện không bị lẫn lộn, và cũng để gây cảm hứng mô tả, tôi đã để nguyên tên họ, chức vị, lai lịch của các nhân chứng và nạn nhân trong câu chuyện. Khi viết xong, thấy có điều bất tiện, và nhờ ở kỹ thuật tuyệt vời của máy tính điện tử, tôi đã đồng lọat đổi tên các nhân vật, vốn có thật, sang những cái tên khác, do tôi ngẫu nhiên nghĩ ra. Nếu chẳng may, có một cái tên nào đó còn trùng với người thật, thì đó là do thiếu sót tại tôi, mong được tha thứ.
Có một người bạn gái, mà trong chuyện tôi đặt tên là Hảo, sau khi được tôi cho xem bản thảo đã hỏi tôi: "Câu chuyện không có hậu, tương lai những nhân vật của anh sẽ thế nào?" Tôi đáp:
-Theo đúng sự thật ngoài đời, Trịnh Quang Tụ đã chết, dù tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức cũng không cứu được. Còn Tài, tên sát nhân hiền lành thì bị xử theo pháp luật. Y nhận án tử hình. Buổi sáng, khi mặt trời chưa mọc, người ta đã thi hành án. Trước lúc đem y ra bắn, những người thực thi pháp luật đã dọn cho y một bữa ăn gồm có: hai cái bánh bao, một cái đùi gà và một chai nước suối La Vie. Y ăn thong thả, từ tốn và không có gì phải lo lắng, sốt ruột. Người ta bảo y vốn là một tay đã được rèn luyện, thử thách, và dám đón nhận cái chết. Những người giải y ra pháp trường còn kể lại rằng, khi ăn hết hai cái bánh bao, nhặt từng mẩu vụn, nhìn thấy một quả chanh tươi rất to, nằm cạnh đấy, Tài đã cầm lên ngắm nghía, rồi bỏ vào miệng cắn một miếng (y vốn có bộ răng rất khỏe), nước chanh tràn ra hai bên mép, mà không hề nhăn mặt. Một người thấy thế, toan giằng lấy, nhưng người khác giữ lại, nói nhỏ: "Cứ để anh ta ăn!". "Thế chút nữa...?". Đó là quả chanh để nhét vào miệng kẻ tử tội, để y khỏi la lối trước họng súng. Quả nhiên, khi chuẩn bị nhận những viên đạn của công lý, Tài không kêu la, mà chỉ đồng ý để người ta bịt mắt cho y.
Cô Nhung Mắt Nai, vợ cũ của Tài đến nhận xác, chôn cất tử tế, có dựng một tấm bia nhỏ, ở không xa cây cột gỗ là mấy.
Còn những nhân vật khác, cậu Tiến con của Tụ và Bích, sau khi mãn khóa học, từ Anh quốc về có đến thắp nhang và khóc trước mộ cha, nhưng không đả động gì đến tên Tài. Còn ngôi biệt thự sơn màu "đồ ngủ đàn bà" thì bán đi, cho ai không biết. Mẹ con Bích mua một căn hộ khác trên tầng bảy một chúng cư mới xây. Họ yên ổn.
Chi nhánh công ty CHANDCO, có giám đốc mới. Kha, Hảo vẫn làm công việc như cũ. Mọi việc thuận lợi, nhờ rút kinh nghiệm của ê kíp Tụ - Tài!
Ở xóm Mả Cùi, "tiến sĩ" Han đã dọn đi nơi khác, không biết đi đâu. Lê Quốc Hán đã trả lại cái học vị tiến sĩ cho xóm Mả Cùi. Bèo Chột, Tư Khỉ, thằng ma cô vẫn thế, cũng như quán thịt chó Nam Hà của vợ chồng Sản Huê vẫn thế.
Chỉ có điều, Kha có lấy cô Mỹ Liên, chủ quán cà phê Hai Chị Em làm vợ hay không thì vẫn là điều bí mật!
HẾT

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM