Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 01:01:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bóc vỏ Trái đất  (Đọc 33052 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 09:30:18 pm »


PHỤ LỤC

Một lá thư của chị Hồ Thị Kim Ngân người trong trận càn Xêđaphôn từ Bình Dương gởi về cho tôi bộc lộ lòng cảm ơn cuốn sách “Người bị CIA cưa chân sáu lần”, đã giúp chị và một số anh em tìm ra anh Nguyễn Văn Thương, người đã đưa một đoàn cán bộ thoát khỏi vòng vây giữa trận càn Xêđaphôn đầu năm 1967. Lòng cảm động và duyên may đã dẫn tôi đến với họ. Tôi đã viết truyện này theo đúng lời kể của các nhân chứng lịch sử. Xin được trích một số đoạn trong lá thư này:

Bình Dương ngày 22-4-2006

Kính gởi: Cô Mã Thiện Đồng (Tác giả quyển Người bị CIA cưa chân sáu lần)

“Tôi thật vô cùng xúc động khi cầm trên tay cuốn sách tác giả viết về một con người mà từ lâu lắm rồi đã là thần tượng, là vị cứu tinh của không những riêng tôi mà còn của rất nhiều người là đồng đội, là bạn bè của tôi, đó là quyển: “Người bị CIA cưa chân sáu lần”. Viết về người anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương, chính là người đã cứu chúng tôi trong trận càn Xêđaphôn 40 năm về trước.

Xin ngàn lời cám ơn tác giả Mã Thiện Đồng, người đã góp phần không nhỏ trong việc ban tặng cho chúng tôi và cho đời một vầng hào quang sáng chói, người đã chắp cánh cho những giai thoại có một không hai trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, mà trong đó, anh hùng Nguyễn Văn Thương đã chiến đấu và chiến thắng.

Tôi đã khóc rất nhiều về nội dung của quyển sách. Có lẽ không phải riêng tôi mà bất cứ ai khi hạnh phúc có được nó trong tay đều phải khóc khi đọc xong trang đầu của tác phẩm.

Trong từng chữ từng lời của nội dung tác phẩm, tôi như cảm nhận được tâm huyết, tình cảm và trách nhiệm của tác giả trong quá trình xâu chuỗi lại những sự kiện những vấn đề và nâng niu, phản ảnh trung thực với sự việc xảy ra trong thực tế, để bạn đọc chúng ta có được một cẩm nang vô giá về bài học đạo đức lòng yêu nước nồng nàn và lập trường kiên định, mà chỉ có người Cộng sản chân chính mới có được.

Tác giả Mã Thiện Đồng đã hoàn thành trọng trách của mình là thêm một nốt nhạc hùng tráng vào bản anh hùng ca của dân tộc Việt chúng ta.

Có thể nói, Nguyễn Văn Thương là người đã sinh ra tôi lần thứ hai. Vì nếu không có ông thì không những riêng tôi, mà cả chúng tôi (186 người) trong những ngày trận càn Xêđaphôn xảy ra khốc liệt tại Nam Bến Cát đã phải hứng chịu hy sinh mất mát mà không thể tránh khỏi. Căng thẳng nhất là cái đêm chúng tôi - 186 con người - dưới sự chỉ huy của ông, đã mở đường máu, vượt sông Sài Gòn trong vòng vây lửa đạn của địch để thoát ra ngoài trung tâm cuộc càn quét của kẻ thù.

Với tính cương nghị, tinh thần dũng cảm đầy trách nhiệm và sự thông minh, ông đã đưa chúng tôi ra khỏi tâm điểm của trận càn vào đêm hôm đó, trong muôn vàn khó khăn và nguy hiểm, khi mà đoàn chúng tôi và các đoàn khác đã hy sinh gần 50% quân số. Chúng tôi đã chôn đồng đội của mình trong nước mắt thương tiếc để tiếp tục bước đi.

Đến hôm nay, gần 40 năm trôi qua, những người còn sống sót trong trận càn của ngày hôm đó chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và tóc đã điểm bạc. Song nếu có dịp gặp nhau, lại say sưa kể lại những kỷ niệm mà chúng tôi thấy như mới xảy ra ngày hôm qua. Chúng tôi cũng không quên nhắc đến ông với lòng ngưỡng mộ và trân trọng, nhắn nhủ con cháu sống sao cho xứng đáng với tình cảm của ông đã dành cho chúng tôi những ngày ấy.

Khi đài truyền hình giới thiệu về hai quyển sách của tác giả Mã Thiện Đồng, con gái tôi tức tốc mua ngay mang về mẹ một quyển, con một quyển. Mẹ con tôi đọc say sưa, đọc quên thời gian, quên cơm nước, đọc rồi khóc, khóc rồi đọc và xúc động vô cùng. Ai cũng phải khóc, huống chi chúng tôi là người đồng đội đã được ông cứu trong trận càn Xêđaphôn, đã biết ông từ trước mà lại thấy sau đó những gì đã xảy ra khi ông bị bắt, bị tra tấn cưa chân đến sáu lần mà vẫn không khai.

Nguyễn Văn Thương, ông là con người như thế đó. Thật là một người đáng kính trọng biết bao.

Một lần nữa, tôi xin dược mạnh dạn làm một việc là thay mặt trước hết cho gia đình tôi, sau đó cho bạn bè, cho đồng đội của tôi, những người đang sinh sống nơi này, nơi khác và hương hồn của những anh những chị, những người đã nằm lại nơi địa đạo trong cuộc càn Xêđaphôn đầy ác liệt của ngày ấy để bày tỏ lòng biết ơn đối với tác giả Mã Thiện Đồng, người đã bắt nhịp cầu cho chúng tôi gặp lại đại ân nhân của mình. Còn hơn thế nữa, tác phẩm như là một thông điệp đầy sức sống đối với thế hệ hôm nay và mai sau về lòng yêu nước của dân tộc ta, mà trong đó anh hùng Nguyễn Văn Thương là hiện thân, là nhân chứng sống cho chân lý đó.

Cuối cùng, xin chúc tác giả thành đạt để cho ra đời nhiều tác phẩm hay và đầy xúc động hơn...”


Người viết: Hồ Thị Kim Ngân

Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Dương trong trận càn Xêđaphôn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Tư, 2009, 09:32:49 pm »


CUỘC GẶP GỠ SAU 40 NĂM

Hôm nay, giữa rừng cao su xanh bạt ngàn của miền Đông Nam Bộ, một cuộc hội ngộ lịch sử giữa Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương và đồng đội ngày xưa, sau vừa tròn 40 năm từ ngày trận càn Xêđaphôn xảy ra. Những chàng trai cô gái mười tám hai mươi, những người chiến sĩ trẻ có mặt trong trận càn ngày ấy, (tháng 1-1967), người còn sống nay đã tóc bạc da mồi và chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nhưng kỷ niệm thì không thể nào quên. Họ đang ngồi kể lại những hồi ức về trận càn Xêđaphôn. Những mái đầu điểm bạc, những dòng nước mắt nghẹn ngào của niềm vui và cả những kỷ niệm còn nhoi nhói trong tim. Chị Năm Thu ôm lấy vai anh Thương, nắn đoạn đùi còn lại của anh nói trong nước mắt:

- Trời thần đất ơi! Anh Hai anh còn sống được như thế này ư?

Chị khóc nấc, rồi nghẹn ngào:

- Sau hòa bình, em mới nghe tin anh bị tra tấn cưa hết hai chân, vậy mà đến giờ còn sống được như vầy này trời! Anh Hai có nhận ra em không?

- Có chứ sao không, quên sao được Năm Thu và cái bụng bầu khi chui xuống địa đạo, tôi phải lấy dao khoét miệng hầm thêm ra đó.

Chị Năm vừa chùi nước mắt nước mũi, vừa gọi to:

- Thật ơi! Thật ơi ra đây, con lạy ông Hai Thương và gọi là ba đi con!

Vừa dắt tay con, vừa lắc vai anh Thương, chị Năm cười:

- Anh Hai, cái bụng bầu của em hồi đó đây này, nếu không có anh cứu, đưa thoát ra khỏi vòng vây của trận càn Xêđaphôn ngày ấy thì em đâu còn sống để sanh ra nó. Nó đây anh Hai, nay vừa tròn 40 tuổi rồi đó!

Cậu Thật cũng xúc động theo mẹ, cậu chắp hai tay:

- Con thưa ba!

Cậu nghẹn ngào, mặt đỏ bừng vì những điều mới lạ. Cậu đã nghe cha mẹ kể chuyện nhiều về ông Hai Thương nhưng hôm nay mới được chứng kiến. Trong cuộc sống đơn giản bấy lâu nay với rừng cao su, với công việc chăm sóc và cạo mủ, rồi những mùa thất bát, thắng lợi, lên bổng xuống trầm của vườn cao su, rồi những năm đổi mới kinh tế, cuộc sống ngày càng khá lên, cậu vẫn là người con của rừng cao su miền Đông Nam Bộ chân chất, hiền lành. Thật khó có thể tưởng tượng nổi người thanh niên trai tráng cao to hiền lành này lại chính là cái bụng bầu của chị Năm Thu trong trận càn Xêđaphôn bốn mươi năm về trước.




ĐÔI DÒNG MUỐN NÓI

Đọc được lá thư của Hồ Thị Kim Ngân mà tôi gọi thân mật là nhỏ Ngân tôi cũng rất xúc động. Các chị, các anh trong trận càn Xêđaphôn ngày ấy còn nhớ như in những gì đã xảy sau 40 năm. Đó chính là những kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi, không bao giờ quên. Nay chúng tôi được gặp lại nhau sau bao nhiêu năm, thật là điều kỳ diệu. Chỉ rất ít người còn sống đến ngày nay, chúng tôi đều có ý nguyện nhờ chị Đồng viết lại những gì chúng tôi đã sống đã trải qua trong trận càn Xêđaphôn, vì tôi biết chị Đồng là người có tâm huyết, có tấm lòng và có duyên với những chuyện về thời chiến tranh. Đây là chuyện thật do chúng tôi kể, rất mong được anh em bạn bè và lịch sử biết đến để chia sẻ với chúng tôi.

                                                                                       TP. Hồ Chí Minh 4-2007
                                                                                          Nguyễn Văn Thương
                                                                                 Thiếu tá tình báo, Anh hùng LLVTND.






LỜI KẾT

Tôi viết khi được nghe chính những nhân chứng lịch sử đang sống ở Bình Dương ngày nay kể chuyện. Tôi muốn viết để các thế hệ sau hiểu biết thêm về những người dân Miền Nam dũng cảm chiến đấu và hy sinh bảo vệ quê hương đất nước như thế nào cho có ngày hòa bình tự do hôm nay; cho thế hệ trẻ học tập và phát huy truyền thống anh dũng, đạo đức cách mạng, sự chịu đựng gian khổ hy sinh của lớp cha ông đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập hoà bình cho Tổ quốc.

Tôi mong cuốn sách này góp một phần nhỏ bé trong việc tìm hiểu sự thật lịch sử cho thế hệ mai sau.

Xin được cám ơn Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương, Phòng Khoa học Lịch sử Bộ chỉ huy Quân sự TP. HCM, Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương, anh Út Ý, (Anh Út Ý sau này là Bí thư Huyện ủy huyện Bến Cát nhiều năm, nay đã nghỉ hưu), chị Hồ Thị Kim Ngân, Chị Năm Thu, anh Thái Thành Công, Chị Châu, Chị Hoa... cháu Thật đã giúp đỡ tôi hoàn thành cuốn sách này.

                                                                                                Tp. Hồ Chí Minh năm 2006
                                                                                                       Mã Thiện Đồng.



Het!

« Sửa lần cuối: 14 Tháng Tư, 2009, 09:34:36 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM