Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 03:14:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa lúa trổ đòng  (Đọc 56171 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:00:30 pm »

Mùa lúa trổ đòng

Tiểu thuyết


Tác giả: Đỗ Thị Hiền Hoà
Số hoá: hoacuc
Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
Năm xuất bản: 2004

Chương 1

   Một sáng mùa đông năm 1946 Thường  còn đang nằm co ro cùng cậu em trai trong ổ rơm ở góc nhà, bỗng nghe thấy tiềng rì rầm to nhỏ. Người đàn ông mà Thường vẫn gọi là " chú Tảo", còn mẹ Thường gọi là " Ông chủ tịch Việt minh", đang trò chuyện với bố Thường ở gian ngoài. Chú Tảo nói:
   
- Giặc Pháp rất hung hăng. Chúng chuẩn bị kéo vào Hà Nội. Hải Phòng chúng đã chiếm hết rồi.
   
- Chiếm hết rồi ư? Vậy ở ta thì sao?

- Chúng kéo quân lên Hà Nội qua đường Năm, nhất định chúng sẽ chiếm đóng quê mình đấy. Theo chủ trương của trên, bà con mình phải tiêu thổ kháng chiến, triệt để tản cư...
   
Lần đầu tiên hai chữ kháng chiến lọt vào tai Thường, một thanh niên mười sáu tuổi, đang nằm trong ổ rơm nồng ấm. Theo qui luật tự nhiên, với tuổi mới lớn, một hừng đông tươi sáng đang chờ đón cậu. Với sức trẻ chuẩn bị bẻ gẫy sừng trâu và sự bồng bột vừa qua khỏi tuổi thơ, nghe thấy hai chữ kháng chiến, Thường vùng dậy, ào đến bên bố và chú Tảo, khiến họ giật mình. Cậu hỏi vẻ ngây ngô, nhưng đầy háo hức.
   
- Kháng chiến là đánh nhau hả chú? Nếu có đánh nhau thì cho cháu đi với!
   
Chú Tảo vỗ vào vai Thường:
   
- ái chà, thanh niên này khoẻ đây. Đánh nhau với bọnTây cháu có sợ không?
   
- Tây là mắt xanh, mũi lõ chứ gì? Cháu chả sợ. Nếu chúng đến đây cháu sẽ phang cho mỗi thằng mấy gậy.
   
Sau này nhớ lại, Thường cũng không hiểu sao lúc ấy mình tỏ ra hăng hái trong việc đánh Tây thế. Chỉ còn nhớ cái cảm giác rõ nhất là sợ Tây sẽ cướp mất ngôi nhà thân thuộc, cùng cái ổ rơm ấm nóng của mình.
   
Hai ngày sau, chú Tảo lại đến nhà Thường. Chú cho biết tình hình mới về bọn Tây. Rồi chú bảo:
   
- Bọn giặc đã gây sự nhiều nơi, chúng sẽ đưa lực lượng lớn từ Pháp sang Hải Phòng rồi tiến lên chiếm thành Hà Nội, chúng ta phải cản chân giặc, không cho chúng hành quân nhanh chóng, để bà con kịp tản cư. Vì thế chúng ta phải phá đường sắt, phải gây nhiều trở ngại trên đường Năm.
   
Bố Thường với chú Tảo trò chuyện một lúc lâu.
   
Ngay tối hôm ấy Thường theo bố và các anh, các chị thanh niên mang cuốc, thuổng, ra đào phá đường Năm. Rồi mọi người chặt cây, chặt tre, khênh bàn ghế của nhà vứt ngổn ngang trên đường. Làng bên, nhiều người mang cả sập gụ, tủ đứng, tủ chè vất ra đường. Khi vác xong mấy cây tre góp với dân làng làm chướng ngại vật trên đường, quay về, Thường gặp một cô gái, một cô bé thì đúng hơn, gầy còm, một mình khom lưng cõng trên vai chiếc tràng kỷ tre đã cũ. Tuy bằng tre  nhưng nó nặng quá sức, nên cô bé bước đi một cách ì ạch. Thường ngơ ngác hỏi:
   
- Cái này cũng chống Tây phải không?
   
Cái đầu nhỏ xinh của cô khẽ gật. Thế là Thường xông vào đỡ lấy một đầu và hồn nhiên như nói với đứa em gái của mình:

   - Để anh. Em ngồi nghỉ đi!

   Cô bé gần như gào lên:

   - Không! Cái này là của nhà em góp với dân làng chống giặc. Tự em phải mang ra đường. Anh mặc em.

   - Thì anh đỡ em vậy!

   Vừa nói, Thường vừa nhấc bổng chiếc tràng kỷ từ phía sau. Thế là cô bé đành chịu để Thường góp công chung với mình.
Thường hỏi:

   - Sao người lớn kông làm. Em còn bé thế này, nhỡ gặp Tây thì chạy làm sao kịp?

   - Em không sợ. Với lại nhà em chỉ có mỗi mẹ em nữa thôi. Mẹ em bị đau khớp, còn yếu hơn em ấy chứ.

   - Thế bố em và các anh, các chị em đâu?

   - Bố em bị giặc bắt rồi đưa đi đâu biệt tích từ trước cách mạng cơ. Vì thế mẹ em cứ buồn và ốm yếu luôn. Còn anh trai em, anh
ấy tòng quân từ năm ngoái rồi.

   - Thế em tên là gì nhỉ?

   - Em tên là Nguyễn Thị Bẹ, nhưng mẹ em thường gọi em là cái Chuột Nhỡ. Mẹ bảo ngày xưa mẹ  đẻ rơi em ở ruộng bẹ, nên đặt
tên em là Bẹ. Sau anh Ninh em, mẹ đẻ mấy bận nữa, nhưng các anh, các chị ấy đều bỏ đi,  đến em là đứa thứ năm rồi mới nuôi được. Bà em bảo tên Bẹ chỉ để khai sinh thôi, lớn lên mới dùng, còn từ bé đến giờ cả nhà đều gọi em là cái Chuột Nhỡ. Sau em còn có cái Chuột Con, nhưng nó cũng bỏ đi rồi.

   Cô bé Bẹ hồn nhiên kể một mạch như vậy.  Còn cậu Thường lắng nghe có vẻ chăm chú, nhưng cậu càng tỏ ra không hiểu:

   - Thế Chuột Con và mấy anh chị bỏ đi đâu?

   - Anh lớn rồi mà đần thế. Bỏ đi là chết ấy. Mẹ em bảo các anh các chị ấy chê nhà em nghèo nên không ở lại!.

   - Mẹ em hay nhỉ, nếu vậy thì cứ nói là chết có dễ hơn không. Thế Chuột Nhỡ bao nhiêu tuổi rồi?

   - Cả tuổi mụ em hơn mười lăm tuổi rồi đấy!

Khi hai cô cậu trên đường trở về làng, đi trên bờ ruộng lúa, hai bên bờ ruộng, những cụm cỏ cúc nở hoa trắng xoá. Những mụn hoa nhỏ hơn chiếc cúc áo, màu trắng ngà, chẳng có cánh, chẳng có nhuỵ, chẳng mùi thơm, nhưng chúng xổ ra từng chùm, cái màu trắng ngà kéo thành một vệt, nổi bật giữa một vùng xanh thắm thiết của mênh mông lúa và thăm thẳm cỏ, những bông cúc nhỏ, trắng ngà giống như những cô tiên kiều diễm của đám thực vật xanh này. Chuột Nhỡ vừa đi vừa cúi xuống bứt những bông cúc nhỏ chụm lại thành một nắm to trong tay.Vài năm trước có người đến làng đưa những đồng tiền xu cho bọn trẻ trâu, bảo đi bứt hoa cúc ngoài bờ ruộng. Nghe đâu họ mua về  làm thuốc. Bẹ cũng đã bán được vài hào, đủ cho mẹ đong được dăm bơ gạo. Lâu rồi chẳng thấy ai mua, nhưng cô vẫn thích bứt những bông cúc này.  Bỗng nhiên Thường bảo:

   - Bẹ ơi, em đổi tên là Cúc đi, tên của những nụ hoa em đang cầm ấy.

   - Đổi tên á! Mẹ em không đồng ý đâu. Mẹ bảo con gái đặt tên hoa rồi nó vận vào người. Vì hoa nào rồi cũng chóng tàn.

   Đã đến lối rẽ về mỗi làng, Thường hỏi:

   - Em về làng Vân hay làng Chắm?

   - Em về Vân. Anh trên làng Minh chứ gì? Hễ Tây nó đến đây anh có đi tản cư không?

   - Anh sẽ đi tòng quân như anh trai của Bẹ ấy chứ. Về nhá!

   Vào những ngày ấy giặc Pháp đã chiếm hoàn toàn thị xã Hải Dương, một tỉnh lỵ nhỏ xinh nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng.
Con đường sắt nối liền Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường Năm, chạy qua những cánh đồng  xanh tươi, màu mỡ đã phải ngày đêm rên xiết dưới gót sắt của kẻ thù. Để góp phần ngăn cản những đoàn xe, đoàn tầu của giặc chở vũ khí chiến tranh và quân lính xâm lược về thủ đô Hà Nội, nhân dân làng Minh, làng Vân, làng Chắm cùng hàng trăm làng xã khác ven đường 5 đã làm chướng ngại vật trên đường. Suốt chiều dài ba mươi cây số từ Phú Thái đến Quán Gỏi ngổn ngang những đồ đạc như bàn, ghế, tủ, giường, cây cối vv... và mấy trăm mét đường bị đào, cuốc, nham nhở. Giặc Pháp phải cho hàng tiểu đoàn lính thu dọn suốt mấy ngày, xe mới có thể chạy qua. Khi chiếm xong thành phố Hà Nội và thị xã Hải Dương, giặc Pháp liên tục mở nhiều cuộc càn quét và chiếm đóng làng mạc hai bên đường. Chúng muốn nhanh chóng bình định nơi này để bảo vệ cảng Hải Phòng, và đặc biệt bảo vệ con đường quốc lộ số Năm và đường sắt, tuyến đường quan trọng đến mức tên Đờ Lát Đờ- tát-xi-nhi coi là " cái then cửa của vùng Đông Nam á "

   Để đối phó với âm mưu của thực  dân Pháp và tránh bớt tổn thất  cho nhân dân, uỷ ban bảo vệ tỉnh Hải Dương vận động nhân
dân ở những nơi kề đường sắt, đường 5 phải tản cư xa đường, hoặc tạm lánh sang tỉnh bạn. Dân làng Minh, làng Vân, làng Chắm phần lớn tản cư sang Thái Bình. Cô Bẹ tuy mới mười bốn tuổi nhưng đã gánh được toàn bộ tài sản của gia đình trong hai chiếc dó, cùng mẹ tản cư lên vùng núi Đồng Trâu, Hố Sếu thuộc huyện Chí Linh. Gia tài của nhà cô cũng chỉ có hai cối gạo, mấy cái bát đĩa, nồi niêu với cái liềm, cái hái. Mỗi mẹ con có hai bộ quần áo thì đựng trong tay nải, mẹ cô khoác trên vai. Thóc lúa, lợn gà mẹ cô đã bán hết, được ba đồng bạc Đông Dương, mẹ cô đút trong ruột tượng, thắt chặt vào người. Hôm mẹ con cô đi, cánh đồng làng xanh ngát một mầu, những cây lúa đang làm đòng, cây nào cũng thẳng đứng, lá nhọn hoắt. Còn dưới bờ ruộng thì những cụm cúc vẫn thi nhau nở dầy hoa trắng, trông như những đường đăng ten viền trên tấm thảm xanh. Cô bỗng nhớ đến chàng trai làng bên muốn đổi tên Bẹ của cô thành tên Cúc. Bây giờ cô mới nghĩ ra, mình chưa hỏi tên anh ta. Chỉ biết rằng anh không đi tản cư mà đi tòng quân để đánh Tây.

   Ngày hôm ấy chàng trai Nguyễn Văn Thường đứng ở bờ ao nhà mình thơ thẩn nhìn ra cánh đồng phía xa, nơi đoàn người tản cư đang rồng rắn nối nhau đi. Anh thoáng nhớ đến cô Chuột Nhỡ, chắc hẳn giờ này cô cũng đang trong đoàn người tản cư rồi. Theo sự hướng dẫn của chú Tảo thì nhân dân các huyện ven đường 5 phải tản cư triệt để. Cụ già, phụ nữ, em nhỏ đều phải đi tản cư, chỉ những thanh niên trai tráng mới được ở lại và phải vào tự vệ, sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:04:44 pm »

Mẹ và các em Thường cũng gồng gánh ra đi. Cu Tình mới sáu tuổi, mẹ cho ngồi một bên quang thúng, ôm chiếc tay nải đựng quần áo của cả nhà. Bên thúng kia là gạo và mắm muối, mỗi thứ một ít để đến chỗ tản cư có cái dùng ngay. Cún Nghĩa mới chín tháng tuổi, mẹ địu trên lưng, cổ ngặt nghẹo theo bước đi của mẹ. Cùng với dân xóm Ngói, mẹ và các em Thường tản cư về bên kia sông Luộc. Hai bố con Thường ở lại, ngay sáng hôm sau đã thành tự vệ thôn, rồi sau đó là du kích, được học nhanh cách sử dụng súng trường và lựu đạn. Tuy vậy, Thường chẳng có lựu đạn, cũng chẳng có súng trường. Bố cậu cho cậu cây mác sử dụng từ hồi đi tham gia cướp chính quyền. Còn ông thì dùng cây gậy tre và cái thuổng vẫn để ở góc bếp làm vũ khí.
   
Thường nhanh nhẹn và khoẻ mạnh, dường như cậu lớn lên từng ngày. Từ ngày mọi người đi tản cư, làng xóm vắng ngơ, vắng ngắt. Nhà Thường, mọi khi cu Tình chạy nhẩy, nói cười líu lô. Cún Nghĩa thỉnh thoảng thèm sữa lại khóc choa choả, bây giờ lặng ngắt. Hàng ngày Thường tập trung luyện tập với đội tự vệ xong, cậu ra đồng bắt cua, bắt cá rồi về thổi cơm, nấu nước, làm những phần việc ngày xưa mẹ vẫn làm. Nhà vắng lặng quá, đôi lúc cậu vừa làm vừa lẩm nhẩm hát lại những bài mà hồi cách mạng tháng Tám, đội thiếu nhi của cậu vẫn hát:

      Việt Nam bao năm ròng rên siết lầm than
      Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang
      Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống nhân dân
      Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhục hình.
      Đồng bào hãy tuốt gươm vùng lên
      Đã đến ngày trả mối thù chung (1)
   
Rồi lại hát:

      Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng
      kiếm nguồn tươi sáng
      Ta nguyện đồng lòng, điểm tô non sông, từ nay ra sức anh tài (2)

   
Tuy vất vả hơn ngày mẹ ở nhà, nhưng thường khoẻ ra và có vẻ khôn lớn hơn nhiều.
Vài tháng sau Thường được tuyển vào bộ đội huyện. Thế là từ đấy cậu rời khỏi làng Minh.

   Ngày ấy bộ đội, cùng dân quân, du kích có nhiệm vụ chống lại những trận càn quét của giặc. Thường trở thành bộ đội huyện khi anh vừa tròn 17 tuổi. Sau hai năm chiến đấu, anh trở thành một chàng trai vạm vỡ, một người lính dầy dạn.

   Vào mùa xuân năm 1948, Thường cùng một tiểu đội bộ đội huyện về làng Vân phối hợp với du kích chống càn. Bộ đội số lượng ít, phải chia nhỏ ra để dìu dắt, giúp đỡ du kích địa phương. Tổ của Thường gồm 3 người, anh Tăng tiểu đội trưởng, anh Dụ và Thường về đóng ở xóm Chùa, được mẹ Thu nhận về nuôi. Ngày ấy bộ đội thường sống nhờ dân, đi đến đâu dân nuôi đến đấy, khi không có giặc thì cùng sản xuất tăng gia với nhân dân. Nhà mẹ Thu là một gia đình nghèo. Cả nhà chỉ có một chiếc giường tre. Khi bộ đội đến, bà chặt mấy tầu lá chuối khô xếp vào gian trong làm "giường" để hai mẹ con bà ngủ, nhường chiếc giường duy nhất cho bộ đội. Hôm đơn vị đến, người con gái không có nhà. Bà mẹ nói rằng " em nó đi thăm người bà con ở xa". Ba anh bộ đội bắt đầu đào công sự, khoảng nửa đêm mới làm xong chiếc tăng sê chống đại bác và một đoạn hào nối với nhà bên. Xong việc các anh chìm vào giấc ngủ. Bỗng bên tai Thường có tiếng gọi khẩn cấp:

   - Các anh bộ đội ơi, dậy nhanh, Tây nó càn đến nơi rồi.

   Đó là tiếng một cô gái còn rất trẻ. Các chiến sĩ vùng dậy sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng. Anh Tăng tiểu đội trưởng có phần lúng túng vì rất ít khi gặp tình huống giặc đi càn sớm thế này. Tăng và Dụ trao đổi nhanh phương án tác chiến rồi lệnh cho Thường chạy đi nắm tình hình ở các tổ khác.

   Dường như địch có chỉ điểm nên chúng biết rõ bộ đội đã về làng. Chúng bắn như vãi đạn vào xóm trước khi bộ binh quân tiến vào. đại bác yểm trợ nữa. Còn phía ta chỉ có một tiểu đội bộ đội huyện, với một trung đội du kích mà phần đông là phụ nữ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra chưa đầy 30 phút, giặc đã tràn vào làng, lục soát, bắn giết, cướp bóc thoả sức. Hàng chục du kích và dân lành bị bắt. Thóc gạo, lợn gà, trâu bò bị chúng lấy đi vô số. Nhưng các chiến sĩ bộ đội hầu như đều thoát nạn. Anh Tăng chỉ huy được hai mươi phút thì bị thương, ngất lịm, được du kích dấu kín dưới bờ ao. Anh Dụ được hai du kích khác lợi dụng địa hình bờ tre, búi dứa, đưa thoát khỏi vòng vây, ra cánh đồng. Còn Thường chạy liên lạc giữa tổ này sang tổ khác, đạn cứ chiu chíu bên tai. Có lúc anh nằm rạp xuống bò theo dõng khoai, có lúc lợi dụng được những tường nhà án ngữ, anh chạy thật nhanh, và cũng còn do may mắn, anh chưa bị trúng viên đạn nào.
_________________
(1) Lời trong bài hát" Diệt phát xít " của Nguyễn Đình Thi ( sáng tác 1945)
(2) Lời trong bài hát " Lên đàng ", nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huyùnh Văn Tiểng ( sáng tác 1943)
 
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2009, 07:08:50 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:07:33 pm »

Khi anh quay về đến chỗ chỉ huy tiểu đội thì bọn giặc đã phá bung cổng làng. Chúng đang hò nhau kéo vào để bắt sống bộ đôi Việt Minh. Không tìm thấy chỉ huy đâu, anh thực sự hoảng sợ. Chưa biết định liệu ra sao thì bất thình lình, không biết từ đâu một cô gái nhảy ra vồ lấy tay anh, lôi tuột ra bờ ao. Cô nói rất nhỏ, nhưng cương quyết:

   - Anh phải trốn mau, không thể rơi vào tay địch.

Cô đẩy anh xuống ao bèo. Trong tích tắc cả hai cùng chìm nghỉm dưới lớp bèo xanh. Không kịp nghĩ ngợi nhiều, anh bịt mũi lặn theo cô gái. Loáng một cái đã tới bờ bên kia. Nhưng anh chưa kịp nhận ra bờ thì cô gái lại kéo anh vào một cái hang kín mít. Nước nông dần, rồi hết nước. Thì ra hai người đã chui được vào căn hầm bí mật, nóc hầm là bụi tre rậm, miệng hầm thông với đáy ao. Quân giặc tài mấy cũng không thể tìm ra một căn hầm như thế. Hầm rất an toàn, nhưng khổ nỗi quá chật chội. Càng chật hơn nữa khi hai người khác giới phải ngồi cạnh nhau. Anh phải co mình lại, cố nhích xa cô gái. Nhưng cố mấy thì hai người vẫn phải sát vào nhau. Quần áo, đầu tóc đều ướt hết. Chiếc áo gụ mỏng manh của cô bây giờ cứ dính chặt vào người, dường như muốn khoe hết da thịt của chủ nhân. Nhưng trong hầm rất tối, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ xíu, không thể nhìn rõ quần áo với da thịt, cũng không nhìn rõ mặt nhau, chỉ có hai làn da ẩn trong lớp áo ướt là cảm nhận rõ nhất nỗi ngượng ngùng. ở bên trên giặc đang lục soát. Ngay cả tiếng thở họ cũng phải rất nhẹ nhàng. Nỗi nguy nan cất giúp họ cái cảm giác thẹn thùng khi da thịt cọ sát vào nhau. Cô gái dẫn đường chạy trước nên cô ngồi phía trong, sát đáy hầm. Còn Thường bò theo sau nên gần như anh phải ôm trùm lấy cô mới đủ chỗ. Cô định khoanh tay ôm lấy ngực, nhưng vừa vươn tay ra, mấy viên đất rơi rào rào, khiến cô vội xuôi tay xuống, đành mặc cho tấm thân hộ pháp của Thường choàng lên trên. Biết làm thế nào đây. Còn gì qúi hơn tính mạng lúc này. Thường cố gượng, không dám để người mình đè lên cô gái, nhưng dường như một sức hút nào đó cứ kéo anh xuống. Anh cố gượng, nhưng chẳng có chỗ nào bấu víu, đành để vồng ngực nóng rẫy của anh tì hẳn vào ngực cô. Chưa bao giờ anh gần gũi đàn bà. Bây giờ lại ở gần trong một tình huống oái oăm thế này. Đôi tay Thường cũng buông xuôi, không dám động đậy. Chỉ có vồng ngực anh tưng tức bởi đôi bầu vú nhỏ,rắn đanh, nóng hổi của cô. Mặc dù còn ướt đẫm, nhưng cả hai cùng thấy da thịt mình như bỏng rát.

   Bọn giặc lục soát khá lâu. Tiếng người khóc, tiếng lợn gà kêu, tiếng chửi tục của bọn lính làm thành thứ âm thanh hỗn độn vọng xuống hầm. Hai trái tim nóng bỏng ấy chỉ biết đập mạnh và chờ đợi. Chờ đến khi tiếng giặc đã xa, xóm làng im ắng trở lại, cô gái mới nói:

   - Anh làm tôi sắp chết ngạt rồi. ở ngách bên phải có cửa hầm thông lên bụi tre đấy, nhưng mà anh phải chui lại ngách dưới ao, để tôi mở cửa cho.

   Thường bò lại phía ao để đủ chỗ cho cô gái xoay người tìm ngách hầm bên phải. Vài phút sau cửa hầm được bật lên. ánh sáng tràn vào làm khuôn mặt cô đỏ bừng. Trước khi nhô đầu lên cô quay về phía anh, nói như ra lệnh:

   - Anh nằm im đấy, khi nào tôi gọi hẵng lên.

   Thường đành ngoan ngoãn nghe lời. Chừng mười lăm phút sau anh mới được lên khỏi hầm. Trong khi cô gái chạy đi đâu chẳng biết, Thường hít không khí đầy lồng ngực rồi nằm vật xuống cạnh gốc tre. Anh nằm sấp, giang rộng hai tay, víu chặt bất cứ vật gì chạm phải. Dường như chàng trai mười tám tuổi này quá căng thẳng, quá nhọc mệt sau gần một giờ thử thách khủng khiếp, giống như người vận động viên dồn hết sức để về đích, giờ đang thả lỏng cơ thể để tìm lại sự cân bằng.


Khoảng 3 phút sau anh vùng dậy quan sát chiến địa, nơi các  anh vừa thua trận. Nhìn cảnh nhà cháy, cây đổ và những tiếng khóc thảm thiết, suýt nữa anh cũng bật khóc. Bỗng nhiên anh hoảng sợ. giờ biết tìm anh Tămg, anh Dụ  ở đâu. Cả cô gái trẻ nữa. Cô ấy đã cứu sống anh, đã làm anh mệt mỏi trong ngây ngất, giờ cũng biến đâu mất rồi. Theo kế hoặch trước trận đánh, nếu đẩy lui trận càn thì dân quân, du kích và bộ đội sẽ tập trung ở nhà mẹ Thu, nơi tiểu đội trưởng đặt chỉ huy sở. Nếu giặc quá mạnh, không chống được thì ta phải bảo toàn lực lượng, không đựơc hy sinh vô ích, càng không được để rơi vào tay giặc. Chúng rút đi, người nào còn sống thì có trách nhiệm liên hệ với cấp trên ở xã bên. Thường nghĩ,  mình phải liên hệ với cấp trên. Anh vừa ra khỏi bụi tre, đang tìm đường trở về xóm thì cô gái trẻ lại thình lình xuất hiện. Bây giờ cô đã thay bộ quần áo khô. Chiếc áo gụ bó sát tấm lưng tròn. Mặt cô dường như còn đỏ lựng. Cô quay vội xuống ao nói vọng lại phía anh:
   
- Có một anh bộ đội bị thương nặng, bà con dấu dưới bờ ao. Anh ấy yếu lắm rồi. Anh về mau!

Thường nháo nhào chạy theo cô gái. Anh Tăng bị thương vào đùi. Người  vàng như nghệ. Dường như máu trong người đã ra gần hết. Anh mê man không biết gì cả. Thường ôm lấy người tiểu đội trưởng, lay gọi mãi. Bỗng hai cô du kích ở đâu ào đến, đẩy Thường ra. Họ đặt người bị thương lên cáng rồi vội vã khênh chạy đi. Thường chạy theo, giằng lấy một đầu đòn khênh. Một cô gái đành nhường anh và chạy bộ theo sau. Cô nói trong tiếng thở gấp:

- Trận càn này ta  bị bất ngờ, chưa chuẩn bị kỹ nên thiệt hại quá. Có đến năm du kích đã hy sinh. Còn bộ đội thì bị thương ba anh rồi. Anh này bị nặng quá, không biết có qua khỏi không.

   Thường hỏi gần như quát:

   - Cứu thương sao không đến mà cáng đi xa thế này?

   - Đến làm sao được. Còn bao nhiêu người bị thương đều phải dồn sang bên đình làng Chương. Ta đi mau, may ra cứu được anh
ấy.



« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2009, 07:09:22 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:10:08 pm »

               Chương 2


   Khi Thường trở lại đơn vị mới biết rằng trận càn ấy là do một tên phản động trong làng báo với Tây. Lẽ ra chúng chưa càn vào làng Vân, bởi chúng đang càn quét và bình định phía cuối huyện. Càn xong làng nào chúng bình định luôn làng ấy. Lúc này lực lượng vũ trang của ta còn mỏng, không thể chống lại những trận càn qui mô lớn của chúng. Hơn nữa chúng luôn tìm diệt bộ đội và du kích của ta. Bởi vậy khi có tin báo bộ đội về làng Vân, lập tức chúng cho lực lượng đến vây càn.  Bộ đội của ta chỉ có một tiểu đội, vừa mới về làng lúc mười giờ đêm, lẽ ra sáng hôm sau sẽ cùng với du kích thực hiện kế hoặch phá càn. Theo phán đoán phải ba bốn ngày nữa chúng mới có thể càn đến làng Vân, ta còn đủ thời gian chuẩn bị. Một mặt dấu hết thóc lúa, tài sản quí, không để lọt vào tay giặc. Một mặt động viên các cụ già, em nhỏ và phụ nữ tránh đi, lực lượng du kích cùng bộ đội sẽ triển khai thêm nhiều công sự, hầm hào, rào chốt cổng làng thật chắc chắn. Nếu ta chống càn không thắng lợi thì cũng ít tổn thất hơn. Đó là kế hoăch của bộ đội và lãnh đạo cấp trên.

   Nhưng kế hoặch ấy không thành bởi ở làng Vân có một thanh niên tên là Cao Bá Thân. Khi cách mạng thành công, cả nhà Thân gồm bố, mẹ, anh chị và vợ hắn bỏ đi biệt tích. Thân ở lại với người chú ruột. Thân không đi cùng gia đình vì cậu thầm mê cô hàng xóm nhà cậu. Cô bé hàng xóm lúc ấy còn nhỏ lắm, nhưng trông cô ta cứ xinh tươi mơn mởn. Nhà cô rất nghèo, còn nhà cậu lại rất giầu. Hàng ngày cô bé phải đi bắt cua, bắt ốc để nuôi sống gia đình thì cậu được coi là cậu ấm, có người hầu kẻ hạ. Cậu mới mười lăm tuổi đã được cha mẹ cưới cho cô vợ mười tám tuổi, nết na, chăm làm. Cậu đã yên bề gia thất, nhưng không hiểu sao cậu cứ muốn gần gũi cô bé bắt ốc mò cua ở cạnh nhà. Nhiều hôm chẳng có việc gì cậu cũng cứ lang thang ra đồng, theo chân cô bé bắt cua. Khi  dân làng ào ào đến nhà cậu xúc thóc chia nhau, bố mẹ cậu trốn biệt, cậu cứ dửng dưng ngồi nhìn, rồi cũng xông vào xúc mấy bưng thóc bê sang nhà cho cô hàng xóm. Cô bé rất ngỡ ngàng, nhưng rồi cũng lẳng lặng gật đầu nhận thóc của cậu, ít ra thì nhà cô cũng đỡ được hàng tháng trời không phải ăn khoai với rau má. Cô cũng bớt phải mò cua, bắt ốc ít ngày. Trong thâm tâm còn non nớt của cô, cô thầm cảm ơn cậu ấm nhà bên. Cô cũng không biết rằng cậu ta còn theo đuổi cô dai dẳng nhiều năm sau.

   Hôm ấy mong mãi chẳng thấy cô hàng xóm về nhà. Cô đi đâu, cậu không biết. Thân cứ ngồi trong cổng nhà mình đau đáu nhìn sang nhà bên, từ chiều cho đến tối. Đêm càng khuya thì Thân càng sốt ruột. Hắn chẳng buồn ăn cơm, mặc dù thím hắn ra gọi mấy lần. Hắn cứ ngồi trầm mặc bên cái cổng vòm nhà hắn. Cô bé hàng xóm này nào đã chuyện trò gì với hắn, ngoài một lần cô nhìn hắn và gật đầu ra vẻ cảm ơn khi nhận của hắn hai bưng thóc. Từ hồi ấy đến nay đã ba năm rồi. Từ cô bé mười bốn tuổi ngây thơ, cô đã thành thiếu nữ mười bảy tuổi, tóc đã dài đủ để vấn vành khăn có chiếc đuôi gà nhỏ xinh. Hai má luôn ửng  hồng như hai cánh hoa sen. Cô càng lớn càng xinh và càng làm hắn mê đắm. Chưa bao giờ cô nói với hắn câu gì, vậy mà hắn thấy cô xiết bao gần gũi. Hắn dường như quên biến cô vợ được bố mẹ cưới cho mình. Hàng ngày hắn chỉ mong được nhìn thấy cô thấp thoáng qua hàng rào thưa, thế là đủ. Hôm ấy hắn mong mãi, mong mãi mà cái tấm lưng áo gụ thon thả ấy vẫn chưa về. Vô cớ, vô duyên, lòng hắn cứ nóng như lửa đốt, dường như người thân thiết nhất của hắn trên đời, vừa mất tích rồi chăng?


Bỗng hắn thấy những bóng đàn ông hối hả đi vào nhà cô. Hắn đứng thẳng dậy và nhìn thật kỹ. Tuy trời rất tối, nhưng hắn đếm được có đến ba người. Một chút  tò mò, một chút ghen tuông làm hắn mung lung và không rời mắt khỏi những người đàn ông lạ. Rồi hắn thấy họ đào hào, cuốc hố. Hắn biết chắc là bộ đội Việt minh. Vì gần đây dân làng hay nói đến bộ đội Việt Minh, họ đã về làng này, làng khác đào hầm, đào hố. Mấy người này ở trong nhà cô hàng xóm ư? Sao vô lý thế được. Rồi họ sẽ chiếm mất tấm lưng thon óng ả, rồi họ sẽ chiếm mất đôi má đỏ hồng như cánh hoa sen. Ôi! nếu vậy, hắn sống làm sao được. Bộ đội Việt Minh ư? Chính họ hồi tháng Tám năm bốn nhăm đã hô hào dân làng đến phá gian nhà mười gian, chứa đầy thóc của gia đình hắn. Từ ngày ấy đến giờ hầu như hắn chẳng tiếc nuối căn nhà đầy thóc ấy, cũng chẳng bận lòng vì những người xúc thóc kia. Bây giờ tự nhiên hắn thấy căm giận họ. Thế là hắn nghĩ cách trả thù.
   
Trong lúc bộ đội đang hì hục đào tăng sê thì Thân chân nam đá chân chiêu chạy bộ lên đồn Tây. Đồn Tây cách làng Vân đến năm cây số. Hắn đi đến trống canh ba mới tới nơi. Hắn đến giữa lúc nửa đêm như vậy, lính gác không thể cho hắn vào đồn. Hắn vừa thở, vừa lắp bắp nói:

   - Bộ đội nó vừa về làng Vân, các ông về đánh nó ngay.

   Tên lính gác vừa ngáp ngủ vừa trả lời:

   - Sáng mai tao sẽ trình quan. Mày về đi. Mà liệu hồn đấy. Nếu không bắt được bộ đội thì mày mất đầu.

   Thằng Thân bình thường ai cũng tưởng nó ù ù cạc cạc. Lúc nó còn nhỏ bố mẹ nó đã cho nó đi học chữ Tây, nó phớt phát, học chữ được, chữ không. Bố mẹ nó cũng tưởng nó là thằng đần. Bây giờ nó bỗng tỏ ra sáng dạ. Nó dõng dạc nói với tên gác cổng:

   -Tôi cứ tưởng các ông muốn giết bộ đội Việt Minh thì tôi báo thế. Nếu không muốn thì thôi, làm sao phải lấy đầu tôi. Ông tưởng tôi đi mấy thôi đường trong đêm là để mất đầu à. Tôi về đây!

   Rồi nó xổ ra một tràng tiếng Tây, mà có lẽ chính bản thân nó cũng chẳng hiểu gì. Tên lính gác dường như sợ hãi, vội gọi giật:

   - Anh kia, thế bộ đội chúng có đông không?

   - Chắc là đông. Nhưng tôi chỉ nhìn thấy ba tên đang đào hầm ở nhà hàng xóm. Nếu các ông cho lính về ngay mới bắt đựơc chúng, không thì ngày mai, ngày kia chúng sẽ đánh vào đồn các ông đấy.

   Rồi mặc cho tên lính gác vặn hỏi quanh queo, hắn co chân chạy một mạch.

   Đã đến ngã ba rẽ về làng Vân, trời tang tảng sáng. Bỗng hắn thấy đằng trước nhấp nhô một tấm lưng thon. Như có luồng điện mạnh chạm vào hắn, hút hắn theo cái bóng phía trước. Hắn co chân chạy nhanh, được một đoạn thì đuổi sát cô gái kia. Trực giác của hắn không nhầm. Người đi phía trước đúng là cô hàng xóm của hắn. Ôi! thật là kỳ ngộ. Dường như ông trời thương tình, nên đã mang cô đặt trước mặt hắn.  Nhưng dù đúng là cô thì hắn cũng không thể làm gì, ngoài việc hít thở thật đầy luồng không khí trong lành buổi sớm và khoan thai nhìn tấm lưng ong tròn lẳn của cô mà thôi. Hắn không đủ can đảm để đến gần cô gái. Từ trước tới nay hắn ao ước được chạm nhẹ vào tay cô cho thoả, nhưng chưa bao giờ. Chỉ nhìn thấy cô, mọi vật quanh mình hắn dường như sáng trưng, lung linh, huyền diệu. Hắn không thể làm gì khác là lặng lẽ chìm đắm trong tiên cảnh của riêng mình.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:12:56 pm »

Chỉ được nhìn thấy cô đã là quá đủ, là tràn trề hạnh phúc với hắn rồi. Bây giờ nhìn thấy cô sau bao giờ phút thấp thỏm, mong chờ, lại trên một đoạn đường vắng thế này, hắn cảm thấy được sống trong cảnh tiên. Hắn muốn kéo dài giờ phút này mãi mãi. Chợt  nhớ đến ba tay bộ đội đang hì hục đào tăng sê ở nhà cô hàng xóm, rồi nhớ lại việc mình vừa lên bốt giặc về, hắn vội rảo bước đuổi kịp tấm lưng ong. Đến  ngang cô gái, hắn nói gọn lỏn một câu: 

   - Việt Minh đang ở nhà cô. Tây nó sắp xuống càn đấy.

   Cô gái hoảng hốt. Hoảng hốt trước tiên vì sự hiện diện của hắn. Sao hắn lại ở đây?. Hoảng hốt nữa vì cái tin hắn vừa nói. Sao hắn biết Việt Minh ở nhà cô? Sao hắn biết Tây sắp xuống càn? Cô hỏi trong bối rối:

   - Sao lại biết Tây càn?

   - Vừa ở trên đồn về đây!

   Cô gái chẳng hỏi gì thêm, chỉ lặng lẽ rảo bước. Hắn cũng chẳng nói gì thêm, cứ âm thầm rảo bước theo.

   Cô về đến nhà chỉ kịp đánh thức mấy anh bộ đội dậy, thì giặc đã ập đến. Còn hắn, khi bóng cô gái mất hút sau luỹ tre làng thì hắn vội vã quay đi. Dường như tự hắn biết sợ hãi chính việc làm của hắn. Cũng có phần hắn sợ mấy anh bộ đội Việt Minh đang ẩn nấp ở đâu đó trong ngôi nhà kia, bất chợt nhô ra bắt hắn. Hắn quay ra, nhưng chẳng biết đi đâu, bèn ngồi xuống cạnh bụi dứa dại bên đường. Chợt nghe tiếng bước chân rậm rịch và tiếng lào xào phía trước, biết là Tây đến, hắn vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mấy tay bộ đội kia sẽ bị Tây dẹp đi. Lo vì nhỡ cô hàng xóm mà rơi vào tay bọn lính Tây thì sẽ tồi tệ đến chừng nào. Thực tình hắn lo sợ và bối rối, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, đành liều chui vào trong lòng bụi dứa dại gai góc để tránh bọn lính Tây. Khi lính Tây rút đi, hắn lóp ngóp chui ra, việc đầu tiên là hắn chạy về nhà cũ, đứng nhìn sang nhà cô hàng xóm thật lâu, thấy cô chạy ra, chạy vào, biết cô được bình yên, vô sự, hắn trút một hơi thở nhẹ rồi đủng đỉnh về nhà người chú, chui vào giường đánh một giấc dài, chẳng hề bận tâm khi làng xón nhốn nháo, người khóc chồng, người chửi bọn Tây, người lo cứu thương, cứu hoả.

   Thông tin về trận chống càn thất bại, Thường đã nắm được đầy đủ, nhưng người con gái đã cứu sống mình thì anh vẫn chẳng biết tên tuổi là gì. Có phải là con bà chủ hay không, tự anh cũng không dám khẳng định. Trong cuộc kháng chiến gian khổ này còn bao vất vả, gian nguy ở phía trước, không biết rõ về một cô gái chẳng phải là chuyện đáng bận tâm. Xác định tư tưởng như thế, nhưng cái cảm giác ngột ngạt, ẩm ướt dưới hầm, nhất là hơi thở nóng bỏng và hai vồng ngực mới nhú của cô như vẫn đang cọ sát vào ngực anh, day qua, day lại khiến anh không thoát khỏi một cảm giác ngất ngây, nuối tiếc. Ban ngày cứ rỗi việc là anh nhớ về cảm giác ấy. Đêm đêm, cứ nhắm mắt lại là anh nghĩ đến giờ phút ấy. Khuôn mặt cô anh không nhớ được, nhưng cảm giác lạ lùng đó thì không thể nào quên.

   Cảm giác lạ lùng đó cứ bám theo anh suốt tháng năm dài. Anh mong mỏi được trở lại làng Vân, nhưng chưa có dịp.
   
                  *    *
                     *



   Sau trận chống càn thất bại, bộ đội huyện Kim Linh được bổ sung một cán bộ chỉ huy. Anh Đỗ Ninh, nguyên là đại đội trưởng một đơn vị bộ đội  tỉnh, quê anh cũng ở vùng này. Ngay hôm đầu tiên về đơn vị, anh Ninh cho tập trung cả đại đội, phổ biến tình hình chung và xác định nhiệm vụ cho anh em. Anh Ninh hơn Thường chừng độ năm, sáu tuổi. Vóc người cao, to, giọng nói trong và vang, có sức thu hút người nghe lạ lùng. Anh nói về những việc rất bình thường, nhưng mọi người nghe cứ ngồi im phắc, tưởng như muốn nuốt lấy từng lời.

   Hôm ấy ngồi trong căn nhà chát chẫy ở vùng căn cứ của ta, bộ đội quây quần nghe anh nói về các nơi đánh giặc. Anh vừa đi, vừa nói, đi từ đầu gian đến cuối gian nhà, tay vung lên, hạ xuống, vẻ đầy phấn khích:

   - Giờ đây quê hương ta đã bị dầy xéo dưới gót sắt của quân thù. Giặc Pháp đã chiếm hoàn toàn các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành và thị xã Hải Dương. Riêng ở Hải Dương chúng đóng tới mười sáu vị trí trong nội thị. Chúng còn dở trò bầu Hội đồng hương chính, thay Hội đồng an dân trước đây, rồi lại dở trò bầu Hội đồng hương biểu, thành lập ra chính quyền bù nhìn, dùng toàn bọn phản động để đè đầu, cưỡi cổ nhân dân ta. Bà con đi tản cư hồi đầu kháng chiến, nhiều người đã về làng, đành sống trong cảnh kìm kẹp của chúng. Cùng với việc lập ra chính quyền bù nhìn, chúng còn tăng cường lực lượng quân sự, xây dựng nhiều đồn bốt  và đưa bọn lính Lê Dương hung hãn về dầy xéo quê hương ta. Chúng thành lập Sou-Sectur Hải Dương, tức là  Chi khu quân sự Hải Dương, do tên quan tư oóc-xi-ni (orsini) chỉ huy, lại lập thêm một lực lượng cơ động gồm tiểu đoàn 1, thuộc trung đoàn xạ kích Marốc số 3 và các đại đội 4, đại đội 5 thuộc trung đoàn pháo binh Marốc số hai.

   Quân địch đông như thế, mạnh như thế, nên chúng đã chiếm băng của ta mấy huyện cùng tỉnh lỵ, chẳng lẽ chúng ta chịu sao?
   Anh dừng lại để mọi người suy nghĩ một lát. Nhưng các chiến sĩ trẻ chẳng cần  suy nghĩ nhiều, họ tranh nhau nêu ý kiến đề nghị cấp trên cho anh em phục kích đánh bọn chúng. Anh Ninh nói dõng dạc:

   - Được, hoan nghênh tinh thần của anh em. Nhưng mà chúng đông như thế, lại có tầu bay, đại bác, xe cơ giới. Chúng ta chỉ  có mã tấu, lưỡi lê với vài khẩu súng trường. Vậy đánh thế nào đây?
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2009, 07:15:24 pm »

Người chỉ huy nêu câu hỏi để các chiến sĩ suy nghĩ. Nguyễn Văn Thường mọi khi nhút nhát lắm, lúc ấy trở nên hăng hái lạ lùng. Có lẽ do cái giọng nói  vang vang, truyền cảm hiếm thấy ở người đại đội trưởng mới này, đã thúc giục bầu nhiệt huyết trong anh sôi sục. Cũng có phần vì anh nghĩ đến trận chống càn thất bại vừa qua, nhớ đến cô gái lạ, nhớ đến anh Tăng bị thương... mà bầu máu nóng trong người trào dâng. Thường mạnh dạn đứng lên xin được nói. Đại đội trưởng nhìn thẳng vào anh, khích lệ:

   - ừ, nói xem!

   - Em nghĩ rằng chúng ta phải tìm nhiều cách đánh địch, không cho chúng nghênh ngang  trên quê hương mình, gây tội ác với đồng bào. Vũ khí chúng ta thô sơ thì chúng ta phải nghĩ cách tạo ra vũ khí. Chúng ta có thể cướp của giặc, hoặc tự tạo ra mìn, lựu đạn... Em nghe nói anh Đặng Quốc Trinh trên thị xã Hải Dương, trong trận đánh vào Trường  Con Gái đã tự tạo ra quả bộc phá, rồi xông vào tận lô cốt của giặc tiêu diệt chúng. Anh Đặng Quốc Trinh hy sinh dũng cảm. Bọn giặc ngoan cố đã bị bắt và đầu hàng. Chúng em cũng có thể làm như anh Đặng Quốc Trinh, khi cần, cũng dám hy sinh thân mình không tiếc. Vậy đề nghị cấp trên cho anh em chặn đánh xe, hoặc đánh bọn đi tuần trên đường Năm để cứớp lấy vũ khí của chúng, trang bị cho mình. Khi có vũ khí rồi, chúng ta sẽ đánh những trận lớn hơn.

   - Khá lắm!

   Anh Ninh khen như vậy. Rồi giọng anh bỗng hứng khởi hơn:

   - Chắc là toàn thể anh em cũng nghĩ thế phải không?

   Tiếng vỗ tay nổi lên rào rào. Anh nói tiếp:

   - Nghĩ thế là đúng. Chúng ta chẳng còn cách nào khác. Giặc cướp đến nhà ta, đè đầu cưỡi cổ người thân của ta, nhất thiết chúng ta phải dùng gậy gộc, dao, liềm đánh lại chúng và phải giật lấy súng trong tay chúng mà tiêu diệt chúng. Điều này hoàn toàn đúng với tinh thần Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946. Bác nói rằng: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm... Hôm nay tôi rất vui thông báo với anh em rằng du kích của chúng ta ở khắp nơi đang thi đua đánh giặc. Sau trận đánh mìn trên đường sắt chỗ xã Kim Lương của du kích huyện Kim Thành, làm hai mươi nhăm toa tầu đổ, bốn mươi tên Tây trắng bị chết, bao nhiêu súng đạn phục vụ  chiến tranh bị phá huỷ, bọn Tây sợ xanh mắt. Còn bà con mình, cùng anh em du kích, bộ đội thì mừng vui tin tưởng hơn ở khả năng của chính mình. Tiếp đó du kích xã Mao Điền, Cẩm Giàng đã đánh trận địa lôi đầu tiên trên đường Năm thắng lợi. Chỉ có mấy quả đạn 81 ly của giặc không nổ, anh em cải tạo thành địa lôi mà đã diệt ba xe cam nhông, làm chết và bị thương ba mươi tám tên vừa Tây vừa nguỵ. Bộ đội và du kích huyện Thanh Hà còn có sáng kiến độc đáo, buộc chặt mìn trong vải nilông, đặt dưới lòng sông. Một chiếc ca nô lớn của địch vè vè trôi đến, liền bị quả "thuỷ lôi" của ta làm cho vẹo đầu, quay ngang trên sông rồi từ từ chìm xuống. - Nói đến đây anh tự vỗ vào đùi đánh "đét" một cái rồi khen - Giỏi, anh em mình thế mà giỏi!

   Tiếng vỗ tay lại nổi lên rào rào. Anh Ninh cao giọng hơn:

   - Còn chúng ta, những người ngồi đây có đồng lòng, quyết tâm thi đua với anh em các nơi đó không?

   Căn nhà liền rào rào tiếng vỗ tay, lẫn với những tiếng hô " đồng ý!", " thống nhất!", " quyết tâm!".

Từ nãy đến giờ anh Ninh vẫn đi từ đầu này đến đầu kia, lúc này chợt dừng lại ở giữa nhà, giọng nghiêm trang:

   - Bây giờ tôi thông báo với anh em về kế hoặch đánh địch mà huyện uỷ vừa chỉ thị. Chúng ta sẽ đồng loạt tấn công địch bằng cách băm nát đoạn đường sắt chạy qua huyện này. Không cho chúng chở lính tráng và vũ khí lên Việt Bắc. Làm bằng cách nào? Chúng ta sẽ rải đều lực lượng từ đầu đến cuối huyện, thống nhất theo lệnh chỉ huy, đúng giờ G tất cả đồng loạt tiến công.

   - Thưa chỉ huy, thế vũ khí của chúng ta là cái gì? hay chúng ta lại đi cuốc đường như hồi năm bốn sáu?

   - Không lo về vũ khí. Tỉnh ta đã thành lập công binh xưởng từ tháng chín năm bốn sáu rồi. Vũ khí lớn thì chưa có, nhưng mìn và lựu đạn thì trên chuẩn bị cho ta đủ đánh trận này. Chúng ta sẽ sử dụng một loại mìn mới chế tạo, gọi là mìn gôm. Loại này nhẹ nhàng, mỗi trái chỉ có 40 gam thuốc nổ dẻo, sức công phá lớn, dễ sử dụng. Mìn có một cái cán, hại nụ xoè  và hai đầu dây ngắn để khi khi sử dụng lôi ra, buộc vào dây thừng mà giật. Chỉ cần buộc mìn vào thanh đường ray, hoặc để bên dưới thanh ray, chứ không cần chôn xuống đất. Trận đánh sẽ do đích thân đồng chí Vũ Văn Thưởng, huyện đội trưởng và đồng chí  Lê Đình Vũ, chính trị viên, chỉ huy. Các đồng chí sẽ ra lệnh phát hoả bằng cách cho nổ ba quả bộc phá đặt ở đoạn Quỳnh Khê, mỗi quả nặng năm cân. Sau cuộc họp này, đại đội ta chia nhau về mỗi xã mấy người để phối hợp và giúp đỡ dân quân, du kích địa phương.

   Hai ngày sau cuộc họp đó, Thường cùng một anh em nữa được cử về một xã ở cuối huyện, cũng là nơi cuối cùng của trận địa. Mấy cô du kích thấy bộ đội còn quá trẻ, liền thi nhau trêu chọc. Một cô tên là Mơ có chiếc răng khểnh duyên dáng, nhưng lại nghịch ngợm như con trai. Một cô tên là Bột, nhưng da lại ngăm ngăm màu bánh mật. Một cô tên là Khoai, người cao như chiếc sào, chẳng giống vóc dáng nữ nhi. Đội du kích còn nhiều cô lắm, nhưng ba cô này cứ ríu rít quanh bộ đội nên Thường nhớ nhất. Tối ấy, phát lựu đạn cho các cô xong, Thường nhắc lại yêu cầu, nhiệm vụ:

   - Các chị nhớ nhé. Số mìn này các chị phát cho anh chị em trong tiểu đội, mỗi người hai quả, còn giây giật thì mọi người tự chuẩn bị. Chín giờ chúng ta xuất phát, ba người một tổ, luôn bám sát nhau, đề phòng thương vong, hoặc sự cố gì xảy ra còn báo cáo. Buộc mìn, rải dây xong mọi người ngồi ở vị trí chờ. Khi có ba tiếng bộc phá hiệu lệnh thì tất cả cùng giật dây. Mìn sẽ cùng nổ.

   Cô Mơ nói giọng kim the thé:

   - Anh bộ đội ơi! phát mìn cho chúng em rồi, vậy anh còn mấy quả?

   - Thì mỗi người cũng chỉ có hai quả, chứ có hơn gì các chị đâu - Thường thật thà trả lời.

   Mơ lại the thé nói:

   - Thế hai quả ấy không để dành à?

   - Để dành làm gì. Chúng tôi cũng phải hoàn thành như các chị chứ. Sau trận đánh chúng tôi cũng phải nộp đủ hai nụ xoè cho chỉ huy để chứng tỏ mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

   Thường nói hồn nhiên và hoàn toàn đúng theo tinh thần chỉ đạo của trên, không hiểu sao các cô cứ đấm thùm thụp vào lưng nhau, rũ rượi cười. Thấy hai anh bộ đội trẻ ngơ ngác, các cô càng cười to hơn, rồi bảo nhau quẩy gánh lựu đạn ra về. Mỗi cô một quẩy như người đi chợ.

   Đi một đoạn xa rồi, cô Khoai bảo cô Mơ:

   - Mày bạo mồm thật đấy, dám trêu bộ đội, dám ví cái ấy của người ta như quả mìn. Trong gánh này nếu quả nào không nổ là tại cái mồm xui xẻo của mày đấy nhé.

   Mơ lại ngặt nghẽo cười, vẻ khoái trá:

   - Không nổ thì tao bắt đền anh ấy. Mà sao hai anh bộ đội ấy lành quá nhỉ. Chúng mình nói thế mà các tay ấy chả biết gì đâu, lại cứ tưởng nói về mìn thật.

   Các cô lại rinh rích cười với nhau, tưởng như họ vừa đi chợ về  sắm được nhiều hàng hoá ưng ý lắm, chứ không phải là họ đang chuẩn bị cho trận chiến đấu lớn.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Tư, 2009, 08:36:33 am gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #6 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 08:36:02 am »


   Về đến xóm Chùa, cái cô Mơ giọng the thé chua như pha dấm, luôn bông phèng, bỡn cợt ấy, bỗng trở nên săm sắn, rắn rỏi. Cô phân công công việc cho hai cô bạn, rồi rành giọt nhắc lại những nhiệm vụ mà hai anh bộ đội đã giao:

   - Đồng chí Khoai mang mìn về xóm Giữa. Đồng chí Bột mang mìn về xóm Ngoài. Tôi ở xóm Chùa này. Phân phát mìn cho từng người, yêu cầu mọi người tự chuẩn bị dây giật. Mỗi đoạn dây phải dài ít nhất là năm mét, phải là dây thừng chắc chắn. Giật xong, mỗi người phải mang đủ hai nụ xoè về nộp cho chỉ huy. Các đồng chí đã rõ cả chưa?

   Hai cô kia đáp lại rằng đã rõ. Mơ lại luyến thoắng:

   -Thôi chúng mày đi làm đi, nhớ nhắc mọi người đúng chín giờ thì xuất phát. Buộc mìn xong nhất thiết phải ngồi chờ, không được
giật sớm nhá. Phải đợi khi nào có hiệu lệnh của chỉ huy huyện đội thì tất cả cùng giật nhá.

   Những quả mìn nhỏ nằm trong thúng được các nữ du kích nhanh chóng phân phát đến tận tay từng du kích. ở chốt chỉ huy xã đội, Thường và Quang cùng xã đội trưởng đã phát hết lượng nổ cho du kích các thôn. Đồng chí xã đội trưởng bảo với Thường:

   - Thế là xã Kim Thanh được tổng số một trăm năm mươi quả, anh nhỉ. Chúng tôi phải đảm nhiệm phá 5 km đường. Lượng nổ này có lẽ cũng chưa thoả mãn. Nếu trường hợp mìn xịt không nổ thì trận đánh không đạt hiệu quả cao. Giá mà có dư một ít quả nổ nữa thì hơn.

   - Nhưng số lượng nổ trên giao có hạn. Đêm nay 5 xã cùng  tham gia trận đánh,tổng cộng có hơn một ngàn trái mìn. Mỗi người chỉ được giật hai trái thôi. Xã mình chúng tôi đã phát đủ số lượng. Đồng chí động viên anh em cứ bình tĩnh làm đúng động tác, nhất định mìn sẽ nổ hết. Lát nữa tôi và đồng chí Quang sẽ đi kiểm tra kỹ thuật đặt mìn hết một lượt. Đồng chí cứ yên tâm và nhắc mấy chị du kích ban nãy hộ. Chúng tôi đã phát hết mìn rồi, không để lại dư trái nào đâu.


Đồng chí xã đội trưởng bỗng bật cười, rồi anh vỗ vào đùi Thường:
   
- Đồng chí bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Trông còn trẻ quá, có lẽ chưa đến hai mươi phải không? Chắc là chưa có vợ. Thảo nào. Ban nãy là các cô ấy trêu anh đấy, không phải họ nói thật đâu.

   -Trêu tôi á? Trêu gì nhỉ. Chắc trông tôi thộn lắm à?

   -Trông anh rất đẹp trai. Các cô ấy muốn trêu ghẹo cho vui ấy mà. Các cô ấy bảo anh không để dành hai quả mìn, ý là hai quả mà chúng mình vẫn mang trên người từ khi bác mẹ sinh ra, cho đến hết đời ấy!

   Bây giờ Thường mới hiểu. Hai má anh nóng hổi. May mà trong  bóng tối, nếu không hai ông bạn kia sẽ trông thấy mặt anh đỏ bừng. Ôi, các cô ấy sao lại bạo dạn thế. Bỗng nhiên anh lại nhớ đến cái hôm chống càn thất bại ở làng Vân. ở đó có một người con gái anh chưa tường mặt, cũng chẳng biết tên, chỉ nhớ hơi thở và đôi bầu ngực đồng trinh như hai trái bưởi non, nóng hổi của cô. Cái cảm giác lạ kỳ vẫn bám riết anh đêm đêm, lúc này cũng bất thần quay trở lại. Thật trớ trêu. Nhưng rồi anh kịp nhớ nhiệm vụ chiến đấu của mình đang chờ đợi.

   Mười giờ đêm hôm ấy, Thường và Quang chia nhau mỗi người đi một ngả, kiểm tra những vị trí đặt mìn của gần một trăm du kích trong xã. Các đồng đội của anh về các xã khác, giờ này cũng đang làm nhiệm vụ tương tự. Trận địa của các anh trải dài trên tuyến đường sắt Hải Phòng- Hà Nội, dài đến  22 cây số.Thường nghĩ đến anh Đỗ Ninh, người thủ trưởng mới đầy oai phong của mình. Giờ này anh ở khu trung tâm huyện, chắc anh ấy cũng như Thường, đang nóng lòng mong trận đánh thắng lợi. Thường đi hơn hai cây số để kiểm tra, hướng dẫn du kích đặt mìn. đến đâu các cô du kích cũng vây quang anh, hỏi bao nhiêu chuyện xung quanh trái mìn sắp nổ. Nhiều cô gái trẻ, ngang tuổi anh. Nhiều chị lớn tuổi hơn, có lẽ đã hai tám, ba mươi tuổi. Chị nào cũng khăn mỏ quạ, lưng thắt một sợi dây, quần đen bó chặt hai ống vào cổ chân. Các du kích nam phần đông là trạc tuổi ba mươi đến bốn mươi. Thanh niên hầu như không có. Các anh tuy lớn tuổi, nhưng trong trận đánh này có nhiều nữ du kích như thế, họ lại sôi nổi, trẻ trung, nên các anh cũng trẻ lây. Họ sôi nổi hướng dẫn nhau cách giật mìn. Thường bị lẫn vào cái vui tươi, hào hứng của họ. Anh có cảm giác như đang dự một ngày hội. Mọi nỗi mệt nhọc và nhớ nhung đều tan biến. Ngày hội này không ồn ào, nhưng rất náo nhiệt, có nhiều nguy hiểm, nhưng cũng nhiều hấp dẫn. Vì mọi người cùng chung một mục đích là giết giặc bảo vệ quê hương.


Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 08:40:41 am »

Chương 3


   Sau khi chiếm đóng hoàn toàn xã Kim Minh, gặc Pháp cho xây bốt ở  đầu làng. Chúng cho một tên quan tư người Pháp và một tên quan hai người Việt về đóng xếp, chỉ huy. Tên quan hai dẫn lính về các làng lân cận bắt thanh niên vào lính, bổ sung vào đội quân của hắn. Chúng đã lùng sục đến mấy lần nhưng chưa bắt được người. Trong làng toàn những ông già, bà cả và phụ nữ mới đi tản cư trở về. Đoàn người đi tản cư từ cuối năm 1946 đến giữa năm 1947, nghe theo lời kêu gọi của Việt Minh, họ lại về bám lấy quê hương. Thanh niên làng nhiều người vào bộ đội Việt Minh lên mãi chiến khu việt Bắc. Có  ngừơi sợ súng đạn thì theo gia đình tản cư ra vùng tự do rồi ở hẳn lại đó. Có người đành đi lính cho Tây ngay từ đầu cuộc kháng chiến để đảm bảo cuộc sống gia đình. ở làng Vân chỉ còn có một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi nhưng không theo bộ đội Việt Minh, cũng chẳng tản cư, chẳng đi lính cho Pháp. Hắn chỉ ở nhà quanh quẩn bên cái bóng của cô hàng xóm, chẳng cần để ý đến mọi việc xung quanh. Sau lần chạy lên bốt báo cho giặc biết bộ đội về làng, hắn cũng chẳng tham gia một hoạt động nào chống ta, hoặc chống Tây. Người làng cho rằng hắn ẫm ờ, có người cho rằng hắn dở người, nên cũng không ai buồn để ý đến hắn. Cô gái hàng xóm là người duy nhất biết rằng hắn lên đồn báo Tây, nhưng không hiểu sao cô cũng chẳng nói với ai. Hắn cứ sống trong lặng lẽ, vất vưởng. Có lẽ hắn chẳng muốn gì hơn là ngày ngày được nhìn thấy cô từ nhà đi ra cổng và từ cổng đi vào nhà. Thỉnh thoảng được nhìn rõ hai má như hai cánh sen dưới vành khăn mỏ quạ của cô. Hôm ấy hắn đang ngồi thừ thẫn bên trong chiếc cổng vòm của ngôi nhà đã bỏ không của cha mẹ hắn thì Đội Hai ập đến. Tưởng như mọi lần, hắn vẫn ngồi yên, không hề nhúc nhích. Lần này Đội Hai không cần hỏi han nhiều, lập tức cho lính dắt tay hắn về đồn, vì suốt từ sáng đến lúc đứng bóng mặt trời mà Đội Hai chưa tìm được một mống thanh niên nào. Đầu tiên hắn dẫy dụa và chửi tục theo kiểu trẻ con đánh nhau ngày bé. Tên đội liền quất cho hắn một roi mây thật đau, thế là hắn phải đi theo tên lính, vừa đi hắn vừa khóc ông ổng. Khi đã đưa được hắn ra khỏi cổng, tên Đội bỗng dỗ dành:

   - Đừng khóc nữa. Mày ngoan ngoãn lên chỗ tao làm việc, sẽ được ăn ngon, sẽ có nhiều tiền, sẽ có nhiều gái đẹp. Số mày đỏ lắm con ạ. Làm sao mà phải khóc cơ chứ. Hắn vẫn khóc và vẫn cứ phải đi theo thày trò tên đội. Thế là hắn trở thành tên lính địa phương duy nhất ở bốt này. Tên quan hai không quen thung quen thổ, nên rất cần có những tên lính địa phương như Thân. Không bắt được những trai tráng khoẻ mạnh, chúng đành bắt thêm hai ông già chừng năm mươi tuổi để phục vụ chúng. Hai ông ngày đêm thay nhau đi chợ, thổi cơm và hầu hạ bọn quan quân trong đồn. Còn Thân, sau mấy ngày khóc lóc, y cũng ngoan ngoãn nghe lời. Chúng cho Thân tập cầm giáo, mác và tập bắn súng. Sau đó Thân thường xuyên phải dẫn bọn lính đi càn nhỏ, vào từng xóm để cướp gà lợn, thóc gạo nuôi lính tráng hoặc chỉ đường cho các quan tìm đến những nơi nhiều của ngon vật lạ. Nếu bắt được cán bộ Việt Minh thì chúng cho Thân nhận mặt và tra tấn.

   Đồn trưởng của bốt này là tên quan ba người Pháp. Hắn còn rất trẻ, có lẽ không quá ba mươi tuổi. Trông mặt luôn nghiêm nghị. Đặc biệt hắn còn có một cô vợ trẻ đi cùng. Cô vợ chắc cũng tương đương tuổi hắn, nước da trắng như bột lọc, đôi mắt nhỏ, xanh màu da trời. Mái tóc màu bạch kim chấm đến vai. Cô ta cao gần bằng chồng. Đôi dóng chân dài luôn luôn dậm trên đôi săng đan cao gót. Có vẻ cô quá yêu chồng nên không ngại gian khổ theo chồng sang tận cái xứ sở bụi bặm này. Có vẻ cô cũng rất lo cho sự an toàn của chồng nên mỗi khi tên quan hai người Việt lập kế hoặch để đồn trưởng chỉ huy đi càn thì cô đều tìm cách hoãn lại hoặc từ chối. Cô cũng bập bẹ nói được mấy câu tiếng Việt. Câu mà cô hay nói nhất với tên người Việt là:" mệt lắm" hoặc  "Anh ấy mệt. Ông chỉ huy một mình vậy". Những câu khác thì cô nói ngọng, nhưng riêng câu ấy cô nói rất sõi. Chồng cô thực sự là một sĩ quan Pháp rất hăng hái trong việc cầm súng đi đánh  chiếm, bình định. Nhưng có lẽ trước người vợ đẹp và hết lòng vì hắn thì hắn cũng không muốn rời xa. Nhiều cuộc càn chỉ là tên sĩ quan người Việt cùng lũ lính thực hiện. Trong số hơn hai mươi tên lính trong đồn chỉ có ba  tên lính Pháp, trong đó có một lính da đen.

   Ngày ngày tốp lính thay nhau ra canh gác ở đầu chiếc cầu sắt bắc qua sông. Một tốp khác đi tìm mìn dọc hai bên đường sắt. Chúng dùng các móc sắt và bắt thêm phu trong làng mang liềm, hái, cào cỏ ra cào hai bên đường. Mục đích là để phát hiện dây mìn. Ngày ấy bộ đội Việt Minh chưa có loại mìn tự động nổ mà phải dùng loại mìn giật dây. Bởi vậy chúng cào hai bên đường, nếu bộ đội, hoặc du kích dấu dây không kỹ là chúng phát hiện được ngay. Đã hai ba lần chúng tìm thấy dây mìn. Tìm được dây rồi thì cứ lần theo dây sẽ tìm ra quả mìn. Nhưng hàng tháng nay rồi, bọn lính và phu phen không tìm thấy dây mìn. Một mặt do bộ đội, du kích rút kinh nghiệm, dấu dây mìn kỹ hơn, một mặt những người dân quanh vùng được giác ngộ, khi bị bắt đi tìm dây mìn họ chỉ tìm qua loa, có khi thấy dây mìn họ còn dấu hộ. Không phát hiện ra mìn, thày trò trong đồn yên trí cho rằng bọn du kích ở vùng này đã hoàn toàn sợ hãi, không dám hoạt động nữa. Tên đội Hai huyênh hoang nói với đàn em:

   - Bọn du kích với bộ đội Việt Minh phen này xẹp như gián ngày, cho kẹo cũng không dám ra phá đường nữa.
 Rồi việc phòng ngừa của chúng cũng sao nhãng hơn. Ngày ngày hàng trăm xe vận chuyển vũ khí, đạn dược vẫn nhộn nhịp trên đường, bốn chuyến tầu quân sự vẫn ung dung nhả khói lượn lờ, như con cuốn chiếu khổng lồ bò đi tìm mồi trên đồng lúa mênh mông.
Sáng hôm ấy, vào khoảng chín giờ, có một đoàn tầu hai mươi toa chở hàng quân sự, kèm một toa chở lính. Những tên lính viễn chinh vừa được đưa từ cảng Mác Xây đến cảng Hải Phòng, rồi  từ Hải Phòng lên tầu hoả tiến về Hà Nội. Dạo ấy là tháng hai âm lịch, lúa đang thì con gái, cánh đồng như được trải một tấm thảm xanh bằng xa tanh, mềm mượt và bóng nhẫy. Gió xuân nhè nhẹ, mơn mam. Từng cây lúa reo vui trong gió, cánh đồng hoà âm như một bản nhạc xôn xao. Đoàn tầu chuẩn bị qua cầu, như thường lệ, nó kéo một hồi còi dài. Tiếng còi xé gió làm cho bản hoà âm của lúa dường như tắt lụi. Đoàn tầu ngạo nghễ lao đi, đến chỗ đường cong, chuẩn bị lên dốc đầu cầu thì bỗng "ùm!", một tiếng nổ nghe nặng chịch và chát chúa. Một cột khói đen ngòm, dựng đứng. Phút chốc khói toả lan che kín cả một khoảng không gian. Đầu máy vỡ toác, những cục than đang cháy đỏ cũng văng ra tứ phía. Hai mươi toa dồn vào nhau và cùng một lúc lật bánh đổ kềnh xuống ruộng lúa. Toa chở lính đi sau cùng dường như nhẹ hơn những toa khác nên nó văng ra xa, lật ngửa lên trời, năm mươi tên lính trong toa không còn một tên nào sống sót.

Lúc ấy ở chốt gác đầu cầu gần với bốt Tiền, bọn lính gác hốt hoảng, không hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Chúng không dám tin vào mắt của mình nữa. Đoàn tầu như con cuốn chiếu khổng lồ kia vừa bị chặt ra từng khúc. Khói đen còn nghi ngút, lan toả khắp cánh đồng. Phải đến vài phút sau chúng mới đủ can đảm để chấp nhận một sự thật là đoàn tầu đã bị mìn đánh đổ. Toán lính gác mặt xanh, nanh vàng, run như cầy sấy. Tên trưởng nhóm liều mạng lia mấy băng tiểu liên ra xung quanh. Đạn nổ vu vơ trên ruộng lúa. Rồi dường như hắn  chợt tỉnh táo. Hắn hô quân chạy xuống cánh đồng tìm bắt kẻ giật mìn. Giọng hắn hét gần như lạc đi:

   - Bọn bay, chạy nhanh, chặn phía bờ sông, chặn cả lối vào làng. Gặp đứa nào chạy, bắn hết.

   Hơn chục tên lính ào ào như vịt nhảy xuống đồng lúa. Lúc ấy ở cạnh một bờ lúa có hai chiến sĩ bộ đội địa phương đang ẩn nấp. Gần đó một bà nông dân, quần xắn đến gối, cầm chiếc cào cỏ đang bước vội về làng. Bà là nông dân đích thị ở làng này. Bà đi làm cỏ lúa. Giờ nghe tiếng nổ, bà khiếp sợ phải chạy về. Thực tình bà không dám chạy, vì nếu chạy bọn địch nghi ngờ sẽ bắn chết ngay. Bà đi vừa khuất vào trong bụi tre thì hai anh bộ đội ngồi dưới ruộng lúa, thấy địch đuổi đến nơi cũng liều bỏ chạy. Kế hoặch của các anh sau khi mìn nổ, lợi dụng lúc nhốn nháo, rút chạy ra con sông gần đó rồi bơi sang bờ bên kia, nhưng không kịp. Bọn địch hò hét đuổi. Các anh cố sức chạy ra bờ sông. Một người ngã gục, Một mgười bị bắt khi vừa chạm mép nước. Cùng lúc khi bọn địch đuổi bắt ở cánh đồng thì bọn địch trong bốt đầu làng cũng xông ra sục sạo. Chúng vừa chạy ra thì gặp bà già cầm cào cỏ hớt hải đi về. Một thằng quát:

   - Bà kia, đứng lại!

   Người đàn bà giật thót, tim đập loạn xạ, muốn chạy nhanh về nhà, nhưng mấy tên lính chĩa súng chặn đường, bà đành dừng lại.
Một tên nhìn chằm chằm vào mặt bà rồi nhếch mép cười khẩy:

   - Bà già này lạ quá nhỉ! Bà ra đồng làm gì?

        Người đàn bà vừa nói vừa run:

   - Tôi đi làm cỏ lúa...Thấy mìn nổ, súng bắn, tôi sợ lắm...Tôi về nhà đây!
Một tên quát:

   - Không được. Bà phải vào đồn trình diện để quan Tây tìm được bọn Việt Minh đã - Hắn nói thêm - mà sao tiếng bà già lại trong vắt như tiếng con gái ấy nhỉ?

   Đến đây thì người đàn bà run thật sự, không dám thốt ra lời nào nữa. Bà sợ cái giọng nói trong trẻo của mình càng làm chúng nghi ngờ. Thực tình bà già này chỉ là một cô gái vừa tròn mười tám tuổi.

   Không căn vặn nhiều nữa, chúng cứ túm lấy bà lôi vào đồn, nhốt lại. Lúc đó trừ tên lính gác ngoài cổng bốt, còn tất cả lính tráng trong đồn đổ cả ra chỗ đoàn tầu bị nạn. Người thanh niên bị bắt ở bờ sông cũng bị  đưa về nhốt ở đây. ở cái bốt nhỏ này chúng  chưa xây riêng nhà giam, mà chỉ có một gian đựng đồ đạc, gọi là nhà kho. Hai tù nhân được nhốt chặt trong đó. Người thanh niên này còn rất trẻ. Trước khi tống vào đây, bọn chúng đã đánh anh thâm tím mặt mày. Quần áo anh ướt sũng, bùn đất khắp người. Anh có vẻ rất buồn vì đã bị sa vào tay giặc. Cô gái có vẻ rất sợ hãi, ngồi nép một góc, lẫn vào với những thùng gỗ lỏng chỏng. Một lúc lâu người thanh niên mới hỏi:

   - Tôi tưởng chị chạy thoát rồi, hoá ra cũng rơi vào tay chúng. Có lẽ chúng phục kích sẵn hay sao ấy.

   Giọng chị vẫn còn run:

   -Tôi dại quá, đáng lẽ cứ ngồi yên ở bờ ruộng ấy, có khi chúng lại không bắt được. Không phải chúng phục kích mà bọn lính trong đồn chạy ra, gặp tôi nên chúng bắt.

   - Chị người làng này, nếu chúng có tra hỏi thì chị cứ nói là đi làm cỏ lúa, chúng chẳng có chứng cớ gì mà buộc tội chị. Còn tôi, từ nãy đến giờ tôi chỉ nhận là  người bên sông đi bắt rắn đến đây. Chúng lại hỏi, đi bắt rắn thì dụng cụ với giỏ đâu. Tôi bảo, nghe thấy mìn nổ sợ quá, vứt hết đi rồi. Dĩ nhiên là chúng nó không tin, nhưng tôi phải nói như thế và chỉ nhận có thế. Còn anh Nam, không biết có chạy thoát không. Thấy súng nổ và bọn lính hò nhau sục sạo, hai anh em bảo nhau mỗi người chạy một ngả, cố gắng nhảy được xuống sông thì may ra thoát. Chắc là anh ấy chạy thoát được rồi. Chị có trông rõ đoàn tầu của nó đổ hết không?

   - Tôi nhìn rõ lắm. Toa nào cũng nghiêng xuống ruộng. Mìn của các anh đã nổ trúng đầu máy.

   - Đấy là nhờ công của chị. Khi nghe tiếng đoàn tầu ầm ầm chạy đến, tôi hồi hộp lắm. Rồi tôi cứ chằm chằm nhìn phía trước, không rời khỏi tấm lưng chị. Lúc thấy cán chiếc cào cỏ trong tay chị giơ cao khỏi đầu, thế là tôi hô to cho anh Nam dí ngòi điện. Nghe tiếng  "ầm" một cái, tôi biết là thế nào tầu cũng đổ.

   Thì tôi làm theo đúng kế hoạch của các anh đấy. Lúc giơ cái cán cào lên cao tôi cũng run lắm. Chỉ sợ các anh không nhìn thấy, rồi lại sợ bọn lính trên chốt phát hiện ra hành động của mình, rồi lại sợ mình nhìn không rõ vị trí đặt mìn. Đêm hôm qua, lúc chôn mìn xong, tôi phải nhớ đinh ninh bụi dứa dại cạnh bờ lúa. Cứ chiếu thẳng bụi dứa ấy đến chỗ quả mìn. Các anh bảo lấy vòng cua đường làm chuẩn, khi nào cả đoàn tầu chạy hết vào đường vòng cua thì làm ám hiệu, nhưng tôi thì tôi cứ lấy bụi dứa dại làm mốc. Khi chiếc đầu tầu vừa bò đến chỗ bụi dứa là tôi giơ cao cán cào lên, bụng bảo dạ: quả mìn này làm tầu đổ thì du kích xã Kim Minh không thua kém du kích xã ái Quốc nữa.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #8 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 08:42:18 am »

Bên ngoài vẫn ắng lặng. Trong gian nhà kho tối mờ mờ, một anh bộ đội trẻ và một cô du kích trẻ đột nhiên thấy ngượng ngùng. Sao họ lại ở vào hoàn cảnh trớ trêu này. Mới chiều qua từ căn cứ của huyện đội về Kim Minh nhận nhiệm vụ, anh gặp cô gái trẻ này trong dáng vẻ dịu dàng, thanh khiết như bông hoa đồng nội trước bình minh. Đồng chí xã đội trưởng giới thiệu với hai anh bộ đội:

- Đây là nữ du kích trẻ nhất xã tôi. ở trong vùng tề này, những cô gái mới lớn thường tìm cách chạy ra vùng tự do, vì ở lại làng nguy hiểm lắm. Bọn lính dõng, bọn tề nguỵ có thể bắt lên bốt phục vụ bất cứ lúc nào. Mà đã lên bốt thì con gái không còn là con gái nữa. Cô này hồi mới kháng chiến cũng đi tản cư rồi, nhưng được mấy tháng cô lại cùng mẹ về làng cày cấy. Cô thường mặc quần áo của mẹ đi làm lẫn với mấy bà già, thậm chí đã làm phu trên bốt, gánh nước tưới rau, nhưng bọn lính chưa bao giờ biết cô là cô gái trẻ. Váy áo cô mặc luôn vá chằng vá đụp. Mặt mũi nhom nhem vì một lớp nhọ nồi, có khi là nhựa lá khoai, bước đi còng còng, luôn cúi gằm mặt xuống, trông như một bà già héo hắt. Chả thằng lính nào thèm để ý đến cô. Ngày mai đi phối hợp với các anh, không ai thích hợp hơn cô gái này. Trong vai bà già làm cỏ một mình, chúng chẳng nghi ngờ gì đâu.

 Cả hai chàng trai cùng phì cười. Một người nói:

- Trông như bông hồng hàm tiếu thế này mà lại bảo là bà già ư?.

 Cô gái nhanh nhảu trả lời:

- Được đánh giặc với các anh bộ đội trẻ thế này thì bà già trăm tuổi cũng muốn trẻ lại đấy!

 Nói vậy rồi cô cười. Sao cái miệng cười xinh tươi đến thế. Lòng anh bộ đội trẻ bỗng xốn xang. Đồng chí xã đội trưởng giới thiệu với cô, hai anh bộ đội huyện một người tên là Nam, một người tên là Dũng, thực ra cũng không phải tên thật của hai anh. Đi chiến đấu trong lòng địch thế này càng bí mật được đến đâu, càng hay đến đó.

   Buổi tối, tổ chiến đấu gồm hai bộ đội huyện và một nữ du kích địa phương bắt đầu làm nhiệm vụ. Họ mang thuổng, răng bừa, vải bạt và tay nải đi đào hố chôn mìn. Trước khi đào, họ phải nhặt gọn những viên đá trên đường ray đặt vào góc tấm vải bạt. Đó là những viên đá đã được địch quét vôi trắng để đánh dấu đường. Hai thanh niên dùng răng bừa, thuổng, đào sâu một hố bằng cái thúng, được tí đất nào đều dồn vào bao tải cho cô gái mang đổ ra xa. Sau khi đặt mìn vào hố, lấp đất xong, phải xếp lại những hòn đá có dấu vôi vào đúng chỗ cũ. Xong đâu đấy mời tiếp tục chôn dấu dây mìn. Nam cầm thuổng xắn sâu xuống đất chừng một thép mai, Dũng đặt dây xuống rồi nguỵ trang lại, còn cô gái thì cầm các dụng cụ đi theo, có nhiệm vụ canh chừng bốn xung quanh. Thỉnh thoảng gặp một luồng đèn pha từ chốt gác đầu cầu quét ra thì ai trong tư thế nào giữ nguyên tư thế đó, giống như bụi cỏ, gốc cây có sẵn ở đó từ lâu. Khi vệt đèn chiếu đi chỗ khác lại tiếp tục làm việc. Mò mẫm trong đêm như vậy, họ rải được một trăm năm mươi mét dây men theo bờ lúa. Đến cự ly an toàn, họ đào một cái hố sâu làm chỗ ẩn nấp, chuẩn bị giật mìn. Làm xong chừng ấy việc đã mười hai giờ đêm. Mảnh trăng cuối tháng bắt đầu ló ra ở góc trời. Cô gái mảnh dẻ đi phía trước. Tiếng kèng kẹc ran ran, nhưng dường như Dũng vẫn nghe rõ tiếng thở nhẹ nhàng lẫn trong hương lúa non của cô. Hơi thở dường như có vị ngọt của đòng đòng, có mùi thơm của cốm mới. Không hiểu sao Dũng chỉ muốn vượt lên sánh ngang bước cùng cô, nhìn vào khuôn mặt trăng non của cô. Nhưng bờ lúa nhỏ quá không đủ cho hai người đi song đôi. Hơn nữa còn anh chàng Nam đi sau, hình như hắn cũng đang muốn vượt lên. Đi một đoạn khá xa bốt giặc, cô gái bỗng gọi khẽ:

   - Anh Nam, anh Dũng ơi! Các anh kể chuyện chị Lự ở ái Quốc cho em nghe với!

   Dũng nhanh nhảu nói:

   -Chị bảo cái gì cơ. Chuyện chị Lự á? Chị âý phối hợp với bộ đội đánh mìn làm đổ một đoàn tầu giặc, chẳng may bị bắt, chị đã dũng cảm đấu tranh với bọn chúng, vì không có chứng cớ gì nên chúng phải tha chị về.

   -Thế có phải chị ấy giả làm người đi đánh dậm, khi thấy đoàn tầu đến thì giơ cao cái mõ dậm lên làm ám hiệu cho bộ đội không ạ?

   - Đúng rồi. Ngày mai thì chị giơ cao cái cán cào cỏ lên. Nhớ là phải giơ cao quá đầu đấy nhé. Mà chị tên là gì nhỉ, suốt từ chiều đến giờ chưa kịp hỏi tên.

   -Tên em xấu lắm, các anh cứ gọi em là cô du kích, hoặc "bà du kích già" cũng được.
Cả ba người cùng bật cười. Nam lý sự:

   -Gọi như thế, nhỡ đang chiến đấu có việc gì cần trao đổi lại gọi cô du kích ơi, có mà chết với địch. Chị phải cho biết tên để sau này còn nhiều dịp gặp nhau mà gọi chứ.

   - Nếu vậy thì các anh cứ gọi em là Lúa nhớ. Ngày mai cần ra lệnh gì, các anh cứ gọi Lúa ơi, thế là em khắc thưa.

   Dũng mạnh bạo:

   - Thế chị Lúa đã có gia đình chưa, anh ấy đi đâu?

   - Em có rồi. Nhà em cũng là bộ đội như các anh ấy.

   Nam bảo:

   - Chị Lúa lừa dối bộ đội rồi. Đồng chí xã đội trưởng bảo chị chưa đầy mười tám tuổi, chưa có gì  hết. Nói dối bộ đội thì không tốt
đâu. Nói thật nhé, chị có ưng bộ đội không để chúng tôi giới thiệu cho. Cậu Dũng này quê bên Gia Lộc, chưa có bạn trăm năm, đang muốn tìm một cô du kích để kết bạn đấy.

   Dũng lại bảo:

   - Anh Nam quê Thanh Hà, cũng đang muốn tìm một cô du kích để xây dựng gia đình. Chị Lúa có ưng thì cứ cho một nhời, tôi sẽ báo cáo với đơn vị giúp.

   Cô gái thẹn lắm, nhưng có một mình là phụ nữ nên phải cứng rắn. Cô cười, nói như giao hẹn:

   - Sau trận đánh ngày mai, anh nào ở lại với em thì em sẽ chọn.

   Một câu nói chơi như vậy chẳng làm ai mếch lòng. Ngày mai, sau trận đánh hai người sẽ trở về đơn vị, tiếp tục những trận đánh khác. Ai dám tự ý ở lại đây. Nào ngờ chỉ một mình Dũng gặp lại Lúa, mà lại gặp nhau trong hoàn cảnh oái oăm thế này. Rồi số phận của mỗi người sẽ ra sao? Không thể biết trước  được. Dũng dự đoán, bản thân anh có thể bị chúng tiếp tục đánh đập, khảo tra, nhưng nhất định anh không nhận mình là người đánh mìn, chỉ nhận là người bắt rắn. Cùng lắm thì chúng đánh chán tay rồi bắt anh làm lính, làm phu cho chúng. Còn cô Lúa, nhất định chúng sẽ thả cô, vì cô là người làng này, một làng tề do chúng kiểm soát. Cô đi làm cỏ lúa chẳng dính gì đến quả mìn kia. Hơn nữa sẽ có Hội đồng dân biểu với gia đình cô kêu xin, chắc chắn chúng sẽ thả cô ra sớm.

   Dự đoán như vậy và Dũng cũng nhớ một điều là nếu hai người tỏ ra quen nhau thì chúng không thả cô. Cũng may, từ sáng đến giờ chúng còn bận thu dọn chiến trường. Nào tìm cách kích, trục những toa tầu đổ, nào băng bó rồi khâm liệm những tên đã chết, cho lên ô tô chở quay lại Hải Phòng. Chúng chưa có thời gian tra khảo tiếp. Lợi dụng cơ hội này, Dũng nói với cô gái:

   - Chắc chắn chị sẽ được tha, còn tôi thì khó thoát lắm. Cũng chưa biết thế nào, nhưng tôi cứ  dặn chị trước, nếu sau ngày có điều kiện thì nhờ chị tìm đến làng Rồng huyện Thanh Miện, gặp bu tôi. Tên bà là Di. Hiện nay bu tôi đang sống một mình. Thầy tôi mất từ trước cách mạng tháng Tám cơ. Bu tôi mới ngoài bốn mươi tuổi, nhưng sức yếu, chỉ loanh quanh với ruộng vườn. Hôm đi tòng quân, tôi trốn  đấy chứ, có dám nói thật với bu tôi đâu. Tôi sợ bu tôi không cho đi, với lại sợ bà buồn, khóc ngắn, khóc dài làm tôi không đi được. Tôi chỉ nhắn với bà thím ở làng bên nói lại với bu tôi rằng tôi đi tòng quân. Hơn hai năm rồi tôi chưa có dịp về nhà. Chắc bà  mong nhớ tôi lắm đấy. Nếu số phận tôi có sao thì chị cứ nói với bu tôi rằng, tôi cũng thương bu tôi lắm, nhưng làm trai khi đất nước có giặc thì không thể quanh quẩn ở nhà. Chị Lúa ạ, bây giờ chúng sắp về rồi đấy. Chắc chắn chúng sẽ đánh tôi và tra hỏi chị. Chúng ta phải coi như không biết nhau thì chúng mới thả chị ra. Nhớ nhé!

   - Vâng, tôi nhớ rồi!

   Từ lúc đó hai người nằm co mỗi người một góc trong cái nhà kho tối và ẩm. Một ngày dài dặc trôi qua, dường như chúng bỏ quên hai người. Họ chẳng được chút gì vào bụng. Họ vẫn nằm im chuẩn bị tinh thần đối phó với quân thù.

   Những điều Dũng dự đoán chỉ đúng có một nửa. Khoảng bốn giờ chiều chúng bắt đầu lôi Dũng ra tra khảo. Thằng đánh, thằng chửi, thằng hỏi dồn dập, làm anh tối tăm mặt mày. Chúng dùng nắm tay, gậy gỗ, dầy săng đá, nhằm vào mặt, vào đầu, vào mạng sườn Dũng mà nện, mà phang, mà đá. Chúng hành hạ anh thoả thuê, cho đến lúc anh nôn ra máu, cứt đái be bét quanh người, miệng anh vẫn chỉ lẩm bẩm mỗi một câu:" Tôi là người bắt rắn", rồi anh ngất đi. Ngồi trong gian nhà kho ẩm, tối, nghe những tiếng đấm đá, với những tiếng kêu đau đớn của Dũng, cô Lúa run như giẽ. Cô thầm cầu trời, khấn phật cho anh sức khoẻ để chịu đựng đòn roi của giặc, vượt qua vận hạn này. Lúa không biết rằng số phận của cô còn bi thảm hơn nhiều.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tư, 2009, 08:43:45 am »

Khoảng bẩy giờ tối hôm đó, khi bon lính đã cơm rượu xong xuôi, chúng xồng xộc chạy về phía gian nhà kho. Cô Lúa thấy tiếng khoá mở và tiếng cánh cửa quay gấp gáp. Cô đang định kêu xin rằng tôi bị bắt oan, tôi chỉ là người đi làm cỏ lúa. Nhưng cô chưa kịp kêu thì gian nhà kho ẩm, tối bỗng oà sáng sau một tiếng tách của công tắc điện. Ba tên lính nguỵ nhìn cô như gấu đói thấy mồi. Một thằng văng tục:

   - Đ. mẹ! Chúng mày thấy chưa? Tao nom rõ ràng nó là con gái chứ đâu phải bà già. Thật là giời thương  chúng mình, bỗng dưng lại đưa đến một con mái tơ thế này. Tao nhìn thấy trước, tao phải dùng trước.
Chẳng cần hai thằng kia tỏ thái độ gì, hắn vồ lấy cô gái, giật phăng hàng cúc áo. Chiếc yếm tơ tằm mỏng bó sát lấy ngực cô, hắn cũng giật phăng. Bây giờ thì cô gái đã hiểu sự tình. Cô kêu khóc và van lậy, rôì chửi bới. Nhưng dường như tai chúng điếc cả, còn những cặp mắt thì hau háu nhìn vào hai bầu vú mịn màng, trắng ngẫn, non tơ, lồ lộ của cô. Chúng khoái trá bảo nhau:

   - Ôi, có mất tiền nghìn cũng không mua được con vịt ngon thế này trong nhà chứa. Chúng mày đóng chặt cửa, bịt mồm nó lại, kẻo sếp nghe tiếng thì chúng mình uổng công.

   Rồi chính hắn giật nốt mấy mảnh quần của cô, vơ một bên ống, vo viên nhét vào mồm cô. Hắn bảo hai thằng bạn:

   - Chúng mày chịu khó đợi một chốc nhá. Muốn nhanh đến lượt thì giúp tao đi. Dang hai chân nó ra hộ tao.

   Và thế là trong gian nhà kho ẩm, mốc, dưới ánh điện một trăm oát, thân thể nõn nà của cô trinh nữ bị ba thằng lính đói gái  thay nhau hành hạ. Một thằng hiếp, hai thằng vừa giữ chân tay, vừa ngồi xem, đứa suýt xoa, đứa nuốt nước bọt. Thằng đầu tiên vừa hồng hộc thở vừa kêu rên:

   -Đ. mẹ, nó vẫn còn trinh chúng mày ạ. Tao đau quá! Tao sướng quá! Tao chết mất!

   Khi cả ba con thú người này thoả mãn dục vọng thì tấm thân ngọc ngà của cô gái đã nhầu nhĩ, mềm oặt như tầu dọc khoai héo, chân tay không nhúc nhích, mắt nhắm nghiền, tóc tai rũ rượi, chỉ còn vồng ngực phập phồng, hơi thở thoi thóp. Ba thằng lính hả hê bỏ ra ngoài. Căn phòng lại chìm trong bóng tối và hơi ẩm.

   Khi tên quan hai ( tên hắn là Thìn, nhưng bọn lính tráng ở đây gọi là " sếp hai", còn nhân dân quanh vùng thì gọi là " đội hai") từ Sur Sectors Hải Dương ( Chi khu quân sự Hải Dương ) trở về thì  trời đã nhá nhem tối. Hắn vội vàng tắm rửa, vội vàng ăn cơm. Hôm nay tâm trạng hắn thật nặng nề. Cái tầu đổ trên đoạn đường cong gần cầu Tiền, nơi hắn chốt giữ này như một quả tạ giáng xuống tương lai của hắn. Thật là điên rồ. Bao nhiêu ngày tháng giữ nghiêm ngặt. Kế hoặch bảo vệ đường của hắn chặt chẽ đến nỗi tưởng chừng không một con chuột nào chạy ngoài bờ ruộng, không một con chim nào bay qua trên trời, mà hắn không biết. Cấp trên luôn khen ngợi hắn, biểu dương hắn và cả hứa hẹn tăng một bông mai cho hắn sớm trước thời hạn. Vậy mà sấm, chớp, bão giông lại đổ lên đầu hắn trong một buổi sáng dịu dàng, ấm áp. Quả là trời hại hắn. Đoàn tầu hai mươi mốt toa lật nhào, đầu máy hoàn toàn bị phá huỷ, gần năm mươi tên lính vừa mới tuyển mộ từ An-giê-ri, Ăng-gô-la, Ma-rốc, cấp tốc huấn luyện, chuyển sang bổ sung cho chiến trường Việt Nam đã bỏ mạng. Tổn thất nặng nề ấy chắc chắn một phần lớn sẽ giáng xuống đầu hắn. Cái cổ tuy cứng cỏi của hắn không hiểu có giữ nổi cái đầu không. Mấy bông mai trên ve áo liệu có rơi rụng không. Chừng ấy nỗi lo làm cho hắn đứng, ngồi không sao yên được. Thật không may cho hắn, tai nạn xẩy ra vào đúng ngày vợ chồng ngài đồn trưởng người Pháp đi vắng. Một sĩ quan cao cấp chỉ huy thành Hà Nội là bạn thân của ngài, tổ chức  bữa tiệc lớn mừng sinh nhật phu nhân của ông ta. Hai vợ chồng đồn trưởng lên xe zép đi Hà Nội từ tối hôm qua. Trước khi đi đồn trưởng Solny đã giao toàn quyền chỉ huy cho hắn. Người thông ngôn nói rằng: Xong việc, sếp còn đưa phu nhân đến thăm, chơi vài chỗ quen thân khác. Từ nước Pháp xa xôi đến đây, các quí bà nhớ nhau lắm. Sớm cũng phải sau hai ngày sếp mới có mặt tại đồn. Lúc ấy Đội Hai mừng khấp khởi, vì hắn có những hai ngày nắm toàn quyền. Hắn sẽ huy động lính càn sâu vào vùng chợ Cháy, Thanh Hà, nơi vẫn được coi là trù phú của xứ Đông để vơ vét của cải. Còn bây giờ thì hắn trách trời, oán đất, sao lại để vợ chồng ngài Sôlny vắng mặt vào đúng những ngày này.

   Sáng nay hắn bắt Thân dẫn đường cùng hai tên lính khố xanh sục sạo xuống vùng chợ Cháy. Chúng vừa vào đến làng Cập Nhất thì nghe một tiếng nổ lớn, nhìn lại phía đồn thấy khói đen bốc mù trời. Thế là cả bọn nháo nhác quay về. May mà hắn về kịp khi quan Tây ở Séc tơ Hải Dương chưa kịp xuống. Chỉ chậm mấy phút nữa hắn không có mặt tại hiện trường thì đời hắn ra ma. Tên trung uý được hắn giao công việc ở nhà, mặt xanh như tầu lá, lập cập báo cáo:

   -Thưa đại uý, đã bắt được một tên bộ đội Việt Minh và một mụ nông dân làng này, hiện đang nhốt ở đồn.

   - Được. Tao sẽ trực tiếp tra hỏi chúng.

   Nuốt vội vàng cho xong bữa, hắn vừa quăng đôi đũa xuống bàn, vừa vẫy tên lính lệ:

   - Gọi thằng Thân lên đây!

   Thân có mặt sau vài phút. Đội Hai vừa xúc miệng ồng ộc vừa nói:

   - Tao sẽ đi tra hỏi con đàn bà bắt được sáng nay. Mày theo tao xuống nhận mặt xem là đứa nào. Mày bảo nó khôn hồn thì khai ra. Nếu ngoan cố thì sẽ bị đánh đập như thằng bộ đội kia. Thằng ấy sắp chết rồi. Ngoan cố sẽ cho chết ráo.

   Thân ngoan ngoãn chạy theo hắn. Từ khi làm lính ở đồn Tây, Thân cũng nhanh nhẹn lên đôi chút. Đã nhiều lần hắn theo tên Đội Hai đi lùng sục, càn quét mấy làng lân cận. Tên Đội Hai thì bảo là hắn dẫn đường, còn hắn, hắn chỉ nghĩ rằng hắn đi theo sếp. Dẫn đường với cướp bóc là hai việc khác hẳn nhau. Hắn chả cướp bóc cái gì, cũng chả dám đánh giết ai. Tuy bên người hắn vẫn kè kè khẩu súng, nhưng chưa bao giờ hắn nổ một phát, trong khi bọn Đội Hai cùng tay chân vơ vét từ nồi đồng, tráp bạc, đến vòng xuyến, dây chuyền. Mạnh đứa nào, đứa nấy mang về làm của riêng. Còn gà, heo, ngan ngỗng, thậm chí cả trâu bò thì bắt về làm đồ nhậu nhẹt. Thân đi theo bọn hắn, lúc đi thì chỉ lối, lúc về thì vác đồ. Đủ các thứ bà rằn mà Đội Hai vơ cướp được đều giao cho hắn khuân vác. Có khi là cả một gánh nặng. Chỉ tiền, vàng cướp được là hắn nhét vào túi, không đưa cho Thân. Lúc về bao nhiêu thứ cướp được đều còn nguyên, Thân không tơ hào chút gì. Có khi sếp cho, Thân cũng không nhận. Điều này làm cho tên Đội Hai đặc biệt quí Thân. Thân không ham muốn gì hết, duy có một điều Thân muốn thì Đội Hai không có để cho hắn. Hắn muốn được có cô hàng xóm ở đây. Hắn muốn được nhìn thấy tấm lưng ong của cô, được ngắm hai má như hai cánh hoa sen của cô, muốn được lẳng lặng ngồi hàng giờ nhìn cô thấp thoáng. Từ ngày hắn vào lính ở hẳn trên đồn, hắn không được nhìn thấy cô gái nữa. Thỉnh thoảng hắn vẫn về làng, ngồi lại trong chiếc cổng vòm của nhà hắn nhìn sang nhà cô, nhưng chẳng thấy tấm lưng ong thon thả của cô đâu. Hắn đoán già, đoán non: Hay cô đi tản cư rồi, hay cô theo bộ đội, hay cô đã lặng lẽ lấy chồng? Hắn không tiện hỏi ai. Mà có hỏi chắc cũng chả ai thèm nói. Từ ngày hắn mặc áo lính nguỵ, dân làng dường như xa lánh hắn. Người ta đổi cách xưng hô, gọi hắn là " ông đội". Mọi người có gặp hắn chỉ chào hỏi qua loa rồi đi, không muốn chuyện trò, nhiều người cũng chả cần phải chào hỏi hắn, mà đi lối khác tránh mặt. Hắn còn một tia hy vọng là người mẹ già của cô còn ở lại đó. Chắc  hẳn một ngày kia cô gái sẽ về thăm mẹ, thể nào hắn cũng có dịp gặp được cô. Trong những lần đi càn quét, duy có một lần nhìn thấy tấm khăn vuông bằng nhiễu còn mới phơi trên dây, hắn chạy đến rút xuống, gấp cẩn thận bỏ vào túi, với ý nghĩ sẽ tặng cho cô hàng xóm khi gặp lại. Nếu gọi là cướp của thì đấy là của cải duy nhất mà hắn cướp được trong một trận càn. Chiếc khăn nhiễu ấy lúc nào cũng nằm trong túi áo hắn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM