Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:47:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Người của biển  (Đọc 46358 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« vào lúc: 07 Tháng Tư, 2009, 10:50:32 am »

NGƯỜI CỦA BIỂN

                                                                                                 Tên sách: Người của biển ( Tiểu thuyết )
                                                                                                    ( Giải thưởng Bộ Quốc phòng-1989 )
                                                                                                 Tác giả: Đình Kính
                                                                                                 Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
                                                                                                 Năm xuất bản: 2003
                                                                                                 Số hoá: phonglan, ptlinh

1


     Chiếc xe con mang biển đỏ, cài kín lá nguỵ trang dừng lại trước ba-ri-e. Những người trên xe chưa kịp bước xuống thì trong chòi gác bên vệ đường, một người cao lớn, khẩu súng trường đeo trễ bên vai, chiếc mũ rơm rộng vành úp sùm sụp trên đầu che hết phần trán, da mặt sạm đen trông như người Mễ -tây-cơ, sấn sổ xô tới.
- Các anh mù à? Không thấy biển cấm hay sao mà còn cho xe lao lên? Muốn ăn rốc két hay ăn bom, hả?
Anh ta mắng sa sả, nét mặt hằm hằm, cánh tay phải với bàn tay thô, ngón như quả chuối hột, vung lên kẻ cả.
    Đoàn trưởng Tư và Lê mở cửa xe, nhảy vội ra.
- Chào đồng chí!
- Cho xe lùi lại ngay! Các anh muốn gọi máy bay tới thì đánh xe đi chỗ khác, còn đây là bến phà! Bến phà! Là sinh mạng hàng trăm con người, là mạch giao thông…
- Báo cáo đồng chí, chúng tôi có việc quân sự cần vào thành phố gấp.
- Thời chiến, việc nào chẳng là việc quân sự? Đã có lệnh cấm mọi loại xe cộ vào thành phố trong giờ cao điểm, dễ chừng cái việc ấy không phải là việc quân sự hẳn?
- Báo cáo…
- Tôi lệnh cho xe ra khỏi khu vực này, đồng chí thiếu tá có chấp hành không?

    Đoàn trưởng Tư lắc đầu, đành cho xe quay lại.
    Người điều khiển bến phà trở vào chòi, vơ vội cái loa gò bằng sắt tây, đưa lên miệng, gọi xuống bến. Dưới đó con phà từ bên kia sang, đang cập bờ đá. Những người có việc cần phải qua sông vào giờ này vừa trải qua những giây phút căng thẳng, thấp thỏm, như trút được gánh nặng tất tả ùa lên bờ.
- Đồng bào bình tĩnh. Không xô đẩy, chen lấn nhau. Cách bến năm trăm mét về phía tay phải có hầm trú ẩn công cộng. Phía bên trái có " tăng xê " cá nhân, nếu báo động… Này anh áo trắng và chị mặc áo xanh trứng sáo dắt xe Pha-vô-rít kia ơi, có biết đây là khu vực nguy hiểm không mà cứ nhơn nhơn đứng lại nói cười thế?

    Chuông điện thoại đột ngột réo gắt trong chòi, người trưởng bến quay vào, vồ lấy ống nói.
- A lô, vâng. Tôi nghe! … Nghe rõ.
    Anh ta quay ra, lại đưa loa lên miệng:
- Đồng bào chú ý: phía đông nam thành phố đang có máy bay địch hoạt động. Đề nghị đồng bào chờ phà nhanh chóng sơ tán khỏi bến. Cách năm trăm mét …
    Chiếc loa quay về phía đường cái:
- Đề nghị  các đồng chí lái xe cho xe ở tư thế sẵn sàng cơ động. Ai chưa nguỵ trang kỹ, phải nguỵ trang thêm.

    Đoàn trưởng Tư và Lê đứng tựa bên thành xe hút thuốc vặt. Đoàn trưởng nóng lòng một thì Lê nóng lòng mười. Ngoài việc chung, anh nôn nao mong chóng sang phố để gặp người yêu. Anh không ngờ hôm nay mình có cái may mắn bất ngờ được vào thành phố và lại đến ngay nhà máy, nơi Thuý làm việc. Từ lúc nghe đoàn trưởng thông báo rằng, trước khi đến Bộ tư lệnh quân chủng gặp đồng chí tư lệnh, anh và đoàn trưởng còn có nhiệm vụ nữa  là sang nhà máy đóng tàu Hải Phòng bàn một số việc cần kíp, anh vừa mừng vừa phấp phỏng… Đã lâu lắm rồi anh không gặp Thuý. Dù ngày nào cũng đọc thư của nhau, chẳng thể bù bằng mấy phút bên nhau. Bề ngoài Lê tỏ ra bận bịu, xếp tài liệu này, soạn tài liệu kia, nhưng trong anh đang rạo rực niềm vui. Đoàn trưởng Tư cũng rõ tâm trạng ấy, ông tủm tỉm:
- Lê này, thằng cha điều khiển bến phà này cứ cứng nhắc nguyên tắc thì bọn mình khó lòng sang sông sớm đấy.
- Để lát nữa tôi " tình cảm " với anh ta xem .
- Không dễ đâu! Trông hắn xua người ta mới thô bạo chứ. Mình ngẫm ra là những tay làm quản lý, những tay giữ kho, và những  tay trong coi bến phà cấm có ai mát tính. Tay nào cũng bẳn gắt như mắm. Nhưng thực ra không có những người nguyên tắc như  thế thì hỏng bét mọi việc. Nếu ở địa vị ấy, mình cũng vậy thôi. Hắn nói đúng đấy, thời buổi bom đạn này việc quái nào chẳng có thể bảo là khẩn. Đã đánh xe tới đây, tay nào không viện ra đủ lý do để được phới cho nhanh.

    Có tiếng còi báo động từ thành phố vọng sang. Bến phà đang nhốn nháo chợt yên ắng, quang quẻ hẳn. Mọi người nhanh chóng  tản xuống hầm trú ẩn. Xe đạp vất chỏng chơ. Một vài thanh niên không chịu xuống hầm cứ lấp ló ngửa mặt lên trời xem chừng, bị mọi người la ó, quát tháo, cuối cùng cũng phải thụt vào một cái hố nào đấy. Gần ba-ri-e, tiểu đội tự vệ bến phà đứng dưới hào. Khoảng chục khẩu súng trường chếch mũi về hướng đông. Người điều khiển bến phà lúc này đứng đầu đoạn hào, nhô hẳn nửa người khỏi mặt đất, một tay cầm loa, tay kia cầm cờ hiệu màu đỏ, đang gắt gỏng điều gì đó.

    Tư và Lê ngồi bên mép một chiếc hầm cá nhân dưới gốc cây. Cạnh đó là đồng chí lái xe.  Họ đều hướng về thành phố. Phía thương cảng, tàu hàng nước ngoài đậu nép vào nhau phơi ra dưới nắng. Những lá quốc kỳ nhiều màu treo cao phía sau. Dưới lòng sông, không một bóng thuyền qua lại. Tất cả đều yên lặng. Chợt có tiếng đạn cao xạ nổ đanh trên bầu trời thành phố. Giữa không trung, nhiều vệt khói bung ra, tan loãng. Ba chiếc " vỉ ruồi " lấp loá nắng, bạc phếch từ trong mây chui ra, rồi cắn đuôi nhau đâm xuống. Tiếng súng các cỡ lập tức rộ lên. Tiếng bom ình ình. Ít phút sau, trong thành phố có những cuộn khói đen nghịt cuộn lên.
- Nó lại ném bom mạn Thượng Lý! - Nhiều tiếng xôn xao.
- Không phải nhà máy xi măng, chúng ném bom kho dầu. Dầu cháy, lửa mới bốc cao thế.
- Lại có người chết, lại có người bị thương. Hình như  ngày nào không giết được người thì lão tổng thống Mỹ ăn không ngon, ngủ không yên. Phía Thượng Lý làm gì có mục tiêu quân sự?
- Sao không thấy chiếc nào rơi nhỉ?
- Chứ cái nhà cô thì vào thành phố làm gì cho khổ, hử ?
- Bác tính, không có việc thì đi làm gì để cả nhà phải lo. Hôm nọ cho cháu sơ tán về dưới cô nó, quên mấy thứ đồ dùng, hôm nay phải lộn về lấy. Mà chẳng rõ nhà có còn hay lại sập rồi?

    Nhìn đám khói bốc lên mỗi lúc một cao, lòng Lê như lửa đốt: Nhà máy đóng tàu cũng ở mạn Thượng Lý. Lê nhìn ngọn lửa và cố hình dung xem nó cách nhà máy là bao xa. Sự bất lực khiến anh cảm thấy bực bội. Bất giác Lê quay lại, hình như có ai đang nhìn anh. Và anh bắt gặp đôi mắt của người phụ nữ có con bồng trên tay. Anh bối rối, ngượng. Cứ mỗi lần gặp trường hợp như thế này, Lê cảm thấy như có rất nhiều ánh mắt trách móc hướng về phía người lính. Lê đưa tay sờ lên đôi quân hàm thiếu uý nơi cổ áo, rồi anh lặng lẽ lại bên ôtô.
    Chưa có còi báo yên nhưng mọi người đã ra khỏi hầm và đều quay vào nhìn thành phố. Nhưng cột khói không còn bốc vọt lên nữa mà hình như đang lan rộng ra. Rồi mọi người tản đi, vội vội vã vã với công việc đang dở dang.

    Lê bước nhanh về phía ba-ri-e.
- Nào, giấy tờ của đồng chí? Người điều khiển bến phà hỏi.
- Mời  đồng chí xem! - Lê đưa ra một lô giấy - Đây là giấy của Bộ Quốc phòng, đây là giấy của Bộ tư lệnh Hải quân, còn đây là giấy của Bộ Giao thông vận tải.
- Tôi sẽ bố trí các đồng chí đi chuyến phà tới. Các đồng chí cần làm việc với nhà máy đóng tàu, còn ôtô thì chắc chắn là không. Đây tới nhà máy thì chỉ đi bộ một nhoáng. Ngày nào tôi chẳng tới đó. Sao, không tin à? Mụ vợ tôi làm việc ở đấy, thợ hàn bậc bốn trên bảy. Cứ hỏi chị nào có chồng là trưởng bến phà Bính thì cả nhà máy biết. Còn ngày nào tôi cũng tới đó à ? Cái gì người ta cũng quen được, duy cái điều cứ  thấp thỏm vì người thân luôn luôn ở dưới tầm bom đạn Mỹ thì không thể quen. Ít ra tôi cũng phải biết hôm nay vợ tôi còn sống hay không chứ! Ngày nào cũng bom, cũng bom! …Nào đồng chí thượng uý pháo binh, đồng chí cần gì? Hả? Cho pháo sang sông ngay bây giờ à? Rắc rối nhỉ?

Lê định hỏi thăm người trưởng bến phà vài câu, thế nào anh ta chẳng quen biết Thuý, song anh chỉ chào rồi quay đi. Lê báo cáo với đoàn trưởng về quyết định của người trưởng bến.
- Chà, thằng cha ấy thông minh và được việc lắm! Đoàn trưởng Tư cười vui vẻ - Đáng ra chúng mình phải nhận ra điều ấy trước để khỏi bị hắn quát và khỏi làm phiền đến hắn mới phải.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Sáu, 2009, 03:09:28 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2009, 02:33:32 pm »


2



           Thảo luận với ban giám đốc nhà máy đóng tàu xong, đoàn trưởng Tư và giám đốc An xuống ụ tàu. Lê được phép đi gặp Thúy. Anh thấp thỏm men theo hành lang tới phòng kỹ thuật.

           Mặc dù đến đây đã vài ba bận, đã quen biết nhiều người và hầu như cả nhà máy đã rõ quan hệ giữa anh và Thúy, Lê vẫn mất tự nhiên. Anh là người ứng phó kém. Trước những cô gái lém lỉnh, " mồm miệng liến láu như tôm tép nhảy ", anh thần ra, túng ta lúng túng, nói chẳng nên câu. Năm ngoái anh đã bị các cô ở phòng kỹ thuật trêu cho một chập, ngượng chín cả người. Lần ấy Thúy đi vắng, nhưng họ cứ giả cách nói vọng vào phòng trong như thể Thúy đang ngồi ở đó.
           Và điều khốn khổ là suốt cả buổi ấy, anh cứ tin là thật.
           - Nào, ra đi em ! " Anh không có nhiều thời gian đâu con chim chích bé nhỏ của anh ạ. Anh phải nhổ neo ra khơi! "          
           Các cô cười. Anh cũng cười, nhưng đôi vành tai thì nóng ran. Vậy là những lá thư gửi cho Thúy đã lọt vào tay họ.
          - Bình, mày kéo cái Thúy ra đây - Một cô bảo - Cớ sao lại phải xấu hổ. Người yêu của lính là không thể nhõng nhẽo vậy được đâu.
          - Nhưng chẳng lẽ tao làm công không à? - Cô tên Bình nói - Thì trước khi dẫn cái Thúy ra cũng cho hỏi anh Lê mọt câu chứ! Em hỏi nhé: những  ngày lênh đênh giữa biển, có thật anh nhớ cái Thúy " nhiều nhiều như nước đại dương"   không?
           Và họ lại cười, còn Lê thì chết cứng trên ghế, chỉ thiếu lô nẻ để chui tọt xuống.
           - " Nếu nỗi nhớ hóa thành nước được. Thì lòng anh là biển cả đại dương". Phải nói anh Lê làm thơ hay tuyệt.
           Lê thấy giận Thúy. Tại sao những điều anh viết trong thư lại đem phô ra.
           - Chỉ cần anh gật đầu nhận có nhớ cái Thúy, em sẽ dẫn nó ra ngay. Hai, ba nào!
           Mặt Lê nóng bừng, cười như mếu: Cầm cốc nước đưa bên miệng, lại đặt xuống. Hai cánh tay vô duyên như thừa ra. Thật lưỡng nan: ngồi lại cũng dở, đứng dậy bỏ đi cũng không ổn. May có bác Hạo từ phòng bên nghe ồn ào đã sang cứu nguy:
           - Này, làm gì mà cười ầm ầm vậy hả, mấy đứa kẻ cướp? - Bác quát - Cứ như là chợ vỡ - Rồi quay sang Lê bác bảo - Hôm nay em nó đi họp ở Hà Nội, tuần sau mới về Bác giám đốc mời anh lên họp tiếp...
           Lê như kẻ chết đuối vớ được cọc, vội vã đứng dậy:
          - Thế ạ? Vâng, cháu xin phép sang bên đó. Xin chào cả nhà nhé.
           Và anh bước như chạy. Ra đến hành lang mới dừng lại rút khăn lau mồ hôi.
           Trong phòng, tiếng các cô vẫn nhí nhóe:
           - Chúng mày ác bỏ đời đi ấy. Thấy người ta hiền cứ trêu già.
           - Thì cũng cười một tí cho bõ những ngày làm việc căng thẳng chứ.
           - Cái Thúy về, biết "anh" bị trêu, thương lắm đấy?
           - Số nó sướng. Sau này tha hồ bắt nạt!
           Lại tiếng cô Bình:
           - Lấy được chồng hiền cũng thích. Trông anh chàng dễ thương quá!
           - Tướng mày à, chỉ lấy được "thiên lôi ", hoặc "quỷ sứ " thôi em ạ .

            …Lần này chắc chắn là anh không bị hẫng nữa, bác An giám đốc vừa bảo: "Bây giờ thì mời đồng chí thuyền trưởng tranh thủ tới gặp cô kỹ sư nhà tôi, hôm nay cô ấy đang nghiên cứu cải tiến cách lắp ghép khung tàu". Chà, nhung phải đối đáp với các cô ở phòng kỹ thuật này cũng mệt đây. Song anh gặp may: trong phòng rất ít người, chỉ có Thúy, Bình, bác Hạo và Lâm Khanh - trưởng phòng - ở đó. Sau những thủ tục chào hỏi, họ nói chuyện với Lê một chốc rồi tế nhị viện cớ bận việc, bỏ ra ngoài. Lúc này ngồi trước mặt Thúy, Lê mới thực tin là mình được gặp cô. Chờ trong phòng không còn ai nữa, anh mạnh bạo nhìn thẳng vào mặt Thúy. Tuy vậy cũng mất đến mấy phút bối rối, hai người mới bắt được chuyện.
           - Mỗi lần đến chỗ em, hãi chết đi được
           - Tại anh ít về đấy. Lâu nay đi những đâu mà biền biệt thế. Thư cũng chẳng viết?

            Lê cười. Anh sung sướng vì được Thúy trách. Anh biết Thúy yêu anh, nhớ anh, cũng như anh có lúc nào nguôi nhớ Thúy, nhớ lắm! Những buổi chiều, khi mặt trời chỉ còn láng mỏng một màu phơn phớt tím hồng trên mặt biển, và xa xa, những ngọn núi đá mờ loãng, tan nhòe trong sương, đứng trên boong tàu nhìn cánh chim vội vã bay về hướng đất liền, nôn nao cả người. Cũng ước, giá có được đôi cánh như con chim kia? Lúc ấy anh cố mường tượng xem giờ này Thúy đang làm gì, đang ở đâu? Và khi tin chắc rằng Thúy cũng đang nghĩ đến anh, cũng đang mường tượng ra biết bao điều tốt đẹp vè anh thì anh như muốn bay lên mà hét thật to...
           - Đừng dỗi anh nữa, Thúy - Lê nói và kéo ghế dịch lại gần cô. - Dạo này anh bận mà. Giôn-xơn nó ném bom...
           - Nhà máy em cũng phải đi sơ tán một số. Nhưng em không đi. Đố anh biết em ở lại để làm gì?
           - Để những con tàu đóng cho bọn anh hạ thủy nhanh hơn.
           - Nữa?
           - Anh chịu?
           - Để mỗi lần có dịp về thăm em, anh không bị bọn nó trêu! Ôi, quên mất: em là tự vệ nhà máy rồi nhé!
          Lê nắm lấy tay Thúy và nhìn vào mắt cô.
          Nhưng rồi nhận ra sự đường đột của mình, anh luống cuống bỏ tay cô, khuôn mặt lúng túng đỏ ửng.Thúy âu yếm nhìn Lê, thấy thương quá .
          - Chúng mình đi đâu đó một lát nhé, anh.
          - Nhưng chú Tư hẹn anh ở đây. Chỉ ít phút nữa, anh...
          - Anh lại đi ngay? Giọng Thúy thảng thốt: - Lần nào cũng vậy!
           Lê im lặng, nhìn Thúy.

           Thúy sững sờ. Bây giờ cô mới ý thức đưược sự quý giá của thời gian. Vậy là lát nữa anh đi, cô chỉ đợc gần anh một chút thôi ư? Trời ơi, bao nhiêu ngày mong ngóng, bao nhiêu điều chỉ đợi anh về để nói, đê khoe, để kể... thế mà... Tự nhiên cô thấy sợ cái phút anh đứng dậy, ra đi. Cái phút ấy gần tới rồi, nhanh lắm và nó có thật. Ừ, vậy mà cô cứ dằn hắt anh, tránh móc anh. Sao cô không nói với anh một lời yêu thương? Lúc nào anh cũng vội vội, tội quá. Thúy cúi xuống, cầm lấy bàn tay anh, hấp tấp đưa lên môi, đưa lên mắt, đưa lên má mình rồi cô gục hẳn đầu vào ngực anh.
           - Đừng giận em nhé ! - Tiếng Thúy mỏng như một hơi thở. Đừng giận em!...
           Cô có cảm giác rằng lúc này nếu buông anh ra, anh sẽ biến mất và những phút gặp anh chỉ là giấc chiêm bao.
           - Lúc nãy đứng bên kia bến phà, nhìn chúng ném bom xuống thành phố, anh lo quá.
           - Còn em thì mỗi lần xuống hầm, lại nghĩ: chẳng biết hôm nay đơn vị của anh có làm sao không, và em lẩm bẩm khấn...
           - Khấn sao?
           - Ứ, không nói!
           - Dạo này thành phố báo dộng nhiều lắm hả em?

           Ngày nào cũng vài ba trận bom. Thành phố vắng teo. Các cụ nhà mình đã sơ tán về dưới chị Thanh tháng trước. Khi đi  để lại cho em chiếc cặp lồng, một chú mèo mướp. Ôi, con mèo xinh ơi là xinh, bao giờ anh về em sẽ nó cào cho mà biết, nó khôn lắm. Các cụ còn phần em một chiếc bánh xốp. Cứ dặn mãi rằng, ở lại phải ăn nóng, phải xuống hầm, phải cẩn thận... Chắc các cụ sợ anh " mồ côi " em.
          - Bố mẹ có nhận được thư anh không?
          - Có. Với nữa, lần nào nhận thư anh, em cũng tới khoe để các cụ biết cậu ấm của mình vẫn bình an mà !



« Sửa lần cuối: 02 Tháng Sáu, 2009, 08:50:17 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 10:36:34 am »

       
          - Còn các cụ bên ấy?
          - Bố mẹ em thì tuần này xuống Kiến Thụy. Phải vận động mãi mẹ em mới nghe đấy.
          - Vậy là em ở lại một mình?
          - Đừng lo cho em. Hãy lo cho anh ấy. Chúng nó chẳng làm gì được đâu. Nếu hầm sập, em sẽ điện ngay để anh về cứu nhé!
          - Chỉ dại miệng.
          - Chúng em ở lại không buồn đâu. Anh biết cái Bình không? Con bé lần trước trêu anh nhiều nhất ấy, cũng yêu một chàng họ thủy nhà anh nhé. Quấn nhau lắm. Bom đạn thế mà tuần nào chàng cũng lóc   cóc đạp xe tới thăm nàng. Không về ấy à, coi chừng. Nó bảo rằng, đã yêu sợ chết không dám vào thành phố thì cho nghỉ luôn. Bom cũng phải đi! Người yêu mà toàn réo là "cái lão bọ nước".
          Thúy cười, đôi mắt long lanh. Bây giờ trông cô thật vui, thật tươi.
          - Cô cậu nói chuyện gì mà rôm rả thế? - Đoàn trưởng Tư và giám đốc An bước vào phòng.
          - Ôi chú Tư. Chú đến mà không cho cháu biết.
          - Thì chú đã cử sứ giả đến với cháu còn gì.
          - Sứ giả của chú chỉ làm cháu lo thôi. Hơn nửa năm nay không viết một lá thư.
          - À vậy thì phải phạt. Nhưng theo chỗ chú biết thì không hẳn vì cậu ta lười hoặc ít nghĩ tới cháu đâu. Có lý do đấy…
          - Chú chỉ bênh lính của mình.
           Giám đốc An hỏi:
          - Bên hải quân yêu cầu thay đổi một số chi tiết trên mặt boong, ý cháu thế nào, Thúy?
          - Cháu nghĩ đấy là dạng tàu đã được thiết kế hoàn chỉnh, các yếu tố kỹ thuật hợp lý rồi chứ ạ .
          - Sự hoàn chỉnh và hợp lý nhất, trước hết phải phù hợp với nhiệm vụ của con tàu chứ, cháu! - Đoàn trưởng Tư tham gia.
          - Vâng! Nếu đặt vấn đề như vậy thì cháu hiểu ạ.
          - Chú Tư lại cậy thế quân sự chèn ép, muốn ta hạ thủy sớm hơn kế hoạch đấy cháu ạ. Giám đốc An cười.
          - Cháu nhất trí cả hai tay. Nhà máy sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm. Chúng cháu sẽ làm thêm giờ.
          - Anh thấy không, cô bé này khéo lắm! – Đoàn trưởng Tư quay sang nói với giám đốc An - Nó muốn người của chúng tôi về nhận tàu sớm mà.
          - Chú !
          - Với nó thì anh phải hỏi thế này: Cô định hạ thủy con tàu sớm hơn bao nhiêu ngày? Phải tính nó là người nhà của chúng tôi. - Rồi quay sang Thúy, ông bảo – Thúy này, chú và Lê vội lắm!
          - Dạ, cháu biết.
          - Thế cháu đã sẵn sàng để Lê đi chưa?
          - Cháu có giữ đâu ạ.
          - Đừng buồn, cháu - Đoàn trưởng Tư âu yếm vỗ lên vai Thúy - Thôi thì hãy tạm bằng lòng với cách nói của ông nhà thơ: "Hai người đoàn tụ hai đầu chiến trường"  vậy.

          Giám đốc An tiễn Tư và Lê đến đầu dãy nhà hai tầng, còn Thúy thì đưa hai người ra đến cổng nhà máy. Cô đòi được đi theo tới bến phà, nhưng Lê không chịu. Họ đứng thêm một chút với nhau rồi Lê vội vã bước nhanh, đuổi theo đoàn trưởng Tư.
          Trên gác hai, có một người dõi ra cổng và chẳng rõ sao, người ấy khẽ thở dài. Đó là Lâm Khanh, trưởng phòng kỹ thuật của nhà máy.


***


          - Cậu lại nghĩ tới Thúy đấy à? - Đoàn trưởng Tư nói khi ôtô đã chạy trên đường - Này, cái thời mình yêu bà xã nhà mình ấy mà, thế quái nào cũng làm phép để chí ít một ngày được gặp nhau một lần. Nào có phải gặp để nói chuyện, thậm chí không dám nhìn thẳng vào mặt nhau ấy chứ, mà chỉ cần thoáng thấy bóng nhau thôi. Thời đó không gọi là yêu, cái cụ gọi là phải mặt, hay là phải lòng. Thực ra thì các cụ gọi đúng tên cái tình cảm ấy hơn chúng ta nhiều. Vậy thì tình yêu là gì nhỉ?
          - Tôi cũng không biết gọi nó là cái gì cho phải...
          - Đấy nhé, người trong cuộc cũng lúng túng nhé.
          - Có điều khi yêu nhau, người ta thấy cuộc đời đẹp hơn. Chỉ nghĩ về nhau cũng thích.
          - Này anh bạn trẻ! Nếu cứ bằng lòng mãi rằng yêu nhau để mà chỉ nghĩ về nhau cũng thích thôi là không ổn đâu. Chúng ta có rất nhiều lẽ để bước vào cuộc chiến ngày hôm nay, nhưng có một lẽ rất quan trọng, đó là để cho các lứa đôi của thế hệ mai sau yêu nhau, chúng nó không phải xa nhau, yêu nhau không phải chi để mà mòn mỏi nghĩ đến nhau. Hả? Có vẻ lý luận hả? Nhưng đúng vậy. "Hai người đoàn tụ hai đầu chiến trường", đó là một cách nói. Đoàn tụ kiểu gì mà lạ thế? Nhưng chúng ta phải chấp nhận, bởi hoàn cảnh có cho phép gần nhau quái đâu. Con gái mình sắp sửa sinh cháu, mình gần lên chức Ông mà tính ra gần vợ được bao ngày? Có giỏi tổng cộng chỉ một năm. Lấy nhau trên hai mươi lăm năm rồi mà mỗi lần mình về, bà ấy vẫn còn ngượng. Hoàn cảnh Việt Nam ta quả không cho phép người phụ nữ có cái thói quen gần chồng, khỉ thế!
          - Hình như có tiếng máy bay thủ trưởng ạ? - Cậu lái xe nhắc.
          Chiếc xe dừng lại. Ba người ra khỏi xe. Trời nhá nhem tối. Phía Hải Phòng, nhìn rõ những đường đạn cầu vồng vút lên đan chéo trên bề mặt thành phố. Thỉnh thoảng, một chớp lửa tỏa sáng. Tiếng bom rùng rùng mặt đất.
          - Chúng nó lại vào thành phố. Ta đi kẻo muộn.



3



           Cơ quan Bộ tư lệnh Hải quân ở dưới chân ngọn núi đá trong triền núi dài ven biển. Những ngôi nhà lợp tôn được phủ lưới ngụy trang ẩn trong những lùm cây rậm nằm rải rác; từ xa nhìn vào khó mà biết đó là khu quân sự. Phía trước có con đường rải đá. Sườn bên phải là nhà khách, nhà ở, phòng họp, khu thông tin...
           Chỗ làm việc của tư lệnh đặt lưng chừng sườn bên trái, trong một hang đá. Hang khá rộng, được sửa sang chẳng khác căn nhà có nhiều phòng. Phòng trong, sau dãy bàn dài tấm bản đồ bọc mi-ca dựng lên như một bức vách, choán gần hết chiều dài của hang. Phòng ngoài cùng, cách phòng giữa một lớp gỗ dán, quét sơn xanh, luôn luôn có mặt đồng chí trung úy dong dỏng cao, da trắng, khuôn mặt tỏ ra khá khó tính. Ở đấy chuông điện thoại réo liên tục và luôn có người đến để làm việc.
          Khi đoàn trưởng Tư và Lê tới, trời tối đã một lúc, ngỡ muộn, song họ bị giữ lại ở phòng ngoài.
          - Tối nay đồng chí tư lệnh không tiếp ai cả - Đồng chí trung úy thông báo.
          - Nhưng chúng tôi có điện gọi của văn phòng Tư lệnh hẹn vào giờ này.
          - Thế thì các đồng chí chờ.
          Có tiếng chuông điện thoại. Anh ta vội cầm máy:
          - A lô tôi nghe! Anh nhầm rồi, trực ban tác chiến số máy 378 nhé. Sao? Nhưng đồng chí ấy đang bận. Làm việc khẩn à? Ở đây cũng rất nhiều việc khẩn. Đồng chí cứ gọi về trực ban tác chiến ở đó sẽ có người giải quyết. Vâng, 378 !
          Anh ta bỏ máy, nhìn đồng hồ rồi quay một chiếc máy khác.
          - A lô! Cho tôi gặp đồng chí trưởng phòng quân báo. Vâng! Tôi xin nhắc: Mười phút nữa đến giờ làm việc của tư lệnh với đồng chí…
          Lê thấy oi bức. Anh ra đứng ở cửa hang. Bầu trời xám xì thưa thớt sao. Mây vần vũ như thể sắp có giông.
          Thời tiết này sẽ hạn chế nhiều ít oanh tạc của máy bay địch, đêm nay chắc yên tĩnh.
          Lê nhìn vào bóng tối và bắt đầu sốt ruột. Anh vẫn chưa thật rõ tư lệnh quân chủng cho gọi anh lên với mục đích gì, để ít ra cũng phác sẵn vài nét sơ lược rồi dựa vào đó mà báo cáo. Anh nghĩ rằng ông quan tâm đến chuyến đi trinh sát gần một tháng vừa qua của anh vào vùng biển phía Nam. Chuyến đi ấy, anh đã báo cáo tỉ mỷ với đoàn: tình hình hoạt động trên biển của địch, ban ngày, ban đêm; thái độ của chúng khi gặp tàu ta; các dạng tàu nước ngoài hay qua lại từng vùng... và cũng đã đề xuất ý kiến cách ứng xử trong cáo tình huống. Nhưng điều ấy chỉ cần đoàn trưởng làm việc với Bộ tư lệnh là đủ, từ trước vẫn thế.   Khi Lê hỏi đoàn trưởng Tư về nội dung làm việc ở Bộ tư lệnh hôm nay, cũng chỉ được trả lời rất chung chung: vẫn là vấn đề đưa vũ khí vào chiến trường! Chẳng phải đoàn trưởng Tư giữ kín, mà thực ra ông cũng chỉ nhận được điện gọi lên báo cáo tình hình, kèm theo lời chua: đồng chí thuyền trưởng tàu 67 cùng đi vậy thôi .



-----------------------------
Chú thích:
- "Hai người đoàn tụ hai đầu chiến trường":  Một câu thơ của Chính Hữu.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Sáu, 2009, 10:39:53 am gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #3 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 02:41:16 pm »


           Có tiếng chân bước gấp lên cửa hang. Lê nhận ra một dáng người thấp đậm, mang quân hàm đại úy, anh đoán đây là đồng chí trưởng phòng quân báo. Trong hang, đoàn trưởng Tư đã đứng dậy. Tư lệnh quân chủng từ phòng trong bước ra; trông ông nhanh nhẹn, người gầy nhưng còn khỏe, da mặt hơi xanh song đôi mắt chưa biểu hiện sự mệt mỏi của người già; chiếc áo màu ghi hơi rộng so với khổ người, ve áo cài quân hàm đại tá. Cùng ra với ông là một đồng chí trung tá béo xệ, Lê không quen biết; hai người dường như vẫn chưa dứt câu chuyện.
           - Không nhưngnếu gì cả - Tư lệnh nói, ông nhìn thẳng vào người trung tá, vẻ không hài lòng - Bằng mọi giá phải thông luồng. Đó là chỉ thị của Quân ủy. Anh cứ cho tiến hành. Chưa quen? Làm rồi sẽ quen. Đánh máy bay Mỹ, ta chưa quen, đánh, học, học, đánh rồi quen. Phá thủy lôi cũng vậy. Tôi hứa sẽ chi viện tối đa.
          - Tàu phá lôi, báo cáo là chúng tôi rất thiếu.
          - Tôi sẽ điều thêm.
          - Cán bộ kỹ thuật cũng...
          - Người của xưởng sẽ tới. Kỹ sư cả.
          - Còn tiêu chuẩn, chế độ...
          - Với người lính, chế độ cao nhất là được làm nhiệm vụ khó khăn vô điều kiện. Anh lại bắt đầu học lối đòi hỏi trước. Phải biết tin vào chiến sĩ. Nhìn dáng nặng nề của người trung tá lịch bịch đi xuống bậc đá, Lê không mấy cảm tình.
          - Nào xin mời vào cả trong này - Tư lệnh quay sang phía đoàn trưởng Tư và trưởng phòng quân báo - Anh Tư chờ lâu chưa? Xin lỗi, có việc đột xuất mà. Còn đồng chí thuyền trưởng đâu?
          Lê vội vã bước vào:
          - Báo cáo, tôi có mặt.
          - Đồng chí vừa đi một chuyến thú vị lắm hả? Nghe nói thủy thủ toàn tàu hao những hơn ba mươi lăm cân phải không? Đồng chí cũng say sóng chứ? Hôm nay tôi muốn trực tiếp nghe đồng chí đấy.
          Mọi người bước vào phòng. Căn phòng khá rộng, vách bên phải treo tấm bản đồ toàn khu vực Đông Nam Á; vách trái là tấm hải đồ Vịnh Bắc Bộ. Đồ đạc đơn sơ chỉ có bàn làm việc, điện thoại và tủ đựng tài liệu. Bốn góc phòng đều có ánh điện hắt xuống. Ngồi đây, nếu không có hơi lạnh của hang đá tỏa ra, khó nhận rằng đang ở trong núi.
          - Chúng ta làm việc luôn nhé - Tư lệnh nói khi mọi người đã ngồi xuống quanh chiếc bàn dài; ông ngồi phía đầu bàn, trước mặt là một số giấy tờ chưa kịp xếp - Thời gian ít lắm, tôi bận mà các đồng chí cũng bận, nên tránh dài dòng. Một là, anh Bột báo cáo để các anh bên đoàn 25 nắm luôn tình hình địch có liên quan đến nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Hai là đoàn 25 cho biết tỉ mỉ chuyến đi trinh sát vừa rồi. Và ba là bàn biện pháp đưa hàng vào khu Năm.
           À, thì ra là vấn đề đưa hàng vào khu Năm - Lê nghĩ.
           - Mời anh Bột.
           Trưởng phòng quân báo đã chuẩn bị sẵn. Anh móc túi lấy kính rồi xin phép tư lệnh trình bày. Giọng anh trầm, dễ nghe; anh nói mạch lạc, không vội vàng. "Con người này hoàn toàn phù hợp với công việc quân báo của mình". Lê nhìn anh và nghe chăm chú. Đồng chí đại úy nêu một số nét tổng quát về cái gọi là "kế hoạch dốc toàn lực của hải quân Hoa Kỳ và hải quân Việt Nam Cộng hòa dê tận diệt âm mưu thâm nhập của Cộng sản Bắc Việt". Sau đó anh đưa ra một vài con số cụ thể về lượng tàu thuyền và máy bay của Mỹ - ngụy bố trí ven bờ biển miền Nam, từ vĩ tuyến 17 đến hải phận Cam-pu-chia. Cuối cùng, anh nói:
           - Hiện nay, để dễ kiểm soát và phân trách nhiệm, chúng chia vùng biển từ vĩ tuyến 17 đến sát hải phận Cam-pu-chia thành 9 khu vực, mỗi khu vực dài từ 80 đến 120 hải lý, rộng từ 30 đến 40 hải lý. Tin chúng tôi mới nhận được, gần đây đã có một cuộc họp gồm đại diện cục tác chiến hải quân Mỹ, đại diện vùng Thái Bình Dương, đại diện hạm đội 7, đại diện bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở miền Nam với tên trưởng nhóm cố vấn hải quân Mỹ ở miền Nam để tiếp tục đốc thúc chiến dịch. Và chúng đã tăng số tàu hoạt động ngoài khơi từ 9 lên 14 chiếc; tăng gấp đôi số máy bay trinh sát; tăng tàu tuần tiễu ven bờ từ 54 lên 84 chiếc và tàu UPB từ 17 lên 26 chiếc. Mặt biển miền Nam đã được ken một khối lượng tàu chiến không nhỏ và, như chúng nói, thì mặt biển miền Nam đã được rải một lớp váng tàu chiến, tàu Bắc Việt muốn vào bờ, trước hết hãy xuyên thủng lớp váng đó. Đấy là chưa kể hệ thống ra-đa, máy bay trinh sát và lực lượng rất đông tàu thuyền đánh cá 1.

           Trưởng phòng quân báo ngừng lời. Tất cả im phắc. Đại tá tư lệnh, mắt vẫn không rời tấm hải đồ, đầu khẽ gật gật. Một lát sau ông nói:
           - Phải nhận rằng bộ máy điều hành chiến tranh của chúng có tổ chức và phản ứng nhanh. Các đồng chí cũng rõ đấy, một thực tế không thể phủ nhận là chúng đã đạt được nhưng hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường bằng đường biển. Năm vừa qua, ta đã tung đi bốn chuyến, mà không một chuyến nào thành công, đúng như vậy không anh Tư?
          - Báo cáo, đúng ạ?
          - Trước tình hình ấy, Bộ tư lệnh, được sự đồng ý của Quân ủy, quyết định tạm ngừng vận chuyển một thời gian để củng cố và nắm thêm tình hình địch, tình hình bến. Chúng ta đã cho tàu T.67 đi trinh sát và hôm nay và tôi muốn nghe người trực tiếp đi chuyến đó báo cáo để làm căn cứ cho Bộ tư lệnh hạ quyết tâm.

           Lê ngước lên nhìn tư lệnh và thấy lúng túng. Không rõ nên vào chuyện từ đâu và nói thế nào cho trúng ý. Anh nhanh chóng nhớ lại toàn bộ chuyến đi của mình. Bữa đó, xuất phát vào một đêm tối trời, bọn anh vượt qua vĩ tuyến 17, vòng ra vùng biển quốc tế, đi theo đường tàu buôn nước ngoài, hướng xuống quần đảo Boóc- nê-ô. Dừng lại "đánh cá" ở Vịnh Thái Lan; vào vùng biển Cà Mau, thuận đà ngược lên Côn Đảo, neo lại ngoài khơi nghe ngóng rồi đi sát vào vùng biển khu Sáu, khu Năm, trở về Bắc...

           Lê đứng dậy nhưng tư lệnh ra hiệu cho anh ngồi xuống. Anh báo cáo những gì anh đã thấy, đã gặp và những nhận xét của mình. Anh lo có lẽ nói dài, làm mất việc của người chỉ huy, nhưng tư lệnh tỏ ra chăm chú; ông vừa nghe vừa nhìn Lê, khuyến khích. Anh còn kể thêm nhiều chuyện, từ chuyện ăn dưa hấu rồi ném vỏ sang tàu Mỹ thế nào; chuyện giả vờ đánh cá ra sao, và chuyện họp bàn tìm cách để đánh lừa chúng. Nhìn thái độ tư lệnh, Lê biết, là ông rất thú những chi tiết ấy.
          Sau khi yêu cầu cho biết thêm một số điểm về tình hình mạt biển khu Năm, tư lệnh hỏi Lê:
          - Theo đồng chí, ta đưa tàu vào khu Năm được không?
          - Báo cáo, địa hình ở đấy không thuận lợi như ở Cà Mau - Giọng Lê tự tin - Ở Cà Mau có rừng đước, nhiều lạch; việc bốc hàng và ngụy trang tàu thuận lợi. Ta chỉ cần vào được bến, tàu chui vào lạch, coi như thành công. Còn ở khu Năm, thời cơ vào bến và bốc hàng chỉ cho phép trong một đêm, gần sáng phải quay ra, địa hình ở đó trống trải, bãi ngang là chủ yếu. Song nếu khâu hợp đồng với bến tốt, ta vẫn có thể lựa thời cơ vào được.
         - Hợp đồng với bến, cụ thể là vấn đề gì? - Tư lệnh hỏi.
         - Dạ, vẫn không có gì khác lắm với những chuyến đi trước, ta phải tính toán giờ nước lên để tàu vào không bị cạn, vẫn kịp rút ra; là có sẵn lực lượng để bốc hàng được ngay, bốc nhanh; là phải có tín hiệu, ám hiệu nhận nhau …
         - Tôi hiểu! Tôi hiểu! - Tư lệnh ngắt lời - Khâu hợp đồng với bến, Bộ tư lệnh sẽ lo - Và nhìn thẳng vào mắt anh, đột ngột hỏi - Lê này, đồng chí đi chuyến tới được không?
         - Tôi ạ ? Báo cáo, được.
         Tuy trả lời tư lệnh như vậy, nhưng Lê vẫn bối rối, anh nhìn sang đoàn trưởng Tư và an tâm khi thấy ông gật đầu.
          - Tất cả những gì ta đã biết, ta đã bàn, cho tôi một quyết định: tàu của đồng chí Lê đi khu Năm, anh Tư ạ. Chiến trường khu Năm đang rất cần vũ khí. Trên yêu cầu không, không phải yêu cầu mà trên chỉ thị cho ta chi viện gấp. Tình hình địch, các anh rõ rồi, hoặc là ta bó tay, chịu thua chúng, hoặc là tiếp tục tìm mọi cách đưa được vũ khí vào chiến trường. Ta sẽ chọn cách thứ hai. Cuộc chiến đấu ở trong đó không thể ngơi nghỉ... Về điểm này, với các anh, không cần giải thích dài. Nhiệm vụ cụ thể, Bộ tư lệnh sẽ xuống làm việc trực tiếp với đoàn. Riêng tôi, hứa là đến ngày tàu nhổ neo, nếu không bận việc, sê xuống với anh em. . . Mặt biển đã trở nên hết sức phức tạp, công việc của chúng ta địch rõ cả. Hai bên đã chơi bài ngửa; do vậy đòi hỏi ở các đồng chí nắm vững tình hình địch trên tuyến đường đi đã đành; nhưng điều trước tiên là phải dũng cảm, mưu mẹo, phải thông minh, linh hoạt; thận trọng, bí mật nhưng táo bạo và quyết đoán. Phải có bản lĩnh để đấu trí với chúng. Và - Tư lệnh tỏ ra xúc động. Ông dừng lại rồi hình như định nói thêm điều gì nữa, khuôn mặt đăm chiêu, nghĩ ngợi, đôi mắt nhìn xuống, nhưng ông đứng dậy và chỉ hỏi:
          - Các anh còn ý kiến gì nữa không? Hết rồi thì ta nghỉ.
           Mọi người đứng lên bắt tay ông. Khi ra tới phòng ngoài, ông dừng lại và quay sang Lê:
          - Thế gia đình ở đâu?



--------------------------------
Chú thích:
1. Những chi tiết và số liệu trên ghi theo tài liệu của địch mà ta thu được - TG
Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 03:20:05 pm »


          - Báo cáo với tư lệnh, quê đồng chí ấy ở Hải Phòng. Người yêu làm ở xưởng đóng tàu - Đoàn trưởng Tư trả lời thay - Cô ấy là kỹ sư, tham gia thiết kế tàu cho hải quân ta.
          - Thú vị nhỉ! - Tư lệnh vui vẻ - Chồng đi biển, vợ đóng tàu. Không phải "trai anh hùng, gái thuyền quyên" nữa mà là trai anh hùng, gái cũng anh hùng. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng không rỉ tai cho cô ấy rõ nhiệm vụ của con tàu chứ.
         - Báo cáo, về việc ấy thì tuyệt mật ạ! - Lê trả lời.
         - Báo cáo tư lệnh, Bộ Giao thông đã có chỉ thị xuống nhà máy đóng tàu là cấm mọi sự dò hỏi về điều đó - Đoàn trưởng Tư nói thêm.
         - Hôm nay anh làm việc với bên đó thế nào? - Tư lệnh lại hỏi.
         - Báo cáo, thuận lợi. Họ chấp nhận mọi yêu cầu của ta.
         - Kể cả thời gian?
         - Vâng! Đồng chí giám đốc hứa sẽ cố hết sức cho tàu hạ thủy sớm hơn kế hoạch trước đây.
         - Cụ thể?
         - Điều ấy chưa định được. Dịp này chúng nó ném bom dữ lắm, nhà máy không đơn thuần chỉ làm một nhiệm vụ sản xuất.
         - Ai nghĩ rằng việc đưa vũ khí vào Nam chỉ là công lao của hải quân, là sự hy sinh của chỉ chúng ta thì thật sai lầm - Tư lệnh nói, vẻ mặt trầm ngâm…

          Tư và Lê về tới nhà khách, trời đã khuya lắm. Xa xa đâu đó vẳng lại tiếng gà gáy. Lê chưa vào nhà, anh đứng ở sân, tần ngần nhìn về hướng Hải Phòng. Ở đó, một vầng sáng hắt lên. Thành phố vẫn thức! Thành phố vẫn làm việc! Lê thấy xúc động. Một tình cảm như thể là niềm tự hào, niềm vui, và cả nỗi nhớ nữa hòa quyện, lan ập, khiến anh bâng lâng. Anh biết rằng cái vầng sáng đêm đêm vẫn hắt lên nền trời kia gửi gắm nơi anh nhiều điều lắm: nó cho anh niềm tin, cho anh niềm hy vọng, cho anh nỗi nhớ, lòng chung thủy và anh biết nó sẽ soi rọi cho anh trên mỗi chặng đường đi.

           Lê đứng lặng, trong lòng xốn xang và thấy mình như được nâng bổng lên với bao sự kỳ diệu. Đêm tĩnh mịch. Đâu đây nghe như có tiếng con chim đi ăn đêm gõ mỏ vào thân cây. Đằng xa, ẩn trong phiến đá nào đó, một chú tắc kè diềm nhiên gọi lên bảy tiếng. Ngọn núi đá neo trong bóng đêm tỏa ra luồng khí lành lạnh. Lê hít một hơi thật sâu, tự cười với mình và khoan khoái bước vào nhà.



4



           Nằm xuống giường rồi Lê văn không ngủ được, đầu óc anh tỉnh băng. Hôm nay có bao điều bất ngờ: vào thành phố và gặp Thúy, lên Bộ tư lệnh làm việc và có quyết định đưa vũ khí vào chiến trường khu Năm. Nhưng điều ấy, lúc này mới có điều kiện ngấm lắng.

           Nghĩ tới lần gặp Thúy chiều nay, Lê không khỏi thương cô và tự trách mình đoảng vụng. Bản tính rụt rè đã không cho anh biểu hiện đầy đủ tình cảm khát khao được gần Thúy. Vẻ bề ngoài ngớ ngẩn đến vô duyên đã khiến anh như thể là kẻ vô tâm: Thúy sống, làm việc và sinh hoạt ra sao, nào anh đã kịp biết! Chưa nhận ra cô béo thêm hay gầy bớt thì anh lại vội vội ra đi. Lần nào cũng thế. Tới đây, trụ lại thành phố, sống dưới tầm bom đạn Mỹ, Thúy của anh sẽ chèo chống ra sao? Dẫu biết rằng Thúy rất rõ tình cảm chân thực, nồng nàn của anh đối với cô và cô sung sướng vì điều ấy, anh vẫn bứt rứt giận mình. Thúy quan tâm nhiều đến anh, còn anh thì dành cho cô được là bao? Yêu nhau, người ta không chỉ có nhu cầu đòi hỏi mà còn có nhu cầu được bù đắp. Yêu cũng là thương.

           Hai người yêu nhau từ bao giờ, Lê cũng không thật rành. Tình bạn và tình yêu, cái ranh giới ấy rất mờ. Những ngày đóng quân gần nhà, hầu như chủ nhật nào Thúy cũng đạp xe sang thăm anh. Và điều ấy thành quen. Không chỉ quen đối với anh, mà còn quen đối với cả đơn vị. Thấy bóng cô thấp thoáng xa xa, bạn bè đã reo lên rất vui "Thúy đến!". Những lúc đó anh thật hạnh phúc. Thúy mang cho anh, lúc thì bắp ngô nướng, lúc thì củ khoai luộc. Cũng có lần Thúy ở lại khá lâu, cô đơm cúc vá những chỗ rách trên quần áo cho anh... Mọi người nhìn hai người, và anh thấy vui. Tại sao Thúy lại yêu anh nhỉ? Anh cũng không rõ. Chẳng hiểu rồi cuộc đời anh sẽ ra sao nếu thiếu vắng cô?... Bây giờ thì không có những phút giây thanh nhàn nữa rồi. Anh bận mà Thúy cũng bận. Những lần được gặp nhau, thật hiếm, và cũng thưa dần. Cuộc sống thời chiến đã đảo  lộn mọi sinh hoạt. Vì thế có dịp gặp Thúy, với anh như một giấc mơ...

           Lê trở mình. Anh nghe rõ tiếng gió thổi ù ù vào những hốc đá, tiếng lá rời cành lãng đãng bay; tiếng lạt sạt của những thân cây cọ vào nhau và hình như có tiếng vỗ cánh rất mỏng của con chim nào đó. Lê thèm bước ra ngoài. Anh muốn nhìn về phía góc trời, nơi có một vầng sáng vẫn hắt lên - Nơi vầng sáng ấy găm giữ biết bao kỷ niệm của thời thơ ấu, cái thời phấp phỏng ngẩn ngơ mỗi lần hoa phượng tàn, mỗi lần hoa phượng nở. Và chính nơi ấy đã cho anh nhận biết cuộc đời tuyệt đẹp này còn có bao điều kỳ diệu khi trong mình có thêm tình cảm mới lạ, ngọt ngào: tình yêu của Thúy. Thúy không cùng phố với anh. Cô ở  phòng trên ngôi nhà hai tầng gần trung tâm thành phố. Phòng chật, mỗi lần anh đến chơi, ông bà cụ lại cuống lên như thể người có lỗi, vơ vội đồ đạc.
          - Bố mẹ không phải thế - Thúy nói - Anh ấy có phải là khách đâu - Nói vậy, nhưng khi bố mẹ vừa đi xuống bếp, Thúy liền nói nhỏ vào tai Lê: Chúng mình ra phố nhé!

           Và họ ào xuống đường. Anh lai Thúy lòng vòng hết phố này tới phố kia. Họ ra bến Bính, xuống cầu Rào rồi lên những phố chính, hoà nhập vào dòng xe cộ. Và họ nói với nhau biết bao là chuyện, những câu chuyện không đầu, không cuối, không nội dung. Họ nói say sưa và dường như không bao giờ hết.

           Cũng có hôm hai người đưa nhau xuống bãi biển Đồ Sơn. Tuy thế, chưa bao giờ Lê và Thúy cùng tắm. Họ chỉ thơ thẩn đi tìm vỏ ốc trên bãi cát cạnh những ghềnh đá nhô ra biển. Có lần cả hai cúi xuống, cùng nhặt một vỏ ốc đẹp, hai bàn tay chạm vào nhau, thẹn, ngẩng lên cùng cười. Khi ngồi nghỉ dưới gốc phi lao, người nào cũng nhận ốc của mình đẹp, nhiều vân và hình thù lạ, song phần thắng thường thuộc về Thúy.

           Rồi trèo núi. Cả hai đều muốn giành phần lên trước. Khi tới nơi cao nhất, họ nhìn nhau và cười, và thở. Trên này mát, tóc Thúy bay tung trước gió. Lúc này trông cô mảnh mai, nhẹ nhõm như một cành lá. Cả hai cùng nhau ra biển, cùng nhìn về thành phố, đố nhau đủ điều. Rồi tranh nhau nói, tưởng như giữa bao la trời mây này chỉ có hai người .

           Đó là những ngày thanh bình yên ả, cuộc sống dường như chỉ có hoa và nắng, chiến tranh chưa vươn móng vuốt của nó ra miền Bắc...

          Hôm anh nhập ngũ, Thúy không đi tiễn. Cô bận thi vào đại học. Từ bấy đến nay đã bao nhiêu năm, nhanh quá! Thúy ra trường là kỹ sư, anh trở thành thuyền trưởng. Thời gian gần đây hai người ít gặp nhau, song hình ảnh Thúy có lúc nào nhạt mờ trong tâm trí anh? Anh phong giữ biết bao kỷ niệm về cô và thực sự thú vị với những kỷ niệm ấy. "Biết thú vị với những kỷ niệm đã qua cùng người yêu là được yêu hai lần", những lúc vui chuyện với bạn bè anh thường bảo vậy. Nghĩ về tình cảm của mình, chưa bao giờ anh băn khoăn cấn gợn. Yêu Thúy bao năm song anh vân giữ được sự trong sáng, trẻ trung và tươi non của mối tình đầu. Nếu có điều khiến anh áy náy thì có lẽ đó là anh chưa nói hết tất cả công việc của anh. Sự ấy xét trên khía cạnh lợi ích chung, xét theo hoàn cảnh là hợp lẽ, không thẻ khác, song anh vẫn mặc cảm như thể mình có lỗi. Anh thương Thúy vô cùng. Càng thương hơn khi biết rằng Thúy nghĩ công việc của anh rất khác. Trong trí tưởng tượng đượm chất học trò của cô, hình ảnh người thuyền trưởng phảng phất những nét lãng mạn: Anh đứng trong buồng lái gió biên thổi bung mái tóc, con tàu cưỡi sóng ra khơi nhả đạn vào tàu chiến, vào máy bay địch; chiến thắng trở về, con tàu nép mình bên quân cảng; biển cũng xanh và trời cũng xanh…

          Thúy không thể hình dung được những chuyến đi của anh: Lang thang trên biển hàng tuần, thậm chí hàng tháng, sóng, gió, bão và kẻ thù, cái chết lúc nào cũng đón đợi. Ra đi là xác định có thể không trở về. Đưa được khẩu súng vào chiến trường phải đánh đôi bao hy sinh. Nhiều đồng chí của anh đã lặng lẽ bỏ mình ngoài khơi. Song vũ khí vẫn phải đến chiến trường. Đó là mệnh lệnh, là lương tâm, là trách nhiệm: cuộc chiến đấu trong ấy không thể ngưng nghỉ một ngày.

          "Tới đây, anh lại đi. Anh sẽ đưa vũ khí cập một bến lạ. Bao thử thách đang chờ. Điều ấy thì em không thể biết. Đừng trách anh chưa nói cùng em..."

          Lê trằn trọc, bao ý nghĩ, bao nỗi mềm chen lấn, đan cài. Nghĩ đến chuyến đi tới, Lê thực sự lo lắng. Bao việc phải làm để con tàu có thể nhổ neo. Lê thấy sốt ruột…

          Hình như trời đã sáng. Có tiếng lịch kịch từ dưới nhà bếp đưa lên; tiếng gầu va vào thành giếng và xa xa có tiếng ôtô rú ga vọng vào vách núi.


Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2009, 07:39:49 am »


5


           Một người dong dỏng cao, dáng thô, tay dài, chiếc ba lô, "cóc" ngoắc một bên vai, chiếc mũ cứng trật trưỡng trên đầu, áo quân phục màu ghi, nửa trong quần, nửa ngoài quần, đeo quân hàm thiếu úy, hớt hải tới bên chiếc xe con.
          - Xe này về đoàn 25 phải không đồng chí? - Anh ta hỏi, người phải cúi gập xuống mới ghé mặt được vào cửa xe.
          - Tòng hả? - Lê kêu to rồi đẩy mạnh cửa, bổ xuống.
          - Trời ơi, thằng nỡm! Thằng "Lê trắng", thằng "Lê đẹp trai", thằng " Lê thư sinh"! - Anh ta hét toáng lên - Mày đấy à? - Rồi phốc tới nguềnh ngoằng vươn đôi cánh tay vượn ra ôm ghì lấy Lê - Cứ tưởng bỏ xác ngoài biển rồi? Khỉ ơi là khỉ, sao lại ngồi đây?
          - Thì buông ra đã. Tớ đến ngạt thở với cậu mất. Tòng chỉ nới tay chứ chưa chịu buông, giọng oang oang:
          - Phải đến mấy năm rồi, nhỉ? Cùng trong quân chủng mà chẳng lúc nào gặp nhau. Có gầy hơn, đen nữa, nhưng vẫn trẻ, vẫn đẹp trai. Ở đoàn 25 suốt à?
         - Từ ngày ra trường đến nay!
         - Cha mẹ ơi, lần này tao về sống hẳn với mày đây, nỡm ạ.
         - Về đoàn 25, thực chứ?
         - Cái mặt thằng Tòng chưa hề nói dối ai bao giờ nhé!
         - Lại được ở với nhau. Sao bảo quả đất hình dài - Lê đấm mạnh vào lưng bạn - Vậy thì vui quá rồi. Ở đây rất thiếu thuyền trưởng.
         - Thiếu hay thừa là việc của trên, lính tráng chỉ biết điều đâu đi đó. Khi có giấy gọi về phòng cán bộ, ngỡ là chuyến này họ chuyển sang làm đặc công tước lặn hụp bắt mấy chiếc tàu Mỹ chơi, chả là tao bơi giỏi mà. Hồi ở trường, không có tao thì mày đã ngoẻo ở sông Chanh còn gì. Ai ngờ lại về làm lính vận tải.
         - Làm lính vận tải nhàn quá hả?
         - Vâng, tôi biết các anh rồi, vào sống ra chết, xuất quỷ nhập thần, có nhiều sự tích như thần thoại... Tôi vốn bái phục từ lâu, vì thế khi biết về với các anh, tôi cứ run lên vì sướng. Sáng nay có quyết định, đang lớ ngớ, nghĩ là có lẽ phải đeo ba lô "đờ mi" cuốc bộ thì các cha ở phòng cán bộ cho hay là có xe của đoàn trưởng lên họp sắp trở về, vậy là quýnh quáo bổ ra. May! Bao giờ xe chạy?
         - Chờ cụ Tư! Cụ ấy đang vào cơ quan. Mỗi lần lên đây là tranh thủ làm việc với phòng này một tí, ban kia một tí. Có phải lúc nào cũng đánh xe đi được đâu.
         - Này, đến chỗ nào nói chuyện chứ, chả lẽ đứng thưỡn ra đây như hai thằng điên à?
          Tòng tháo ba lô, quẳng vào xe rồi hai người sóng vai
ra đường cái.

          Quê Tòng Vĩnh Phú. Anh nhập ngũ trước Lê một năm, nhưng hai người cùng vào Trường sĩ quan Hải quân một khóa. Ơ cùng tiểu đội gần và thân nhau. Ba năm học hai người như hình với bóng. Anh em vẫn đùa là thằng Tòng phải lòng thằng Lê, một thằng thì như con vượn đực, một thằng thì như con thỏ bạch. Tòng thông minh, học giỏi, môn nào cũng đạt loại ưu, lại không biết say sóng, nhưng chưa lần nào được khen thưởng, cuối khóa suýt nữa không được thi tốt nghiệp chỉ vì cái tính hay nói ngang, nói thẳng, có lúc đến đốp chát. Song chẳng bao giờ Tòng bận tâm hoặc buồn phiền vì những diều đó. "Sống cho đúng mình và không tự xấu hổ với mình mới khó, còn sống khôn khéo nhằm làm vừa lòng người khác thì khó gì". Tòng thường nói thế. Và Lê thấy Tòng có lý.

           Bên Tòng lâu, Lê phát hiện ra nhiều đức tính quý. Với bạn bè, Tòng sống hết mình, có thể móc đồng bạc cuối cùng khi bạn túng bấn, nhưng sẽ không bao giờ nói một câu với những ai anh cho là lươn lẹo, giả dối, nịnh bợ."Nhân loại còn khốn đốn vì còn những kẻ như thế" - Tòng nói vậy. Đã tin ai thì có thể bộc bạch tất cả, không tin thì kín bằng như hũ nút. Định làm điều gì là chí làm bằng được, khi đã nghĩ rằng mình đúng thì bất chấp. Tuy vậy, anh cũng là con người khá liều lĩnh. Song điều khiến Lê thực sự quý mến Tòng, gần như sự kính trọng là ở chỗ anh sống chân thực, chân thực với mọi người và chân thực với chính mình. Sự chân thực ấy bộc lộ rõ trong mối tình của anh đối với Lụa. Lụa hơn anh hai tuổi, đã có chồng và một con, nhưng không vì thế mà vơi khuyết tình yêu cháy bỏng tròn đầy nơi anh đối với người phụ nữ ấy. Lê cảm phục mối tình đó, trân trọng mối tình đó, tuy nhiên lúc đầu, khi mới biết chuyện, anh cũng ngại, những muốn khuyên bạn điều gì như thể là sự gợi ý.
          - Nhưng tao biết mày định khuyên tao thế nào rồi - Tòng nói - Chính tao cũng đã bao lần tự khuyên mình rằng hãy biết nén chịu, hãy gắng bứt ra khỏi sự đam mê để giữ hạnh phúc cho gia đình Lụa. Nếu quả rằng tao là cái nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt tình cảm của Lụa đối với chồng, thì thật có lỗi. Nhưng hình như không phải thế. Sự xuất hiện của tao là cái cớ chứ không phải nguyên nhân. Đã từ lâu, Lụa không yêu người đàn ông ấy nữa. Anh ta sống nhạt nhẽo và đơn điệu. Tuy thế tao cũng thấy mình không có quyền xen vào... Ừ, mà tao yêu Lụa từ bao giờ nhỉ? Chính tao cũng không rõ nữa Chiều chiều ra sông tắm, gặp cô ấy bên nương ngô, nói chuyện dăm bảy lần, hiểu nhau, cảm nhau, rồi nhớ. Khi nhận ra giữa tao và người phụ nữ ấy có cái gì đó khác lạ tao giật mình. Và tao trốn chạy: tao thưa ra bờ sông, tao tránh gặp mặt. Nhưng khổ một nỗi là người ta không đánh lừa được bản thân; càng trốn chạy, tình cảm giữa tao và Lụa càng thít vào. Lạ thế! Hàng tháng trời không gặp nhau, nhưng trong im lặng, cả hai lại hình như nói với nhau nhiều điều hơn, hiểu về nhau hơn.

           Rồi cả làng Ao Gỗ biết chuyện. Chồng Lụa tập hợp một số người họ hàng, uống rượu say, đe tìm tao để đánh. Lụa nói thẳng cho anh ta biết rằng: "Anh không có quyền làm thế. Đã lâu rồi tôi không yêu anh nữa. Tôi có quyền yêu người khác. Hãy để cho tôi tự do...". Nhưng cái gã nhạt thếch đó bảo là: yêu hay không yêu nữa hắn không quan tâm, hắn lấy Lụa có cưới xin, có đăng ký, nên hắn thực hiện quyền làm chồng. Về lý, anh ta đúng. Tao nghĩ rằng để giải quyết mọi chuyện, có lẽ tốt hơn hết là mình hãy lặng lẽ đi khỏi nơi này, khỏi cái làng Ao Gỗ. Nhân có đợt tuyển quân, tao cho đây là cơ hội giúp mình, nên đã đi ghi tên đầu tiên. Khi có giấy báo nhập ngũ, tao ngỡ rằng vậy là đã có hoàn cảnh để hai đứa cắt đứt mọi quan hệ. Nhưng tình cảm người ta không đơn giản.

           Đêm trước ngày lên đường, Lụa biết, cô ấy đi tìm. Hai đứa đưa nhau ra bờ sông Lô. Lụa bảo rằng tao đã không yêu cô ấy nữa. Lụa đấm thùm thụp vào ngực tao và cứ một mực rằng thế nào tao cũng đến với người con gái khác. Tao càng phân bua, cô ấy càng như điên như dại, gào lên: "Nói dối! Nói dối!". Chà, mày không thể tưởng tượng được đôi mắt long lanh cuồng dại của Lụa trong cái đêm hôm đó đâu. Cái nhìn như thiêu chết người ấy ám ảnh tao suốt. Cuối cùng thì cô ấy bắt tao thề. Thề gì? Đã yêu Lụa thì còn có thể đến được với ai nữa mà thề! "Em đã là vợ anh, nghe rõ chưa? - Cô ấy bảo - anh đi hãy tỏ ra là một người đàn ông. Chết thì em thờ, sống thì em chờ, bao nhiêu năm em cũng chờ. Nhưng nếu trăng gió với ai thì em giết, em giết. Giết anh rồi có thể em gieo mình xuống sông, nhưng nhất định là em không tha. Em là kẻ độc ác, hoặc anh chết, hoặc anh chỉ là của em". Cô ấy đã nói như vậy.

           Những lúc ấy Lê nhìn bạn, thấy thương vô cùng, song cũng chẳng rõ nên khuyên thế nào. Tình cảm con người chứ đâu phải cái công tắc điện...

           Từ ngày ra trường, mỗi đứa về một đơn vị, cho tới nay Lê với Tòng mới gặp nhau. Lê thấy Tòng không mấy thay đổi, có già đi chút ít nhưng tính tình vẫn bộc trực, sôi nổi.

           - Thế chuyện cậu và Lụa bây giờ sao rồi? - Lê hỏi khi hai người ra tới rặng phi lao bên đường.
           - À, chuyện về Lụa hả ? Cô ấy đã làm đơn ra toà xin ly dị chồng. Nhưng người ta đang tìm cách hoà giải. Hoà giải khỉ gì, một người như Lụa làm sao có thể sống với một gã đàn ông như thế, một thằng cha bần tiện. Có chiếc xe "Pha-vô-rít" bao năm nay chỉ thấy hắn treo ở góc nhà, đi đâu thì cuốc bộ, nhưng ngày nào cũng hạ xuống lau, rồi ngắm. Hắn tuyên bố rằng ai mượn vợ thì sẵn sàng, còn xe đạp thì chớ có đụng vào. Hôm nhà cụ Đáng bên cạnh có đứa cháu sốt nặng co giật suốt đêm, cần đưa đi viện gấp, không sao khác được, ông cụ đành sang mượn hắn chiếc xe. Ngần ngừ đến năm phút, không cho mượn thì dân làng họ ỉa vào mặt, mà cho mượn thì... Cuối cùng hắn bảo là để hắn lai đi. Chẳng phải hắn tốt bụng, mà sợ để người khác đi, dễ sây xước xe. Từ đó hắn tháo vành bánh trước cho vào tủ, khóa lại, còn xe vẫn treo chỗ cũ. À, cái cô Thúy của mày thế nào rồi? Cưới phắt đi chứ!
          - Cậu bảo mình cưới vợ ấy à? - Lê với tay giật một cành phi lao và vừa đi vừa bẻ vụn ra - Cô ấy mới ra trường, công việc còn mới mẻ, hai đứa đang muốn rảnh rang để công tác, với lại mình hên tục ra vào trong kia, ai biết có trở về hay không, cưới nhau rồi để khổ cho nhau à?
          - Suy nghĩ dở ẹc. Dễ chừng không cưới, mày chết, Thúy đỡ khổ hơn chăng? Vậy về mặt tình cảm mày chưa phải là chồng cô ấy?
          Cái gì ở hắn cũng đơn giản, nhưng thực có lý - Lê ngước nhìn Tòng và anh như thể cố tình trêu bạn:
          - Với nữa điều kiện chưa cho phép. Lại đang chiến tranh.
          - Điều kiện chưa cho phép! Điều ấy có thể chấp nhận. Còn vin vào cớ chiến tranh là không ổn đâu. Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa, nghĩ như mày rồi chết già ráo. Việt Nam ta lấy đâu ra người để chiến đấu.



« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2009, 01:26:38 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2009, 07:54:00 am »

       
           Hai người lộn trở lại lối họ vừa đi. Tới sân, Lê thoáng thấy người trung tá béo xệ tối qua anh gặp ở phòng làm việc của tư lệnh, từ nhà khách đi ra.
          - Mày quen ông ta à? - Tòng hỏi khi thấy Lê cứ nhìn theo người trung tá .
          - Không, đây là lần thứ hai mình trông thấy ông ấy.
          - Một đại biểu đặc biệt, cho loại người thừa khôn ngoan, thiếu thông minh. Trung tá Tường đấy.
          - Cậu biết?
          - Còn lạ gì. Hồi mới ra trường, tao đã một thời dưới quyền ông ta và không ít lần va chạm. Một lần có đoàn kiểm tra trên BỘ xuống đơn vị, máy tàu tao hỏng, nhưng ông ta cứ bắt tao phải báo cáo là tốt. "Không nhất thiết đánh lừa cấp trên như thế " - tao bảo. Ông ta cáu: "Nhưng tôi ra lệnh". "Vâng, đồng chí có thể ra lệnh vì đồng chí là chỉ huy. Song sự trung thực cũng có thể ra lệnh cho tôi vì tôi là người trực tiếp phụ trách tàu này". Ông ta đấu dịu: "Nhưng hãy vì lợi ích đơn vị hãy tỏ ra cho cấp trên biết là chúng ta bảo quản máy móc không tồi". Vậy mà không rõ thế nào lại lên nhanh thế. Mới thiếu tá năm kia, nay đã trung tá. Một tay rất sợ trách nhiệm...
          - Hiện làm gì?
          - Trước đây là trung đoàn trưởng trung đoàn tàu 32, rồi lên làm gì đó ở Bộ tư lệnh một thời gian. Nay nghe đâu về lại trung đoàn 32 đảm nhiệm việc rà phá thủy lôi. Song ông ta chi thích ở cơ quan, rất hãi xuống đơn vị xuống chỗ ấy dễ chết mà. Này nghe nói đoàn 25 ta toàn những tay thủy thủ cự phách, tuyệt vời hả?
          - Tuyệt vời, theo cậu là thế nào? - Lê hỏi lại – Là dũng cảm à? Là sẵn sàng chết à? Vâng, rất cần và chúng ta không thiếu gì những người như thế. Nhưng chưa đủ đâu. Công việc đòi hỏi phải có những người biết hành động, biết dám sống... Về đoàn rồi cậu sẽ rõ. Nghe nói cậu có tham gia vào trận đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc?
          - Hồi đó đang làm thuyền phó. Mày thú vị với trận ấy lắm hả?
          - Một trận đánh tháng đầu tiên của hải quân ta! Tòng dừng lại, quay người đứng đối diện với Lê :
          - Đánh thắng! Vâng, nhưng về phương diện nào chứ! - Tòng bỗng sôi nổi hẳn, vừa nói vừa vung tay - Ta đã đuổi được chiến khu trục ấy ra khỏi hải phận. Nhưng khi chiêm nghiệm lại những gì đã qua, nên có cái nhìn tỉnh táo và nghiêm khắc. Về tinh thần dũng cảm, về tinh thần dám đánh thì khỏi bàn. Nhưng còn chiến thuật? Với cương vị là một  sĩ  quan hải quân, mày có thỏa mãn với cách đánh đó? Không hẳn trận nào đánh thắng cũng đáng bằng lòng về mọi phương diện.
         - Đấy nhé, như vậy là dám hành động chưa đủ, còn phải biết hành động nữa phải không? Đó là điều cần thiết cho công việc của những người ở đoàn 25 ta. Dám chết là điều rất dễ.

          Hai người vừa đi chầm chậm quanh sân nhà khách, vừa chuyện trò và cả hai đều thấy thú vị.
Khi đoàn trưởng Tư vội vã từ chân núi đi tới thì trời đã trưa. Chiếc ôtô nổ máy và lăn bánh ra con đường đá.
          - Mình vừa được phòng cán bộ thông báo cho biết trên bổ sung cậu về đoàn - Đoàn trưởng Tư quay sang nói với Tòng khi xe ra đến đường cái - Cũng nghe người  ta đồn rằng cậu ngang lắm. Nhưng mình lại không sợ những tay ngang đâu nhé . Mình sợ nhất những tay lúc nào cũng vâng dạ, nhưng chẳng rõ ruột gan hắn thế nào. Vợ con gì chưa hả, Tòng?
         - Chuyện vợ con ấy ạ? - Tòng hơi lúng túng - báo cáo đoàn trưởng, cũng muộn mằn. Đang yêu một cô, song cô ấy chưa bỏ được chồng.
         - Hả? - Đoàn trưởng Tư ngạc nhiên đưa mắt nhìn sang Lê như thể tìm sự xác minh.
         - Báo cáo thủ trưởng, cô ấy và anh chồng đã làm đơn xin ly dị ạ - Lê đỡ lời.
         - Rắc rối nhỉ. - Đoàn trưởng gật gật dầu, vẻ suy nghĩ rồi ông nói tiếp - Tòng này, tình yêu muôn màu muôn vẻ chả chuyện nào giống chuyện nào. Nhưng theo mình, đó là chuyện không đùa dược đâu. Cậu không cẩn thận là gỡ chẳng ra đấy.
         - Báo cáo, tôi cũng nhận thức được điều ấy và cũng đang gỡ đấy ạ ?
         - Gỡ? Phải tỉnh táo và cứng rắn mới được. Coi chừng kẻo gỡ chân nọ lại xích vào chân kia.
         
          Chiếc xe đi hết đoạn đường đá thì quặt sang con đường nhựa, hướng về phía trung đoàn đóng quân.
          - Các thủ trưởng nghe chừng tiếng máy bay hộ tôi nhé - Cậu lái xe bảo - Tháng trước xe của đoàn 8 đã bị chúng nó bắn rốc két khi đang trên đường về căn cứ. Đoạn đường này chúng hay cắn trộm lắm.
          - Nó cắn công khai chứ không cắn trộm đâu? Nhưng cậu cứ an tâm, chúng ta những tám tai, tám mắt cơ mà.
          - Mỗi lần có lính mới về đơn vị, thể nào các thủ trưởng chẳng cho trình bày nguyện vọng, phải không ạ? Tòng hỏi, mắt anh nhìn thẳng ra con đường nhựa loa loá phía trước.
         - Cậu lại muốn đi biển chứ gì?
         - Vâng! Tôi đề nghị được tiếp tục ở dưới tàu. Làm trợ lý trên cơ quan, tôi hãi lắm. Suốt ngày cứ ôm lấy chiếc bàn như gà mái ấp trứng ấy. Tôi cũng đã lường được công việc khó khăn ác liệt của đoàn ta, các thủ trưởng cứ an tâm. Lúc sáng, có một anh chàng trung úy rất đẹp trai, trước khi đưa quyết định cho tôi cứ thuyết mãi, nào là phải xác định tư tưởng cho tốt, nào phải an tâm công tác nào phải vững vàng kiên định vân vân và vân vân. Nghe sốt ruột quá, tôi mới gắt lên: " Này, anh đừng có đưa những điều ấy ra nói với tôi. Đã biết cầm khẩu súng, tôi rô được bổn phận, trách nhiệm và ý thức đầy đủ nghĩa vụ của mình, tôi biết mình phải sống thế nào cho phải chứ ". Anh ta đỏ mặt: "Nhưng đó là công việc của tôi". " Vâng, nếu là phần việc nhất thiết phải có của một trợ lý nhằm làm đúng thủ tục khi trao quyết định nhận công tác cho người khác thì mời anh cứ nói, tôi nghe". Anh ta im thít.

           "Thằng cha quả có ngang thật" - Đoàn trưởng Tư ngả người tựa vào ghế, mỉm cười.


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2009, 08:24:42 am gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2009, 08:24:09 am »


6


          Trận bom giội xuống thành phố lúc 9 giờ sáng.
          Còi báo động chưa kịp rúc thì bốn phía tiếng súng phòng không đã nổ ran. Ba tốp máy bay, mỗi tốp ba chiếc từ hướng biển thay nhau lao vào. Chúng lượn vòng, nhào lộn, gầm rít. Bom nổ. Nhà sập. Cây đổ. Khắp nơi lửa bốc rừng rực. Những ngôi nhà không trúng bom thì sạt mái, ngói rơi tơi tả. Thành phố chìm trong tiếng bom, tiếng đạn và âm thanh đủ loại. Mặt đất rung lên. Phía cảng, phía Chợ Con nhiều cột khói đen cuộn mù mịt lan tỏa khắp bề mặt thành phố.
          Trên con đường gần nhà hát, nhiều bước chân chạy hối hả. Rồi tiếng ai đó thất thanh:
          - Quay lại! Quay lại! Có hầm sập.
          Tốp người lộn trở lại. Mặt người nào cũng hốc hác,lem luốc. Cạnh ngôi nhà ba tầng vừa sập, phần trên cònchỏng chơ mấy cái cột sắt cong vênh, một hố bom lởm chởm, sâu hoắm xỉn đen đang bốc khói; cả một mảng tường đổ ụp xuống đè lên chiếc hầm công cộng mà người ta chỉ có thể nhận ra nhờ trí nhớ. Đất đá, gạch ngói ngổn ngang; quần áo, hòm xiểng, đồ chơi trẻ em bay vương vãi. Hơi nóng từ ngôi nhà, từ hố bom phả ra hầm hập.
           - Xà beng! Mang xà beng lại. Cửa hầm đây rồi! - Một giọng đàn ông hét to.
           Mọi người bắt đầu đào bới. .
           - Cẩn thận! - Vẫn tiếng người đàn ông nọ, có lẽ anh là tổ trưởng tổ cứu hầm sập - Gạt nhanh lớp gạch này ra. Mấy đồng chí có cuốc moi chỗ kia !
           Trên trời, máy bay vẫn quần đảo. Bom vẫn rền liên hồi. Súng vẫn nổ. Nhà vẫn cháy...

           Khoảng chừng ba phút thì tốp người phá thông cửa hầm. Đầu tiên họ đưa ra một người đàn ông trạc 45  tuổi, máu ứa khắp người, rồi đến hai phụ nữ, quần áo lấm lem, rách nát, đầy bùn đất, da mặt xanh lét.
          - Mang băng ca lại đây! - Người đội trưởng ra lệnh.
           Một lát sau họ kéo ra thêm được một phụ nữ nữa. Hai đùi chị giập nát, xám ngắt. Chị đã tắt thở. Kế đó là những thi thể nát bấy, quần áo dính vào người, máu me loang lổ.
          Một bà cụ từ đâu hớt hải bươn tới.
          - Con tôi! Các ông bà ơi, cứu con tôi với - Bà cụ gào lên. Rồi sà xuống, dùng hai bàn tay gầy guộc điên loạn bới bới, cào cào.
          - Các ông, các bà ơi...
          - Đừng la lên thế cụ ạ ! - Người đội trưởng nói - Điều cốt nhất lúc này là bình tĩnh. Mọi người hãy bình tĩnh...
          - Chú ý, máy bay quay lại đấy! – Có tiếng người hét lên.

          ... Ngồi dưới căn hầm cá nhân cách ngôi nhà đổ không xa, bà cụ Nhậm run bần bật. "Chưa có trận bom nào kéo dài như trận bom ngày hôm nay. Ngớt tiếng máy bay, đã ngỡ là yên, ngoằng cái, chúng lại vào, bom lại nổ. Vậy mà bố con ông ấy cứ định bắt bà đi sơ tán, đi sao đành mà đi". Bà thấp thỏm, chốc khốc lại nhô đầu lên nói vọng sang hầm bên:
           - Tôi nghe hình như bom nổ mạn nhà máy đóng tàu của con Thúy ông ạ.
           - Dễ chừng nó không biết xuống hầm đấy?
           - Ông lại đi đâu vậy?
           - Có người chết đằng kia, mình cứ đứng đây mà nhìn sao? - Ông cụ Nhậm vọt ra khỏi hầm, chạy về phía có ngôi nhà đổ.
          - Kìa ông? - Bà Nhậm thảng thốt. Nhưng bà phải ngồi thụp xuống: một chiếc máy bay rét ngay trên đầu. Tim bà đập thình thịch. Cha mẹ ơi cứ tưởng nó lao ngay vào mình. Không biết con Thúy nhà này có xuống hầm không?
         - Còi báo yên được một lúc thì ông Nhậm về. Lát sau Thúy cũng về. Cô  hớt hải chạy vội lên cầu thang, người lấm láp, mặt mày phờ phạc, da tái; chiếc mũ sắt úp chụp trên đầu.
         - Ôi, con làm sao không, Thúy? - Bà Nhậm lật đật ra đón.

          Như mọi lần, bà lại cuống quít nắn nắn khắp con gái. Và khi biết Thúy không xây xước gì, bà mới an tâm - Nhà máy có bị sao không, con? - Bà hỏi.
          - Bom nó chỉ làm sạt một góc phân xưởng cơ khí thôi mẹ ạ.
          Thúy bỏ mũ, vuốt vuốt lại tóc rồi ngồi xuống cạnh mẹ và cảm thấy ấm lòng.
          - Có ai can hệ gì không?
          - Bọn con bắn trả rát nên chúng không dám xuống thấp quăng bom lung tung.
          - Ôi, mày cũng bắn à, con?
          - Bà lạ nhỉ, con nó là tự vệ nhà máy.
          -Trời đất !
          - Nó bắn mình thì mình bắn lại chứ mẹ.
          - Ừ! Nó  bắn mình thì mình bắn lại, cái luật đời là vậy đấy bà ạ ! - Ông Nhậm thích thú giải thích, và ông nhìn con gái đang nép bên mẹ ra chiều hài lòng.
          - Mày đã ăn gì chưa? - Bà lại hỏi.
          - Con đi ngay đây mà. Ở nhà máy đang ngổn ngang, có bao việc cần làm, cần thu dọn; ổn định sớm để tiếp tục sản xuất mẹ ạ.
         - Lại đi?
         - Thấy chúng nó quần phía này nhiều, con lo quá, ngớt tiếng bom là chạy vội về xem bố mẹ, nhà cửa ra sao. Con mèo mướp đâu hả mẹ?
         Nghe nhắc đến tên, chú mèo từ góc nhà đi tới, nũng nịu dụi dụi đầu vào chủ kêu khe khẽ như muốn bảo: Tôi đây tôi vẫn còn sống đây". Thúy ôm nó vào lòng, vỗ vỗ yên đầu. Rồi cô đứng dậy:
         - Con đi đây, bọn cái Bình đang chờ ở ngã ba.
          Nhặt chiếc mũ đội lên đầu, cô nhảy xuống cầu thang. Bà Nhậm quýnh quýnh chạy theo:
         - Cẩn thận đấy con ạ, bom đạn nó không kiêng nể .ai đâu!
          Nhìn theo dáng đi chân không bén đất của con gái, bà Nhậm thương quá. "Số nó rồi vất vả, y hệt bố, lúc nào cũng lật đà, lật đật, lại gan nữa. Trưa nay nó ăn ở đâu?".

          Bà không được đông con như người ta. Trời cho bà có hai mụn. Thằng Đáng, năm đói ất Dậu tưởng bỏ bà đi may trời thương, qua khỏi, từ đó bà không rời nó một bước. Hồi chống Pháp, nghĩ mà tội, thằng Đáng vắt trên lưng ông Nhậm, bà quảy hai cái thúng, một bên là con Thúy, một bên là quần áo chiếu chăn dắt díu nhau đi. Biết con đói mà trong túi không dính một đồng xu. Lên đến Phúc Yên, gặp người quen, cho bát cháo, hai đứa giằng nhau húp. Nhìn sự thèm ăn của chúng, nước mắt bà chảy tràn hai bên má. Nào nhiều nhặn gì, có hai mống mà không đủ cho chúng no.

          Rồi ông Nhậm đi. Biết tính ông, bà không gàn, mà có gàn cũng không được. Ông lên chiến khu, làm ở công binh xưởng. Một tay bà thu vén vừa dựng nhà dựng cửa, vừa vỡ đất trồng rau, trồng sắn nuôi con.

          Hòa bình lập lại, ông về. Cả nhà đoàn tụ. Trở lại phố, ông bà có công việc làm, cuộc sống khá hơn, con cái được học hành, khi đó bà mới thấy thảnh thơi, mới hết lo lắng. Bà trẻ hẳn lại. Nhìn hai đứa ngày ngày cắp sách tới trường, tối cãi nhau những điều vừa học, lòng bà nôn nao, vui vui. Ngỡ cuộc sống từ nay cứ vậy, chỉ loăn, lo làm. Ai ngờ thằng Đáng, như bố nó ngày xưa, lại nằng nặc đòi đi. Mấy năm đầu, thỉnh thoảng còn ghé về thăm nhà, còn viết thư. Gần năm nay thì biền biệt. Ông Nhậmthường mắng bà: "Đừng cuống lên, nó đi "bê" đấy. Có hàng vạn người chứ không riêng con bà". Bà biết đi,"bê" là đi chiến đấu trong Nam, đêm đêm bà Nhậm khấn trời khấn Phật khấn quan âm Bồ tát và các thánh thần hai vai che chở phù hộ độ trì cho con bà. Rồi đến cái Thúy bỏ bà ở lại. Xách va li lên tàu, gặp bạn gặp bè là nói nói cười cười, là quên ngay mẹ. Nó không biết rằng đứng dưới sân ga, bà đang héo ruột lo cho nó đủ thứ, con gái mới lớn, nhữngviệc sinh hoạt của phụ nữ ai sẽ bày dạy chỉ bảo? Con bé kém chịu nóng, đêm đêm ai quạt cho nghỉ?... Cũng may là chỉ học mấy năm thì nó về phúc trời, được công tác gần nhà. Thế là bà đỡ đi một nỗi. Ai ngờ nay bà lại phải xa nó lần nữa.
         - Ông này! Hay là ta xin cho cái Thúy cùng sơ tán hả ông? Ông đến nhà máy nói với bác An một câu...
         - Dễ nhỉ - Giọng ông Nhậm chậm rãi. Nó là con bà, nhưng nó còn là người của xã hội, người của nhà máy; nó còn có bổn phận, còn có trách nhiệm của nó. Nó là thanh niên, là đoàn viên, hẳn bà đã biết. Bà đừng làm nó xấu hổ với bạn bè. Hơn nữa, phải có người trụ lại hành phố chứ Bà định chúng ta bỏ sản xuất hả? Bỏ sản xuất là thua. Ngày mai chủ nhật nó và cái Bình sẽ đưa tôi và bà sơ tán xuống Kiến Thụy, bà nhớ chứ?

          Bà Nhậm thở dài, đứng lên, đi xuống bếp sửa soạn bữa trưa.
          Sáng hôm sau, Lâm Khanh và Bình tới sớm.
          - Thúy ơi, tao không đưa hai cụ đi được đâu - ThấyThúy, Bình ôm lấy bạn, nói nhỏ cốt để chỉ hai người nghe - Anh Khanh sẽ đi với mày.
          - Sao thế? - Thúy ngạc nhiên hỏi.
          - Hôm nay hắn nhắn sẽ về, mày ạ. Về tạm biệt để đi xa. Khoe là chuẩn bị nhận nhiệm vụ rà phá thủy lôi ở đâu đấy nên có thể lâu lâu mới gặp được. Phá thủy lôi cũng nguy hiểm, nhỡ mai kia anh chàng có làm sao tao lại ân hận. Về để chia tay mà không gặp, thương lắm.Vậy nhé, được không?
          - Được! Bảo là cái Thúy gửi lời hỏi thăm và đừng có quên đất Cảng. Nói với chàng là bao giờ về, nhớ ôm theo quả thủy lôi để ra mặt họ nhà gái.


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2009, 01:15:27 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2009, 08:51:10 am »


           Khi Thúy và Lâm Khanh trở lại thành phố thì trời đã tối. Đường phố sáng ánh đèn nhưng quang quẻ, vắng lặng và hoàn toàn mất đi cái náo nhiệt, cái ồn ào của người, của xe trong những tối chủ nhật trước đây. Nhìn những dãy phố tiêu điều đứng lặng lẽ, những thân cây trơ trụi cháy den, những bức tường khô khốc ẩm khói, chưa đổ hẳn đứng chênh vênh bên những đống gạch vụn, nhìn những ngôi nhà mất mái oằn xuống, Thúy thấy buồn.
          Chẳng lẽ thành phố mãi mãi mất hẳn âm thanh ấy?
          Chẳng lẽ không bao giờ còn nữa tiếng nô đùa, reo hát ồn ào của trẻ em, tiếng chuông xích lô leng keng, tiếng còi ôtô tiếng bước chân, tiếng cười đùa, tiếng rao hàng hai bên vỉa hè...? Chẳng lẽ không bao giờ còn nữa tiếng đe, tiếng búa, tiếng máy chạy ầm ầm...? Yên vắng quá! Và Thúy thấy trống trải. Cô muốn về nhà máy thật nhanh để được nhìn thấy mọi người, để được nghe tiếng lửa sì ra đầu mỏ hàn, để được nghe tiếng búa gõ lên thép, lên tôn, để được nhìn lửa đỏ trong lò và để được nghe tiếng máy chạy, tiếng gắt gỏng của bác An, tiếng cười lanh lảnh của cái Bình...
          - Anh đưa Thúy về nhà nhé !
          - À, vâng - Cô như sực tỉnh, trả lời thảng thốt.
          Hai người rẽ về phía ngôi nhà hai tầng. Khanh ngồi với Thúy một lúc, nói vài ba chuyện không đâu rồi về. Thúy đưa Khanh xuống tới đường, cảm ơn anh và hẹn ngày mai gặp nhau ở phòng làm việc. Khanh trùng trình chưa muốn lên xe, nhìn ngôi nhà lặng ngắt, nhìn dáng Thúy mảnh mai, anh thấy ái ngại. Dường như Khanh muốn nói một điều gì, nhưng anh tần ngần, im lặng. Và tới lúc này, anh mới nhận ra: anh đã yêu Thúy.

          Thúy bước lên cầu thang. Đã cố bước nhẹ chân, cô vẫn thấy tiếng guốc của mình vang to quá. Và khi ngồi xuống bên chiếc bàn con, nhìn căn phòng trống trải, cô mới thấy chơ vơ, mới thấy hãi sợ. "Vậy là từ nay sẽ sống một mình nơi đây". Cô thấy nhớ mẹ, thương mẹ.

          Giờ này chắc mẹ đang nghĩ nhiều đến cô, đang lo cho cô và chắc chắn là đêm nay mẹ sẽ không ngủ. Lúc chia tay, mẹ nấn ná không muốn rời và dặn đủ điều, nào là khi qua cầu, nghe ngóng đã hẵng đi; phải cài chặt cửa đêm đêm; phải thật tỉnh ngủ để nghe còi báo động; đừng gội đầu bằng bồ kết đặc quá, dễ rụng tóc; đừng dầm nước trong những hôm đến ngày trong tháng... Rồi Thúy nghĩ tới Lê, nhớ anh. Anh đang ở đâu, anh Lê?  Có nóng ruột khi giờ này em cứ gọi tên? Ôi, ước gì lúc này có tiếng gõ cửa và một giọng thân thiết, quen thuộc cất lên: "Em vẫn thức sao, Thúy? Mở cửa cho anh!". Khi đó thì sao nhỉ? Nhất định là mình sẽ nhào ra mà ôm choàng lấy anh, rồi mình sẽ bắt anh ngồi xuống mà ngắm cho đã và nhất định là không cho anh đi khỏi đây nữa. Có nghe em gọi không, anh Lê! Anh Lê.

          Tiếng gió lùa, đập mạnh vào cửa sổ. Thúy hốt hoảng quay lại - "Có ma không nhỉ?". Toàn thân cô ớn Lạnh. Cô gõ mạnh xuống bàn và định hát một câu gì thật to. Chợt Thúy giật nảy, toan thét lên, có vật gì dụi dụi vào chân. Song Thúy đã kịp nhận ra: chú mèo mướp!
          - Đồ quỷ! Mày làm tao sợ hết hồn - Thúy mắng - Đi đâu về thế? Chưa ăn gì hả? Để tao lục cơm nguội. Tao cũng đang đói đây.
          Thúy ôm mèo trên tay, thấy đỡ sợ. Cô lại phía chạn đựng thức ăn:
          - Đừng chạy rong. Máy bay Mỹ nó cắt hộ khẩu đấy, nghe chưa?

          Thúy xúc một muỗng cơm cho vào bát, để lên bàn. Con vật nhìn cô rồi uể oải nhấm từng hạt. Ăn xong, cậu thè cái lưỡi hồng hồng ra liếm mép.
         
          Suốt đêm ấy Thúy không có ý định ngủ. Cô ôm mèo vào lòng và cả hai ngồi bên chiếc bàn nói chuyện. Con mèo có lẽ cũng hiểu tâm trạng chủ nên ngoan ngoãn nằm khoanh tròn trên đùi Thúy, chốc chốc lại ngước cặp mắt xanh lên nhìn cô, kêu meo meo ra chiều thông cảm, ra chiều hiểu chuyện.

          Gần sáng thì có còi báo động. Thúy và mèo vội chạy xuống nhà. Nhưng lần này máy bay không vào. Chắc là chỉ rập rình ngoài khơi.


« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2009, 01:19:11 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2009, 09:13:24 am »


7


           Thúy đã bắt đầu quen quen với cách sinh hoạt của mình. Sáng sớm ngủ dậy, nấu cơm thật nhanh, gắng ăn một ít, để lại cho mèo mướp nửa bát, còn bao nhiêu tống cả vào cặp lồng rồi tất tưởi đến nhà máy.
          - Mèo đừng ra ngoài nhé. Ra ngoài nhỡ có khách họ lại ngỡ tao đi vắng xa - Thúy ngồi xuống cạnh mèo và dặn - Chịu khó trông nhà, chiều về sẽ có quà. Thích gì nào? Một chú cá rô nướng giòn nhé. Có máy bay thì chui qua cửa sổ xuống hầm. Nào, nghe rõ chưa?
          - Meo! Meo!
          Ngỡ là mèo đã đồng ý, nhưng ra tới đường, quay lại, Thúy thấy nó lẽo đẽo phía sau. Cô dừng lại:
          - Sợ à? Tối tao về mà. Vào nhà ngay.
          Con vật ngơ ngác một lúc, rồi như hiểu, nó lủi thủi quay về, chạy nhanh lên cầu thang, phốc qua cửa sổ, vào nhà. Ngồi trên bàn nhìn xuống đường, thấy vắng teo, cu cậu buồn, liền nhảy sang giường, nằm cuộn tròn, lim dim mắt, nghĩ ngợi. Chợt nghe có tiếng chim sẻ cãi nhau chí choé trên cành bàng, mèo mở mắt rồi đứng dậy rón rén bước qua bàn, lại bên cửa sổ. Ngước lên thấy mấy ả sẻ cái xoè cánh rung rung làm duyên làm dáng với mấy cậu sẻ đực, mèo trừng mắt nhìn. Mèo đã định lặng lẽ trèo lên cây, thu mình vào một hốc nào đó, rình. Và các ả kia đang mải tí tởn, đừng hòng thoát! Nhưng có lẽ nhớ lời chủ dặn, nên cu cậu chỉ ngồi im bên thành cửa sổ vểnh râu lên dọa. Dẫu sao có lũ chim ấy, vẫn vui hơn.

           Hôm nào Thúy cũng đến nhà máy sớm. Song Lâm Khanh còn đến sớm  hơn. Vào phòng đã thấy anh ngồi bên bàn. Quê Hà Nội, đất Hải Phòng không quen ai nên anh ăn ở hẳn trong nhà máy.
          - À, Thúy đây rồi? - Vừa trông thấy cô, Khanh bỏ tập tài liệu đang đọc, reo lên - Hôm nay Thúy và tôi sẽ lên phòng giám đốc họp nhé.
          - Em à? Cần không anh? Em đang rất bận với cái đề tài cải tiến cách hàn ghép sườn tàu cho kịp mà.
          - Việc này cũng cần, cần hơn. Phục vụ mấy chiếc tàu hải quân đang đóng đấy.
          - Nhưng sao lại không thể là cái Bình, cái Hằng, bác Hạo hoặc anh Sơn. Trong phòng còn bao nhiêu người...Khanh nghĩ ngợi một lúc rồi bảo:
          - Nhưng hôm nay anh muốn Thúy cùng họp.
          "Anh Khanh để ý đến mày đấy em ạ . Được trưởng phòng quan tâm, sướng nhé" - Đã có lần Bình nói với Thúy như vậy. Song cô không tin, anh ấy thừa rõ là Thúy đã có người yêu. Anh Khanh có lạ gì anh Lê?
          - Bác An yêu cầu em à?
          - Giám đốc không yêu cầu cụ thể ai cả... Song... anh muốn em cùng dự cuộc họp này - Khanh nhắc lại.
          - Vâng, nếu vì công việc.

          Hai người lên tới phòng giám đốc đã thấy ông Hạng trưởng phòng cung tiêu, ông Bang quản đốc phân xưởng cơ khí và vài ba người nữa ở đó. Họ vừa hút thuốc lào vừa nói chuyện. Người kể rằng hôm qua thêm một đơn vị pháo nữa về, đào hầm đắp ụ cả đêm; người bảo nghe đâu Giôn-xơn vừa tuyên bố sẽ cho Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá.
          Giám đốc An ngồi phía đầu bàn, chốc chốc nghiêng cổ tay xem đồng hồ.
          - Anh Hành bên kế hoạch chưa thấy nhỉ? - Ông hỏi.
          - Báo cáo giám đốc, đề nghị cứ họp, lão ấy thì hôm nào chẳng đến muộn. Còn phải rửa bát, quét nhà đã. Chưa xong việc, cô ấy chưa cho đi.
          Mọi người cười rộ lên.
          Lát sau, có tiếng huỳnh huỵch chạy vội dưới cầu thang, rồi trưởng phòng kế hoạch Hành xuất hiện ở cửa.

          Trông anh không trẻ mà cũng chẳng già; người đậm, dáng vất vả, khuôn mặt vuông, khắc khổ; chiếc cặp ôm bên nách, miệng vẫn ngậm tăm.

          - Ôi dào, trời không nghe đất thì đất phải nghe trời 1.  Cô ấy nhà tôi dứt khoát không chịu đưa các cháu đi sơ tán, nói mãi cũng vậy thôi - Vừa ngồi xuống ghế, Hành đã phàn nàn - Kêu là "Anh định đầy mẹ con tôi à? Xuống đó để ăn nước ao, thắp đèn dầu, ngủ cạnh chuồng bò, chuồng lợn cho muỗi nó khênh ra đồng. Tôi không quen sống như thế ". Chà, tôi nài nỉ van vỉ thế nào cũng cứ khăng khăng đòi ở lại. Thôi thì mặc xác cô ấy.
          - Liệu có mặc xác được không? - Ông Bang ngồi cạnh đó huých khuỷu tay vào sườn Hành - Tại từ xưa tới nay ông chiều bà ấy quá, bà ấy quen rồi.
          - Chiều à? Tôi vừa cho cô ấy cái bạt tai!
          Phòng họp cười vang bởi câu nói của Hành và bởi cả khuôn mặt cố tỏ ra quan trọng, cứng cỏi khá hài hước của anh.
          - Ông bạt tai bà, hay bà bạt tai ông?
           Giám đốc An bắt đầu chủ trì cuộc họp. Ông thôngbáo tình hình sản xuất trong tháng, những việc làm được và những việc chưa làm được.Ông nói thong thả và mỗi vấn đề nêu ra đều có số liệu xác thực. Ông phân tích những mặt mạnh, những mặt yếu với một thái độ khách quan. Và những điều ông yêu cầu với từng phòng, từng phân xưởng là có cơ sở chứng tỏ ông đã nghiền ngẫm và nghiên cứu kỹ những vấn đề đó. Phần cuối, ông đề cập đến việc đóng tàu cho hải quân.

          Phòng họp thảo luận sôi nổi. Người đề ra biện pháp này, kẻ yêu cầu đủ vật liệu, đủ nhân lực... Ai cũng nhiệt tình, hăm hở và thấy rõ trách nhiệm. Tuy vậy không ít ý kiến bàn ngang, chỉ nêu khó khăn. Cuối cùng thì tấtcả đều thống nhất là phải làm và sẽ tổ chức làm việc thật hợp lý .
          - Như vậy là thực tế đang đặt ra cho ta nhiều yêu cầu ngoài dự kiến - Giám đốc An kết luận - tình hình lại phức tạp, máy bay Mỹ ngày nào cũng vào đánh phá và điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Tôi đề nghị mọi sinh hoạt phải đi vào nếp sống thời chiến. Từ nay, không có cái gọi là giờ hành chính nữa. Chúng ta không làm việc theo giờ mà làm việc theo sự đòi hỏi của công việc theo lương tâm người thợ; làm việc theo ý thức của một công dân trước thực tế của cuộc chiến đấu. Nhà máy sẽ làm việc liên tục trong hai mươi bốn giờ liền. Máy bay vào thì phòng tránh, đánh trả, máy bay đi lại tiếp tục sản xuất. Ai chưa ổn định gia đình, tôi yêu cầu các phòng ban, các phân xưởng sắp xếp để họ ổn định. Dừng nhấp nhổm, đừng ngóng chờ; phải xác định cuộc chiến còn kéo dài. Tôi mong các đồng chí từng hộ ban giám đốc bằng cách tổ chức lao động hợp lý ở bộ phận mình và có năng suất.



------------------------------
Chú thích:
1. Đáng ra phải nói: đất không chịu trời thì trời phải chịu đất
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Sáu, 2009, 01:21:53 pm gửi bởi phonglan » Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM