Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:44:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những khám phá về hoàng đế Quang Trung  (Đọc 103984 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:21:10 am »

Tên sách: Những khám phá về hoàng đế Quang Trung
Tác giả: PGS, TS Sử học Đỗ Bang
Nhà xuất bản: Văn hoá thông tin
Năm xuất bản: 2006
Số hoá: ptlinh, UyenNhi


Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:24:09 am »

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA THÔNG TIN
43 – Lò Đúc – Hà Nội  *  Số điện thoại: 04 8214754
__________________________



NHỮNG KHÁM PHÁ
VỀ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG


Chịu trách nhiệm xuất bản:
BÙI VIỆT BẮC

Chịu trách nhiệm bản thảo:
PHẠM NGỌC LUẬT




Biên tập:
PHẠM MINH THẢO
PHƯƠNG HẢO

Vi tính:
SƯƠNG MAI

Bìa:
TRẦN ĐẠI THẮNG

Sửa bản in:
PHƯƠNG HẢO

_____________________________________________________
In 1.000 cuốn tại Nhà in ĐHQGHN. Giấy phép xuất bản số 247 – 2006/CXB/10-30/VHTT. In xong và nộp lưu chiểu tháng 10 - 2006

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:25:14 am »

LỜI NÓI ĐẦU


Mùa hè năm 1977, tôi được vinh dự tham gia đoàn khảo sát về Phong trào Tây Sơn ở các tỉnh phía Nam sau ngày đất nước thông nhất, do Giáo sư Phan Huy Lê phụ trách. Tôi đã được làm việc với Giáo sư Phan Huy Lê tại Huế và Bình Định trong nhiều ngày. Đó là kỷ niệm sâu sắc và cũng là vốn liêng quý để cho tôi tiếp bước hành trình tìm hiểu về thời đại Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung. 

Cuối năm 1977, tôi đã xác minh được Núi Bân, nơi vua Quang Trung làm lễ lên ngôi và xuất quân đánh giặc Thanh năm 1788. Cũng vào thời gian đó, tôi đã tìm được quê quán và thân thế của Trung thư phụng chánh Trần Văn Kỷ, một danh thần của triều Tây Sơn. 

Đó là những thành tựu bước đầu để tôi tự động viên mình dấn thân một cách nhiệt thành trên con đường khám phá về Hoàng đế Quang Trung.

Đến nay đã tròn 30 năm, cuộc hành trình khám phá về Hoàng đế Quang Trung đối với tôi chỉ mới là một phần trong muôn điều cần tìm hiểu. Có những vấn đề tôi đã đặt ra 30 năm qua, nay cũng chỉ dừng lại ở điểm xuất phát, như tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, kinh thành Phú xuân dưới thời Tây Sơn. . .

Tôi vẫn biết cuộc hành trình này còn dài và còn nhiều gian khổ. Nhưng được sự động viên của nhiều bạn đọc trong nước và nước ngoài đã đọc sau 4 lần tái bản cuộn sách Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, cùng nhiều thế hệ sinh viên 25 năm qua cùng với tôi tìm tòi, thảo luận về chuyên đề Phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung. 


Tôi tự biệt sức mình có hạn, nhưng sẽ đem hết khả năng để khôi phục chân dung và những công hiến to lớn của Hoàng đế Quang Trung trong lịch sử dân tộc, cũng để làm phong phú cho bài giảng đôi với sinh viên và đáp ứng sự mong đợi của bạn đọc gần xa.


Huế, tháng 4năm 2006
PGS. TS ĐỖ BANG
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:26:43 am »

1. QUÊ HƯƠNG TÂY SƠN

 Khói lửa của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra . . . Dân hai miền Nam Bắc bị dồn đẩy về hai phía của bờ sông Gianh một mất một còn trong những trận quyết chiến kinh hoàng, nhưng Bắc quân không một lần nào vượt qua khỏi luỹ tre Thầy trên đất Đồng Hới.

Vào giữa thế kỷ XVII, quân Nguyễn vượt sông Gianh tiến ra chiếm 7 huyện của đất Nghệ An. Do bất bình giữa hai vị tướng tài gốc xứ Thanh là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật, quân Nguyễn phải triệt thoái khỏi đất Nghệ, mang theo đám tù binh và những nông dân bắt được trong chiến tranh đưa về Nam như một nguồn thu chính đáng thành một thứ chiến lợi phẩm có ích cho sự phát triển sản xuất. Vì Đàng Trong đất mới, cần người... 

Trong những dân nghèo của huyện Hưng Nguyên bị quân Nguyễn bắt về Nam có ông tổ bốn đời của Nguyễn Huệ. Điều đó biết được từ sau năm 1786. Nguyễn Huệ ra xứ Nghệ tìm lại cội nguồn gia đình, nhận gia phả họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên làm đồng tộc, nhận Thái Lão làm tổ quán.

Năm 1789, vua Quang Trung truyền cho dân làng Thái Lão tu tạo tổ miếu để phụng tự. .  Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ thì di tích tổ miếu ở Thái Lão cũng bị triệt hạ.

Hiện nay, ở địa phương còn lưu lại nhiều truyền thuyết về tổ Tây Sơn. Trong bài về làng Thái Lão có hai câu đầu:

Xã Thái Lão phát vương
Trai anh hùng tráng kiệt.


Truyền thuyết Gia Long tàn sát dòng dõi Tây Sơn được các bô lão truyền rằng:

Thời kỳ đầu khi Gia Long lên ngôi, có truyền cho dân địa phương rằng: “Hễ ai là bà con tộc thuộc của Tây Sơn ra khai báo sẽ được trọng dụng bổ làm quan”. Các tộc thuộc Tây Sơn ở Hưng Nguyên tưởng thật đã ra khai báo. Không ngờ tất cả đều bị bắt và bị giết. Hiện nay, có 24 gia đình gốc họ Hồ đều có người chết trong ngày đại tang Tây Sơn, kỵ vào ngày 20 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Những người còn sống được do lẩn trốn sang các làng khác, có người phải đổi ra họ Nguyễn mới tránh được sự truy nã của vua quan triều Nguyễn.  Hiện nay, ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, tương truyền ở đó có khu mộ tổ của anh em Tây Sơn.

Đoàn chiến tù bị bắt từ xứ Nghệ, chúa Nguyễn cho phát tán đi nhiều nơi, một số trong họ có tổ tiên Nguyễn Huệ lại đưa lên khai phá vùng Cao Nguyên từ thế kỷ XVII lấy tên ấp Tây Sơn, hiện nay thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Đó là quê hương đầu tiên của tổ tiên Nguyễn Huệ ở đất Đàng Trong.

Đến đời Hồ Phi Phúc, ông có vợ là Nguyễn Thị Đồng, ông Phúc lại chuyển về ngụ tại quê vợ ở thôn Phú Lạc. Phú Lạc nằm dưới chân núi Ngang, nơi có hai hố huyệt, chỗ an tán của hai vị sinh thành ra Nguyễn Huệ từng bị Gia Long cho quật phá vào thế kỷ XIX nhưng không thành công.

Các truyền thuyết ở địa phương đều công nhận là mộ song thân các anh em Tây Sơn chôn ở núi Ngang (Hoành Sơn). Vì có mộ ông Hồ Phi Phúc nên Hoành Sơn được tôn xưng là núi Thiếu Tổ. Song vẫn không biết đích xác chôn ở vị trí nào?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:28:11 am »

Đứng ở phía Đông Hoành Sơn nhìn lên, ở khoảng giữa có một trảng đất trống như một chiếc ghế bành mà thân núi là lưng tựa. Ở trảng đất này có hai nấm mộ song song, bằng đá hình chữ nhật.  Gia Long ngỡ rằng đó là phần mộ của ông bà Hồ Phi Phúc nên truyền quan địa phương khai quật.  Nhưng khi khai quật lên không thấy hài cốt mà chỉ có bốn chiếc chum đựng dầu phụng đã vơi, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong chóng đang cháy. 

Ai cũng biết, hai huyệt mộ giả có bốn ngọn đèn dầu phụng khổng lồ đang cháy là do Tây Sơn chôn, nhưng không ai giải thích rõ mục đích của việc làm đó Câu hỏi này từ đầu thế kỷ XIX đã đặt ra cho quan quân triều Nguyễn. Họ đã mất công đi tìm, đào bới, nhưng cuối cùng vẫn không thấy chính huyệt mộ táng nằm ở đâu?

Năm 1990, ở di tích Gò Lăng (Phú Lạc) phát hiện bia mộ có chữ “Ngự chế” lập năm Kỷ Hợi, nhiều người cho đó là khu lăng mộ của nhà Tây Sơn. Năm 1999, ở đây phát hiện một kiến trúc cổ, dấu vết còn lại là ba hàng cột đá, với nhiều mảnh ngói vỡ, chén, bát.

Sau một thời gian trú ngụ ở thôn Phú Lạc, ông Hồ Phi Phúc lại đưa gia đình về lập cư ở thôn Kiên Mỹ, cũng ở gần đó. Kiên Mỹ và Phú Lạc đều thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn.  Nay là đất của xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Tại đây, ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng đã sinh ra các anh em Tây Sơn. Năm 1753, Nguyễn Huệ chào đời trong một ngôi nhà lá nhỏ, nằm bên bờ sông Côn, con sông này về sau có Bến Trầu, nơi Nguyễn Nhạc dùng để đón khách trong những chuyến đi buôn lịch sử của một thời còn tiềm ẩn hùng khí Tây Sơn.

Hiện nay ở thôn Phú Lạc còn lưu lại một am nhỏ, do nhân dân dựng lên để thờ các vị tiền bối Tây Sơn. Trong công viên Tây Sơn, bên cạnh bảo tàng Quang Trung có hai cây me cổ thụ và giếng nước lâu đời là chứng tích của quê hương có từ thuở sinh ra Nguyễn Huệ.

Cây me, giếng nước, Bến Trầu. . . vẫn tồn tại như lòng chung thuỷ của nhân dân Quy Nhơn - Bình Định bao đời, gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Nguyễn Huệ - Tây Sơn.

Cây me cũ, Bến Trầu xưa,
Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa
cho trọn niềm
.

Đất Quy Nhơn là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đã hun đúc lên khí phách anh hùng hiên ngang của Nguyễn Huệ. Để rồi Nguyễn Huệ tung hoành từ Nam ra Bắc. Nối Gia Định - Phú Xuân - Thăng Long thành một nước Việt Nam thống nhất đầu tiên.

Phú Xuân đã tiếp sức cho khởi nghĩa Tây Sơn, góp phần làm nên sự nghiệp vẻ vang của Quang Trung - Nguyễn Huệ.



2. AI ĐẶT TÊN CHO NGUYỄN HUỆ

Mọi tài liệu đều thừa nhận tổ tiên của anh em Tây Sơn là họ Hồ. Có tài liệu cho đó thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly (Hoàng Lê nhất thống chí). Có người cho Hồ Xuân Hương về sau cũng thuộc dòng dõi này (Văn Tân).

Đến đời ông Hồ Phi Phúc, người sinh thành ra anh em Tây Sơn vẫn là họ Hồ - Hồ Phi Phúc, nhưng tại sao các con ông đều mang họ Nguyễn?
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:29:43 am »

Người dân Bình Định truyền rằng - có một thuở, dân ở đây sinh con lấy họ mẹ là phổ biến để cắt nghĩa việc đổi thành họ Nguyễn của các anh em Tây Sơn cùng họ với thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng. Nhưng cũng có nguồn tài liệu sưu tầm ở địa phương và đã có lần được biên chép, thì cho rằng:

Thuở nhỏ, anh em Tây Sơn có học với một thầy giáo xứ Huế là Giáo Hiến. Do bị Trương Thúc Loan trù dập, hăm diệt. Giáo Hiến trốn vào phủ Quy Nhơn, mở trường dạy học ở đất An Thái. Giáo Hiến mang hoài bão, ý chí của mình truyền lại cho lớp môn sinh. Giáo Hiến đã khám phá ra tài năng khác thường của anh em Tây Sơn nên hết lòng đầu tư cho sự nghiệp lớn về sau.

Hoài bão còn được cổ vũ thêm bằng một sức mạnh của thần linh. Giáo Hiến cho là có sấm truyền: “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” - “Phụ nguyên phục thống”. Rồi nói với anh em Nguyễn Huệ: “Các con là người của đất Tây Sơn, Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc và hết lòng giúp chúa Nguyễn để phục hồi nền nhất thống. . . các con nên đổi thành họ Nguyễn để có danh nghĩa lập công”. Từ đó, anh em Tây Sơn từ họ Hồ đổi ra họ Nguyễn.

Nguyễn Huệ lúc nhỏ còn được gọi là chú Ba Thơm (Hồ Thơm). Giáo Hiến cho thơm là hoa Huệ, thơm nên đổi thành tên Huệ, vì Huệ vẫn là Thơm nhưng hay hơn. Thầy giáo ngày xưa, trong giềng mối “tam cáng” - Sư vẫn thường coi hơn cha: Phụ - tử nên lẽ thường vẫn đặt tên cho học trò, thì đây cũng là một cách giải thích có lý.

Về sau, Nguyễn Huệ còn có nhiều tên gọi khác nhau như Quang Bình, tên này tuy đặt trước, dân địa phương gọi núi ông Bình trên căn cứ địa khởi nghĩa để chỉ Nguyễn Huệ. Sau khi Nguyễn Huệ chết, núi ông Bình được tôn xưng là hòn Thái Tổ vì miếu hiệu của Hoàng đế Quang Trung là Thái Tổ Vũ hoàng đế.

Nhưng tên Quang Bình xuất hiện trong sử sách muộn hơn, từ sau kháng chiến chống Thanh, tên đó xuất hiện trong các văn bản ngoại giao giữa ta và Trung Quốc. Có người giải thích rằng, để muốn đẹp lòng vua Thanh nên Quang Trung đã dùng lại tên Quang Bình nhằm thể hiện mối hoà hiếu, thân thiết giữa hai nước sau khi chiến tranh đã chấm dứt.

Trong các tài hếu biên chép của các giáo sĩ lúc đó có mặt trên đất nước ta, gọi Nguyễn Huệ là Đức ông Tám và sau này có niên hiệu là Quang Trung.  Nhưng tên Huệ đượm Giáo Hiến đặt cho từ thời đi học vẫn là tên gọi thân thương, gợi lên bao cảm xúc từ trong lòng mọi người, tên đó gắn liền với sự nghiệp đánh giặc, dựng nước vẻ vang của dân tộc dưới thời Tây Sơn.


3. VỀ THÂN MẪU CỦA HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

Sử sách ghi lại đáng tin cậy là ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng là song thân của các anh em Tây Sơn. Hai nhân vật trên gắn liền với tuổi ấu thơ của các anh em Nguyễn Huệ.

Trong những ngày khởi nghĩa cho đến những năm tháng chinh chiến lập nên sự nghiệp rạng rỡ, thì không hề được nhắc đến, tưởng như các cụ đã qua đời trong buổi đầu rong ruổi của các thủ lĩnh Tây Sơn. Nhưng đến năm 1789, sau chiến thắng quân Thanh lại được sử sách nước ta lẫn sử sách Trung Quốc nhắc đến thân mẫu của Hoàng đế Quang Trung nhân dịp lễ thượng thọ bát tuần của vua Càn Long.

Nhân dịp này, vua Càn Long mời vua Quang Trung sang Bắc Kinh dự lễ. Vua Quang Trung giả vờ nhận lời nên vua Càn Long vui mừng phong Quang Trung làm Quốc vương, sai quan mang sắc phong của Hoàng đế Thanh triều sang ban tặng. Nhưng vua Quang Trung lấy cớ Thăng Long đã hết vượng khí, yêu cầu xứ đoàn đến Phú Xuân.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:36:41 am »

Sứ nhà Thanh cho là trái lệ nên không chịu đi. Bởi lẽ đó, vua Quang Trung lấy cớ vì mắc bệnh lâu ngày nên cử người khác đi thay.  Dịp này, vua Quang Trung có biểu tạ ơn và nói có mẹ già xin nhân sâm làm phương trường thọ. Bài biểu có đoạn: “Thần có mẹ có cha báo đáp ngưỡng nhờ công lớn, vua là thầy là cha, sinh thành mong mỏi ở ơn nhuần” (1).

Tiếp đó, vua Quang Trung lại gửi thư cho viên tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh và nhờ Nguyễn Hoằng Khuông trao. Trong thư, vua Quang Trung viết: “Thân mẫu đã 80 tuổi, thân thể không được khoẻ mạnh muốn được mua thứ nhân sâm thật tốt để bồi dưỡng sức(2) và bảo Khuông phải tìm cách mua cho được để gửi về. Thư của vua Quang Trung được Tôn Vĩnh Thanh đọc rồi đệ lên vua Càn Long.

Đọc xong thư của vua Quang Trung, vua Càn Long nói: “Trẫm xét Quốc vương (tức vua Quang Trung) mùa xuân này tiến kinh đi xa muôn dặm, tạm gác thần hồn bèn sai bồi thần đi mua nhân sâm để phụng dưỡng mẹ già, thế mới biết Quốc vương nhiệt tình đến chừng nào. Chứ không phải kẻ thường tình; tưởng là đã vua rồi thì chẳng thiết tha gì đến mẹ; trung hiếu kiêm toàn thật là hiếm có rất đáng khen ngợi.

Nay Trẫm gởi cho một cân nhâm sâm để cụ bà dùng cho lại sức. Nếu giao nhâm sâm cho Nguyễn Hoằng Khuông đem về sợ không kịp trước khi Quốc vương khởi hành tiến kinh. Vậy, phát giao binh trạm chạy đến đưa cho tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh. Thanh sẽ đem đến trấn Nam Quan giao cho viên trấn mục nước ấy đem về để trình Quốc vương thu nhận
(3).

Đó là cân nhân sâm ngự dụng mà khi đọc xong bài biểu và thư của vua Quang Trung, vua Càn Long cảm kích cho cấp phát ngay.

Hơn nửa tháng sau, trong một bài dụ cho quân cơ đại thần, vua Càn Long có đề cập: “Vừa rồi,  Phúc Khang An (4) tâu rằng: Thang Hùng Nghiệp đem thư của Quốc vương An Nam do Nguyễn Hoằng Khuông mang đi; như thường lệ, Phúc Khang An nhận thư là mở ra xem thì đó là việc Nguyễn Quang Bình (tức vua Quang Trung) bảo sứ thần mua nhân sâm. Không thể làm ngơ như không biết, nên Khang An đã gởi 4 lạng nhân sâm giao cho Thang Hùng Nghiệp cho người mang đến Lạng Sơn để cho quan nước ấy mang về cho Nguyễn Quang Bình. Trẫm xét, Phúc Khang An xử trí như thế cũng phải.

Còn Nguyễn Quang Bình, nhân thân mẫu già yếu muốn được nhân sâm nhưng không dám xin thẳng
(mà nhờ mua); chắc nghĩ rằng khi đã gởi thư cho các quan Đại Thanh, tất cả các quan bóc ra xem trước rồi chuyển lên Trẫm thì Trẫm tất gia ơn ban phát cho, dụng tâm như vậy thật là khôn khéo.  Phúc Khang An cho ngay 4 lạng nhân sâm để cụ bà bồi bổ, để Quốc vương yên tâm vào chầu.  Việc ấy tuy hợp với ý Trẫm nhưng nhân sâm là vật quý của đất nước. Khi tiếp được bản tâu của Tôn Vĩnh Thanh, Trẫm đã gia ơn cho một cân, nhưng Phúc Khang An đã gởi cho trước 4 lạng, như thế, hình như Quang Bình cần gì được nấy, không có hạn chế rồi sẽ coi thường, không phân biệt khinh trọng. Phúc Khang An nên lưu ý về điều đó để cho Nguyễn Quang Bình biết nhân sâm không phải là của dễ tìm kiếm được mà Thiên triều đặc cách ban (5)

Qua những thông tin trên, cho chúng ta thấy được sự đặc biệt quý hiếm của nhân sâm và uy thế của vua Quang Trung đối với vua quan nhà Thanh sau chiến thắng vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). 

Qua đây, cũng cho chúng ta thấy, vua Quang Trung không những là một nhân vật kiệt xuất của đất nước mà còn là con người sống có tình, có hiếu, thuỷ chung hiếm có.


___________________________
(1) Đại Nam chính biên liệt truyện, Q. 30, t. 38b
(2) Như vậy, bà Nguyễn Thị Đồng sinh khoảng năm 1710, năm bà 43 tuổi (1758) mới sinh Nguyễn Huệ.
(3) Dụ của vua Càn Long ngày 17 tháng 1 năm Càn Long thứ 55 (1790), trong Đại Thanh thực lục, Hộp IX, tập 1347, t.4a-b. 
(4) Tổng đốc Lưỡng Quảng, được vua Càn Long cử thay Tôn Sĩ Nghị sau bại trận ở Thăng Long vào Tết Kỷ Dậu (1789).
(5) Đại Thanh thực lục, Q. 1848, t.18a - 14b
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:39:50 am »

Cũng nhờ đặc điểm nội tâm và tình cảm đặc biệt đó mà thân mẫu là bà Nguyễn Thị Đồng, Hoàng thái hậu triều Tây Sơn chịu rời bỏ mảnh đất chôn nhau, cắt rốn ở Phú Lạc Kiên Mỹ (nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cũng không theo con trưởng là Nguyễn Nhạc đang hưởng phú quý trong thành Hoàng Đế vẫn thuộc phủ Quy Nhơn, cách một quãng không xa ở về phía Đông Bắc so với thôn Kiên Mỹ, mà lại theo Nguyễn Huệ ra sống ở Phú Xuân (Huế) cùng với bà Hoàng hậu họ Phạm và Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân.

Có lẽ bà Nguyễn Thị Đồng đã mất vào đầu năm 1790 tại Phú Xuân, vì vào đầu năm 1790, nhận được lệnh vua Càn Long, Phúc Khang An cho người đưa biểu mời vua Quang Trung sang chầu ở Bắc Kinh.  Vua Quang Trung viện lý do là mẹ mất, xin cho con là Quang Thuỳ thay mình. Khang An không chịu, cho người bí mật dò hỏi và nếu quả thật như vậy thì phải chọn một người có tướng mạo giống vua để làm vua giả đi thế. Phạm Công Trị được chọn làm giả vua Quang Trung cầm đầu đoàn sứ Việt Nam lên đường sang Trung Quốc (1790).

Không rõ lúc mới mất, thi hài bà Nguyễn Thị Đồng được táng ở đâu tại xứ Huế. Nhưng theo truyền thuyết ở Bình Định thì mộ của bà được cải táng chôn ở Núi Ngang, gần thôn Phú Lạc, nơi bà sinh ra và chung sống với chồng con trong những ngày hàn vi.

Năm 1802, hài cốt của bà bị vua Gia Long cho đào bới rồi đưa ra Phú Xuân làm lễ hiến phù ở tôn miếu cho thoả mối thù 9 đời phải trả.  Đó là theo sử sách của triều Nguyễn, còn truyền thuyết ở Bình Định thì cho rằng, Gia Long có sai quan quân vào tìm đào nhưng không thành công. 

Vua Quang Trung, một vị tướng lĩnh kiệt xuất, một anh hùng dân tộc vĩ đại, một vị hoàng đế anh minh, nhưng cũng là một người con trong gia đình trọn đời hiếu thảo với cha mẹ. Điều đó, làm cho nhân cách của vua Quang Trung càng thêm vĩ đại. 


4. NGUYỄN HUỆ CÓ BAO NHIÊU ANH EM
.

Mọi tài liệu để lại cho chúng ta đều xác nhận Nguyễn Nhạc là anh đầu của tam kiệt Tây Sơn, nhưng còn Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ai là anh thì các tài liệu không thống nhất với nhau. Các sử sách của nhà Nguyễn và biên chép dưới thời Nguyễn cũng khác nhau.

Các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo... đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn.  Khẳng định rằng: “Con trưởng là Nhạc kế là Lữ, kế nữa là Huệ” (Liệt truyện, Q. 30, 1a-b), trong khi đó Khâm Định việt sử thông giám cương mục thì xếp theo thứ tự Nhạc - Huệ - Lữ (Q.44, 22a). 

Dân phủ Quy Nhơn ngày xưa truyền lại rằng, Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi là anh Hai Trầu, còn Nguyễn Huệ gọi là chú Ba Thơm và Nguyễn Lữ gọi là thầy tư Lữ, vì có thuở Lữ đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani), một hệ tôn giáo của người Chàm cổ vào thời nữ chúa Thị Hoả, nên thường gọi như thế.

Xét công trạng của Nguyễn Huệ ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa được Nguyễn Bá Huân ghi lại trong Tây Sơn tiềm long lục thì Huệ phải là em kế Nguyễn Nhạc, đúng như truyền thuyết của dân Bình Định xưa.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:44:54 am »

Các giáo sĩ phương Tây đương thời có mặt trên đất nước ta như Labartette ghi: Anh cả là Thoi Đức (tức Thái Đức) hai ông hoàng là Đức ông Bai (Đức ông Bảy) và Đức ông Tám (thư viết 12 -5 -1787). Trong thư của Eyet ngày 15 tháng 1 năm 1783 có ghi. “Chúng tôi hay tin quân phiến loạn Nam Hà đã chiếm được hai trấn Bắc Hà, quân chúng do người em nhỏ nhất của Tây Sơn cầm đầu sắp chạm trán với quân nhà Lê” (gởi Letondal, Tonkin 700, tr.1365).

Ngày 30 tháng 6 năm 1788, Varen có viết: “chiến tranh bùng nổ giữa tháng 1 âm lịch năm ngoái giữa anh em Nhạc và ông Y Tám, chấm dứt vào tháng 5 âm lịch. Một phần dân Huế tử trận” (tập Coehinchine 746, tr.198).

Trong nhật ký của giáo hội Bắc Kỳ về những sự kiện đáng ghi từ tháng 8 năm 1788 đến tháng 10 năm 1788 đã xếp rõ thứ bậc của Nguyễn Huệ như sau: “ông bạo chúa đáng sợ ở miền Nam Kỳ Thượng gọi là DUC OUNG, em thứ tám của Tiếm Vương Nhạc” Như vậy DUC ONG Bai là người em thứ bảy tức Nguyễn Lữ, còn DUC OUNG tám là Nguyễn Huệ và cả gia đình Tây Sơn có bảy anh em mà Nguyễn Nhạc là anh đầu nên thường gọi anh Hai, anh Hai Trầu và Nguyễn Huệ là em út trong tổng số 7 anh chị em Tây Sơn, Lê Trọng Hàm trong Minh Đô sử lại cho biết ông Hồ Phi Phúc sinh “Nhạc, Lữ đến hai con gái rồi mới đến Huệ” (quyển 30, phần chú thích).

Một trong hai chị gái của Nguyễn Huệ đó được sách sử tiết lộ vào năm 1792. Khi hay tin vua Quang Trung chết, một đoàn gia nhân và quan lại hơn 300 người do Nguyễn Nhạc cầm đầu từ Quy Nhơn ra Phú Xuân để dự lễ quốc tang đều bị quan quân Cảnh Thịnh chặn lại trên đất Quảng Ngãi, chỉ trừ một mình cô em gái Nguyễn Nhạc được phép ra Phú Xuân (liệt truyện, Q. 30, tr.15b).

Chúng ta biết Nguyễn Huệ sinh năm 1753, lúc ở tuổi 30, Nguyễn Huệ có hai tướng tài giúp sức là Trương Văn Đa và Vũ Văn Nhậm, hai vị tướng đó lại là con rể của Nguyễn Nhạc. Nhạc cũng có một con gái gả cho Nguyễn Phúc Dương từ năm 1775. 

Vậy lúc Nguyễn Huệ ở tuổi 20, thì Nguyễn Nhạc đã có con cùng ở tuổi “lập gia đình". Nên tuổi của Nguyễn Huệ kém hơn tuổi của anh cả, Nguyễn Nhạc chừng 15 đến 20 tuổi và Nguyễn Huệ là em út trong gia đình Tây Sơn là có lý.


5. VỀ NHỮNG BÀ VỢ CỦA NGUYỄN HUỆ



1.Chính cung Hoàng hậu họ Phạm

Không rõ Nguyễn Huệ lập gia đình từ năm nào, nhưng trong những năm tháng chiến tranh đánh Nam dẹp Bắc, Nguyễn Huệ cũng có một bà vợ người họ Phạm quê ở phủ Quy Nhơn, là anh em cùng cha khác mẹ với quan Thái sư Bùi Đắc Tuyên và quan Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật sau này. 

Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, bà họ Phạm năm 16 tuổi được Nguyễn chọn làm vợ. Năm 30 tuổi bà được phong làm Hoàng hậu, năm đó là 1789, vậy Chính cung Hoàng hậu sinh vào khoảng năm 1759, tức kém hơn Nguyễn Huệ chừng 6 - 7 tuổi (1)

Bà họ Phạm đã có với Nguyễn Huệ 5 con, 3 trai, 2 gái, 3 trai là Quang Toản, Quang Bàn, Quang Thiệu (2). Một trong hai người con gái lấy Nguyễn Văn Trị, viên phò mã giữ cửa biển Tư Hiền, bị Nguyễn ánh bắt vào năm 1801.


______________________
(1) Theo Quách Tấn, bà có tên là Phạm Thị Liên (Nhà Tây Sơn. tr. 27). 
(2) Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi rằng: “Nguyễn Quang Toản tên Trác mẹ họ Phạm, người phủ Quy Nhơn cùng quan Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật và Thái sư Bùi Đắc Tuyên là một mẹ khác cha, năm 30 tuổi được sắc phong làm Hoàng hậu, sinh 3 trai, 2 gái. Nguyễn Quang Toản là con đích” (Q. 30, t. 43b).
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2009, 10:49:58 am »

Quang Toản được lập làm Thái tử, về sau là người kế tục sự nghiệp của vua Quang Trung nhưng không lấy gì làm xuất sắc.

Bà họ Phạm chắc cũng không thuộc loại người có nhan sắc “khuynh nước, nghiêng thành”. Chắc cũng không thuộc hạng người có tài năng được tuyển chọn và đào tạo trong cung cấm. Đó là một phụ nữ thôn dã, hiền lành, gắn bó với Nguyễn Huệ trong những “chặng đường vì nước vì dân” nên được Nguyễn Huệ rất mực quý trọng, thương yêu. 

Năm 1791, sau một cơn bạo bệnh, thầy thuốc ở trong và ngoài nước chữa chạy cũng không qua được cơn bệnh hiểm nghèo, bà từ trần vào ngày 29 tháng 3 và chôn ngày 25 tháng 6 năm 1791, mộ chôn dưới chân núi Kim Phụng nằm về phía Tây của thành phố Huế (1).

Theo Sérard thì dân Bắc Hà được lệnh tiến về Kinh Phú Xuân các thứ vải, sáp, trầm hương, nhựa trám . . . để chế thành chất Mastique thật tốt bền để xác ướp được lâu (2).

Do quá thương tiếc bà họ Phạm nên vua Quang Trung nhiều lúc cuồng nộ làm một số giáo sĩ phương Tây có mặt ở Thuận Hoá lúc đó phải khiếp sợ. 

Trong một lá thư do Sérard viết tại làng Lữ Đăng, thuộc châu Bố Chánh, ở Bắc Quảng Bình hiện nay đã diễn tả tâm trạng đau buồn của vua Quang Trung như sau: Chánh Hậu của vua mất vào tháng 3 và ông đã khóc một cách sầu thảm.  Ông đã cử hành tang lễ vô cùng linh đình, sang trọng cho bà vào cuối tháng 6, dân trong nước đồn khắp nơi rằng ông đã chết vì quá đau buồn. . . anh cả ông (tức Thái Đức) cũng bị mắc lừa vì tưởng em ông là Quang Trung đã mất, ông ấy dẫn đầu một đạo quân đến kinh đô Phú Xuân với mục đích chiếm thành phố này. Nhưng khi tới nơi, ông mới biết là mình đã bị lừa nên lại phải quay về (3). 

Sau khi chết, Chính cung họ Phạm được suy tôn Miếu hiệu là Nhân cung Đoan tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ hoàng chính hậu, gọi tắt là Vũ Hoàng Chính Hậu (4).

2. Nguyễn Huệ cưới công chúa Ngọc Hân, lập Bắc cung Hoàng hậu.

Mùa hè năm 1786, sau khi đánh chiếm Phú Xuân, Nguyễn Huệ lại mang quân ra Bắc lấy danh nghĩa tôn phò nhà Lê để diệt họ Trịnh, vua Lê Hiển Tông ở ngôi 47 năm nhưng không một chút quyền hành, giờ được một nền thống nhất do Nguyễn Huệ mang lại, vừa mừng nhưng vừa sợ. . .  Để thăm dò thái độ của Nguyễn Huệ, vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ làm Nguyên soái Phù chính Dực vũ Uy quốc công.

Biết Nguyễn Huệ không vừa lòng với cái danh hão ấy nên Nguyễn Hữu Chỉnh đã bịa ra lời lẽ của vua Lê cho là vua Hiển Tông đã tiết lộ với Chỉnh rồi, Chỉnh trình bày với Nguyễn Huệ như sau:


____________________________
(1) Theo Tây Sơn thực lục (bản chữ Hán)
(2) Thơ của Sérard viết ngày 30 tháng 4 năm 1971 tài liệu lưu trữ của Văn khố Hội truyền giáo Paris (viết tắt: AMEP) tập Tonkin 700, tr. 1433
(3) Thư của Sérard viết ngày 17 tháng 7 năm 1791, (AMEP, tr. 1468). 
(4) Có ý kiến cho rằng: Bà họ Phạm chết khoảng năm 1780, Nguyễn Huệ lấy bà Bùi Thị Nhạn. Bà Bùi Thị Nhạn được lập làm Chính cung Hoàng hậu (Quách Tấn, Quách Giao: Nhà Tây Sơn, 1988, tr.  72; Nguyễn Xuân Nhân: Những ngôi sao Tây Sơn, 2001, tr. 105). 
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM