Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:19:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch 12 ngày đêm (Linebacker II), tháng 12/72  (Đọc 419751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #400 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 08:41:27 pm »

1, Sau Tổng tiến công 1972 thì các đơn vị tên lửa hầu hết dịch chuyển vào khu IV để bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị. Ngay trước "12 ngày đêm" thì BTTM cũng định rút e261 của HN vào để bảo vệ vùng giải phóng Quảng Đà. Lúc này BTTM nhận định, vùng giải phóng Quảng Trị sẽ là nơi Mỹ-VNCH tìm mọi cách lấy lại trước khi ký HĐ Paris.

2, Đạn từ LX sang là đạn trong thùng, cần phải lắp ráp.

3, Sam-3 (C125) vào VN tháng 12/1972. Nhưng Sam-3 không kịp tham gia chiến đấu vì khí tài mới từ trên tàu xuống, chưa kịp lắp ráp, huấn luyện.

Theo em biết thì thế, bác Giangtvx ạ! Grin
Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #401 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 09:55:30 pm »

...Bây giờ lại có thêm 1 đơn vị tên lửa nhận bắn rơi chiếc đó...

Bác Giangtvx: mong muốn biết rõ mọi sự của bác cũng là mong muốn của mọi thành viên. Nhưng số liệu công khai của ta là như thế.
Cũng theo số liệu chính thống của ta, việc d79 bắn rơi chiếc ở Sơn La ngày 26/12/1972 khác với chiếc mà anh Thiều tiêu diệt đêm 28/12 chứ, có trùng ngày đâu bác. Tuy nhiên khoan hẵng nói chuyện đó chính xác đến đâu, sự việc là d79 đã bắn và được cấp trên công nhận chứ không phải họ nhận vơ và thông tin đó có từ thời 12/1972 đến giờ bác ạ.

Do nhiều nguyên nhân: nhầm lẫn trong chiến tranh và điều kiện đêm tối, tuyên truyền động viên mà cũng có thể nhiều số liệu của ta không chính xác. Vì vậy mà các thành viên mới lập ra chủ đề này để cùng trao đổi.

Nói sang chuyện làm thế nào xác định chiếc nào rơi do tiểu đoàn nào bắn cũng đâu đơn giản: nhiều tiểu đoàn bắn tập trung vào một mục tiêu, phải quan sát được trong đêm tối chiếc rơi thật đó rơi xuống khoảng nào, rơi thành mấy khúc, có số đuôi hay không, nhỡ khúc đuôi nó rơi vào rừng rậm không ai mò vào được hoặc rơi mất cái đuôi xuống biển thì sao v.v... Cho nên theo tôi, ngoài lý do dễ hiểu về việc tuyên truyền thì việc xác định thật chuẩn xác việc này cũng không phải dễ. Số liệu về số đuôi của các chiếc B-52 bị rơi tại chỗ chưa thấy ta công bố, nhưng chiếc nào tìm được số đuôi, chiếc nào không thì BTL QC PK-KQ chắc chắn có thôi. 
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #402 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 12:10:01 am »

Bác Giangtvx: có lẽ chuyện Sơn La bác hiểu nhầm chăng? Theo tôi hiểu khi nhìn trên sơ đồ 13 là bắn trúng ở tây bắc thủ đô còn rơi thì rơi ở SL (ta công bố) trên đường sang Lào, lết về căn cứ ở Thái Lan bác ạ (bọn nó ném bom xong thì bay về Thái mà - hướng đường bay trên sơ đồ 13 cho thấy như vậy). Không có nghĩa là vị trí đạn diệt mục tiêu ở tại SL và cứ phải rơi ở ngay SL đâu.

Nói ví dụ bắn một đằng rơi một nẻo. Trận ngày 8 tháng 7 năm 72 mà số liệu ta anh Trần Việt đồng đội của bác phicongtiemkich bắn rơi 1 F-4: bọn Mỹ công nhận chiếc F-4E Phantom II số đuôi 69‑7563 đó bị Mig-21 tiêu diệt nhưng là bị thương tại vùng trời tỉnh Hòa Bình, nó lết về tận Thái Lan mới chịu rơi và 2 phi công Ross và Imaye nhảy dù bỏ máy bay ở phía bắc căn cứ Udorn. Nguồn: http://www.ejection-history.org.uk/Aircraft_by_Type/F-4_PHANTOM_USA/f4_phantom_US_1970.htm

"...Damaged by MiG-21s on return from Hanoi. Flew back into Thailand before abandoning the aircraft north of Udorn..."
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #403 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 01:27:43 am »

40 năm nhìn lại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1)

"BƯỚC TẬP DƯỢT" TRƯỚC 7 NĂM

Thứ ba 04/12/2012 06:00

Vào trận đánh, ngồi ghế chỉ huy trưởng là Đại tá Sưgankốp, quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ngồi sát bên cạnh, liền đó là Chính ủy Phạm Đăng Ty. Lực lượng Sĩ quan trực ban gồm Trưởng ban tác chiến, Thượng úy Nguyễn Đức Định; Phó ban Tác chiến, Thượng úy Bùi Biếng; tôi là Thượng úy, Đội trưởng phiên dịch tiếng Nga. Kíp chiến đấu D63 có Trung tá D trưởng Magiaép; Đại uý D trưởng Nguyễn Văn Thân; kíp chiến đấu D64 có Thiếu tá Ylinức; Đại uý Nguyễn Văn Ninh...



Cụ Ninh (ngoài cùng bên trái) tại Trường Sa năm 1988. Ảnh của nhà báo Nguyễn Viết Thái.

Thời điểm nào bắn hiệu quả nhất, bắn theo phương pháp dẫn nào chính xác nhất hãy nghe tiểu đoàn trưởng và sĩ quan điều khiển của tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 tham gia trong chiến dịch "12 ngày đêm":
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/219024/Default.aspx

Kíp chiến đấu bắn rơi B-52 đầu tiên bằng phương pháp "vượt nửa góc"', từ phải sang: Đỗ Đình Tân (Trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng); Nguyễn Văn Đức (Sĩ quan điều khiển); Lưu Văn Mộc (Trắc thủ góc tà); Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). Ảnh do đồng chí Đinh Thế Văn cung cấp
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/218698/Default.aspx
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #404 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 02:13:25 am »

Chuyện thiếu đạn thiếu khí tài từ lời kể của trung tướng Lương Hữu Sắt trên QDND:
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/218231/Default.aspx

"...Việc bảo đảm kỹ thuật trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 gặp không ít khó khăn vì lúc này lực lượng phòng không của ta đang phải tập trung lực lượng tác chiến trong Chiến dịch Trị Thiên. Nhiều khí tài tốt, vật chất kỹ thuật, đạn tên lửa đã và đang tiếp tục được chuyển vào chiến trường Khu 4 phục vụ chiến dịch. Một số lớn cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao cũng đang có mặt ở chiến trường để bảo đảm kỹ thuật phục vụ tác chiến. Bên cạnh đó, lượng khí tài tên lửa dự trữ không còn nhiều. Các bộ khí tài ở các đơn vị chiến đấu hầu hết đã có giờ tích lũy lớn và cần phải trung tu. Lượng đạn tên lửa dự trữ chiến lược cũng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, một số lớn đã quá niên hạn sử dụng…"


Một xưởng lắp ráp đạn tên lửa phục vụ Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu.

"... Trong 3 ngày đầu chiến dịch, không quân địch chủ yếu tập trung đánh phá và khống chế sân bay, do đó khí tài chưa tổn thất lớn. Nhưng từ ngày 21-12-1972, địch tập trung lực lượng đánh phá các trận địa phòng không nên vũ khí trang bị của nhiều đơn vị có bị tổn thất...."

Địch triệt KQ ta trước rồi đến LLPK. Việc Mỹ-VNCH duy trì áp lực ở miền trong cũng có thể coi là một cách phân tán lực lượng TLPK của ta. Việc Bác Hồ tiên đoán có lẽ chẳng ai quên nhưng với người chỉ huy đánh trận vấn đề là phải nắm được địch sẽ hành động ở thời điểm nào và với lực lượng thế nào; và tùy từng người lãnh đạo chỉ huy sẽ có nhận định có phần khác nhau dù họ có cùng một thông tin như nhau.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #405 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 05:50:02 am »

Theo lời kể của cụ Lương Hữu Sắt - Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật PK-KQ thì:
...
- Tháng 8/1972, chuyến tàu liện vận đầu tiên chở 200 quả đạn từ LX sang. Sau đó cứ mỗi tuần 1 chuyến đạn tên lửa. Đến tháng 1/1973 thì hơn 1000 đạn mới từ LX sang.

- Tuy nhiên, đạn mới nằm cả trên Bắc Giang, Lạng Sơn nên đến tối 20/12 mới có được 30 quả về Hà Nội. Chủ yếu những ngày từ 18 đến 25 đánh bằng đạn cũ. Sau 25 thì đạn đủ đánh thoải mái.

Vậy nếu tôi hiểu không nhầm thì từ 8/1972 đến 20/12/1972 - ít nhất là 111 ngày - 16 tuần, ta nhận được cỡ khoảng 16x200 = 3200 đạn S-75?

Và tất cả số đó để nguyên trong thùng để trên Bắc Giang, Lạng Sơn từ 8/1972? Tức là tính đến 30/11/1972 thì có cỡ 2500 quả đạn mới tinh chưa lắp để đó, không mang quả nào xuống Hà Nội, Hải Phòng mặc dù đạn ở dưới ấy toàn hàng tồn từ 1968?

Hay là đạn mới về bao nhiêu thì điều cho khu 4 bấy nhiêu?

Kiểu gì thì cũng có nghĩa là Hà Nội, Hải Phòng mấy tháng liền không được bổ sung quả đạn mới nào, toàn hàng tồn, mặc dù đạn mới rất nhiều.

Thế có nghĩa là các cụ phán đoán là Mỹ sẽ không đánh Hà Nội, Hải Phòng, nên không có kế hoạch chuẩn bị gì, phải không ạ?
Logged
baoleo
Moderator
*
Bài viết: 1500


« Trả lời #406 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 11:25:01 am »

Không có tài liệu chính thống nào trả lời altus theo kiểu Y hay N đâu  Grin
Nhưng ý tại, ngôn ngoại. Huỵch toẹt ra thì là: đúng, trả có cụ nào, trên BTTM, dự B-52 đánh HN dịp 12 ngày đêm cả.
Theo hồi ký của cụ Văn Giang (như baoleo tôi đã nói ở trên), khi có lệnh điều 1 e của sư PK Đổ vào Nam, sư PK Đỏ đã làm trái lệnh 1 cách kỹ thuật là: sẽ cho di chuyển chậm hơn, so với lệnh của Bộ Tổng, vì lý do a,b,c.
Chính vì thế, khi e 261 chưa kịp thu khí tài để hành quân, thì nổ ra đánh 12 ngày đêm.
May quá. Hú vía.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #407 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 12:02:24 pm »

Bác baoleo nói đúng đấy ạ, nhưng thực ra chính thống là có, ta phải đọc và tự hiểu. Hồi ký của các lãnh đạo cấp cao từ cụ Giáp xuống đến lãnh đạo đơn vị cơ sở như cụ Văn Giang cũng là một kênh chính thống do các NXB Chính trị Quốc gia hoặc NXB QDND xuất bản chứ không phải tư nhân xuất bản nhé. Chuyện này ta thừa nhận cũng thẳng thắn đấy chứ không phải là không.

Ví dụ, trích "Tổng hành dinh....", ai dám bảo hồi ký của người Anh Cả của quân đội ta không phải tài liệu chính thống:
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5133.0.html

"....Tôi bước ra ngoài Sở chỉ huy. Trời rét đậm và mưa bụi. Nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường.
      Trong đêm 18 rạng ngày 19-12, địch sử dụng B52 cùng không quân chiến thuật liên tiếp hết đợt này đến đợt khác đánh phá Đông Anh. Yên Viên. Mễ Trì, Gia Lâm, Hoà Mục. Thủ đô chìm trong khói lửa.
      4 giờ 39 phút sáng ngày 19-12, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 267 bắn rơi chiếc B52 thứ hai. Máy bay rơi tại chỗ trên cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
      Một sự trùng hợp lịch sử: Hà Nội lại nổi lửa diệt thù đúng vào ngày Thủ đô vùng lên kháng chiến, ngày 19-12-1946, hai mươi sáu năm sau.
      Nhớ lại tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng. Ngay ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân uỷ Trung ương, tôi chỉ thị cho các đảng bộ trong toàn quân: "B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này". Bộ đội cao xạ, rađa, tên lửa và không quân được lệnh triển khai huấn luyện chiến đấu theo các phương án đã được kết luận. Một số trận địa tên lửa, trận địa cơ động cho pháo cao xạ và sân bay dã chiến được bí mật xây dựng. Dân quân, tự vệ Hà Nội và một số thành phố được bổ sung hoả lực bắn máy bay. Công tác bảo đảm quan sát, thông tin được tăng cường.
      Ngày 25-11-1972, trong Chỉ thị: Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, Quân uỷ Trung ương cũng nhắc lại: "Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng".
      Ngày 27-11, Bộ Tổng tư lệnh nhận định có nhiều khả năng địch dùng B52 đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Trong bức điện gửi Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh B2(4), Quân uỷ Trung ương cũng đã thông báo dự kiến khả năng này. Mặc dù vậy, do quán triệt quyết tâm chưa tốt, suy nghĩ lúc này vẫn nặng về khả năng địch dùng B52 đánh phá từ Thanh Hoá trở vào đến Quảng Trị, nên đầu tháng 12 đã có lệnh điều một Trung đoàn tên lửa vào Khu IV, tiếp đó lại điều thêm hàng trăm quả đạn tên lửa của phòng không Hà Nội vào theo...."
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #408 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 02:41:44 pm »

Tiếp chuyện thiếu đạn:
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/99754/-moi-qua-dan-la-mot-b-52-.html

"Ráp sát thủ diệt B.52

Đã vào cái tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe cũng đã giảm sút nhiều; thế nhưng khi nhắc về những kỷ niệm sâu sắc của một thời trận mạc, gương mặt Trung tướng Lương Hữu Sắt (nguyên Nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng) bừng sáng khi kể việc bảo đảm đạn cho tên lửa đánh máy bay Mỹ trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".

Ngày ấy, ông được cấp trên giao nhiệm vụ cùng với đội ngũ cán bộ Cục kỹ thuật Quân chủng tổ chức bảo đảm vũ khí trang bị cho các đơn vị hỏa lực của PK- KQ đánh máy bay Mỹ, trong đó có việc bảo đảm đạn cho các đơn vị tên lửa. Đầu năm 1972, khi mở chiến dịch Trị Thiên, trên đã lệnh cho Cục Kỹ thuật chuyển 700 quả đạn vào chiến trường. Thế nhưng do đường xa hiểm trở, đối phương lại đánh phá ác liệt nên ròng rã suốt 4 tháng trời mới chỉ chuyển được 400 quả đạn.

Tháng 4/1972, Mỹ ném bom ra miền Bắc, việc vận chuyển đạn phải ngừng lại. Trung đoàn 257, 275, rồi cả các đơn vị của Sư đoàn 361, 363 cũng lần lượt di chuyển ra Bắc, nhưng không chuyển đạn ra được. Tình hình đạn đạn tên lửa ở miền Bắc lúc ấy khá khó khăn. Cục Kỹ thuật phải tính toán giải quyết khó khăn này bằng cách phục hồi 300 quả đạn hỏng đang nằm ở kho Sóc Sơn (Quảng Ninh) từ năm 1967.

Quân chủng tổ chức 2 dây chuyền sản xuất đạn; chỉ thị cho Sư đoàn 361 và 363 tổ chức tiếp 2 dây chuyền nữa. Cán bộ, chiến sỹ lăn lưng ra làm việc không quản ngày đêm mới khôi phục được 300 quả đạn để cấp phát cho các đơn vị. Tháng 8/1972, số đạn Liên Xô hỗ trợ cho ta mới đến ga Đồng Đăng. Quân chủng giao cho Cục Kỹ thuật lập trạm tiếp nhận ở Lạng Sơn.

Để số đạn tên lửa kia về được mỗi trận địa; công đầu thuộc về cán bộ, chiến sỹ các tiều đoàn kỹ thuật. Đạn tên lửa được tháo rời từng bộ phận, đóng vào các hòm khác nhau: hòm đầu đạn, hòm đuôi, hòm cánh, hòm nhiên liệu... đến ga tàu phải dùng cần cẩu cẩu xuống. Khi vận chuyển, phải sử dụng xe chuyên dụng chở những thùng đựng đạn đến nơi cất giấu an toàn cách đó vài chục cây số, mà phải di chuyển trong đêm để tránh con mắt cú vọ của kẻ thù.

Ngay cả việc vận chuyển đạn tên lửa về trận địa Hải Phòng hay Hà Nội cũng gặp muôn vàn khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng rất cao. Chỉ cần sai sót nhỏ sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, bởi, mỗi hòm là một bộ phận của quả đạn, tài liệu lại không đi kèm. Tuy vậy, tình trạng lạc hòm hay "nhầm lý lịch" đã không xảy ra. Cứ ròng rã tuần tự như thế, đến tháng 11/1972, 1.000 quả đạn tên lửa đã được chuyển an toàn từ nước bạn về Việt Nam.

Khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, các đơn vị tên lửa trên miền Bắc cũng có một số đạn dự trữ, nhưng không đáng kể. Để phục vụ cho các trận địa tên lửa của Hà Nội và thành phố Hải Phòng có hai tiểu đoàn, hai dây chuyền sản xuất đạn. Họ được bổ sung thêm quân liên tục thay nhau sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp có đạn cho bộ đội chiến đấu.

Tuy nhiên, mới chỉ qua hai đêm đầu tiên của chiến dịch, nguy cơ thiếu đạn tên lửa đã xảy ra. Ngay cả khi Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ chủ trương dành tên lửa chỉ đánh B.52, thì hầu như đêm nào cũng có những tiểu đoàn phải đánh đến quả đạn cuối cùng. Bởi lẽ, mỗi một mục tiêu B.52 có khi ta phải bắn vài ba quả.

Đêm 18/12, ta bắn rơi 3 chiếc B.52; đêm 19, ta bắn rơi 2 chiếc B.52; đêm 20, số B.52 bị hạ gục đã lên tới 7 chiếc. Để khắc phục tình trạng thiếu đạn tên lửa, Tư lệnh Quân chủng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tướng Sắt phải chỉ đạo tìm phương án tháo gỡ. Lúc bấy giờ chỉ có Tiểu đoàn kỹ thuật 95 đang sản xuất đạn phía bắc sông Hồng và Tiểu đoàn 80 sản xuất đạn ở Phùng. Tướng Sắt đề nghị điều tiểu đoàn kỹ thuật của Trung đoàn 274 tăng cường cho dây chuyền sản xuất tên lửa của Tiểu đoàn 80; điều đội lắp ráp đạn của xưởng A31 xuống tăng cường tiếp cho Tiểu đoàn 80.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho chiến đấu!", "Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa", cả guồng máy lắp ráp đạn tên lửa được vận hành hết công suất. Sản lượng tăng gấp đôi. Thêm vào đó, trước đây vì bố trí các bãi lắp ráp đạn tên lửa ở xa nhau là để giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom, nay tốc độ lắp ráp này không thể nào đáp ứng nổi. Qua nhiều ngày đêm cùng anh em trong đơn vị tìm tòi, Tiểu đoàn trưởng kỹ thuật Dương Quảng Châu đã đề ra sáng kiến mới: nạp nhiên liệu sẵn, lắp ráp đạn ngay trên xe kéo đạn và hợp lý hóa một số động tác kỹ thuật, vì thế mà năng suất lắp ráp đạn trong một ngày đêm tăng lên gấp đôi."
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #409 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 04:47:21 pm »

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ CÂU HỎI BẤT NGỜ
   

Thứ năm, 6/12/2012, 11:19 GMT+7

Cuối năm 1972, cả thế giới lo âu nhìn về Hà Nội, thế nhưng đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tư lệnh, Quân chủng Phòng không - Không quân đã dự kiến cho những phương án thua trên bầu trời Hà Nội của không quân Mỹ.

Theo hồi ức của thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, cuối năm 1962, trong một lần ông được gặp, báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác sẵn sàng chiến đấu, Chủ tịch đã chỉ thị: “B52 bay cao hơn 10 cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ có cao xạ thôi... Ngay từ bây giờ, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52 này”.

Giữa năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ ta cũng đánh; mà đã đánh là nhất định thắng”. Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân xác định phương án tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội, tháng 11/1972.

Trong cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam là thế đó” xuất bản tại Ukraine năm 2005, đã được Nhà xuất bản Chính trị - quốc gia dịch sang tiếng Việt, thượng tướng Khiupênen, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam từng nói: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.

Thật vậy! Trước và sau cuộc chiến tranh Việt Nam, hầu như chưa có một máy bay B52 nào của Mỹ bị bắn hạ trên thế giới (trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, chỉ có một chiếc B52 bị rơi do các hoạt động của đối phương – Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Với tầm bay cao, được bảo vệ bởi nhiều máy bay tiêm kích và hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại, có thể nói B52 là một pháo đài bay không thể bị bắn rơi. Đặc biệt, nhiễu điện tử của không quân Mỹ như một bức màn chắn đã gây khó khăn lớn cho bộ đội phòng không không quân.

Trong tháng 4/1972, đã có trận đánh bộ đội tên lửa phóng 30 quả đạn nhưng không hạ được một chiếc B52 nào. Quyết tâm biến sở trường của địch thành sở đoản, Quân chủng Phòng không không quân đã cử những đoàn cán bộ giỏi vào các chiến trường nghiên cứu cách chống nhiễu, đánh máy bay địch. Từ thực tế chiến trường, đoàn cán bộ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, xây dựng thành những cẩm nang “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52 trong nhiễu”... và đặc biệt là cuốn sách “Cách đánh B52 của Bộ đội tên lửa”.

Cuốn sách này được in rô-nê-ô có bìa màu đỏ, dày 30 trang đánh máy, là sự đúc kết kinh nghiệm, công sức, trí tuệ của một tập thể và phải đổi bằng cả xương máu của nhiều cán bộ, chiến sĩ; còn được gọi là Sách đỏ diệt B52... Cuốn cẩm nang đánh B52 hoàn chỉnh trong tháng 11/1972 và nhanh chóng được phổ biến, triển khai đến các đơn vị chiến đấu; đã góp phần làm sụp đổ thần tượng “Pháo đài bay B52”.

Lực lượng nòng cốt của quân đội Việt Nam chống lại “con bài chiến lược” B52 của Mỹ là các đơn vị tên lửa phòng không với những bệ phóng tên lửa SAM 2. Từ rất sớm, bộ đội radar, tên lửa đã được luyện tập các phương án để có thể phát hiện và ngăn chặn B52, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng. Tháng 5/1972, đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”.


Một giặc lái B52 bị bắt sống.

Cho đến lúc đó những phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày, nhưng chưa nói đến chỉ tiêu tỷ lệ bắn rơi B52. Đại tướng Tổng tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó và yêu cầu bổ khuyết kịp thời. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, các cán bộ tham mưu phòng không không quân đã đưa ra câu trả lời: N1 (tỷ lệ Mỹ chịu đựng được) là 1-2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ); N2 (tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển) là 6-7%; N3 (tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc) là trên 10%.

Câu hỏi tiếp theo của Tổng tư lệnh là Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3.

Đại tướng chỉ thị muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; Gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo.

Quân chủng Phòng không không quân đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông tháng 12 năm 1972, 34 chiếc B52 bị bắn hạ, đạt tỷ lệ là 17,6% (34/197). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc.

Nhiều năm sau khi nhắc lại chuyện đó, những người trong cuộc đều hình dung ra một mối liên hệ đặc biệt giữa câu hỏi của vị tướng với câu trả lời, và cả chiến thắng lẫy lừng trong 12 ngày đêm lịch sử. Dường như âm vang của chiến thắng Điện Biên 1954 đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gắm vào câu hỏi mang đầy tính “khích tướng” đó, để rồi Quân chủng Phòng không không quân đã tiếp thu một cách trọn vẹn và quyết tâm làm nên một Điện Biên Phủ trên không “vô tiền khoáng hậu”.

Theo An ninh thủ đô

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/12/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-cau-hoi-bat-ngo/
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười Hai, 2012, 06:21:57 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM