Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:04:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch 12 ngày đêm (Linebacker II), tháng 12/72  (Đọc 419279 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #390 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:25:12 am »

Bác altus: cho qua chuyện ấy đi. Tôi thì thấy vấn đề ở chỗ cụ Trần Hanh (theo bài báo) nói rằng bác Rạng đã chấp hành nghiêm quy định chỉ bắn 1 quả R.3S, để 1 quả dành đánh nhau với tiêm kích. Quy định của ai? Cố vấn LX hay là phía ta?.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #391 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 10:27:30 am »

Cùng 1 trận đánh của tiểu đoàn 72 ngày 27 tháng 12 bắn hạ B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp, đăng trên cùng một tờ báo của quân đội, (3 người viết khác nhau?) nhưng lúc thì là phương pháp điều khiển 3 điểm (TT), lúc thì là vượt trước nửa góc (PS), chẳng biết đằng nào mà lần, trong khi đó sự thực lịch sử chỉ có một mà thôi Undecided:
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/410/410/216595/Default.aspx

"...Chiều 27-12-1972, Tiểu đoàn 72 được lệnh cơ động từ Hải Phòng lên tăng cường lực lượng chiến đấu cho Trung đoàn 261. Vào lúc 23 giờ 02 phút, nhận được lệnh tiêu diệt tốp B-52 mang số hiệu 419 từ hướng Tây đang lao vào đánh Hà Nội, Tiểu đoàn 72 vào cấp 1. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 Phạm Văn Chắt lệnh cho sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Dự và kíp trắc thủ sục sạo, phát hiện mục tiêu nhưng không thấy, chỉ thấy dải nhiễu đậm đặc ở phương vị 180. Tiểu đoàn trưởng Chắt quyết định phóng 2 quả đạn, bám chính xác vào giữa dải nhiễu mịn, phương pháp điều khiển 3 điểm. Hai quả đạn đều nổ tốt. Tại cự ly 34km, dải nhiễu tách, sĩ quan điều khiển báo cáo mục tiêu bị tiêu diệt; quan sát mắt báo cáo B-52 cháy, rơi về phía Hà Nội.

Chiếc B-52 này bị bắn cháy khi chưa kịp cắt bom, rơi xuống hồ Hữu Tiệp, Ngọc Hà (Hà Nội). Lúc đó là 23 giờ 09 phút ngày 27-12-1972."


http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/218233/Default.aspx

"...Vào lúc hơn 23 giờ đêm 27-12-1972, Tiểu đoàn 72 ở trận địa Đại Chu, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Phạm Văn Chắt phát sóng đài điều khiển bắt tín hiệu B-52 trên nền dải nhiễu rất mạnh, trắc thủ góc tà bắt được B-52 trước cự ly bám theo góc tà, sau đó trắc thủ phương vị cũng bắt được mục tiêu. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng phương pháp điều khiển vượt nửa góc, bám sát tự động bắn 2 quả đạn và đã hạ B-52 tại chỗ (xác B-52 rơi xuống thôn Ngọc Hà, Hà Nội)..."

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/217902/Default.aspx

"...Trận đánh của Tiểu đoàn 72, đối mặt với B-52 trên bầu trời Hà Nội vào đêm hôm sau 27-12. Lúc 23 giờ 1 phút, sau khi tiểu đoàn vào cấp 1, lệnh trên giao cho Tiểu đoàn 71 và 72 tiêu diệt tốp B-52 lao vào đánh phá Hà Nội.

Nhìn lên bảng tiêu đồ, Chắt thấy phương vị 190 có 3 tốp B-52 đang vào gần. Tiểu đoàn 72 được lệnh diệt tốp 491. Anh suy tính rất lung. Lúc đầu anh xác định sẽ đánh theo phương pháp 3Đ, nhưng Chắt hiểu ý định của trên khi giao cho tiểu đoàn anh chặn hướng chính, nếu bắn ở xa theo phương pháp 3Đ không chắc, Lập tức Chắt quyết định để mục tiêu vào cự ly, theo anh là “đắc địa” nhất, lệnh phát sóng.

Lại nói Dựng, lúc này anh lập tức quay ăng-ten về giẻ quạt 180-21 độ. Quả nhiên tại phương vị 190, trên nền nhiễu đục, Dựng cảm nhận mỗi lúc một rõ có dấu hiệu mục tiêu ở cự ly X km. Không còn nghi ngờ.

Lệnh bắn theo phương pháp T. Lần lượt trắc thủ phương vị, góc tà bật về chế độ bám sát T. Sau đó một khắc, trắc thủ cự ly cũng quyết đoán bật về TĐ.

- Tiêu diệt tốp 491, cự ly B2!

- Phóng!

Một tiếng “cạch” rất lạnh, trái đạn lao lên lừng lững, kéo theo vệt lửa màu cam ngùn ngụt. Ngay sau đó, trái thứ hai cũng phụt lên bám theo, cả trận địa mù mịt khói cam và mùi thuốc đạn. Họ đã bắn bồi trái nữa.

Tất cả các cặp mắt trong xe điều khiển ngắm theo tín hiệu đạn “bắt cửa sóng” bay lên theo quỹ đạo, rất nhanh đạn lao vào mục tiêu gần dần, gần dần rồi nhòe sáng… Chiêu nhìn trên màn hình góc tà, mục tiêu hạ thấp độ cao gấp gáp.

Rơi rồi! Rơi rồi!
Sĩ quan điều khiển Dựng thở nhẹ một cái thật khoan khoái. Cửa xe UNK bật mở, tiếng hô từ bên ngoài vang động. B52 cháy rồi! Lúc đó là 23 giờ 03 phút đêm 27 tháng Chạp. Chiếc máy bay B52 do Tiểu đoàn 72 bắn rơi tại chỗ. Ta bắt được phi công ngay tại Hà Nội. Hai trái đạn phóng lên tại trận Đại Chu đêm ấy, có ai ngờ là hai trái đạn cuối cùng kết thúc đợt đánh chặn Không quân Mỹ lao vào suốt 12 ngày đêm khét lẹt."

 
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 10:52:34 am gửi bởi qtdc » Logged
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #392 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 11:12:36 am »


3- Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, Phi công lái máy bay Mig21.

Các bác cho hỏi chiếc rơi ở Sơn La là do tiểu đoàn 79 bắn ngày 26/12 vậy chiếc do anh Thiều bắn rơi ở đâu (có tài liệu nói chiếc Mig của anh Thiều rơi gần chiếc B52 bị anh đánh)? Lúc bắn tiểu đoàn 79 đóng ở đâu mà bắn B52 lại rơi ở Sơn La vậy?
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 11:19:59 am gửi bởi Giangtvx » Logged

qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #393 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 11:46:15 am »

Bác Giangtvx:


Sơ đồ 13. Đánh trả cuộc không kích ồ ạt quy mô lớn của KQ chiến lược vào các mục tiêu trong khu vực thành phố Hà Nội ngày 26.12.1972.

Theo sơ đồ trên thì chiếc bị d79 cho ăn kẹo đồng thuộc tốp 605 hoặc 608 (có 1 đoạn đường bay 2 tốp này cắt vào nhau nên khó nhìn) bay từ phía biển vào. Vị trí điểm mà đạn của d79 phóng lên gặp mục tiêu (theo trên hình) ở tây bắc Hà Nội, có lẽ vì vậy chiếc B-52 đó rơi ở Sơn La cũng là hợp lý. Vì tôi lười không đưa sơ đồ 13 lên photoshop để điền chữ Việt vào, bác để ý chỗ có hình tròn nhỏ trong có dấu x trên đường bay của tốp này là vị trí đạn tên lửa PK của ta bắn vào mục tiêu (bắn trúng mục tiêu), còn hình dấu x không có vòng tròn vẽ trên đường bay của mục tiêu là vị trí đạn nổ. Hình phân số trên tử số có chữ 79 là chỉ d79, chữ số dưới chỉ giờ xạ kích (thời điểm phóng). Trong sơ đồ bố trí các đơn vị của Cụm Phòng không Hà Nội-Hải Phòng ngày 18 tháng 12 năm 1972 thì d79 bố trí phía tây nam Hà Nội.

Sơ đồ tiếng Việt thì bác xem ở trang 11 do đ/c admin đã post dăm năm trước. Tuy nhiên số liệu so với sơ đồ số 13 in trong sách tổng kết năm 1976 của Bộ QP LX thì khác nhau đấy. Sách sử tiếng Việt như các sách LS f361 và LS TLPK cũng có sự ghi chép khác nhau về các chi tiết thuộc trận đêm 26 rạng ngày 27 tháng 12 năm 1972, bác giở ra xem lại phần đầu topic này đã được các thành viên thảo luận từ hồi xưa.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 03:28:32 pm gửi bởi qtdc » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #394 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 04:51:58 pm »

40 năm nhìn lại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1)

"BƯỚC TẬP DƯỢT" TRƯỚC 7 NĂM

Thứ ba 04/12/2012 06:00

NTĐ -  LTS: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với những thắng lợi to lớn của đồng bào và chiến sĩ ta trên chiến trường miền Nam, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 cuối tháng 12-1972, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng lẫy lừng, Báo An ninh Thủ đô khởi đăng loạt bài về những mốc son đáng nhớ nhất của cuộc chiến này.

Đại tá Quách Hải Lượng (bên phải) và Đại tá Nguyễn Văn Thân,
những người góp mặt trong chiến công đầu của bộ đội tên lửa Việt Nam

Sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đầu tháng 8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết cho phép đưa quân sang Việt Nam. Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” được triển khai, không quân và hải quân Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam; từng bước quân Mỹ ồ ạt đổ bộ và trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam. Sự nghiệp kháng chiến, cứu nước của nhân dân ta đứng trước những bước ngoặt hiểm nghèo.

Từ giáo mác tới tên lửa

Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ cuối những năm 1950, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chỉ đạo lựa chọn những chiến sĩ đã trải qua thực tiễn chiến đấu và có trình độ văn hoá, đưa sang Liên Xô trước đây đào tạo về tên lửa phòng không. Đây là bước đi đầu tiên để hình thành tổ chức bộ đội tên lửa. Tháng 2-1965, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Liên Xô Kosygin tới Việt Nam, lãnh đạo hai nước đạt được thoả thuận về việc Liên Xô viện trợ vũ khí tên lửa phòng không và cử đoàn chuyên gia sang giúp Việt Nam huấn luyện bộ đội tên lửa.

Trung tuần tháng 4-1965, những chuyên gia Liên Xô đầu tiên cùng với khí tài tên lửa phòng không có mặt ở Hà Nội, sau hành trình đường sắt Liên Xô - Trung Quốc - Việt Nam. Tại khu vực đồn điền Mỏ Chén (nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội) hình thành một Trung tâm huấn luyện vũ khí tên lửa. Các chuyên gia Liên Xô khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội Việt Nam. Với tinh thần khẩn trương nắm bắt kỹ thuật và sử dụng thành thạo vũ khí mới, họ đã làm việc cật lực: hàng ngày dậy từ 5h sáng; lên lớp từ 6h đến 12h; sau 16h thời tiết mùa hè đã bớt oi ả, lên lớp tiếp đến 19h; buổi tối tự huấn luyện từ 20h đến 22h. Cường độ như vậy, cùng với yêu cầu cấp bách của chiến trường, chương trình  huấn luyện dự tính trong 4 tháng được rút xuống còn 2,5 tháng...

Ngày 1-5-1965, tại Mỏ Chén đã diễn ra Lễ công bố quyết định thành lập Trung đoàn 236 - Trung đoàn tên lửa phòng không (TLPK) đầu tiên của Việt Nam. Trong buổi lễ lịch sử này, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu: “Ông cha ta đánh giặc bằng gậy tre, giáo mác, súng trường đều thắng giặc. Bây giờ ta có vũ khí hiện đại... Mọi thứ vũ khí, kĩ thuật hiện đại, quân đội các nước anh em học được, sử dụng được thì Quân đội nhân dân Việt Nam cũng nhất định học được, sử dụng được và sẽ sử dụng giỏi”.

Tiểu đoàn 63, Trung đoàn tên lửa 236, đơn vị ra quân đánh thắng trận đầu,bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay F4 của Mỹ

Chiến công đầu tiên

Trận đánh đầu tiên của bộ đội tên lửa được thực hiện bởi Trung đoàn 236. Lần ra quân đánh trận đầu, lực lượng trực tiếp chiến đấu gồm: Sở chỉ huy trung đoàn, các tiểu đoàn hoả lực (D63 và D64) triển khai chiến đấu trên cùng địa bàn huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Toàn bộ cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần, sản xuất đạn tên lửa, kỹ thuật của Trung đoàn đều được huy động vào trận đánh mở màn này. Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức Sở chỉ huy tiền phương bên cạnh Sở chỉ huy Trung đoàn 236, tại thôn Phù Thiên, huyện Bất Bạt…

Bước vào tuổi 83, nhưng Đại tá Quách Hải Lượng (nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân chủng PKKQ, hiện trú tại phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội), vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Những ngày đầu tháng 12-2012 này, tuy luôn bận bịu với những cuộc hội thảo, gặp mặt kỉ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không, nhưng Đại tá Quách Hải Lượng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị. Đại tá Quách Hải Lượng xúc động nhớ lại: Hôm đó là một ngày trời rất đẹp. Sau thời gian dài căng thẳng chờ địch, chúng tôi bỗng trải qua cảm giác nhẹ nhõm và rất tự tin... Vào trận đánh, ngồi ghế chỉ huy trưởng là Đại tá Sưgankốp, quyền Trung đoàn trưởng Trần Nhẫn ngồi sát bên cạnh, liền đó là Chính ủy Phạm Đăng Ty. Lực lượng Sĩ quan trực ban gồm Trưởng ban tác chiến, Thượng úy Nguyễn Đức Định; Phó ban Tác chiến, Thượng úy Bùi Biếng; tôi là Thượng úy, Đội trưởng phiên dịch tiếng Nga. Kíp chiến đấu D63 có Trung tá D trưởng Magiaép; Đại uý D trưởng Nguyễn Văn Thân; kíp chiến đấu D64 có Thiếu tá Ylinức; Đại uý Nguyễn Văn Ninh...

Khoảng 15h15 ngày 24-7-1965, cả Sở Chỉ huy Trung đoàn 236 như bừng tỉnh sau tiếng hô to của Thượng úy Đào Xuân Chiểu: phát hiện máy bay địch đang bay dọc sông Đà, ở độ cao 7.000m. Báo động, tất cả vào cấp 1 sẵn sàng chiến đấu... Lúc này Sở chỉ huy gần như yên lặng, tiêu đồ di đường bay liên tục, thông báo đều cự li tiếp cận của máy bay địch... Đại tá Sưgankốp cầm chặt ống nghe nói, trực tiếp liên lạc và ra các khẩu lệnh chiến đấu. Tôi dịch theo, giọng to rõ ràng. Đúng 15h25, có 2 tiếng nổ xé trời, tiểu đoàn hoả lực 63 đã phóng 2 quả đạn. Liền sau đó lại có 2 tiếng nổ lớn của 2 quả đạn do tiểu đoàn 64 bắn tiếp. Đúng lúc này Đại tá Sưgankốp đã nhận được báo cáo của Trung tá Magiaép: Đã tiêu diệt mục tiêu... Các tham số toạ độ mục tiêu rơi được nhanh chóng đánh dấu lên bản tiêu đồ. Đây chính là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc và là chiếc đầu tiên bị bộ đội tên lửa tiêu diệt. Vị trí rơi chính xác của chiếc máy bay này thuộc xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ); bộ đội và dân quân địa phương đã bắt sống giặc lái là Đại úy Richarge Polcon nhảy dù xuống một cánh rừng.

Chúng tôi lên đường nhằm hướng chiếc máy bay rơi. Trời đã về chiều đang ngả dần về hoàng hôn. Đồng chí lái xe tên Thảo phóng xe băng băng trên các con đường cấp phối gập ghềnh. Cuối cùng, nhờ người dân chỉ dẫn, chúng tôi  đã đến đích. Có một bác nông dân tầm tuổi trung niên đốt đuốc đưa chúng tôi đến tận một sườn đồi, thuộc khu vực xã Võ Miếu. Đây rồi! Chiếc F4 nằm chúc đầu xuống chân đồi, bom đạn, tên lửa còn nguyên, chúng chưa kịp gây tội ác.  

(Còn tiếp)
Duy Anh - Đình Khang
http://www.anninhthudo.vn/Phong-su/Buoc-tap-duot-truoc-7-nam/476980.antd
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #395 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 04:59:46 pm »


40 năm nhìn lại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (2)


NỖI KINH HOÀNG CỦA PHI CÔNG MỸ

Thứ tư 05/12/2012 06:12

ANTĐ - Sau trận thắng đầu tiên của Bộ đội tên lửa Việt Nam, yếu tố bí mật của vũ khí không còn nữa. Tuy nhiên, với chiến thuật linh hoạt di chuyển trận địa, đồng thời lập nhiều trận địa giả, tổ chức đón lõng, phục kích bất ngờ; các trung đoàn tên lửa đã tránh được những trận tập kích trả thù và tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Phi công Mỹ khi bay vào vùng trời miền Bắc Việt Nam đều ám ảnh bởi lưới lửa phòng không dày đặc của các đơn vị tên lửa, cao xạ… Đến mức, nhiều phi công cho rằng, trở thành khách bất đắc dĩ trong “khách sạn Hilton” (trại giam giặc lái Mỹ ở Hà Nội - PV) được coi là may mắn, thay vì phải tan xác trên bầu trời.

  

Chuyên gia Liên Xô và bộ đội Việt Nam bên xác một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ

Cuộc trả đũa đắt giá


Việc ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội tên lửa đã làm nức lòng quân dân cả nước ta, đồng thời khiến Lầu Năm Góc choáng váng. Nhằm gây bất ngờ để tiêu diệt và kéo địch ra xa Hà Nội, Tiểu đoàn 61 (Trung đoàn tên lửa 236) cơ động phục kích máy bay địch tại khu vực Xích Thổ (nay thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Khu vực này nhanh chóng trở thành một trận địa bí mật, ngoài Tiểu đoàn tên lửa 61, còn có 23 đại đội pháo phòng không.

Theo hồi ức của Đại tá Nguyễn Xuân Đài (nguyên sỹ quan điều khiển Tiểu đoàn tên lửa 61), ngày 11-8-1965, lúc 20h08, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 61 phát hiện một tốp 3 máy bay địch. Đến cự li thích hợp, tiểu đoàn đã phóng 3 quả tên lửa trúng mục tiêu, một chiếc máy bay bốc cháy dữ dội và rơi tại chỗ; những chiếc còn lại bị thương nặng hốt hoảng bay ra biển thì một chiếc nữa bị rơi. Chiếc máy bay còn lại cố hạ cánh xuống tàu sân bay  Midway. Theo tin tình báo của ta nắm được sau đó, chiếc máy bay bị thương này là loại A4-E số hiệu 114 do Thiếu tá Robert Geor phải hai lần hạ cánh mới được. Ngay khi chiếc máy bay đáp được xuống đường băng, các nhân viên kĩ thuật đã xúm lại và xác định trên thân máy bay có tới 50 lỗ thủng do mảnh tên lửa của ta phá huỷ. Thân máy bay bị móp méo khiến phi công Robert Geor chỉ thoát ra khỏi máy bay sau khi được các nhân viên kĩ thuật dùng cưa, kích hỗ trợ phá cửa. Tin về 2 chiếc máy bay bị rơi, một chiếc bị thương nặng khiến các phi công trên tàu sân bay Midway xôn xao. Thiếu tá Robert George bị cấp trên cấm tiếp xúc với phóng viên thường trú trên tàu sân bay.

Bức phù điêu bên hồ Trúc Bạch, ghi lại sự kiện bắn cháy máy bay của John McCain

Ngay sau trận thắng giòn giã, Tiểu đoàn 61 được lệnh di chuyển cấp tốc, đồng thời một hệ thống khí tài tên lửa giả (làm bằng tre, cót ép) được triển khai để nhử địch. Đúng như dự đoán, ngày 13-8-1965, xuất hiện nhiều tốp máy bay địch bổ nhào xuống đánh phá trận địa giả và bị 23 đại đội pháo phòng không cùng lực lượng bộ đội địa phương Ninh Bình phục sẵn. Lực lượng hỗn hợp của ta đã đánh trả quyết liệt các trận oanh tạc trả thù và bắn rơi tại chỗ 6 máy bay Mỹ. Ngay hôm sau, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ thừa nhận: “Đây là một ngày thiệt hại nặng nề nhất của không lực hạm đội”. Đồng thời Tham mưu trưởng Không quân Mỹ phải ra lệnh đình chỉ ngay tức khắc việc “đánh trả đũa quá đắt đỏ” này.

Ngoài những trận đánh nổi tiếng trên, Tiểu đoàn 61 cũng giành nhiều thành tích đặc biệt khác, như ngày 7-3-1966 bắn cháy 2 máy bay Mỹ bằng 1 tên lửa. Đó là chiếc thứ 900 và 901 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Sau đó chưa đầy hai tuần (ngày 18-3-1966, tại huyện Đô Lương, Nghệ An), cũng bằng 1 quả tên lửa trong tình huống tương tự, Tiểu đoàn 61 đã bắn rơi tại chỗ 2 máy bay loại F3D2, diệt 3 giặc lái… Sau những chiến công nổi bật, đơn vị được Bác Hồ đến thăm động viên và khen thưởng. Đến ngày 1-1-1967, Tiểu đoàn 61 vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Đại tá Nguyễn Thanh Tân, người tham gia kíp chiến đấu bắn hạ máy bay của John McCain

Vị thượng nghị sỹ tương lai và cú nhảy xuống hồ Trúc Bạch

Đại tá Nguyễn Thanh Tân (nguyên Trưởng phòng Quân huấn, Quân chủng PKKQ, khi đó là trắc thủ góc tà thuộc Tiểu đoàn tên lửa 61) cũng là người tham gia trận đánh bắn cháy chiếc máy bay A4-E do Thiếu tá John McCain điều khiển trong khi bổ nhào xuống đánh phá Nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội cuối tháng 10-1967. Thời điểm đó, Tiểu đoàn 61 bí mật triển khai tại trận địa Dương Tế (xã Yên Sở, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Sáng 26-10-1967, Hà Nội vào thu rất đẹp, nắng vàng và nền trời rất trong xanh; đây cũng là điều kiện thời tiết lý tưởng mà máy bay Mỹ lợi dụng đánh phá. Sau những trận đánh ác liệt, hôm đó Tiểu đoàn 61 chỉ còn 5 quả đạn tên lửa. Từ chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đều băn khoăn nếu địch mở nhiều đợt tập kích thì rất khó được cấp đạn kịp thời. Toàn đơn vị đặt quyết tâm mỗi quả đạn diệt một máy bay địch; ngay quả đạn đầu tiên chính xác có thể làm rối loạn đội hình tấn công của chúng đồng thời bảo vệ an toàn mục tiêu bảo vệ…


Phi công John McCain hiện là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ

Đúng như dự đoán, hôm đó không quân Mỹ ồ ạt đánh phá Hà Nội trong “Chiến dịch Sấm Rền 57”. Lúc 11h30, bầu trời Hà Nội xuất hiện hàng chục chiếc máy bay A4, F8, F4 điên cuồng lao vào đánh phá khu vực Nội Bài, Nhà máy điện Yên Phụ, Tổng kho Văn Điển… Nhiều chiếc máy bay đã bị đền tội bởi những loạt đạn tên lửa chính xác của các đơn vị. Với Tiểu đoàn 61, bảo vệ Nhà máy điện Yên Phụ nhưng cũng phải đảm bảo sự an toàn của khu vực Ba Đình, do đây là nơi có những cơ quan đầu não của đất nước, nên có những quy định về “góc cấm” không được phóng tên lửa, đề phòng trường hợp tên lửa mất điều khiển rơi xuống… Khi mục tiêu xuất hiện, trong khoảng thời gian 20 giây, với sự mưu trí sáng tạo và tinh thần dám chịu trách nhiệm, kíp chiến đấu đã chọn đúng thời cơ nhấn nút phóng tên lửa ngay trước khi chiếc máy bay của John McCain bổ xuống cắt bom, vừa bắn cháy máy bay, vừa đảm bảo an toàn Nhà máy điện Yên Phụ…

Chiếc A4-E bốc cháy ngùn ngụt và từ quầng lửa đó bắn ra một chiếc dù. Viên phi công đã rơi xuống giữa hồ Trúc Bạch và được vớt lên, chữa trị các vết thương rồi trở thành vị khách của “Hilton Hà Nội” cho đến khi được trao trả về Mỹ năm 1973. Sau này, John McCain trở thành một chính khách nổi tiếng của Mỹ, năm 2008 là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hoà nhưng thất cử trước ông Obama. Hiện  John McCain là thượng nghị sĩ Mỹ; ông đã nhiều lần trở lại Việt Nam và tất nhiên không thể không đến thăm hồ Trúc Bạch.

(Còn nữa)
Duy Anh - Đình Khang
http://www.anninhthudo.vn/Phong-su/Noi-kinh-hoang-cua-phi-cong-My/477160.antd
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #396 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 06:04:36 pm »

Cám ơn bác qdtc! Sơ đồ của bác chỉ đưa 1 số địa danh như Hà Nội, Thái Nguyên, Kép, Hòa Lạc nhưng không có ... Sơn La! Đến nay thì điều không thể chối cãi là chắc chắn có ít nhất 16 B52 rơi tại chỗ. Vấn đề là cái B52 ở Sơn La rơi tại chỗ chỉ có thể hoặc là do tên lửa bắn rơi (theo bảng) hoặc là của anh Thiều đánh rơi. Theo thông tin đại chúng, cái do anh Thiều đánh rơi là rơi tại chỗ (Sơn La). Xác chiếc B52 rơi gần máy bay của anh Thiều. Bây giờ lại có thêm 1 đơn vị tên lửa nhận bắn rơi chiếc đó. Vậy nên hiểu chiếc B52 rơi ở Sơn La như thế nào? (Tại http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,603.100.html không có đường bay nào liên quan tới Sơn La cả?)

Có thể hỏi thêm: Chiếc do anh hùng Phạm Tuân bắn có rơi tại chỗ không? Nếu rơi thì rơi ở đâu? (theo các tài liệu trước là rơi ở phía tây Hà Nội)  
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:02:46 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

VMH
Thành viên
*
Bài viết: 751


Keep Walking


« Trả lời #397 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 06:19:10 pm »

Theo lời kể của Cụ Phan Thái - Nguyên Cục phó Cục Kỹ thuật PK-KQ thì:

- Trước đêm 18, Hà Nội có 200 quả đạn tốt.

- Đêm 18, 19/12 bắn hết 100 quả. Sang ngày 20, kho Quân chủng chỉ còn 50 đạn. Trong ngày 20, hồi phục 50 đạn quá hạn.

- Các ngày sau tiếp tục hồi phục 200 đạn quá hạn.

Theo lời kể của cụ Lương Hữu Sắt - Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật PK-KQ thì:

- Sau 1968, LX không viện trợ đạn tên lửa cho ta nữa. Toàn bộ số đạn có trước đêm 18/12 là đạn cũ, nhận trước 1968.

- Tháng 8/1972, chuyến tàu liện vận đầu tiên chở 200 quả đạn từ LX sang. Sau đó cứ mỗi tuần 1 chuyến đạn tên lửa. Đến tháng 1/1973 thì hơn 1000 đạn mới từ LX sang.

- Tuy nhiên, đạn mới nằm cả trên Bắc Giang, Lạng Sơn nên đến tối 20/12 mới có được 30 quả về Hà Nội. Chủ yếu những ngày từ 18 đến 25 đánh bằng đạn cũ. Sau 25 thì đạn đủ đánh thoải mái.

Logged

MẪU ĐƠN HOA HẠ TỬ, TỐ QUỶ DÃ PHONG LƯU
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #398 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 06:59:00 pm »

Chào bác VMH! Lâu rồi mới thấy bác gửi bài. Bác cho em hỏi tí:

1/Việc thay đổi đội hình các đơn vị SAM cuối 1972 bác có ý kiến gì không?

2/ Số đạn mới chuyển về Lạng Sơn, Bác Giang, Hà Nội là đạn nguyên quả hay là linh kiện để lắp ráp?

3/ C125 chuyển vào miền bắc mình vào khoảng thời gian nào?

Đây là những thông tin em thực sự muốn biết nhưng không Gúc được. Nếu có thông tin bác có chia sẻ cho em và cho mọi người nhé!
Logged

DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #399 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:23:21 pm »


3/ C125 chuyển vào miền bắc mình vào khoảng thời gian nào?

Có ít thông tin ở đây bác ạ:

http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Dien-Bien-Phu-tren-khong-SAM3-chua-kip-tham-chien/201211/245518.datviet

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, từ tháng 6/1972, cán bộ chiến sĩ của ta mới sang Liên Xô học tập sử dụng SAM-3. “SAM-3 có tốc độ bắn rất nhanh, độ cao tuy không lớn hơn so với SA-2 nhưng ở trong tầm với tới B-52. SAM-3 có xác suất trúng mục tiêu cao hơn”, ông nói.

Ngày 5/12/1972, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 277 (trang bị SAM-3) về tới Hà Nội, đóng quân tại Vân Nội, Vân Trì, Đông Anh, Hà Nội. Tại đây, trung đoàn đã củng cố lại tổ chức, sắp xếp lại cán bộ, quán triệt, nhiệm vụ, chuẩn bị trận địa, chờ vũ khí – khí tài về là triển khai chiến đấu ngay.

Tới đêm 18/12, Trung đoàn 276 – đơn vị SAM-3 thứ hai về đến ga Kép (Bắc Giang) được lệnh dừng lại. Trung đoàn cho bộ đội xuống tàu, kịp thời sơ tán về làng Kép Hạ để chờ các đoàn tàu chở vũ khí khí tài về triển khai chiến đấu.

Với quyết tâm cao, mặc mưa bom bão đạn, địch đánh phá suốt ngày đêm, ban chỉ huy trung đoàn 276 tập trung mọi khả năng cho tiểu đoàn hỏa lực 169 hoàn chỉnh đồng bộ bước vào chiến dịch trước. Tiểu đoàn 169 đã chiếm lĩnh và triển khai trận địa ở Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội), các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật làm việc hết sức mình triển khai nhanh dây chuyền lắp ráp được 4 quả đạn SAM-3 chuyển cho tiểu đoàn 169.

Rất tiếc, khi công tác chuẩn bị chiến đấu hoàn tất, tên lửa đã nằm trên bệ sẵn sàng diệt B-52 thì chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Đế Quốc Mỹ vào Hà Nội kết thúc.

“Trong niềm hân hoan đón mừng chiến thắng của dân tộc, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 276 ai cũng nuối tiếc đã không kịp phóng đạn đánh vào những chiếc máy bay cuối cùng của địch trên bầu trời Hà Nội. Nhiều người đã thốt lên: Nếu như đạn về đồng bộ với vũ khí khí tài thì trung đoàn đã phát huy được hỏa lực tham gia những trận đánh cuối cùng bảo vệ Hà Nội”, tài liệu Lịch sử Trung đoàn 276 viết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM