Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:59:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch 12 ngày đêm (Linebacker II), tháng 12/72  (Đọc 419720 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #320 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2012, 04:45:49 pm »


ƯU THẾ LỰC LƯỢNG MẠNH VẪN THẤT BẠI

QĐND - Thứ Bẩy, 29/09/2012, 18:13 (GMT+7)

QĐND - Chiến dịch Linebacker II mà Không quân Mỹ tiến hành tháng 12-1972 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng của Việt Nam là một hình mẫu về việc tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế chiến dịch hơn hẳn đối phương trước khi tiến công. Chiến dịch thể hiện cách đánh rất phổ biến của Không quân Mỹ, được vận dụng trong nhiều cuộc chiến tranh.

Học thuyết tác chiến Không quân Mỹ đối với chiến dịch tiến công đường không là coi trọng tập trung lực lượng lớn, tạo ưu thế hơn hẳn đối phương trước khi tiến công, coi đây là "điểm tựa" của chiến thắng chiến dịch. Những yếu tố để tạo nên ưu thế quân sự là có học thuyết quân sự tiên tiến, quy mô lực lượng lớn, sử dụng hệ thống vũ khí công nghệ cao.

Để tạo ưu thế chiến dịch tiến công đường không tháng 12-1972 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng trên miền Bắc Việt Nam, Không quân Mỹ đã tập trung một lực lượng lớn chưa từng có, gồm hàng trăm máy bay B-52, một liên đội máy bay F-11A với 48 chiếc; 5 liên đội máy bay F-4H, F-105, tổng số 400 chiếc; 5 liên đội máy bay A-6 và máy bay A-7 lên tới 360 chiếc. Mỹ còn điều thêm 50 chiếc máy bay tiếp dầu KC-135 đến Phi-líp-pin; thành lập Bộ chỉ huy Sư đoàn Không quân chiến lược; đưa thêm 2 tàu sân bay, nâng tổng số lên 5 tàu sân bay phục vụ cuộc chiến ở Việt Nam.

Với lực lượng áp đảo như trên, Không quân Mỹ tính toán sẽ dễ dàng vượt qua hệ thống Phòng không của Việt Nam để "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá". Song ưu thế về lực lượng tác chiến trên không, trên biển và ưu thế về vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại không giúp cho Mỹ giành chiến thắng, bởi nghệ thuật quân sự và tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Tân Vũ

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/303/303/208917/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #321 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2012, 05:25:01 pm »

Với lực lượng áp đảo như trên, Không quân Mỹ tính toán sẽ dễ dàng vượt qua hệ thống Phòng không của Việt Nam để "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá".

Báo chí nhà mình vẫn hay phát biểu kiểu "ngoại cảm" như này. Các bố thử đưa tài liệu chứng tỏ Mỹ nó tính toán thế thật xem nào.  Wink
Logged
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #322 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2012, 11:50:19 pm »

Bạn star thân mến: bạn tìm luôn dữ liệu của trận ngày 28 và 29-12-1972 nhé. Trận ngày 28 là trận mà anh Hoàng Tam Hùng bắn rơi 1 RA-5C của hải quân Mỹ và bắn cháy 1 F-4 (?). Trận đêm ngày 29 là trận mà anh Bùi Doãn Độ bắn cháy 1 F-4 (phóng liên tiếp 2 đạn) nhưng phía Mỹ không công nhận.

Quả thật em cũng như đa số thành viên khác trên diễn đàn, tìm các tài liệu qua công cụ tìm kiếm trên internet.
Do đó, em cũng chỉ có thể tìm hiểu thông tin trong những tài liệu đã được số hóa, đã được dịch, hoặc được giải mật và đưa lên mạng, bằng tiếng Việt hoặc thứ ngoại ngữ mình biết thôi.
Hơn nữa, các thông tin mình cần có thể đã có trên mạng, nhưng quan trọng là mình có tìm được hay không.
Việc so sánh giữa các nguồn tài liệu 2 phía là rất khó, vì coi như ta chỉ nắm được mỗi bên 1 phần rất nhỏ (những tài liệu đã tìm được), thậm chí còn cả sự sai khác ngay cả giữa những tài liệu của ta, hoặc giữa những tài liệu của Mỹ.
Việc tìm ra được những phần thông tin chung đòi hỏi phải đọc, tra cứu và đối chiếu rất cẩn thận.
Vì vậy, em tổng hợp trên tinh thần "biết đến đâu viết đến đấy" thôi. Cũng mong là qua việc đọc bài và trao đổi với các bác trên VMH, phần "biết" sẽ luôn được mở rộng để có thể có thể "viết" được nhiều hơn.
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #323 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2012, 08:31:07 am »

Hồi ức

10 PHÚT, DIỆT 2 PHÁO ĐÀI BAY B-52

QĐND - Thứ Sáu, 26/10/2012, 20:11 (GMT+7)

QĐND Online-Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, bộ đội tên lửa Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách. Trong đó, Tiểu đoàn 57, thuộc Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân (hiện nay Trung đoàn tên lửa 261 thuộc Sư đoàn 367) đã lập nên kỳ tích, một bệ phóng bắn 2 quả tên lửa tiêu diệt 2 máy bay B-52 trong thời gian 10 phút.

… Đêm thứ 4 trong chiến dịch oanh tạc Hà Nội, sau 2 đợt ném bom một số khu vực trên địa bàn Thủ đô, rạng sáng ngày 21-12-1972, một tốp máy bay B-52 tiếp tục xuất kích “rải thảm” khu vực Yên Viên. Tiểu đoàn 57 thuộc Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh tiếp tục bám sát mục tiêu nhưng số lượng đạn quá ít, chỉ còn lại 3 quả. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt trực tiếp chỉ huy kíp chiến đấu gồm một sĩ quan điều khiển và 3 trắc thủ xác định quyết tâm không để đạn phóng đi uổng phí.


Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (bên phải) bên bệ phóng tên lửa. Ảnh: Văn Phong

Tốp B-52 đầu tiên vào đến cự ly 35 km trong tầm sát thương, Tiểu đoàn trưởng Phiệt hạ lệnh phóng quả đạn thứ nhất nhưng đèn tín hiệu báo trục trặc kỹ thuật bật sáng, đạn không thể rời bệ phóng. Lập tức anh hạ lệnh nhấn nút hoàn lại quả thứ nhất rồi hạ lệnh tiếp tục phóng quả thứ 2. Kíp trắc thủ gấp rút thao tác, căng mắt bám sát dải nhiễu, khéo léo điều chỉnh tên lửa bắn chính xác mục tiêu. Một cột khói bốc cao, ánh lửa bùng lên dữ dội. Chiến sĩ quan sát báo cáo, chiếc B-52 cháy ở cự ly 25 km, vào lúc 5 giờ 9 phút.

Thừa thắng xông lên, kíp trắc thủ tiếp tục nhận lệnh tiêu diệt chiếc B-52 trong tốp thứ 2. Chỉ còn quả đạn duy nhất, không thể phóng trượt, cả kíp trắc thủ hết sức thận trọng, mọi thao tác diễn ra nhanh chóng, chuẩn xác; công tác hiệp đồng ăn khớp, bám đúng dải nhiễu B-52. Đợi cho chúng bay vào cự ly sát thương hiệu quả, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh phóng nốt quả đạn còn lại. Mặc dù trên màn hiện sóng, các dải nhiễu liên tục biến đổi nhưng kíp trắc thủ vẫn bình tĩnh vận dụng mọi kiến thức, kinh nghiệm, phân tích dải nhiễu, bám tín hiệu mục tiêu máy bay B-52, điều khiển đạn đi trúng đích. Đạn nổ ở cự ly 24 km làm tan xác thêm một chiếc B-52, rơi xuống địa phận núi Đôi (Sóc Sơn ngày nay). Thời gian lúc đó là 5 giờ 19 phút.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 phút, bằng 2 quả đạn, kíp trắc thủ của Tiểu đoàn 57 đã bắn rơi tại chỗ 2 pháo đài bay B-52, đạt hiệu suất chiến đấu 300%, lập kỷ lục cho bộ đội tên lửa.

Hiện nay, bệ phóng và chiếc xe chở đầu đạn lập nên kỳ tích ấy được lưu giữ bên cạnh phòng truyền thống của Trung đoàn 261 nhằm giáo dục tinh thần đoàn kết, hiệp đồng, mưu trí, sáng tạo của bộ đội tên lửa cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay.

HOÀNG THÀNH

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/212808/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #324 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2012, 09:20:08 am »

  
Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

MIG-21 "HẠ ĐO VÁN" B-52

QĐND - Thứ Tư, 24/10/2012, 11:0 (GMT+7)

QĐND Online – Chiếc Mig 21 đó mang số hiệu 5121, hiện đang được đặt tại một vị trí trang trọng trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không-Không quân (số 171 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội).


“Én bạc” 5121

Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12-1972, phi công Phạm Tuân (khi đó thuộc biên chế của Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân), đã cùng chiếc Mig 21 này xuất kích, tiêu diệt một “siêu pháo đài bay” B-52 cùng toàn bộ kíp “giặc lái” Mỹ.

Thực hiện quyết tâm của Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân là phải tạo điều kiện cho không quân bắn rơi bằng được máy bay B-52, đúng 22 giờ 20 phút đêm 27-12-1972 (ngày thứ 10 của Chiến dịch), Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân lệnh cho phi công Phạm Tuân xuất kích bất ngờ từ sân bay Yên Bái.

Chiếc Mig 21 này đã được nhiều phi công sử dụng, hạ nhiều máy bay của không quân và hải quân Mỹ. Mỗi ngôi sao là một chiến công của máy bay.

Được sở chỉ huy trung tâm của Binh chủng, sở chỉ huy trung đoàn và ra-đa dẫn đường theo dõi, Phạm Tuân liên tục nhận được thông báo dẫn dắt về cự ly và hướng.

Đến vùng trời Sơn La, anh phát hiện mục tiêu B-52 và xin phép vào công kích. Sở chỉ huy ra lệnh: Bắn 2 tên lửa, thoát ly nhanh!

Do địch chưa phát hiện Mig 21 của ta “bám đuôi”, Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ của địch, bám được B-52, công kích bằng 2 quả tên lửa. Một quầng lửa trùm lên chiếc B-52 thứ hai trong đội hình B-52 của địch. Ngay sau đó, Phạm Tuân điều khiển máy bay thoát ly, quay về sân bay Yên Bái hạ cánh anh toàn.

Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bộ đội Không quân bắn rơi.


Sau chiến công bắn rơi B-52 của Phạm Tuân, phi công Vũ Xuân Thiều cũng đã lái máy bay Mig 21, tiêu diệt một B-52 của địch vào đêm 28-12 và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.

Ngay trong đêm 27-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện khen bộ đội Không quân đã lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay chiến lược B-52 của địch.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng Hà[/i]

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/406/406/212420/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #325 vào lúc: 27 Tháng Mười, 2012, 09:28:09 am »


Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

TÊN LỬA THẬT, TÊN LỬA GIẢ CÙNG ĐÁNH TRẬN

QĐND - Thứ Ba, 23/10/2012, 17:1 (GMT+7)

QĐND Online – Tại khu vực trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Phòng không-Không quân (Quân chủng Phòng không-Không quân), có một hiện vật khiến khách tham quan hết sức tò mò, đó là “quả tên lửa” được làm bằng cót ép.

Tuy là “tên lửa cót”, song nó đã giúp Bộ đội Phòng không-Không quân “quật cổ” chiến đấu cơ của không quân Mỹ.


Tên lửa cót được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ

Ban đầu, tên lửa giả được bộ đội công binh Quân chủng PK-KQ làm bằng cót toàn phần, sau này cải tiến đầu đạn bằng kim loại, kết hợp với tạo khói để “nhử” máy bay địch.

Dưới bàn tay khéo léo của các chiến sĩ canh trời, qủa tên lửa giả được làm có hình dáng bên ngoài rất giống tên lửa Đờvina. Đây là loại tên lửa được trang bị cho lực lượng phòng không Liên Xô từ năm 1957; đến tháng 5-1965, được trang bị cho bộ đội Phòng không Việt Nam.


Bộ khí tài tên lửa Đờvina

Được trưng bày bên cạnh “tên lửa cót” là bộ khí tài tên lửa Đờvina, đã sát cánh cùng “tên lửa cót”, tiêu diệt “giặc trời” Mỹ.

Ngược dòng lịch sử, ngày 24-7-1965, tại trận địa Chùa Ghề (xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội), với bộ khí tài này, Tiểu đoàn 63 (Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ) đã phối hợp với Tiểu đoàn 64 (cũng thuộc Trung đoàn 236), phóng 4 quả đạn tên lửa, tiêu diệt cả tốp 3 máy bay F-4 của Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ, phi công Mỹ Ri-sớt Pôn-cơn bị bắt sống. Đây là chiến công đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Việt Nam.


Tên lửa thật và tên lửa giả

Ngay sau khi tên lửa thật rút đi, bộ khí tài “tên lửa cót” đã vào chiếm lĩnh trận địa thay thế tên lửa thật để nhử máy bay địch. Lầm tưởng tên lửa thật của ta vẫn bám trận địa, máy bay Mỹ tiếp tục vào oanh tạc trận địa nhằm tiêu diệt lực lượng của ta và chúng vừa "phí đạn" vừa đã phải đền tội. Ngày 26-7-1965, 2 máy bay Mỹ bị tiêu diệt; ngày 27-7-1965, thêm 3 máy bay của Mỹ tiếp tục phải đền tội, khi chúng định thực hiện đòn trả đũa Bộ đội Tên lửa Việt Nam.

Có lẽ, sáng tạo trong cách đánh địch, trong nghi binh lừa địch kiểu "tên lửa cót" ấy chỉ có bộ đội PK-KQ Việt Nam thực hiện.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng Hà

http://image.qdnd.vn/Upload/hoangha/2012/10/23/5264737420121023134414827.jpg
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #326 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2012, 02:33:30 pm »

Hồi ức

10 PHÚT, DIỆT 2 PHÁO ĐÀI BAY B-52

QĐND - Thứ Sáu, 26/10/2012, 20:11 (GMT+7)



Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt (bên phải) bên bệ phóng tên lửa. Ảnh: Văn Phong

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/408/408/212808/Default.aspx

Vẫn biết bệ phóng nào cũng là bệ phóng, ảnh cũng chỉ mang tính chất minh họa nhưng chiến dịch Điện Biên Phủ trên không làm sao đã có S-125 (báo qdnd điện tử là C-125) mà sử dụng ảnh kia ạ?
Hết Phạm Tuân bật ra-đa để sục sạo thì ngay tức khắc đèn từ mục tiêu vụt tắt, trên màn hình ra-đa nhiễu trắng xóa. Nhìn ra xung quanh thấy đèn của F-4, anh nhanh chóng bám theo phóng tên lửa tới tấp, lại đến bệ phóng tên lửa Sam-3 này. Hạt sạn to hay nhỏ cũng đều là sạn. 
Em thấy là nếu những sự kiện quan trọng của dân tộc, nếu có bị giảm đi ý nghĩa lịch sử thì nguyên nhân đầu tiên không phải do những tài liệu bóp méo, dựng đứng lịch sử từ bên ngoài mà từ chính những hạt sạn do các phóng viên báo tạo ra.
Em viết ở đây chứ phản hồi vào link gốc cũng coi như bằng không.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #327 vào lúc: 28 Tháng Mười, 2012, 07:09:56 pm »

http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30281&cn_id=213507

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/giaoducthoidai.vn/Nhung-ngay-vach-nhieu-tim-thu/5400717.epi

Đọc lài bài cũ một chút các bác:

Những ngày “vạch nhiễu tìm thù”
 

(GD&TĐ) - Trong cuộc chiến chống lại trận tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ, ta gặp phải một trở ngại là thủ đoạn gây nhiễu điện tử của địch. Trong màn nhiễu dày đặc, các đơn vị đã phải đổ bao sức lực và xương máu để phân biệt đâu là “Bê” giả, đâu là “Bê” thật để tiêu diệt. Ông La Văn Sàng, nguyên Trưởng ban tác chiến điện tử (Quân chủng Phòng không - không quân) đã kể lại những tháng ngày cùng đồng đội làm nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” trên bầu trời Hà Nội…

Năm 1971, Tiểu đoàn Nhiễu chúng tôi được Quân chủng Phòng không-không quân bố trí đến các trận địa rađa, tên lửa, vào buồng máy ngồi cạnh các trắc thủ, sĩ quan điều khiển để cùng nghiên cứu nhiễu trên thực địa. Tôi và anh Phan Thu (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Nhiễu, sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) được giao nhiệm vụ chụp ảnh nhiễu trên màn hiện sóng của các loại rađa. Có mặt tại trận địa để ghi lại hình ảnh nhiễu, những diễn biến trận đánh trên màn hiện sóng, công việc của chúng tôi cũng vất vả, gian nan và không kém phần nguy hiểm. Từ những “nhiếp ảnh gia” không chuyên, “tay nghề” của chúng tôi dần được nâng cao và xác định dạng nhiễu có đủ kiểu, đủ loại với những tên gọi khác nhau được đặt theo hình dáng của chúng như: nhiễu quét, nhiễu giọt mưa, nhiễu xoắn thừng, nhiễu râu…



Tôi còn nhớ kỷ niệm về cuốn “cẩm nang bìa đỏ” và “gánh hát rong” được anh em gọi vui trong thời điểm tháng 10-1972. Khi ấy, anh em các đơn vị coi tập tài liệu mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” là cuốn “cẩm nang bìa đỏ”. Cuốn sách dày 30 trang đánh máy, in rô-nê-ô và được bọc ngoài một tờ bìa màu đỏ, đó là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu gắn với tài trí và công lao của hàng loạt sĩ quan có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu như: Nguyễn Sinh Huy, Chu Thái, Vũ Lai Trường, Trần Ngọc Lân, Quách Hải Lượng… Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ tại hội nghị ngày 31-10-1972 (sau này gọi là Hội nghị tháng 10). Trong cuốn “cẩm nang bìa đỏ” ấy, tôi và các đồng đội ở Tiểu đoàn nhiễu đã đóng góp cách phân biệt “Bê” thật, “Bê” giả trước màn hiện sóng để bộ đội tên lửa có thể ngắm trúng mục tiêu. Nói và viết thành tài liệu như vậy, nhưng để thực hành được như sách lại rất khó bởi kẻ địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn gây nhiễu. Vì vậy, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-không quân và Bộ tư lệnh Phòng không Hà Nội đã thành lập các đội huấn luyện lưu động mà thành phần chủ yếu là các sĩ quan đã từng tham gia biên soạn cuốn “cẩm nang bìa đỏ”. Chúng tôi đã tới các tiểu đoàn tên lửa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cách đánh B-52 cho các kíp chiến đấu. Đội huấn luyện lưu động đi hết đơn vị này đến đơn vị khác nên thường được anh em gọi vui là những “gánh hát rong”.

Trong những ngày diễn ra chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, tôi có mặt ở trận địa tiểu đoàn 79 (Đoàn tên lửa H57) và đã phần nào lý giải được nguyên nhân tại sao bộ đội tên lửa đánh B-52 ở Hà Nội lại đạt hiệu quả cao hơn so với đánh B-52 ở chiến trường Khu 4 - nơi mà Quân chủng Phòng không-không quân đã cử các đội nhiễu cơ động chúng tôi làm nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù”. Khi B-52 vào Hà Nội, yếu tố bất ngờ dùng thủ đoạn nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 không còn, đồng thời cường độ gây nhiễu của B-52 cũng đã bị phân tán. Hướng này bị nhiễu nặng, song ở hướng khác, hai bên sườn, phía trước, phía sau… các đơn vị tên lửa  lại có thể “vạch mặt” được B-52 trên nền nhiễu. Ta đã bố trí đội hình tên lửa đánh bọc lót cho nhau, sử dụng phương pháp bắn 3 điểm và linh hoạt sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc khi thấy mục tiêu. Trong các trận đánh B-52 trên bầu trời Hà Nội, vì bắt được tín hiệu B-52 trên màn hiện sóng nên đa số các đơn vị sử dụng phương pháp bắn đón nửa góc, làm cho kẻ địch từ chỗ ngạo mạn tuyên bố vào Hà Nội để “dạo chơi” đã thực sự lao đầu vào nơi “tử địa”.

Khi chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc, đầu năm 1973, anh Phan Thu đã có vinh dự đại diện cho anh em Tiểu đoàn nhiễu đi cùng anh Vũ Lai Trường (Trưởng phòng Khoa học Quân sự - Quân chủng Phòng không-không quân) tới nhà riêng Tổng bí thư Lê Duẩn để báo cáo về những diễn biến và thắng lợi của chiến dịch. Sau này, gặp chúng tôi, anh kể lại: “Tôi đã mang theo một tờ bìa lớn trên đó dán các ảnh nhiễu được phóng to nên đã trình bày được khá rõ ràng, đầy đủ về tình hình gây nhiễu của địch, đặc biệt về nhiễu B-52, các dạng nhiễu và kết quả khắc phục của ta. Tổng bí thư tỏ ý khen ngợi Quân chủng Phòng không-không quân trong cuộc chiến đấu chống tập kích đường không của địch, thắng lợi ấy đã góp phần tạo thêm thế và lực cho phái đoàn ta ở Hội nghị Pa-ri”.

Giờ đây, những tấm ảnh nhiễu do chúng tôi thực hiện vẫn còn lưu lại ở các bảo tàng và ở nhiều đơn vị làm tài liệu huấn luyện. Ít ai biết rằng trong những năm chiến tranh, tập ảnh đã được sử dụng làm tài liệu giới thiệu với bạn bè quốc tế khi đến nước ta học tập kinh nghiệm và đã trở thành “tặng phẩm” khi các đoàn cán bộ Quân chủng Phòng không-không quân đi thăm bạn bè quốc tế.

 Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh

PS: Phải nói là : "trong những năm sau chiến tranh" mới phù hợp.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #328 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2012, 09:15:15 am »


Hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (12-1972/12-2012)

TÊN LỬA SAM-2, VŨ KHÍ CHỦ LỰC TIÊU DIỆT B-52

QĐND - Thứ Sáu, 02/11/2012, 17:48 (GMT+7)

QĐND - Máy bay ném bom chiến lược B-52 được quân đội Mỹ ngạo mạn tuyên bố là “bất khả xâm phạm”. Thế nhưng, trong 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, bằng tên lửa SAM-2, bộ đội tên lửa của ta đã bắn rơi 29 “siêu pháo đài bay” B-52 (trong tổng số 193 chiếc tham chiến). SAM-2 đã thực sự trở thành nỗi khiếp sợ của phi công địch.

SAM-2 (tên lửa đất đối không kiểu 2) là tên gọi mà các quốc gia phương Tây đặt cho loại tên lửa S-75 Đvi-na do Liên Xô (trước đây) chế tạo và viện trợ cho ta. Đây là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao, được điều khiển bằng hệ thống ra-đa ba tác dụng. Đạn tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 là V-750. Đạn V-750 có hai tầng: Động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn; động cơ hành trình sử dụng nhiên liệu tên lửa lỏng để duy trì quỹ đạo bay. Tầm bắn của tên lửa SAM-2 có thể lên đến gần 40km và độ cao bắn lên đến 25km. Độ cao bắn này giúp tên lửa hoàn toàn có khả năng “hạ gục” máy bay B-52. Đầu đạn của SAM-2 là loại tạo mảnh, chứa gần 200kg thuốc nổ và có tốc độ bay đạt Mach 3. Bán kính tiêu diệt mục tiêu của đạn tên lửa V-750 khoảng 65m (ở độ cao lớn, khí quyển loãng, bán kính tiêu diệt mục tiêu có thể lên đến 250m). Các đầu nổ của đạn tên lửa đều được lắp hai hệ thống ngòi nổ: Hệ thống ngòi nổ sát thương và hệ thống ngòi nổ tự hủy. Khi cách mục tiêu khoảng 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt ngòi nổ sát thương gây nổ đạn. Ngòi nổ tự hủy của đạn tên lửa hoạt động ở chế độ tự động và chỉ được kích hoạt ở độ cao hơn 23km khi ngòi nổ sát thương không hoạt động (trường hợp bắn trượt mục tiêu). Khi đầu đạn được kích nổ sẽ sinh ra nhiệt lượng rất lớn, sóng xung kích mạnh và tạo ra hàng chục nghìn mảnh đạn để tiêu diệt mục tiêu.


Tên lửa SAM-2 trong chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Ngoài yếu tố quyết định là sự mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta thì sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong lĩnh vực tên lửa phòng không có vai trò rất quan trọng làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Ngay từ tháng 4-1965, các chuyên gia quân sự thuộc Binh chủng Tên lửa phòng không của Liên Xô đã tới Việt Nam để huấn luyện kỹ thuật cho bộ đội tên lửa Việt Nam. Nội dung huấn luyện gồm: Cấu tạo, tính năng, cách vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tên lửa SAM-2; huấn luyện trắc thủ, tổ chức khẩu đội chiến đấu… Đầu tháng 7-1965, sau khi tiếp nhận đầy đủ vũ khí, khí tài tên lửa và được huấn luyện thuần thục, hai Tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 (trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của quân đội ta) đã đủ điều kiện để SSCĐ. Tiếp theo, các chuyên gia quân sự Liên Xô tiếp tục giúp ta huấn luyện Trung đoàn Tên lửa phòng không 238, Trung đoàn Tên lửa phòng không 285, Trung đoàn Tên lửa phòng không 263… Năm 1968, bạn còn đưa các chuyên gia về lĩnh vực ra-đa sang giúp bộ đội Việt Nam nghiên cứu, đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả tác chiến của tên lửa trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp gây nhiễu mới.

Được sự giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô, bộ đội tên lửa Việt Nam nhanh chóng làm chủ vũ khí, khí tài phòng không hiện đại. Tên lửa SAM-2 nhanh chóng được đưa vào chiến đấu đạt hiệu quả cao. Bộ đội tên lửa với vũ khí SAM-2 đã trở thành một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Ngay trận đầu ra quân (ngày 24-7-1965), Tiểu đoàn 63 và 64 thuộc Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 đã hiệp đồng chặt chẽ, mỗi tiểu đoàn phóng 2 quả đạn tên lửa, bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay F-4C, làm nên chiến thắng trận đầu của bộ đội tên lửa. Kể từ trận đầu xuất quân ngày 24-7-1965, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ (từ năm 1965 đến năm 1968 và năm 1972), các đơn vị tên lửa SAM-2 của quân đội ta đã đánh tổng cộng hơn 3.540 trận (trong đó có 588 trận đánh đêm), phóng hơn 5.880 quả đạn, bắn rơi 788 máy bay Mỹ (có 366 chiếc rơi tại chỗ), trong đó có 43 máy bay B-52. Tính trung bình cứ hơn 7 quả đạn tên lửa thì tiêu diệt một máy bay. Trong 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc đã bắn rơi 29 chiếc máy bay B-52 (trên tổng số 34 chiếc bị bắn rơi). Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B-52, hạ bệ “thần tượng” của không lực Hoa Kỳ.

NGUYỄN TRUNG

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/409/409/213916/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #329 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2012, 05:53:47 pm »


"HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG" VÀ NHỮNG CON SỐ (Phần 1)

QĐND - Thứ Hai, 05/11/2012, 18:27 (GMT+7)

QĐND Online – Gần 40 năm đã trôi qua song tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân Hà Nội nói riêng, quân và dân miền Bắc nói chung trước cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận vẫn lưu giữ vẹn nguyên. Những con số về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”,  vừa lên án sự tàn bạo của kẻ thù, vừa thể hiện tinh thần mưu trí, sáng tạo, quả cảm và hiệu suất chiến đấu cao của quân và dân ta…

Phần 1: Những con số của sự bạo tàn

663 lần chiếc B-52 đánh phá

Đó là số lần chiếc B-52 mà không quân Mỹ sử dụng để đánh phá miền Bắc, trong chiến dịch tập kích đường không 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 (trong đó, khu vực Hà Nội bị 417 lần chiếc B-52 vào đánh phá). 

Trong khi đó, không quân chiến thuật của Mỹ cũng cất cánh 3.920 lần chiếc từ các căn cứ của địch để hộ tống bảo vệ B-52 và đánh phá các sân bay, các trận địa phòng không, các mục tiêu nhỏ lẻ của ta.

Xác của “con ngáo ộp” B-52 và nhiều loại máy bay khác của Mỹ đã phải đền tội trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ” trên không.

Chiến dịch tập kích đường không 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 cũng ghi nhận lần đầu tiên không quân Mỹ sử dụng cả một liên đội F-111 gồm 150 chiếc; mỗi đêm cất cánh từ 10 đến 25 lần chiếc, hoạt động xen kẽ giữa các đợt đánh phá của B-52.

Máy bay B-52 được Mỹ coi là vũ khí “linh hoạt nhất” trong bộ ba vũ khí chiến lược (tên lửa chiến lược, tàu ngầm hạt nhân, máy bay chiến lược B52), có thể bay trong điều kiện thời tiết phức tạp, ném bom ở độ cao trên dưới 10km; mỗi máy bay có thể mang 15 máy gây nhiễu tích cực và 2 máy gây nhiễu tiêu cực. Một số thông số của B-52:

Vận tốc lớn nhất: 1.050 km/h; độ cao tối đa: 16,7km; tầm bay xa nhất: 18.000km; bán kính hoạt động: 4.000km

Dài: 48,07m; cao: 12,39m; rộng: 56,42m

Khả năng mang vũ khí: 18.000 đến 30.000kg, có súng 12,7ly 4 nòng, có thể mang 20 tên lửa Sram


5000 quả bom đào xới một khu vực


Nơi phải hứng chịu số lượng bom khổng lồ ấy là khu vực Yên Viên, Hà Nội.

Trong chiến dịch tập kích đường không nói trên, không quân Mỹ đã trút 8 vạn tấn bom đạn xuống 140 điểm lớn nhỏ thuộc 5 thành phố, 17 tỉnh, giết hại 4.025 người và làm bị thương 3.327 người.


Bệnh viện Bạch Mai bị B-52 rải thảm tháng 12-1972. Chụp lại ảnh tư liệu

Riêng Hà Nội phải hứng chịu 4 vạn tấn bom của địch, với 67 xã ngoại thành, 39 phố nội thành, 7 ga xe lửa, 4 cầu, 4 bến phà và Đài Tiếng nói Việt Nam bị oanh tạc. Khu phố Khâm Thiên bị bom Mỹ phá hủy gần 2.000 nhà ở, trường học, trạm xá, đền chùa; làm thiệt mạng 287 người và bị thương 290 người, phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già, có gia đình chết cả 9 người. Khu tập thể An Dương có hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, với 117 người dân bị chết và 151 người bị thương.

Ngoài ra, không quân Mỹ còn tập trung đánh phá 19 trận địa tên lửa, 14 trận địa pháo phòng không và 8 sân bay, gây cho ta tổn thất cả về người và vũ khí, khí tài…

Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/406/407/407/214306/Default.aspx
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM