Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:49:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch 12 ngày đêm (Linebacker II), tháng 12/72  (Đọc 419826 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #240 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2010, 04:55:42 pm »

Chiến dịch ném bom Giáng Sinh
Tác giả: Marshall Michel – Tạp chí Hàng không và Vũ trụ số 1/1/2001
http://www.airspacemag.com/military-aviation/christmas-bombing.html

Phần 1: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg185098#msg185098
Phần 2: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg186804#msg186804

Phần tiếp: http://www.airspacemag.com/military-aviation/christmas-bombing.html?c=y&page=3


Máy bay tiêm kích bom F-105 bị tên lửa SAM-2 bắn rơi trên bầu trời Miền Bắc (ảnh sưu tầm)


Hệ thống tên lửa phòng không SAM-2 được sử dụng trong suốt cuộc chiến nhưng cũng chỉ đạt kết quả hạn chế trước những loại máy bay chiến thuật rất cơ động của Mĩ. Nhìn chung hệ thống này vận hành đáng tin cậy, nhưng kĩ thuật thô sơ với sự kết hợp giữa công nghệ đèn điện tử và hệ thống máy tính cơ khí chậm chạp, cùng một đài radar điều khiển dễ bị tác động bởi đủ các loại gây nhiễu điện tử. Chính vì vậy mà sự hoàn thành nhiệm vụ của hệ thống này lệ thuộc hoàn toàn vào kĩ năng vận hành của kíp trắc thủ điều khiển 7 người.

Bộ đội tên lửa triển khai khối anten khí tài điều khiển tên lửa SAM-2 Fan Song (ảnh sưu tầm)


Các kíp trắc thủ điều khiển tên lửa đầy kinh nghiệm của Hà Nội dù đã từng chiến đấu với những đợt bắn phá của máy bay Mĩ từ nhiều năm nhưng vẫn tỏ ra rất băn khoăn về việc liệu họ có bắn hạ được loại máy bay B-52 hay không. Chính loại máy bay này đã từng tàn sát lực lượng Bắc Việt ở Khe Sanh và vừa băm nát các đơn vị Bắc Việt chiến đấu đâu đó ở phía nam. Các chuyên gia bên phía Bắc Việt đã ngày nối ngày nghiên cứu các chiến thuật tiêu biểu và phương pháp gây nhiễu của B-52 ngay từ khi loại máy bay này bắt đầu thực hiện các phi vụ ném bom ở Lào và phía nam Bắc Việt. Tháng 10/1972, tại một hội nghị được tổ chức ở Hà Nội, các chỉ huy tiểu đoàn tên lửa phòng không Bắc Việt đã cùng nhau nghiên cứu hàng trăm thước phim do các đơn vị tên lửa chiến đấu ở vùng Bắc Trung bộ chụp các loại nhiễu của B-52 trên loại radar điều khiển tên lửa Fan Song và loại radar cảnh giới P-12. Sau hội nghị này, Bộ tư lệnh Quân chủng đã lưu hành một cuốn cẩm nang nhan đề “Phương pháp đánh B-52” để phát cho các đơn vị hỏa lực SAM-2.

Bộ đội tên lửa thể hiện quyết tâm bắn rơi máy bay Mĩ (ảnh sưu tầm)


Trong khi dưới mặt đất là sự rét mướt và mưa phùn, thì bầu trời đêm phía trên những đám mây dày cộp nơi lực lượng hộ tống đội hình B-52 tiến vào lại rất đẹp dưới ánh trăng vành vạnh tỏa sáng. Đội hình tập kích gồm các biên đội máy bay tiêm kích F-4 một số làm nhiệm vụ thả các bó nhiễu kim loại gây nhiễu, còn số khác tham gia hộ tống đội hình, một biên đội máy bay gây nhiễu điện tử EB-66, một số biên đội máy bay tiêm kích chuyên chế áp phòng không Wild Weasel được trang bị các khí tài điện tử cùng các loại tên lửa Standard ARM và Shrike để chống loại radar Fan Song điều khiển tên lửa SAM-2, một số máy bay tiêm kích bom bay thấp FB-111 làm nhiệm vụ tấn công vô hiệu các sân bay có Mig của Bắc Việt dọn đường cho đội hình tập kích tới ném bom Hà Nội và cuối cùng là lực lượng B-52 bay theo đội hình biên đội 3 chiếc một.

Sơ đồ đội hình tấn công đường không tiêu biểu của Không quân Mĩ trước và trong Linebacker II (ảnh www.airbattle.co.uk)


Trên bảng tiêu đồ tại Sở chỉ huy, một trong số ba nữ tiêu đồ viên có tên Đặng Thị Vân tỏ ra lo lắng khi thấy tín hiệu báo những chiếc B-52 bay tới. Cô nhớ lại: “Thoạt tiên là một tốp, rồi tiếp tới 2 tốp, sau đó là hàng loạt tốp xuất hiện như một bầy ruồi. Nhưng tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của một người lính đã giúp tôi lấy lại bình tĩnh và tiếp tục đánh dấu đường bay”. Sở chỉ huy Sư đoàn 361 theo dõi hướng tấn công của các tốp mục tiêu trước khi phân công số tốp và nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu cho các phân đội hỏa lực.

Các kíp trắc thủ điều khiển tên lửa đã được báo động chuyển cấp khi những chiếc B-52 đang trên đường bay hướng tới mục tiêu. Trên trận địa tên lửa, tiếng các xe máy phát diesel nổ ồn ã cung cấp nguồn điện cho xe radar và xe điều khiển. Trong chiếc xe điều khiển không có điều hòa nhiệt độ giữ vai trò trung tâm của phân đội tên lửa SAM-2 là kíp chiến đấu gồm vị sĩ quan chỉ huy phân đội, một sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ xe điều khiển, một tiêu đồ viên và một lính kĩ thuật phụ trách theo dõi bảng trạng thái vận hành của hệ thống 6 bệ phóng đã nạp tên lửa. Sĩ quan chỉ huy phân đội ngồi trước màn hiện sóng radar cảnh giới P-12 theo dõi các tốp mục tiêu và tay giữ tổ hợp điện thoại để nhận lệnh phân công và tiêu diệt tốp mục tiêu được giao từ Sở chỉ huy Trung đoàn. Bên cạnh người sĩ quan chỉ huy phân đội có dựng một tấm bảng tiêu đồ trong suốt được kẻ ô tọa độ thể hiện khu vực phụ trách hỏa lực của phân đội và do một lính tiêu đồ đứng sau bảng đánh dấu đường bay tốp mục tiêu đối phương theo tình báo nhận qua cáp nghe nối với sở chỉ huy cấp trên. Khi phân đội được giao tốp mục tiêu phân công, chỉ huy phân đội xác nhận tốp mục tiêu đó bằng chiếc radar cảnh giới P-12 trong khi tiêu đồ viên đánh dấu đường bay của tốp đó trên bảng tiêu đồ. Thao tác vừa nêu có tác dụng giúp chỉ huy phân đội nắm được tọa độ và hướng bay của tốp mục tiêu được phân công trên bảng tiêu đồ, qua đó xác định thời điểm mở radar điều khiển ngay cả khi không phát hiện được tín hiệu tốp mục tiêu trên nền nhiễu màn hiện sóng chiếc radar cảnh giới của đơn vị.

Kíp trắc thủ trong xe điều khiển tên lửa SAM-2 (ảnh sưu tầm)


Cách vài bước chân ngay phía tay phải vị trí sĩ quan chỉ huy phân đội là vị trí của sĩ quan điều khiển tên lửa với màn hiện sóng dùng bắt bám mục tiêu của radar điều khiển tên lửa Fan Song đặt phía trước. Hướng trước mặt sĩ quan điều khiển là vị trí của 3 trắc thủ đảm nhiệm các tham số mục tiêu cho tên lửa như góc tà, phương vị và cự li, với mỗi vị trí trắc thủ đều có màn hiện sóng riêng cho tham số tương ứng và bánh quay điều chỉnh chế độ bám mục tiêu theo tham số liên quan của radar điều khiển được bố trí phía dưới.

Khí tài điều khiển tên lửa SAM-2 Fan Song (ảnh sưu tầm)


Xe điều khiển được đóng kín mít để ngăn ánh sáng bên ngoài giúp kíp trắc thủ tập trung theo dõi màn hiện sóng. Âm thanh duy nhất nghe được trong xe ngoài tiếng xác nhận lệnh của kíp trắc thủ chỉ còn tiếng vù vù của các quạt làm mát đám đèn điện tử lắp trong các khí tài điều khiển tương đối thô sơ của hệ thống SAM-2. Một sĩ quan chỉ huy phân đội khi được hỏi về mức độ tiếng ồn trong xe đã cho biết: “Hệ thống quạt làm mát khi chạy khá ồn, nhưng cũng chẳng thành vấn đề với chúng tôi vì mãi rồi cũng quen. Còn âm giọng của mỗi chỉ huy phân đội lại có sắc thái riêng tùy theo tính cách và tác động tới âm giọng của kíp trắc thủ thuộc quyền trong xe ngay từ khi còn huấn luyện”.

Đợt B-52 đầu tiên tiến đánh Bắc Việt đêm đó gồm 21 chiếc tới từ căn cứ U-Tapao Thái Lan và 28 chiếc tiếp theo tới từ căn cứ Andersen hợp thành đội hình 49 chiếc máy bay ném bom bay cùng độ cao và đường bay theo hướng tây bắc – đông nam tới Hà Nội.


(còn tiếp)
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #241 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 12:28:51 pm »

Chiến dịch ném bom Giáng Sinh
Tác giả: Marshall Michel – Tạp chí Hàng không và Vũ trụ số 1/1/2001
http://www.airspacemag.com/military-aviation/christmas-bombing.html

Phần 1: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg185098#msg185098
Phần 2: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg186804#msg186804
Phần 3: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=603.msg187151#msg187151

Phần tiếp: http://www.airspacemag.com/military-aviation/christmas-bombing.html?c=y&page=4

Sơ đồ đường bay của B-52 trong Chiến dịch Linebacker II (ảnh sưu tầm từ redsaigon@honda67vn.com)


Biên đội B-52 xuất kích (ảnh sưu tầm từ fas.org)



Bob Certain nhớ lại trong cuốn hồi kí của mình: “khi vòng rẽ sang hướng đông rời khỏi Lào tiến vào không phận Bắc Việt thực hiện việc trút bom, tất cả chúng tôi đều cố gắng tập trung để hoàn thành phi vụ này một cách chính xác và tốt nhất so với các phi vụ ném bom đã tiến hành trước đây. Chúng tôi sẽ mất khoảng 20 phút nằm trong tầm hỏa lực hiệu quả của tên lửa phòng không đối phương, nhưng không được vì mối đe dọa này mà sao nhãng nhiệm vụ. Nhân viên hoa tiêu vô tuyến và tôi đã tắt các máy liên lạc truyền tin với bên ngoài để chỉ chuyên tâm vào bảng chỉ dẫn và phối hợp thao tác với tổ bay. Chúng tôi nhận được chỉ thị không được phép cơ động đường bay tính từ điểm bắt đầu cải bằng tính toán đường bom tới điểm trút bom. Những chỉ thị kiểu này càng lúc càng trở nên nguy hiểm cho chúng tôi khi hàng loạt tiếng thét báo SAM vang lên từ các tốp B-52 xuất kích từ U-Tapao khi họ tiến vào vùng mục tiêu trút bom 30 phút trước đội hình chúng tôi".

Buồng công tác của hoa tiêu vô tuyến trên máy bay B-52 (ảnh sưu tầm từ fas.org)


Tiểu đoàn 57 Trung đoàn tên lửa 261 có trận địa ngay bờ bắc sông Hồng là phân đội tên lửa đầu tiên chặn đánh đội hình tập kích. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt là một chỉ huy lão luyện từng lăn lộn chiến đấu chống các trận không kích của Mĩ trong suốt 5 năm nhưng cũng chưa bao giờ gặp trường hợp nhiễu nặng như trận này. Ông nhớ lại: “tất cả các tín hiệu mục tiêu đều biến mất trong đám nhiễu trắng lóa khắp màn hiện sóng. Màn hiện sóng trước mặt sĩ quan điều khiển và các trắc thủ hiện lên các vạch xanh đậm đan chéo chằng chịt với nhau và biến đổi không ngừng, các dải nhiễu nhằng nhịt nối tiếp nhau xuất hiện, tụ vào rồi lại tan ra trước khi xuất hiện hàng trăm, hàng nghìn đốm sáng trùm lên màn hiện sóng giống cả đám tín hiệu mục tiêu đang di chuyển hỗn loạn. Với cả mớ tín hiệu hỗn loạn đi kèm với màn hiện sóng radar chập chờn trôi xuống liên tục giống như trận mưa trút nước như vậy thì làm sao chúng tôi có thể phân biệt giữa dải nhiễu của B-52 với dải nhiễu của máy bay tiêm kích chiến thuật, hay giữa nhiễu chủ động phát đi từ những chiếc EB-66 với nhiễu thụ động từ các sợi kim loại gây nhiễu do đám F-4 thả ra ngang trời?” 

Chẳng mấy chốc mặt đất và các ngôi nhà ở Hà Nội, cùng các xe điều khiển tại các trận địa tên lửa bắt đầu rung chuyển nhè nhẹ khi vệt bom đầu tiên trút xuống các sân bay có Mig tại Hòa Lạc và Phúc Yên. Bộ tư lệnh Quân chủng phòng không dồn dập điện hỏi ban chỉ huy Trung đoàn 261: “Các anh đã phát hiện ra B-52 chưa? Đã có đơn vị nào bắn chưa? Tại sao vẫn chưa bắn?”

Trên các xe điều khiển, các kíp trắc thủ điều khiển tên lửa Bắc Việt đang cố gắng bám theo dải nhiễu B-52 nhờ đài radar cảnh giới P-12 thay vì bật radar điều khiển Fan Song để tránh làm lộ vị trí đài phát trước đám máy bay tiêm kích chế áp phòng không Wild Weasel mang tên lửa chống radar. Nhưng việc bám mục tiêu thụ động cũng không mấy hiệu quả do bị nhiễu quá nặng.

(còn tiếp)
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #242 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 04:16:51 pm »

Nhặt sạn cho đồng chí huyphongssi:

Bài 1

Trích dẫn
Nhập nhoạng tối ngày 18/12, trong tiết trời giá buốt và mưa phùn gió bấc bao trùm nơi đặt xe radar cảnh giới tiền tiêu của Đại đội 45, Trung đoàn radar 291, Quân chủng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, tại rìa một ngôi làng nhỏ phía tây tỉnh Nghệ An, sĩ quan trực chỉ huy là đại đội trưởng Đinh Văn Thân cùng kíp trắc thủ đang căng mắt dõi theo chuỗi tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng chiếc radar cảnh giới P-12 khi chúng nhích dần lên hướng bắc vượt qua đoạn sông Mê kông phân giới giữa Lào và Thái Lan.

Nhân vật bôi đỏ có tên là Đinh Hữu Thuần - đại trưởng Đại đội ra-đa 45 chứ không phải Đinh Văn Thân. Theo chính sử Quân chủng PK thì người báo cáo phát hiện tín hiệu B-52 là cấp dưới của Đinh Hữu Thuần - đài trưởng đài P-35 Nghiêm Đình Tích. Tác giả hoặc nhầm đài P-35 với đài P-12, hoặc đài P-12 được mở tăng cường sau khi có lệnh chuyển cấp.

Bài 2 

Trích dẫn
Trên bảng tiêu đồ tại Sở chỉ huy, một trong số ba nữ tiêu đồ viên có tên Đặng Thị Vân tỏ ra lo lắng khi thấy tín hiệu báo những chiếc B-52 bay tới. Cô nhớ lại: “Thoạt tiên là một tốp, rồi tiếp tới 2 tốp, sau đó là hàng loạt tốp xuất hiện như một bầy ruồi. Nhưng tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của một người lính đã giúp tôi lấy lại bình tĩnh và tiếp tục đánh dấu đường bay”. Sở chỉ huy Sư đoàn 361 theo dõi hướng tấn công của các tốp mục tiêu trước khi phân công số tốp và nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu cho các phân đội hỏa lực.

Nữ chiến sĩ báo vụ - tiêu đồ mạng B1 này có tên Nguyễn Thị Vân chứ không phải Đặng Thị Vân.

Trích dẫn
Các kíp trắc thủ điều khiển tên lửa đã được báo động chuyển cấp khi những chiếc B-52 đang trên đường bay hướng tới mục tiêu. Trên trận địa tên lửa, tiếng các xe máy phát diesel nổ ồn ã cung cấp nguồn điện cho xe radar và xe điều khiển. Trong chiếc xe điều khiển không có điều hòa nhiệt độ giữ vai trò trung tâm của phân đội tên lửa SAM-2 là kíp chiến đấu gồm vị sĩ quan chỉ huy phân đội, một sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ xe điều khiển, một tiêu đồ viên và một lính kĩ thuật phụ trách theo dõi bảng trạng thái vận hành của hệ thống 6 bệ phóng đã nạp tên lửa. Sĩ quan chỉ huy phân đội ngồi trước màn hiện sóng radar cảnh giới P-12 theo dõi các tốp mục tiêu và tay giữ tổ hợp điện thoại để nhận lệnh phân công và tiêu diệt tốp mục tiêu được giao từ Sở chỉ huy Trung đoàn. Bên cạnh người sĩ quan chỉ huy phân đội có dựng một tấm bảng tiêu đồ trong suốt được kẻ ô tọa độ thể hiện khu vực phụ trách hỏa lực của phân đội và do một lính tiêu đồ đứng sau bảng đánh dấu đường bay tốp mục tiêu đối phương theo tình báo nhận qua cáp nghe nối với sở chỉ huy cấp trên. Khi phân đội được giao tốp mục tiêu phân công, chỉ huy phân đội xác nhận tốp mục tiêu đó bằng chiếc radar cảnh giới P-12 trong khi tiêu đồ viên đánh dấu đường bay của tốp đó trên bảng tiêu đồ. Thao tác vừa nêu có tác dụng giúp chỉ huy phân đội nắm được tọa độ và hướng bay của tốp mục tiêu được phân công trên bảng tiêu đồ, qua đó xác định thời điểm mở radar điều khiển ngay cả khi không phát hiện được tín hiệu tốp mục tiêu trên nền nhiễu màn hiện sóng chiếc radar cảnh giới của đơn vị.


Chiến sĩ tiêu đồ này cũng thu tình báo mạng B1 nhưng đứng phía trước bảng tiêu đồ đặt bên trái màn hiện sóng đài P-12.
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #243 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 04:27:24 pm »

Thế đài radar điều khiển tên lửa Fansong (tên NATO?), nó có tên ký hiệu của LX/Nga là P-xx? Bác Oldbuff giúp cho luôn đê Wink
Logged
huyphongssi
Thành viên
*
Bài viết: 1515



« Trả lời #244 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2010, 05:44:17 pm »

Nhặt sạn cho đồng chí huyphongssi:

Dạ, cảm ơn thủ trưởng! Em dịch theo nguyên bản và chỉ bỏ thêm dấu vào họ tên nhân vật. Có lẽ tác giả nhầm lẫn họ tên.

Mỗi trạm radar cảnh giới đều có nhiều loại radar như P-10 Knife Rest, P-12 Spoon Rest và P-35 Bar Lock. Em nghĩ P-35 vừa là loại cảnh giới, vừa bắt thấp lại có thể dẫn đường cho không quân nên phải đặt trên đồi cao. Có thể do đơn vị vào cấp 1 nên đại đội trưởng Thuần trực tiếp chỉ huy tại đài radar P-35 của bác Tích. Đoạn em dịch chỉ thấy viết bác Thuần trực chỉ huy bên màn hiện sóng của P-12. Cũng có thể 2 radar này bố trí gần nhau và đều lên máy vào thời điểm đó.

Anh Hungnt_E1F2: Fan Song là radar điều khiển tên lửa SAM-2 có kí hiệu LX/Nga là SNR-75 anh ạ.
Logged

Nhằm thẳng quân thù, Bắn!
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #245 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 12:33:04 pm »

Thế đài radar điều khiển tên lửa Fansong (tên NATO?), nó có tên ký hiệu của LX/Nga là P-xx? Bác Oldbuff giúp cho luôn đê Wink

VN dùng nhiều phiên bản đài điều khiển tên lửa Fan Song. Loại có chuồng cu PA-00 dùng hồi năm 72 như hình chiến sỹ huyphongssi đưa ở trên có tên RSNA-75M (được Mỹ/NATO gọi là Fan Song F) dùng cho các tổ hợp SA-75M Đờ-vi-na cải tiến (Dvina-A)

Trích dẫn
Đài điều khiển tên lửa RSNA-75M giống chiếc đang được trưng bày tại Bảo tàng PKKQ.
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #246 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 03:53:50 pm »

Dưới đây là xe thu phát (còn gọi là xe P/приемо-передающая кабина П) của tổ hợp tên lửa phòng không SA-75M Dvina-A gồm có khối ăng-ten thu phát và truyền lệnh, khối cao tần RPK, khối ngắm quang học PA-00:





Xe điều khiển (còn gọi là xe U/кабина управления У) của tổ hợp tên lửa phòng không S-75M2 Volga: nơi kíp chiến đấu làm việc và đặt các tủ khí tài điều khiển. Như bức hình dưới đây thì đồng chí thiếu tá tay cầm tổ hợp mắt ngó màn hiện sóng đài nhìn vòng là trực chỉ huy của tiểu đoàn, đồng chí ngồi quay lưng vào chỉ huy là sĩ quan điều khiển, 3 chiến sỹ đang ngồi nhìn màn hiện sóng cùng hướng với chỉ huy lần lượt là trắc thủ phương vị, trắc thủ cự ly và trắc thủ góc tà, kỹ thuật viên đứng góc trong cùng, chiến sỹ tiêu đồ - báo vụ đã được sơ tán để nhường chỗ cho phóng viên đứng chụp hình Grin

Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #247 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 04:00:34 pm »

Bác Buff ơi, mấy cái mảnh vải trăng trắng treo trên trần xe U là cái gì thế bác?

Bị Sơ rai đánh thì xe P sẽ lãnh đủ còn xe U thì không sao đúng không ạ?
Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #248 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2010, 04:25:58 pm »

Xin hỏi bác Buff:
1. Bảng điều khiển trước mặt SQĐK có nút bấm phóng đạn tên lửa? và có mấy nút bấm (1, 2, hay 3) dùng cho cả 3 bệ đạn?
2. Ca bin xe P, khi làm việc thì có bao nhiêu người trên đó, có phải là các đ/c ngồi trên xe P đó, gồm cả trắc thủ quan sát bằng mắt qua PA00 đều sẽ bị tiệt ....trùng?
Logged
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #249 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2010, 11:59:45 am »

Bác Buff ơi, mấy cái mảnh vải trăng trắng treo trên trần xe U là cái gì thế bác?

Bị Sơ rai đánh thì xe P sẽ lãnh đủ còn xe U thì không sao đúng không ạ?

Mấy tấm chao đèn trần ấy mà!

Tên lửa Shrike AGM-45 được thiết kế để diệt đài điều khiển và đánh dấu trận địa. Máy bay Mỹ sẽ bắn nhiều Shrike một lúc vào trận địa tên lửa có đài điều khiển đang phát sóng. Nếu sóng tốt, búp sóng đẹp thì nó sẽ chui theo búp sóng vào đúng đài diệt cả cụm ăng ten lẫn khối cao tần trong thùng xe đài - xe P. Nếu sóng đài điều khiển rớt hoặc đổi hướng hoặc quả trước đã diệt xong đài rồi thì quả shrike bắn tới sẽ rơi gần đài hoặc quanh trận địa. Trường hợp sau thì mấy xe điều khiển - xe U, xe nguồn, xe hiện sóng, xe tính toán, v.v, bệ đạn và pháo bảo vệ đặt quang xe thu phát hay trận địa sẽ lĩnh đủ.
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM