Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:14:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch 12 ngày đêm (Linebacker II), tháng 12/72  (Đọc 419761 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ChienV
Đại tá
*
Bài viết: 453


« Trả lời #70 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2007, 12:37:37 pm »

Cảm ơn bác Altus, em đóng gói thành 1 PDF và chuyển sang text cho dễ đọc bác nhé!

Với cả giờ Zulu là tính múi nào hả bác???
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2007, 01:42:39 pm »

Ních-xơn và Kít-xinh-giơ cố tình ném bom vào dịp Lễ Giáng sinh


Tháng 8-2007, nhà văn Mĩ Lây-di Bô-tơn mang sang Việt Nam một đĩa CD-ROM về cuốn nhật kí của Han-đê-man, trợ lí riêng và Chánh văn phòng của Tổng thống Mĩ Ních-xơn. Vì đĩa này được sản xuất năm 1994, thuốc thế hệ đầu tiên của đĩa CD-ROM truyền thông đa phương tiện, chạy chương trình Windows.3, nên suốt 4 tháng ròng, đã không thể tìm thấy một máy tính nào ở Việt Nam còn làm việc với chương trình này. “Việt Nam nay thật là hiện đại”, Lây-di Bô-tơn nhận xét.

Thứ sáu vừa rồi, hai bạn trẻ, một đến từ Ca-na-da, một bạn đến từ Ô-xtrây-li-a, độc lập, nhưng đồng thời mở được chiếc đĩa này.. Thư viện Quân đội của Việt Nam, có một bản của đĩa này do Lây-di tặng, sẽ phục vụ các bạn đọc muốn truy cập nhật kí của Han-đê-man.

Dưới đây, Lây-di Bô-tơn trích dẫn một số nội dung chưa công bố tại Việt Nam về nội tình Nhà Trắng trong tiến trình của trận “Điện Biên Phủ trên không”. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu cùng bạn đọc.


Cựu Tổng thống Hoa Kì Ních-xơn và cố vấn đặc biệt của ông, Kít-xinh-giơ gần đây đã xuất bản hồi kí nhằm phục vụ cho cách đánh giá riêng của họ về lịch sử. Trong khi đó, tại Hoa Kì cũng xuất bản cuốn nhật kí của Han-đê-man, ghi lại công việc hàng ngày của ông ta trên cương vị “tay hòm chìa khóa” cho ông chủ Nhà Trắng khi đó là Tổng thống Ních-xơn. Đây là một tư liệu phản ánh chuyện “thâm cung bí sử” của một đời tổng thống Mĩ. Đĩa CD là một hồ sơ chứa đựng 2000 trang nhật kí, các băng ghi âm, nhiều thước phim tư liệu, bức ảnh tư liệu. Tính xác thực và bất biến của tài liệu được đảm bảo, do Han-đê-man bị bắt khi đương nhiệm, do liên can đến vụ bê bối Oa-tơ-ghết, và toàn bộ sổ sách giấy tờ của ông này lúc đó bị niêm phong, và sung công vào Lưu trữ quốc gia Hoa Kì. Hiện nay, hồ sơ này đã được chuyển đến Thư viện Tổng thống Ních-xơn tại bang Ca-li-phoóc-ni-a bảo quản.

Dưới đây là một số điểm, thiết nghĩ là có ý nghĩa, liên quan đến diễn biến của trận “Điện Biên Phủ trên không” hay “Cuộc ném bom lễ Giáng sinh”, theo cách gọi của phương Tây. Về trình tự thời gian, xin lưu ý rằng giờ Hà Nội sớm hơn giờ Oa-sinh-tơn nửa ngày. Trong nguyên bản, “P” là chữ viết tắt chỉ Tổng thống Ních-xơn (President), còn “K” là Kít-xinh-giơ. Một số đoạn của nhật kí Han-đê-man nêu ở đây còn chịu tác động kiểm duyệt Hoa Kì, do đĩa CD-ROM này được sản xuất cách đây 13 năm. Tác giả bài viết này hiện đang tìm cách liên hệ với các cơ quan hữu quan Hoa Kì, với hi vọng rằng 35 năm đã qua, hẳn là các chi tiết đó đã được giải mật.

1. Bối cảnh lịch sử và việc chọn thời gian cho cuộc ném bom Lễ Giáng sinh.

Cuộc ném bom Hà Nội cuối tháng 12-1972 xảy ra khi Ních-xơn đã thắng áp đảo (61%) trong cuộc bầu cử đầu tháng 11-1972. Lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kì II sẽ được tiến hành vào tháng 1-1973. Nhưng vào tháng 12-1972, công tác điều tra vụ “đột vòm” trụ sở toàn quốc đảng Dân chủ tại tòa nhà Oa-tơ-ghết đã “chiếu tướng” đội hình nhân viên chủ chốt của Ních-xơn, cùng các cộng tác viên của họ. Vụ Oa-tơ-ghết sẽ mở lối dẫn tới việc từ nhiệm của Han-đê-man vào 30-4-1973 và vụ FBI bắt giam ông này, rồi đến việc Ních-xơn “thoái vị” ngày 9-8-1974.

Ngày 14-12-1972, Kít-xinh-giơ trở lại Oa-sinh-tơn sau 10 ngày hội đàm ở Pa-ri. Các cuộc hội đàm bị đình đốn, và ông Lê Đức Thọ bay về Hà Nội để hội ý. Để đáp lại sự “không khoan nhượng” của miền Bắc Việt Nam, chính quyền Ních-xơn xúc tiến phương án không kích ồ ạt. Ngày 18-12, Han-đê-man viết như sau về thời điểm không kích: “Tổng thống cũng nghĩ rằng chúng ta thuận lợi, vì bắt đầu ném bom đúng một tuần trước Lễ Giáng sinh”.

Ở đây cần có một chú giải. Kì nghỉ lễ Giáng sinh ở Hoa Kì được xem là tương đương với dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Một tuần trước Lễ Giáng sinh, (tương tự với tuần lễ trước Giao thừa âm lịch ở Việt Nam) mọi người nô nức trẩy hội. Vào dịp này, Quốc hội Mĩ dừng các kì họp. Các nghị sĩ của lưỡng viện phân tán về các địa phương quê nhà họ. Vì thế, các dân biểu thuộc đảng Dân chủ đối lập không thể tổ chức hoạt động phản đối. Các nhà trường và học viện cũng nghỉ học. Sinh viên, học sinh đều đi nghỉ lễ, không thể tập hợp được (để biểu tình). Ních-xơn, Kít-xinh-giơ và Han-đê-man biết rằng ở thời điểm này, dân Mĩ ai cũng lo việc gia đình, hoàn toàn có thể ném bom mà không gặp phản đối kịch liệt của dư luận trong nước.

Thời điểm bắt đầu ném bom được Han-đê-man bình luận như sau trong trang nhật kí đề ngày 15-12: “Dự kiến kế hoạch là tổ chức một cuộc họp báo hôm nay, rồi bắt đầu hành động quân sự vào ngày mai, và không kích ồ ạt vào chủ nhật … Nó sẽ dân tới bối cảnh hay ho là, chúng ta ném bom đúng lúc Lê Đức Thọ ở Bắc Kinh sẽ gây tác dụng ghê gớm hơn … Tổng thống cho rằng lẽ ra nên ném bom ngày thứ hai, trừ phi Kít-xinh-giơ nhất quyết phải làm việc này vào chủ nhật. Tổng thống không ưa chuyện ông vừa dự lễ nhà thờ ngày chủ nhật, vừa ném bom”.

Ngày 18-12, Han-đê-man viết: “Tổng thống muốn hai hay ba chiếc B52 hôm nay. Ngài hỏi Kít-xinh-giơ liệu không quân Hoa Kì có muốn lùi bước. Kít-xinh-giơ nói rằng không đâu, rằng chúng ta đang làm đúng. Rồi Tổng thống nói rằng, mọi sự sẽ kết thúc hay ho; rằng ta đã có thể lui chuyện này lại vài tuần nhưng ra tay bây giờ mới là thượng sách. Kít-xinh-giơ cho rằng đường hướng tốt nhất của Tổng thống là cư xử bất trắc một cách cục súc (brutal unpredictability). [Một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt]

2. Phản ứng của Ních-xơn với tổn thật của B52

Cuốn nhật kí cho thấy cả Tổng thống và Han-đê-man thường làm việc liền tù tì, kể cả thứ bảy lẫn chủ nhật. Tuy nhiên, không may cho các nhà sử học, là Han-đê-man lại đi phép vào nửa sau của kì nghỉ Giáng sinh. Vì thế, đã không có các trang nhật kí đề các ngày từ 23-12-1972 đến 1-1-1973.

Tuy nhiên, nhật kí Han-đê-man ngày 19-12 đã cho thấy một thoáng của những đợt không kích đầu tiên: “Trận ném bom mở đầu của ngày hôm nay đã xảy ra mà không có thiệt hại nào (của B52) cả khi vào, lẫn khi ra. Vậy là tốt hơn của ngày hôm qua. (Theo các nguồn tin, tổn thất của đêm 19-12 là hai b52. Đêm 18-12, Mĩ mất ba chiếc B52, trong đó hai chiếc rơi tại chỗ, một chiếc rơi ở biên giới Thái-Lào).

Trang nhật kí ngày 20-12 cho thấy bức tranh đầy đủ hơn: “Chúng ta mất thêm ba chiếc B52 nữa hôm nay. [Một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt]. Tổng thống rõ ràng là đang lo lắng về hậu quả với B52. Giới quân sự đã tiên liệu rằng, cứ 100 lấn chiếc máy bay đi đánh phá, (không lực Hoa Kì) sẽ chịu tổn thất là 3 chiếc. Tuy nhiên, Tổng thống nói tiếp, chúng ta chớ có ngã tay chèo (knock it off) và được Kít-xinh-giơ tán đồng.[Một đoạn không rõ dài hay ngắn bị kiểm duyệt]. Rồi tổng thống lại quay lại vấn đề tổn thất về B52. Tổng thống bảo rằng ta không thể chùn bước, nhưng liệu chúng ta có chịu nổi tổn thất 3 chiếc (B52) mối đợt? Nếu xẩy ra như vậy thì quả là khó chịu đựng được”.

3. Vai trò của Nguyễn Văn Thiệu.

Thiệu liên tục từ chối kí Hiệp định, trừ phi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút hết quân khỏi miền Nam. Sự ngoan cố của Thiệu làm Tổng thống và Kít-xinh-giơ ngán ngẩm. Ngày 2-12, Han-đê-man hỏi: “ … Liệu chúng ta có phải tiếp tục các hoạt động quân sự cho tới khi tất cả bộ đội Bắc Việt Nam rời khỏi miền Nam Việt Nam?”. Ngày hôm sau, Han-đê-man bình luận: “Quan điểm của Tổng thống là, vì Thiệu không tin tưởng Kít-xinh-giơ, chúng ta cần phải cử người khác sang (Sài Gòn) để mặc cả với Thiệu”. Người liên lach chủ chốt với Thiệu được chọn là Alếch-xan-đơ Hai-gơ, người giúp việc cho Kít-xinh-giơ và phó trợ lí về an ninh quốc gia cho Tổng thống.

Hôm 7-12, khi Kít-xinh-giơ còn ở Pa-ri, Han-đê-man nói: “Hà Nội muốn thống nhất toàn Việt Nam dưới sự kiểm soát của họ. Còn Thiệu muốn tất cả (bộ đội) Bắc Việt phải rời khỏi Việt Nam … Chúng ta không thể để cho kẻ thù của mình lấn lướt, càng không thể cho phép đồng minh của mình được phủ quyết. Chúng ta không thể dung thứ sự chống đối của Nam Việt Nam … Không thể có chuyện chúng ta phải làm theo ý Thiệu, bởi vì điều đó sẽ làm chúng ta mất sự ủng hộ của Quốc hội, hoặc của nước Mĩ, để rồi cả chúng ta lẫn Việt Nam Cộng hòa đều bị đánh bại … Ngoài ra,  nếu chúng ta chọn một phương cách khác, cộng đồng quốc tế sẽ bảo rằng chúng ta đặt Thiệu lên trên vấn đề tù binh Mĩ. Có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục biện hộ rằng chúng ta ném bom nhằm cứu tù binh Mĩ. Trái lại, sẽ lộ ra là chúng ta ném bom để cứu (chế độ) Thiệu”.

Báo QĐND số 16769, ngày 27-12-2007
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Mười Hai, 2007, 08:56:19 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #72 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2007, 08:18:11 pm »

.pdf bản gốc ở đây:

http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/039/0390127001a.pdf
http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/039/0390127001b.pdf
http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/039/0390127001c.pdf

Zulu Time là giờ GMT.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2007, 08:56:02 pm »

VTV1 đang có chương trình trực tiếp kỉ niệm 35 năm 12 ngày đêm. Vừa rồi phỏng vấn trung tướng, AH LLVT Nguyễn Văn Phiệt thì d57 của bác trong 12 ngày đêm bắn tổng cộng 23 đạn.
d57 là 1 trong những tiểu đoàn đánh B52 thành công nhất, hạ 4 chiếc, với 2 rơi tại chỗ.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 01:42:04 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
leopard
Thành viên
*
Bài viết: 34


« Trả lời #74 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 10:21:21 am »

Tớ muốn đưa thêm 1 giả thiết về số lượng B52 bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch Linebacker II. Ta xem số liệu sau:
Về số liệu của ta là 16 chiếc. Theo tài liệu của Chiangshan:
Vị trí của 16 chiếc tại chỗ, lấy từ sách của ông Lân :

1. Phù Lỗ, 2012, 18/12

2. Thanh Oai, 0400, 19/12

3. Đông Anh, 2007, 20/12
4. Ba Vì, 2034, 20/12

5. Phúc Yên, 0509, 21/12
6. Núi Đôi, 0511, 21/12
7. Chí Linh, 0514, 21/12

8. Chợ Bến, 0341, 23/12
9. Thanh Miện, 0342, 23/12
10. Quỳnh Côi, 0346, 23/12

11. Định Công, 2229, 26/12
12. Tương Mai, 2230, 26/12
13. Đèo Khế, 2233, 26/12
14. Sơn La, 2247, 26/12

15. Quế Võ, 2300, 27/12

16. Đường Hoàng Hoa Thám (HN), 2303, 27/12


Số liệu phía bên kia là 10 chiếc. Theo số liệu phía bên kia mà baoleo trích dịch:

1/ Than củi 1       B52G      12-18-72    Andersen     No. 58-0201

2/ Hoa hồng 1     B52D      12-19-72    U-Tapao       No. 56-0608

3/ Da cam 3         B52D      12-20-72    U-Tapao       No. 56-0622
4/ Chăn chiên 3     B52G      12-20-72    Andersen    No. 57-6496
 
5/ Ô liu 1                  B52G   12-21-72    Andersen      No. 58-0198
6/ Mầu vàng nhạt 3   B52G    12-21-72    Andersen  No. 58-0169

7/ Mầu xanh 1         B52D      12-22-72    U-Tapao   No. 55-0050
8/ Mầu đỏ tươi 3/1   B52D    12-22-72    U-Tapao     No.55-0061

9/ Gỗ mun 2         B52D      12-26-72    U-Tapao       No. 56-0674

10/ Mầu xanh thẫm 2/1  B52D   12-28-72    Andersen No. 56-0605     


Gỉa thiết của tớ lấy ví dụ về ngày 26/12. Số liệu của ta là rơi tại chỗ 4 chiếc. Trong đó ở Hà Nội rơi 2 chiếc.
Phía bên kia là 1 chiếc.
Xem bảng số liệu của ta, thấy nói rơi ở Định Công 1 và Tương Mai 1. Nhưng nếu nhìn vào bản đồ và xem thời gian rơi, rất có thể đấy chỉ là 1 chiếc. Có thể là đầu thì rơi ở Tương Mai, đuôi thì rơi ở Định Công . Như vậy rơi ở Hà nội ngày 26/12/1972 chỉ có 1 chiếc mà thôi.
Gỉa thiết này dựa trên căn bệnh thành tích của chúng ta.
Nhà mình nuôi có 1 con gà, nhưng ông đi họp tổ CCB báo cáo là tôi nuôi 1 con. Bà đi họp phụ lão cũng hô nuôi 1. Con đi họp ở trường cũng hô cháu nuôi 1. Hai vợ chồng đi báo cáo ở hai cơ quan cũng được hô là nuôi 1 ở mỗi nơi.
Tổng kết các báo cáo của mọi cơ quan đoàn thể, nhà mình nuôi 5 con gà.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Hai, 2007, 11:06:03 pm gửi bởi Tunguska » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2007, 01:06:39 pm »

Ních-xơn và Kít-xinh-giơ cố tình ném bom vào dịp Lễ Giáng sinh.

Sự không bằng lòng của chính quyền Mĩ với Thiệu thêểhiện ở trang nhật kí đề ngày 20-12: “Sau đó, Kít-xinh-giơ tới, vui vẻ báo Hai-gơ đã nhập cuộc rồi, có điều ông ta bị Thiệu “nện gãy răng” bằng cách bắt chờ tới năm tiếng đồng hồ, rằng Thiệu vẫn đòi quân miền Bắc phải rút hết. Vậy là, chúng ta sẽ ra mắt vào hôm 3-1 với một cuộc chơi riêng rẽ, nếu chúng ta giành được quyền chơi … Thiệu đã phải thôi không làm ngơ các bức thư của Tổng thống, và chỉ phát biểu theo nguyện vọng cá nhân về những chủ đề như (miền Bắc cần) rút hết quân. Tổng thống nói rằng, về thực chất, những điều Thiệu đã nói có nghĩa là chúng ta sẽ phải vào cuộc một cách riêng rẽ. Vậy là chúng ta phải tính sao để có thể rời khỏi Việt Nam mà lại không làm chìm con thuyền Nam Việt Nam”.

“Vấn đề chủ yếu là, liệu Hà Nội có đồng ý dàn xếp tay đôi mà không bắt chúng ta phải cắt viện trợ cho Nam Việt Nam. Họ thậm chí có thể đặt cược rằng, Quốc hội Mĩ sẽ quẳng cái gánh viện trợ (cho chính quyền Sài Gòn) đi. Nếu chúng ta cũng chấp nhận dàn xếp tay đôi (với Hà Nội), hẳn là sẽ không có chuyện ngừng bắn đâu. Nhưng ta cần nhìn nhận rằng, vị thế của Sài Gòn hôm nay đã có thể xem là vững chãi. Kít-xinh-giơ, trong khi ngồi họp, cứ nguyền rủa Thiệu mãi, bảo rằng Thiệu là “đồ chó đẻ” (SOB – son of a bitch). Kít-xinh-giơ bảo rằng, Thiệu làm thế chẳng qua chỉ vì muốn gây một tiếng vang, để rồi sửa soạn cho kết cục phải “đi ở riêng” (cave at the end); còn chúng ta thì phải cố hoàn tất chuyện này cho ổn thỏa. Tổng thống nói, phải làm sao để ta không phải kí một hiệp định bất lợi, rằng ta nên dàn xếp tay đôi. Tôi phát biểu, phản đối dàn xếp tay đôi … Nếu Bắc Việt chịu đàm phán ngay, thì chúng ta sẽ được đà. Nếu Hà Nội chấp nhận đàm phán vào 1-3-1973, chúng ta phải gặp họ, dàn xếp, rồi ấn (giải pháp đó) cho Thiệu. Có thể nói, Tổng thống bây giờ đã chuyển sang lập trường của tôi. Chúng ta nay phải cư xử sao cho Thiệu hoàn toàn trật tự, không được ho he. Tổng thống sau đó khái quát lại mọi sự, cho rằng tình hình hiện nay không sáng sủa, nhưng lại vẫn có thể phát sinh”.

Vậy là chính quyền Ních-xơn cố thuyết phục Thiệu thông qua thư tín, sứ giả, và qua tiếp xúc hậu trường nhờ vào “mệnh phụ rồng” (bà vợ góa của tướng Clai-rê Chen-nau, người đã gặp Hồ Chí Minh ở Côn Minh tháng 3 năm 1945). Ních-xơn và các trợ thủ bàn soạn một kế hoạch tổng lực nhằm “chơi khăm” (bluff) Thiệu, thông qua một tuyên bố của Phủ Tổng thống Hoa Kì trên truyền hình. Những hoạt động như thế sẽ được tiếp tục đến tận ngày kí Hiệp định Pa-ri, vào tháng 1-1973. Han-đê-man và các trợ lí khác phải lập các kế hoạch đối phó với các phát sinh, dự phòng trường hợp Thiệu từ chối kí kết Hiệp định. Chẳng hạn, chuẩn bị sẵn hai bộ hồ sơ cho họp báo và ra thông cáo báo chí trong cả hai trường hợp: một với chữ kí của chính quyền Thiệu, một dành cho trường hợp Thiệu không tới kí.

Tới ngày thứ bảy, 13-1-1973 (sau trận “Điện Biên Phủ trên không”), thân phận Thiệu đã được Tổng thống Mĩ định đoạt. Theo nhật kí Han-đê-man, “Thiệu buộc phải phục tùng. Vì nếu không, Tổng thống sẽ chủ động đặt vấn đề với Quốc hội Mĩ để “cúp” viện trợ, trước khi Nghị viện Mĩ kịp xuống tay với ngài. Tốt hơn hết là Tổng thống xòe bài trước, một khi kết cục như thế là (phủ quyết viện trợ) không thể tránh nổi”.

Và, như chúng ta đều biết, Hiệp định Pa-ri được kí bởi cả bốn bên tham gia hội đàm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kì.

4. Suy xét của Ních-xơn và Kít-xinh-giơ về miền Bắc Việt Nam.

Tổng thống Mĩ, Kít-xinh-giơ và Han-đê-man đã không ngại sử dụng những từ ngữ cục cằn nhất khi nói về miền Bắc. Một vấn đề then chốt là làm sao đổ được trách nhiệm. Trang nhật kí đề ngày 5-12 thổ lộ: “Câu hỏi đặt ra là đỏ lõi cho ai đây về việc đàm phán đổ bể? Kít-xinh-giơ muốn Tổng thống sẽ cáo buộc miền Bắc đã gây chuyện này, rồi nhờ đó mà lấy thế. Tổng thống e rằng chuyện này sẽ đẩy ngài (Tổng thống) dấn vào chuyện thất cơ, vì thế không muốn dính vào … Nói chung, Kít-xinh-giơ, chứ không phải Tổng thống, sẽ phải ôm rơm, nhưng phải tươi tỉnh lên khi làm phận sự này”.

Ngày 6-12, Han-đê-man viết tiếp: “Tổng thống đang nhăm nhe làm một loạt tác động tâm lí lên Kít-xinh-giơ … (Tổng thống nghĩ) rằng, Kít-xinh-giơ đang ngầm tính chước chuồn, không muốn chiến đấu, nhưng lại phủ định chuyện này, thác rằng mình (Kít-xinh-giơ) đang cố lấy sức để đấu tranh. Trên thực tế thì y đang tìm cách thoái thác những việc nan giải, và đang không biết đâu là con đường đúng. Tổng thống chắc mẩm rằng, nếu Kít-xinh-giơ quay về nhà mà không đạt được Hiệp định thì y sẽ từ nhiệm. Nếu Kít-xinh-giơ về, mình (Han-đê-man) sẽ phải lên dây cót, để Kít-xinh-giơ vẫn vững tay chèo, vẫn nhìn xa trông rộng, và không được ỉu xìu; rằng chúng ta không được để cho Kít-xinh-giơ nuốt lời mà y đã từng tỏ ra kiên định, và Tổng thống ép Kít-xinh-giơ phải làm ăn cho ra hồn”

Ngày hôm sau, Hai-đê-man viết thêm: “(Vì) chúng ta phải dấn tới trong đàm phán, chúng ta không thể khựng lại, và tái diễn việc ném bom”.

Về đến Hoa Kì, Kít-xinh-giơ tới gặp Tổng thống và Han-đê-man hôm 14-12. Han-đê-man mô tả thời kì ở Pa-ri vừa qua của Kít-xinh-giơ là “ngập đầu trong những xấc xược, thủ đoạn và quay như chong chóng của Bắc Việt”. Theo lời Han-đê-man, Kít-xinh-giơ đã nắm tay lại, rủa: “Quả là cứt đái. So với người Bắc Việt, người Nga thật hảo tâm làm sao (trong mắt của Oa-sinh-tơn).  Họ sánh được với người Trung Hoa. Một khi đi đến hội đàm, người Trung Hoa tỏ ra thật đáng tin cậy (responsible) và lành như đất (decent)!”. Ngày hôm sau, Han-đê-man ghi nhận: “Kít-xinh-giơ bảo rằng, y đã lấy lại được phong độ ngon hơn so với mấy tuần trước, bởi vì nay ta lại nắm vững tình hình, chứ không còn ở thế của con thỏ bị kẹt giữa hai con rắn đang phun phè phè”.

Hôm 19-12, giờ Oa-sinh-tơn, cuộc ném bom bắt đầu. Trong khi Nhà Trắng đếm con số B52 bị hạ, Tổng thống và Han-đê-man bàn cách phát biểu trước công chúng. Họ lại có dịp đổ lỗi cho miền Bắc: “(Tổng thống và tôi) thảo luận vấn đề về việc nên nói về vấn đề Việt Nam ra sao (trên phương tiện thông tin đại chúng), đặc biệt là về các dư luận như “Tổng thống đi ngược lại điều Kít-xinh-giơ đã hứa”, và “Tổng thống và Kít-xinh-giơ khỏi hòa đàm”. Bàn về cách kàm thế nào để đáp lại những chất vấn về việc chúng tôi (chính quyền Ních-xơn) đã reo rắc những hi vọng hão huyền (về hòa bình). Đã nhất trí được rằng chỉ cần phản công lại bằng cách gán ngay cho miền Bắc đã gieo những ảo vọng”.

Ngày 20-12, chính quyền Ních-xơn thay đổi cách cư xử với miền Bắc: “Tổng thống lại quay lại với thiệt hại về B52, và tỏ ra thực sự phiền muộn, cứ hỏi xem liệu còn cách gì xoay xở. Kít-xinh-giơ bảo chả còn gì. Rằng đây là cuộc không kích qui mô lớn cuối cùng. Rằng chúng ta phải tìm cách giảm tổn thất. Kít-xinh-giơ lại tiếp tục rủa bọn Thiệu là “chó đẻ” (SOB), là lũ tâm thần bệnh hoạn (maniac). Cả hai đều nhất trí rằng, chúng ta không được để lộ là Hai-gơ đã bị Thiệu cự tuyệt. Chúng ta cần tiếp tục ném bom miền Bắc, nhưng ở qui mô kém ồ ạt hơn. Chúng ta cần giảm bớt đòn không kích vào Hà Nội, nhờ đó mà tránh những tổn thất quá lớn (excessive losses)”.

5. Quan hệ giữa Tổng thống và Kít-xinh-giơ.

Nhật kí Han-đê-man tiết lộ quan hệ giữa Ních-xơn và Kít-xinh-giơ. Bởi lẽ Han-đê-man hoàn toàn trung thành với Tổng thống, ông ta rõ ràng phải “bênh” Tổng thống hơn. Han-đê-man mô tả Kít-xinh-giơ là không tin cậy (insecurity), quá nhấn mạnh cái tôi, mắc chứng “ám thị tự sát” (suicidal complex), hay để rò rỉ (tin mật) cho giới báo chí, có nhu cầu đặt mình vào trung tâm của mọi sự.

Nhật kí Han-đê-man thường xuyên nhắc đến “vấn đề Kít-xinh-giơ”. Vào ngày 13-12, một ngày trước khi Kít-xinh-giơ bay sang Pa-ri, Han-đê-man viết: “Tổng thống sau đó nhận xét rằng, Kít-xinh-giơ đã bộc lộ quá nhiều dấu hiệu bất phục tùng (insubordination)”. Tiếp đến hôm 20-12, ông ta viết tiếp: “Tổng thống đã quán triệt “vấn đề Kít-xinh-giơ”. Ngài e rằng Kít-xinh-giơ đang bắt cá hai tay … chỉ ra rằng, chúng ta không thể cho phép những suy xét của Kít-xinh-giơ ngự trị lên trên mọi công việc, rằng Kít-xinh-giơ không thể vừa gần gũi với Tổng thống, lại vừa xa rời ngài”.

Đoạn hay ho nhất của mối quan hệ Ních-xơn/Kít-xinh-giơ chính là sau khi Hiệp định Pa-ri được kí kết. Ních-xơn, Kít-xinh-giơ, Han-đê-man và các chức sắc khác của Nhà Trắng đã thiết kế một chiến dịch tiến công trên phương tiện thông tin đại chúng của Hoa Kì, cũng như trong khuôn khổ Quốc hội Mĩ, nhằm chống lại “những kẻ chống đối” và “bọn địch”. Chiến dịch nhằm vào đề cao sự “quả cảm” và “quyết đoán” của Tổng thống. Tuy vậy, chính Kít-xinh-giơ lại đoạt được sự “tỏa sáng”.

Han-đê-man đã không quan tâm gì đến việc Hiệp định được kí kết ngày 27-1-1973. Thay vào đó, ông ta nhận xét về cuộc họp báo của Kít-xinh-giơ: “Vậy là Tổng thống đã chỉ rõ: mắt xích bị khuyết chính là “tấm gương quả cảm”. Chúng ta đã xem kĩ các bài xã luận trên báo chí, nhưng chủ đề này đã không được phản ảnh. Cuộc họp báo (của Kít-xinh-giơ) đã không có tác dụng đột phá để làm nổi bật được chủ đề này. Trong cuộc này, Kít-xinh-giơ đã chỉ nhắc đến Tổng thống có ba bận - ngược lại, khi những chuyện tồi tệ đến, Kít-xinh-giơ kể tên ngài những 14 lần. Kít-xinh-giơ (sau đó) còn nói rằng chúng ta đã tiêu diệt được những kẻ phê phán, nhưng chúng ta không hề làm được điều đó”.

Cho đến nay họ không làm được điều đó. Và chắc là sẽ chẳng bao giờ làm được.

Báo QĐND số16770, ngày 28-12-2007
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2007, 10:53:50 pm »

Chưa thấy bác ChienV tiếp tục nên em mạn phép lấn sang đêm thứ ba một chút.

Đêm 20/12 rạng 21/12

Ta : sử dụng F361 [1], LS TLPK [2] và tham khảo thêm "Điện Biên Phủ trên không..." của Lưu Trọng Lân [3]

Chiếc số 1 : thuộc tốp 383, trong 6 chiếc vào đánh ga Yên Viên, Gia Lâm. Bị d93 bắn hạ lúc 2007 [1] hay 2010 [2], 20/12 bằng 2 đạn. Cháy rất to và gần như rơi thẳng xuống xã Yên Thường, gần ga Yên Viên.

Chiếc số 2 : thuộc tốp 621 từ hướng tây bắc xuống [2], được ghi nhận cho d94 bắn hạ trong khoảng 2029 đến 2038, 20/12.

Chiếc số 3 : thuộc tốp 618 [1], theo [2] thì lại là tốp 621. Bị d77 bắn hạ lúc 2034 [1], 20/12 bằng 2 đạn. Rơi xuống xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây [1], theo [2] thì lại là khu vực Hoà Bình.

Chiếc số 4 : thuộc tốp 318 nằm trong đợt 2 vào đánh Yên Viên rạng sáng 21. Bị d79 bắn hạ lúc 0500 [1] hay 0514 [2], 21/12 bằng 2 đạn. Rơi xuống Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương.

Chiếc số 5 : thuộc tốp 318. Bị d77 bắn hạ lúc 0509 [1] hay 0510 [2], 21/12 bằng 2 đạn. Rơi xuống thị xã Phúc Yên.

Chiếc số 6 : thuộc tốp 518. Bị d57 bắn lúc 0509 [2], 21/12 bằng 1 đạn. [1] chỉ nói là bắn cháy, theo [2] thì trắc thủ quang học báo cáo B52 bốc cháy rơi xuống hướng tây nam.

Chiếc số 7 : thuộc tốp 532 [1] [2]. Bị d57 bắn hạ lúc 0511 [1] hay 0519 [2] bằng 1 đạn cuối cùng. Rơi xuống chợ Thá, Núi Đôi, Vĩnh Phú.

Thời gian và địa điểm do [1] nêu cụ thể hơn và trùng với [3]. Vậy tạm chấp nhận mốc bắn rơi B52 theo [1].

Đạn tiêu thụ của HN : 35 theo [1], [3] và một số nơi khác, 36 theo [2]



Mỹ : sử dụng NAMPOW [4] và SAC [5]. Quyển Linebacker 2 thì em down mãi không được nên có gì các bác kiểm tra giúp.

Cả [4] và [5] đều không có mốc thời gian, thứ tự B52 bị bắn rơi cũng khác nhau. Xem qua thì có vẻ thứ tự trong NAMPOW khớp với ta hơn, nên tạm xếp theo NAMPOW.

4 rơi tại chỗ :

Chiếc số 1 : B52D No. 56-0622, mật danh Orange 3, từ Utapao. Rơi tại chỗ đêm 20/12 [4]. Bị bắn rơi xuống gần mục tiêu [5]. Tổ lái 2 bị bắt, 4 mất tích.     

Chiếc số 2 : B52G No. 57-6496, mật danh Quilt 3, từ Andersen. Rơi tại chỗ sáng 21/12 (nhầm, đúng ra là đêm 20/12) [4]. Tổ lái 2 chết, 4 bị bắt.

Chiếc số 3 : B52G No. 58-0198, mật danh Olive 1, từ Andersen vào đánh Kinh No Complex (?), trúng 1 SAM [5]. Rơi tại chỗ sáng 21/12 [4]. Tổ lái 3 bị bắt, 4 mất tích.

Chiếc số 4 : B52G No. 58-0169, mật danh Tan 3, từ Andersen. Rơi tại chỗ sáng 21/12 [4]. Tổ lái 1 bị bắt, 5 mất tích.

2 chiếc khác rơi ngoài lãnh thổ VN :

Chiếc số 5 : B52G No. 57-6481, mật danh Brass 2, từ Andersen. Trúng 2 SAM vào cánh và thân [5], lết về và rơi ở Thái đêm 20/12 [4], tổ lái được cứu.

Chiếc số 6 : B52D No. 56-0669, mật danh Straw 2, từ Andersen. Trúng 1 SAM, cháy 2 động cơ [5], lết về và rơi ở Lào sáng 21/12 [5], tổ lái 1 mất tích.



Nhận xét :

- Theo ta 7 B52 bị bắn rơi (5 tại chỗ), Mỹ chỉ công nhận mất 6 (4 tại chỗ).

- Theo ta 3 B52 bị hạ (2 tại chỗ) trong đợt đầu tiên đêm 20/12, Mỹ chỉ công nhận mất 2 (1 tại chỗ) trong đêm này. Số liệu 4 chiếc mất (3 tại chỗ) trong rạng sang 21/12 được cả 2 bên thống nhất.

Cụ thể :

- Chiếc số 1 của ta do d93 bắn chính là Orange 3 (số 1 trong danh sách Mỹ). Cháy rất lớn và rơi xuống gần mục tiêu.

- Chiếc số 2 của ta ghi nhận cho d94 có thể là Brass 2 (số 5 trong danh sách Mỹ). Rơi ở Thái đêm 20/12.

- Chiếc số 6 của ta ghi nhận cho d57 có thể là Straw 2 (số 6 trong danh sách Mỹ), rơi ở Lào rạng sáng 21/12.

- Chiếc số 4, 5, 7 của ta có thể lần lượt ứng với Quilt 3, Olive 1, Tan 3 (số 2, 3, 4 trong danh sách Mỹ). Đều rơi tại chỗ sáng 21/12.

Như vậy chiếc số 3 trong danh sách của ta cần kiểm tra lại.

- F361 :

20 giờ 34 phút, bằng phương pháp phát sóng phát hiện được mục tiêu và dùng phương pháp sở trường là điều khiển bám sát tự động, tiểu đoàn 77 đã phát hiện được mục tiêu từ xa, bám sát chính xác tốp B.52 có ký hiệu 618, phóng hai quả đạn, bắn rơi tại chỗ một chiếc B.52 ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Đây là chiếc máy bay B.52 thứ hai bị tiểu đoàn bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch.

- LS TLPK :

Sau 20 phút, tiểu đoàn 77 Trung đoàn 257 tại trận địa Chèm, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn cùng sĩ quan điều khiển Nguyên Văn Đức, kíp trắc thủ Mộc, Hà, Tân theo dõi tốp 621 đang từ tây bắc xuống, tốp mà Trung đoàn trưởng Điển giao nhiệm vụ cho ba tiểu đoàn 77, 78, 79 tập trung tiêu diệt.

Trận địa Chèm với địa thế có lợi, khi đánh đường bay từ tây bắc xuống, có khoảng cách (P) tham số lớn, lại bay chếch dễ hở bụng, hở sườn, chỗ yếu nhất mà nhiễu điện tử không phủ kín được. Vào tới cự ly 35km, tiểu đoàn trưởng ra lệnh phát sóng, cả ba trắc thủ (góc tà, cự ly, phương vị), sĩ quan điều khiển đều nhìn rõ 3 tín hiệu B- 52 xuất hiện trên nền dải nhiễu. Tiểu đoàn quyết tâm đánh bằng phương pháp vượt trước nửa góc (ΠC) 2 đạn, bám sát tựđộng, quỹ đạo đạn bay rất đẹp. Đạn nổ trùm mục tiêu, chiếc B-52 bốc cháy rơi xuống khu vực Hoà Bình.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Giêng, 2008, 09:43:18 am gửi bởi Tunguska » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #77 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2007, 11:51:19 pm »

Bác xem lại phát:

- Chiếc số 1 của ta do d77 bắn chính là Orange 3 (số 1 trong danh sách Mỹ). Cháy rất lớn và rơi xuống gần mục tiêu.

Trích dẫn
Chiếc số 1 : thuộc tốp 383, trong 6 chiếc vào đánh ga Yên Viên, Gia Lâm. Bị d93 bắn hạ lúc 2007 [1] hay 2010 [2], 20/12 bằng 2 đạn. Cháy rất to và gần như rơi thẳng xuống xã Yên Thường, gần ga Yên Viên.

Nếu chiếc số 1 của ta do d77 bắn thì đêm 20/12 d77 bắn rơi tổng cộng 03 chiếc?

Sách của Michel, nói là đã đối chiếu với tài liệu ta, đưa như sau:

Quilt 03 - d93
Brass 02  - d94
Orange 03 - d77
Straw 02 - d78
Olive 01 - d77
Tan 03 - d57

Toàn bộ cuốn sách này không nói gì đến d79. Chắc là nhầm thành d78 - Straw 02. Tôi nghi chênh nhau là chiếc thứ 6 của ta.

Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2007, 08:41:48 am »

Em gõ nhầm d93 thành d77, cám ơn bác.

Danh sách của Michel có đúng theo thứ tự bị hạ không bác. Nếu theo đó thì B52 mất 3 (2 tại chỗ) đêm 20/12 và 3 (2 tại chỗ) sáng 21/12, mâu thuẫn với SAC/NAMPOW là B52 mất 2 (1 tại chỗ) đêm 20/12 và 4 (3 tại chỗ) sáng 21/12 (?).
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #79 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2007, 07:42:36 pm »

Lão này viết kiểu narrative chứ không có bảng biểu. Xem lại thì đúng theo trình tự giờ phút.

Trang NAM-POW của McGrath cũng tính 03 chú ngày 20 03 chú ngày 21 đấy chứ. Có gì mâu thuẫn đâu. Cái báo cáo của PACAF cũng thế.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM