Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:48:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bê trọc  (Đọc 100007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #110 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:42:57 pm »

Ngày 24 tháng 12 năm 1972

Em nhớ thương!

Anh mới viết thư cho em, chưa kịp gửi thư đi thì nhận được thư em. Vui lắm em ạ. Anh vội bóc ra đọc ngay, rồi đọc đi đọc lại mãi, cảm thấy như đang nói chuyện với em vậy. Anh viết tiếp lá này gửi kèm với lá cũ, em chịu khó đọc nhé!

Ở gia đình Thông tấn của anh hồi này khá vui. Mấy hôm nay trời nắng rực rỡ, con người cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Bọn anh dẹp việc chuyên môn, xúm vào sửa nhà. Nếu em đến chơi, sẽ thấy nhà bọn anh khác nhiều: sáng sủa ra, có bàn ghế xinh xắn, ngồi khá thoải mái. Còn tối tối, mấy anh em lại quây quần bên bếp lửa mà trò chuyện. Vẫn ấm cúng lắm em ạ. Chỉ có điều, anh cảm thấy hơi trống trải đi, vì thiếu em đấy! Từ khi em vắng nhà, anh vẫn để phần cho em đầy đủ: niềm vui và cả những gì đầm ấm nhất của tình cảm. Không khi nào anh muốn em buồn. Anh nhận thấy em ít dấu được tình cảm, có gì buồn là lộ ra trên nét mặt, ai cũng biết.

Đừng nên buồn em nhé. Em nên tin rằng, phía trước cuộc đời em là cả một bầu trời trong sáng và hạnh phúc. Em thân thương ạ, anh rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình em, ai chẳng thấy cô đơn khi đã mồ côi cha mẹ, lại không còn anh em? Nhưng hoàn cảnh bắt buộc vậy, biết làm sao khác được? Chỉ còn cách lấy công tác làm vui và lấy tình cảm đồng chí, bè bạn làm tình gia đình. So với em, cuộc sống của anh êm ấm hơn nhiều: còn đầy đủ bố, mẹ, anh em. Anh mới nhận được thư và ảnh gia đình, cả nhà đều khỏe mạnh, vui vẻ.
(Khi nào gặp, anh đưa em xem). Giá như anh san sẻ được phần nào sự ấm cúng của gia đình ấy cho em nhỉ!

Anh muốn gửi cho em nhiều sách để em đọc, nhưng khó kiếm quá. Sách của Văn nghệ có, nhưng chỉ mượn đọc tại chỗ được thôi, xong phải trả ngay. Anh chỉ có mỗi cuốn sách nhỏ này (Văn nghệ giải phóng), không hay lắm, gửi em xem tạm. Em giữ lấy nó làm kỷ niệm vì trong đó có một truyện ngắn anh viết về một chuyện ở quê hương em. Sau này, nếu tìm được sách, anh sẽ gửi tiếp cho em.

Ngân thân mến! Đọc thư em, các anh ở nhà đều vui. Vì bận quá, các anh ấy không viết thư thăm em được, bảo anh viết thay.
Anh Huề khỏi sốt rồi. Anh Đảo, Phấn khỏe lắm, vi khuẩn cúm sợ không dám đến làm thân. Anh thì vẫn vậy, gầy nhưng không đau ốm gì, ăn ngủ điều hoà.

Bây giờ đã gần 11 giờ khuya rồi, anh dừng bút nhé. Chúc em ngủ ngon. Có thể trong giấc mơ anh sẽ gặp em đấy, em thương yêu ạ.
Anh rất mong thư em. Có anh Nhị đi cõng sẵn qua, em tranh thủ viết gửi anh ấy đem về cho anh là tốt nhất. Như thế là chiều em nhận thư, thì tối em phải viết rồi, để sáng gửi cho kịp. Chịu khó em nhé.
Anh của em
 
Ngày 27/12/1972

Nghe tin đêm 26-12, giặc Mỹ cho máy bay B.52 ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên. Trong lòng lại nhói đau. Nơi ấy, biết bao thân thiết: nơi tôi thường đi xe đạp qua trên đường từ nhà tới Bờ Hồ, nơi tôi đã tập hành quân nhiều tối. Nơi ấy rất đông vui, sầm uất, nhà cửa san sát. Đánh vào đó, giặc Mỹ đã giết bao nhiêu đồng bào của tôi? Vậy mà chúng xoen xoét chối cãi, nói rằng chỉ đánh vào mục tiêu quân sự. Ai có thể tin lời chúng được? Trừng trị chúng, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay B.52!
 
Năm 1973
 
Chủ nhật 1/1/1973

Năm nay bắt đầu bằng một ngày trời trong xanh, nắng rực rỡ và lại hơi lạnh. Đến đêm, trời hơi mưa lắc rắc.
 
Từ 2 đến 15/1/1973

Nghe tin Mỹ đã buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và lại nối tiếp các cuộc mật đàm với ta. Rõ ràng bọn chúng đã bị thất bại nặng nề. Khả năng một vẫn còn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #111 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:44:58 pm »

Ngày 16/1/1973

Theo tin tham khảo, Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt đánh phá miền Bắc. Chúng tôi vui, một niềm vui nao nao khó tả. Nó không sôi động, náo nức vì đây chưa phải là tin phổ biến chính thức, mà nó trầm trầm, sâu lắng bên trong. Buổi sáng, vui đến mức không muốn ăn cơm.
Chúng tôi ráo riết chuẩn bị để làm việc tốt khi khả năng một xảy ra. Bộ phận ảnh phóng nhiều bộ ảnh cỡ lớn để triển lãm.
Anh Phi (Phó ban), Hoài Nam (Tuyên truyền) và Lợi (đánh máy) đã vào thường trực ở Thường vụ Z11.
 
THƯ GIA ĐÌNH
Phạm Đức Hóa
Long yêu dấu

Chắc con nóng lòng mong tin của bố mẹ và các em. Bố vừa ở nơi sơ tán về, vội biên mấy dòng để con yên tâm. Qua 11 ngày giặc Mỹ điên cuồng oanh tạc miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, gia đình ta đều bình yên cả. Hôm 2/1/1973, mẹ và các em lại tiếp tục sơ tán ở Mỹ Hào, Hải Hưng, đề phòng giặc Mỹ tráo trở. Còn bố về Hà Nội vài ngày, xong lại đi sơ tán theo cơ quan Bộ. Gia đình cô Chung vẫn bình yên và ở nơi sơ tán. Các bà về ăn cưới các em Phúc + Thành đã về Hà Giang cuối 11/1972 và gia đình trên ấy vẫn được bình yên.

Hà Nội tuy bị oanh tạc, nhân dân tuy bị thương vong, song vẫn hiên ngang sau chiến thắng vĩ đại. Gia đình lại mới nhận được thư và ảnh của con đề tháng 10/1972. Gia đình rất phấn khởi, chỉ tiếc không được gặp Hoàng Trà, bạn của con, vì gia đình đi sơ tán cả.
Gia đình ta đã dọn về phòng mới ở Kim Liên, sum họp được 2 tháng thì sơ tán.

Bố mẹ, anh Đức và các em vẫn được khỏe mạnh. Còn em Ngọc thì đến 5/1/1973 vào năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ ở nơi sơ tán. Em học tiếng Anh đủ 3 năm (lớp năng khiếu tiếng Anh) và nay tiếp tục học. Nhẽ ra em đi học ở Liên Xô, song gia đình đã có 2 anh đi nước ngoài rồi nên phải nhường cho các bạn.
Bố gửi cho con mấy tấm ảnh do em Phúc chụp và rửa để con làm kỷ niệm.
Bố đang vội giải quyết một số việc nên viết thư ngắn. Chúc con mạnh khoẻ, dũng cảm nhận thêm nhiệm vụ cách mạng.
Thân yêu
Bố
Phạm Đức Hóa  

Ngày 24/1/1973

Đài Phương Tây đưa tin trưa nay Nixơn sẽ đọc một bài diễn văn về Việt Nam. Chúng tôi đều bảo nhau chú ý nghe đài TNVN vì có thể sẽ có nhiều tin quan trọng.

Quả vậy, 10 giờ rưỡi, buổi thời sự đã đọc một bản thông cáo của Bộ Ngoại giao nước ta nói rằng Mỹ và ta đã ký tắt Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tối, cơ quan họp. Anh Nhớ - Phó Ban - nói lại thông báo trên và cho biết cơ bản thì bản Hiệp định này vẫn như bản Hiệp định thảo ra hồi tháng 10.
Nửa đêm, đài công bố Hiệp định và 4 Nghị định thư kèm theo.
Chúng tôi nằm trên võng, bên bếp lửa lắng nghe và bàn tán sôi nổi.
Các văn kiện nói lên rất rõ sự thất bại của Mỹ, Thiệu. Nghị định thư về việc Mỹ tháo gỡ mìn ở các hải cảng, sông ngòi làm chúng tôi thật thú vị.
Chúng tôi chụp chung với nhau một tấm ảnh ngồi bên bếp lửa.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #112 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:47:14 pm »

Ngày 25/1/1973

Huề lên đường đi Bình Định - ở đó có một địa điểm trao trả tù binh hai bên.
Tôi nóng lòng sốt ruột muốn lao ngay xuống địa phương để được cùng đồng bào đón ngày đại thắng. Thật gay, nhà chỉ còn tôi và anh Đảo làm tin, biên tập, không thể đi được.
Tôi xuống chỗ hội nghị của Khu để gặp đại biểu một số tỉnh lấy phát biểu cảm tưởng của họ trước tình hình mới.
 
Ngày 27/1/1973

Hôm nay, Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết. Chỉ sáng mai thôi, hòa bình, niềm ước vọng tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, sẽ đến với Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Nhận được tin địch lấn chiếm vùng giải phóng, ta chặn đánh quyết liệt, đồng thời tấn công chiếm thêm một số vùng. Đêm, súng nổ rền vang khắp nơi. Chỉ mấy tiếng nữa thôi là hòa bình đến.
Nhưng các chiến sĩ của chúng ta vẫn chiến đấu ngoan cường, vẫn hy sinh. Tôi nghĩ, cái chết lúc này đắt giá gấp mấy cái chết những lúc trước.
 
Ngày 28/1/1973

Ngày hòa bình đầu tiên.
Sáng sớm, mưa lắc rắc, trời lành lạnh.
Nghe anh Tường giải thích về hiệp định và anh Năm chúc Tết (Anh Năm Công, tức Võ Chí Công, là Bí Thư Khu Uỷ). Anh Năm cười vui vẻ nhưng nói rất rắn rỏi, biểu hiện niềm sung sướng, tự hào nhưng rất quyết tâm, cảnh giác. Cuộc chiến đấu sắp tới sẽ hết sức gay go, phức tạp.

Buổi chiều, trời lại hửng nắng. Tôi và hai Cường ra nước Y.
Dòng suối vẫn chảy đều đều và reo róc rách. Những tia nắng xuyên qua những bông lau làm chúng óng lên, mỡ màng. Không còn nghe tiếng máy bay chiến đấu, chỉ có tiếng máy bay vận tải nặng nề.

Nằm trên đá ngắm thiên nhiên, lại nhớ Hà Nội, nhớ gia đình da diết. Ôi, mới ngày nào, nghĩ đến hòa bình còn thấy xa vời quá. Vậy mà nó đã đến, đến thực sự rồi. Nghĩ lại cứ thấy ngỡ ngàng như vừa ngủ mơ xong! Tuy nhiên, cho tới nay, tôi vẫn hiểu rằng ngày về thăm nhà (thăm thôi) vẫn còn xa xôi lắm! Biết bao công việc đã bầy ra trước mắt. Không thể vắng mặt trong cuộc chiến đấu mới này.

Gặp đoàn cán bộ tập trung để đi Quảng Ngãi phục vụ việc trao trả tù binh. Ở đây có Xuyến, y sĩ ở bệnh viện một. Cô người Phú Thọ nhưng sống ở Hà Nội từ nhỏ. Cô gái 22 tuổi ấy có vóc người khỏe mạnh, có tác phong mạnh bạo. Lần này là lần thứ 3 tôi gặp và nói chuyện với Xuyến. Buổi tối, cùng ngồi xem phim với Xuyến, nói chuyện nhiều. Tất nhiên, chỉ nghe tiếng nói nhẹ nhàng, thanh thoát của con gái Hà Nội thôi, cũng đủ thấy ấm áp và êm dịu rồi.
Cô gái này có những nét độc đáo: đối với một số người thì rất bướng bỉnh, với một số khác lại rất tình cảm; yêu nhạc, thích thể thao và tâm hồn cũng khá lãng mạn.
 
Ngày 29/1/1973

Sáng sớm Xuyến đã đi. Không kịp bắt tay tạm biệt Xuyến.
Trời rực nắng một chút rồi lại u ám.
Về nhà. Anh Đảo đang cúm, nằm trong võng, phủ bọc kín mít.
Tin để ùn lại, tôi cầm cả tập. Nổi bật là tin Mỹ ngụy vi phạm Hiệp định.
Đang ăn dở cơm thì phải chạy xuống nghe điện thoại. Đỗ Phú hổn hển đọc tin: lại tin vi phạm Hiệp định. Tôi không hài lòng lắm vì tin viết lộn xộn, không có những chi tiết tốt. Tôi nhắc Phú nhớ khai thác kỹ điện: tố cáo thằng địch phải có bằng chứng cụ thể, do vậy tin phải hết sức chi tiết, rõ ràng.
Mưa nặng hạt. Lạnh.

Vừa biên tập tin, tôi vừa khai thác các tài liệu ghi chép được trong chuyến đi Bình Định vừa qua, viết một số bài, mẩu chuyện.
Bài viết sau đây vừa đăng ở báo Cờ giải phóng Khu Năm, vừa đăng ở Bản tin Đấu tranh thống nhất:
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #113 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:49:23 pm »

Lớn lên với sức sống mùa xuân

Hà Nội (VNTTX 29-1-1973). Từ sau ngày tết Nhâm Tý, Hoài Ân đi vào mùa xuân với nhịp điệu thật sôi nổi, rộn rịp ở khắp các thôn ấp. Bà con học tập, thảo luận về tình hình, nhiệm vụ, tổ chức đội ngũ, sẵn sàng nổi dậy. Ở các khu dồn dân, bà con đấu tranh buộc địch để đồng bào về làng sản xuất. Bằng mọi cách, bà con chuyển dần tài sản về quê hương, nơi vườn xưa, ruộng cũ. Dần dần, những vùng đất trắng đã trở lại màu xanh và đây đó mọc lên những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh.

Đến tháng 4-72, phong trào tấn công và nổi dậy đã bùng lên, đem lại những thay đổi lớn nhất. Quân và dân Hoài Ân giành toàn bộ chính quyền về tay mình. Từ các khu dồn dân, đồng bào trở về làng cũ tổ chức lại đời sống, xây dựng thôn xã chiến đấu. Chỉ trong thời gian ngắn, đồng bào đã đẩy lùi cảnh đen tối, hoang vu do Mỹ Nguỵ gây ra. Suốt từ Ân Hoà, Ân Hảo đến Kim Sơn, Ân Nghĩa, đâu đâu cũng thấy dựng nhà, khai hoang, trồng tỉa tấp nập. Bà con thi đua sản xuất, đào hầm hào tránh phi pháo, lập làng chiến đấu nhộn nhịp.

Giữa những ngày ấy, Mỹ Nguỵ lại điên cuồng pháo kích, hòng chiếm lại Hoài Ân. Chúng gây thêm tội ác mới bằng máy bay B.52, bằng những cuộc càn quét. Nhưng quân địch dù hung hãn, cũng không thay đổi được tình thế. Đồng bào Hoài Ân càng thêm dày dạn, càng đứng vững trên quê hương giải phóng, giáng cho chúng những đòn quyết liệt.

Ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu, lực lượng vũ trang Giải phóng huyện không ngừng lớn mạnh, đã lập nhiều thành tích vẻ vang.
Mùa xuân năm ngoái, đội pháo binh gái của huyện chỉ có ít cô gái trẻ và một khẩu cối 50 ly. Hồi ấy, các cô mới làm quen với súng, lấy tầm chỉnh hướng còn ngượng ngùng, lúng túng. Hiện nay, đội đã trưởng thành vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Trừng trị bọn địch lấn chiếm vùng giải phóng, đội bám sát bãi đổ quân của chúng, rót những quả đạn chính xác, diệt 20 tên, phối hợp với các đơn vị bạn đánh tan 10 đợt phản kích của địch, diệt gần hết một tiểu đoàn nguỵ, bắn cháy 10 xe tăng. Các đơn vị vũ trang Giải phóng khác đều lập nên những chiến công chói lọi, và những tên gọi quen thuộc của Hoài Ân như Du Tự, Cầu Bến, Phú Vân, Thế Thạnh... đã trở thành mồ chôn xác giặc.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa phục vụ bộ đội Giải phóng, đồng bào Hoài Ân đã góp phần to lớn vào công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương. Đồng bào tổ chức đổi công và bước vào chiến dịch sản xuất Đông xuân sôi nổi.
Các chiến sĩ du kích vác súng lên đồi cao sẵn sàng đánh địch bảo vệ đồng bào sản xuất.

Những tấm gương sáng về tinh thần tấn công địch đua nở như hoa mùa xuân. Chị Mười, khi quê hương mới giải phóng, còn bỡ ngỡ với công việc, nhưng chỉ sau một thời gian đã cùng đồng bào và du kích đánh bại 5 đợt phản kích điên cuồng của địch, giữ vững quê hương giải phóng. Hai vợ chồng cụ Năm mặc dù địch đốt nhà, khủng bố, vẫn bám trụ ở vùng sát nách địch, theo dõi hoạt động của chúng báo cho bộ đội, du kích.
Cùng với những người cha, người mẹ anh dũng, những chiến sĩ giải phóng kiên cường, lớp lớp thanh niên Hoài Ân, mang nặng mối thù nhà, đã hăng hái lên đường tòng quân để bảo vệ quê hương, làng xóm.

Xuân Quý Sửu đang tới, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình đã được ký kết, nhưng nhân dân Hoài Ân vẫn cảnh giác với hành động lật lọng của địch. Năm ngoái, đồng bào và chiến sĩ Hoài Ân lấy hoa mai trang trí cho buổi lễ xuất quân. Đầu xuân này, những người cha, người mẹ, những chiến sĩ du kích, bộ đội địa phương, lớp lớp nam nữ thanh niên anh dũng kiên cường lại đem những cành mai nở rộ đem cắm trên những chiến hào chiến thắng.
Việt Long (Thông tấn xã Giải phóng)
 
Ngày 30/1/1973

Nhận được điện của anh Đỗ Phượng ngoài VNTTX báo tin gia đình bình an, mạnh khỏe sau những trận B.52 dữ dội vừa qua. Đây là món quà đầu năm quý báu nhất. Vô cùng biết ơn cơ quan trước sự quan tâm chu đáo ấy.
 
Ngày 31/1/1973

Nhận được tin: đi theo đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên làm tin, ảnh, đóng vai sĩ quan. Chưa biết cụ thể ra sao.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #114 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:51:24 pm »

Ngày 1/2/1973

Chạy nháo khắp nơi để liên hệ về việc đi công tác. Mệt bã ra, không muốn ăn uống gì cả.
Gặp Như Cảnh - thiếu tá - anh quen tôi từ trước và chuyến này cùng đi trong đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên vào Đà Nẵng. Vui quá.
Anh cho biết: sẽ chuyển qua sinh hoạt quân đội - trang bị cũng vậy.
Sáng mai sẽ đi Trà Mi - có máy bay lên thẳng đón ở đó.
Các anh lãnh đạo căn dặn khá nhiều. Vinh dự lớn lao, trách nhiệm nặng nề - tôi sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Trời xám xì mầu xi măng.
 
Những ngày chờ đợi sốt ruột. Nằm ở gần sân bay mà đón Tết, một cái Tết long đong, nghèo về vật chất mà háo hức. Đêm 30, ngồi trên võng, dưới những lùm chuối, đón giao thừa. Bắt đầu từ ngày một, sáng nào cũng ba lô gọn gàng chờ ra sân bay mà hụt mãi. Cơm thì chỉ có rau với mắm.
Trong những ngày rỗi rãi này, có dịp ngồi suy nghĩ về những niềm riêng. Giữa những ngày xuân này, tôi có bước ngoặt khá lớn: bước vào một tình yêu! Thúy Ngân đã trở thành người yêu của tôi.

Nghĩ lại mối quan hệ giữa hai đứa, cũng có nhiều cái lạ: hình như chẳng có khi nào tán tỉnh, tấn công lẫn nhau, như nhiều đôi trai gái khác, mà chỉ phát triển dần dần từ sự thông cảm lẫn nhau thành tình yêu. Cũng như nhiều cô gái miền Nam khác, Ngân không có được niềm hạnh phúc gia đình toàn vẹn và phải vất vả từ nhỏ. Má chết sớm, ba bị bom đạn Mỹ giết hại, Ngân chỉ còn ba nuôi hiện đang ở miền Bắc. Thoát ly địa phương từ 15, 16 tuổi, Ngân đã lớn lên với cuộc sống đầy gian khổ ở căn cứ. Khi ở quân đội chuyển qua, Ngân làm y tá ở cơ quan này và tỏ ra rất siêng năng, tận tâm với công tác. Trong những ngày mưa, thấy Ngân chạy hết nhà này đến nhà khác chăm sóc anh em đau, người ướt lướt thướt, tôi thấy thương cô bé quá. Ngân thỉnh thoảng cũng lên chỗ tôi chơi. Cô rất mến anh em trong bộ phận này và cũng được anh em rất mến.

Ngân hay kể chuyện về gia đình, về người cha nuôi nghiêm khắc, về những năm tháng gian truân bên quân đội. Ngoài những lúc chuyện trò chung với anh em khác trong nhà, tôi và Ngân rất ít khi nói chuyện riêng với nhau. Vậy mà thấy có cảm tình với nhau đặc biệt. Rồi Ngân chuyển về Xưởng phim. Xa, thấy nhớ lạ lùng. Trong những lá thư gửi Ngân, tôi cũng chẳng rào đón, giấu giếm gì tình cảm đặc biệt của mình với Ngân.

Mãi tới gần Tết chúng tôi mới lại được gặp nhau. Khi ấy, tôi sắp lên đường công tác. Ngân cuống quýt lên khi biết tin ấy. Nhưng chúng tôi không có thời giờ để nói chuyện riêng với nhau - tôi phải giải quyết gấp nhiều công việc, mà thời gian thì quá ít. Khi chia tay nhau, Ngân đưa tôi một lá thư và một chiếc khăn tay. Trong thư, Ngân đã đáp lại tình cảm của tôi bằng tình cảm thật đằm thắm, sôi nổi. Ôi, giá như chúng tôi được ngồi chuyện trò với nhau trong ít chục phút thì hạnh phúc biết mấy. Vậy mà không được, cuộc sống khắc nghiệt quá.

Chính trong những ngày này, khu V chúng tôi lại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ địch. Chỉ sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam có hiệu lực 3 ngày, địch dã giở mặt, lấn chiếm vùng giải phóng. Ta phải chống lấn chiếm. Địch nống ra vùng giải phóng. Ta tổ chức nhiều mũi nhọn thọc sâu vào các thị trấn, thành phố tạm thời dưới quyền kiểm soát của chúng, làm cho hậu cứ của địch mất ổn định. Khẩu hiệu của chúng ta là Một tấc đất, một tấc vàng - Một góc gíang san, một dòng máu đỏ, quyết giữ các chốt điểm, nơi cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng. Chiến sự diễn ra phức tạp và ác liệt. Địch đã chiếm được chốt điểm Bàn Tân - Lâm Phụng trên tuyến đường 14 của ta, nằm trên vùng đất Đại Lộc. Chiến sự tiếp tục ác liệt. Mười ngày sau, chúng chiếm chốt điểm trên đồi Dương Thông thuộc huyện Duy Xuyên.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #115 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 09:53:48 pm »

Ngày 11/2/1973

Được thông báo trước, anh em vệ binh đem vải trắng ra sân bay làm dấu hiệu cho máy bay xuống: căng thành một hình chữ thập, mỗi chiều dài 30 mét. Hôm nay, máy bay lên thẳng Mỹ sẽ đưa anh Diễm, sĩ quan liên lạc của đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trong ban Liên hợp quân sự 4 bên ở Trung ương đến.

12 giờ 45 phút, có tiếng động cơ phành phạch, lượn rất thấp. Vì ở xa, khuất cây, chúng tôi không nhìn thấy máy bay. Tiếng động cơ cứ nổ rền vang mãi. Khoảng 10 phút sau thì nhỏ dần và tắt hẳn.

Ngoài sân bay gọi điện thoại vào cho biết: chúng chỉ đưa anh Diễm xuống, hẹn ngày 12 sẽ đến đón anh Diễm và ngày 13 tới đón cả đoàn đi.
Mãi vẫn không nghe tiếng máy bay cất cánh. Anh Dũng nói: “Hơn nửa giờ rồi, bọn này ở lâu hè, thiện chí hè”. Anh cười, nói thêm: “Bọn nó thường chỉ xuống bắt tay mình rồi xin lỗi, đi luôn, đâu có dám ngồi lâu nói chuyện với mình?” Gần 2 giờ sau, anh Diễm đến. Anh xách một cái túi du lịch nhỏ, đi giày đen, mặc bộ quân phục bay bằng vải K.T khá đẹp. Anh em xúm lại thăm hỏi anh. Anh cho biết bọn Mỹ, ngụy lái máy bay rất sợ hãi khi phải bay vào vùng giải phóng. Trước khi đi, chúng đòi anh ký vào biên bản bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Anh không chịu ký, với lý do: “Tôi đi từ Sài Gòn ra đây, đi trong vùng các ông kiểm soát rất nhiều mà có cần các ông viết giấy bảo đảm đâu?”. Bọn chúng đùn nhau, không thằng nào chịu lái đi. Có lẽ chúng không muốn là kẻ chết cuối cùng của cuộc chiến tranh này.

Khi bay, chúng luôn giở bản đồ chỉ đường bay cho anh Diễm xem và hỏi: “Liệu phía các anh có bắn lên không?”. Anh Diễm trả lời: “Tôi cùng ngồi trên máy bay nên cũng không trả lời chắc chắn cho các anh được. Nhưng lực lượng vũ trang của chúng tôi rất tôn trọng Hiệp định”.

Tới sân bay, chỉ một chiếc hạ cánh, còn một chiếc chỉ quần lượn quanh sân bay. Các sĩ quan liên lạc Mỹ, Sài Gòn, cả phi công, đều vội vàng bắt tay, chào ta rồi lên máy bay đi, không vào nhà uống nước.
Anh Diễm cho biết, khi từ Lộc Ninh vào Tân Sơn Nhất, anh và đồng chí trưởng đoàn vừa xuống khỏi máy bay, liền bị bọn quân cảnh vây quanh. Chúng nhìn chòng chọc vào mặt và chụp ảnh lia lịa, chụp từ đầu tới chân. Phải phớt lờ, coi như không có chúng.

Anh em tiếp tục nghiên cứu Hiệp định và các Nghị định thư, đồng thời bàn kỹ phương án đấu tranh với đối phương.
 
Ngày 13/2/1973

Máy bay đến chở anh Diễm về.
Sân bay của ta có 2 cột cờ cắm cờ cách mạng miền Nam Việt Nam và cờ hòa bình. Nhà tiếp khách lợp tranh nhưng trang trí cũng khá đẹp mắt.
12 giờ 50 phút, có tiếng máy bay từ hướng Đông. Sau đó, xuất hiện 2 chiếc bay khá thấp. Anh em vệ binh ném một quả mù, tỏa khói vàng mù mịt. Vẫn như hôm qua, chỉ một máy bay hạ cánh, còn một chiếc quần lượn quanh sân bay. Các sĩ quan và phiên dịch Mỹ, Sài Gòn bước xuống, chụp ảnh lia lịa. Một phiên dịch Sài Gòn mượn cái mũ cứng của anh phiên dịch ta, có gắn quân hiệu Sao vàng trên nền xanh đỏ, để đội vào chụp ảnh kỷ niệm. Lần này thì họ vào nhà tiếp khách trong khi phi công vẫn ở máy bay và máy bay vẫn nổ máy.

Ta tiếp đón cũng khá lịch sự. Mọi người đều bắt tay nhau, cười vui vẻ. Sĩ quan liên lạc Mỹ là đại úy Đanien, người không cao to lắm, tóc mềm, màu hung, da đỏ hồng, hay cười. Còn sĩ quan liên lạc Sài Gòn là đại úy Lộc, người nhỏ bé - anh ta có một cái máy ảnh nhỏ, chụp rất nhiều. Phía ta, có anh Diễm và anh Thanh, thiếu tá.

Bia, kẹo, thuốc bày ra nhiều nhưng dùng ít. Trong tiếng máy bay rền vang, câu chuyện tiếp diễn khá khó khăn và vội vã. Cuối cùng, đã giải quyết chớp nhoáng mấy vấn đề:
- Trao đổi tần số, giờ liên lạc máy PRC 25.
- Đồng ý để anh Thanh và Hanh (phiên dịch) vào Đà Nẵng trước, bàn về chỗ ăn ở. (Điều này tưởng sẽ khó khăn nhưng lại khá dễ dàng được giải quyết).
- Đanien hẹn sáng mai, 8 giờ, sẽ đưa máy bay đón đoàn đi (nếu ta đồng ý). Mỗi chuyến 3 chiếc - cứ 2 giờ 45 phút một chuyến. Chở đến hết thì thôi và Đanien sẽ ở lại sân bay điều khiển việc lên xuống máy bay.

Anh em đem thuốc và bia ra cho phi công Mỹ - 3 đứa. Lái chính là một tên khá già, ria mép màu hung, rậm, dài, người cao to sù sụ.
Hai tên kia còn rất trẻ, cao nhưng không to lắm. Chúng uống bia, hút thuốc và cám ơn ta. Anh Kháng đưa một bao Thăng Long cho một tên, nó đưa lại một bao thuốc Mỹ và nói: “Hoà bình! Hữu nghị!”. Nói chung, bọn Mỹ rất sốt sắng trong việc liên lạc với ta, rút quân. Có lẽ chúng cũng quá ê ẩm với cuộc chiến tranh thua thiệt này. Tuy nhiên, chúng không chịu phá bỏ căn cứ quân sự mà chuyển giao cho quân nguỵ.
Trời nắng nhưng nhiều mây.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #116 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2007, 07:56:46 pm »

Ngày 14/2/1973

Theo hiệp đồng, hôm nay máy bay Mỹ sẽ đưa anh Thanh trở lại.
Đêm trước, trời tập kích một trận mưa dữ dội. Hôm nay cũng mưa lắc rắc. Đợi mãi không có máy bay.

Một số vị đến định tiễn đoàn đi: anh Hồ An và một số ở Mặt trận, Phụ nữ, cả anh Phú và Trần Đống (điện ảnh) nữa - vì tưởng hôm nay đoàn lên đường, sẽ quay phim làm tài liệu.

Theo điện của anh Diễm, sự việc diễn biến như sau: máy bay không đáp tại nơi ở của đoàn mà đáp tại sân bay Đà Nẵng. Bọn ngụy bắt thiếu tá Thanh và thượng sĩ phiên dịch Hanh làm giấy căn cước và gửi 2 anh lại sân bay - 2 anh không chịu làm - đòi đưa trở lại Trà Mi - chúng đồng ý và hẹn sẽ đưa về trong ngày nay - nhưng tới tối, vẫn không thấy máy bay lên.

Phải dự kiến trước phương án đấu tranh nếu địch bắt giữ 2 đồng chí của ta. Anh Chính được phân công viết điện báo cáo lên trên. Anh Cảnh viết sẵn tuyên bố về việc đó, khi cần là công bố để đấu tranh.
Các đơn vị, địa phương đang chuẩn bị để tiễn đưa đoàn vào Đà Nẵng cho có khí thế: tổ chức đội ngũ, cờ, hoa, khẩu hiệu. Đoàn cũng đã chuẩn bị diễn văn để đọc tại sân bay.

Trong khi đó, chiến sự vẫn diễn ra sôi động ở khắp nơi. Ngồi đây, nhìn thấy cờ hòa bình bay phấp phới trên cột cờ đầu sân bay, và vẫn nghe rõ tiếng pháo nổ uỳnh oàng phía Bắc, thỉnh thoảng nghe mấy loạt B52 nổ rền phía xa.
 
Ngày 15/2/1973

Anh Thanh điện về: hôm đến sân bay bị đối phương bắt làm thủ tục, anh không làm. Tới đó, các anh ở chỗ đoàn quân sự Mỹ.

Sáng hôm sau, Đanien và Lộc đến báo giấy tờ đã làm xong, mời về chỗ Ban Liên hiệp quân sự 4 bên ở. Anh Thanh đến kiểm tra, thấy chỗ ở chưa ổn: nhà trưởng, phó đoàn chưa có, cán bộ thì xếp ở tập thể. Đang tiếp tục bàn, đòi tạo điều kiện ở tốt hơn. Sáng mai, máy bay sẽ đưa anh Thanh về.
 
23/2/1973 - Lần thứ 3 giáp mặt

Theo hợp đồng, hôm nay đối phương đưa đồng chí Thanh về báo cáo với đoàn. Đồng chí Thanh sẽ làm việc khoảng 3 - 4 tiếng, sau đó lại vào Đà Nẵng. Trong khi đó, sĩ quan liên lạc và phi công đối phương sẽ chờ tại sân bay.

9 giờ 45, có tiếng máy bay phành phạch. Lát sau, từ phía Bắc xuất hiện một chiếc trực thăng. Nó bay thẳng tới hướng sân bay với cái vẻ hăm hở và thành thạo. 4 khoanh mầu đỏ da cam sơn quanh đuôi, quanh bụng nó nổi lên khá rõ. Nó sà tới, vòng một vòng rồi hạ xuống sân bay. Khác hẳn mấy lần trước, lần này không có một chiếc khác quần trên bầu trời yểm trợ cho nó và nó không nổ máy rền rĩ trong khi chờ đợi nữa. Nó đứng im lìm giữa sân bay, cánh quạt giang rộng, hơi trùng xuống, như con chuồn chuồn khổng lồ đang ngủ.
Anh Thanh về thẳng nơi làm việc.

Sĩ quan và phi công đối phương được mời vào nghỉ ở phòng khách. Những chiến sĩ bảo vệ được phân công gác máy bay, bồng súng đứng nghiêm túc. Thái độ thiện chí của ta làm những phi công Mỹ yên tâm và họ mau lẹ rời khỏi máy bay, vào nhà khách. Trời nắng và nóng điên người. Trong nhà có bia, nước trà “Thanh Tâm”, rất cần thiết cho họ.
Đầu tiên vẫn là những câu chuyện xã giao. Thiếu tá Giôn Pi Kennơđi - trưởng phi hành đoàn - nói anh ta 32 tuổi, có vợ, con bên Mỹ, nhà có cả ô tô. Anh ta tóc đen, mày rậm, mắt xanh đậm đà, môi đỏ chót - nói chung, trông mặt anh ta màu sắc loè loẹt như một con vẹt. Đại úy Lộc - sĩ quan liên lạc ngụy - hỏi đến lương, anh ta khoe được 2.000 đôla một tháng. Nhân đó, Thành - phiên dịch viên ngụy - hỏi:
- Còn lương các ông bao nhiêu?

Một sĩ quan ta trả lời:
- Quân đội Giải phóng không ăn lương. Đồng bào cung cấp bao nhiêu thì chúng tôi có bấy nhiêu.

Lộc nói rằng anh ta đã đóng quân nhiều ở miền núi: Tu Lang, Bến Giằng, Tiên Phước, Trà Mi. Một sĩ quan ta hỏi:
- Về đời sống, anh thích gì?
- Tôi thích hội hoạ.

Anh ta cười, trả lời bằng giọng Huế khá lịch thiệp. Anh ta nói tới những bức tranh đẹp. Với con mắt nhìn ra xa, hơi mơ mộng, có vẻ đang quay về với dĩ vãng, anh ta nói:
- Trước tôi làm đại đội trưởng, đóng đồn ở Trà My, trên gò cao kia. Tôi muốn trở lại thăm nơi ở cũ, xem còn kỷ niệm gì, các anh cho phép chứ?

Anh Tiết, phụ trách sân bay, vội đáp:
- Cũng được thôi!
Thiếu tá Nhung - phụ trách vấn đề bảo vệ của đoàn - cười cười:
- Đại úy đi cũng được, nhưng bây giờ lau lách mọc đầy, sợ phải chui rúc, mệt.
Lộc hỏi lại:
- Vậy ra không có đường lớn?
- Đại úy coi đấy, trước đây có ai ở vùng này, lau lách, cỏ dại mọc đầy cả.

Bây giờ có chuyện đón đoàn, chúng tôi mới về đây phát sân bay, dựng tạm mấy ngôi nhà.
Lúc này, Thành chăm chú lắng nghe. Anh ta khá cao, mặt đầy những mụn trứng cá, trông sù sì và đỏ như da gà trọi. Anh ta chợt đề xuất:
- Nóng quá, chúng ta ra sông tắm được chứ?
- Vâng, mời các anh đi!

Sĩ quan ta đáp ứng ngay lời yêu cầu ấy. Mọi người đi dọc sân bay, rẽ qua phải, xuống bờ sông. Qua mấy hố bom mà bọn B.57 thả cách đây ít ngày, khi lệnh ngừng bắn sắp có hiệu lực, không ai nói một lời nào. Những phi công liếc nhìn những hố bom với đám cây cỏ nát nhừ còn xám ngoét màu thuốc nổ, rồi vội nhìn ra sông. Còn sĩ quan của ta thì nhìn thẳng vào mặt họ. Lúc này, tốt nhất là để sự thật nói lên lời.
Bãi sông trắng loá, trống trải, chẳng có gì hấp dẫn cả. Nhìn xuôi, nhìn ngược cũng chỉ thấy cát và đá trắng cùng với làn không khí bị nung nóng khẽ xao động. Mọi người đi dạo trên bờ sông chứ không tắm. Rồi lại quay về.

Càng về trưa, câu chuyện càng sôi nổi. Lộc có vẻ cởi mở:
- Tôi nhập ngũ năm 1952, nhanh thật, 21 năm rồi!
Có lẽ vì cái không khí cởi mở ấy mà một sĩ quan ta buột miệng:
- Anh cũng giống tôi, cùng năm nhập ngũ, cùng cấp bậc!
Lộc cười rộng miệng, nheo cả mắt lại.
Tới giờ ăn cơm, đoàn để 2 sĩ quan tiếp “khách”. Bữa ăn khá đàng hoàng: gà quay, khoai rán, miến xào, canh cải.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #117 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2007, 07:59:59 pm »

Khi chúng tôi trở lại, hai phi công đã ra máy bay và mọi người vẫn đang nói chuyện rôm rả. Thấy tôi, Thành khoe:
- A, anh có cái ảnh chụp với tôi rất đẹp.

Tôi nhớ hôm nọ lúc tôi đứng gần Thành, Lộc có đưa máy lên chụp. Tôi cười:
- Vâng, cảm ơn anh!
Lộc ngồi tận phía trong, nói to:
- Chà, ảnh đẹp lắm, ai coi cũng nói anh Thành chụp chung với con gái. Bây giờ thì thấy đó, con trai chứ không phải con gái đâu nghe!
Hai sĩ quan Mỹ ngơ ngác nhìn và khi được nghe dịch lại, họ cũng cười thích thú.

Câu chuyện lại tiếp diễn và Lộc cứ khen mãi bữa cơm thịnh soạn. Anh ta xuýt xoa:
- Rô ty gà thật giỏi, vừa ngon. Rô ty gà là khó lắm nghe, quá là cháy, còn không lại sống!

Thành vừa san sẻ 2 cốc nước qua nhau cho mau nguội, vừa gật gù:
- Khó thật đó! Không biết là có bàn tay phái đẹp trong ấy không? Chà, cũng muốn thấy mặt các cô quá!
- Tới hôm đoàn đi, ở đây tiễn đưa, sẽ thấy!
Một sĩ quan ta trả lời và biết mình lỡ lời, anh vội im.

Rót một cốc nước khác, lại san sẻ qua cốc khác cho mau nguội, Thành tấm tắc:
- Nấu nướng khéo thiệt đó. Ngay cả mấy lát khoai cũng cắt thành hình ngôi sao, rán vàng thật đẹp.
Thiếu tá Nhung cười:
- Anh em chúng tôi cũng yêu mỹ thuật lắm. Tuy ở rừng núi, chúng tôi làm việc cũng có giờ giấc, vẫn vui hát, chơi thể thao.

Lộc tán dương:
- Tôi cứ nghĩ các ông ở rừng chắc xanh xao lắm, không ngờ lại đỏ đắn, mạnh khỏe vậy. Các ông cũng có chơi ban à?
- Có chứ, bữa tết, anh em chúng tôi tổ chức đấu bóng chuyền, vui lắm.
Thành mừng rỡ:
- Vậy à? Vậy thì chúng ta tới sân bóng, đánh chơi!
Lộc tán thành:
- Phải đó, nếu cần thì phía Việt Nam mình ở một đội, cho phía Hoa Kỳ một đội, đấu thử!

Đanien khoái chí:
- Được, chúng ta đánh bóng với nhau!
Anh Nhung cười:
- Vâng vâng, chúng tôi sẵn sàng đánh ban với các anh, nhưng để khi xuống đó đã. Chứ sân ban ở xa lắm, lại sắp tới giờ các anh phải đi rồi, làm sao kịp?
Thành xoa xuýt vẻ tiếc rẻ:
- Vậy à, ra các anh ở xa lắm à!

Chúng tôi tiếp tục mời “khách” ăn kẹo, bánh. Thành và Lộc ngắm nghía mãi những chiếc kẹo “Hải Châu” sản xuất ở Hà Nội. Cả hai đều chọn trong đĩa kẹo lộn xộn các loại, cả miền Bắc, miền Nam, lấy mấy cái. Lộc nói:
- Xin các anh mấy cái về làm quà cho các cháu!
Thành tiếp:
- Xin cho mỗi đứa nhỏ một chiếc thôi, tôi 5 đứa, 5 chiếc.
Lộc nhón lên một cái kẹo chuối của miền Nam sản xuất, hỏi:
- Cái này có phải không hè? Tôi muốn mỗi thứ một loại.
Thành có vẻ thành thạo:
- Không phải, ông cứ xem cái nào có chữ “Quốc doanh” là đúng!
Lộc cười:
- Đem về cho lũ nhỏ coi, rồi cất kỹ làm kỷ niệm thôi, đâu dám ăn?
Tôi nói:
- Cứ cho các cháu ăn cho chúng biết vị ngọt của kẹo chúng tôi, rồi giữ giấy làm kỷ niệm cũng được chứ sao.
Thành nói:
- Sau này quan hệ bình thường, chắc những thứ này sẽ nhiều!
- Vâng, chúng tôi đều mong muốn quan hệ Bắc Nam chóng trở lại bình thường.

Chúng tôi trả lời vậy và đưa Thành một gói trà miền Bắc. Anh ta cầm gói trà, ngắm nghía, đọc nhãn hiệu “Thanh Tâm” và gật gù:
- Uống trà này thì tâm hồn lúc nào cũng thanh bạch.

Anh ta đưa cao gói trà về phía Lộc, nháy mắt rồi với cái áo khoác vắt ở thành ghế, đút vào túi. Trong câu chuyện, Thành luôn ca thán nhà đông con, nghèo, làm ăn vất vả. Anh ta nói:
- Trước tôi ở bên dân sự, có Hiệp định mới qua bên quân sự làm thông dịch.

Với giọng phân bua, anh ta tiếp:
- Cũng không muốn qua bên này, nhưng vẫn phải qua, vì làm nghề này có tiền nuôi các cháu - nhà tôi đông con, nghèo lắm.
Để phụ Họa thêm cho giọng nói, anh ta ngửa hai bàn tay, đưa ra phía trước. ánh nắng bên ngoài rọi vào chiếc đồng hồ loại hảo hạng đeo trên cổ tay trái anh ta, loé lên như một tia chớp.
12 giờ 30 phút, Đanien sốt ruột hỏi:
- Thiếu tá Thanh đã làm việc xong chưa?
- Có lẽ còn phải làm việc một thời gian nữa.
- Vậy đến giờ, chúng tôi về, ngày mai sẽ tới đón thiếu tá được không?
- Chắc thiếu tá làm việc khoảng một tiếng nữa thôi, đại úy có thể chờ được chứ?
- Vậy để tôi cho máy bay cất cánh lên cao, báo về Đà Nẵng cho thượng cấp chúng tôi biết?
- Vâng, nhưng đại úy chờ chúng tôi gọi điện thoại hỏi ý kiến cấp trên chúng tôi!

Ngoài sân bay, hai phi công Mỹ đang lúi húi, chỉ trỏ vào bộ phận nào đó ở đầu máy bay. Họ có vẻ tận tâm với nghề nghiệp. Để giảm bớt sự sốt ruột của Đanien, anh Nhung hỏi:
- Chiếc máy bay kia trị giá bao nhiêu đô la?
Thành trả lời:
- Đắt lắm, tới mấy vạn đô la.
Anh ta nói thêm:
- Đây là loại mới, đã cải tiến, cái ống xả hơi của nó làm vểnh lên chứ không cụp xuống như loại cũ.
Lộc giải thích:
- Như vậy, hơi nóng tỏa lên trên sẽ được cánh quạt quạt phân tán hết, giảm nhiệt, chống được tên lửa tìm nhiệt.
Và Lộc lại khoe:
- Cái ghế bên cạnh dùng cho xạ thủ đại liên.
- Ồ, hẹp vậy thì để đại liên chỗ nào?
- Không, đại liên gắn phía ngoài, xạ thủ ngồi ghế, chúc súng xuống đất mà bắn.

Liên lạc về báo cấp trên đồng ý để máy bay lên cao liên lạc với Đà Nẵng.
Đanien đề nghị:
- Mời các anh cùng lên máy bay với chúng tôi.
Đanien đứng dậy kéo anh Tiết cùng đi. Mọi người cùng đứng dậy. Cả Lộc và Thành đều sốt sắng:
- Đi, mời các anh cùng đi chơi!
Tôi lưỡng lự:
- Thôi, để một số đi, kẻo chật.
Thành dắt tay tôi:
- Không, không chật đâu, đi cho vui.

Tôi liếc nhìn anh Nhung. Thấy anh cười và bước ra cửa, tôi cũng bước theo. Thành tỏ vẻ rất cởi mở, thân mật với tôi. Làm như vô tình, anh ta hỏi độp một câu:
- Anh vào đây năm nào?
Tôi trả lời:
- Tôi sinh sống ở đây lâu rồi anh ạ!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #118 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2007, 08:03:28 pm »

Khi lên máy bay, Thành cẩn thận buộc người tôi vào ghế bằng dây bạt có móc sắt.

Máy bay rồ máy. Bao quanh mang tai tôi là một mớ âm thanh ồn ào, náo động. Không còn nói chuyện được nữa. Cánh quạt quay tít, làm bụi cuộn thốc lên. Máy bay bốc lên cao khá nhẹ nhàng. Lên được một đoạn, nó đứng sững lại rồi quay từ từ 180 độ. Sau đó, nó vừa lên cao vừa tiến tới phía trước. Tôi có cảm giác như đang ngồi xe ô tô leo ngược lên dốc, có điều êm hơn chứ không xóc lộn ruột như khi đi ô tô.

Tôi chú ý quan sát dưới đất xem lũ giặc lái phát hiện quân ta như thế nào. Bây giờ mới hiểu rằng trước mình “điếc không sợ súng”, quá chủ quan. Tôi nhìn rõ sân bay với chữ thập trắng, với những đường đi ngang dọc, với mấy ngôi nhà tranh, với lá cờ bay phấp phới và thấy rõ cả mấy đồng chí vệ binh đứng nghiêm bồng súng. Máy bay lên cao, lượn vòng theo hướng tay trái. Thân máy bay nghiêng đi, muốn đổ mọi thứ ra ngoài. Nhìn về bên phải thấy điệp trùng những núi - những dẫy núi cũng chênh đi như sắp đổ.

Nhìn xuống dưới thấy rất rõ mặt đất. Mặt đất đẹp, hiền và đáng yêu quá. Những thửa ruộng lúa xanh rì, những vạt rừng non thưa thớt, và dòng sông nước trong vắt chảy gợn sóng lăn tăn xen vào nhau, nổi bật lên như một bức tranh màu đẹp đẽ. ồ, ở độ cao 7 - 800 thước mà nhìn rõ cả gợn nước, những phiến đá và mấy người đi trên bãi sông. Kia nữa, thấy rõ hai chiếc áo trắng ai phơi trên bãi cỏ, thấy một anh bộ đội đang đi ngoái lại ngước nhìn lên. Thấy căn nhà tôn, mấy ngôi nhà tranh nấp dưới mấy bụi chuối, lùm cây. Máy bay vòng lại sân bay. Thấy bóng máy bay in trên sân bay với cái cánh quạt quay tít mù ngồ ngộ. Thấy gần bờ sông một ngôi nhà và rất nhiều người đứng ở sân. Được 20 phút, máy bay hạ cánh. Người cảm thấy bị hẫng, nhưng không nôn nao. Mát quá, vì suốt quá trình bay, gió lùa vào lồng lộng.

Ra khỏi máy bay, Đanien kéo Lộc và Thành lại bàn bạc gì đó.
Vào nhà, Thành báo:
- Đại úy Đanien nói rằng đã liên lạc về Đà Nẵng, thượng cấp đồng ý để chúng tôi 2 giờ rưỡi về.
- Vâng, vâng, đúng một giờ rưỡi chúng tôi, thiếu tá Thành sẽ ra.

Thành giải thích:
- Hồi này Hoa Kỳ thực hiện chương trình rút quân, việc nhiều mà máy bay ít nên bố trí giờ giấc xít xao lắm.
Lộc nói thêm:
- Sợ rằng sau phi vụ này phải thực hiện phi vụ khác nên phải báo về trên.

Thành hỏi:
- Các anh bay thấy ngợp không?
- Gió quá, lúc bay thường chắc phải đóng cửa lại chứ?
- Đóng bí hơi lắm.
Thành giảng giải:
- Hồi nãy phải quần và phải bay cao để liên lạc nên bay mệt, chứ khi thường chỉ bay 5 - 600 mét, bay thấp là là, êm lắm.

Lộc hỏi:
- Hồi nãy thấy cái nhà nào phía sau cột cờ đó hè?
- Nhà anh em ở đó anh ạ.
- Phía ấy là gì mà thấy đông người quá?
- Đường anh em đi lại đó mà.
- À, thấy cả phụ nữ nữa, tôi muốn qua chụp ảnh với các cô ấy được không? - Lộc hỏi.

Thành phụ hoạ:
- Ồ, có cả phụ nữ. Bữa trước bay lên thấy mấy cô tắm ở suối nữa (vừa nói anh ta vừa cười thích thú), giá được sang chụp ảnh thì hay đó!
Thiếu tá Nhung trả lời:
- Chắc các anh cũng biết tính nết phụ nữ Việt Nam hay e thẹn, sợ các anh lạ, mấy cô ấy không chịu chụp, đi mất công chớ.
Thành tán:
- Hay đại úy muốn thì xin ở lại luôn!
Lộc cười:
- Sợ nhà đương cục địa phương không cho phép.

Anh Nhung nói:
- Sợ các anh không có thời gian thôi. Khi nào có điều kiện thì mời các anh ở chơi.

Thành nháy mắt, vỗ vai Lộc:
- Mà ở đây thôi, chứ không được qua với mấy cô đâu nghe!
Anh ta hất hàm về phía bờ sông và nói thêm:
- Ở thì vui, chỉ tội mấy con gà chết oan!

Anh Nhung đáp:
- Gà anh em chúng tôi tự nuôi đấy. Chắc chúng nó cũng vui lòng khi được chết vì mối tình thân thiện của chúng ta.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #119 vào lúc: 22 Tháng Mười Một, 2007, 08:11:25 pm »

Sắp tới giờ cất cánh, mấy sĩ quan Mỹ và anh em ta trao đổi với nhau những vật kỷ niệm nhỏ. Anh Nhung tặng Đanien một quyển lịch “Quân giải phóng”, anh ta cảm ơn và cười:
- Nhưng ông nhớ là tôi vẫn có những cú đập rất mạnh khi gặp ông trên sân bóng đấy!

Anh ta có vẻ quan tâm thực sự tới chuyện thể thao.
Tôi và Bé - phiên dịch - ra máy bay nói chuyện với phi công Mỹ.
Hỏi chuyện viên phi công có bộ ria mép dài hung hung mà bữa trước tôi cho là già mới biết anh ta có 25 tuổi thôi. Với giọng ồm ồm, anh ta kể:
- Tôi có 1 vợ, 1 con lên 4 tuổi. Tôi qua Việt Nam năm 69, 70 rồi về nước, sau đó lại qua, được 3 tháng rồi.

Anh ta cười, nụ cười có vẻ bình dị. Nhìn nụ cười, nghe giọng nói thấy anh ta có vẻ nông dân. Anh ta là chuẩn uý. Bé đưa tặng anh ta quyển lịch, anh ta cảm ơn, mở ra coi và hỏi:
- Hồ Chí Minh?

Anh ta chỉ vào tấm ảnh Bác và chữ Hồ Chí Minh dưới một câu ghi lời Bác. Anh ta ngắm nghía, gật gật đầu và cười. Anh ta tên là Hogan.
Tôi qua hỏi chuyện Henson - 19 tuổi. Anh ta cao nhưng không to, có nét mặt thư sinh và tính tình có vẻ e dè, hay thẹn. Hồi sáng, khi mọi người xúm đến hỏi, anh ta lúng túng ngó quanh và ấp úng không biết nói gì.

Lúc này anh ta đang ngồi trên ghế, cầm cái mũ bộ đội Giải phóng ngắm nghía rồi đội lên, gật đầu vui thú. Anh ta ra hiệu cho Kennơđi chụp ảnh anh ta với chiếc mũ đó. Tôi lại ngồi bên cạnh và nhờ Bé hỏi chuyện. Henson cho biết anh ta sang Việt Nam 2 năm rồi. Tôi hỏi:
- Anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi tới gặp chúng tôi tại đây?
Anh ta cười và nói nhỏ một câu gì đó. Lúc ấy, Hogan chuyển xuống một can nước bằng nhựa. Henson đỡ lấy, dùng nắp hứng và ấn nút cho nước chảy ra mời tôi uống. Đó là thứ nước máy nồng nặc mùi Clo, tanh vô kể. Bé dịch lại lời anh ta:
- Thật khó nói quá!

Kennơđi đang ở buồng lái cũng chồm người qua ghế góp chuyện với chúng tôi. Có lẽ anh ta sợ anh chàng Henson ngây thơ nói những điều hớ hênh với chúng tôi chăng?
Đúng 1 giờ 30’ anh Thanh ra. Chúng tôi nắm tay anh, chúc anh hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người tiễn biệt nhau. Lộc, Thành bắt tay tôi. Lộc chỉ vào tôi và Thành, nói:
- Đôi này có vẻ ăn ý với nhau lắm!

Tôi cười và thầm nghĩ: “Cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao thật phức tạp, tế nhị, phải hết sức cảnh giác”.
Bắt tay và chào nhau lần cuối, Lộc nhắc lại lời cảm ơn: “Quý vị đã cho chúng tôi một bữa ăn thật thịnh soạn”. Có lẽ, đó là câu nói chân thành nhất của anh ta trong ngày hôm nay.

Về nhà tổng kết về buổi tiếp xúc này, rút ra nhiều điều hay.
Anh em dự đoán Thành là tình báo CIA, cấp bậc có thể ngang hoặc cao hơn Lộc, Lộc là tình báo quân đội. Cả hai đều tìm cách dò hỏi và muốn đi quan sát nơi ăn, chốn ở của ta. Riêng tôi, tôi thấy Thành có vẻ muốn dùng đòn ngọt với tôi để lợi dụng khai thác những gì có lợi cho hắn. Có thể hắn đánh giá tôi “ngon ăn” bởi thái độ ôn hoà, “cởi mở” của tôi.

Trong buổi tiếp xúc, anh em ta cũng có nhiều chỗ hớ: nói lộ lý lịch mình, lộ việc, chưa thực hiện nghe nhiều để tìm hiểu địch, phiên dịch chưa lắng nghe xem bọn Mỹ - Nguỵ bàn riêng gì với nhau, cảnh vệ chưa chú ý quan sát bọn địch khi chúng đi vệ sinh xem chúng có làm gì khác không...
Trong khi tiếp xúc với địch, cần phải biết hỏi để moi tin, biết trả lời có vẻ cởi mở mà chung chung. Hanh - phiên dịch, mới đi Đà Nẵng về - cho biết câu chuyện giữa Hanh và tên lính nấu ăn của bọn sĩ quan ngụy như sau:
- Các anh ăn bao nhiêu tiền một ngày?
- Cấp trên chúng tôi cấp bao nhiêu thì chúng tôi nấu ăn bấy nhiêu.
- Thường thường nhà ăn này có bao nhiêu người ăn?
- Dạ, lúc thì nhiều, lúc thì ít người ăn.

Một tên lính còn biết trả lời như vậy, nói chi đến những tên sĩ quan, nhất là những sĩ quan được phân công tiếp xúc với ta.
Chân tình là bản tính của anh em ta - quen sống với nhau cởi mở, thương yêu nhau mà! Nhưng với kẻ địch thì phải biết sống cho có thủ đoạn, biết nói dối như thật.
 
Từ tháng 3 năm 1973

Tiếp tục những ngày chờ đợi, nhưng chưa thấy triển vọng gì về hoạt động của đoàn Liên hiệp quân sự. Đối phuơng vẫn cố tình phá hoại việc thi hành Hiệp định.Tôi vẫn làm việc theo dõi tin tức qua đài và qua các báo cáo để tổng hợp tình hình thời sự giúp đoàn. Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 2, ở các tỉnh đồng bằng Trung Trnng bộ đã có 648 vụ địch vi phạm Hiệp định, trong đó có 323 vụ bắn pháo vào vùng giải phóng (có những trận dùng 8 đến 20 khẩu pháo bắn từ 1.000 đến 3.000 quả đạn vào một thôn), 224 vụ dùng bộ binh từ 1 đại đội đến 4 tiểu đoàn có xe tăng, bọc thép đánh phá vùng giải phóng. Chiều mùng một tết âm lịch vừa qua, tại Quảng Ngãi, một đoàn thiếu nhi xã Nghĩa Thuận xuống Mỹ Lợi, Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa tổ chức đón binh sĩ ngụy về mừng xuân hòa bình, bọn pháo binh ở Gò Huỳnh dùng cối 82 và súng DKZ bắn vào xã Mỹ Lợi, làm chết 2 em, bị thương một số em. Bọn bộ binh còn tới bắt một số em.

Tại Quảng Đà, bọn ngụy huy động pháo binh, bộ binh, xe tăng, xe bọc thép lấn chiếm các xã Xuyên Hòa, Xuyên Thanh, Xuyên Khương (Tây Duy Xuyên) dài ngày, có ngày máy bay thả bom phá, hàng trăm bom bi vào xã Xuyên Thanh làm chết và bị thương hàng trăm thường dân, phá hoại hoàn toàn nhà cửa, hoa mầu. Tại Tây nguyên, có 178 vụ địch vi phạm Hiệp định, với 57 vụ bắn pháo, 59 vụ máy bay, 62 vụ bộ binh; riêng trục đường 14, 19 có ngày chúng bắn tới 1.202 quả đạn pháo.
Tôi mở một lớp đào tạo cấp tốc về nhiếp ảnh cho anh em trong đoàn. Mọi người rất hăng hái theo học và nhanh chóng nắm bắt những kiến thức cơ bản, biết chụp ảnh, tráng phim.

Ngoài Hà Nội vẫn tiếp tục sử dụng tin, bài do Khu Năm gửi ra, trong đó có bài của tôi gửi ra cách đây ít lâu:
Bài đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất Một cuộc dàn xếp Hà Nội ( VNTTX 1-3-1973) - Hòng thực hiện âm mưu lấn đất, bọn chỉ huy quân đội Sài Gòn ở Quảng Nam đã thúc ép đơn vị X hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta sau ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Kiên quyết bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, các chiến sĩ Giải phóng đã chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải cụm lại trên các điểm cao. Đơn vị X quân đội Sài Gòn lâm vào tình trạng nguy kịch, thương binh không được chuyển đi cứu chữa, lương thực không được tiếp tế, trong khi đó, tiếng loa của các chiến sĩ Giải phóng vẫn vang lên.

- Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn! Hiệp định Pa ri đã ký, hòa bình đã được lập lại. Anh em hãy trở về vị trí của mình, đừng cầm súng đánh nhau nữa!
Toàn bộ binh sĩ đều im lặng lắng nghe. Anh em binh lính yêu cầu chỉ huy phải ra dàn xếp với quân Giải phóng. Trước tình hình ấy, ban chỉ huy đơn vị quân Sài Gòn đã liên lạc với quân Giải phóng.

Tới chỗ hẹn, viên sĩ quan được một cán bộ quân Giải phóng dẫn vào nhà. Đồng chí cán bộ mời viên sĩ quan ngồi và hỏi:
- Chắc anh mệt và đói lắm?
Viên sĩ quan khẽ thở ra, đáp:
- Cảm ơn ông. Suốt mấy ngày nay chúng tôi không được tiếp tế...
Đồng chí cán bộ rót nước đưa anh ta uống rồi lấy gói cơm nắm đưa anh ta:
- Mời anh ăn bữa cơm của quân Giải phóng.

Trước thái độ chân tình của đồng chí cán bộ, anh ta cám ơn rồi cầm lấy nắm cơm ăn ngon lành.
Sau đó, viên sĩ quan nói:
- Thưa ông, tôi được cử đến đây để dàn xếp với các ông về việc đổi khu vực trú quân.

Với giọng vừa ôn tồn vừa kiên quyết, đồng chí cán bộ nói:
- Có lẽ anh lầm. Anh phải nói là đến để bàn giao đất cho chúng tôi mới đúng vì đây là vùng giải phóng. Các anh lấn chiếm sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Viên sĩ quan lúng túng:
- Dạ, tôi cũng không nắm vững việc này.

Đồng chí cán bộ hỏi:
- Có lẽ anh chưa được nghiên cứu Hiệp định và các Nghị định thư?
Viên sĩ quan vội đáp:
- Vâng, cấp trên chúng tôi chỉ phổ biến sơ qua.
Đồng chí cán bộ rút trong cặp ra mấy xếp giấy đánh máy, đưa anh ta và căn dặn:
- Đây là các văn bản của Hiệp định, anh đem về cùng anh em đọc cho kỹ.

Thật tai hại, cấp trên các anh cố tình bưng bít sự thật, cố tình đẩy các anh vào chỗ chết.
Ngừng lại một chút, đồng chí cán bộ hỏi:
- Chắc các anh gặp nhiều khó khăn trong việc cứu chữa thương binh?
Viên sĩ quan gật đầu:
- Bị các ông vây chặt, chúng tôi không chuyển thương binh về hậu cứ được, thuốc men cũng thiếu.

Đồng chí cán bộ lấy ra một số thuốc, bông bằng rồi nói:
- Chúng tôi biết rất rõ tình trạng nguy khốn của các anh. Bây giờ, chúng tôi có đủ điều kiện để tiêu diệt các anh. Nhưng thi hành đúng đắn chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, chúng tôi muốn cứu các anh. Anh cầm số thuốc này về tạm băng bó cho anh em và báo cáo với chỉ huy các anh là chúng tôi đồng ý cho các anh chuyển số thương binh về nơi an toàn theo hành lang chúng tôi qui định.
Mặt khác, trong khi chờ bàn giao đất, các anh phải nằm tại chỗ, không được bắn phá bừa bãi.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM