Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:44:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bê trọc  (Đọc 99786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 09:17:20 pm »

THƯ ĐỒNG CHÍ


Vũ Đảo.
Ngày 27/5/1972
Thân gửi Văn Chi, Việt Long!


Mình đã nhận được thư của Chi và Việt Long. Thư của Long có gửi kèm cả 2 mẩu chuyện. Hồi này chắc là Chi và Long có nhiều việc đáng làm lắm, giải phóng rồi, nhiều vấn đề mới nảy ra, không suy nghĩ kỹ thì búi lên đó.

Anh em lại vừa làm một chuyến hành quân nữa, đến nay căn bản làm xong chỗ ở. Tuy vậy, công việc tin tức hàng ngày vẫn bảo đảm. Mình, Chu, Lợi vào chỗ chị Văn (Văn phòng Khu uỷ) từ đầu tháng, còn lãnh đạo thì lúc anh Huấn, nay anh Phương. Công việc khá bận nên viết thư không được nhiều cho Chi và Long, thông cảm nhé.
Anh Toàn đã về tới nhà 10/5, bị sốt mất mấy ngày. Hoàng Chu đi đón hai chuyến mới hết hàng.

Anh Hà cũng đã vào 14/5 (ra đi 14/4), xin được khá nhiều hàng, nhưng chưa chuyển về nhà được vì thiếu nhân lực, anh em lại yếu nhiều. Anh Bình ra Bắc chữa bệnh. Anh Hồng, Đồng đi bệnh xá từ gần hai tháng nay rồi, tình trạng sức khỏe cũng không tiến triển bao nhiêu- Anh Hoài, Phò cũng bị teo chân hoặc tay (bác sĩ khám nói là bị vôi xương và thoái hoá).

Anh Hà về có mang thư của anh Đỗ Phượng, chị Sáu. Vì thời gian gấp rút nên anh Phượng và chị Sáu viết thư chung, thông báo một số tình hình gia đình anh em. Cơ quan có gửi chung một số thuốc bổ, bệnh, một số thuốc hút... nhưng hãy còn ngoài đầu mối, chưa mang về. Dép cao su cơ quan cũng gửi vào một ít (mình xin 9 đôi, bên Hồng Sinh xin 10 đôi nhưng vì trọng lượng trên xe hạn chế nên có 9 đôi cả 2 bộ phận). Riêng mình nhận được thư gia đình và ảnh - cơ quan chụp, anh Hà chụp mang vào.

Cơ quan điện vào cho biết có 6 đồng chí đã lên đường vào: Hồng Phấn, Thanh Tụng, Phước Huề... và 2 cô nữ cho bộ phận Hồng Sinh; có lẽ cũng sắp vào tới nơi.
Chung, Quả, Ca, Quảng thường xuyên viết thư về. Quả có đi Đắc Tô. Quảng bị sốt trận kịch liệt.

Còn công việc thì Long và Chi chú ý nghiên cứu tìm hiểu những nét mới nhất thể hiện: xây dựng vùng giải phóng, sản xuất... sinh hoạt của nhân dân ở nông thôn, thành phố.
Nếu thiếu tiền thì Chi, Long mượn của cơ quan Tuyên huấn sau thanh toán. Bây giờ gửi về không bảo đảm. Khi nào có điện thì về.
Thân thương.
 
Ngày 28/5/1972

Lại xuống trạm giao liên ở Cát Sơn, nơi mà cách đây một năm tôi đã đi qua. Hồi ấy, tôi đến trạm lúc tối đen, và phải hưởng một trận pháo cấp tập. Hồi này, xuống khi còn ráng chiều, vừa lúc một chiếc trực thăng bay tới, rất thấp, chỉ cao hơn mái nhà một chút, nhưng không bắn phá gì. Hồi ấy, đi qua những xóm nhà đìu hiu không một bóng người. Bây giờ, nhà vẫn như xưa và người đông đúc: đồng bào đã phá khu dồn trở về, làm ăn, buôn bán; bộ đội, cán bộ mua hàng, đi công tác.

Tới gần đường số một, ngồi chờ giao liên đón ở một đám ruộng - không vào xóm vì địch có thể phục kích. Trăng sáng vằng vặc. Mong có mây đến che cho trăng bớt sáng để vượt đường cho kín đáo. Tôi ngồi ở một bờ ruộng, ướt nước sương. Ruộng lởm chởm những gốc rạ khô gần mục. Nhìn ra đường số một, thấy phía trái có một cụm cứ điểm địch sáng lên với những pha đèn điện. Cụm này rất lớn, bao cả một khu vực từ dưới thấp lên lưng chừng núi. Từ phía đó, phát ra tiếng máy điện chạy mạnh, nghe như tiếng Honda rồ ga lên dốc.

Thỉnh thoảng, cây pháo đặt trong đó lại bắn một phát, tiếng nổ mạnh làm tôi giật mình. Hình như đó là Sư bộ Sư 22 ngụy hoặc căn cứ của bọn Pắc Chung Hy.

Gió vi vu, lành lạnh. Vẳng từ phía Nam lên tiếng kêu gì đó nghe trầm trầm, âm ấm, âm âm như tiếng kêu của một cây đàn dương cầm lớn mà hòm dây bị mở tung ra, đặt trước một trận gió lớn. Lắng nghe lắm mới nhận ra đó là tiếng động cơ Đa cô ta - nơi ấy là sân bay Gò Quánh.
Gần 9 giờ, giao liên lên, phổ biến:
- Mấy hôm nay, địch kích liên tục ở đường cũ, do vậy, bữa nay phải đi đường khác. Đường này chỉ cách căn cứ địch 50 mét và cách cầu 20 mét. Khi vượt đường sắt, vượt đường số một, phải chui qua cống. Không được chạy qua mặt đường, mà phải chui qua cống.
Bám sát đội hình, vượt nhanh, im lặng.

Sau khi nhấn mạnh mấy câu cuối, anh dừng lại một chút rồi dặn rất kỹ:
- Bọn lính gác cầu và trong cứ điểm hay hô tầm bậy, bắn tầm bậy. Đừng tưởng nó phát hiện ra mình mà chạy.
Bắt đầu đi hàng một, thưa.

Chạy theo một lòng suối khô thấp hơn đường tới hơn một thước, chui vào một cái cống ngầm xây bằng gạch. Cống thấp, phải lết.
Chui khỏi cống, lại theo lòng suối cạn chui vào một cống khác luồn qua đường số một. Cả hai cống đều dài tới hơn chục thước, lòng thấp, phải lết đi. May không có nước, nếu không chắc ướt hết. Tất cả đều yên tĩnh.

Vượt qua một cánh đồng. Vào rìa núi. Bầy te te đánh hơi người bay túa lên, kêu ầm ĩ. Một cứ điểm địch bắn loạn xạ. Từng dây đạn đỏ lừ vạch sáng bầu trời.
 
Ngày 29/5/1972

Đặt chân lên núi Bà. Cụm núi to nổi tiếng vì hồi trước (1969) cả sư đoàn Pắc Chung Hy càn quét và đã đụng độ dữ dội với quân cách mạng. Núi độc một loại cây thấp, cỏ tranh.
Nắng, nóng, mệt.

Đêm, trời tập kích một cơn mưa dữ dội làm nhiều người ướt sũng, phải trùm ni lông ngồi.
 
Ngày 31/5/1972

Vẫn đi trên đỉnh núi Bà. Có nơi đi cách một căn cứ Pắc Chung Hy chỉ một cánh đồng, thấy rõ tháp canh, lô cốt. Nhìn xuống thấy rõ vùng đồng An Nhơn, Phù Cát.
Đường vắt qua những tảng đá cheo leo, gập ghềnh thật khó đi.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 09:19:12 pm »

Ngày 1/6/1972

Tới một trạm nằm tại xã Cát Chánh (Phù Cát). Sát biển rồi. Đi trên đồi trọc nhìn xuống thấy biển xanh rờn đằm thắm.

Chiều, theo trực (giao liên) về Quỳnh Tiến 2. Đi qua những cánh đồng mênh mông, hoang vu. Ruộng ở đây tốt nổi tiếng nhưng bây giờ không ai cấy trồng, cỏ mọc um tùm. Đi thẳng ra biển. Gặp lại những dấu tích cũ của một làng: nền nhà gạch, giếng nước, chum ghè bị tàn phá vì bom đạn, chìm dưới cỏ. Qua một rừng dương dày, có nhiều cây bị pháo bắn đổ ngổn ngang, cháy đen hoặc vàng úa.

Theo dọc bờ biển. Ngoài khơi có hai chiếc tàu thủy lớn đậu nép vào 2 hòn đảo lớn. Sóng ì ầm. Tầm mắt được mở rộng, ngực được hít thở không khí khoáng đãng.
Cơ quan dựa vào các hang đá mà ở.
 
Ngày 2/6/1972

Anh Toàn, Phó bí thư Tỉnh ủy phụ trách khu Đông, đón chúng tôi bằng sự nhiệt tình, niềm nở. Với vóc người hơi cao, nước da hồng hào, khuôn mặt vuông, trán cao, mái tóc hơi quăn tạo thành nếp gọn gàng, anh có dáng vẻ của một trí thức. Anh rất hiểu rõ tầm quan trọng của công tác báo chí. Anh rất mê chụp ảnh. Anh nói:
- Ước mơ của tôi là ra được một tờ báo cho thị xã Quy Nhơn. Tờ báo là tiếng nói, là bộ mặt của chúng ta mà. Tôi muốn các anh giúp cho thị xã ra được tờ báo.

Anh bàn thẳng vào những việc cụ thể để ra báo. Nhiệt tình của anh lôi cuốn tôi và Cao Duy Thảo vào không khí chiến đấu ở chiến trường mới một cách mau chóng.

Khu Đông nổi tiếng về muỗi. Bọc võng trở nên bất lực: mặc dù nó được phủ nắp kỹ, muỗi vẫn bò theo thành nó mà luồn vào được, mỗi đêm ít nhất có mấy chục con muỗi nhờ thủ đoạn đột kích ấy mà hút được máu người. Ngủ thiếp đi một lúc, muỗi cắn đau lại choàng dậy, nắm 2 thành bọc võng mở ra, khép lại tạo thành những luồng gió quạt chúng ra.
 
Ngày 4/6/1972

Ở với Tuyên Huấn thị xã, ngày ngày qua dự trực báo bên Thường vụ Thị ủy. Chúng tôi đều ngóng một tin từ Quy Nhơn ra: từ hôm qua, đã nghe đài địch nói đến một vụ nổ giữa thị xã, có đúng là vụ nổ do ta bố trí không?
7 giờ 5 phút, một phụ nữ người nhỏ nhắn bước vào phòng họp và mọi người đều ồ lên mừng rỡ. Anh Toàn nói:
- Cô đem tin phấn khởi đến cho anh em chứ, cô Kiên?

Kiên cười, bước lại ngồi ở ghế và nói luôn:
- Chà mừng quá, nổ đúng như kế hoạch. Khi tôi tới gặp anh L, anh ấy nói: “Phải đánh ngay trong sáng hôm nay vì tất cả bọn chỉ huy cao cấp của Bình Định đều tập trung họp ở Trung tâm hành quân Bình Định”. Nhưng không có kíp 4 giờ. Tôi đưa kíp 2 giờ. Anh ấy nhận, rất phấn khởi, nói: “Thôi, may rủi. Kíp 2 giờ, cấn quá nhưng ráng đánh. Có đổi bằng gì cũng phải đánh trong ngày hôm nay”. 5 rưỡi sáng 2/6, anh ấy đem vào đặt giữa phòng họp dưới hầm ngầm, 7 giờ 15 nổ. Sập hết hầm, chết hết bọn nó. Cuộc họp này do tên đại tá Chức, tỉnh trưởng, chủ trì. Không biết có nó dưới ấy không nhưng từ hôm đó đến nay không thấy nó, bọn chúng đang đi kiếm. Chúng rào chặn đường không cho ai tới coi và cho 3 máy bay cần cẩu tới trục hầm, lấy xác. Đợt đầu mới khiêng được 15 xác phía ngoài. Sau đó tôi đã gặp lại anh L, anh rất phấn khởi và cho biết không bị tụi nó nghi gì. Tụi nó bắt một nửa số lính bảo vệ trong khu này.

Mọi người sôi nổi bàn về ý nghĩa thắng lợi của vụ này. Tôi nhìn chị Kiên, hết sức thán phục. Chiến công này thuộc người lính ngụy nội ứng kia một phần, nhưng phần lớn, phải dành cho người phụ nữ nhỏ nhắn, bình dị ấy. Chính chị xây dựng anh thành cơ sở, cùng anh xây dựng phương án và đưa thuốc nổ vào giữa thị xã đầy quân địch.
Chị Kiên kể tiếp:
- Sợ rủi ro, tôi đưa cả 6 kíp cho anh L. đánh một lượt.
Một anh nói xen vào:
- Tôi dành cả phần của chiếc tầu cho vụ ấy đấy. Tàu chở vũ khí đến, đánh ngon mà phải dừng, chưa đánh.

Chị Kiên lại nói:
- Anh L. nói, lúc 10 giờ anh tới coi, thấy hầm tung ra hết. Trụ sắt, máy móc biến thành những mảnh vụn. Lúc tôi vô, nghe 2 thằng lính nói chuyện với nhau: “Mày có vô Trung tâm hành quân chưa?” - “ Có, dễ sợ quá!”. Biết là vụ của mình, tôi cố lắng nghe nhưng chúng không dám nói nữa. Tới Đập Đá, ngứa cổ, chúng lại nói:
“Hầm ngầm của bộ chỉ huy ở Trung tâm mà còn sập, nói chi đến lũ mình”. Chúng rùng mình, nói mãi: “Dễ sợ quá, dễ nể quá!”. Còn thằng Lân, thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/10, mới thoát chết ở Hoài Nhơn về, cứ ngồi gục mặt than: “Không còn biết tin ai nữa”.

Nghe chị Kiên kể chuyện, tôi lại tức cười cho sự tuyên truyền lừa phỉnh của địch. Đài BBC, đài Manila đưa tin về vụ này: “Đặc công Cộng sản đặt chất nổ làm sập một hầm ngầm ở Quy Nhơn, chết 3, bị thương 15 người. Tên đặc công mặc giả sĩ quan không quân đã bị chết tại trận vì quả mìn nổ quá sớm. Chính phủ còn bắt được 9 đặc công khác!”. Thật là dựng đứng chuyện mà không biết ngượng mồm.

Khi mọi người vừa thảo luận xong thì anh Châu - cán bộ binh vận tỉnh - tới. Anh Châu được cử đi công tác ở vùng ven, không biết tại sao lại về. Anh Toàn hỏi:
- Sao, ông Châu nghe gì chưa?
- Có chứ, nghe một vụ nổ ở thị xã.
- Thấy thế nào?

Anh Châu lúng túng, cười trừ.
- Thấy thế nào, có bàn bạc gì không?
- Dạ có, anh Vương có báo tin cho anh em bộ đội và phát động hoạt động mạnh để phối hợp, tôi có họp một số cơ sở động viên họ hành động.
- Hoạt động ra sao?

Anh Châu trả lời ngắc ngứ, rề rà, vòng vèo, đại ý: đơn vị bộ đội đi đánh mục tiêu đã định nhưng địch cho quân kích đường nên phải dừng lại, địch tập kích 2 lần vào xóm Đăng, có cả tàu rọ phối hợp.
Anh em tản khai hết, chỉ để một số ở lại bố phòng, nhưng chúng tới nhanh quá, không kịp...

Anh Toàn ngắt lời:
- Thế có loan tin chiến thắng cho đồng bào nghe không? Có đưa đồng bào vào thị đấu tranh không?
- Dạ không!
- Đó, thế mới chết. Các ông chỉ thấy tầu rọ quần, lính kích mà lo cuống lên, không dám hoạt động. Anh biết không, cú đánh vừa rồi là cú đánh lớn lắm, làm bủn rủn hết bọn địch, nhất là bọn chỉ huy. Nó phối hợp với Phù Mỹ rất tốt. Nó giáng vào bọn đầu xỏ, làm cho số còn lại rụng rời tay chân. Cũng còn phải rất lâu chúng mới sắp xếp lại được tổ chức, ổn định lại được tinh thần. Anh biết không, chúng cho rằng đó là cú đánh mở màn để ta chiếm Quy Nhơn mà, chúng đánh giá ta cao lắm mà, chúng hoang mang dữ vậy mà. Nhưng, Quy Nhơn là chỗ cuối cùng của chúng, chúng phải cố giữ chứ, do vậy chúng mới đẩy quân ra giữ rìa. Làm vậy, mà trong bụng run lắm. Lẽ ra, ta phải hoạt động mạnh lên chứ. Đánh điểm không được thì phải chia ra đánh nhỏ chứ. Phải đưa đồng bào vào thị làm xôn xao dư luận, tấn công tư tưởng binh lính địch chứ.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #92 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:34:18 pm »

Chỉ cần kéo vào, hỏi thăm thôi: “Sao, mìn nổ thế nào mà dữ vậy?
Ông tỉnh trưởng đâu không thấy lên ti vi nói, hay là bị lấp dưới hầm rồi?” v.v.. thì cũng đủ làm cho địch hoang mang rệu rã thêm rồi. Vậy, mà làm không được. Bỏ qua mất 2 ngày rồi.

Anh Châu cứ ngồi im mà nghe.
Những ngày tiếp theo, tôi tranh thủ gặp một số cơ sở từ trong thị xã ra khai thác tài liệu để viết tin, bài. Đồng thời cùng Cao Duy Thảo, Mai ái Trực biên tập số báo đầu tiên cho thị ủy Qui Nhơn. Bài vở cũng khá phong phú. Chúng tôi cố gắng viết ngắn cho phù hợp với tờ báo khổ nhỏ và với điều kiện lưu hành bí mật trong vùng địch kiểm soát. Việc in ấn được tổ chức ngay tại chỗ, vì nhà in tỉnh đã chi viện cho vùng Đông cả máy móc, chữ, khuôn, cả công nhân in.

Tại đây, tôi được nghe nhiều chuyện cảm động của vùng Núi Bà này những năm gian khổ, ác liệt. Có thời gian, địch bao vây dữ quá, hết cả thức ăn, phải xoay đủ thứ mà nuôi thân. Hồi ấy có anh Sang nổi tiếng về bắt chuột: đêm, anh nằm trong hang đá, để bàn chân nhử chuột - lũ chuột ở đây rất dữ, dám gặm cả chân người - khi chuột tới gặm bàn chân, anh nhanh chóng co gối, làm sập chiếc bẫy làm bằng chiếc thau nhôm lớn. Có đêm, bắt được 5 - 7 con chuột to sù. Có trận, bom làm sập một lèn đá, nhốt chặt một cô gái trong đó. Lèn đá không sập hẳn, không đè chết cô, nhưng bịt chặt mọi ngõ ra. Anh em phải đưa thức ăn, nước uống qua khe đá vào cho cô.

Nuôi cô trong sự bất lực, chỉ là sự an ủi khắc khoải của một sự sống không lối thoát. Được gần một tuần lễ, địch càn lên, đành đặt vào miệng hang những khẩu phần cuối cùng, nắm bàn tay gầy guộc của cô lần cuối cùng, rồi gạt nước mắt chuyển sang ngọn núi khác. Khi địch rút, quay lại, chỉ còn nhận được mùi tử thi...

Đài tiếng nói Việt Nam phát lại nhiều lần bài viết sau đây của tôi đăng trên Bản tin đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã:
 
Hoài Nhơn, bão táp và ngày mùa

Hà Nội (VNTTX 4-6-1972)
- Lòng tràn ngập niềm hân hoan phấn khởi, chúng tôi hăm hở tiến về thị trấn Bồng Sơn vừa được giải phóng. Ngay từ vùng ngoại vi thị trấn, không khí đã vô cùng sôi nổi. Đây là ấp chiến lược T vừa được giải phóng, chính quyền cách mạng đã thành lập. Ngày cũng như đêm, ở đây rầm rập bước chân người. Đồng bào đào hầm hố trú ẩn, hào giao thông dọc đường.

Buổi sáng trên đường, hàng đoàn tù binh từ thị trấn kéo ra. Hàng chục chiếc xe ô tô, Hon đa chở đầy những vũ khí thu được của địch.
Người cưỡi xe, kẻ đi bộ, người gồng gánh, kẻ khoác ba lô... tất cả đều hối hả. Ai nấy mang trong lòng niềm vui tràn ngập...
Trên đường phố Bồng Sơn đầy những mũ sắt, giầy vải, những băng đạn, những đống quần áo lính, và những khẩu súng của quân địch vứt lại.

Nổi bật trên những tường nhà là những khẩu hiệu mới viết còn tươi nét mực: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Toàn dân kiên quyết giữ vững vùng giải phóng”... Ngay ngã ba bên Chi Thông tin cũ, hai cổng chào lớn được dựng lên. Cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam phấp phới trước các ngôi nhà, dọc đường số một. Trước một ngôi nhà gạch có treo tấm biển “Trụ sở ủy ban Nhân dân cách mạng thị trấn Bồng Sơn”. Kề bên đó là nhà “Đón tiếp binh lính, sĩ quan ngụy trở về với nhân dân”. Cả hai nhà đều chật ních những người.

Những người trước đây làm cho địch lần lượt đến trình diện với chính quyền cách mạng. Họ gồm đủ loại: binh sĩ Cộng hoà, Bảo an, nhân viên hành chánh, đại diện xã, ấp trưởng...
Rời thị trấn, chúng tôi vào nhà ông Ngô. Ông có người con trai thứ hai đi lính vừa mang súng trở về. Anh ta kể:
- Em muốn về từ bữa đầu nhưng bọn chỉ huy kẹp chặt quá.

Hôm sau vừa thấy em lên khỏi hầm, thằng Trung đội trưởng đã quát: “Lên tao bắn!”. Em liền lia cho nó một băng đạn. Nó gục trước cửa hầm. Em chạy thoát. Thấy vậy, nhiều anh em khác cũng chạy theo.
Lực lượng địch tan ra từng mảng. Chỉ sau mấy ngày bị tấn công, hơn 100 trung đội dân vệ, phòng vệ dân sự đã tan rã. Đồng bào ở nhiều xã đã vào tận đồn bốt địch, thậm chí vào cả trong trận địa, kêu gọi binh sĩ bỏ hàng ngũ địch về vùng giải phóng.

Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện thì ở phía tây nam, tiếng pháo 105 ly vẫn gầm dữ dội. Ông Ngô bảo:
- Pháo của ta bắn vào Đệ Đức đấy!
Những quả đạn pháo lao vun vút qua đầu chúng tôi, dội bão lửa xuống căn cứ địch đang bị vây chặt.

Trưa hôm sau, tôi gặp một đoàn hàng binh từ căn cứ Đệ Đức tới. Nguyễn Chất, binh nhì, thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 40, kể lại những giờ phút kinh hoàng ấy:
- Bị bao vây, chúng tôi rất khiếp sợ, pháo của các ông bắn quá trời. Hôm qua pháo nổ trúng kho đạn, máy bay tới thả dù tiếp tế nhưng bay quá cao, thả ra ngoài đồn hết...

Câu chuyện đang dở dang thì có người tới báo tin căn cứ Đệ Đức đã bị quân ta tiêu diệt. Thế là toàn huyện Hoài Nhơn đã được giải phóng. Chúng tôi theo đường số một tiến thẳng về Tam Quan.

Kỳ diệu biết bao, chiến công của 22 ngày tiến công và nổi dậy, quân dân Hoài Nhơn đã cuốn 80 chốt điểm và 2 chi khu quân sự vào hàng kiên cố nhất của địch tại tỉnh Bình Định.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #93 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:36:21 pm »

Thị trấn Tam Quan rực rỡ cờ và khẩu hiệu cách mạng: “Nhiệt liệt hoan hô quân giải phóng đánh mạnh, thắng to!”, “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi!”.

Trên cột cờ giữa thị trấn, lá cờ Cộng hòa miền Nam Việt Nam cỡ lớn tung bay phần phật, nổi bật lên giữa màu xanh đằm thắm của những vườn dừa. Dừa êm ả tỏa bóng mát xuống đường phố, nườm nượm người qua lại. Các nhà hàng, hiệu buôn vẫn mở cửa.

Bận rộn nhất có lẽ là các hiệu may và các nghiệp đoàn xe lam. Đồng bào đua nhau may cờ Cách mạng, các thợ may phải làm việc ngày đêm và phải vét hết vải màu ra mà vẫn không đủ. Còn các thanh niên lái xe lam thì rất hãnh diện được lái xe phục vụ cho yêu cầu của Cách mạng. Công nhân xe lam cũng như những người đánh cá, những thợ tiểu thủ công... đã lập những tổ công đoàn để giúp đỡ nhau và phục vụ Cách mạng tốt hơn. Một thanh niên vui vẻ nói:
- Sớm nào chúng tôi cũng lái xe tới Đệ Đức để chờ súng đạn, gạo. Chu cha, nhiều lắm! Hàng dẫy kho. Cả xe tăng, pháo và những hòm đạn còn nguyên vẹn nữa.

Đường phố Tam Quan nô nức, nhộn nhịp trong khí thế chiến thắng và cảnh giác. Có chiếu phim, có văn công, có cả những lớp huấn luyện về sử dụng vũ khí, cứu thương và xây dựng chiến hào.
Rời thị trấn, chúng tôi về vùng nông thôn. Qua mỗi thôn xã, chúng tôi đều gặp những trụ sở ủy ban Nhân dân cách mạng, có cán bộ đang giải quyết công việc cho dân. Chính quyền cách mạng từ huyện đến xã, thôn nhanh chóng phát huy hiệu lực của mình.

Về Hoài Châu, những thay đổi trong các thôn xóm làm tôi càng ngạc nhiên và sung sướng! Những con đường từ đồng vào thôn xóm được dọn sạch sẽ. Các rìa làng được rào kỹ lại. Trên trục đường, cứ 5,7 thước lại có một hố trú ẩn. Rất nhiều đường hào chạy ngoằn ngoèo dọc các con đường lớn hoặc len lỏi trong những vườn dừa. Ở những vị trí xung yếu đều có du kích gác.

Gặp chúng tôi, anh Huỳnh Chí Đức, Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng xã, vồn vã mời tới họp. ủy ban đang phải lo giải quyết hàng loạt công việc của chính quyền cách mạng. Các anh các chị đang bàn tổ chức Đại hội nghĩa binh của những người trước đây ở trong quân ngụy đã lập công trở về với nhân dân.

Anh Đức nhắc cán bộ trong thôn chú ý lãnh đạo đồng bào gieo đủ mạ để cấy vụ tám, khẩn trương cấy cho kịp thời vụ giống lúa ngắn ngày và chú ý trồng thêm rau màu. Tôi nhớ lại cách đây ít ngày, khi xã huy động toàn dân đi vây đồn địch thì lúa đang chín rộ, vàng rực cả cánh đồng. Lúc ấy, đồng vắng tanh, vắng ngắt. Cầm bông lúa nặng trĩu, vàng khô, tôi không khỏi lo lúa bị rụng hết.

Nhưng khi đồn địch đã bị san bằng thì Hoài Châu lại dốc toàn lực ra đồng, làm không kể ngày đêm, thu vụ lúa tốt chưa từng có.
Trời tháng 5 vẫn dội nắng lửa xuống và cánh đồng vẫn rợp bóng người. Từ những cánh đồng Liễu An, An Quý, Thành Sơn, Bình Đê... tiếng cười nói của những người cày bừa, gieo cấy vang lên rộn rã.

Một mùa lúa bội thu đã được gặt và cất giấu kỹ lưỡng, gọn gàng. Người dân Hoài Nhơn lại bắt tay vào vun xới cho một vụ mùa tới với niềm tin sẽ được thu hoạch những thành quả to lớn hơn, rực rỡ hơn.
Việt Long (Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng)
 
Ngày 8/6/1972

Theo các anh ở Thị Uỷ, bài viết nói trên có sức cổ vũ lớn đối với vùng Đông, ngay cả đồng bào trong Quy Nhơn cũng nghe, và mong sớm đến ngày tấn công, nổi dậy giải phóng quê hương như đồng bào Hoài Nhơn.

Thứ sáu 16/6/1972

11 giờ rưỡi, sau bữa cơm trưa, tôi cầm quần áo đi tắm. Mới tới quá hang đá nhà bếp, nghe 2 tiếng nổ rầm rầm. “B.52!” - thoáng nghĩ vậy, tôi bật trở lên. Bom nổ rền hàng dây. Chạy vấp đá, ngã mấy lần. Lượng sức không chạy kịp lên cửa hang, tôi nhìn qua phía tay trái, thấy một cửa nhỏ thông vào hang. Vội vứt hết quần áo, khom người, đưa 2 tay ra phía trước, nhảy phóng tới như người nhảy xuống nước để bơi. Vừa chạm đáy hang, nghe một tiếng nổ “Rầm” nữa. Tối tăm hết thảy.

Những vật gì đó nặng trịch đè lên đầu, lên mình tôi. Những tiếng nổ vẫn dội lên liên tiếp. Tôi nghĩ: “Rồi đó, chuyến này chắc đi đời rồi!”. Im lặng. Tôi vùng lên. Mở mắt ngó quanh thấy khói bụi bốc lên mù mịt. Quanh tôi, mấy cô gái bò lê, quần áo rách bươm, máu me bê bết. Mấy cô la lên:
- Chết thôi anh ơi, bây giờ làm sao!
Tôi nói:
- Cứ ngồi im!

Nhìn quanh, thấy hang trống rỗng, tôi nói:
- Các em lên hang phía trên đi.
Phía cửa hang phía trên, Hạnh nằm gục, kêu “Khò! Khò!” như tiếng rống quái dị.

Tôi không thấy đầu cô ta đâu, chỉ thấy nửa thân mình phía dưới của cô trần truồng, lấm bụi đất. Trong khi 5 cô gái kia dắt díu nhau chạy lên hang trên thì tôi lại moi đất, kéo Hạnh dậy. Áo Hạnh rách bươm hết. Quần Hạnh chỉ còn 2 ống chân. Tôi thấy một vết thương lớn sau lưng cô. Hạnh kêu:
- Gì mà tội thế này anh ơi!

Tôi đặt Hạnh nằm ngay thẳng, vơ một chiếc khăn mặt rách băng vết thương lại, lấy mấy miếng dù rách phủ lên thân thể loã lồ của cô. Tôi chạy lên gọi thêm người xuống thì gặp Mai Ái Trực. Hai người trở xuống. Lúc này, tôi mới thấy cánh tay trái của Hạnh bị gãy nát. Tôi mở một cái ba lô nằm lăn lóc dưới đất lấy một cái quần đưa Trực mặc cho Hạnh và kiếm giẻ buộc tạm cánh tay Hạnh lại.
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:37:55 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #94 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:42:07 pm »

Tôi và Trực vực Hạnh dậy, nhưng đuối sức quá. Trực lên gọi Hà xuống. Chúng tôi khiêng Hạnh lên hang đá lớn, đặt nằm ở giường, băng lại cho kỹ hơn. Nhìn cánh tay, tôi đau lòng quá: nó nát hết xương rồi, chỉ còn lại một ít thịt bầy nhầy. Tôi bẻ que, bó cố định.

Máy bay địch tiếp tục đến oanh tạc. Bom phá. Bom xăng. Bom bi.
Các loại bom tiếp tục dội xuống. Pháo biển bắn tới rầm rầm. Hạnh vừa rên, vừa nói:
- Bắn nó rớt mấy cái cho nó hoảng! Anh ơi giúp giùm em với!

Hạnh kêu khát nước. Chúng tôi không cho Hạnh uống.
Xế chiều, địch ngừng bắn phá. Chúng đưa tàu chiến, bo bo, xà lan cặp sát bờ biển, đổ bộ chừng 2 đại đội. Súng nhỏ nổ rộ phía núi sát biển.

Trực thăng cũng quần lượn, phóng pháo dưới đó. Chúng tôi thu dọn đồ đạc, đưa hết anh em lên hang đá Hội trường. Hang đá rộng, đông người Hai quả bom nổ cách nhà bếp từ 5 đến 10 mét làm tanh bành tất cả. Quần áo bay tung lên, mắc vào cành cây. Những ống đạn pháo dùng đựng nước biến mất hết. Gạo đổ vung vãi trong hang.

Kiểm tra lại, tổn thất của chúng tôi gồm: Hương (công nhân in, vừa ở tỉnh xuống với tôi) hy sinh, Hạnh bị thương nặng, Hoa, Tuyết bị thương vừa, Nào, Thanh, Thủy bị sức ép làm tức ngực, mệt.

Hương định đi tắm, vừa tới cửa hang dưới thì trúng bom! Hương là con trai của anh Đức - Bí thư Xã ủy Hoài Châu, người mà tôi rất khâm phục, đã ghi chép chân dung khá kỹ. Tôi giở sổ vẽ sơ đồ khu vực bị bom, hang đá, nơi chôn Hương để nếu có dịp thì trao cho anh Đức.

Tôi cũng bị sức ép làm bùng tai, mệt nhoài. Từ hôm nay, tôi bắt đầu được tiếp xúc thêm với một thế giới lạ lùng, thế giới của những tiếng kêu liên tục: tiếng o o như ve sầu, như dế mèn kêu, tiếng xạo xạo như tiếng những bước chân trên cát, tiếng u u như tiếng máy biến thế điện. Còn những âm thanh ở bên ngoài dội tới trở nên xa xăm hơn, nghe văng vẳng. Khái niệm về âm lượng bị lu mờ làm cho tôi không rõ mình nên nói tới mức nào cho mọi người vừa nghe.
 
Ngày 17/6/1972

Hạnh tiếp tục rên la vì đau đớn, vì khát nước. Suốt buổi sáng, cô tỉnh táo, nói nhiều. Cô đòi uống nước, đòi thay quần áo, đòi tắm, đòi mở băng. Cô la mọi người làm biếng, nước ở suối mà không chịu vác về. Cô rủ Tuyết đi xuống suối. Cô gọi tên tôi, Trực.

Tôi đến ngồi bên, an ủi Hạnh. Thương vô cùng. Cô bé này 18 tuổi, ở Phước Hậu (ven thị xã Quy Nhơn), mới đi thoát ly ít tháng.
Hồi mới ra, cô luôn khóc, đòi về, nhưng qua những ngày sống với tập thể, được giáo dục, cô rất phấn khởi, luôn vui hát và đang học đánh máy.
Hạnh đòi xuống đất nằm, vì nằm võng tức. Tôi lấy tấm đệm và tấm ni lông trải cho Hạnh nằm. Hạnh vật vã kêu đau, kêu khát, đói. Tôi hòa bột đậu xanh với đường cho Hạnh uống. Hạnh mửa ộc ra. Tôi lấy lon hớt vào, lấy khăn lau cho Hạnh. Hạnh nhìn tôi, nói:
- Tội anh Long quá!

Thay băng cho Hạnh. Vết thương bị bẩn quá, rất hôi. Lúc này, tôi tìm ra thêm một vết thương nữa ở mông trái của Hạnh. Vội chỉ cho y tá rửa, băng lại. Vết thương này đã nhiễm trùng. Phải lấy kéo cắt đi những chỗ thịt thối. Kéo tụt một bên quần Hạnh xuống.
Hạnh cứ nắm lưng quần, kéo lên, kêu:
- Người ta đông um sùm mà, đậy lại cho em, anh!

Tôi lấy tấm dù phủ ngang bụng cô, nói:
- Em nằm im cho chị Tùng chữa mới lành, anh đắp kín cho em rồi.
Sau khi rửa vết thương, Tùng dùng kéo cắt lưng quần để cởi ra, thay quần khác. Hạnh níu không được, la:
- Thôi rồi, bắt tôi ở truồng!

Rửa qua vết thương ở lưng. Vết thương sâu quá, thọc panh vào lút đến 2, 3 phân. Hạnh kêu, khóc:
- Trời ơi, làm thịt tôi đấy à! Thương dùm tôi với, anh Long đỡ em dậy.

Băng lại vết thương ở tay. Hạnh vật vã. Tôi hiểu Hạnh đau đớn vô cùng. Lòng tôi như có muối xát. Tôi nắm tay Hạnh, vuốt tóc, vuốt má Hạnh, dỗ dành cô mong làm dịu được chút nào nỗi đau đớn ấy.
Lại dùng kéo cắt áo Hạnh, cởi ra. Cô cũng níu lại, kêu:
- Thôi thế là quần không có, áo không có.

Mặc quần rộng, áo rộng cho Hạnh, Hạnh kêu:
- Mặc gì lạ vầy? Như ông thày chùa!
Gần tối, đưa Hạnh, Hoa, Tuyết đi bệnh xá. Riêng Hạnh thì đi mãi mãi! Tới gần trạm xá, Hạnh đã tắt thở!
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #95 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:51:46 pm »

Ngày 18/6/1972

Đã thu dọn xong đồ đạc, bắt tay vào công tác chuyên môn. Anh Khiết hướng dẫn một số thanh niên nhặt xếp lại chữ máy in. Bom hất đổ mất mấy bát chữ. Đó là những bát chữ chuẩn bị cho số báo đầu tiên của Thị ủy Quy nhơn. Đã hốt lại, chữ lẫn với đất cát. Dù sao, mấy ngày nữa sẽ ra báo.
 
Thư gia đình
Phạm Hùng Việt.
Miền Tây, 18/6
Anh Long thân mến!


Đã lâu, hôm nay em lại nhận được thư anh gửi vào cùng với thư của gia đình. Đọc thư anh em rất phấn khởi với tình hình công tác cũng như sức khỏe của anh Sau khóa huấn luyện tân binh em được bổ sung về đồn biên phòng 53 Công an vũ trang Nghệ an, nằm giữa vùng biên giới Việt Lào, giáp với tỉnh Bu Li Khăm Xay của bạn. Thời kỳ đầu chắc anh cũng hiểu em cảm thấy rất vất vả trong mọi mặt công tác cũng như sinh hoạt.

Vùng em ở ngay dưới chân Trường Sơn, leo qua Trường Sơn là sang nước bạn, do vậy đường đi rất khó khăn, ra khỏi cổng đồn là phải trèo núi. Dân ở đây toàn đồng bào dân tộc gồm Thái, Tày, Mèo. Công tác trung tâm của đồn em là làm công tác cơ sở, nắm tình hình chung để bảo vệ biên giới, hàng tháng có đi công tác ngoại biên sang bạn. Cho đến nay, trải qua hơn một năm em đã tương đối quen với công tác và có thể chịu đựng được gian khổ, kể cả việc đi bộ hàng 7-8 ngày đường rừng. Do học tiếng dân tộc nhanh nên em đã nói chuyện được bằng tiếng dân tộc với mọi người nên phục vụ được tốt cho công tác. Dân ở đây rất tốt nên công tác tiến hành cũng thuận lợi. Ăn uống, sinh hoạt ở đây gặp nhiều khó khăn, hiếm rau, em đã gặp và phải chịu đựng nhiều cái thiếu thốn như thời gian đầu tiên mới vào trong đó anh đã gặp. Lúc đầu, những cái đó đối với em rất vất vả.

Tình hình biên giới ở đây cũng tương đối phức tạp vì bên bạn mới giải phóng, chính quyền còn non yếu. Từ tháng 10-12 tình hình càng rắc rối vì địch đổ quân về chiếm lại, dân đó là dân Mèo nên đại đa số theo địch, hồi đó cơ động ở đồn em phải đi hết, tỉnh cũng phải điều cơ động lên, vất vả đến 3- 4 tháng mới yên được.

Về sức khoẻ, em vẫn giữ được như thời gian mới lên. Cũng như anh, em chưa hề bị sốt lần nào cả, trong khi đó đơn vị sốt rét rất nhiều, có đồng chí mới đến đã sốt liên tục, phải đi điều trị hàng tháng. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay em đã quen với công tác cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong thư anh trao đổi với em về việc tu dưỡng, phấn đấu, những điều anh nói rất có ích cho bản thân em. Hồi đầu mới về, nghe hai tiếng “sinh viên”, một số đồng chí có những ấn tượng nọ kia với em (sau này em mới hiểu) nhưng rồi qua công tác, lao vào thực tế, em đã cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao như làm công tác trị an, vận động quần chúng, củng cố các đoàn thể thanh, thiếu niên... dần dần em đã được tập thể tin tưởng. Đúng như anh nói, phấn đấu vươn lên Đảng rất khó, nếu động cơ không đúng đắn, tỏ ra nóng vội thì dù tích cực đến mấy, nói hay biết mấy anh cũng không đạt được, em sẽ ghi nhớ lời anh, coi đó là những kinh nghiệm trong cuộc sống. Về bản thân, đầu năm nay em đã được chi đoàn đề nghị và Chi bộ đã công nhận vào hàng ngũ đối tượng Đảng. Đó là nguồn động viên lớn đối với em nhưng đó cũng chỉ là những cái ban đầu. Em hiểu muốn đạt được ước mơ của mình, em còn phải chịu khó rèn luyện hơn nữa, học tập và phấn đấu hơn nữa. Rất tiếc là ở xa anh quá, em không được sự giúp đỡ và trao đổi thường xuyên của anh.

Một số thằng bạn cùng đi với em đã được gọi về trường tiếp tục học hết chương trình để sử dụng chuyên môn. Về việc này, nghĩ lại quá trình học tập em nghĩ nếu được học thêm thì càng tốt nhưng nếu không em vẫn tin tưởng, yên tâm phục vụ lực lượng, phấn đấu cho sự nghiệp của mình. Về viết, vì ít thời gian quá, tuy vậy em vẫn viết bài gửi cho báo Công an vũ trang, mới đây hồi tháng 1-2 em được Ban chính trị tỉnh điều về đi công tác trong 2 tháng ở một đơn vị Công an vũ trang, viết về những con người, những thành tích của đơn vị đó. Em viết được 3 bài thuộc thể loại người tốt, việc tốt, có lẽ cuối năm nay bài mới được in, khi đó gửi được để anh góp ý thì hay quá.

Về gia đình ta, chắc bố mẹ, các anh và các em đã gửi thư kể cho anh nghe, em không nhắc lại nữa, chỉ mong khi nào anh em được về gặp nhau, gia đình sum họp đông đủ thì vui quá. Về chuyện riêng, anh đã nghĩ đến việc xây dựng gia đình chưa? ở hoàn cảnh như anh bây giờ cũng khó, cả em cũng vậy, tuy nhiên em còn ít tuổi nên chưa phải lo đến chuyện đó.

Em luôn mong nhận được thư của anh, nếu gửi ra được anh cứ gửi theo địa chỉ hòm thư cho em thì rất tốt.
Cuối thư, chúc anh luôn khỏe mạnh, dày dạn trong cuộc sống, vững vàng trong nghề viết.
Luôn nhớ tới anh
Em trai Hùng Việt
ĐC: HT:6256.VG

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #96 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 07:56:25 pm »

Từ 22 đến 30/6/1972

Dự hội nghị Thị ủy mở rộng.
Anh Toàn phân tích tình hình: Thế của địch đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Cả một hệ thống phòng ngự của chúng ở phía Bắc tỉnh đã bị quét sạch. Đường số một bị cắt đứt từ Bình Khê tới Đèo Nhông. Đường 19 bị ta khống chế một thời gian dài. Địch bị bao vây, chia cắt không sao gỡ nổi.

Trong toàn tỉnh, địch có 2 trung đoàn Cộng hòa - bị đánh tan tác, nay tập hợp lại tương đối đủ về số lượng nhưng ô hợp, binh lính hoang mang dao động, cầu an, số đào, rã ngũ tăng. Quân số địch trước chiến dịch A1 là 4 vạn, bị ta diệt khoảng 2 vạn tên, số còn lại phần lớn là địa phương quân. Quân giữ thị xã Quy Nhơn phần lớn là địa phương quân, với cấu trúc công sự không phải mạnh. Về lực lượng cách mạng tại Quy Nhơn: thế càng cao, lực càng mạnh, tạo được thế tấn công, chia cắt địch, có hậu phương gần gũi, vững chắc là các huyện phía Bắc tỉnh, đồng thời có nhiều vùng giải phóng nằm sâu trong lòng địch.

Anh Toàn nhấn mạnh về quyết tâm của chúng ta: Tiến tới giải phóng toàn bộ tỉnh Bình Định. Dốc toàn bộ lực lượng cho phía Nam, giành toàn bộ nông thôn. Binh vận phải đưa lên quy mô lớn hơn.
Kết hợp với phong trào quần chúng phải tổ chức được binh biến ly khai trong quân đội Ngụy. Với Quy Nhơn, sẽ giải phóng bằng 3 mũi giáp công. Cú đấm quân sự sẽ mạnh chưa từng có. Trách nhiệm của địa phương là phải đưa cú đấm nổi dậy và binh vận lên mạnh tương ứng.

Suốt mấy ngày thảo luận để quán triệt tình hình, nhiệm vụ và xây dựng phương án. Gay nhất là phương án - làm sao phải truyền được hơi thở mới này vào quần chúng, xây dựng thực lực nhanh, đưa quần chúng vào tổ chức và hành động mạnh mẽ? Những cán bộ hợp pháp hoạt động trong Quy Nhơn phát biểu rất sôi nổi.

Ở đây, tôi gặp một cô gái 18 tuổi, hoạt động hợp pháp tại Quy Nhơn: Phương. Người Phương nhỏ bé như con gái 14, 15 tuổi. Cô có đôi bàn tay rất đẹp với những ngón tay búp măng trắng hồng.

Phương hồn nhiên, nhí nhảnh nhưng lại bị địch tra tấn ảnh hưởng tới thần kinh. Ngày nào Phương cũng lên cơn, sau đó nói nhảm như người mất trí chừng 2 giờ. Từ năm 12 tuổi, Phương đã nghi trang 8 công sự cho cán bộ. Có lần địch nghi có công sự, xăm khắp nhà Phương, ném lựu đạn vào hầm pháo rồi bắt Phương vào kiểm tra.

Phương lấy lưng che chỗ vách hầm sạt để các anh trong công sự nghi trang lại và nói với địch “Không có gì”. Địch đem Phương ra đánh đập, treo lên ngọn dương. Khi địch rút, các anh đi kiếm mãi mới thấy Phương đã chết ngất trên đó. Ở xã Mỹ An của Phương có thằng thiếu úy Thành gian ác có tiếng. Nó bắt đồng bào kêu nó là “Ông Thần”. Ai kêu là chú, là ông... nó đánh liền. Có lần nó bắt phụ nữ tập trung, kêu những chị có con đang bú ra vạch vú, vắt sữa cho nó coi. Phương tức quá, nói “Hồi giờ ông ấy không thấy vú hay sao?”. Nó nghe thấy, lôi Phương ra đánh cho một trận tơi bời.

Nhưng sau đó, nó đã bị Phương trừng trị. Phương để trái mìn mo trong rổ, đem tới đặt ngay trong góc nhà nó ở. Mìn nổ, nó nằm trên võng mà chết, 4, 5 đứa khác cũng chết theo nó. Phương bị bắt.

Nhưng Phương đã thoát khỏi tù. Phương lại dùng mìn mo diệt 12 tên Bảo an khác và lại bị bắt cùng 5 cô bé khác. Địch tập trung dân, đưa các cô ra tuyên bố xử bắn. Chúng đưa cho mỗi cô một bát mì tôm, một cốc côca để ăn, uống trước khi chết. Các cô hốt cát bỏ đầy bát, cốc. Địch kéo các cô tới bãi bắn. Đồng bào ùa tới giằng súng của bọn lính, cởi trói cho các cô. Phương chạy thoát, trốn vào một nhà dân. 18 tuổi, Phương đã bị bắt 4 lần, bị hành hạ đủ kiểu. Phương nói lần bị bắt thứ 2 “thảm nhất”. Nhưng Phương không thể kể với tôi “thảm” như thế nào, vì Phương sợ quá xúc động, lại lên cơn. Đòn thù không làm Phương mất hồn nhiên, mất sôi nổi, hăng say công tác. Họp, Phương phát biểu rất sôi nổi. Khi hăng hái quá, Phương bị cà lăm, cứ ngấp ngứ mãi mới nói được một tiếng - chính vì bị tra điện nhiều quá mà Phương bị tật này.

Chào tạm biệt Phương, tôi nắm mãi đôi bàn tay nhỏ nhắn, có những ngón búp măng xinh xinh. Chúc đôi bàn tay đẹp làm nên những chiến công mới xuất sắc. Phương lại trở vào thị xã xây dựng cơ sở, tổ chức những vụ đấu tranh chính trị, và quan trọng hơn nữa, sẽ cùng với các đồng chí của mình góp gió thành bão trong mùa nổi dậy sắp tới.
 
Thứ 7 ngày 1/7/1972

Kỷ niệm 26 năm ngày sinh của tôi Trời cao xanh, nắng vàng óng ả.
Gió biển thổi về lồng lộng.
Cùng Trực, Thảo duyệt, sắp xếp bài cho tờ “Quy Nhơn”, tờ báo đầu tiên của thị xã. Mai mốt, báo sẽ ra đời và chắc sẽ đem lại cho người Quy Nhơn tình cảm, suy nghĩ mới. Nghĩ vậy, thấy vui vui.
Đây là một trong những bài trong tờ báo Quy Nhơn:
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #97 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 08:03:56 pm »

Mẩu chuyện chống bắt lính

Giữa những ngày bọn tay sai của Thiệu ở tỉnh Bình Định ráo riết bắt lính, thì trên đường Lê Lợi, trong thị xã Qui Nhơn, xảy ra một việc làm xôn xao cả dư luận công chúng.
Hôm ấy, một thanh niên bị một cảnh sát chặn lại:
- Ê! Đưa giấy tao coi!

Anh thanh niên vội vã móc túi, nhưng không đưa ra tờ giấy hoãn quân dịch, mà là một khẩu súng ám sát đã lắp sẵn đạn. Tên cảnh sát hét: “A, muốn trốn lính hả?” và hùng hổ xông lại. Anh thanh niên chĩa súng bắn liền. Tên cảnh sát hoảng sợ lùi lại. Anh thanh niên nhanh chân leo tuốt lên lầu cao. Cùng lúc, đồng bào hai bên đường ùa tới, vây lấy tên cảnh sát:
- Này, đừng đuổi theo anh ta nữa, anh ta lắp thêm đạn rồi, coi chừng mà toi mạng, bỏ vợ bỏ con đó!

Một bà già khuyên:
- Thôi, bắt cậu ấy vào lính làm gì cho khổ gia đình cậu ấy, mà có lợi gì cho ông? Ông đi chỗ khác đi, để cậu ấy về nhà.
Mọi người đồng tình:
- Phải đấy, ông đi nơi khác đi. Ông mà dồn anh ta vào thế bí, anh ta bắn lại thì uổng mạng đấy.

Tên cảnh sát ấp úng mấy câu rồi lảng ra.
Anh thanh niên leo xuống khỏi lầu, đi vào giữa đám đông. Một chị phụ nữ ghé vào tai anh ta, nói nhỏ:
- Trốn mãi rồi cũng không thoát. Ra ngoài vùng giải phóng là hơn hết.
Ở thị xã này có rất nhiều thanh niên đã chống bắt lính một cách quyết liệt như anh thanh niên nọ. Đồng bào cũng đã bằng nhiều cách chỉ cho nhiều thanh niên lối thoát hay nhất là ra vùng giải phóng học tập hoặc tham gia cách mạng.
 
Ngày 2/7/1972

Chuẩn bị lên đường về Khu - ngoài ấy điện gọi về.
Đêm, ngồi trên hòn đá cao gần đỉnh núi mà nhìn về Quy Nhơn.
Thị xã chạy dài với hàng dãy đèn điện sáng nhấp nháy. Phía đông, biển và trời nối liền nhau, không phân biệt được. Chỉ thấy nổi bật lên là những đốm sáng lấp lánh của hàng chục ngọn đèn măng sông của đồng bào làm biển - trông chúng như những ngôi sao.

Thật tiếc, chưa làm được gì mấy, đặc biệt là chưa nuôi dưỡng được tờ báo bao lâu, đã phải về. Anh Toàn và các anh chị trong Thị ủy đều rất tiếc và rất lưu luyên tiễn chúng tôi ra đi.
 
Ngày 3, 4/7/1972

Lên đường. Lại leo núi Bà. Hồi này, địch bắn pháo dữ dọc đường nên đi khá căng. Nhiều đoạn phải chạy, mệt đứt hơi. Nắng và nóng. Những hố đạn pháo. Những cây đổ, cành gẫy. Những lỗ bom bi.
Địch càn Tây đường nên chưa qua được, phải nằm chờ ở trạm Huệ.
 
Ngày 5/7/1972

Trưa, pháo địch dội tới rầm rầm. Một quả nổ trúng hòn đá trước cửa hang. Ngồi dưới hang, thấy lửa chớp rồi tất cả bỗng tối đen. Một lát sau mới thấy sáng dần. Từng cuộn khói thuốc pháo đen đặc lùa vào cửa hang đang tan dần. Mùi thuốc pháo pha lẫn mùi đá, lá cây tạo nên mùi khét, tanh, nồng dễ sợ làm chúng tôi ngột ngạt, nôn nao.

Pháo hết bắn. Ra ngoài hít thở không khí trong lành. Hòn đá trước cửa hang vỡ tung ra. Cũng lạ, những đồ đạc chúng tôi để cách đó mấy mét gồm chén sứ, ăng gô, sữa lon... đều không bị sứt mẻ.
Chiều, đi xuống. Trời dội cho một cơn mưa tầm tã. Ướt mèm.

Vẫn phải vác lá ngụy trang đi lom khom. Địch mới chốt thêm 2 chốt gần đây, rất dễ thấy chúng tôi. Chờ ở rìa núi, tối hẳn mới xuống.
Phía Tây Nam, địch dội pháo nổ vang rền. Pháo bắn liên hồi, tôi đếm được khoảng 6, 700 quả. Phía đường chúng tôi đi thì tĩnh. Rất gần đồn địch. Thấy tên lính gác lia đèn pin qua lại. Đèn dù cũng thi nhau nổ bụp, phát sáng. Mỗi lần như thế, lại phải nằm rạp xuống ruộng.

Qua đường một cách bình yên. Tới đường sắt, gặp một tốp du kích đang nằm chờ đánh lính tuần.
Lên tới Tây đường, phải chờ rất lâu. Địch đang càn quét vùng rìa núi. Chúng mới đưa thêm lên 2 cây pháo, 13 xe tăng. Giao liên phổ biến: phải lách giữa 2 cánh quân Cộng hòa và Pắc Chung Hy mà đi, do vậy, phải im lặng tuyệt đối.

Chúng tôi lặng lẽ theo giao liên. Mới ra khỏi làng một lúc, anh Giang đã không theo kịp. Anh hét tướng lên: “Chờ với chứ!”. Mọi người đều rợn tóc gáy. Tuy nhiên, anh chàng phá bĩnh ấy đã khiến giao liên phải đi chậm lại. Nếu không, anh ta lại hét tướng lên nữa và nếu địch nghe thấy thì trời mà đoán được hậu quả sẽ tai hại thế nào? Lầm lũi đi. Đường vòng rất xa. Không gian im ắng. Không một tiếng pháo. Không một tiếng súng nhỏ. Lên đến đèo Nguỵ. Đèo này vốn nổi tiếng là trọng điểm pháo kích của địch. Cây cối hai bên đường tơi tả, gãy gục. Tuy nhiên, lúc này cũng im ắng lạ lùng. Đi tới 4 giờ sáng mới đến trạm.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #98 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 08:06:36 pm »

Ngày 6-10/7/1972

Về tới Ban Tuyên Huấn tỉnh.
Mưa rào. Gió đùng đùng. Trời bão mấy ngày.
 
Ngày 11/7/1972

Lên đường đi Hoài Nhơn để về Khu. Qua khu nhà cũ. Vắng đìu hiu.
 
Ngày 12/7/1972

Tới thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa, Hoài Ân). Nơi này, cuộc sống đang xanh tươi lại và thật náo nức. Hồi trước, đi qua chỉ thấy cây cối, bụi rậm. Bây giờ đã thấy nhà tranh mọc lên san sát, thấy những vạt bắp xanh mượt bồng con. Con đường được mở rộng, xe GMC chạy được. Một anh thợ cắt tóc cho biết ở đây đã thực hiện việc làm hợp tác. Cả thảy có 90 lao động. Trâu bò, cuốc rựa được chính quyền chu cấp đầy đủ. Hiện nay, bà con đang bừa lần cuối để cấy. Mạ cũng đã đủ. Xẩm tối, tôi mới thấy bà con vác cuốc từ đồng về.
 
Ngày 13/7/1972

Sáng sớm, đạp xe đi Bồng Sơn. Qua những xóm bị địch đánh cháy rụi.
Thị trấn vắng vẻ, đổ nát.
Riêng các thôn ngoại vi thì đời sống vẫn nhộn nhịp. Đồng bào đang tập trung làm cỏ lúa.
 
Ngày 14/7/1972

Tôi tranh thủ làm việc với ủy ban thị trấn Bồng Sơn. Ngày 8 tháng 5, ta đã công bố bộ máy chính quyền cách mạng gồm 7 người; ngày 9 đã hình thành bộ máy các ngành, giới ở xã, thôn. Đã thanh lọc, đảm bảo không còn tề điệp chui trong hàng ngũ cách mạng. Lực lượng du kích từ số không, nay đã có 50, còn bổ sung cho bộ đội 20 người, đã hình thành xã đội, thôn đội. Về đời sống, nông thôn tương đối ổn định, tăng thêm diện tích canh tác, chính quyền giúp cho dân 4 máy bơm nước. Đã tích cực thực hiện các biện pháp chống phản kích: 80% địa hình đã được cải biến, có giao thông hào, chông - ngày đi sản xuất, tối về đào hào. Về an ninh, đã quét ráp hết từ dân vệ trở lên, hiện đang tổ chức cho bọn ngụy cũ - từ liên gia, xóm trưởng tới phòng vệ dân sự - học tập cải tạo. Về văn hóa, cấp một có 5 lớp, với trên 1.200 học sinh. Chuẩn bị mở lớp bình dân học vụ.
 
Ngày 16/7/1972

Thị trấn Tam Quan cũng bớt nhộn nhịp. Một số gia đình đã dỡ nhà, dời về vùng nông thôn ở.
Sáng, mấy chiếc trực thăng quần lượn sát ngọn dừa. Ngồi trong nhà, chúng tôi cũng nhìn thấy tụi giặc lái lăm lăm súng ngồi trong máy bay nhìn xuống. Khi máy bay vòng về phía Nam, nghe có những loạt súng bắn lên.
 
Ngày 17/7/1972

Về Hoài Thanh họp. Được tin du kích Bồng Sơn đã bắn rơi một trong những chiếc trực thăng bay thấp hôm qua. Năm du kích leo lên lầu cao - có đại liên, AK, AR15... trực chiến. Lúc máy bay bay ra, không ai kịp bắn. Họ tiếc quá, nghênh súng chờ. Khi máy bay bay vào, họ đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay bị trúng đạn, lạng về phía Tây. Phía đó, súng lại nổ. Nó lạng về phía Hoài Xuân. Năm du kích Hoài Xuân kê súng vào thân dừa, đồng loạt bắn. Khắp trời vùng giải phóng đều dăng lưới lửa hạ nó. Nó rơi ở vùng Hoài Xuân.

Đồng bào, du kích liền tràn tới cưa súng, tháo rốc két đem về rồi đốt máy bay. Bọn địch hèn hạ cho phản lực tới thả bom làm chết 17 đồng bào.
Đêm đêm ở đây vang lên tiếng trống mõ. Đó là cách dùng âm thanh uy hiếp tinh thần địch mà bà con gọi là thanh viện.
Bom, pháo vẫn nổ rền ở phía Nam.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #99 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2007, 08:10:29 pm »

Ngày 18/7/1972

Dự cuộc họp Huyện ủy. Tình hình chung toàn huyện Hoài Nhơn đến nay như sau: Đã truy bắt căn bản hết tàn binh ngụy.
Thuần khiết nội bộ, đưa 271 tên ngụy đi cải tạo, giáo dục 400 tên tại xã. Đã phá căn bản hết đồn bốt địch, lấy vật liệu xây dựng thôn, xã chiến đấu. Quần chúng đóng góp nhân lực, trong 10 ngày chuyển được 450 tấn lương thực. Trên 3.000 ngươì đã đi dân công. Các xã đều huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật quân sự cho du kích. Tuy vậy, về thực lực của ta, đủ về số lượng nhưng chưa bảo đảm về chất lượng. Chưa hình dung ra biện pháp tiến hành 3 mũi giáp công cho phù hợp.

Một con số thống kê làm tôi suy nghĩ mãi: Trong đợt tổng tấn công, nổi dậy từ 12 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1972, Hoài Nhơn có 36 quần chúng hy sinh, trong khi đó du kích, bộ đội địa phương hy sinh 27 người! Tôi càng thấm thía bài học về nhân dân - nhân dân bao giờ cũng chịu đựng khó khăn, ác liệt nhất, hy sinh nhiều nhất và nhân dân chính là nền xây nên những tượng đài chiến thắng!
 
Ngày 19/7/1972

Kẻ địch muốn nống lấn, chiếm lại vùng giải phóng. Chúng đưa quân ra vùng Phủ cũ, Hoài Đức. Bị đánh, chúng bật lui, kêu bom pháo. Sáng nay, B.52 Mỹ dội bom 7 đợt với 21 lượt chiếc. Tiếp đó, phản lực, pháo cũng nã tới. Chúng đổ quân ở một số điểm cao. Pháo binh ta, 8 khẩu bố trí thành một đường vòng cung, dội bão lửa xuống đầu chúng. Chúng ta quyết giữ vững vùng giải phóng. Người già, trẻ em ở những nơi xung yếu được sơ tán về vùng nông thôn.
Toàn dân sẽ vũ trang đánh địch.
 
Từ 21 đến 24/7/1972

Địch liên tiếp dội B.52: Hoài Hảo 5 đợt, Hoài Châu 2 đợt, giáp Quảng Ngãi 2 đợt, nhưng chỉ rải trên rìa núi, trong khi quân ta đã áp xuống đồng bằng, nên chẳng ai chết cả. Tiếng rằng nhiều đợt, nhưng số lượng bom đạn cũng chỉ bằng một đợt của những năm 68 - 69 vì máy bay hồi này chở ít bom quá. Sau khi B.52 oanh tạc, đến phản lực, pháo, trực thăng bắn phá. Rồi địch đổ quân ở một số điểm cao. Chúng đã có mặt ở Tam Quan, Hoài Thanh, Hoài Tân, Bồng Sơn. Chúng ta đang chặn đánh chúng. Bom, pháo ùng ùng suốt ngày đêm. Trong những ngày đầu, ta diệt một đại đội ở Thiết Đính, 2 đại đội ở Hoài Thanh và Hoài Ân. Nghe đồng bào nói lại, bọn lính rất bạc nhược, có thằng bị đẩy ra khỏi máy bay là khóc. Chúng chỉ dựa vào bom đạn Mỹ. Không biết lũ máy bay, pháo binh đã dội xuống những vùng đất mới giải phóng này bao nhiêu tấn bom đạn?
Nhà sập đổ. Người chết. Thị trấn tan hoang. Vùng nông thôn đông đặc những đồng bào ở thị trấn sơ tán về.
 
Ngày 25/7/1972

Tạm biệt Bình Định, về Khu. Đứng trên núi, nhìn thấy phía biển Tam Quan mấy chiếc tầu chiến đứng hầm hè. Còn phía biển Quảng Ngãi thì vắng lặng.
 
Ngày 26/7 đến 4/8/1972 Về Khu theo đường dưới - đường Tây Quảng Ngãi. Phần lớn đường chạy qua những đồi sim, đồi trọc hoặc rừng cây thưa thớt, thỉnh thoảng chạy qua những khu ruộng bậc thang. Theo trạm ít ngày rồi chúng tôi tách, rẽ về phía sông Sà Lò, sông Tang. Gặp lại con đường hồi năm 1970 tôi đi cõng gạo với Tạo, Nghị. Nhớ như in từng chỗ nghỉ, chỗ lội sông, chỗ nấu ăn. Sống lại những kỷ niệm thân thương, trong đó đầy vất vả.

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM