Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:13:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bê trọc  (Đọc 99788 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #70 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:00:16 pm »

Ngày 22/2/1972

Lên đường đi Hoài Nhơn. Đi dọc theo một thung lũng dài. Cả thung lũng là một cánh đồng lớn bị bỏ hóa mọc đầy cỏ dại. Phía bên kia sông, thỉnh thoảng có ít vạt bắp xanh rì, thấp thoáng bóng mấy người cuốc xới.
 
Ngày 23/2/1972

Quá trưa thì đặt chân lên đất Hoài Hảo (Hoài Nhơn). Đi qua mấy lèn đá gớm ngã quá. Ở đây phần lớn là đồi sim, cỏ.
 
Ngày 24/2/1972

Lên tới đỉnh đồi, thấy đồng bằng đột ngột hiện ra trước mắt.
Đồng bằng ở xã Hoài Hảo này hẹp -nhìn ra xa một chút đã thấy biển. Tất nhiên vẫn phải đi theo các quả đồi chứ không thể tràn ngay xuống dưới đó được. Đi ở một sườn đồi, thấy thấp thoáng bên quả đồi kia một bóng áo xanh. Sơn - giao liên - hú nhỏ một tiếng và lấy tay vẫy vẫy. Bóng kia hơi dừng lại nhìn. Sơn cằn nhằn, gắt gỏng trong miệng: “Đi vậy có chết không! Nó chấn cho mấy tràng pháo thì teo. Lại đây tao dấn cho mấy bạt tai!” Quả đồi đó trống quá, địch dễ nhìn thấy. Chúng tôi men theo sườn đồi, núp sau những bóng cây lúp xúp mà đi xuống.

Đứng trên đỉnh một quả đồi nhìn rõ khu Nhà thờ Dốc nằm trên một vùng đất rộng bị cày ủi đỏ lừ. Thực ra đây là một căn cứ quân sự. Nằm riêng ra một góc là một khu nhà trắng toát của trường huấn luyện của địch.

May gặp anh Mai - huyện ủy viên, người mà tôi quen từ hội nghị nổi dậy tỉnh - nên không phải chờ đợi gì. Nghỉ lại tại “trụ sở” xã Hoài Tân để sáng đi. Nơi này tấp nập những người: cán bộ xã, khách qua đường, cán bộ các ngành về họp và có cả mấy phạm nhân ở trại giam tề đi cõng gạo nữa.
 
Ngày 25/2/1972

Tới chỗ họp của huyện - họp Huyện ủy mở rộng để tổng kết đợt hoạt động vừa qua, rà lại quyết tâm mới.
Vì một số cán bộ phía Đông đường chưa lên được nên phải chờ.
Ngày 26/2/1972 Theo tin báo và nhận định của Huyện uỷ, nơi họp có khả năng bị uy hiếp. Phía Tây Nam, giáp với Hoài Ân, có bọn Cộng hòa đang càn, có khả năng sục qua. Phía Đông Bắc và Đông cũng có bọn thám kích, dân vệ. Nơi này đã bị lộ vì có mấy tên đầu hàng đã từng ở. Bởi vậy, xế trưa bắt đầu di chuyển. Leo lên một đỉnh dốc cao rồi tụt xuống. Khu rừng non này rất nhiều cây dầu rái. Những cây to bị vạc ở gần gốc, ứa đầy nhựa trăng trắng, trong trong, thơm phức.
Lên một sườn đồi ngồi nghỉ. Khoảng 40 phút sau lại có lệnh mới: quay lại chỗ cũ! Sau khi bàn bạc, thấy bộ phận võ trang có khả năng canh gác, bảo vệ được, nếu địch đến vẫn rút lui được an toàn nên Huyện ủy quyết định như vậy.

Tối, bắt đầu vào cuộc họp. Như lệ thường, đầu tiên là phần sắp xếp tổ chức, phổ biến giờ giấc, nội quy. Cả phần này đều tập trung vào vấn đề: cảnh giác, đề phòng tổn thất.

Anh Quý - phó bí thư - đọc bản tổng kết đợt hoạt động. Sau đó anh Vân - Thường vụ Tỉnh ủy -phát biểu thêm. Rồi đến phần thảo luận.
 
Ngày 27/2/1972

Hội nghị xoáy vào tìm nguyên nhân của những mặt yếu, và đã đi đến kết luận: Nói với nhân dân chưa đạt lý, thấu tình để nhân dân nhận thức được rõ quyết tâm to lớn, quan điểm quần chúng của Đảng, yêu cầu về tinh thần độc lập, tự chủ. Biện pháp tư tưởng làm chưa triệt để, việc giáo dục tư tưởng quần chúng bằng hành động cụ thể của cấp ủy còn thấp. Quản lý lực lượng chưa chặt -quản lý tổ chức, quản lý chỉ tiêu còn chuệch choạc. Nghiêng về lực lượng bất hợp pháp, chưa có biện pháp táo bạo nâng cao vai trò và đẩy mạnh hoạt động của lực lượng hợp pháp trong lòng địch. Kinh nghiệm cũ kỹ, công tác bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của phong trào. Tập dượt cho quần chúng đấu tranh còn ít. Đội ngũ chưa thuần khiết.

Có một điều đáng chú ý: anh Vân nhắc lại lời phát biểu của anh Đức - bí thư Hoài Châu: “Sau khi nhận phương án của huyện về” và nói: “Như vậy là đã hé ra trong hành động, ý nghĩ của chúng ta còn sai sót, không đúng với đường lối quần chúng của Đảng.
Phương án là phải xây dựng từ dưới lên, từ hành động của quần chúng chứ không phải nhận từ trên xuống”. Phát hiện của anh Vân quả là sự nhạy bén của người lãnh đạo.

Hội nghị nhận định về địch: Sẽ tăng cường hệ thống phòng ngự, điên cuồng ngăn chặn tấn công và nổi dậy, điên cuồng phản kích bằng các hành động đánh nhỏ ăn chắc, thanh lọc quần chúng, khui trục cả lực lượng bất hợp pháp và bán hợp pháp của ta, phát triển lực lượng.
Chiến dịch sắp tới của chúng ta sẽ có quy mô lớn, tính chất quyết liệt, dài ngày, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả 3 thứ quân (chủ lực, bộ đội địa phương, du kích) và 3 mui giáp công (chính trị, binh vận, quân sự); phải có sự hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng.

Thay mặt Huyện ủy, anh Quý trao tặng Bằng khen cho xã Hoài Châu về thành tích võ trang, xây dựng lực lượng, đóng góp nghĩa vụ, và cho xã Tam Quan Bắc về thành tích ba mũi giáp công, cho xã Hoài Sơn về thành tích thu mua lương thực, huy động dân công.

Huyện cũng đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương giải phóng cho lực lượng du kích đã đánh tiêu diệt các chốt An Quý, Cầu 99, Thiện Chánh (Hoài Châu), Đồi Chùa (Hoài Xuân) và tiêu diệt các trung đội địch trài ra ở Hoài Tân, Hoài Hương.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #71 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:01:04 pm »

Ngày 29/2/1972

Xong họp, tôi về xã Hoài Châu. Khi tới Hội Phú thì trời đã tối.
Nhìn về “hố tiểu đoàn” thấy có những đám cháy lớn. Anh em đoán đó là do địch đốt. Sợ chúng phục kích, phải cho người đi trước bám đường. Ngồi chờ mất gần 2 giờ đồng hồ. Gió lồng lộng làm chúng tôi rét run.

Tình hình yên ổn, chúng tôi lại đi. Trăng, mặc dù bị mây che, vẫn sáng tỏ, soi rõ đường cho chúng tôi. Phía “hố tiểu đoàn”, một đám cháy đang leo lên dốc, thỉnh thoảng lại bốc cao lên, hừng hực.
Lửa tạo thành hình vòng cung đỏ rực ầm ầm leo lên dốc. Còn chúng tôi thì xếp hàng một leo lên, thở phì phò, toát mồ hôi. Lên đến đỉnh núi, muốn ngạt thở vì gió. Tới chỗ ngủ, đã 1 giờ sáng. Dưới ánh sáng trăng, chúng tôi quơ củi nấu cơm ăn - đói quá mà. Đêm nay là đêm rằm.
 
Ngày 1/3/1972

Đường chạy theo các quả đồi đất sỏi khô cằn, cây cối thưa thớt, phần lớn là sim, mua, lổm chổm những tảng đá. Dọc phía Tây Hoài Nhơn này - Từ Hoài Thanh, qua Hoài Hảo tới đây - đều một loại đất cọc cằn như vậy. Bọn giặc còn thả bom xăng xuống đốt trụi từng đám cỏ, từng bụi cây tội nghiệp. Những “bọt xăng” vàng bám trên những hòn đá xám đen, những đám đất bị đốt cháy xém, những cây bị sức nóng làm chết từ lâu giơ những cành khòng khoeo trắng phếch lên trời càng làm cho mảnh đất vốn khắc khổ này thêm khắc khổ. Có lẽ rồi đây, khi chiến tranh kết thúc, cũng khó trồng trọt được loại cây gì khả dĩ làm giàu được cho con người ở vùng này.

Cùng đi với chúng tôi có anh Huỳnh Chi Đức, bí thư xã ủy Hoài Châu. Anh to, mập, tóc húi cua, mắt một mí, trông giống như người Trung Quốc. Thật là một người “ăn sóng nói gió”. Trong buổi họp, khi anh phát biểu, anh em cứ phải giật áo anh nhắc “Nói nhỏ chứ”.

Anh hạ giọng xuống một lúc rồi hăng lên lại nói oang oang. Anh phát biểu trung thực, thẳng thắn, dứt khoát. Huyện khen xã anh nhiều mặt (xã vốn được tặng danh hiệu “Thành đồng”, hiện cũng đứng nhất nhì trong huyện) và cũng phê phán một số mặt, trong đó có mặt hoạt động võ trang, vấn đề dân công và cái máy chữ. Về cái máy chữ, một số đồng chí phát biểu: “Tôi thấy cái văn phòng của xã Hoài Châu ngang với văn phòng huyện. Có lẽ nên thôi cái máy chữ đi, để tiền giấy pô luya mua mắm cho du kích ăn”. Anh Đức liền nói:

- Các đồng chí phát biểu đều đúng cả, tôi xin nhận hết. Nhưng mà (mọi người cười ồ lên khi anh nói hai chữ này), nhưng mà tôi cũng có ý kiến. Về mặt hoạt động võ trang, tháng 2 xã tôi yếu, cái đó tôi có tội, tôi xin nhận. Nhưng về mặt dân công, xã tôi đi đủ, đúng lệnh chứ không thiếu sót. Nhưng mà huyện làm chúng tôi rất khó. Lệnh xuống, chúng tôi điều dân công tới chỗ hẹn, nhưng không có người đón.

Chúng tôi phải đưa về, chứ để đấy được ạ? Để đấy, rủi địch đánh tổn thất thì ai chịu trách nhiệm? Còn nữa, lệnh gì mà cứ liên tiếp xuống, thay đổi luôn. Mới nhận lệnh này, lại có lệnh khác.
Chúng tôi là cấp dưới, chúng tôi phải chấp hành chớ sao? Nhưng chấp hành lệnh nào cho đúng? Còn cái máy chữ, có anh nói bán nó đi, lấy tiền nuôi du kích. Tôi nói thế này. Chúng tôi trình độ thấp, viết được một dòng thì nẫu (người ta) đã rồi một trang. Có cái máy, nó đánh bộp bộp một lát là rồi. Ví như lệnh huy động dân công, đánh một chút là có hàng chục bản. Như vậy nó nhanh, nó bớt thời giờ để mình lo vệc chung. Các anh nói như thế, tôi hờn.

Trên đường về, lúc ngồi nghỉ, anh nói chuyện rất say sưa, vừa nói vừa làm điệu bộ rất ăn khớp. Anh kể:
- Năm khó khăn, mình bật lên núi, râu ra dài 2 lóng tay. Bữa về nhà, bà già ôm tôi khóc (anh nhắm mắt, mếu miệng, hai tay vuốt vuốt vào không khí), bảo tôi: “Bay làm sao chứ, cực khổ mãi vậy nè”. Tôi liền la (anh trừng măt, la thật): “Bà còn khóc a? Bà có biết tôi khổ, là bà có tội không? Hồi trước, bọn thực dân phong kiến bảo bà quỳ, bà quỳ, bảo bà làm cho nó ăn, bà làm cho nó ăn, bà không chịu đấu tranh, nó mới còn đến bây giờ, nó áp bức tôi. Vậy tôi phải đấu tranh, chớ làm sao?”.

Anh kể tiếp:
- Bà chị tôi lên thăm, đem bánh, kẹo, cho 200 bạc và mếu máo:
“Em ơi, em làm sao chớ nẫu chết hết rồi, chị ngó bộ em đi phiêu lưu quá”. Tôi liền hét: “Dẹp hết, dẹp hết (anh quờ mạnh tay), tôi không ăn. Tôi ăn, để chị chiêu hồi hả? Đem về hết. 200 bạc, chị đem về mua sắm thêm bày trong nhà cho đẹp”.

Anh em cười:
- Anh nói vậy, rồi cũng ăn chớ?
- Ăn sao được? Tôi không thèm một chút.
- Anh chê ít, muốn nhiều chớ gì?
- Ít thì có ít. Chị ruột cất cái nhà tôn to ầm mà cho em 200 bạc thì ăn nhằm gì. Nhưng không phải tôi đòi thêm, tôi ghét, tôi không thèm.

Anh nói qua chuyện khác:
- Hồi đầu thằng địch đến hỏi nhà tôi: “Thằng Đức đâu?” Nhà tôi trả lời: “Bữa trước thấy ổng về làm việc. Bữa nay không thấy nữa, chắc ổng chết rồi”. Tôi liền nộ nhà tôi: “Bà rủa tôi hả? Tôi sống mà biểu chết? Cứ nói với nó rằng tôi đang sống, đang tìm cách diệt nó, xem nó làm gì được mình?” Nhưng nghĩ cũng tội, mỗi khi mình hoạt động, nó bị thiệt hại, nó lại lôi vợ con mình ra đánh. Có hồi, nhà tôi mới sanh, nó bắt lên đánh máu chảy đầy mình. Nhưng Đức đâu có chịu. Tôi liền họp gia đình bọn nó lại: “Tôi nói cho mấy người biết, tôi với chồng mấy người là thù, thù không đội trời chung. Tôi chết, chồng các người đạp lên xác tôi mà đi. Mà tôi cũng đạp bể sọ chồng các người, tôi đi. Nhưng các người với vợ tôi là hàng xóm láng giềng, có thù hằn gì? Tôi không thèm động đến các người. Tại sao chồng các người đánh đập tàn ác vợ tôi? Về nói với chúng thả ngay ra, không sẽ biết tay”. Mấy thằng ác ôn đi trốn ngủ, sáng mò về kiếm miếng ăn, liền bị vợ thộp ngực la: “Hồi hôm ông Đức về hỏi tội đó.

Liệu mà thả vợ ổng ra. Không thì con cái đây, tôi trả, tôi đi, tôi không dám ở đây nữa!” Mấy đứa ậm ừ: “Thả thì cũng có ngày có tháng chứ!”. Nói vậy, nhưng rồi chúng cũng phải thả liền.

Bây giờ, nhà anh Đức vẫn nằm trong vùng địch kẹp. Bọn địch đi qua nhà anh thường nói: “Nhà thằng Huỳnh Chí Đức đấy, đốt đi bay” nhưng không đứa nào dám đốt cả. Thỉnh thoảng, bọn ác ôn lại lôi mấy đứa con anh lên đánh. Anh liền kéo 2 đứa con lớn ra, đưa lên tỉnh công tác. Nghe nói, thỉnh thoảng vợ anh có lên thăm anh, anh em liền chọc:
- Này, thế mỗi lần chị ấy lên thăm, anh cũng nói giọng quân sự như vậy à?

Anh cười mủm mỉm:
- Ấy, mình có cách nói chứ. Mỗi lần lên, mình mới hỏi: “Sao, mình lên đây có mấy yêu cầu?” Anh nháy mắt, cười:
- Nói mình cho thân mật mà.
- Kêu em thân hơn chứ?
- Em gì nữa, già rồi.

Thế bà vợ ông trả lời thế nào?
- Trả lời là lên thăm, lên đem cho gạo, mắm.
- Nói chế, chắc là còn thiếu?
- Thiếu chứ, lần nào cũng phải bổ sung, chứ họ không tự giác nói đâu. Làm mình bổ sung hoài.

Anh Đức cười lớn và mọi người cũng cười vang.
Kỳ này Huyện ủy rút của Hoài Châu một lúc 2 cán bộ. Kể ra, vì lo việc, anh cũng ấm ức, nhưng không dám nói ra. Nhưng lúc anh Cường - phó Chủ tịch huyện - nói: “Nếu để ở Hoài Châu ông Đức làm việc Đảng, ông Đặng làm việc chính quyền, ông Thảo làm việc quân sự thì vững lắm”, anh liền hưởng ứng ngay: “Chu cha, anh Cường nói tôi mới thấm chứ, thấm vào tận gan ruột. Ai cũng như anh thì tôi cũng được nhờ”.

Trong buổi họp xã ủy mở rộng, anh nói:
“Chúng ta cũng phải tự lực đào tạo cán bộ, không có huyện đưa quyết nghị về, cứ điều ba là mình phải chấp hành, không có là gay lắm”. Anh vừa nói vừa liếc nhìn anh Phong - Thường vụ Huyện ủy - ngồi bên cạnh. (Trong quyết nghị, điều 3 nói: “Địa phương chiểu quyết nghị thi hành”, nên anh thường dùng “điều ba” để nói về việc ấy).
 
Ngày 2/3/1972

Đến chỗ làm việc của Hội đồng nhân dân huyện - nằm ở xã Hoài Châu. Ở rìa núi chứ không ở đồng bằng. Nơi này, suối rất xa, mỗi lần đi vác nước phải mất 30 phút.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:03:29 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #72 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:05:09 pm »

Ngày 3/3/1972

Dự họp Xã ủy mở rộng. Hoài Châu là xã Thành đồng, đang xây dựng thành xã Anh hùng. Hoài Châu có nhiều mặt mạnh như võ trang đánh địch, đóng góp nhân tài vật lực, nhưng cũng có một số mặt yếu như đấu tranh chính trị, nổi dậy, trong cán bộ cũng có tư tưởng thỏa mãn, tự cao, cho xã mình là hơn cả. Huyện đang tập trung xây dựng cho xã này trở thành một xã thật toàn diện.
 
Ngày 4/3/1972

Cùng A - Trưởng ban khởi nghĩa thôn An Quý - về thôn này. Đi qua một cánh đồng lúa. Có những thửa ruộng cấy giống lúa lùn đã trổ bông. Bông lúa to, hơi cúi xuống. Có lẽ hạt đang vào sữa. Còn những thửa cấy giống lúa cao đang thì con gái, đùa gió vi vu. Từ trên núi nhìn xuống, thấy đồng bằng có vẻ nhỏ hẹp. Nhưng khi đi vào lòng nó rồi mới thấy nó thật bao la. Nhìn lại phía Tây, thấy một đám cháy lớn đang bốc lên ở phía núi Hoài Hảo. Có lẽ do pháo bắn.
Dãy núi bị chìm nghỉm trong màn đêm, thành thử chỉ thấy một đường lửa ngoằn ngoèo, chơi vơi giữa bầu trời như một con rồng lửa đang vùng vẫy.

Qua khỏi thôn Tân An, tôi và A lọt thỏm vào giữa một cánh đồng hoang. Đất sỏi khô cằn lại bị trộn thêm mảnh pháo, đầu mẩu dây thép gai làm A phải cúm rúm dò từng bước. Anh đi dép Nhật, vừa bị dây thép gai đâm thủng bàn chân, đau điếng. A cho biết đây là một Sở Mỹ đã bỏ.
Khi qua khỏi một con mương nhỏ, chúng tôi tới gần một xóm.

Con đường nhỏ dẫn vào xóm hiện lên trắng mờ mờ, có một tầu dừa khô nằm chắn ngang. Xóm im lìm, tối đen. Dò dẫm đi qua một cái chuồng bò, qua một cái sân nhỏ, vào một ngôi nhà nhỏ. A nhấc cái rựa chắn ở cửa, bước vào nhà và bật lửa, soi sát mặt một phụ nữ đang ngủ trên giường. Chị hỏi, giọng ngái ngủ:
- Ai đấy?
- A đây.
- A nào?
- Chị mà còn không biết à? Anh Thật có vô đây không?

Nhận rõ A, chị vội kéo anh cúi sát xuống, thì thào:
- Có lính ở nhà ông Cưởng!
- Lính nào?
- Cộng hoà! Thôi, đi mau đi!

A vội kéo tôi đi. Ra sân, A chỉ vào ngôi nhà nằm cách đó chừng chục mét, thì thào:
- Bọn lính ở nhà đó!

Thật rợn tóc gáy! Chúng tôi quay lại, đi qua hướng khác. A nói:
- Đồng bào đặt ám hiệu mà mình không hay. Nhìn tầu dừa, mình tưởng họ cản vịt. Thấy nhà không đốt đèn, mình tưởng vì buồn, họ không đốt. Gia đình ấy vừa có người bị chết vì địch khui công sự.
Sống ở vùng xen kẽ với quân địch này phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của sự vật.

Phải lội qua một con kênh rộng, nước tới ngực. Nước cắn vào da thịt buốt thon thót.
Lại vào một xóm. Các nhà vẫn còn đỏ đèn. Vào một ngôi nhà, thấy một ông già đang nằm chống tay trên giường. Cạnh đó là một người đàn ông trung niên và hai cậu thiếu niên mang súng. Ở dưới bếp, hai cô bé nô giỡn gì với nhau, cười rúc rích miết.

Lát sau, một thanh niên gọi:
- Liên, kiếm túi nhựa dỡ cơm cho mấy anh.
Một cô bé chừng 12, 13 tuổi, da đen đen, chạy ra mở tủ kiếm một lúc rồi cầm một cái túi nhựa chạy vào. Lát sau, cô đi ra, xách một gói cơm to tướng. Một cô bé nữa đi theo sau, mặt bị bôi lọ đen thui. Người đàn ông và 2 thanh niên khoác súng, xách cơm đi - họ là du kích.
Tới một ngôi nhà khác lụp xụp hơn. Mấy anh du kích thôn vào gọi thím chủ nhà dậy:
- Có thịt, cá gì không thím? Lấy ít lon gạo nấu cho anh em ăn.

Bà thím dậy:
- Có cá chứ không có thịt!

Rồi thím đi lấy gạo, bắc nồi nấu cơm. Thím giục chúng tôi ăn nhiều. Sau đó, thím lại lấy bánh tráng tráng bằng nước dừa cho chúng tôi ăn. Mấy anh em ngồi quây quần bên thím, vừa ăn vừa nói dỡn, có anh lại nũng nịu thím chẳng khác nào những đứa con ngồi bên bà mẹ hiền.
Sau khi ăn liền nói tới chuyện ở. Mấy du kích nêu lên nhiều khó khăn, nói rằng để chúng tôi ở sợ không bảo đảm. “Ăn thì dễ chứ ở thì khó quá”. Chúng tôi phải nói gắt máu lắm mới được họ nhận cho ở.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #73 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:07:51 pm »

Ngày 5/3/1972

Mới 3 giờ sáng Nê đã dẫn tôi và A ra công sự. Anh dặn rất kỹ: “Cứ nằm dưới đó, đừng đội lên, chiều tôi sẽ tới dỡ nắp”. Nắp hầm đóng ập xuống. Căn hầm hơi thấp, 2 người nằm rộng, chắc đã làm từ lâu.
Chợp mắt một chút, tỉnh dậy đã thấy một luồng ánh sáng yếu ớt lọt qua lỗ thông hơi. Nằm trăn trở mãi không ngủ được. Không phải do khó chịu - hầm này rất thoáng, mát, mà vì suy nghĩ lắm thứ quá. Hiện nay quần chúng đang sốt ruột đợi lệnh khởi nghĩa.

Bà con nói: “Làm thì làm hắc đi cho rồi, để lai rai mãi ớn quá”. Sốt ruột quá, có người sinh ra nghi ngờ, cho rằng không có khởi nghĩa.
Nhìn vào hoạt động tháng 1, tháng 2, họ nói: “Rồi đó, vậy là khởi nghĩa rồi đó”. Bên cạnh đó, bọn ác ôn tăng cường thanh lọc quần chúng, làm phong trào sụt. Phải làm công tác tư tưởng cho giỏi và phải có biện pháp tổ chức chặt chẽ, tỉ mỉ mới đưa được phong trào lên.

Thỉnh thoảng, một ngọn gió thốc về luồn qua lỗ thông hơi, làm căn hầm mát rượi. Ngồi nhìn ra thấy ánh nắng luồn vào miệng lỗ thông hơi khiến cho nó giống miệng ống bễ mạ vàng. Gió thổi cành lá tạt qua tạt lại, lúc thì che kín lỗ thông hơi, lúc lại mở toang ra, do vậy, ánh sáng hắt vào trong hầm lúc thì sáng bừng lên, lúc lại tối xầm đi, gợi cho tôi nhớ những ngày ở căn cứ ngồi sưởi bên bếp lửa bập bùng. Tự nhiên thấy nhớ, nhớ da diết rất nhiều. Chỉ nằm cách mặt đất mấy tấc mà thấy cuộc sống trên đó xa xôi quá. Tiếng mấy đứa bé gọi nhau, tiếng chày giã gạo, tiếng chân bước thình thịch khi vọng vào lòng hầm này đều biến dạng đi, nghe không rõ ràng gì hết.

Nằm đây mà nhớ cả đến ngôi nhà mình mới ăn cơm hồi đêm, nhớ tiếng cười ríu ran của 2 cô bé. Rồi lại nhớ căn cứ, nhớ những ngày mưa dầm dề đi cõng gạo, nhớ gia đình, nhớ những người bạn đã hy sinh. Cuộc đời cũng nếm đủ chua cay, mặn nhạt, đã rèn cho tôi thói quen thích nghi nhanh chóng với môi trường sống, nhưng những xúc cảm trước cuộc sống vẫn luôn luôn mạnh mẽ trong tôi. Không ngủ được, tôi ngồi dậy lấy sổ ra ghé bên lỗ thông hơi nhờ ánh sáng yếu ớt của nó mà ghi chép. A vẫn ngủ mê mệt. Thỉnh thoảng, chân cậu ta lại giật nảy lên một cái. Có lẽ những lần vào sinh ra tử đã làm cho A hay bị giật mình như vậy. Lạ kỳ thật, con người nhỏ bé, lưng hơi khòm ấy đã từng nhiều phen gạt phăng lưỡi hái của thần chết mà giữ lấy cuộc sống. Có lần, anh đang nằm dưới một hào ngoài rào mà ngủ thì bọn lính sục tới. Mở choàng mắt đã thấy một nòng súng côn chĩa vào mình. Vậy mà vẫn kịp nổ một phát súng làm tên lính ấy ngã nhào rồi đạp qua xác nó, chạy thoát. Có lần bị địch dí chạy dạt ra đồng lúa. Ba người cùng chạy bị bắn chết. Chỉ còn A và một người nữa rúc vào trong lúa. Mùa tháng 10 lúa tốt, ngả rạp, đã che kín họ. Họ ngâm trong bùn, nằm im. Cả trung đội lính đạp nát ruộng mà kiếm không ra. Ở chiến trường này, những người như A rất nhiều - vào sinh ra tử vẫn lăn lộn với phong trào.

Gần năm giờ, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa hầm bồm bộp, tiếng bới đất, lá xột xoạt, rồi một thác ánh sáng ập xuống làm chói cả mắt. Lên khỏi hầm, thấy mặt nằng nặng. Vào nhà một bà già. Bà gọi đứa cháu: “Múc cho chú gàu nước, con!”. Thằng nhỏ chạy đi xách một gàu nước cho tôi rửa mặt. Bà già hỏi 2, 3 lần: “Để nấu cơm cho mấy chú ăn hỉ? ” Nê trả lời: “Có nấu cơm bên kia rồi ạ.” Lại sang một nhà khác. Trong nhà chỉ có một bà má và một cô gái. Hai mẹ con bảo chúng tôi ngồi nghỉ rồi dọn cơm. Bữa cơm có thịt kho với củ cải, củ cải dầm mắm, mắm cái và canh đu đủ, nhưng cô Học vẫn băn khoăn: “Không có gì cho mấy anh ăn cho ngon”. Khi xúc món kho ra, cô bé này cứ lựa xúc thịt, còn để lại củ cải.

Ăn rồi ra sân dạo mát một chút. Thôn xóm ở đây nhà cửa thưa thớt, lụp xụp, đất cát khô khan, vườn tược nghèo nàn. Giữa những đám lang, đám mì có những cây dừa cao vút. Nhiều cây, thân bị bom đạn đục ruỗng thành những hốc hác, lá bị cắt đi, xoè ra ngắn ngủn như bàn tay cụt.
 
Ngày 6/3/1972

Cùng A về ở một chỗ với một tổ du kích. Nơi này khá an toàn, bất ngờ nên có thể ở khơi được (nghĩa là nằm trên mặt đất), có địch mới phải xuống công sự.

Mặc dù 3 giờ mới ngủ nhưng 6 giờ tôi đã dậy - không muốn ngủ nữa. Chừng 9, 10 giờ thì mọi người cũng dậy, ngồi tán chuyện nho nhỏ. Chị Tám đang vá quần cho mấy chú du kích. Còn mấy chú thì đang ngồi kể lại chuyện diệt gọn chốt An Quí. Mấy chú này mới chừng 17, 18 tuổi. Rồi đem bánh in (bánh khảo) ra ăn - bánh do đồng bào cho.
Tình hình yên ổn cho đến chiều. Khoảng 4 giờ, một du kích đến gọi tôi dậy: “Lính tới”. Khẩn trương xuống công sự. Mấy cậu du kích vừa cảnh giới, vừa nghi trang lại nơi ở. Ở nơi này phải biết quý từng cái lá khô, không dám đạp nát nó - bởi nó che dấu vết cho chúng tôi.

Một lúc sau, Tài tới nói xuống: “Bọn lính đang ở xóm. Có bọn ra ngoài đồng bắn lung tung. Có chuyện gì thì đưa súng lên nhanh, chiến đấu”. Tài chạy đi một lát rồi lại tới: “Nếu chúng nó đến đây thì dũng cảm ngoan cường đánh”. Mấy du kích kia đều đáp: “Nó đến sẽ đánh!” Nhưng bọn địch không đến. Sẩm tối, chúng tôi lên khỏi công sự. Tôi bò ra rặng cây bên bờ suối, nhìn qua bên xóm thấy mấy người đang đi lại ngoài sân. Một ông già rón rén đi ra bờ rào.

Lát sau, một con gà chạy từ đó ra, chân khập khiễng. Hiếu nói rằng hồi nãy một thằng lính kê súng bên đống rạ bắn con gà này bị thương. Con gà chạy vào đám mía, ba thằng đuổi theo nhưng không bắt được. Lúc này, con gà đang tập tễnh chạy vào sân. Ông già cúi xuống ẵm nó lên. Nghe ở nhà bên cạnh tiếng bọn lính nói nhốn nháo gì đó. Thấy một thằng men ra bờ rào, ngồi im bên một bụi cây.
Tối mất rồi, không nhìn rõ nó - không biết nó ngồi phục kích hay gài mìn.

Anh em nhận định, ngày mai địch có thể sục vào đây. Bởi vậy, tất cả rời đi nơi khác.
Trải ni lông nằm ở trên, chờ gần sáng sẽ xuống công sự. Sương xuống ướt đầm đìa.

Chiếc công sự này đã lâu không có người ở. Tôi xuống, bị bầy kiến bu vào cắn đến nóng mình. Cửa ra vào quá nhỏ, sâu, phải nằm dài ra mà chui vào. Trong công sự có để đèn dầu và nhiều tài liệu.
Những tài liệu này của mấy đồng chí mới hy sinh để lại.
 
Ngày 7/3/1972

Một ngày lại qua. Chúng tôi vào xóm nắm tình hình. Chị Tám vào trước, lúc này đã quay ra, đem theo một gói bánh, gạo. Đói đến run người, chúng tôi ngồi bên bờ suối dở bánh ra ăn. Rồi lại đi vào.

Ngôi nhà đầu xóm này có cái sân rộng và những cây dừa thấp, sai quả. Ở nhà chỉ có 2 ông già và một bà già. Trong khi chị Tám đi nấu cơm thì bà già kéo tôi và A lại ăn cùng gia đình: “Cứ lại đây ăn, cơm kia chín là vừa”. Bà già gắp cá ra cho chúng tôi ăn, tíu tít như gặp con. Ông già nói: “Gặp mấy chú, tôi lại nhớ con tôi quá. Con tôi đứa thì ở căn cứ, đứa thì tập kết ra Bắc. Có đứa vào năm 59, năm 67 lại ra. Thế mà nó không về nhà lấy một chút”. Bà già chỉ đĩa cá, nói: “Ăn đi con. Mấy bữa nay trời động, ít cá”. Nói tới đó, bà dừng lại một lát, cười: “Bữa trước cũng nói trời động thế này mà bị nó đánh cho nhừ đòn. Có thằng lính đóng giả cách mạng. Tôi không biết, mới cất ba lô giúp rồi dọn cơm cho ăn. Ôi cha, mình nói gì nó ghi hết, sau nó bắt lên đọc lại, đánh cho khiếp hồn”. Thấy tôi nói nóng ruột, bà già hỏi: “Có ăn rau dấp cá không?” và vội vã đi bưng rổ rau lại. Còn ông già thì đứng dậy, đi ra sân trước.

Cơm vừa xong, thấy ông già đột ngột trở vào, khoa khoa tay, nói thì thào: “Lính, lính!”. Chúng tôi vội vơ vũ khí, sẵn sàng ở tư thế đánh lại địch. A nhìn thoáng một cái, nói: “Không phải lính. Lũ nó.” Tiếng “lũ nó” chỉ anh em du kích thôn. Không khí đang căng, bỗng trở nên vui rộn. Bà giá kéo 3 du kích lại mâm cơm: “Ăn đi, ăn rồi nấu nữa!”. Ông già xoa xuýt: “Tôi run quá, sao tới không báo trước để tôi cảnh giới khỏi lầm?”. Ông chỉ vào anh Thiệt - một du kích đã cứng tuổi, đội chiếc mũ Bảo an, cầm khẩu AR15: “Thế này thì ai không bảo là lính?”.
Chỉ một loáng, ba người đã ăn cơm xong - ở sát địch bao giờ cũng phải khẩn trương như vậy. Chúng tôi lại đi. Phải núp vào các bờ đất mà vượt qua từng đám ruộng. Rồi bám vào xóm hỏi thăm tình hình địch. Cứ như vậy qua hết nhà này tới nhà khác. Lại vào một nhà. Trong nhà, một bà mẹ và một cô gái đang sắt khoai lang.

Tôi nhận ra cô gái này là một đoàn viên hợp pháp có dự buổi họp chi bộ, chi đoàn bữa trước. Cô gái lựa khoai đem nấu, bà mẹ bảo cô lấy dầu đốt lò sô nấu cho đỡ sáng. Anh Thiệt trách:
- Không có địch mà không đốt đèn sáng lên, để anh em phải bám miết!

Bà mẹ nói:
- Hồi chiều phía trong còn lính, biết nó kích ở đâu mà đốt đèn?
A nhận công văn ở cô gái và đưa cô 2 quyết nghị của xã điều động dân công.

Gia đình cho biết hôm qua và ngày nay bọn địch khoanh vùng, thanh lọc, bắt đi ba người và khui một công sự.
Khoai chín, Thiệt đùm vào một đùm ni lông để dành ăn ngày mai.
Tới một nhà nữa. Một bà già và một phụ nữ trung niên dậy đốt đèn. Lúc này đã gần 11 giờ khuya rồi. Tôi ra sân, nằm bên một đống rạ nghỉ một lát. Muỗi quá, không ngủ được. Vào nhà đã thấy gia đình dọn một mâm cơm.

Hai người đàn bà vừa coi chúng tôi ăn, vừa trò chuyện. A nhìn vào hầm pháo, nói:
- Lũ mình có cái hầm to từng ấy mà ở thì sướng.
Bà già hỏi:
- Cũng làm bằng thứ này ne?
- Làm bằng thứ này, nhưng nhỏ hơn. Lỗ chui vào chút chun, luồn như trạch.

Bà già lại hỏi:
- Mưa có vô nước không?
- Vô chứ, có khi ngập tới cần cổ.

Bà băn khoăn:
- Vậy làm sao?
- Thì ráng chịu chớ làm sao!
- Mùa khô chắc khỏe hơn hỉ.
- Mùa khô lại nóng. Mồ hôi ra nhờn cả người, ướt đẫm quần áo, vắt ra nước.

Bà già chép miệng:
- Thôi, cực một chút cũng được, miễn là còn sống!
Sống với những người du kích, tôi càng hiểu rõ sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào đối với họ. Kẻ địch làm sao có thể tách được quan hệ máu thịt giữa họ và đồng bào. Bởi vì, hầu hết các gia đình ở đây đều có con em đi tham gia cách mạng. Thằng Hương, ấp trưởng, từng đe doạ: “Cả thôn này chỉ trừ nhà ông Thức là không vào sổ đen của tôi!”. Chính lời đe dọa ấy lại nói lên sự cô lập, bất lực của chúng.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #74 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:11:02 pm »

Nghĩ thật thương đồng bào. Cuộc chiến tranh đã kéo dài quá rồi. Lòng người dầu có từng chai sạn đi trước những đau thương, uất hận, vẫn không tránh khỏi bồn chồn ngóng đợi ngày chiến thắng. Bà con mong cuộc khởi nghĩa nổ ra thật sớm, mong có cú đấm quân sự thật mạnh. Có bà nói:
- Sao bay? Bay nói khởi nghĩa sao chưa thấy? Tháng chạp qua, tháng một sắp hết, sao chưa thấy khởi nghĩa? Hay là bay phỉnh lũ tao?

Hôm nọ, khi gặp một phụ nữ, tôi được nghe chị nói:
- Sao không đưa bộ đội xuống đánh đi? Bay sợ không có gạo ăn à? Có, sẽ có đủ thôi. Như năm trước đấy, lũ tao nuôi hết, có để bộ đội đói đâu?

Và những người du kích cũng thật đáng yêu. Ở mỗi một con người đều có những nét thật độc đáo, có những câu chuyện làm người nghe phải rưng rưng cảm động. Hồi nãy, sau khi về nhà trở lại, Nương kể:
- Vào nhà gặp mẹ, hỏi: “Có gì ăn không má?”. Bả lật đật đưa một túm củ lang. “Ô, củ lang má nấu khi nào?”. Bả mới nói: “Củ lang sống”.

Tôi nhăn nhó: “Cả ngày không có chút cơm mà đưa củ lang sống, trời ạ!”. Bả vội trút nồi cơm nguội ra rá: “Bưng ra sân ăn mau, con, lỡ lũ nó đến!”.

Kể tới đó, Nương cười:
- Bả càng sợ, tôi càng doạ. Tôi bày cơm ra giữa nhà, ăn đàng hoàng, làm bả cứ chạy quanh dòm chừng!
Cậu ta chặc lưỡi:
- Bả thương thì thương, nhưng bả sợ quá. Bả sợ, mình phát bực.

Hiếu kể:
- Má tôi bảo: “Lũ thằng Hương nắm được danh sách lũ mày hết rồi. Bọn lính cũng biết tên bọn bay”. Tôi liền nói: “Tưởng nó nắm danh sách người hợp pháp, chớ nắm danh sách lũ bất hợp pháp này mà làm gì? Má thật khéo lo. Nó có biết tên hay không thì khi giáp mặt nó cũng một sống một chết, chứ cần năn nỉ gì nó mà sợ?”.

Trong số những người hoạt động lâu năm ở đây, chỉ còn A và Bốn Thiệt. Anh Bốn chạc bốn chục tuổi, người thấp, đậm. Hồi trước, anh bị địch bắt tù 5 năm. Khi trở về, anh để râu dài, khai 49 tuổi, sống hợp pháp.

Thằng Hương kêu anh lên hỏi:
- Anh bao nhiêu tuổi?
- 49 tuổi.
- Sao không khai 50 tuổi cho tròn?
- Tôi sinh sao nói vậy, khai lên một tuổi không được!
- Anh mà 49? Tóc còn đen, răng còn chắc. Anh nhận lấy 37 tuổi và lựa đây: Cộng hoà, Nghĩa quân, Bảo an, lựa lấy một sắc lính mà cầm súng!
- Không, tôi 49, khai 49, không biết khai khác!

Bọn địch bắt nhốt anh. Thằng Hương ra vẻ thương hại, nói riêng với anh: “Thôi, để tôi xin cho anh về. Rồi anh phục vụ ở xã, đi với tôi hử!” Anh phỉnh nó: “Được, tôi sẽ cầm súng đi theo chú”.

Khi địch thả về, anh mới thử vợ:
- Bây giờ tôi ở nhà không được nữa. Vậy mình lựa cho tôi đi.
Một là đi với thằng Hương - có lương, có xe, có khi muốn đi máy bay cũng được. Hai là đi theo “mấy ổng” - không có lương, phải nuôi, cực.

Vợ anh ngậm ngùi:
- Thôi, cực ráng chịu cực, tôi nuôi, đi theo “mấy ổng” đi!
Tuy có nhiều điểm tốt cơ bản như vậy, thôn này cũng còn có nhiều mặt yếu. Khâu đoàn kết trong cán bộ, đảng viên kém. Một thôn mà như là 2 thôn: Lý Trong và Lý Ngoài. Hai Lý này hoạt động tách biệt nhau. Mỗi lần cán bộ ở Lý Ngoài vào đứng chân ở Lý Trong rất khó khăn vì cán bộ nơi này không chịu nhận, không cho ở công sự. Hôm trước, khi tôi và A đến, họ nêu khó khăn và còn moi móc chuyện từ thuở nào, nói rằng trước đây thằng Xê đau, nằm nhờ bên Lý Ngoài mà không ai cho nhờ, vân vân. Ngay tối hôm qua, khi gặp chúng tôi, họ cũng từ chối rồi chuồn sạch, sau đó lại ra đầu xóm chọc chó làm chúng sủa vang, để chúng tôi tưởng địch đến, sẽ rút đi. Họ co thủ, chỉ trốn địch. Lẽ ra tối hôm qua họp quân dân chính để triển khai chỉ thị hoạt động tháng 3, nhưng nghe bọn Cộng hòa lùng sục ở các xóm, họ vội lánh mất, không tổ chức họp được.
 
Ngày 8/3/1972

Công sự chật, lại ở nơi vắng vẻ, kín đáo nên chúng tôi chỉ để 2 người xuống, còn một người ngồi trên cảnh giới.
Lúc này là 10 giờ, tôi vừa ngồi cảnh giới vừa ghi chép. Trời nắng. Gió thổi làm bụi tre xào xạc. Phía ngoài đường, ầm ĩ tiếng xe ô tô, mô tô. Sau một loạt pháo cấp tập, không gian tạm yên ổn.

Nhìn ra đồng, thấy đồng bào đội nón trắng đang lúi húi làm cỏ, be bờ. Mấy chú bé cưỡi trên lưng trâu, lặng lẽ cho trâu ăn cỏ ở bờ ruộng. Đôi chim chào mào đậu ngay trên cành cây trước mặt tôi, kêu ríu rít.
Kẻ địch vẫn đang ráo riết thanh lọc quần chúng. Chúng đã bắt 14, 15 người, đánh đập rất dữ. Bà Hoa không chịu nổi đã khai ra tổ khởi nghĩa của mình có 10 người. Chúng càng đánh hung, mong khui trục được tổ chức của ta. Thằng Hương dẫn bọn “Cộng hòa” la lết hết xóm này qua xóm khác. Bọn này rất hung dữ, cướp giật trắng trợn. Một bà già nói rằng hôm nay có thằng cướp 3 con cá của một bà gánh cá, bà giật lại, nó liền đánh bà. Ghê gớm hơn nữa - bà nói - chúng còn chặt phứt tay những phụ nữ đeo xuyến, nhẫn để cướp vàng. Một bà mẹ tức giận tố cáo: “Bữa qua nó mổ bụng tôi.

Chiều chạng vạng, nó bắt tôi cởi hết quần áo, nó cầm dao rạch một đường từ trên ngực xuống nhưng chỉ rạch doạ. Nó nói: “Bữa hổm có 3 cộng sản vào nhà bà”. Nó bắt tôi chỉ hầm bí mật. Tôi nói: “Hầm bí mật, các ổng làm bí mật, ai thấy được mà chỉ. Như mấy ông làm chỗ ở bí mật, mấy ông có cho ai hay không?”.

Nghe chúng tôi khua động ở ngoài, một bà già trong hầm hỏi vọng ra: “Ai đó?” và cằn nhằn: “Người ta ngủ mà còn làm ầm ầm không cho ngủ”. Mấy cậu du kích trả lời: “Mấy con đây”. Bà cụ lần ra khỏi hầm, đến nhìn sát vào mặt chúng tôi. Nhìn nhận kỹ càng rồi, bà mới vỗ một cái vào vai Thiệt: “Cha bay! Bước vô, bước vô” và cười móm mém. Bà hỏi chị Tám: “Sao, mấy bữa nay đi đâu im ắng đi, bây giờ mới về?”. Bà mách với chúng tôi tội ác của bọn địch và hỏi: “Làm sao chứ bay, căng như thế này mãi sao?”. Bà bảo: “Thôi, tình hình căng quá, bọn bay kiếm chỗ nào yên yên ở ít tháng, khi nào bớt căng hãy về. Bọn tao ráng chịu đòn cũng được”. Chị Tám cười: “Chết sống chúng con cũng bám lại làm công tác, chứ lánh đi sao được?”.

Địa phương chưa có biện pháp gì để chống thanh lọc. Suốt từ khi chúng thanh lọc đến nay, chưa có một tiếng súng nào bắn vào chúng. Du kích công khai có thể đánh được, nhưng đánh rồi sẽ không có chỗ đứng chân, sẽ bị tổn thất hết. Lúc này, chính là lúc du kích mật phát huy tác dụng. Bọn lính chia nhỏ ra la lết xóm này qua xóm khác, ngủ bừa bãi trong nhà dân, du kích mật rất dễ đánh - chỉ cần lén ném một quả lựu đạn là có thể diệt được mấy tên địch, sẽ làm chúng co lại. Tiếc rằng du kích mật ở đây hoạt động yếu quá, không đánh địch.
 
Bọn Cộng hòa đã rút hết. Các xóm đều le lói những ngọn đèn dầu. Ở một sân nhà tập trung mấy cô gái đi dân công về. Mấy cô chừng 17, 18 tuổi thật hiếu động, cứ cười rúc rích hoài.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #75 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:14:39 pm »

Ngày 10/3/1972

Vừa vào nhà vợ chông ông lão đầu xóm, đã thấy bà già chạy ra thì thào: “Thằng Muôn đi chiêu hồi rồi!”. Muôn là du kích thôn, mấy bữa nay cùng đi với chúng tôi, ngày hôm nay nằm công sự cùng Thiệt. Bà nói tiếp: “Bọn bay đừng lên, sợ nó dẫn lính tới bao”. Bà kéo chúng tôi vào nhà, bắt ngồi ăn cơm. Bà gắp cá, gắp gan cá nhám liên tiếp vào bát tôi, nói: “Gan cá nhám đấy, chắc ngoài đó không có, ăn đi con”.

Bà chép miệng: “Cái thằng dại dột vậy, thế mà đi chiêu hồi rồi”. Ông lão căm tức: “Biết thì thọc cho mấy gậy cho chết đi!” Bà già cười: “Rồi nó lại dẫn lính đến đánh mình cho coi.
Cho nó ăn, nó đi chiêu hồi, nó quay lại đánh mình!”.

Nghe bà già nói, tôi thấy vô cùng xót xa. Những thằng phản bội gây biết bao tác hại cho cách mạng. Chúng làm ảnh hưởng đến thanh danh của những người chân chính, làm tổn hại đến lòng tin của dân. Bà già vẫn săn sóc cho chúng tôi từng miếng ăn, nhưng trong lời nói đó có ẩn một câu nhắn nhủ: “Má nuôi các con đây, má không tiếc gì các con hết, nhưng các con đừng phản bội nghe!”. Ăn cơm xong, chị Tám định dọn chén đũa, ông già giằng lấy và nói:
“Bay để lũ tao. Lũ bay có trách nhiệm làm việc nước. Lũ tao có trách nhiệm lo cho lũ bay!”.

Ông bà lão năm nay đã trên dưới 70 tuổi. Ông già tên là Phu.
Con cháu đi thoát ly hết, ông bà mời một ông già nữa về ở cho vui.
Đã nhiều lần bọn địch tập kích ngôi nhà này, đánh một số đồng chí hy sinh. Sau mỗi lần ấy, chúng lại bắt ông bà lão ra đánh đập tàn nhẫn. Tết vừa rồi, chúng đến cướp cả nếp, cả vịt của gia đình. Tuy nhiên, hai vợ chồng ông lão vẫn một lòng một dạ với cách mạng.

Tới đâu, chúng tôi cũng nghe đồng bào bảo: “Thằng Muôn đầu hàng rồi!”. Một phụ nữ nói: “Từ chiều tới giờ hết muốn ăn uống, nghe nó ớn quá!”. Một cô gái chân thọt, khập khiễng chạy theo chúng tôi: “Thằng Muôn đầu hàng rồi, mấy anh đi coi chừng nó dẫn lính về bao đó”. Cô níu lấy tay A và cứ nói mãi một câu: “Bãi cha nó đi, bãi cha nó đi”. Cả thôn xóm xôn xao. Mấy cô gái hợp pháp vội vàng sửa soạn đồ đi lánh, vì sợ thằng Muôn dẫn ác ôn về bắt. An - du kích mật -người nhỏ chút, cũng khăn gói lên núi. Hồi sáng, cậu ta vui miệng kể hết những trận đánh của mình cho thằng Muôn nghe.

Chúng tôi cũng phải lánh đi hết. Những công sự và đường đi lối lại của chúng tôi, thằng Muôn đã biết hết.
Thằng Muôn chừng 17 tuổi, gầy, trán hơi dô, mới vào du kích chừng hai tháng nay. Mấy ngày nay, nó có than khổ, nhưng vẫn làm mọi công việc chúng tôi giao. Chiều nay, khi cảnh giới cho anh em ngủ, nó nói với Thởng:
- Mày ở đây, tao vô nhà bà Trọng coi thử địch ra sao, chú Bốn biểu tao vậy.
- Thiệt không? Để tao xuống hỏi chú Bốn hử?
- Dỡn thôi.

Ngồi một lát, thằng Muôn lại nói:
- Anh Tài phân công mỗi đứa cảnh giới 2 tiếng.
- Bây giờ tao cảnh giới, mày đi ngủ đi.

Thởng không đi ngủ mà xuống cảnh giới ở phía sau.
Muôn lén chạy ra đường cái, chuồn một mạch. Về nhà, má nó hỏi:
- Sao hôm nay mày lên sớm dữ vậy?
Nó cười, chuồn ra cửa sau. Qua nhà ông Kiên, ông đang cúng cháo, mời nó:
- Vô ăn cháo, con!
- Cháo mà ăn!

Nó cười cười, nói nhỏ câu ấy rồi đi thẳng xuống ga. Tới đó, nó gặp bọn lính, hỏi gặp thằng Hương - ấp trưởng An Quý. Đồng bào không ngờ nó đi đầu hàng, đến khi biết thì đã muộn, không bắt được nó nữa. Một cô gái hợp pháp vội chạy về báo tin ghê gớm đó.
 
Ngày 12/3/1972

Nghe tin hồi 9 giờ sáng hôm qua, thằng Muôn đã dẫn một trung đội Dân vệ và bọn ngụy quyền ấp về khui công sự của chúng tôi. Chúng khui cái ngoài đồng trước. Không được gì, chúng liền đánh đá túi bụi thằng Muôn và trói lại. Tới chòm rừng, khi khui công sự thứ nhất, lựu đạn của chúng tôi gài nổ làm chết 2 lính, bị thương một lính và chết cha của tên ác ôn Đàm. Bọn lính cay cú càng đánh thằng Muôn dữ.
Đang đi từ rìa Tuy An xuống thì nghe súng nổ rộ phía Thành Sơn - rất gần chúng tôi. Lập tức, cả đoàn người lao nhanh về phía có súng nổ - nếu ở rìa, sẽ bị đội pháo. Chạy ra đồng, anh em du kích xách súng lao tới chỗ đang nổ súng, chúng tôi tạt qua trái một chút, chạy vào một xóm. Pháo từ đồi Mười bắt đầu câu tới. Nhìn thấy những chớp lửa kế tiếp bung ra ở rìa núi và những tiếng nổ ầm vang. Pháo cũng bắn đèn dù tới. Quả đèn dù lao vùn vụt trong không khí rồi nổ bung ra, sáng bừng lên.
 
THƯ ĐỒNG CHÍ

Vũ Đảo.
Ngày 12 tháng 3 năm 1972


Long, Chi thân mến!

Trước Tết, mình có viết thư cho Long, Chi thông báo một số tình hình ở nhà. Hôm vừa rồi nhận được thư của Long viết trước khi đi Hoài Nhơn. Đáng lẽ mình viết thư sớm hơn cho Long, Chi, nhưng vì bận họp lu bù, thành thử hôm nay mới viết được.

Tết năm nay ở nhà tổ chức tốt và vui hơn năm ngoái về vật chất cũng như về tinh thần. Suốt đêm giao thừa, anh em ở nhà thức trắng, đi thăm hỏi và chúc tết nhau, kẹo, cà phê, trà thuốc rôm rả.
Mình cũng đi chúc tết khối dân vận, binh vận, đấu tranh chính trị cũng nhằm gây quan hệ lâu dài. Trừ Lý và Đồng nhận được thư gia đình, còn anh em ta chưa ai nhận được. Qủa có về báo cáo tình hình, mang số tin và ảnh về, ở nhà 10 ngày, lên đường 5/3. Lần này Quả về được anh em trong cơ quan, đặc biệt là Văn phòng - Quản trị lo chu đáo về ăn uống, cấp hàng tết, sổ sách, giấy, lương khô chu đáo, nên ra đi Quả phấn khởi lắm.

Đại hội chi bộ họp đầu tháng 3, bầu lại ban chi ủy mới - anh Lê, bí thư - thêm anh Hồng, Khoa vào Ban mới.
Hội nghị liên hoan chiến sĩ thi đua toàn Ban cũng họp 2 ngày 10,11/3, rất có kết quả, có cổng chào, phòng triển lãm. Tiểu ban Thông tấn xã ta vinh dự có Việt Long được lựa chọn là chiến sĩ thi đua (trong tổng số 12 CSTĐ), được tặng thưởng Huy chương Giải phóng hạng nhất (mình giữ tặng phẩm của Long), 1 huy hiệu Bác Hồ... mình và Hồ Ca là cá nhân xuất sắc. Riêng Thông Tấn Xã được đề nghị khen thưởng Huân chương Giải phóng hạng hai. Đây là sự động viên, cổ vũ anh em ta rất lớn, càng làm cho anh em mình thấy vinh dự, nhưng trách nhiệm càng nặng nề hơn, phải vươn lên mạnh hơn nữa trong giai đoạn mới.

Hội nghị cũng đã phát động đợt thi đua mới từ nay đến 2/9, chia ra 2 đợt, đợt một sơ kết vào 19-5, đợt 2 từ 19-5 đến 2/9 thì tổng kết.
Phương hướng thi đua của toàn Ban: nỗ lực phi thường, xoáy vào nhiệm vụ chính trị, bám sát nghị quyết, bám sát thực tiễn, quyết đạt khối lượng công tác lớn nhất, chất lượng cao nhất, tốc độ nhanh nhất. Phải thực hiện “3 hoá”: chuyên môn hóa nhiệm vụ, kế hoạch hóa công tác và hợp lý hóa lao động...

Phương hướng cụ thể của Tiểu ban ta:
- Nâng cao chất lượng tin và ảnh (sát nhiệm vụ chính trị, kịp thời, chính xác, bảo mật).
- Phản ánh toàn diện (3 quả đấm trên 3 vùng chiến lược).
- Xây dựng hệ thống Thông tấn xã ở tỉnh, mạng lưới thông tín viên, hệ thống đài minh ngữ...

Cuộc vận động thi đua này phải gắn liền với cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên...
Sau khi nhận được thư này, Long và Chi cũng trao đổi và lập chương trình thi đua, kiểm điểm kết quả đăng ký nâng cao chất lượng đảng viên... và lập đăng ký trong năm nay và gửi về nhà; đồng thời quá trình công tác, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, Long và Chi cũng hình thành dần bản báo cáo về đợt công tác này, giữa tháng 5 thì về báo cáo chung trong Tiểu ban để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, để làm tốt công tác hơn nữa Cơ quan cũng vừa nhận được điện báo là TW đã gửi vào một số hàng theo yêu cầu. Đợt này, bộ phận ta có máy phóng và một số phim, thuốc, giấy ảnh. Sắp tới cơ quan sẽ cử người đi đón nhận. Bác Tân mà về chậm là “lạc hậu” với tình hình đó.
Anh Phượng cũng đã điện vào hỏi mình xin bao nhiêu dép cao su, kính đeo mắt... mình đã kê xin cho cả 2 bạn, mỗi người một đôi loại số 39, chưa biết là có vào đến nơi không? Mình đoán có lẽ anh em ta vào sẽ áp tải vào thôi, và như vậy là khi nào Long, Chi về cũng gặp anh em mới vào thôi. Chắc lần này sẽ nhận được thư của gia đình.

Thế Kỷ cũng vừa gửi thư cho mình, gửi lời hỏi thăm Việt Long và tỏ ý cảm động khi nhận được thư Việt Long.
Anh em ở nhà biết tin Việt Long bị mất tiền cũng chia sẻ niềm “bất hạnh” đó. Riêng mình thì cũng chia sẻ niềm “bất hạnh” đó, nhưng nhắc lại với Long và Chi rằng: trong sinh hoạt phải hết sức gọn gàng, ngăn nắp và quân sự hóa để tránh những việc đáng tiếc lớn hơn nữa cơ.
Thôi nhé, chúc Long, Chi thành công trong nhiệm vụ mới.
Rất thân thương
Vũ Đảo

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:17:48 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #76 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:20:42 pm »

Ngày 13/3/1972

Muốn đi từ rìa Hoài Sơn này xuống núi phải đi bán hợp pháp.
Thảo và Thiệu đứng nhìn xuống đồng, thấy 2 cô gái đi ra. Hai chiếc nón trắng đang nhấp nhô trên đồng, đột ngột hạ xuống thấp rồi lại trồi lên, nhấp nhô. Thiệu gọi chúng tôi đi xuống. Ra tới đường lớn thì gặp hai cô gái gánh đôi giỏ đi tới. Vào một xóm nhỏ thay đổi hình thức.

Các cô đưa chúng tôi nón lá, ni lông, cuốc, còn chúng tôi cởi quần dài, đưa bao súng cho các cô gánh. Thảo - xã đội phó - mặc chiếc áo trắng, đội chiếc mũ phớt trắng, bị các cô cười ầm lên, kêu là “ấp trưởng”. Cậu ta băng ra đồng, bóng cao lêu nghêu nổi bật lên giữa đồng lúa xanh thắm. Đứng chờ ở xóm, thỉnh thoảng cho một, hai người đi ra - không nên đi đông, vì địch rất gần, chúng dễ nghi ngờ.

Chiều, tập dượt cách tổ chức quần chúng đi nổi dậy. Tập trung được khoảng hơn 100 người, có gậy, dao, dây. Có những người ở gần chốt điểm địch cũng đến. Trong hoàn cảnh một xã có 11 thôn mà có 14 chốt địch và 2 tiểu đoàn Cộng hòa đang hành quân lùng sục như hiện nay, tập trung được như vậy thể hiện sự cố gắng lớn của cán bộ và tinh thần cách mạng cao của quần chúng.
 
Ngày 14/3/1972

Tôi, Hà Huệ (phóng viên quay phim) và Khanh (cán bộ Huyện) cùng nằm một công sự. Ngủ một giấc tới gần 7 giờ sáng. Đột ngột thức dậy vì thấy ngột ngạt quá. Tôi thấy mũi hơi nóng, ngực hơi nặng. Còn Huệ thì thở ào ào, mồ hôi toát ra đầm đìa. Không khí mỗi lúc một nặng hơn. Huệ kêu: “Ngợp quá!”. Khanh quạt “phành phạch” một lúc rồi cũng nằm im, thở phì phò. Tôi cầm miếng bìa, quạt mạnh về phía lỗ thông hơi. Thấy vương vướng, tôi đưa tay sờ thấy đầu Huệ đã trồi lên sát miệng lỗ thông hơi. Tôi đẩy anh ta lui xuống và quạt mạnh. Không khí có nhẹ đi chút ít. Huệ thở nhẹ đi chút ít.

Nằm lắng nghe, trên mặt đất vẫn lặng lẽ. Huệ nói:
- Có lẽ chị Tám đi chợ mất rồi. Chà, chị ấy đi tới trưa thì chết mất!
Lát sau, Huệ lại nói hổn hển:
- Hôm nay sao ngợp hơn hôm qua. Chắc chị Tám đậy nắp hầm chặt quá!

Tuy đang mệt, nghe Huệ nói vậy, tôi cũng không tài nào nín được cười. Bậm môi, cắn răng lại, tiếng cười vẫn bật ra. Huệ nói thật là kỳ cục. Nắp hầm lúc nào chẳng phải đậy chặt, đậy kín - thậm chí phải lấp thêm đất, phủ rơm rác lên. Tôi hiểu rằng trận mưa ngày hôm qua đã khiến đất cát, rơm rác trôi xuống làm nghẹt lỗ thông hơi.

Huệ nằm im, thở dữ dội. Tôi cố thở sâu, theo nhịp và ra sức quạt. Đã có trường hợp chết dưới hầm vì thiếu không khí. Chết vì thiếu không khí thì đau khổ biết chừng nào, bởi vì không khí tràn đầy cả trái đất, không khí hào phóng đối với tất cả các loại sinh vật, không khí có bủn xỉn đâu? Nhưng lúc này đây thì rõ ràng là thiếu không khí. Phải giành lấy không khí mà sống. Cách tích cực nhất là quạt, quạt cho mạnh để lùa cácbonníc trong hầm ra, hút không khí trong lành từ bầu trời vào.

Gần mười giờ rồi. Nghe những bước chân rậm rịch trên mặt đất. Có tiếng chân bước lại gần miệng hầm. Một luồng ánh sáng ập xuống, kéo theo những hạt cát rơi thoang thoáng như mưa bụi. Và không khí, không khí rơi xuống, không khí bay xuống, không khí tràn xuống, không khí ùa tới bọc kín chúng tôi làm chúng tôi tỉnh táo lại.
Cửa hầm vừa nhấc lên, Khanh đã nhỏm dậy, nói:
- Ngợp quá chị ơi!
Chị Tám nói vọng xuống:
- Hôm nay không có lấy một chút gió!
Chị cúi xuống dặn dò:
- Mở nắp ra cho thoáng chứ không lên được đâu. Lính đi cùng ngang hết.

Chúng tôi nằm xuống theo lời chị. Lúc này, chị là vị chỉ huy tối cao của chúng tôi. Cuộc sống của chúng tôi nằm trong tay chị. Khi xuống hầm, tức là anh đã trao cuộc sống của anh cho người đậy nắp hầm. Người đó thông minh, ngoan cường, thì anh được sống, sống dễ chịu. Còn người đó nhút nhát thì có khi anh bị nhốt dưới hầm cả ngày, có khi bị địch khui công sự. Trường hợp bị địch khui công sự vì người đậy nắp nó phản bội, khai báo rất hiếm có. Nhưng trường hợp bị nhốt cả ngày, tối mới lên thì nhiều. Chị Tám không vậy. Biết chúng tôi nằm dưới hầm rất mệt, chị để gần sáng mới đậy nắp hầm và luôn coi chừng, khi địch dãn ra là mở nắp cho hầm thoáng.

Tới trưa thì chị gọi chúng tôi lên ăn cơm. Thằng Ửng - con chị - đi cảnh giới về cũng bưng chén cơm ăn ngon lành. Con ánh chạy ra ngõ làm nhiệm vụ thay anh nó. Chị Tám kể:
- Sáng nay tụi lính bắt đồng bào vô điểm gánh đồ cho chúng chuyển quân. Chút nữa nó bắt tôi - lo quá, nó bắt cả ngày, để các anh nằm dưới đó tội chết. Tôi vội lẩn đi, về được.

Hơn 2 giờ chiều, anh Đức tới. Anh mặc chiếc áo trắng, quần đùi trắng, bưng một cái rổ - đựng cái thắt lưng, khẩu súng ngắn. Huệ thay bộ quần áo đen của mình bằng một bộ quần áo trắng - kiểu của người già. Chiếc máy quay phim của anh đựng trong một cái túi, do thằng Ửng xách. Lúc này, bọn lính đang rập rình ở cái nhà tôn trước mặt - cách mấy đám ruộng. Anh Đức vạch rèm cửa, nói:
- Tôi đi đây này. Anh Huệ cứ theo tôi!

Ba người bước đi, còn tôi và Khanh thì tìm cách xuống công sự.
Nhà chỉ có một cửa, phía trước lại có lính, làm sao ra khỏi nhà để xuống hầm được? Chúng tôi đang lúng túng thì chị Tám dựng một cái nong, bảo chúng tôi núp phía sau. Chị Tám lăn cái nong qua giữa sân. Chúng tôi lom khom núp sau cái nong ấy mà đi...

Xế chiều, nghe chị Tám gọi, tôi vội chui lên. Chưa kịp đứng thẳng người thì đã nghe một cô gái nói lớn:
- Lính lên kia!

Lại chui xuống. Chị Tám nhanh chóng nghi trang công sự. Lại nằm trong một khối đen đặc. Cũng may, lúc nghỉ, tôi đã moi ở 2 lỗ thông hơi mấy vốc cát nên đỡ ngột ngạt.

Nghe tiếng nhiều bước chân chạy rậm rịch trên mặt đất. Có những bước chân dậm thình thịch ngay trên nóc hầm và tiếng người nói lao xao.

Nghe chị Tám nói lớn ở phía xa: “Mía của tôi từng ấy mà nó cũng bẻ nó ăn”. Chúng tôi hiểu rằng bọn lính đang đứng trên nóc hầm, bẻ mía của chị Tám - những cây mía mới lớn bằng ngón chân cái - mà ăn. Chúng tôi nằm im thin thít.

Gần 6 giờ, chị Tám bật nắp hầm, gọi:
- Để đồ dưới đó, lên nhanh!
Cô Bảy - du kích - đã chờ sẵn, giục:
- Cởi quần dài, đội nón, theo tôi mau!
Chị Tám vừa nghi trang lại công sự, vừa nói:
- Thôi, giao cho cô đấy, tôi xong trách nhiệm.

Trong khi tôi cởi quần dài thì Khanh mặc vào một cái áo trắng cũn cỡn. Riêng tôi, vẫn phải mặc chiếc áo mầu bộ đội, vì không có cái nào để thay. Chúng tôi rảo bước theo Bảy. 120 thằng lính ngụy đang tràn lên. Bên trái, bên phải, đằng sau đều có lính. Đi qua một ngôi nhà nhỏ, thấy một ông già đang cuốc vườn, Bảy nói với ông:
- Bác cho cháu mượn cái áo!

Ông già cởi vội cái áo bà ba đen đang mặc, móc túi lấy lại chùm chìa khoá, rồi đưa áo cho Bảy. Cô đưa tôi mặc trùm lên cái áo mầu bộ đội cho địch khỏi chú ý. Lại đi qua các xóm nhà. Tới đâu, cũng thấy đồng bào đứng dặn: “Cẩn thận nghe” và nhìn chúng tôi bằng cặp mắt vừa thương yêu, vừa ái ngại, lo lắng. Bước ra đồng, Bảy dặn:
- Nếu xóm trước mặt có lính thì tạt mau ra đồng nghe!

Nhìn ở đồng, phía nào cũng có những cô gái đi qua đi lại như thoi đưa. Đó là những cô du kích xã. Họ đi như vậy để quan sát địch và yểm trợ cho chúng tôi. Tôi yên tâm bước theo Bảy.
Xóm không có địch. Vào ngồi ở nhà một bà già. Bà hỏi:
- Ăn cơm chưa? Vào ăn!

Bà đi dọn cơm, giục:
- Cứ vào ăn đi con, không sợ đâu.
Bà gọi mấy đứa nhỏ ra ngoài cảnh giới.

Lúc tôi chan nước cá, bà bảo:
- Đừng ăn nước, ăn cái đi con, gắp cá ăn đi chớ.
Bà vừa ngồi coi chúng tôi ăn, vừa kể:
- Bữa mình đánh mìn nó chết 1, bị thương 4, nó kéo tôi ra đánh nhừ đòn. Mình cũng ráng chịu chớ biết làm sao.
Bà chép miệng:
- Trước kia ở đây vui lắm, tối nào bộ đội cũng về cõng gạo. Thiệt tội, mấy đứa, đứa nào cũng vui vẻ, dễ thương cả. Đi từ trên núi xuống đem từng trái ươi chia cho lũ nhỏ. Bao giờ lại được vui như thế nữa.

Một ông già đi chậm rãi từ sân vào. Bà già chỉ ra, nói:
- Bữa trước nó cũng đánh ông ấy không đi được. Uống thuốc miết, bây giờ mới đi được như vậy đấy.
Ông già gọi chúng tôi lên nhà chơi. Ông bảo tôi:
- Chú cũng người nghĩa vụ hả?
Tiếng “nghĩa vụ” chỉ anh em miền Bắc.

Ông tiếp:
- Anh em nghĩa vụ với tôi như con với cha.
Ông lại chỉ ra sân:
- Khu trục Mỹ thả bom giết chết 3 đứa con tôi tại đây - hai đứa ngồi trong hầm, một đứa ngồi bên thềm. Khi ấy, nhà còn lớn lắm chứ không nhỏ như bây giờ.

Ở mảnh đất này, đau thương, căm thù và yêu thương thể hiện rất rõ ràng, rành mạch.
Ngoài sân, mấy đứa nhỏ đang dỡn nhau. Chúng ném những miếng nhựa trắng bọc đầu đạn M79 rồi duổi theo, giành nhau, cười.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #77 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 02:24:39 pm »

Ngày 15/3/1972

Xuống Tam Quan. Vượt đường số một khá dễ dàng. Qua từng thôn đều có du kích dẫn chuyền. Tới địa phận Tam quan thì có 2 cô gái dẫn tôi đi. Từ đây bắt đầu có hơi hướng của biển. Gió thổi về nghe nồng nàn, hào phóng. Lội qua những con sông nước mặn làm sủi lên những bọt lân tinh sáng xanh trong. Mặc dù 2 cô gái xắn quần cao, tôi cũng không thể nhìn thấy mầu trắng của đôi chân vì trời tối quá. Chỉ nhận thấy hai đôi chân ấy qua những bọt lân tinh sáng xanh. Những bọt nước ấy sủi lên từ bàn chân tới ống chân, tạo thành những khối lân tinh đẹp như ngọc bích. Tôi có cảm tưởng rằng đôi chân của hai cô chính là ngọc bích được tạo hóa tạo thành những hình khối diệu kỳ, vừa có cái mãnh liệt của cuộc sống, vừa có cái huyền ảo của thần thoại.

Tới một xóm nhỏ bên sông, tôi được anh em du kích dùng thuyền chở đi. Mái chèo làm những bọt lân tinh xao động, nhảy múa. Nép vào những hàng cây đước dọc bờ sông bơi thuyền tới chứ không dám đi giữa sông vì sợ địch phát hiện.

Tới bờ, Thu dẫn tôi đi. Anh dặn rất cẩn thận là phải theo sát anh, nếu không kịp thì đứng lại, anh sẽ quay lui đón chứ đừng đi lung tung vì ở đây gài rất nhiều đạn pháo, cối. Ở cái xóm tôi vừa đi qua, hôm trước một đại đội Cộng hòa đổ quân xuống càn bị vướng lựu đạn chết 3, bị thương 1. Chúng hoảng sợ đứng tại chỗ gọi máy bay vớt đi, không dám lùng sục tìm khẩu súng bị mất bữa trước.

Đi dưới những hàng dừa tư lự. Thu đi rất nhanh. Thỉnh thoảng anh lại đâm sầm vào một cành tre rấp ngang đường. Anh cằn nhằn rồi ráng sức dỡ cành tre lên, đi qua. Có lẽ anh em rấp đường để hạn chế địch đi tập kích. Đi qua đi lại nhiều nhà rồi cũng tìm thấy Thưa - bí thư xã.
Tối thui, chỉ nghe tiếng nói của nhau. Thưa bảo tôi cứ cột võng ngủ, sáng hẵng hay. Vừa nằm được một lúc thì nghe một tiếng mìn nổ ầm, tiếng súng nổ ran. Thưa kêu: “Thôi rồi, chết ông Thởng rồi”.

Tất cả trở dậy, ra sân nhìn. Địch bắn đèn dù sáng rực. Quả đèn này vừa tắt, đã nghe tiếng cối 60 nổ ùng, thấy một đường lửa đỏ mờ rạch trên bầu trời rồi bung ra thành một ngọn đèn lớn. Thưa cứ than thở mãi: “Thôi chết ông Thởng rồi! Đúng hướng ông Thởng đi, ổng chớ ai!”. Anh gọi một du kích bảo rủ thêm người tới ngay nơi mìn nổ xem sao.

Ngày 16/3/1972

Vào một xóm của thôn Công Thạnh. Ở đây tập trung rất nhiều cán bộ “bất hợp pháp” (cán bộ cách mạng thoát ly). Chị Cẩn - bí thư chi bộ Tân Thành - người mập trắng, vui tính, hay nói đùa. Chị rất sốt sắng kể chuyện đấu tranh của đồng bào cho tôi nghe.

Đi tới các cửa ngõ đều gặp những thanh niên nam nữ cầm lựu đạn, súng tiểu liên đứng cảnh giới. Chính những cô cậu đó đã nhiều lần ném lựu đạn diệt địch giữa vùng chúng kiểm soát. Một thanh niên chừng 17, 18 dẫn tôi đi kể chuyện rằng mới đây cậu ta liệng lựu đạn làm chết 2, bị thương 1 tên địch giữa ấp Tân Thành. Ham diệt địch, cậu liệng lựu đạn quá gần làm chính mình cũng bị thương nhẹ. Ngay lúc đó, đồng bào đưa cậu về nơi an toàn.

Hai cô gái dẫn tôi về thôn An Thái. Tới bờ một con sông, một cô nói: “Đồng chí cởi quần dài choàng lên cổ, lại lội sông nữa!”. Từ hôm qua đến nay, tôi đã qua 5 con sông rồi. Đây chính là “quê hương 9 áo 1 quần”. Lội ra giữa sông, cô Mới ré lên một tiếng và cười khúc khích: “Cua cắn em”. Cô tạt nước vung lên trời cho rơi xuống lộp bộp rồi quay lại tôi: “Mưa đấy anh” và lại cười. Cô Lan đang khoác súng im lặng đi, cũng chợt kêu lên: “Cua cắn chân”. Còn tôi thì chỉ nhìn thấy phía trước 4 khối ngọc bích sáng xanh đang chuyển động.

Hai cô vừa đi vừa nói, giọng nói rất dịu dàng, nghe có phần hơi kịch: “Anh nghe lời em nhé. Vì ai mà xóm làng tan hoang, có phải vì giặc Mỹ không anh?”. Có lẽ hai cô đang tập nói binh vận.
Đi qua một cánh đồng rộng hoang vu, mọc đầy cỏ tranh. Con đường nhỏ mấp mô. Mỗi lần qua một chỗ khó, Lan lại quay lại nhắc tôi: “Đồng chí bước vào chỗ này này, đừng bước lên chỗ ấy, ngã đấy”.
Vào một túp lều nhỏ. Mới bảo tôi bật máy lửa lên. Vừa nhìn thoáng thấy ngôi lều trống trơn không một chút đồ đạc, Mới đã kêu: “Tắt đi anh!”. Mới nói nhỏ: “Hay là địch tập kích, mấy anh dọn đồ đi hết?’.

Lúc này, chỉ còn Lan khoác súng dẫn tôi đi. Cô không gọi tôi bằng “đồng chí” xưng “tôi” nữa. Cô nói: “Nếu không có anh, em cũng về một mình thôi. Trước đây em sợ ma lắm, nhưng bây giờ quen rồi.
Làm cách mạng mà sợ gì?”. Cô rất cởi mở kể chuyện gia đình bằng giọng nói trong, êm, khá dễ chịu. Cô khoe:
- Gia đình em đi cách mạng hết, không có ai làm cho địch. Mới rồi, bọn địch bắt anh Sáu em vào Nghĩa quân, đưa đi tận Phù Cát.
Nhưng ảnh nói ảnh sẽ tìm cách về.
Lan tiếp:
- Em đi công tác, má em rầy la hoài. Bả nói chỉ còn bả với anh em cụt chân ở nhà, lấy ai gánh nước, giặt đồ. Bả dọa chụp cổ em cạo hết tóc. Nhưng em vẫn cứ đi. Hồi đầu hợp pháp, nhưng sau tụi ấp về kiếm bắt, em chạy bất hợp pháp rồi vào du kích xã luôn.

Tôi hỏi:
- Em bao nhiêu tuổi rồi?
Cô trả lời và kể luôn:
- Em 19 tuổi. Có người đã đến nói em, má em nhận lời nhưng em không chịu, em đem trả lễ. Bởi vì người con trai đó không chịu đi làm cách mạng, ngày ngày cưỡi Honda đi chơi. Em bảo anh ta đi làm cách mạng, anh ta nói sợ khổ, không dám đi. Em liền hỏi: “Khổ là khổ thế nào?”. Anh ta trả lời: “Khổ là nằm bờ nằm bụi, ăn uống thiếu thốn”. Em lại nói: “Anh chỉ nhìn thấy cái khổ trước mắt mà không thấy cái sướng lâu dài. Đi làm cách mạng có cái vinh dự là người cầm súng bảo vệ đất nước, đấy là cái sướng nhất”.

Lan kết luận:
- Sau này, có lấy chồng, em cũng lấy anh em cách mạng thôi!
Tôi hỏi:
- Từ ngày vào du kích, em đã đánh trận nào chưa?
Vừa lúc ấy, một quả đèn dù nổ bụp ở hướng Đông. Lan chỉ về đó:
- Có chứ, đánh ở chỗ thả đèn dù ấy. Mật tập anh à. Nhưng em chỉ được đánh một trận thôi, còn chủ yếu là bám tuyến dẫn khách.
 
Ngày 17/3/1972

Cả vùng An Thái chưa xóa sạch dấu tích của sự hoang vu. Hồi tháng 8/1970, 36 xe ủi và gần 200 xe quân sự Mỹ ngụy đã tập trung cày ủi nơi này. Giờ đây không còn một bóng cây to. Chỉ có những đám điền thanh và bãi cỏ tranh mênh mông. Xen vào đó, lưa thưa những túp lều. Từng chòm, từng chòm có những khóm chuối, bụi mía, vườn rau. Lúc này đã cuối mùa rau rồi. Rau cải, rau cúc đều đã ra hoa vàng tươi hoặc đã kết quả lăn tăn. Những cây cà chua đầy những quả xanh và những bông hoa vàng. Một đoá hoa hồng bẽn lẽn nép bên đám cỏ, nở nụ cười hồng tươi. Gió thật tinh nghịch, chọc ghẹo hết thảy cây cỏ làm chúng cười xào xạc mãi.

Anh Nở - bí thư chi bộ - có đôi mắt hơi mờ, đục, dáng chậm chạp, nói chậm chạp. Anh có vợ và 6 con. Lúc này, anh chỉ còn 4 đứa con gái tuổi 13, 14 trở lại. Anh nói:
- Có 6 đứa, nhưng đất nước mới chia một đứa, Mỹ cướp một đứa, còn bốn.

Anh dẫn tôi ra một nơi vắng vẻ, giữa đồng không mông quạnh mà làm việc. Qua câu chuyện, cho thấy anh nắm rất chắc địa bàn, địch, ta. Tại thôn An Thái nhỏ bé này, địch tập trung đủ các loại lực lượng để kìm kẹp dân. Thường xuyên có 1 đại đội Cộng hòa, 6 cố vẫn Mỹ,1 trung đội cảnh sát, 1 đại đội Bảo an, 2 đoàn Bình định, 3 toán Thanh niên chiến đấu, 3 toán Phòng vệ dân sự, 12 tên ngụy quyền xã, 4 tên ngụy quyền thôn, có lúc lên đến 1 tiểu đoàn Cộng hòa, 1 trung đội Mỹ. Hiện nay, chúng vẫn duy trì lực lượng như trên, đóng 5 chốt điểm, tăng cường 1 đại đội Bảo an. Đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, nghề buôn. Trước đây, vì nơi này có thị trấn Tam Quan, có đường số một chạy qua nên dân số khá đông - gần 4.000 người, nhưng do chiến tranh, chạy tứ tán, nay chỉ còn trên 2.000 người. Từ trước tháng 4 năm 1971, phong trào còn yếu, cán bộ không trụ bám tại chỗ được mà chỉ bám quanh rìa, nhưng từ tháng 5 năm 1971 đã bám được. Các đồng chí Trì, Tiếp, Khánh, Tăng, Thảo gài đạn pháo 2 lần diệt 19 tên Bảo an, làm bị thương 7 tên. Địch phải co lại. Tuy nơi này cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhưng cán bộ không một ai đầu hàng, đầu thú, chỉ có một số ít bỏ việc, trốn đi vùng khác làm ăn. Hiện lực lượng ta có 7 đảng viên, 30 cán bộ, 12 đoàn viên, 1 đội du kích thôn, 5 tổ gồm 15 du lích mật.

Tuy lực lượng ít, ta vẫn luôn luôn bám tuyến, diệt địch, hỗ trợ đồng bào đấu tranh.

Nghe tiếng súng nổ gần, tiếng trực thăng quần lượn, Nở đứng dậy nghển cổ nhìn, rồi nói: “Đi ra công sự”. Anh dẫn tôi đi vòng vèo trong bãi tranh, tới một nơi có mấy cây điền thanh mọc cụm lại, chỉ xuống đất, nói: “Ngồi xuống đây”. Chúng tôi lại tiếp tục làm việc.

Anh dặn tôi đạp nhẹ chân, đừng để lại dấu vết. Có lẽ công sự nằm quanh đây, nhưng tất nhiên tôi không thể phát hiện ra nắp nó.
Chừng 9, 10 giờ, anh lại dẫn tôi về nhà. Chị vợ anh đã đi chợ về, đang ngồi bó rau muống. Con Sáu đang đau, ngồi cù rù cạnh mẹ nó. Con Bốn đang ngồi chặt cây cải giống. Hồi nãy, con Bốn và con Năm cứ đánh bi ăn cõng với nhau miết. Hễ đánh trúng 3 lần liền là được cõng. Con Năm luôn ăn gian, dúi hòn bi vào sát hòn bi của con Sáu mà đánh, làm con Sáu phải cõng hoài. Chúng không được đi học và cũng chẳng có trò chơi gì hấp dẫn hơn trò chơi ấy, nên mặc dù phải cõng chị nặng tới ngã dúi xuống, con Sáu vẫn cười như nắc nẻ. Xen vào tiếng cười của chúng là tiếng máy bay trực thăng bay phành phạch rất thấp.

Anh Nở lại đưa tôi qua ngồi ở một nhà khác, dặn:
- Anh cứ ngồi đây, có chuyện gì tôi sẽ chạy tới. Ngồi đây kín hơn, chạy dễ.

Anh tranh thủ ra cưa hom trồng sắn. Tuy bị thương nhiều lần, sức yếu, mắt mờ đi, ống xương tay trái bị mẻ một miếng lớn, anh vẫn có cái rắn chắc của người nông dân. Đám đất mới thu hoạch rau xong được anh xới tung lên, vun thành từng vồng thẳng tắp. Chị Nở đang gánh một gánh rau muống nặng trĩu, kĩu kịt đi tới.

Chiều tối, đi về phía ấp công tác. Vẫn đi qua cánh đồng. Loại cây trồng lớn nhất, nhiều nhất ở đây là chuối. Thỉnh thoảng mới có một cây dừa cao vút, lá tơi tả. Có những cuộn dây thép gai bùng nhùng bò lạc lõng trên đồng, đã bị mưa gió làm hoen rỉ. Cách không xa lắm là khu dồn và đồn địch với những mái nhà tôn và mấy cái pha đèn loá nắng. Một con kênh nhỏ nước chảy lặng lờ với cái cầu sắt bắc ngang bị gẫy gục, rỉ đỏ nhem nhuốc. Muốn qua con kênh ấy phải leo lên những cây đước. Những cây đước thật lạ, cành, rễ nghênh ngang mọc kín cả mặt kênh, tạo thành những cái cầu cheo leo. Qua kênh, đi vào một cánh đồng lúa nhỏ. Những khóm lúa lùn nở to, cây mập, xanh đậm đà.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #78 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 08:46:56 pm »

Ngày 18/3/1972

Đang ngủ say thì giật mình choàng dậy vì tiếng đạn cối nổ. Hị nói: “Coi chừng nó tập kích”. Tất cả trở dậy cuốn võng, thu dọn đồ rồi vào hầm núp. Tiếng cối 60 vẫn nổ “Pốc... đùng! Pốc... đùng!”.
Nở dẫn tôi tới công sự. Có khả năng địch càn. Đi một hồi, rẽ vào một đám đất, Nở ngồi xuống. Lát sau anh than thở: “Chết cha rồi, họ đào củ ngay trên nắp hầm mình!”. Anh dẫn tôi tới một công sự khác. Chỗ này, nhiều người tới lui quá nên đất bị mòn thín đi, địch dễ phát hiện dấu vết. Nở lại dẫn tôi về công sự hồi nãy. Anh ngồi thừ một lúc rồi đứng lên, nói: “Không được, không được! Đất mới quá, phải có người nghi trang chứ không tự nghi trang được”. Nở thật là cảnh giác. Anh bảo tôi xuống hầm rồi đi kêu một anh khác xuống ở cùng. Còn anh thì đi cảnh giới.

Hầm hơi chật nhưng có tới 4 lỗ thông hơi rộng nên rất thoáng, mát. Tới 10 giờ nghe 3 phát súng nổ liên tiếp, anh Sáu nói: “Nó rút đấy!”. Lát sau, nghe có tiếng gõ đều đều trên miệng hầm và tiếng anh Nở gọi: “Lên hử”.

Hồi sáng sớm, địch cho 20 tên mò lên nhưng chỉ ở ngoài tuyến.
Chúng gây nên những đám cháy ở gần, khói ùn ùn bốc lên.
 
Ngày 19/3/1972

Dự đại hội Đảng ủy xã. Lúc giải lao, chợt nghe một tiếng nổ ầm. Chị Cẩm kêu: “Chết rồi, mìn mo”. Một loạt súng rộ lên, có kèm cả tiếng M.79 “Tập kích! Tập kích!”. Mọi người vội vàng vơ đồ đạc, chạy về phía đã định trước. Cũng may, tôi đã khắc phục được tính luộm thuộm, đồ đạc để gọn trong một bao nên không bị thất lạc gì.
 
Ngày 21/3/1972

Tiểu đoàn một Cộng hòa càn ở An Thái. Chúng đốt cỏ cây cháy rừng rực suốt ngày. Chúng bắt một ông già dẫn đường. Tới một khu vực, ông già ngồi lại, nói:
- Ở khu vực này Cộng sản gài nhiều lựu đạn lắm, tôi không biết đường. Các ông đi thì đi!

Bọn địch lướ quớ mò đi. Một quả cối 81 cải tiến nổ tung làm chết hai tên, bị thương một tên.
Khắp nơi trên xã này đều cắm những bảng cấm địa. Khi địch tới, những bảng ấy lập tức biến mất và đất dưới chân chúng trở thành bom mìn giết chúng.

Ngày nào địch cũng có chết lẻ tẻ 2, 3 thằng. Khi thì bị du kích mật dùng lựu đạn đánh. Khi thì bị xuông mìn, lựu đạn. Hôm chúng tập kích chúng tôi ở Xuân Lạc, chính chúng bị xuông lựu đạn chết 3, bị thương 1 chứ không phải chúng đánh mìn như chúng tôi tưởng. Du kích đang gác, thấy nổ liền trốc M.79, quạt tiểu liên qua.
Bị thất thế, mấy thằng còn lại lặng lẽ rút lui.
 
THƯ ĐỒNG CHÍ

Ngày 1/4/1972
Thân gửi Long, Chi, Tân


Trước tiên, mình báo để Long và Chi biết là thời gian về không phải như trước là tháng 5 mà khi nào có điện gọi về thì về. Như vậy là nếu có người trong Tuyên huấn ra lĩnh máy, tin cậy thì gửi phim ra. Còn anh Tân thì cũng cố xoay xở xem ở địa phương có người ra, cùng với Nên, mang máy móc về làm. Ngoài này người phần thì đi công tác, người đi bổ sung theo yêu cầu phía trước, người ra Bắc xin hàng, nay lại thêm một số đi nhận hàng và sắp sửa đi chuyển hàng nữa. Thế là hết người. Mình được tin là máy phóng và phim, thuốc giấy đã vào. ái cũng đã trên đường áp tải hàng vào. Dồn dập nhiều việc, đòi hỏi nhân lực khá căng.

Anh Huy Minh vừa gửi thư vào cho biết là đã gặp ông cụ của Việt Long, ông cụ phấn khởi nghe tin Long mạnh khoẻ, tiến bộ, gia đình vẫn khoẻ. Ông cụ có gửi cho Long lá thư đề ngày 1/11/1971 kèm theo bức ảnh của em Long là Việt, hiện đang đi Công an vũ trang.
Mình giữ một trong số nhiều ảnh hôm chúng ta chụp ở thôn Tư, anh Phò mang ra đưa cơ quan, nay phóng xong gửi vào. Chị Sáu có viết thư hỏi thăm anh em mình, (gửi tháng 9/1971), trong đó kèm một lô ảnh gia đình mình.

Anh Huy có đến thăm gia đình chị Hà ở Thuỵ Khuê, anh chị có hỏi thăm nhiều về anh Tân.
Còn Chi không biết có ai là người thương ở ngoài đó không thì không biết?

Hồ Ca đã về đến địa phương công tác, tương đối có nhiều thuận lợi, được gặp phần lớn cán bộ quê đều ở Bình Định. Hồ Ca ăn cái tết to nhất từ khi vào trong này.

Hữu Quả có tạt qua về nhà gần 10 ngày đưa một số tin và bài, mang một số phim ảnh của Hoàng Chung về, mình đã gửi anh Long (Huấn Học) ra chữa bệnh mang ra. Trên đường trở lại địa phương công tác, Quả bị sốt, phải nằm ở trạm mất ít ngày, nhưng Quả phấn khởi lắm.
Quảng thì hơn một tháng nay không viết thư về; tin tức cũng không thấy gửi về vì đường liên lạc bị đứt (do địch càn). Mình hỏi thăm thì thấy vẫn an toàn, nhưng phải lẩn hơi vất vả. Tình hình chỗ Quảng công tác có khó khăn về địch, khó khăn hơn chỗ các bạn công tác.
Mình và Chu vẫn khoẻ, đôi khi hơi bận vì Chu thỉnh thoảng phải đi gùi, sản xuất đột xuất, công việc ngày càng nhiều.

Ở nhà rất mong anh Tân về để làm một số ảnh phục vụ phong trào chung toàn miền. Khi về, nếu có thể được, anh Tân xin được phim thì càng tốt, nếu không thì chọn những ảnh có thể tuyên truyền được, chụp lại, để dùng triển lãm. Những ảnh đấu tranh của đồng bào trong các thành thị rất cần. Nhưng nhớ ghi cả chú thích cho rõ.

Ở nhà có nhận được thư của Tuyên huấn tỉnh gửi ra, nói về tinh thần làm việc của anh em mình tốt, ca ngợi sự tận tuỵ của anh Tân. Mình cũng rất mừng và tự hào về anh em mình. Anh em cố gắng phát huy thêm tinh thần công tác hơn nữa để xứng đáng với sự tin cậy của cơ quan.

Mình nhờ anh Tân, nếu có thể được và có điều kiện, mua giúp cho chiếc đài như chiếc đài anh mua cho Tứ. Đài của mình Chu lấy lại rồi.
À quên, xin báo cho Việt Long biết là “người cùng chụp ảnh với Long” đã lên đường đi công tác ở địa phương mà Quả hiện nay đang công tác, thời gian 3 tháng. Có gửi lời hỏi thăm anh em, nhất là Việt Long đó.
Các bạn nhớ luôn viết thư nhé.
Vũ Đảo
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #79 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2007, 08:48:39 pm »

Ngày 5-8/4/1972

Một loạt tin chiến thắng từ Trị Thiên, Nam Bộ, Tây Nguyên đưa về làm náo nức lòng người. Nghe những bài tường thuật, ghi nhanh về những trận đánh cao điểm 544, gặp tù binh Huỳnh Thúc Mẫn... càng thấy chộn rộn, muốn được lao tới chiến trường, muốn được tận mắt thấy chiến thắng và được viết về những chiến thắng ấy. Đã tới lúc chúng ta giáng vào đầu kẻ địch đòn quyết định để giành chiến thắng.
 
Ngày 9-11/4/1972

Tới làm việc ở Ban chỉ huy Mặt trận Tiền phương.
Tại đây, các bộ phận đều ở theo kiểu dã chiến - dựng khung, dăng tăng chứ không lợp lá, che dừng. Anh Ba, anh Lợi cũng ở như vậy. Tuy nhiên, vệ binh đã đào cho hai anh những căn hầm rất rộng, chắc chắn để chống phi pháo, có thể ngủ và làm việc dưới đó được.
Đủ các bộ phận phục vụ cho bộ não của chiến dịch: tham mưu, chính trị, đài 15 Wat, đài 2 Wat, K.63, cơ yếu, liên lạc, vệ binh...
mỗi người đều bận túi bụi với công việc của mình.

Mỗi ngày giao ban 3 lần nên nắm tình hình rất chắc. Bao giờ cũng vậy, tới giờ giao ban là một tấm bản đồ quân sự lớn có đánh dấu sẵn được trải ra trên chiếc bàn lớn giữa nhà. Mọi người ngồi quây xung quanh, theo dõi. Một đồng chí phụ trách bộ phận “đài kỹ thuật” (đài theo dõi đài địch) đứng báo cáo tình hình địch qua theo dõi báo cáo của chúng: các vị trí đóng quân, hoạt động của địch, địch phát hiện ta. Rồi đến phần văn phòng báo cáo tình hình ta qua tin của địa phương. Rồi anh Lợi khái quát lại tình hình, nhận xét và ra chỉ thị. Anh là Thường vụ Khu ủy, còn có tên là Bảy râu. Anh cao to, râu quai nón lúc nào cũng cạo nhẵn, da hồng hào, trán hói, có giọng nói trầm trầm, chắc chắn, rất ít nói, nói rất ngắn, gọn. Anh thường ngồi chống hai tay vào cằm nhìn qua nhìn lại trên bản đồ, đôi lúc có vẻ lơ đãng nhìn lên trần nhà nhưng nắm rất chắc bản đồ và tình hình. Đôi khi báo cáo viên chỉ sai bản đồ hoặc nói lộn, anh chỉ lại, nói: “Sao còn thanh niên mà lẩm cẩm dữ vậy?”. Có lúc, báo cáo viên nói 12 xe bọc thép xuống An Túc mà chỉ tuốt xuống phía dưới, anh nói: “Sao? Sao, xuống tới gần thị xã rồi à? Đang trông nó xuống mà không được đây!”. Khi chỉ thị về việc sắp tới, anh nói chậm - chậm như người đọc chính tả vậy.

Đêm 8 rạng 9-4, quân ta đã đánh Gò Loi - vị trí tiền tiêu của Hoài Ân, mở đầu cho hàng loạt trận tiến công dữ dội vào các vị trí địch trong toàn tỉnh. Địch phản ứng rất yếu ớt. Sau 29 phút, Gò Loi với một đại đội, ban chỉ huy liên đội Bảo an số 48 bị diệt gọn - chỉ sống sót một tên.

Anh Lợi đánh giá cao chiến thắng này. Gò Loi, từ khi Mỹ xâm lược tới nay, luôn là một vị trí tiền tiêu quan trọng của địch, nay là căn cứ tiểu đoàn địch, lực lượng địch được củng cố vững, gây tội ác dai dẳng, gom dân, kẹp quần chúng, khống chế cả một vùng từ Ân Hữu qua Ân Nghĩa. Với ta, Gò Loi là vị trí đầu cầu, làm bàn đạp để tiến công các vị trí khác. Cần kết hợp tốt điệt địch, chốt lại, tảo trừ địch, phát động quần chúng.

Những ngày sau, địch điều quân lung tung để đối phó: đưa tiểu đoàn một Cộng hòa từ Hoài Nhơn vào, bị diệt 2 đại đội, vội vàng dùng trực thăng bốc ra Thành Sơn (Hoài Châu) và điều Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 40 vào. Các đồn khác bị bộ đội, đồng bào bao vây, đã bỏ chạy.
Trong vùng địch kiểm soát ở Hoài Nhơn, chúng giới nghiêm, không cho người nhà vào thăm lính, cấm nghe đài cách mạng.

Chúng mở chiến dịch “Lòng mẹ”, bắt gia đình cách mạng phải tập trung học tập. Chúng phát động quần chúng viết đơn tình nguyện di dân, ai đi đầu được chúng cấp 600.000 đồng. Nhưng du kích vẫn hoạt động - du kích Tam Quan Bắc kết hợp với binh sĩ ngụy làm binh biến diệt 12 tên.

Tuy quân sự đánh mạnh, nhưng do cán bộ địa phương không xáp nên quần chúng nổi dậy kém. Ngày đầu, đồng bào còn chui xuống hầm, để bò chạy ra đồng ăn lúa... Anh Ba, anh Lợi liền phái người xuống uốn nắn. Tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ huy Mặt trận tiền phương là: Nhanh chóng phá các khu dồn, tấn công các đồn còn lại, thuần khiết nội bộ, xây dựng thôn xã chiến đấu. Liên tiếp tổ chức hội nghị cán bộ các ngành, giới của từng thôn với thời gian họp rất ngắn (từng đêm một) để hướng dẫn nhiệm vụ, cách làm việc.

Không được tổ chức những cuộc họp dài ngày trong thời kỳ nổi dậy này. Với những thôn mới mở ra chưa có đảng viên, đoàn viên, thì lựa quần chúng tốt dự các cuộc họp này, hướng dẫn họ về cách phổ biến tình hình, chính sách, nhiệm vụ, phát động quần chúng, phát hiện và truy tróc tề điệp. Nhanh chóng dãn dân và tổ chức phòng không ở những khu vực đông đảo; nơi nào chậm trễ để dân bị thiệt hại thì cấp ủy nơi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Với những nơi địch đang bỏ trống, phải nhanh chóng xây dựng thôn xã chiến đấu. Cùng với bao vây đồn bốt phải chiếm và phá các trục giao thông, bao vậy quận lỵ. Nhanh chóng khắc phục sự chậm chạp của công tác binh vận. Những ai làm việc cho địch đều phải trình diện.

Tất cả mọi người đều tham gia các tổ chức cách mạng, ra sức phục vụ, liên tục tiến công. Tổ chức ổn định đời sống nhân dân: ăn ở, sản xuất, trật tự, vệ sinh, y tế, giáo dục, đoàn kết, tương trợ nhau. Kêu gọi binh lính về với nhân dân.

Nhiều đồn địch - trong đó có đồn đồi Xã - bỏ chạy. Đó là thiếu sót của ta. Yêu cầu bây giờ là phải tiêu diệt hoặc bức hàng. Anh Ba xuống Hoài Ân trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM