Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:48:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bê trọc  (Đọc 99794 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:17:05 pm »

Về ít ngày hết sốt, khỏe dần lại, tôi lại cùng Lợi, Sơn xuống A7 mang nốt gạo, tài liệu về. Lần này có bảo vệ dẫn đường. Chúng tôi tập hợp nhau lại thành một đội quân, có súng ống, có phương án tác chiến. Sớm hôm sau, chúng tôi tiến về phía A7. Đường còn in dấu giày của bọn biệt kích. Vỏ đồ hộp quăng bừa bãi. Con đường bị pháo bắn, nhiều đoạn nát bét. Khẩn trương thu dọn đồ đạc xong, chúng tôi vội vã xuyên rừng trở lại bến Giằng. Qua khu nhà của bộ đội thông tin bỏ không, chúng tôi lấy được nhiều dầu phụng, mắm cái do anh em bỏ lại. Tối, đến gần đội 5 thì dừng lại ngủ. Chúng tôi kiếm được sắn để luộc, có mắm, dầu ngon lành và cơm dẻo song không tài nào ăn nổi. Mệt quá! Trăng lên, sáng lạnh lẽo. Lạ thật, hôm nay lại im tiếng pháo. Sáng ra đi, mệt vô cùng. Không ăn nổi cơm trưa, tôi chặt hai cây chuối rừng ăn tạm, thấy mát, ngọt, dễ nuốt hơn.

Anh em kiếm được trái mìn, đem ra sông Thanh đánh cá. Sông này nhiều cá và cá rất lớn. Khi mìn nổ, tung cột nước trắng xoá, thì cá cũng nổi trắng mặt sông. Chúng tôi hùng hục ngụp lặn bắt cá.
Có con nặng 5-6 kg. Hôm ấy được khoảng 30 kg.

Rồi tôi bị sốt nặng. Trận sốt kinh khủng nhất kể từ khi tôi vào đây. Không ăn uống được gì cả. Chị nuôi nấu cháo cá chình, ăn cũng không nổi. Nôn mửa suốt, toàn một thứ nước sền sệt, vàng khẹt.
Đêm ngủ mê sảng, những giấc mơ kinh khủng. Thấy bi quan về sức khỏe quá. Cơ quan lại sắp di chuyển. Tết cũng sắp đến rồi. Mùa xuân ơi, hãy mang lại cho ta sức sống mới đi!
Cơ quan liên hoan trước tết để di chuyển. Có thịt gà, xôi đậu xanh, mỳ, canh bí đỏ... nhưng tôi ăn không vào - nuốt mấy miếng đã nôn oẹ ra.
 
Ngày 2/2/1969 - 27 tết Kỷ Dậu

Cơ quan di chuyển đã gần hết, chuyến đi này là chuyến cuối cùng. Không làm sao khác được, tôi phải hành quân. May được chia ít sữa, uống được một ít cho đỡ kiệt sức. Sáng, tôi dậy lấy một cốc cháo, hòa đường, sữa vào và hạ quyết tâm: phải ăn hết cốc cháo này. Nhắm mắt lại mà húp cháo, mà nuốt vội vàng cho nó khỏi chạy thốc trở lại. Và cốc cháo đã hết. Này, đừng mửa nghe, gắng đừng mửa. Giữ lấy số cháo ấy trong bụng như giữ sức khỏe mình vậy. Khoác ba lô lên vai, lảo đảo bước đi. Đường xá, cây cối nhòa nhoà và quay cuồng, nghiêng ngả trước mắt tôi. Khát nước vô kể. Bi đông cạn nước. Tôi bụm tay vục nước suối uống. Nước chảy tới đâu thấy mát tới đó. Chao, mát, ngọt đến tận gan ruột. Mai sẽ tiếp tục chiến đấu!

Hành quân trong cơn sốt ly bì
Mệt quá hẳng buồn ăn uống chi.
Nhưng núi cứ ép hoài “ăn” dốc
“No” quá cho nên thở phì phì.
Ngủ một giấc, dậy thấy đỡ choáng. Họa sĩ Hồng Chinh Hiền cùng nghỉ lại với tôi (anh bị sai khớp chân), săn sóc tôi thật chu đáo.

Anh đem sữa của anh ra ép tôi uống. Rồi anh rang gạo, nấu một ăng gô nước đặc như cà phê, pha đường, sữa cho tôi. Tôi không muốn uống - sữa của anh đã hết rồi. Nhưng anh không chịu, bắt buộc tôi phải uống. Nằm trên võng, Hồng Chinh Hiền nói cho tôi nghe về các loại tranh, làm tranh sơn mài kỳ công thế nào... và đọc bài thơ anh mới sáng tác cho tôi nghe. Anh chuyên nghiên cứu về Tây Nguyên, có nhiều bức tranh mầu, ký Họa rất sinh động, có một số bài thơ hay. Tôi thấy khuây khoả dần. Chiều, đã tỉnh táo hơn, tôi ăn được ít cơm với cá - cá do anh em nhà in cho.

Ngày 13/2/1969 - 28 tết

Mùa xuân ở đây không có mưa phùn. Trời trong xanh. Nắng trải vàng tươi khắp núi đồi. Từng đàn chim bay chuyền, nhảy nhót hót líu lo nghe vui nhộn.
Cơn sốt lui dần, người khỏe lại.
Chim rừng hót rộn thật dễ thương.
Nắng rực núi đồi, mùa xuân trải.
Vai khoác ba lô lại lên đường

Chúng tôi đi ngược miết theo bờ sông Thanh. Sông này có nhiều đá, nhiều thác, nước chảy ào ào, réo sùng sục. Lại nhớ con sông Hồng những mùa nước. Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống thấy sông rộng bát ngát, nước đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy với sức sống mãnh liệt. Mùa nước đến cũng là mùa hoa phượng vĩ nở đỏ rực trời, là mùa thi. Mấy đứa học sinh chúng tôi thường kéo ra bờ sông Hồng, ngồi trên các tảng đá mà học bài. Trời nước mênh mông, khoáng đãng khiến cho tâm trí thêm minh mẫn, học rất chóng thuộc bài. Song cũng đôi lúc để lòng mơ mộng theo dòng sông. Sóng nước dập dờn. Mỗi khi có một chiếc ca nô lướt qua, dòng nước lại rẽ đôi ra, chạy ào ào vào bờ với những con sóng vồ vập. Sóng trào lên các phiến đá, tung bọt trắng xoá. Chúng tôi để mặc nước bắn vào người mát lạnh. Có những buổi tôi cùng bọn thằng Giang, Hiến - mấy đứa bạn thân - chạy ào trên những bãi cát tràn nước, đạp nước bắn tung toé, té nước nhau ướt đầm đìa mà cười vang. Tuổi thơ ấu của tôi đã trôi qua bằng những ngày học tập rất mải miết; bằng những phút vinh dự lĩnh phần thưởng của nhà trường, bằng những ngày nô đùa hồn nhiên với bè bạn và bằng cả những ngày hè lao động cật lực trên các công trường nắng lửa. Giờ đây, tôi đã xa những ngày ấy, xa những nơi ấy, xa những người bạn thân ấy để vào chiến trường này góp thêm sức chiến đấu. Tôi đã đi qua bao dòng sông. Và nhiều dòng sông đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai mờ.

Rảo bước bên dòng sông Thanh ấy
Nghe nước đuổi nhau réo ào ào.
Ra biển gặp sông Hồng không đấy?
Có gặp, cho ta gửi lời chào.
Quặn thắt lòng, nhớ Hà Nội sao!
Lội băng qua sông Thanh, rồi chúng tôi đóng tăng nghỉ lại bên một dòng suối lớn. Đã khỏe hơn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:18:59 pm »

Ngày 15/2/1969 - 29 tết

Tiếp tục hành quân về nơi ở mới. Núi đồi trập trùng. Sao không có chút mưa phùn cho mát lòng ta, cho khuây nỗi nhớ thương nhỉ.

Xuyên rừng, chợt đụng phải một cành lá. Tôi dừng lại và bỗng lặng người, sững sờ. Mùa Xuân, mùa Xuân đây chứ đâu. Cành lá ấy đang nẩy ra những nhành lộc non tươi mơn mởn. Mùa Xuân gieo mầm sống và thúc đẩy sự sống hãy vươn lên mãi!...

Lội suối, trèo núi, băng rừng
Là những công việc ta mừng đón Xuân.
Đường đi bao nỗi gian truân
Mà lòng nghe vẫn lâng lâng lạ thường.
Gửi về miền Bắc quê hương
Nỗi nhớ da diết, niềm thương vô vàn.
Mong ngày thống nhất Bắc Nam
Gia đình sum họp Xuân càng vui hơn.
Gặp mấy anh em cùng Ban mang gùi đi ngược lại - anh em ra suối lớn để bắt ốc, lấy chuối rừng về nấu ăn tết!

Đến nơi, vội vàng đóng một cái nhà tăng nhỏ để ở.
Đêm nay là đêm giao thừa ở miền Bắc. Tôi và Minh ao ước được chất một đống lửa rõ to để ngồi bên mà nghe đài Hà Nội. Song không thể được, căn nhà quá trống trải, đơn sơ, không thể đốt lửa lên được, bọn giặc trời có thể phát hiện ra ánh sáng... Một ước mơ nho nhỏ và giản dị vậy thôi cũng bị hoàn cảnh khắc nghiệt không cho biến thành hiện thực. Chúng tôi đành treo võng nằm đón giao thừa. Anh Minh là người phụ trách tổ Thông tấn chúng tôi. Anh đã có vợ và một con trai, vào Nam từ năm 1960. Anh và vợ anh - chị Tú - có một chuyện tình thật cảm động: Khi anh đi B, chị công tác ở Thông tấn xã, nhưng kiêm cả phát thanh viên cho buổi đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam, để anh luôn được nghe giọng nói của chị khi chép tin cho cơ quan. Rồi chị gửi con thơ cho gia đình và vào Nam, cùng anh chiến đấu trên mặt trận tư tưởng ở cùng một chiến trường. Lúc này, chị đang ở cơ sở sản xuất, cách chỗ chúng tôi mấy buổi đường, nên hai vợ chồng không được cùng đón xuân...
Đêm đen mịt mùng. Không đèn lửa. Không mứt, chè...

Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi buổi phát thanh ca nhạc Hội diễn làn sóng. Anh chị em công nhân hát hay quá. Nhất là Bích Việt - công nhân mỏ Quảng Ninh - có giọng hát mượt mà, tha thiết, và Ngọc Bé, công nhân Hà Nội, có giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm.

Mọi năm trước đây, những buổi tối giao thừa, gia đình tôi thường quây quần bên đài nghe hát, ăn mứt và chúng tôi thường tíu tít giúp mẹ đun nồi bánh chưng cho sôi lên ùng ục.
Đài truyền đi bài ký của Lưu Quý Kỳ. Bài có đoạn nói đến những người chiến sĩ hy sinh cả tết xuân, đón xuân trên đường hành quân, giữa rừng âm u... đúng hoàn cảnh chúng tôi quá. Miền Bắc yêu thương vẫn nhớ đến chúng tôi, vẫn ở bên chúng tôi, tâm sự với chúng tôi.
Đến giờ giao thừa rồi. Rừng già bỗng xao xuyến. Vào những năm trước đây, trong những giờ phút này, gia đình tôi đều thức dậy hân hoan đón năm mới và chờ nghe lời chúc tết của Bác Hồ, sau đó bố mẹ tôi chúc chúng tôi và mừng tuổi chúng tôi bằng những gói mứt, kẹo.
Lời Bác Hồ đã vang lên rồi. Giọng Bác vẫn ấm áp, hiền hậu, song nghe không được khỏe như các năm trước. Chúng tôi cầu mong Bác Hồ khỏe mạnh, sống lâu, mong ngày thống nhất Người vào thăm miền Nam chúng tôi!

Tôi nhớ lại đêm giao thừa năm 1964, lúc ấy tôi học lớp 10. Đêm ấy, tôi cùng mấy đứa bạn thân cùng lớp đón giao thừa ở Bờ Hồ, người đông nườm nượp, áo quần sặc sỡ, đèn điện đủ màu rực rỡ, hoa nở khắp đường phố, khắp công viên, pháo bông, pháo hoa sáng rực trên bầu trời đen sẫm... Cảnh nhộn nhip ấy trái hẳn với cảnh tĩnh mịch này. Ở đây chỉ có rừng cây bạt ngàn và con suối nhỏ chảy róc rách. Đêm giao thừa ấy, tôi làm một bài thơ nhỏ, nay tôi nằm nhẩm lại, song rất tiếc là đoạn cuối quên mất.
 
Đêm giao thừa
Đêm giao thừa
Bờ Hồ rộn rập.
Như sao sa
Đường ngập ánh đèn
Đua chen vàng xanh đỏ...
Rực rỡ muôn màu
Cầu Thê Húc đèn kết sáng long lanh như ngọc.
Đêm giao thừa
Không mưa cũng mát
Gió hát
Hoa cười
Đèn rạng soi
Hoa ngời thêm sắc.
Mặc kẻ lại
Người qua
Hoa
Rực tươi
Vẫn cười tinh nghịch
Vui thích
Ngắm ánh đèn
Cười duyên cùng công sự...
Đêm giao thừa
Gió đưa nhè nhẹ.
Khẽ
Tung bay
Tà áo thướt tha
Như hoa
Tươi
Những nụ cười duyên dáng.
Sáng
Như đèn
Những cặp mắt nhung đen.
Ửng lên
Hồng đôi má
Những bước đi
Hối hả
Rộn rã
Phố phường
Vương vương
Làn tóc
Đèn Hồ Gươm như ngọc long lanh.
Đêm giao thừa
Pháo nổ
Ròn tan
Xác pháo tràn mặt đất
Vương vất
Trên hoa
Bay qua
Hè phố
Nở nụ cười
Hồng tươi
Phủ ngời
Nắp
Những hầm hào mới đắp...
Đêm giao thừa
Đêm đưa tin chiến thắng.
Đài phát thanh hãy nói to hơn
Tiếng nói căm hờn và phấn khởi:
Quân dân miền Bắc vừa giành thêm thắng lợi.
Đã nhận chìm một tàu Mỹ hung hăng
Mò ra Bắc đêm 30 hòng cắn trộm!
Tiếng chuông giao thừa
Thánh thót
Ngân nga
Vang xa
Vọng lại
Êm ái
Ngân mãi trong lòng
Mênh mông
Mười
Hai
Tiếng
Trái trên cành
Lá xanh
Thôi đùa gió Hồ Gươm nín thở
Giây phút trang nghiêm
Lòng đất vang lên
Tiếng Quốc ca hùng tráng
Đài phát thanh giành vinh dự truyền đi tiếng nói Bác Hồ...
Chỉ mấy phút thôi
Mà những tiếng
Những lời
Đẹp nhất
Đã tràn ngập lòng ta!
Tiếng quốc ca
Lời Cha
Tin chiến thắng
mang lại đất nước này sức vươn lên mãnh liệt của mùa Xuân.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:19:58 pm »

Ngày 15/2/1969 - 1 tết Kỷ Dậu

Sáng, chúng tôi dậy sớm đón năm mới. Ai nấy chỉnh tề trong bộ quân phục, tập họp ở sân nghe lời chúc tết của các đồng chí lãnh đạo. Rồi chúc lẫn nhau, đọc thơ, ca hát... Sau đó ăn bữa cơm mừng năm mới. Đây, bữa liên hoan của chúng tôi ấm tình rừng núi: cơm gạo trắng do đồng bào miền Băc tiếp tế, nồi canh ốc ngọt lừ nấu với bắp chuối rừng. Anh em húp ốc nghe chùm chụp, rất vui tai. Rồi Họa sĩ Hồng Chinh Hiền mang tranh ra trưng bày. “Phòng triển lãm” ngoài trời với những bức tranh mầu hay ký họa sinh động làm rực tươi thêm cảnh núi rừng.

Tết chúng tôi nghèo quá: không thịt, xôi, không mứt, kẹo và rất đáng buồn là không có bánh chưng xanh. Chiếc bánh chưng lúc này đối vói tôi rất đáng yêu, không chỉ vì hương vị thơm ngon của nó, mà chính vì nó chứa đựng nhiều tình nghĩa. Tết đến, gia đình nào chả có bánh chưng. Bánh chưng mang tính dân tộc nhuần nhuyễn, chứa đựng cái ấm cúng của gia đình sum họp, gợi nhớ quê hương, tổ tiên ông bà. Lúc này đây không phải tôi thèm bánh chưng, mà là nhớ, nhớ da diết, nhớ như nhớ người thân yêu.
Tôi ngồi say sưa viết bài thơ mừng năm mới:
 
Niềm tâm sự cùng xuân
Xuân ơi!
Xuân hãy dừng chân
Ghé thăm nhà ta với
Thăm căn nhà đơn sơ ta vừa dựng vội
Để có chỗ nằm và có chỗ đón xuân.
Hãy thông cảm cho người trong cuộc hành quân
Yêu Xuân lắm, song không có gì mà tặng.
Nơi đây giữa rừng già trầm lặng
Xuân hãy đến đi
Đến với những tâm hồn
Cháy bỏng nhiệt tình
Tha thiết yêu thương.
Yêu tất cả, nên rời xa tất cả.
Rời xa mái rạ, xóm ngõ yên lành.
Rồi xa làng quê với luỹ tre xanh.
Rời xa gia đình
Nơi có người cha già nghiêm nghị
Nơi có những người anh, người chị, người mẹ dịu hiền
Nơi có đàn em nũng nịu yêu thương
Để lên đường
Cùng cả nước làm cuộc hành quân vĩ đại.
Đường hành quân, ta đi, đi mãi.
Không biết nghỉ ngừng trong cuộc tổng tiến công!
Xuân ơi!
Hãy dừng chân chút nhé
Ghé thăm căn nhà nho nhỏ đơn sơ.
Thăm những tâm hồn cháy bỏng ước mơ.
Thăm những con người dạn dày gian khổ.
Hãy ghé võng ta ngồi
Và cùng ta tâm sự.
Kể chuyện ta nghe Xuân miền Bắc thế nào?
Ôi quê nhà, ta nhớ làm sao!
Ta xa quê hương gần trọn năm rồi đấy.
Ta nhớ rõ ra đi ngày ấy
Tạm biệt quê hương trong một buổi chiều hè.
Cũng ở núi rừng
Xao xác tiếng ve
Ta bắt đầu cuộc hành quân gian khổ.
Qua những mảnh đất quê hương dạn dày bom lửa:
Thanh hóa
Nghệ An
Hà Tĩnh
Quảng Bình
Lúc đó quê nhà lúa đang độ lên xanh.
Lúa vẫy chào ta, dập dờn sóng dậy.
Tạm biệt đất mình với mùa hè nắng cháy.
Ta đặt chân sang đất nước Triệu Voi.
Đội một mùa mưa nước ngập đất trời.
Vượt những con sông ào ào thác lũ.
Vượt đỉnh Trường Sơn quanh năm mây phủ
Vượt những cầu treo chót vót ngọn cây
Mê mải hành quân
Đi suốt đêm ngày
Ta lại vượt đỉnh Trường Sơn lần nữa
Để về miền Nam chiến trường rực lửa.
Đây Công Tum rừng núi điệp trùng
Đây Quảng Đà dậy sóng tiến công
Ta say đắm hòa mình trong đất nước.
Cùng đội ngũ điệp trùng, mạnh chân ta bước.
Với bút, mực này ta hăm hở xung phong
Viết những dòng tin tiếp sức tiến công
Và ta lại chịu thêm nhiều gian khổ....
Có những hôm trời mưa như thác đổ
Cõng gạo xuyên rừng, vượt núi, băng sông.
Có những khi đói quặn thắt lòng.
Có những buổi sốt rét run cầm cập.
Và nhiều nữa những khó khăn dồn dập
Đã thử sức này, ta đã vượt qua.
Giữa chốn chiến trường, ta hiểu thêm ta
Và lại thấy yêu mình thêm chút nữa.
Cũng chính trong những ngày gian khổ.
Ta biết quý thêm những thứ quý trên đời.
Giữa chốn núi rừng thiếu thốn rau tươi
Ta thêm quý từng lá rau rừng chân thật.
Giữa những cơn đói làm lòng ta quặn thắt,
Ta quý thêm vị đậm đà của hũ đót, củ nưa.
Giữa cái lạnh lùng của đêm tối, rừng mưa,
Ta thêm quý ngọn lửa hồng ấm áp.
Giữa những lúc máy bay thù quần rát,
Ta quý thêm từng bóng cây xanh
Những rừng cây nặng nghĩa, nặng tình
Đã ấp ôm ta, che mù mắt giặc.
Giữa kẻ thù lòng lang dạ sói
Ta thêm yêu tình đồng chí sắt son
Từng bọc đùm nhau trong những phút sống còn
Từng ấp ôm nhau chia bùi, sẻ ngọt.
Từng chiến đấu với gan vàng, dạ thép.
Cùng một quyết tâm: địch mất, ta còn...
Nắng đã dậy rồi
Rực rỡ núi non.
Vui rộn rừng cây
Từng đàn chim ríu rít
Bao tâm sự trong lòng, làm sao nói hết.
Xuân ơi Xuân, Xuân có hiểu lòng ta?
Cảm ơn Xuân đã đến thăm nhà,
Mời Xuân lại cùng ăn cơm, Xuân nhé.
Ăn bữa cơm đơn sơ, bình dị.
Với bắp chuối rừng và canh ốc trong veo.
Có nữa chi đâu, giữa chiến khu nghèo.
Xuân ăn nhé, rồi cùng ta bước tiếp
Theo đội ngũ trùng trùng, điệp điệp
Bão dậy, sóng trào nổi dậy, tấn công
Nào, sẵn sàng Xuân nhé Xung phong!
Hãy xốc tới Ta quyết giành toàn thắng!
(Xuân Kỷ Dậu 1969)
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:22:20 pm »

Cuộc sống trở lại nếp bình thường của nó. Chúng tôi lại chặt cây, chặt lá dựng nhà. Nơi này khá nhiều cây cọ. Tôi trèo tuốt lên ngọn cây, chặt được khá nhiều lá cọ về lợp nhà. Căn nhà của tổ Thông tấn xã chúng tôi xinh xinh, nằm sát bờ suối, con suối nông nhưng rộng, lòng bằng phẳng, toàn cát, nước trong vắt.

Khu vực này có khá nhiều thú rừng. Có hôm đi trực, tới một đoạn suối, tôi gặp một con nai lớn với cặp sừng nghênh ngang đang lần xuống bờ suối. Thấy tôi, nó giật mình kêu “tét” một tiếng và chạy bổ lên rừng. Có hôm, anh Thống gùi về một gùi thịt voi, cả cơ quan được ăn “thí xác” (có nghĩa là ăn thỏa thuê, không hạn chế).
Thịt voi toàn nạc, ăn không ngon lắm nhưng lành, có thể thay cơm.
Có hôm anh em bắn về được hai con dộc lớn, bắt theo một con dộc con. Con dộc con quanh quẩn bên xác mẹ, không biết sợ là gì.
Nhưng khi con dộc mẹ bị cạo sạch lông, thui vàng, thì nó kêu lên mấy tiếng “chóe... chóe...” rồi leo lên tít ngọn cây...
 
Từ tháng 3 năm 1969.

Hồng Chinh Hiền chuẩn bị ra Bắc. Anh ra đó dựng tranh, dự triển lãm rồi sẽ vào. Tập thơ “Đá trắng” của anh cũng sẽ hành quân theo anh để vào một nhà xuất bản ngoài Bắc. Thuyết cũng quay 180 độ! Anh ta cáo bệnh thấp khớp, chạy vạy xin được bệnh án để ra Bắc. Thực ra là do tư tưởng dao động, sợ gian khổ, ngại ác liệt, hy sinh. Được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng, lẽ ra phải chăm lo đời sống chung, nhưng anh ta chỉ lo cho cá nhân. Có những lần cáo ốm để khỏi đi cõng gạo, anh báo cháo, nhưng xuống tận bếp nói với anh nuôi: “Nấu cháo cho chú phải lấy đủ tiêu chuẩn gạo của bữa cơm, ghế thêm ít sắn đảm bảo dinh dưỡng chống sốt rét nghen!” Anh ta thu vén đủ thứ, đi làm cách mạng mà như đi buôn vậy. Hết đổi chác cái này lại xin xỏ cái khác, lấy của anh em từ cái bọc võng tới đôi bít tất, tấm dù hoa... và chạy vạy mua sắm đủ thứ: khi vào, anh ta chỉ có một cái đồng hồ xoàng, nay có đồng hồ Mô Va Đô, nhẫn vàng, đài bán dẫn... (con người thật tàn nhẫn, mấy viên sâm mà bán cho đồng chí mình tới 2000 đồng, gấp 40 lần phụ cấp hàng tháng của tôi ).
Chỉ được cái bẻm mép, tán một tấc đến giời và thân hình úc núc, được anh em đặt cho biệt danh Tư Băm. Ở Thuyết tập trung cao độ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Anh em ai cũng chê trách Thuyết.

Cuối tháng 3, tôi nghe tin Xuân Quý đã hy sinh ở Quảng Đà.
Hy sinh ngày 8-3, đúng ngày Quốc tế phụ nữ. Bọn Pắc Chung Hy phục kích và đã bắn chết chị trong một đêm tối tại tỉnh Quảng Đà.

Tôi ngậm ngùi nhớ tới chị, nhớ tới khi còn ở trường 105 Hà Nội, chị rất hồn nhiên mang máy ảnh đến hỏi chúng tôi về cách sử dụng.
Chị là một con người có quyết tâm cao, có nhiệt tình cách mạng lớn.

Khi hành quân từ Bắc vào, chị sức yếu, ba lô nặng nhưng dứt khoát không nhờ ai mang hộ bớt, lúc mệt quá, đau vai, đau chân quá lại lén ra khóc một mình. Chị miệt mài viết, đồng thời luôn xung phong trong những công việc gùi cõng nặng nhọc. Khi phân công chị đi Quảng Ngãi, chị xin đi Quảng Đà - đó là trọng điểm của chiến trường, rất ác liệt, song cũng nảy sinh nhiều anh hùng. Chết như Trọng Định, Xuân Quý là cái chết vinh quang. Còn sống như Thuyết là cái sống nhục nhã.

Thời gian này, tôi có điều kiện làm chuyên môn nhiều hơn. Cùng anh Minh giải quyết toàn bộ tin tức từ các nơi gửi về - rất phấn khởi, say mê. Thỉnh thoảng cũng tham gia gùi cõng, kiếm củi, rau.
Giữa tháng 4, tôi vào Trà Mi sản xuất. Làm quen với con rựa phát rẫy. Nắng Trà Mi đã thiêu cháy da thịt tôi và làm cho tôi cảm sốt luôn. Thật buồn, thời gian này đau ốm nhiều quá, không tham gia lao động được mấy. Mà công việc thì hết sức bận rộn, anh em hết sức vất vả. Có hôm, con suối gần nhà chúng tôi bỗng đầy cá trôi xuống - có những con ngắc ngoải, có những con vừa mới chết. Hình như phía thượng nguồn, bọn địch bắn pháo lân tinh, cá bị ngộ độc.

Tôi hụp lặn cả buổi, bắt về hai thùng cá lớn. Anh em có thêm chất tươi. Nhưng tôi bị một trận cảm nước khủng khiếp. Đầu nặng trịch, đau như búa bổ. May quá, anh Bông - cùng đơn vị sản xuất với tôi - biết nhể cảm. Lạ thật, anh chỉ bóp, vuốt trán tôi một lát rồi dùng mảnh sành nhể mấy nốt giữa trán, nặn ra chút máu đen sì, là đầu tôi thấy nhẹ bẫng. Tuy vậy, cũng phải nằm bết 2 ngày mới bình phục.
Bắp của chúng tôi rất tốt, cho nhiều trái lớn và lúa mì cũng xanh tốt.

Đầu tháng 7, tôi và Vượng đi bệnh xá. Vượng rất yếu và mang tới 4 thứ bệnh: thấp khớp, viêm đại tràng, trĩ, sốt rét. Song,Vượng dứt khoát trụ bám ở chiến truờng, không trở ra Bắc để thành B quay. Còn tôi chỉ bị suy nhược vì sốt rét nhiều. Giữa lúc này thì địch càn Trà Mi. Chúng đổ quân lên thôn Ba, thôn Tư, Cầu Chìm, Nước Oa. Chúng tôi không thể về nơi sản xuất được. Rất áy náy, song không còn con đường nào khác, đành lên tiểu ban Văn nghệ nằm chờ.

Tại đây, chúng tôi ăn sắn phát ngán vì quá ít gạo. Tôi vùi đầu vào đọc hết số sách văn học mà tiểu ban cho mượn. Lâu quá rồi không được đọc sách, nay đọc nhiều thấy nhức đầu nhưng rất say mê.
Tôi tham gia cõng gạo với tiểu ban, giữa đường bị sốt. Anh em Văn nghệ săn sóc tôi rất chu đáo, nhất là Thanh Đính. Anh hát cho tôi nghe nhiều bài hát hay. Trong gian khổ, anh vẫn quần áo chỉnh tề và lúc nào cũng lạc quan, nhiệt tình biểu diễn phục vụ bộ đội, thương binh. Với cây đàn ghi ta, anh có thể hát ở bất cứ nơi nào khi bộ đội yêu cầu: trên đỉnh dốc lúc ngồi nghỉ gùi cõng, trên thuyền lúc vượt sông, bên bếp lửa sau cơn sốt rét... Bùi Minh Quốc cho tôi xem tập thơ của anh “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”. Sống trong không khí này tôi thấy thật vui và khao khát được đi thực tế, được viết.

Anh em báo tin anh Hồ (làm ở báo Vĩnh Linh, cùng vào đoàn với Xuân Quý), được phân công về báo Cờ Giải phóng, đã chết ở Nước Ngheo - cơ sở sản xuất của Báo. Anh rất gầy yếu song rất cố gắng. Bệnh sốt rét ác tính đã hủy diệt anh. Anh Nhị bảo rằng lúc anh Hồ chết, ở hậu môn anh, ruột thòi ra tới gần gang tay! Thế là mới một năm vào đây, trong số người cùng vào hoặc đã vào trước tôi ít ngày đã có 4 người hy sinh: Trọng Định, Xuân Quý, Minh Điều, Phạm Hồ và 5 người trở lại miền Bắc: Thuyết, Xuân, Bá, Trình, Kiên.

Giữa tháng 7, tôi và Vượng về Trà Mi.
Trời bắt đầu có những cơn mưa giông dữ dội vào buổi chiều.
Trà Mi còn nặng vết tích địch tàn phá: nhà cửa bị chúng đốt cháy hết, trâu, bò bị bắn chết thối khắp vùng. Nhà cửa của bọn tôi cũng bị đốt trụi. Bọn địch phá phách không còn gì, từ cái cần câu cá đến cái giỏ cá, nong phơi thóc chúng đều đốt. Tuy nhiên, lương thực, của cải của chúng tôi nhờ cất giấu kịp nên không tổn thất gì. Bọn địch đóng quân ở cách chỗ chúng tôi một ngày đường, hòm đạn, vỏ đạn vứt bừa bãi. Anh em dũng cảm bám sát cơ sở sản xuất, giành giật với địch từng con gà con heo.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:23:58 pm »

Nhà không có, chúng tôi đóng tăng ở. Thời vụ sản xuất rất khẩn trương, phải làm cho kịp. Hồi này không có gạo, ăn toàn bắp, song anh em rất phấn khởi, hăng hái.
Cuối tháng 7, tôi được chỉ thị về Ban để làm công tác chuyên môn. Lúc này hay mưa, lụt, sức tôi yếu, lại đi một mình, nên lo quá.
May sao, khi lên đường, tôi đã khỏe lại và gặp nhiều bạn đường tốt, kết hợp cùng đi nên vượt qua mấy ngày đường một cách nhẹ nhàng.
 
THƯ GIA ĐÌNH


Hà Nội, ngày 30 tháng 4 năm 1969

Long thân yêu của bố mẹ.
Bố mẹ vừa nhận được thư và ảnh của con rồi, nói chung là tất cả thư con gửi về gia đình đều nhận được cả mà bố mẹ cũng gửi rất nhiều thư cho con mà chả biết con có nhận được không, con nói gửi áo len và bút về chỗ bác Đào Tùng nhưng bác Tùng lại đi Quy - Ba vắng vậy mẹ phải đến hỏi gia đình bác vậy. Hôm ngoài tết cô Chung đem gửi anh Tô cho con thuốc ký ninh độ hơn trăm viên và lọ sâm viên, còn gì nữa mẹ không nhớ và cả giấy khai lý lịch của bố cho con, chả biết con có nhận được không.

Bố mẹ và các em con ở ngoài này nhớ và thương con lắm, nhất là tết vừa rồi cả nhà cứ nghĩ đến con thành ra ăn tết không vui vẻ gì, mẹ biết là con sẽ phải thiếu thốn và gian khổ đến chừng nào, nhưng mẹ tin là con sẽ vượt được tất cả những gian khổ ấy mà tiến lên. Bố mẹ thấy con nói bị sốt rét. Đấy là mối lo ngại nhất cho mẹ, vì mẹ nghĩ đến những khi con nằm đang lên cơn sốt mê man mà ở giữa rừng thì ai trông nom con, đành rằng có tập thể nhưng nó cũng đến mức độ nhất định thôi, không thể bằng ở nhà được. Thứ nhất là mẹ lo lúc con đang sốt mê man mà giặc đến bắn phá thì có biết đường mà chạy không, mẹ cứ nghĩ vơ vẩn thế đâm ra nghĩ ngợi lung tung và thương con da diết. Thật là con bắt đầu ra tự lực được ngày nào là mẹ bắt đầu lo cho con ngày ấy vì rằng con toàn bước vào đường chông gai nguy hiểm cả. Cái sợ nữa của mẹ là lo cho con bị cơn sốt rét ác tính thì chẳng thuốc nào cứu được cho nên con cố xin thuốc mà uống mà nếu may con có nhận được chỗ quinine mẹ gửi cho có chữ Q là tốt nhất đấy. Con uống nó trước khi ngồi vào ăn hay ăn một bát rồi uống thì nó đỡ ù tai nhé. Uống một ngày 2 viên thôi.

Còn việc gia đình vẫn khỏe cả, các em con vẫn khỏe cả, học vẫn tốt. Việt đang có hướng của nhà trường là cho vào đại học Văn hay Vô tuyến điện nếu vào được đại học. Dạo này em lo học lắm, đến 15/5 này là các em con đều thi cả. Nói chung là các em con học được cả, em Phúc tết vừa rồi cũng lên nhà và đang học bổ túc 9. Em vừa được thử tay nghề xong, mẹ đưa cho em cái xe đạp của con cho em sử dụng, còn Việt thì mẹ mới mua cho cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô 200đ, đến hè ra nếu Ngọc lên lớp 8 thì cũng đi xe đạp ấy.

Các em con biết đi xe đạp cả rồi, chỉ có Thủy là chưa biết đi thôi vì còn bé quá. Anh Đức con đến tháng 12 này thì về rồi. Bố con độ mấy hôm nữa thì đi tham quan Liên Xô độ 2 tháng. Cô Chung vẫn ở chỗ cũ. Nhiều khi mẹ muốn gửi quà vào cho con mà chả biết gửi gì vả lại chả biết họ có nhận cho không hay là có đến tay con không, mẹ phân vân quá lại thôi.
Nhận được thư và ảnh của con, các cô các chú ở cơ quan đều mừng chung cả với gia đình nhà ta và đều xem thư vả ảnh của con cả. Mẹ nghĩ không biết đến bao giờ con mới được về và gặp gia đình để lúc ấy mẹ sẽ nấu cho con ăn tất cả những món gì con thèm. Cuối năm anh Đức về, như thế là lại thiếu con. Nếu con có nhà có phải vui không? Con xem trong ấy có lá na thì con lấy mà vò ra lọc nước mà uống chữa sốt rét tốt đấy.

Bây giờ mẹ khuyên con là con phải giữ gìn cẩn thận, đừng xông pha nhiều, nếu mà là nhu cầu công tác thì không nói, nhưng ngoài ra thì con phải giữ gìn cẩn thận. Mẹ thấy con gian khổ bao nhiêu mẹ cũng không ngại bằng chỉ sợ không sống được, chứ nếu sống được thì sau này cái gì cũng có cả. Hôm nay mẹ thấy chú Triều giáo viên bảo có đồng chí trong Quảng Đà sắp vào. Vậy mẹ vội viết thư gửi vào cho con biết tin gia đình ngoài này. Dạo này giặc Mỹ không bắn phá nữa, nhân dân tạm yên ổn, vui vẻ, nhưng riêng mẹ cứ nghĩ đến con thì mẹ sốt ruột lắm. Trường ta vẫn ở sơ tán, chỉ có một số về Mễ Trì thôi.
Thôi, bố mẹ và các em chúc con khỏe mạnh, cố gắng vượt mọi gian khổ chờ khi đoàn tụ gia đình vui vẻ.
Mẹ Hạnh
 
Hà Nội ngày 2/5/1969

Anh yêu mến của em!

Xa anh đã gần một năm rồi, mới ngày nào anh em mình còn quây quần bên nhau thế mà bây giờ anh em mình đã phải xa nhau hàng trăm cây số rồi nhỉ?
Nhận được thư và ảnh của anh, em vui sướng vô cùng. Ngắm những chiếc ảnh anh chụp em tưởng như anh vẫn đang ở gần bên em, vui tươi và đang nhìn em trìu mến.
Anh Long mến, đọc những dòng chữ thân thuộc của anh, em đã tưởng tượng được phần nào những gian khổ mà anh đã trải qua, không biết giờ đây anh đang nghĩ gì nhỉ? Em thường hay nghĩ như vậy, và cứ mỗi khi nghĩ tới anh là em lại thấy nhớ và thương anh vô cùng, thế rồi hình ảnh anh và những kỷ niệm khi anh em mình cùng ở với nhau trong căn phòng nhỏ bé mà em ở, những buổi tối phóng ảnh tới 11 giờ đêm hay những khi ngồi uống cà phê trong quầy hàng giải khát, lại hiện lên trong tâm trí em.

Trong thời gian xa anh, em học bổ túc văn hoá. Hiện nay, em đã học hết học kỳ I của lớp 9 anh ạ, trong thời gian này em bận hơn trước rất nhiều, nên mặc dù có xe đạp song em rất ít đi chơi. Công việc hàng ngày của em vẫn bình thường như trước, song chúng em làm việc bây giờ đông vui hơn trước nhiều. Phòng em bây giờ có 6 người nữa ở, nên cũng đỡ buồn hơn trước nhiều. Em mới được thi lên bậc, kết quả đạt loại khá nhưng cả xưởng chỉ được xét cho tăng lương có 10% thôi nên cũng chưa biết em có được tăng hay không?

Đã lâu em không về nhà, song bố mẹ thì lên họp luôn. Bố có lẽ khoảng giữa tháng này sẽ đi thăm quan Liên Xô, các em nhắc đến anh luôn, chúng nó sắp được nghỉ hè và đều học khá cả. Cuối năm nay anh Đức sẽ về nước, và tết này sẽ ăn tết ở nhà rồi, ước gì anh lại được về ăn tết với gia đình thì vui biết mấy anh Long nhỉ.

Thôi em dừng bút ở đây nhé, em sẽ viết thư thăm anh luôn nhé. Địa chỉ của em vẫn như cũ.
Chúc anh luôn mạnh khỏe và may mắn trong công tác.
Phạm Quang Phúc.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:27:51 pm »

Hà Nội, ngày 17/6/1969

Long thân yêu của bố mẹ.

Bố mới gửi một thư cho con qua tay một bác công tác ở Quảng Đà ra Bắc lại mới vào chả biết đã đến tay con chưa, như thế là mẹ nhận được thư của con viết từ hôm tết, cả nhà nhận được thư và ảnh của con mừng quá, nhưng mãi từ đấy đến nay chưa nhận được thư của con thì gia đình lại sốt ruột quá, và mẹ thấy con bị sốt rét thì mẹ rất lo và thương con không thể nào nói được hết, còn mẹ có nhờ cô Chung gửi thuốc ký ninh và lọ sâm viên và số lặt vặt qua anh Tô cho con chả biết con có nhận được chưa mà gia đình rất mong cả thư nữa, nói chung là gửi rất nhiều mà chả biết con có nhận được không?

Các em ở nhà đã thi xong tất cả và đều lên lớp. Năm nay chọn chất lượng học sinh khá kỹ do đó nói chung các lớp chỉ lấy vào khoảng 60% thôi nhưng các em con đỗ cả thế là may lắm rồi, mẹ lo nhất là Việt và Ngọc nhưng đều tốt cả, vậy mẹ báo tin cho con mừng.

Còn gia đình nhà vẫn khỏe cả, trên bà và cậu Hiếu cũng gửi lời thăm con và động viên con làm công tác cho tốt, còn anh Đức con đến cuối năm thì về, anh con học vào loại khá do đó được thưởng thêm mỗi tháng 60 Mác. Còn con chả biết có bao giờ có dịp đi họp mà được ra Bắc không? Mẹ thấy họ cứ được ra vào luôn, mẹ thèm quá.
Trường ta vẫn ở sơ tán, chỉ mới có một ít sinh viên về Mễ Trì thôi.
Hôm mẹ gặp thằng Giang, nó cũng hỏi thăm con và mẹ cho nó một cái ảnh của con, dạo này nó cũng gầy lắm, mẹ gặp nó mẹ lại nhớ đến con nhiều quá. Con cố gắng giữ gìn sức khỏe và con xem nếu có lá na thì lấy vò sống rồi vắt nước uống cũng chữa sốt rét tốt đấy con ạ. Cơn sốt của con có bớt đi không hay vẫn như khi mới vào.
Cô chú Phương vẫn khoẻ, cô sắp cho tất cả các em về dưới này rồi, cô định gửi bật lửa cho con nhưng chưa gửi được.

Thôi đã khuya rồi mẹ dừng bút, chúc con lần nữa khỏe mạnh, để có ngày sum họp gia đình. Kể viết cho con thì viết mãi cũng không hết được nỗi nhớ thương con được, mỗi lần viết thư cho con mẹ lại thấy nhớ con và vừa buồn vừa lo nữa.
Mẹ Hạnh
 
Ngày 31/7/1969

Trở về Ban với sự đón tiếp vui vẻ của anh em. Có lẽ tôi thiểu não lắm - với cái thân hình gầy yếu sau nhiều trận sốt, với cái đầu tóc bù xù, với chiếc áo cộc tay 3 túi toạc ở lưng. Bởi vậy anh em cười bảo tôi: “Này, cậu đi thay đồ xem có bảnh choẹ ra chút nào không chứ. Trai làng Tuấn mà thảm vậy sao?”. (Làng Tuấn là biệt danh của Ban Tuyên Huấn Khu). Tôi cười. Không lo, trông vậy nhưng còn dư sức chiến đấu.

Lại bắt tay vào những việc quen thân: làm chuyên môn, đóng góp củi cho nhà bếp.
Tới 3/8, tôi bị quật ngã bởi một cơn sốt chí tử. Chưa bao giờ tôi bị sốt nặng như lần này. Không ăn gì được. Ăn chút gạo rang cũng không tiêu hóa nổi. Bụng binh bích. Mửa suốt, toàn một thứ nước vàng khè. Lại kèm đau bụng đi ngoài. Lần sốt này đặc biệt hơn mọi lần trước là chân tôi cứ cứng đơ ra, đau nhức, không co duỗi được.
Nằm thượt trên võng mà buồn không sao chịu nổi. Nhưng may thay, đây là khu A, bệnh viện rất gần. Anh em đi báo bác sĩ đến tận nơi khám và cho thuốc. Thuốc rất phong phú: đủ các loại trị bệnh, trợ sức tới thuốc bổ.
Mãi tới 11/8 tôi mới khỏi sốt. Tuy nhiên nhờ thuốc và có đường, sữa bồi dưỡng nên sức khỏe bình phục tương đối nhanh.

Khu bộ chúng tôi có bệnh viện C là chỗ mà toàn thể cán bộ chúng tôi trông cậy vào về mặt sức khỏe. Ngoài việc chữa bệnh tại chỗ, bệnh viện còn cử các bác sĩ đi lưu động đến các cơ quan Khu chăm sóc sức khỏe cán bộ. Nữ bác sĩ Phi rất thân thuộc với cơ quan tôi. Người gầy gầy nhưng hoạt bát, chị hay nói chuyện vui. Chỗ tôi có anh Đặng Phò, Trưởng Tiểu ban Báo Cờ giải phóng, hay nói tiếu lâm và trêu đùa anh em. Anh đã đặt câu vè Ka tê, Sê cô, Sô ny, Phi phi, Ra đi để chỉ hiện tượng anh em đau yếu phải đến bệnh viện cho bác sĩ Phi khám, có giấy chứng nhận yếu sức khỏe, được ra miền Bắc điều trị, trước khi đi, anh em thường may quần áo bằng vải ka tê, mua đồng hồ Sê cô và đài Sô ny. Hôm ấy, anh gọi bác sĩ Phi là “Phi phi”, lập tức anh nhận ngay được lời đáp “Phò phò” và đành chịu thua. Nhưng bác sĩ Phi lại bị chúng tôi căn vặn về bài của bác sĩ viết trên báo Khu là lá sắn bổ hơn trứng bột, thách thức bác sĩ ăn lá sắn thay các chất đạm động vật, bác sĩ lúng túng, không lý giải nổi. Thôi, thế là hòa!

Rồi, tôi lại đi làm nhiệm vụ cố hữu ở chiến khu là cõng gạo.
Chúng tôi ra tận bến xe chuyển gạo về. Thật bất ngờ, đến giữa đường, anh em xin được bắp cải, đậu vàng. Tuy ít thôi, song cũng đủ bữa canh. Từ ngày xa miền Bắc, đến nay đã hơn một năm tôi mới gặp lại thứ rau cao cấp đó. Ăn mà thấy mát tận tim gan và lại thấy nhớ miền Bắc vô cùng.
Con đường cũng đầy tình nghĩa. Rừng ổi bạt ngàn với chi chít quả chín rất rộng lòng mời chúng tôi thưởng thức; những cây vả núc nỉu quả chín, cho chúng tôi nhiều mật ngọt và thơm phức; rừng măng ken dầy, không tài nào bẻ hết được... Tất cả những thứ đó góp phần bồi dưỡng sức khỏe và động viên tinh thần chúng tôi rất nhiều. Trên con đường này, qua sông Bung, Trà Kíp, A Ró, Bến Xe... đầy những dốc cao, song chúng tôi đi không ớn lắm.
Cơ quan lại rục rịch di chuyển. Chuyến đi này sẽ nặng nề lắm đây.
Trong những ngày này thì Vũ Đảo từ Phú Yên ra Ban họp.

Anh nguyên là phân xã trưởng phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Hà Nội, cùng tập trung đi B với tôi và hiện phụ trách tổ phóng viên ở Phú Yên. Trải qua hơn hai tháng đi đường, gặp đói kém, Vũ Đảo có sạm đi. Anh bị mất dép khi chạy vượt đường 19, phải dùng vải bó chân đi suốt từ Bình Định ra gần đây mới kiếm dược đôi dép xỏ vào chân. Râu ria anh đâm ra tua tủa. Anh cho biết đi đường bị mất bộ dao cạo nên cái thứ râu quai nón chết tiệt ấy cứ tự do phát triển.

Tôi vội đưa anh bộ dao cạo: “Thôi cụ ơi, cạo ngay đi, trông cứ như biệt kích ấy” và tôi tặng anh luôn bộ dao. Gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, hàn huyên đủ chuyện. Đảo kể lại những gian khổ mà anh đã vượt qua. Các anh ở trong đó khổ hơn bọn tôi nhiều và rất đói.
Có khi hàng tháng phải ăn củ nưa thay cơm hoặc ăn sung ghế cơm.
Và trong những ngày gian khổ đó, một tổn thất lớn đã đến: Nhân cao đã bị chết vì ốm và đói. Nhân là công nhân ảnh, tính tình hiền lành, chăm chỉ và sống với anh em rất chân tình, ai cũng yêu mến.

Trong những ngày đói kém, tuy sức yếu, song anh vẫn cắn răng chịu đựng, không kêu ca một lời và vẫn hăng hái gùi cõng máy, di chuyển đến nơi mới. Rồi anh bị ốm nặng, nằm liệt. Hai má anh chảy xệ, bệu ra như má người già. Cơ thể suy nhược lại bị vi trùng sốt rét và cái đói tấn công, Nhân đã qua đời. Thôi, anh đã vĩnh viễn phải xa người vợ trẻ hiền hậu và 2 đứa con dễ thương, vĩnh viễn nằm lại nơi chiến khu gian khổ này. Ở chiến trường này, cái chết đến với con người ta dễ dàng quá. Ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ thoát khỏi tay thần chết. Tôi cũng vậy thôi, tuy luôn hy vọng ở ngày chiến thắng, luôn có lòng tin một ngày mai sẽ trở về quê hương, song vẫn phải đinh ninh một điều: cái chết đang rình mò, cái chết có thể vồ trúng mình. Có điều người ta quen đi, dạn dầy với sự thực phũ phàng đó. Lòng vẫn thảnh thơi không một chút bi quan.

Tối đó chúng tôi đãi khách bằng một bữa cháo ốc, cá. Cá và ốc do chúng tôi be suối, tát bắt được hồi chiều. Đảo ăn cháo một cách ngon lành. Tuy nhiên, anh chưa quen hút ốc nên lúng túng. Anh em đều tỏ ra thông cảm về sự lúng túng đó và xúm lại bày cách hút ốc cho anh...
Rồi bắt đầu những chuyến chuyển gạo. Tôi khỏe rồi, hăng hái tham gia những chuyến công tác đó.
 
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:29:15 pm »

Ngày 2/9/1969

Họp tổng kết thi đua của cơ quan đúng ngày tết độc lập. Anh em phát biểu nhiều. Nói chung đều thấy được những thành tích đạt được. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ tư tưởng cầm chừng còn phổ biến - cầm chừng và nghỉ ngơi, chưa thật xốc tới mạnh mẽ. Còn một vấn đề nữa đặt ra: giữa chuyên môn và gùi cõng, làm sao cho cân đối. Hình như nhiều người còn quá thiên lệch về mặt gùi cõng, đánh giá khả năng, thành tích con người qua gùi cõng là chủ yếu, coi nhẹ chuyên môn. Anh gùi thêm nửa ang hoặc một ang gạo, có lẽ sẽ được nổi tiếng liền. Còn anh nghiên cứu viết lách chất lượng ra sao, ít ai để ý đến. Mồ hôi đẫm lưng áo, ai cũng thấy, nhưng mồ hôi nhỏ giọt trong óc, mấy ai biết đến. Điều đó rất nguy hiểm. Nếu chúng ta không làm chuyên môn, không làm công tác tư tưởng, thì chúng ta tồn tại ở ban tuyên huấn này làm gì? Có đồng chí sản xuất cả năm trời, không biết gì đến chuyên môn. Điều đó không thể thông nổi.

Đó là vướng mắc trong tư tưởng nhiều anh em. Tôi cũng vậy. Tôi không ngại hy sinh, gian khổ, tôi chỉ sợ không làm được nghiệp vụ.
Nếu không vì sự nghiệp viết lách phục vụ cách mạng thì tôi vào đây làm gì kia chứ? Tuy nhiên, phải nhận thấy một điều là trong hoàn cảnh chiến trường khó khăn này, không thể chỉ biết đến chuyên môn. Sao lãng việc gùi cõng kiếm ăn, anh sẽ đói liền. Và như vậy, anh không thể nhịn ăn mà làm chuyên môn. Anh hãy quan tâm đến điều đó, nếu không, anh sẽ trở thành con người không tưởng, phi thực tế. Vấn đề là ở chỗ cân đối - cân đối giữa chuyên môn và gùi cõng. Cả hai việc đều phải tốt. Mọi người cần tham gia cả hai việc, đừng để tình trạng người thì hùng hục gùi cõng, bỏ chuyên môn, người thì chăm chắm việc chuyên môn, sao nhãng việc gùi cõng. Ở cơ quan này, nhiều đồng chí vin vào việc chuyên môn mà tránh gùi cõng, một công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, có một số anh chuyên môn kém, chỉ thích gùi cõng và sản xuất, một việc nặng, song ít phải suy nghĩ và được ăn no. Đứng trên hai thái cực ấy, 2 “phái” đều cho mình là giỏi, đều khinh thường “phái” kia, đó là một sai lầm lớn...

Cơ quan đổi được một con heo lớn để liên hoan ăn mừng tết độc lập, mừng thắng lợi của hội nghị. Con heo béo quá, khổ mỡ dầy cả gang tay. Ăn no, ăn chán mà không hết. Sau ngày liên hoan này nhiều người bị heo “vật”: sốt, đi ngoài suốt, người sọp đi, mặt mũi hốc hác. Anh Đảo cũng bị như vậy. Anh bảo rằng người anh lao đao, lâng lâng như đi trong khoảng không vũ trụ vậy.
Ngày đầu, tôi ăn vừa phải nên cầm cự được lâu, ăn được mấy bữa nữa mà không ớn và không bị phản ứng gì tai hại cả. Người cũng khỏe khoắn.
 
Ngày 4/9/1969

Sáng sớm, chúng tôi mở đài nghe tiếng phát thanh viên đọc buồn và trang trọng: “Mời các bạn nghe buổi phát thanh đặc biệt.” Tôi nằm lặng trên võng. Điều đau đớn đã đến: Bác Hồ đã qua đời, Bác Hồ không còn nữa! Trong nhà có tiếng khóc nấc lên. Tôi bàng hoàng, sửng sốt, đau đớn. Thôi, thế là miền Nam không được đón Bác về thăm khi kháng chiến thắng lợi nữa, tôi không còn được gặp Bác nữa!

Trong những ngày đau thương này, chúng tôi dốc sức ra làm việc. Chúng tôi vào Thường vụ Khu ủy để làm tin tức về tang lễ Bác và các hoạt động biến đau thương thành hành động cho nhanh, kịp thời. Có thể nói chúng tôi làm việc suốt ngày: sáng, trưa, chiều, tối - làm việc tới khuya. Song ai cũng cảm thấy chưa đủ, chưa bù đắp được một phần nhỏ cho sự tổn thất lớn lao này.
Sau những ngày làm việc cao điểm, chúng tôi trở về cơ quan. Ở đây, anh em dành ngôi nhà đẹp nhất làm chỗ thờ Bác. ảnh Bác được lồng trong khung đen - có đèn, có trầm nghi ngút khói suốt ngày đêm. Chúng tôi thay phiên nhau túc trực bên bàn thờ Bác.
Trời mưa sập sùi suốt.

Chúng tôi lao vào việc chuyển gạo: từ kho Lam về cơ quan, từ cơ quan tới sông Nước Mỹ. Một đợt mưa lớn làm cản trở việc của chúng tôi. Mưa sầm sập suốt ngày đêm. Nước xối ào ào. Con suối chỗ nhà bếp của chúng tôi vốn bé tí, nay cũng lênh láng nước, chảy ào ào. Còn con suối lớn phía ngoài thì nước lồng lên, gào thét dữ dội.

Đêm, nằm nghe nước cuốn những tảng đá to lăn lục cục mà rợn cả gáy. Mưa, mưa miết, mưa miết.
Chuyến chuyển gạo vào sông Nước Mỹ thật đáng nhớ. Khi trời vừa tạnh, chúng tôi ra đi. Nhưng khi chúng tôi vừa lên đường, thì trời ập mưa xuống. Mưa quá dữ dội. Những giọt mưa nặng và lạnh ngắt như trăm ngàn mũi thuốn cứ vun vút lao xuống, thuốn nát mặt đất. Đất tơi ra và bị những bàn chân dẫm lên nát bét, nhầy nhụa, trơn tuột. Đường đông đặc người đi: bộ đội chuyển gạo, đoàn văn công, đoàn dũng sĩ, chiến sĩ thi đua mới dự hội nghị về. Hàng trăm con người dầy xéo một con đường mòn xuyên rừng. Cõng gạo nặng trên lưng, tôi cắn răng bước đi, cố cho khỏi ngã. Nhưng xuống dốc thật khổ. Dốc đó, đầy một thứ bùn đỏ quạch, nhầy nhẫy. Bùn chảy thành dòng xuôi theo dốc. Bùn ngập tới cổ chân. Tôi đưa chân vào suối bùn kỳ quặc ấy mà dò dẫm đi. Không còn đủ ma sát giữ cho bước chân - nó cứ trơn tuột xuống. Phải vận dụng mọi cách để khỏi ngã: chống gậy thật chắc để đu người xuống, bám vào cây để tụt dần xuống, bò xuống. Nhưng chủ yếu là lối đi dật lùi: quay lưng xuống dốc, tay bám vào các cành cây, dây mây bên đường, chân bám chắc mặt đường mà bước xuống hoặc trượt xuống.

Giữa khi đang hì hụi xuống dốc như vậy, tôi bỗng nghe tiếng một cô gái nào đó cười vang và tiếng chân bước gấp gấp. Cô gái vụt qua tôi như một làn gió, làn gió biết cười và nói líu lô. Cô gái mặc quân phục và vác khẩu AK. Quần áo cô không bị lấm mấy mặc dầu cô bước đi rất nhanh, như chạy xuống dốc vậy. Tiếng cười, nói vẫn cứ vang rừng núi và xa dần, xa dần.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:30:24 pm »

Xuống được đến chân dốc thì gần 5 giờ chiều rồi. Vội vã đóng tăng, và kiếm củi nấu cơm. Không sao kiếm ra chút củi tốt để đun.

Chỉ có củi tươi. Những cành cây gẫy chưa kịp khô đã mục rồi. Trời, cái không khí ẩm xì này. Chúng tôi chẻ củi, rồi lấy giấy đốt. Hết mấy chục tờ giấy mà bếp mới bắt đầu bắt lửa. Phải thi nhau chúi mũi vào mà thổi. Phải lấy vung nồi làm quạt lùa gió vào bếp. Bếp khói um lên, cháy thoi thóp. Mắt chúng tôi cay xè. Mãi tới 8 giờ tối cơm mới chín. Sáng, 5 giờ nấu cơm. Vẫn cái bếp sài đẹn ấy. Vẫn cái lối cháy nghẹt thở ấy. Cũng 3 giờ sau cơm mới chín. Khói um lên, bao trùm rừng cây. Giữa lúc ấy, một chiếc Moranh bay qua, rất thấp. Chúng tôi bảo nhau nếu nó thấy và vòng lại thì lập tức phải chạy ngược suối lên. Nhưng nó cứ bay đi - nó mù trước đám khói mù mịt của chúng tôi. Bãi nghỉ ồn ào lên, không phải vì máy bay mà vì một việc tệ hại: Một bác sĩ của Bệnh viện C cõng một gùi sữa hộp, đến lúc thu dọn để chuẩn bị đi mới phát hiện bị mất một hộp sữa bột Huygo. Không hiểu chàng nào thèm ăn quá đã lẻn vào đầu võng moi gùi lấy hộp sữa? ở chiến khu, gần đây đã xuất hiện một số hiện tượng xấu. Có một số bộ đội không chịu nổi gian khổ, ác liệt, đã bỏ ngũ. Trong số họ, có ngươì lấy vợ là phụ nữ dân tộc thiểu số, có người vào rừng ở. Một ít kẻ xấu trong số này thường lẻn đến các bãi nghỉ để trộm cắp. Có nhiều trường hợp bị mất cả gùi gạo, cả thùng mắm. Nhiều khi đi gùi cõng, chúng tôi phải buộc gùi vào đầu võng để phòng xa.
8 rưỡi mới đi - đi trong cơn mưa tầm tã.

Ngày thứ 3, chúng tôi nghỉ ở khu nhà thông tin. Ở đây có củi khô đàng hoàng. Nhưng cái nồi thật chết tiệt. Khi chúng tôi nấu cơm thì nó dở trò: thủng một lỗ to dưới đáy. Bắc lên bếp, ánh lửa xuyên qua lỗ thủng đó, sáng rực như ánh sáng phát ra từ cái gương lõm ở đèn pin. Nước đổ vào chưa kịp sôi đã cạn. Gạo trương lên - góc không bị chảy cơm chín phềnh phềnh, góc bị chảy gạo còn cứng nguyên. Cuối cùng, chúng tôi phải sới sang ăng gô nấu mới chín.

Gần sáng, cả khu rừng đang chìm trong giấc ngủ mê mệt, bỗng giật mình vì một tiếng động long trời. Không phân biệt là thứ tiếng gì. Mãi sau mới biết đó là tiếng cây đổ. Một cây cổ thụ cao to ở sườn núi bị long gốc do mưa sói moi hết đất đã đổ ập xuống, phát ra tiếng nổ như sét đánh. Ngọn cây đè lên một căn nhà nhỏ, trong đó có một anh bộ đội. Chúng tôi chỉ còn nhìn thấy hai đầu võng buộc ở hai đòn ngang. Toàn thân anh bị thân cây đè lút xuống nền đất!
Sau những ngày vật lộn với dốc, bùn, với cái trơn chết dẫm và với những cơn mưa tầm tã, chúng tôi tới được kho gạo ở sông Nước Mỹ - rồi quay lại cơ quan để lấy ba lô, “cuốn” đi luôn.

Cơ quan lúc này chỉ còn tôi và hai anh Lý, Lê. Khu rừng già với những ngôi nhà lá kè trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo vô vùng. Chúng tôi đi dạo khắp các nhà, thấy sự ẩm ướt đã chiếm lĩnh mọi chỗ: bàn ghế mốc meo, cửa, vách bị mối xông mục nát. Hơi ấm của con người làm rừng cây thêm sức sống. Thiếu nó, rừng cây lạnh lẽo hẳn đi. Thấy lòng bâng khuâng lạ...

Ba anh em kéo nhau ra suối bắt ốc. Dòng suối này trước đây nhiều ốc, nhưng rồi hết đi một cách mau chóng kể từ khi cơ quan Khu về ở đây. Thế mới biết sức tiêu thụ thực phẩm của chúng tôi thật ghê gớm. Nhưng thiên nhiên bù đắp lại sự hao hụt ấy cũng nhanh vô kể. Nước lũ đã cuốn hàng trăm nghìn con ốc từ các suối nhỏ về dòng suối lớn này. Để khỏi bị vỡ vỏ vì nước cuốn đập vào đá, bầy ốc đua nhau rúc vào các hốc đá bên bờ. Chúng tôi cứ việc lùa tay vào các hốc đó lấy ra hàng chục con ốc - mỗi con to hơn ngón tay cái. Bắt được mấy túi ăng gô ốc như vậy, chúng tôi đem về đập vỡ vỏ, đãi sạch sạn, lấy thịt làm lương khô. Ngồi cặm cụi cả buổi, tỷ mẩn đập từng con, rồi gỡ vỏ, lấy thịt, quả thật là kỳ công.

Sẵn có một ít mỡ và ốc đó, chúng tôi bầy vẽ làm bánh xèo. Gạo được cho vào lon sữa giã thành bột. Rồi cũng đúc bánh kêu “xèo xèo” ra vẻ. Và ăn cũng ngon - tuy nó mang tính chất tảng bột rán thì đúng hơn là bánh xèo.

Còn có một điều thú vị nữa là có 4 chú chuột bị rơi vào 2 thùng thiếc (trước đựng gạo, nay bỏ không). Anh Lý đem 2 thùng ấy hơ lên lửa. Thùng nóng rẫy, các chú chuột chạy quanh tìm lối thoát thân.

Rồi các chú cũng chịu, nằm lăn ra chết. Chúng tôi lột da, mổ bụng sạch sẽ rồi đem 4 chú ướp với muối, mì chính, đường, sau đó đem rán vàng lên. Thế cũng thành một món thịt quay hấp dẫn.
Cuối tháng 10, chúng tôi lên đường. Lương khô tương đối tươm tất: có ốc và thịt hộp - chủ yếu là ốc.
Tôi mang quá nặng - ngoài đồ đạc cá nhân còn thêm tài liệu và đồ đạc của đồng chí đi vắng.
Khi cách sông Thanh một ngày, chúng tôi nghe B52 rải bom phía đó, chắc là gần, vì nơi chúng tôi ở đất rung ầm ầm.

Trong chuyến đi này tôi đánh mất cái đài của công - đó một điều đau xót, khiến tôi day dứt, ân hận mãi, cũng chỉ vì cái tật lơ đãng mà nên - lúc nghỉ để cái đài vào thành đất bên đường, lúc đi quên lấy!
Đi đường, mấy anh em cũng chú ý cải thiện bữa ăn. Anh Lý, Lê chịu khó đi câu và được nhiều cá trầu, có thêm chất tanh. Tôi kiếm được nhiều măng giang - thứ măng này nấu kỹ thì chuyển sang màu vàng ươm và rất ngọt, kho với cá thì tuyệt. Tôi còn bắn đưọc hai con sóc và một con chim cu xanh khiến anh em rất thú vị.

Tới nơi mới lại lao vào chặt cây, kiếm lá dựng nhà, làm bàn ghế và đào hầm. Tiểu ban chúng tôi dựng được hai căn nhà khá lớn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2007, 09:32:07 pm »

Khu rừng chúng tôi ở rất lạnh và ẩm. Các phiến đá và các thân cây đều bị phủ đầy rêu. Lạnh buốt thấu xương. Đêm ngủ phải đốt một đống lửa to giữa nhà.

Sau đó yên tâm ngồi làm chuyên môn. Tin tức khá nhiều, đặc biệt là tin tố cáo tội ác địch -trong đó chúng tôi làm mạnh việc tố cáo vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Tôi sang quân khu gặp Võ Cao Lợi và Đỗ Thị Tuyết - hai nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát này - để khai thác thêm tài liệu. Tuyết bị sốt rét nặng, rên la suốt, kể cho tôi nghe chuyện một cách vất vả. Phải động viên cô bé hết sức, phải phục vụ cô bé nữa: bưng cháo, lấy nước... để cô bé gắng cung cấp tài liệu. Rồi cũng viết được một tin đi sâu khá hữu ích.

Biên tập mấy bài về gương chiến sĩ thi đua khá thú vị - đã nâng được bài lên, gọn hơn, sinh động hơn.
Đến cuối tháng 12, tôi tham gia gùi cõng lương thực. Phải lên tận Văn Nải lĩnh sắn khô và bắp hạt, vừa đi vừa về hết 13 ngày.

Suốt từ xã Mai lên Văn Nải, tôi thấy rừng cây đều bị trơ trụi vì chất độc hóa học do bọn Mỹ rải. Nương rẫy của đồng bào cũng bị chất độc phá hoại. Do vậy, đồng bào rất đói. Họ đi xa cả ngày đường để mót về một gùi sắn. Đồng bào vừa đói, vừa thiếu muối. Chúng tôi san sẻ cơm cho mấy đứa bé và cho đồng bào muối - do vậy cũng suýt thiếu muối ăn. May ghé qua cơ quan Dược, được ăn nhờ thức ăn và xin một đồng chí bộ đội được ít muối nên mới đủ ăn tới nhà.
Nóc ông Đủ xã Văn Nải - nơi chúng tôi nhận lương thực - ở vùng cao. Lên dốc hoài, hết mấy ngày mới tới. Không khí ẩm ướt, lạnh buốt quanh năm ngày tháng. Đồng bào phải đốt lửa suốt ngày.
Rời khỏi bếp là lạnh cóng tay chân, không chịu nổi. Vậy mà đồng bào ở đây rất thiếu quần áo. Nhất là bọn trẻ con - phần lớn ở truồng.

Nóc quá bẩn. Nền đất đầy bùn nhão nhọet, đầy rác, phân heo.
Bầy heo thả rông đạp nát nền đất. Bước khỏi nhà, đạp lên thứ bùn đó, lạnh cả người.
Về tới sông Tranh, chúng tôi bàn cách bơi qua cho gần. Thật là vô lý nếu cứ bị lệ thuộc vào bến đò: phải đi xuống một giờ rồi mới chờ qua đò, sau đó phải đi 4 tiếng đường dốc mới tới chân dốc - nó nằm ngay bờ bên kia. Vào mùa này, nước sông Tranh khá lớn, chảy cuồn cuộn, dòng nước xanh lè, khi ào qua các thác đá thì tung bọt trắng xoá... Vào mùa nước, năm nào cũng có người chết đuối ở quãng sông này.

Trời nắng chói chang. Chúng tôi lội qua sông Nước Vin rồi tới bãi đá bên bờ sông. Những tảng đá lớn nối tiếp nhau, xếp đầy hai bờ sông và tràn cả xuống sông. Nước réo ào ào, khiến chúng tôi thấy rờn rợn. Vượng và Chính bơi qua trước. Không ngờ nước cuốn dữ đến thế. Vượng bơi không, bị cuốn trôi vài chục thước rồi mới vào bờ được. Chính mang theo gói đồ đạc, bị nước cuốn băng băng. Chính gắng nhào vào bờ, gắng kéo bọc đồ vào theo. Còn nước, nước cứ xoáy tít, kéo trở ra. Vật lộn với nước mà không nổi, Chính đành phải thả bọc đồ trôi theo dòng nước, rảnh tay mà bơi vào bờ. Sau đó, Chính chạy dọc theo bờ sông đến chỗ nước lặng mới bơi ra lấy bọc đồ được.

Nắng chói chang. Nước vẫn cuốn ào ào. Trên trời, hai chiếc Moranh hai thân thay nhau quần lượn. Mặc. Chúng tôi vẫn cố vượt qua sông. Chúng tôi nối dây võng căng qua sông. Từng bao gạo được gói ni lông kỹ, cột vào một đầu dây. Phía bờ bên kia, Vượng, Chính ra sức kéo. Những bao gạo rẽ nước sang ngang một cách dũng mãnh. Người cũng vượt sang bằng cách đó một cách dễ dàng. Duy chỉ có anh Dũng là gặp tai nạn. Anh không bước xuống nơi chúng tôi chỉ mà cứ lao thẳng xuống cái bậc đá dựng đứng trước mặt. Anh rơi tũm xuống dòng nước - nó đang chảy cuồn cuộn. Lý và tôi vội nắm lấy tay anh, lôi lên. Cằm anh va vào đá, bị sứt một miếng, đổ máu đỏ lòm. Dũng trạc 40 tuổi, tính tình hơi lẩm cẩm. Anh hay quên, hay hỏi những câu hỏi rất vớ vẩn. Đặc biệt, anh ví von mới bật cười, không bao giờ sát hợp cả. Lạnh, anh bảo lạnh như cứt.

Đứa trẻ con đẹp, anh bảo đẹp như dòi, như khỉ...
Về nhà nghỉ được một ngày, hôm sau lại đi Bằng Da cõng gạo.
Gạo không có, phải xuốnng Trà Mi sắt sắn. Dòng sông Trường vẫn trải lòng rộng rãi và nông cạn ở thôn Tư. Có điều đáng buồn là đồng bào ở đây quá đói - đói vì biếng sản xuất. Bà con quá tệ, đi nhổ trộm sắn và xúc trộm lúa của các đơn vị sản xuất khá nhiều. Chỉ một buổi chiều, chúng tôi mất khoảng 5, 6 gùi sắn.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #29 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2007, 08:07:42 pm »

Năm 1970
 
THƯ GIA ĐÌNH
[/b]

Hà Nội, ngày 5-1-1970

Anh Long thân mến!

Hôm nay em cầm bút viết thư cho anh, trước tiên em hỏi thăm sức khỏe của anh có được khỏe thì em mừng, chúng em và bố mẹ vẫn được khỏe mạnh. Nhà ta chuyển xuống Hà Nội sau ngày Bác mất, bây giờ chúng em đã đi học cả, cậu Hiếu xuống Hà Nội công tác hơn một tháng, bây giờ cậu lại về Hà Giang rồi. Em Thuỷ, em Lan và em đều học ở trong làng Phùng Khoang. Thủy năm nay lên lớp hai. Lan lên lớp 3, còn em thì học lớp 6. Chị Ngọc đáng lẽ chị học lớp 8 nhưng chị thi đỗ trường năng khiếu ngoại ngữ, bây giờ chị ở huyện Từ Sơn, thỉnh thoảng chị được nghỉ dài ngày thì chị lại về nhà, mà bây giờ chị béo lắm, còn anh Việt bây giờ anh ở Trường Đại học Tổng hợp văn, ngày chủ nhật nào anh cũng về nhà được, bây giờ anh ở trong Hà Đông, anh cũng chỉ vừa thôi chứ chưa béo lắm, còn anh Phúc anh đi Liên Xô được độ hai tháng nay rồi, anh Đức cũng sắp về nước rồi nếu như bình thường thì anh có thể ăn tết được ở nhà nhưng bây giờ có thể độ tháng 2,3 anh mới về được. Cô Chung bây giờ cũng được khoẻ, thằng Quang, Chiêu bây giờ về ở với cô rồi còn Tiến vẫn ở trên nhà. Thư em viết đã dài, còn để giấy cho các em viết nên em tạm dừng bút ở đây, cuối cùng em chúc anh mạnh khoẻ, lập nhiều thành tích.

Em của anh
Phạm Bích Diệp
 
Phạm Thúy Lan

Anh Long kính mến của em!

Em là Lan, hôm nay em viết thư hỏi thăm sức khỏe của anh, anh có khỏe không, còn về phần em thì em học cũng tiến bộ nhiều, nhà mình đã được chuyển về Hà Nội chỉ mong đến ngày anh về để đón anh.
Thôi cuối thư em chúc anh mạnh khoẻ, công tác tốt.
Em của anh
 
Phạm Bích Thủy

Em Bích Thủy hỏi thăm anh Long. Em chúc anh mạnh khoẻ.
Em vẫn được khoẻ, học tập tiến bộ. Em đang học lớp 2. Em nhớ anh lắm lắm. Mong ngày đón anh về.
Em
 
Ngày 4/2/1970

Ở nhà chuẩn bị đón xuân mới. Năm nay cơ quan chuẩn bị vật chất khá đầy đủ: có heo, nếp, kẹo... Điều thú vị nhất là cơ quan tổ chức gói bánh chưng. Vượng đảm nhận việc đó. Trên chiếc bàn to trong nhà, chúng tôi chất đầy nếp, đậu xanh, thịt, lá... trông thật vui mắt. Vượng ngồi gói bánh một cách say sưa, tự hào. Quả thật anh đáng tự hào ở cái tài gói bánh chặt chẽ, vuông vắn của mình.
Đêm, chúng tôi chất lửa nấu bánh. Nồi bánh sôi sùng sục, sùng sục và ánh lửa bập bùng làm căn nhà trở nên vui và ấm.
 
Ngày 5/2/1970

Đêm nay là đêm giao thừa. Toàn tiểu ban tuyên truyền chúng tôi ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đón giao thừa. Có bánh bích quy, cà phê hẳn hoi. Trong hoàn cảnh chiến trường này, thế là sang lắm.
Chúng tôi vui tết, song lòng không khỏi đượm buồn khi nhớ tới Bác Hồ. Giao thừa này là giao thừa đầu tiên chúng tôi không được nghe Bác chúc tết, đọc thơ mới. Nghe đài truyền lại lời Bác chúc tết năm ngoái, cảm thấy Bác vẫn sống, vẫn đang tươi cười...
 
Ngày mồng 1 và mồng 2 tết

Chúng tôi đón Tết Nguyên đán trong không khí bận rộn, khẩn trương vô cùng. Họp suốt sáng, tối mùng một và sáng mùng 2. Chủ yếu là bàn việc sản xuất. Vấn đề lương thực vẫn luôn là vấn đề trọng yếu. Phải tích cực sản xuất, tự túc lương thực, nếu không sẽ đói ngay. Phải coi sản xuất ngang chuyên môn. Với tinh thần khẩn trương đó, ngay trưa mùng 2 tết, chúng tôi tỏa đi các ngả đường:cõng gạo, sản xuất. Tôi vào nóc ông Chanh tham gia sản xuất ở cơ sở một.
 
Ngày 9/2 đến 30/2/1970

Đây là cơ sở mới nên gặp nhiều khó khăn. Thiếu đủ thứ, từ lương thực, thực phẩm đến nơi ăn chốn ở.Tham gia phát rẫy 2 ngày rồi lại đi cõng gạo. Gai góc cào rớm máu cả hai bàn tay.Chúng tôi cõng gạo ở Sơn Ba. Đường đi dọc theo sông - hai bên bờ có những cánh đồng lúa rộng dài tít tắp, trông đến sướng mắt.
Đợt này tôi đã đưa mức cõng gạo lên 40 kg - giá như sức khỏe cứ phát triển theo chiều hướng đi lên thế này thì đáng mừng lắm.
 
Từ ngày 10/3/1970

Bắt đầu những ngày phát rẫy dai dẳng. Trời nắng ong ong, nóng điên người. Phơi mình dưới trời nắng, chúng tôi dùng rựa phát cây, dứt dây. Những bụi mâm xôi rậm rì, đầy gai, bò ngùng ngoằng, cào nát hai bàn tay chúng tôi. Chúng tôi phải dùng cây dài làm đòn bẩy, đánh vòng, đi từ phía sau bụi mâm xôi đánh xuống. Nhờ vậy, gốc nó phải phơi ra cho chúng tôi chặt.

Vắt cũng thi nhau hút máu. Ngày nào máu cũng đổ vì vắt. Rồi còn ruồi mòng đốt nữa. Thứ ruồi này to, đốt buốt thon thót. Cơ thể mỏi mệt, đau nhức. Chân, tay mụn xưng đỏ tấy. Phải có ý chí chiến đấu - cứ vươn tới, vươn tới, lấn dần với cái mỏi mệt. Và rồi cũng qua đi. Đây, một ngày mới lại đến. Ăn cơm sáng trong ánh đèn dầu leo lét. Xách rựa ra rẫy trong cái lành lạnh của sương sớm. ánh bình minh đón ta. Nó sáng lên với ánh sáng hơi xanh dịu hoặc Ửng hồng, lan tràn trên các đỉnh núi. Mặt trời đỏ mọng như quả mâm xôi chín gặp chúng tôi khi nhô lên khỏi ngọn núi phía bên trái rẫy. Và những đám mây dầy đặc bao giờ cũng đem lại cho tôi một cảm giác khoan khoái, mênh mông... Mây trắng đục như sữa tràn đầy không gian, đầy ắp các thung lũng, tràn phủ cả lưng những ngọn núi cao, làm ngập lút cả những ngọn núi thấp. Đứng trên núi nhìn về phía xa ấy, trông như một dòng sông nh mông. Mây tạo thành dòng sông lớn, có những đoạn uốn lượn duyên dáng, có cả ngã ba bát ngát.

Những mỏm núi nhô lên xanh xanh như những hòn đảo nổi giữa sông. Rồi ta bước vào rẫy và bị rẫy bưng lấy tầm mắt. Đó: cây, lau lách, gai góc, dây dợ đó, hãy xông tới mà chặt, mà dứt, mà cào. Con rựa, con rựa có cái mấu khoằm khoằm ở đầu tha hồ tung hoành. Rồi trưa đến với cái nắng cháy da. Ăn cơm trưa ngay tại rẫy. Xong, nghỉ tạm bợ dưới bóng cây, trên nền đất lởm chởm cho dãn xương cốt một chút rồi lại dậy làm. Khi mặt trời khuất sau những dãy núi trùng điệp và bầu trời chỉ còn sáng với ánh sáng thoi thóp, chúng tôi ra về. Len qua những khu rừng, khe suối, vượt qua vài cái dốc nhỏ rồi về nhà. Nhào vào nước rửa ráy hoặc tắm ào, rồi mài rựa, rồi ăn cơm trong ánh đèn dầu. Tối đến với những buổi họp bàn công việc, những giờ học văn hóa say sưa. Đấy, cuộc sống sản xuất của chúng tôi cứ diễn ra đều đặn, bình thản như vậy.
 
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2007, 08:09:48 pm gửi bởi hoacuc » Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM