Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:22:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bê trọc  (Đọc 99979 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #170 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 08:50:37 pm »

Ngày 14/9/1974

Việc các tổ trưởng phóng viên ở các tỉnh về Phân xã trao đổi kinh nghiệm đã thành nền nếp. Hôm nay, tổ Quảng Nam về làm việc với chúng tôi. Tuy anh em đã bám sát chiến trường, thâm nhập sâu vào đời sống chiến sĩ, nhưng chỉ viết được, còn chụp ảnh rất khó khăn, vì không có ánh sáng, vì đạn pháo nổ mạnh, gây chấn động, ảnh bị nhòe. Đặc biệt, chụp ảnh về nổi dậy chưa được, vì anh em chưa nắm vững nổi dậy là thế nào. Kinh nghiệm rút ra là trang bị phải gọn nhẹ, bám sát trọng điểm, nắm chắc ý đồ chiến dịch, bám sát mũi chủ công. Riêng về nổi dậy, có rất nhiều chủ đề, như sự chuẩn bị của quần chúng, việc phá khu dồn, san đồn bốt, xây dựng vùng giải phóng. Ngoài ra, rất cần ống kính tê-lê cho anh em chụp cảnh chiến đấu - cần phải điện gấp xin Tổng xã.
 
THƯ ĐỒNG CHÍ
Nguyễn Thành Vinh.
Ngày 18/9/1974
Anh Việt Long kính nhớ!


Em gắng ngồi dậy ghi vài dòng báo tin tình hình để anh rõ.
Thời gian ở Phù Mỹ, em bị đau nặng, không làm được công tác.
Phi nay về Phù Mỹ sau một thời gian ở Phù Cát. Còn anh Huề và Hòa ở tỉnh sau không thấy biên thư xuống, nghe đâu anh Huề bị đau.

Anh Việt Long! Lần trước em có nhận được thư anh. Em đã trả lời, anh nhận được thư chưa?
Anh ạ, còn phần em rủi quá. Em ốm đau lai rai từ 11/8 nhưng cứ thấy việc bề bộn nên làm cố. Sức khỏe ngày càng yếu và từ ngày 2, 3/9 là sốt nặng (41oC). Sau 5 ngày không ăn uống chi, thế là đành phải vào bệnh viện quân y tiền phương. Các thầy thuốc cho biết vì sốt rét ác tính nên ảnh hưởng lớn làm rối loạn tiêu hóa và sưng gan. Suốt mấy ngày em chỉ uống được vài thìa sữa thôi.
Những ngày đầu vào các thầy thuốc thấy rất lo ngại về bệnh gan của em. Nay có đỡ đi một ít. Đang tiếp tục tiêm sirepa và truyền huyết thanh ngọt.

Anh Việt Long, thật em không ngờ bệnh lại đến hiểm nghèo như vậy. Em quá bi quan, may có Phi động viên, giúp đỡ nên ít lo, phiền não.
Anh!... Có thể giữa tháng 10 mới có thể ra viện. Lúc nào ra thì em về ngay K để có thể điều trị kịp thời. Em nóng ruột quá.
Nhận được thư này anh biên thư kẻo em mong anh nghe. Em gửi lời thăm chị và các bạn.
Em. Vinh.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #171 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 08:56:30 pm »

THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Ngày 24/9/1974
Bố mẹ và các em yêu mến!


Có lẽ sau lá thư này, gia đình sẽ lâu nhận thư con, vì đã bắt đầu mùa mưa rồi, xe không chạy được.
Hiện nay con và Ngân đều khoẻ. Sau khi cưới, Ngân lại về nhà in công tác, cách chỗ con khoảng 3,4 cây số. Chúng con vẫn hay gặp nhau, sống vui, hòa trong cuộc sống tập thể. Anh em có làm cho con ngôi nhà tranh xinh xắn, cũng có bàn, ghế, giường chiếu đàng hoàng. Ở chiến khu này, được như thế là sung sướng lắm rồi.
Dạo này do ta đánh mạnh, địch co lại, nên tình hình yên hơn.

Tại cơ quan thì chúng con được sống trong không khí khá hòa bình.
Đời sống vật chất được cải thiện dần. Nhờ có cơ giới, chúng con khỏi phải gùi cõng vất vả. Tuy nhiên, nhằm tiến tới tự túc hoàn toàn lương thực, thực phẩm, chúng con cũng tham gia sản xuất khá nhiều.
Con đỡ bận hơn trước, các anh ngoài cơ quan tăng cường vào đảm nhận nhiều việc, bây giờ con chỉ còn lo việc chuyên môn và chi bộ thôi. Con mong có nhiều thời giờ để viết. Vừa rồi mất nhiều thời gian vào công việc sự vụ quá, chẳng viết được gì.

Thời gian càng trôi đi, con càng thương nhớ gia đình da diết. Do hoàn cảnh chưa cho phép con phải nén tình cảm lại. Và càng nén lại, càng đau xót. Có lẽ, trên đời này không một ai lại không mong được sum vầy trong gia đình. Nhưng, cuộc đời cũng ít chiều theo sự mong muốn của con người. Tuy nhiên, con vẫn hy vọng có ngày sẽ về gặp lại gia đình. Chắc rằng tổ chức sẽ không quên những người đáng nhớ.
Chắc bố, mẹ, anh Đức và các em đã xem ảnh, nghe băng ghi âm buổi lễ thành hôn của chúng con. Gia đình có hài lòng không? Hôm nay con gửi thêm mấy cái ảnh nữa.

Nghe gia đình vẫn sống hòa thuận, vui vẻ, các em tiến bộ, con rất mừng. Mong rằng tất cả các em đều tiến vững chắc. Còn anh Đức đã “vận động” được chị Hòa tiến hành xây dựng tổ ấm chưa?
Viết thư nói kỹ cho em biết và mừng với. Cháu Trang mũm mĩm quá nhỉ. Tuy nhiên, chú Phúc phải đi vào kế hoạch đấy nhé, kẻo mà vất vả lắm, Phúc có học hàm thụ đại học không?
Cứ nhìn hàng hóa - từ cây kim sợi chỉ - ở miền Bắc ùn ùn vào, con biết hậu phương phải thắt lưng buộc bụng lo cho chiến trường, con cũng hiểu phần nào những khó khăn mà đồng bào, trong đó có gia đình ta ngoài ấy, phải vượt qua.

Bố mẹ có đi xem phòng triển lãm một số hình ảnh miền Nam đấu tranh và xây dựng vùng giải phóng không? Con có ảnh “Nhân dân miền Nam trong vùng địch kiểm soát phá ấp chiến lược Mỹ - Thiệu trở về làng cũ làm ăn” trưng bày ở đó đấy. (Báo Nhân dân ngày 9/6/1974 có đăng ảnh giới thiệu).
Gia đình đừng gửi gì cho con cả, con sống tương đối đầy đủ rồi.
Cuối thư, con hẹn sẽ có ngày sum họp trong gia đình.

Con gửi thư này nhờ anh Phương, phó Ban Tuyên huấn khu, chuyển. Gia đình hỏi thêm anh Phương, sẽ biết thêm nhiều chuyện.
Anh Phương đã xa vợ và con 15, 16 năm trời, nay mới được ra đấy.
Con của gia đình.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #172 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:00:29 pm »

THƯ NGÂN GỬI GIA ĐÌNH
Bố mẹ kính yêu!

Thư này là thư thứ tư con viết cho bố mẹ, nhưng chưa có thư nào con viết dài và thư riêng cho anh Đức và các em.
Lần này, cơ quan có người ra, con viết thư cho bố mẹ đây. Trước tiên con xin gửi đến bố mẹ lòng chân thành, mong bố mẹ mạnh khỏe vui tươi trong tuổi già.

Bố mẹ ạ! Tuy chưa gặp mặt bố mẹ, anh Đức và các em, song con cảm thấy tình cảm của gia đình ấy vẫn sưởi ấm tâm hồn con trong những ngày sống công tác nơi chiến trường.
Bố mẹ của con!... Chắc về phần con thì anh Việt Long đã biên thư và nói cụ thể cho gia đình rõ về con rồi nhỉ?... Con sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh trong vùng tạm chiếm, cha hoạt động cách mạng đã hy sinh, mẹ bị ốm chết năm 1962. Được 4 anh chị em, tất cả sống cùng ông bà nội. Con đã thoát ly gia đình từ hồi 15 tuổi.
Trong điều kiện khó khăn của tập thể đã nuôi con lớn, rèn luyện cho con nhiều năm, nay con đã 22 tuổi, cho nên sự học tập như mọi người khác ở Bắc thì không có, con chỉ học hết 4 thôi.

Bố mẹ kính yêu!...
Chắc trong thâm tâm của ai cũng vậy, gia đình đàng hoàng thì cũng muốn tìm cô con dâu đàng hoàng như chị Hòa hay chị Thành chẳng hạn, và con thì học hành thì ít, cuộc sống va chạm thì không có mới lại sớm sống công tác nơi chiến trường nên bệnh tật khá nhiều. Trước anh Việt Long con cảm thấy con quá kém cỏi. Bên cạnh lúc con quen anh Việt Long thì con cảm thấy rất quý anh ấy, nhưng thấy anh ấy cũng rất quý con từ đó chúng con thân nhau, hiểu nhau nhiều, từ đó con được xem ảnh và thư của gia đình bố mẹ, các em, lòng con rộn lên bao niềm vui sướng.
Ước mơ sẽ có ngày con được đứng vào bên cạnh tấm ảnh ấy.
Thế ước mơ đã đem đến sự thật ngày nay con đã nhận được những cái thư của bố mẹ, anh Đức viết cho con hay là thư của các em nữa.

Bố mẹ của con!... con viết thư cho gia đình làm sao con nói lên hết tình cảm của con đối với gia đình hả bố mẹ, con rất biết ơn bố mẹ đã đẻ ra và nuôi dưỡng trưởng thành cho con một nguời chồng đáng yêu quí. Chúng con sẽ sống và công tác thật xứng đáng công nuôi dưỡng và sự mong ước của bố mẹ.
Anh Long nhận quá nhiều quà và thư, sự quan tâm lớn của gia đình rồi, nên lần khác bố mẹ cũng đừng nên gửi gì cho con cả để bố mẹ ăn uống cho khoẻ, các em ăn bận đầy đủ. Con trong này chỉ khao khát tình ấp ủ của bố mẹ và các em còn vật chất thì không thiếu thốn lắm đâu.
Chỉ vậy, con chúc bố mẹ, anh Đức, các em khỏe.
Con dâu
Nguyễn Thị Kim Ngân
TB: Qua thư Bố mẹ cho con gửi lời đến thăm gia đình cô Chung và bà con nội ngoại.

 
THƯ ĐỒNG CHÍ
 Nguyễn Long Phi.
Phù Mỹ ngày 26/9/1974
Anh Long và các anh kính mến!


Nhân tiện có anh Phong (Ban Binh vận huyện Phù Mỹ) lên K họp, tôi có mấy lời thăm các anh và các đồng chí trong cơ quan.
Cho đến bữa nay 26/9, tôi và Vinh vẫn ở Phù Mỹ. Vinh còn điều trị ở phẫu tiền phương. Hiện giờ địch đang lấn chiếm 2 xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ là vùng quản lý của ta. Đến đêm qua 25/9 chúng đã đóng quân có tăng yểm trợ tại ngã tư Chánh Trực (Mỹ Thọ). Có thể ngày nay và vài ngày tiếp nữa chúng phát triển mạnh hơn vào cả các xã giáp Mỹ An, Mỹ Thắng...
Không khí chống địch càn quét rất khẩn trương. Dân các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ đã được đưa hết ra Mỹ Thắng, Mỹ Đức. Còn lại lực lượng D50, D55 của tỉnh chống, giữ.

Cuộc chiến đấu diễn ra 3 ngày nay ở 2 xã này rồi. Còn ở mảng 5 xã Nam Phù Mỹ, Bắc Phù Cát không có súng nổ. Địch đang tập trung vào “Bình Định”.
 m mưu địch đánh sang vùng ta, và nhân lúc lực lượng ta yếu chúng phát triển hòng tiêu diệt sinh lực.
Tôi vẫn bám chiến trường ở 2 xã này. Vinh có giao cho máy ảnh từ tháng 8, tôi đang làm và có làm một số ảnh. Càng tin tưởng làm một số ảnh về xe tăng địch bị ta bắn cháy (2 chiếc, 5 chiếc hỏng trong 3 ngày,) và một số ảnh về tù binh, ảnh về chúng đốt phá...

Vì tình hình còn đang căng, nên mò theo các đơn vị cũng ở tình trạng cơ động chạy nên khó quá.
Bây giờ súng còn nổ và đang căng. Tôi vội có mấy lời báo cáo các anh như vậy.
Tin tức tôi gửi về tỉnh rồi. Không biết nhà nhận được chưa.
Ta địch còn đang tranh chấp ở các cao điểm Đá Tân, Đá Hoa, Mỹ Thành....
Thôi vội quá. Có gì báo cho các anh sau.
Còn một mình làm không xuể các anh ạ.
Sức khỏe tôi gầy và đen (cháy nắng) nhiều.
Nhớ nhà quá. Chào các anh.
Nguyễn Long Phi  
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #173 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:04:40 pm »

Ngày 26-28/9/1974

Làm việc với tổ trưởng các tổ Quảng Đà, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định. Lần này, ngoài việc trao đổi về kinh nghiệm nghiệp vụ, anh em còn cung cấp cho Phân xã tư liệu về từng địa phương - khá đầy đủ và chi tiết, rất có ích cho công tác biên tập. Nói chung, các tổ phóng viên bám sát nhiệm vụ, gắn bó với địa phương, được sự giúp đỡ và phối hợp của Ban Tuyên huấn các tỉnh. Riêng tổ Quảng Nam gặp khó khăn hơn, còn có một số cán bộ lãnh đạo chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của công tác báo chí - tuyên truyền nên chưa nhiệt tình tạo điều kiện cho phóng viên nắm tình hình làm tin tức. Anh Sĩ - Phó trưởng ban Binh vận tỉnh - nói: “Có phóng viên Khu xuống thì Quảng Nam vẫn là mảnh đất trung dũng kiên cường, không có phóng viên Khu xuống cũng vẫn kiên cường trung dũng”. Có một việc cần rút kinh nghiệm là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phóng viên và điện báo viên, làm sao cho phóng viên viết thật nhanh, nhậy, còn điện báo viên thì phải nhanh chóng chuyển về Khu bằng máy 15 WAT. Có lẽ do ngại đánh mooc dài, cậu Huệ - điện báo viên ở Quảng Nam -đã tự “sáng tác” ra điện của Phân xã gửi xuống: Quảng Nam viết dài lê thê, cần viết thật ngắn!

Vừa buồn cười vừa giận anh bạn điện báo viên trẻ người non dạ, đã dám làm cái việc tày đình ấy. Một mặt, tôi dặn anh em phóng viên phải viết cô đọng, tránh dài lê thê, mặt khác bàn với anh Hồng Sinh, trưởng Đài Minh ngữ, động viên anh em điện báo viên phối hợp chặt chẽ với phóng viên để làm thật tốt công tác.
 
Ngày 1 đến 4/10/1974

Ban Tuyên huấn tổ chức nghiên cứu Nghị quyết 02 hội nghị A15.2 của Khu ủy. Chúng tôi được nghe phổ biến khá sâu vê tình hình, nhiệm vụ, phương hướng của toàn Khu trong thời gian tới.
Về tình hình địch - ta trong Khu:
- Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 1973, địch tiếp tục chủ nghĩa thực dân mới, tiến hành chiến tranh, dùng chiến thuật bình định, lấn chiếm. Ta chưa thấy hết âm mưu địch; bộ đội chủ lực của ta đi vào huấn luyện. Ta có khuyết điểm trong chỉ đạo - đối phó ít, kết quả ít, biện pháp chưa thật thích hợp. Địch đạt được một số kết quả - lấn chiếm được một số vùng, giành được một số dân, “bình định” được một số vùng mới.

- Từ tháng 4 đến tháng 7 năm 1973: Khu ủy có Nghị quyết 21.
Thấy rõ địch hơn, nhất là về âm mưu chiến lược và bản chất ngoan cố của đế quốc Mỹ, đặt nhiệm vụ trung tâm là chống bình định, lấn hiếm. Địch tiến hành chiến tranh, ta phát động chiến tranh nhân dân đánh lại địch.

- Từ tháng 9 năm 1973 trở đi: Có bước chuyển biến mới, thắng lợi lớn. Tình hình đã sáng tỏ về khả năng ta đánh bại bình định lấn chiếm của địch, nhất là các thủ đoạn cơ bản như đóng chốt, dồn dân. Bộ đội chủ lực của ta có khả năng tiêu diệt đơn vị tương đối lớn, chi khu quan trọng có công sự khá vững, giữ được trận địa, mở ra từng mảng vùng giải phóng, căn cứ cách mạng được củng cố, phát triển. Bộ đội địa phương và quần chúng tấn công tiêu diệt, áp đảo địch. Trong chiến dịch hè - thu, ta loại khỏi vòng chiến đấu 41.000 tên địch, 40 tiểu đoàn, 549 lượt đồn bốt, giải phóng 31 xã, 99 thôn. Tính chung 8 tháng của năm 1974, toàn Khu loại khỏi vòng chiến đấu 55.000 tên địch (có 13.000 tên rã ngũ, trong đó có 700 người về vùng giải phóng), 4 quận lỵ, chi khu, nổ ra 85 vụ binh biến trong quân ngụy, 14 vạn dân được giải phóng, giành quyền làm chủ. Đây là thời kỳ mà bọn địch xuống dốc ngày càng nhanh hơn.

Trong vùng giải phóng, chúng ta khai hoang, phục hóa 6.700 héc ta, gieo trồng 100.000 héc ta, chăn nuôi 47.000 con trâu bò, thu nghĩa vụ 600 tấn lương thực, mua 3.000 tấn gạo, làm mới 1.224 ki lô mét đường giao thông, 5 vạn người đi học, có 118 bệnh viện, bệnh xá.

Dự kiến tình hình sắp đến: Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu cơ bản - giữ miền Nam trong quỹ đạo chủ nghĩa thực dân mới, nhưng trước mắt không đưa quân vào miền Nam. Địch tiếp tục suy yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, mâu thuẫn nội bộ phát triển thêm. Ta có điều kiện tiếp tục giành thắng lợi lớn hơn, tạo ra so sánh lực lượng có lợi cho ta. Phải qua nhiều nỗ lực nữa ta mới tạo được ưu thế rộng rãi hơn đối với địch.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #174 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:07:14 pm »

Hướng sắp tới của chúng ta: Phải nắm vững quan điểm bạo lực.
Phát động chiến tranh cách mạng đánh bại Việt Nam hóa chiến tranh của địch. Phải nắm vững tư tuởng tấn công, tấn công ở phía trước, tấn công trong xây dựng. Phải bám dân, bám địa bàn. Quần chúng phải nổi dậy bằng 3 mũi giáp công. Phải kết hợp 3 thứ quân, đẩy mạnh 3 mũi giáp công, 3 quả đấm, đánh bại một bước quan trọng âm mưu bình định lấn chiếm của địch.Từng bước hoàn chỉnh căn cứ cách mạng ở miền núi. Đưa phong trào cách mạng ở thành thị lên, tiến tới tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc của địch ngay trong lòng địch.

Mục tiêu trước mắt của chúng ta là: Đánh bại bình định, lấn chiếm. Mở rộng và xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ cách mạng. Nhiệm vụ trọng tâm số một là tấn công, nổi dậy, số hai là xây dựng vùng ta.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Bảy Hữu - ủy viên thường vụ Khu ủy - hệ thống hóa lại vấn đề giành dân trong lịch sử Khu Năm thời chống Mỹ như sau: Từ năm 1961 trở về trước: Phá rào vi, đánh tháp canh, đánh dân vệ. Từ 1961 đến 1962: Diệt kẹp, giành dân, phá khu dồn, đánh bọn ứng chiến. Từ khi Mỹ đưa quân vào miền Nam: Diệt ác, phá kèm, phá khu dồn, đập vỡ tuyến phòng thủ, đánh bại mọi cuộc ứng chiến. Anh nhấn mạnh: Thời cơ hiện nay, chúng ta tạo ra sau 19 năm kháng chiến và 15 tháng thi hành hiệp định Pari, là vô cùng thuận lợi, phải chớp lấy để giành thắng lợi mạnh mẽ nhất, đầy đủ nhất, tiến tới toàn thắng. Tôi nhận ra anh Bảy chính là anh Lợi, người cán bộ lãnh đạo mà tôi đã được gặp và làm việc trong thời gian ở Bình Định năm 1972 tại Ban chỉ huy tiền phương - vẫn dáng người cao to, khuôn mặt vuông cương nghị, bộ râu quai nón cạo nhẵn và đôi mắt sáng, giọng nói sang sảng... Còn anh Ba, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hồi đó, bây giờ lấy tên là Tám Lý, được giao trách nhiệm Trưởng ban An ninh khu.
Cả căn cứ rộn ràng lên trong không khí thi đua thực hiện bằng được Nghị quyết của Khu ủy, biến tinh thần Nghị quyết thành hành động cụ thể. Đối với Phân xã Thông tấn xã của chúng tôi, đây là ánh đèn pha tập trung soi rọi thực tiễn để chúng tôi làm tin, chụp ảnh có kết quả cao.
 
THƯ GỬI GIA ĐÌNH
Việt Long - 3105 Vinh Quang.
Ngày 4/10/1974


Bố mẹ yêu quý của con!
Các em thân yêu của anh!

Con mới nhận được thư của mẹ viết cho con (mẹ gửi tháng 7).
Được biết gia đình vẫn mạnh khoẻ, êm ấm, con rất mừng.
Hôm nay có anh Nghĩa - cùng cơ quan với con - ra chữa bệnh, con gửi lá thư này cho gia đình.
Điều đầu tiền con cần nói cho mẹ yên tâm là con rất khoẻ.

Đúng là vừa rồi con có đi bệnh xá một thời gian, nhưng là vì một vết bỏng ở chân chứ không phải do sốt. Cả năm nay con không bị sốt. Cả thời kỳ bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, hầu như mọi người trong cơ quan con đều sốt, con vẫn khỏe mạnh. Gan, lách con chưa bị sưng bao giờ. Nếu như bệnh viện cần một người đến để họ huớng dẫn cho các học sinh y tế cách gõ, nghe và kết luận là gan, lách tốt, thì nhất định họ phải mời đến con.
Hiện nay, do việc triển khai của đoàn Liên hợp quân sự gặp nhiều trở ngại, con đã trở về Ban Tuyên huấn công tác. Con lại làm công tác biên tập, rất bận vì công việc nhiều mà người thì ít. Công tác của con vẫn gặp thuận lợi, tiến bộ.

Vừa rồi, con được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan, đồng thời làm Phó bí thư Đoàn ủy cơ quan, do vậy càng bận. Con nghĩ, khi đã được tín nhiệm, trao nhiệm vụ thì phải hoàn thành thật tốt.
Mẹ thân yêu của con ơi! Đọc thư mẹ, con hiểu rằng mẹ thương nhớ con biết bao, mẹ mong gặp con biết bao. Có lẽ vì thế mà mẹ thoáng có ý trách con chỉ lo công việc mà ít nhớ đến gia đình chăng?
Đúng là bây giờ con rất bận rộn, rất lo công việc. Con chưa thể về thăm gia đình được. Mẹ cứ nhìn những người đã ra ngoài ấy thì hiểu rằng con chưa ra là phải. Vì đó là những anh lớn tuổi, có người có tuổi đảng bằng chính tuổi đời của con, đã cống hiến nhiều gấp mấy chục lần con, bây giờ gần kiệt sức rồi, cần nghỉ ngơi, hoặc những người trẻ tuổi thì bị bệnh tật hủy hoại cơ thể quá rồi, phải ra chữa, một số khác thì cần ra để học. Con thì sao? Còn trẻ, mới cống hiến được ít năm, sức khỏe tốt, (nếu con ra mà sức khỏe tàn tạ, chắc mẹ cũng không thích) vậy thì con ra sao được trong lúc này. Nhất là trong điều kiện có hàng chục thanh niên vào thêm, cần có người tương đối có kinh nghiệm công tác kèm cặp, con càng chưa thể ra được. Chính vì thế mà con chưa dám nghĩ đến chuyện đi nghỉ phép.

Nhưng không phải vì thế mà con nguôi thương nhớ bố mẹ kính yêu, nguôi thương nhớ những đứa em ngoan ngoãn. Nhiều khi con chỉ ước được gặp gia đình trong giấc mơ, mơ cho thật rõ, thật lâu.
Có khi con nghĩ rằng con có thể đổi một vài năm sống của đời con để lấy một vài tháng sống trọn vẹn với gia đình trong tình thương yêu của bố mẹ, trong tiếng nói cười ríu ran của bầy em. Nghĩ lại những ngày còn sống trong sự chăm sóc của bố mẹ, con thấy quý giá vô cùng, con khao khát, con ước mong được trở lại những ngày đó. Và nếu được phép về thăm gia đình, con có thể vứt bỏ tất cả đồ dùng, có thể đi bộ vượt trạm để băng về nhà cho thật nhanh. Rồi nghĩ lại, thấy rằng còn phải xa gia đình nhiều năm nữa, con thấy đau nhói trong lòng, có lúc tưởng như không chịu đựng nổi nữa! Song con cứ nghĩ đến muôn vạn người xung quanh, con lại cảm thấy cứng rắn lên. Có gia đình nào không tan nát đâu, ở Miền Bắc có gia đình nào không có con em vào Nam hoặc đi bộ đội, hy sinh đâu? Gia đình ta so với nhiều gia đình còn hạnh phúc lắm - còn toàn vẹn, được làm việc thuận lợi, được ăn học đàng hoàng - nghĩ như thế, con lại thấy phấn khởi, yên tâm công tác. Và mẹ hãy yên tâm, rồi nhất định con sẽ được ra thăm gia đình, cơ quan con không quên con đâu, khi nào thấy có thể được, nhất định cơ quan con sẽ cho con về thăm mẹ, thăm bố, thăm anh em ruột thịt của con. Lúc ấy, con trở về mạnh khoẻ, đàng hoàng và gia đình ta sẽ vui như hội.

Mẹ ạ, tiền mẹ gửi cho con, con đã nhận được. Con không thiếu áo len đâu, vì con đã có một áo len rất tốt, mới đây lại được lĩnh một chiếc mới, thế là thừa. Ngoài ra, các đồ dùng khác của con khá đầy đủ. Mẹ đừng gửi gì cho con ngoài một chiếc vợt mút và một tá bóng bàn để con chơi thể thao cho vui.
Anh gửi tới các em tình thương yêu tha thiết.
Con của bố mẹ.
Việt Long

Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #175 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:09:22 pm »

Ngày 12/10/1974

Phân xã đã tổ chức các bộ phận chuyên môn để có điều kiện hoạt động tập trung hơn, có hiệu quả hơn: Tổ tin phổ biến, Tổ tin tham khảo, Tổ ảnh... Tôi vừa phụ trách chung, vừa trực tiếp làm tổ trưởng Tổ tin phổ biến.
Chúng tôi họp Tổ tin phổ biến để bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết 02 A15.2. Tổ có tôi, Hoàng Chu, Hồ Phước Huề, Kim Thoa, Thế Phương, Nguyễn Xuân Soạn, Phạm Đức Yên. Nhiệm vụ cụ thể đưọc xác định là:
- Ra Bản tin hàng ngày phục vụ Khu và điện ra miền Bắc. Tin quân sự khai thác từ nguồn của Quân khu.

Tin nổi dậy dựa vào các tổ phóng viên và tổng hợp tình hình của Khu ủy. Tin binh vận chú ý cả tin thời sự, mẩu chuyện và tin tổng hợp. Tin kinh tế chú ý tin thời sự, điển hình về sản xuất, xây dựng vùng giải phóng. Tin thành phố dựa vào các tổ phóng viên, vào Ban đấu tranh chính trị.
Tin văn hóa xã hội khai thác từ nhiều nguồn, cần đều hơn, có tổng hợp. Chú ý đưa tin về hoạt động của Chính phủ và các đoàn thể.
- Liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quanh Khu. Dự đều giao ban Khu ủy. Cử phóng viên trực ở 2 khối - chính quyền và dân vận, mặt trận, vừa làm tin chung vừa đi chuyên đề.
- Biên tập viên phải nhận xét từng tin, nhận xét chuyên môn của phóng viên theo định kỳ và thông báo cho các tổ phóng viên.
Hướng dẫn các tổ phóng viên về hoạt động nghiệp vụ.
- Xây dựng tư liệu.
- Tổ chức thông tín viên, cộng tác viên.
Tôi trực tiếp phụ trách Bản tin hàng ngày, và cùng với Xuân Soạn biên tập tin. Phước Huề phụ trách khối chính quyền. Hoàng Chu phụ trách khối dân vận, mặt trận.
 
THƯ GIA ĐÌNH
Ngày 2/11/1974
Long Ngân yêu quý!


Mẹ đã nhận được đủ quà con gửi anh Tầm về rồi, và hôm vừa rồi bác Nhung ra cũng lại đưa quà và thư con gửi. Bác Nhung có nói chuyện là con đến chỗ bác và bác bảo là con gầy nhưng khoẻ, bác chỉ tiếc là chưa gặp được Ngân thôi, có thể ngoài tết Bác mới vào, dạo này, mẹ chậm thư cho 2 con là vì bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm - Trung Quốc đã được một tháng rưỡi rồi bố đi từ 15 tháng 9 thành ra không có ai liên hệ với TTX được, bố con sang Trung Quốc như thế là chữa về thần kinh là chủ yếu vì bên tay phải đã bắt đầu hơi run và chân đi thì lệt xệt, sang được một tháng đã lên được 5kg và điều kiện chữa bệnh thì tốt lắm, ăn uống thoải mái, bố viết thư về nói là tay đã đỡ run và bàn tay đỡ cong rồi, chân cũng đỡ. Sang đấy chữa ít nhất cũng phải nằm 4 tháng như thế đến gần tết thì bố về, bố đi như vậy chỉ trừ tiền ăn 21đ/một tháng, còn sang Trung Quốc thì được lĩnh 8đ tiền Trung Quốc để tiêu vặt nhưng bố bảo chả phải tiêu gì, chỉ để khi về sắm các thứ cần thiết thôi, mà tiền bạn thì giá trị lắm, họ tiêu từ 1 xu cho đến 1 hào. Như thế các con cũng mừng cho bố mẹ là trước khi về hưu được đi chữa bệnh thời gian và được bồi dưỡng sức khỏe để về hưu cho phấn khởi.

Con gửi cao gấu và mật gấu về chắc bố mừng lắm, mẹ đã ngâm rồi, mẹ chắc cao gấu thì ngâm rượu uống như các loại cao khác, còn mật gấu thì tất nhiên là phải dùng cẩn thận rồi, nó chỉ dùng vào loại xoa cho tan máu là tốt nhất còn về uống thì mẹ phải hỏi cẩn thận, cao con mua có đắt không, giá có cao hổ cốt tốt thì tốt nhất vì nó chữa thấp khớp công hiệu nhất, còn mật gấu thì thôi con đừng mua nữa, bao giờ cần mẹ sẽ nhắn sau.

Mẹ thấy 2 con gửi quà ra mất nhiều tiền quá thế còn tiền đâu mà bồi dưỡng nữa, bao giờ bác Nhung vào mẹ lại gửi quà vào và gửi ít tiền vào cho các con để thêm và có khi nào mua quà ra còn có tiền mà mua. Mẹ thấy con nói đài thích quá nhất là cái đài loại 500đ ấy nhưng làm thế nào mà đổi tiền ở ngoài này được, mà gửi tiền vào thì con có đổi được không?

Anh Hà từ hôm ra có mỗi lần đến đưa quà ngồi được vài tiếng bố mẹ mời ở lại ăn cơm anh cũng không ở. Hôm nào mẹ đến 103 Quan Thánh để tìm xem có gặp anh ấy không Cô Chung nhận phần mua áo con cho Ngân nhưng chưa biết có ai vào không mà gửi, con còn gửi sữa ong chúa ra làm gì, 2 con không để mà dùng, thuốc bổ trong ấy cần dùng hơn ngoài này vì bố cũng có đủ thuốc rồi, con không phải lo nữa. Từ nay con đừng gửi thuốc bổ nữa, con để mà uống.

Bố mẹ và cả gia đình đều mong làm sao 2 con tranh thủ ra chơi được ít lâu, nhất là nửa tháng cũng được, mẹ thấy nói đi ra có 5,6 ngày mẹ lại càng sốt ruột, cứ nghĩ là thời gian đi có thế mà tại sao cơ quan không thông cảm mà tạo điều kiện cho 2 con đi kết hợp thời gian ngắn thôi cũng được thế mà càng mong càng thất vọng, có lẽ sang năm 75 con nên đề nghị xem vì gay go như bộ đội trong ấy mà họ cũng còn được về phép nữa là.

Em Diệp đang chờ vào Sư phạm Ngoại ngữ, còn em Lan và Thủy học lớp 8, và 7 gần nhà, cháu Trang đã cai sữa rồi, cháu được một năm ngày 2-10-1974. Cháu mặc 2 bộ quần áo bác gửi về vừa quá và trông xinh lắm. Còn việc anh Đức có lẽ đầu năm 75 mới cưới được vì một là bố đi vắng vả lại chị Hòa cũng chưa muốn cưới vội. à con đừng mua áo chăn nhé, mẹ mua rồi, còn vải quần cũng vậy đừng mua nữa ngoài này mới mua đủ rồi. Các con để tiền mà tiêu, cái quần con gửi ra vải đẹp đấy nhưng chỉ phải cái may hơi chật, mẹ mặc tạm cũng được.
Thôi mẹ chúc hai con khỏe mạnh.
Mẹ. Hạnh
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #176 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:12:53 pm »

Ngày 7/11/1974

Họp tổ tin phổ biến. Trong tháng 10, chúng tôi phát 87 tin, nội dung tương đối bám sát tinh thần chỉ đạo của Khu, tương đối kịp thời, tuy vậy, tin còn ít, tin về xây dựng lực lượng vũ trang còn yếu.
Chúng tôi cũng đã hoàn chỉnh một bộ tư liệu về thành phố. Hướng đưa tin tháng 11, 12 là: Phải làm nổi vấn đề văn hóa, xã hội, kinh tế. Đưa nhiều tin tổng hợp, trong đó có tổng kết thành tích các đơn vị, cá nhân tiêu biểu. Chú ý đưa tin về phong trào đấu tranh ở thành phố. Xây dựng tư liệu về phong trào cách mạng ở thành phố và về hoạt động tấn công, nổi dậy toàn Khu năm 1974.
 
Từ cuối tháng 12/1974

Năm nay mưa muộn lạ kỳ. Tháng 10, 11 là tháng mọi năm mưa sầm sập thì năm nay mưa rất ít. Cuối tháng 11 mới có lụt.
Nước thấp hơn mọi năm. Vậy mà cũng cuốn mất Hà Xuân Phong.
Hôm ấy nước bắt đầu rút, Phong cùng Thảo đi thuyền do Nghiêm, Thi chở qua sông Trà Nô. Nước xiết quá, thuyền vừa được đẩy ra, chưa kịp chèo thì đã lật nhào. Thảo không biết bơi, được Tiến vớt. Phong bơi giỏi, vượt qua bờ bên kia. Vậy mà gần đến bờ thì chìm mất luôn. Đoạn sông này có nhiều ghềnh đá. Hơn một tuần sau mới vớt được xác.

Vậy mà từ 7/12 - mọi năm bắt đầu dứt mưa - lại mưa dầm dề, dai dẳng. Mưa không to hạt nhưng liên tục, làm nước dâng lên cao không kém mưa lớn.
Tôi vừa biên tập, vừa xử lý những tài liệu đã khai thác được trong khi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua Khu, trong đó có bài như sau:
 
Dũng sĩ Trương Văn Hòa sau khi được tuyên dương anh hùng
Hà Nội (VNTTX 17-12-74) Gặp Trương Văn Hòa trong đại đội liên hoan đơn vị anh hùng, anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng khu Trung Trung Bộ lần thứ tư, tôi nhớ ngay tấm ảnh anh, với nụ cười hồn nhiên, in trên báo Quân đội Nhân Dân cách đây mấy năm. Hồi ấy cả nước biết tên anh với danh hiệu dũng dĩ diệt Mỹ và thành tích diệt 167 tên Mỹ trong 6 tháng.

Năm 1967 anh được Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên dương danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Sau đó, trong một trận chiến đấu tại quê hương Quảng Đà, anh bị thương, rồi bị địch bắt. Bọn Mỹ - Thiện đã đưa anh qua khắp những trại giam của chúng từ Đà Nẵng vào Nam Bộ, ra tận đảo Phú Quốc.
Chúng không thể ngờ rằng chính tại hòn đảo chơi vơi giữa biển này, anh đã tự thoát khỏi nanh vuốt của chúng, trở về đội ngũ, cầm súng tiếp tục chiến đấu tiêu diệt chúng. Bây giờ, anh lại đã đứng trên mảnh đất quê hương. Những chặng đường mà người anh hùng đã vượt qua biết mấy gian truân... vậy mà anh kể lại bằng giọng nói trầm trầm, hiền hiền, nghe thật bình dị.

“... Sau khi đánh đập, tra khảo đủ cách, buộc tôi phải ký vào bản cung không được, cuối tháng 8-1968, bọn địch đưa tôi ra đảo Phú Quốc. Chúng bắt tôi phải khai là “tù phiến cộng”. Tôi đáp:
- Tôi làm cách mạng, không phải làm phiến loạn, các ông không được gán tầm bậy!
Chúng xúm vào hành hạ tôi. Vẫn những ngón đòn tàn ác mà quen thuộc: quay điện, đổ nước vôi, nước ớt, đấm đá... hồi nớ, người tôi rất mập, mạnh, nên sau những trận đòn của chúng tôi chưa đuối sức. Nhìn vào tình hình chung ở trại giam, tôi thấy đáng lo. Ngày nào bọn địch cũng sục vào trại giam đánh đập tù nhân. Phong trào đấu tranh trong tù yếu. Do vậy chúng càng thả sức hoành hành. Có ngày, chúng đánh chết 3,4 tù nhân một lúc. Phải tổ chức đấu tranh.

Muốn vậy, phải tìm được những đồng chí trung kiên nhất lập ban lãnh đạo trại giam. Tôi bắt đầu theo dõi. Ở trong tù, khí tiết người cách mạng được biểu hiện rất rõ, ngay trên những hành động cụ thể: chịu đựng mọi cực hình, không khai báo, không khuất phục kẻ thù, thương yêu, chăm sóc đồng chí. Chẳng bao lâu, tôi liên lạc được với 5 đồng chí trung kiên khác và lập ban lãnh đạo trại giam.
Chúng tôi nhận định: “Phong trào đấu tranh còn gặp khó khăn vì tình hình trại giam còn phức tạp. Ngoài thì bọn quân cảnh đàn áp.
Trong thì bọn “chiêu hồi” (tức bọn đầu hàng) chỉ điểm. Muốn đẩy phong trào lên, phải diệt bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân”.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #177 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:15:14 pm »

Chúng tôi phân công nhau phụ trách từng khu vực rồi bố trí tiêu diệt địch. Tối hôm ấy, chúng tôi phục trên đường ra cầu tiêu, dùng cọc lều đập chết 6 tên, gồm 1 trưởng ban an ninh, 1 đại diện “chiêu hồi” và 4 tên chỉ điểm khác. Sau một thời gian, chúng tôi đã diệt sạch bọn chỉ điểm trà trộn trong tù nhân. Phong trào đấu tranh lên mạnh. Trong suốt quá trình này, tôi đều ở trong ban lãnh đạo trại giam...”.

Trương Văn Hòa ngừng kể, đứng dậy hít liền mấy hơi dài. Biết anh mệt, tôi không hỏi gì thêm. Lát sau, anh ngồi xuống, kể tiếp:
“Chắc anh rõ, ai ở trong tù mà chẳng khao khát được trở về cuộc sống tự do. Chúng tôi luôn luôn tìm cách vượt ngục. Lần đầu tiên, vào đầu năm 1971, tôi và một số đồng chí định vượt rào ra ngoài. Bọn địch giăng tới 11 lớp rào. Chúng tôi bò. ánh đèn pha luôn quét qua, quét lại. Và bọn lính gác thỉnh thoảng lại bắn vu vơ mấy tràng đại liên. Tôi trườn tới, trườn tới. ý nghĩ duy nhất của tôi lúc này là trườn cho khéo, mau mau ra khỏi hàng rào. Nhưng, thật không may, một đồng chí làm lộ. Đèn pha tập trung rọi tới, sáng như ban ngày. Đại liên rít chiu chíu, đan dày sát hàng rào. Mặc, tôi cứ bò. Qua khỏi hàng rào thứ 5 rồi. Cố lên! Song không được, bọn địch đã đến...
Bọn địch đưa tôi về trại giam, đánh đập, hỏi:
- Tại sao mày dám vượt ngục?

Tôi trả lời:
- Con người có một lần chết. Vượt ngục, nếu thoát, lại được cầm súng chiến đấu diệt bọn bay. Còn không, thì thà chết ngoài rào còn hơn sống trong rào.
Địch tăng cường kiểm soát trại giam. Nhưng chúng tôi không chịu bó tay. Chúng tôi đào địa đạo. Lần này lại bị lộ. Địch bắt 2 đồng chí, đánh đập thậm tệ, bắt khai ra người lãnh đạo. Hai đồng chí này còn non nớt, có thể sẽ không chịu đựng được. Nhận định như thế, tôi bàn với ban lãnh đạo để tôi đứng ra nhận, bảo tồn cơ sở.

Các đồng chí nhất trí. Từ trong khám, tôi bước ra cửa rào, nói:
- Đừng đánh hai anh ấy nữa. Chính tôi là người tổ chức, chỉ huy.
Như bầy thú dữ bắt được mồi, bọn địch nhào cả lại xâu xé tôi.
Gậy giáng lên lưng. Gậy giáng vào ống chân. Một trận mưa gậy phủ kín người tôi. Tôi lịm đi. Chúng đưa tôi lên phòng nhì, dẫn 8 đồng chí khác đến, hỏi:
- Những người này ở trong tổ chức của mày, mày có biết không?
Tôi lắc đầu:
- Không phải! Chỉ có 2 người kia thôi.

Chúng đe doạ:
- Mày không khai thì phải chịu đòn của cả 8 thằng này.
Tôi nói:
- Bọn bay đánh cả ngàn gậy ta cũng chẳng nề hà.
Chúng xô đến đánh tôi ngã ngửa ra, lấy dây điện quấn vào chân tôi, quay máy. Luồng điện truyền nhanh quất vào từng mạch máu, thớ thịt tôi. Tôi không nói một lời. Chúng đánh chừng chừng cho thấm đòn. Chúng gõ côm cốp vào gót chân tôi, bảo:
- Đánh thế này cho mày hết cách chạy.

Rồi bọn quân cảnh tới, đứng bao quanh tôi, đánh tôi nhào qua, nhào lại.
Không khai thác được gì ở tôi, chúng đưa tôi đi biệt giam. Ở đây, điều kiện sống thật khắc nghiệt. Riêng chuyện chật chội, thiếu không khí cũng đủ làm những đồng chí yếu bị ngất xỉu. Chúng tôi lại tìm cách vượt ngục. Lần này thì thành công. Tôi và 27 đồng chí khác ra tới khu du kích trên đảo. Liền sau đó, chúng tôi phối hợp với anh em địa phương lập đơn vị chiến đấu. Tôi được cử vào ban tham mưu, chuyên đi chuẩn bị chiến trường và vạch phương án tác chiến”.
Trương Văn Hòa ngừng nói, suy nghĩ một lát rồi hỏi tôi:
- Dạo cuối năm 1971, anh có nghe đài nói ta tấn công vào thị trấn Phú Quốc không?
Tôi trả lời:
- Có, nhưng chưa rõ đơn vị nào đánh vào.

Anh kể tiếp:
- Chính là đơn vị chúng tôi đấy. Suốt 29 năm nay, bọn địch ở thị trấn Phú Quốc chưa bị tấn công lần nào. Rứa là chúng tôi quyết định vào nơi mà bọn địch tưởng là an toàn nhất, đánh vào bọn trùm ác ôn trên đảo. Tôi được phân công đi trinh sát, chuẩn bị chiến trường. Tuy đi vào địa bàn lạ, bỡ ngỡ, dày đặc quân địch, song tôi vẫn lợi dụng được những sơ hở của chúng, vẽ sơ đồ tỉ mỉ về cùng anh em lập phương án tác chiến rất cụ thể. Trận này, chúng tôi đã giành thắng lợi: tiêu diệt 2 đại đội Bảo an, 1 trung đội “chiêu hồi”, giết chết tên quận trưởng cùng vợ hắn là thiếu tá an ninh, và tên quận phó, phá hủy 1 tàu quân sự.
- Sau đó, các anh hoạt động ra sao? - Tôi hỏi:
Trương Văn Hòa đáp:
- Chúng tôi đánh lai rai suốt, lúc thì chặn bọn địch đi lùng sục, lúc thì tập kích vào nơi chúng sơ hở. Tính ra, trong khoảng hơn 2 năm, lực lượng vũ trang đảo đã loại khỏi vòng chiến đấu 700 tên địch, thu 400 khẩu súng.

Câu chuyện của TrươngVăn Hòa đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng thật sâu sắc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người anh hùng ấy cũng ở tư thế tấn công và luôn luôn chiến thắng. Giờ đây, anh đang sát cánh cùng đồng bào, đồng chí tại quê hương chiến đấu đánh bại bọn “bình định” lấn chiếm.
Việt Long (TTXGP)
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #178 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:18:08 pm »

Sắp tết, gia đình hết sức chu đáo, gửi thư và cả quà cho tôi và Ngân.
Mẹ tôi viết: “Hôm nay có anh Sâm vào, gia đình gửi ít quà vào cho 2 con gọi là quà Tết, vì anh Sâm cho biết tin muộn quá, thành ra mẹ nấu vội gửi cho 2 con ít mứt. Mứt sen, 2 con ăn trước, còn mứt mẹ nấu gừng, dừa, khoai tây để ăn dần sau cũng được, mẹ đã viết sẵn một thư từ khi bố đi Trung Quốc chữa bệnh mà chưa gửi ai vào được, đến nay bố đã về rồi mới có người vào mẹ lại viết thêm một lá thư nữa và mẹ gửi cho Ngân 3 cái áo con, còn cô Chung gửi cho mấy cái mẹ không biết, mẹ nhờ cô mua đấy chả biết mặc có vừa không.

Gia đình thấy anh Sâm nói là đã làm việc cho con ra ngoài này, rồi kỳ này anh Sâm vào thì hai con có thể ra được đấy, còn thời gian thì chưa biết, mẹ có đề nghị mới anh Sâm là cho cả 2 vợ chồng con ra đấy, giá mà được ra kịp tết thì vui quá nhỉ.
Mẹ định ngoài tết bác Nhung vào mẹ gửi vào 500 đồng, cho con đổi mua đài cho mẹ được không, anh San có đến thăm gia đình, anh ấy bảo đổi tiền ở ngay bến ô tô dễ lắm, con xem thế nào viết thư cho mẹ biết nhé. Bác Nhung là bác ở cạnh nhà ta mà con gửi quần và mật gấu cho mẹ ấy mà, gửi tiền bác ấy vào là chắc nhất.

Mẹ gửi anh Sâm vào cho 2 con 50đ, gia đình thấy nói con sắp được ra thì mừng quá, nhất là các em, các con làm sao đề nghị ra sớm ngày nào hay ngày ấy.
Thôi mẹ chúc hai con khỏe mạnh, gia đình rất mong ngày gần đây được gặp lại 2 con.” Bố tôi viết: “ Ngân,

Long yêu dấu của bố mẹ!
Bố viết thư thăm hai con nhân dịp đồng chí Sâm vào trong đó công tác, cũng là ngày bố mới đi chữa bệnh ở Trung Quốc về. Bố đi chữa bệnh ở Quế Lâm, Trung Quốc từ ngày 15/9/1974 đến ngày 19/12/1974, vừa được 3 tháng. Bệnh tật có thuyên giảm được một phần, lên được 4kg và sở dĩ bố không ở lâu bên đó vì bệnh của bố, bệnh sơ cứng động mạch là một loại bệnh của người già, nên không chữa khỏi hẳn được, chỉ chữa đến mức tương đối mà thôi, phương hướng chữa bệnh hiện nay của bố là tiếp tục uống thuốc kết hợp với chế độ ăn kiêng mỡ và thể dục, đi bộ. Bố vẫn nghỉ ở nhà đến 1975 lại tiếp tục đi làm. Bố dự định năm 1975 là năm vừa công tác, vừa chuẩn bị thủ tục để đầu 1976 thì về hưu, cũng vừa kết hợp với nghỉ ngơi dưỡng bệnh.

Khi bố ở Quế Lâm, bố gặp rất nhiều cán bộ trẻ của Khu 5 ra điều trị, song các đồng chí phần lớn ở Bình Định, Quảng Ngãi nên không biết con. Bệnh sơ cứng động mạch ảnh hưởng đến tim và tay chân, nên bố sức khỏe giảm sút tương đối nhiều so với trước, khi còn sức đánh bóng bàn với Long ở Mễ Trì. Sau 3 tháng điều trị ở Trung Quốc, bệnh có giảm, sức khỏe có lên, chân phải đỡ, và tay đã gần hồi phục. Bố đang nghiên cứu cách dùng mật gấu của con gửi ra, vì mật gấu có tác dụng làm tản máu tụ trong các động mạch.

Gia đình ta vẫn yên vui. Việt mới biên thư ra, em vẫn khỏe mạnh, công tác ở đơn vị cũ.
Vắn tắt vài lời, chúc các con mạnh khoẻ, hạnh phúc, công tác tốt.”
Anh Đức tôi viết: “ Hai em Long, Ngân!
Gia đình đã nhận được thư, quà và ảnh, băng ghi âm lễ cưới của hai em. Mọi người đều vui mừng cho hạnh phúc của hai em, chỉ tiếc là không có điều kiện góp phần tổ chức cho hai em thôi. Cả nhà đều nhớ và mong có dịp hai em ra ngoài này thăm gia đình. Long đã 7, 8 năm nay không được ăn tết ở nhà rồi đấy, còn Ngân thì gia đình cũng chỉ mới biết qua thư và ảnh thôi. Cố gắng đừng bỏ lỡ dịp ra thăm bố mẹ, anh em nhé. Ra nghỉ một thời gian, thăm lại người thân, lấy thêm sức lực để còn làm việc tiếp nữa, công việc làm suốt đời cũng không thể hết được.

Ngoài này, tình hình cũng có nhiều chuyển biến đấy hai em ạ.
Tình hình sau chiến tranh có nhiều phức tạp, đời sống của cán bộ, công nhân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ta đang cố gắng khắc phục từng bước. Riêng gia đình ta thì mọi việc không có gì thay đổi lớn cả. Bố già yếu đi nhiều, vừa rồi Bố được đi chữa bệnh 3 tháng ở Trung Quốc, kết quả tương đối tốt, sức khỏe cũng phục hồi được một phần. Mẹ vẫn làm trong trường Ngoại ngữ, đi lại cũng vất vả nên một tuần mẹ chỉ về nhà được 2 lần thôi, mọi công việc nhà đều do các cô em gái quản lý.

Còn anh thì vẫn khỏe mạnh, công tác bình thường. Thực sự thì công việc không làm anh hứng thú lắm, nhưng không thể giải quyết cách khác được. Công việc không hợp ngành nghề lắm, ngành nghề bọn anh học thì ở ta lại chưa có cơ sở công nghiệp. Đó cũng là tình trạng chung, là thiếu sót trong kế hoạch đào tạo của ta, bây giờ nhiều người đi học về không bố trí được công tác. Nước ta đang ở thời kỳ quá độ, còn nhiều khó khăn lúng túng lắm.

Còn việc riêng của anh thì vẫn chưa dứt điểm trong năm nay đâu. Gia đình chị Hòa giục cưới trong năm nay, nhưng chị Hòa muốn để sang năm để chuẩn bị cho kỹ, đỡ vội vàng cập rập. Nếu sang năm hai em ra thăm gia đình được thì rất hay. Năm 75 cũng là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn đấy.
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
hoacuc
Thành viên
*
Bài viết: 1597



« Trả lời #179 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2007, 09:21:22 pm »

Hai em thân mến! Chỉ còn một tháng nữa là tết rồi. Anh nhớ lại những cái tết anh phải xa gia đình trước đây, anh rất thông cảm với hai em. Hồi ấy anh tuy xa gia đình nhưng lại được sống trong điều kiện đầy đủ sung túc. ấy thế mà chính những ngày vui ngày lễ lại là những ngày bọn anh cảm thấy buồn, cảm thấy thiếu thốn tình cảm nhất. Những ngày ấy thì sự đầy đủ về mặt vật chất cũng không thể nào bù đắp lại được sự thiếu thốn không khí thân mật, đầm ấm trong gia đình. Năm nay đón xuân, hai em có niềm vui của hạnh phúc mới mẻ, song anh chắc rằng các em cũng không thể quên được tình cảm gia đình.
Thôi, anh viết ít dòng thăm hai em vậy nhé. Mong rằng, một ngày không xa, anh và gia đình sẽ được đón các em trong ngày đoàn tụ cả gia đình ta.
Chị Hòa gửi lời hỏi thăm và chúc mừng năm mới cho hai em.”

Em Diệp viết: “Anh chị ạ, hiện nay em đã vào học ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ (khoa Pháp). Em ở nội trú. Tất cả ăn, ở nhà trường đều lo liệu. Bọn em sống ở trường cũng vui lắm. Sáng ra mỗi đứa lĩnh một nửa chiếc bánh mỳ, còn trưa, chiều ăn cơm. Mà anh biết đấy, học trò thì thiếu gì trò ma quỷ, nghịch ngợm. Có dịp là bọn em trêu nhau chết thôi, rồi ôm bụng mà cười, vui lắm. Cứ chiều thứ bẩy là bọn em chỉ mong chóng “vù” về nhà thôi. Nói qua tình hình của em như vậy cho anh chị biết. Còn tình hình gia đình thì vẫn bình thường À, mà bố đi an dưỡng về béo khỏe lên nhiều, chân bố đỡ sệt hơn, anh có thể yên tâm về sức khoẻ.

Còn tình hình của anh, chị dạo này thế nào? Chắc là vui vẻ hơn xưa nhỉ. Mà khi nào anh chị về nhà được thì vui vẻ quá, có khi lại thêm cô cháu nữa ấy chứ lại.
Anh Phúc, chị Thành dạo này cũng vẫn mạnh khoẻ, mà cái Trang thì thích lắm, biết đi, biết nói rồi, hay lắm cơ. Hôm nào anh, chị ra rồi biết.
Thôi, cuối thư em chúc anh chị mạnh khoẻ, vui vẻ, hạnh phúc”.

Chú Lê Phương, chồng cô Chung tôi, viết: “Đã mấy năm qua rồi Long nhỉ. Chú chẳng một lá thư nào thăm đứa cháu thương đã phải xa nhà vì nhiệm vụ, thiếu mất tình cảm ấm êm của gia đình, chú nhận khuyết điểm nhưng sửa chữa kể ra cũng rất khó đấy Long ạ!
đừng cười chú nhé vì là bản chất chú vốn là ngại và lười viết thư.

Long cháu thông cảm cho chú nhé.
Chú nghỉ làm việc nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác khối phố vì cuộc sống chú cũng phải làm thêm sản xuất thủ công để có đôi chút thu nhập nên chú cũng bận nhiều, còn cô và các em thì vẫn làm việc và học tập. Tiến thì em đang chuẩn bị học nghề còn cậu Quang học cơ khí ô tô, cậu Chiêu thì còn dẫm chân ở lớp 5, em của cháu học dốt lắm, thích chơi hơn học, nhưng nói chung gia đình cô chú đều mạnh khoẻ, thuận lợi nhất là hiện nay 2 gia đình bố mẹ cháu và cô chú ở cùng một nhà. Gần nhau chạy lên chạy xuống hàng ngày.

Hai gia đình rất mong nhớ cháu và đang hy vọng và chờ đợi ngày gần nhất sẽ đón hai cháu ra Bắc về thăm gia đình để thỏa nỗi mong nhớ trong mấy năm qua. Bố mẹ cháu ngày càng có tuổi, sức khỏe cũng suy kém hơn trước nhiều, các em thì lớn cả cũng như đối với Long, cháu cũng đã nhớn và trưởng thành trong khói lửa và cách mạng. Ở chiến trường là nguy hiểm là gian khổ - nhưng hiện nay cô chú đỡ lo lắng và tạm yên tâm hơn trước vì bên cạnh cháu nay đã có Ngân - người bạn đời thân yêu nhất của cháu - ngoài tình thương và sự giúp đỡ của lãnh đạo, của tập thể còn có tình yêu của Ngân. Hai cháu sẽ dẫn dắt nhau, giúp đỡ an ủi và động viên trong công tác trong vui buồn và gian khổ. Ngân là y tá cũng là đồng nghiệp với cô chú và cũng là người cháu dâu đồng hương. Tuy có quan niệm và ấn tượng với một số anh chị em người miền Trung, nhưng riêng đối với chú có khác, từ khi Long biên thư về lần đầu kể qua về Ngân. Qua kinh nghiệm, hoàn cảnh cũng như tâm tư của người đi chiến đấu xa gia đình và quê hương, chú rất đồng tình với Long, chú chỉ hơi ngại là Long có cân nhắc, đắn đo và suy nghĩ kỹ về tình yêu và xây dựng hạnh phúc gia đình chưa? - Nếu đã quyết tâm thì tốt thôi, và Long và Ngân đã trả lời cho chú rõ rồi - nghĩa là hai cháu đã thành vợ chồng. Một lần nữa chú chúc hai cháu Long và Ngân hạnh phúc, luôn mạnh khỏe và tiến bộ nhiều trong công tác. Nhớ đến gia đình và cô chú là nhớ đến gìn giữ sức khỏe và sự tiến bộ trong công tác Long, Ngân nhé.
Chú cô chúc hai cháu luôn vui trong hạnh phúc
Chú Phương
Logged

Hãy làm cho từng ngày bạn sống trở nên có ý nghĩa. Hãy nâng niu từng phút giây bạn có.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM