Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:28:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ Ba Tơ đến chiến trường Ba Nước  (Đọc 33868 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:08:36 am »

CHƯƠNG VII
TRỞ  LẠI  QUÊ  HƯƠNG LĂM  VÔNG
Tiến công thần tốc, đập tan căn cứ quân sự Cánh đồng Chum, giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, khai thông đường số 7
Gia đình tôi về Hà Nội tới chiêu đãi sở 354,  còn tôi thì đến ngay tư  dinh  của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lệnh.
Đại  tướng  yêu  cầu  tôi phải có mặt tại thủ đô nước bạn Lào ngay trong  ngày và đúng 19 giờ phải nổ súng. Hóa ra là vụ xảy ra ở Lào. Lúc 2giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 1960 tiểu đoàn dù 2, một số đơn vị cơ giới, tiểu đoàn bộ binh số 25, một số phi đội không quân  phối hợp với học sinh, sinh viên Viêng Chăn dưới sự chỉ huy của đại úy Coong-le và Thao Dươn Xa-na-lát, làm đảo chính, lật đổ chính phủ phái hữu của Xổm-xa-nít và Phu-mi Nô-xa-vẳn được Mỹ hậu thuẫn.
Sau khi đảo chính, Uỷ ban đảo chính được thành lập và đặt tổng hành dinh ngay tại Bộ Tham mưu của Quân đội hoàng gia. Uỷ ban Trung ương Neo Lào Hắc-xạt cũng ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính, nhằm lập lại an ninh và thực hiện nguyện vọng hòa hợp dân tộc của các bộ tộc Lào.
Tôi thật sự bất ngờ trước mệnh lệnh này. Thấy tôi lúng túng, đại tướng hỏi:
- Anh thấy thế nào?
Sau mấy giây suy nghĩ, tôi đứng nghiêm và báo cáo:
- Thưa đại tướng, cùng đi với tôi có đồng chí Bí thư thứ nhất Đảng nhân dân cách mạng Lào, đồng chí Chu Huy Mân, đại diện Tổng Quân ủy, đồng chí Đinh Khanh, phó ban C, tôi xin làm hết sức mình. Có các đồng chí là tôi yên tâm rồi. Tuy nhiên, có điều là 12 giờ hôm nay còn ở Hà Nội mà 19 giờ tối nay tổ chức chiến đấu ở thủ đô Viêng Chăn thì chưa có thể lường trước được, vì tôi hoàn toàn chưa biết Viêng Chăn, nhưng tôi hứa sẽ cố gắng cao nhất, có gì sẽ xin ý kiến của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và đồng chí Chu Huy Mân.
Sau khi nghe tôi báo cáo, đại tướng đồng ý.
Tôi chỉ có được hai giờ đồng hồ kể từ khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Vát Tày , để nghe báo cáo tình hình và đi khảo sát chung. Tôi đi sâu tìm hiểu tình hình của bạn, xem địa hình tổng quát, nghiên cứu địch, khảo sát kho tàng, v.v.
Đoàn xe M 113 hộ tống từ từ lăn bánh qua các đường phố, dọc tả ngạn sông Mê Kông và  Viêng Chăn, thủ đô đất nước Triệu Voi.
Sau  khi thị sát, tôi đã có những nhận định cụ thể để đề đạt. Tại nơi làm việc của Bộ Chỉ huy Đảng nhân dân cách mạng Lào, tôi báo cáo ngắn gọn là  tình hình không thể nổ súng kịp. Tôi yêu cầu chậm nhất đến 14 giờ ngày  13 tháng 12 năm 1960, tại sân bay Vát Tày phải có một đại đội lựu pháo 105 ly và một đại đội cối 120 ly và cán bộ, chiến sĩ cũng như  chỉ huy. Yêu cầu được đáp ứng. Pháo binh Thái Lan từ Nọong Khai lại tiếp tục bắn sang Viêng Chăn chi viện cho bộ binh và thiết giáp của Nô- xa-vẳn tiến vào thủ đô. Trước sức ép của của pháo binh Thái Lan, tôi và Coong-le quyết định bắn pháo vào đội hình địch ở trận địa. Ta đánh bật nhiều đợt tấn công của địch, bắn chìm ba ca - nô chiến đấu trên sông Mê Kông.
Sau ba ngày chiến đấu ngoan cường ở nội thành, lực lượng Pa-thét Lào từng bước lui  quân về hướng bắc theo quốc lộ 13, và dừng chân ở bản Phôn Hồng.
Trong hồi ký “Thời sôi động” của đại tướng Chu Huy Mân do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2004,  có những  dòng viết về tôi như sau:
‘‘Trong tình hình quân đội Thái Lan nã pháo 105 ly và cối 120 ly vào thủ đô  Viêng Chăn, trong khi lực lượng quân  đội vương quốc lại không có pháo, tôi điện về Hà Nội, đề nghị anh Văn như một ngoại lệ đưa sang hai đại đội pháo binh với thành phần rút gọn, số còn lại sẽ bổ sung đủ bằng các chiến sĩ Lào. 14 giờ ngày hôm sau, máy bay Liên Xô từ Hà Nội sang đem theo một đại đội lựu pháo 105 ly (2 khẩu) và một đại đội cối 120 ly (2 khẩu) với 29 cán bộ, chiến sĩ do trung tá Lê Kích chỉ  huy. Anh em pháo binh ta triển khai ngay trận địa sẵn sàng đợi lệnh nổ súng.
Pháo binh Thái Lan từ Noọng Khai lại tiếp tục bắn sang Viêng Chăn chi viện cho bộ đội và thiết giáp  của Nô-xa-vẳn tiến vào thủ đô. Nhân dân  Viêng Chăn bắt đầu gồng, gánh, xe thồ, xe đẩy dắt díu nhau sơ tán ra vùng ngoại ô. Trước sức ép của pháo binh Thái Lan, anh Lê Kích và Coong-le đề nghị cho pháo của ta đánh trả, tôi căn nhắc rồi quyết định bắn 10 quả đạn lựu pháo 105 ly vào trận địa pháo Noọng Khai, đúng lúc nó bắn sang đất Lào.
Anh Lê Kích đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, buộc pháo binh Thái Lan ‘‘ câm họng’’. Sau đó pháo ta còn bắn vào một số cụm quân phái hữu triển khai ở căn cứ Chi-nai–mô phía nam Viêng Chăn, gây thương vong cho địch. Quân lính của Coong-le  cũng như bản thân ông  ta vui ra mặt, họ ca ngợi pháo binh Việt Nam bắn giỏi.
Tôi thống nhất một số quy định sơ bộ có tính nguyên tắc về quan hệ làm việc giữa chúng tôi và Coong- le và những người cùng đi phấn khởi sẵn sàng nói mọi chuyện, xem ra không có vẻ giấu giếm. Bắt đầu từ đây nảy sin mối quan hệ tay ba: Việt Nam- Pathét Lào - Ủy ban đảo chính.  Chúng tôi thống nhất với anh Phun Xi-pa-xớt và anh Sin-ka-pô những nội dung đã thống nhất thì Pa-thét Lào làm việc trực tiếp với Coong-le. Nếu Coong-le hỏi lại, chúng tôi nói đúng như đã bàn giữa chúng ta. Cũng có việc chúng tôi chủ động bàn với Coong-le, sau đó báo cho bạn biết. Cách làm việc này đã nâng cao uy tín của Pa-thét Lào; đồng thời nhiệm vụ giúp bạn đã xuất hiên điều kiện mới đòi hỏi cán bộ quân sự Việt Nam  phải có cách nghĩ và cách làm mới để vừa đề cao vị thế Pa-thét Lào vừa nắm được lực lượng Coong-le. 
Trận đánh hỏa lực đã cho chúng tôi một kinh nghiệm thực tế ở Lào , lúc này hơn lúc nào hết vai trò của hỏa lực pháo binh rất quan trọng. Quân Thái Lan và quân phái hữu rất sợ pháo. Dù chúng ta chỉ có hai đại đội, nhưng bộ phận pháo binh này do Lê Kích chỉ huy đóng một  vai trò to lớn.”

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Ba, 2009, 08:11:52 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:19:31 am »

Một vinh dự  lớn cho tôi là được tham dự lễ thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào. Hôm đó, phía Việt Nam có 4 người, đó là đồng chí Chu Huy Mân, trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn về chính trị, đồng chí thượng tá Nguyễn Hòa (sau này là trung tướng), đồng chí Đinh Khanh và tôi. Phía bạn có đồng chí Cay-Xỏn Phôm-vi-hản, Ki-nim Phôn-xê-na, ủy viên Bộ Chính trị (sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) cùng một số cán bộ khác.
Tình hình chiến sự  lúc đó đã có những diễn tiến phức tạp. Địch bao vây lực lượng của ta cả bốn phía.
Lần thứ nhất, các đồng chí trực tiếp giao cho tôi bảo vệ Chính phủ  Trung ương bạn và lực lượng Pa thét Lào, mở đường máu về Sầm Nưa.
Đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản triệu tập tôi đến và nói rõ ý định mở đường đưa Chính phủ Trung ương và lực lượng Pa-thét Lào về Sầm Nưa, giao cho tôi tổ chức thực hiện.
Sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đề xuất cho tôi có thời gian suy nghĩ trước khi trả lời. Qua hai giờ sau, tôi báo cáo và xin được triệu tập Coong-le tới để hỏi tình hình và tham khảo ý kiến.
Tôi hỏi đại úy Coong-le:
- Nếu ta phải lui quân về Sầm Nứa, vượt rừng mà đi thì mất mấy chục ngày?
Coong-le trả lời:
- Từ đây đi bộ  về Sầm Nưa phải mất bốn mươi ngày, phải đi qua vùng rừng rậm, núi cao, lực lượng phỉ có nhiều, cho nên khó khăn lắm đó!
- Vậy theo anh, con đường số 7 có dùng được không? Tình hình địch ra sao trên con đường này?
- Con đường số 7 tuy có bị phá hoại nhưng còn dùng được. Lực lượng  phỉ có nhưng ô hợp.
- Phương tiện vận chuyển cơ  giới của ta như thế nào?
- Hiện nay chúng tôi có 40 chiếc xe GMC vận tải, xe jeep đủ dùng cho chỉ huy, cán bộ; các xe jeep đều trang bị súng trọng liên 12,7ly.
- Còn lực lượng công binh của ta?
- Chúng tôi có một đại đội công binh tốt, có máy ủi, máy húc, xe cần cẩu  đủ khắc phục các chướng ngại vật; có một đại đội xe bọc thép.
- Đạn pháo của ta?
- Nhiều lắm!
Sau khi nắm được tình hình chung, tôi báo cáo với đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và đồng chí Chu Huy Mân: Tôi đã tham khảo ý kiến của Coong-le. Coong le cho rằng việc đi bộ về Sầm Nưa mất 40 ngày, rất vất vả, khó khăn, nguy hiểm. Tôi đề nghị : Nếu như phải thực hiện phương án này, thì phải xem lại sự phản loạn có thể xảy ra ở dọc đường của lực lượng trung lập, bởi vì họ không chịu nổi gian khổ. Về con đường số 7, từ ngã ba Sa-la Phu Khun về Xiêng Khoảng còn sử dụng được. Dọc đường tuy có phỉ nhưng không mạnh lắm.
Tôi nói rõ quyết tâm của mình:
Qua tham khảo chung và tìm hiểu các mặt, đề nghị tận dụng uy lực pháo binh, tạo bất ngờ lớn, táo bạo bí mật, đánh địch trong hành tiến với yêu cầu dãn địch mà đi, cho đến khi có thể phối hợp được với Quân khu Tây Bắc và Quân khu 4 để về Sầm Nưa. Nếu thuận tiện thì chiếm luôn Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Theo một số sử liệu, Cánh đồng Chum là cao nguyên trung tâm của tỉnh Xiêng Khoảng, nằm ở Bắc Lào với độ cao 1.200 mét. Người dân địa phương còn gọi Cánh đồng Chum là «Khăng mả len» có nghĩa là đồng cỏ ngựa phi; với bốn cụm chum; trong đó cụm trung tâm là Lạt Thẳm. Xiêng Khoảng là một tỉnh phần lớn là dân tộc ít người, chủ yếu là người Lào, H’Mông, Thay, Khạ Mụ…
Sau khi nghe tôi trình bày, các anh đã báo cáo và xin ý kiến của Bộ. Bộ Quốc phòng đã chuẩn y theo phương án đi theo đường số 7. Đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản giao cho tôi trực tiếp tổ chức chỉ huy cuộc tiến quân này.
Tại đây, đơn vị pháo binh của ta và chính bản thân tôi dã bắt sống chiếc máy bay trinh sát L 19 do viên đại úy phi công Pháp điều khiển. Địch hoàn toàn không hay biết gì về thị trấn Văng Viêng đã bị mất. Pa-thét Lào làm công tác binh vận, toàn bộ lực lượng quân đội Phu-mi Nô-xa-vẳn đã theo cách mạng. Địch ở Viêng Chăn không hay biết.
15 giờ ngày 28 tháng 12 năm 1960, theo kế hoạch đã chuẩn y, chúng tôi gồm hai đại đội pháo binh, tiểu đoàn hai lực lượng trung lập của Coong-le, đại đội Pa-thét Lào, đơn vị công binh, hai trung đội xe bọc thép M113 xuất phát từ thị trấn Văng Viêng tiến quân về đường số 7. Đến 8 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm 1960 ta đã đập tan một tiểu đoàn địch, đánh chiếm Sa-la  Phu-khun, đập tan đại đội chiếm giữ Phu Xủng và tiến đến bản Na Nàn.
15 giờ chiều hôm đó, tôi trở về phía sau để báo cáo. Đồng chí Chu Huy Mân rầy tôi sao sử dụng pháo nhiều quá vậy.
Tôi nói với anh:
- Đơn vị tôi ở cách các đồng chí trên 30 cây số. Tôi là người chịu trách nhiệm tổ chức chỉ huy. Nếu đợi xin chỉ thị của anh trong lúc này thì không còn kịp thời gian nữa. Tôi bắn pháo, một tiểu đoàn địch đã bỏ chạy, dọn đường cho ta đập tan một đại đội khác ở Phu Xủng và hiện quân ta đang ở Na Nàn cách đây  khoảng 20 ki-lô-mét.
Lúc ấy, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản ôm chầm lấy tôi, và cả hai đều nghẹn ngào xúc động. Thế là chỉ ngày đầu tiên, ta đã tiến quân gần 100 ki-lô-mét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:23:45 am »

Sáng ngày 30 tháng 12 năm 1960, quân ta tiến theo đường số 7 về Mường Xủi. Đến 16 giờ cùng ngày, ta và địch lại gặp nhau. Dựa vào thế có lợi, một đại đội của Phu-mi và phỉ Vàng Pao đã ngăn chặn chúng tôi tại làng Phắc Pàng Păng. Trận đánh diễn ra ác liệt. Lực lượng Coong le có thiệt hại; đại úy Thoong-my, một trong các phó chỉ huy của Coong-le hy sinh và quân ta cũng có tổn thất. Vì vậy mà lực lượng Coong-le có dao động. Thế là, tôi ra lệnh cho pháo lên để bố trí bắn. Anh Chu Huy Mân và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã đến động viên.
Tôi chỉ đạo kéo bốn khẩu pháo 105 ly lên mé đồi và đề nghị anh Chu Huy Mân và đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản về tuyến sau cho an toàn. Tôi có trách nhiệm là vừa đánh đuổi địch, vừa bảo vệ cán bộ. Mấy chục quả pháo đã làm cho địch chạy thục mạng.
17 giờ, ta đập tan trận địa phòng ngự của địch. Từng loạt pháo bắn thẳng đã  tiêu hủy các điểm tựa của đối phương. Đêm đó, tôi hạ trại cho anh em nghỉ chân tại chỗ, chờ trời sáng lại lên đường. Ngày tiến quân thứ hai cũng không kém phần ác liệt và ta cũng đã đi được gần 100 ki-lô-mét.
Theo đường chim bay, con đường từ Phắc Pàng Păng về Mường Xủi là bảy cây số. Tôi ra lệnh cho pháo bắn dọn đường. Vì chủ trương ban đầu là giãn địch để mở đường đi nhanh nhất.
Từ 3 giờ sáng, tiếng pháo đã vang rền. Đồng chí Chu Huy Mân sốt ruột lại bảo tôi:
- Sao lại bắn nhiều pháo thế!
Tôi báo cáo:
- Anh an tâm. Đây là việc của chỉ huy, tôi bắn để khai thông đường tiến quân.
8 giờ sáng, ta hành quân qua Mường Xủi, địch chạy hết. Đến 10 giờ sáng, chúng tôi đã vượt qua thị trấn - một vùng rộng, bằng phẳng, tiến về Nậm Ngừm, nơi có con sông lớn và có chiếc cầu dài bảy mươi mét bắc qua sông.
Nậm Ngừm cách trung tâm Cánh đồng Chum khoảng 10 cây số, do một tiểu đoàn địch án ngữ bảo vệ căn cứ quân sự Cánh đồng Chum - nơi có sân bay chiến lược Bản Áng có một lữ đoàn bộ binh và pháo binh xe bọc thép phòng giữ.
Tại đây cuộc chiến diễn ra ác liệt. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 15 giờ đến 18 giờ mới tạm lắng. Pháo binh địch từ trận địa Cánh đồng Chum bắn như mưa vãi. Lực lượng bạn Pa-thét Lào tiến lên nhưng bị đẩy lùi. Địch đang ở trên cao, chưa xác định được trận địa pháo của địch. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập để hạ quyết tâm phải chiếm cho được Cánh đồng Chum. Mục tiêu chủ yếu là phải diệt hai trận địa pháo của địch.
Trời tối quá, tôi ra lệnh cho anh em đào hầm hố, nghỉ ngơi ăn cơm và tránh tổn thất.
Sau khi ăn uống xong, tôi chỉ thị cho hai đại đội pháo binh, bộ phận đo đạc, trong đó có đồng chí Trác, đồng chí Bút, từ 20 giờ phải giao hội xác định cho được tọa độ mục tiêu trận địa pháo của địch trên cơ sở căn cứ vào tia chớp đề-pa.
Phía ta lúc ấy có 8 khẩu pháo. Mỗi khẩu có 3 cơ số đạn. Sau khi xác định đúng tọa độ  trận địa pháo của địch, ta phát hỏa. Đoàn xe M113 của  ta đột phá vào sân bay, giải phóng Cánh đồng Chum.
Đêm  đó trăng sáng vô ngần. Trăng mười sáu lan tỏa  cả một vùng cao  nguyên rộng lớn. Đồng chí Cay-xỏn Phôn-vi- hản và đồng chí Chu Huy  Mân đã thông báo cho chúng tôi biết tin vui : Đúng một giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, Hà Nội đã đốt pháo mừng chiến công oanh liệt  của  quân  dân  nước  bạn  Lào,  trong đó có quân tình nguyện chúng  tôi. Trong lòng tôi dấy lên niềm tự hào và lòng biết ơn đối với Tổ Quốc.
4 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, chúng tôi kéo một đại đội pháo binh và một  trung đội xe bọc thép, lực lượng Coong-le đi theo, tiến về Xiêng Khoảng. 6 giờ sáng, toàn bộ tỉnh lỵ Xiêng Khoảng được giải phóng. Tỉnh lỵ Xiêng Khoảng cách Cánh đồng Chum  ba mươi ki-lô-mét. Đến 15 giờ cùng ngày, chúng tôi dùng bốn khẩu pháo đập tan cuộc nhảy dù của một tiểu đoàn địch tại một cánh đồng cách tỉnh lỵ Xiêng Khoảng ba cây số. Ngày 4 tháng 1, tôi xin cấp trên cho phép sử dụng một đại đội pháo binh, một đại đội của Coong-le tiến quân theo đường số 7 (đường về Việt Nam), giải phóng bản Ban. Đường số 7, con đường chiến lược từ ngã ba Diễn Châu đi Mường Xén qua Khang Khay tới Cánh đồng Chum đã được khai thông.
Vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ, được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng nhân dân cách mạng Lào, đứng đầu là đồng chí Cay-Xỏn Phôm-vi-hản, tiểu đoàn 2 Pa-thét Lào do đồng chí Châm Niên chỉ huy đã phối hợp với lực lượng nổi dậy tại chỗ, thoát ra khỏi sự kiềm chế của địch tại Cánh đồng Chum, trở về Sầm Nưa an toàn trước khi chúng tôi tới Cánh đồng Chum.
Như vậy là cuối tháng 12 năm 1960 đến tháng 1 năm 1961, sau một thời gian ngắn gây cho địch những tổn thất nặng nề, bạn đã rút khỏi thủ đô Viên Chăn tiến quân về giải phóng toàn bộ tỉnh Xiêng Khoảng, đập tan căn cứ quân sự Cánh đồng Chum, con đường số 7 cũng được khai thông từ đó. Một sự kiện chính trị nổi bật là việc thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào do Hoàng thân Xu-va-na Phu-ma làm thủ tướng đã tập hợp được rộng rãi các lực lượng tham gia trong khối liên hiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào, đứng đầu là đồng chí Cay-Xỏn Phôm-vi-hản.
Chiến thắng Cánh đồng Chum là một chiến công lớn mãi mãi ghi vào lịch sử của nước bạn Lào anh em. Với sự giúp đỡ tận tình toàn diện của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, có phương hướng đúng, biết tạo thế, tạo thời cơ, dám đánh và biết đánh là điều kiện quyết định để chiến thắng kẻ thù. Chiến công này mãi mãi thuộc về những chiến hữu đã ra đi. Về phần mình, tôi cũng vô cùng phấn chấn bởi sự tin yêu của ta và của bạn. Và thật không ngờ tốc độ tấn công lần ấy lại là tốc độ cao nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:26:34 am »

Cũng trong hồi ký của mình, đại tướng Chu Huy Mân  cho biết thêm:
“Coong-le và các sĩ quan đường như  tin rằng pháo binh Việt Nam sẽ thay họ làm được tất cả.
Theo kế họach, anh Lê Kích  cho hai khẩu 105 ly bắn dọc theo đường số 7 từ Nậm Ngừm đến sân bay Cánh Đồng Chum ( số đạn tập trung chủ yếu vào sân bay). Đây là đòn hỏa lực đầu tiên đánh vào quân địch phòng ngự, có tác dụng chế áp và uy hiếp mạnh quân địch và cổ vũ tinh thần quân trung lập. Pháo ngừng bắn, chúng tôi ra kiểm tra trân địa, đoàn quân của Coong-le mỏi mệt trong khi chờ ăn cơm tối, cả cán lẫn binh lăn ra ngủ, họ ngủ liều lĩnh “ muốn đến đâu thì đến”…
Đối với quân địch ở Lào thì trận tâp kích pháo vừa rồi có thể là một đòn hỏa lực mạnh “chưa từng có” làm kinh hồn binh lính của chúng. Kinh nghiệm ở Viêng Chăn cho thấy quân phái hữu sợ pháo như trẻ con sợ sấm, đêm nay rất có thể chúng lợi dụng bóng tối để rút chạy. Ở Cánh Đồng Chum chưa chắc còn địch - tôi nghĩ vậy. Vừa lúc  ấy, trinh sát báo cáo phía trước có địch.
Tôi như bừng tỉnh. Đúng nó chạy rồi chiến tranh ở Lào lúc này là như vậy. Địch nghe pháo ta bắn, sợ cái uy của chúng ta mà rút chạy và có thể đã chạy xa. Ta tiến lên lúc này chính là đánh vào chỗ hoàn toàn không có trận địa phòng ngự. Phải nhanh chóng vào trung tâm Cánh Đồng Chum, phải bắn pháo ở đó để tuyên cáo quyền làm chủ của ta, phải chiếm ngay sân bay nối liền Cánh Đồng Chum với Hà Nội bằng đường không, ta sẽ có tất cả.
Tôi cho gọi trung tá Lê Kích đến và nói:
- Địch đã rút chạy, tôi cùng trinh sát vào sân bay Cánh Đồng Chum trước chờ quân ta ở đó. Anh cho bộ đôi thu pháo hành quân gấp và báo cho Coong-le đánh thức quân lính dậy tiếp tục tiến về Cánh Đồng Chum  - Xiêng Khoảng. Anh cùng với Két- xa-na tổ chức hai đại đội bộ binh (hành quân bằng ô tô), một đại đội thiết giáp và pháo binh tiến thẳng xuống giải phóng thị xã Xiêng Khoảng.
Giao nhiệm vụ cho Lê Kích xong, tôi, anh Long, anh Ngọc và cậu Điền ( bảo vệ) cùng hai trinh sát ngồi trên  một chiếc  xe Jeep của Mỹ do một sĩ quan quân đội Coong-le lái. Chiếc xe bật đèn sáng vượt cầu sắt Nậm Ngừm. Dọc theo đường 7, thi thoảng lại thấy xác lí́nh chết lẫn trong quân  cụ. Xe chạy khoảng 20 phút, người lại xe dừng lại hỏi: “Báo cáo tướng Thao Chăn ( tên của đại tướng  Chu Huy Mân ở Lào), đây là sân bay Cánh Đồng Chum!’’. Sau khi kiểm tra xác định đúng là sân bay Cánh Đồng Chum, tôi nhìn đồng hồ lúc đó là một giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961. Bốn chữ số 1 là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng là sự trùng hợp thú vị, khó phai mờ trong ký ức của tôi. ( trang 344 - 345)
Cùng lúc đó mấy chục chiếc xe cơ giới nối nhau chạy vào sân  bay Cánh Đồng Chum. Trung tá  Lê  Kích và đại úy Két-xa-na  báo cáo: “có mặt’’. Tôi bắt tay và chúc mừng thắng lợi  Két- xa-na và yêu cầu anh ta không cho bô đội xuống xe mà tiếp tục truy kích ngay quân địch giải phóng thị xã Xiêng Khoảng.
Anh  Lê Kích được dùng một đại đội pháo binh đi cùng chi viên cho bộ binh và thiết giáp giải phóng ngay trong đêm, chậm nhất là bảy giờ sáng. Giao nhiêm vụ xong cho cánh quân tiến công giải phóng Xiêng Khoảng, tôi điện báo cáo cho anh  Văn:“cuộc tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum đã giành thắng lợi theo phương án một vào lúc 1 giờ sáng nay (1.1.1961). Sân bay Cánh Đồng Chum nguyên vẹn, sử dụng tốt. Chúng tôi sử dụng một tiểu đoàn thiết giáp, một đại đội pháo binh truy kích địch và tiến công giải phóng Xiêng Khoảng. Tình hình biến đổi rất nhanh, lực lượng ta quá mỏng, đề nghị anh tăng cường lực lượng cả bộ binh và pháo binh”.
Mờ sáng, chúng tôi dùng  ba chiếc GMC chạy  hàng ngang mấy lần trên đường băng ghép bằng những tấm ghi mắt cáo để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho máy bay của ta khi hạ cánh.
9 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, anh Lê Kích cho người về báo cáo đã  làm chủ thị xã Xiêng Khoảng.
Cánh Đồng Chum  - Xiêng Khoảng đã về ta. Ngay  lúc đó tôi cũng chưa hình dung hết ý nghĩa to lớn của cuộc hành quân từ Viêng Chăn đến Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Một cuộc hành binh táo bạo, với lực lượng không lớn nhưng lợi dụng sơ hở của địch, ta đã tạo được một thế lợi và thời cơ hiếm có  để trong 22 ngày đêm đã đánh chiếm một vùng cao nguyên rộng lớn 2.000 km vuông.
Các hãng thông tấn phương Tây không ngớt nói về thất bại nghiêm trọng của quân phái hữu Nô-xa-vẳn. Hãng thông tấn UPI của Mỹ đánh giá:“sân bay quân sự Cánh Đồng Chum là sân bay tốt nhất ở Lào đã thuộc về tay cộng sản”. Còn hãng thông tấn  Roi-tơ của Anh thì cho rằng:“Vùng chiến lược Xiêng Khoảng là cái chìa khóa của nước Lào về mặt quân sự”.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 1 tháng 1 năm 1961, chuyến bay đầu tiên chở anh Hoàng Nghĩa Khánh và hai khẩu súng cối 120 ly với mấy trăm viên đạn từ Hà  Nội sang đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Cánh Đồng Chum, trong sự vui mừng khôn xiết của anh em Lào Việt.
10 giờ sáng cùng ngày, Nô-xa-vẳn đổ hai đại đội  dù xuống Tha Viêng (nam thị xã Xiêng  Khoảng) anh Lê Kích cho pháo 105 ly bắn mấy chục quả trúng khu vực đổ bộ, làm chết và bị thương một số binh lính địch. Quân dù và quân địa phương còn lại hốt hoảng tháo chạy tán loạn về hướng nam  Tha Viêng và Tha Thom. Dù vậy,tình hình vẫn căng thẳng, chúng tôi chuẩn bị phương án  đề phòng địch nhảy dù chiếm lại sân bay Cánh Đồng Chum. Lúc này ở sân bay Cánh Đồng Chum chỉ còn một đại đội bộ binh  trung  lập và hai khẩu cối 102 ly do anh Hoàng Nghĩa Khánh vừa chuyển sang sẵn sàng đánh quân đổ bộ’’. ( trang 346, 347, 348 sđd).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #34 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:40:29 am »

Khai thông đường Tây Trường Sơn
Từ cuối tháng 4 năm 1961, tuyến phòng thủ của địch từ đường số 9 đến Hạ Lào dọc theo tả ngạn sông Sê Kông, cũng được giải phóng. Đường Tây Trường  Sơn  đươc khai thông và từng bước phát  triển; quân  địch dần dần bị đẩy lùi về phía tây sông Sê Kông và trục đường quốc lộ số 13.
Nhân dân các bộ tộc từ Trung Lào đến Hạ Lào đã sát cánh cùng lực lượng quân tình nguyện (đoàn 565 và đoàn 559) đẩy mạnh các hoạt động chính trị, quân sự, xây dựng lực lượng, xây dựng kinh tế, củng cố và mở rộng vùng giải phóng; mặt khác bạn đã hết lòng giúp Việt Nam trong xây dựng, mở rộng phát triển con đường Tây Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh). Sự giúp đỡ đầy tình nghĩa của bạn đối với sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà là vô giá, Sự hy sinh của nhân dân các bộ tộc Lào suốt trục đường huyền thoại rất to lớn. Nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn của bạn Lào.
Đầu tháng 4 năm 1961, tôi được Bộ giao nhiệm vụ trưởng đoàn cố vấn quân sự quân khu Hạ Lào. Trên đường đi, vừa đến làng Mô (Tây Quảng Bình) ngày 6 tháng 4 năm 1961 thì nhận được lệnh của Bộ: "Tình hình có thay đổi, đồng chí Lê Kích không đi Hạ Lào nữa mà phải khẩn trương bắt liên lạc với tỉnh ủy tỉnh Sa-van-na-khẹt, cùng đoàn chuyên gia của ta ở đó, nắm chắc tình hình, chuẩn bị kế hoạch giải phóng đoạn đường số 9 từ đông Pha Lan đến Huội San (giáp Việt Nam); chuẩn bị bãi thả dù, đón quân". Tôi có quyết định làm chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9. Đến ngày 16 tháng 4 năm 1961, mọi công tác đã chuẩn bị xong, có điều ta chưa nắm chắc tình hình địch.
Ngày 20 tháng 4 năm 1961 tại bản Kang, tôi lại nhận tiếp lệnh của Bộ: “Ngày 21 tháng 4 năm 1961 đón máy bay nhận hàng, đón quân; ngày 27 tháng 4 năm 1961 phải diệt được địch ở Mường Phìn. Ngày 30 tháng 4 năm 1961 phải tiêu diệt địch ở Sê Pôn do trung đoàn 101, sư đoàn 325 đảm nhận. Từ ngày 25 tháng 4 gởi liên lạc thường xuyên với Bộ Tổng Tham mưu, nắm chắc trung đoàn 101 và liên lạc với quân khu 4-anh Hai (Trần Nam Trung) sẽ phổ biến cụ thể".
Từ 8 giờ đến 16 giờ ngày 21 tháng 4 năm 1961, từng tốp máy bay IL 14 thả xuống bản Kang gần 50 tấn hàng các loại. Nhân dân trong vùng bị bất ngờ hốt hoảng sơ tán vào rừng, nhưng sau đó lại quay trở về giúp ta thu gom phân loại hàng. Đến 18 giờ cùng ngày, tiểu đoàn 19 và đồng chí Hai cũng tới bản Kang. Thật bất ngờ và vui mừng khôn xiết, đồng chí Hai chính là đồng chí Trần Lương, ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm tổng cục chính trị, vào nhận công tác trong Miền. Tại đây, đồng chí Lương phổ biến nhiệm vụ và giao cho tôi làm chỉ huy trưởng mặt trận đường 9. Nhiệm vụ là đánh địch, bảo vệ hành lang, khai thông đường 9. Lực lượng có tiểu đoàn 19, đại đội đặc công, tiểu đoàn 7 (là những đơn vị vào Quân khu 5, B2), và tiểu đoàn 4 Hà Tĩnh. Còn trung đoàn 101 thuộc sư đoàn 325 đảm nhiệm ở khu vực Sê Pôn, bản Đông, Ià Khổng. Sau một ngày đêm chuẩn bị, các đơn vị đã tập kết đến khu vực bản Na-pi-lan.
Ngày 24 tháng 4 năm 1961, tôi lại tiếp tục nhận được lệnh của Bộ: Ngày 1 tháng 5 năm 1961, phải làm chủ được trục đường từ Đông Pha Lan đến Huội-san; phải quét sạch các điểm chốt của địch từ Mường Noọng trở về Nam; chuẩn bị bãi thả hàng tại Mường Phìn, bản Bạc, Dak Chưng, Tà Khổng và đảm bảo cho các đoàn hành quân an toàn.
Ngày 25 tháng 4 năm 1961, tại bản Na-pi-lan tiến hành một cuộc họp để triển khai kế hoạch. Thành phần gồm có đồng chí Trần Lương, các phái viên, cán bộ tiểu đoàn, đại đội các đơn vị. Về phía bạn có đồng chí bí thư tỉnh ủy Thoong Xẩy; đồng chí Xổm xắc, tỉnh đội trưởng; đồng chí Xom Xây, đại đội địa phương tỉnh Sa-va-na-khét, và đồng chí Võ Đăng Ngạn, trưởng đoàn chuyên gia chính trị tham dự. Tất cả nhất trí hạ quyết tâm như sau : tận dụng yếu tố bí mật bất ngờ, tập kích tiêu diệt, bức địch rút ở Mường Phìn, diệt viện binh địch từ  Sê Nô, Mường Pha Lan, Tăng Vai đến. Bảo đảm đơn vị ít thương vong (vì các đơn vị đã được tuyển chọn và huấn luyện công phu để về Nam chiến đấu và làm nòng cốt xây dựng lực lượng). Sử dụng tiểu đoàn 19, từ ba hướng tập kích Mường Phìn. Tiểu đoàn 4 Hà Tĩnh đánh viện. Tiểu đoàn đi B2, trung đội Pa-thét Lào cải trang thành quân đội giải giáp, quét các chốt dân vệ trên trục đường tiến quân từ Sê-tả-Mốc đến Mường Phìn.
5 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1961, được cán bộ cốt cán dẫn đường, các đơn vị xuyên rừng hành quân đến địa điểm quy định.
Vì thời tiết sương mù dày đặc nên đến 4 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4 năm 1961, ta bất ngờ nổ súng chiếm lĩnh hoàn toàn Mường Phìn. Địch bị diệt khoảng 60 tên, số còn lại hốt hoảng bỏ vũ khí chạy thục mạng vào rừng. Ta không ai bị thương vong.
Do đánh bất ngờ, địch ở Mường Pha Lan, Đồng Hến không hay biết gì. 20 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1961, một đại đội của tiểu đoàn 6  ngụy Lào có bốn xe bọc thép đi cùng, đến Mường Phìn, bị đại đội đặc công của ta nổ súng tiêu diệt. Một số bỏ chạy vào rừng, để lại bốn xe bọc thép. Địch không kịp báo về Sê Nô 8 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1961, lực lượng còn lại của tiểu đoàn 6 ngụy Lào được tăng cường một đại đội pháo 105ly, một đại đội xe bọc thép đã lọt vào trận địa phục kích của ta cách Mường Phìn về phía Tây 8 cây số. Chúng bất ngờ bị ta nổ súng tiến công, một số chết, một số bỏ chạy. Ta thu 37 xe GMC và nhiều trang thiết bị khác, và ta thừa thắng chốt giữ Đông Sê Kôn Kam .
Ở hướng Sê Pôn, lực lượng tăng viện đã bị tiêu diệt. Trung đoàn 101 do đồng chí Võ Hạp chỉ huy; Thái Bá Nhiệm làm chính ủy; Nguyễn Xuân Lự là tham mưu trưởng. Các đồng chí Thái Quang Hồng, Trần Tam, Đặng Ngọc làm tiểu đoàn trưởng. 5 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1961 trung đoàn này tập kích và tiêu diệt địch ở Sê Pôn. Địch ở Bản Đông, Huội San, Mường Noong, Tà Khổng bỏ chạy. Toàn bộ trục Tây Trường Sơn được khai thông. Sân bay Tà Khổng được sửa chữa và sử dụng. Hằng ngày từng tốp máy bay IL 14 từ sân bay Đồng Hới đến thả hàng xuống Mường Phìn, Tà Khổng tiếp tế cho lực lượng tại chỗ và cho cả các đoàn vào Nam. Tất cả chiến lợi phẩm và tù binh bàn giao lại cho tỉnh đội Sa-va-na-khét. Tiểu đoàn 4 Hà Tĩnh chốt giữ bờ Đông Kê Kon Kam. Đồng chí Trần Lương, đồng chí Trần Trọng Tân và các tiểu đoàn, các đại đội chuẩn bị lên đường. Lễ tiễn đưa các đơn vị về Miền Nam được tổ chức trọng thể tại Mường Phìn. Ngày 5 tháng 5 năm 1961 tiểu đoàn 19 và một đại đội đặc công do trung tá Lụa và Trịnh chỉ huy hành quân về Liên khu 5 và B3, tiểu đoàn do trung tá Ngân phụ trách đi về “B2” (Nam Bộ).
Tháng 9 năm 1961, trung đoàn 101 về nước nhận nhiệm vụ mới. Sau đó chúng tôi còn đón và tiễn đưa đồng chí Trần Văn Quang, Tổng Tham mưu phó; đoàn đồng chí Nguyễn Đôn, Tư lệnh Quân khu 4; đoàn đồng chí Biền, Bí thư Quảng Ngãi; đoàn đồng chí Đặng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và hàng chục đoàn khác trở về quê hương an toàn. Tuy thời gian ngắn nhưng nhiệm vụ đã được thực hiện. Chúng tôi chấp hành nghiêm mệnh lệnh, phối hợp với bạn chặt chẽ, các đơn vị có quyết tâm chiến đấu đạt hiệu suất cao, các lực lượng bạn phối hợp chặt chẽ, nhân dân bạn giúp đỡ hết lòng, tình nghĩa thủy chung Lào Việt càng thêm sâu đậm.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #35 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 08:47:59 am »

Sân bay Sê Pôn được sử dụng. Đầu tháng 8 năm 1961, đồng chí Võ Bẩm, đoàn trưởng đoàn 559 vào thay tôi. Tôi về Hà Nội chưa kịp nghỉ ngơi thì ngày hôm sau đã trở lại Cánh đồng Chum giúp bạn tiêu diệt căn cứ phỉ Vàng Pao tại Pa Đông. Trong lúc đó ở hướng các đơn vị tham chiến gồm: Lữ đoàn 324, trung đoàn bộ binh 95, sư đoàn 325, tiểu đoàn 927, tiểu đoàn 929… đã quét sạch địch lấn chiếm đông bắc tỉnh Khăm Muộn, số địch sống sót co về phòng thủ thị xã Thà Khẹt, ta khai thông trục đường số 8 và 12, vùng giải phóng Trung Lào được mở rộng.
Địch tuy bị tổn thất nặng nhưng chưa bị tiêu diệt lớn. Sau một thời gian củng cố, chúng ra chốt giữ tuyến bờ tây Sê Kon Kam, tuyến Sê Păng Soi đến Đồng Hến, (đường 9 Sa-va-na-khét). Ở Hạ Lào, địch có khoảng hai tiểu đoàn tăng cường tổ chức những đợt hành quân lấn chiếm một số khu vực, uy hiếp hành lang và trục đường chuyển quân của ta vào Nam ở Mường Cầu. Những hành động trên bị ta đánh trả.
Tháng 7 năm 1963, thành lập đoàn 763, tôi được điều về, cùng anh Hoàng Cao phụ trách đơn vị đi Hạ Lào. Nhiệm vụ là giúp quân khu Hạ Lào xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng, đồng thời trực tiếp bảo vệ cho đoàn 559 triển khai mở đường dẫn quân, hoàn chỉnh các binh trạm.
Thời gian ở Hạ Lào chúng tôi cũng được tăng cường tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 927. Thế là sau chín năm chúng tôi lại trở về Hạ Lào. Nhớ lại năm 1954, tôi và đồng chí Nguyễn Bình Sơn, chỉ huy tiểu đội 436, trung đoàn 101, sư đoàn 325 đảm nhiệm mũi thọc sâu từ Hà Tĩnh qua Trung Lào đến Hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia. Từ ngày 3 tháng 2 năm 1954, ta đã liên tục đánh địch ở Bản Po-ny, Tha Hin Tek giải phóng Át-tô-pơ. Lần này, trở lại chiến trường xưa lòng tôi bồi hồi xúc động không khác gì những người con xa nhà được trở về quê cũ gặp bà con dân bản đã cưu mang quân tình nguyện từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp.
Đường 559 được xây dựng qua nhiều giai đoạn, nhiều cung đoạn nối tiếp nhau (đường Đông Trường Sơn được xây dựng từ tháng 5 năm 1959 đến tháng 4 năm 1961). Xuyên qua vùng rừng sâu núi cao, gần địch, không thể bảo đảm vận chuyển đáp ứng yêu cầu cho cách mạng Miền Nam.
Theo tôi, riêng đường Tây Trường Sơn (tháng 4 năm 1961 đến tháng 4 năm 1975) có nhiều nội dung chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện.
Đường Tây Trường Sơn là một công trình thế kỷ, công trình để bảo đảm cho "Mỹ cút ngụy nhào". Đó là công trình của hàng vạn con người, của các binh đoàn và quân binh chủng làm công tác bảo vệ và xây dựng.
Nói đến con đường Tây Trường Sơn là phải nói tới sự đóng góp to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào, mà trực tiếp là của quân và dân Trung Hạ Lào, của nhân dân vùng đông và đông bắc Cam-pu-chia.
Như phần trên đã nói, Chính phủ liên hiệp dân tộc Lào được thành lập ngày 22 tháng12 năm 1960 tại Phôn Hồng (Bắc thủ đô Viên Chăn). Tôi là người được vinh dự có mặt trong ngày lễ trọng đại đó. Thủ tướng chính phủ liên hiệp dân tộc Lào lúc đó đã đồng ý cho Việt Nam sử dụng phần lãnh thổ phía đông trung và Hạ Lào để xây dựng tuyến đường vận chuyển (sau này gọi là đường mòn Hồ Chí Minh).
Trong những tháng đầu, năm đầu, nhất là từ tháng 4 đến hết năm 1961, hệ thống bảo đảm chung của đoàn 559 còn ở buổi sơ khai phần lớn hàng cung cấp do máy bay thả. Việc tổ chức dẫn đường, một phần vận chuyển bộ bằng gùi thồ là do bạn và một số cán bộ quân tình nguyện, các chuyên gia chính trị quân sự Việt Nam lo liệu.
Trong 15 năm (từ tháng 4 năm 1961 đến tháng 4 năm 1975), đường Tây Trường Sơn đã phát triển thành nhiều trục (6-7 trục). Thời gian đó vùng Trung - Hạ Lào, Đông và Đông Bắc Cam-pu-chia đã bị tổn thất rất lớn: Hàng vạn người chết và bị thương; hàng trăm hàng bản bị san bằng; hàng triệu héc-ta rừng bị tàn phá v.v…
Đầu tháng 3 năm 1961, tôi lên Bộ Quốc Phòng nhận nhiệm vụ sang chiến trường “C” (Lào). Đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Trần Quí Hai chỉ dặn khi đến Vinh thì gặp đồng chí Nguyễn Đôn, Tư lệnh Quân Khu 4, để nhận thêm tin tức. Lúc đó tôi cảm nhận là có việc gì đó rất khẩn cấp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 06:40:27 am »

Ngày 28 tháng 3 năm 1961, tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4, anh Nguyễn Đôn trải hai tấm bản đồ Trung Hạ Lào tỷ lệ 1/1.000.000 và tỷ lệ 1/400.000, hỏi tôi có biết đường đi bộ từ Trung Lào đến Hạ Lào về Nam không? Tôi nói Trung Lào thì tôi không biết, nhưng Hạ Lào và đông bắc Cam-pu-chia  thì tôi nắm chắc lắm. Bước đầu tôi và anh Đôn thống nhất vạch một trục đường: Mường Phìn - Bản Đông. Làng Ho (Quảng Bình) - Bản Đông - Mường Noọng - Rừng Thông - Bản Bạc. Bản Bạc-Dak Rây-Đak Chưng-Mang Hạ-Đak Dục - Đak Dục, biên giới Việt Nam và xuyên qua  4 tỉnh Đông bắc Cam-pu-chia đi Tây Ninh. Đây là con đường đi bộ và cũng là trục chính của đường Tây Trường Sơn. Từ năm 1967 trở đi, có thêm rất nhiều trục nhánh, kể cả đường sông Sê Kông và đường 16 vượt Át-tô-pơ đi Vơn Xây, đường xuyên cao nguyên Bô-lô-ven đông bắc Cam-pu-chia v.v…
Ngày 22 tháng 4 năm 1961, máy bay thả hàng xuống Bản Kang, cách Mường Phìn về phía bắc 80 km. 18 giờ ngày 22 tháng 4 năm 1961, đoàn cán bộ, các đơn vị đi "B1", "B2", Tây Nguyên do đồng chí Trần Lương, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị và đồng chí Trần Trọng Tân, bí thư tỉnh ủy Quảng Trị làm trưởng đoàn, đến bản Kang. Cùng đi có tiểu đoàn 19 do đồng chí Trịnh và đồng chí Lục chỉ huy. Đơn vị đi "B2" do trung tá Ngân, nguyên chủ nhiệm hậu cần sư đoàn 351 chỉ huy. Tiểu đoàn 4 (Hà Tĩnh) ở hướng Sê Pôn. Trung đoàn 101 thuộc sư đoàn 325 do đồng chí Võ Hạp và đồng chí Thái Bá Nhiệm chỉ huy. Tại Bản Kang, các đơn vị nhận hàng bổ sung do chúng tôi cấp phát.
Ngày 25 tháng 4 năm 1961, tại Bản Na-phi-lan, chúng tôi làm việc với thường trực  tỉnh ủy Sa-va-na-khẹt. Phía bạn có đồng chí Thoong Xẩy, Trung ương ủy viên, bí thư tỉnh ủy; đồng chí Xổm Xắc, tỉnh đội trưởng và  thêm đồng chí Võ Đăng Ngạn, chuyên gia. Ta nhờ bạn giúp đỡ tổ chức nhận tiếp tế, cho thêm lực lượng dẫn đường  và cùng ta thống nhất kế hoạch tác chiến.
Ngày 30 tháng 4 năm 1961, trung đoàn 101, sư đoàn 325 tiêu diệt địch ở Sê Pôn, Huội Sản và Bản Đông. Cùng thời gian trên, một tiểu đoàn đi "B2" do đồng chí Ngân chỉ huy tiêu diệt Mường Noọng. Tiểu đoàn 4 Hà Tĩnh (lực lượng dự bị) tiến quân truy quét địch tận Sê Kim Kham.
Toàn bộ địch từ Đông Pha Lan đến biên giới tỉnh Quảng Trị đã tháo chạy. Ta mở được một đột phá khẩu 100 km.
Ngày 29 tháng 4 năm 1961, ta thả tiếp tế xuống Mường Phìn. Các bãi thả tiếp tế tiếp theo là Rừng Thông (Bắc sông Sê Kông-Bản Bạc), Đak Chưng, Đak Dục sát biên giới Kon Tum.
4 tháng đầu (từ tháng 4 năm 1961 đến tháng 8 năm 1961), do đoàn 559 chưa triển khai kịp nên toàn bộ việc thu nhập hàng thả dù, cấp phát, tổ chức dẫn đường đều do đoàn cán bộ, chiến sĩ tôi phụ trách và lực lượng Pa-thét Lào đảm nhiệm. Tháng 7 năm 1961, đồng chí Võ Bẩm, tư lệnh đoàn 559, vào thay tôi, tiếp tục mở đường Tây Trường Sơn. Tôi về Hà Nội để nhận nhiệm vụ sang Cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).
Đường Tây Trường Sơn là một công trình vĩ đại. Nó hình thành và phát triển, hoạt động có hiệu quả trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; sự đóng góp sức người, sức của của toàn quân, toàn dân và sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Đảng, quân đội và nhân dân Lào anh em. Nói đến đường Trường Sơn là nói đến công lao của các tập thể, cá nhân tiêu biểu như đồng chí Đinh Đức Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Đặng Tính, Lê Si, Phan Khắc Hy, v.v… không thể không ghi nhớ sự đóng góp tích cực có hiệu quả cao của cán bộ chiến sĩ có mặt từ những ngày tháng khởi đầu đầy gian nan thử thách. Ta không thể quên đoàn B.90 do đồng chí Phùng Đình Ấm chỉ huy, đã nối tiếp từ Đắc Lắc vào đến "B2".
Năm 1963, tôi là trưởng đoàn cố vấn quân sự cho Quân khu Hạ Lào. Năm 1965, tôi vừa là phó đoàn trưởng đoàn 565  giúp bạn Lào về mặt quân sự, chỉ huy các trung đoàn quân tình nguyện ở Trung Lào và Hạ Lào gồm đoàn 101, 27, 29, tiểu đoàn 4, tiểu đoàn 927; tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn cao xạ v.v… Nhiệm vụ là giữ vững phía Tây đường Hồ Chí Minh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, buộc địch tháo chạy về tận đường 13, bảo đảm cho đường Tây Trường Sơn mở rộng, phát triển.
Tôi được giao làm đoàn trưởng đoàn 165, liên lạc với Đảng Cộng sản Thái Lan, trực tiếp theo dõi tổ tình báo, chuẩn bị đánh B 52 ở sân bay U Ia Pao (Nam thủ đô Băng Cốc). Ta đã phá hủy được hai chiếc máy bay vận tải quân sự và một số máy bay chiến đấu khác.
Đập tan căn cứ Phỉ Vàng Pao ở Pa Đông
Đầu tháng 8 năm 1961, tại Sê Pôn, đồng chí Võ Bẩm, đoàn trưởng đoàn 559 vào thay tôi để tôi về Hà Nội.
Đáp máy bay về Hà Nội chiều hôm trước thì 8 giờ sáng ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, lại cử tôi sang Cánh đồng Chum. Chỉ sau  ba giờ đồng hồ, kể từ khi nhận nhiệm vụ, tôi đến gặp đồng chí Hoàng  Sâm, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tại Khang Khay.
Anh Sâm nói đùa: “Hà Nội cử cậu sang thay tôi đó à!"
Nói xong, anh Sâm và đồng chí bí thư Đảng bạn ôm chầm lấy tôi.
Tôi báo cáo: “Đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) cử tôi sang để khảo sát khu phỉ Vàng Pao ở Pa Đông và tìm cách khắc phục gấp tình hình ở đây.”
Các anh rất hoan hỉ và tin tưởng tôi. Tôi đến chào đồng chí Xì-xà-vạt (sau này đồng chí là Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào). Một  cuộc họp chung để nghe báo cáo tình hình, sau đó là bữa cơm đón khách.
Pa Đông cách trung tâm Cánh đồng Chum bốn mươi cây số về phía Tây Nam, là một căn cứ phỉ lớn sau khi thất thủ Cánh đồng Chum. Địch dựa vào Pa Đông để đánh chiếm lại tỉnh Xiêng Khoảng.
Từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1961 lực lượng phía bạn Lào do đồng chí Xì-xà-vạt Kẹo Bun-phăn, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào trực tiếp lãnh đạo chỉ huy, góp phần cùng quân tình nguyện Việt Nam tiêu diệt bọn phỉ.
Đêm hôm đó, mồng 4 tháng 8 năm 1961, tôi triệu tập chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện gồm lực lượng bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn súng phòng không 12,7 ly và 14,5 ly, lực lượng bảo đảm và mời đồng chí Tổng tham mưu  trưởng cùng số cán bộ bạn cùng tham dự. Từ tháng 2 năm 1961 đến cuối tháng 7 năm 1961, hàng mấy ngàn đạn pháo đã sử dụng mà tình hình không chuyển. Sau khi nghe thực trạng chiến trường, tôi đặt ba câu hỏi:
- Tiếp tế của địch từ đâu mà có?
- Chỉ huy sở  phỉ Vàng Pao ở chỗ nào?
- Tổng kho lương thực, đạn dược ở đâu?
Không ai trả lời  được. Tôi nói:
- Khâu quyết định là ba nội dung nói trên. Ta phải cắt tiếp tế, phá hủy tổng kho, đập nát sở chỉ huy.
Những đề xuất của tôi được mọi người nhất trí. Nỗi vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt đồng chí Xì-xà-vạt. Nhưng còn biện pháp thực hiện thì như thế nào? Tôi đề nghị đồng chí tổng tham mưu trưởng quân đội bạn cử cho mười quân nhân người H’Mông ăn mặc như quân phỉ dẫn đường. Ta cử một tổ trinh sát pháo binh mang theo đạn khói, hẹn trong ba ngày phải tìm cho được sở chỉ huy và tổng kho. Khi đã xác định được sở chỉ huy và tổng kho  của phỉ thì đốt đạn khói để đo đạc tọa độ, mục tiêu. Súng bắn máy bay bí mật chiếm lĩnh các cao điểm. Lực lượng  bộ binh sẵn sàng đột phá. Trận đánh diễn ra đúng như dự kiến. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, các mục tiêu bốc cháy, khói lửa bao phủ  một vùng. Súng phòng không cũng tích cực khống chế bầu trời. Căn cứ phỉ Vàng Pao sụp đổ. Nỗi hân hoan chẳng mấy  chốc đã về đến Khang Khay, Sầm Nưa, Hà Nội. Tôi rất sung sướng được đóng góp phần vào thắng lợi nói trên. Đồng chí Hoàng Sâm, người rất hiểu tôi, vô cùng xúc động, cùng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-bản đã tiễn tôi về  Hà Nội.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2009, 06:44:45 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 06:50:54 am »

CHƯƠNG VIII
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG KHU V
 
Sau khi thất bại trong “Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, tổng thống Mỹ Giôn-xơn chuyển sang “Chiến tranh cục bộ", đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt đối với miền Bắc.
Từ tháng 2 năm 1965, chúng đưa quân Mỹ và quân chư hầu ào ạt vào miền Nam, tăng nhanh số quân ngụy, hòng tạo nên một bước nhảy vọt về so sánh lực lượng có lợi cho chúng. Đến cuối năm 1965, quân Mỹ tăng gấp 6 lần so với năm 1964. Tổng số quân Mỹ-ngụy và chư hầu sang năm 1969 đã tăng lên 1,7 triệu tên. Số phương tiện chiến tranh cũng tăng nhanh. Năm 1969 so với năm 1965, số máy bay chiến đấu và pháo tăng gấp 2 lần, xe tăng thiết giáp gấp bốn lần.
Với lực lượng như vậy, chúng đã mở cuộc phản công chiến lược thứ nhất mùa khô  1965-1966 với hai mươi vạn quân, 2200 máy bay, 1400 xe tăng, xe bọc thép, 1200 khẩu pháo, 50 tàu chiến, thực hiện kế hoạch "5 mũi tên" tập trung vào 3 khu vực chính, đó là: Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5, Đông Nam Bộ và ngoại vi Sài Gòn. Bị thất bại, chúng lại  mở  cuộc tấn công chiến lược thứ hai mùa khô 1966-1967 với phương tiện chiến tranh đều tăng gấp đôi, dùng kế hoạch "2 gọng kìm" tìm diệt và bình định, nhằm vào miền Đông Nam Bộ, trọng điểm là Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ còn bịa đặt ra "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" nhằm lấy cớ đánh phá miền Bắc.
Nhân dân cả nước ta kiên quyết đánh trả bước leo thang mới của đế quốc Mỹ, làm thất bại chiến lược" chiến tranh cục bộ" của chúng.
Trên cơ sở nhận định tình hình ta, địch, Trung ương Đảng hạ quyết tâm "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới -thời kỳ giành thắng lợi quyết định".
Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, cần động viên sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, thực hiện cuộc tấn công và nổi dạy đồng loạt khắp nông thôn và đô thị, đưa cuộc chiến tranh vào tận căn cứ sào huyệt của địch, dồn địch vào cuộc khủng hoảng lớn về chính trị, quân sự.
Hội  nghị cho rằng tổng công kích và tổng khởi nghĩa là một quá trình liên  tục tiến công truy kích, tiêu diệt, đánh đổ địch về quân sự là chính; là  quá  trình  phản  kích ác liệt để giành lại và chiếm lấy các vị trí chiến lược quan trọng, là giai đoạn sẽ kéo dài trong một thời gian nào đó…
Trong quá trình chiến dịch, phải thực hiện đến mức cao nhất việc kết hợp giữa đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận, kết hợp hoạt động ở thành thị, nông thôn đồng bằng và rừng núi.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) tháng 1 năm 1968 đã ra nghị quyết. Hội nghị xác định nguyên tắc cần nắm vững trong quá trình chiến dịch là: “Tập trung lực lượng quân sự và lực lượng chính trị đến mức cao nhất, một cách hợp lý nhất, tiến công mãnh liệt vào những hướng chiến lược chính; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm đúng vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định, giành cho  kỳ được thắng lợi ở những nơi quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ, phải biết giành  thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng  thắng lợi, kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích đến cùng để giành thắng lợi cao nhất".
Để chỉ đạo toàn bộ công tác chuẩn bị và thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cụ thể cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền Nam Bắc.
Ở  liên khu 5, Thường vụ Khu ủy Khu 5 đã họp hội nghị khẩn cấp để triển khai chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đưa cuộc chiến tranh cách mạng phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Quân khu cũng quyết định thành lập các đơn vị đặc công để cùng các lực lượng khác đồng loạt tấn công vào các thành phố và thị xã, thị trấn, các nơi xung yếu, v.v… phối hợp với nổi dậy rộng khắp của nhân dân.
Ở Khu 5 lúc này, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu, Phó Bí thư Khu ủy và Quân khu uỷ; đồng chí Võ Chí Công giữ chức vụ Bí thư Khu uỷ Bí thư Đảng ủy Quân khu,Chính ủy Quân khu.
Trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cán bộ Sư đoàn 2 đang ở trên điểm cao Đồng Mông  - Đá Hàm chuẩn bị cho trận đánh giảu phóng Quế Sơn bị biệt kích phát hiện, chúng cho gọi máy bay Mỹ đến bắn xối xả vào đội hình của ta.  Đồng chí Lê Hữu Trứ, sư đoàn trưởng; Nguyễn Văn Đức, đồng chí Mẫn - cán bộ tham mưu; đồng chí Toản, trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 hy sinh. Đồng chí Giáp Văn Cương được chỉ định làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 2.
Sau gần mười ba năm xa quê, tôi nhận được quyết định về công tác chiến đấu ở  Liên khu 5. Thật sung sướng biết bao!
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #38 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 06:56:37 am »

Tháng 3 năm 1968, tôi thay đồng chí Giáp Văn Cương, phụ trách tư  lệnh  Sư  đoàn 2  Liên khu 5.
Sư đoàn 2 là sư đoàn chủ lực của Quân khu, được thành lập ngày 20 tháng 10 năm 1965 tại làng An Tráng, xã Phước Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sư đoàn 2 quy tụ những đơn vị đặc biệt như  trung đoàn 1, trung đoàn 21, tiểu đoàn 12 pháo cối, tiểu đoàn cao xạ 19 tháng 5, cùng nhiều đơn vị hợp thành, bảo đảm về mặt kỹ thuật cũng như sức chiến đấu cơ động.
Đối với tôi, công việc này ở khu 5 thật là mới mẻ. Tôi đã ra sức đi sâu tìm hiểu tình hình địch và học tập từ thực tế đơn vị. Lúc bấy giờ, tình hình căng thẳng lắm: gạo, đạn dược, sức khỏe anh em đều là những vấn đề nan giải, biết lo liệu sao đây khi mà chính bản thân tư lệnh, chính ủy mỗi ngày cũng chỉ có 3 lạng gạo. Đồng cam cộng khổ, chia xẻ ngọt bùi là bản chất, là yếu tố gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh trong chiến đấu của Bộ đội Cụ Hồ. Tôi đã qua hai lần làm chỉ huy trưởng chiến dịch tổng hợp Quảng Nam. Mùa hè năm 1968 và xuân hè năm 1969, tôi đã cùng đồng chí Nguyễn Huy Chương, chính ủy sư đoàn, thực nghiệm chiến thuật chốt chặn kéo địch ra để tiêu diệt, tích cực bắn trực thăng, vì vậy mà các trận ở núi Ngang, Núi Vú, Tam Kỳ, ta đã giành được thắng lợi giòn giã.
Trong hồi ức “Chỉ một con đướng”, trung tướng Nguyễn Huy Chương có viết:
“Để thực hiện ý đồ mở khu chiến thứ 2, Bộ Tư lệnh quân khu điện gọi tôi trở về cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu. Ở hướng Khâm Đức, Tư lệnh sư đoàn Giáp Văn Cương, Chính ủy sư đoàn Nguyễn Ngọc Sơn trực tiếp chỉ huy tiến hành phương án giải phóng Khâm Đức. Tôi vừa bước vào cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu liền được đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu nói:“Đồng chí mới về Quân khu, ưu tiên giao cho đồng chí và Sư phó Lê Kích, nghiên cứu mở khu chiến núi Ngang”. Nói đến đó, đồng chí Tư lệnh nắm lấy tay tôi siết mạnh. “Chắc ăn nghe”. Tôi đứng nghiêm ráng chịu cái đau của bàn tay đồng chí Tư lệnh siết chặt, để thể hiện quyết tâm của mình.
Đoàn cán bộ nghiên cứu khu chiến núi Ngang, ngoài tôi và sư phó Lê Kích, còn có ban chỉ huy trung đoàn 31 và tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn.”
(1)
Năm 1969, qua một năm đánh Mỹ, tôi đã có một số hiểu biết về địch. Suy nghĩ kỹ, tôi viết một bài nhan đề: “Chỗ mạnh, chỗ yếu của Mỹ và cách đánh của ta". Tài liệu này có lẽ đang được lưu trữ ở Quân khu 5. Lúc bấy giờ có đồng chí Quách Tự Hấp, trưởng phòng huấn luyện biết việc này. Nhiều anh có kinh nghiệm chiến đấu đã đọc và cho đây là một tài liệu tốt. Trước đó,́ tháng 3 năm 1947, tôi có một bài viết bàn về cách đánh du kích dài hơn 20 trang. Tôi đưa tài liệu này cho đồng chí Đàm Quang Trung và được Liên khu 5 lưu giữ. Sau này tại nhà đại tá Hoàng Bào (số 2 Vương Thừa Vũ - Hà Nội), trong buổi gặp mặt gần 40 cán bộ cao cấp để ôn lại lịch sử Trung đoàn 96, nhiều đồng chí cho biết: tài liệu cách đánh du kích của tôi hiện đang được cất giữ ở Bảo tàng  Quân đội.
Để chuẩn bị cho hoạt động quân sự mùa xuân năm 1970, căn cứ vào kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân khu 5, anh Giáp Văn Cương (sau này là thượng tướng, đô đốc Hải quân), anh Nam Hà, thiếu tướng, nguyên tham mưu phó Liên khu 5 (sau này phó thanh tra quân đội) và tôi lúc bấy giờ là tư lệnh Sư đoàn 2 được phân công đi làm phái viên cho tỉnh Quảng Đà, Quảng Ngãi và Bình Định.
Ngày 3 tháng 10 năm 1969, tại một địa điểm trong vùng rừng núi huyện Sơn Hà, căn cứ kháng chiến của tỉnh Quảng Ngãi, tôi trực tiếp truyền đạt quyết tâm của Bộ Tư lệnh Liên khu 5 cho thường vụ tỉnh ủy và bộ chỉ huy quân sự địa phương. Tham dự có mặt khá đông các đồng chí có cương vị, trọng trách của tỉnh nhà, như đồng chí Phạm Thanh Biền, khu ủy viên, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi; đồng chí Võ, đồng chí Chức, chính trị viên tỉnh đội (hiện nay là trung tướng); đồng chí Lương Văn Thư, tỉnh đội trưởng ( nay là đại tá, nghỉ hưu ở Ninh Bình).
Mở đầu cuộc họp, tôi báo cáo đúng mệnh lệnh mà đồng chí Chu Huy Mân đã ký về hoạt động quân sự: Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tăng cường cho Quảng Ngãi Trung đoàn 21 của Sư đoàn 2 và 40 quả đạn ĐKB để cùng tiểu đoàn 48, tiểu đoàn 81 và đội đặc công, mỗi đội có 12 người, có nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Quảng Ngãi từ 3 đến 5 ngày, tạo điều kiện để phá dồn, bung dân. Sử dụng, bố trí lực lượng như sau:
- Một tiểu đoàn của Trung đoàn 21 đánh chiếm trị trấn Sơn Tịnh, chốt giữ phía bắc cầu Trà Khúc.
- Một tiểu đoàn khác của Trung đoàn 21 đánh chiếm nhà đèn, nhà ga và chốt giữ các vị trí nói trên.
- Một tiểu đoàn khác của Trung đoàn 21 là lực lượng dự bị đứng chân tại cầu Xóm Xiếc (Chánh An).
Đối với lực lượng địa phương Quảng Ngãi: tiểu đoàn 81 gồm 160 người  đánh  chiếm  Ban Ga Lô, chốt giữ ngã tư. Tiểu đoàn 48 dự bị đóng  ở  núi  Bút.  Riêng 2 đội đặc công làm nhiệm vụ đánh thành cổ. Kế  hoạch  thật  cụ  thể nhưng không sát vì tình hình thực tế đã biến động rất nhiều.
Ở khu 5 lúc này, quân địch đã thực hiện được một phần biệp pháp chiến lược quét và giữ. Chúng tăng cường lực lượng và bộ máy kềm kẹp ở cơ sở. Tổng quân số Mỹ - nguỵ và chư hầu đến cuối năm 1969 đã lên đến 380 nghìn tên, so với năm 1968 là 365 nghìn tên. Địch đã tổ chức thêm 15 vạn phòng vệ dân sự có vũ trang. Về phương tiện chiến tranh, chúng đã trang bị 583 chiếc máy bay tăng,  115 khẩu pháo, 454 chiếc xe tăng, xe bọc thép. Thêm vào đó, vùng căn cứ rừng núi không ổn định. Cơ quan khu, tỉnh thường xuyên phải di chuyển để tránh máy bay địch và biệt kích xâm nhập.
Về lực lượng địch, không kể dân vận, cảnh sát, chúng có ba tiểu đoàn bộ binh vừa chốt giữ, vừa cơ động; một tiểu đoàn pháo 105 ly, cối 106,7 ly; một đại đội xe bọc thép. Căn cứ quân sự Chu Lai của địch cách thị xã Quảng Ngãi 30 ki-lô-mét, có sư đoàn thủy quân lục chiến, có các phi đội oanh kích, có tàu chiến thường trực. Cuộc họp kéo dài từ 13 giờ đến 20 giờ. Hầu hết thấy rằng, với tình hình hiện nay thì khó mà thực hiện chỉ thị của quân khu. Ngay từ khi cùng các anh Giáp Văn Cương và anh Nam Hà nghiên cứu kế hoạch xuân 1970, ba chúng tôi đều rất phân vân tự hỏi: "Xuân 1970 mà đưa lực lượng chủ lực vào thành phố là điều cần phải cân nhắc".

(1)Trung tướng Nguyễn Huy Chương - CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG, hồi ức, NXB Đà Nẵng, 2001, trang 273-274.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Ba, 2009, 06:58:50 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 06:59:59 am »

Trước sự bế tắc chung trong cuộc họp giữa tôi và Quảng Ngãi, trên cơ sở nghiên cứu từ đầu, tôi nêu phương án như sau: Nếu xét không có khả năng chấp hành mệnh lệnh của Khu thì có thể tập trung sức mạnh dứt điểm quận lỵ Nghĩa Hành (chợ Mùa), hoặc Trà Bồng, tạo một số trận đánh viện binh tốt, tổ chức hệ thống bắn máy bay trực thăng rộng khắp; tiến hành đồng thời với hoạt động chống càn quét, chống bình định để bung dân phá đồn, hoàn thành mục tiêu chung năm1970. Sau khi trình bày phương án của mình, tôi đề nghị nếu các anh chấp nhận thì lấy làm phương án của tỉnh đề nghị với Quân khu.
Ba ngày sau, tại Bộ Tư lệnh Quân khu, một đồng chí lãnh đạo cho rằng, tôi là người làm dao động cán bộ, chiến sỹ ở Quảng Ngãi. Nghe anh phê phán, tôi cố gắng giữ tự chủ: "Thưa đồng chí, tôi có khuyết điểm, đáng ra phải báo cáo về Quân khu để do Quân khu giải quyết. Nhưng trước thực tế tình hình quá bế tắc, tôi đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình để các đồng chí tỉnh ủy Quảng Ngãi xem xét. Nếu các anh chấp thuận thì đó là đề nghị của tỉnh. Tôi nghĩ là người chỉ huy ngoài mặt trận có lúc không thể chấp hành lệnh một cách máy móc vì nó không còn sát đúng trên thực tế".
Và hai ngày, sau tôi nhận lệnh trở về Hà Nội. Trước khi rời Khu 5, tôi đến chào tạm biệt vợ chồng anh Võ Chí Công. Chị Nết - vợ anh Năm Công, chuẩn bị cho tôi một bữa cơm thật ngon. Tôi vô cùng cảm khích.
Nhớ lại những ngày toàn quốc kháng chiến và khi ở Lào, đối với tôi, anh chị Võ Chí Công vừa là bậc cách mạng tiền bối, vừa là người thầy, vừa là bạn vong niên.
Trong khi ăn cơm, tôi có nói với anh Năm Công:
- Thưa anh, việc tôi ra đi chắc anh đã rõ. Tôi chỉ có một đề nghị, mong rằng với cương vị là Bí thư Khu ủy, xin anh đừng thực hiện kế hoạch xuân 1970 mà Quân khu đã phổ biến. Cũng như với sư đoàn chủ lực, cần có đủ cơm ăn, có huấn luyện tốt, và sử dụng đúng lúc đúng thời cơ, đánh những đòn quyết định.
Anh Võ Chí Công bắt tay tôi và nói:
- Cách đây hai tháng, Khu ủy Khu 5 có họp. Căn cứ tình hình lúc bấy giờ, Khu ủy có đề xuất một số phương án chung. Quân khu 5 căn cứ vào đó đề ra kế hoạch. Nay tình hình đã khác rồi. Sắp đến, Khu ủy sẽ có thay đổi.
Tôi vô cùng xúc động. Đang ngồi, tôi đứng ngay dậy chào anh. Anh lại nói:
- Về các sư đoàn chủ lực, đề nghị của anh là đúng. Khu 5 bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Nhớ lại chuyện xưa mà lòng vô cùng căm phẫn: xóm làng xơ xác, núi rừng trơ trọi. Từ  Quảng Nam, Quảng Ngãi, cứ bảy đến mười cây số là một bãi B52. Xương người rơi vãi. Có lúc tôi đã mang theo sáu cái đầu lâu của các chiến hữu ra đi, lại càng nhớ quê nhà tha thiết làm sao. Tôi như sét đánh ngang tai, khi biết rằng cha mẹ đã bị mất xác, một nắm tro tàn cũng không thu nhặt được. Bom na-pan đã thiêu hủy một khu phố ở Ngã bảy Chợ Lớn ngày mồng 4 tết Mậu Thân (1968). Và tại quê nhà, cha và em tôi cũng ra đi như vậy đó!
Tôi ở Sư đoàn 2 chỉ qua hai mùa chiến dịch. Tháng 4 năm 1970, tôi trở về Sư  đoàn 325 hết sức đột ngột…
Ngày 25 tháng 12 năm 2000, tức là sau ba mươi năm kể từ ngày tôi chiến đấu ở Khu 5, tại nhà riêng anh Nguyễn Huy Chương, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên chính ủy Sư đoàn 2, Chính ủy Quân khu 5, hiện nay ở số nhà K7/1 đường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng, đã có buổi tọa đàm đề cập đến việc thực nghiệm chiến thuật chốt chặn trong các chiến dịch tổng hợp ở Quảng Nam mà tôi là tư lệnh. Các đồng chí đều cho đây là sáng tạo. Chúng tôi lại càng nhớ biết bao về những ngày gian khổ ở Sơn Cẩm Hà, ở huyện Hiệp Đức, Dương Yên, Núi Ngang, Núi Ngốc và bao trận bom B52, B57 của Mỹ dội xối xả xuống quanh khu vực đóng quân
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM