Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:09:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý  (Đọc 60764 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:09:42 pm »


4 - Chế độ tăng và chùa

Trong khi các nước ở Trung Quốc phải đương đầu với Tống trong cuộc chiến tranh thống nhất, thì ở nước Giao Chỉ, tông giáo cũng như hành chính, dần dần tự cởi dây ràng buộc, và trở nên tự trị. Các phái Thiền Tông phát đạt, và tăng đồ càng bành trướng ảnh hưởng trong xã hội.

Kẻ cầm quyền không những cần đến thiền sư về phương diện tín ngưỡng mà thôi, mà cả về phương diện chính trị, cũng cần nữa. Nhất là trong đời Đinh, Lê, các vua đều là những bậc võ biền, nhân loạn mà nắm được chính quyền. Học thức vua ít, mà kẻ nho học cũng chưa đông, và phần nhiều chắc có lòng trung thành với triều đại bị tiếm, nên không được tin dùng. Chỉ có kẻ tăng đồ có đủ thì giờ, đủ phương tiện sinh sống để đọc nhiều hiểu rộng. Vả lại nhà tu hành lại ít có thành kiến thiên vị về chính trị, cho nên dễ được vua mới tin dùng.

Lúc nhà Đinh mới lập nước, liền trọng đãi các nhà sư. Năm đầu sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã định phẩm hàm và giai cấp cho các nhà tăng và đạo. Tăng và đạo cũng được coi như là những công chức văn võ (TT 961). Tuy đời Lý, cũng có đặt lại phẩm hàm và giai cấp cho tăng đạo, nhưng vẫn theo quy chế đời Đinh.

Đầu hàng tăng, có chức Quốc sư. Sau, theo thứ tự trên dưới, có những chức tăng thống, tăng lục, tăng chính, đại hiền quan. Quốc sư chỉ có nghĩa là người sư của nước, cũng không phải là chức tể tướng như vị thái sư. Cũng như các chức kia, quốc sư coi việc giữ các chùa trong nước giản đạo, lập đàn và giúp vua trong những việc cầu may, cầu phúc.

Ngoài những chức phẩm trên, ta còn nhận thấy những hiệu như đại sư, trưởng lão, cư sĩ (Bia LX, TUTA). Có lẽ đó chỉ là huy hiệu mà thôi.

Chùa thì do vua, quan hay dân làng xây dựng lên. Những chỗ danh lam thì chắc thuộc nhà vua và được vua cấp tiền của, ruộng đất, phu hầu. Năm 1088, Lý Nhân Tông định chia chùa làm ba hạng, đại, trung và tiểu danh lam, do các quan văn và quí chức đề cử. Sách TT chép việc ấy, và thêm rằng: “Ấy vì bấy giờ, các chùa có điền nô và kho của”. Điền nô là phu cày ruộng cho chùa.

Ở các trấn, cũng có các tăng quan coi các chùa và Phật giáo. Sư Hải Chiếu có nói trong bia LX rằng sư “kiêm coi công sự ở Thanh Hóa”, và là “thuộc hạ” của Lý Thường Kiệt.

Được làm sư không những là một vinh hạnh. Sư có chức phận đã đành, mà về phần vật chất, lại khỏi bắt làm xâu, làm lính; ở chùa lại được bổng lộc dân chúng cung và vua ban. Vì thế, muốn được làm sư phải có bằng của nhà nước cấp cho. Như thế, gọi là được độ.

Sử sách ta còn chép một vài năm, vua chọn dân để cho làm sư. Năm 1014 tăng thống Thẩm Văn Uyển xin lập giới trường ở chùa Vạn Thọ trong thành Thăng Long để cho tăng đồ thụ giới. Năm 1016, vua chọn hơn nghìn người ở kinh sư để cho làm tăng và đạo sĩ. Năm 1019, Lý Thái Tổ lại độ dân khắp nước để làm tăng. Sau mãi đến năm 1134, Lý Thần Tông mới sai hội dân ở đài Nghinh tiên để độ tăng một lần nữa. (TT)

Đó là những cơ hội lớn chọn tăng một cách tập đoàn. Còn hàng ngày vẫn cấp bằng cho những trai tráng được rút tên ra ngoài sổ bạ (Bia LX). Đồng thời ở Tống, bằng cấp độ tăng lại là một lợi khí làm tiền cho công quỹ. Sách TB thường chép rằng vua Tống cấp cho các lộ một số lớn bằng cấp ấy, để hưng công xây thành, đào sông. Không biết ở triều Lý có lợi dụng sự độ tăng như thế không. Nhưng ta biết rằng nhà nước có dùng cách ấy để thưởng một hạng người có công. Như năm 1128, Lý Thần Tông sai chọn bốn người lính già, cho làm tăng (TT).

Con cháu những nhà quyền quí cũng không ngần ngại bỏ nhà theo Phật giáo, như các cháu họ Lý Thường Kiệt (Bia LX), sư Mãn Giác con Lý Hoài Tố, Diệu Nhân ni sư con nuôi Lý Thánh Tông và sư Viên chiếu cháu thái hậu Linh Nhân.

Xem chuyện các cao tăng trong sách TUTA, ta thấy phần nhiều các vị này giỏi nho học, hay khi bé thường học nho rồi sau mới theo Phật. Nhưng trong khoảng đầu đời Lý, chưa mở khoa thi Nho. Sau, dần dần nho học tiến mạnh. Tam Giáo tịnh hành. Các khoa thi nho được mở đều, và các khoa thi tam giáo cũng được lập vào cuối đời Lý Cao Tông (năm 1179 và 1195, TT). Các nho thần như Đàm Dĩ Mông đã bắt đầu kiềm chế tăng đồ, kiểm điểm khảo hạch tăng chúng. Năm 1179 Lý Cao Tông sai thi các đệ tử tăng quan tụng kinh Bát Nha (TT)

Nhân các vua trước, như Thần Tông, Anh Tông mê đạo nhiều dân đinh xin độ làm tăng để trốn khỏi dao dịch. Lại có những ác tăng làm điều phạm pháp. Cho nên năm 1198, Đàm Dĩ Mông nói với vua rằng: “Bây giờ, tăng đồ gần bằng số dịch phu. Chúng tự kết bè, bầu chủ, họp nhau thành từng bày. Chúng làm nhiều việc bẩn thỉu. Hoặc ở nơi giới trường, tĩnh xá mà công nhiên rượu thịt; hoặc ở trong trai phòng tĩnh viện, mà âm thầm gian dâm. Ngày ẩn, tối ra thật như đàn cáo chuột. Chúng làm bại tục, thương giáo; dần dần thành thói quen. Nếu mà không cấm, thì lâu thành quá lắm”.

Vua Cao Tông cho lời Dĩ Mông nói là phải. Sai Dĩ Mông triệu tập tăng đồ trong xứ, lại ở các nơi cốc xá; chọn tháng mười người có tiếng lưu lại làm tăng. Còn dư, thì đánh dấu vào tay mà bắt hoàn tục.

Chắc rằng lời Dĩ Mông quá đáng, và sự sa thải triệt để tăng đồ là một phần do nho gia bài xích dị đoan. Tuy vậy đạo Phật không phải vì đó mà suy. Trạng nguyên Lê Quát, là dòng dõi Lê Văn Thịnh, phải phàn nàn trong bia chùa Thiệu Phúc dựng đời Trần, rằng: “Làng xóm nào cũng có chùa, mà không đâu thấy thờ Khổng thánh”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:10:45 pm »


5 - Tăng và chính trị

Lúc nước ta vừa được độc lập, vua đều là những kẻ vũ biền. Sở dĩ các vua ấy trọng tăng đồ, một phần chắc vì lý do chính trị. Tuy không có chứng gì tỏ rằng các vua Đinh và Lê mộ Phật, nhưng dân gian bấy giờ chắc theo đạo Phật nhiều. Trái lại nhiều việc, còn chép trong sử, tỏ rằng các vua ấy hành động thường trái với điều dạy phải từ bi của Phật, ví như những cực hình dùng ở đời ấy: cột đồng đốt nóng, vạc dầu đun sôi, chuồng hổ báo, cũi ngâm sông.

Các vua lại nhận thấy rằng các tăng có học rộng hơn mình và hơn các tướng. Tuy bên cạnh vũ tướng còn có nho thần, nhưng những người này thường hay cố chấp trong những thuyết trung quân, cho nên không thể trung thành với một ông vua mới, đã cướp quyền của chúa mình. Vì những lẽ ấy, các vua Đinh Lê đã lợi dụng học vấn của tăng đồ để trị dân và đối ngoại. Cũng như đại đa số người đương thời, các vua rất tin rằng các tăng và đạo sĩ có những thuật làm cho họ biết trước những sự hay dở tương lai, hay là có thể cầu cho họ được phúc và tránh họa.

Vị sư đầu tiên được tham gia chính là đại sư Khuông Việt, giúp Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Sư tên Ngô Chân Lưu, dòng dõi vua Ngô. Bé học Nho lớn theo Phật. Đinh Tiên Hoàng ban cho chức tăng thống và hiệu Khuông Việt đại sư, nghĩa là vị sư lớn giúp nước Việt (TT 971 và TUTA sa). Sau khi Lê Hoàn lên ngôi “phàm sự quân quốc, đều giao cho sư hết”. Đó là lời sách TUTA, còn sách TT chỉ chép việc Khuông Việt giúp vua Lê đón sứ Tống mà thôi (XIV/7)

Lúc Lý mới lập cơ nghiệp, sư Vạn Hạnh đã có ảnh hưởng nhiều. Từ đời Lê, sư có tiếng là một kẻ tiên tri. Cho nên Lê Đại Hành đã từng hỏi ý kiến, trong khi đánh Tống và đánh Chiêm. Sách TUTA chép rằng: “về việc chống Tống, sư đoán nội trong ba, bảy ngày giặc sẽ tan. Còn về việc đánh Chiêm, thì sư khuyên nên đánh chóng (TUTA 52a). Các sách sử ta đều kể chuyện Vạn Hạnh đã đoán được câu sấm, mà sâu ăn thành ra trên cây vông gạo; và sư biết trước rằng nhà Lê sắp mất, nhà Lý sẽ lên. Sư bèn nói với Lý Công Uẩn chuyện ấy và quả quyết rằng họ Lý là họ của ông. Biết đâu rằng chuyện sấm ấy lại không phải là mưu của Vạn Hạnh.

Về sau, các vua Lý có học hành. Tuy vẫn thích Phật nhưng một cách cao hơn. Triều thần đã có nhiều người học uyên bác. Cho nên ảnh hưởng về chính trị của các vị sư bị giảm dần. Cuối cùng, các tăng chỉ giữ những việc giảng kinh hay giáo hóa.

Trong phạm vi tín ngưỡng và kỹ thuật, địa vị các tăng già vẫn rất trọng. Các vua và thái hậu thường mời những vị sư có tiếng vào giữ chùa trong thành nội, để giản kinh. Các vị Huệ SinhViên chiếu từng được Lý Thái Tổ mời vào cung. Nhất là trong đời Lý Nhân Tông, vua và thái hậu Linh Nhân rất mộ Phật, thường sai các sư có danh nhất, vào nội để bàn đạo. Những vị sư như Thông Biện, Mãn Giác, Chân Không, Giác Hải, Khổng Lộ đều được mời và trọng đãi. Cũng nhờ đó mà ta mới có câu chuyện Thông biện bàn nguồn gốc đạo Phật, còn chép lại đến ngày nay.

Các công, vương, tướng cũng thường hay che chở tăng ni, và tôn trọng họ vào bực thầy. Lương Nhậm Văn, Lý Thường Kiệt, Vương Tại, Đoàn Văn Liệm, Phụng Càn Vương, công chúa Thiên Cực đều có giao thiệp mật thiết với các cao tăng (TUTA). Vả chăng nhiều vị thiền sư là con cháu vua, hoàng hậu hay các đại thần. Chắc vì sự liên quan bằng gia đình, ảnh hưởng những vị ấy đối với chính trị cũng không ít.

Về mặt kỹ thuật, tăng đồ thường lại có tiếng là có phép thần thông, hay biết chữa bệnh một cách thần diệu. Vì vậy mà nhiều vị đã được vua dùng, như Minh Không chữa bệnh cho Thần Tông, Đạo Tuệ được Anh Tông đón vào cung cấm chữa cho các cung phi, Nguyệt Học có tiếng cầu mưa và chữa bệnh rất hay, cũng đã được Anh Tông mời tới.

Trong đời Thánh Tông và Nhân Tông, vì vua chậm có hoàng trừ, cho nên các vị có tiếng biết phép cầu tự, đầu thai, lại rất được quí trọng. Những chuyện Đại diên, Đạo Hạnh còn được để đến ngày nay.

Nói tóm lại, ảnh hưởng các nhà sư lúc ban đầu trực tiếp với chính trị. Nhưng sau, dần dần ảnh hưởng chỉ còn kịp tới cá nhân vua quan. Vì đó mà gây ra những phong trào từ trên lan xuống dưới. Rồi phong hóa chung cả nước cũng chịu nhiều ảnh hưởng của hình thức Phật giáo hiện hành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:30:35 pm »


6 - Đạo Phật và phong hóa

Từ đời Lý Nhân Tông về sau, các vua thường chết yểu, tự quân thường trẻ tuổi, cho nên các thái hậu được nhiều quyền. Sự sùng Phật dần dần được chuyển sang thành một mối dị đoan, nó ăn nhịp với đạo giáo hiện hành và những tín ngưỡng cổ truyền còn sót lại.

Những kẻ tầm thường đua nhau lợi dụng lòng mê tín của vương hậu, đến nỗi gây ra một phong trào loạn tri ở trong cung. Những chuyện huyền bí như Nguyễn Bông đầu thai thành Càn Đức, Giác Hoàng muốn đầu thai nhưng bị Đạo Hạnh ngăn cản, rồi đến chuyện Đạo Hạnh hóa kiếp ra Lý Thần Tông, đã làm người nước ta đời bấy giờ rất tin vào thuyết luân hồi và vào bí thuật của các nhà sư1.
__________________________________
1. CHUYỆN NGUYỄN BÔNG. - Về chuyện Nguyễn Bông, sách TT chép: “năm Quí Mão 1036, Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi nhưng chưa có con, vua sai viên chỉ hầu Nguyễn Bông tới cầu tự ở chùa Thánh Chúa, Sau đó, Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Càn Đức, tức là Lý Nhân Tông. “Sách ấy lại chú thích rằng: “Sư chùa Thánh Chúa bày cho Bông phép đầu thai để vào làm con vua. Sự bại lộ, nên Bông bị chém ở trước chùa, tại chỗ này nay mà vẫn gọi là Cánh đồng Bông. Chùa này, nay ở làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, gần phía tây thị trấn Hà Nội. Cánh đông Bông ở phía tây, trước cửa chùa.
    Dã sử và thần tích Ỷ Lan thái hậu (xem sách Chuyện Ỷ Lan, nhà Minh tâm xuất bản) có kể rõ nhiều chi tiết, và chép tên sư chùa chùa Thánh Chúa là Đại Diên. Đại Diên bảo Bông về nấp trong buồng tắm Ỷ Lan. Một hôm Ỷ Lan tắm thì bắt được Bông còn ẩn trong buồng. Vua Thánh Tông sai đem Bông đi chém. Khi qua chùa Thánh Chúa, Bông xin vào chùa để trách sư. Sư cười và trả lời: “Nếu không hủy thân này, thì sao đầu thai được”. Bông mới hiểu mưu sâu của Đại Diên và chịu chết. Sách VSL không hề chép đến việc Nguyễn Bông.
    CHUYỆN GIÁC HOÀNG.- Về chuyện Giác Hoàng thì cả hai sách TUTA và VSL, soạn đời Trần, đều có chép. Sau đây, là dịch nguyên văn trong VSL.
    “Tháng 2 năm Nhâm Thìn 1112, người Thanh Hóa nói ở bờ bể có một đứa bé lạ. Tuổi mới lên ba, mà người ta nói gì, nó cũng hiểu. Nó tự xưng là con đầu lòng vua, và tự gọi là Giác Hoàng (nghĩa là Phật). Phàm vua Nhân Tông làm việc gì, nó cũng biết trước. Vua sai sứ tới hỏi, thì quả đúng như lời đồn. Sứ bèn rước Giác Hoàng về Thăng Long, để ở chùa Báo Thiên (ở chỗ nhà thờ lớn Cơ Đốc, cạnh Hồ Gươm). Vua thấy Giác Hoàng linh dị, càng yêu dấu; và muốn lập làm thái tử. Triều đình cho là không nên, vua bèn thôi.
    “Vua mới sai đặt trai đàn trong cung, muốn sai Giác Hoàng đầu thai để làm con mình. Có vị sư ở núi Phật Tích, tên Từ Lộ, hiệu Đạo Hạnh, nghe tin ấy, lấy làm lo. Sư bèn giao cho em gái và hạt châu có làm phép, và dặn rằng: “Đến xem hội, hãy giắt châu vào mái nhà, đừng để ai thấy”. Từ Thị làm đúng như lời. Bỗng nhiên Giác Hoàng phát cơn sốt mà ốm. Y bèn nói với người ta rằng: “Ta thấy trong nước lưới sắt bày la liệt khắp; không có lối nào vào cung để thác sinh”.
    “Vua sai lục tìm khắp trong trốn trai đàn, thì thấy mấy hạt châu mà Từ Thị đã giấu. Vua sai bắt Từ Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, rồi toan kết tội chết. Nhân lúc ấy, em vua, sùng hiền hầu, vào chầu vua. Từ Lộ thấy, kêu van thảm thiết rằng: “Mong Hiền hầu cứu bần tăng. Nếu bần tăng được thoát khỏi, thì sẽ vào làm con hầu để báo đức” Sùng Hiền Hầu nhận lời. Vào thăm vua, hầu tìm mọi cách cứu Đạo Hạnh. Hầu nói: “Nếu Giác Hoàng quả có thần lực mà lại bị Từ Lộ làm phép yểm được thì Lộ chả giỏi hơn Giác Hoàng hay sao? Sự ấy đã rõ. Tôi nghĩ rằng: chi bằng vua cho phép Lộ vào thác sinh”. Vua bèn tha cho sư. Còn Giác Hoàng, thì bệnh thành nguy ngập. Y dạn người chung quanh rằng: “Sau khi ta mất, hãy dựng tháp ở Tiên Du để tang ta”.
    Lời văn dịch trên đây gần giống y như văn trong sách TUTA. Có lẽ cả hai sách đều lấy gốc ở một nơi. Nhưng trong TUTA, ở chuyện Từ Đạo Hạnh (53b), có nói rõ vì cớ gì mà Đạo Hạnh lại không muốn để Giác Hoàng đầu thai làm con vua Nhân Tông. Nhân tiện đây, tôi sẽ kể lại chuyện Từ Đạo Hạnh, theo sách TUTA, để ta thấy dưới triều Lý đời sống đầy chuyện huyền ảo, và ta có thể so sánh với óc thực tế của Lý Thường Kiệt.
    CHUYỆN TỪ ĐẠO HẠNH.- Đạo Hạnh họ Từ, bố tên Vinh, làm chức tăng quan đô sát. Vinh từng du học ở làng Yên lãng (làng Láng ở gần phía tây thị trấn Hà Nội), lấy vợ họ Tăng ở đó, và ở lại làng ấy. Bà sinh Đạo Hạnh. Lúc bé Đạo Hạnh tính thích thảng, có chí lớn. Cử động thế nào, không ai lường được. Ngày thường, ông kết bạn cùng nho giả Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa, và con hát Vi Ất. Tối thì chịu khó đọc sách. Ngày thì thổi sáo, đánh đu, đánh bạc làm vui. Cha thường trách ông là lười biếng. Một đêm, cha lén vào phòng ngủ, dòm trộm, thì thấy đèn chong suốt đêm, sách vở chồng đống. Ông thì tựa án ngủ, tay không buông sách. Từ ấy, cha không lo nữa.
    Sau, ông dự kỳ thi tăng quan, bèn đỗ.
    Từ Vinh thường dùng tà thuật quấy Diên Thành Hầu (có lẽ là con vua Lý Thánh Tông). Hầu nhờ pháp sư Đại Diên dùng phép đánh chết. Về đoạn này, thần tích chùa Láng, chùa Thầy và các nơi thờ Từ Đạo Hạnh, có nói rằng Từ Vinh dùng phép tàng hình, lọt vào trong hậu cung của Điên Thành Hầu để ghẹo kẻ cung nhân. Hầu nhờ Đại Diên bắt. Một hôm, Đại Diên lấy tro rắc trước cửa phòng cung nhân, rồi đọc chú, vẽ bùa và trao cho cung nhân một cuốn chỉ ngũ sắc Đại Diên dặn cung nhân rằng nếu Vinh tới thì lấy chỉ buộc mình y. Đêm ấy, Từ Vinh quả tới. Cung Nhân buộc chỉ vào lưng, rồi hô toáng lên. Vinh túng thế, nhưng không chạy được; bèn biến hình làm con dán trốn vào vách. Đại Diên tới tìm mãi không thấy. Sau thấy có râu dán trong vách lòi ra. Đại Diên cầm râu kéo ra, thì thấy một con dán trắng. Đại Diên đánh chết. Lại hiện ra thấy Từ Vinh.
    TUTA không chép chuyện con dán ấy, mà chỉ nói Đại Diên đánh chết Từ Vinh mà thôi. Sau đó, TUTA chép nối rằng Đại Diên vứt thây Từ Vinh xuống sông Tô Lịch. Thây trôi đến cầu Vu Quyết (có lẽ là Yên Quyết, ở gân góc tây nam thành Thăng Long), trước nhà Diên Thành Hầu, thì thình lình đứng dựng lên, mà trỏ tay vào nhà hầu. Hầu sợ, chạy mách Đại Diên. Pháp sư tới đọc một câu kệ. Thây bèn trôi đi.
    Đạo Hạnh muốn trả thù cha, nhưng không có kế. Một hôm, ông rình Đại Diên. Lúc pháp sư đi ra, ông toan giơ gậy đánh, thì nghe trên không có tiếng mắng, bảo: “Chớ, chớ!” Ông sợ bèn bỏ gậy mà chạy.
    Ông muốn sang Ấn Độ học dị thuật để chống với Đại Diên. Nhưng khi đi đến xứ mán Kim Xỉ (Mán răng vàng, có lẽ ở vùng Thượng Lào hay Vân Nam), thì đường sá hiểm trở quá, nên ông đành trở về. Ông bèn lên núi Từ Sơn mà ẩn. Ngày ngày, niệm kinh Đại bi tâm đà la ni, niệm đủ một vạn tám nghìn lần. Một hôm, ông thấy thần nhân tới nói rằng: “Đệ tử là Tứ Trấn thiên vương. Cảm công đức sư tụng kinh, cho nên lại hầu, để sư sai khiến.”
    Đạo Hạnh tự biết rằng mình đã học được đạo pháp và thù cha sẽ trả xong. Ông bèn tới cầu Vu Quyết, cầm gậy thử, ném xuống sông. Gậy bèn trôi ngược dòng như rồng lội, đến cầu Tây Dương mới dừng. Ông mừng và nghĩ thầm rằng phép mình sẽ thắng Đại Diên. Ông bèn đi thẳng đến nhà Đại Diên. Đại Diên thấy ông, liền nói: “Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?” Ông ngửng mặt lên trời, thì không thấy có gì lạ. Ông bèn lấy gậy đánh Đại Diên. Đại Diên phát bệnh mà chết.
    Sau khi thù cha rửa sạch, ông bèn đi thăm các tùng lâm, bàn đạo với các sư Trí Huyền ở Thái Bình và Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân.
    Rồi đến năm Hội tường đại khánh thứ ba 1112, xẩy ra chuyện Giác Hoàng đã kể trên.
    Sau đó, Đạo Hạnh được tha. Ông xin đến nhà Sùng hiền hầu, dùng phép Đại Diên bầy cho Nguyễn Bông trước, để đầu thai. Ông cũng nấp ở buồng tắm phu nhân. Phu nhân giận mách. Hầu biết chuyện, nên không nói gì. Phu nhân bèn có mang. Ngày chuyển dạ, phu nhân theo lời Đạo Hạnh dặn trước, sai người lên chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) báo tin cho ông. Đạo Hạnh bèn tắm rửa, thay quần áo, rồi vào trong hang núi mà chết. Ấy là ngày Dương Hoán sinh, tức là Lý Thần Tông.
    Sách TT chép vào tháng sáu năm Bính Thân 1126. Xác Đạo Hạnh không hư hỏng. Dân làng giữ để thờ. Đến đời Minh Vĩnh Lạc, quân Minh sang đánh Hồ Quí Li, mới đốt mất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:35:00 pm »

Ai cũng tin rằng, nếu tìm được thiền tăng hay đạo sĩ dạy cho, thì mình có thể biến đổi được sức mạnh thiên nhiên, hòa mình, ẩn thân, rút đất phục hổ, cầu mưa, làm nắng. Vì thế, một vị thái sư có danh vọng như Lê Văn Thịnh mà phải cách chức mà toan bị giết, chỉ vì vua Nhân Tông nghi ông đã hóa hổ để vồ mình; một tên dân thường mộng thấy trâu trèo lên ngọn cây muỗm, mà đoán rằng mình sắp được làm vua, bèn nổi loạn1.

Ở trong triều, thì từ công hầu, hoạn đậu, cho đến những tăng già, cũng đua nhau hiến vật lạ, cho là điềm tốt: nào rùa sáu chân ba mắt, mang từng hàng chữ chúc vua trên mai, nào hươu trắng hươu đen, sẻ vàng ác trắng, nào cau chín buồng, lúa chín bông, cá ruột có ngọc, ngựa chân có cựa. Những điềm lành như mây ngũ sắc, rồng vàng hiện, thì các chính sử TT và VSL còn chép rất nhiều.

Tuy những sự mê tín này không có ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, nhưng nó đủ chứng minh rằng tâm thần nhân dân rối loạn, thời giờ của nhà chức trách bỏ phí vào việc hão huyền, và sự thưởng phạt của nhà vua thường căn cứ vào những điều không chính đáng.
____________________________________
1. CHUYỆN LÊ VĂN THỊNH. - Lê Văn Thịnh đậu khoa nho đầu tiên ở nước ta, mở năm 1075; rồi được vào dạy vua Nhân Tông (III/2). Năm 1084, Văn Thịnh được sai tới trại Vĩnh Bình để chia địa giới với Thành Trạc là quan Tống. Năm sau, được cất lên chức thái sư. Y giữ chức tể tướng trong mười hai năm. Năm 1096, y bị cách chức và đầy đi nơi nước độc. Nguyên do chỉ vì một việc tin dị đoan rất thường thấy ở đương thời. Các sách TT, VSL, VĐUL đều chép chuyện ấy.
    Văn Thịnh nuôi được tên hầu, người Đại Lý (Vân Nam), biết làm phép thả hơi mù và biến thân thành hổ báo. Văn Thịnh học lại được phép ấy. Y bèn lập kế giết tên hầu, và định dùng thuật ấy để cướp ngôi vua.
    Bấy giờ vào tháng mười một (theo VSL, còn TT nói tháng ba, và VĐUL nói mùa thu), vua Lý Nhân Tông dạo chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) xem đánh cá. Vua cưỡi trên một chiếc thuyền chài, có tên là Mục Thận, người phường Tây Hồ (ở trên bờ bắc hồ), đứng đầu mũi, bủa lưới. Lúc thuyền ra đến giữa hồ, thình lình mù lên đen tối. Nhìn chung quanh không thấy rõ. Bỗng nghe tiếng thuyền chèo vụt vụt, lướt qua mù tới thuyền vua. Qua mù, ai cũng nhìn trong thuyền ấy có một con hổ lớn đang nhe răng như muốn cắn. Vua sợ lắm. Mục Thận thấy vậy cũng kêu nguy cấp. Sẵn lưới ở tay, Thận ném vào thuyền kia, bắt được hổ. Thì lại hóa ra Lê Văn Thịnh!
    Vua sai lấy dây sắt trói vào cũi mà giam. Nhưng nghĩ rằng Văn Thịnh là một đại thần, từng có công to, vua không nỡ giết (TT). Bèn sai đầy lên ở một trại ở thượng lưu sông Lương (theo VSL; còn TT và TĐUL đều nói sông Thao.)
    Chuyện trên này tiêu biểu cho sự mê tín có ảnh hưởng lớn đến chính trị ở triều Lý. Sử còn cho biết nhiều chuyện chứng rằng Nhân Tông, cũng như các vua Lý về sau, rất tin ảo thuật, và có thần kinh dễ cảm xúc. Cho nên, chỉ vì một việc xẩy ra rất thường, mà Văn Thịnh xuýt chết. Về tháng mười một, trận mù thình lình tới trên hồ, đó là một sự thường có. Nhưng với tâm thần hay bị xúc cảm của vua Lý, khi thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước, thì vua cũng đâm ra hoảng hốt. Có lẽ Văn Thịnh, cũng vì thấy trời tối, mà vội vã sai chèo thuyền gấp để hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị trùng chiềng không vững, Văn Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững. Hình dáng trông như một con hổ. Một mặt khác, có lẽ Văn Thịnh cũng tin vào các thuật, và có tiếng sẵn là đã học được phép hóa hổ. Cho nên, kẻ trông thấy hình con hổ trong thuyền lại càng nghi cho y muốn hại vua.
    Cũng may cho y. Tuy vua tin dị đoan, nhưng đạo Phật đã gieo mối từ tâm, cho nên Văn Thịnh không bị tru di tam tộc như Nguyễn Trãi đời sau. Các nhà bình luận phái nho ở đời sau, như Ngô Sĩ Liên, còn trách rằng: “Nhân thần mà mưu giết vua cướp ngôi, thế mà còn tha tội. Lại sai hình chính như vậy; ấy bởi vì lỗi vua quá sùng đạo Phật”.
    Sau đó, Mục Thận được ban chức đô úy tướng quân, và đất Tây Hồ làm thực ấp (TT). Mục Thận làm quan đến chức phụ quốc tướng quân. Sau khi mất được tặng hàm thái úy, và được vua sai lập đền ở phường nhà. Đền ấy đến nay vẫn còn. Sách VĐUL còn chép thêm rằng cạnh đền có một cổ thụ rất to, hình dáng cong queo, như thân con rắn lớn. Cành lá thưa thớt, trong thân có lỗ. Trong lỗ có con trăn làm tổ. Ngày sóc vọng, trăn vào đền, khoanh thành mấy vòng nằm trầu.
    CHUYỆN TRÂU TRÈO MUỖM. – Lê Văn là một tên lính ở giáo Cổ Hoằng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.). Người giáp ấy có kẻ thấy dấu tích một con trâu trèo lên một cây muỗm. Xem ra, thì là trâu trắng. Khá lâu sau, trâu trắng lại xuống bằng một lối khác. Lê Văn bèn đoán rằng. “Trâu trắng là một vật ở thấp. Nay nó lại trèo lên cao. Đó là điềm kẻ dưới được lên ở trên”. Tuy các sách sử không nói, nhưng có lẽ Văn là tuổi Sửu (cầm tinh con trâu), và tự cho rằng điềm ám chỉ mình. Y bèn tụ quân làm loạn (TT). Bấy giờ vào năm 1192, đời Lý Cao Tông. Vua sai Đàm Dĩ Mông đem quân Thanh Hóa dẹp. Dĩ Mông sai đẵn chuối bỏ sông, ngăn cản thuyền của Văn không bày thành trận được. Quân Dĩ Mông thình lình tiến tới đánh gấp. Quân Văn liền tan.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2009, 10:47:08 pm »


Đến cuối đời Lý, nho học bành trướng. Những tà thuyết dần dần bị phát giác; những ảo thuật của kẻ bịp đời bị bộc lộ. Sử còn chép những chuyện buồn cười, như vị sư ở Tây Vực khoe mình biết phục hổ, nhưng đến khi làm thử thì chết khiếp rồi bị hổ vồ. Lại như chuyện tên hầu cận nói mình có phép làm im sấm nhưng sau khi đọc chú, sấm vẫn ầm ầm, làm cho Lý Cao Tông sợ kinh1.

Trên đây là nói riêng về ảnh hưởng không tốt của sự mê tín dựa theo đạo Phật. Còn như những tư tưởng siêu việt những giáo dụ từ bi của đức Phật, thì hẳn đã có ảnh hưởng rất hay đối với phong tục và văn hóa nước ta về triều Lý.

So sánh với hai triều Đinh Lê, ta nghiệm thấy rằng trong đời Lý, phong tục triều đình thuần hậu hơn nhiều. Các vua vũ biền các đời trước đã đem những thói giết chóc thời loạn ra thi hành ở thời bình. Những cực hình dùng hàng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập tính của người rừng rú. Những việc Đỗ Thịnh giết cha con vua Đinh, Ngọa Triều giết em là Lê Trung Tông, đủ tiêu biểu lòng tàn nhẫn, tính phàm phu và sự chỉ có tư lợi điều khiển những hành vi của kẻ cầm quyền.

Sang đời Lý, thì khác hẳn. Tuy rằng trong các vụ hành quân ở Chiêm hay đánh Tống, có giết hại nhiều người, tuy rằng khi có loạn trong nước, vẫn có gia tài tử hình, nhưng ta phải nhận rằng chưa có đời nào, như ở đời Lý, mà vua có độ lượng khoan hồng đối với dân hay là đối với kẻ địch. Lý Thái Tông đã tha tội cho Nùng Trí Cao. Lý Thánh Tông đã tha chết cho vua Chàm là Chế Củ. Tuy rằng đó là có lợi cho đường chính trị, nhưng nếu không có sẵn từ tâm, thì ắt không nghĩ đến khoan hồng để làm lợi cho chính trị mình.

Nhờ sẵn từ tâm như vậy, cho nên các vua Lý đã có những cử chỉ đáng kính, tuy vụn vặt, nhưng còn được ghi lại trong sử sách. Mùa đông năm Ất Mùi 1055, trời giá rét, Lý Thánh Tông nói với các quan rằng: “Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù nhân bị nhốt trong lao tù, chịu trói buộc khổ sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương tựa. Ta thật lấy làm thương”. Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho một ngày hai bữa cơm. (TT)

Lại có lúc, Thánh Tông chỉ con gái mình là công chúa Động Thiên, mà nói với các quan coi việc kiện tụng rằng: “Ta yêu con ta, như ta là cha mẹ dân yêu dân. Vì dân không hiểu luật lệ, nên mắc tội. Ta lấy làm chướng. Vậy từ rày về sau, không kể tội nặng hay nhẹ, các ngươi phải xử một cách khoan hồng cả”. (TT 1065)

Lòng thương người như vậy của Thánh Tông không phải là một sự giả dối của nhà chính trị, mà chính là phần biểu diễn của lòng từ bi, do Phật giáo gây nên. Chính Lý Thánh Tông là tổ thứ nhất một dòng Thiền Tông ở nước ta, là dòng Thảo Đường, lập ra tại chùa Khai Quốc ở Thăng Long (TUTA 71b)

Cho đến thái hậu Ỷ Lan, tuy có ghen tuông, cho nên đã bức sát thái hậu Thượng Dương và các cung nữ, nhưng sau đó, bà biết hối và luôn luôn tìm chuộc tội mình. Bà xuất thân là một gái thôn quê, biết rõ nỗi gian lao của nông dân phải cày sâu cuốc bẫm. Cho nên bà đã có lúc khuyên Lý Nhân Tông phạt tội nặng những kẻ trộm và giết trâu. Tháng hai năm Đinh Dậu 1117, thái hậu nói cùng vua: “Gần đây người kinh thành và làng ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông dân cùng quẫn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây ta đã từng mách việc ấy, và nhà nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước”. Nhân Tông bèn hạ lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng xóm, vì tội không tố giác. (TT)

Thái hậu chậm con hiếm cháu, cho nên thương những đàn bà con gái, vì nghèo, phải đem thân thế nợ, không thể lấy chồng. Mùa xuân năm Quí Mùi 1103, thái hậu lấy của kho chúng chuộc về, và gả cho những kẻ góa vợ (TT)

Tuy những hành động từ bi của Thái hậu không phải tự nhiên mà có, tuy đó vì một phần muốn chuộc tội và cầu phúc cho con, nhưng chắc nhờ ảnh hưởng Phật mới có những hành động bác ái ấy.

Vả chăng, ở triều Lý, ít có những cuộc tàn sát vì những chuyện mưu tiếm vị cướp quyền. Tuy có hai lần, vào đời Thái Tông và Cao Tông, nhưng kết cục, cũng không khốc hại như ở các triều khác. Các đại thần cũng ít người bị nghi kị và tàn sát như ở các đời sau.

Nói tóm lại, sau các đời vua hung hãn họ Đinh, Lê, ta thấy xuất hiện ra những kẻ cầm quyền có độ lượng khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam phản bạn. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.

Mà thực vậy, mỗi lúc ta thấy có nho gia bài xích Phật giáo, thì ta biết rằng trong nước sẽ có cuộc tranh quyền lợi mà giết lẫn nhau. Sau khi Đàm Dĩ Mông sa thải tăng già, thì có Trần Thủ Độ liền sau tàn sát họ Lý. Cuối đời Trần, nho học nên thịnh. Có Trương Hán Siêu, Lê Quác chỉ trích đạo Phật, thì sau lại có Hồ Quý Ly sát hại họ Trần. Trần Thủ Độ và Hồ Quý Lý làm những việc kia, ấy cũng vì muốn thi hành chính trị vị danh, xa hẳn lòng bác ái từ bi của Phật.

Mà trong khỉ Dĩ Mông phỉ nhục tăng đồ, thì lại có một vị tăng dám can Lý Cao Tông đừng hát xướng chơi bời, xa hoa quá độ. Lời can ấy lại viện sách nhà Nho! Sư là tăng phó Nguyễn Thường. Lời sư nói với Cao Tông rằng: “Tôi nghe ở tựa kinh Thi có nói: âm nhạc làm loạn nước thì nghe như oán, như giận. Nay dân thì loạn, nước thì khốn. Chúa thượng rong chơi vô độ. Triều chính rối loạn dân tâm lìa tan. Đó là triệu chứng nước mất đó.”

Lời can ấy cũng đủ tỏ giá trị của người đi tu và ảnh hưởng của họ đối với chính trị với phong hóa. Mà lời can ấy lại là một lời đoán vận mệnh nhà Lý rất hay, chỉ cần lý luận mà tìm ra, chứ chẳng phải mượn kĩ thuật gì cả.
________________________________________
1. CHUYỆN SƯ GIÁNG HỔ.- Mùa thu năm Đinh Mùi 1187, đời Lý Cao Tông có một sư người Tây Vực (phía tây bắc Ấn Độ) tới Thăng Long. Cao Tông hỏi: “Sư biết phép gì không?” sư trả lời “Biết giáng hổ”. Vua sai tên chỉ hầu phụng ngự Lê Năng Trường đem sư về công quán ở, và sai người bắt hổ để thử. Hơn một tuần sau, sư nói với Năng Trường rằng hổ ấy có thể phục được. Năng Trường tâu vua. Vua sai dựng chuồng trong các Vĩnh Bình. Rồi bảo sư vào chuồng thử hồ. Sư đi ren rén bước một, miệng đọc chú, tay cầm gậy. Đến trước hổ, sư lấy gậy đánh vào đầu hổ. Hổ vồ lấy gậy. Sư lui ra, tâu vua: “Có người nào ác, đã giải mất phép chú của tôi.”
    Một hôm khác, vua lại sai thử lại. Sư xin làm đàn cầu Phật trước. Vua bằng lòng. Nhưng sư làm lễ lâu không chịu vào thử. Vua muốn thử cho đến cùng. Một hôm khác, vua ép sư vào chuồng hổ. Hổ nhảy lồng lên gường nhà, cào, thét. Sư sợ quá, lùi, không biết làm gì nữa. Bèn tựa chuồng mà chết.
    CHUYỆN THỦY CUNG - Lý Cao Tông thường say đắm chơi bời. Thường lấy vải lụa bọc sáp chung quanh, rồi vứt xuống hồ trong Thượng uyển, và sai kẻ hầu lặn xuống mò lên, để giả làm như Thuỷ cung đem hiến. Sau, có tên hầu, là Vũ Cao, sợ phải lặn mò. Y bèn bịa đặt kể lại chuyện sau: “Cao qua chơi trên bờ hồ. Thấy một người lạ cầm lấy tay mà dắt đi. Đến gốc cây muỗm trên bờ hồ người kia kéo Cao, bảo đi xuống nước. Cao sợ chết đuối, không dám tiến. Một lát, thấy nước rẽ ra. Cao bèn đi vào. Đến một nơi, thấy cung điện nguy nga, thị vệ nghiêm chỉnh. Cao hỏi ai ở đó. Người kia trả lời: ta ở đó để quản hồ này. Rồi người kia sai dọn mâm cỗ, cùng Cao uống rượu. Rượu xong, Cao xin về. Người kia đưa cho cau cầm tay, rồi dẫn ra. Đến gốc cây muỗm, thì không thấy người kia đâu nữa, mà trong tay, cau đã hóa ra mấy viên đá. Bấy giờ Cao mới biết hồ có thần”.
    Cao Tông nghe chuyện, không sợ hãi gì cả, mà còn sai chôn sắt để yểm thần. (VSL 1206)
    CHUYỆN GỌI NƯỚC. -Đến mùa đông, nước hồ cạn. Cao Tông không thể dong thuyền chơi trên hồ được. Vua bảo kẻ hầu chung quanh: “Có ai làm phép cho nước sông lên tây hồ được, thì ta sẽ hậu thưởng”. Có tên Trần Túc trả lời: “Tôi làm được”. Không phải như ta tưởng; Túc không làm máy tát nước đâu. Y định làm phép chú. Vua sai làm, nhưng nước không lên. (VSL 1206)
    CHUYỆN GIÁNG SẤM - Tính Cao Tông sợ sấm. Mỗi lúc nghe sấm động thì run sợ. Có tên cận thần Nguyễn Dư khoe mình có phép giáng sấm. Gặp khi có sấm kêu, Cao Tông bảo nó làm phép. Dư ngửng mặt lên trời đọc chú. Sấm lại càng kêu lớn. Vua hỏi tại sao, Dư trả lời: “Tôi đã rằn nó từ lâu, mà nó còn cường bạo như thế đó? “ (VSL 1206).

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2009, 10:54:42 pm »


7- Đạo Phật và văn hóa

Lời sư Nguyễn Thường can vua lại chứng tỏ một sự mà ta đã biết rồi, là ở đời Lý, phần lớn các tăng học nho rất rộng. Vậy nên tăng đồ có ảnh hưởng lớn đến văn hóa đương thời. Văn thơ đời Lý để lại còn nhiều, nhờ sách TUTA và một số bia nhà Lý. Ta thấy các sư, thật là những người hay chữ. Mà những nho gia khác cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhà chùa.

Câu truyện làm thơ đầu tiên trong lịch sử độc lập nước ta thuộc về hai vị sư. Tống Thái Tông sai nhà văn hào Lý Giác sang phong cho Lê Hoàn làm Tĩnh Hải tiết độ sứ. Năm 987, Giác tới nơi. Chắc trong triều bấy giờ ít người hay chữ. Vua phải nhờ đến sư Đỗ Thuận tiếp. Các sách TT và TUTA chép rằng sư giả làm lái đò chèo thuyền cho Giác. Tính Giác thích làm thơ. Bấy giờ có hai con ngỗng cùng bơi trên mặt nước. Giác ngâm:

Nguyên văn:

                Nga nga, lưỡng nga nga.
                Ngưỡng diện hướng thiên nha

Nghĩa là:

                Ngỗng kia! Ngỗng một đôi!
                Nghểnh cổ nhìn góc trời.


Sư Thuận nghe, ứng khẩu đọc tiếp:

                Bạch mao phô lục thủy.
                Hồng trạo bãi thanh ba.

Nghĩa là:

                Nước xanh lông trắng phủ.
                Sóng biếc chân hồng bơi.


Giác khen sư hay thơ và có tài mẫn tiệp. Rồi Giác làm thơ vịnh, nhưng tỏ ý kính trọng vua ta. Cho nên lúc Giác ra về, vua Lê nhờ sư Khuông Việt làm bài ca tặng. Bài ca ấy nay còn chép (TT và TUTA). Khuông Việt soạn ra bài ca chúc sứ lên đường, lúc cùng nhau uống chén tiễn biệt. Sau đây là bài dịch theo đúng điệu và nguyên văn:

                “Trời lành, gió thuận, buồm gấm trương,
                Thần tiên về đế hương.
                Ngàn trùng vượt sóng bể mênh mang,
                Đường xa mấy dặm trường.
                Cạn tình thảm thiết chén li xương,
                Cầm tay sứ, lòng càng...
                Nhờ đem thâm ý người nam cương.
                Phân minh tâu thượng hoàng.”


Đó là lời tửu chúc từ thân thiện đầu tiên trong lịch sử ngoại giao của nước Việt. Mà lại là của một vị sư!

Bước sang triều Lý, nho thần đủ người để sung vào việc ngoại giao. Ta không thấy những vị sư tiếp sứ nữa. Nhưng sư vẫn có nhiều người hay chữ. Nguồn thơ là đạo lý uyên nguyên. Suốt quyển TUTA, trong chuyện tất cả các vị sư, đều có một vài câu kệ bằng văn vần. Trong khi các sư nói chuyện về đạo lý cùng nhau, họ đều đọc thành những câu kệ, ý tứ mông lung, nhưng đối với sự hiểu thường của ta, thì thường không rõ ý. Ví như chuyện có tăng tới hỏi sư Viên chiếu, là con anh thái hậu Ỷ Lan, rằng: “Phật và Thánh nghĩa là thế nào?” Sư trả lời:

                Cúc trùng dương dưới giậu,
                Oanh thục khí đầu cành


Tăng kia không hiểu, nhờ sư giảng. Sư lại nói:

                Ngày thì ác vàng chiếu
                Tối lại thỏ ngọc soi.


Tăng bèn nói đã hiểu chân lý của sư. Thật ra, ta không biết ý ấy ra sao. Phải chăng sư muốn nói rằng Phật và Thánh nghĩa là tất cả những biến tướng hiện ra trong trời đất?

Trái lại có một vài bài thơ ý tứ gần ta hơn, nhưng lời lẽ rất thanh tao, đọc lên cảm thấy đời sống mặc tĩnh, ý nghĩ thâm trầm của những nhà cao ẩn. Ví dụ như bài kệ của sư Mãn Giác (XV/3), là một vị tăng con một đại thần, và được vua Nhân Tông và thái hậu Linh Nhân rất trọng. Sư mất khi mới 45 tuổi, năm Hội Phong thứ 5 (1096). Trước khi mất, sư đọc bài kệ sau này:

Nguyên văn:

                  Xuân khứ bách hoa lạc,
                  Xuân đáo bách hoa khai.
                  Sự trục nhãn tiền quá,
                  Lão tùng đầu thượng lai.
                  Mạc vị xuân tàn hoa tận lạc,
                  Đinh tiền tạc dạ nhất chí mai.

Nghĩa là:

                  Xuân qua trăm hoa rụng,
                  Xuân lại nở trăm hoa.
                  Trước mắt sự đời thoảng,
                  Trên đầu hiện tuổi già.
                  Chớ bao xuân tàn hoa rụng hết.
                  Ngoài sân đêm trước một cành mơ


Tóm tắt trong sáu câu trên, có đủ ý vũ trụ tuần hoàn trái với đời người ngắn ngủi, ý người ta không nên lấy sự ấy làm phàn nàn, vì tuy mất rồi, nhưng vẫn còn tinh hoa để lại cùng trị.

Cho đến phái nho, vì hằng ngày giao thiệp với các tăng, nên cũng chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo. Thi văn của phái nho nay không còn gì nữa, ngoài một vài bài, giữ được nhờ sách TUTA. Ví như hai bài thơ của vị công bộ thượng thư Đoàn Văn Liệm tặng và điều thiền sư Quảng Trí (TUTA 18a), mất vào khoảng đời Quảng hữu (1085-1092). Bài thơ điếu như sau: Lâm man bạch thủ độn kinh thành.

                Phất tụ cao sơn viễn cánh hinh.
                Kỷ nguyện tĩnh cân xu trượng tịch,
                Hốt văn di lý yểm thiền quinh.
                Trai đình u điểu không đề nguyệt,
                Mộ tháp thùy nhân vị tác minh.
                Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,
                Viện tiền sơn thủy thị chân hình.


Phỏng dịch như sau:

               Rừng xanh đầu bạc lánh kinh thành,
               Rủ áo lên non rậy nổi danh.
               Toan đổi khăn sồng lên cửa Phật,
               Thoát nghe tiếng dép động ngoài sanh.
               Sân chùa chim rũ gào suông nguyệt,
               Mộ tháp ai còn giúp viết minh.
               Bạn đạo xin đừng than vĩnh biệt,
               Trước am, sông núi ấy chân hình.


Văn đời Lý nay chỉ còn một ít văn bia, do tăng hay nho viết. Những bia ấy là bia chùa. Văn rất cổ kính. Trong chương sau, ta có nhịp dịch một vài đoạn văn của Hải chiếu đại sư.

Về khảo cứu, ta đã thấy rằng quốc sư Thông biện thật là một nhà khao cổ uyên bác. Chỉ tiếc nay không còn trước tác gì khiến ta biết rõ hơn.

Nói tóm lại, văn học đời Lý đã thịnh, và chịu ảnh hưởng đạo Phật nhiều. Vả nhờ đạo Phật mà các bia chùa, và sách Thuyền uyển tập anh còn giữ được một phần tác phẩm. Xem vậy Phật giáo có công to đối với sự phát triển cũng như sự bảo tồn văn học nước nhà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 09:14:25 pm »

Đối với các ngành mỹ thuật, như kiến trúc, điêu khắc và hội họa, đạo Phật là một cớ làm tiến triển rất to.

Trong triều Lý, rất nhiều chùa tháp được xây dựng với qui mô rộng lớn. Hầu hết những danh lam còn lại, là do từ đời Lý lập ra. Những thắng tích ở Hà Nội, như quán Trấn Vũ (tên tục là chùa Quán Thánh, tên đời Lý là Bắc Đế, 1102), Diên Hữu (tên tục là chùa Một Cột, 1049), đền Nhị Nữ (tục gọi là tên Hai Bà, nguyên ở phường Bố Cái tức là ở bãi Đồng Nhân, 1160), đền Linh Lang (tên tục là đến Voi Phục), đều khởi tạo từ đời nhà Lý. Sách TUTA và các sử còn chép nhiều tên chùa dựng ở Thăng Long, nhưng nay đã bị hủy mất, hay đã bị đổi tên1.

Còn như những danh sơn như núi Long Đội ở huyện Duy Tiên, núi Phật Tích ở huyện An Sơn, núi Tiên Du ở huyện Tiên Du, núi Lam Sơn ở huyện Quế Dương, núi Tiêu Sơn ở huyện Yên Phong, núi Đồ Sơn ở huyện Nghi Dương, đều có dựng chùa và tháp.

Ngoài những từ miếu, các vua Lý còn dựng và sửa chữa nhiều cung điện ở Thăng Long và ở những nơi vua thường đi chơi hay đi làm lễ xem gặt, xem cày. Tuy là các tạo tác này không có tính cách tôn giáo, nhưng chắc nó cũng chịu nhiều ảnh hưởng của sự dựng chùa.

Trong chương sau, ta sẽ thấy tả một vài chùa cổ làm trong hồi Lý Thường Kiệt vào trấn ở Thanh Hóa. Sau đây là tả qui mô chùa Một Cột, theo ba STDL và sách TT. Tháng 9 năm Ất Dậu 1105, Lý Nhân Tông dựng hai tháp mái bằng sứ trắng ở chùa Diên Hữu. Bấy giờ vua chữa lại chùa (TT). “Ở vườn Tây Cấm, dựng chùa Diên Hữu. Theo giấu chế độ cũ, thêm mưu mới của nhà vua. Tạc hồ Linh Chiểu. Trên hồ dựng lên một cột đá. Trên cột đá nở một hoa sen nghìn cánh. Trên hoa lại gác một tòa điện. Trong điện đặt tượng Phật vàng. Chung quanh hồ có hành lang bao vây, tường vẽ. Ngoài hành lang lại có hồ Khang Bích bọc bốn bề. Mỗi bề có cầu thông ra ngoài sân. Trong sân, kề đầu cầu ở trước chùa, có dựng hai tháp lợp ngói sứ.” (Bia STDL)

Tuy những cung điện, chùa miếu cũ nay không còn, nhưng ở một vài nơi, còn có vài tòa tháp, hay một tấm bia, hay vài bệ đá, hay ít nhiều tảng đá chạm cũ. Những di vật ấy cũng đủ tỏ cho ta thấy rằng nghề kiến trúc, cũng như nghề điêu khắc đời Lý, rất tinh vi và hùng vĩ, các triều đại sau không sánh kịp2.

Một ảnh hưởng bất ngờ của đạo Phật là: nhờ các vua Lý muốn tổ chức những hội long trọng, cho nên đã khuyến khích sáng chế ra nhiều máy tự động. Sử và nhất là bia STDL còn tả rõ những máy đã được thực hiện ở trong đời Nhân Tông.

Đây là máy kim ngao. Ngày trung thu và ngày tết, Nhân Tông ngự ở điện Linh Quang trên bờ sông Lô. Dưới sông, hàng nghìn thuyền gióng đua bơi, ở giữa sông, một con rùa vàng nổi, lưng đội ba hòn núi. Rùa lội rù rờ trên mặt nước, lộ vân trên vỏ và rè bốn chân. Chuyển mắt nhìn lên bờ, miệng thì phun nước lên bến. Quay đầu hướng tới ngai vua, mà cúi đầu chào. (STDL)

Đây là máy đèn quay và người nộm đánh chuông. Ấy là lúc vua kén hoàng hậu. Nhân Tông đặt hội đền Quảng Chiếu. “Dựng đài Quảng Chiếu, ngoảnh ra cửa Đoan Môn.

Giữa nêu một cột, ngoài đặt bảy từng. Rồng cuốn mà đỡ tòa kim liên, rèm rồng mà che đèn sáng rực: Có máy dấu kín dưới đất, làm đài quay như bánh xe. Lại có hai tòa hoa lâu. Treo quả chuông đồng. Tạc chú tiểu mặc áo cà sa, vặn máy kín thì giơ dùi đánh. Nghe tiếng sáo, liền quay mặt lại. Thấy bóng vua, lại biết cúi đầu. Tựa hồ như có chí khôn, biết khi động khi tĩnh. (STDL)

Nói tóm lại, suốt trong triều Lý, đạo Phật được vua quan trọng, tăng già nhiều kẻ giỏi giang. Cho nên ảnh hưởng Phật giáo ăn sâu vào tất cả các ngành hoạt động của người trong nước, về phương diện tinh thần cũng như vật chất.
__________________________________
1, 2. Sau đây, kê những việc các vua Lý làm, có liên quan với việc đạo Phật, Lão và Nho. Bảng kê theo hai sách TT và VSL. Khi nào cả hai sách cùng chép một việc, thì sau việc ấy, có đánh dấu (C). Khi nào chỉ một sách chuyện ấy mà thôi, thi chỉ đánh một dấu (T) hay (V). Còn về cách chép năm, thì trong khoảng từ năm 1133 đến 1155, hai sách ấy chép lệch năm nhau. Trong khoảng 1133-1139, cũng cùng một chuyện, sách TT chép chậm lại một năm đối với VSL, trong khoảng 1140-1155, sách TT chép chậm đến hai năm đối với VSL. Muốn biết đâu là hư thật, ta phải so sánh với những tài liệu thứ ba.
    Trong khoảng đầu, TS và bia Đỗ Anh Vũ đều cho ta biết rằng Lý Thần Tông mất năm Đ. Ti 1137, y như trong VSL. Thế mà TT lại chép chuyện ấy vào năm sau. Ta phải nhận rằng TT sai, mà VSL đúng. Vì đâu có sự sai ấy? Xét kỹ, ta thấy TT bỏ sót mất đề mục năm Q.Su 1133, cho nên chép chuyện năm ấy vào năm sau; rồi sự sai ấy kéo chuyện đến năm Canh Thân 1140, mà ta phải chữa ra K.Vi 1139.
    Trong khoảng thứ hai, TS cho ta biết rằng tháng 4 năm A. Su 1145, có sao chổi hiện. Thế mà sách TT lại chép vào năm 1146, và VSL lại chép vào năm 1144. Vả chăng, TT còn cho biết rằng năm ấy có tháng 6 nhuận; mà theo lịch Tống thì chính năm A.Su 1145. Trong khoảng nói đây, 1140-1145, TT vẫn chép chậm một năm, mà VSL lại chép sớm hơn một năm.
    Trong bảng kê sau đây, tôi sẽ theo nguyên tắc trên mà chữa niên kỷ của hai sách.

Đời LÝ THÁI TỔ. Năm:
    1010, dựng chùa riềng Hưng Thiên Ngự Tự và lầu Ngũ Phượng. Tinh tâu trong thành nội. Dựng chùa Thắng Nghiêm ở phương nam thành Thăng Long (C). Phát 2 vạn quan tiền để dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức đều có dựng bia ghi công. Sức cho các làng phải trùng tu chùa chiềng. Phát 1.680 lạng bạc để đúc chuông chùa Đại Giáo. Chọn dân làm tăng (T).
    1011, trong thành, dựng cung Thái Thanh ở bên tả, chùa Vạn Thọ ở bên hữu. Dựng nhà tàng kinh Trấn Phúc. Ngoài thành, dựng chùa Tứ Dạ Thiên Vương (T). Dựng chùa Cẩm YLong Hưng Thánh Thọ (C).
    1014, tăng thống Thẩm Văn Uyển xin lập giới trường ở chùa Vạn Thọ để tăng đồ thụ giới (xem 1011). Phát 310 lạng vàng để đúc chuông chùa Hưng Thiên, và 800 lạng bạc để đúc chuông chùa Thắng Nghiêm và lầu Ngũ Phượng (Xem 1010).(T)
    1016, dựng các chùa Thiên Quang, Thiên Đức, và tô tượng Tứ Thiên Đế (C). Dựng đền Lý Phục Man. Chọn hơn 1.000 người ở kinh sư, làm cho tăng và đạo. (T)
    1018, sai Nguyễn Đạo ThanhPhạm Hạc đi Tống xin kinh Tam Tạng (C). Năm 1020 mới về. Vua Lý sai sư Phí Trí tới Quảng Châu đón. (T)
    1019, độ dân làm tăng. (T)
    1021, dựng núi Nam Sơn chúc thọ (C). Dựng nhà tàng kinh Bát Giác. (T)
    1023, viết lại kinh Tam Tạng, rồi trữ tại tàng kinh Đại Hưng. (T)
    1024, dựng chùa Chân giáo ở trong thành nội, để tiện việc tụng kinh. (T)
    1027, sai viết kinh Tam Tạng

Đời LÝ THÁI TÔNG. - năm:
    1028, dựng núi Nam Sơn chúc thọ. Dựng miếu thần Đồng Cổ ở phía hữu thành Đại La, cạnh sau chùa Thánh Thọ. Đặt các giai cấp cho tăng và đạo. (T)
    1031, sai chữa và dựng nhiều chùa và quán; sách VSL, chép 150 nơi, sách TT chép 950 nơi. Lập pháp hội. Đặt chức kỷ lục coi cung Thái Thanh (xem 1011) và giao cho đạo sĩ. (T)
    1034, vua thăm chùa Trùng Quang ở núi Tiên Du. Dựng nhà tàng thư Trùng Hưng. Sai Hà Thụ và Đỗ Khoan đi sứ Tống. Vua Tống tặng cho kinh Tam Tạng. Hai vị tăng Nghiêm Bảo TínhPhạm Minh Tâm tự thiêu; sai để xá lị ở chùa Trường Thánh (T). Đào được hòm xá lị ở chùa Pháp Vân tại Cổ Pháp. (T)
    1035, cấp 6 nghìn cân đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang (xem 1034); chuông “tự dời đến chùa”. (T)
    1036, khánh thành phật hội Đại Nguyên ở Long Trì. Sai viết kinh Đại Tạng để trữ ở tàng thư Trùng Hưng (xem 1034). (T)
    1037, tượng phật cổ ở dưới đất mọc ra ở một vườn dâu tại Ô Lộ (T)
    1038, dựng bia chùa Trùng Quang (xem 1034) (T)
    1040 đặt hội La Hán. Khánh thành một nghìn pho tượng Phật bằng gỗ, một nghìn bức tranh và một vạn cờ phướn. (T)
    1041, xây viện Thiên Phúc ở núi Tiên Du, cấp 7.560 cân đồng để đúc tượng Di Lặc và chuông, đặt tại viện ấy. (T)
    1043, vua đi thăm chùa cổ ở núi Tùng sơn tại Châu Vũ Ninh. Chùa đã đổ. Có một cột đá tự nhiên dựng lại. (T)
    1048, dựng chùa Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, để cầu được mùa(c). Đặt lễ rước trâu đất đầu mùa xuân. (V)
    1049, dựng chùa Diên Hữu, tức chùa Một Cột (C). Nguyên vua mộng thấy Phật bà Quan âm ngồi trên đài hoa sen, đến dẫn vua lên trên đài. Lúc tỉnh, vua kể lại Triều Thần cho là điềm gở (điềm vua chết). Sư Thiền Tuệ khuyên nên xây chùa, dựng cột đá giữa hồ, đặt đài hoa sen có tượng Quan âm ở trên, như thấy trong mộng. Tăng đồ đi vòng quanh đài, tụng kinh để cầu cho vua sống lâu.(T)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 09:15:37 pm »

_____________________________________________

Đời LÝ THÁNH TÔNG. – Năm:
    1055, dựng chùa Đông Lâm (TUTA nói ở Điển Lạnh) và chùa Tĩnh Lữ, ở Đông Cứu. (V)
    1056, lập hội La Hán ở điện Thiên An (V), dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên; phát 12.000 cân đồng để đúc chuông chùa. Vua tự làm bài minh khắc vào chuông. Chùa này thường gọi là chùa Báo Thiên, ở chỗ nhà thờ lớn Cơ Đốc tại Hà Nội ngày nay. (C)
    1057, xây tháp Đại Thắng Tư Thiên, tức là tháp chùa Báo Thiên (xem 1056). Tháp cao vài mươi trượng. TT chép tháp có 12 tầng, VSL chép 30 tầng chắc sai. Dựng các chùa Thiên PhúcThiên Thọ; đúc tượng Phạm VươngĐế Thích để thờ ở đó. (C)
    1058, vua đi xem chỗ xây tháp Đồ Sơn (ở nơi khách sạn lớn tại mỏm núi Đồ Sơn ngày nay).(V)
    1059. dựng chùa Sùng nghiêm báo đức ở châu Vũ Ninh. Vua đặt tên cho tháp Đồ Sơn là Tường Long, vì “có rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Thọ”. (V)
    1063, dựng chùa ở núi Ba Sơn để cầu tự. (V)
    1066, sai lang tướng Quãnh Mãn dựng tháp ở núi Tiên Du. (C)
    1070, dựng chùa Nhị thiên vương ở đông nam thành Thăng Long (V) Tháng 8, dựng (hay chữa, TT chép tu) Văn Miếu; tô tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, thất thập nhị hiền để thờ. Cho hoàng thái tử ra đó học (T).
    1071, vua viết chữ Phật, cao một trượng 6 thước (C); khắc vào bia để tại chùa Tiên Du (T)

Đời LÝ NHÂN TÔNG -Năm:
    1072, ngày Phật đản, vua tới xem làm lễ tắm Phật (C)
    1073, rước phật Pháp vân về kinh để cầu tạnh. Lập đền thờ núi Tản Viên (VSL chép vào năm trước).
    1075, thi minh kinh bác sĩ. (T)
    1077, đặt hội Nhân Vương ở điện Thiên An. (V)
    1080, đức chuông chùa Diên Hữu (xem 1049), chuông không kêu, bèn vứt xuống ruộng Qui Điền, cạnh chùa. Đời sau, tướng Minh là Vương Thông bị Lê Lợi vây ở Thăng Long, bèn phá chuông để đúc súng. (T)
    1081, sai Lương Dũng Luật sang Tống xin kinh Đại Tạng. (V)
    1085, thái hậu đi chơi khắp sông núi, có ý dựng chùa (T; nhưng chép lầm ra hoàng hậu)..
    1086, thi chọn những kẻ có văn học, để bổ vào Hàn lâm. Dựng chùa ở núi Đại Lãm (C)
    1087, khánh thành chùa ấy. Đặt dạ yến. Vua làm hai bài thơ. (C)
    1088, phong sư Khô đầu làm quốc sư. Chia chùa làm ba hạng, thượng trung hạ. Dựng tháp ở chùa Lãm Sơn (xem 1088) (C )
    1094, tháp chùa Lãm Sơn (xem 1088) xong. Vua đặt tên chùa là Cảnh long đồng khánh, và đề tên bằng chữ triện vào trán bia. (V)
    1097, được mùa thái hậu dựng nhiều chùa (T)
    1098, lập núi Ngao trên đất. Sai Nguyễn Văn Tín đi sứ Tống, xin kinh Tam Tạng ( V)
    1099, dựng chùa ở núi An Lão(V)
    1100, dựng chùa Vĩnh Phúc ở núi Tiên Du (V)
    1101, dựng quân Khai nguyên (V) Chữa chùa Diên hữu (xem 1080) (C).
    1102, dựng các quan Thái Dương, Bắc đếKhai nguyên (xem 1101), để cầu tự. (V)
    1105, xây hai tháp lợp bằng ngói sứ trắng ở chùa Diên hữu và chữa chùa ấy (xem 1101, còn chi tiết thì xem XIV/7). Dựng ba tháp bằng đá ở chùa Lãm Sơn (xem 1094) (C)
    1108, xây tháp ở núi Chương Sơn (V).
    1109, xây đài Động Linh. (V)
    1110, mở hội đền Quảng Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng. (V)
    1112, xẩy ra chuyện Giác Hoàng (XIV/cth2)
    1114, chữa chùa Thắng Nghiêm (xem 1014) Đặt Thiên Pháp Đường. Dựng lầu Thiên Phật để đặt một nghìn pho tượng Phật (V)
    1115, khánh thành chùa Sùng Phúc ở làng Siêu Loại, là quê thái hậu Ỷ Lan (V). Trước sau, thái hậu dựng hơn trăm ngôi chùa. Thế truyền rằng Thái hậu hối việc ép Thượng Dương và các cung nữ chết, cho nên dựng nhiều chùa để sám hối. (T)
    1116, mở hội đền Quảng Chiếu. Từ Đạo Hạnh mất và đầu thai (xem XIV/cth 2). (C)
    1117, khánh thành tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Chương Sơn (xem 1108), thái hậu Ỷ Lan mất. Hỏa táng và ba cung nữ chết theo (C).
    1118, khánh thành tháp Thất Bảo. Khánh thành hội Thiên Phật ở chùa Thắng Nghiêm (xem 1114) và Thánh Thọ (xem 1028); có dẫn sứ Chiêm thành đi xem. Cầu được mưa. Vua viết vào bia tám chữ: Thiên hạ thái bình. Thánh cung, vạn phúc. (T)
    1119, khánh thành hội chùa Tĩnh Lữ (xem 1055) (T).
    1120, đặt hội đèn Quảng Chiếu (T). Dựng đài Chúng Tiên (C)
    1121, dựng chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du (C). Khánh thành điện Trùng Minh ở chùa Báo Thiên (xem 1057) (T)
    1122, khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đội Sơn (C)
    1123, khánh thành chùa Quảng Giáo (xem 1121) và chùa Phung từ. Dựng đài Tử Tiêu (T)
    1124, dựng chùa Hộ Thánh (T). Cầu mưa và xây đài Uất la (C).
    1126, mở hội đèn Quảng Chiếu, hội Nhân Vương ở Long Trì, hội khánh hạ Ngũ Kinh ở chùa Thọ Thánh (hay Thánh Thọ (xem 1118).(T)
    1127, khánh thành chùa Trùng Hưng Diên Thọ. Vua mất. Cung nữ lên hỏa đàn chết theo vua. (T)

Đời Lý THẦN TÔNG. Năm:
    1128, vua tới chùa Thiên LongThiên Sùng để tạ sự cờ phướn ở đó tự nhiên bay. Vua lại tới hai cung Thái Thanh (xem 1011), Cảnh Linh và các chùa quán khác để tạ ơn Phật. Cầu mưa được (T).
    1129, đặt hội khánh thành tám vạn bốn nghìn bảo tháp ở các Thiên Phù (có lẽ tháp bằng đất nặn, nay còn thấy nhiều ở dưới đất thành Thăng Long). (C)
    1130, khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. (T)
    1132, làm lễ nghinh xuân ở đình Quảng Văn, trước cửa Đại Hưng, nay là Cửa Nam (T)
    1133, dựng các quán Diên SinhNgũ Nhạc (C) Dựng hai chùa Thiên NinhThiên Thành. Tô tượng Đế Thích, vua tới xem (T).
    1134, khánh thành ba tượng Tam Tôn bằng vàng để ở quán Ngũ Nhạc (xem 1133). Khánh thành quán Diên Sinh (xem 1133) (T).
    1135, chuông cổ ở dưới đất lộ ra (C). Vua ốm nặng, sư Minh Không chữa lành. (T)
    1136, rước Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên để cầu mưa. Khánh thành chùa Linh Cảm (T)

Đời LÝ ANH TÔNG. Năm:
    1142, vua cầu mưa (T).
    1144, vua cầu tạnh. Dựng đền thần Tản Viên (xem 1073), và đền ông Nghiêm, ông Mẫu ở phường Bố Cái. Dựng chùa Vĩnh LongPhúc Thánh (T)
    1148, đặt hội Nhân Vương ở Long Trì (T).
    1154, đắp đàn Viên Khâu ở phía nam thành Thăng Long, để tế lễ Nam Giao. (V)
    1156, dựng miếu Khổng Tử (xem 1070). (C)
    1160, dựng đền Nhị Nữ (Hai Bà) và xây vưu ở phường Bố Cái (V) Dựng chùa Chân Giáo. Lấy vàng đúc tượng Phạm VươngĐế Thích, đặt ở hai chùa Thiên Phù và Thiên Hữu. (V)
    1161, dựng lại chùa Pháp Vân ở châu Cổ Pháp (C).
    1162, dựng đài Chúng Tiên, trên lợp ngói bằng vàng, dưới lớp ngói đúc bạc (V)
    1165, mở hội đèn Quang Chiếu Diên Mệnh (V)
    1166, bắt đầu làm lễ tắm Đạo. Đến năm 1171, thì bỏ lễ ấy (V)
    1169, chữa chùa Chân Giáo (xem 1160). Rằm tháng ba, có nguyệt thực, cá ở các cửa sông, cửa bể chết nổi. Vua sai các tăng ni, đạo sĩ tụng kinh cầu đảo. (T)
    1171, chữa miếu Khổng Tử (xem 1156) và miếu Hậu Thổ. (C)

Đời LÝ CAO TÔNG.- Năm:
    1179, chữa thêm chùa Chân Giáo (xem 1169). Thi các tử đệ tăng và tam quan ( V)
    1180, sai Tam Giáo làm bia để ở Đại Nội. (V)
    1187, chuyện sư giáng hổ (XIV/cth4)
    1188, vua đi cầu mưa ở chùa Pháp Vân, rồi rước tượng Phật ở đó về để tại chùa Báo Thiếp (T) Dựng cung Thánh nghi (V)
    1189, vua đi chơi khắp mọi nơi, đến đâu cũng có phong thần và lập miếu (T)
    1194, lấy vàng sai thiếp tượng Phạm VươngĐế Thích, đặt tại các chùa ấy. (V)
    1195, thi Tam giáo. Mở hội đèn Quảng Chiếu(V)
    1198, sa thải tăng, theo lời Đàm Dĩ Mông (XIV/4)
    1206, dừng chùa Thánh Huân. Chữa chùa Chân Giáo (xem 1179) (V) Chuyện vua sợ sấm (XIV/cth4).

Đời LÝ HUỆ TÔNG. - Năm:
    1224, vua nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, và ra ở chùa Chân Giáo (xem 1206).
    1226, vua Lý thắt cổ chết ở chùa ấy. (T)

PHỤ BIÊN: Theo gia phả họ Lê Quát ở xã Phủ Lý thì Lê Văn Thịnh người Đông Cứu (huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Vợ họ Lê, người làng Phủ Lý này. Văn Thịnh gặp bà, lúc thân phụ bà làm quan ở Thăng Long.
    Có lẽ chỉ vì vậy, con Văn Thịnh sau nhập tịch quê mẹ. Nhưng cũng có thể vì cớ thứ hai là Văn Thịnh đã bị đày vào Thanh.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:04:26 pm »


CHƯƠNG XV
LÝ THƯỜNG KIỆT VỚI ĐẠO PHẬT

1. Sư Đạo Dung. Chùa Hương Nghiêm - 2. Núi An Hoạch. Chùa Báo Ân. - 3. Núi Ngưỡng sơn. Chùa Linh Xứng


Lý Thường Kiệt sống trong thịnh thời của đạo Phật. Ông từng chịu Phật giáo chi phối một phần. Quả như lời đại sư Hải Chiếu nói trong bia L.X “ông tuy thân vướng cõi tục nhưng lòng đầy qui y”.

Không biết ông theo đạo Phật đến mực nào. Có điều chắc chắn là ông đã che chở các vị sư có danh như Tri Bát, Chân Không (TUTA), Đạo Dung (HN) và Sùng Tín (LX)


1-Sư Đạo Dung, chùa Hương Nghiêm

Năm 1077, Lý Thường Kiệt đã giúp sư Đạo Dung chữa chùa Hương Nghiêm ở Thanh Hóa.

Sách TUTA có chép chuyện vị sư này. Nhưng những bản, nay còn, đều chép hiệu sư là Pháp Dung. Ấy vì đời Trần, kiêng húy, Trần Hưng Đạo1.

Chùa Hương Nghiêm nay vẫn còn ở xã Phủ Lý, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chùa mới được trùng tu. Chùa còn có hai tấm bia. Một tấm bia lớn, rất xưa. Bia ấy nguyên dựng năm 1124, đời Lý Nhân Tông. Niên hiệu ở bia là Thiên phù duệ vũ thứ năm, Giáp Thìn. Nhưng sáu trăm năm sau, năm 1726, đời Lê Bảo Thái thứ 7, Bính Ngọ, có vị sư ở chùa, là Lê Văn Nghị, đã thuê thợ đục lại, theo nét chữ xưa. Nhờ đó, bây giờ chữ vẫn rất rõ. Nhưng nhìn kỹ, ta sẽ thấy, có chữ không theo hẳn nét cũ, và có chữ lại đục sai.

Bia ấy dựng trong hạ đường chùa, tựa vào tường, ở phía trái nếu ta nhìn vào phật điện. Không biết mặt áp vào tường có chữ hay không? Còn mặt ngoài có 30 dòng chữ cũ, và một dòng niên hiệu mới. Mỗi dòng, nhiều nhất, có 45 chữ.

Văn bia kể lại sự tích chùa khá kỹ. Về thiền sư Đạo Dung, sự tích chép ở bia khá phù hợp với sách TUTA, và bổ túc cho sách ấy. Đó là một chứng rất quý cho sự cổ truyền và xác thực của cuốn sách TUTA.

Bia còn lại nói đến một vị thái phó họ Lưu, tùng huynh sư Đạo Dung, và sống đồng thời với Lý Thường Kiệt. Xét rõ, thấy đó là Lưu Khánh Đàm, mà người ta thấy tên chép ở sử2 và ở mộ chí dựng đời Lý, nay vẫn còn ở làng Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Như thế thì, vì một sự ngẫu nhiên đặc biệt, ta còn có hai bia, đời Lý, một sách đời Trần, chép những chuyện về đời Trung cổ ở nước ta, có liên quan với nhau. Sự ấy thật là quý. Nhất là, các sử liệu ấy không trái với các sách Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư, nó làm tăng giá trị hai cuốn sử này.

Sau đây, tôi theo bia HN, các sách TUTA, TT VSL, sẽ kể lại lai lịch chùa Hương Nghiêm, thân thế sư Đạo Dung và sự liên quan giữa Lý Thường Kiệt và Lưu Khánh Đàm.

Chùa Hương Nghiêm ở núi Càn Ni. Đó là theo bia HN; còn sách TUTA chép núi Ma Ni, vì chữ Càn húy đời Trần3. Chùa Giáp Bối Lý, bây giờ là làng Phủ Lý, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đời Hậu Đường (923-937), Lê Lương dựng chùa ấy (HN), Lê Lương thuộc một cự tộc ở quận Cửu Chân, chùa Châu Ái. Ông làm đến chức Trấn Quốc bộc xạ. Nhà ông giàu, rất có thế lực trong xứ. Thóc ông trữ đến 110 lẫm. Trong nhà ông nuôi 3.000 người khách. Ông dốc một lòng thiện, rất sùng đạo Phật. Ông là người trước nhất dựng chùa ở Giáp Bối Lý. Các bia chùa Hương Nghiêm, Chinh Nghiêm, Minh Nghiêm đều có khắc chép công ông. (HN)

Bấy giờ, dân ở châu quận này bị mất mùa, đói khó. Ông đem thóc nhà phát chẩn để cứu dân.

Đến sau lúc vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi (968-979), nghe tiếng ông có đạo đức, vua phong cho ông chức Ái Châu Cửu chân đô quốc dịch sứ, tức là chức quan đứng đầu giúp nước ở Ái Châu, quận Cửu Chân. Vua lại ban cho ông hàm Kim tử quang lộc đại phu, và phong cấp ấy ở trong giới hạn sau này: đông đến Phân dịch, nam đến Vũ Long, tây đến đỉnh núi Ma La, bắc đến lèn Kim Cốc4, và cho đời con cháu làm quan coi đất ấy (HN). Sách TUTA cũng chép rằng ông làm châu mục Ái Châu đời Đường và suốt mười lăm đời, họ ông nổi tiếng ở đó.

Đến khi vua Lê Đại Hành tuần du ở Ngũ Huyện Giang, tức là triền sông Lương, sông Mã ở Thanh Hóa. Vua thấy chùa đổ nát, bèn chữa lại (HN). VSL có chép vua đi chơi Hoan Châu năm 1003. Có lẽ vua qua Thanh năm ấy.
___________________________________
1, 3. Húy đời Trần. - Đời Trần, không những tên các vua, và cha mẹ vua đều phải kiêng mà thôi. Sau khi cướp ngôi Lý, Trần ban miếu húy. Vì “Nguyên tổ tiên Lý, cho nên đổi họ Lý ra họ Nguyễn, để cho tuyệt lòng mong nhà Lý của dân”. (TT 1232). Ta thấy rằng trong sách, sử viết đời nhà Trần, như VSL và TU, TA, họ Lý đều đổi ra họ Nguyễn. Vả trong bia BA, chữ Lý cũng bị đời Trần đục xóa đi (xem ảnh II).
    Ngô Sĩ Liên còn cho ta biết rằng: “Vua Trần Minh Tông đối với họ hàng rất hậu, mà đối với người họ thuộc bậc tôn quí thì lại càng tôn kính. Phàm bày tôi có ai trùng tên, thì bắt đổi đi. Ví như tên Đô thì đổi ra Sư Mạnh, (chắc là Phan Sư Mạnh), vì kiêng tên Trần Thủ Độ, Tung thì đổi ra Thúc Cao vì kiêng tên hầu Hưng Ninh. Vả mỗi khi nói chuyện, để tránh nói đến tên các bực chú, bác, cô, cậu, vua là soạn tấm thiếp nhỏ kê những tiếng kiêng nói, để trao cho các con cái và cung nhân” (TT 1315)
    Vì lẽ ấy cho nên chữ Càn phải kiêng. Sách TT (1312 đời Trần Anh Tông) có chú thích rằng: “Cửa Cần ở huyện Quỳnh Lưu, thuộc Nghệ An, vốn tên cửa Càn, vì húy nên đổi. Cũng vì lẽ ấy, mà điện Càn Nguyên, đời Trần đổi ra điện Triều Nguyên; núi Càn Ni đổi ra núi Ma Ni. Mà chính âm của chữ ấy là Kiền, nay ta thường đọc Càn có lẽ cũng là vì tị húy từ đời Trần.
    Chữ Đạo chắc cũng vì tên của Trần Hưng Đạo mà đổi. Không những Đạo Dung thành Pháp Dung, mà tên Lý Đạo Thành trong VSL (1073), đã đổi ra Nguyễn Nhật Thành. Cũng có lẽ vì kiêng húy, mà tên Tô Hiến Thành, VSL (1139) đã đổi chữ Hiến ra chữ Linh, và hiệu Sùng Tín của đại sư Mãn Giác đã bị (TUTA 21b) đổi ra Hoài Tin.

2. Tên Đàm mỗi nơi chép một khác. Mộ chí và TT 1161 đều chép với chữ Đàm là nói chuyện; nhưng vào năm 1127, 1129, 1136, sách TT lại chép với chữ Đàm là sâu dài, tức là nửa bên phải chữ Đàm kia.
    Sách TT có chép những chuyện sau này về Khánh Đàm.
    Năm 1127, vua Nhân Tông triệu thái úy Lưu Khánh Đàm để trao di chiếu. Năm 1129 Thần Tông sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt hươu trắng ở rừng Giang Đề. Năm 1135 ông chết. Nhưng đến năm 1161, TT lại chép thái úy Lưu Khánh Đàm chết một lần nữa, có lẽ đó là em Lưu Khánh Đàm, tức là Thái úy Lưu Ba.

4. Các tên này, nay không còn. Nhưng ta cũng biết được một vài điều. Phân dịch có lẽ là phần đất huyện Quảng Xương ở bờ nam sông Mã. Bia Báo Ân cũng nói tới đất ấy (XV/1). Tên núi Ma La, về cuối đời Trần vẫn còn. Sách Lam Sơn thật lục chép rằng Lê Lợi trốn quân Minh ở đó, gặp xác một người đàn bà mặc áo trắng.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2009, 10:06:59 pm »


Đến đời Lý, vua Thái Tông đi chơi về phương nam; tới Ái Châu, có qua chùa ấy. TT và VSL chép rằng năm 1031 Lý Thái Tông đi đánh Hoan Châu về, phát tiền thuê thợ chữa nhiều chùa quán, ở các hương ấp (XIV/cth5). Chắc rằng vua tới thăm chùa năm ấy. “Trải mấy đời thờ cúng, gường cột đã đổ nát. Vua bèn sai chữa lại. Vua lại ban cho cháu ông bộc xạ, là Đạo Quang trưởng lão làm thiền chủ, cấp cho năm tên giúp việc, và sai trụ trì ở đó”. (HN)

Hai tiếng trưởng lão là một mỹ hiệu tặng cho những tăng hai tăng quan được vua kính trọng. Tuy tăng quan ấy coi chùa, nhưng vẫn có gia đình con cái.

Theo TUTA, thì trưởng lão này là hiệu Tăng Phán tên là Huyền Nghi. Trưởng lão là thân phụ thiền sư Đạo Dung. (HN)

Thiền sư Đạo Dung tên gì? TUTA không chép. Nguyên bia HN có ghi, nhưng nay mòn không thấy dấu chữ nữa.

Thiền sư có một tùng huynh, là Lưu Khánh Đàm, cũng là người Ngũ huyện giang, ở Cửu Chân, thôn Yên Lãng (Mộ chí). Nay ở phủ Thọ Xuân và phủ Thiệu Hóa có hai làng Yên lãng gần nhau ở hai bờ sông Lương. Có lẽ quê ông là vùng ấy. Ông nội Lưu Khánh Đàm có năm con giai. Trong đó có Huy Triết, dời nhà tới ngụ cư ở khách quán, có lẽ tới ở làng Lưu Xá huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình bây giờ. (Bia HN và mộ chí Lưu Xá)

“Bấy giờ vua Lý Thái Tông chọn dân ở quận để cho vào hầu vua. Lưu Khánh Đàm “phi thường khác chúng, nên được chọn vào chầu ở nội đình”. Kịp đến khi Lý Thánh Tông lên ngôi, ông chầu bên cạnh, rất được vua yêu. Sau khi Nhân Tông lên ngôi, vua nghĩ đến công ông giúp rập ba đời, có nhiều công. Vậy phong cho ông chức thái phó, kiêm chức nội dịch thượng quan, coi hết các việc quân và các việc thường trong cung dịch. Vua lại ban cho ông chức tước sau này: Nhập nội thị tỉnh đô đo tri, kiểm hiệu thái phó, kiêm cung dịch sứ, đại tướng quân, kim tử quang lộc đại phu, thực ấp 6.700 hộ, thật phong 3.000 hộ (HN)

“Thiền sư Đạo Dung có hình thần lạ đẹp, tư khí thanh cao. Kinh kệ thì không đọc tới (TUTA). Năm Bính Thìn 1076, sư bỏ gia hương đi tìm bạn. Cưỡi thuyền ra bể, rồi tới Thăng Long. Ở đó, thiền sư gặp một vị tăng hiệu là Cao tăng. Sư cảm phục, bèn theo học”(HN). Vị Cao tăng ấy là ai? Sách TUTA có nói: Lúc nhỏ, sư theo tăng thống Nguyễn Khánh Hỷ để xuất gia. Tăng Tống người Cổ Giao, quận Long Biên (thuộc Bắc Ninh bây giờ), trụ trì ở Từ Liêm, gần phía tây thành Thăng Long. Có lẽ Cao tăng kia chính là hiệu của tăng thống Khánh Hỷ trước năm 1133, khi chưa được triệu vào kinh và chưa được ban chức tăng thống1.

“Cao tăng Khánh Hỉ để ý đến Đạo Dung, cho là một kỳ nhân, và dạy cho Phật Pháp (TUTA). Đạo Dung hỏi: “Điều gì cốt yếu trong Pháp”. Cao tăng trả lời: “Pháp vấn không phép, ta lấy gì mà bảo ngươi”. Bỗng nghe, sư thấy trong lòng nở nang, bèn giác ngộ. (HN)

“Một hôm, sư Đạo Dung hỏi Cao tăng: “Tôi đã hiểu rõ nghĩa chữ không và chữ sắc. Sắc là bởi kẻ phàm thấy, không là bởi kẻ Thánh thấy. Có lẽ phải thấy không?” Cao tăng trả lời bằng một bài kệ phỏng dịch như sau này:

                                   Ở đời chớ hỏi sắc và không,
                                   Học đạo chẳng qua tìm ở Tổ Tông
                                   Trồng quế trên trần sao được rậm,
                                   Tìm Tâm ngoài Phật khó lòng mong.
                                   Bao hàm nhật nguyệt trong hạt cải,
                                   Thu hết càn khôn đầu mũi lông.
                                   Đại dụng rõ ràng tay nắm chặt,
                                   Ai hay phàm, thánh, biết đâu cùng.

 
“từ đó sư thích dạo núi sông, không ngại đến” (TUTA)

“Sư bèn ngược dòng sông Lô (Nhị Hà), treo núi Thứu Đài. Ngắm xem cảnh đẹp ấy, sư dừng chân lại, cho là rất vừa ý. Sư sai thợ chọn hướng, ghép đá làm nền, mà dựng nên chùa. Đặt tên là chùa Khai Giác”. Trên đây là theo bia HN, còn TUTA chép: “Sư đi đạo hóa, dừng chân ở núi Thứu Phong, tại chùa Khai Giác và dạy học trò”. Sư được công chúa Thụy Thành, có lẽ là con vua Thái Tông, và thái phó Lưu Khánh Đàm cấp cho khí dụng để làm chùa. (HN)

Sư dạy học trò. Người tới học đầy nhà. (TUTA)

“Năm sau, Đinh Tị 1077 (bia HN, khi khắc lại lầm ra Đinh Mão), sư trở về ấp cũ, thấy chùa Hương Nghiêm đã đồi hoại. Sư bèn nói với Lưu Khánh Đàm rằng: “Kẻ nhân hiền không quên dấu tích tiên tổ. Xin anh chữa lại cho.” Lưu Công nghe nói, vui lòng mà thuận”. (HN)

Bấy giờ, quân ta vừa đánh lui quân Tống. Lý Thường Kiệt vừa lập đại công. Lưu Công, và em là Lưu Ba cũng vừa được chia phần vinh dự. Lưu Công thấy chùa chiền bị chiến tranh làm hư đổ, đang lo sửa sang tự tháp (Mộ chí Lưu Xá).

“Lưu Công bèn nói với quốc tướng thái úy Lý Thường Kiệt rằng; “Chùa Hương Nghiêm là do tiên tổ tôi sửa chữa. Nay đã đổ nát. Ông cùng tôi, chúng ta hãy chữa lại (HN)

Theo chương trên, ta biết rằng bấy giờ Thường Kiệt còn ở Thăng Long. Có lẽ Thanh Hóa là thực ấp của ông từ trước, cho nên Khánh Đàm mới bàn cùng ông chữa chùa Hương Nghiêm ở đó. Thường Kiệt bèn tìm gỗ, sai thợ tới sửa chùa.

Năm Tân Dậu 1081, hai phó ký lang. Họ Thiều và họ Tô2, tâu vua xin ruộng đất của bộc xạ Lê Lương. Vua xét lời tâu bèn định trả giáp Bối Lý cho họ hàng Lê Công.

Mùa thu năm ấy, Lý Thường Kiệt đi Thanh Hóa trả ruộng. Ông lập bia đá chia ruộng cho hai giáp. Từ nửa đầm A Lôi trở lên, cho giáp Bối Lý; từ nửa đầm trở xuống cho giáp Viên Đàm. Ông lại dặn đi, dặn lại hai giáp không được hái một lá lau lách ở hai bên bờ đầm, vì đó là giới hạn. (HN).

Hai tên giáp ấy nay đã thay đổi, nhưng đất còn có thể tìm được. Chùa Hương Nghiêm nay ở làng Phủ Lý. Nếu ta xét bản đồ Thanh Hóa ngày nay, ta thấy rằng bên cạnh làng Phủ Lý có những làng Nhân Lý, Mỹ Lý theo tục đổi tên ở xứ ta3, ta có thể chắc rằng ba làng ấy khi xưa là một và sau mới chia ra. Vả làng Phủ Lý có tên nôm là làng . Chắc đó là tên giáp Bối Lý cũ. Bên cạnh phía tây làng Phủ Lý, ta lại thấy có hai làng liền nhau, tên là Viên Quang và Hồ Đàm. Ta cũng có thể đoán đó là do làng Viên Đàm cũ mà phân tách ra. Xem vậy, ta có thể nhận dấu hai giáp Bối Lý và Viên Đàm. Nhưng đầm A lôi thì không thấy nữa. Ruộng vùng ấy là ruộng sâu. Có lẽ đó là đầm cũ.

Năm Đinh Mão 1087, sư Đạo Dung được vua Nhân Tông triệu tới kinh, lập đạo tràng trong cung (HN)

Năm Nhâm Dần 1122, sư trở về thăm quê cũ. “Nhân vật tuy đổi, non nước như xưa. Chùa đã đổ nát, nền móng vẫn còn”. Sư liền sai thợ sửa chữa. Tô tượng Phật ngồi trên đá Bàn Đa. Đào hồ. Giữa hồ, xây bệ; đặt tượng Phật trên. Chùa cao, cửa rộng, mái ngói. Mé tả có lầu chuông, mé hữu dựng bia đá ghi công. Xung quanh đều xây tường. Vườn giồng hoa cỏ. (HN)

Chữa xong chùa, sư đặt tiệc mừng; lập đàn cầu tự cho vua, và cầu phúc cho quần chúng. Sư mời người làm bài ký khắc vào bia. Chính là bia dựng năm 1124 mà nay hãy còn. Nhưng tên tác giả thì mờ hẳn không đọc được nữa. Có lẽ cũng là vị Hải Chiếu đại sư, làm bia Linh Xứng dựng năm 1126 và bia Sùng Nghiêm diên thánh dựng năm 1118.

Sau đó, sư ở lại chùa cho đến lúc mất. TUTA chép rằng: “Rồi sư trở về nhà, dựng chùa để ở đến lúc già. Sư mất ngày mồng 5 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1174, đời thiên cảm chí báu”. Chép như vậy chắc lầm, vì rằng năm 1076, sư đã ra Thăng Long. Nếu sống đến năm 1174, thì sư phải ít nhất cũng một trăm hai mươi tuổi. Sau khi sư mất, học trò là sư Tăng Đạo Lâm làm lễ hỏa táng và xây tháp ở núi Càn Ni (TUTA)

Ngày nay, làng Phủ Lý không có núi. Núi Càn Ni chép ở bia, có lẽ chỉ là mô đất cao hơn cánh đồng chung quanh.

Chùa này hoàn toàn mới. Các cảnh vật trong chùa đều mới, trừ quả chuông đúc đời Gia Long. Trong vườn không thấy có tháp cổ. Còn có hồ. Nhưng trong chùa và ngoài chùa không thấy vật cổ nữa. Nếu bới đất tìm, trong nền hay dưới hồ, may chỉ còn thấy cái bia xưa, dựng đời Hậu Đường ghi công đức Lê Lương.
_____________________________________
1. TUTA chép rằng Khánh Hỉ mất ngày 27 tháng giêng, năm Đại Định thứ ba, Nhâm Tuất 1142, thọ 76 tuổi. Theo đó mà tính, thì ông sinh năm 1067, và ông mới có 10 tuổi, lúc Đạo Dung tới Thăng Long. Làm sao ông làm thầy cho Đạo Dung được? Sách TT lại có chép, vào năm 1135, việc hầu Khánh Hỉ mất. Chắc rằng nguyên là chữ Tăng, mà TT chép lầm ra chữ hầu. Người chú thích sách TATU, in đời Vĩnh Thịnh, cũng nói rằng: theo Sử ký thì tăng Khánh hỉ mất năm 1135. Nếu theo thoại sau thì lúc bấy giờ Khánh Hỉ cũng chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tôi nghĩ rằng TUTA chép lầm mất và tuổi thọ. Có lẽ thọ 96 tuổi, vì chữ CửuThất rất dễ lẫn. Với chữ Cửu, thì lúc sư Đạo Dung ra học với Khánh Hỉ, vị này đã 37 tuổi. Như thế mới hợp lý.
2. Phò ký lang là một chức quan có lẽ gần như phò mã. Ở Thanh Hóa có họ Thiều lớn ở làng Doãn Xá, thuộc phủ Đông Sơn. Đời Trần, họ này có Thiều Thốn làm quan Lạng giang phòng ngũ sứ. Đời Lê có Thiều Quy Linh đậu hoàng giáp khoa 1505. Trong vùng này, có vài làng tên Thiều xá, nghĩa là làng họ Thiều.
3. Ở nước ta, lúc đổi tên một xứ nào, thường vẫn giữ lấy một phần tên cũ, để dễ nhớ và dễ nhận trong giao thời. Tên đất thường gồm hai tiếng; lúc đổi thì hoặc giữ tiếng trên hoặc giữ tiếng dưới. Cho đến chữ bị đổi, trong tên mới, cũng thường được giữ lấy hình dáng, hoặc nghĩa, mà nhiều khi được giữ cả hình, cả nghĩa. Ví dụ chữ Minh đổi ra chữ LÃNG. Hai chữ đều nghĩa là sáng và tự dạng hơi giống nhau.
    Sự đổi tên có nhiều cớ. Cớ thường là vì kiêng chữ húy của các vua; ví dụ đời Lê, đổi An bang ra An Quảng, Thanh Đàm ra Thanh Trì, đời Nguyễn đổi Kim hoa ra Kim anh, Nam chân ra Nam trực. Một cớ rất thường là để trừng phạt hay khen thưởng đất ấy. Ví dụ làng Trung Lễ ở Hà Tĩnh đã bị đổi ra Quy Nhân. Có lúc vì dân làng tự cho tên làng mình không hay, cho nên dân tự xin đổi. Như làng Bần Điền ở Nghệ An đã đổi ra Phú Điền. Một cớ rất thường là vì phân tích một đơn vị to ra nhiều mảnh, rồi thay tên cũ bằng tên mới. Cũng có lúc, trái lại, vì hợp nhiều đơn vị thành một, mà phải thay nhiều tên cũ bằng tên mới. Trong trường hợp chia đổi đất, người ta thường lấy chữ đầu nguyên danh làm chữ đầu cho một tên mới, và chữ cuối nguyên danh làm chữ cuối cho tên mới thứ hai. Lúc họp hai đơn vị thì lấy chữ đầu của một tên và chứ cuối của tên kia mà chắp lại, ví dụ tổng đốc Hà Ninh là tổng đốc Hà Nội, Bắc Ninh. Trong trường hợp chia ra nhiều mảnh, thì người ta lấy một chữ làm gốc (ví dụ tên tục) có sẵn trong nguyên danh, rồi thêm chữ mới lên trên hay xuống dưới để làm chỉ định tự, để mà phân biệt. Ví dụ: làng Sét thành Thịnh Liệt, Thanh Liệt, Tử Liệt; làng thành Bạch Mai, Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Động.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM