Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:33:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý  (Đọc 60774 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:34:57 pm »


9- Lý cố nài. Tống quyết từ

Sự quyết định ấy của Tống Thần Tông tạm chấm dứt lịch sử điều đình giữa Tống và Lý, nó bắt đầu từ tháng giêng năm Đinh Tị 1077, là khi Tống rút quân khỏi bắc ngạn sông Nam Định về. Ở triều Lý, chính sách ngoại giao từ lúc ấy đến năm Nhâm Tuất 1082 hoàn toàn bởi tay Lý Thường Kiệt điều khiển. Từ năm Nhâm Tuất về sau, vua Lý đã trưởng thành và đã tự mình coi việc nước. Còn Lý Thường Kiệt đi ra giữ trấn Thanh Hóa. Cho nên nếu ông còn có ảnh hưởng ở triều, thì ảnh hưởng ấy không lớn như trước nữa. Tuy vậy, các nho thần như Lê Văn Thịnh cũng không đi trái với chính sách mà Lý Thường Kiệt đã vạch rõ trong mười năm rồi. Có khác chăng, chỉ là bớt phần cương quyết.

Nhận được chiếu của vua Tống, vua tôi Lý không lấy làm hài lòng. Nhưng hình như họ cũng còn do dự trong cách đối phó. Lý không trả lời lập tức. Tống yên trí là Lý nhận lời. Sáu tháng sau, ở Tống vua Triết Tông lên ngôi. Vua Lý được gia phong chức đồng trung thư môn hạ bình chương sự (11 tháng 4 năm Ất Sửu 1085, TB 354/4b).

Việc chia địa giới cũng là việc cuối cùng Tống Thần Tông làm với nước ta. Thần Tông mất ngày Mậu Tuất mồng 5 tháng 3 năm ấy (DL 1-4-1085, TB 353). Triết Tông lên ngôi, mới mười tuổi. Quốc Chính ở trong tay Thái hoàng thái hậu họ Cao. Thái hoàng thái hậu trước vẫn ghét Vương An Thạch và đồng đảng. Cho nên lập tức đem phái cựu lên giúp việc. Lã Công Trứ, Tư Mã Quang, Trình Di đều được trọng dụng. Các đảng nhân tân pháp đều bị tội hay bị biếm. Triều đình Tống cố tâm xóa bỏ những sự mà Vương An Thạch đã làm nên. Đối với các nước ngoài, Tống tỏ thái độ rất cương quyết, “để rửa những cái nhục của đời Thần Tông”

Lý vin vào cơ hội mới, lại gửi thư sang vua Tống mới, xin đổi lời chiếu cũ về hai động Vật Dương và Vật Ác. Viện khu mật tâu: “Nên giáng chiếu, nhắc lại chiếu chỉ của Tiên triều, và bảo Càn Đức phải tuân theo”.

Ngày 24 tháng sáu, Tống trả lời không nhận lời xin của vua Lý. Lời chiếu có giọng cương quyết như sau:

“Ban cho Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức chiếu sau này

“Trẫm đã xét kỹ lời biểu của Khanh xin cương thổ các động Vật Ác, Vật Dương. Đời Tiên đế, Khanh đã bày tỏ việc cương giới. Tiên đế đã giáng chiếu dụ, đầu đuôi rõ ràng. Đã đặc biệt theo lời Khanh cầu, mà cắt đất cho. Nay Trẫm đọc lời tâu, bất ngờ còn thấy Khanh bày tỏ kêu ca điều ấy.

“Trẫm vừa nối nghiệp, hành động phải theo mệnh trước. Nghị định trước đã rõ, nay khó lòng mà đổi được. Khanh phải trung thuận, nhất nhất phải tuân theo lời chiếu trước.”(TB 357/16a)

Đó là Lý cố nài, và Tống quyết từ lần thứ nhất.

Vua Lý được chiếu, chắc lấy làm tức giận. Nhưng không hề đổ lỗi cho Lê Văn Thịnh đã vụng bàn. Tháng năm ấy (A. Su 1085), Văn Thịnh được cất lên chức Thái sư, tức là đứng đầu triều đình. Trái lại, vua Lý tức Tống đã bất chấp lời cố nài của mình. Cho nên Lý lại muốn dùng binh lực quấy nhiễu. Bấy giờ có Nùng Thuận Thanh coi động Nhâm, bị cha con Lương Hiển Trí chiếm đất. Thuận Thanh đánh lại (TB 402/10b). Viên coi châu Quảng Nguyên là Dương Cảnh Thông, nhân đó thông với Thuận Thanh. Bèn sai bọn Đàm An đem dân vào đánh biên dân ở Tống. Ngày mồng 2 tháng giêng năm Bính Dần 1086, vua Tống hạ chiếu cho ti kinh lược Quảng Tây bảo phải xét việc ấy, và gửi thư trách vua Lý “hỏi vì cớ gì mà không chịu theo chiếu sắc”.(TB 364/1a).

Lý Nhân Tông trả lời và nhắc chuyện xin đất. Nhưng lần này, đổi lý lẽ và mưu mẹo. Biết rằng nếu nhắc lại sự biện chính cương chí trước, thì Tống vin vào chiếu cũ mà trả lời thoái thác, Lý Nhân Tông mượn sự vua Tống mới lên ngôi mà xin đổi mới chính sách đối với hai đất Vật Ác, Vật Dương. Lý bèn gửi biểu sau này sang Tống lời lẽ khá khôn ngoan: “Ấp tôi có hai huyện ở hai động Vật Dương, Vật Ác, giáp với đất nhà vua. Trước sau bị các tù trưởng làm loạn mà bỏ đi, đem mình vào qui minh. Đất Vật Dương thì năm Bính Thìn (1076) được thu vào vương thổ, đất Vật Ác thì năm Nhâm Tuất (1082) mới được thu và đặt ải Thông Khang 1.

Tuy đất ấy là nhỏ nhen nhưng tôi rất lấy làm đau xót luôn luôn nghĩ đến. Thật tổ tiên tôi ngày trước đã đánh dẹp những kẻ tiếm nghịch, xông pha gian hiểm mới có đất ấy. Nay gặp thời vận suy đồi, tôi không hay nối sự nghiệp cha ông. Tôi đâu dám dự vào hàng phiên thần, sống trong chốc lát.

“Năm Giáp Tý (1084), Ti kinh lược Quảng Tây đã từng tâu về việc ấy. Tiên triều lấy hai động Túc, Tang, và sáu huyện cho tôi chủ lĩnh. Nhưng các đất Túc, Tang ấy hiện thuộc ấp tôi rồi, không phải là đất mà nay tôi đã xin: Cho nên tôi không dám nhận mệnh.

“May gặp khi bệ hạ lên ngôi. Việc gì cũng đổi mới. Vậy tôi kính cẩn bày tỏ lời biểu này để tâu lên.
” (TB 380/20b).

Ngày 13 tháng 6, vua Tống trả lời, cương quyết gạt hẳn lời xin. Thư Tống như sau:

“Vả nay, biên thần nói: “Thủ lĩnh thuộc Khanh đã xâm lấn biên thùy. Tiên hoàng vốn sẵn lòng nhân, đã ban chiếu dụ. Cho phép biện chính chứng thực rõ ràng. Đã đặc biệt cắt đất ải Khanh (chắc là Thông Khang), ân tứ cho Khanh, tiếng ban đức còn đó, nét mực chiếu vẫn còn tươi!

“Vậy Khanh nên nghĩ đến lượng bao dung, mà tuân theo bờ đã định. Cớ sao còn tâu nhắc lại, vẫn giữ lầm xưa, mà lấy đất mới ban cho làm vật cũ sẵn có? không kiêng dè đến thế. Thờ kẻ trên như vậy, sao coi được!

“Xét ý Khanh không lẽ như vậy; ngờ lời người mách thế là sai. Huống chi dân châu động ấy là dân nhà vua đã từ lâu. Từ khi quan quân đánh lấy Quảng Nguyên đến lúc Trẫm trả Thuận Châu, không hề có tranh giành ruộng đất ở đó.

“Khanh phải hết lòng thành thật, tuân theo chiếu trước. Phải thêm cẩn thận giữ gìn cương vực. Chớ có sinh sự lôi thôi. Gắng làm cho đáng Trẫm thương, để được đời đời hưởng lộc.” (chiếu ngày N. Ty, DL 7-8-1086; TB 380/21a).

Vua Tống lại sai viên kinh lược Quảng Tây là Miêu Thì Trung, viết thư cãi lại lời vua Lý.

Đó là Lý cố nài, Tống quyết từ lần thứ hai.
___________________________________
1. Ải Thông Khang nầy có lẽ là ải Thông Khoáng trong tám ải phân giới đã nói trong chiếu của vua Tống (xem XII/8).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:41:06 pm »


Thế là Tống dứt hẳn con đường thương thuyết để nước ta thôi đòi lại những đất Vật Ác, Vật Dương. Tống cũng biết rằng sự bang giao với Lý trở lại khó khăn. Tuy rằng năm ấy sứ ta sắp tới Biên kinh mừng Triết Tông lên ngôi, các quan Tống ở Quảng Tây cũng gia công đề phòng biên giới cẩn thận.

Ngày 11 tháng 10 viên khu mật nói: “Ti kinh lược Quảng Tây tâu về, ngỏ ý rất sợ rằng khi sứ Giao Chỉ trở về, chúng sẽ gây sự. Vậy xin thêm quân phòng ngự”. Thái hoàng Thái hậu nói: “Nếu ti kinh lược Quảng Tây dò thấy sự chóng chầy gì Giao Chỉ cũng sẽ làm loạn là không sai, thì một mặt đạo quân thứ 18 đóng ở đông nam Đàm Châu xuống đóng ở Quế Châu, một mặt soạn sửa đem quân Hồ Nam tới Quảng Tây và lấy quân ở kinh xuống đóng ở Hồ Nam. Đợi khi nào sứ Giao vào cống, thì sẽ chuyển quân”. ( TL cựu kỷ theo TB 390/14a).

Ti kiềm hạt Quảng Tây cũng xin cho quân thủ ở các trại Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thái Bình, Hoành Sơn, Thiên Long, Như Tích, để Trạc được hai năm thay phiên một lần (TB 393/6b).

Sứ bộ ta lần nầy gồm có viên ngoại lang hộ bộ Lê Chung là chánh sứ và phó hiệu úy Đỗ Anh Bối là phó sứ.

Sứ bộ tới Quảng Tây trong ngày mười một. Lê Chung gặp Thành Trạc. Y nói với Trạc rằng: “Vua Lý đã xin đổi địa giới mà chưa được chiếu trả lời”. Chung lại xin chép lại những nguyên thư và trạng của Lê Văn Thịnh gửi cho quan Tống, để lúc về sẽ dâng cho vua Lý xem. Trạc mách lại ti kinh lược. Ti ấy tâu về triều các việc trên và thêm rằng: “Nếu khi Lê Chung tới kinh, lại nói đến việc xin đất, thì nên đem bức thư dài của Lê Văn Thịnh cho xem mà giảng dụ, để Lê Trung hiểu rõ rằng trước đó, vì Thành Trạc bảo đảm sự sứ Giao Chỉ bàn biên cương không đến nỗi phản phúc, cho nên đã theo lời sứ xin mà giáng chiếu rồi. Từ rày về sau nếu người Giao tới kinh còn dám bày tỏ kêu ca về chuyện ấy, thì triều đình khó lòng xử lý cách khác được”.

Tống trả lời cho Miêu Thì Trung rằng: “Nếu người Giao không thôi việc xin đổi địa giới thì đem hết lý lẽ mà trả lời và giảng giải.”

Đó là Lý cố nài và Tống quyết từ lần thứ ba.

Mồng 6 tháng 4 năm Đinh Mão 1087, sứ bộ tới biện kinh. Mồng 4 tháng 5, vua Tống thăng chức cho chánh và phó sứ; lấy Chung làm viên ngoại lang lại bộ, và Anh Bối làm Tây Kinh tả tàng khố phó sứ. Không rõ Lê Chung có tâu việc xin đất không. Có lẽ không vì không thấy TB chép lại. Chỉ biết rằng, bấy giờ, triều đình Tống tiếc đã trả đất ngoài tám ải cho ta, và giận Thành Trạc và Hùng Bản đã đề nghị sự ấy. Chính ngày mà Tống ban chức cho sứ ta, viên khu mật hặc Trạc đã bảo lĩnh cho Giao Chỉ biện chính, mà lại còn tự tiện lấy thư của Lê Văn Thịnh đã gửi cho Tống, đưa cho Lê Chung xem. Thành Trạc bị giáng chức và sai đi coi thuế rượu ở Quân Châu (TB 400/6b). Mười ngày sau, Hùng Bản cũng bị biếm; vì cớ “lúc coi Quế châu đã phân hoạch địa giới không đúng.”(TB 401/9b).

Tống không những không trách vua Lý, mà tháng 7 năm ấy, còn phong cho “Giao chỉ quận vương Lý Càn Đức tước Nam Bình Vương”1 (TB 403/7a).

Thế, nhưng mà Lý Nhân Tông cũng không liền chịu bỏ rơi hai động đã mất. Tống sợ quân ta tới đánh úp, bèn xây đồn ở các cửa ải ở đó, và phát quân tới canh phòng. Vua Lý vin vào việc ấy mà viết thư kêu với Tống, ý nói quân Tống đe dọa đất mình, và có lẽ vua Lý lại đòi đất hai động Vật Dương và Vật Ác một lần nữa.

Lời thư ấy không còn nữa. Nhưng chiếu trả lời của vua Tống nay còn. Chiếu ấy viết ngày 22 tháng 8 năm Mậu Thìn 1088, nghĩa là hơn một năm sau khi Lê Chung tới kinh đô Tống, lời chiếu như sau:

“Trẫm nhớ thánh đức của Tiên đế đã đoái thương đến phương xa. Sau rút quân khỏi Phú Lương, Tiên đế đã xét lời khẩn cầu của Khanh, liền lấy các châu Quảng Nguyên ban cấp.

“Sau đó, vì thủ lĩnh An Nam nhận lầm vương thổ, Tiên đế lại sai quan biện chính chia cõi. Rồi lấy sáu huyện hai động ở ngoài tám ải, cấp cho Khanh chủ lĩnh. Thi ân như thế có thể gọi là tột mực

“Trẫm vâng theo lời dạy của Tiên đế, cốt làm sao cho bờ cõi yên vui. Huống chi Trẫm đã giáng chiếu nhiều lần, giảng cực rõ ràng. Các đất Vật Ác, Vật Dương không thể trở lại bàn đến được.

“Còn như sự xây cửa ải, đặt lính thú, thì âu là việc thường làm ở biên cương. Huống chi những đất này qui minh trước và sự xây dựng ải là sau. Vậy không lẽ gì mà ngờ vực và kêu ca nữa.

“Thật rằng nghĩa kẻ phiên thần là trước hết dốc lòng thành tín. Chớ nên vu hoặc. Lời Trẫm không thể nói đi nói lại nhiều lần.

“Thành Trạc nhân khi đi tuần biên để soát các cửa ải đã tự tiện đem đồ vật và lụa cho thủ lĩnh ở ngoài cõi. Làm thế là trái luật. Vừa rồi, theo lời ti kinh lược tố giác và tâu hặc Trạc đã sinh sự, Trạc đã bị biếm và đổi đi rồi. Khanh nên đòi lại những đồ vật ấy, và đệ tất cả tới quan.

“Hãy dâng thư biểu, tỏ lòng cung thuận. Gắng hiểu lòng Trẫm thương mến nồng nàn, để được thêm hưởng nhiều phúc.” (TB 413/8a)

Đó là Lý cố nài Tống quyết từ lần thứ tư.

Trong chiếu trên, có nói đến việc Thành Trạc đi tuần biên, cho thủ lĩnh người nước ta lụa vải và đồ vật. Không biết sự ấy vào khoảng nào. Ta biết rằng Thành Trạc đã bị biếm từ tháng 5 năm trước. Trong chiếu vua Tống lại nói vì Trạc làm lầm việc tuần biên nên đã bị biếm. Vậy ta nghi rằng việc lầm ấy có từ lâu, và có lẽ là việc cho Lê Văn Thịnh vải vóc từ năm 1084. Nếu quả như vậy thì vua Tống xử quá gay gắt và vụng về.

Lý đã kiên nhẫn xin đất Vật Ác và Vật Dương cả thảy sáu lần, mà hai lần bị Tống Thần Tông từ, bốn lần bị Thái hoàng Thái hậu họ Cao gạt.

Từ đó, vua Lý phải thôi hẳn, không thể nhắc đến việc hai động nữa.

Vả bấy giờ, nước ta đã đến lúc cực thịnh. Thái hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) và vua đều rất mộ phật và ưa tạo tác. Các đại thần thì có Lê Văn Thịnh đứng đầu, đều là những người mê tín dị đoan và luôn luôn xu nịnh cái tính mê tín của vua và Thái hậu. Cho nên không có ai nghĩ đến việc biên thùy một cách khẩn thiết như hồi Lý Thường Kiệt còn cầm quyền. Còn Lý Thường Kiệt, thì bấy giờ ở luôn tại Thanh Hóa. Ảnh hưởng của ông đối với Nhân Tông hình như cũng giảm đi nhiều.

Tuy rằng sau khi Thái hoàng Thái hậu Tống mất (năm Quí Hợi 1093), vua Tống cầm quyền nhu nhược, đảng phái tân cựu lại khuynh đảo nhau rất kịch liệt, quân Hạ đe dọa Tống ở miền bắc, mà vua Lý cũng không biết nhân cơ hội, cố đòi lại đất còn mất. Trái lại, năm Kỷ Tị 1089, quân Tống có khi kéo vào châu Thạch Tề (có lẽ Thạch Tâm ở Cao Bằng ngày nay), mà vua Lý cũng không chống lại kịch liệt (VSL).

Từ đó về sau, sự bang giao Lý Tống trở lại bình thường không có tính cách phản đối, yêu sách đòi hỏi gì nữa2. Tuy rằng VSL có chép vào năm 1106 rằng: “Tháng 11 vua Lý sắp có việc lôi thôi với Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long có hai bụng và những chiến hạm” nhưng sau, không thấy có chuyện gì. Trái lại, VSL chép liền sau: “Viên ngoại lang Ngụy Văn Tướng đi sứ Tống”.

Tống Lý lại trở nên hòa hảo. Triều Lý Nhân Tông còn dài. Trong khi ấy nước Tống bị nước Kim xâm lấn, bắt vua và phá kinh đô. Kẻ sống sót phải xuống miền nam sông Dương Tử mà lập nên Nam Tống. Thế mà các vua Lý không hề biết lợi dụng thời cơ, để mở rộng thêm vùng Bắc Việt.

Xem thế mới biết rằng, tất cả chính sách lấn dần vào Hữu Giang, trong triều Lý, chỉ nhờ Lý Thường Kiệt mới có thành công.
___________________________________
1. VSL chép: Năm Đinh Mão, vua Tống Triết Tông giao cho vua Lý chức Đồng bình chương sự, và ba năm sau mới phong cho vua Lý tước Nam bình vương. Còn TT cũng chép như TB. Nhưng TS 488 chép rõ rằng: Triết Tông lên ngôi (1085), gia phong cho Càn Đức chức Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, và năm Nguyễn Hữu thứ hai (1087), Giao Chỉ sai sứ vào cống được tiến phong Nam bình Vương. Xem vậy, VSL chép đúng việc, nhưng sai năm.
2. Từ năm 1090 đến cuối đời Nhân Tông (1027), Lý sai mười sứ bộ vào cống Tống; cứ bốn năm tới Biện kinh một lần.
    Sau đây là bảng kê các phái bộ ta tới tiếp xúc với Tống trong đời Lý Nhân Tông, trước và sau cuộc Tống Lý chiến tranh:
    Còn như việc Tống phong cho Lý Nhân Tông, thì thứ tự như sau:
    1073 Trao chức kiểm hiệu thái úy, Tĩnh hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ phong tước Giao Chỉ quân vương
    1085 Gia phong Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (vì Triết tông lên ngôi )
    1087 Tiến phong Nam bình vương
    1101 Gia phong Khai phủ nghị đông tam ti, Kiểm hiệu thái sư (vì Huy Tông lên ngôi).
    (b) Theo TT. Còn VSL, chép tên Khánh, chữ Khánh viết thảo và chữ Độ gần tự tạng.
    1119 Gia Thủ tư không (Vì Khâm Tông lên ngôi ).
    1132 Tặng Thị Trung, truy phong Nam Việt Vương (Lý Nhân Tông mất năm 1127, nhưng vì Tống bị Kim đánh chạy, đến năm 1132 mới đóng đô yên ổn ở Hàng Châu)
    Cách phong cho vua Lý đến Lý Anh Tông vẫn theo lệ cũ, nghĩa là bắt đầu bằng chức thái úy, Tĩnh hội quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ, và phong Giao Chỉ quận vương. Nhưng trong đời Lý Anh Tông, nhân có sứ ta là Doãn Tử Tư và Lý Bang Chính tới cống (1073), sau Tống Hiếu Tông phong cho vua Lý tước An Nam Quốc vương (1074). Từ đó về sau, Tống nhận ta là một nước (QUỐC), và các vua Lý Cao Tông, Huệ Tông, các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông đều được phong tước An Nam quốc vương, lập tức sau khi mới lên ngôi. Sánh TT chép Tống phong Lý Anh Tông làm An Nam Quốc vương và đổi Giao Chỉ ra An Nam quốc, vào năm Giáp Thân 1164. Chắc là sai. Không những VSL, TS 488 và TS 34 chép vào năm Giáp Ngọ 1074, mà câu thơ của Lý Bang Chính, mà LNĐĐ còn ghi lại: Thử khứ ưu thành tứ quốc danh (V/3) chứng tỏ rằng sự đặt tên nước An Nam là vào năm Bang Chính đi sứ, nghĩa là năm 1074.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:35:54 pm »


PHẦN BA
VÌ DÂN VÌ ĐẠO

CHƯƠNG XIII
COI ĐẤT MIỀN NAM

1. Tu-bổ nội-trị -2. Thôi chức tể tướng - 3. Trị trấn Thanh Hóa - 4. Trở về triều - 5. Dẹp loạn Ly Giác - 6. Đuổi quân Chiêm - 7. Huân dự cuối cùng - 8. Dư luận



1 - Tu bổ nội-trị

Sau khi đánh lui quân Tống, thanh thế Lý Thường Kiệt lại càng lừng lẫy. Vua mới mười hai tuổi. Quyền vẫn ở trong tay tể tướng.1

Thường Kiệt đã lo lắng khôi phục những đất đã mất và đòi lại những châu động bị sáp nhập vào Tống trước khi có đại chiến tranh (XII). Đối với trong nước, ông cũng tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng vì chiến tranh. Ông sửa đổi việc hành chánh, tuyển thêm nhân viên giúp việc các công sở.
Ta đã thấy quân ta đắp đê bờ nam sông Cầu thành một bức trường thành để ngăn quân Tống. Các trận kịch liệt chắc đã làm cho đê hư hỏng nhiều. Tháng 9 năm Đinh Tị 1077, có lệnh đắp lại đê con sông ấy. Khoảng đắp lại dài 67.380 bước (VSL), bằng ước chừng 35 cây số, có lẽ từ ngã ba sông Như Nguyệt đến chân núi Kháo Túc.

Tháng Giêng năm sau (Mậu Ngọ 1088), thành Đại La cũng được đắp lại (TTVSL chép tháng giêng nhuận). Có lẽ ông còn sợ quân Tống trở lại, cho nên tu bổ các thành trì, chữa đê Như Nguyệt kỳ thật là để làm chắc thêm phòng tuyến chống xâm lăng.

Sau một năm loạn lạc, các đền đài, tự quán bị hư hỏng nhiều (theo Mộ chí Lưu Ba). Ông sai sửa chữa lại.

Về việc hành chính, liền sau khi đánh Ung Châu về, đã có sự cải lương. Ông chọn những kẻ hiền lương có tài văn vũ để cai quản quân và dân. Trong sự chọn lọc quan liêu, hình như tài văn học bắt đầu được chú ý lắm.

Cuối năm Bính Thìn 1076, chọn những quan viên văn chức hay chữ dạy trường Quốc Tử Giám (TT). Tháng Chạp năm ấy, nhà khoa bảng đầu tiên ở nước ta, là Lê Văn Thịnh, được trao chức binh bộ thị lang (VSL).

Một việc cải cách quan hệ mới là tổ chức những cơ quan hành chính thuộc mọi ngành. Năm Đinh Tị 1077, nước ta bắt đầu có mở những kỳ thi chọn những nhân viên chuyên môn về viết chữ tốt, làm toán giỏi, thông hình luật. Những người trúng tuyển được bổ làm lại viên ở các viện và bộ, như thư xá, hộ bộ, hình bộ.


2- Thôi chức tể tướng

Vì Thường Kiệt có công lao đặc biệt, nên được cất lên ngang hàng với các hoàng tử. Ta đã thấy rằng vua Lý Thánh Tông từng phong ông làm Thiên tử nghĩa nam, nghĩa là con nuôi vua. Cho nên, vua Lý Nhân Tông coi ông như em nuôi, và ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ.

Tuy vậy, vua càng năm càng lớn, thì thế lực Thường Kiệt chắc cũng bị giảm dần. Quyền binh dần dần chuyển sang tay Lý Nhân Tông. Từ năm Quí Hợi 1083, các sử bắt đầu chép những việc to rằng Nhân Tông đã ra thân chinh. Bấy giờ vua lên 16 tuổi; đối với nhà vua, đó là tuổi trưởng thành. Tháng hai năm ấy, vua ra ngự ở điện Thiên Khánh, thân hành duyệt các hàng nam ở kinh thành, và chia ra làm ba hạng (VSL và TT). Hoàng Nam, như ta đã thấy (II/cth3), là con trai mười tám tuổi, phải đặng tên vào sổ công, để gọi ra lính. Duyệt hàng nam thật là một dấu hiệu vua mới trưởng thành.

Tháng ba năm ấy, Thái hậu đã sai chọn mỹ nữ vào hầu ở cung Vạn Diện. (VSL). Tháng chín, dân động Ma Sa (ở vùng Đà Giang) nổi loạn, tháng mười vua đem quân thân chinh và dẹp yên (VSL).

Thường Kiệt đi đâu vắng, mà vua thân chinh? Các sử ta không hề chép. Nhưng còn có hai bia đời Lý nói rõ rằng ông được sai coi đất Thanh Hóa. Bia LX không chép rõ ông vào ở Thanh Hóa năm nào, mà chỉ nói rằng: “Đầu đời Anh Vũ Chiêu Thắng, vua ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ, sai ông ra giữa trấn Thanh Hóa, thuộc quận Cửu Chân, Ái Châu coi mọi việc quân và dân. Lại phong cho ông lộc của một vạn hộ ở Việt Thường”. Niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng có từ tháng ba năm Bính Thìn 1076 đến tháng hai năm Ất Sửu 1085. Vậy, bia LX nói vua ban cho ông hiệu Thiên tử nghĩa đệ mà thôi, Hoàng đế đặc gia một quân ở trấn Thanh Hóa, ban cho ông làm phong ấp”. Năm Nhâm Tuất 1082 chính là năm trước khi có những việc Lý Nhân Tông thân hành đã kể trên.

Vậy thì chắc rằng trong năm Nhâm Tuất, ông ra đóng ở trấn Thanh Hóa. Có lẽ vào cuối năm ấy. Song hình như ông đã được trao quyền coi Ái Châu từ trước, nhưng chỉ phải dao thụ, nghĩa là ở xa trông coi mà thôi. Từ lúc đánh Chiêm Thành về, ông đã có chức Nam bình tiết độ sứ (II/6). Nam Bình đây có thể trỏ ba châu mới được.

Ta sẽ thấy rằng (XV/3), năm Tân Dậu 1081, Lý Thường Kiệt có lần vào Thanh Hóa xử việc chia ruộng cho giáp Bối Lý. Vậy bấy giờ, ông đã được coi riêng đất Thanh Hóa rồi.

Lý Đạo Thành mất năm Tân Dậu 1081. Chỉ còn Thường Kiệt là kẻ chế lại ít nhiều uy quyền của Nhân Tông. Ông đi xa, thì vua mới thân chính thực sự được. Chắc đó là một cớ khiến ông vào trấn Thanh Hóa.

Vả theo lưỡi Triệu Tiết, vua và thái hậu oán Thường Kiệt đã gây chiến tranh với Tống (X/5). Tuy những ý tưởng của người Tống đối với người nước ta phần nhiều là những thành kiến chủ quan, nhưng trong cơn nguy kịch, đang khi quân Tống uy hiếp lăng tẩm và kinh thành nhà Lý, Thái hậu và vua, là đàn bà con trẻ quen sống thái bình, êm ấm, chắc chẳng khỏi có lúc nản lòng, và oán viên đại tướng quen trăm trận, không nghĩ đến sự nhân thân. Vả bấy giờ chiến tranh đã xong, mà lại đòi được tất cả những đất đã mất. Danh dự và quyền lợi đã bảo toàn. Thế mà Thường Kiệt còn gắt gao đòi lại những đất Vật Ác Vật Dương. Tháng 9 năm ấy, ông lại sai quân vào đánh Nùng Trí Hội để chiếm đất Vật Dương, và có lẽ còn soạn sửa tấn công mạnh vào đất Tống nữa. Những lời Ngô Tiềm nói, và những tin đồn ở Quảng Tây rằng quân ta sắp đánh Tống, dẫn lại trong chương trước (XII/7), chứng thực cho sửa soạn ấy. Tự nhiên, Thái hậu sợ vì ông mà chiến tranh lại bùng nổ một lần nữa. Đó là cớ thứ hai mà Thái hậu và vua muốn ông bỏ chính quyền.

Tuy vậy, như ta đã thấy, triều đình Lý vẫn thiết tha muốn đòi lại hai động Vật Ác và Vật Dương. Nhưng lại chỉ muốn dùng lối ôn hòa. Trước đó bốn năm, Tống đã đòi xử tội Thường Kiệt đã gây chiến tranh. Nếu ông rời ngôi tể tướng, có lẽ sự điều đình sẽ dễ dàng hơn.

Đó là lẽ thứ ba, khiến vua Lý Nhân Tông sai ông vào coi trấn Thanh Hóa.

Thường Kiệt phải bỏ Thăng Long vào Thanh Hóa là một sự bất đắc dĩ, nhưng không phải là ông bị cách chức, hay khiển trách. Vua Lý Nhân Tông lại đặc biệt đặt thêm một quân ở Thanh Hóa để phó cho ông, và phong ông một vạn hộ ở Việt Thường, nghĩa là đủ tỏ rằng tuy thôi chức tể tướng, nhưng ông vẫn được tôn trọng. Vả hình như trong hồi ông ở Thanh Hóa, các triều thần như Lê Văn Thịnh vẫn chịu ảnh hưởng của ông trong việc điều đình với Tống để đòi đất.
____________________________________
1. Bia HN chép việc chữa chùa Hương Nghiêm, có nói: “ Năm Đinh Tị 1077, sư Đạo Dung nhờ Lưu Khánh Đàm chữa chùa. Khánh Đàm nghe lời, bèn nói chuyện ấy với quốc tướng thái úy Lý Công. Chữ tướng đây là tể tướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:39:19 pm »


3- Trị trấn Thanh Hóa

Thanh Hóa là một trấn giàu, rộng, được khai thác từ đời Hán, Đường. Nhân dân trù mật, và rất được giáo hóa. Các việc cai trị và hành chính ở đó chẳng khác gì ở trung nguyên chung quanh Giao Châu.

Đời Đinh, Lê, đô đóng ở Hoa Lư, không xa Thanh Hóa mấy. Lê Hoàn lại là người Ái Châu (huyện Thụy Nguyên, làng Nho Tạ có đền. Theo ĐNNTC, tục truyền rằng đền làm trên nhà họ Lê, tuy rằng Ngô Thì Sĩ nói khác). Vì thế, đất Ái Châu được các vua Lê chú ý tới1.

Năm 993, Lê Hoàn phong cho con thứ bảy là Long Tùng làm Định phiên vương, coi Ngũ huyện giang ở Ái Châu.

Đến đời Lý, kinh đô đóng tại Thăng Long. Đất Ái Châu liền đổi ra trại (1010, TT). Thanh Hóa hình như không được quan tâm đến lắm. Các sử còn lại không chép một tên vị quan nào được bổ coi Ái Châu trong đầu đời Lý. Trong khoảng ba đời vua đầu nhà Lý, ta thấy sử còn chép dân nổi loạn sáu lần2. Mỗi lần, hoặc vua (thiếu 2 trang).

Tuy lời các bí là lời tân dương của những kẻ thuộc hạ. Nhưng ta không có lẽ gì mà cho đó chỉ là lời nịnh hót một vị quan trên, nhất là văn ấy lại viết sau khi Lý Thường Kiệt đã rời Thanh Hóa, hay đã mất. Một sự chắc chắn là từ khi ông ra coi Ái Châu, trong mười chín năm, không hề thấy sử chép một việc loạn gì ở vùng Thanh Hóa trở vào nam. Trái lại, sau khi ông trở về triều, ở Diễn Châu và ở miền giáp Chiêm Thành, lại có giặc quấy.

Trong lúc tại quận, nhân dân yên ổn, chính sự nhàn rỗi. Ông thường ngao du sơn thủy, để thưởng thức phong cảnh đẹp lạ ở Thanh Hóa.

Ai đã ở qua vùng Thanh Hóa cũng phải nhận rằng núi sông ở đây khác hẳn các nơi. Núi phần nhiều núi đá, gọi là núi lên. Núi trông lởm chởm, có thể hình dung được nhiều vật lạ. Như Hàm Rồng, Chồng Mâm, Ngọc Nữ, Kim Đồng. Hoặc ở gần đường cái, hoặc nổi giữa đồng bằng, những núi đất và đá đều gần dân gian, cho nên thường được trang sức. Nhiều chùa được xây dựng trên. Núi đá lại thường có nhiều đền hang động, trong có thạch nhũ thiên hình vạn trạng. Nào động Linh Quang, Bích Đào, Hồ Công, Kim Sơn, đều là những nơi đại thắng cảnh. Núi lại thường gần sông lớn. Cảnh trên đá dưới nước, gần chỗ thuyền bè đô hội, làm cho du khách càng đông. Nào Thần Phù, Sầm Sơn, Linh Trường, Bàn A, Vân Hoàn đều có danh từ đời trước.

Lý Thường Kiệt cũng đã bị những cảnh thiên nhiên ấy cám dỗ. Ông thường ngao du. Đến đâu cảnh trí thanh u, ông dừng thuyền lên bộ, chọn chỗ xây đình, dựng chùa. Nay còn lại một vài vết tích, chương XV sẽ kể.

Những lúc khách kinh kỳ tới viếng, những lúc sứ Chiêm Thành, Chân Lạp qua chầu, ông đón tiếp ân cần. Đó cũng là những lúc đỡ tẻ trong đời êm lặng của tướng quân tại quận.

Các sử không chép việc ông ra trị Thanh Hóa. Vậy ta không biết rõ chính tích của ông. Chỉ có bia chùa Hương Nghiêm còn ghi chuyện ông, chia đất ở làng Bối Lý và bia Linh Xứng chép chuyện ông với một vị cao tăng tới thăm ông, cùng đi du lịch các núi sông, và chuyện ông dựng chùa Linh Xứng và nhà Thọ Đường mà thôi.

Về việc dựng chùa, sau này sẽ kể (XV/3). Sau đây là chuyện chia đất. Chùa Hương Nghiêm là một ngôi chùa cổ, lập ra từ đời Đường, ở giáp Bối Lý. Người sáng lập là Lê Lương, một kẻ rất giàu có và nhiều thế lực trong hạt. Gặp năm đói kém. Ông lấy của nhà phát chẩn cho dân. Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, vua ban cho ông chức tước và thực ấp. Thực ấp ấy là đất chung quanh chùa, có lẽ rộng như một phủ, huyện. Đến đời Lý Nhân Tông họ Lê có vị đại sư rất có tiếng là Đạo Dung. Sư lại có người anh họ, là Lưu Khánh Đam (XV/1), bạn thân của Lý Thường Kiệt. Vì vậy, Thường Kiệt đã vì sư và Khánh Đàm, sửa chữa chùa Hương Nghiêm ở trong trị hạt của ông.

Bia HN chép chuyện trên, nối lời rằng:

“Năm Tân Dậu (1081), hai phò ký lang, họ Thiều và họ Tô, xin đất phong ấp của họ Lê. Vua bèn xét, định trả lại giáp Bối Lý cho họ Lê. Mùa thu năm ấy, thái úy Lý Cộng tới trả ruộng đất. Ông lập bia đá chia ruộng cho hai giáp... Thái úy dặn đi, dặn lại, bảo hai giáp không được lấy một là lau lách ở hai bên bờ phân giới.”

Chính tích của Lý Thường Kiệt trong mười chín năm tại trấn, mà nay chỉ ghi được một công việc cỏn con như thế mà thôi. Thật là đáng tiếc, mà đáng trách các sử gia và văn sĩ ta đã không ghi chép việc thường ngày.
_____________________________________
1. Sách TT chép chuyện Lê Hoàn đánh các tướng nhà Đinh, là Đinh Điền, Nguyễn Bặc ở Tây Đô (979 TT 1/7b) Nhân đó chú thích: “Hoàn người Ái Châu, đóng đô ở Hoa Lư; cho nên sử gọi Ái Châu là Tây Đô”.
    Năm N.Ng 982, Lê Hoàn đi đánh Chiêm Thành, đem quân từ Hoa Lư qua đường núi, qua huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, đến đền Đồng Cổ (ở xã Han Nê, trên trung lưu sông Mã), từ đó đến sông Bà Hòa(?), đường núi hiểm trở, binh mã phải khó nhọc. Đường bể thì bị sóng gió. Cho nên Lê Hoàn sai đào “Hải đạo tân cảng”, nghĩa là sông mới trên đường bể. Đến năm 984 mới xong (TT). Có lẽ đó là sông nối Thần Phù ở Ninh Bình và sông Chính Đại ở Thanh Hóa, mà ngày nay còn dùng.
    Năm K.Su 989, Lê Hoàn thân chinh Dương Tiến Lộc, vì Tiến Lộc không chịu nghe lệnh thu thuế ở Hoan Châu, và Ái Châu (TT và VSL)
    Năm Q.Ti 993, phong con thứ năm, Long Tùng, làm Định phiên vương, ở vùng Ngũ huyện Giang (TT) Năm G.Nh 994, phong con thứ mười, Long Mang, làm Nam quốc vương ở châu Vũ Long (phía nam Thanh Hóa) (TT).
    Năm T.Su 1001, Lê Hoàn thân chinh giặc Cửu Long ở Thanh Hóa, trông thấy Hoàn đằng xa tướng giặc trương cung nhằm bắn, thì tên rơi. Lại trương cung bắn lần thứ hai, thì cung gẫy. Nên giặc sợ mà lui quân. Hoàn bèn đưa thuyền vào sông Cùng Giang đuổi theo. Bị giặc nấp hai bên sông bắn. Con Đinh Tiên Hoàng là Vệ vương Tuấn tử trận. Hoàng kêu trời ba tiếng, rối thúc quẤn Đột chiến, giặc bèn thua (TT và VSL). Nhữ Bá Sĩ trong Thanh Hóa chí đã nhận thấy rằng huyện Cẩm Thủy có tổng Cự Lữ và các xã Lữ Thượng, Lữ Trung, Lữ Hạ và nói đó là do tên Cửu Long xưa mà ra. Nếu Cử Long là Cẩm Thủy, thì sông Cùng Giang cũng không xa đó. Nhưng VSL chép hai lần sự vua Lý Nhân Tông đi xem đánh cá ở Cùng Giang (1101, tháng 2 và tháng 9) và lúc tháng 2, lại đi xem cày ở Ứng Phong (phủ Nghĩa Hưng ngày nay, theo CM). Không biết rằng đó là sông Cùng Giang khác, hay là cũng sông Cùng Giang kia ở Thanh Hóa, nhưng gần phủ Nghĩa Hưng. Hoặc ấy là sông Chính Đại đã nói trên chăng? Thế cũng có lý, vì dân Cử Long có thể đã xuống đánh vùng Nga Sơn ngày nay, cho nên năm 1001, Lê Hoàn vào dẹp ở đó. Tôi tin như thế là đúng, vì bốn năm sau, là năm 1001, dân Cử Long chắc là dân Mường ở các huyện thuộc miền bắc và tây bắc Thanh Hóa.
    Năm A.Tị 1005, sau khi Lê Hoàn mất, các con tranh nhau ngôi. Đông thành vương chạy vào Cử Long, rồi, bị Long Việt đuổi theo, bèn chạy vào Chiêm Thành, nhưng bị giết ở cửa Kỳ La (Hà Tĩnh). Long Việt lên ngôi, liền bị Long Đĩnh giết. Trong khi Long Đĩnh đi đánh các anh em ở mọi nơi, thì nghe dân Cử Long lại vào cướp, và đã đến cửa Thần đầu (Thần Phù). Long Đĩnh đi thuyền tới đánh tan (TT)
    Năm Q.Ma 1003, Lê Hoàn đi chơi Hoan Châu (TT). Có ghé thăm Thanh Hóa và viếng chùa Hương Nghiêm (bia HN).
    Năm K.Zu 1009, tụi Ngô Đô Đốc, Kiều Hành Hiến xin đào sông đắp đường, dựng bia chỉ đường ở Ái Châu. Long Đĩnh sai quân và dân Ái Châu đào sông và đắp đường từ cửa quan Chi Long, qua núi Đỉnh (hay Hạng TT), đến sông Vũ Lung. Long Đĩnh lại đi chơi Ái Châu. Tới sông Vũ Lung. Tục truyền rằng ai lội qua sông ấy hay bị chết đuối, Long Đĩnh sai người lội qua lại ba lần, mà không việc gì. Bèn sai đóng đò để bốn chỗ trên sông, cho người qua sông (TT) Về Chi Long, sách Thiên hạ lợi bệnh thư có nói Chi Long quan ở huyện Chi Nga tức là Nga Sơn ngày nay. Sông Vũ Long, chữ nho viết là trái với văn, lung là thủy với long. Bia HN có chép tên đất Vũ Long, nhưng là múa và long là rồng. Theo nghĩa văn bia, thì đất ấy ở phía năm sông Lương. Chắc rằng Vũ Lung và Vũ Long là một. Sông Vũ Lung có lẽ là sông Ngọc Giáp ở phía nam huyện Quảng Xương ngay nay.
    Năm M.Ta 1008, Long Đĩnh đánh Ái Châu (VSL, còn TT nói đánh Hoan Châu), bắt người ta bỏ cũi mà đốt.

2. Năm T. Ho 1011, tháng 2, Lý Thái Tổ đem đại binh đánh diệt hẳn giặc Cự Long, bắt được thủ lĩnh đem về. (TT và VSL)
    Năm K.Ti 1029, dân giáp Đãn nại nổi loạn. Tháng 4, Lý Thái Tông thân chinh dẹp yên (TT, VSL). Sai dân Đãn Nại vào sông Đãn Nại. (TT).
    Năm T.Vi 1031, Thái Tông đi đánh Hoan Châu (TT, VSL). Ghé chơi Ái Châu, qua thăm chùa Hương Nghiêm (bia HN)
    Năm A. Ho 1035, Ái Châu có loạn, tháng 10 Thái Tông thân chinh. Xử tội mục trưởng Ái Châu (TT VSL). Năm. Q.Vi 1043 tháng giêng, Ái Châu lại nổi loạn. Vua sai hoàng thái tử Khai Hoàng Vương dẹp yên (TT, VSL)
    Năm C.Da 1050, dân giáp Long Trì thuộc Ngũ huyện giang ở Ái Châu nổi loạn. (VSL).
    Năm T.Ma 1051, sai kiêu vệ tướng quân Trần Nậm đem người Ngũ huyện đào sông Cá Lẫm.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:42:53 pm »


4- Trở về triều

Bia BA kể công đức Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa có nói: “Trong mười chín năm, ông thực hành tiết tháo.”

Ta có thể hiểu rằng ông ở Thanh Hóa trong mười chín năm, từ năm 1082 đến năm 1101. Sách TT chép vào năm Tân Sửu 1101 việc vua Nhân Tông cải nguyên, lấy niên hiệu Long Phù (VSL chép Long Phù nguyên hóa) và cử Lý Thường Kiệt kiêm chức Nội thị phân thủ đô ấp nha hành điện nội ngoại đô tri sự, nghĩa là một chức quan hầu gần vua, và coi hết các việc trong ngoài cung điện. Như thế đủ tỏ rằng có sự thay đổi lớn ở triều trong năm ấy, và Lý Thường Kiệt được gọi về kinh.

Hai chứng phù hợp với nhau cho ta biết chắc rằng, năm Tân Sửu, vua Lý Nhân Tông mời ông về Thăng Long giữ chức tể tướng trở lại. Lúc rời kinh, ông 64 tuổi; bấy giờ trở về, đã 83 tuổi.

Vì lẽ gì có việc thay đổi này?

Năm năm trước, thái sư Lê Văn Thịnh bị cách chức, vì có việc vua hiềm nghi ông muốn dùng thuật pháp để hại vua (XIV/6). Văn Thịch bị đầy vào Thanh Hóa1, giao cho Thường Kiệt giữ. Sử không chép ai thay chức tể tướng.

Sau đó mấy năm liền, nhiều hiện tượng thiên nhiên xảy ra, mà người ta cho là điềm xấu, báo sự Trời không bằng lòng nhân chính hay tin trước những sự tai họa sắp xẩy ra, như: tật dịch, binh đao, hoặc một vị đại thần, thái hậu, vua sắp mất. Khi thấy có những điềm ấy, vua thường tự xét mình có tội lỗi gì và tìm phường cứu chữa. Hoặc sai xét lại các án, hoặc phóng thích tù nhân, hoặc cầu “trực ngôn”, nghĩa là cho phép công luận một cách không dè dặt chỉ trích chính sách triều đình và đề khởi những chính sách mới. Cũng có lúc dùng lễ bái để cầu trời, cầu Phật tha lỗi, hay là dùng một cách giản dị hơn, là đổi niên hiệu để tỏ mình bắt đầu một kỷ nguyên mới, như một người thường dân, gặp vận đen, đổi nhà hay đổi họ, đổi tên.

Năm Đinh Sửu, chín tháng sau khi Lê Văn Thịnh phải tội, trên trời, sao hiện giữa ban ngày. Vua liền xá tội cho các tù nhân giam ở nhà ngục Đô hộ phủ ở Thăng Long (VSL 1097). Một năm sau nữa, đất động, sao chổi lại hiện ra. Vua 35 tuổi, vẫn chưa có hoàng tử. Vua lập đàn, có xây núi Ngao Sơn trên đất cạn; dựng đài cao, chung quang treo đèn đủ sắc, đủ kiểu, ở trên có vũ nữ múa, nhạc công cử nhạc (VSL 1089). Rồi trong hai năm, vua Nhân Tông và thái hậu dựng nhiều chùa, ở núi An Lão (ở Kiến An, 1099 VSL), ở núi Tiên Du (ở Bắc Ninh, 1110 VSL). Vua sai Kiều Văn Tư đi sứ Tống để xin kinh Tam Tạng (tháng 7 năm C.th 1110, VSL).

Vua cố gắng như vậy, nhưng tai nạn cũng không tránh khỏi. Cuối năm Canh Thìn 1110, bệnh dịch phát to trong nước (TT và VSL, tháng chạp). Vì vậy, mà đầu năm sau, vua mới cải nguyên và mời Lý Thường Kiệt về kinh.

Ông có thay đổi chính trị gì không? Các sử ta chép những khoảng nầy rất sơ sài, nên không thấy nói gì về chính sự. Chỉ thấy trong mấy năm liền, chép rặt chuyện dựng chùa, xây tháp; và chuyện vua đi các hành cung xem cày, gieo thóc, xem đánh cá, hoặc săn voi (VSL).

Tuy nhiên, ta cũng còn thấy sử chép một đôi việc, có thể đoán là do sáng kiến của ông mà ra. Liền sau khi ông từ Thanh Hóa trở về triều, ông đổi châu Hoan ra phủ2 Nghệ An (VSL). Chắc rằng, ông đã thấy vị trí quan trọng của châu Hoan trong việc phòng thủ nước nhà, nên ông cất xứ ấy lên hàng phủ để tăng số quân lính coi giữ. Cuối năm Nhâm Ngọ 1102, lụt to, nên đầu năm sau ông sai các nơi trong và ngoài thành đều đắp đê chắn nước (VSL).

Tuy chính tích ông còn ghi rất ít, nhưng ta cũng tin rằng sự ông về triều đã làm yên lòng vua và dân. Những năm sau đó đều là những năm thịnh. Sử còn chép rằng vào tiết lập xuân, tháng chạp năm Nhâm Ngọ, đầu năm 11033, “thụy tuyết” xuống. Tuyết là sương muối chăng? Bấy giờ cho rằng nó báo điềm tốt. “Rồng vàng” lại hiện, “mây tốt” cũng thấy trên trời, hươu đen tự nhiên tới. (VSL)

Vua ban áo lạnh cho các quan, đặt lễ thu yến (VSL 1101). Thái hậu đem tiền kho chuộc con gái nhà nghèo đã phải thế thân để trả nợ, rồi đem gả cho những đàn ông góa vợ nhưng không có tiền cưới vợ khác (TT và VSL 1103). Sứ Chiêm tới cống. Vua sai Đỗ Anh Hậu đi sứ Tống. Thật là cảnh tượng thái bình. Chỉ có cuối năm. Quí Mùi 1103, đầu năm Giáp Thân 1104, có loạn ở miền nam, nhưng hình như cũng không nguy kịch mấy.

Sau khi Lý Thường Kiệt tự đem quân dẹp các loạn Lý Giác ở Diễn Châu (1103), và Chiêm Thành ở các châu Bố Chánh (1104), ông liền tổ chức lại quân đội trong nước. Tháng ba năm Giáp Thân 1104, duyệt lại các đơn vị, tử cấm binh đến dân quân. Đổi hai đội binh hoàng nam dũng tiếp tả và hữu ra đô Ngọc giai. Đô là đội thân quân, hộ vệ Vua và giữ cung điện. Đô Ngọc giai là đô hầu bên “thềm ngọc”, tức là gần bên ngai vua. Đội binh Ngự Long được đổi ra đô Hưu Thánhđô Quảng Vũ4. Đó là cấm quân. Còn sương quân thì có quân của các đại tộc, tức là quân của các nhà quan có quyền thế, nhưng không phải họ vua; và dân quân vừa cày vừa làm lính, gọi là điền nhi. Quân của nhà quan đổi thành lính Vũ thắng. Điền nhi đổi ra lính Thiết lâm. Sách VSL chép rõ những sự cải cách trên. TT chỉ nói: “tháng ba, lại đổi hiệu các cấm vệ binh”.
_______________________________________
1. TT chép Văn Thịnh bị đày lên miền nguồn Thao Giang, (Thượng lưu sông Nhị). Nhưng VSL chép: Bị đày lên nguồn Lương Giang. Lăng Bối Lý (XV/3) có sinh Lê Quát, đậu trạng nguyên đời Trần Minh Tông. Tục truyền rằng ông là dòng dõi Lê Văn Thịnh. Vậy sự Lê Văn Thịnh bị đày vào Thanh Hóa có lẽ đúng. Vả chăng đất Thanh Hóa là đất để giam tù nhân. Ví dụ năm 1128, đày dân làm loạn ở Quảng Nguyên vào Thanh Hóa (TT).
2. Thực ra tên Nghệ An đã có từ năm 1036. Tháng tư năm B.Ty 1036, Lý Thái Tông đặt hành doanh ở Hoan Châu ở Nghệ An (TT). Nhưng bấy giờ còn chỉ là một châu. VSL nói năm 1101, đổi Hoan Châu ra Nghệ An phủ. Nhưng trong các đời sau, chỉ thấy sử chép Nghệ An châu mà thôi, ví dụ TT 1128, 1073, 1131, 1132 vân vân.
3. VSL chép tháng chạp năm N.Ng 1102 có lập xuân. Theo phép lịch, thì năm ấy phải là năm nhuận, và có hai tiết lập xuân. Còn TT chép vào tháng giêng nay xét lịch nhà Tống thì năm ấy có tháng sáu nhuận. Vậy chắc VSL chép đúng. Còn TT có lẽ thấy sử cũ chép tiết lập xuân vào mùa đông tháng chạp, cho là vô lý, cho nên tự chữa.
4. Năm 1118, Nhân Tông chọn 350 con trai hạng đại hoàng nam mạnh khỏe, để sung vào đô Ngọc Giai, Hưng Thánh và Ngự Long Bính (TT). Xem vậy, hình như tên Ngự Long không bỏ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:48:07 pm »


5- Dẹp loạn Lý Giác

Nhưng sau khi Thường Kiệt rời bỏ Thanh Hóa, dân miền Nam lại có kẻ manh tâm làm loạn. Tuy rằng Nghệ An được củng cố phòng thủ hơn trước, ở đất Diễn Châu có Lý Giác chống với quan quân. Tương truyền rằng Giác học được phép phù thủy, dùng án binh sai khiến quân lính giả, bện bằng rơm bằng cỏ, Giác bèn chiêu tập nhưng kẻ vô lại, chiếm Diễn Châu, đắp thành để làm loạn. (TT).

Sách CM chép lại chuyện trên theo TT, nhưng có thêm nhiều chi tiết sau, mà không thấy ở sách hay bia cũ nào chép cả. Có lẽ CM lấy ở một thần tích nào chăng? Tin loạn Lý Giác báo về đến kinh, vua hỏi quần thần có ai có thể cầm quân dẹp nổi. Các quan đều trỏ Lý Thường Kiệt, tuy rằng bấy giờ ông đã 85 tuổi. Vua nói: “Giặc Lý Giác Kiệt hiệt. Nên chọn tướng trẻ tuổi mà địch nó. Thường Kiệt dự việc binh đã lâu năm, nay đã già rồi. Nếu nay Trẫm còn giao cho việc quân, thì không đành lòng Trẫm muốn đãi kẻ lão thần”. Thường Kiệt cúi đầu tâu rằng: “Tôi từ trước, chưa học mưu lược của kẻ làm tướng. Thế mà đánh Chiêm, phạt Tống, may mà được thành công. Đó là nhờ đức thiêng của Bệ hạ, và sự gắng của các tướng thần. Nay nhờ ơn nước tôi được ngôi cao, lộc trọng thế này. Nếu cứ ngồi yên xem giặc Giác làm kiêu, thì tôi sẽ chết không nhắm được mắt”. Rồi ông tình nguyện đi đánh. Vua ban lời khen ngợi, và bằng lòng để ông đi.

Diễn Châu là đất phía bắc tỉnh Nghệ An và có lẽ gồm một ít đất tỉnh Thanh Hóa. Thường Kiệt đem quân đến đánh. Lý Giác thua, bỏ chạy vào Chiêm Thành. Dư Đảng bèn tan.

Việc loạn Lý Giác này cũng như việc đánh Chiêm Thành năm sau, có lẽ không phải là một cuộc xuất quân quan trọng như CM có ý kể lại trên đây. VSL không hề chép lại việc ấy. Còn VĐUL chỉ nói qua về Lý Giác mà thôi. Dẫu sao, chuyện Lý Giác có kết quả là gây lại mối chiến tranh với Chiêm Thành một lần nữa.


6- Đuổi quân Chiêm

Lý Giác chạy chốn vào Chiêm Thành, nói rõ tình hình trong nước ta cho vua Chiêm nghe. Theo TT, vua Chiêm bấy giờ là Chế ma na; Maspéro nói là Indravar-man II. Có lẽ Giác mách vua Chiêm rằng từ khi Nhân Tông thân chính, về vũ bị không gia ý như trước. Cho nên vua Chiêm đem quân vào chiếm lại các đất Lâm Bình, Minh Linh và Bố Chánh mà Chế Củ đã nhường cho ta.

Tháng hai năm Giáp Thân 1084, vua Lý sai Thường Kiệt đem quân vào đuổi. Quân Chiêm thua. Chế ma na phải trả lại ba châu ấy. (TT)

Như trên đã nói, việc đánh Chiêm Thành này không kịch liệt. Đó chỉ là một cuộc tuần biên. Một mình TT chép chuyện mà thôi. Các sách VSL và VĐUL đều không nói đến. Các bia đời Lý cũng không bia nào ghi việc ấy cả. Nhưng nếu ta xét lịch sử bang giao Chiêm Việt từ lúc Tống Lý chiến tranh, ta cũng có thể hiểu được rằng cuộc xung đột lần này có thể xảy ra, nhưng cũng chẳng quá một cuộc xích mích ở biên thùy.

Trước đó, Chiêm Thành đã nghe lời Tống, đem quân chực đón đánh quân ta, trong khi quân Quách Qùi tấn công mặt bắc để dồn quân ta xuống cõi miền nam (1076-1077). Nhưng sau, thấy quân Tống phải rút lui, Chiêm Thành lấy làm lo, sợ ta trả thù. Vì vậy, trong năm 1077, Chiêm sai sứ tới nước ta; và sứ thần Chiêm, khi tới Biện Kinh cùng một lúc với sứ ta đã tìm cách tránh mặt (XII/3) Sách VSL chép rất kỹ về việc sứ Chiêm tới, và còn cho ta biết rằng từ năm 1081 đến 1091. Năm nào sứ Chiêm cũng đến cống vua Lý. Trong khoảng ấy, vua Lý cũng có sai Mạc Hiển Tích đến nước Chiêm một lần (TT 1084). TT nói là để đòi lễ tuế cống, nhưng có lẽ không phải, vì mấy năm liền, Chiêm không hề chiếu cống.

Năm 1092, vua Chiêm hơi đổi ý. Nhân sứ Chiêm tới Tống, vua Chiêm xin Tống đem quân đánh Lý, và hẹn sẽ tập kích để yểm hộ. Vua Tống nói rằng: “Chiêm Thành có thù cũ với Giao Chỉ. Hiện nay, Giao Chỉ vẫn giữa thần tiết vào cống thường thường. Vậy khó lòng bàn việc cất quân đánh Giao Chỉ.” (TB 470/1a)

Chiêm Thành nghỉ cống trong ba năm. Năm 1094, lại bắt đầu sai sứ đến triều Lý, hoặc một, hoặc hai năm một lần 1, cho đến hết đời Lý Nhân Tông. Nhưng chính năm 1103, không thấy sử chép Chiêm tới cống, mà năm 1104 lại có. Xem vậy, ta có thể hiểu rằng, đó là vì có Lý Giác xui giục Chiêm Thành vào đánh nước ta. Vua Chàm sẵn thù vua Lý, nên bị lầm, tưởng nước ta bấy giờ yếu, nên mới đem quân vào chiếm miền nam. Nhưng khi Thường Kiệt kéo quân vào, thì quân Chiêm liền lui. Vua Chiêm lại sai sứ tới Thăng Long như cũ (VSL 1104). Vả Thường Kiệt cũng không có ý kéo quân vào chiếm thêm đất Chiêm. Bấy giờ ông đã 85 tuổi. Tuy không hăng hái như trong trận năm 1069, nhưng như vậy mà còn cầm quân đi xa hơn ngàn dặm. So với chuyện Mã Viễn đời Hán cũng chẳng kém gì.
____________________________________
1. Theo VSL, từ khi bị Lý Thánh Tông đánh bại đến hết đời Nhân Tông, Chiêm Thành sai sứ cống vua Lý, vào những năm sau này. 1073, 1075, 1077, 1081, 1082, 1083, 1084, 1085, 1086, 1087, 1088, 1089, 1091, 1094, 1095, 1097, 1098, 1099, 1102, 1104, 1105, 1106, 1108, 1110, 1111, 1116, 1118, 1120, 1126.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 10:57:28 pm »


7 - Huân dự cuối cùng

Vua Nhân Tông nghị công ông đánh dẹp, đem vũ uy làm chấn động từ Tống đến Chiêm, bèn chế bài hát để tân dương công trạng. Rồi ban ông chức: Triều quốc thái úy, thủ thượng thư lệnh, khai phủ nghị đồng tam ti, kiêm ngự sử đại phu, dao thụ chư trấn tiết độ sứ (NBS).

Nhưng tuổi già, ông không chịu nổi gian lao trong cuộc đuổi quân Chiêm. Năm sau, vào tháng 6 năm Ất Dậu 1105, ông mất tại kinh đô. Thọ 86 tuổi (NBS chép 87). Các sử TT và VSL đều chép như trên. TT và VĐUL có thêm: Vua tặng quan chức tước lộc như sau: Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy, bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, thực ấp vạn hộ1.

Vua lại phong cho em là Thường Hiến nối tước hầu. Theo NBS, vua ban tên thụy là Mục Uyên.

Nhữ Bá Sĩ nói mộ Lý Thường Kiệt đặt tại làng Yên Lạc, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay2.

Đầu đời Lý Anh Tông, niên hiệu Thiệu Minh (1138), vua sai trấn quan lập đền ở núi Ngưỡng Sơn (Thanh Hóa), tại nhà Thọ Đường (chắc là sinh từ), bên cạnh chùa Linh Xứng, mà ông đã từng dựng lên. Vua lại sai dân hai tổng (NBS chép tổng, nhưng chế độ Tổng là đời sau mới đặt ra) Ngọ Xá và Hoàng Xá phụng sự. Mỗi năm có bạn quốc tế (NBS). Đời Trần Nhân Tông, năm đầu niên hiệu Trùng Hưng (1285), vua ban sắc, phong ông tước trung phụ công. Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288), lại gia phong hai chữ Dũng vũ. Đời Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 21 (1313), lại tấn phong làm Uy thắng đại vương (đó là theo NBS, VĐUL chỉ nói gia phong hai mỹ tự Uy thắng mà thôi). Về đời sau, nhiều lần được phong thêm hai chữ mỹ tự. Cho đến đời Tự Đức thứ 29, 1876, đã có 258 chữ. (NBS)

Trong sổ Bách thần lục đời Tự Đức, Lý Thường Kiệt chỉ được liệt vào trung đẳng, và thường có hiệu Quảng uy Lý tôn thần, hay Mục uyên vũ dũng thần, hay Thái úy Việt quốc công tôn thần, hay nói tắt Lý thái úy tôn thần.

Ngày nay, còn có một vài nơi có đền thờ Lý Thường Kiệt. Đền chính ở xã Ngọ Xá, phủ Hà Trung (Thanh Hóa). Theo bia NBS thì huyện Kim Động (Hưng Yên), và huyện Vĩnh Thuận (gần trường đua ngựa ở Hà Nội), cũng có đền. Trong mục lục sách VĐUL, có chép đền ông ở Gia Lâm Hương. Nhưng ngày nay không rõ ở đâu nữa.

Đền mà NBS nói ở các làng thuộc Kim Động (nay một số ăn về huyện Đông An), thì không phải thờ Lý Thường Kiệt3. Đền Vĩnh Thuận, thì nay có lẽ là một ngôi đền nhỏ, lẫn vào những nhà dân làm nghề trồng rau ở Vĩnh Phúc, gần đua ngựa. Kẻ thủ từ, cho đến dân làng, cũng không biết đích xác thần là ai nữa. Mà xét ra, thì đền cũng không giữ được dấu vết gì xưa.

Đến Ngọ Xá tuy cũng nhỏ, nhưng ở vào địa thế rất đẹp. Đền ở xa thành thị, nên còn giữ được tính cách một miếu thần. Theo bia NBS ở đền, thì đền này lập từ đời Lý Anh Tông (1138), nhưng sau bị đổ nát. Đến đời Lê Trung Hưng, vua Lê tin rằng thần đã giúp mình đánh Mạc, nên sai dân xã Ngọ Xá trùng tu, và cấp cho 20 suất tảo lệ, và 18 suất lệ phu coi việc tế tự và giữ đền.

Năm Cảnh Hưng thứ hai (T.Zu 1741), vua sai theo lệ trước lập đền ấy. Giao cho dân ba thôn Bùi, Đồ, Thị trông coi việc tế tự. Những kẻ sung vào việc đền đều được tha hết thuế, dịch khác. Năm Cảnh Hưng Bính Thân 1776, lại gia phong hai chữ tối linh, nghĩa là rất thiêng (theo tựa thần tích ở làng Ngọ Xá).

Những điều ban ấy, thì trước năm 1942 đã bỏ hết; nhưng trong miếu vẫn còn. Miếu ở phía tây Đô Lèn, cách cầu xe lửa chừng hai cây số. Miếu dựng trên bờ bắc sông Lèn. (Nga Giang) ở châu nam núi Ngưỡng Sơn. Về kiến trúc miếu không có gì đặc biệt. Chỉ có ba gian nhà ngói sơ sài trên một miếng đất cao. Trong đền, tự khí chỉ có ba hương án với một ngai đồ ngũ sự bằng gỗ mà thôi. Vật gì cùng là đồ mới, đơn sơ. Trên thềm miếu có hai tấm bia, là đồ cũ hơn cả. Bia ở phía tây, là bia NB, mới làm và khắc đời Tự Đức thứ 29 (1876). Bia ấy khá lớn, chữ khắc cả hai mặt. Bài bia là thần tích do Nhữ Bá Sĩ, là một nho học có tiếng trong đời Thiệu Trị, Tự Đức ở Thanh, soạn theo thần tích cũ, lại có tham khảo Việt Sử, Tống Sử và các sử khác. Tuy trong đó có những sự chép sai lầm, nhưng đối với các ký tải khác, thì đầy đủ hơn cả.

Bia đặt ở phía đông là bia chùa Linh Xứng, nay đem vào để gửi đó. Bia khắc đời Lý. Chữ còn rất rõ, nét rất tốt (xem ảnh III). Bia nhỏ hơn bia NBS, làm bằng đá xanh thớ mịn. Không trang sức. Những chữ triện ở “trán” đẹp, và nhất là con rùa đội bia lại có vẽ mỹ thuật. Bài văn bia và bài minh rất dài, khắc hết cả hai mặt bia. Người soạn văn bia là một vị cao tăng đã từng làm việc dưới quyền Lý Thường Kiệt. Trong chương XV sẽ nói rõ về bài này.

Trước đền có đám đất hoang, hơi trũng, hình như là một cái hồ cũ. Trước vườn có cửa tam quan gồm bốn cột gạch sơ sài. Trước cửa là đường đê, thông lộ từ huyện Nga Sơn đến huyện Vĩnh Lộc. Bên kia sông có đền thờ Lý Thường Hiến, có vẻ tráng lệ hơn nhưng lại không có bia đời Lý.
______________________________________
1. Bia LX, dựng sau khi Lý Thường Kiệt mất, kê đủ các chức tước của ông như sau: Suy thành, Hiệp mưu, Thủ chính, Tá lý, Dực đới công thần, Thủ thượng thư lệnh, Khai phủ nghị đồng tam ti, Nhập nội nội thị tỉnh đô đô trị, Kiểm hiệu thái úy, Kiêm ngự sử đại phu, Dạo thụ Dao Thụ chư trấn tiết độ sứ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ, Phụ quốc thượng tướng quân, Việt quốc công, Thực ấp nhất vạn hộ, Thực thất phong tứ thiên hộ. Nghĩa là: Kẻ bầy tôi có công, trung thành, bày mưu, cầm tiết, giữ chính, giúp việc, phò tá; coi việc ti thượng thư, được cầm quyền mở phủ, ngang với tam ti, được vào nội, coi tất cả các việc chầu trong cung, lĩnh chức thái úy đứng đầu các quan; kiêm chức ngự sử đại phu kiểm soát việc chính; ở Kinh coi việc quân tất cả các trấn, cùng coi việc bí thư, hằng ngày đến gần vua bàn việc; hàm thượng trụ quốc, đã có công bắt được tướng giặc; em nuôi vua; chức thượng tướng giúp nước; tước quốc công, hiệu việt; được phong lộc hạng một vạn hộ; được thật phong lộc bốn nghìn hộ.
    Bia BA (dựng trước khi ông mất) kê có khác một vài chữ như sau: Chữ hiệp ở bia BA viết khẩuthập, ở LX viết thậpba chữ lực; Chữ nghị đồng thì BA viết khâm đồng; chữ phụ quốc thì BA viết khai quốc.

2. Về mộ Lý Thường Kiệt, bia Nhữ Bá Sĩ nói là ở làng Yên Lạc ở phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Không biết rằng Bá Sĩ chép sự ấy theo ai, nhưng có lẽ theo sổ các vị thần được ghi vào điền bộ. Chính trong sách ĐNNTC, soạn đời Tự Đức, cũng chép rằng huyện Kim Động có đền thờ Lý Thường Kiệt.
    Nhưng theo lời các làng thuộc tỉnh Hưng Yên khai các vị thần thờ trong hạt, để trả lời một cuộc điều tra của viện Bác Cổ năm 1938, thì những làng Yên Lạc và lân cận (Cao Quan) Hoàng vân ngoại, Hoàng vân nội, Thổ Khối, Kim Tháp (nay thuộc huyện Đông An phủ Khoái Châu kiêm lý), và Đào Xá, Tượng Cước, Bình Câu, Vũ Xá, Đề Cầu, Lôi Cầu (thuộc Kim Động) đều khai tên thần mình là Đức thánh Lác và tên là Đỗ Anh Vũ. Nhưng đến khi kể thần tích, thì phần lớn đều kể chuyện của Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành và đánh Tống.
    Đền chính là đền Yên Lạc, nay cũng thuộc về huyện Đông An; cho nên thường chỉ gọi thần là Đức Thánh Lác mà thôi, vì tên tục làng là Lác. Làng còn có đám đất chừng tám mẫu gọi là cấm địa, trong đó có mộ của thần.
    Vì sao có sự mâu thuẫn như thế? Và đức thánh Lác đích là ai?
    Thủa xưa mộ thần có bia lớn, nhưng nay đã “chìm” mất. Đó là theo người làng Yên Lạc. Họ lại kể chuyện rằng vì trẻ chăn trâu thường đốt lửa cạnh bia, cho nên bia đã vỡ và lấp xuống đất mất. Nhưng làng còn bản sao bia ấy. Tuy kẻ chép lại có bỏ sót hoặc viết sai một vài chữ, và tuy rằng bản sao không có niên hiệu và tên người làm bài bia, nhưng tôi đã xét kỹ nội dung bài văn bia, thì thấy rằng bia ấy thật dựng từ đời Lý, và dựng vào năm 1158. Ngoài những chứng như cách dùng chữ hư tự Nãi, Yên giống ở các bia đời Lý khác ngoài những chuyện chép khá phù hợp với sách TT, còn có một chứng rất chắc chắn là sự sau nầy. Bia có chép rằng Lý Anh Tông lấy con gái họ Đỗ tên Thụy Châu. Việc ấy trong TT không có. Nhưng trong VSL lại có (VSL 1175). Ta biết rằng sách VSL đã viết vào đời Trần, và bí mật ở xứ ta, có lẽ vào khoảng đời Minh Vĩnh Lạc. Sự bia và VSL có chép tên Đỗ Thụy Châu, mà TT không chép, bắt buộc ta phải kết luận rằng vi phỏng bài bia kia có kẻ bịa ra, thì ít ra cũng từ đời Trần. Nhưng cũng không có gì khiến ta nghĩ rằng bài bia kia đã bị “bày đặt”, như các thần tích khác. Huống chi bia này là một mộ chỉ kể chuyện một người vừa mất, chứ không phải chuyện một vị thần. Vậy ta có thể tin rằng mộ chí kia thật dựng lên đời Lý.
    Mộ chí ấy là mộ chí Đỗ Anh Vũ, làm thái úy đời Lý Anh Tông, chứ không phải là mộ chí Lý Thường Kiệt. Mặc dầu bia NBS và sách ĐNNTC nói Lý Thường Kiệt táng và có đến ở làng Yên Lạc, mặc dầu các làng ở Kim Động và Đông An khai chuyện đức thánh Lác y như chuyện Lý Thường Kiệt, mộ chí ở làng Yên Lạc buộc ta phải nhận rằng đức thánh Lác là Đỗ Anh Vũ, đúng như tên khai bởi các làng thờ thần.
    Thế thì tại sao lại có sự hồ đồ ấy? Có lẽ vì những cớ sau này. Nguyên là Đỗ Anh Vũ cũng làm đến chức thái úy ở đời Lý như Lý Thường Kiệt. Mà theo mộ chí Anh Vũ lại được vua ban họ Lý. Cho nên cũng gọi là Lý thái úy, y như Thường Kiệt, lại thêm, dòng đầu ở mộ chí có đề “Cự Việt quốc Thái úy Lý Công Thạch bi minh tự”, nghĩa là bia tựa của lời khắc vào bia quan thái úy họ Lý người nước Cự Việt (tức là Đại Việt) Nếu kẻ đọc bia chữ đã mờ mà không để ý thì dễ nhầm ra Việt quốc công thái úy Lý Công nghĩa là Lý Thường Kiệt. Chức tước Đỗ Anh Vũ cũng dài và gần giống chức tước Thường Kiệt. Chức tước ấy như sau (những chữ giống chức tước Thường Kiệt sẽ viết xiên): Suy trung, Hiệp mưu, bảo tiết, Thủ chính, tả Lý, Dực đái công thần; Thủ thượng thư lệnh, Khai phủ nghị đồng tam ti; nhập nội nội thị tỉnh đô đô trị, Kiểm hiệu thái úy, Kiêm ngự sử đại phu, Dao thụ chư trấn Tiết độ sứ, Đồng trung thư, minh chính bình chương sự, Thượng trụ quốc, Thiên tứ tính. Đặc tiến phu quốc thượng tướng quân Nguyên Soái đại đô thống.
    Gặp loạn lạc, hoặc đời Lê, hoặc đời Nguyễn, thần tích làng Yên Lạc đã mất. Các làng thờ đức thánh Lác không còn thần tích nữa. Tuy vậy, ai cũng còn biết tên thần là Đỗ Anh Vũ. Đến khi phải khai sự tích thần mình, thì không mấy ai để ý đến mộ chí kia, hoặc họ chỉ xem qua dòng đầu mà cho đó là mộ Lý Thường Kiệt, hoặc họ chỉ nhớ rằng thần là Lý Thái úy làm quan đời Lý, có công dẹp giặc; rồi họ cho đó là Lý Thường Kiệt. Vì vậy, tuy có mộ chí, tuy người làng biết thần là Đỗ Anh Vũ có tên trong quốc sử, nhưng họ lẫn công lao với công lao của Lý Thường Kiệt. Còn người ngoài thì lầm tưởng mộ chí đền là của Lý Thường Kiệt.
    Mộ chí này dài, có chép một ít tên đất, tên người và những sự tích rất có ích cho sự kiểm soát sách TT và VSL. Tiếc vì nay chưa tiện bới đất tìm bia, cho nên ta chưa chắc chắn tin vào văn sao được, và chưa có thể bàn một cách hoàn toàn chu đáo.
    Nhưng mộ chí cũng cho ta biết một điều rất quan hệ có liên quan đến Lý Thường Kiệt, mà ta phải lập tức nêu ra. Ấy là vấn đề gốc tích của ông. Trong chương đầu sách này, tôi đã dựa theo bia NBS và sách VĐUL, và TT mà viết rằng Lý Thường Kiệt người phường Thái Hòa, họ Lý cha là An Ngữ, sung chức sùng ban lang tướng và mất ở Thanh Hóa năm 1031, trong khi ông còn bé. Thế mà theo mộ chí này thì ta thấy rằng cha Lý Thường Kiệt là một quan thái úy đời Thái Tông, họ Quách, quán ở huyện Câu Lậu, thuộc Tế Giang (ở đây có lẽ có chữ viết lầm, vì Tế Giang trở đất gồm huyện Văn Giang ở Tả ngạn Nhị hà, mà Câu lậu thì lại là đất huyện Thạch Thất ở hữu ngạn sông ấy). Nay xét các sách TT và VSL, ta thấy ở đời Thái Tông có thái úy Quách Thị Dật là tướng mà Thái Tông sai cầm quân đánh Nùng Trí Cao năm 1048. Có thể đó là người sinh ra Thường Kiệt.
    Nếu quả vậy thì tại sao Thường Kiệt lại thành họ Lý. Mộ chí Đỗ Anh Vũ đã trả lời sẵn: ấy vì vua ban quốc tính cho ông. Tuy mộ chí không nói chuyện ấy xảy ra vào năm nào, nhưng có lẽ vào năm ông được ban hiệu Thiên tử nghĩa nam. Vua nhận ông làm con nuôi, thì tự nhiên cho ông họ Lý.
    Trước khi tìm lại đích xác mộ chí này, tôi chỉ tạm dịch đoạn có nói đến Lý Thường Kiệt và sự liên quan giữa ông và Đỗ Anh Vũ. Đoạn ấy như sau:
    “Tổ tiên Đỗ Anh Vũ là thái úy họ Quách, vốn người huyện Câu Lậu thuộc Tế Giang. Quách thái úy sinh Thường Kiệt giúp triều Nhân Tông. Đó là quan thái úy được vua ban quốc tính Lý. Cha Đỗ Anh Vũ tên là Tướng, họ Đỗ, tức là cháu ngoại sanh (nghĩa là con chị hay con em gái) quan thái úy họ Lý”.
    Xem đó, ta thấy các thần tích, dẫu là xưa như những chuyện chép theo sách Việt điện u linh, cũng rất đáng nghi ngờ. Nhất là khi các thần tích ấy chép rõ các chi tiết vụn vặt, thì lại càng nên nghi hoặc.
    Mộ Yên Lạc là mộ Đỗ Anh Vũ, thì mộ Thường Kiệt ở đâu? Ở làng Ngọ Xá không hề nghe nói đến mộ ông. Mà mộ cũng không thể ở phường Thái Hòa được, vì đời Lý, phường này còn ở trong thành Thăng Long. Phải chăng rằng ông đã hỏa táng và tàn được giấu vào ngôi tháp nào chăng? Hay là có mộ ở nơi nào nay chưa biết? Trong mục lục sách VĐUL, có chú thích dưới hiệu ông mấy chữ Gia Lâm hương. Ấy muốn nói đền chính thờ Lý Thường Kiệt là ở làng Gia Lâm (sau thành huyện). Vậy có lẽ tìm kỹ càng, ta có thể thấy mộ và mộ chí của ông trong địa hạt Gia Lâm ngày nay. Làng Gia Lâm cũng không xa làng Yên Lạc bao nhiêu; có lẽ cũng vì lẽ ấy, mà người đời sau lẫn với nhau hai vị thái úy đời Lý cùng được ban quốc tính.

3. Bài tựa thần tích ở đền làng Ngọ Xá có chép lại mấy câu trong sắc thần cũ: “Anh hùng xuất thế, văn vũ tư kiêm. Bảo đại định công, nẫm chuẩn y thanh ư tuyệt vực; khang dân thọ quốc, trường lưu tuấn dự ư thanh biên” nghĩa là: “Anh hùng hơn chúng, văn vũ gồm hay giữ đạo, định công, từng rậy uy thanh nơi lạ, yên dân, cứu nước, lâu còn tiếng tốt sử xanh”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2009, 08:53:34 pm »


8- Dư luận

Công trạng Lý Thường Kiệt lớn lao như thế. Đời Lý đã rất được tán dương. Các bia Linh Xứng, Báo Ân và Hương Nghiêm đã ghi lại một vài lời tán tụng.

Trong lời minh ở bia LX, Hải Chiếu đại sư đã viết:

Nguyên văn:

               Việt hữu Lý công,
               Cổ nhân chuẩn thức.
               Mục quận ký ninh,
               Chưởng sư tất khắc.
               Danh dương cực hạ
               Thanh chấn hà vực.
               Tông giáo qui sùng,
               Cảnh phúc thị thực.



Nghĩa là

               Việt có Lý công
               Theo dấu nghển cổ 
               Coi quận yên dân, 
               Đánh đâu được đó. 
               Tiếng động cõi xa, 
               Danh lừng Trung thổ. 
               Dựng phúc chốn này, 
               Qui sùng Phật tổ.


Bia BA có những câu ca tụng huân nghiệp ông rằng:

“Đồ lâm đại tiết, ngôn thụ chuyết lưu. Tin hồ: lục xích chi cô khả thác, bách lý chi mệnh khả ký. Quyết hậu, nãi thệ vu sư; bắc chinh lân quốc, tây thoát bất đinh. Thiện thất tùng thất cầm chi thắng địch. Phi Hán hữu Hàn Bành chi công, khởi Tề hữu Quản Yên chi liệt. Duy Công phụ quân, quốc gia ân phú đa lịch niên, sở khả thùy thần đạo thiên cổ chi hi tích dã.” Nghĩa là: “Mưu thì đương được tiết lớn, lời thì nhận được mệnh to. Vua trẻ mồ côi có thể gửi cho ông, lệnh sai đi có thể giao cho ông. Sau, ông dốc lòng vẽ việc quân: bắc đánh nước láng giềng, nam phá nước không phục mệnh. Hay thắng địch bằng cách bắt rồi lại thả. Chẳng phải như công Hàn Tín, Bành Việt, ở Hán; há không bằng công Quản Trọng, Yên Anh áo Tề hay sao! Thật, ông giúp vua, làm nước nhà giàu mạnh đã lâu năm. Như thế có thể để lại muôn đời cái chính tích sang láng của kẻ bầy tôi!

Bia STDL tán dương vũ công đời Nhân Tông có những câu:

“Trên ngôi yên lặng, quanh nước vỗ về. Thình lình biên lại làm xằng; đến nỗi bắc thùy có biến. Dồn dập ruổi quân cự địch, ầm ầm sấm động ra uy, thành Ung Châu ức nghìn quân giặc, tan tành như trận gió cuốn mây; sông Như Nguyệt trăm vạn binh thù, vỡ lở như mặt trời đốt già. Tuy ngoài trận, tướng quân ra sức; nhưng trong cung, hoàng thượng bầy mưu. Từ đó về sau, ngôi cả thảnh thơi, nhân dân phú thọ. Gió nhân thổi hóa dân ngu, mưa huệ thấm nhuần cõi lạ. Vua Chiêm Sạ chế, bỏ cung thất xin tới làm dân; chùa nước La Vu, lìa sơn hà sang qui chịu phục. Chúng đều dốc chi kính tôn, nghiêng lòng theo dõi.”

Chỉ cần nhắc lại rằng bấy giờ vua Nhân Tông mới lên mười tuổi, thì ta đủ hiểu rằng lời khen trên qui vào Lý Thường Kiệt là kẻ vừa cầm quyền vừa cầm quân.

Đời Trần tuy không có văn tán dương công trạng Lý Thường Kiệt để lại, nhưng sách Việt điện u linh viết đời ấy còn chép chuyện ông, và nói vua Trần Nhân Tông phong sắc thần cho ông. Thế cũng đủ biết danh ông còn lừng lẫy ở đời ấy. Chỉ tiếc rằng Lê Văn Hưu, trong Đại Việt sử ký, không để lại một lời bàn.

Đầu nhà Lê, Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo, có nói rằng hào kiệt nước ta đời nào cũng có; cho nên “Triệu Tiết nghe giật mình!”. Đó là một câu để ca tụng kín đáo Lý Thường Kiệt.
 
Trong đời Lê Thánh Tông, văn học đại thịnh. Tuy đối với nhưng kẻ hoạn thần, sử gia đã có lòng khinh để, nhưng Ngô Sĩ Liên khi chép đến trận Ung Châu, cũng phải phê bình: “Vua Tông ban tên thụy cho Tô Giàm là Trung Dũng, cũng đủ làm rạng lòng trung dũng, cũng đủ làm rạch lòng trung dũng của Lý Thường Kiệt.”(TT)

Đặng Minh Khiêm (đậu Hoàng Giáp đời Hồng Đức thứ 18, năm 1497) có bài thơ vịnh Lý Thường Kiệt trong Thoát hiên vịnh sử thi:

                   Đệ huynh chỉ xích thị minh quang.
                   Tài lược kiêm ưu hữu mão dương.
                   Bắc phạt, nam chinh, huân nghiệp trước.
                   Thù phi môn ngoại tiểu điêu đương.


Nghĩa là:

                   Anh em chầu chực chốn đền đài,
                   Tài lược gồm hay, lại đẹp giai.
                   Đánh bắc bình nam, huân nghiệp rạng
                   Hoạn thần nhưng khác lũ hầu sai.


Dư luận đời Hậu Lê thường chú ý đến sự Thường Kiệt là một hoạn quan, hoặc có ý tiếc rằng sự nghiệp ấy không vào tay một nho thần, hoặc có ý tự phụ rằng: hoạn quan nước Việt còn thế, huống chi nho thần! Tự nhiên, đó chỉ là những dư luận của nhà nho, nhờ chữ nho mà nay còn sót lại. Còn dư luận của các hạng người khác ra sao, thì ta không thể biết được.

Ngô Thì Sĩ là người đã chịu khó khảo sát các sách Trung Quốc để tăng bổ đoạn sử Lý Thường Kiệt. Ông đã phê bình nhiều về họ Lý. Thì Sĩ viết: “Nước ta với Bắc triều đánh nhau nhiều lần, khi thắng, khi bại. Sau đó, Ngô Tiên chúa được trận ở Bạch Đằng, Lê Đại Hành giết giặc ở Lạng Sơn. Trần Nhân Tông bại Toa Đô, bắt Ô Mã Nhi đuổi Thoát Hoan. Ấy là những việc mà nước ta thích khoe. Nhưng những cuộc thắng trận ấy, đều vì giặc đến trong nước ta bất đắc dĩ mà chống. Bên mỏi, bên nhàn khác nhau, thế chủ, thế khách chênh lệch. Đến như, bày trận đường đường kéo cờ chính chính, mười vạn quân kéo thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới cõi không ai dám địch, lúc rút quân không ai dám đuổi; dụng binh như thế, chẳng phải nước ta vốn chưa từng có bao giờ? Vây cho nên, tôi cho rằng việc các châu Ung, Liêm, Khâm là vũ công đệ nhất từ xưa nay ở nước ta. Lý Thường Kiệt khởi thân là một quan hoạn mà lập được nhiều công lạ liền liền. Người Tống thật phải xấu hổ!

“Hoặc có kẻ hỏi tại sao không giống trống thẳng tiến? Nếu không đến kinh đô nhà Tống, thì cũng lấy lại đất của nhà Triệu ta xưa. Xin trả lời: Phải biết người, biết ta. Trăm trận mà không biếng, đó là phép dụng vũ hay đó. Xét thấy nhờ việc này, mà ta trương vũ uy. Người Tống thấy ta mạnh, bèn nghĩ đến cách lấy ân ý mà đãi ta. Từ đó về sau, nghi lễ cống sính, lời lẽ văn thư, đều không sách hoạch lôi thôi nữa…
” (SK 1076 và Việt sử tiêu án)

Qua đời Nguyễn, nghị luận cũng quanh quất trong hai ý ấy: tán dương vũ công, chú ý đến sự xuất thân là hoạn thị. Từ vua Tự Đức trong Việt sử ngự chế tổng vinh, qua bìa Nhữ Bá Sĩ, cho đến người phê bình nhân vật chép trong VĐUL, đều lặp đi lặp lại hai ý ấy.

Ngày nay chúng ta không thành kiến, có thể xét sự nghiệp Lý Thường Kiệt một cách công minh.

Đọc hết đoạn sử này, ai cũng phải nhận thấy rằng Lý Thường Kiệt đã có công đặc biệt đối với vận mệnh nước ta: là mở cõi miền nam và miền bắc, chống thắng cuộc xâm lăng của nước ngoài và củng cố biên thùy mọi mặt khiến các lân bang kính nể.

Đạt được mục đích ấy là nhờ dân ta đời Lý đã đông đúc. Lại nhờ kẻ cầm quyền đã biết tổ chức binh đội, biết lợi dụng đức tính bền bỉ của nông dân ở đồng bằng, tập tính giỏi nghề đi sông đi bể của dân miền bể và sự hiểu thiên thời, địa lợi của dân thượng du.

Trái lại, tuy Tống có của cải nhiều, binh mã giỏi, tướng có kinh nghiệm, vua có chí to, nhưng những cái sở trường ấy dùng không hợp với mục đích xâm lăng, không hợp với địa hình, thời tiết miền nam. Cũng tướng ấy quân ấy, nếu để ở biên thùy bắc thì chắc có thể ngăn cản được quân Liêu, Hạ. Nhưng vua Tống lại đem chúng tới vùng nóng nực, rừng núi, xa làng mạc chúng. Chỉ nêu danh nghĩa đem quân đi phạt man di, thì có lẽ chỉ đủ làm phấn khởi lòng các tướng tá, vì họ mong thắng trận rồi được thăng chức tước. Nhưng đối với quân ô hợp lượm ở miền bắc, thì chỉ có sự mong muốn cướp bóc, hiếp chóc, học may mới làm chúng chiến đấu hăng hái. Khốn nỗi, quân chưa từng xuống đến miền giàu có, mà đã bị thiệt hại nhiều rồi. Cho nên không ai có lòng chiến đấu.

Lý Thường Kiệt đã biết đem sự bất kỳ chống với sự mạnh, đem chỗ mình giỏi chống với chỗ địch kém, đem quân được nghỉ ngơi đợi quân phải mệt nhọc, đem sự nhẫn nại chống với sự kiêu căng, và nhất là lấy nghĩa sinh tồn của một dân tộc đối với lòng cầu danh của một vài nhân vật địch. Đó là những cớ chính làm cho quân Lý thắng và quân Tống phải thua.

Công Lý Thường Kiệt là to. Tài cầm quân Thường Kiệt là cao đã đành, mà đến chính sách nội trị và ngoại giao của Thường Kiệt cũng khéo. Thường Kiệt lại không tự ái quá, biết trọng quyền lợi chung. Nếu không thì sao khi vua còn nhỏ, ông cầm hết quyền bính và quẤn Đội trong tay, mà không bắt chước Lê Hoàn hay Lý Công Uẩn, chỉ ra một lệnh là cướp được ngai vàng? Nếu không, thì sau khi thấy tình thế ngoại giao với Tống trở nên khó khăn bởi mình, ông lại chịu bỏ ngôi tể phụ mà ra lủi thủi ở trấn Thanh Hóa?

Tuy sách sử ta chép chuyện sơ sài. Nhưng xét qua những sự còn ghi trong những sách Tống ta cũng hiểu được ít nhiều đức tính của Thường Kiệt.

Chỉ tiếc rằng riêng về cá nhân của ông, thì không có những chứng làm cho ta biết rõ ràng hơn. Những lời nói mà bia Nhữ Bá Sĩ và sách Cương mục còn chép, vào khoảng đồng ấy và lúc già, thì không có gì chắc chắn. Sợ đó chỉ là lời sáo ngữ mà sử quan hay người viết thần sắc và dã sử đã bịa ra mà thôi. Chỉ có một điểm mà ta chắc chắn, là thái độ của Thường Kiệt đối với đạo Phật. Tuy ông không mê đạo, nhưng ông cũng đã che chở các tăng đồ và ít ra, cũng đã dựng chùa Linh Xứng ở Thanh Hóa.

Chùa ấy nay cũng đã mất. Ngoài cái bia chùa còn lại, tuyệt nhiên không còn có vật gì kỷ niệm một vị ân nhân của dân tộc ta. Tưởng nay đã đến lúc ta có thể đền bù công đức của Lý Thường Kiệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:06:20 pm »


CHƯƠNG XIV
ĐẠO PHẬT THỜI LÝ

1. Tín ngưỡng ở Giao châu. - 2. Đạo Phật tới Việt - 3. Đạo Phật bành trướng - 4. Chế độ tăng và chùa - 5. Tăng và chính trị - 6. Đạo Phật và phong hóa - 7. Đạo Phật và văn hoá.


1- Tín ngưỡng ở Giao Châu.

Trước khi các tôn giáo ngoài tràn vào, người Việt chắc đã tôn sùng những mãnh lực thiên nhiên, như núi sông, sấm chớp. Những di tích còn lại không những ở trong tập tục của dân gian, mà trong điển lệ tế tự, nay còn những vị thần, được thờ tại rất nhiều nơi, mà không ai biết rõ gốc tích từ đâu tới. Thần Cao Sơn chắc cũng là đức thánh Tản Viên, thần Long Thủy có lẽ gốc ở Thác Bờ. Lại như đền hay “chùa” Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện hẳn là di tích các thần mây, mưa, sấm, chớp.

Đến hồi Bắc thuộc, đạo Nho và đạo Lão được đem vào. Nhất là trong đời loạn li sau khi Hán mất, Sĩ Nhiếp là thái thú ở Giao Châu, giữ một vùng yên ổn, thì nhiều nhà tri thức Trung Hoa tụ tập ở Luy Lâu, trị sở Giao Châu. Nhờ đó, Nho học và Đạo học lại càng bành trướng. Trong hai đạo mới, đạo Lão là thích hợp với tín ngưỡng gốc của dân Việt, cho nên nó lan tràn chóng và hòa lẫn với những tập tục dân gian. Còn như Nho giáo, tuy được dựa thế những kẻ cầm quyền, phần đông là nho sĩ, nhưng nó cũng chỉ giữ tính cách thường, chứ không thành một tín ngưỡng mới.

Sau đó, đạo Phật từ Ấn Độ mới lan đến góc đông nam lục địa. Với tính cách ôn hòa, thần bí, Phật giáo chóng ăn sâu vào lòng tín ngưỡng người Việt. Nó dung hòa dễ dàng với sự sùng bái thường, và nó dễ đi đôi với Đạo giáo đến đấy từ trước.

Ba Tông giáo Nho, Lão, Phật đã sớm thành cơ bản của tín ngưỡng dân Việt, và đồng thời tiến triển. Cho nên thường gọi là tam giáo tuy nói là tam giáo tịnh hành, nhưng theo thời đại, một hay hai giáo vẫn được chuộng hơn. Ta sẽ thấy trong thời nhà Lý, Phật giáo chiếm bậc nhất. Nhưng ta cũng phải nhận rằng Phật giáo hành ở xứ ta, cũng như ở Trung Quốc bấy giờ, đã dung hòa với Đạo giáo và những tín ngưỡng gốc của dân gian. Nó đã biến thành một Tông giáo lấy Phật làm gốc, nhưng lại ghép vào các vị thần linh, mà ngày xưa chỉ là mãnh lực thiên nhiên. Và nó dùng những kỹ thuật, theo đuổi những mục đích thích hợp với Đạo giáo hơn là Phật giáo.

Địa vị các tăng già, trong suốt đời Lý, vẫn là trọng; nhưng ảnh hưởng về chính trị hình như không có bao nhiêu. Về phương diện tinh thần và luân lý, thì hẳn rằng Phật giáo có ảnh hưởng lớn. Nó đã đổi cái triều đình vũ phu và mộc mạc của các đời Đinh, Lê, đóng ở chỗ đầu ngàn cuối sông, ra một triều đình có quy mô, có lễ độ ở giữa bình nguyên, có thể so bì với các nước khác ở miền bắc.


2- Đạo Phật tới Việt

Nhờ một câu chuyện giữa thái hậu Linh Nhân, tức bà Ỷ Lan, mẹ Lý Nhân Tông, với một nhà sư có học uyên bác, mà ta còn biết gốc tích đạo Phật ở nước ta. Sách TUTA còn ghi chuyện ấy rất rõ ràng trong chuyện Thông biện quốc sư (TUTA 19a).

Ngày rằm tháng 2 năm Hộ Phong thứ 5 (1096) thái hậu đặt tiệc chay ở chùa Khai Quốc, thết các tăng. Tiệc xong, thái hậu kê cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Thái hậu hỏi:

“Nghĩa hai chữ PhậtTổ thế nào? Bên nào hơn? Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Đạo tới sứ ta đời nào? Truyền thụ đạo ấy, ai trước ai sau? Mà sự niệm tên Phật, hiểu tâm tổ là do từ ý ai?”

Các sư đều im lặng. Chỉ có vị Trí Không trả lời rất tường tận từng khoản. Vì đó, thái hậu, ban cho sư hiệu Thông biện quốc sư. Về đoạn truyền giáo vào sứ ta, lời sự đại khái như sau:

“Phật và Tổ là một. Phật truyền đạo cho Ca Diệp. Về đời Hán có Ma Đằng đem đạo vào Trung Quốc, Đạt Ma lại truyền vào nước Lượng và nước Ngụy. Đạo rất thịnh khi dòng Thiên Thai thành lập. Dòng ấy gọi là Giáo Tông. Sau lại có thêm dòng Tào Khê, tức là dòng Thiền Tông. Hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm. Về dòng Giáo, có Mâu BácKhang Tang Hội là đầu. Về dòng Thiền, trước nhất có Tì ni đa lưu chi; sau đó, Vô ngôn thông lại lập ra một dòng Thiền khác nữa”.

Trí Không trả lời như thế đã khá rõ ràng. Nhưng thái hậu có óc phán đoán, lại hỏi thêm chứng những điều nói trên. Sư trả lời rành mạch, dẫn những sách cũ, những trả lời của các người xưa, mà nay ta còn tìm lại được một phần, nó có thể khiến ta tin rằng những chứng Trí Không đem ra đều là đích xác.

Trí Không viện lời của hai người xưa bên Trung Quốc, một người nói đến sự truyền dòng Giáo Tông, một người chứng việc truyền dòng Thiền tông vào nước Việt.

Chứng đầu là lời pháp sư Đàm Thiên kể lại một câu chuyện mà sư này có nói với vua Tề Cao Đế (479-483). Vua Tề khoe với sư rằng mình đã xây dựng chùa tháp khắp mọi nơi, kể cả Giao Châu; rồi vua nói thêm rằng: “Xứ Giao Châu tuy nội thuộc, nhưng chỉ là một xứ bị ràng buộc mà thôi. Vậy ta nên chọn các sa môn có danh đức, sai sang đó để giảng hóa. May chi sẽ làm cho tất cả nhân dân được phép Bồ Đề”.

Vua Tề tưởng rằng nước ta còn kém về đạo Phật, cho nên mới có ý ấy. Nhưng sư Đàm Thiên biết rõ rằng sự thật là trái ngược: nước ta đã được Phật hóa từ lâu, trước cả nước Tề ở vùng Sơn Đông nữa. Sư trả lời rằng:

“Xứ Giao Châu đường thông với Thiên Trúc (Ấn Độ). Khi Phật Pháp chưa tới Giang Đông (nước Tề), thì ở Luy Lâu (kinh đô Giao Chỉ, nay là làng Lũng Khê ở phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh), đã (có xây hơn hai mươi ngôi chùa, chọn hơn năm trăm vị tăng, và tụng mười lăm quyển kinh rồi. Vì đó, mà người ta đã nói rằng Giao Châu theo Phật trước chúng ta. Lúc ấy đã có những vị sư Ma La Kê Vực, Khang Tăng Hội, Chi Cương Lưu ChiMâu Bác ở đó”

Sau khi dẫn lời Đàm Thiên ở trên, sư Trí Không còn nói thêm một chứng của sư, là: “Sau đó, lại có sư Pháp Đắc Hiền được Tì Ni Na Đa Lưu Tri truyền tông giáo của tổ thứ ba là bồ tát Đạt Ma cho. Sư ấy ở chùa Chúng Thiện và dạy hơn 300 đệ tử”.

Chứng thứ hai là thuộc về dòng Thiền Tông. Sư Trí Không viện lời Quyền Đức Dư, là viên tể tướng đời Đường, về cuối thế kỷ thứ tám. Đức Dư đã viết trong tựa sách Truyền pháp rằng: “Sau khi Tào Khê mất, phép Thiền rất thịnh và dòng Thiền nối dõi không dứt. Có thiền sư Trương Kính Huy là học trò Mã Tổ đi truyền giáo ở các xứ Ngô Việt, và có đại sư Vô Ngôn Thông đi truyền ý phái Bách Trượng và giảng pháp ở xứ Giao Châu”.

Đó là hai chứng mà sư Trí Không đã bày trước thái hậu. Ta có thể tin vào đó chăng? Ông Trần Văn Giáp trong sách BA đã khảo cứu các sách Phật, và đã thấy rằng, tuy những lời của Đàm Thiên kể lại trên không còn thấy trong những sách còn lại, nhưng những nhân vật kể trong đó đều có thật, và còn có chuyện hợp với lời trên. Vả sách TUTA cũng chép lại gốc tích các dòng Thiền, nó chứng thật lời Quyền Đức Dư, mà nay vẫn thấy trong sách Tàu còn lại.

Trong những nhân vật kể trong lời Trí Không, thì Mâu Bác là xưa nhất. Bác nguyên người Thương Ngô sang Giao Châu ở với mẹ, vào khoảng cuối đời Hán Linh Đế (năm cuối là 189). Bấy giờ Sĩ Nhiếp coi quận Giao Châu. Đất Giao Châu được yên tĩnh trong khi nước Hán bị loạn; cho nên nhiều người học giỏi chạy sang ở đó. Sự học càng bành trướng ở Giao Châu. Mâu Bác ban đầu theo học Đạo giáo và phép thần tiên. Nhưng vào khoảng năm 194-195, Bác lại theo đạo Phật, (BA)

Xem vậy thì trước Mâu Bác, Phật giáo đã được hành ở Giao Châu rồi. Đạo Phật từ đâu đã vào đất Việt? Có thể từ đất Hán, vì đạo đã vào Hán chừng một trăm năm trước. Nhưng đạo cũng rất có thể từ Ấn Độ được theo đường bể đem vào, theo các thuyền buôn đi dọc bờ biển Ấn Độ, sang biển Trung Hoa. Khi sư Đàm Thiên nói xứ Giao Châu đường thông với Thiên Trúc, có lẽ sư muốn nói đường thủy. Những người Tây Vực tức là ở vùng tây bắc Ấn Độ, đã sang buôn bán dọc bờ biển. Những đồng tiền bạc, tìm thấy ở nội địa trong Nam, chứng tỏ rằng đồng thời với các hoàng đế ở Rome, xứ Tây Vực đã có liên lạc với đất Đông Dương. Trong truyện Phật chùa Pháp Vân ở Luy Lâu, có nói rằng đời Sĩ Nhiếp, đã có hai vị sư Ấn Độ, là Kì VựcKhâu Đa La qua đó. Những chuyện kể sau sẽ làm ta tin thêm vào thuyết ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2009, 08:08:56 pm »


3 - Đạo Phật bành trướng

Ba vị sư, mà Đàm Thiên kể tên trên kia, đều là người Ấn Độ hay Tây Vực (ở xứ Sogdiane) gần phía tây bắc Ấn Độ.

Ma La Kỳ Vực, tên chữ Phạn là Marajivaka, là người Ấn Độ, đến Giao Châu, rồi qua Quảng Châu. Tới Lạc Dương đời Tấn Huệ Đế, năm 294. Ông giỏi phù pháp. Sau gặp loạn ở Trung Quốc, ông lại trở về Ấn Độ.

Khang Tăng Hội vốn người Tây Vực, theo cha buôn ở Giao Châu rồi học đạo Phật ở đó. Nguyên người Tây Vực mà ở xứ Việt, cho nên ông học giỏi hai thứ tiếng Phạn và Việt. Nhờ đó ông đã dịch nhiều sách Phật ra Hán văn. Sau đó ông sang nước Ngô, giảng đạo cho Ngô Tôn Quyền, rồi mất tại nước Ngô vào năm 280.

Còn như Chi Cương Lương, thì Trần Văn Giáp cho là Cường Lương Lưu Chi chép trong sách Thập nhị du kinh. Tên Phạn của sư là Kalaruci theo Pelliot, hay là kalyanaruct theo Trần Văn Giáp. Vị sư này tới Giao Châu vào khoảng năm 255-256, và có dịch kinh Pháp hoa Tam muội (BA)

Xem mấy thí dụ trên, ta thấy rằng nhiều vị tăng dịch kinh Phật là người Ấn Độ hay người Tây Vực. Ngoài số những vị đã do đường bộ tới Trung Quốc, một số đã đi đường bể. Những vị này tất nhiên phải học Hán tự. Các vị ấy chắc phần lớn đã qua và ở đất Giao. Vì thế đạo Phật rất có thể đã tới nước ta trước khi đến nước Trung Quốc.

Cho đến sư Đàm Thiên, cũng là người Indoscythe, ở phía tây bắc Ấn Độ. Sư rất giỏi Hán văn, sở dĩ sư lại rõ tình hình Phật giáo ở Giao châu, chắc vì cũng đã có thời kỳ qua ở đó.

Lịch sử Phật giáo ở nước ta, từ ban đầu đến lúc phái Thiền tông xuất hiện, không được biết rõ nữa, vì không ai biên chép lại. Về Thiền Tông, thì sách TUTA đều chép khá kĩ càng.

Dòng Thiền tông lại có hai phái: phái Nam Phương và phái Quan Bích. Phái Nam Phương vào trước, phái Quan Bích vào sau. Nhưng từ đời Đinh, hai phái đều phát triển một cách thịnh vượng.

Tổ phái NAM PHƯƠNG là T.ni đa lưu chi, tên Phạn là Vinitaruci, nguyên người Thiên Trúc, học đạo Bà la môn (Braman). Sau theo Phật giáo, rồi sang các xứ Đông nam để tới Tràng An, kinh đô nước Trần bên Trung Quốc (573). Sau, sư tới Quảng Châu; ở đó 6 năm dịch các kinh Phật. Tháng 3 năm Canh Tý 580, sư sang Giao châu tới trụ trì ở chùa Pháp Vân tại Luy Lâu. Ơ đó được mười lăm năm. Đến năm Giáp Dần 594, đời Tùy Khai Hoàng mới mất.

Đệ tử Vinitaruci có sư Pháp Hiền, mà sách TUTA đã chép ra Pháp Đắc Hiền, trong chuyện quốc sư Thông biện. Vị này được coi như là tổ thứ nhất của dòng Nam phương. Sư người Chu Diên, họ Đỗ; ở chùa Chúng Thiện, tại núi Thiên Phúc, hạt Tiên Du. Sư có rất nhiều học trò. Thứ sử Lưu Phương mời tới Luy Lâu, ở chùa Pháp Vân. Rồi đi giảng đạo, dựng chùa khắp mọi nơi ở Phong Châu (Sơn Tây), Hoan Châu (Nghệ An), Tràng Châu (Ninh Bình) và Ái Châu (Thanh Hóa). Đến năm Bính Tuất 626, đời Đường Vũ Đức, mới mất (TUTA, 44a)

Nhờ đó, phái Nam phương rất được phát đạt, và đã bành trướng nhất trong vùng phủ Từ Sơn. Có sư Định không, là tổ thứ tám, lập chùa ở làng Dịch Bảng, là quê nhà Lý về sau (trước 808). Sau đó, phái Nam phương có nhiều can hệ với các triều đại độc lập ở nước ta. Sư Pháp Thuận giúp Lê Đại Hành, sư Vạn Hạnh giúp Lý Thái Tổ, sư Đạo Hạnh mà tục truyền là tiền thân của Lý Thần Tông, sư Minh Không giúp Lý Thần Tông, đều thuộc phái này cả.

Phái QUAN BÍCH thì đến đời Đường Nguyên Hòa mới vào nước ta, do vị sư đời Đường là Vô Ngôn Thông đem tới. Sư người Quảng Châu, họ Trịnh. Sau khi đi học với Mã tổ ở Giang Tây, sư về Quảng Châu. Sư sang Giao Châu, năm Canh Tý 820; ở chùa Kiến Sơ, tại Phù Đổng (TUTA, 4a). Phái này phát đạt cũng chóng và đã phát ra nhiều vị cao tăng còn để tiếng về sau. Sư Khuông Việt giúp Đinh Tiên Hoàng, sư Trí Không tức là Thông biện quốc sư, sư Khổng Lồ, sư Giác Hải đều thuộc phái này cả.

Không những ở chung quanh kinh kỳ đạo Phật thịnh hành, mà đến những chốn xa như Ái Châu, Phật giáo trong đời Đường cũng đã phát đạt. Trong các vị tăng quê nước ta đã từng đi Thiên Trúc cầu đạo1, có hai vị người Ái Châu, là Trí HànhĐại Thặng Đăng (BA). Vả bia HN cũng cho ta biết rằng về đời thuộc hậu Đường (923-937), châu mục Lê Lương ở Ái Châu có dựng ba chùa ở trong hạt ấy.

Tuy đạo được thịnh hành, nhưng nước ta bấy giờ vẫn còn bị người Tàu thống trị. Cho nên Phật giáo cũng như các ngành tư tưởng khác, hình như cũng chỉ đạt đến một hạng người quyền quí, hay gần gũi người ngoại quốc cầm quyền, chứ không phổ cập đến dân gian. Phải đợi đến thời kỳ độc lập, mới bắt đầu có những chứng rằng Phật giáo có tổ chức và ăn sâu vào dân chúng.
____________________________________
1. Theo TV. Gáp, các vị tăng đã qua Ấn Độ là: Vận Kỳ người Giao Châu, Mộc soa đe ba (Moksadeva) người Giao Châu, Khuy Xung người Giao Châu (Mất ở Thiên Trúc), Tuệ Diệm người Ái Châu (ở lại Thiên Trúc), Trí Hạnh người Ái Châu (mất ở bắc ngạn sông Hằng Hà), Đại thặng đăng người Ái Châu (mất ở Ấn Độ).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM