Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:37:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý  (Đọc 60858 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 08:23:53 pm »


5- Thủy chiến: trận Đông Kênh

Nguyên là tụi Hòa Mán và Dương Tùng Tiên đã đem thuyền sang hải phận ta, muốn theo dọc sông Đông Kênh, để vào cửa Bạch Đằng; nhưng gặp thủy quân của Lý Kế Nguyên chặn lại ở hải phận Vĩnh An.

Các tướng như Trương Thuật, Bùi Cảnh, Bành Tôn đều hăng hái chiến đấu (TB 288/13a), nhưng cũng không tiến nổi, phải lùi về đóng ở cửa sông Đông Kênh, có lẽ là cửa Tiên Yên ngày nay (TB 288/13b)

Tùng Tiên, quân tuy ít, nhưng cũng gắng tiến sâu vào cõi ta. Gặp thủy binh ta đánh nhau lớn bé, đến mười trận “Tuy không giết được nhiều quân địch nhưng cũng không đến nỗi thua” (TB 288/6a). Đó là lời bào chữa cho Tùng Tiên của vua Tống trong chiếu ngày 23 tháng 2 năm Mậu Ngọ (M. Th, DL 8-4-1708; TB 288/6a). Thật ra, thủy quân Tống bị thua luôn. Quân lính bị thương nhiều (Theo lời tâu của viên coi Liêm Châu, 8-3 Đinh Tị, M.Ng, DL 3-4-1077; TB 281/2a)

Tùng Tiên đậu thuyền ở cửa sông Đông Kênh, đợi tin lục quân nhưng không biết tin tức và tình trạng của đại binh ra sao cả. Y bèn sai hai tướng hiệu dụng, là Phàn ThậtHoàng Tông Khánh, vượt bể vào biên giới miền nam nước ta, để dò tình hình và khuyên Chiêm Thành đừng giúp ta. Tùng Tiên lại khuyên Chiêm Thành nên đem quân chắn các đường từ nước ta vào nước ấy, để phòng khi quân ta, bị quân Quách Quì đuổi, chạy trốn xuống phương nam (TB 288/13b). Chiêm Thành nghe lời và có đưa 7000 quân chẹn các đường quan hệ (theo lời tụi Thực, TB 288/13b)

Nhiệm vụ đầu của thủy quân, là xui Chiêm Thành đánh ta, như thế là không đạt. Mà quân Tùng Tiên cũng không vào lọt sông ta, trợ chiến cho lục quân được. Không có liên lạc với Quách Quì, Tùng Tiên đỗ thuyền đợi. Đến lúc, có lệnh đi đón về mới biết đã hòa bình! Ngày 8 tháng 3 năm Đinh Tị (M. Ng, DL 3-4-1077), vua Tống hạ chiếu có nói rằng: “Nếu Dương Tùng Tiên chưa về thì cho quân đi tiếp viện”

Ngày 20 tháng ấy, Tùng Tiên mới về đến nơi.

Thủy quân Tống đã hoàn toàn thất bại, vì không tinh nhuệ bằng thủy quân ta. Sự thất bại về chiến thuật của thủy sư như thế đá làm hỏng cả chiến lược của Quách Quì.


6- Tống lui quân

Sau khi quân ta thất trận ở Kháo Túc, mất hai hoàng tử, Lý Thường Kiệt nghĩ đến kế hoãn binh. Vả ta biết rằng quân Tống cũng mệt mỏi lắm rồi. Hễ chúng rút quân về, thì quân ta lại khôi phục dễ dàng những châu đương bị chiếm.

Vì vậy Lý Thường Kiệt bèn “dùng biện sĩ để bàn hòa. Không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ mà bảo an được tông miếu” (LX)

Ông sai sứ tới doanh Quách Quì nói: “Xin hạ chiếu rút đại binh về, thì sẽ lập tức sai sứ sang tạ tội, và tu cống”. Ông lại bằng lòng nhượng đất cho Tống. Sứ giả là viên văn tư sứ Kiều Văn Ứng nhận với Quách Quì rằng1: “Chỗ nào quân Tống đã chiếm tức là đất Tống” (TB 349/7a). Ông lại bào chữa cho vua Lý, đổ lỗi việc đánh Ung Châu cho người Tống là Từ Bá Tường đã xui giục (VII/1)

Về mặt Tống, lương thảo rất thiếu thốn (X/6). Từ khi đại quân vào đất ta, phu khuân vác lương thảo không đủ số. Ngày 17 tháng 12 (K.Ho, DL 14-1-1077; TB 279/17a) viên chuyển vận phó sứ Quảng Tây Miêu Thì Trung phải tâu việc ấy về triều đình. Vua Tống hạ chiếu nói: “Vì số phu không đủ, cho nên binh phải dừng lại lâu như thế. Vậy phải bắt phu cho đủ. Nếu bắt không đủ bảy phần mười thì châu quan phải phạt một phần và huyện quan phải phạt hai phần...”

Về sau, khi kể công tội trong việc nam chinh, Triệu Tiết bị khiển trách vì để thiếu lương (chiếu 18 năm Đinh Tị, M.Dn, DL 21-8-1077, TB 283/16b). Chính Thúc kể chuyện thiếu lương, phải thở ra câu này: “May có lời giặc xin quy thuận, không thì làm thế nào?”(NTDT)

Tình hình quân quẫn bách như thế! Mà Thăng Long gần như thế! Các tướng Tống không biết nghĩ nên gắng tiến hay nên lui.

Bấy giờ đã cuối tháng Giêng năm Đinh Tị, mùa nóng gần tới. Các tướng Tống đều thoái chí, cùng bàn rằng: “Lương ăn của chín đạo quân ta đã cạn. Lúc ra đi, quân có 10 vạn, phu có 20 vạn. Vì nóng nực và lam chướng, quân phu đã chết mất quá nửa rồi. Còn non nửa cũng đều ốm”.

Quách Quì kết luận rằng: “Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Càn Đức, để báo mệnh triều đình; Thôi ta đành liều một thân ta, chịu tội với triều đình, đó là bởi trời! Thôi ta đành liều một thân ta, chịu tội với triều đình, để mong cứu hơn mười vạn nhân mạng” (TB 279/22b)

Quì bèn quyết định nhận lời sứ ta, mà lui quân. Quì cho người mang biểu của vua Lý về triều Tống, và hẹn với sứ ta tới đó nhận trả lời (TB 279/22b)

Quách Quì đã định ngày rút quân. Nhưng sợ quân ta theo đánh, cho nên không ban bố cho mọi người biết trước. Đang đêm, Quì cho lệnh rút lui lập tức. Các bộ binh và kỵ binh không kịp sắp thứ tự, hoảng hốt đạp xéo nhau mà đi. Tống sử (TS 334) chép việc này, kể thêm rằng: “Quân Giao Chỉ, đóng bên kia sông, rình thấy như vậy, nhưng biết rằng tướng Đào Bật cầm hậu quân đi sau, cho nên không dám đuổi theo.

Đào Bật là một tướng văn võ kiêm toàn. Từ khi đánh Quảng Nguyên đến khi quân tới Phú Lương, Quì đã sai Bật cầm quân giữ mặt hậu. Nay quân rút, Bật cũng có trách nhiệm che chở cho đại quân lui, để khỏi bị quân ta theo đánh. Bật, rất điềm tĩnh, ra lệnh cho quân sĩ mình không được nhố nhao; đợi sáng rồi, mới sắp hàng chỉnh tề thong thả rút lui. Quân Quách Quì nhờ đó được vô sự (TS 334).

Các sách không chép rõ ngày rút quân. Nhưng theo sách NTDT thì hai bên cầm cự nhau 40 ngày ở sông Phú Lương. Ta biết rằng Quì đến đó ngày 21 tháng 12. Vậy ngày rút quân về ở đầu tháng 2 năm Đinh Tị 1077

Lý Thường Kiệt, cũng muốn hòa bình, nên cũng không thừa cớ bội ước, để quân Tống rút lui yên ổn.
_______________________________________
1. Sách VSL có chép Kiều Văn Tư, nói y được cất làm chức thượng lâm quốc sĩ sư vào năm 1100. Không biết có phải là Kiều Văn Ưng làm chức Văn tư sứ mà VSL chép lầm hay không.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 08:30:13 pm »


7- Giảng hòa

Quân Tống đã vượt hàng ngàn cây số, qua biết bao núi đèo mới tới sông Phú Lương. Chỉ còn vài chục cây số là đến Thăng Long. Thế mà triều đình Tống đợi mãi không được tin báo thắng trận.

Ngày đầu năm Đinh Tị (1077), vua Tống Thần Tông nóng lòng phán rằng: “Triều đình muốn biết sự động tĩnh của quân An Nam hành doanh từng ngày một. Vậy sai Chu Ốc, hiện sung chức quyền phát ở Ung Châu phải tâu về hàng ngày. Phu mang điệp, sẽ dùng thứ bài dài đặc biệt, viết chữ lớn để xa trông rõ, đề chữ Khu mật cấp tốc văn tự (văn tự cấp tốc của bộ quốc phòng), và sẽ chạy qua các trạm không phải dừng”. Nhờ vậy, vua Thần Tông theo dõi đại quân tiến hàng ngày.

Vua rất quan tâm đến việc này, cho nên luôn luôn xem địa tô và trình lục rất kỹ lưỡng. Lúc Quách Quì tâu về báo rằng đại quân đã đến Quang Lang, vua Tống mừng nói cho các quan biết. Nhưng các cận thần không biết Quang Lang ở đâu. “Vua bèn giảng cho biết từ Quang Lang đến chỗ này 50 dặm là đường gần (có lẽ đường ải Chi Lăng), đến chỗ kia 100 dặm là đường xa (có lẽ là đường quanh trong núi). Vua chỉ chỗ hiểm, chỗ bằng, lối quanh, lối thẳng, thuộc như đếm mấy ngón tay” (Theo lời thư Tôn Thù gửi cho Triệu Bổ Chi, chép trong sách Kê lặc)

Đến khi được tin quân Tống không thể sang sông Phú Lương được, vua tôi Tống rất bất bình, bèn đổ lỗi cho nhau. Ngày 18 tháng 2 năm Đinh Tị (K. Ho, DL 15-3-1077; TB 280/14a) viên thị lang bộ lễ Vương Thiều dâng sớ nói rằng: “Ngày trước tôi đã diện đàm về việc Quyết Lý, Quảng Nguyên; tôi đã thấy rằng phàm lo việc nước, đại thần không nên tham hư danh mà quên thực họa; bỏ sự nghiệp xa mà lấy việc nhỏ làm đầu. Lúc mới khởi việc đánh An Nam, tôi đã tranh luận kịch liệt, muốn nuôi dân lực và bớt phí tổn, đến nỗi sinh thù với kẻ chấp chính bấy giờ (Vương An Thạch)”, Vua Tống lấy thế làm mếch lòng. Vương Thiều bị bãi (TS 328).

Hạ tuần tháng 2, được tin Quách Quì nhận lời đình chiến với Lý, đã lui quân, đã thôi không tìm cách vượt bốn năm chục dặm cuối cùng để hạ Thăng Long nữa. Tuy nhận được biểu của vua Lý khiêm tốn xin nhận lỗi, chịu nhường đất và trở lại tu cống như xưa, nhưng Tống Thần Tông lấy làm bất mãn. Vua liền muốn sai quân tiếp viện xuống để gắng qua sông. Có viên giám sát ngự sử Thái Thừa Hi dâng sớ can ngăn (VKT). Trong sớ có nói rằng:

“Thánh nhân đối với man di, làm chính sách không trị mà trị; thế mà trong thiên hạ không đâu là không trị. Tôi trộm nghĩ rằng, từ khi Giao Chỉ chưa hàng, ta đem quân đánh, thì chỉ đánh một góc, mà binh phu đã chết dọc đường nối tiếp nhau; phí của nước kể hàng ức, hàng vạn. Trong hai năm nay, thật là lao khổ. Thế mà chỉ được đất vài châu như Quảng Nguyên mà thôi. Đất ấy cũng chỉ là chỗ cùng hải, cùng sơn, đầy ác thú, khí độc. Người ấy, đất ấy, nếu có được thì cũng chả có ích gì cho thiên hạ”.

“Nếu nói đánh An Nam để hỏi tội, thì nó đã chịu tội rồi”

“Khi xưa rợ Tam Miêu chưa dẹp, vua Thuấn cũng chỉ đi đánh 70 ngày rồi về. Nay, cớ sao ta lại cần đánh nhiều ngày hơn? Mà bây giờ Quách Quì, Triệu Tiết chưa về kinh đô, quân ra ngoài biên thùy chưa trở về doanh ngũ. Thế cho nên kẻ ngoài tuyên truyền rằng: mặc dầu Lý Càn Đức đã hàng, triều đình còn ngấm ngầm ý gì, muốn đem quân đánh trở lại. Không biết sự ấy có thật hay không?

“Vả man di, ở ngoài cõi hoang phục, phong tục khác. Thư từ phải thông dịch mới hiểu được. Với phép trị chúng, ở đời Tam đại (Nghiêu, Thuấn, Thang) tinh xảo biết bao, mà bấy giờ cũng cho rằng chúng không đáng được cai trị. Ấy vì cớ gì? Ấy vì không muốn bởi dân man mà làm khổ dân trong nước.

“Nếu triều đình muốn trả thù sự chúng cướp bóc, thì ta đã thu đất của nó, giết tướng nó, bắt quân nó. Muốn đề phòng ngày sau khỏi có khi chúng ra lòng bất trắc thì ta nên sai bọn Quì và Tiết canh giữ; khiến cho chúng sợ bị đánh lần nữa mà không dám tới cướp.

“Vạn nhất, nếu có nghĩ đến chước đi đánh trở lại, tôi xin triều đình nghĩ kỹ, nên để người Hồ (Kinh Hồ tức Hồ Nam và Hồ Bắc), Quảng (tức Quảng Nam, Quảng Tây và Quảng Đông) nghỉ ngơi vài năm, đợi lúc thương tích lành, rồi sau sẽ tính việc”

Vua Tống cũng cho lời tâu ấy là phải. Vả Lý Thường Kiệt cũng đã giữ thể diện cho Tống, bằng lời lẽ xin quy phục, xin cống hiến và nhường những đất quân Quì đã chiếm. Tể tướng Ngô Sung là kẻ chủ hòa xưa nay, lại rất bằng lòng.

Ngày 25 tháng 2 năm Đinh Tị, Ngô Sung thay mặt quần thần dâng biểu mừng vua Tống “Đã dẹp yên An Nam, và đã lấy được Quảng Nguyên” (B.Ng, DL 22-3-1077; TB 280/16a, còn TS 6 chép lần ra tháng ba)

Cũng ngày ấy, có chiếu đổi châu Quảng Nguyên ra Thuận Châu và thăng Châu Quang Lang lên hàng huyện, bãi bỏ ti An Nam đạo kinh lược chiêu thảo đô tổng quản, và ti an phủ, và giải tán hành doanh (TB 280/16a)

Vua Tống liền trả lời cho vua Lý Nhân Tông, bảo phải tu cống như trước và phải trả lại dân đinh mà quân Lý đã bắt ở Khâm, Liêm và Ung (TB 280/16a)

Cuộc chiến tranh Lý - Tống khởi đầu từ tháng 11 năm Ất Mão (1075) đến đây đã chấm dứt. Ấy vào tháng hai năm Đinh Tị (1077). Nó đã kéo dài trong mười lăm tháng.


8 - Kết cục

Tống không đạt mục đích dự định thôn tính đất Việt, không tiêu hủy được binh lực Lý, chỉ chiếm được các châu Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô Mậu, Môn và Quang Lang là đất rừng núi mà thôi. Nhưng trái lại, bị thiệt người, tốn của rất lớn. Ngoài bốn trại Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long và bốn thành Khâm, Liêm, Bạch và Ung bị tàn phá. Tống còn mất quân lính, phu phen rất nhiều. Theo lời Chính Thúc “8 vạn phu vận lương và 11 vạn chiến binh chết vì lam chướng. Còn được 28.000 người sống sót về, mà trong đó còn bị ốm nhiều. Kể cả số trước bị địch giết thêm mấy vạn, cả thảy không dưới 30 vạn” (NTDT). Tuy so với các số công khai sau này có khác, nhưng có lẽ Chính Thúc kể cả thổ đinh.

Tuy triều đình Tống chúc mừng thắng trận, nhưng ai cũng biết Tống đã bị thất bại to, và đã mất thể diện với thiên hạ.

Vua Tống cho kiểm điểm binh mã. Thấy có 49.506 người, 4.690 ngựa. Lúc về đến nơi, trừ số chết bệnh hay vì cớ khác, chỉ còn 23.400 lính và 3.174 ngựa (TB 280/17a). Phí tổn cả thảy 5.190.000 lượng vàng. (Theo lời Từ Hi tâu ngày 21 tháng 3 năm Đinh tị. T.Vi, DL 16-4-1077; TB 281/5a)

Vua Tống nghe lời bàn của Thái Thừa Tư (X,13) sai các tướng cầm quân nam thảo coi các châu ở trên đường sang Giao Chỉ: Quách Quì coi Đàm Châu, Triệu Tiết coi Quế Châu, Thạch Giám coi Ung Châu và Đào Bật coi Thuận Châu tức Quảng Nguyên cũ (TB 280/17b)

Sau, vua Tống xét rõ công tội các tướng cầm quân. Tội chính về Quách Quì, vì đã trì hoãn không chịu tiến binh. Quì bị đổi đi Ngạc Châu, rồi giáng làm tả vệ tướng quân và an trí ở Tây Kinh (27-7. A. Ho, DL 18-8-1077). Vua sai tra cứu duyên cớ sự trì hoãn ấy. Chu Ốc khai vì tể tướng Ngô Sung bảo Quì đừng tiến binh. Nhưng sự thật Sung dặn phải xét kỹ lưỡng rồi sẽ hành động (TB 303/8b và TĐ). Tội thứ hai là không biện đủ lương thảo cho quân mã dùng. Những người có trách nhiệm về lương thảo như bọn Lý Bình Nhất, Thái Dục và Chu Ốc đều bị biếm (1-8. M. Dn, 21-8-1077, TB 284/1a)

Còn Triệu Tiết lại được hỏi tội: vì có ngự sử Thái Xác bênh vực (TB 283/16b). Nhưng năm năm sau (1082) khi bị đổi lên lộ Phu Diên, Tiết tỏ vẻ không bằng lòng, vua Tống mắng rằng: “Triệu Tiết trước đây đi đánh An Nam bị thua, đã được tha không bị tội chết. Nay còn ý oán. Nếu không trừng trị thì còn ai sợ lệnh trên nữa” (TB 326/19a). Cho đến Dương Tùng Tiên thống lĩnh thủy quân, lúc mới về, cũng bị tội, nhưng sau được ân xá (TB 288/6a)

Tống vội phủ dụ các quân lính bị đau, cấp tiền cho gia đình những người tử trận, thưởng những người đã có công, phạt những người đã có tội theo hàng Lý, Từ Bá Tường phải tự thắt cổ (năm 1708, TB 288/7a) Triệu Tú trước bày cho ta phép hỏa công, bị phát phối đi Hồ Bắc (năm 1077, TB 281/13b)

Các binh mã thuộc An Nam hành doanh được rút về, trừ một số được đóng coi các châu vừa được nhượng (TB 280/16a)

Muốn tỏ lòng khoan hồng, vua Tống lại theo lời Quách Quì xin, thu dụng tả lang tướng Nguyễn Căn đã bị bắt ở sông Kháo Túc, và bổ làm hạ ban điện thị (1-6, TB 283/1a)

Tuy vậy, vua Tống vẫn nghĩ đến tương lai. Ngày 14 tháng 9 năm Mậu Ngọ 1078, có La Xương Hạo từ Chiêm Thành về tới nơi, dâng các bản đồ vẽ đường đi từ Chiêm tới Giao Chỉ. Tống Thần Tông phê thưởng cho Xương Hạo và nói thêm rằng: “Từ khi dụng binh ở An Nam, kẻ hiến kế đánh giặc kể có hàng trăm. Lời bàn về đường thủy, đường bộ để tiến quân, thường không giống nhau. Chưa biết ai phải. Nên chép các thuyết thành từng loại, về mỗi loại, vẽ đồ phụ vào, để sẵn sàng cho việc dụng binh ngày sau” (TB 292/6a)

Nhưng sau đó, Thần Tông chán nản về việc chiến tranh và không muốn động đến nước ta nữa. Lý Thường Kiệt thì trái lại, dùng vũ lực chiếm lại một phần đất mất và đe dọa Quảng Nguyên. Cuối cùng, Tống không những phải bỏ cả năm châu đã chiếm, mà còn trả cho ta một phần đất ở phía tây bắc Cao Bằng ngày nay, mà các tù trưởng đã đem nộp Tống.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 08:32:36 pm »


Chương XII
KHÔI PHỤC ĐẤT MẤT

1. Tống tổ chức nhượng địa - 2. Khôi phục Quang Lang 3. Đòi Quảng Nguyên: Đào Tông Nguyên - 4. Tống trả nhượng địa - 5. Dư luận - 6. Bang giao thân thiện (1079-1082) - 7. Đòi Vật Ác, Vật Dương. Lại Đào Tông Nguyên. - 8. Phái đoàn Lê Văn Thịnh - 9. Lý cố nài Tống quyết từ.


1- Tống tổ chức nhượng địa

Tuy không lấy được toàn cõi nước ta; nhưng Tống cũng đã chiếm được năm châu miền núi: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên. Trong đó hai châu Quang Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả. Quang Lang là cổ họng của châu Ung, và Quảng Nguyên là nơi có tiếng sản xuất nhiều vàng bạc.

Tống liền tổ chức cai trị các châu ấy. Ngày 25 tháng 2, sau khi triều đình mừng thắng trận, vua Tống hạ chiếu đổi Quảng Nguyên ra Thuận Châu và thăng Quan Lang lên hàng huyện (TB 280/16a)

Ta sẽ thấy rằng Quang Lang ở vào địa thế không thể giữ được, nên Tống phải bỏ, sau khi Quách Quì rút quân. Các châu Tô Mậu và Môn hình như không được hai bên chú ý lắm. Còn Thuận Châu; thì được đặt vào hàng Ung Châu, và có lẽ kiêm quản các châu kia.

Đào Bật liền được bổ coi châu mới (28-2, TB 280/22a). Bật là người Vĩnh Châu. Xuất thân vũ chức. Trước đã từng giúp Dương Điền đánh giặc Dao ở Hồ Nam. Sau lại có công phủ dụ dân bị loạn Nùng Trí Cao lôi cuốn. Trong vụ hành quân đánh Lý lần này. Bật đã được giao những trọng chức, là đi phủ dụ các dân khê động vùng Tả Giang; và mỗi lúc đại quân tiến hay lui Bật cũng phải cầm quân chặn hậu (XI/6). Tuy là vũ tướng. Bật lại là một thi sĩ có tài. Lê Quí Đôn có chép trong sách Kiến văn tiểu lục (quyển 4) sáu bài thơ mà Bật làm trong khi đi tuần thú ở Tả Giang. Số là, sau khi ta đã rút khỏi Ung Châu, Tống lập lại thành Ung Châu. Rồi tháng 5 năm Bính thìn 1076, bổ Đào Bật tới coi châu ấy. Quách Quì lại sai Bật vào các Khê Động phủ dụ man dân. Trong khi đi đường qua trại Vĩnh Bình, Bật có bài thơ ngũ ngôn, tả cảnh nơi biên thùy xa xăm buồn tẻ đối với một viên tướng giàu thi tứ:

        Điệp chướng thâm biên lý
        Cùng kim biên nhất ngu
        Bắc phong gia tin tức
        Nam đẩu khách trình đồ
        Lĩnh thế tần khai hợp
        Viên thanh sạ hữu vô
        Quá khê nhân tiếu ngữ
        Cách ngạn thú yên cô
        Nghìn dặm núi chồng chất
        Một góc biên tít xa
        Nam đẩu soi đường khách
        Bắc phong thổi tin nhà
        Cửa Lĩnh từng khép mở
        Tiếng vượn chốc kêu ca
        Lội khe, ai cười nói
        Đồn cách, khói la tha.


Xét nhân cách, chức vị, công trạng của viên tri châu đầu ở Thuận Châu, ta biết rằng Tống quan tâm đến nhượng địa vừa được, và gắng sức tổ chức cai trị.

Ngoài Đào Bật, Tống định bổ tới Thuận Châu đủ các viên chức, mỗi chức một người: thông phán thiểm thư, phán quan, kiềm hạt, đô giám, đô áp. Sợ rằng châu mới độc nước, quan lại không thích đi, chiếu thư có dặn rằng: “Mỗi năm sẽ thay một quan. Ở hết hạn được thăng một chức, và bổ về mạc chức, nghĩa là ở chỗ trung ương” (21-2, TB 280/15b).

Việc đầu Tống làm là củng cố sự đề phòng châu mới. Từ tháng Giêng (Đ.Ti, 1077) ti tuyên phủ đã tâu: “Châu Quảng Nguyên mới được, nên đóng binh phòng bị khai thác. Xin theo lệ các đất Hi Hà và Nguyên Châu, đemc ác tội nhân tới đó giam”. Vua Tống bằng lòng và bảo đem tội nhân bị án phát phối, từ Hoài Nam trở xuống, đến ở Quảng Nguyên (28-1, TB 280/7a).

Ngày mồng 8 tháng 3, ngự sử Đặng Nhuận Phủ tâu: “Gần đây, nghe nói đã đắp thêm thành Quảng Nguyên và đã bổ vũ thần đến coi. Xin trước hết sai ti an phủ Quảng Tây cùng giám ti xét các điều lệ lợi hại thế nào, mỗi năm dùng giáp binh bao nhiêu, lương thực bao nhiêu, giáp binh lấy từ đâu, lương thực biện chỗ nào. Làm sao cho lính đủ để chống giặc, lương đủ cho lính ăn, và khi thình lình có biến, khỏi phải lo liệu lật đật vất vả”. Tống liền sai 17 chỉ huy ở các xứ Hồng Châu tới phòng thủ Quảng Nguyên, Tư Lang (TB 281/1b và 2a).

Việc thứ hai là tổ chức khai lợi các mỏ. Chiến tranh chưa hết. Quách Quì đã xin sai viên đề điểm hình ngục Quảng Tây đề cử đặt các lò luyện quặng vàng bạc ở Quảng Nguyên (28-1, TB 280/7a). Ngày 9 tháng 3, có chiếu sai viên quan cao cấp là viên ngoại lang Tất Trọng Hùng coi về việc ấy (TB 281/2b và 3a).

Việc thứ ba là thu phục nhân tâm. Tống đặt các chức lại trị coi đủ mọi việc hành chánh. Lại thưởng công cho các tù trưởng đã theo giúp quân Tống, như cháu Nùng Thiện Mỹ là Huệ Đàm (TB 280/21b) và định cấp ấn son cho các động trưởng (19-4, TB 281/10b)

Châu trị bấy giờ đóng ở đâu? Thành Na Lữ, ngày nay còn dấu, có lẽ là thành Thuận Châu cũ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 12:33:20 pm »


2- Khôi phục Quang Lang

Huyện Quang Lang kề trại Vĩnh Bình, thuộc Ung Châu cai quản. Đất ấy quan trọng, vì gần gũi các đồn ở Vĩnh Bình, nhưng sự phòng thủ dễ dàng hơn Thuận Châu. Vả lại hòa bình đã trở lại dần dần. Vua Lý đã xin sai sứ tới Tống. Triệu Tiết bấy giờ coi Quế Châu không ngần ngại mà rút bớt tiền chi phí về việc quân phòng ở Quang Lang (1-5, TB 282/1a).

Lý Thường Kiệt liền mưu đồ chiếm lại những đất đã mất. Sau khi quân Quách Quì rút lui khỏi Lạng Châu, quân Lý liền theo sau và đóng giữ ở động Giáp. Rồi kéo vào đánh úp, chiếm lại Quang Lang (TB 283/15a). Các viên tri huyện Hồ Thanh và tuần phòng Trần Tung đều bỏ chạy (TB 287/1b).

Thế mà viên coi trại Vĩnh Bình không biết. Tháng 7 (Đ.Ti 1077), ti chuyển vận mới tâu về triều, nói: “Có dò được tin quân Giao Chỉ hiện đóng ở ngoài huyện Quang Lang”. Vua Tống không hài lòng, hạ chiếu: “Huyện Quang Lang đã bị Giao Chỉ đánh úp và chiếm. Chưa thấy lộ Quảng Tây xử trí làm sao. Từ đó qua ải Quyết Lý đến Thuận Châu không xa. Coi khéo lại không thể cố thủ được. Phải làm sao cho không tổn quốc uy, sao cho binh lực và tài phí không càng ngày càng hao tổn. Vậy giao cho Triệu Tiết, Lý Bình Nhất, Miêu Thì Trung cùng nhau bàn mưu kế cho đúng lợi hại. Chớ có lần nữa tránh việc, đến nỗi hỏng đại sự của Triều đình ở một phương. Bàn định xong, rồi sẽ gấp tự viết thư báo về tâu rõ” (TB 283/15a).

Sau đó không thấy Tiết tâu điều bàn định về triều. Chỉ thấy rằng ngày mồng 8 tháng Giêng nhuận năm sau (Mậu Ngọ 1078) hai viên chức ở Quang Lang bị kết tội bỏ thành trốn: Trần Tung bị chém và Hồ Thanh bị đày ra đảo Sa Môn. (TB 287/15b)

Thế là quân Lý đã lấy lại được huyện Quang Lang. Có lẽ hai châu gần cạnh là Tô Mậu và Môn, cũng được giải phóng nốt. Chỉ còn Quảng Nguyên, vì trọng binh Tống đóng, quân Lý chưa dám kéo vào. Nhưng Lý Thường Kiệt đe dọa, phao truyền tin sắp tới chiếm Quảng Nguyên để thử xem quan Tống hành động thế nào. Được tin, Đào Bật vẫn điềm nhiên, khuyên binh sĩ ở yên cố thủ, chớ khiêu khích quân Lý. Vì vậy quân Lý vẫn đóng im ở Quang Lang, không dám kéo vào. Dân Thuận Châu được yên tĩnh. Hễ quân Lý động tĩnh thế nào, đều có kẻ mách cho Đào Bật biết (TS 334 và TB 280/24a)

Dùng vũ lực khôi phục đất mất sợ không xong, Lý lại chủ trương ngoại giao mềm dẻo, và xin sai sứ tới bàn. Triệu Tiết tâu về, vua Tống bằng lòng, và hạ chiếu nói: “Giao Chỉ chịu theo ta rồi. Nếu nó có sai người tới bàn việc, hãy cho tới Quế Châu”(1-5; TB 282/1a)

Tuy vậy, vua Tống vẫn sợ quân ta sẽ sang đánh Ung Châu như trước. Vua viết thư hỏi ý kiến Triệu Tiết: “Giao Chỉ nghịch thuận thế nào? Chúng sắp vào cống. Thế nào chúng cũng yêu cầu dân miền đã nhượng cho ta. Ta nên trả lời chóng hay chầy, cho chúng nhiều hay ít?” Tiết trả lời rất tường tận. Lời bàn như sau:

“Lúc chống quân ta ở sông Phú Lương, Giao Chỉ đã đem tất cả các tướng giỏi tự tập ở đó. Thế mà cũng đến nỗi thế cùng, lực quệ, rồi phải xin hàng. Nay việc binh vừa xong. Nên để binh dừng, dân nghỉ: Nhưng thủ lĩnh các khê động thuộc Khâm, Liêm muốn dựa vào biên hấn để kiếm lợi. Chúng trương hoành thanh thế giặc, để làm náo động tiên binh. Những kẻ nhẹ dạ hay nghe và thích kiếm chuyện, lại đồng thanh phụ họa, gây lo cho phương nam.

“Tôi xét thế Giao Chỉ, thấy chúng chưa dám động. Ấy vì có ba lẽ:

1) Trước đây, Giao Chỉ lấy tụi Lưu Kỷ làm mưu chủ. Nay tụi ấy đã được ta bổ làm công chức. Các thuế mỏ vàng, mỏ bạc ở Quảng Nguyên, Tư Lang, nay đều về ta. Các khê động mới theo ta nay đều tự chủ và lập đảng riêng biệt; Giao Chỉ khó lòng mà họp lại được. Huống chi dân miền biên thùy chống lại chúng, không để chúng hiếp dỗ. Ta đã lấy được phủ ở phía ngoài đất chúng, như là đã cắt cánh tay phải của chúng. Trong vài năm nữa, thế chúng vẫn còn chết. Càn Đức nhỏ dại, chinh sự phần lớn ở môn dân mà ra. Chúng nó còn phải gầm ghè nhau để tự bảo, không rỗi tay để cướp ta. Đó là lẽ thứ nhất, mà chúng không dám đụng.

2) Từ kinh thành Giao Chỉ đến biên trại cũ, đường đi mất hơn mười ngày. Từ trước, giặc tới đó chưa từng có đủ lương ăn. Chúng chỉ nhờ tụi Lưu Kỷ góp nhặt cấp cho, mà cũng không đủ ăn nửa tháng. Hết rồi thì chúng cướp đoạt của dân. Cho nên dân rất oán thù. Trước đây, tụi Kỷ liên lạc với các Khê Động ở nước ta, và nhờ dẫn đường nên chúng dám vào cướp. Nay, phên giậu đều hết sạch. Chúng biết nương tựa vào đâu mà dám dòm ngó biên thùy?

“Từ khi chúng làm phản đến nay, dân bỏ cày đã hai năm. Dân ta cũng bỏ cày cấy. Lại thêm bị điều động, bị tật dịch. Số chết nhiều không kể xiết. Ví như chúng có ý ngông cuồng tranh cương thổ ta, thì vừa qua khỏi trường giang1, đã dậm lên đất ta. Chúng lấy ai dẫn đường? Lấy lương đâu ăn? Quân giặc có bao nhiêu để tự vệ? Phải chia quân ra thủy lục, thì quân chắc ít, khi chắc hết. Đó là lẽ thứ hai, mà chúng chưa dám động.

3) Giao Chỉ thu thuế nặng. Những nhà hạng vừa và hạng dưới mỗi năm phải nộp đến trên trăm quan. Bốn phần mười thuế ấy nộp nhà chúa; còn dư, các thủ lĩnh lấy. Thuế nặng đến nỗi dân phải xiết cả tài sản, vợ con, mà bù không đủ số thiếu. Biên dân rất oán giận. Vừa rồi, quan, quân đến đánh. Muốn tỏ lòng thương những dân chúng tới hàng, ta đã treo các sắc bảng hứa tha cho chúng năm năm thuế. Lòng chúng đều vui quy thuận. Giá sử Giao Chỉ trở lại hiếp dỗ chúng, thì có ai theo? Đó là lẽ thứ ba, mà chúng chưa dám động.

“Xét ba lẽ chúng không thể động, ta thấy rằng giặc bị thương di như thế, mà sợ chúng lại phạm thiên uy, thì quá đáng. Trước đây, Địch Thanh bại Nùng Trí Cao xong rồi rút quân liền, không cần phá sào huyệt nó. Thế mà Trí Cao rồi cũng bị giết. Huống nay, Giao Chỉ đã không trông cậy vào láng giềng nào, mà dân chúng đều oán. Thế cô như cây măng. Chỉ chờ thời bị diệt” (TB 291/6b)

Tuy lời thư của Triệu Tiết ngoa và không đáp lại những câu hỏi của Tống Thần Tông, nhưng nó tả cũng khá đúng thế lực và tâm tình tương đối của hai bên Tống, Lý, một năm sau khi giảng hòa. Thật vậy, tuy Lý giữ được gần toàn binh lực ở đồng bằng, nhưng vây cánh ở thượng du hoàn toàn tan rã. Họ Nùng, họ Vi2 theo Tống đã đành. Mà họ Thân hình như cũng điêu tàn. Trong sử Lý sau này, không thấy nói gì đến nữa. Trái lại trong đời Anh Tông, có Thân Lợi tự xưng là con Nhân Tông họp nhiều quân, chiếm các đất Bắc Cạn, Thái Nguyên (1140, TT); không biết Lợi có họ hàng gì với họ Thân ở động Giáp hay không (VSL chép tên Ông Thân Lợi vào năm 1139). Còn Tống thì chán nản không muốn đánh nhau với quân ta nữa, tuy rằng vẫn muốn giữ các mỏ vàng Quảng Nguyên.

Tống Thần Tông nghe lời Triệu Tiết, bèn “xá tội” cho vua Lý. Tống Lý trở lại hòa thuận cùng nhau. Lý Thường Kiệt sẽ có cơ hội để ngoại giao đòi lại những đất còn mất.
_______________________________________
1. Nguyên văn: tài quá Trường giang, tức tiển tỉnh địa nghĩa là vừa qua sông dài (hay là vừa qua sông Trường ), lập tức đạp lên đất nhà vua (Tống). Hai chữ Trường giang có thể hiểu là danh từ chung hay là danh từ riêng. Nếu hiểu là danh từ chung, thì sông dài ấy là sông nào. Theo lời chấp nhận của sứ ta, thì đất Lạng Châu, đã bị Quách Quì chiếm, là thuộc Tống. Vậy sông dài kia là sông Cầu ngày nay. Nếu hiểu là danh từ riêng thì có thể là sông Thương, mà tên xưa là sông Xương. Âm xươngtrường đều đọc như nhau, là tchang. Nhưng đây chắc nó chỉ có nghĩa là sông dài mà thôi. Trong bia cổ LX và STDL đều chép: Lý Thường Kiệt bại Tống trên Như Nguyệt trường giang. Hai chữ trường giang ở đây cũng như ở trong biểu của Triệu Tiết, chỉ là một cách nói cho trịnh trọng và bóng bẩy.
2. Viên coi Khâm Châu là Lưu Sơ đã dỗ được Vi Thủ An coi châu Tô Mậu. Chúa trại Vĩnh Bình Dương Nguyên Khanh đã dỗ được những thủ lĩnh Quảng Nguyên. Các viên ấy đều được thưởng bảy tư (TB 281/8a).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:38:53 pm »


3 - Đòi Quảng Nguyên: Đào Tông Nguyên

Tháng 7 năm ấy (Đ.Ti 1077); triều đình Tống xét rõ các công trạng của các tướng thuộc An Nam hành doanh; Quách Quì bị an trí ở Tây Kinh, còn Triệu Tiết vẫn được lưu lại coi Quế Châu, sung chức an phủ sứ Quảng Tây, để đối phó với Lý. Tháng 10, sứ bộ ta tới biên. Tiết tâu rằng: “Người Giao sai tụi Lý Kê Nguyên tới biên giới cùng với quan ta bàn việc. Tôi muốn bảo quan ta lấy ấn tín triều đình mà hiểu dụ Càn Đức, ra lệnh cho y trả lại những nhân khẩu đã cướp, rồi triều đình sề cấp đất cho”. Vua Tống bằng lòng (TB 285/4b)

Nhưng trong lời biểu của vua Lý, có dùng chữ húy của triều Tống. Triệu Tiết không chịu nhận biểu, và bảo sứ ta trở về chữa lại. Ngày 15 tháng 11, Tiết tâu: “Giao Chỉ dâng biểu có phạm miếu húy. Sứ giả đã về rồi”. Vua Tống bảo cứ thu rồi tâu đệ về triều (TB 285/17b)

Đầu năm sau (M.Ng 1078), vua Lý sai Đào Tông Nguyên trở lại đi sứ. Tông Nguyên đem theo năm voi để cống, và tờ biểu của vua Lý xin lại các đất Quảng Nguyên và Quang Lang (TT chép vào tháng Giêng nhuận, VSL chép vào tháng hai; còn TB chép vào tháng Giêng như TT)

Lời biểu nói rằng:

“Tôi đã nhận được chiếu chỉ cho phép theo lệ tới cống, y như lời tôi thỉnh cầu. Chiếu lại đã sai quan thuộc ti an phủ định rõ cương giới và dặn tôi không được xâm phạm. Tôi đã vâng lời chỉ dụ. Nay sai người tới cống phương vật. Tôi xin triều đình trả lại các đất Quảng Nguyên và Quang Lang”1 (9-1, MA. DL 25-1-1078; TB 287/1a)

Vua Tống trả lời: “Hãy đợi sứ tới kinh, sẽ phân xử về cương giới”.

Tuy vậy, ti kinh lược Quảng Tây có kẻ không muốn để sứ tiến kinh. Ngày 22 tháng Giêng nhuận, ti chuyển vận tâu rằng: “Trước đây, sứ Giao Chỉ đến, nhưng phải quay về vì trong biểu có phạm húy. Nay sứ đã trở lại và đã chữa biểu. Nhưng viên câu đương thuộc ti kinh lược, là Dương Nguyên Khanh, chưa chịu thu nhận. Sợ chúng ngờ vực là muốn ngăn chúng Triệu Tiết. Vua Tống liền bảo tụi Nguyên Khanh: “Phải nhận và gửi biểu về, sai người đưa sứ tới kinh. Còn như việc chúng đòi trả nhân khẩu và sự định biên giới, thì hãy đợi phân xử riêng” (TB 287/19a)

Vua tôi Tống vẫn sợ ta có lòng phản trắc. Triệu Tiết xin tăng quân đóng ở Quế Châu cho được 5000 (TB 285/8b). Ti chuyển vận Quảng Tây xin tăng lương thực và tiền bạc (TB 287/20b). Quế Châu xin sai chúa trại Hoành Sơn tới đạo Đặc Ma mua ngựa, và tới Ung, Khâm kiểm điểm dân Khê Động và sai tập rèn vũ nghệ (TB 286/5a). Vua Tống sai khuyến khích dân Thái xứ Cửu đạo bạch y, vì chúng đã trình những việc thám thính được ở nước ta (TB 285/18a). Nhân bấy giờ có sứ Chiêm Thành tới Quảng Châu, ti kinh lược Quảng Đông không muốn cho vào kinh, vì “chúng đều vãng lai với Giao Chỉ, sợ có gian phi lẫn vào để thám thính” (TB 285/17a)

Trong khi sứ ta khó nhọc dẫn đàn voi đi Biện Kinh, vua Tống phê rằng: “Sứ Giao tiến tới kinh. Vì chúng mới cướp ta, nên phải lo đề phòng. Khi còn ở dọc đường cũng như khi tới kinh, hễ chúng ra vào phải cắt người giám thị. Vậy phải viết thư cho ti kinh lược Quảng Tây và cho các viên hộ tống phải mau mau báo cáo. Nếu dọc đường có xẩy chuyện gì, ti kinh lược chưa kịp bẩm, thì cứ việc thi hành” (25-5, TB 289/18b)

Tháng 6, sứ bộ qua lộ Kinh Hồ Bắc. Viên chuyển vận sứ ở đó không đủ quân hộ tống, xin phép bỏ tiền thuê phu cho đắt (TB 290/1b). Ngày mồng 2 tháng 9 Đào Tông Nguyên đã tới kinh, xin dâng cống vật (TB 292/1b)

Triệu Tiết khuyên Tống Thần Tông đừng trả hai châu Quảng Nguyên và Quang Lang (Theo TCK, TB 300/12b). Ý Thần Tông cũng không bằng lòng trả (TS 14)

Nhưng từ khi chiếm được Quảng Nguyên, Tống đã bị thất vọng lớn. Châu ở cách xa Ung hai ngàn dặm, khí hậu lại độc. Quân thú mười phần chết mất bảy, tám (TS 334). Mỗi lúc đến phiên đi thú ở đó, lính từ biệt vợ con như là sắp chết. Cả nhà khóc lốc rất thảm thiết (ĐHBL). Quân thú đào ngũ hàng đoàn. Có lúc có hai quân đội bỏ doanh trốn về nhà. Triệu Tiết nghe nói, viết thư cho tướng chỉ huy chúng, báo: “Quân đóng ở ngoài lâu ngày mệt nhọc, cho chúng nghỉ một tháng rồi bảo chúng trở lại”. Lúc chúng về qua doanh, Tiết mời ăn uống. Rồi gọi hai người đứng hầu mà hỏi vì sao bỏ ngũ. Chúng đều trả lời: “Chỉ vì đi thú lâu ngày ở nơi nước độc, cho nên nhớ nhà”. Tiết nói: “Mẹ ta già tám mươi tuổi. Ta muốn về thăm, có được không?”

Lập tức sai chém hai người ấy, và phạt tội bọn kia phải đánh và đày đi châu khác. (TB 291/7b)

Các viên chức ở Quảng Nguyên dần dần ốm chết. Từ ngày mồng 1 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1078), Đào Bật đã cáo ốm, và xin đổi, hay về hưu nếu không có chỗ để đổi đi. Vua Tống sai Tiết khám thật, và bảo chọn người khỏe mạnh thay thế, để Bật về nghỉ ở Quế Châu (TB 288/7b). Bật được đổi và thăng chức, nhưng ốm chết vào tháng 11 năm ấy (TB 291/3b)

Vua Tống hỏi ý kiến Triệu Tiết thì Tiết khuyên giữ lấy Quảng Nguyên và Tư Lang (18, TCK, xem TB 300/12b)

Triều đình cho đất Thuận Châu là vô dụng. Vua Tống bất đắc dĩ phải trả lời sẽ trả cho vua Lý. Nhưng hoặc muốn giữ thể diện, hoặc để khỏi bị chỉ trích, hoặc vẫn muốn theo lời Tiết, Tống Thần Tông đòi ta trả trước các tù binh và nhân khẩu đã bị bắt. Tống sử còn thép lời chiếu trả lời cho Lý Nhân Tông như sau:

“Khanh đã được triều đình cho cõi Nam Giao, đời đời được ban vương tước. Thế mà, khanh đã bội đức, phụ mệnh, tới cướp phá các biên thành; đã bỏ lòng trung thuận của cha ông, làm phiền quân triều đình phải đi chinh phạt. Đến lúc quan quân vào trong cõi, thế bức, rồi khanh mới quy hàng. Xét tội, thì khanh càng đáng bị truất chức.

“Nay khanh đã sai sứ tới cống, dâng lời rất kính cẩn. Xét rõ tư tình. Trẫm thấy khanh đã biết hối”

“Trẫm vỗ về vạn quốc, không kể xa gần. Nhưng khanh phải trả các dân Khâm, Ung mà khanh đã bắt đưa đi xa làng mạc chúng. Đợi khi nào khanh đưa chúng trở về hết. Trẫm sẽ lập tức lấy các châu Quảng Nguyên ban cho khanh” (TS 488)

Đào Tông Nguyên đệ lời vua Lý, hẹn sẽ trả một nghìn quan lại bắt ở ba châu Khâm, Liêm, Ung (TS 488). Tống Thần Tông lại đặt ra một điều kiện mới, là phải phạt những kẻ cầm đầu gây việc chiến tranh. Sách TB (292/4a) chép rằng ngày 12 tháng 9, Tống Thần Tông hạ chiếu nói:

“Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức bằng lòng trả những người đã cướp ở ba châu Ung, Khâm, Liêm, thì theo lời Khanh đã xin, lấy các châu Quảng Nguyên, Tô Mậu, và huyện Quang Lang trả lại cho. Nhưng phải đem các thủ lĩnh đã gây loạn đến biên giới xử.” (Q.Vi, DL 1-10-1078).

Thế là Tống đòi Lý xử “tội nhân chiến tranh”. Mà tội nhân ấy chính là ám chỉ Lý Thường Kiệt! Vua Lý trả lời rất tường tận. Đó là theo chú thích ở sách TB(292/4a), nhưng sách ấy nói: bản thực lục cựu kỷ2 chép lời đáp rất rõ, bản tân kỷ bỏ đi. Nay sách ấy không chép lại. Ta rất tiếc không được biết lời lẽ thư trả lời ấy. Nhưng ta cũng đoán được rằng Lý không nhận đem xử thủ lĩnh gây loạn. Mà vì thế phái bộ Đào Tông Nguyên lần này không đem lại một kết quả thực tế gì về việc đòi đất Quảng Nguyên, ngoài lời hứa của hai bên.
_______________________________________
1. Những châu mà Lý xin là Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Quang Lang và Tô Mậu. Trong các văn kiện thường chỉ kể một vài tên để trỏ toàn thể. Vả bấy giờ, quân ta đã lấy lại Quang Lang, và có lẽ cũng chiếm lại Tô Mậu và Môn. Nhưng vua Lý vẫn xin kéo lại các châu ấy, cốt ý để Tống cho Quảng Nguyên.
2. Sau khi Triết Tông lên ngôi, Triều Tống sai các sử quan Phạm Tổ Vũ, Triệu Ngạn Nhược, Hoàng Đình Kiên soạn Thần Tông thực lục. Năm Tân Mùi 1091, soạn xong. Bấy giờ đảng phái chống Vương An Thạch cầm quyền, cho nên thực lục Thần Tông phỉ báng An Thạch. Đến năm Quí Dậu 1093, Triết Tông thân chính, phái tân pháp trở lại đắc dụng, cho nên sai rể An Thạch, là Thái Biên, soạn lại Thần Tông thực lục. Tháng Chạp năm Giáp Tuất (đầu năm 1095) Biên soạn xong. Các sử thần soạn bản thực lục cũ đều bị an trí. Vì vậy có hai bản Thần Tông thực lục cựu kỷtân kỷ.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 01:53:35 pm »


4- Tống trả nhượng địa

Tuy Tống lấy giọng bề trên đối với vua Lý, nhưng bề trong, Tống vẫn sợ ta uy hiếp biên thùy. Đối với sứ bộ Đào Tông Nguyên, Tống tiếp đãi rất tử tế. Bấy giờ sứ Chiêm Thành cũng vừa đến, đưa voi từ Quảng Châu tới cống (tới Quảng Châu từ tháng Chạp năm trước. TB 286/1a). Sứ Chiêm sợ gặp mặt sứ ta. Vua Tống tỏ vẻ lúng túng, vì biết rằng ta tự coi Chiêm Thành như phụ thuộc trực tiếp nước ta. Bèn sai xếp đặt làm sao cho hai sứ bộ không chạm mặt nhau, và để tỏ rõ rằng Tống ưu đãi sứ ta hơn sứ Chiêm. Vua Tống dặn các viên đón tiếp rằng: “nhà ở, nơi ăn đều để riêng. Gặp ngày sóc, thì hai phái bộ đều đến điện Văn Đức, nhưng chia ra đông tây mà đứng. Ngày vọng thì phái bộ Giao Chỉ vào điện Thùy Củng, phái bộ Chiêm Thành vào điện Tử Thần. Ngủ và đãi yến thì sứ Giao ở điện Đông Đóa, sứ Chiêm ở Tây Vu”. (TB 292/7a)

Tống Thần Tông bấy giờ lo việc biên thùy miền bắc hơn miền nam. Tháng 8 năm ấy (M.Ng 1078), đổi Triệu Tiết đi coi Thái Nguyên, và bổ Tăng Bố thay. Nhưng viện khu mật xin lưu Tiết coi ti an phủ, tuy rằng Bố đã đến Quế Châu (12-9,TB 292/4a).

Trong khi ấy, nội tình ở Quảng Nguyên, cũng như ở các biên trại, vẫn khó khăn và bối rối. Đào Bật ốm nặng. Ngày 28 tháng 10, phải sai Trương Chi Gián thay coi Thuận Châu. Bật không kịp về, tháng sau thì mất. (TB 292/12a).

Ung Châu bị tật dịch, hỏa tai luôn luôn. Người đương thời hay tin những điềm gở. Khi thấy một tượng phật ở Ung Châu tự nhiên động, dân gian lo sợ; vì trước quân Lý vào đánh Ung Châu cũng đã có điềm ấy. Vua Tống sai lập thủy lục đạo tràng để cầu phúc cho những oan hồn tử sĩ, và giao cho Tăng Bố bàn có nên dời thành Ung hay không (TB 392/7a). Mà điềm xấu không phải ngoa. Các doanh đồn, kho, trại ở Ung, Liêm, Vĩnh Bình, Thái Bình bị cháy. Rất nhiều lương thực khí giới bị thiêu hủy (TB 293/9a). Phải chăng chỉ là sự tình cờ?

Một mặt khác, thấy Tống lần nữa không muốn trả Quảng Nguyên, Lý Thường Kiệt xui dân Châu cướp phá, Ngày 21 tháng 4 năm Kỷ Mùi 1079, ti kinh lược Quảng Tây tâu: “Dân Man cướp Thuận Châu. Xin đưa quân dẹp”. Vua Tống phê: “ Có thể đưa cả đạo quân đoàn kế ở Đàm Châu đến Quế Châu, tạm đóng để trấn tĩnh lòng dân ở Lưỡng Quảng, cho chúng khỏi khiếp sợ. Đợi lúc biên sự yên, quân ấy sẽ trở về chỗ cũ”.(TB 297/15b) Cầm đầu quân giải phóng ấy có Nùng Trí Xuân coi động Cung Khuyết. Trí Xuân có lẽ là dòng Trí Cao, vốn đã theo Tống, và được ban chức nội điện sùng ban. Bấy giờ Trí Xuân thông với họ Ma coi vùng Bắc Cạn ngày nay. Ma Thuận Phúc coi động Vũ Lăng (đất Bắc Cạn) và Hoàng Phu họp quân cùng Nùng Trí Xuân, đánh Thuận Châu (TB 298/13a; TB 300/6b chép Ma Trọng Phúc). Các tù trưởng trung thành với Tống chống lại, trong bọn ấy, có Linh Sùng Khái1 coi châu Cát Lộng (có lẽ cũng là đất Cổ Lộng ở phía bắt vùng Ngân Sơn phía nam Cao Bằng.X/7). Nùng Trí Hội coi châu Quì Hóa cũng đem 2000 quân tới cứu Thuận Châu (TB 298/4b).

Trí Xuân thua. Chạy xuống phía nam cầu viện với vua Lý. Lúc trở lại thì bị viên coi Đống Châu là Hoàng An Cao giết. Vợ con là đồ đảng cũng bị bắt (TB298/13a tháng 6). Ba tháng sau, Ma Thuận Phúc và Hoàng Phu cũng bị bắt và đầy đi xa (TB 300/6b). Lý Thường Kiệt hình như không muốn gây việc chiến tranh to. Cho nên việc khởi nghĩa ở Quảng Nguyên cũng tạm bỏ.

Nhưng các quan Tống ở Quảng Nguyên lần lượt chết bệnh. Vua Tống thương xót, truy ân cho viên quyền phát Vương Cảnh Nhân, viên đô giám Trương Cát, viên đô giám Dương Nguyên Khanh, viên tuần phán Lưu Tử Dân (Tháng 10, TB 300/9b và 12), viên kiềm hạt Trương Thuật và viên đồng tuần kiểm Ngô Hạo (tháng 11, TB 301/4b và 5a). Các người ấy đều chết bệnh sốt rét ở Quảng Nguyên. Lính thú thì mỗi năm cắt tới ba nghìn mà chết tới năm sáu phần. Đó là lời của Triệu Tiết nói (TL,TB 300/12b). Vua Tống phải đặt lệ ban tiền tuất cho con cháu những tử sĩ một cách rất hậu (TB 301/7b).

Cuối cùng, Triệu Tiết cũng phải nhận thấy rằng không thể giữ được châu Quảng Nguyên. Nhưng trong triều còn có kẻ luyến tiếc. Vua Tống nói: “Vì Càn Đức đã phạm thuận, ta mới sai quân đi hỏi tội. Quách Quì đã không đánh lấy được kinh đô nó. Mà nay, Thuận Châu là đất lam chướng. Triều đình được đất ấy cũng chưa có lợi. Lẽ nào lại còn tự mình xua thú binh vào nơi nước độc. Một người bị chết, Trẫm còn thương xót huống chi mười người chết mất năm, sáu” (TCL, xem TB 300/12b). Miêu Thì Trung cũng bàn nên bỏ, nhưng không muốn chính thức trả lại cho vua Lý. Y nói: “Các đồn trại thuộc Thuận Châu ở sâu trong đất giặc. Trở lương vào đó rất khó. Thú binh đóng đó, mười người chết tám, chín. Vậy ta nên bỏ đi. Nhưng mà Thuận Châu vốn là đất cơ mi của châu Ung, chứ không phải thuộc Giao Chỉ”. (TB 300/12b)

Vua tôi Tống nhất định trả đất Quảng Nguyên. Chỉ chờ cơ hội có thể trả mà không mất thể diện mà thôi.

Cơ hội ấy sắp đến. Không lấy tội Tống yêu sách xử tội mình mà giận, Lý Thường Kiệt sai đem trả một ít tù nhân, gồm đủ gái trai già trẻ.

Các tù nhân ấy được đưa từ Nghệ An về bằng đường thủy. Cửa thuyền đều bị trát bùn kín. Trong thuyền thắp đèn đuốc luôn, để tù nhân không biết ngày đêm thế nào, và cũng không thấy đường xá. Mỗi ngày chỉ cho thuyền đi chừng mười đến hai mươi dặm rồi bắt đậu lại. Quân lính canh thuyền giả đánh trống cầm canh. Ngồi trong thuyền nghe canh, tưởng chừng đi trong vài tháng mới tới nơi. (TS 488).

Ngày 13 tháng 10 năm ấy (K.Mu 1079), ti kinh lược Quảng Tây tâu nói Giao Chỉ đã đưa trả 221 người dân đã cướp (TS 488 và TB 300/12a chép số ấy, còn TB 349/7a chép 206 người). Tuy Lý trả không đủ số một nghìn quan lại như đã hẹn, và tuy đã khắc chữ vào mặt và tay tù nhân (VII/9), Tống Thần Tông cũng vin vào cơ hội, mà phán rằng: “Hãy nhận tù nhân; và bỏ Thuận Châu, lấy ban cho Giao Chỉ”. (13-10, M.Ta, DL 9-11-1079; TB 333/12a) Tuy lời chiếu chỉ nói đến đất Thuận Châu, nhưng kỳ thật thì Tống trả tất cả bốn châu, một huyện mà quân Quách Quì đã chiếm: Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu và Quang Lang. (TS 488)

Tuy vậy, quan Tống đã đề phòng sự trả đất này, cho nên trước đó đã bớt lại những châu, động, nguyên thuộc Ung Châu mà sau sáp nhập vào Thuận Châu. Sáu tháng trước ti kinh lược Quảng Tây nói: “Những động như Cống thuộc châu Thuận An, trước là thuộc Ung Châu”. Vua Tống bằng lòng (TB 297/15a). Tống trả đất, nhưng đã di dân vào đất Tống. Một năm sau khi có chiếu trả Thuận Châu, viên coi Ung Châu là Lưu Sơ tâu: “Đã dời 9.929 đã theo ta vào ở các động gần trong, để dễ đàn áp. Dân dời đến Tả Giang thì giao cho các viên tuần kiểm Nùng Bảo Phúc và viên coi Giang Châu Hoàng Thiên Hưng quản. Dân dời vào Hữu Giang thì giao cho các viên coi Điền Châu Hoàng Tiên Sành, viên coi Đống Châu Hoàng An Định quan sát.” Vua Tống bằng lòng (22-10 C.Ta 1080,TB308/14a).
_____________________________________
1. TB (411/5b) lại chép rằng năm Mậu Thìn, sau khi trả Thuận Châu cho ta, Linh Sùng Khái chạy vào đất Tống. Được Tống cho coi động Hoài Hóa. Tống thưởng công liệt vào hàng sứ và đổi động Hoài Hóa ra châu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:01:15 pm »


5- Dư luận

Đến đây là chấm dứt cái chính sách của Tống muốn chinh phục nước Đại Việt. Nào hai bên huy động quân, dân, hàng chục vạn; nào biện luận trong gần bốn năm; kết quả là biên thùy lại trở lại như trước năm Ất Mão 1075. Thế mà Tống đã thiệt hơn hai vạn người.

Đối với nước ta tuy có thể nói không được thua gì. Nhưng thật ra, nếu ta để Tống tấn công trước, chưa chắc quân ta đã bảo toàn lãnh thổ được. Vậy cho nên chánh sách ngoại giao của Lý gồm ba thời kỳ, là tấn công, cầm cự để đến đình chiến và điều đình có lẽ là con đường độc nhất mà một nước nhỏ phải làm, để đối phó với một nước lớn, lăm le muốn nuốt mình.

Xét lại cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt không những là táo bạo, mà ta có thể nghĩ đó là vong mạng, dễ dàng đem lại những ảnh hưởng tai hại vô cùng cho nước ta. Nhưng sự hành động của ông đã thành công. Ấy vì ông đã quan sát tường tận tình hình, quyết định rõ ràng kế hoạch. Khiến nên, trong lịch sử nước ta, có một vũ công phi thường, để dấu chân người Đại Việt lên đất xưa vua Triệu. Đời sau, không có khi nào người nước ta có dịp diễn lại một cuộc tranh hùng như vậy, tuy vậy hình như Nguyễn Huệ có lúc muốn theo gương Lý Thường Kiệt, nhưng vì chết yểu nên không thành.

Không biết câu ca dao:

        Nực cười châu chấu đấu xe
        Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!


sinh ra đời nào. Nhưng nó có thể tóm tắt như hoạt họa, khoảng lịch sử oanh liệt này của nước ta. Tuy về vật chất, sự thắng lợi của chính sách Lý Thườngg Kiệt chỉ có tính cách tiêu cực; nhưng về tinh thần, thì trái lại, nó đã làm tăng thanh thế nước ta lên nhiều, buộc Chiêm phải sợ và Tống phải nể.

Đối với Tống, sự thất bại trong chính sách nam thùy có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng ta đã thấy, ảnh hưởng đầu tiên là sự tấn công của Lý Thường Kiệt làm cho kẻ chủ mưu Vương An Thạch bị đổ và kéo đổ theo cả một công cuộc cách mạng về tư tưởng, chính trị, tài chính và kinh tế của hoàn cầu. Ảnh hưởng thứ hai là người nối An Thạch, là Ngô Sung cũng vì thất bại trong cuộc tấn công ta, nên cũng bị gièm pha và đổ.

Phê bình chung về chính sách Tống ở nam thùy, đã có lời ngụy thái, em vợ Tăng Bố trong sách đông hiên bút lục. Thái viết: “từ khi bọn Tiên Chú đến kinh lược Quảng Tây, hoặc nói dối giá để lừa trên dưới, hoặc không phòng ngữ dân ngoài, để đến nỗi bốn đồn trại bị hãm. Quách Quì lại do dự. Đến nỗi cũng không giữ nốt được Quảng Nguyên, cuối cùng phải bỏ đi. Dân bị bắt, thì mười phần chỉ được trả có một. Thế mà triều đình tốn hàng vạn. Dân Lưỡng Quảng từ đó phải khốn đốn”. (ĐHBL 8 )

Những kẻ chỉ có óc trào phúng, không nghĩ rằng Tống Thần Tông phải trả đất Quảng Nguyên là không giữ nổi. Chúng chế nhạo vua Tống bằng hai câu thơ (TT1084):

        Nhân tham Gian Chỉ tượng
        Khước thất Quảng Nguyên kim.

nghĩa là: “Vì tham voi Giao Chỉ, nên mất vàng Quảng Nguyên”1.


6- Bang giao thân thiện (1079-1082)

Trả xong các đất Quảng Nguyên, Tống coi như đã trút được một gánh nặng trên vai. Vua Tống lấy làm đắc chí, thăng hàm cho viên coi Quế Châu là Tăng Bố. “vì đã xếp đặt việc Giao Chỉ xong xuôi, nên Bố được suy ân” (8-11 K.Vi 1079, TB 301/5a). Nhưng ai cũng nhận thấy rằng cuộc chinh nam đã làm tổn hại binh lực và thanh danh Tống, mà không đem lại một lợi điểm nào. Triều thần đều đổ lỗi cho Ngô Sung đã kìm hãm Quách Quì không để Quì tiến binh mau chóng. Vì vậy Ngô Sung bị bãi chức tể tướng (tháng 8, TB 303/1a), rồi chẳng bao lâu thì mất (tháng 4).

Đối với ta, vua Tống tỏ vẻ kính nể. Tháng 9 nhuận năm ấy (1080), tăng thêm thực ấp cho Vua Lý (TB 309/2a). Ở nước ta triều đình rất vui vẻ. Sử, như VSL, toàn chép những sự tốt lành trong mấy năm liền. Năm Kỷ Mùi 1079, được mùa to. Lạng Châu hiến voi trắng: Công chúa Thiên Thành là vợ Thân Cảnh Long, hiến rùa sáu mắt ba chân: “rồng vàng” hiện luôn luôn. Năm Canh Thân 1080, đúc chuông chùa Diên Hữu, tức là chùa một cột. Sương cam lộ xuống. Vua đi xem đánh cá ở Cùng Giang, xem đua thuyền ở điện Linh Quang, đi xem gặt ở Lị Nhân, đặt lễ ban yến mùa thu. Người Tàu dâng cây tử chi. Năm Tân Dậu 1081, ngày xuân, mặt trời có hai quầng. Sứ Chiêm Thành tới cống. Chỉ có một điều làm bớt vui, là Lý Đạo Thành mất vào tháng 10 năm ấy (TT).

Đối với Tống, Vua Lý vẫn tiếp tục giao hiếu. Giữa năm Tân Dậu 1081, một phái bộ được sai sang Tống vừa để cống phương vật (TB) vừa để xin kinh Đại tạng (VSL). Phái bộ này quan trọng hơn thường, gồm đến 156 nhân viên, và có Lương Dụng LuậtNguyễn Văn Bội2 cầm đầu, sợ quan địa phương Tống làm khó dễ như trước, Lý Nhân Tông gửi biểu nói: “Trước đây tôi có sai bọn Đào Tông Nguyên vào triều cống. Nhưng bị quan Quảng Châu cấm chế, ngăn cản, nên các thú vật đem cống không cùng tới một lần được (XII/3). Nay tôi lại sai viên Lương Dũng Luật và viên tướng tác lang Nguyễn Văn Bội đi thuyền tới cống. Xin giáng chỉ cho phép theo lệ cũ mà vào kinh”.

Vua Tống bảo viên coi Quảng Châu không được ngăn cản, phải theo lệ cũ mà nhận sứ. Và căn dặn phải sai một viên nhập nội sứ thần hộ tống tới kinh (27-6, TB 313/11b). Viên chuyển vận sứ Quảng Đông nói sứ ta xin đi đường Kinh Hồ. Vua Tống trả lời: “nếu người Giao thích đi đường thủy, thì ti kinh lược Quảng Tây cứ theo đường cũ mà dẫn chớ có đổi”. (tháng 7, TB 314/11a). Thế mà, viên kinh lược Quảng Tây bấy giờ, là Trương Hiệt (thay Tăng Bố từ tháng chín nhuận năm trước) nói: “Giao Chỉ vào cống có 156 người. Đối với lệ cũ thì thừa ra 56 người”. Tống Thần Tông phê: “Ai đã đến đó thì cứ cho vào kinh. Về sau sẽ theo lệ cũ” (tháng 8, TB 315/1b).

Tống hết sức làm vừa lòng vua Lý. Thấy sự giao tiếp các công văn với nước ta phiền phức, vua Tống hạ chiếu cho ti kinh lược Quảng Tây, nói rằng: “Từ nay hễ có chiếu ban cho An Nam, thì sai người đến biên giới nghinh tiếp, rồi giao cho”. (Tháng 12, TB 321/10a)

Dọc biên thùy, Tống tổ chức lại để cho sự giao dịch trở lại bình thường. Từ tháng 5 năm Kỷ Mùi 1079 viên kinh lược Quảng Tây, là Tăng Bố, đã sai các châu Khâm, Liêm lập lại các trạm, các bến đò, để người nước ta sang buôn bán (TB 298/18a). Sau cuộc chiến tranh, Ôn Cảo được bổ coi trại Hoành Sơn. Năm 1082, có chiếu đổi Cảo coi Khâm Châu. Viên chuyển vận phó sứ Quảng Tây, Ngô Tiềm, sợ người nước ta oán Cảo mà sinh sự, Tiềm nói: “Gần đây sai Ôn Cảo coi Khâm Châu. Tôi chộm nghĩ rằng Giao Chỉ còn nghiến răng muốn ăn thịt Cảo. Sợ chẳng may, vì thế, chúng sẽ cướp”

Vua Tống vốn không thích Cảo (IX/6), phê: “Cảo vốn tính nhu nhược, mà lại có hiền thù với Giao Chỉ. Thật không nên ở chỗ cùng biên can trọng. Vậy sai viên kiềm hạt Lưu Hi coi Khâm Châu”. (TB 331/21a). Trái lại, Long Đạt, được bổ coi trại Vĩnh Bình, không chịu nhận chức, vì “đã coi các trại ở Ung Châu, y từng bị Giao Chỉ giết chết mẹ, vợ, con và em, nay không muốn gặp mặt chúng”. Vua Tống cũng bằng lòng (TB 334/25b).

Xem các việc trên, ta thấy vua Tống tránh các việc tuy rất nhỏ, nhưng có thể gây sự với nước ta.
________________________________________
1. Một dư luận quan trọng khác là lời Tô Thức (Tô Đông Pha) Tâu can vua Tống Triết Tông đừng dùng Thẩm Khỉ. Nguyên Khỉ và Lưu Dị bị biếm và có nghị định về sau không được lục dụng nữa. Nhưng Dị được khôi phục chức vụ ít nhiều. Khi Triết Tông lên ngôi định xá tội cho Khỉ, Tô Thức dâng biểu nói:
    “Tôi thấy từ đời Hi Ninh, Vương An Thạch được dùng, bắt đầu tìm lập biên công, sinh hiềm thù với các man di. Vương Thiều đang việc Di Hà Chương Thuần xui việc Ngũ Khê (vùng Mai Châu, Phúc Kiến ). Hùng Bản gây việc Lô Châu (vùng Tứ Xuyên). Thẩm Khỉ và Lưu Dị thấy vậy, cũng bắt chước, kết oán với Giao Chỉ. Binh dùng liền liền. Gây ra họa lớn. Quân chết đến mười vạn người. Cả nhà Tô Giàm bị hóa bùn tro. Đến nay, Lưỡng Quảng bị đau thương chưa khỏi.
    “Tiên đế đầu muốn giết hai người ấy để tạ thiên hạ. Nhưng Vương An Thạch hết sức che chở, cho nên chúng mới khỏi mất đầu. Thế là đã may lắm rồi. Đến năm Nguyên phong thứ sáu (24-3 năm Quí Hợi 1083) có Thánh chỉ định rằng Thẩm Khỉ đã phạm tội nặng không được lục dụng nữa. Thiện hạ truyền tụng tin ấy, và cho là đáng. Đó là lời Tiên đế không thể đổi được. Vậy không nên vì tức vị mà ân xá
    “Thẩm Khỉ và Lưu Dị đều có trách nhiệm đối với hàng mười vạn sinh linh. Tuy có bị kiềm hãm suốt đời, cũng chưa trả đủ nợ. Gần đây chỉ vì Lưu Dị hơi được dùng, mà Khỉ không biết tự lượng, dám ngỏ lời kêu ca và đổ lỗi cho Dị, vin lẽ nọ kia để mong được dùng.
    “Theo ý tôi, thì việc An Nam là do Khỉ gây mối, mà Dị nối theo. Phép có thủ phạm và tùng phạm. Dị còn là kẻ siêng năng; học thuật còn có chỗ dùng được. Còn Khỉ thì nhân cách ti tiện, làm việc xu nịnh và nham hiểm. Sự Triều đình dùng Dị đã làm mất tin đối với công nghị, huống nay lại dùng Khỉ. Thật không có lẽ gì ân xá Khỉ” (TB 373/4a).

2. Các tên sứ thì các sách chép hơi khác nhau. Thông giám cương mục (Sách Tàu) chép tên thánh sứ là Lệ tân phó sứ Lương Dụng Tân. Sách TB chép Lệ Quảng phó sứ Lương Dụng Luật. Sách ta chỉ có VSL chép tên sứ mà thôi, và chép Lương Dụng Luật như ở TB.
    Còn tên phó sứ, thì TB 313/11b chép Nguyễn Văn Bội, và nói theo các sách TL chép như vậy. Nhưng sau đó (TB 349/6a), có chép tên một phó sứ khác là Nguyễn Bồi đi sứ Tống cùng Lê Văn Thịnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:12:09 pm »


7. - Đòi Vật Ác, Vật Dương. Lại Đào Tông Nguyên

Sở dĩ Tống dè dặt với nước ta như vậy, là vì bấy giờ Tống còn phải đánh nhau với quân Hạ ở miền bắc, và vừa bị thua một trận to ở Vĩnh Lạc tháng 9 năm (N.TU 1082). Ở trong địa hạt Quảng Tây, cũng vừa có dân châu An Hóa nổi loạn. Các quan Tống vào dẹp, bị giết chết (tháng 5, TB 326/20a). Loạn ấy kéo dài đến cuối năm chưa yên, làm Vua Tống rất lo.

Thấy Tống lâm vào thế khó khăn, và biết ý Tống Thần Tông không dám găng với nước ta, Lý Thường Kiệt bắt đầu từ năm Nhâm Tuất 1082 trở lại chính sách củng cố và mở mang bờ cõi vào các khê động Hữu Giang. Chính sách dùng hôn nhân để ràng buộc thượng du vẫn được tiếp tục. Tháng hai năm ấy, vua Lý gả công chúa Khâm Thành cho Hà Di Khánh châu mục Vĩ Long, ở vùng châu Chiêm Hóa ngày nay (TT và VSL). Thường Kiệt lại mưu sự lấy lại những đất, tuy thuộc Quảng Nguyên, nhưng đã bị các tù trưởng đem nộp Tống trước khi có cuộc Tống Lý chiến tranh. Trong nhưng năm ấy, có hai động lớn, là Vật DươngVật Ác.

Các sử sách Tống và Việt đều có chép hai tên đất ấy, nhưng không chỉ rõ ở vùng nào. Nay góp lặt những tham khảo rời rạc, ta có thể nhận ra rằng hai động ấy ở phía tây bắc Cao Bằng ngày nay.

Từ đời Đường, các động ấy đều thuộc châu Quảng Nguyên, bởi họ Nùng cai quản.

Hai tên Vật DươngVật Ác thấy chép ở sử ta vào thời Nùng Trí Cao. Ta đã thấy rằng (IV/3) Trí Cao được vua Lý Thái Tông tha chết và cấp cho đất Quảng Nguyên và đất lân cận như Lôi Hỏa, Bình Tân1, Bà Tư Lang (1041). Bảy năm sau, Trí Cao làm loạn, chiếm đất Vật Ác (TT và VSL, 1048). Bị quân Lý đánh, Trí Cao chạy vào đất Tống, chiếm đất châu An Đức (TS 495 và TB 167/8a). Năm 1050, Trí Cao lấy động Vật Dương, thuộc châu An Đức, lập nước Nam Thiên và lấy hiệu Cảnh Thụy (VSL)2. Theo, ta biết rằng hai động kia ở trung gian Cao Bằng và An Đức ngày nay.

Sau khi Trí Cao mất, Nùng Tông Đán coi đất Vật Ác. Theo lời viên kinh lược Quảng Tây Hùng Bản tâu năm 1084 thì trong đời gia hữu (1057), Tông Đán đem động Vật Ác nộp cho Tống, cùng các động khác là Lôi Hỏa, Kế Thành và Ôn Nhuận, rồi Tống đổi tên Vật Ác ra châu Thuận An (TB 349/7b và V/8). Ta còn nhớ rằng bấy giờ, vua Lý Thái Tông đòi Tống giả người và đất. Vua Tống Anh Tông không chịu trả tụi Tông Đán, nhưng chịu trả hai châu, và sai Tông Đán coi châu Thuận An mới lập.

Nói tóm lại, Lý mất động Vật Ác vào năm 1057, bởi vì Nùng Tông Đán đem nộp cho Tống; Tống gọi đất ấy là châu Thuận An.

Ta cũng đã thấy rằng cha con Nùng Tông Đán theo Tống, nhưng vẫn là mối lo cho Tống. Phải đợi năm 1064, Tống Đán mới vào ở đất Tống. Năm ấy viên coi Quế Châu Lục Sằn, tới vùng Hữu Giang dụ các khê động. Không những tụi Tông Đán theo, mà còn có tụi Nùng Trí Hội cũng theo. Trí Hội là dòng dõi Nùng Dân Phú, tri châu Quảng Nguyên đời Nam Hán (IV/3). Đó là theo lời Lưu Sơ coi Ung Châu (TB 349/7a). Lại theo lời Hùng Bản, trong đời trị bình (1064), Nùng Trí Hội đem động Vật Dương theo Tống được vua Tống đổi tên cho động ấy ra châu Qui Hóa (TB 349/7b). Trí Hội rất trung thành với Tống. Năm 1073, Ôn Cảo giúp việc ti kinh lược Quảng Tây có tâu xin tăng hàm cho. Cảo nói: “Đã có chiếu bổ tụi Nùng Tông Đán và Nùng Trí Hội làm tướng quân. Nhưng man di không biết chức ấy là gì, chúng muốn xin một chức hàm cao, như phó sứ.” Tống Thần Tông ban cho chúng hàm cung bị khố phó sứ, Tông Đán làm đô giám Quế Châu và Trí Hội coi châu Qui Hóa (TB 244/3b).

Ta cũng đã thấy rằng Trí Hội chặn đường từ Quảng Nguyên đi Đặc Ma, cản trở việc Lưu Kỷ đi mua ngựa ở đó. Cho nên tháng tư nhuận Ất Mão 1075, Lưu Kỷ đã đem quân đánh châu Qui Hóa (VII/3) Tống giúp Trí Hội chống Lưu Kỷ, nên Trí Hội giữ vững châu mình. Sau lại được phong chức văn tư phó sứ (TB 298/4b). Năm 1079, Nùng Trí Xuân cùng Ma Thuận Phúc họp nhau đánh quân Tống coi Quảng Nguyên, Trí Hội lại mang quân tới cứu quan Tống (XII/4). Vua Tống bèn ban thưởng và thăng lên chức cung uyển phó sứ, và cấp cho toàn bổng, vì “Trí Hội tuổi đã già và đã có công” (TB 302/8a). Xem vậy, ta thấy rằng từ khi hàng Tống vào năm 1064 Trí Hội vẫn trung thành với Tống. Châu Qui Hóa, mà y vẫn quản lĩnh, là đất cũ Vật Dương của Lý. Trong khoảng mười sáu năm, Lý chưa có dịp nào để đòi lại đất ấy.

Đất Qui Hóa ở đâu? Theo lời viên coi Ung Châu, là Lưu Sơ, thì khi Lưu Kỷ nộp đất Quảng Nguyên cho Tống (1076-1077), “triều đình lấy châu thông nông cho Trí Hội (TB 349/7a). Như vậy nghĩa là vua Tống lấy đất Thông Nông thuộc Quảng Nguyên thưởng cho Trí Hội, để thêm vào đất Qui Hóa của y đã có. Sử Lý cũng có chép tên đất Thông Nông ấy vào đời Lý Anh Tông (Dương Tự Minh đánh Hàm Hữu Lạng ở đó năm 1145, TT), và nói rõ rằng châu ấy thuộc Quảng Nguyên. Nay ở làng Xuân Lĩnh gần Nước Hai (Cao Bằng), còn có đền Quan Triều thờ Dương Tự Minh, và ở phía tây tỉnh Cao Bằng, còn có làng và tổng Thông Nông. Vả chăng viên coi Quế Châu, là Hùng Bản, có nói: “Các châu Qui Hóa, Thuận An là đất cổ họng của Hữu Giang, chế ngự các đường trọng yếu đi các nước Giao Chỉ, Đại Lý, Cửu Đạo Bạch y”. Xét các chứng trên, ta có thể nhận rằng động Vật Dương hay châu Qui Hóa ở phía bắc tổng Thông Nông ngày nay, tức là ở vào địa phận châu Qui Thuận và Trấn An, kề phía bắc các địa phận Sóc GiangBảo Lạc ở địa đồ của sở họa đồ Đông Dương.

Còn đất Vật Ác hay châu Thuận An cũng kề đất Vật Dương, kề đất An Đức và Lôi Hỏa. Nay tên An Đức hãy còn trong hạt châu Qui Thuận của Trung Quốc. Tên châu Lôi Hỏa không còn. Nhưng còn có Hóa Động ở trên đường quan lộ nối phủ Trùng Khánh thuộc Cao Bằng với châu Qui Thuận. Và các sách Tống có chép tên động Lôi Hóa làm Hỏa Động (TB 185/8b). Hỏa Động gần Hồ Nhuận cũng như Hóa Động gần Ô Nhuận. Ta có thể đoán rằng Hóa Động ngày nay là Hỏa Động hay Lôi Hỏa đời Lý, vào đất Vật Ác hay châu Thuận An ở khoảng giữa Hóa Động và An Đức ngày nay.

Nói tóm lại, động Vật Dương là đất Nùng Trí Hội nộp Tống vào năm 1064 và được Tống đổi tên ra Qui Hóa; động Vật Ác là đất Nùng Tông Đán nộp Tống từ năm 1057 và được Tống đổi ra châu Thuận An. Hai động này ở phía bắc biên thùy huyện Thạch Lâm tức là phần tây bắc Cao Bằng, và thuộc các châu Trấn An và Qui Thuận của Trung Quốc. Phải chăng tên Qui Thuận là lấy hai chứ đầu hai châu Qui Hóa, Thuận An mà đặt ra?

Tháng 6 năm Nhâm Tuất 1082, Vua Lý sai một phái bộ đem 50 sừng tê và 50 ngà voi sang cống Vua Tống. Đó là theo TB(327/15b). Sách ấy có chú thích rằng: “TL Tân Kỷ chép rằng ngày Nhâm Thân 22 tháng 6, Giao Chỉ cống hai con tê nuôi, nhưng Cựu Kỷ không chép. “Nay Tống sử (TS16) cũng chép như Tân Kỷ. Vừa năm trước đã có cống bộ Lương Dũng Luật tới biện kinh. Vậy công bộ năm nay không phải theo thường lệ. Hình như cũng không có sứ giả tới kinh. Mục đích lần này là để đòi dân Quảng Nguyên mà Tống đã đem vào ở trong đất Tống. Lời biểu của Lý nói. (TB 327/15b):

“thủ lĩnh động Cát đán thuộc Quảng Nguyên, là Nùng Dũng, cùng dân động đã làm loạn và chạy vào Ung Châu. Tôi đã viết thư nhiều lần vào đòi. Nhưng Ung Châu không chịu trả”.

Vua Tống trả lời: “Tụi Nùng Dũng nguyên không phải Giao Chỉ quản. Chúng theo ta khi Giao Chỉ chưa hàng. Vậy chúng là dân ta. Không lẽ gì ta trả chúng.”

Theo lời Tống, ta hiểu rằng bọn này theo Tống khi quân Yên đánh Quảng Nguyên. Trước lúc trả Quảng Nguyên, Tống đem dân châu ấy vào ở Tả Giang và Hữu Giang, như ta đã thấy (XII/4). Chắc bọn Nùng Dũng ở trong đám dân ấy. Nhưng không hiểu vì sao Lý chỉ đòi dân động Cát Đán mà thôi. Có lẽ Cát Đán là Cốc Đán (CátCốc đồng một nghĩa là tốt, như trong quán thoại cát nhật hay cốc nhật) ngày nay ở góc tây nam Cao Bằng. Cát Đán ở phía nam Thông Nông mà Nùng Trí Hội còn chiếm.

Lý Thường Kiệt là khôi phục lại các đất mà Trí Hội còn giữ. Thái độ Lý coi chừng đã găng. Ti an phủ Quảng Tây đòi trả thêm các quan lại và đàn bà bắt ở ba châu Ung, Khâm, Liêm. Sứ ta trả lời không có nữa (TB 349/7a). Viên chuyển vận phó sứ Quảng Tây, Ngô Tiềm nói: “Gần đây, nghe nói Giao Chỉ nhiều lần vào đòi dân Hữu Giang. Tôi đã cùng bàn chuyện với những người am hiểu việc Giao Chỉ, và thử đoán ý chúng, ai cũng đều nói rằng trong dăm ba năm nữa, chúng sẽ tới cướp. Vậy xin huấn luyện thổ binh ở Quảng Tây để phòng bị.” (22-6, TB 327/16a)

Tin này và tin dân An Hóa ở Nghi Châu nổi loạn làm cho Vua Tống lấy làm lo. Tuy Hùng Bản đã có lệnh triệu về kinh, bấy giờ cũng phải trở lại coi Quế Châu thay Trương Thiệt (8-7 năm N.Tu 1082, TB 328/4b). Ngô Tiềm lại xin đem 500 quân kỵ ở Thiểm Tây xuống đóng ở Quế Châu (2-8,TB 329/1b).

Ngô Tiềm lo, không phải là không đúng. Tháng 9 năm ấy, Lý Thường Kiệt sai châu mục châu Thượng Nguyên, là Dương Thọ Văn(vùng Bắc Cạn), đem quân đánh Nùng Trí Hội ở châu Qui Hóa, và toan đánh vào châu Thuận An (TB 349/7a). Nùng Trí Hội thua chạy vào Hữu Giang cầu cứu (346/4b). Hùng Bản tâu về triều nói: “Đời Gia Hữu, Nùng Tông Đán đem các động Vật Ác nộp, vua ban tên Thuận An. Đời Trị bình, Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên châu Qui Hóa. Nay các châu động họ Nùng cai quản, vốn không phải thuộc xứ Nam Bình (Giao Chỉ). Mà các châu Qui Hóa là đất chẹn cổ họng của Hữu Giang; chế ngự các đườngquan yếu đi Giao Chỉ, Đại lý, Cửu Đạo Bạch Y, vật xin hạ chiếu cho Giao Chỉ, hỏi vì sao đã xâm phạm châu Qui Hóa, và bao trả lại tất cả các sinh khẩu mà chúng đã cướp. Như thế mới dứt được lòng ác của chúng, khi nó chưa sinh”.(TB 349/7b)

Trong lúc ấy, ở triều Lý, Vua Lý đã trưởng thành và tự cầm quyền. Vua lập một quận ở Thanh Hóa giao cho Lý Thường Kiệt (XIII/2). Có lẽ vì lý do đó, thái độ của Lý bấy giờ không cương quyết như trước nữa.

Hùng Bản sai sứ mang thư trách Vua Lý. “Lý Càn Đức tạ tội, bèn rút quân về”, nhưng vẫn xin Tống trả đất Vật Dương, Vật Ác

Bản là một nho thần, xuất thân tiến sĩ. Tính điềm tĩnh, đến đâu cũng không hay sinh sự. Thường dùng chính sách ôn hòa đối đãi với dân. Nhờ thế, mà loạn An Hóa không lan rộng. Nay thấy nước ta găng, Bản tuy viết thư trách, nhưng xin Tống Thần Tông trả cho Lý tám động đất hoang (TB 346/4b), rồi hẹn với Vua Lý phái người đến Vĩnh Bình bàn cương sự.

Tháng 6 năm Quí Hợi 1083, Hùng Bản phái viên đô tuần kiểm Tả GiangThành Trạc và viên coi lò vàng Điền Nại là Đặng Khuyết đến Vĩnh Bình (TB 335/13a TB 349/6a chép Đặng Tịch). Vua Lý phái Đào Tông Nguyên đến bàn nghị.

Sứ ta muốn đòi lại hai châu Vật Dương và Vật Ác, mà Tống chỉ muốn trả một dải đất ở phía nam dãy núi Hỏa Diễm mà thôi. Đào Tông Nguyên vẫn giữ thái độ găng. Cuối cùng Tông Nguyên đề nghị:

Đất thuộc Quảng Nguyên nầy chỉ là đất nhỏ. Khó lòng mà ban chia. Tôi muốn tự làm bài tâu, để rồi triều đình định bằng lòng hay không.” (TB 339/2a).

Ta có thể coi lời sứ ta như một tối hậu thư! Tất nhiên, Thành Trạc không bằng lòng. Đào Tông Nguyên bỏ hội nghị về.

Ngày mồng 2 tháng 9 (năm Q. Ho 1083), ti linh lược Quảng Tây tâu lời Đào Tông Nguyên tấu với quan Tống, và báo rằng y đã về nước. Vua Tống không bằng lòng lời ấy, nhưng lại trách quan Tống; cho nên hạ chiếu nói: “Hùng Bản chỉ huy các viên bàn cương sự. Như có hội nghị với Đào Tông nguyên, thì đưa cho nó xem rõ văn tự của triều đình. Đừng có lấy lý lẽ bắt bẻ, thương lượng cãi nhau mà để chúng ra ý khinh nhờn” (TB 339/2a).
_____________________________________
1. Sách TT chép: “bốn động: Lôi Hỏa, Bình, Yên, Bà, và một châu Tư Giang”, còn VSL chép ba động: Lôi Hỏa, Bình, Bà và châu Tư Lang. Sách TS 495 chép: “Lấy bốn động: Lôi Hỏa, Tần, Bà và châu Tư Giang”, sách SK so sánh TT và TS và kết luận: “có nơi đổi tên Yên ra Tần. Đây tôi lấy Tần vì trong chiếu vua Tống có chép tên ấy.
2. TT chép: “tháng 9, người Vật Dương loạn, đánh dẹp yên”, VSL chép: “Nùng Trí Cao chiếm động Vật Dương thuộc châu An Đức ở Tống”, TS 495 chép: “Nùng Trí Cao đánh úp châu An Đức, tiếm xưng Nam thiên quốc, cải nguyên cảnh thụy. Năm Hoàng Hữu đầu (1049), vào cướp Ung Châu. Năm sau (1050). Giao Chỉ đưa quân tới đánh không được”.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:28:20 pm »


8- Phái đoàn Lê Văn Thịnh

Hội nghị Vĩnh Bình thất bại. Tình thế dọc biên thùy trở lại găng. Vua Lý lại sai tập trung quân gần châu Qui Hóa. Ngày 25 tháng chạp năm ấy (Q.Ho 1083); ti kinh lược Quảng Tây nói: “Châu Qui Hóa báo rằng Giao Chỉ tụ binh, muốn trở lại lấy châu mình. Trước đây lấy cớ đuổi bắt Nùng Trí Hội, Giao Chỉ đã xâm châu Qui Hóa. Nay, tuy đã về giữ sào huyệt, nhưng vẫn có ý dòm ngó. Nay Trí Hội lại nói rằng nếu Giao Chỉ tới thì khó lòng ngăn, và chúng sẽ lập tức vào đất ta. Trí Hội đã không hay kiên quyết chống Giao Chỉ; nếu nay để nó ở đó, thì không tránh khỏi việc Giao Chỉ cướp đất ta”. Vua Tống hạ chiếu rằng: “Hùng Bản hãy hiểu dụ rõ ràng cho Trí Hội, bảo nó dời nhà vào nội địa. Rồi sai lo liệu giữ chắc những đường ải quan trọng ở Qui Hóa. Nếu Giao Chỉ lại kéo quân tới tức là vô cớ vào đất ta. Ngươi có thể viết thư hỏi tội.” (TB 341/8b)

Các viên chức ở Quế Châu phần nhiều lo lắng. Viên chuyển vận phó sứ Ngô Tiềm chỉ vì nói Giao Chỉ muốn vay gạo, mà ti đề điểm hình ngục cũng hặc (TB 331/10a, tháng giêng Q.Ho 1083) viên sai quan Hồ Cách chỉ có công cãi cọ hăng với Đào Tông Nguyên mà cũng được giữ lại không phải về hưu (tháng 8, TB 338/11b). Một mình viên kinh lược Hùng Bản vẫn điềm nhiên. Có lúc thám tử về báo rằng: “Sang năm, Giao Chỉ sẽ vào cướp. Sứ Giao Chỉ cũng nhận là đúng”.Vua Tống hỏi ý Bản. Bản trả lời: “Sứ An Nam còn ở trên đường không thể có chuyện ấy. Sứ giả có mưu trí, sao lại nói cho ta biết trước mưu mình.”(TS 334 và TB 346/4b)

Lý cũng không có ý muốn đoạn tuyệt sự thương thuyết. Tháng 6 năm Giáp Tí 1084, vua Lý sai viên lang trung binh bộ Lê Văn Thịnh và Nguyễn Bội1 tới Vĩnh Bình tiếp tục bàn nghị việc biên cương mà Đào Tông Nguyên đã bỏ dở gần một năm qua (TT và VSL). Lê Văn Thịnh là kẻ đậu khoa nho học đầu tiên ở nước ta (A. Ma 1075). Ông lại được vào cung dạy vua Lý Nhân Tông từ thủa bé. Chắc ông là một tay ứng đối giỏi nhất ở triều, cho nên được chọn sung vào sứ mệnh này.

Lúc đầu hai bên bàn cãi gay go. Sứ ta không chịu nghe lời Tống. Tống vẫn nghi ta muốn sinh sự. Tháng 7, khu mật viện nói: “Sứ Giao Chỉ còn biện nghị cương chí hoàn toàn chưa chịu nghe mệnh. Sợ rằng ở biên thùy còn phải phòng bị”. Vua Tống chiếu: “ Hùng Bản phải lo liệu sự phòng ngự các thành, trại, dọc biên thùy. Phải hết sức chú ý xếp đặt. Thi hành thế nào thì tâu về “ (TB 347/15b).

Đến tháng 8, hội nghị đã có cơ thành công. Tuy Hùng Bản đã được thăng lên chức thị lang lại bộ từ tháng 6, nhưng còn phải đợi xong việc biện chính địa giới rồi mới về kinh. Bấy giờ, Bản được lệnh gọi về. Miêu Thì Trung được bổ thay Bản. Ngày 16 tháng 8, vua Tống nói: “Cứ theo báo cáo, thì việc Giao Chỉ bàn cương chí xem đã có cơ xong. Thì Trung am hiểu man dị ở phương ấy. Không nên, để Thì Trung xử việc ở biên cương dưới quyền Hùng Bản. Vả Bản đã có lệnh đổi; sợ không có trách nhiệm nên không chịu làm việc ấy. Vậy giục Thì Trung thôi đừng đợi bàn gia, lấy ngựa trạm mà đi chóng tới nhậm sở.” (TB 348/6b)

Hội nghị Vĩnh Bình lần thứ hai này ra sao? Hai bên thỏa thuận những điều gì? Các sử ta nói rất đơn sơ. Sách TT chỉ chép vẻn vẹn rằng: “Định biên giới. Tống lấy sáu huyện, ba động trả ta”. Sách ấy lại dẫn câu thơ người Tống cười triều đình, tham voi Giao Chỉ, mất vàng Quảng Nguyên vào đây2. Tống sử chép rõ hơn, nhưng cũng rất vắn tắt. Nay góp lặt những việc tản mát trong TB, ta có thể kể lại việc ấy khá tường tận như sau.

Mục đích cuộc hội nghị là bàn cương giới thuộc hai đất Vật Dương và Vật Ác, hoặc theo Tống là bàn cương giới hai châu Qui Hóa và Thuận An (TS và TB 349/6a). Bên Tống, Thành Trạc đứng đầu phái bộ; có lẽ vẫn có viên coi lò vàng Đặng Khuyết giúp. Bên Lý, ngoài chánh sứ Lê Văn Thịnh còn có Nguyễn Bồi (TB 349/8a), có lẽ là người đã đi cùng Đào Tông Nguyên tới biện kinh sáu năm về trước. Hội nghị họp trong tháng bẩy năm ấy (G.Ty 1084). Văn Thịnh biện rõ rằng hai châu Qui Hóa và Thuận An nguyên là đất Vật Dương và Vật Ác của nước ta, đã bị các tù trưởng lấy trộm đem nộp Tống. Một phái viên Tống nói: “Những đất mà quân nhà vua đã đánh lấy, thì đáng trả cho Giao Chỉ. Còn những đất mà các người coi giữ, lại mang nộp để theo ta, thì khó mà trả lại”.

Văn Thịnh trả lời: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và chốn đi, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại đem đất trộm dâng, để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua!”(TB 349/7b)

Câu trả lời ấy chắc đã làm mếch lòng người Tống. Nhưng sau này vua Tống từng khen Văn Thịnh biết khiêm tốn. Có lẽ Thành Trạc không dám thuật lại câu trên chăng. Sách TB chép câu ấy, chỉ nói rằng có kẻ nói như trên. Rồi Văn Thịnh trả lời như vậy. Ý TB là nói rằng câu chuyện trên do người ta mách lại, chứ không phải là câu ghi trên biên bản. Vì Văn Thịnh găng cho nên mới có lệnh bảo Quảng Tây phải đề phòng, như ta đã kể trên.

Sau đó, không rõ rằng có huấn lệnh bảo Văn Thịnh bới găng, hay tự ông nhún nhường chăng. Kết quả là Thành Trạc buộc rằng Văn Thịnh đã nói: “Tôi không dám tranh chiếm các châu động mà Nùng Trí Hội và Nùng Tông Đán đã nộp”, và “Như Thành Trạc đã bàn về các động Vật Dương và Thuận An, định vạch cương giới ở phía nam đất ấy, thì kể bồi thần này không dám cãi” (TB 348/8a)

Sự thật chứa trong bức thư mà Văn Thịnh gửi cho Hùng Bản. Thư ấy nói rằng: “Thành Trạc đã nói sẽ vạch đại giới ở phía nam mười tám xứ sau này: Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn Nhuận, Anh, Dao, Vật Dương, Vật Ác, Kế Thành, Cống, Lục, Tần, Nhâm, Động, Cảnh, Tư, Kỳ, Kỷ, Huyện3 và nói những xứ ấy đều thuộc Trung Quốc, Bồi thần tiểu tử nầy, chỉ biết nghe mệnh, không dám cãi lại. Nhưng những đất ấy, mà họ Nùng đã nộp, đều thuộc Quảng Nguyên.

“Nay, may gặp Thánh triều ban bố hàng vạn chính lệnh khoan hồng. Sao lại chuộng miếng đất đầy đá sỏi, lam chướng này, mà không cho lại nước tôi, để giúp kẻ ngoại thần.
” (TB 349/7b)

Đọc thư trên, ta thấy Lê Văn Thịnh không bằng lòng đề nghị của Thành Trạc. Nhưng biết rằng cãi nhau với Trạc cũng vô ích, và muốn dùng lời nhún nhường khéo léo để lay động những kẻ cầm quyền ở thượng cấp.

Thành Trạc hoặc tự xuyên tạc ý Văn Thịnh, hoặc không hiểu rõ, lại tâu về triều rằng Văn Thịnh không đòi đất Vật Dương và Vật Ác nữa. Và xin vua Tống giáng chiếu theo lời Trạc đề nghị. Vua Tống sai Hùng Bản xét lại những công điệp và những điều điện nghị của Văn Thịnh, thì thấy lời tâu của Trạc không đúng.
___________________________________
1. Các tên sứ thì các sách chép hơi khác nhau. Thông giám cương mục (Sách Tàu) chép tên thánh sứ là Lệ tân phó sứ Lương Dụng Tân. Sách TB chép Lệ Quảng phó sứ Lương Dụng Luật. Sách ta chỉ có VSL chép tên sứ mà thôi, và chép Lương Dụng Luật như ở TB.
    Còn tên phó sứ, thì TB 313/11b chép Nguyễn Văn Bội, và nói theo các sách TL chép như vậy. Nhưng sau đó (TB 349/6a), có chép tên một phó sứ khác là Nguyễn Bồi đi sứ Tống cùng Lê Văn Thịnh.

2. Các sử gia ta ngày trước không ai hiểu rõ việc trả đất năm Giáp Tý 1084, cho nên thường chép lúng túng. Ngô Thì Sĩ nhận thấy sự mập mờ ấy, có bàn trong sách KS, nhưng chính ông cũng không hiểu nốt. Ông nói: “theo Cương mục tục biênGiao Chỉ di biên thì “quân Tống tới xâm lấn các đất Quảng Nguyên, Tư Lang, Tô Mậu, Quang Lang, rồi đổi Quảng Nguyên ra Thuận Châu. Đến khi Lý trả dân đã bắt, Tống bèn lấy Thuận Châu trả lại. Về sau định giới lại trả lại sáu huyện ba động.” So với cựu sử (tức là TT) thì cũng như nhau, nhưng đều không chép rõ huyện nào, động nào. Nay xét, thấy các sách đều không nói trả các huyện Tư Lang, Quang Lang. Thế mà các đất này từ thời Lý Thần Tông về sau sẽ là đất Lý. Hoặc giả, sau khi đổi Quảng Nguyên ra Thuận Châu, Tống lại hợp đất Tư Lang và Quang Lang mà đổi thành huyện và động. Sáu huyện và ba động kia hoặc là đất ấy chăng? Lúc đầu chỉ trả Thuận Châu; về sau định giới mới trả hết cả. Như thế mới còn có lý. Nhược bằng sáu huyện là đất Bảo Lạc, ba động là đất Túc Tang (TT và SK đều nói ba động, và hình như hiểu Túc Tang là một động mà thôi), thì người Tống chưa hề xâm đất ấy cớ sao lại trả cho ta?”.
3. Sách cũ của nước ta và nước Tàu không có chấm câu. Khi nào chép tên nhiều đất liền nhau như ở đây, rất khó lòng nhận tên đất cho đúng, vì có tên chỉ một chữ, có tên gồm hai, ba chữ. Nhưng có một vài trường hợp ta có thể nhận ra; nhất là khi trong số đất chép tên có một vài đất mà mình quen tên trước, và khi nào biết trước số tên đất chép đó. Hai trường hợp ấy gặp ở đây. Vậy tôi đã theo nguyên tắc sau này để chấm câu: phải chấm câu làm sao cho có đủ 18 tên, mà giữ chọn được những tên đã biết rồi, như Ôn Thuận, Vật Ác, Vật Dương, Tần, Nhậm, Cống. Hay là những tên có thể đoán được như Hạ Lôi, Thương Điện. Ngoài các tên ấy ra thì ở đây phải nhận rằng mọi tên chỉ có một chữ, mới đủ 18 tên, đó là trường hợp đặc biệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2009, 02:29:41 pm »


Ngày 7 tháng 8 năm ấy (G.Ty 1084), vua trách rằng: “Đã sai Hùng Bản bảo Thành Trạc bày tỏ những công điệp và những điều đề nghị của Lê Văn Thịnh. Trong đó không thấy nói đến câu không dám tranh chiếm đất Nùng Tông Đán nộp. Thế mà Trạc lại nói chúng nó đã nghe lời. Thế thì căn cứ vào đâu để xin giáng chiếu gia ân.”

Mười ngày sau, Tống lại tiếp được lời tâu của Hùng Bản nói: “Thành Trạc thưa rằng trong điệp Lê Văn Thịnh có nói: “Khê Động nhỏ mọn ấy, nếu Trạc nhận là đất của Tống, thì xin để tôi bày tỏ với nha kinh lược, nhờ tâu về triều, và xin triều đình định đoạt.

Chính lúc ấy, Văn Thịnh đưa cho Hùng Bản bức thư đã thấy trên. Vua Tống nói: “Muốn sai Hùng Bản xét kỹ càng những lời Thành Trạc tâu về từ trước. Hoặc là nếu quan kinh lược mới đã tới, thì hãy xét tường tận những công điệp và lời đối đáp của Văn Thịnh. Như có chấp cứ được thì vạch rõ ra mà theo; để từ rày về sau, hễ người Giao Chỉ nhận được chiếu, thì không thể phản phúc nữa. Vậy phải trình về cho rõ”

Ba ngày sau, là ngày 20 tháng 8, Tống lại tiếp được một báo cáo khác của Hùng Bản nói: “Thành Trạc trình rằng: “Theo công điệp của Lê Văn Thịnh thì bằng lòng vạch địa giới ở phía nam các châu Vật Dương và Thuận An.” Vậy xin bàn nên phụng chỉ ban chiếu thư, cấp cho Giao Chỉ tám sứ ở ngoài ải, và ban cho Lê Văn Thịnh và Nguyễn Bồi đồ vật.” Lại ba ngày sau nữa, vua Tống nhận được báo cáo cuối cùng của ti kinh lược Quảng Tây gửi về nói: “Trước đây bản đạo chưa rõ đầu đuôi việc hai châu Qui Hóa và Thuận An. Vì thế, đã sai ti kinh lược tới biện chính, và đạt chiếu cho Càn Đức bảo người đến chia đất. Nay ti kinh lược Quảng Châu tâu, thì ti đã sai Thành Trạc biện chính với sai quan Giao Chỉ là Lê Văn Thịnh. Bây giờ đã thấy rõ đầu đuôi. Vậy xin giáng chiếu”

Vua Tống bèn phê rằng: “nay An Nam đã bằng lòng phân hoạch xong xuôi, thì hãy đem các đất sáu huyện Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đình, Phóng, Cân và hai động Túc, Tang 1 ở ngoài ải Khấu Nhạc, giao cho Giao Chỉ thủ lĩnh. Cứ theo đó mà giáng chiếu. Bảo viện học sĩ theo đó mà thảo lời chiếu. Đợi ti kinh lược Quảng Tây khám xong tên các ải, rồi sẽ viết chiếu. Còn như bọn Lê Văn Thịnh, thì ban vải vóc để may áo: cho Lê Văn Thịnh 200 tấm, và Nguyễn Bồi 100 tấm;”2

Những chi tiết lời trình của Quảng Tây và lời chiếu của Tống Thần Tông chép lại trên đây là theo Thời chính kỷ của viên khu mật (xem TB 349/8a). Ta thấy rằng từ mồng 7 đến 23 tháng 8, viện khu mật nhận được bốn tờ trình của Hùng Bản. Vì đường trạm đi từ Vĩnh Bình đến Biện kinh mất chừng một tháng, ta đoán rằng hội nghị Vĩnh Bình nhóm suốt trong tháng 7, và những chỉ thị của vua Tống, trả lời các tờ trình ấy, không tới kịp Quảng Tây, trước khi hội nghị bế mạc. Vậy thì sự định cuối cùng của vua Tống chỉ căn cứ vào lời trình khi đầu của Thành Trạc, chứ không căn cứ vào bức thư của Lê Văn Thịnh. Vua Tống tin rằng Văn Thịnh đã bằng lòng nhận những đề nghị của Thành Trạc, và vua Lý chịu mất Vật Ác và Vật Dương.

Ngày 22 tháng 10, sau khi ti kinh lược Quảng Tây đã khám rõ tên các ải, dùng làm cận cho biên thùy, vua Tống sắc cho vua Lý lời nghị định sau:

“Sắc cho Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức:

“Trẫm đã xét lời ti kinh lược Quảng Nam tây lộ tâu về nói: “Trước đây, vì An Nam tâu kêu rằng cương chí các khê động thuộc hai châu Vật Ác, Vật Dương chưa được rõ, đã có triều mệnh sai bản ti lo liệu. Bản đạo đã sai quan chức biện chính. Nay được tin báo An Nam đã sai bọn Lê Văn Thịnh tới biên giới và biện chín đã xong. Vậy xin giáng chiếu chỉ để trao cho An Nam theo làm.”

“Trẫm đã xem xét các lời khanh trần tình về phong cương. Trẫm đã đặc biệt sai biên thần lo liệu biện chính. Khanh vốn được trẫm yêu mến. Giữ một lòng trung thuận, Khanh đã vâng chiếu chỉ, sai chức thuộc đến chia cõi các châu, động. Nay đầu đuôi đã được rõ ràng.

“Về hai động Vật Dương và Vật Ác, Trẫm đã giáng chỉ lấy tám ải sau này làm giới hạn: Canh Liệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nham, Đốn Lị, Đa Nhân và Câu Nam. Đất ngoài các ải ấy có sáu huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đình, Phóng, Cân, và hai động là Túc, Tang: Các đất ấy đều cho Khanh chủ lĩnh.

“Khanh hãy xem đó biết Trẫm luyến ái. Khanh càng phải cung thuận, tuân theo cẩn thận điều ước về cương giới, chớ có xâm lấn.”(ngày M.Ty, DL 22-11-1034; TB 349/6a).

Thế là Tống Thần Tông đã quyết định theo lời đề nghị từ đầu của Thành Trạc, mà không chấp lời xin của Lê Văn Thịnh trong công điệp gửi cho Hùng Bản. Tuy có ban cho Lý đất sáu huyện và hai động, nhưng hai châu Vật Dương và Vật Ác vẫn bị Tống giữ, vì Thành Trạc đã nói rõ là vạch cương giới ở phía nam mười tám xứ trong đó có Vật Ác và Vật Dương.
_______________________________________
1. Tôi cũng theo nguyên tắc vừa nói trong chú thích (ở trên), mà định những tên này. Những tên ải thì chắc như thế là đúng: vì có 8 ải mà có 16 chữ, mỗi tên chắc gồm hai chữ. Vả chăng nếu chấm câu như vậy, thì những tên có Canh, Khâu, Khiếu đứng đầu đều là những danh từ chỉ đèo, núi.
    Tên sáu huyện và hai động cũng chắc là đúng như trên. Vì tên Bảo Lạc nay còn. Huyện Bảo Lạc xưa là vùng phía bắc tỉnh Hà Giang bây giờ. Nùng Văn Vân nổi loạn ở đó (1833). Vua Minh mạnh bèn xóa tên Bảo Lạc, mà chia đất ra làm hai huyện Để Định và Vĩnh Điện. Huyện lị đời xưa đóng ở phố Vân Trung. Cho nên phố ấy cũng có tên Bảo Lạc. Nay ở trong bản đồ sở họa đồ Đông Dương còn đề tên Bảo Lạc vào chỗ ấy.
    Nguyên tắc dùng để định tên đất, đã dùng trên, chỉ có lý khi nào biết chắc chắn số đất. Về sáu huyện hai động thì có nhiều thoại khác nhau. Sách ta có TT chép “sáu huyện ba động”. Sách Tàu thì TS 488 chỉ nói đất Túc Tang hay Túc, Tang; TS 334 nói “8 động Túc Tang hay Túc, Tang”; thông giám cương mục chép như TT: 6 huyện 3 động. Chỉ có TB chép theo TCK, có chép đủ chi tiết, và nói 6 huyện 2 động. Xét thấy thoại của TCK là chắc chắn đúng.

2. TS 488 chép: “Tống Thần Tông khen rằng Văn Thịnh biết khiêm tốn, Càn Đức biết cung thuận. Cho nên ban cho Văn Thịnh áo dài, đai nịt, và 500 tấm quyến. Lại cho Càn Đức sáu huyện Bảo Lạc và chia động Túc Tang ở ngoài tám ải”.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM