Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:55:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý  (Đọc 60763 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 07 Tháng Năm, 2009, 09:02:37 pm »


Chương X
XÂM LĂNG ĐẠI VIỆT

1. Thế thủ - 2. Tống xuất quân dọn đường - 3. Dẹp khê động - 4. Chuyển quân: trận Vĩnh An - 5. Tướng Tống bất hòa - 6. Quân ốm, lương thiếu - 7. Phòng hông: trận Quảng Nguyên - 8. Trận biên thùy: Quyết Lý, Môn, Tô Mậu



1 - Thế thủ ta

Trong nửa năm đầu, Tống sửa soạn đưa quân sang đánh Lý. Đến mùa thu, bắt đầu kéo xuống Ung Châu. Tháng mười một mới đưa quân vào cõi đất Việt. Sự chuyển quân kéo dài trên hơn sáu tháng. Lại thêm ở triều Tống, Ngô Sung thay Vương An Thạch, có ý muốn hòa, cho nên tướng Tống đến cuối năm Đinh Tỵ (1077) mới bắt đầu đem quân vào Việt. Trong thời gian dài ấy, Lý Thường Kiệt đã sắp đặt thế thủ sẵn sàng.

Từ tháng ba, quân ta rút về nước (TB 277/4b). Lý Thường Kiệt sửa soạn các phòng tuyến để phòng bị cuộc Tống tổng phản công. Tuy không có sách nào nói rõ đến mặt trận của ta, nhưng theo các chi tiết kể trong các mục sau, ta có thể biết được đại cương của chiến lược phòng thủ ấy.(IX /7)

Mục tiêu thứ nhất của Tống tự nhiên là chiếm kinh thành Thăng Long. Phá lâu đài, cung điện, đối với các vua chúa đời xưa, tức là phá nước. Vả toàn quân tinh nhuệ để bảo vệ kinh thành. Phá được đô, tức là đã đánh tan quân tinh nhuệ, và nếu còn có các đạo quân khác, thì tiêu diệt cũng dễ dàng.

Với tín ngưỡng và luân lý của ta xưa, lăng tẩm của tổ tiên vua can hệ không khác gì kinh đô. Mục tiêu thứ hai của Tống chính là phá các lăng tẩm nhà Lý. Lăng miếu của các vua Lý đều ở Thiên Đức, làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn ngày nay; vậy gần biên giới hơn Thăng Long.

Che chở cho kinh thành và lăng miếu nhà Lý, có con sông Nam Định, tức là sông Cầu ngày nay. Vả chăng đồng ruộng phì nhiêu của nước Việt hầu hết ở phía nam sông ấy. Quân Tống ốm vì rừng núi, đói vì hết lương, chỉ mong tiến mau đến chỗ đồng bằng, nước lành, lúa tốt.

Vả các đường thông lộ từ Quảng Tây vào nước Việt để tới Thăng Long đều bị sông Cầu chắn (V/I và cth2). Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng. Từ Lục đầu ra đến bể, là một cái hào sâu và rộng, che chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại xâm bằng đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào.

Đối với đường sá từ Ung Châu tới Thăng Long, thì sông Bạch Đằng không can hệ, vì đã có sông Lục Đầu là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu là rất quan trọng. Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở phía tây có dãy núi Tam Đảo, là một cái thành không thể vượt. Chung quy chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ, thẳng và gần.

Xét qua địa thế, ta hiểu rằng Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (s.Cầu), bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức là nam ngạn sông Nam Định.

Muốn cản quân Tống qua sông, Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạn cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm dậu, dày đến mấy từng. Thành đất, lũy tre nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả trung nguyên nước Việt. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, hẳn khó qua và dễ phòng thủ hơn là thành hào một đồn lẻ như thành Thăng Long.

Chính đó là cao kiến của Lý Thường Kiệt.

Trước thành đất, lũy treo có thủy quân đậu thuyền ở nam ngạn, sẵn sàng tiếp chiến với quân Tống, nếu chúng qua sông. Đến đời sau, Hồ Quí Ly cũng dùng chiến thuật ấy, giữ sông Lô và đóng cọc gỗ giữa sông, để làm rào che cho thuyền đậu và lưu thông dọc theo Nam Ngạn. Có lẽ, Lý Thường Kiệt cũng có dùng những cọc rào như thế ấy.

Đại đội thủy quân đóng ở Lục Đầu, vùng Vạn Xuân, để có thể tiếp ứng được mọi nơi trên các đường thủy: hoặc lên sông Đào Hoa (s.Thương), hoặc lên sông Lục Nam, hoặc tới sông Nam Định, hoặc tới sông Thiên Đức hoặc ra cửa biển Bạch Đằng tiếp viện thủy quân đậu ở sông Đông Kênh.

Thế đất Vạn Xuân thật là thế rẻ quạt. Thái tử Hoằng Chân (VSL, còn các sách Tống đều viết Hồng Chân) đóng doanh ở đó. Bộ hạ có thái tử Chiêu Văn và tả lang tướng Nguyễn căn1.

Đại quân Lý Thường Kiệt đóng dọc theo sau lũy tre, chắn đường tới Thiên Đức và Thăng Long.

Trên đây là cách phòng thủ đường chính lộ tức là mặt trận trung ương.

Sau đây sẽ xét về trận thế ở hai cánh. Trên bắc thùy, thế đất nước Việt như một cung trăng, hai sừng chỉ sang đất Tống (IV/1). Trên hai góc ấy có quân tả dực và hữu dực của Lý, là quân phên giậu hàng ngày.

Năm nghìn quân thổ đinh giữ châu Quảng Nguyên ở tả dực. Tướng Lưu Kỷ2 chỉ huy. Dưới quyền thống lĩnh Lưu Kỷ, có nhiều tì tướng kiệt hiệt, dòng giống hay bộ hạ Nùng Trí Cao và Nùng Tông Đán. Các con Tông đán vẫn giữ các động Lôi Hỏa, Vật Ác, Vật Dương. Các tướng Trí Cao là Lư Báo, Nùng Sĩ Trung thủ lĩnh động Hữu Nông (Cổ Nông?), Hoàng Lục Phẫn thủ lĩnh động Lũng Định. Các tướng ấy không những gìn giữ đất mình, mà còn uy hiếp hậu phương và đường tiếp tế địch.

Hữu Dực thì có quân đóng ở trại Ngọc Sơn thuộc Vĩnh An và thủy binh rất mạnh, do Lý Kế Nguyên đốc suất. Có lẽ đại hạm đội đóng trong sông Đông Kênh, sau cửa Đồn Sơn tức Vân Đồn3. Đường bộ qua Ngọc Sơn đi Thăng Long không tiện. Nên quân đóng ở Vĩnh An không cần nhiều. Thủy quân can hệ hơn và có nhiệm vụ ngăn cản thuyền lương và chiến hạm địch vào sông ta để tiếp tế, hay đưa bộ binh Tống qua sông.

Còn trung quân then phong, thì giao cho phò mã Thân Cảnh Phúc, đóng doanh ở động Giáp, để khống chế hai ải hiểm: Quyết Lý và Giáp Khẩu. Gần hai bên tả hữu Cảnh Phúc có các thổ binh do các tù trưởng chỉ huy: bên tả có Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận LinhHoàng Kim Mãn giữ Môn Châu và đường qua Bình Gia đến Phú Lương4; bên hữu có Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu và đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu.

Giá như các mặt trận đều có quân trung châu, thì thế thử xếp như trên có lẽ sẽ đại bại Tống từ đầu. Những thổ quân các châu sẽ vội hàng trước đại quân Tống. Quân tiền phong không giữ nổi các ải. Cuối cùng là nhờ phòng tuyến sông Cầu khéo đặt, và thủy quân ta mạnh, cho nên Lý Thường Kiệt sẽ ngăn cản được sức tấn công quyết liệt của Tống.
____________________________________
1. Chữ Thái tử thường dùng để chỉ con vua được chọn nối ngôi. Nhưng theo Chu Khứ Phi thì đời Lý, các con vua đều gọi là thái tử (LNĐĐ 2). Sách ta, như VSL, chỉ chép là hầu mà thôi. Chữ hầu chỉ con vua. Hai hầu này có lẽ là em vua Lý Thánh Tông (XI/cth3). Các sách Tống đều chép tên là Hồng Chân. Sách ta, như VSL chép Hoằng Chân. Tuy rằng Lê Tắc cũng chép Hồng Chân trong sách ANCL, nhưng có lẽ Tắc viết sách ở đất Nguyên, đã theo sách Tống.
2. Trong các sách Tống, thường chép tên châu mục Quảng Nguyên là Lưu Kỷ (TB,TS,ĐĐSL). Nhưng cũng có một vài nơi lại chép Lưu Ứng Kỷ, như trong chuyện Quách Quì ở TS 290 và truyện Yên Đạt ở ĐĐSL 84.
3. Vân Đồn là một đảo trong nhóm phía nam đảo Ide le la Table ở địa đồ Đông Dương. Đại Bàn là vùng đảo Kế Bào (nay ở Kế Bào có làng Đại Độc và phía đông có đảo Độc Bằn). Đường thủy từ Trung Hoa sang ta hay qua phía đông hay qua phía tây Kế Bào. Đồn Sơn ở phía đông Kế Bào (Xem V/2).
4. Phú Lương là tên một phủ đời Lý (Theo LNĐĐ và VSL, TT). Nay cũng còn có châu Phú Lương thuộc tỉnh Thái Nguyên. Thượng lưu sông Cầu chảy qua đó. Đời Lý, phủ Phú Lương gồm địa phận cả tỉnh Thái Nguyên bây giờ và cả huyện Đa Phúc nữa. Sông Phú Lương là khúc đông Cầu chảy qua đó. Nối với sông Phú Lương có sông Như Nguyệt, chảy từ ngã ba Như Nguyệt qua làng Như Nguyệt đến vùng Thị Cầu. Tiếp đó là sông Kháo Túc (Xem XI/2) chảy xuống Phả Lại, Vạn Kiếp. Có lẽ đối với Tống, Phú Lương chỉ là sông Cầu, mà đối với ta thì lại gọi là sông Như Nguyệt. Cách gọi tên sông ở xứ ta là đặt tên từng khúc và thường lấy tên xứ sông chảy qua. Vì thế mà tuy một dòng sông, nhưng có nhiều tên khác nhau. Sự ấy thường làm cho người ta lầm lẫn. Đến đời Lê, sông ấy có tên là Nguyệt Đức, hay Nguyệt Giang. Trong sử sách ta, sông ấy còn tên là Vũ Bình (VĐUL), và theo LNĐĐ của người Tống, còn thêm tên Nam Định (IV/cth 6 và V/1)
    Về sông Phú Lương còn có một sự lầm lớn nữa, là các sử Trung Hoa và sử ta đều lầm với sông Nhị Hà. Nguyên nhân sự lầm ấy là bởi sử gia Trung Quốc. Có lẽ người Tống khi đọc đến truyện Quách Quì đưa quân đến sông Phú Lương “Chỉ còn cách Giao Chỉ có một dòng sông”, thì tưởng Phú Lương Giang là Lô Giang (Nhị Hà). Theo chỗ tác giả nhận thấy, thì ít nhất về đời Nguyên đã lầm như vậy rồi. Trong Nguyên sử, An Nam truyện, chép việc Sài Thung tới Thăng Long năm 1278: có nói quan thái úy (vua Trần Nhân Tông) dẫn bách quan từ bờ sông Phú Lương (đây viết chữ lươngrường) ra mời Sài Thung vào quán ngày mồng 2 tháng Chạp, Nhật Huyễn (Thái thượng hoàng) tới quán, ra mắt các sứ giả. Theo chuyện, có thể nhận Phú Lương đây muốn nói sông Nhị Hà. Cũng ở Nguyên sử, lại có chỗ chép Phú Lương với chữ Lương là lành: “Năm Chi nguyên thứ 22 (1285) Ô Mã Nhi thua trận trên sông Phú Lương. Toa Đô chết”.
    Từ đời Nguyên trở về sau, sử Tầu đều chép lầm như vậy, nghĩa là mỗi lúc muốn nói sông Nhị Hà thì chép là Phú Lương Giang. Còn sử ta, lúc đầu đời Trần còn chép là Lô Giang, khi muốn nói rằng Thái Tông lui về đóng ở sông Nhị Hà (TT 1257). Đến sau, tuy có lúc chép Nhị Hà bằng Lô Giang (TT 1257, 1282, 1285), nhưng mỗi lúc thấy sử Tầu chép Phú Lương Giang, sử gia ta không phán đoán, nên chú thích là sông Nhị Hà. Vậy mà chỉ cần nhìn địa đồ nhỏ cũng đủ đoán được rằng, đời Tống, Phú Lương Giang chỉ sông Cầu bấy giờ. Ông Ma péro đã nhận thấy sự lầm ấy trong tập san ĐPBC.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 12:34:28 am »


2- Tống xuất quân

Sau khi nghe Khâm, Liêm mất, vua Tống Thần Tông chọn tướng Triệu Tiết, Lý Hiến, Yên Đạt (25-12, T. Ho năm Ất Mão, DL 2-2-1076), rồi ban 300.000 quan tiền thưởng cho sĩ tốt để khao quân (2-1, K.Ti; TB 272/7a)

Ngày 23 tháng Giêng (C.Th,TB 272/7a), vua Tống sai quan lễ viện Trịnh Ung tế cáo thần núi Nam Nhạc, ở phía nam hồ Động Đình, và Trần Đồng tế cáo thần bể Nam Hải ở Quảng Châu, để báo việc sắp xuất quân xuống miền nam.

Vua Tống lại ban tiền cho quân lính, và dặn rằng: “Đại quân xuống phương nam vừa lúc nắng to, phải chinh thảo xa xôi; triều đình lấy làm thương xót. Vậy nay Trẫm ban cấp tiền cho. Nhưng đợi lúc tới Đàm Châu sẽ phát, rồi đợi khi ra khỏi Lĩnh lại phát lần nữa” (27-1, G.Ta; TB 272/12a)

Sau khi thay đổi thống soái, lấy Quách Quì thay Triệu Tiết (2-2, M.Ty, DL 9-3), vua ban cho Quì 1.000 lượng bạc, 1.000 tấm lụa (18-2, G.Th,DL 25-3; TB 273/11b). Ngày 20 tháng 2 (B.Ng, DL 27-3), Quì từ giã lộ Phu Diên về đến Biện Kinh. Quì vào bái yết vua Tống. Vua đặc biệt tiếp Quì ở điện Diên Hòa. Vua hỏi phương lược đánh Giao Chỉ. Quì xin tới Ung Châu rồi sẽ định (TB 273/11b). Ngày hôm sau, vua Tống lại phát thêm tiền để ban cho tướng sĩ (TB 273/13a)

Ngày mồng 5 tháng 3 (C.Ta, DL 10-4, Hội yếu và TB 273/14b), vua thết yến đãi Quì ở điện Thuỷ củng, là điện tư, để tỏ lòng quí mến. Vua lại ban cho Quì: cờ, đồ dùng, kiếm, giáp (MC Quách Quì, Theo TB 273/14b). Sau đó, Quì vẫn được lưu tại kinh, để bàn mưu lược và sắp đặt lương thưởng (TB 274/1a)


3 Dọn đường. Dẹp khê động


Bấy giờ, Quì còn lo việc chinh phục tại miền Khê Động và củng cố các nơi căn cứ ở Ung Châu. Ngày 19 tháng 4 (G.Th, DL 24-5, TB 274/8b), Quì sai tướng coi đạo quân hữu đệ nhất là Lý Thật, đưa quân đi trước, xuống đóng tạm ở thành Ung Châu, tuy rằng thành ấy bấy giờ chưa xây lại xong. Nhiệm vụ thật là phòng bị quân Lý trở lại đánh Ung Châu, và giúp đỡ các Khê Động dọc biên thùy (1-5, B.Th; TB 275/1a)

Quì lại sai Đào Bật và Khúc Chẩn mang các bằng sắc vào các Khê Động để chiêu hàng các tù trưởng.

Đào Bật là một văn quan1 có mưu trí. Tới đạo Tả Giang, rồi được bổ coi Ung Châu. Bấy giờ, Ung Châu vừa mới bị phá, dân sống sót còn trốn trong các động núi, chưa dám về nhà. Đào Bật một mình một ngựa, đem theo chỉ hơn trăm người, đi sâu vào Khê Động. Trước hết, Bật tới Tả Giang, chiêu dụ thổ dân. Dân thấy thế, mới dám về làm ăn. Nhân đó, Bật điểm được 27.000 đinh tráng. Bật mộ đinh tráng ấy, chia làm ba hạng, lấy 20.000 người giao cho các tướng dùng. Phàm các việc vặt như giã gạo, mở đường, đẩy xe, đều dùng dân các động (TB 275/7b)

Các tù trưởng Khê Động thuộc Ung Châu trước đó đã theo ta. Nay nghe quân ta đã rút hết và quân Tống kéo tới, thì lần lượt bỏ ta theo Tống: như tụi Nùng Quang Lâm (1-5, B.Th), Nùng Thịnh Đức, giữ cửa ải ở động Hạ Lôi (9-5, G.Ty, TB 275/5b), đều hàng Tống từ tháng năm. Cho đến Lưu Kỷ, thủ lĩnh Quảng Nguyên, Tống cũng muốn dụ. Tống tin rằng Kỷ có lòng muốn hàng Tống, nhưng sợ vua Lý nên không dám làm. Vì vậy, Tống định cách trừ khử hay cám dỗ Kỷ (8-5, Q.Ho; TB 275/5a)

Khúc Chẩn là một võ tướng có mưu lược, được sai đi cùng hàng tướng Nùng Tông Đán tới đạo Hữu Giang.

Nùng Tông Đán thủ lĩnh động Lôi Hỏa, Vật Dương, Vật Ác có lẽ vừa theo ta đánh Ung Châu nay lại qui thuận Tống (VII/2 và cth5). Y được bổ chức đô giám Quế Châu. Nhưng các con Tông Đán vẫn theo Lưu Kỷ. Ngày mồng 3 tháng 6 ti tuyên phủ nói đã sai Nùng Tông Đán tới Hữu Giang, kiểm điểm đinh tráng, để dự bị đánh Lưu Kỷ, và đã sai phó tướng đội quân tả đệ nhị, là Khúc Chẩn (IX/6), đoàn kết và huấn luyện các đinh tráng ấy. Vua Tống hạ chiếu nói rằng: “Tuy Tông Đán đã hiệu thuận và là dũng mãnh, nhưng các con y còn theo Lưu Kỷ. Ta sợ y có ý theo Kỷ nốt. Vậy nên chọn các viên chức có mưu lược theo Tông Đán còn việc Khúc Chẩn quản hạt, thì phải cấp lương tiền cho đủ. Nếu có thủ lĩnh động nào có ý làm phản, phải lấy quân pháp mà trừng trị” (TB 276/1b)

Quì và Tiết ra sức chiêu dụ man dân. Chúng dùng lợi, dừng uy, dùng những kẻ thân thuộc các tù trưởng mà nhử. Có khi lại phao tin rằng kẻ này đã hàng, để dụ kẻ kia. Dần dần thế lực quân Tống ăn sâu vào các động ở trên đất ta. Các tướng ta như Hoàng Kim Mãn và Sầm Khánh Tân, coi Môn Châu, cũng ngầm hẹn qui hàng (5-7,K.VI, DL 5-8; TB 277/1a theo MC Quách Qùi).

Nhưng ở sâu trong đất Tống, cũng còn một vài động không chịu theo. Như ở Hữu Giang tụi thủ lĩnh Thiệu Châu là Dương Tiên TiềmTiên Hàm đều nói rằng nếu quân Tống tới đó thì chúng đánh lại. Muốn cho khỏi chậm việc tiến quân, và muốn tránh sự chúng vì bị áp bức quá sẽ giao kết với Giao Chỉ rồi đe dọa vùng Tương Đàm, vua Tống bảo: “Nếu để yên chúng (8-6, N. Th; TB 276/8a); nếu chúng có phản thì mới đánh (17-6, T. Su; TB 276/10a); chứ đừng lưu đại quân tại đó, kẻo chậm việc nam thảo” (15-7, K. Ti, TB 277/3b)
_____________________________________
1. Đào Bật tự Thương ông, người Vĩnh Châu dự vào nhiều việc đánh dẹp các khê động, sau được coi là Thuận Châu. Bị bệnh ở đó rồi chết. Bật có thơ vịnh miền Ung Châu (XII/1).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 12:40:53 am »


4- Chuyển quân. Trận Vĩnh An

Không biết Quách Quì rời khỏi Biện Kinh vào lúc nào. Nhưng trong trung tuần tháng 6, An Nam hành doanh và quân của 4 tướng thuộc trung đoàn đã đóng ở Đàm Châu, tức Tràng Sa ngày nay (TB 278/14b). Các quân kỵ, mộ ở Thiểm Tây và Hà Đông, lục tục đã kéo về đến kinh, và đi xuống miền nam; chúng hẹn trung tuần tháng 7 sẽ tới nơi Đàm Châu tụ tập (Theo lời tâu của T.P.Bình, TB 276/22b)

Muốn phòng bị sự quân Lý bất ngờ đi đường thủy như năm trước vào đánh Khâm, Liêm và uy hiếp Ung Châu, Quách Quì lúc mới tới Đàm, liền sai viên coi khâm châu là Nhâm Khỉ đem quân đánh úp trại Ngọc Sơn gần biên giới châu Vĩnh An (CN và TB 277/3a)

Nhâm Khỉ chia quân đi ba đường vào đất Vĩnh An: một đường từ huyện An Viễn, một đường từ trại Như Tích và một đường thủy. Trại Ngọc Sơn không có nhiều quân đồn thủ, nên bị mất. Đó là thắng lợi đầu tiên của quân Tống trên đất ta.

Ngày 10 tháng 6, Quì tâu: “Đến ngày 15, sẽ đi Quế Châu và ước chừng đầu tháng bảy sẽ tới nơi” (TB 276/9b chép lầm ra ngày 19; CN và TB 277/5b)

Đúng như vậy, ngày rằm tháng 6, Quách Quì rời bản hành doanh từ Đàm Châu xuống Quế Châu (TB 276/9b). Đường đi mất chừng 14 ngày (theo T.P.Bình, IX /12). Vào đầu tháng 7, hành doanh đã đóng ở Quế Châu, là nơi, trị sở lộ Quảng Tây.

Ở đó, Quì được tin ngày 9 tháng 7 (Q.Ho, DL 11-8) Nhâm Khỉ đã chiếm được châu Vĩnh An (TB 277/3b). Ngày 21 tháng 7 (DL 23-8), Quì báo thắng trận về triều (CN, theo TB 277/3a)

Trong lúc ấy, tướng Tống sai thuyết khách vào vùng Tả Giang dỗ các tụi thủ lĩnh: Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân ở Môn Châu hứa sẽ ra hàng.

Trung tuần tháng bảy, hậu quân đã tụ tập ở Đàm. Cuối tháng 7. Quì hạ lệnh cho 9 đạo lục quân từ Quế Châu tiến xuống Ung Châu. Lại sai viên hàm hạt Quảng Đông là Mân Hòa cùng Dương Tùng Tiên đem thủy quân từ Quảng Đông ra bể (MC và truyện Quách Quì, theo TB 277/5b).

Hành doanh đóng lại ở Quế Châu trong tháng 7, và tháng 8. Đến hạ tuần tháng 8, mới dời xuống. Ung Châu.

Đường đi mất 14 ngày (TB 388/1b chép Hùng Bản nói 18 ngày). Thượng tuần tháng 9, Quách Quì và đại quân đóng ở Ung Châu1. Rồi phân phát đóng ở các thành, trại, dọc theo biên giới các châu thuộc nước ta: Quảng Nguyên, Môn Châu, Quang Lang và Tô Mậu.

Tướng Khúc Chẩn đem quân đánh vào động Hạ Lôi thuộc Hữu Giang, phía bắc Quang Nguyên (TB 278/14b). Nùng Thịnh Đức ở đó đã theo Tống từ tháng 5 (X/3). Đào Bật được phái đi nhóm họp quân thổ đinh ở Tả Giang và đưa đến Tư Minh để đợi ngày xuất quân (TB 278/14b)

Vua Tống muốn nâng cao sĩ khí. Ngày 23 tháng 9 (B.Ty, DL 23-10; TB 277/16a), có chiếu nói rằng: “Binh mã đi An Nam chẳng bao lâu nữa sẽ ra khỏi nước. Phải có gì làm bật sĩ khí. Trước đây Nhâm Khỉ đánh được trại Ngọc Sơn. Công tuy không to, nhưng cũng đã lần đầu làm phấn khích sĩ tốt. Ai lập công thì nên thưởng, rồi tâu lên để báo cáo cho tướng sĩ biết”.

Đầu tháng 10, hành doanh cũng xuống Tư Minh. Đường đi từ Ung Châu xuống tới đó mất chừng 4 ngày. (TB 278/15a)

Trong lúc ấy, Dương Tùng Tiên lĩnh thủy quân muốn theo kế hoạch của mình vượt bể vào họp với quân Chiêm Thành để đánh miền nam nước Việt. Nhưng thuyền không qua được Đại Dương. Ngày 12 tháng 8 (A. Vi, DL 12-9; TB 277/7b), có chiếu bảo Tùng Tiên thôi đừng đi Chiêm Thành nữa, và phải giao trả các bằng không tên, tiết chế và triều chỉ cho ti chiêu thảo, và đợi ti ấy phân xử. Dương Tùng Tiên đành phải theo kế của Tô Tử Nguyên, dọc ven bể sang hải phận Vĩnh An để vào trong sông thuộc nước ta.

Sở dĩ có chiếu ấy, một phần có lẽ vì sứ Chiêm sắp tới Tống và miễn cho sứ Tống khỏi phải đi Chiêm. Ngày 16 tháng 8 (K.Ho, DL 16-9; TB 277/9b), sứ Chiêm Thành tới cống. Tống khuyên hợp quân đánh ta. Ngày 12 tháng 9 (A.Su, DL 12-10; TB 278/6a), Chiêm Thành bằng lòng đưa quân giúp Tống.
____________________________________
1. Về nhật trình tiến quân của Quách Quì, sách TB chép hơi lúng túng, bởi vì các tài liệu sách ấy dùng đã chép không giống nhau. (TB 278/14b) có chú thích rằng: “Quách Quì truyện nói tháng 10 Quì đến Ung, còn Mộ chí Quách Quì thì không chép rõ ngày tháng nào cả. Theo Mộ chí Triệu Tiết, thì quân lưu lại Tư Minh 7 tuần (70 ngày), và ngày 11 tháng chạp từ Tư Minh đi. Nếu ta tính dồn lên, thì thấy rằng quân tới Tư Minh vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng10 và từ Ung tới Tư Minh còn mất chừng khoảng 4 ngày đường. Nếu như ta cho rằng thiên Quách Quì tân và cựu truyện ở TL chép Quì tới Ung vào tháng 10 là đúng, thì mộ chí Triệu Tiết lại thành ra chép sai. Muốn cho cả hai đường đều đúng ta phải nhận rằng đầu tháng 10, quân tới Ung rồi lập tức đi xuống Tự Minh. Nhưng sự quân đi như thế là vô lý. Vả chăng, ngày 15 (TB lầm ra 16) tháng sau, Quì đi từ Đàm xuống Quế; đường đi mất 14 ngày. Vậy đến Quế vào đầu tháng 7. Quế lại cách Ung 14 ngày. Nếu quả tháng 10 mới tới Ung thì hóa ra Quì ở lại Quế rất lâu (3 tháng). Vả lại, ngày 23 tháng 9 có chiếu nói rằng chẳng bao lâu quân sẽ ra khỏi cõi. Nếu bấy giờ quân chưa tới Ung, thì sao lại có lời nói quân sẽ ra khỏi cõi? Hoặc giả Quách Quì truyện chép đầu tháng 10 Quì tới Ung là sai. Đáng lẽ thì giữa tháng 9 tới Ung, đầu tháng 10 đến Tư Minh mới phải” (TB 278/ 14b )
    Lý luận trên xác đáng, và hợp với chứng sau. Ngày 14 tháng 10 (TB 278/6b), vua có chiếu rằng: “An Nam hành doanh đã tới Ung Châu. Tính tới thượng tuần tháng 9, quân lính của bốn tướng chết bệnh mất, năm nghìn tân...” Ta có thể hiểu rằng cái ngày thượng tuần 9 nói trên, là ngày quân đến Ung Châu. Từ sau lời bàn trên TB, thêm rằng Mộ chí chép quân ở lại Tư Minh bảy tuần là sai, nhưng nay ta tính lại, thì thấy rằng Mộ chí chép như thế có lý. Vậy tôi đã theo thuyết ấy.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 12:43:12 am »


5. Tướng Tống bất hòa

Như trên đã nói, giữa các tướng Tống có sự bất hòa ngấm ngầm từ đầu. Nguyên do sự bất hòa là ở triều, các đại thần không đồng ý về việc nam thảo. Mỗi người lại bênh một tướng, Vương An Thạch lại bênh Triệu Tiết mà Ngô Sung bênh Quách Quì. Ai cũng công kích Lý Hiến, nên các hoạn quan đều oán tức các tướng. Vua Tống đã đề cử Tiết làm chánh tướng; thế mà, vì một câu hỏi của vua, Tiết đã miễn cưỡng nhường chức chỉ huy cho Quì (VIII/1). Chắc đó cũng là bởi sự trả thù của tụi hoạn quan xui nên, vì chúng giận Tiết đã bỏ Lý Hiến. Quì được các đại thần như Ngô Sung che chở, mà Ngô Sung lại chủ hòa.

Lúc quân đã xuống đến Ung Châu, mà hai tướng vẫn còn hục hặc với nhau. Nhiệm vụ của mỗi người không rành mạch. Khi bàn việc, hai người đôi co nhau, không ai chịu nhường ai. Ngày 12 tháng 9 (A.Su, DL 12-10; TB 277/13b), vua Tống phải hạ chiếu chia phần việc:

1) Tuyên bố đức trạch, an phủ quân dân (phát tiền, gạo, bằng sắc) thì giao cho ti tuyên phủ, (tức là ti an phủ, Quì làm chánh, Tiết làm phó)

2) Mưu mẹo, phương lược thì thuộc ti kinh lược chiêu thảo (Quì coi một mình)

3) Hành doanh tướng hiệu binh mã, thì thực quyền ti đô tổng quản (Quì làm chánh, Yên Đại làm phó)

Tiết đã được vua Tống giao cho việc lương thực (VIII/4). Quì chia công việc ti đô tổng quản với Yên Đạt, là viên phó đô tổng quản. Còn Tiết là phó an phủ sứ lại không được dự. Cho nên mỗi lúc Tiết bàn gì, cũng bị Quì bác. Ngày 21 tháng 10 (G.Th, DL 20-11), vua Tống phải hạ chiếu trách, và dặn: “Phàm việc gì, cũng phải theo lệnh trên; thương nghị, chớ giằng co nhau”(TB 278/9a)

Những chuyện bất hòa, nay còn thấy chép một vài thuộc chiến lược. Lúc tới Quế Châu. Tiết bàn nên thừa lúc chưa động binh, sai người vào vũng Lưỡng Giang chiêu dụ tù trưởng; không nên đem đại quân xuống đóng chỗ lam chướng, và nên đợi quan sát địch đã. Quì không nghe, cứ đem đại quân xuống Ung, rồi xuống Tư Minh đóng lại ở Bằng Tường đến bảy mươi ngày (MC Triệu Tiết, theo TB 279/11a). Tiết lại bàn nên dụ Lưu Kỷ và Thân Cảnh Phúc. Tiết nói: “Vì mưu của Lý Thường Kiệt (TB chép Thượng Cát) và Lý Kế Nguyên nên Giao Chỉ đã làm loạn. Càn Đức (Lý Nhân Tông) và mẹ (Ỷ Lan) oán hai người ấy, nay lại tin vào Nguyễn Thù1. Thù vốn có lòng quy thuận. Vả Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, thân Cảnh Phúc giữ động Giáp, đều cầm cường binh. Ta có viên Thành Trạc, làm giám áp ở trại Hoành Sơn, vốn quen thân với Thù và Cảnh Phúc. Tôi muốn sai Trạc mang sắc bằng vào chiêu nạp chúng” Quì cũng không nghe mưu ấy. (TB 279/11a)

Trong khi các tướng ở ngoài không ăn ý với nhau, thì ở triều, cuộc xung đột giữa Vương An Thạch và cựu phái lại càng kịch liệt. Tháng 10, An Thạch phải từ chức. Tống Thần Tông lấy Ngô Sung và Vương Khuê thay. Phùng Kinh được coi việc khu mật. Sung vốn thuộc phái không thích đánh. Sung đã từng cãi lại An Thạch rằng: “Có lấy được Giao Chỉ, cũng vô ích” (TB 273/1b). Nhưng nay quân đã đến biên thùy; vô cớ lui quân cũng bất tiện. Sung viết thư cho Quánh Quì, nói: “Về việc quân huyện bắt phu chậm trễ, triều đình đã ban chỉ hặc tội, về việc sắp đặt đánh Giao Chỉ, đã có kế bàn định rồi. Hãy chỉ nên đóng quân lại để xét kỹ càng. Thế là hay hơn” (Quách Quì cựu truyện và TB 307/17b). Quì tính vốn cẩn thận, chậm chạp; nay được lệnh như thế lại càng trù trừ.

Quân lính do các tướng chiêu mộ lấy, thường không theo luật pháp (lời khu mật tâu; 17-9, C, Ng, DL 17-10) đến nỗi vua Tống phải hạ chiếu cắt đặt người cai quản và bảo phải gia tử tội (TB 277/14b). Tướng cũng có kẻ không theo phép luật. Như Lý Thực lĩnh đội quân hữu đệ nhất đưa cả vợ con đi theo. (Lời ti chiêu thảo hặc, ngày 25-10, M. Th, DL 24-11; TB 278/11a)


6- Quân ốm, lương thiếu

Tình trạng quân Tống bấy giờ khốn đốn vì bệnh tật và thiếu lương thực. Từ khi qua dãy núi Lĩnh, gặp mùa nóng nực, quan lính bị đau rất nhiều. Đến thượng tuần tháng chín đã chết mất bốn, năm nghìn trong bốn đạo trung quân (theo lời chiếu 14-10, Đ.Zu, DL 13-11; TB 277/6b). Vua Tống rất lo ngại, gửi chiếu chỉ xuống nhiều lần dặn dò thuốc thang. Thuốc không khỏi, lại sai cúng (13-10 và 21-11 xem VIII/6).

Về lương thực, các viên đốc sự cũng đã tính toán mập mờ. Triệu Tiết được cử trông coi việc ấy từ đầu. Khi tới Hồ Nam, Tiết hỏi những kẻ chuyên trách phải điều phát bao nhiêu lương số. Có Đường Nghĩa làm chuyển vận phán nói: “Vì không dám làm lỗi quân kỳ, xin chở tất cả một lần”. Nhưng viên an phủ sứ Tăng Bố nói: “Không thể làm nổi. Phải chở làm hai lần”.

Tiết hỏi: “Đã chơ lương tới Quảng Tây được bao nhiêu rồi?”, Bố nói: “Đã có 90 vạn hộc”. Tiết hỏi: “Đã có bao nhiêu phu?”. Bố trả lời: “Có 27 vạn”. (TB chép 270 vạn, chắc sai). Tiết tính, thấy thế là đủ, bèn nói: “Thôi cần gì làm khổ dân nữa. Nếu thiếu thì ta lo cho”. Rồi bảo Nghĩa thôi việc bắt phu ở Hồ Nam (MC Triệu Tiết, theo TB 283/16b)

Lúc đến Ung Châu, lương và phu đều thiếu. Ngày 12 tháng 10 (A.Vi, DL 11-11). Viện khu mật phải thúc giục và dọa: “Nếu ai thiếu tiền, lúa, cỏ trong việc đánh An Nam, thì lúc quân trở về sẽ thu gấp đôi” (TB 278/6a). Thế mà cuối cùng lương vẫn thiếu.
_______________________________________
1. Lý Thượng Cát tất nhiên là Lý Thường Kiệt. Đọc bằng âm Tầu, hai tên như nhau.
    Lý Kế Nguyên là ai? Sử ta không hề chép tới. Lần đầu, Tống sử (TS 488) chép tên phó sứ Lý Kế Tiên tới Biện Kinh vào năm 1063. Chữ tiêntrước gần chữ nguyêndầu. Chắc là Lý Kế Nguyên. Sách TB có chép tên ấy nhiều lần. Trên đây là một một, một lần thứ hai là lúc dẫn lời Dương Tùng Tiên trình: “Vừa rồi tôi đã gặp quân liên lạc giặc mang lệnh của viên hành quân chiêu thảo sứ giặc là Lý Kế Nguyên. Sau đó, nhiều lần tôi đánh chúng, nhưng chúng không có ý khuất phục. Vậy xin nghiêm sai dự bị ở biên giới để chế sự bất ngờ” (Tháng 3 năm Đinh Tị 1077, TB 281/2a). Lần thứ ba là tháng 10 năm Đinh Tị (1077) Giao Chỉ sai bọn Lý Kế Nguyên tới biên giới bàn việc biên giới (TB 285/4b). Các sử ta (TT và VSL) đều chép rằng năm Mậu Ngọ (1078) Lý sai Đào Tông Nguyên đem voi sang cống Tống, chắc rằng muốn nói phái bộ trên. Xem vậy, ta có thể nghĩ rằng Lý Kế Nguyên và Đào Tông Nguyên là một. Nhưng lại có sứ giả tên là Đào Tông Nguyên thật, vì cũng trong sách TB có chép tên ấy nhiều lần (313/11b và 339/2a). Vả Tống sử (TS 488) cũng có chép tên Đào Sùng Nguyên, năm 1069 làm phó sứ tới báo sự thắng quân Chiêm Thành. Xem vậy thì như Lý Kế Nguyên và Đào Tông Nguyên là hai người khác nhau.
    Lại xét trong sử đời Lý, có một nhân vật tên Lý Nguyên, mà con gái làm thứ phi đời Lý Thần Tông, Lý Nguyên làm thượng thư rồi bị hạ ngục, chết năm 1132. Nhưng năm 1132 cách năm 1077 những 55 năm. Chắc rằng lúc đánh Tống Lý Nguyên còn trẻ lắm, không phải là một chiêu thảo sứ được. Lý Nguyên không phải là Lý Kế Nguyên.
    Nói tóm lại Lý Kế Nguyên là một chiêu thảo sứ, nghĩa là một tướng quan trọng cầm quân đánh Tống, quản đạo thủy quân châu Vĩnh An. Có thể rằng Lý Kế Nguyên là tên khác của Đào Tông Nguyên. Vì đời xưa, vua thường ban quốc tính, nghĩa là họ vua, cho bầy tôi được trọng đãi.
    Tên Nguyễn Thù, ở sử ta (TT và VSL) cũng không thấy. Nhưng TT có chép: “Năm 1042, mất mùa vua Lý Thái Tông sai quan khu mật Nguyễn Châu đem những người phiêu lưu đắp ụ đất ở các địa phương, trên có dựng thẻ gỗ đề tên đất, để người đi tha hương kiếm ăn dễ nhận đường”
    Chữ châungọc châu rất gần chữ thùkhác, có lẽ hai tên ấy là một chăng? Từ năm 1042 đến năm 1076 có 34 năm, giả thuyết trên cũng không vô lý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 07:09:24 pm »


7- Phòng hông. Trận Quảng Nguyên

Đầu tháng 10, đại quân Tống đóng ở Tư Minh (Ninh Minh ngày nay), Tư Minh thuộc trại Vĩnh Bình, là trung tâm điểm để đi các cửa ải vào những châu Quảng Nguy n, Môn, Tô Mậu, và huyện Quang Lang. Quân Tống ở đó bảy mươi ngày. Quách Quì theo lệnh của tể tướng mới là Ngô Sung, đóng hành doanh ở Bắc Tường (cạnh Tư Minh), đợi xem nên hành động làm sao (TB 279/11a)

Quì nói: “Quảng Nguyên là cổ họng của Giao Chỉ. Có binh giáp mạnh đóng giữ đó. Nếu ta không đánh lấy trước, thì sau khi ta đi sâu vào đất chúng; quân ta sẽ bị đánh cả mặt trước và mặt sau. Lưu Kỷ đóng ở đó, là quan sát sứ của giặc, mà lại là chủ mưu sự cướp Ung Châu. Nếu ta không bắt được nó, thì thanh thế ta không thể nổi dậy” (MC Quách Quì, theo TB 279/11a)

Trước đó, Tống đã dụ Lưu Kỷ hàng (X/3) nhưng không được. Quách Quì sai viên phó đô tổng quản Yên Đạt đem quân qua trại Thái Bình, vào châu Quảng Nguyên (TB 279/11a)

Yên Đạt là một vũ tướng đã lập được nhiều công ở Diên Châu, trong khi đánh Hạ. Lúc y vào bái tử để theo Quách Quì xuống miền nam, vua Tống Thần Tông có dặn: “Khanh, danh vị đã cao, bất tất phải tự mình xông pha tên đạn. Khanh chỉ nên khuyến khích tướng sĩ mà thôi”. Đạt cúi đầu cảm tạ và tâu: “Tôi nhờ uy vua đi dẹp giặc. Tuy chết cũng không sợ” (TS 349)

Lúc được lệnh vào Quảng Nguyên, Yên Đạt đem theo một tướng giỏi, tên là Tu Kỷ giúp mình (TB 284/4a). Đường vào Quảng Nguyên hiểm trở, nhưng quân Tống đông. Lưu Kỷ sai quân cự chiến. Dân gian họp nhau chống lại vùng Bắc Quảng Nguyên, có Hoàng Lục Phẫn ngăn được quân Tống, không để chúng cướp phá động mình. Nay còn có đền thờ y ở làng quán là làng Lũng Định, ở phía bắc phủ Trùng Khánh (ĐNNTC). Quân Lưu Kỷ cũng chống cự rất hăng, làm cho tiền quân Yên Đạt lâm nguy. Đạt muốn đem quân cứu. Một tiểu tướng hầu gần thưa rằng: “Tướng công nên tính đến việc mình trước, rồi sẽ tiến quân”. Đạt trả lời: “Quân ta đánh đã lâm nguy. Ta há còn lòng nào lo tự bảo toàn sau!”. Rồi hạ lệnh rằng: “Ai bàn đóng doanh lại không tiến quân thì sẽ bị chém”. Đạt liền đem đại quân tới cứu. Quân sĩ Tống bị vây, thấy vậy đều phấn khởi. Chúng kêu to lên rằng: “Quan Thái úy đã tới!”. Quân Lưu Kỷ bèn giải vây và lui (TS 349).

Yên Đạt biết cơ khó lòng bắt được Lưu Kỷ, bèn định dùng mưu cắt vây cánh của y. Đạt phao tin rằng Lưu Kỷ đã nhận lời theo Tống và hẹn ba ngày nữa sẽ ra hàng. Các Khê Động tưởng thật, đều theo Tống. Lưu Kỷ sợ thế cô lập. Ba ngày sau cũng đem gia thuộc và các động trưởng ra hàng. Ấy là ngày Bính Tuất mồng 4 tháng 12 (DL 1-1-1077;TS 15). Quì bắt được 5.000 quân của Kỷ và cứu được 3.000 quân bị Kỷ bắt trước đó (Theo lời tâu ngày 4-12, B.Tu, DL 1-1-1077; TB 279/11a). Đạt thu lại được một vạn hộc lương và dân các động cung nạp theo 20 vạn hộc. Thế là đỡ cho Tống được 10 ngày lương (TB 283/16b). Yên Đạt sai đốt phá các động để phòng sự quân ta tập kích (MKBD)

Ti chiêu thảo báo về, vua Tống hạ chiếu rằng: “Nếu vì đại binh tới gần cõi, cho nên Lưu Kỷ bất đắc dĩ mới hàng, thì hãy đem Lưu Kỷ và gia quyến về kinh đô” (4-12. B.Tu, DL 1-1-1077; TB 279/11a)

Bảy ngày sau, các tì tướng như Nùng Sĩ Trung và Lưu Báo thủ lĩnh động Bát Tế ở châu Cổ Nông cũng ra hàng, rồi bị đem về Biện Kinh cả (Theo lời tâu 11-12, Q. Ti, DL 8-1-1077; TB 279/11a)

Yên Đạt đem quân vào sâu đến đâu? Châu Quảng Nguyên là tỉnh Cao Bằng ngày nay. Cổ tích trong vùng có thành Na Lữ, cách tỉnh lị chừng hơn 10 cây số về phía tây bắc. Theo sách Bắc thành địa chỉ, thành ấy do Trương Hương làm tiết độ sứ đời Đường đắp nên, rồi sau Nùng Tồn Phúc cũng ở đó. Có lẽ Lưu Kỷ cũng đóng quân ở đó chăng, và Yên Đạt đã đem quân tới gần Na Lữ.

Vậy, đầu tháng chạp, Quảng Nguyên đã mất, ý Triệu Tiết là sau khi lấy được Quảng Nguyên, bảo Yên Đạt theo đường tắt xuống Thăng Long, tức là đường qua Bắc Cạn, Thái Nguyên ngày nay. Tiết nói rằng: “Đường tắt từ Quảng Nguyên xuống Giao Châu (Thăng Long) chỉ 12 trạm. Theo đường ấy rất tiện lợi, ta nên xuất kỳ bất ý, đem quân đi đường ấy mà đánh úp. Như thế, vừa bằng sông, vừa bằng bộ, ba đường tiến đánh, thế giặc phải chia. Chắc ta sẽ thắng” (TS 332 và TB 279/21b). Ba đường nói trên, có lẽ là đường Quảng Nguyên, đường Lạng Châu và đường thủy từ Bạch Đằng vào.

Quách Quì không bằng lòng kế ấy, và bảo Yên Đạt khi đánh xong Quảng Nguyên, phải trở lại trại Vĩnh Bình, hội với đại binh ở vùng Tư Minh, Bằng Tường. Yên Đạt bèn đúng lời hẹn, bỏ Quảng Nguyên và rút quân về phía đông.

Nhưng bấy giờ còn chừng một vạn quân ta đóng ở động Hạ Liên và Cổ Lộng. Hai châu này ở phía nam Quảng Nguyên, trên đường Cao Bằng, Thái Nguyên ngày nay. Hạ Liên là đất Ngân Sơn1.

Trong khi lui quân, Yên Đạt sợ bị quân ta đánh úp. Bèn sai Khúc Chẩn quản 3. 000 quân kỵ đóng lại, dương ngôn rằng sắp qua các động ấy để vào đánh lấy Thăng Long. Đạt lại tha tù binh, quê ở các châu ấy, để chúng về kể truyền tin bịa ấy. Vì thế, quân ta thông dám động, chỉ ở lại giữ thế thủ mà thôi (TB 279/22a)

Yên Đạt rút quân được vô sự, còn Khúc Chẩn ở lại sau.
______________________________________
1. Sách TT có chép vào năm 1039 rằng: tháng 5, huyện Liên châu Lộng Thạch, châu Định Biên nay ở Bắc Cạn, tức là châu Định giáp vùng Ngân Sơn (xem VI/7). Xem vậy, các châu trên đều ở vùng nam Cao Bằng. Mà theo địa thế, hai châu Hạ Liên, Cổ Lộng trong lời Yên Đạt cũng ở vùng ấy. Ta có thể đoán rằng Hạ Tiên và huyện Liên có lẽ là một. Còn Cổ Lộng cũng có nghĩa là châu Lộng Thạch. Chữ cổ là xưa với chữ thạch là đá dễ lẫn nhau. Cổ Lộng có lẽ là Thạch Lộng, hay Lộng Thạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 07:11:14 pm »


8 - Trận biên thùy: Quyết Lý, Môn, Tô Mậu

Đại quân Tống bấy giờ ở vùng Tư Minh, Bằng Tường phía bắc châu Quang Lang thuộc nước ta.

Ngày 11 tháng 12 (Q.Ti, DL 8-1-1077) Quách Quì đem quân qua biên giới (Hội yếu và TB 279/11a). Đại quân chắc theo đường qua cửa ải Nam Quan và tiến về ải Chi Lăng, tức là đường Hà Nội-Nam Quan ngày nay.

Mặt tây, Khúc Chẩn rời bỏ Quảng Nguyên, tiến quân sang đông nam, lấy Môn Châu (TB 279/11a) một cách dễ dàng vì các tướng giữ vùng ấy là Hoàng Kim Mãn và Sầm Khánh Tân đã ngấm ngầm thông với Tống từ trước1.

Mặt đông, quân ở các châu Lộc, Tư Lăng tiến vào châu Tô Mậu. Viên châu mục là Vi Thủ An, đã bị viên chúa trại Vĩnh Bình là Dương Nguyên Khanh dụ trước. Cho nên quân Tống chiếm Tô Mậu dễ dàng (TB 281/8a)

Mặt giữa, quân tiền phong vượt núi ở phía nam sông Ô Bì, tiến tới huyện Quang Lang. Ngày nay phía nam tỉnh Lạng Sơn, còn có làng Quang Lang trên đường Thiên Lý, phía nam Ôn Châu. Chắc rằng đời Lý, huyện lỵ Quang Lang đóng tại đó. Từ phía bắc xuống đó, phải qua nhiều đèo ải như đèo Kháo Mẹ, Kháo Con, rồi qua làng Nhân Lý, ở bên cạnh Làng Giai hay Đồng Mỏ. Đời Lê, Nhân Lý là một trạm lớn, và đèo Kháo Mẹ, Kháo Con là hiểm nhất trên đường này.

Các sách và sử Tống đều nói rằng quân Quách Quì đánh bại quân Lý ở ải Quyết Lý, rồi thừa thắng lấy huyện Quang Lang. Sách MKBD lại nói rõ rằng: Quách Quì phá ải Quyết Lý ở huyện Quang Lang. Xem đó, ta có thể đoán rằng ải Quyết Lý tức là Nhân Lý ngày nay, nó ở về phía bắc Quang Lang, cách chừng 15 cây số.

Vậy Quách Quì sai quân tiến tới huyện Quang Lang. Quân Lý chặn ở ải Quyết Lý. Đó là tiền quân của phò mã Thân Cảnh Phúc. Quân Lý đem voi chống lại. Quì sai Yên Đạt (TB 284/4a), Trương Thế Cự tiến đánh (TB 279/11a). Tu Kỷ đi tiên phong. Tu Kỷ đưa quân đi lén tới giết được 66 quân ta (TB 284/4a). Nhưng bị voi cản đường, quân Tống không thể tiến. Quì sai quân cung tiễn thủ lấy nỏ bắn vào voi. Lại sai mã tấu chém vòi voi. Voi sợ quay chạy, dẫm xéo lên quân Lý. Quân Lý tan vỡ. Quyết Lý mất. Quân Tống tràn đến huyện Quang Lang (TB 279/12b)

Sách Quế hải chí (theo lời SK, nhưng sách QHNHC không chép) kể chuyện rằng: “Viên tri châu Quang Lang là phò mã, bị thua, bèn trốn vào trong bụi cỏ. Thấy quân Tống đi lẻ loi, thì ra giết chết, hoặc bắt về chặt ra mà ăn. Người ta cho là một vị thiên thần”. Phò mã này chắc chính là Thân Cảnh Phúc coi châu Lạng. Vậy sau trận Quyết Lý, Cảnh Phúc rút lui vào rừng Động Giáp, rồi du kích hậu phương quân Tống. Rình lúc bất ngờ, đánh úp quân địch làm chúng rất sợ hãi.

Tuy Cảnh Phúc không những không theo gương các thủ lĩnh các châu khác qui hàng giặc, mà còn đổi thế thủ ra thế công bằng du kích, nhưng thế cũng không sao ngăn nổi đại quân Tống đang ồ ạt băng ngàn, tràn xuống miền nam. Các phủ Lạng Châu và Phú Lương đang sắp qua những ngày quyết liệt.
___________________________________
1. Về ngày Hoàng Kim Mãn hàng, sách TB đã nhận thấy rằng mỗi nơi nói một khác. Lời chú thích trong TB như sau:
    “Mộ chí Quách Quì chép: “Quách Quì dụ các khê động. Môn Châu có tụi Hoàng Kim Mãn, Sầm Khánh Tân hàng”
    “Sách Ngư tập chép: “Ngày 19 tháng 5, Tôn Giốc làm chuyển vận sứ ở Hồ Bắc tâu rằng Hoàng Kim Mãn muốn hàng”
    “Sách Nhật lục lại nói: “ngày 17 tháng 8, dụ được Hoàng Kim Mãn”. Theo đó thì Kim Mãn qui hàng vào khoảng tháng 8 hay tháng 9
    “Sách Thực lục không hề chép việc Hoàng Kim Mãn hàng. Nhưng có chép việc các tù trưởng dân Mán ở Cổ nông hàng vào ngày 12 tháng Chạp. Có lẽ Hoàng Kim Mãn qui hàng lúc ấy”
    “Vả Mộ chí Quách Quì chép hai việc sau này trái ngược nhau: việc Hoàng Kim Mãn ở Môn Châu hàng và việc đánh Môn Châu sau đó. Nó đã hàng rồi, sao còn đánh nữa? Hay là Kim Mãn có ý hàng mà chưa đến hàng?
    “Theo sách Chinh nam nhất văn tự thì đúng là vậy. Vả sách ấy có chép “Ngày 28 tháng 4 năm Hi ninh thứ 10 (1077), Triệu Tiết mách rằng Hoàng Kim Mãn đã đem Miêu Lý qua sông Phú Lương”. Xem đó, ta nhận thấy rằng lúc ta đánh Môn Châu, Hoàng Kim Mãn mới hàng. Vậy thì Mộ chí Quách Quì chép cũng không sai”.
    Nay xét qua các chứng trên ta có thể nhận rằng:
    Tháng 5 năm Bính Thìn (1076), tụi Hoàng Kim Mãn ngỏ ý muốn hàng với thuyết khách Tống. Nhưng bấy giờ quân Tống chưa tới vùng Môn Châu. Đến tháng 8, tháng 9 đại quân Quách Quì đã đến Ung Châu. Có tướng tới dụ tụi Kim Mãn. Chúng nhận lời, nhưng vẫn cứ ở lại châu mình đợi quân Tống. Đến đầu tháng chạp, quân Khúc Chẩn từ Quảng Nguyên lại Môn Châu. Hoàng Kim Mãn mới đem bộ hạ theo Chẩn và nhận làm hướng đạo cho quân Tống, để đi tắt từ Môn Châu xuống Phú Lương, y lại dẫn đường cho Miêu Lý qua đò Như Nguyệt để đi tắt về phía thành Thăng Long.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 07:42:20 pm »


Chương XI
HÒA VÀ HÒA BÌNH

1. Tránh phục binh: trận Đâu Đỉnh - 2. Tiền phong qua sông: trận Như Nguyệt - 3. Tống tấn công thất bại: trận Nam Định - 4. Lý tấn công thất bại: trận Kháo Túc - 5. Thủy chiến: trận Đông Kênh - 6. Tống lui quân - 7. Giảng hòa - 8. Kết cục.


1- Tránh phục binh: trận Đâu Đỉnh

Chiếm xong huyện Quang Lang, Quách Quì định kéo quân thẳng xuống Lạng Châu.

Đường thẳng là đường Ôn Châu đến phủ Lạng Thương ngày nay. Đường rất hiểm trở. Hai bên toàn rừng núi. Phía đông có núi rừng man mác chạy dài qua châu Tô Mậu đến bờ biển phía tây, có núi đá rất cheo leo, bao trùm một vùng đất rộng, mà nay gọi là núi Cai Kinh, hay nói đúng hơn là núi Bắc Sơn. Núi toàn đá lèn lởm chởm tràn về phía tây đến sông Phú Lương, thuộc Thái Nguyên ngày nay.

Trong núi, có một vài lối đường hẹp, ngoặt ngoèo. Không quen đường thì khó dò ra được.

Đường chính phải qua ải Chi Lăng, mà sách TB chép tên là ải Giáp Khẩu. Ngoài đường chính ấy, còn có một đường vành xa về phía tây, qua xã Bình Gia, châu Vạn Nhai rồi đến Phú Lương (V/1); và có một lối tắt trong núi, qua xã Vạn Linh. Đường cuối này, tuy hẹp nhưng cũng khá ngắn.

Ải Chi Lăng đã làm cho quân Tống, khi sang đánh Lê Hoàn, bị một phen thất bại. Đại tướng Hầu Nhân Bảo đã bỏ mình vì phục binh của Lê đặt ở đó.

Lần này, Lý Thường Kiệt cũng đặt nhiều quân lính nấp hai bên cửa ải để đợi quân Tống.

Quách Quì dò biết, không dám đưa quân qua ải. Nhưng bấy giờ đại quân Tống đã dồn vào chỗ đường độc đạo như nước chảy vào khe hẹp; nên Quì phải tìm đường qua. Quì sai tướng tiền phong Tu Kỷ đem quân vòng quanh về phía tây.

Sách TB chép; “Giặc mới đặt phục binh ở cửa ải Giáp Khẩu để đón quân ta. Quì biết, nên đi đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh mà tiến. Bèn tới sông Phú Lương” (TB 279/22a)

Theo SK, thì Tống sử và các sách khác chép rằng: “Quách Quì tiến đóng ở ải Quyết Lý, rồi tự đưa binh sang phía tây, tiến đến sông Phú Lương”

Nếu mở bản đồ vùng này ra xét, ta phải nhận rằng dãy núi Đâu Đỉnh nói trên chắc là dãy núi Bắc Sơn. Vả chăng hai chữ Đâu Đỉnh có nghĩa là đỉnh Đâu Mâu, tức là cái đỉnh bằng kim loại, mà người ta cắm trên mũ. Núi đá lèn, có đỉnh lô nhô như mũi Đâu Mâu sắp thành hàng, có thể có tên là Đâu Đỉnh Lĩnh. (V/cth 2)

Vậy ta chắc rằng, sau khi không dám qua ải Giáp Khẩu; Quánh Quì đem đại quân hướng về phía tây, vượt qua dãy núi Bắc Sơn để ra chỗ cao nguyên ở vùng Yên Thế. Quì đã theo đường tắt qua xã Vạn Linh.

Thường Kiệt không ngờ quân Tống có thể đem đại quân qua đường hẹp ấy, nên chỉ để một ít quân giữ.

Tướng tiên phong Tu Kỷ đưa kỵ binh đi.trước. Kỷ gặp một đoàn quân ta chừng vài nghìn người. Quân ta đánh rất gắt. Kỷ phải đánh hết sức mới ra khỏi núi (Theo lời chiếu kể công Tu Kỷ, ngày Q.Vi, 6-8 năm Đinh Tị, DL 26-8-1077; TB 284/4a)

Tiền quân qua lọt. Đại quân kéo tràn theo sau. Một mặt tiến xuống bờ sông Phú Lương, tức thượng lưu sông Cầu thuộc địa phận Thái Nguyên ngày nay. Một mặt, tiến sang phía đông, tới phía nam ải Giáp Khẩu. Quân Lý nấp ở ải bị bọc bao lưng, nên lật đật rút lui vào miền núi động giáp để tháo lui về phía đông nam, liên lạc với hữu dực đóng ở vùng Vạn Xuân.

Sau khi quân Lý phải bỏ ải Giáp Khẩu, quân Tống kéo thẳng qua đó tràn tới sông Đào Hoa. Chúng qua sông ấy liên lạc với quân đã qua dãy núi Đâu Đỉnh. Rồi, chia nhau đóng dọc bờ bắc sông Như Nguyệt (trung lưu sông Cầu)

Trong lúc ấy, đạo quân Khúc Chẩn cũng từ QuảngNguyên tiến tới phía đông nam. Chẩn tới Châu Môn. Thủ lĩnh châu ấy là Hoàng Kim Mãn, theo hàng (X/cth9) Kim Mãn theo Chẩn tới sông Phú Lương, hợp với đại quân. Chắc rằng Khúc Chẩn đã đi đường Bình Gia, Vạn Nhai theo dọc phía tây dãy núi Đâu Đỉnh, để vào tỉnh Thái Nguyên ngày nay.

Các đạo quân Tống đã lần lượt theo con đường từ bắc tiến xuống nam, mà dồn vào trước cái hào sâu thiên nhiên, là con sông Cầu. Các quân ấy đóng trên bờ, từ khoảng tỉnh lị Thái Nguyên đến vùng trước Thị Cầu.

Sách Tống hội yếu chép: “Ngày 21 tháng chạp, quân Quách Quì tới sông Phú Lương” (Q.Ma, DL 18-1-1017; THY và TB 279/21b)

Quân Lý bắt đầu một trận phòng thủ vĩ đại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 07:50:28 pm »


2 - Tiền-phong qua sông: trận Như Nguyệt

Thế là sau khi vượt gần vạn dặm, quân Tống đã đến trước trung thổ nước ta. Qua được sông Như Nguyệt này thì Tống chắc khuynh đảo được lăng tẩm họ Lý và cơ đồ Đại Việt.

Quách Quì sửa soạn qua sông.

Từ bờ sông Như Nguyệt đến Thăng Long, đường gần nhất và không bị trở ngại nhiều, là đường đi từ làng Như Nguyệt ở cửa sông Cà Lồ chảy vào sông Câu, tới bờ sông Nhị phía tây bắc Hồ Tây. Đường ấy chỉ dài chừng hai mươi cây số.

Phía tây bến đò Như Nguyệt, còn có những cồn núi cuối cùng của dãy núi Tam Đảo ngăn cản. Từ đó sang phía đông, thì chỉ có công bằng. Qua sông chỗ nào cũng dễ dàng, và lúc qua rồi thì gặp đồng ruộng phì nhiêu. Lương thực nhiều, phu phen sẵn và muốn qua sông Lô cũng không khó nữa.

Vậy nên, quân Tống ở mặt Tây đổ dồn xuống trước bến đò Như Nguyệt. Đó là Hữu Dực do tướng Miêu Lý quản lĩnh. Giúp việc dẫn đường là hàng tướng Hoàng Kim Mãn, mà Khúc Chẩn đã đem theo.

Đại quân Quách Quì đóng cách đó sáu mươi dặm về phía đông (TB 281/14a). Sáu mươi dặm tức bằng chừng 30 cây số. Tính theo bờ sông khuất khúc, ta thấy rằng đại bản doanh đóng vừa trước xã Thị Cầu ngày nay. Chính đó là ở trên đường cái đi Thăng Long.

Từ hành doanh sang phía đông, đường đất ở bắc ngạn sông Nam Định bị dãy núi Nham Biền chắn ngang, ngăn đường tới Vạn Xuân. Tả dực quân Tống hình như không qua dãy núi này, và còn phải quay mặt về hướng đông để đối phó với quân Thân Cảnh Phúc đóng vùng động Giáp.

Nói tóm lại, phòng tuyến của Tống theo dọc bờ sông Cầu ngày nay, từ địa phận Hiệp Hòa, qua huyện Việt Yên, đến chân núi Nham Biền ở huyện Yên Dũng. Rồi chạy lên phía đông bắc đến nam ngạn sông Thương. Khoảng phòng tuyến chính dài ba mươi cây số, trải từ trước bến đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền. Quân Tống chực qua sông ở khoảnh ấy.

Còn quân Lý, thì tiền quân mai phục ở ải Giáp khẩu đã rút lui về động Giáp để xuống miền Vạn Xuân. Đại quân cũng rút lui về phía nam sông Nam Định: Đó là phòng tuyến thứ ba của quân Lý.

Như trên đã nói (X/1) sông Nam Định cũng là phòng tuyến cuối cùng, mà Lý Thường Kiệt phải đem toàn lực giữ; vì nó che chở cho lăng tẩm nhà Lý ở Thiên Đức, cho đồng ruộng của dân gian và vì nó cũng là cái hào ngoài cho đô thành Thăng Long.

Lý Thường Kiệt đã sai đắp đê nam ngạn cao như bức thành đất. Ngoài đê, đóng cọc tre mấy từng để làm giàn (VĐUL và NTDT). Chiến thuyền đều rút về bờ nam, sẵn sàng đón đánh quân địch, nếu chúng chực qua sông (TB 279/22b)

Đại quân Lý chắc rằng đóng ở Thiên Đức và Thăng Long. Còn thủy quân một phần do Lý Kế Nguyên đốc suất, giữ sông Đông Kênh, để chặn thủy quân Tống không để lọt vào nội địa và tiếp viện Quách Quì: một phần đóng ở Vạn Xuân để tùy cơ ứng biến.

Phòng tuyến ta rất kiên cố. Mà Tống lại không có thuyền để qua sông. Thủy quân cũng không thấy tới. Quách Quì sẵn tính cẩn thận, lại muốn đợi thuyền từ bể vào; cho nên hạ lệnh không cho các tướng tự tiện tấn công.

Nhưng viên châu mục Hoàng Kim Mãn mách với Miêu Lý biết rằng đường từ bến đò Như Nguyệt đến Thăng Long rất gần. Miêu Lý trình với Quách Quì việc ấy. Y nghĩ rằng đại quân địch còn đóng ở động Giáp, chưa kịp rút về, vậy nên thừa hư mà qua sông ở bến đò Như Nguyệt. Kể ra, địa điểm và thời gian cuộc tấn công khởi thủy chọn như thế là xác đáng.

Y bèn nói với Quì rằng: “Giặc đã trốn đi rồi. Xin cho quân qua sông”. Quách Quì cũng miễn cưỡng bằng lòng (TB 281/14a)

Miêu Lý sai buộc Phù Kiều1 trước bến đò Như Nguyệt rồi hẹn với tướng tiền phong Vương Tiến đem quân qua sông trước. Hoàng Kim Mãn dẫn đường.

Quân Lý Thường Kiệt cản lại. Vương Tiến thấy thế, sợ quân ta dùng cầu qua bắc ngạn; vội sai quân cắt đứt cầu. Hậu quân Tống không sang sông kịp. Quân tiền phong tiến gấp về phía Thăng Long. Có kẻ chỉ cách kinh đô chừng mười lăm dặm2. Quân ta phản công kịch liệt, quân Tống lâm nguy. Viện binh phải chèo bè sang tiếp cứu. Nhưng bị quân ta ngăn, không đổ bộ được. Thế quân Tống bị đứt. Quách Quì phải ra lệnh gọi tụi Miêu Lý trở về. (TB 284/11b)

Tuy quân Tống phải lui, nhưng thế vẫn mạnh. Cho nên tụi Miêu Lý trở về được vô sự. Về sau lúc vua Tống thưởng công, Miêu Lý được phong tước tử, và gần hai trăm quân được thưởng vải hay thăng chức, đều là nhờ việc sang sông táo bạo lần này (TB 281/14a). Tụi Vương Tiến, Bình Viễn và Lưu Mân bị kết tội đã vội cắt phù kiều. Nhưng vì có công đánh Quảng Nguyên, Quyết Lý, nên đều được tha khỏi tội chém (TB 284/11b)

Trận Như Nguyệt này rất kịch liệt. Quân ta có khi đã lâm vào thế khốn. Muốn cổ vũ binh sĩ Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, đọc thơ mắng giặc, và báo trước rằng giặc sẽ thua.

Sách VĐUL chép truyện Trương Hát, thần sông Như Nguyệt, kể lại rằng chính thần nhân đưa đọc bài thơ sau này:3

        “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
        Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
        Như hà nghịch lộ lai xâm phạm!
        Nhĩ đẳng hành khan thủ bại hư


nghĩa là:
 
        Sông núi nước Nam, vua Nam coi
        Rành rành định phận ở sách Trời
        Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm!
        Bay sẽ tan tành chết sạch toi!


Sách chép tiếp: “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh đã tan”
Trận này rất quyết liệt và định đoạt sự thắng phụ sau này. Các bia và sách ta đều ghi trận sông Như Nguyệt, và cho là một cuộc đại thắng của quân ta. Đó cũng hợp với lời chép trong sách TB của Tống.

Quách Quì cũng nhận là thất bại, bắt tội Miêu Lý đã trái lệnh trên. Lý trả lời rằng Quì đã cho phép sang sông. Triệu Tiết cũng bào chữa hộ. Cho nên Lý mới được tha. (TB 281/14b)
______________________________________
1. Một loại cầu phao.
2. Số 15 dặm là theo TB 281/14a. Về số này mỗi nơi chép một khác. Lời chính thúc (NTDT) nói: “Tranh nhau chỉ 25 dặm mà thôi”. Sách Thông giám chép: “Bấy giờ đại quân xa Giao Châu chừng 30 dặm; chỉ cách một con sông mà không tiến được”. Sách Tống sử (TS 289) lại chép: “Quân ta tiến tới sông Phú Lương, còn cách Giao châu 30 dặm”.
    Một dặm là bao nhiêu? Các sách toán thư cổ như Cửu Chương, Tôn Tử, Ngũ Tào đều chép 300 bước là một dặm. Nhưng sách Toán kinh của Hạ Hầu Dương đời Tấn chép: “5 thước là một bước, 360 bước là một dặm”. Sự đổi ấy là từ đời Tùy và còn giữ đến đời Thanh. Vậy đời Tống, dặm ăn 360 bước. Theo sách Toán học từ điển của Đoàn Dục Hoa và Chu Nguyên Thụy thì bằng 576 mét. Theo sách Ức trai toán pháp nhất đắc lục của Nguyễn Hữu Thận (đời Gia Long) thì nói: “địa cầu chia làm 360 độ, mỗi độ bằng 20 dặm tây (hải lý) mà mỗi dặm tây bằng 10 dặm Đại Thanh” nay ta biết rằng địa cầu chu vi chừng 40.000 km, thì ta suy thấy dặm Đại Thanh bằng 555 mét.
    Xem vậy ta có thể lấy chừng một dặm bằng già nửa cây số, thì có thể ước được đường dài.

3. Sách VĐUL có chép chuyện hai vị thần Trương Hống và Trương Hát một cách rõ. Hai người là anh em, đều là tướng của Triệu Quang Phục. Sau khi Lý Nam Đế đánh bại Triệu, cho người mời hai ông ra giúp việc. Hai ông đều chối và trốn vào trong núi Phù Long. Lý bèn mưu giết đi. Cho nên hai ông uống thuốc độc tự tử. Đến đời Ngô Xương Văn đi đánh giặc Lý Huy ở châu Tây Long, đóng quân ở cửa Phù Lan. Hai thần hiện lên xin giúp. Sau khi giặc tan, vua Ngô phong cho anh, Trương Hống, làm Đại đương giang đô hộ quốc thần vương và sai lập đền thờ ở cửa sông Như Nguyệt. Vua Ngô lại phong cho em, Trương Hát, làm Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương, và sai lập đền thờ ở cửa sông Nam quân (tức Nam Bình hay sông Thương ngày nay).
    Các sử TT, SK cũng chép lại chuyện ấy, và nhắc lại chuyện thần sông Như Nguyệt đọc thơ. Bài thơ kia, bản viết VDUL lại chép khác một vài chữ, nhưng nghịch lộ đổi ra nghịch tặc, bại hư đổi ra tảo trừ.
    Thần phả Trương tôn thần sự tích phụ họa vào nhiều. Nào kể lai lịch bố mẹ, em trai, em gái. Nào kể chuyện thần giúp Ngô, Lê, Lý, Trần, Lê. Chuyện thần đọc thơ được kể hai lần, đời Lê Hoàn và đời Lý. Câu cuối lại đổi ra: nhất trận phong vân tận tảo trừ, trong lúc giúp Lê.
    Chuyện này bất quá vì là lòng sùng bái của người ta, mà bịa đặt ra, và nhà nho phụ họa cho thêm linh. Sự thật có lẽ như tôi đã theo ý Trần Trọng Kim, nhận rằng thơ là của Lý Thường Kiệt. Nhưng nói chắc là Lý Thường Kiệt làm được thơ thì không có gì làm bằng cứ.
    Ngày nay, cả vùng lân cận hai sông Cầu và Thương, có đến hơn 290 ngôi đền thờ hai vị thần họ Trương. Đền chính thờ Trương Hống ở làng Vọng Nguyệt, cạnh làng Như Nguyệt, và đền thờ chính Trương Hát ở làng Phượng Nhỡ ở cửa sông Thương. Vị trí đền phù hợp với việc quân Tống qua sông ở bến đò Như Nguyệt, cho nên câu chuyện thần ám trợ kể trong VDUL có căn cứ vào sự thật ít nhiều.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 07:53:07 pm »


3- Tống tấn công thất bại: trận Nam Định

Sau khi thất bại ở đò Như Nguyệt, Quách Quì không mong chọc thủng phòng tuyến ta một cách bất ngờ, và đành chịu đóng quân đợi thủy quân tới đón qua sông.

Nguyên trong kế hoạch đã dự định (IX/8), hai tướng Hòa Mán và Dương Tùng Tiên phải đem thuyền vượt bể, vào trong sông thuộc nước ta để liên lạc với lục quân và đón quân qua sông. Nhưng thủy quân đã thất lợi ngay ở vùng biên giới (XI/5) và không liên lạc được với Quách Quì.

Đợi mãi không nhận được tin tức gì của tụi Mán và Tùng Tiên. Quì bèn tự tiện để tổng tấn công.

Quì sai đóng bè rất lớn, có thể chở mỗi lần 500 quân. Bè đi lại nhiều lần, đổ bộ lên nam ngạn những đạo quân khá mạnh.

Quân tiên phong đổ bộ. Liền xông tới áp giậu. Vừa chặt, vừa đốt; nhưng giậu dày mấy từng không phá được. Quân Lý trên bờ cao đánh xuống, quân Tống rất khốn đốn; muốn trở về cũng không được, vì bè đã về bắc ngạn, để chở viện binh sang.

Quân ta chém giết quân địch đã đổ bộ. Phần bị chết, phần xin hàng, đạo quân đã qua sông hoàn toàn tan vỡ. (NTDT)

Trên đây là lời của Chính Thúc, do Tô Bình kể lại và chép trong sách NTDT. Hai ông họ Trình bàn thêm rằng: “Tranh nhau chỉ hai mươi lăm dặm. Muốn qua sông lần nữa, nhưng không có thuyền, không có lương để đóng binh lâu. Lo việc nước mà lầm như vậy, chưa từng thấy” (NTDH 10 Và TB 280/17a, Lê Quí Đôn có sao lại đoạn này trong sách VĐLN của ông)

Thế là mộng tưởng qua sông của quân Tống bị tiêu tán “Muốn qua sông lần nữa nhưng không có thuyền!”. Sự thất bại của Tống trong việc hành quân vĩ đại nay, được tóm tắt trong lời phê bình ngắn ngủi ấy.

Quì đóng quân lâu, đợi thuyền không thấy. Có lúc thám tử về báo có thuyền từ phía đông lại. Tưởng là thủy quân của Hòa Mán và Dương Từng Tiên đã đến, quân sĩ Tống rất mừng. Lúc thuyền tới nơi “lại hóa ra hàng vạn quân Giao Chỉ, cổ tháo mắng chửi quan quân” (MC Quách Quì, theo TB 279/22b)

Quách Quì sợ quân mình khinh địch, lại càng cấm ngặt không được tấn công nữa. Lệnh ban ra rằng: “Ai bàn đánh sẽ bị chém!” (ĐP)

Quân Lý cũng thỉnh thoảng qua sông khiêu chiến. Có lúc cưỡi thuyền con, chèo sang bắc ngạn. Tướng Tống là bọn Diêu Tự đưa tinh binh hết sức giữ bờ. Quân Lý không lên cạn được. (ĐĐSL 104)

Triệu Tiết sai quân sĩ vào rừng đốn cây, làm những máy bắn đá. Máy này có một cái cần, ở một đầu có bộ phận để những viên đạn bằng đá. Cần trương lên rồi bật, làm cho đá ở đầu cần bắn đi xa. Tiết dùng công cụ ấy phá thuyền đậu ở nam ngạn, và để đánh lui thuyền ta, mỗi lúc quân ta tấn công sang. (TS 332 và ĐĐSL 91)

Hai bên giằng co nhau hơn một tháng, đối ngạn nhìn nhau, không ai dám quyết liệt tổng tấn công nữa.

Viên chuyển vận phó sứ Quảng Tây Miêu Thì Trung bàn rằng: “Quân ta không có ý tiến đánh, thì chắc rằng giặc sẽ đi đường tắt tới, để mong khi ta không phòng bị. May gì phá được ta chăng. Ta nên để chúng làm như vậy. Hễ chúng có thua, thế cùng rồi mới chịu hàng. Ta nên bí mật phòng bị đợi chúng” (TS 331)

Yên Đạt cũng đồng ý, và còn chủ trương khiêu khích quân Lý để nhử tới. Đạt dẫn sách binh thư, nói: “Nhử người tới đất mình lợi hơn tới đất người. Vậy ta nên giả cách không phòng bị. Chúng nó ắt sẽ tới đánh ta” (TS 349 và ĐĐSL 84)

Mưu này sắp được thi hành. Quân Thường Kiệt sẽ sa vào bẫy ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Năm, 2009, 08:02:21 pm »


4 - Lý tấn công thất bại: trận Kháo Túc

Thám tử Tống lại báo rằng ngoài sông Kháo Túc có thể lấy được. Quách Quì muốn tới đó, nhưng nghi ta có đặt phục binh. Cho nên Quì dẫn theo 5000 kỵ binh người phiên lạc tức người thổ dân ở phương bắc.

Sách Đàm phố chép việc này, không nói rõ sông Kháo Túc ở đâu. Nhưng ta thường thấy tiếng kháo dùng ở miền Lạng châu dùng để chỉ tên các núi. Cũng có khi viết khâu hay khảo. Đó là tiếng thổ, nghĩa là núi. Ví dụ Kháo Mẹ, Kháo Con, Khâu Ôn. Trong một câu sau ở sách ấy, lại chép sông Kháo (bỏ chữ Túc). Tiếng kháocầu rất gần nhau. Lại xét trận thế sau đây, và lời các sách Tống, ta có thể nghĩ rằng sông Kháo Túc này là một khúc sông Cầu, khoảng kề đông nam núi Nham Biền. Có lẽ tên núi ấy là Kháo Túc chăng? Cho nên tên sông ấy cũng lấy tên núi ở cạnh bờ mà gọi.

Ý chừng phòng tuyến của ta từ chân núi Nham Biền đến Vạn Xuân, không kiên cố như ở phía tây. Cho nên Quì nghĩ qua sông ở khoảng ấy dễ.

Lý Thường Kiệt sai các hoàng tử Hoằng Chân, Chiêu Văn (VSL) đem thuyền chở quân đến chống lại1. Hoằng Chân có nuôi riêng 500 quân đặc biệt; cấm mọi điều thị dục, dạy cho trận pháp. Đội quân riêng ấy rất giỏi. Hiệu lệnh rất nghiêm. Người nào cũng cầm một cái kim bài để làm hiệu riêng (ĐP)

Hoằng Chân từ phía đông đem 400 chiến hạm, chở vài vạn quân tới. Quân quát tháo ầm ỹ. Theo kế hoạch Yên Đạt đã bàn, Quì rút quân. Quân ta đổ bộ lên bắc sông Ngạn, đuổi đánh quân địch. Tiền quân của Tống thua; Quách Quì phải cho thân quân tới cứu. Tụi Yên Đạt cũng tiến theo (MC Quách Quì, theo TB 279/22a)

Quân ta bấy giờ đã tiến sâu vào đất bằng (ĐP), có lẽ mé tây núi Nham Biền. Quân Tống phản công mạnh. Quân ta lui một ít. Quì sai các tướng Trương Thế Cự, Vương Mẫn, đưa kỵ binh ra giúp sức. Giới định đặt phục binh ở trong núi (TB 281/14a) bấy giờ cũng đổ ra. Quân Tống giết chừng vài nghìn quân địch. Trên đất bằng kỵ binh Tống rất thắng lợi. Quân ta bị rối loạn, rút lui hỗn loạn, tranh nhau sang sông trở về, bị chết đuối rất nhiều. Nước sông ba ngày chảy không hết xác (TB 279/22a)

Ta ghé thuyền đưa quân về, bị quân Tống bắn đá xuống như mưa làm thuyền đắm, Hai hoàng tử Hoằng Chân và Chiêu Văn đều bị chết chìm xuống sông (VSL) Thuyền của đội quân riêng của Hoằng Chân bị đắm, nhưng ai cũng cầm vững kim bài mà chết (ĐP). Tả lang tướng Nguyễn Căn bị tướng Tống là Đặng Trung bắt (TB 283/8a)

Trận Kháo Túc này là cuộc đại tấn công của Lý Thường Kiệt, nhưng thất bại. Các sách và sử Tống đều cho là một cuộc đại thắng của quân Tống, và thường chép “đánh đại bại quân Giao Chỉ ở sông Phú Lương”. Ấy là muốn nói trận này.

Quân ta tấn công bất lợi, bèn đóng giữ bờ nam sông. Quân Tống muốn sang, mà thuyền không có. Hai bên cầm cự nhau đã 40 ngày “Đường chỉ cách hai lăm dặm mà không thể nào vượt qua được” (NTDT)

Quách Quì đợi thủy quân mãi, nhưng không thấy đến.
________________________________________
1. Sách TT không hề chép đến chuyện hai hoàng tử chết trận. Nhưng VSL chép: “Vua Lý sai Nguyễn Thường Kiệt lĩnh thủy quân để chống lại. Hai hầu Chiêu Văn và Hoằng Chân đều chết đuối ở sông Như Nguyệt.
    Các sách Tống chép về chuyện ấy nhiều. Tống sử (TS 290) chép: “Ta đại chiến ở sông Phú Lương, chém được vương tử giặc là Hồng Chân”. Mộ chí Quách Quì chép: “Giết được đại tướng Hồng Chân, bắt được tả lang tướng Nguyễn Căn”. Sách Thông giám chép: “Bắt được thái tử giặc là Hồng Chân”, sách Trường biên (TB 293/8a) chép: “Tướng Bạch Bảo bắt được thái tử Hồng Chân, và tướng Đặng Trung bắt được tả lang tướng Nguyễn Căn... Nhưng tướng Tiết Đức lại nói chính mình giết được Hồng Chân ở ải Quyết Lý”. Sách Đông phố chép rõ ràng nhất. Tôi đã kể lại trên. Các sách viết đời sau như ANCL, ANCN, VKT đều theo sách Tống chép tên hai hầu cả.
    Sách SK, tức sách TT chữa lại ít nhiều cho hợp với sử Trung Quốc, có chú thích nhiều về đoạn này. Kẻ soạn chú thích ấy, có lẽ Ngô Thì Sĩ hay Ngô Thì Nhiệm, đã khảo Tống sử, và chữa đoạn sử này một cách khá xác đáng. Lời chú thích có nói: “Lại xét Tống sử và các sách khác chép, thì Quách Quì tiến đóng ở ải Quyết Lý. Sai tướng lấy lại Ung, Liêm (chép thứ tự như thế là sai). Rồi tự mình đem quân đi về phía tây, tiến đến sông Phú Lương, quân ta cưỡi thuyền đón đánh. Quân Tống không qua sông được. Triệu Tiết chia công việc, sai các tướng đẵn gỗ, đóng công cụ, bắn đá xuống như mưa. Chiến thuyền của quân ta đều bị vỡ. Rồi Tiết đặt phục binh mà đánh lại, chém vài ngàn đầu, thái tử Hồng Chân chết tại trận”. Sau khi nói thêm về việc Tống chiếm các châu thượng du, SK nối lời rằng: “So đó với sự sử ta chép rằng quân Tống bị thua, thì khác nhau. Tôi trộm nghĩ rằng Hồng Chân không phải là thái tử, sự ấy đã rõ (ta đã thấy lẽ khác ở X/cth 1). Hoặc giả các vương có người bị tử trận mà đương thời giấu chuyện đi chăng? Hoặc là tụi Quì muốn che sự thua, mà bịa chuyện tâu về, để kể là chiến công”. Tác giả ngả về thuyết sau, nên bàn rằng: nếu không phải thế, thì sao với đạo quân tám vạn tên mà chết quá nửa, một dải Nhị Hà mà không dám qua để đến kinh sư? Như thế thì sao có thể nói đó là thắng?”. Lý luận ấy đúng. Ta nay biết rõ là Tống và Lý không ai thắng bại cả.
    Lại có sách Tùng dâm chép tên hoàng tử khác hẳn các sách khác. Sách ấy nói: tướng tiên phong là Miêu Lý và Yên Đạt qua sông Phú Lương. Đánh một trận, phá tan giặc. Bắt được hai thái tử giặc là Phật Nha (TB 303/9a). Tên Phật Nha ấy tuy khác các tên kia, nhưng chắc là đúng. Lý Thái Tông còn có thái tử tên là Phật Mã, thì con có thể là Phật Nha. Chắc đó là tên húy, còn hiệu Hoằng Chân vương hay Hoằng Chân hầu.
    Sự lại là chính sử như TT không chép truyện Hoằng Chân. Chắc không phải đời Lý giấu sự ấy, vì VSL, viết đời Trần, còn chép. Có lẽ chỉ vì đời Lê, sử Lý đã thất lạc đi nhiều.
    Nay tôi có để ý đến thần đền voi phục, là đền dựng đời Lý ở phía tây Thăng Long, kề phía bắc đường đi Hà Nội - Sơn Tây và cạnh ô Cầu Giấy. Hiệu thần là Linh Lang đại vương. Trong hạt Hoài Đức còn nhiều đền thờ. Nhưng bốn đến chính là các đền ở làng Thủ Lệ (Voi Phục), Bồng Lai ở huyện Từ Liêm, và hai làng Đại Quan, Thuần Lễ. Tuy thần tích mỗi nơi một khác, vì thường thường thần phổ là do kẻ khai bịa đặt ra nhiều, nhưng xét gốc chuyện có một phần chung, mà ta có thể coi là có liên quan với sự thật.
    Trong chuyện Linh Lang, thì cốt truyện là như sau: Linh Lang là con vua Lý Thái Tông. Mẹ là một người con gái kẻ quê quán ở Bồng Lai. Nhưng chính là con thần Thủy Long ở hồ Dâm Đàm (hồ Tây) giáng sinh. Vua đặt tên cho là Hoàng Tử Lang theo thần phả đền Voi Phục, hay Hoàng Lang theo thần phả làng Đại Quan. Tên ấy có nghĩa là con thứ tư vua hay con vua.
    Hoàng Lang mặt mũi khôi nghô, nhưng đã lớn mà chưa biết nói.
    Chợt có giặc xâm lăng nước. Các tướng đi đánh, không thắng. Vua và triều thần lo. Có thần báo mộng cho vua biết rằng đã có thần nhân giúp, cứ cho sứ mời thì được.
    Sứ đi tìm các nơi. Lúc sứ tới làng Thủ Lệ (theo Thần phả đại quân thì Thị Lệ), Hoàng Lang thưa với mẹ gọi sứ tới, rồi nói với sứ rằng: “Xin vua cha một lá cờ đỏ lớn, cán dài và một con voi. Ta sẽ dẹp yên giặc”.
    Lúc được cờ với voi. Hoàng Lang cầm cờ chỉ voi. Voi bèn phục xuống, Hoàng Lang bèn cưỡi voi cầm cờ ra trận. Voi chạy như bay, cờ phất một cái thì giặc tan.
    Lúc Hoàng Lang trở về bèn bị bệnh đậu. Thuốc chữa không khỏi. Hoàng Lang nói với vua cha rằng mình là con thủy cung tới giúp vua, xong rồi phải về thủy cung.
    Tự nhiên Hoàng Lang biến thành một con rắn đen dài mà bò vào hồ Dâm Đàn biến mất. Vua sai lập đền thờ ở trại Thủ Lệ là chỗ cung mẹ ở, tại làng Bồng Lai là quê mẹ, và ở hai làng Đại Quan và Thuần Lễ là nơi Hoàng Lang trú binh.
    Xem chuyện trên, ta thấy một vài chú ý mà ta thường thấy trong các chuyện thần khác: thụ thai với giao long, thai bọc, lớn không biết nói, xin voi, cờ (gần như chuyện Phù Đổng thiên vương), hóa ra rắn mà biến.
    Kể ra các thần phả ấy còn chép nhiều chuyện hiển nhiên là bịa đặt sai lầm. Nhưng chuyện này làm cho ta chú ý, vì có sự hoàng tử đời Lý đánh lui giặc ngoại xâm rồi chết. Thần phả đền Đại Quan nói giặc là Trinh Vĩnh khởi binh từ Nam hải. Ta không biết Trinh Vĩnh là dân tộc nào, trái lại, thần phả đền Voi Phục nói giặc là Tống. Phả ấy chép: “Bấy giờ có các tướng mạnh của Tống, là Triệu Tiết, Quách Quì đem quân của 9 tướng, và tụi Hồng Chân, Vũ Nhĩ, Dư Tĩnh và hợp Hoàng Vĩnh Trinh với Chiêm Thành Chân Lạp mà tới xâm”.
    Bên cạnh những sự đúng, nói như tướng Tiết và Quì, lại có những sự sai, như nói đến Vũ Nhĩ (tướng ta đời Lý Thái Tông IV/3). Dư Tĩnh (quan Tống đánh Nùng Trí Cao, IV/3, còn tên Hoàng Vĩnh Trinh kia với tên Trinh Vĩnh chắc có liên can).
    Sự lạ nhất là trong các tướng Tống, lại có tên Hồng Chân. Nếu kẻ viết thần phả bịa đặt hoàn toàn thì sao biết có tên Hồng Chân ấy. Nếu y có đọc Tống sử thì sao lại lẫn các tên người Tống, người ta?
    Hoặc là tên Hồng Chân có trong chuyện thần lúc xưa. Nhưng sau, chuyện bị sai suyễn, Cho nên kẻ viết lại thần phả lầm lẫn, nhưng vẫn giữ được tên Hồng Chân.
    Vì lẽ ấy ta có thể ngờ rằng thần Linh Lang tức hoàng tử Hoằng Chân. Nhưng còn có hai lẽ làm ta thêm tin thuyết ấy. Về đường ngữ học, tên Hoàng Lang chép ở thần phả rất có thể là biến âm của Hoằng Chân hay Hồng Chân. HoàngHoằng gần nhau, sự ấy đã rõ. Còn langchâu, tuy bề ngoài tưởng xa, nhưng thật là gần. Âm CH là biến âm của TR mà TR là biến âm của TL, và TL lại biến ra L. Ví dụ: Chàmtràm, là thàmlam, và ChèmTrèmThèmLiêm (Từ Liêm). Cũng theo luật ấy mà Chân biến ra Lang. Nói tóm lại tên Hoằng Chân đã biến ra Hoàng Lang ở thần phả.
    Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai là sự Hoàng Lang hiện ra rắn rồi lặn xuống hồ có thể là cách tượng trưng sự Hoằng Chân chìm xuống sông mà chết.
    Ta có thể tin một phần rằng hoàng từ Hoằng Chân đã được thờ ở đền Voi Phục. Có lẽ vì tử tiết nên được biệt đãi, được thờ ở trong thành Thăng Long.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM