Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:19:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười  (Đọc 51632 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:09:05 am »

BÁO CÁO NGÀY 21 THÁNG HAI 1881
------
Ông Chánh sở mật thám

Tôi có vinh dự để cho ông những tin tức (người ta nói với tôi là tên Hội chức Thiên Hộ cựu lãnh tụ các đảng ở Tháp Mười, hắn đã chết vì bệnh từ 10 hoặc 12 năm nay, tử thi của hắn được chôn tại làng Tân Lập gần Cần Giuộc của Chợ Lớn); những người cầm đầu trong đoàn tùy tùng, các tên Hùng Lâm, hắn đã đi ra Huế. cậu Hai, con trai của Quản Định, người ta không biết đi đâu, Thái chức Thống Quản, hắn đã bị ô. Lãnh Huấn bắt, người ta đã kết án tử hình hắn. Trần Kỳ Phùng chức huyện, hắn chết vì bệnh, Huấn chức lãnh binh, hắn cũng chết như vậy, và Cẩn chức Đốc Binh, hắn biến mất người ta không biết hắn đi đâu.
-------

Vào lúc 8 giờ chiều hôm qua, một người Tàu gốc Quảng Đông chết trên lề đường chợ Cầu ông Lãnh; theo tin tức người ta nói với tôi thì người Tàu này ở tại nhà Hòa Thạnh thợ may ở trên kè kinh Tàu hủ; tôi đã đến nhà này để lấy tin tức của một người Tàu làm cu li tên Huỳnh Lâm 26 tuổi thẻ cư trú số 952, hắn nói với tôi là từ 3/?/ tháng nay hắn được thuê làm trong nhà này, hắn có thấy một người Tàu bị bệnh đến nhà chủ hắn 4 hay 5 lần để ăn uống; nhưng từ 5 hay 6 ngày nay hắn không còn thấy và chiều hôm qua vào khoảng 1 giờ rưỡi hắn thấy người Tàu này chết tại chợ.

Tôi có nhận được ba giấy báo trước gửi bởi ông Chánh/sở/mật thám để chuyển đến tay các làng Khánh Hội, Vĩnh Hội và An Hòa xã.
------
Đội mật thám
/Ký tên không đọc được/

Vào lúc 7 giờ sáng, xe của ông Bistout có cán ngã một người Tàu gánh vò rượu nếp trên kè kinh Tàu hủ; nhưng ông này không có trên xe.

Tên Thiên Hộ Dương bàn đến đây chắc là Võ Duy Dương mà đội quân Gally Pasboce năm 1866 đã chống trong đồng lác (Tháp Mười), (Courrier de Sai gon ngày 20 tháng tư 1866 phụ trương).

Các giấy tờ kèm theo đây có lẽ cho thấy là tên này đã chết vào năm 1869. Cách duy nhất để tin chắc có lẽ nên viết về Mỹ Tho để biết coi người vợ không cưới xin của hắn vẫn ở Bình Cách (Mỹ Tho).


số 307
Saigon, ngày 23 tháng hai 1 88 1
/Gửi/quan cai trị Sóc Trăng

Tên Thiên Hộ mà ông muốn có tin tức theo mọi khả năng đương bàn đến đây (xóa bỏ) là Võ Duy Dương mà đội quân Gally-Pasboc năm 1866 đã chống trong đồng Lác (chiếm Tháp Mười),Courrier de Saigon, ngày 20/4/1866 phụ trương).

Những giấy tờ mà Nha chỉ huy có, cho thấy là tên này (coi như đã) chết năm 1869. Để tin chắc tốt nhất về việc này (về người cầm đầu quân phiến loại này, điều có ích có lẽ là = gạch xóa) ông có thế viết cho quan cai trị Mỹ Tho nhắc lại những sự kiện sau đây:

Người vợ không cưới xin của Thiên Hộ, con gái của Trần Văn Học, tên là Thị Vàng đã qui thuận cuối 1869 và ở tại làng Bình Cách (Mỹ Tho).


BẢN DỊCH HÁN VIỆT TỜ BẨM
CỦA TRẦN VĂN HỌC

Kiến Hòa huyện, Thạnh Quơn (Quan) tổng Bình Cách thôn (dân) Trần Văn Học khấu bẩm vì: Khất vì bằng sự duyên tiền niên Võ Duy Dương tại Bình Cách thôn chiêu mộ bách mãi (dân) nữ thị Vàng vi thiếp hạ sanh nhất nữ, tự cai vản Thập Tháp tác nghịch (dân) tương nữ đào vãn biệt xứ trú cư.

Tư Văn cai danh dĩ tử (dân ) nãi phản hồi do Kiến Hòa Tham biện quan minh cứu vô tình trạng mông đắc văn phê hồi thôn an nghiệp.

Thiết niệm Lang sa pháp luật tội bất cập thu nô. Đản nữ (dân) thị Vàng kinh phiếm Duy Dương vi thiếp hữu sanh nhất nữ, pha can án, mạc cảm điềm nhiêm.

Phục khất Lại bộ thượng thơ đường đại nhân thẩm chiếu văn phê hứa (dân) nữ mẫu tử tùng (dân) an nghiệp, tứ miễn hậu lự vạn lại. Kim khấu bẩm.

Kỷ Tỵ niên, thập nguyệt, thập... nhựt dân
Trần Văn Học điểm chỉ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:11:39 am »

NHỮNG PHÂN TÍCH CỦA GUSTAVE JANNEAU VỀ 2 BẢN TẤU TRÌNH CỦA VÕ DUY DƯƠNG DÂNG VUA TỰ ĐỨC

Tài liệu này, đã được Gustave Janneau dịch và phân tích, được Jean Ricquebourg giới thiệu đăng trên Revue Indochinoise, số 2 (1914).

Qua nội dung, biết được hai bản tấu trình này của Võ Duy Dương gởi cho vua Tự Đức qua ba sứ giả: Phó quản cơ Nguyễn Quân Phong, Tú tài Phạm Nguyên Lợi và Bát phẩm Nguyễn Tương, có lẽ Võ Duy Dương viết trước khi đại đồn Tháp Mười thất thủ và quân Pháp tịch thu được trong trận tấn công vào đồn này (tháng 4-1866) .

Dĩ nhiên, qua bản dịch và bài phân tích của Gustave Janneau hai bản tấu trình của Võ Duy Dương cũng có phần nào lệch lạc. Tuy nhiên để tiện việc tham khảo, chúng tôi cố gắng theo sát nguyên vân bản tiếng Pháp của Gustave Janneau.

Song Gustave Janneau, không biết vô tình hay cố ý, đã có lầm lẫn trong việc xếp thứ tự trước sau của hai tờ tấu. Bản mà Gustave Janneau đặt tên: "Bài phân tích bức thư của Thiên Hộ Dương" thì nội dung Thiên Hộ Dương nói nhiều sự việc khi đã vào Đồng Tháp Mười. Còn bản mà Gustave Janneau đặt tên: "Bản báo cáo thứ hai" thì nội dung lại là quá trình hoạt động của Võ Duy Dương từ khi theo phái đoàn Đỗ Thúc Tịnh vào Nam (tháng 5-1861) đến khi rút vào Đồng Tháp Mười (tháng 8-1864). Hơn nữa, dù Gustave Janneau đặt tên hai tờ tấu như đã nói, nhưng cuối bài lại ghi "Bản dịch của Gustave Janneau”, nên không rõ được phần nào Gustave Janneau phân tích, phần nào ông ta dịch.

Còn một vấn đề đáng lưu ý nữa, có lẽ do Gustave Janneau chưa am tường việc đối chiếu ngày tháng âm lịch sang dương lịch, nên đã cho rằng "Ngày tháng trong báo cáo này không có một sự chính xác nào". Nhưng khi đối chiếu các ngày tháng và sự việc mà Võ Duy Dương báo cáo tương đối rất chính xác, ăn khớp với tài liệu của Quốc Sử Quán và một số tài liệu khác của Pháp. Cũng do sự chưa am tường đó nên phần lớn các chú thích của Gustave Janneau đều không đúng.

Trong bản dịch tiếng Việt dưới đây, chúng tôi không sử dụng chú thích của Gustave Janneau.


BÀI PHÂN TÍCH BỨC THƯ CỦA THIÊN HỘ DƯƠNG

Gởi dâng lên vua An Nam qua 3 vị sứ giả: Phó quản cơ Nguyễn Xuân Phong, Tú tài Phạm Nguyên Lợi, Bát phẩm Nguyễn Tương.

Ông Thiên Hộ Dương tâu với vua là ông đã mộ được khoảng 1.000 người đáng được chú ý về nhiệm vụ mà họ gánh vác trước kia, hoặc vì sự thế gia sản của họ, các vị được bổ nhiệm các ngạch trật hoặc được nâng các phẩm hàm.

Ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường đã cung cấp một đội quân gồm có người An Nam, người Trung Quốc, người Cao Miên và tổng số tăng lên hơn 100.000 người. Những đội ngũ được tổ chức lại, những cấp bậc của các ngạch trật trong hệ thống quân sự được phân phối xong, những đội quân đã được điều đi tùy theo nhu cầu của các đồn lũy.

Ông Thiên Hộ Dương đề nghị với nhà vua cho phép dùng mưu kế thu hồi lại ba tỉnh nói trên, ông nghĩ rằng phải hành động hết sức nhanh chóng đề phòng gặp phải những khó khăn trong công việc.

Ông Thiên Hộ Dương nêu lên ở đây tiểu sử tóm tắt của Quản Định (Chú thích: Tức là Trương Định) nhắc lại cấp bậc mà nhà vua đã lần lượt phong chức v.v...

Ông còn nhận được bức Thánh chỉ đề tháng 6 (Chú thích: Có lẽ là tháng 7-1865, vì đến tháng 8-1864 Võ Duy Dương mới rút vào Đồng Tháp Mười lập căn cứ.) truyền lệnh cho ông phải mời quan Tổng Đốc (Chú thích: Nguyên văn chữ Pháp là “Général Commandant" cũng có thể dịch là "Tướng tư lệnh". Tuy nhiên trong quan chế nhà Nguyễn lúc bấy giờ không có chức Tướng tư lệnh quân đội trong tỉnh mà có chức Lãnh binh.) Gia Định Bùi Quang Diệu và Tham mưu trưởng (Chú thích: Tham tán đúng nghĩa hơn tham mưu trưởng.) Bùi Tân. Các quan chức này đã đến Tháp Mười chỉ mang theo 80 người vào tháng 11, họ quay trở lại Gia Định để nhận vài chỉ định mới:

Trong tháng 2, mặt đất ở đây khô ráo do thời tiết nóng bức. Quân Pháp tổ chức một cuộc tấn công vào Tháp Mười với 600 bộ binh. Họ đánh nhau một trận tại huyện Kiến Đăng (Chú thích: Thuộc khu vực Đồng Tháp Mười.), chịu những thiệt hại to lớn, họ bị thua trận.

Ngày 11 tháng 2 quân Pháp lại vào Tháp Mười với số lượng hơn 1.000 quân gồm các lính tập và mã tà. Các toán quân của ta chống cự quyết liệt một quan Pháp ở cấp chỉ huy (Chú thích: Có thể là Thiếu tá) bị giết. Những người Pháp khác hoảng sợ chạy trốn để lại ở trận địa vũ khí và quân dụng mà chúng ta tịch thu được.

Dù sao cũng phải nhìn nhận rằng vị trí của Tháp Mười này ít thuận lợi là một nơi hoang vu và tiếp tế lương thực rất khó khăn. Người Pháp không thể không trở lại đây, chúng ta có thể bị tàn sát bởi quân số của họ, nếu chúng không quyết định rút khỏi nơi đây ngày 15 tháng 2, sau khi chúng ta chiến thắng để chúng ta bố trí ở đồn Bảo An.

Người Pháp theo dõi chúng ta để gài chúng ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân đội của chúng ta đã kéo đến Chinh Hầm (Chú thích: Chưa xác định được là ở đâu) đang chiếm một điểm cao, chúng ta có thể với một địa thế rõ rệt nã nhiều quả pháo tiêu diệt một số rất lớn quan Pháp, xác chúng rải rác khắp trận địa, số tử vong vượt quá 150, chúng ta bắt tù binh 3 người Pháp, 7 người Ma Nì chịu đầu hàng và bằng lòng theo chúng ta. Họ đã có sẵn vũ khí và quân trang. Họ rất ghét bọn kia và muốn ra trận để trả thù bọn kia.

Ông Thiên Hộ Dương tường thuật một trận khác mà ông chắc chắn có thuận lợi hơn nữa (Chú thích: có lẽ đây là trận Cái Nứa, nghĩa quân tấn công vào tháng 3-1866).

Ông giải thích cho nhà vua một cách khá rõ ràng, tình thế mà trong đó ông gặp phải, để sao cho nhà vua có thể tính đến khả năng thu hồi 3 tỉnh trên.

Tiếp theo đó một tuyên bố dài dòng tố cáo tình hình hiện tại của ba tỉnh này đã bị quân Pháp chiếm đóng. Gia đình tan nát, mồ mả bị xúc phạm v.v...

Dân chúng ở Tân Bình (Chú thích: Tức Sài Gòn) sẽ bị cám dỗ do bọn Pháp thống trị nếu nhà vua không cho phép ông Thiên Hộ giáng trả một đòn quyết định.

Ông Thiên Hộ có vô số đồng đảng. Nếu nhà vua ra lệnh ông có thể tiêu diệt hết binh lính Pháp ở các kinh rạch nhỏ hẹp, nơi mà bọn chúng không có khả năng sử dụng các trọng pháo, loại này chỉ thật sự có tác dụng cho những hoạt động tầm xa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:13:39 am »

BẢN BÁO CÁO THỨ HAI

Tướng Võ Duy Dương, chỉ huy các toán quân đánh nhau với người Pháp đang đóng giữ trong tỉnh Định Tường đã dâng lên nhà vua một bản văn bí mật về những hoạt động trước kia và hiện trạng tâm lý trong các khu vực.

Ông Dương hoạt động một cách đơn độc, ông đã hết phương kế và cũng không làm gì được, vì không nhận được Thánh chỉ của nhà vua, ông thú thật sức lực của ông cũng chỉ đến thế thôi, ông bảo đảm nhà vua luôn luôn sẽ theo sát công việc của ông.

Năm Tự Đức thứ 14, tháng tư (Chú thích: Tháng 5-1861).

Võ Duy Dương tuân lệnh nhà vua theo Khâm phái Đỗ Thúc Tịnh di chuyển về Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên nhận nhiệm vụ.

Tháng 8 năm ấy, Khâm phái trao cho Dương Bằng Quản Cơ chỉ huy Võ Sanh và Võ Sĩ.

Tháng 11 Dương ở dưới quyền Quan án Nguyễn Nhã và Thượng Biện (Quan vụ) Trương Minh Lượng trong tỉnh Định Tường.
Ông được điều đi Mỹ Quí để xây dựng một đồn lũy (Chú thích: Đồn này được dân chúng quen gọi là Tân Thành Mỹ Quí, được xây trên một gò cát cao, kết hợp với Thuộc Nhiêu trở thành vị trí xung yếu ở Định Tường, nằm giữa thành Mỹ Tho và đồn tiền tiêu Cai Lậy của Pháp. Nay thuộc ấp Quí Thành ( xã Mỹ Quí. Cai Lậy) vết tích còn lại là, nền kho, bến vựa, ao nước, cột phường).

Năm Tự Đức thứ 15 (Chú thích: Tháng 2-1862.) tháng 2.

Thượng Biện tỉnh Định Tường nhận nhiệm vụ Khâm phái ông Đốc Binh thấy có thể mất đồn Thuộc Nhiêu (Chú thích: Trước đây là căn cứ của Phủ Cậu Trần Xuân Hòa, sau khi ông hy sinh (7-1-1862) Võ Duy Dương điều Nguyễn Hữu Huân đến thay thế. Kết hợp với Mỹ Quí là khu vực mà De Grammont gọi là khu “bốn công sự" nằm giữa Mỹ Tho và Cai Lậy, thực dân Pháp phải đánh nhiều lần mới chiếm được.) ông Dương lại ở tại Mỹ Quí, ông báo cáo việc này với quan Thượng Biện và ngài ra lệnh giải tán các đội quân và cất giấu vũ khí.

Tháng năm Khâm phái Nguyễn Thúc Trơn (Chú thích: Tức Nguyễn Túc Trưng) lại ra lệnh cho ông Dương ra kêu gọi các đội quân tập hợp về Kiến Hòa (Chú thích: Nay là ấp Bình Cách xã Tân Bình Thành, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.) đến khi có lệnh mới.

Tháng 6, những tên man rợ (chỉ người Pháp) ra thông báo trong đó tuyên bố rằng 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hòa phải được xem như trực thuộc họ. 

Những quan binh và những nhà phú hộ van nài ông Dương đừng xa rời mà tiếp tục chống giặc, họ sẽ lập một đơn vị quân sự, hứa giúp đỡ và tiếp tế

Tháng 7 Dương phát lời kêu gọi nhân dân ở Định Tường nổi lên từng toán và chiến đấu lại.

Trong lúc ông Phó Lãnh binh Trương Định đang ở tại tỉnh Gia Định viết thư cho ông Dương để trình bày là ông sẽ gặp nguy hiểm khi hoạt động riêng lẻ, mời ông về đây thống nhất lực lượng hai bên, ông còn nêu địa điểm hội kiến tại huyện Tân Hòa.

Để thỏa thuận giao ước này ông Dương đã phái giáo thọ Nguyễn Hữu Huân đến Tân Hòa gặp thị vệ Nguyễn Thi. ông này mang về cho Quản Định một Thánh chỉ phong cho ông chức Bình Tây Tướng quân thống lĩnh chỉ huy toán quân trong ba tỉnh.

Giáo thọ Huân sau đó quay trở lại tỉnh Định Tường ngay. Ông Dương và Huân nhận người thứ nhất cấp bậc Chánh Đề đốc và Huân là Phó Đề đốc và hai ông đều nhận người nào cũng vậy, ấn và triện Phẩm hàm.

Ông Dương và ông Huân lưu lại Kiến Hòa, chịu trách nhiệm xây dựng đồn lũy tại cuộc chiến. (Chú thích: Theo dân gian thì đồn chính, nơi đây đóng cơ quan đầu não của nghĩa quân là một ngôi nhà lớn có 36 cửa, có ba lần hào và ba lũy trực bao bọc, thuộc ấp Bình Cách ngày nay, sát sông Hiệp Thạnh. Nay không còn vết tích gì, chỉ còn một đoạn sông Hiệp Thạnh cũ.)

Tháng 10, những toán lính Pháp tập kích đồn Bình Cách, ông Dương và ông Huân đánh bạt chúng ra ngay, bọn Pháp phải tẩu thoát. Chúng ta truy kích chúng, 28 lính tập hoặc mã tà bị bắt làm tù binh và bị chặt đầu.

Sau đó ông Dương và ông Huân kéo quân đến giồng Cát tổng Nhị Bình, phủ Kiến An (nay là Gò Lũy sự thật là làng Nhị Bình), nơi đây ông xây tạm một đồn lũy và trú tại đó.

Ngày 27 trong tháng (T.10) quân Pháp lại đến tập kích các ông. Quân Pháp lại bại trận và tháo chạy bị quân ta đuổi theo đến đồn Thuộc Nhiêu cướp đồn và đốt cháy. Bọn Pháp đóng ở đây xông ra và sáp trận. Thình lình một đám mưa to ập đến tối, tất cả đều phải lui quân mỗi bên một hướng (Chú thích: Đây là trận mà De Grammont cho rằng là trận đánh quan trọng nhứt vào cuối năm 1862.).

Dương dẫn quân về giồng Cát và ở lại đến ngày 6- 11 ngày mà ông kéo quân về Bình Cách.

Ngày 16 trong tháng quân Pháp lại đến tấn công nữa. Ông Dương xông ra sáp trận từ 3 giờ đến 7 giờ sáng. Quân Pháp bị đẩy lùi và rút khỏi đó vài cây số. Dương truy kích bọn địch từ trưa đến chiều tối. Tối đến ông đưa quân về đồn.

Cuộc pháo kích nổ ra suốt ngày. Dương kiểm tra xem còn bao nhiêu súng đạn, chỉ còn rất ít, ông không thể chống trả một cuộc tấn công mới. Vì thế ông kéo binh lính về đồn Tân Thạnh trong tỉnh Gia định (Chú thích: Khi nghĩa quân Võ Duy Dương về đóng ở đây. Schreiner nhận định rằng: "Cuộc nổi loạn xảy đến vùng phụ cận Sài Gòn"). Nơi đây ông viết thư cho Quản Định xin thêm đạn dược.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:13:50 am »

Ngày 22 ông Dương lại đưa quân về giồng Cát thuộc phủ Kiến An.

Ngày 24 quân Pháp lại tấn công, cuộc chiến kéo dài từ 3 giờ đến 5 giờ chiều. Bọn Pháp nhận được viện binh, ông Dương phải tháo chạy và rút lui cách đó 4 cây số.

Sáng 25 quân Pháp trở lại công kích nữa. Dương chống trả từ 3 giờ đến 10 giờ sáng. Sau đó chúng rút lui. Chúng trở về Giồng Phèn trong làng Nhị Bạch (Chú thích: Nay thuộc xã Nhị Bình huyện Cai Lậy) ở đây chúng dựng một đồn lũy.

Ngày 27 quân Pháp trở lại công kích nữa. Dương chống trả từ 3 giờ đến 7 giờ sáng. Quân Pháp bị đẩy lùi và rút về giồng Cát. Đến 3 giờ chiều họ trở lại tấn công lần nữa. Ông Dương lại nghinh chiến nhưng thấy rằng mình không đủ lực lượng, đành tuyên bố không giữ được cứ điểm đó nữa rồi rút về Bưng Môn thuộc tổng Tân Phú (Chú thích: Nay thuộc xã Tân Phú huyện Cai Lậy.); một vùng đầm lầy rậm rạp và cho đắp một lũy.

Ngày 2-2, một pháo hạm với nhiều ghe chài và tàu buôn khác đi vào kinh rạch tiến tới bao vây đầm lầy, ông Dương chỉ còn phải nhổ đồn, rút lui trong đêm và tới sáng ông đưa người của mình về Kiến Đăng, trong tổng Đại Mỹ trên kinh Cây Gâu (Chú thích: Tức kinh Cây Gáo làng Giai Mỹ, nay thuộc hai xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Vị trí này xem khá quan trọng ông liền đóng quân.

Năm Tự Đức 16 ngày 12 tháng 2 hai tàu buôn Pháp xuất hiện ở kinh Cây Gâu. Đến trước mặt đồn, bọn Pháp tìm cách đoạt lấy. Những người bị vây chống trả quyết liệt và quân Pháp buộc phải rút lui.

Ngày 20 trong tháng quân Pháp lại xuất hiện, họ bị đẩy lùi lần thứ hai.

Ngày 23 trong tháng quân Pháp lại tấn công lần thứ ba, ông Dương thấy mình không thể chống cự lâu hơn, ra lệnh cho các trung đoàn và các lính đồn trú bỏ vị trí này và rút vào bưng biền.

Ngày 12-3 các đường giao thông bị ngăn chặn và các đường bộ bị Pháp cắt đứt và lương thực cũng bị thiếu hụt. Dương ra lệnh cho người của ông rút về các làng riêng biệt của họ, ông chỉ giữ lại khoảng 100 người vừa quan vừa lính. Với lực lượng này, ông tiến hành một cuộc sống lưu động khi ẩn nơi này khi đánh nơi khác.

Tháng 5 ông Võ Duy Dương nhận thấy những khu rừng không thể cung cấp lương thực cho ông và người của ông, ông được tin có người bán súng đạn ở Cà Mau, Rạch Giá thuộc tỉnh Hà Tiên.

Dương phái Phó đề đốc (Chú thích: Tức Nguyễn Hữu Huân.) bí mật đưa 20 người qua Vĩnh Long, An Giang và An Hòa. Ông ra lệnh cho các đồng chí mình có nhiệm vụ nhận những tiền đúc bằng bạc quyên góp trong tỉnh Định Tường. Trong khi những người trước đã làm như thế tại Vĩnh Long, An Giang và An Hòa. Dương chờ tin từ Cà Mau và Rạch Giá và kết quả của cuộc lạc quyên.

Năm Tự Đức thứ 17 (Chú thích: Tức năm 1864) tháng 4 ông Phó Đề đốc bị bắt làm tù binh ở An Giang (Chú thích: Đúng ra là Nguyễn Hữu Huân bị các quan ở An Giang triệt để thi hành hòa ước 1862, bắt giam; sau đó trước áp lực quân sự của Pháp mới giao ông cho kẻ thù. Nhưng trong dân gian có nguồn tư liệu cho rằng chính bạn học của ông là Nguyễn Thanh Trung đang là đốc học An Giang vô tình tiết lộ với Pháp rằng ông đang hoạt động ở Châu Đốc, nên chúng mang quân đến buộc các tỉnh thần An Giang phải bắt ông nộp cho chúng.) bao nhiêu súng đạn, tiền bạc quyên góp lọt vào tay kẻ thù. Võ Duy Dương trình bày cho Quản Định để ông này khẩn cấp báo cáo tình hình trên cho nhà vua.

Tháng 5 vị Kinh phái (sứ giả thường lệ của kinh đô thuộc hàng chủ sự) tên Nguyễn Tánh và một thị vệ đến hội kiến với ông Dương báo rằng theo thánh chỉ của Hoàng đế việc giải giáp các toán quân xảy đến lúc nào ông thấy có thể hợp nhất với Quản Định.

Võ Duy Dương nhấn mạnh việc ông Phó Đề Đốc sẽ bị chặt đầu làm kinh hoàng những người theo ông và bản thân ông là đối tượng của bao nhiêu cuộc lục soát trong tỉnh Vãn Long và An Hà.

Trong những điều kiện như thế ông bày tỏ với sứ giả của nhà vua là ông sẽ rút lui về Tháp Mười ẩn náo chờ đợi thời cơ để quật trả một trận mới và nhắn rằng ông luôn luôn sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân.

Các sứ giả đều rút lui.

Tháng 6, ông Dương lại lên đường với hơn 30 người.

Tháng 7 ông đến Đại điền ấp, huyện Kiến Đăng, trong vùng gọi là xứ Xoài Tư (Chú thích: Đại điền ấp tức Rạch Ruộng ngày trước còn có tên Xoài Tư, khu vực đồn điền cũ; nay còn lại chùa Trường Tháp. Vùng này nay thuộc địa phận 4 xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (thuộc huyện Cai Lậy) và Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Bắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang)). Bọn Pháp hay tin ông có mặt tại đó liền đến bao vây. Ông Dương chạy thoát được và đi thẳng về Tháp Mười rồi dừng lại đó. Từ đó ông ra một thông báo cho các làng xã kêu gọi nhóm Tháp Mười của ông trở lại mà ở đó ông đang bận xây cất những lán trại và đồn lũy. 

Ngày 10 tháng 9 quân Pháp xuất hiện trước đồn lũy của ông với những toán chinh quân và mã tà. 

Ông Dương xông ra và tiếp đánh rất ác liệt làm cho chúng phải hoảng sợ rút lui.

Để có thể đối phó và đẩy lùi một cách dễ dàng các cuộc tấn công sau này, ông Dương sai xây thành Bảo An (Chú thích: có lẽ là Đồn Tả, nằm trên gò Bắc Dung, còn gọi là giồng Dung hay gò Bắc Bung, nay thuộc xã huyện Mộc Hóa (Long An)), chu vi 104 trượng (khoảng 50 mét) bề dày thành 1 trượng (khoảng 2 mét) cao 8 thước (khoảng 3 mét) (Chú thích: Một trượng bằng 4 metres (mét) như vậy chu vi đồn Bảo An phải là 416m mới đúng). . Ngày 9 tháng 10, quân Pháp lại tiến công đồn này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:15:22 am »

Niên biểu Võ Duy Dương

Năm 1827 (Đinh Hợi, Minh Mạng thứ Cool

- Võ Duy Dương ra đời tại thôn Cù Lâm Nam huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, trấn Bình Định (nay là xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Năm 1831 (Quí Tỵ, Minh Mạng thứ 12)

- Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, đặt chức Bình Phú Tổng đốc thống hạt của tỉnh Phú Yên. Phủ An Nhơn có hai huyện: Tuy Viễn và Tuy Phước; Phù Ly chia ra thành hai huyện: Phù Cát và Phù Mỹ. Tên Phù Ly chỉ còn dùng để chỉ một cái chợ nằm ở phía Nam ngạn sông La tinh.

Năm 1832 (Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13)

- Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành qua đời. Nhân dịp này, Minh Mạng tiến hành cải tổ hành chánh, chia đất Gia Định ra làm 6 tỉnh.

Năm 1840-1852 .

- Cha mất, nhà nghèo, Võ Đuy Dương đi chăn trâu để nuôi thân.

- Được một ông quan nhận làm con nuôi, đem về cho ăn học.

- Võ nghệ thành đạt, nổi tiếng; trong một kỳ thi võ, Võ Duy Dương cử được một lúc 5 trái linh, nên được gọi là Ngũ Linh Dương.

Năm 1853 (Quý Sửu, Tự Đức thứ 6)

- Theo đề nghị của các quan, trong đó có Nguyễn Tri Phương. Tự Đức ban hành chánh sách đồn điền.

Năm 1854 (Giáp Dần, Tự Đức thứ 7)

- Tạ Văn Phụng nổi dậy ở Quảng Yên, xưng là con cháu nhà Lê với tên là Lê Duy Phụng, nhưng giám mục Retord khuyên hắn nên chờ dịp khác thuận lợi hơn sẽ hành động và rước hắn về Pénang.

Năm 1855 (Ất Mão, Tự Đức thứ Cool

- Võ Duy Dương lấy vợ là Phạm Thị Liệu, người thôn Tráng Long huyện Tuy Viễn, Bình Định (nay là xã Nhơn Tân huyện An Nhơn, Bình Định), bà Liệu sanh người con đầu là Võ Duy Cung.

Năm 1857 (Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10)

- Hưởng ứng chánh sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, Võ Duy Dương lên đường vào Nam tìm đến đất Ba Giồng (Định Tường) chiêu dân lập ấp và kết bạn với Nguyễn Hữu Huân.

- Bà Liệu sanh người con thứ hai là Võ Duy Phụng.

Năm 1858 (Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11)

Thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, tháng 9 chúng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà.

- Triều đình lệnh cho quân đội và nhân dân đắp đồn lũy, lấp cửa sông ở một số nơi để ngăn giặc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:16:00 am »

Năm 1859 (Kỷ Mùi Tự Đức thứ 12)

+ Tháng Hai

- Rigault de Genouilly để một lực lượng nhỏ giữ Đà Nẵng, kéo đại bộ phận quân lính và chiến thuyền đánh chiếm thành Gia Định. Phối hợp với quân triều đình có quân đồn điền của Trương Định dân binh của Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân và nhiều toán dân dũng khác.

- Quân Pháp chiếm được thành, Võ Duy Dương và Thủ Khoa Huân cùng binh sĩ dưới quyền tiếp tục chiến đấu bên cạnh quân triều đình.

+ Tháng 3

- Quân Pháp tấn công đồn Cây Mai, quân triều đình thua, phải rút lui

- Nhân dân các tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long tự động quyên góp tiền bạc, đồng sắt, lương thực để nuôi quân, rèn vũ khí...

- Dù chiếm được thành, nhưng không đủ sức bảo vệ trước sự tấn công của nghĩa quân, nên Pháp thiêu hủy thành Gia Định rồi mang đại quân trở ra Đà Nang.

+ Tháng 5, do đứng ra mộ nghĩa dõng chống Pháp, nên Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân được phong chức Chánh quản đạo và Phó quản đạo.

+ Tháng 6. thất bại trong kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" Rigault de Genouilly chủ động xin hòa nghị với triều đình Huế. Nguyễn Tri Phương được giao nhiệm vụ thương thuyết; cuộc đàm phán không mang lại kết quả. Triều đình tăng cường lực lượng phòng thủ ở Cửa Tiểu Định Tường.

+ Tháng 11, Thiếu tướng hải quân Page sang thay Rigault de Genouilly. Một mặt Page chủ trương tiếp tục thương thuyết, mặt khác đem quân quay trở lại Gia Định.

- Võ Duy Dương cùng một số thuộc hạ thân tín vượt biển ra kinh để dâng kế diệt giặc. Được phái đi dẹp cướp biển và giặc mọi Đá vách ở Quảng Ngãi. Thắng trận được phong chức Thiên Hộ (Chánh bát phẩm).

Năm 1860 (Canh Thân, Tự Đức thứ 13)

+ Tháng 1. Quân đội triều đình, dưới quyền chỉ huy của Tôn Thất Cấp bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ ở Sài Gòn, mà trung tâm là đại đồn Chí Hòa.

+ Tháng 2. Thiếu tướng Hải quân Page mang đại quân sang chiến trường Trung Quốc; chỉ để lại 800 quân cố thủ ở Gia Định, nhưng triều đình vẫn án binh bất động.

+ Tháng 5. Phó thủy sư đô đốc Charner sang thay Page.

+ Tháng 8. Nguyễn Tri Phương được cử làm Tổng thống Quân vụ vào Nam chỉ huy Quân thứ Gia Định tích cực xây dựng phòng tuyến Chí Hòa bao vây quân Pháp. Quân triều đình và nghĩa dõng được huy động vào trấn giữ Chí Hòa có lúc lên đến 20.000 người.

+ Tháng 10. Ngày 25 Pháp và Trung Quốc ký hiệp ước đình chiến. Pháp tấn công đồn Phú Nhuận, bị quân triều đình đẩy lui.

+ Tháng 12. Nghĩa quân dưới quyền của Trương Định phục kích giết chết đại úy thủy quân lục chiến Pháp tên Barbier. Khi y chỉ huy quân đồn trú tại chùa Khải Tường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:16:51 am »

Năm 1861 (Tân Dậu, Tự Đức thứ 14)

+ Tháng 1. Triều đình lại tăng cường phòng thủ cửa Tiểu, cửa Đại (Định Tường)

+ Tháng 2. Phó Đô đốc Hải quân Charner chỉ huy hạm đội Viễn Đông đưa 3.000 quân từ Trung Quốc quay lại Sài Gòn.

- Ngày (đêm 23) quân Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa, sau hai ngày kháng cự mãnh liệt, Nguyễn Tri Phương bị thương, quân triều đình thua rút về cố thủ ở Biên Hòa. Chúng đánh lan ra Tân An, Gò Công. 

- Trong khi đó Trương Định mang quân dưới quyền về Tân Hòa (Gò Công) để xây dựng căn cứ kháng chiến.

+ Tháng 4. Ngày 12/4 Pháp chiếm thành Mỹ Tho, Nguyễn Công Nhàn bỏ chạy.

+ Tháng 5. Triều đình cử Đỗ Thúc Tịnh làm khâm phái quân vụ vào Nam kỳ mộ nghĩa dũng các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên chống Pháp. Nguyễn Văn Nhã, Võ Duy Dương, Phan Trung... cũng theo Đỗ Thúc Tịnh vào Nam.

- Giữa năm, theo gợi ý của giám mục Retord, Tạ Văn Phụng trở lại Bắc kỳ khởi loạn lần thứ hai cùng với danh nghĩa con cháu nhà Lê.

+ Tháng 6. Đỗ Trình Thoại (Tri huyện Thoại) mang nghĩa quân tập kích Pháp ở Tân Hòa, hy sinh tại trận địa.

+ Tháng 8. Do mộ được 1.000 nghĩa dũng nên Khâm Phái Đỗ Thúc Tịnh trao bằng Quản cơ cho Thiên Hộ Dương. Ông chỉ huy Võ Sanh và Võ Sĩ cùng Nguyễn Hữu Huân xây dựng căn cứ Bình Cách (Định Tường).

+ Tháng 9. Trương Định mộ được 6.000 nghĩa dũng đóng ở Gò Công, nhiều lần thắng giặc được thăng quản cơ rồi Phó lãnh binh tỉnh Gia Định.

+ Tháng 10. Phan Văn Đạt, Trịnh Quang Nghi, Nguyễn Thông, Phan Tung dấy quân ở Tân An. Quân Pháp phục kích, Phan Văn Đạt bị bắt, anh dũng hy sinh.

- Phạm Tiến mộ 1000 nghĩa dõng nổi dậy chống Pháp ở Gò Đen, Trà Quý Bình mộ được 800 nghĩa dõng chống Pháp ở Tân Thạnh (Tân An).

+ Tháng 11. Lực lượng nghĩa quân Võ Duy Dương dưới dưới quyền điều động của Án sát Nguyễn Nhã và Thượng Biện (Quân vụ) của tỉnh Định Tường.

- Quân đội và nghĩa quân Định Tường dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Nhã đánh thắng Pháp nhiều trận ở Cái Bè, Cai Lậy.

- Võ Duy Dương được điều đến Mỹ Quí, xây đồn lũy theo lối đánh chánh quy (đồng bào quen gọi là Tân Thành Mỹ Quí)

+ Tháng 12. Ngày 10, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và nhân dân thôn Nhựt Tảo tấn công và đốt cháy tàu Espérance của giặc tại vàm Nhựt Tảo trên sông vàm Cỏ Đông (Bến Lức)

- Ngày 16, Bùi Quang Diệu (Quản Là) đem nghĩa quân tập kích Pháp ở Cần Giuộc.
- Ngày 18 thành Biên Hòa thất thủ, quân triều đình rút về Phước Tuy.

- Cuối năm, Charles Duval bí mật ra Bắc kỳ hỗ trợ Tạ Văn Phụng đẩy mạnh cuộc nội chiến, gây áp lực với triều đình để âm mưu một giải pháp chánh trị vì tình hình quân sự của Pháp ngày càng bi đát.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:17:54 am »

Năm 1862 (Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15)

Tháng 1. Trần Xuân Hòa (Phủ Cậu) đã phục kích chặn đánh Pháp nhiều lần ở khu vực Thuộc Nhiêu, Mỹ Quí. Ngày 6, đánh Pháp ở Mỹ Trang, Bang Lãnh (Định Tường) bị giặc bắt, cắn lưỡi tự tử.

- Ngày 7, Pháp đánh chiếm Bà Rịa. Võ Duy Dương điều Nguyễn Hữu Huân đến chỉ huy căn cứ Thuộc Nhiêu thay Phủ Cậu.

Tháng 3. Thực dân Pháp thiết lập nhà tù Côn Đảo.

- Ngày 27, thành Vĩnh Long thất thủ    

- Ngược lại, chúng bị nghĩa quân tấn công khắp nơi, khiến phải rút bỏ các đồn Gò Công, Chợ Gạo, Tân An, Gia Thạnh, Cần Giuộc, Cái Bè...

- Chúng tấn công đồn Mỹ Quí (Tân Thành Mỹ Quí) do Đỗ Thúc Tịnh lãnh tuần phủ Định Tường cùng Võ Duy Dương trấn thủ.

- Tự Đức xuống dụ sai phó lãnh binh Trương Định làm "đầu mục mộ nghĩa ở Gia Định", phối hợp cùng quan lại địa phương ‘điều khiển những người ứng nghĩa".

Tháng 4.

- Ngày 6, nghĩa quân Trương Định tấn công khu vực Chợ Lớn vào ban đêm, đốt cháy 50 căn nhà, phá hủy đồn bót và cơ sở hậu cần của giặc.

- Sau 57 ngày đêm cố thủ vào cuối tháng 4 Tân Thành Mỹ Quí thất thủ, Đỗ Thúc Tịnh hy sinh, Võ Duy Dương chỉ huy nghĩa quân mở đường máu thoát thân rút về Bình Cách.

- Giặc tấn công Thuộc Nhiêu, bắt được Nguyễn Hữu Huân và giải về Sài Gòn.

Tháng 5. Theo lệnh của khâm phái Nguyễn Túc Trưng, Võ Duy Dương tập hợp các đội ứng nghĩa rút về vùng Bình Cách - Chợ Gạo (huyện Kiến Hòa) chờ lệnh mới.

Tháng 6. Ngày 5, sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thay mặt Tự Đức ký hòa ước Sài Gòn (1862) với Bonard (đại diện Pháp) và Guittierez (đại diện Tây Ban Nha) nhường ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và Côn Đảo cho Pháp để chúng trả lại Vĩnh Long.

- Ngày 25, Pháp bắt đầu chế độ võ quan cai trị trực tiếp Nam kỳ.

- Để thi hành hòa ước, triều đình ra lệnh quan quân kể cả nghĩa dõng rút lui khỏi ba tỉnh trao đất lại cho Pháp. Phong Trương Định làm lãnh binh ở An Giang. Nhân dân phẫn uất bất chấp lịnh triều đình đứng lên chống Pháp, Trương Định không đi An Giang nhận chức, ở lại tiếp tục chiến đấu.

- Nhiều quan binh và phú hộ trong tỉnh Định Tường van nài Võ Duy Dương đừng xa họ, hãy ở lại tiếp tục chống Pháp, họ sẽ hết lòng ủng hộ.

Tháng 7. Võ Duy Dương phát lời kêu gọi nhân dân tỉnh Định Tường tiếp tục nổi dậy chống Pháp.

Tháng 8. Hưởng ứng lời kêu gọi hợp nhứt lực lượng kháng chiến của Trương Định, Võ Duy Dương cử Nguyễn Hữu Huân đi Tân Hòa (Gò Công) để hội kiến với Trương Định. Tại đây Nguyễn Hữu Huân gặp thị vệ Nguyễn Thi mang thánh chỉ phong Trương Định làm Bình Tây Tướng quân lĩnh chỉ huy các toán quân dân dũng trong ba tỉnh.

- Đồng thời Võ Duy Dương và Thủ Khoa Huân cũng được phong Chánh đề đốc và phó đề đốc, tiếp tục cố thủ căn cứ Bình Cách. 

Tháng 12. Trong tháng, hai lần bọn Pháp tập kích vào căn cứ nhưng đều bị Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân chỉ huy nghĩa quân đánh bật ra. Lần thứ hai vào ngày 18, nghĩa quân đánh bật chúng ra và truy kích đến đồn Thuộc Nhiêu. Cuộc chiến diễn ra ác liệt tại đây, hai bên đều thiệt hại nặng. Võ Duy Dương kéo quân trở về Bình Cách vào ngày 27/12.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:19:19 am »

Năm 1863 (Quý Hợi, Tự Đức thứ 16)

Tháng 1.

- Ngày 5, bọn Pháp lại tấn công Bình Cách, cuộc chiến đấu diễn ra suốt ngày. Pháp phải rút lui.

- Ngày 11, Võ Duy Dương kéo quân về đóng ở Giồng Cát (Kiến An). Quân Pháp nhiều lần tấn công cứ điểm này nhưng đều bị đẩy lui. Nhưng Võ Duy Dương thấy lực lượng không thể đương đầu lâu dài với giặc nên lui về Bưng Môn thuộc tổng Tân Phú (nay là xã Tân Phú huyện Cai Lậy) vào cuối tháng rút về tổng Giai Mỹ trên kinh Cây Gáo (nay thuộc hai xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Cai Lậy) và xây dựng đồn lũy ở đây.

Tháng 3.

- Ngày 30 Pháp lại tấn công, tìm mọi cách để nhổ cứ điểm này, nhưng nghĩa quân chống trả quyết liệt buộc chúng phải rút lui. Trương Định bắt đầu xây dựng căn cứ mới tại Lý Nhơn.

Tháng tư.

- Từ ngày 9 đến 20 bọn Pháp hai lần nữa tấn công vào kinh Cây Gáo, mặt khác chúng phong tỏa mọi đường tiếp tế của nghĩa quân. Võ Duy Dương đối phó bằng cách cho nghĩa quân phân tán mỏng trở về làng mình. Ông chỉ giữ lại 100 nghĩa quân nay đóng nơi này mai nơi khác. Đó là biện pháp trước mắt.

Tháng năm. De la Grandière sang thay Bonard, với nhiều biện pháp xảo quyệt hòng cô lập phong trào kháng chiến.

Tháng sáu. Võ Duy Dương quyên vàng bạc đúc thành tiền cử Nguyễn Hữu Huân bí mật mang 20 người sang Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên tiếp tục vận động quyên góp rồi đi Rạch Giá, Cà Mau mua vũ khí.

- Phan Thanh Giản cầm đầu sứ bộ, theo lệnh triều đình sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền Đông.

Tháng 9. Được mật báo, bọn Pháp đột kích căn cứ Lý Nhơn. Trương Định phá vòng vây chạy thoát.

Tháng 10-12.

- Trương Định cùng nghĩa quân hoạt động ở khu vực Đám Lá Tối Trời (Gò Công) để khôi phục lực lượng xây dựng căn cứ.

- Võ Duy Dương tiếp tục hoạt động trong vùng Cái Bè, Cai Lậy... chờ đợi kết quả cuộc vận động quyên góp tiền bạc vũ khí của Nguyễn Hữu Huân để xây dựng lại lực lượng tiếp tục chiến đấu.

Năm 1864 (Giáp Tý, Tự Đức thứ 17)

Tháng 1-4.

- Nguyễn Hữu Huân đẩy mạnh công cuộc vận động nhân dân ủng hộ nghĩa quân ở An Giang. Ông mua nhiều vũ khí, chiêu mộ được nhiều nghĩa dõng trong đó có nhiều người Khmer. Nhưng quan quân triều đình gây cho ông nhiều khó khăn.

- 17-4 Hồ Huân Nghiệp bị bắt, hiên ngang chịu chết.

- Quân Pháp đòi quan tỉnh An Giang bắt Nguyễn Hữu Huân và Võ Duy Dương thông báo cho Trương Định biết việc Nguyễn Hữu Huân bị bắt.

Tháng 6. Kinh phái Nguyễn Tánh cùng một thị vệ đến gặp Võ Duy Dương yêu cầu ông giải giới và hợp nhứt với lực lượng của Trương Định.

Ông báo cho sứ giả của Tự Đức biết, Pháp có thể chém đầu Nguyễn Hữu Huân và hiện nay chúng truy lùng ông quyết liệt nhưng ông không hề nao núng ông sẽ rút vào Tháp Mười xây dựng lực lượng tiếp tục chống Pháp theo nguyện vọng của nhân dân.

Tháng 7.

- Sau khi Kinh phái Nguyễn Tánh rút lui, ông lên đường với hơn 30 tuỳ tùng.

- Tổng đốc An Giang Phan Khắc Thân nộp Nguyễn Hữu Huân cho Pháp. Chúng giải ông về Sài Gòn. Được tin, vợ ông là bà Lê Thị Lộc xuống An Giang làm đơn xin tha cho chồng, nhưng không kịp. 

- Ngày 25/7 thực dân Pháp ban hành sắc lệnh tổ chức tư pháp đầu tiên ở Nam kỳ, tách việc xét xử ra khỏi giới cầm quyền quân sự.

Tháng 8

- Võ Duy Dương đến xứ Xoài Tư (nay là khu vực xã Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (Cai Lậy, Tiền Giang) bọn Pháp hay tin liền bao vây, ông rút thẳng vào Tháp Mười.

- Võ Duy Dương phát lời kêu gọi nhân dân trong vùng ủng hộ, tham gia kháng chiến và tiến hành xây dựng khu căn cứ Gò Tháp.

- Ngày 19/8. Trương Định bị tên phản bội Huỳnh Công Tấn theo dõi bao vây tại Kiểng Phước (Gò Công) chỉ với 25 nghĩa quân, Trương Định chiến đấu anh dũng, nhưng không phá được vòng vây, ông bị thương và tự sát.

- Ngày 22/8, Nguyễn Hữu Huân bị kết án khổ sai chung thân, đày sang Caymêne (Nam Mỹ).

Tháng 10. Lần đầu tiên quân Pháp tấn công vào Đồng Tháp Mười với lính Pháp và lính mã tà. Nghĩa quân chống trả ác liệt, chúng phải rút lui. Để có thể đương cự lâu dài với giặc, Võ Duy Dương cho xây dựng ngoài căn cứ trung tâm tại Gò Tháp còn có các đồn Tiền, đồn Hữu, đồn Tả, đồn này là đồn chính còn gọi là đồn thành Bảo An để chống giữ mặt Bắc từ phía sông Vàm Cỏ Tây xuyên qua gò Bắc Chiêng. Ngoài ra còn có các đồn nhỏ khác: đồn Sa Tiền, đồn Ấp Lý...

Tháng 11.

Quân Pháp lại tiến công lần nữa, nhưng cũng bị đẩy lùi.

- Thống đốc Nam kỳ là De la Grandière ra Nghị định thành lập Nha Nội chính (Direction de L'intériteur).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:20:27 am »

Năm 1865 (Ất Sửu, Tự Đức thứ 18)

Tháng 1. Thống đốc Nam kỳ ra quyết định đánh thuế các loại ghe thuyền vận chuyển trên sông rạch Nam kỳ.

Tháng 2.

- Tự Đức hạ lệnh cấm ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, không ai được mộ nghĩa quân chống Pháp nữa. Quan lại các
tỉnh, phủ, huyện có trách nhiệm bắt giữ những người trái lệnh và những người chứa chấp nghĩa quân.

- Chiến khu Đồng Tháp Mười được củng cố, nghĩa quân các nơi hội tụ về.

- Nghĩa quân Đồng Tháp Mười còn tiếp nhận và liên kết nhiều thủ lãnh nghĩa quân khác như: Trương Quyền (con Trương Định) Trần Văn Phú (Trần Võ), Nguyễn Trị, Bùi Quang Diệu (Quản Là)...

- Nghĩa quân Đồng Tháp Mười còn liên kết với nghĩa quân Campuchia hoạt động mạnh ở vùng biên giới từ Tây Ninh đến An Giang. Võ Duy Dương đương nhiên trở thành lãnh tụ nghĩa quân cao nhứt ở Nam kỳ.

- Căn cứ Giao Loan của nghĩa quân Phan Trung (Phan Chánh) bị tấn công. Phan Trung cùng Trà Quý Bình, Lê Quang Bính ra Bình Thuận và đến tháng 7 theo chiếu chỉ gọi về Huế.

Tháng 3. Phó Thủy sư Roze sang thay De la Grandière làm Thống đốc Nam kỳ .

Tháng 4. Hội nghị đình thần mật bàn về chuyển đổi thành Hà Tiên về xứ Súc Chăn (hạt Ba Xuyên, An Giang), bí mật đào hào, đắp lũy. xây dựng kho tàng, xưởng chế binh khí...

Tháng 7.

Triều đình cử tổng đốc Vĩnh Long, Trương Văn Uyển thu thập của cải ở Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên quy thành bạc chuyển về Gia Định nộp cho Pháp để bồi thường chiến phí.

Ngày 22, nghĩa quân Đồng Tháp Mười tấn công thôn Mỹ Trà (huyện Kiến Phong, Định Tường) nơi quân Pháp dùng làm bàn đạp uy hiếp chiến khu Đồng Tháp Mười, khiến Roze phải mang quân từ Sài Gòn xuống cứu viện.

Tháng 11.

- Triều đình cử Phan Thanh Giản làm kinh lược 3 tỉnh miền Tây.

- De la Grandière sang thay Roze.

Năm 1866 (Bính Dần, Tự Đức thứ 19)

Tháng 1. Phan Thanh Giản đến Vĩnh Long nhận chức kinh lược, Pháp hy vọng Phan Thanh Giản sẽ dàn xếp được các hoạt động của nghĩa quân.

Tháng 3.

Nghĩa quân tuyên truyền trong nhân dân rằng Nhựt Bổn sẽ ủng hộ Việt Nam đánh lại Pháp.

Nghĩa quân tấn công Cái Khía (Cái Bè, Định Tường)

Do thực dân phản đối rằng nghĩa quân đã gây cho chúng nhiều thiệt hại, nên để làm vừa lòng chúng, ngày 27, Tự Đức ra dụ công khai kêu gọi nghĩa quân ngưng hoạt động và trừng trị ai chứa chấp.

Tháng 4. Thực dân Pháp tập trung quân làm 3 hướng tấn công căn cứ Tháp Mười. Hơn một tuần lễ chiến đấu, nghĩa quân đã gây cho chúng nhiều thiệt hại và rút lui an toàn về hai hướng Tây và Đông để bảo toàn lực lượng. Dù chiếm được căn cứ Tháp Mười nhưng chúng cũng rút lui ngay không dám trấn giữ.

Tháng 5. Cánh nghĩa quân rút về phía Đông bị Pháp chặn đánh tại Cái Thia. Chúng bắt được vài nghĩa quân, hai lính Tagals và Linguet, một lính Pháp đào ngũ theo nghĩa quân.

Tháng 6. (ngày 7)

Nghĩa quân Võ Duy Dương phối hợp với nghĩa quân Trương Quyền và nghĩa quân Campuchia do Acha Xoa lãnh đạo tấn công đồn Tây Ninh gây cho giặc nhiều thiệt hại, trong đó có hai sĩ quan Pháp. Quân Pháp cố thủ, chờ viện binh.

- Ngày 14, Liên quân khởi nghĩa Việt-Campuchia đẩy lui nhiều đợt tấn công của viện binh Pháp đến giải vây cho đồn Tây Ninh. Địch quân thiệt hại nặng trong đó có tên trung tá thủy quân lục chiến Marchaise bị giết tại trận.

- Ngày 24, nghĩa quân lại tấn công đồn Thuận Kiều, Hóc Môn, Trảng Bàng.

Ngày 27, thực dân Pháp nghi ngờ có khả năng nghĩa quân tập trung ở Cầu An Hạ lập căn cứ, nên đã tập trung gần 400 quân đi càn quét. Nhưng không đạt kết quả vì nghĩa quân đã rút đi hai hướng: một lên phía Bắc một xuống phía Nam.

Tháng 7. Thực dân Pháp lại phản đối với triều đình về hoạt động của nghĩa quân để gây áp lực, cho rằng nghĩa quân hoạt động mạnh là do sự trợ giúp của triều đình. Để làm vừa lòng chúng, Tự Đức ra dụ công khai tầm nã Võ Duy Dương và Trương Quyền.

Tháng 9. Võ Duy Dương cho người mang mật báo lên vua Tự Đức

Tháng 10. Trên đường ra Bình Thuận, đến địa phận biển Cần Giờ, mũi Thị Khiết (Thần Mẫu) bị cướp chặn đánh bất ngờ. Võ Duy Dương và những người tín cẩn cùng đi đều bị sát hại.


HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM