Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:32:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười  (Đọc 51741 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:22:50 pm »

Mặc dù số lượng chất lượng vũ khí cấp cho dân đồn điền không đáng kể lắm nhưng có qui chế bảo quản kỹ lưỡng, mỗi đội có một khẩu đại bác nhỏ. Khoảng 10 người được cấp súng; Còn những người khác chỉ có giáo mác..." và chỉ có "viên quản cơ phân phát vũ khí". Nhưng họ được phép thay đổi vũ khí và được mang những súng nếu họ tự cấp được " (Chú thích: Pallu de la Barrière. Tài liệu đã dẫn.).

Quân đồn điền được cấp quân phục. Đó là loại áo trung khai (áo xẻ giữa bụng) màu đỏ, viền vàng. Quần cũng màu đỏ viền vàng. Họ đi chân trần, nhưng ống quần quấn xà cạp đến gối. Nón gô kết bằng tre sơn đỏ, trên có chóp thau, giống như chiếc nón lá nhưng nhỏ hơn. Y phục của các viên chỉ huy có khác đôi chút. Pallu de la Barrière mô tả chân dung một người dân đồn điền như sau “Họ đội loại nón nhỏ của quân lính An Nam, mặc áo xẻ vạt trước, quần tím hoặc hung đỏ. Những viên chỉ huy đeo một dây băng đen hay tím. Họ đeo cả các huy hiệu trên ngực áo ..." (tài liệu đã dẫn).

Sự thật đó là loại lễ phục của dân đồn điền. Hằng ngày họ phải lao động và canh gác chắc chắn với hoàn cảnh kinh tế thời đó, họ cũng lam lũ thường dân. Ngay như Pallu de Barriègre đã miêu tả cũng có điểm chứng tỏ quân đồn điền không được cấp đồng phục. Việc diễn tập quân sự hàng năm là việc làm tốn kém. Thế nên có năm thực hiện, có năm không còn. Việc canh gác và việc luyện tập quân sự hàng ngày là ích lợi thực tế, chắc chắn không bỏ sót được. Nhưng qui định này có ảnh hưởng đến lao động không? Không mấy ai đến Nam bộ khai hoang lập ấp mà không biết chút ít võ nghệ phòng thân.

Cuối cùng vào năm 1854 theo lời đề nghị của Tổng đốc An Hà là Cao Hữu Bằng. Tự Đức phán: “việc cấp phát quân phục và lệ diễu hành hàng năm là việc không cần lắm. Tạm hoãn 3 năm " (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chíh biên. tập 11. đệ tứ kỷ.) Có lẽ sau đó tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Thế nên Nguyễn Đình Chiểu đã mô tả.

Vốn chẳng quân cơ, quân vệ; mà theo dòng ở lính diễn binh
Thiệt ròng dân ấp, dân lân; ra ứng nghĩa làm quân chiêu mộ
Mười tám ban võ nghệ chưa kịp tập rèn
Mấy mươi trận binh thơ, không chờ bày bố
Ngoài cật che một manh áo vải; chi đợi bao tấu, bầu ngòi
Trong tay cầm một ngọn tầm vông; chẳng luận dao tu, nón gõ

(Văn tế dân mộ nghĩa.)

Dân đồn điền là những người tiên phong tiến công vào Đồng Tháp Mười. Họ là người chẳng những cần có tính cần cù của nông dân mà còn phải bao gồm cái tài của một chiến sĩ. Họ là "tiền hiền", nói theo đồng bào Nam bộ, nên hình ảnh họ còn mãi trong lòng người dân địa phương.

Ở vùng Tháp Mười, ruộng sâu thường áp dụng kỹ thuật lúa cấy. Đầu tiên, nông dân dùng mạ non gieo tạm (dâm) trên ruộng cạn. Được một thời gian ngắn thì nhổ hay dùng dao bứng lên tét ra nhiều bụi và cấy xuống ruộng sâu. Bí quyết thành công là nông dân phải chọn đúng thời điểm. Nếu nhổ lúa sớm, lúa non, không thể tét ra được. Nếu nhổ trễ, lúa già. Cấy lần hai vô ích vì mạ già không phát triển được.

Ngày nay, thỉnh thoảng khi đào mương đào kinh đồng bào gặp những cây nọc khổng lồ. Kỹ thuật cấy lúa cấy và loại nọc cấy khổng lồ này không còn nên nhiều người thắc mắc. Người bảo đây là cây nọc cấy của những người “khổng lồ" xa xưa. Người bảo đây là nọc cấy của tổ tiên họ nhưng lại cho rằng lúc tổ tiên họ đến đây mở đất thì có kỹ thuật cấy lúa khác xa bây giờ. Thời đó cấy lúa phải có hai người. Một người đi trước xốc nách hai cây nọc khổng lồ đi cà kheo. Người theo sau nhét mạ vào lỗ nọc, nghe nói lối cấy đi tới này ai ai cũng lắc đầu thán phục.

Nông dân Tháp Mười còn có kỹ thuật phát cỏ gọi là “phát thế". Người biết phát thế được nông dân thán phục, gọi là “đạt đạo". “đạo" trừ cỏ dại. hay trước kia là "đạo" trừ Tây dương (Chú thích: Theo Sơn Nam trong "Hương Rừng Cà Mau ")
Phát cỏ theo "thế" nhanh hơn phát cỏ thông thường cũng khoảng diện tích ấy nhưng biết áp dụng kỹ thuật phát thế thì thời gian chỉ tốn khoảng một phần ba.

Người biết phát thế dành rất nhiều thời gian để mài cây phảng một cách công phu. Có người cặm cụi mài một hai ngày, phảng phát thế dài, nặng hơn cây phảng thường. Khi mài thì mài nghiêng giống như lưỡi đục, không mài liếc hai mặt như lưỡi dao. Người chuyên nghề phát thế rất quí cây phảng, xem như vũ khí riêng, không bao giờ đưa cho người khác sử dụng.

Khi bước xuống ruộng, người phát thế định thần, chân đứng “tấn” cầm phảng đúng “điệu", quơ ào ào như mưa sa bão táp. Muốn chọn “phát thế" phải giỏi võ nghệ và có sức khỏe hơn người.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:23:43 pm »

Có huyền thoại còn lưu truyền trong dân gian: Có ông chủ nọ thuê một anh nông dân phát một đám ruộng khá rộng. Anh nông dân nọ ra đồng từ lúc nào không ai rõ. Tài nghệ anh nông dân nọ như thế nào cũng không ai hiểu. Trời vừa sáng, chủ ruộng lặn lội đem xôi ra đồng cho người làm thuê. Thấy anh nông dân làm thuê ngồi dựa gốc cây ung dung hút thuốc nhả khói, ông chủ ruộng tức giận nói:

- Giờ này không chịu lội xuống ruộng, ngồi đó hút thuốc. Chờ tôi mời thỉnh gì nữa?

- Tôi phát rồi từ lâu. Ngồi hút thuốc chờ anh đem xôi ra để mình ăn chung cho vui.

Ông chủ ruộng không tin, bước xuống ruộng thấy đám lác đứt lìa gốc còn dựng đứng không kịp ngã. Trên ngọn lác mấy con chuồn chuồn vẫn bay tự nhiên. Mấy chú chim con vẫn còn kêu chiếp chiếp trong tổ. Lúc ấy ông chủ ruộng mới biết người làm thuê cho mình biết nghề phát cỏ thế.

Thầy Thủ Tọa Giao, tu sĩ ở chùa Thiền Hoa (Rạch Ruộng) là hậu duệ những người đi khai hoang mở đất trước kia có biệt tài phát cỏ thế. Trước năm 1945 nhiều người thảy ông biểu diễn.
*
*  *
Cuộc khẩn hoang vào thời Tự Đức chủ yếu tập trung vào hai tỉnh An Giang và Hà Tiên. Tuy nhiên ở Định Tường, vùng Đồng Tháp Mười, ven Ba Giồng thuộc hai huyện Kiến Đăng và Kiến Phong (Chú thích: Dưới triều Tự Đức, tỉnh Định Tường có 4 huyện: Kiến Hòa, Kiến Hưng (Phủ Kiến An) Kiến Đăng, Kiến Phong (thuộc phủ Kiến Tường).) vẫn còn hoang hóa đã thu hút một lượng khá lớn lưu dân đến khai hoang. Lưu dân tiến công vào Đồng Tháp Mười từ hai mặt: một từ Ba Giồng vào và một từ sông Tiền, có thể kể thêm một canh nữa từ phía sông Vàm Cỏ Tây. nhưng ở mặt này lưu dân ít tiến sâu vào Đồng Tháp Mười vì sông rạch thưa thớt hơn hai mặt kia.

Ngay dưới thời Gia Long (1819) do mật độ dân cư, thủ sớ Phong Kha Minh dời đến thủ sở Thông Bình ( thôn Vĩnh Thạnh, nay thuộc huyện Vĩnh Hưng (Long An) và thủ sở Thông Bình đến vùng sông Đa Giang (thuộc Hồng Ngự).

Đến năm 1836, khu vực Cao Lãnh (thuộc khố trường Bả Canh ngày trước xuất hiện nhiều thôn mới như Mỹ Ngãi, Nhị Mỹ, Phú Mỹ, An Long... Những thôn ấp này dần dần trở thành những tụ điểm cư dân quan trọng, đồng thời cũng là các điểm trung chuyển tập kết lưu dân để từ đó mạng lưới sông rạch từ sông Tiền tiến vào Đồng Tháp Mười. Đến năm 1851, chủ trương đưa tù phạm không phải là dân theo đạo Thiên chúa ở Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang vào cư trú ở vùng đất hoang Nam kỳ, được cấp trâu bò, lương thực để làm ruộng (Chú thích: Đại Nam Thực Lục quyển 10- trang 94-95, quyển 23 trang 265, quyển 27, trang 284-285.). Cuối cùng cũng phải kể đến sự nhập cư của người Chân Lạp thời Thiệu Trị (1841-1847); đã có nhiều thổ dân, thổ mục người Khơme đến ngụ cạnh bảo Thông Bình xin ở lại luôn làm ăn chớ không về Chân Lạp. Năm 1853, lại có thêm một số nữa đến sinh sống (Chú thích: Đại Nam Thực Lục quyển 27. trang 384-385. ).

Song do tính chất đất đai, hơn nữa chưa có hệ thống kinh đào để rửa phèn và đi lại nên một số không nhỏ đất đai sau khi khai phá đã phải bỏ hoang. Năm 1850, trong tỉnh Định Tường (cả vùng Đồng Tháp Mười) có tới 87 xã thôn bị "điêu hóa" và số ruộng đất mà chánh quyền buộc phải miễn thuế đến 14.843 mẫu nguyên trước có báo là khai khẩn nhưng sau là bỏ hoang.

Ở mặt Ba Giồng, lưu dân tiến quân vào Đồng Tháp Mười với nhịp độ nhanh hơn, các thôn ấp mới lần lượt xuất hiện theo thứ tự ngoài trước, trong sau; thôn Phú Nhuận (1819), Tân Đức (1820), Lợi Yên (1836), Phú Thuận Đông (1845), Giai Mỹ (1846), An Mỹ (1852), Mỹ Thạnh (1857...(Chú thích: Monographie de la province de My Tho. Tableau VIII. Canton de Lợi Thuận.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:24:21 pm »

Năm 1841, một số binh lính cũng được điều đến tăng cường cho sở đồn điền Thuận Lợi (có lẽ sau này thành tổng Lợi Thuận).

Trước đó, khoảng giữa thế kỷ 18 có một người tên là Lê Phước Tang được cử làm Chánh quản hướng dẫn một số người miền ngoài vào Nam tìm đất. So với các nhóm khác, nhóm di dân này đi muộn hơn nên bắt buộc phải đi sâu vào các ngọn rạch nhỏ. Họ lập làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Nhơn, Hòa Trí và Hòa Nghĩa của xã Long Khánh huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Đây là làng hậu bối của làng Hòa Sơn, một làng thành lập trước, làng có chợ Cai Lậy. Hòa Thuận nằm cách rạch Ba Rài khoảng một vài cây số, cách sông Tiền trên mười lăm cây số. Vùng đất này đã khai thác trên hai trăm năm mà hiện nay vào mùa nắng vẫn còn một đôi chỗ mênh mông như biển cả, chứng tỏ rằng xưa kia không phải là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi.

Không biết rõ, nhóm của Lê Phước Tang khai khẩn được bao nhiêu ruộng, nhưng đến khi gia đình ông này bị Nguyễn Ánh bắt tội (1802) và kiếng họ Lê ở làng Hòa Thuận bị tru di (Chú thích: Do hai con trai của ông đã xúc phạm đến Nguyễn Ánh.), tài sản của Lê Phước Tang bị tịch thu, riêng số ruộng đất đến 200 mẫu. Theo địa bạ năm 1836 đời Minh Mạng thị số ruộng đất này ân cấp cho Khâm sai Tôn Thất Hội nên được gọi là "đồng quan". Một vài nơi lân cận như ở Hiệp Hòa (Hiệp Đức-Cai Lậy) và Hòa Khánh (Cái Bè) gia đình Khâm sai Tôn Thất Hội cũng được ân cấp một số ruộng đất khác nhưng chưa rõ nguồn gốc cũ.

Có lẽ việc ân cấp ruộng đất cho gia đình Tôn Thất Hội chỉ tượng trưng trên giấy tờ, hàng năm được lĩnh một phần thuế, chớ không trực tiếp quản lý. Nhiều tư liệu chứng tỏ cánh đồng Hòa Thuận được quản lý theo hình thức đồn điền. Phả ý nhiều dòng họ trong vùng cho biết thời đó có nhiều người làm Đội trưởng (đội trưởng đồn điền) hoặc Đội trưởng kiêm Trùm cả (chức vụ đầu làng vào đời Gia Long). Một dòng họ cố cựu nhất trong làng Hòa Thuận cho biết thủy tổ mình tên Nguyễn Văn Muồng quê ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) đi vào. Từ đời này sang đời khác họ Nguyễn làm ruộng "tập thể" theo đội ngũ. Một chi họ Nguyễn khác cũng ở trong làng Hòa Thuận cho biết vào đời Gia Long, ông tổ mình đã chết sau một trận đòn vì tội ẩn dấu diện tích ruộng đất đã khai hoang được. Trên cánh "đồng quan" hiện nay còn nhiều gò đất cao ráo. Theo lời các bô lão thì đây là nền trại ruộng. Đặc điểm làm chúng ta chú ý nhất là làng Hòa Thuận nằm sâu trong đồng, nên sát mé rạch Ba Rài, ngoài ranh làng khoảng ngàn thước, có cất một cái kho chứa lúa. Địa điểm này thuộc làng Hòa Sơn huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Thời Pháp thuộc làng Hòa Sơn bị tách đôi thuộc làng Thanh Sơn. Hiện nay tên gọi "Bến kho" vẫn còn tại ấp Hòa Hưng, xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Có lẽ sở đồn điền ở Hòa Thuận là một phần của phiên hiệu Gia An vừa kể?

Biến cố Lê Văn Khôi,1833-1834, làm các sở đồn điền ở Nam kỳ tan rã. Lúc thế lực triều đình khôi phục có một viên Cai đội Phạm Văn Huy, lúc trước là thuộc hạ Lê Văn Duyệt, đã tập hợp được một số khá đông dân đồn điền cũ biên chế thành quân đội gom về khai thác đồn điền ở Cai Lậy. Theo Deschasseaux trong tạp chí Excursions ét Reconnaissances, tome XI, 1889, thì lúc thực dân mới chiếm, với ý đồ muốn giải tán các sở đồn điền nên chúng có điều tra các bô lão cho biết Phạm Văn Huy và đội quân đồn điền dưới quyền chỉ huy của ông đóng tại làng Thanh Sơn (tức phần đất "Bến Kho" vừa kể). Cũng theo Deschasseaux cho biết đội quân đồn điền này khai thác vùng Đồng Tháp Mười. Nhờ họ mà có chợ Cai Lậy và chợ Vàm Ngựa (Chú thích: Chợ Cai Lậy có từ thế kỷ thứ 18, Gia Định tinh thông chí có nhắc đến. Đúng ra phải nói nhờ đội đồn điền của Phạm Văn Huy mà chợ Cai Lậy phát triển. Có 2 địa danh Vàm Nhựa (Vàm Ngựa?): Rạch Vàm Nhựa ở xã Cẩm Sơn (Cai Lậy - Tiền Giang). Theo các bô lão tại đây có chợ Cái Lúa bị bãi bỏ từ lúc Tây mới qua. Rạch Vàm Nhựa ở xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè-Tiền Giang) cả hai đều nằm trong khu vực đồn điền nhưng chưa xác định địa danh nào đúng nhất.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:24:51 pm »

George Durwell trong tạp chí Bulletin de la Société des études Indochinoises, số 36. 1898 cũng lập lại toàn bộ chi tiết mà Deschaseaux đã kể và cho biết thêm một số chi tiết là sau khi Lê Văn Duyệt mất các đồn điền tan rã. Nhưng chẳng bao lâu đại bộ phận của họ tập hợp dưới quyền một trong các cấp chỉ huy cũ của họ tên là Phạm Văn Huy để lập đồn điền Tân Sơn (Tân Sơn là một trong năm làng trên cù lao Năm thôn ở Cai Lậy). Đây là một vùng đất được nhân dân ta khai thác sớm nhưng do vị trí được phù sa lắng đọng liên tục nên còn nhiều bãi bồi. Chúng ta không thể tưởng tượng được qui mô khu vực Tân Sơn, nhưng qua quan sát chúng ta khẳng định không thể so sánh với khu Hòa Thuận được. Có lẽ đây cũng là một bộ phận của Gia An?

Theo tờ tấu của Võ Duy Dương dâng lên Tự Đức thì nghĩa quân của ông đã hoạt động ở vùng rạch Cái Gáo, làng Giai Mỹ, Ấp Đại Điền. Rạch Cái Gáo nằm trong ngọn rạch Bà Tôn nay cũng thuộc địa phận Cai Lậy. Tại vàm Cái Gáo có làng Giai Mỹ. Làng Giai Mỹ thành lập đầu thế kỷ 19, là vùng thiên nhiên khắc nghiệt nên đất rộng, người thưa. Ngọn rạch Cái Gáo nối liền với ngọn rạch Cái Bè tại Xoài Tư rồi thông qua ngọn rạch Cái Thia hay rạch Ruộng.

Theo Monographie de la propince de My Tho năm 1937 thì tại làng Mỹ Thiện (nằm trên bờ rạch Cái Thia) có nhiều sở đồn điền. Thế nên khí thực dân Pháp vừa nổ phát súng đầu tiên tại Gia Định thì một cơ sở tôn giáo của triều đình nhà Nguyễn là chùa sắc tứ Kim Chương (tức chùa Phổ Quang hay Thiên Trường) đã lật đật dời về vùng hậu cần của triều đình tại Mỹ Thiện. Và sau này để che mắt địch chùa Kim Chương đã nhận lấy một cái tên mới lạ là chùa Hội Thọ.

Trong địa bạ năm 1836 đời Minh Mạng vùng phân huyện Kiến Đăng (tức xung quanh Đồng Tháp Mười) có ba làng đặc biệt: Tổng Lợi Thạnh là vùng đất mới khai phá nên chỉ có duy nhất một làng là làng Giai Thạnh có 500 mẫu ruộng. Tổng Phong Hòa có làng Long Phúc có 300 mẫu, làng Lương Điền có 427 mẫu. Ba làng này chỉ hoàn toàn là đất công, không có đất tư nhân. Chúng ta hiểu đó là đồn điền do Nhà nước phong kiến quản lý.

Mặc dù chưa có tư liệu thành văn nhưng chúng ta biết chắc chắn làng Giai Thạnh (tổng Lợi Thạnh nay thuộc vùng Cao Lãnh (Đồng Tháp). Còn hai làng Long Phúc và Lương Điền (tổng Phong Hòa) nay nằm trong địa giới các xã Hậu Mỹ Bắc, Hậu Mỹ Trinh và Hậu Mỹ Phú huyện Cái Bè (Tiền Giang). Tại Hậu Mỹ Trinh hiện còn địa danh "Mộc bài " (bài gỗ cắm ranh ruộng) cũng góp một tư liệu nhỏ để chứng minh đây là một khu vực đồn điền. Địa danh "Lương Điền" trong địa bạ 1838 làm chúng la liên tưởng đến địa danh “Đại Điền " trong báo cáo của Võ Duy Dương hay địa danh "Rạch Ruộng " trong dân gian. Phải chăng đây là bộ phận chính của phiên hiệu Gia An?

Võ Duy Dương dựa vào các sở đồn điền xung quanh Tháp Mười để làm cơ sở kháng chiến, tất nhiên trước đó ông phải quen thuộc vùng đất này. Chúng ta cũng có thể kết luận nguồn hậu cần của Võ Duy Dương đã chuẩn bị trước đó khá lâu, từ thời có phiên hiệu Gia An hay trước đó nữa, chớ không phải có từ năm 1853 tức là năm Nguyễn Tri Phương vào Nam xây dựng đồn điền. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của ông đã củng cố nguồn hậu cần cho cuộc khởi nghĩa do Võ Duy Đương lãnh đạo sau này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:25:49 pm »

Chung quanh vấn đề tiểu sử Võ Duy Dương

Võ Duy Dương là một trong các lãnh tụ kháng chiến chống thực dân Pháp đầu tiên ở Việt Nam. Trong những năm đầu của cuộc đề kháng, lực lượng của ông đặt dưới quyền chỉ huy chung của Trương Định. Nghĩa quân dưới quyền trực tiếp do Võ Duy Dương và người trợ thủ đắc lực là Nguyễn Hữu Huân chỉ huy đã chịu trách nhiệm trên một địa bàn rất rộng và hết sức sung yếu. Đó là giải đất Ba Giồng (gọi theo địa danh cũ) chạy dài từ phía Nam sông Vàm Cỏ Tây qua gò Cai Én đến Bình Cách, gò Trấn Định rồi gò Cai Lữ, Thuộc Nhiêu... kéo đến tận Cái Thia, Cái Bè; ngăn chặn sự xâm nhập của thực dân Pháp vào sâu trong nội địa tỉnh Định Tường. Đến khi Trương Định anh dũng hy sinh (24/8/1864) ở Kiểng Phước (Gò Công) Nguyễn Hữu Huân bị Phan Khắc Thận hèn nhát giao cho Pháp, nghĩa quân Võ Duy Dương trở thành trung tâm thu hút các lực lượng yêu nước ở Nam Kỳ và địa bàn hoạt động lan rộng khắp Định Tường, Vĩnh Long: An Giang, Hà Tiên, biên giới Việt - Campuchia. Và đáng nói hơn hết là Võ Duy Dương đã sử dụng Đồng Tháp Mười - một địa thế sình lầy đầy lau sậy, đỉa, muỗi, không có đường giao thông - làm lợi thế chiến lược gây cho thực dân Pháp nhiều phen kinh hoàng, đồng thời để lại cho các thế hệ sau nhiều kinh nghiệm quí báu trong quá trình chống giặc giữ nước.

Ấy thế, mà đến nay tiểu sử người anh hùng Đồng Tháp Mười vẫn còn nhiều mảng trắng, còn nhiều nghi vấn.

Thân thế, quê quán, năm sinh, năm mất, nơi mất, năm vào Nam. Về chức danh Thiên Hộ và mối quan hệ giữa ông với Nguyễn Hữu Huân là những vấn đề quan trọng cần thương xác.

I. Quê quán và thân thế Võ Duy Dương

Do điều kiện tài liệu, nên hầu hết các tác phẩm viết về Võ Duy Dương trước đây chưa trình bày đầy đủ về thân thế và quê quán của ông. Về vấn đề này, có thể chia các tác phẩm trước đây ra 4 khuynh hướng khác nhau:

- Không đề cập tới lai lịch và dòng dõi của Võ Duy Dương: là các quyển Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức (Chú thích: Khai Trí XB, Sài Còn 1970), Lịch sử Việt Nam (1858-cuối thế kỷ XIX) quyển 3, tập I, phần 1 (Chú thích: NXB Giáo dục 1979.), Lịch sử Việt Nam tập II- của ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Chú thích: NXB Khoa học xã hội Việt Nam).

- Xác định là không rõ quê quán và năm sinh của Võ Duy Dương: là các tác phẩm “Việt sử Tân Biên" (Việt Nam kháng Pháp sử của Phạm Văn Sơn) quyển V, tập Thượng (Chú thích: Sài Gòn 1962). "Đồng Tháp Mười và cuộc kháng chiến của Thiên Hộ Dương" của Võ Bá Hài (Chú thích: Tạp chí Phổ thông số 63 năm 1960 trang 10-16), “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam" của Thái Bạch (Chú thích: Sống Mới. Sài Gòn 1957).

- Cho rằng Võ Duy Dương là người miền Nam, là các bài viết về Thiên Hộ Dương của Nguyễn Văn Hầu (Chú thích: Bản chép tay của Trần Văn Thông cháu ngoại của Thủ Khoa Huân, gợi vợ của Võ Duy Dương bằng cô ruột).

- Xác đinh cụ thể quê quán của Võ Duy Dương ở Bình Định duy nhất là quyển Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân Tiểu truyện (Chú thích: Văn hóa nguyệt san số50, 52-1960 Sg).

Thời gian qua, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, nên đã bỏ nhiều công sức để truy tầm.

Trong chuyến đi thực địa từ ngày 10 đến ngày 14/11/1989 tại Bình Định với sự kết hợp của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, chúng tôi (Chú thích: Tổ NCLS Dân tộc Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp.) đã may mắn xác định được quê quán của Võ Duy Dương.

Đó là thôn Cù Lâm Nam, nay là Nam Tượng xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn (Bình Định). Hiện nay Nam Tượng là một thôn nhỏ độ mươi nóc gia nằm dưới chân núi Thơm (bên tay phải đường 19 từ Qui Nhơn đi lên) cách sông Côn 4 km về phía Nam, cách làng Kiên Mỹ (quê hương Nguyễn Huệ) 12 km.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:26:56 pm »

Theo bản đồ Hồng Đức (năm Hồng Đức thứ 21, 1490) thì Bình Định lúc bấy giờ mang tên phủ Hoài Nhơn gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly (Phù Cát) và Tuy Viễn (Tuy Phước). Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành phủ Qui Nhơn. Trong những năm 1771 - 1799, Qui Nhơn là cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn, với người anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Huệ - Quang Trung. Năm 1799 Nguyễn Ánh chiếm được thành Hoàng Đế đổi Qui Nhơn ra Bình Định.

Trước năm 1945, Bình Định có bốn phủ: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ và ba huyện: Phù Cát, Hoài Ân và thành phố Qui Nhơn. Năm 1947 lập thêm ba huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.

Địa hình tự nhiên Bình Định rất đa dạng, có đủ rừng núi, đồng bằng và ven biển. Đồi núi chiếm 4/5 diện tích, núi không cao lắm nhưng rất hiểm trở. Đồng bằng tuy nhỏ hẹp (chỉ chiếm 17,5% diện tích) song là cánh đồng lớn ở Trung bộ sau Thanh Hóa và Nghệ An. Bờ biển dài ngót 140 km, với nhiều cửa sông, đầm sâu, cảng lớn.

Bình Định nằm ở một vị trí địa lý quan trọng có tầm chiến lược, là tụ điểm của nhiều đường giao thông thủy bộ. Đường thiên lý Bắc Nam, đường từ biển lên Tây nguyên qua Đông Bắc Campuchia - Hạ Lào gặp nhau ở đây. Do vậy, Bình Định đã từng là nơi diễn ra những cuộc đụng đầu lịch sử: Việt Nam - Champa với Nguyên Mông, Tây Sơn với Nguyễn Ánh...

Bình Định là địa bàn cư ngụ của các dân bản địa lâu đời: Bana, Radhé, Champa... đó là các sắc dân tha thiết với cuộc sống tự do, bản chất kiên cường chân thật. Lớp người Kinh (Việt) định cư đầu tiên ở đây vốn là lưu dân, là dân mộ, là tội đồ, là tù phạm, tù binh... tức là những lớp người dưới đáy của xã hội phong kiến. Tổ tiên anh em của Nguyễn Huệ vốn là "tù binh" của chúa Nguyễn trong những trận đánh nhau với chúa Trịnh trong các năm (1653 - l658). Những lớp người mất tự do và khốn cùng đó, cả Kinh lẫn Thượng sớm biết đoàn kết lại, không tiếc mồ hôi, xương máu biến vùng đất hoang dã ở vùng phiên trấn (Chú thích: Từ 1470 - 1611 dãy núi Cù Mông là biên giới giữa Đại Việt và Champa.) thành những làng xóm đông đúc trù phú

Để có sức mạnh đương đầu với cuộc sống hằng ngày của vùng phiên trấn, người Bình Định phải thường xuyên trau dồi võ thuật, từ đó Bình Định trở thành một vùng nổi tiếng về bộ môn này, nhất là dòng võ Tây Sơn độc đáo. Võ thuật đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, cha truyền con nối. Hai câu ca dao :

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền


đã nói lên tính phổ biến của loại hình sinh hoạt này trong dân gian. Suốt một thời gian dài trên 200 năm (1667 - 1884) ở Bình Định đều có tổ chức các kỳ thi võ thu hút sĩ tử cả một vùng từ Nam Ngãi đến Phú Khánh.

Chính những điều kiện kình tế - xã hội và hoàn cảnh lịch sử đã tạo cho cư dân Bình Định vừa có những phẩm chất cao quí chung của người Việt (như cần cù và sáng tạo, nhân ái, kiên cường) vừa có bản sắc riêng: đó là tính khẳng khái, hào hiệp, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

Võ Duy Dương sinh ra và lớn lên ở một thôn nhỏ, được bao quanh bởi những dãy đồi núi chập chùng, sau lưng là núi Thơm, trước mặt là núi Hòn Giang, bên trái là núi An Tượng, bên phải là sông Côn, xa xa về phía trước mặt là núi Chàng Lía.

Tổ sáu đời của Võ Duy Dương từ miền Bắc (Chú thích: Họ Võ có gia phả, nhưng đã bị thiêu hủy vào năm 1972.) là Võ Hữu Man vào Cù Lâm Nam (Nam Tượng, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) lập nghiệp đến nay con cháu vẫn còn nhiều người cư ngụ tại thôn này. Các thế hệ tiếp theo sau là Võ Văn Thạnh, Võ Văn Tín, Võ Hữu Sự và Võ Hữu Đức.

Võ Hữu Đức có tất cả là bảy người con, nhưng còn sống đến khi trưởng thành có 5 người, ba trai, hai gái: Võ Hứa Biểu, Võ Duy Tân, Võ Duy Đương, Võ Thị Viết và Võ Thị Bảy.

Đến đời Võ Hữu Đức, gia đình họ Võ vẫn chuyên nghề làm ruộng dù không mấy khá giả, nhưng ông vẫn cố gắng cho con học một ít chữ nho với thầy đồ ở trong thôn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:27:46 pm »

Theo lời kể của cụ Võ Quế (Chú thích: Cụ Võ Quế, 85 tuổi (1989) cháu nội của Võ Duy Dương.) lúc thiếu thời Võ Duy Dương đã có tiếng là khỏe mạnh và giỏi võ nghệ và đặc biệt là ông ăn rất khỏe. Khi cha qua đời, gia đình sa sút, ông phải đi ở chăn trâu để sinh sống. Sinh ra và lớn lên trong truyền thống thượng võ, lại có sức mạnh hơn người, nên ngay từ nhỏ Võ Duy Dương thường tụ tập bè bạn chia phe đánh trận giả. Một hôm ông lỡ mạnh tay làm chết một người bạn. May nhờ một vị quan sở tại cảm thông hoàn cảnh gia đình và ái mộ võ nghệ của ông, không buộc tội và còn nhận làm con nuôi. Có điều kiện học tập, võ nghệ của ông ngày một tinh thông. Trong một kỳ thi võ, ông cử được một lúc 5 trái linh (mỗi trái 60 cân) (Chú thích: (Hai tay xách hai trái, hai nách kẹp hai trái, miệng cắn một trái.) nên từ đó mọi người gọi ông là Ngũ Linh Dương (Chú thích: Dưới triều Tự Đức (1847 - 1885) ở Bình Định thường xuyên tổ chức các kỳ thi võ. Đến nay chưa phát hiện được tư liệu nào nói Võ Duy Dương có tham dự thi võ ở Bình Định.).

Lúc trưởng thành, ông lấy bà Phạm Thị Liệu, người thôn Tráng Long cùng huyện (Chú thích: Nay cũng thuộc xã Nhơn Tân) và đến 1855, bà Liệu hạ sinh người con trai đầu. Tiếp theo vài năm sau đó bà sinh người con trai thứ hai trong lúc ông lên đường vào Nam.

Cũng theo lời tường thuật của cụ Võ Quế trong thời gian ở Nam Kỳ, Võ Duy Dương có lấy vợ hai và đã sinh được hai người con trai tên là Võ Châu và Võ Phong. (Điều này đã được các bô lão ở Bắc Chiêng (Mộc Hóa, Long An) xác nhận là khi ở trong Nam Võ Duy Dương đã được một ông hương cả gả con gái cho). Nhưng tên tuổi và quê quán bà này chưa xác nhận được. Sau khi Võ Duy Dương qua đời, có một người đàn bà ở trong Nam ra Huế tâu với triều đình về hoạt động chống Pháp và gia đình của Võ Duy Dương ở trong Nam. Sau đó bà tìm đến gia đình của Võ Duy Dương ở Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định), rồi sống chung với gia đình một thời gian và qua đời tại đây. Hiện nay mộ của bà này nằm chung trong khu mộ gia đình họ Võ dưới chân núi Thơm (Chú thích: Cụm khu mộ này có 4 mộ: một là của vợ Võ Hữu Đức, hai là của bà Phạm Thị Liệu, ba là của bà Đồng Nai. cụm khu mộ phía bên kia đường 19 là mộ của ông Võ Hữu Đức... Tất cả đều là mộ đất, nấm đuôi cá, không mộ bia.) cách ngôi mộ của bà Phạm Thị Liệu (vợ lớn của Võ Duy Dương không xa mấy) và ngôi mộ này được gọi là mộ của bà Đồng Nai.

Một điều làm cho chúng tôi hết sức thắc mắc là chính cụ Võ Quế cũng không xác định người đàn bà được gọi là bà Đồng Nai có phải là vợ thứ của Võ Duy Dương hay không, ông chỉ giải thích là khi ông mười tuổi bà này vẫn còn sống ở trong nhà và ai cũng gọi là bà Đồng Nai (vì bà này ở xứ Đồng Nai tức miền Nam).

Vấn đề bà Đồng Nai có phải là vợ hai của Võ Duy Dương hay không là vấn đề khác. Còn việc Võ Duy Dương có vợ hai trong Nam thì quá rõ. Gần đây, chúng tôi phát hiện ở Trung tâm Lưu Trữ II tại thành phố Hồ Chí Minh, một tư liệu rất quan trọng (Chú thích: Dưới ký hiệu SL.4522 - Tài liệu này trước đây (có thể là trước 1975) đã ghi chú là thất lạc.), có nhiều điểm liên quan đến tiểu sử của Võ Duy Dương. Trong tập tư liệu này có một số giấy tờ liên quan đến người vợ thứ của Võ Duy Dương :

- Tờ bẩm của Trần Văn Học xin cho con gái của Trần Thị Vàng, vợ thứ của Võ Duy Dương, ra đầu thú (bằng chữ Hán) ngày 10/10 Kỷ Tỵ (tức 14/11/1869).

- Tờ bẩm của Trần Văn Học với nội dung như trên viết bằng chữ quốc ngữ (không đề ngày).

- Bản dịch ra tiếng Pháp tờ bẩm bằng chữ quốc ngữ của Trần Văn Học (đề ngày 24/9/1869).

- Điện của Giám đốc Nội vụ (Đổng lý dinh Thượng Thơ) gởi Tham biện Mỹ Tho số 9626 (ngày 26/9/1869).

- Điện tín của Tham biện Mỹ Tho gởi Giám đốc Nội vụ Sài Gòn (Đổng lý dinh Thượng Thơ) số 5024 ngày 26/9/1 869 lúc 10 giờ 40 sáng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:28:35 pm »

Qua 5 văn bản trên, chúng tôi thấy rằng Võ Duy Dương trong thời gian ở Nam Kỳ ngoài người vợ thứ có hai người con trai (Võ Châu, Võ Phong) như đã đề cập ở phần trên, còn có một người vợ thứ nữa, bà này tên Trần Thị Vàng con của bá hộ Trần Văn Học người làng Bình Cách, tổng Thạnh Quận, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Thạnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang). Bà Trần Thị Vàng đã có một đưa con gái với Võ Duy Dương. Nguyên văn tờ bẩm, bằng chữ quốc ngữ như sau :

"Bẩm lạy,    
"Quan lớn Lại Bộ Thượng Thơ xin thứ tội cho con gái chúng tôi. Tôi tên là Trần Văn Học ở làng Bình Cách, tổng Thạnh Quận, huyện Kiến Hòa bây giờ thuộc về Sở Tham Biện Mỹ Tho. Năm trước Thiên Hộ Dương làm ngụy thì có bắt hiếp con gái tôi tà Thị Vàng làm vợ lẽ có đẻ ra một đứa con gái, rồi Thiên Hộ Dương trốn chết đi, thì con gái tôi cũng sợ mà trốn biệt đi. Đến hôm nay tôi ra đầu thú với quan Tham biện mà về an nghiệp, rồi thì tôi mới kiếm được con gái tôi và nó ở với Thiên Hộ Dương có sinh một đứa con gái thì tôi sợ có tội, nên tôi phải ra thú thật với quan lớn rộng dung cho phép mẹ con chúng nó được về an nghiệp thì tôi mới dám nuôi mẹ con chúng nó sum hiệp một nhà, chúng tôi sẽ cám ơn quan lớn không cùng.
Nay bẩm "
Trần Văn Học
(Chú thích: Nguyên bản tờ bẩm không có chấm, phẩy.)

Một chi tiết đáng lưu ý trong tờ bẩm của Trần Văn Học là: "Thiên Hộ Dương làm ngụy có bắt hiếp con gái tôi là Thị Vàng..."

Sự thật như thế nào?

Đây tờ bẩm xin cho con gái ra qui thuận, dĩ nhiên Trần Văn Học phải trình bày việc con gái ông (Trần Thị Vàng) trở thành vợ thứ của Võ Duy Dương là do sự ép buộc của Võ Duy Dương chớ không do sự ưng thuận của Trần Thị Vàng và ông.

Dù hiện nay không có tư liệu gì về cuộc hôn nhân này, nhưng chúng ta có quyền suy luận: một người giàu có như bá hộ Trần Văn Học, lại nhiệt tình yêu nước quyết chống giặc ngoại xâm: đã ủng hộ quan quân triều đình tiền của để đánh giặc (Chú thích: Đại Nam Thực Lục. Tập XX/X, trang 26, chép: "Dân hạt Định Tường (Trần Văn Ngọ, Nguyễn Văn Cẩm, Trần Văn Học, Từ Thi Đế..) tự nguyện đem quyên sắt sống (8000 cân) tiền (2.700 quan) gạo (200 phương), để) giúp quân nhu. Quan tỉnh đem việc ấy tâu lên, vua ban khen thưởng cho biển ngạch, áo lụa màu, ngân tiền có thứ bậc khác nhau) rồi lại ủng hộ phong trào Võ Duy Dương mà không đồng ý cho con gái mình se duyên với người cầm đầu của phong trào hay sao và chính Trần Văn Học lại là thông gia với Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (Chú thích: Con Trần Văn Học là Trần Văn Thạnh cưới con gái Thủ khoa Huân là Nguyễn Thị Vạn).

Hơn nữa, sau khi thực dân Pháp chiếm Định Tường, các nhà giàu, viên chức của triều đình phần lớn bỏ đi nơi khác hoặc yêu cầu được sự che chở của một lực lượng võ trang đề phòng giặc Pháp tấn công. Điều này đã được ghi trong báo cáo của Võ Duy Dương “Những quan binh và những nhà phú hộ van nài (Võ Duy Dương) đừng xa rời họ mà tiếp tục chống giặc, họ sẽ lập một đơn vị quân sự, hứa giúp đỡ và tiếp tế”(Chú thích: Gustave Janneau - Tài liệu đd.), Sự thể này cũng đã được De Grammont xác nhận: mùa hè năm 1861, hầu hết các quan phủ, huyện cũ trong các tỉnh bị chiếm, cũng như các viên chức hội tề giàu có đều chạy trốn, người về Biên Hòa, người về Vĩnh Long, tất cả ngoài vùng Đồng Nai hay vùng sông lớn (sông Tiền) được quân chính qui đã tập hợp tại đây che chở. Chính ở những địa điểm này, các quan lớn nhận được lệnh của kinh đô (Huế) và quyết định lập lại uy quyền của nhà vua trong tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường, tung ra khắp các địa phận của ta những tên mật thám và những bản thông báo nảy lửa khuyến khích đó đây đối phó và ám sát" (Chú thích: De Grammont "Onze Moi de sous-préfecture en Basse Cochinchine"- Challamel Ainé, Paris 1863.)

Hai xác nhận này cộng với việc ra qui thuận của Trần Văn Học đã gián tiếp khẳng định sự ủng hộ của ông ta đối với Võ Duy Dương. Đồng thời điều này cũng giúp cho ta thấy được thực chất của việc Trần Thị Vàng, con Trần Văn Học, trở thành vợ thứ của Võ Duy Dương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2009, 12:54:55 pm »

Tưởng cũng nên nhắc tới, hiện nay trong dân gian vùng Bình Cách còn lưu truyền câu chuyện “ông Năm Linh Bà Bảy Vàng". Chuyện kể rằng : “ông Năm Linh (Chú thích: Tức ông Ngũ Linh.) người miền Trung, võ nghệ cao cường, tánh tình cương trực hay làm việc nghĩa giao du rộng... vào Nam lập nghiệp. Lúc Tây xâm lược Nam Kỳ, ông đứng ra chiêu mộ nghĩa dõng, quyên góp lúa gạo mua súng đạn đánh Tây, được nhiều người hưởng ứng. Bá hộ Học là điền chủ giàu có nhất nhì trong vùng chẳng những ủng hộ lúa gạo mà còn bán ruộng lấy tiền bạc mua súng đạn ủng hộ nghĩa quân. Để khích lệ người anh hùng, có chí lớn, bá hộ Học đem “đưa" con gái duy nhất là bà Bảy Vàng cho ông Năm Linh. Từ khi về với ông Năm Linh, dù là “gái đưa" chứ không phải là vợ chính thức có cưới hỏi, nhưng bà Bảy Vàng chẳng những một lòng chung thủy thờ chồng mà còn giúp chồng nhiều việc trong công cuộc quốc sự. Khi ông Năm Linh cùng nghĩa quân rút vào Đồng Tháp Mười bà cũng theo chồng để lo việc tiếp tế lương thực nuôi quân. Đến khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông Năm Linh theo ghe bầu về Huế cầu viện, bà ở lại nuôi con chờ chồng. Nhưng ông Năm Linh bị chết ngoài biển, bà buồn rầu mà mất".

Điều này càng làm sáng tỏ thêm mối quan hệ giữa Trần Thị Vàng với Võ Duy Dương. Lại thêm một vấn đề nữa cần phải làm sáng tỏ. Trần Văn Học khai rằng Trần Thị Vàng đã có một con gái với Võ Duy Dương. Như vậy, ở trong Nam Võ Duy Dương có tới hai vợ thứ:

- Bà thứ nhất là mẹ của Võ Châu và Võ Phong.

- Bà thứ hai là Trần Thị Vàng.

Nhưng cũng có khả năng hai bà này chỉ là một. Trần Văn Học khai Trần Thị Vàng có một đứa con gái với Võ Duy Dương phải chăng để đánh lừa thực dân Pháp cốt để đảm bảo sự an toàn cho Võ Châu và Võ Phong?

II. Về năm sanh, năm mất và nơi mất của Võ Duy Dương

Về năm sinh của Võ Duy Dương trước đây không thấy sử cũ nói đến.

Theo nguồn cung cấp của gia đình họ Võ ở Nhơn Tân ( An Nhơn, Bình Định) thì Võ Duy Dương sinh vào năm Bính Tuất tức năm Minh Mạng thứ 8 (1827) ông là con thứ ba trong gia đình, sau Võ Hữu Biểu và Võ Duy Tân.

Theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, thì Võ Duy Tân anh Võ Duy Dương có tham gia phong trào chống Pháp ở Bình Định do Mai Xuân Thưởng chỉ huy, ông có mặt trong trận đánh Bàu Sấu (Hương Sơn, Lai Nghi) vào tháng 2 năm 1887. Sau khi Mai Xuân Thưởng đền nợ nước, ông lại tham gia phong trào do Võ Trứ chỉ huy và đã bị thực dân Pháp bắt. Chúng chém ông với nhiều nghĩa quân khác tại Gò Chàm (Bình Định) ngày 13/9 năm Đinh Dậu (tức ngày 9/10/1898). Năm đó Võ Duy Tân thọ 73 tuổi. Như vậy là Võ Duy Tân sinh năm 1825.

Võ Duy Dương là em, nhỏ hơn anh hai tuổi, sinh năm 1827 là hợp lý và cũng trùng khớp với nguồn tư liệu của gia đình.
Còn về năm mất và nơi mất của ông, dù đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm xác minh, nhưng đến nay tư liệu vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

Trong quyển Định Tường Thủ Khoa Huân tiểu truyện” ở hồi thứ tư có đoạn chép : "Hai người nghe tin ấy (Chú thích: Pháp đòi quan tỉnh An Giang bắt Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân nộp cho chúng.), duy có một mình Thiên Hộ Dương trở về Định Tường đắp đồn đắp bảo ở Tháp Mười, chiêu tập binh ứng nghĩa. Được một năm, Tháp Mười thất thủ, Thiên Hộ Dương bèn về Trung Kỳ ẩn cư ở Hương Giang rồi qua đời".

Ở quyển Nam Kỳ Phong tục nhân vật diễn ca (Chú thích: Nguyễn Liên Phong - Nam Kỳ Nhân loạt phong tục diễn ca. NXB Phát Toán - Sài Gòn 1909, tr.67.), Nguyễn Liên Phong viết :

"Thoát thân về với ghe bầu,
Khỏi nơi Cần Hải tiền xu đoán thoàn.
Giấc nồng đêm dậy nhảy khan,
Hồn chôn bụng cá ưng oan chẳng cần "

Như vậy có nghĩa là Võ Duy Dương chết ở cửa biển Cần Giờ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2009, 12:55:42 pm »

Trong khi đó, cuốn Binh địa Định Tường (Chú thích: Binh địa Định Tường (tr.36.), lại chép: ..."Sau, ông bệnh thương hàn và mất. Dân chúng có lập ngôi chùa kế mộ ông để ghi nhớ công ơn tại tọa độ 48 PXS, 093537, ấp Hậu Trinh, thuộc xã Hậu Mỹ quận Cái Bè”.

Tác giả Thái Bạch trong quyển "Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam" thì cho rằng: Võ Duy Dương chết vì bệnh kiết lỵ (Chú thích: Sống mới, XB.Sai gon. 1957.).

Trong dân gian cũng có nhiều nguồn tư liệu đáng lưu ý :

- Theo các bô lão ở Bắc Chiêng (Mộc Hóa, Long An) thì Võ Duy Dương bị bệnh lỵ (kiết lỵ) chết tại Bắc Chiêng và đem về an táng ở xã Thiên Hộ (nay là xã Hậu Mỹ Bắc, Cái Bè, Tiền Giang).

- Còn dư luận dân gian ở xã Mỹ Thọ huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp thì sau khi thất thủ ở Đồng Tháp Mười, Võ Duy Dương rút qua An Giang, Rạch Giá bị cướp biển chặn đánh và chết ở cửa biển Rạch Giá.

Các nguồn tư liệu trên đều qui về hai hướng: một là Võ Duy Dương chết vì bệnh ở Đồng Tháp Mười, hai là chết vì bị đắm thuyền hay bị cướp, nhưng địa điểm lại khác nhau.

Đối với hướng thứ nhất, phần lớn các nguồn tư liệu thiếu chứng cứ Nếu Võ Duy Dương bệnh chết ở Đồng Tháp Mười thì sẽ có mộ của ông ở khu vực này. Chỉ có quyển Binh địa Định Tường nêu rõ mộ Võ Duy Dương ở ấp Hậu Trinh xã Hậu Mỹ (Cái Bè, Tiền Giang) nay là xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè, Tiền Giang). Tư liệu này còn cung cấp cả tọa độ của ngôi mộ. Nhưng khi tiến hành xác minh tại địa điểm này (Chú thích: Chúng tôi đã dè dặt xác minh luôn 4 xã Hậu Mỹ Bắc, Hậu Mỹ Trinh, Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam (khu vực giáp ranh hai huyện Cái Bè, Cai Lậy của Tiền Giang). Nơi có định danh cổ là Xoài Tư, vùng mà Võ Duy Dương thường xuyên tới lui hoạt động trước khi rút vào Gò Tháp. Riêng tại tọa độ 48PXS. 093537 là chùa Mộc Bài, có nhiều mộ cổ, nhưng tất cả đều có mộ bia xác minh cụ thể tên tuổi người quá cố.) thì ngay cả những người già nhất ở địa phương cũng nói là từ xưa đến nay không hề nghe nói có mộ Võ Duy Dương ở đây.

Ở hướng thứ hai, ngoài các tư liệu trình bày trên, trong Đại Nam thực lục (Chú thích: Đệ Tứ Kỷ. Q XXXI trang 65.) có đoạn chép "Tháng 9... Thiên Hộ Dương ủy người về dâng sớ kín. Vua sai Vũ Trọng Bình hỏi kín, cốt phải hỏi đến chỗ cùng bàn cho ổn thỏa. Rồi được quan Thuận Khánh báo rằng Võ Duy Dương đi thuyền về Bình Thuận đầu thú gặp gió bị đắm ở phần biển Thần Mẫu, sai tìm xác, chi đồ vật chôn, cấp cho mẹ hắn mỗi tháng 5 quan tiền, một phương gạo".

So với tài liệu trên, tài liệu của Đại Nam Thực Lục đáng tin cậy hơn. Theo đó. Thiên hộ Võ Duy Dương mất vào tháng 9 Tự Đức thứ XIX tức là vào tháng 10 năm 1866, lúc ấy ông mới 39 tuổi.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên trong tài liệu vừa phát hiện được ở Trung tâm Lưu Trữ II (Thành phố Hồ Chí Minh) (Chú thích: Ký hiệu SL 4522 (tài liệu đã dẫn).) ngoài các văn bản liên quan đến người vợ thứ của Võ Duy Dương còn bốn văn bản khác liên quan đến cái chết của ông:

Qua nội dung các văn bản, ta biết được hồ sơ này được mật thám Pháp lập vào khoảng 1881, vì lúc bấy giờ có một số cuộc nổi dậy ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Mỏ Cày... mà người cầm đầu xưng là Thiên Hộ, nên thực dân Pháp mới tung mật thám đi xác minh xem Thiên Hộ đây có phải là Võ Duy Dương hay không. Và chúng cũng đã kết luận rằng người tự xưng là Thiên Hộ ở đây không phải là Võ Duy Dương vì Võ Duy Dương đã chết. Tài liệu đã cung cấp 3 chi tiết rất quan trọng về cái chết, năm chết và nơi an táng của Võ Duy Dương hoàn toàn khác với các tư liệu trước đây.

Về cái chết của Võ Duy Dương, trong báo cáo của Nguyễn Đức Hạnh gởi cho Chánh sở Mật thám, Hạnh viết:

"Tôi có vinh dự để cung cấp cho ông những tin tức về Thiên Hộ. Người này tên là Dương đã bỏ trốn sau khi Tháp Mười bị chiếm, ông ta lên một chiếc ghe cửa để đi Bình Thuận, trước khi đến xứ này, ông đã bị tên Lý Sen, cầm đầu một đám cướp biển tấn công, Lý Sen đi trên một chiếc thuyền mành mà người ta gọi là “Thiền du" đã cho liệng xuống biển tất cả những người An Nam đi trên chiếc ghe cửa này. Lý Sen lấy tất cả đồ đạc trong ghe và sau đó nhận chìm ghe. Lý Sen lục lọi trong một chiếc rương lớn lấy tất cả áo quần, các cấp bằng và mũ miện của Thiên Hộ Nguyên soái tên là Võ Duy Dương".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM