Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:28:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười  (Đọc 51630 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:34:19 pm »

Tên sách: VÕ DUY DƯƠNG VỚI ĐỒNG THÁP MƯỜI
Tác giả: NGUYỄN HỮU HIẾU (Chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ, Tạp chí Xưa & Nay
Số hoá: Dongadoan; Sao Vàng


Nhóm biên soạn:
LÊ KIM HOÀNG
NGÔ BÉ
TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG


LỜI NÓI ĐẦU


Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên đất Nam kỳ, chúng đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của nhân dân ở vùng đất mới này. Hai căn cứ nghĩa quân làm chúng quan ngại nhiều nhất là căn cứ Tân Hòa của Trương Định và căn cứ Đồng Tháp Mười của Võ Duy Dương. 

Hơn 100 năm trôi qua, kể từ lúc căn cứ Đồng Tháp Mười bị đàn áp và Võ Duy Dương qua đời. Để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc mà tên tuổi của Người đã gắn liền với địa danh Đồng Tháp Mười, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp đã chủ trì thực hiện đề tài "Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười".

Đề tài này trước nay đã được nhiều tác giả người Việt kể cả người Pháp đề cập đến. Thế nhưng, ngoài những ghi chép rời rạc, những nhận xét từng mặt cho đến nay vẫn còn thiếu một công trình nghiên cứu toàn bộ về hoạt động kháng chiến chống thực dân Pháp của Võ Duy Dương.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện các chuyến đi thực địa ở huyện An Nhơn (tỉnh Bình Định), ở tất cả các huyện trên địa bàn Đồng Tháp Mười thuộc ba tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và một số nơi khác ở Nam bộ. Sau đó, tiếp tục sưu tầm, đối chiếu, xác minh các tư liệu thành văn ở Thư viện KHXH, Thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu trữ Trung ương II... Qua đó, đã phát hiện và thu thập được một lượng tư liệu khá phong phú và đa dạng: các hiện vật, các truyện dân gian, tư liệu Hán Nôm (châu bản, gia phả, văn tự chia gia tài...) tư liệu Pháp văn (các báo cáo, sách, báo...) liên quan đến Võ Duy Dương và công cuộc kháng chiến của ông.

Trên cơ sở khai thác nguồn tư liệu thư tịch, kế thừa công trình của người đi trước, kết hợp với các tư liệu thu thập được trong các chuyến đi thực địa, với tinh thần khoa học nghiêm túc, chúng tôi cố gắng trình bày toàn bộ diễn tiến của công cuộc kháng chiến Võ Duy Dương đồng thời cũng đề xuất và lý giải một số vấn đề chủ yếu liên quan đến tiểu sử và công cuộc kháng chiến của ông, với mục đích góp phần vào việc phác họa lại bức tranh phản kháng của nhân dân Nam kỳ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung trước sự xâm lược của thực dân Pháp.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Đồng Tháp, Viện khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, khoa Sử trường ĐHTH thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu trữ Trung ương II, Thư viện KHXH, Thư viện Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, ủy ban nhân dân huyện An Nhơn, cụ Võ Quế và gia tộc họ Võ tại xã Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định), Ban Tuyên giáo Tỉnh Long An, huyện ủy và Ban Tuyên giáo các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Cần Giuộc, Cần Giuộc (tỉnh Long An), Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp), đã nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi đi lại khai thác tư liệu lưu trữ, nhân chứng vào khảo sát thực địa.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Trẻ, Tạp chí Xưa & Nay đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để chất lượng bản thảo được tốt hơn và tạo điều kiện cho quyển sách được tái bản lần thứ nhất.
Nhóm Biên soạn


LỜI GIỚI THIỆU


Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười là một công trình biên khảo của Tổ nghiên cứu Lịch sử Dân Tộc (thuộc ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp).

Bằng những cứ liệu khoa học, tư liệu dân gian có kế thừa các công trình nghiên cứu của người đi trước, với phong cách làm việc khoa học nghiêm túc, tập thể tác giả đã cố gắng tái tạo khá chi tiết công cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương trong bối cảnh lịch sử Việt Nam ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Qua đó, tập thể tác giả đưa ra một số phát hiện mới về quê hương, dòng dõi, năm sanh, năm mất, cái chết của  người anh hùng dân tộc mà tên tuổi đã gắn liền với địa danh Đồng Tháp Mười; đồng thời các vấn đề: mối quan hệ giữa Võ Duy Dương với triều đình Huế, thái độ của triều đình đối với kẻ xâm lược... cũng được đề cập đền với luận cứ đầy tính thuyết phục. Tất nhiên, thuận lợi của người đi sau là được sống và đi lại trong một đất nước thống nhất, độc lập và hơn nữa đang chuyển mình đổi mới, nên nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của diễn biến lịch sử thời đó được giải bày một cách khách quan để người đọc có thể hiểu được tình cảnh của nước ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Công trình "Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười" đã được hội đồng nghiệm thu với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu của Viện KHXH, trường ĐHTH thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long- đánh giá cao...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:35:50 pm »

Bối cảnh xã hội Việt Nam và nét đặc trưng của Nam kỳ trước khi thực dân Pháp xâm lược

Trong quá trình thực hiện chủ trương bành trướng thuộc địa để thỏa mãn yêu cầu phát triển chủ nghĩa tư bản, thực dân Pháp đã chú ý đến vùng Đông Nam Á mà trong đó Việt Nam là một mục tiêu không thể bỏ qua được, do vị trí và tiềm năng kinh tế của nó.

Qua một số cố đạo trong Hội truyền giáo hải ngoại, thực dân Pháp ngày càng tập trung nhiều lượng thông tin về Việt Nam làm cơ sở cho họ đi đến quyết định xâm lược nước ta. Hơn thế nữa, còn có một vài cố đạo như Pellerin, Retord và nhứt là Legrand de la Liraye (cố Trường) chẳng những cố thuyết phục Pháp hoàng dùng võ lực để thiết lập một vùng nhượng địa ở Việt Nam, mà còn trực tiếp can thiệp vào nội tình nước ta bằng cách tài trợ, xúi giục một vài phần tử phản động phiêu lưu nổi dậy chống lại triều đình.

Tìm hiểu thực trạng xã hội Việt Nam nói chung, Nam kỳ nói riêng là góp phần lý giải nguyên nhân thúc giục thực dân Pháp xâm lược Việt Nam; đồng thời cho thấy sức đề kháng của nhân dân ta và lý do thất bại của cuộc đề kháng đó trước bão táp của chủ nghĩa tư bản Pháp.

1. Bối cảnh xã hội Việt Nam trước khi Pháp xâm lược

Một điều không ai có thể phản bác được là hơn nửa thế kỷ (1802-1859) trị vì, vua quan nhà Nguyễn đã để lại cho dân tộc Việt Nam một đất nước suy nhược, một chánh quyền phong kiến mục ruỗng, một xã hội đầy rẫy loạn lạc bạo động và cơ cực lầm than.

Chỉ với chừng ấy thời gian mà vua quan nhà Nguyễn đã phải chứng kiến và đàn áp trên dưới 450 cuộc nổi dậy lớn nhỏ.
Dưới triều Gia Long (1802-1819) có tất cả 73 cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Thủ lãnh Trấn ở Thanh Hóa (1805), Cao Văn Dung ở Hải Dương (1805), Cả Tổng và Nguyễn Trọng Phan ở Hải Dương (1807)..

Triều Minh Mạng (1820-1840), chỉ trong 20 năm trị vì, Minh Mạng phải đối phó với con số vụ nổi dậy kỷ lục, 234 vụ; lớn nhứt là các cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Nam Định (1821), Lý Khai Bá ở Hưng Yên (1823) Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Thanh Hóa (1833), Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833), Nông Văn Vân ở Tuyên Quang (1836).. .

Triều Thiệu Trị (1841-1847) với 7 năm cai trị đã có 5 cuộc nổi dậy, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Dinh Tuân ở Tây Ninh (1841); Nguyễn Vi và Lâm Sum (Xâm) ở Trà Vinh (1841) Nguyễn Văn Nhàn ở Sơn Tây (1844), Nguyễn Hữu Chính ở Ninh Thái (1847).

Triều Tự Đức, chỉ kể từ lúc ông lên ngôi (1847) đến khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862) cũng đã có gần 100 cuộc nổi loạn, đáng kể nhứt là cuộc nổi dậy của Cao Bá Quát - Lê Duy Cự, Nguyễn Văn Thịnh ở Bắc Ninh (1854-1855), Tạ Văn Phụng...

Đó là chưa kể đến các vụ cướp phá của bọn giặc biển; những cuộc nổi dậy lẻ tẻ mà quan lại địa phương không dám báo cáo sợ triều đình khiển trách.

Hầu hết các cuộc nổi dậy đều bị đàn áp, nhưng các cuộc nổi dậy đó chẳng những không ngừng làm cho chế độ phong kiến nhà Nguyễn ngày một suy yếu, đất nước ngày một điêu tàn, kinh tế ngày một sa sút mà còn phản ánh sự mất lòng dân ngày một gia tăng đối với triều đình. Triều đình không hề có chủ trương thay đổi chính sách mà chỉ biết tập trung vũ lực để trấn áp.

Xây dựng trên cơ chế phong kiến quan liêu, bảo thủ lạc hậu, rập khuôn từ khuôn mẫu của Trung Quốc, xã hội Việt Nam dưới triều các vua Nguyễn là một xã hội phong kiến điển hình châu Á với các đặc trưng mà trong đó mức độ lầm than cơ cực trong đởi sống của tầng lớp bị trị là nét nổi bật nhứt. 

Vua quan nhà Nguyễn bám chặt vào ý thức hệ phong kiến, dùng nó làm vũ khí bảo vệ địa vị xã hội của mình; đã khước từ, bác bỏ mọi đề án canh tân cải cách. Thái độ này đã kìm hãm sức vươn lên của dân tộc, dìm đất nước vào vòng nghèo nàn lạc hậu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:36:48 pm »

Kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhân dân mà đại bộ phận là nông dân, nhưng ruộng đất lại tập trung vào tay quan lại, địa chủ. Người nông dân đầu tắt mặt tối trên mảnh ruộng thuê, nhưng vẫn không đủ cái ăn cái mặc. Nào sưu, nào thuế, nào phu phen tạp dịch... nào hạn hán lụt lội; người nông dân không thể sống nổi, phải bỏ làng mạc phiêu tán xứ khác kiếm ăn. 

"Dân tình buồn bực
Nưa sợ nửa lo.
Vay mượn nhà giàu không cho.
Cầm tiền mua thì không bán (...).
Vợ con thôi nheo nhóc.
Chồng lại phải phu phen.
Muốn vạch cả trời lên
Kêu gào cho hả dạ.
Cơm thời nỏ (không) có.
Rau cháo cũng không (...)
Còn bộ xương sống 
Vơ vất đi ăn mày.
Rồi xó chợ lùm cây.
Quạ kêu vang bốn phía.
Xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu.
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét
Dân nghèo cùng kiệt
Kẻ lưu lạc tha phương
Người chết chợ chết đường.
Trừ bọn lòng lang dạ thú không thương 
Ai ai thấy nỏ đau lòng xót dạ
Sẵn bút đây ta tả
Đế ghi lại vài câu.
Cho ngàn vạn năm sau.
Biết cảnh tình cơ cực
Là cái đời Tự Đức


(Chú thích: Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao - Hát giặm Nghệ Tĩnh - Tập II).

Đời người nông dân là thế. Còn lính thì lương cũng không đủ ăn, thợ mỏ giỏi nhứt cũng chỉ có 3 quan tiền và một phương gạo mỗi tháng. Trong khi đó "mỗi vua đều có hàng trăm bà vợ, chia làm 9 bậc: bậc nhứt mỗi năm được hưởng 1.000 quan tiền, 300 phương gạo, 60 tấm lụa, 48 bộ quần áo; bậc thấp nhứt cũng có 180 quan tiền, 286 phương gạo, 12 tấm lụa. Hoàng thái hậu lương mỗi năm 10.000 quan, 300 phương gạo, 60 tấm lụa, gặp thượng thọ thì tiến cung thêm 5 vạn, thượng thọ vua thì tiến cung thêm 2 vạn. Lương, thái tử 1.000 quan, 360 phương gạo, hoàng tử 500 quan, 360 phương gạo, công chúa 360 quan, 360 phương gạo. Tất cả những người trong tôn nhân phủ đều hưởng lương cao. Thỉnh thoảng lại có thưởng riêng (Chú thích: Đại Nam Thực lục).

Khi đương chức đương quyền ông vua nào cũng lo xây cái “hậu sự" cho mình thật nguy nga đồ sộ gọi là "nền nhà muôn thuở" (vạn niên cơ) hao tổn không biết bao nhiêu sức người sức của, gây nên bao nhiêu khổ cực cho trăm họ.

Song, so với đời sống của các vua chúa châu Âu cùng thời, sự xa hoa sang giàu của các vua quan triều Nguyễn cũng không có gì là ghê gớm lắm. Hơn nữa, thực tế lịch sử cho thấy phần lớn những kẻ có chức có quyền ở đâu và thời nào cũng đều có khuynh hướng bòn rút của dân bằng cách này hay cách khác để vun đắp cho cuộc sống của riêng mình và dòng họ. Nhưng điều đáng nói ở đây là cuộc sống của vua quan nhà Nguyễn góp phần làm cho đất nước càng ngày càng nghèo đi và nhân dân ngày thêm cơ cực.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:37:51 pm »

Tự Đức lên ngôi năm 1847, thừa hường cái “di sản" mục ruỗng do hậu quả của chính sách cai trị của các triều đại trước. Vua quan nhà Nguyễn củng cố quyền lực của mình từ nhãn quan về thế giới và từ đường lối tổ chức chánh trị theo kiểu Trung Quốc. Trung Quốc vừa được xem như là một kẻ thù chính, nhưng cơ chế xã hội Trung Quốc cũng được coi là mẫu mực cần tham khảo đối chiếu. Chính cơ chế này với hệ thống tư tưởng, học thuật, quan chế, pháp luật... lỗi thời, lạc hậu đã gậm nhấm tiềm năng, sức sống dân tộc Việt Nam. Mặt khác chính bản thân Tự Đức cũng góp phần thúc đẩy sự khủng hoảng của triều đại nhà Nguyễn ngày càng trầm trọng hơn không gì cứu vãn được. Ý thức được tình hình bi đát của triều đại mình, Tự Đức đã nhiều lần xuống chiếu “tìm người hiền và cầu lời nói thẳng", nhưng thực tế nhiều đề án cải cách canh tân đều bị vua quan nhà Nguyễn xếp vào ngăn kéo.

Oằn vai vì "gánh nặng di sản", vua Tự Đức thường lúng túng trong việc đối phó với nhiều vấn đề. Trong đó, kinh tế là vấn đề nổi cộm. Nguồn tài chính của triều đình chủ yếu chỉ dựa vào thuế thân và thuế ruộng đất, còn tiểu thủ công và ngoại thương thì không đáng kể, nhưng ngoại thương phần lớn đều nằm trong tay người Hoa. Giao thương với các nước phương Tây thì e ngại vô tình tạo điều kiện cho sự xâm nhập của đạo Gia tô. Có lúc Nam kỳ bán một số lúa gạo cho Philippine, Mã Lai, Campuchia thì nặng về chánh trị hơn là thương mại. Chánh sách bế quan tỏa cảng cũng góp phần không nhỏ trong việc kìm hãm đối với sự phát triển của các nghề tiểu thủ công. Chánh sách bế quan tỏa cảng và chánh sách “trọng nông ức thương" của triều đình nhà Nguyễn đã làm sức dân ngày một hao mòn cùng kiệt. Ngay khi Tự Đức lên ngôi, Trương Quốc Dụng đã tâu: "Tài lực của nhân dân không bằng năm sáu phần mười năm trước ". Và mười ba năm sau khi bắt đầu chống lại quân xâm lược Pháp, Nguyễn Tri Phương đã phải than rằng: "Quân và dân ta của đã hết, sức đã yếu".

Rõ ràng là do cố duy trì một cơ chế xã hội đã lỗi thời kìm hãm sức sống của dân tộc trong nghèo nàn lạc hậu, thêm vào đó là thiên tai, là sự xa hoa của triều đình, người dân chỉ còn mỗi con đường là đứng lên chống đối; đất nước vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, triều đình không còn hơi sức chống đỡ khi bị ngoại xâm. Nên Tự Đức tỏ ra lúng túng đối phó với thực dân Pháp khi chúng tấn công chiếm Nam kỳ là lẽ đương nhiên.

II. Về nét đặc trưng của Nam kỳ trước lúc Pháp xâm lược

Bên cạnh thực trạng chung của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, Nam kỳ có những nét riêng đáng lưu ý. Nam kỳ là vùng đất mới khai phá, màu mỡ, thưa dân. Đây vừa là nơi dung thân lý tưởng của đám lưu dân từ miền Bắc, miền Trung vào - khi thấy không thể sống nổi ở quê nhà vừa là nơi có khả năng cung cấp lúa gạo cho cả nước. Sau hàng loạt các cuộc di dân tự phát, triều đình nhà Nguyễn mới tổ chức những đợt di dân, cơ chế đưa binh lính, tù phạm tổ chức thành đội ngũ vào, với mục đích "giữ giặc, yên dân"; nhằm khai phá vùng đất "hoang nhàn" này để giải quyết những mâu thuẫn xã hội đã nêu trên.

Xuất phát trên cơ sở đó, chánh sách đơn điền ở Nam kỳ hình thành do động cơ chiếm hữu tư nhân về ruộng đất, đã nhanh chóng biến thành sở hữu lớn của điền chủ và các quan cai quản đồn điền. Từ đó, chế độ tư hữu ruộng đất ở Nam kỳ có nhiều điểm dị biệt so với miền Trung và Bắc. Một bộ phận khá đông lưu dân đến vùng đất mới không đủ sức tự khai phá, họ phải dựa vào thế lực của người giàu có, của sở đơn điền. Do đó, họ nhanh chóng trở thành tá điền. Đành rằng chánh sách khẩn hoang mà thực tế là tăng cường thế lực kinh tế cho tầng lớp điền chủ giàu có, kéo theo đó, là nạn bao chiếm ruộng đất... nhưng về mặt xã hội đất hoang được khai phá, sản lượng lương thực Nam kỳ sung túc, đời sống nông dân ở đây có khá hơn miền Trung và miền Bắc.

Từ những năm cuối thế kỷ thứ 18, lúc Nguyễn Ánh còn chiếm giữ Gia Định, việc phát triển nông nghiệp được chú ý bằng chính sách khai hoang lập ấp và sau có thêm chính sách khai hoang lập đồn điền.

Có hai loại đồn điền: một loại đồn điền được Nhà nước phong kiến cấp sở phí và phương tiện canh tác cho quân lính đi khai hoang. Một loại đồn điền khác cũng được Nhà nước phong kiến trợ cấp các hình thức như thế nhưng dân mộ được tổ chức thành đội ngũ. Cả hai đất thuộc về Nhà nước phong kiến. Nhưng điểm khác nhau là đồn điền loại một thì Nhà nước phong kiến quản lý toàn bộ sản lượng, còn đồn điền loại hai thì người canh tác được chia một phần sản lượng của mình làm ra.

Năm 1802, khi lên ngôi, Gia Long đã chú ý khai thác vùng đất phương Nam cho lập đồn điền ở Phước Long (Biên Hòa), Tân Bình (Gia Định), Kiến An (Định Tường); và Định Viễn (Vĩnh Long). Bấy giờ không những quân đội lập đồn điền mà tư nhân cũng được phép lập đồn điền. Nhưng nhìn chung triều Gia Long thích phát triển đồn điền loại một. Còn loại hai, nhà nước phong kiến tuy có đổi mới bằng chủ trương giảm sưu thuế, nhưng dần dần bị quân sự hóa, nghĩa là cũng bị ép phải theo loại một.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:39:06 pm »

Triều Minh Mạng tiếp tục chính sách đồn điền của triều Gia Long. Thời kỳ này đồn điền được quân sự hóa toàn bộ và được phát triển đến tận Côn Đảo, Hà Tiên với mục đích bảo vệ an ninh biên giới. Minh Mạng lại táo bạo hơn vua cha là cho phép sử dụng lực lượng tù phạm để khai phá đất hoang. Nếu trước kia đồn điền được gọi theo tên đơn vị hành chánh địa phương thì từ năm 1822 trở về sau được mang tên theo phiên hiệu quân đội:

Đồn điền ở Phước Long mang tên Gia Phước.

Đồn điền ở Định Viễn mang tên Gia Viễn    

Đồn điền ở Tân Bình mang tên Gia Bình

Đồn điền ở Kiến An mang tên Gia An (Chú thích: Đại Nam Thực lục chính biên, quyển 17, đệ nhị kỷ.)

Cuối đời Minh Mạng, năm 1840, để tăng nguồn thuế triều đình chủ trương lấy đất đồn điền cấp cho nông dân. Lúc mới thành lập đồn điền chắc chắn có nhiều trường hợp xâm phạm địa giới đất đai tư nhân. Nay giải thể chắc có những "nông dân" lợi dụng quyền thế chiếm hữu những mảnh đất màu mỡ mà không tốn công sức. Việc xáo trộn đất đai này sinh nhiều bất công uất ức nên đã là một trong những nguyên nhân khiến một vài nơi nổi loạn.

Năm sau, Thiệu Trị lên ngôi thấy tình hình diễn biến càng khó khăn nên lật đật giải tán toàn bộ đồn điền ở Nam kỳ. Từ đó, triều đình chỉ cho phép nông dân khai hoang lập ấp theo hình thức dân sự.

* Cuộc vận động khôi phục chính sách đồn điền được diễn ra từ năm 1850 đến 1852:

Tháng Giêng năm Canh Tuất (1850), Nguyễn Tri Phương được cử làm Kinh Lược sứ Nam kỳ thì sáu tháng sau ông đã dâng sớ trình bày 13 việc, mà việc đầu tiên là "họp dân lập đồn điền để giúp sinh kế". Tháng 11 năm ấy ông lại xin sửa sang hai việc ở Lục tỉnh, trong đó có việc “họp dân nghèo túng lại lập đồn điền để giúp kế sinh sống" (Chú thích: Đại Nam Thực lục chính biên, quyển 27, đệ tứ kỷ.). Ngoài ra Nguyễn Tri Phương còn đề nghị nhiều biện pháp táo bạo để khuyến khích người mộ và ứng mộ. Trong ý kiến đề nghị của Nguyễn Tri Phương tuy không nói cụ thể nhưng rõ ràng đây là ý kiến đồn điền loại hai. Triều thần Tự Đức có đem ra bàn bạc, nhưng có lẽ chưa hiểu hết ý đồ của Nguyễn Tri Phương, và cũng có lẽ ngần ngại hao tốn mà chỉ đạt ý đồ “yên dân" nên kết luận “việc họp dân chúng làm đồn điền có điều bất tiện" (Chú thích: Quốc triều chính biên.)

Chính sách đồn điền bị quên lãng ba năm. Nhờ Kinh Lược phó sứ Phan Thanh Giản (bổ sung từ năm 1851) đồng tình với Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương, thấy mục đích “yên dân" không đủ sức thuyết phục nên đã bổ sung thêm mục đích "giữ giặc" nữa. Kết quả hai mục đích này đã thuyết phục được triều thần, nhất là bản thân vua Tự Đức, nên đầu năm Quí Sửu (1853), đề nghị của Nguyễn Tri Phương được chấp thuận, “đất Nam kỳ liền với Cao Miên, dân xiêu tán nhiều. Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về, đôn đốc việc khai khẩn, nuôi dân ăn, thiệt là một cách quan yếu để giữ giặc và yên dân” (Chú thích: Quốc triều chính biên). Nguyễn Tri Phương lãnh nhiệm vụ thực hiện chương trình của mình đề ra.

* Thế là chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương được thực hiện từ năm 1853 đến năm 1859:

So với các triều đại trước, triều Tự Đức không chủ trương trực tiếp đứng ra mộ dân mà giao cho những người tình nguyện. Những người tình nguyện đứng ra chiêu mộ hoặc tình nguyện ứng mộ có thể là người ở Nam kỳ, người miền Trung, kể cả người Thanh, người Minh Hương, người Khơ Me (Chú thích: Vùng đồn điền Xoài Tư (cũ) có rất nhiều người gốc hoa mang họ Từ, Âu... Ở đây có một tôn giáo là đạo Minh sư hay đạo Phật đường còn đậm nét văn hóa người Hoa.). Đầu tiên, đồn điền được khôi phục ở An Giang, Hà Tiên... ưu tiên cho vùng biên giới. Nhưng sau đó, có lẽ, Nguyễn Tri Phương tiên đoán bọn tư bản Tây phương sẽ thôn tính Nam bộ nên đề nghị được phép mở rộng ra khắp sáu tỉnh Nam kỳ.

Sau một năm vất vả, Nguyễn Tri Phương đạt được kết quả: mộ được 32 ấp ở Gia Định, 60 ấp ở Vĩnh Long, 23 ấp ở An Giang, 9 ấp ở Định Tường, tổng cộng 124 ấp. Ngoài ra Nguyễn Tri Phương còn mộ dân lập được 7 cơ đồn điền ở Vĩnh Long mang phiên hiệu Long Hùng, Long Dũng, Long Tự, Long Hựu, Long Minh, Long Vinh, Long Nghĩa. Lập hai cơ ở An Giang, phiên hiệu An Vũ, An Dũng, lập 2 cơ ở Hà Tiên: phiên hiệu Hà Kiên, Hà Nghĩa, lập 1 cơ ở Biên Hòa là Biên Dũng, lập 6 cơ ở Gia Định: phiên hiệu Gia Trung, Gia Thuận. Gia Hùng, Gia Nhuệ, Gia Tráng, Gia Tiệp. Lập 3 cơ ở Định Tường là Tường Kiến, Tường Nhuệ, Tường Uy. Tổng cộng 21 cơ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:40:30 pm »

Riêng những ấp đã khai hoang có hiệu quả ở vùng biên giới, nay vì mục đích bảo vệ an ninh, trong năm 1854 phải dồn lại thành lập 2 cơ đồn điền mang tên Ninh Biên nhất và nhị. Năm sau tiếp tục dồn lại lập cơ tam và cơ tứ (Chú thích: Đại Nam Thực lục chính biên,  quyển 11, đệ tứ kỷ.). 

Đó là những con số do Nguyễn Tri Phương báo cáo khoảng giữa  năm 1854. Trong thực tế những con số này thường xuyên biến động. George Durwell trong Bulletin de la Société des études Indochinoises số 36 năm 1898 cho biết lúc Pháp mới xâm chiếm thì ở Nam kỳ có 24 cơ đồn điền, chia ra như sau: Vĩnh Long có 5 cơ, An Giang có 2 cơ, Biên Hòa 4 cơ, Gia Định 7 cơ và Định Tường 6 cơ.

Nếu so sánh hai bản thống kê chúng ta thấy ở những vùng xa xôi như Vĩnh Long, Hà Tiên có tình trạng đồn điền bị dồn lại vì dân phiêu tán. Trái lại ở vùng đất hẹp người đông như Biên Hòa, Gia Định, Định Tường dễ chiêu mộ nên số lượng càng ngày càng phát triển. Đồng thời. thực hiện triệt để với mục đích “giữ giặc", "yên dân", nên bất cứ giá nào nhà Nguyễn cũng duy trì đồn điền ở biên giới.

Một tư liệu cụ thể nữa là trong bia kỷ niệm Tiền Hiền Nguyễn Tú lập năm 1876 tại làng Mỹ Trà (Cao Lãnh) cho biết, Phạm Văn Khanh vốn là tên quân đồn điền về sau đã phản bội Võ Duy Dương đã tự nhận mình trước kia từng làm Ban biện suất đội, đội Một của cơ Tường Võ thứ tám. Căn cứ vào việc đặt phiên hiệu, chúng ta biết cơ đồn điền này thuộc tỉnh Định Tường, lập sau thời điểm Nguyễn Tri Phương báo cáo và cũng có thể sau khi Goerge Durwell thống kê. Để đạt được kết quả vừa kể nhìn chung chính sách đồn điền triều đình Tự Đức có nhiều điểm khá rộng rãi:

Thứ nhất: là việc sử dụng nhân sự: Theo qui chế khai hoang lập ấp thì chỉ cần có 10 dân đinh bảo đảm số sưu thuế khoán. Tất nhiên với lực lượng lao động như thế không thể nào tấn công vào thiên nhiên được mà phải dung nạp thêm một số dân lậu. Triều đình qui định như thế tức là chấp nhận dân lậu, khuyến khích những người giàu có đi khai hoang cũng là nhằm mục đích để họ phải bỏ tiền ra đóng thay số thuế cho những người dân lậu.

Qui chế mộ dân lập đồn điền còn linh động hơn nữa. Ngoài việc chấp nhận dân lậu triều đình còn cho phép sử dụng cả lực lượng tù phạm, nếu tội phạm nào có khả năng chiêu mộ, được hương lý và thân thích bảo lãnh thì tạm tha cho đi mộ. Mộ đủ số thì tha tội (Chú thích: Đại Nam Thực lục chính biên. quyển 10, đệ tứ kỷ: Dân An Giang có tên Bùi Văn Chiếu khổ vì khó tìm cách sinh sống, bèn trình lý trưởng rồi họp bọn với Bùi Văn Uyển và 4 tên nữa để đi ăn chộm hai lần. Chiếu đến cửa cổng thú tội. Tỉnh thần bàn nên phạt Chiếu 100 trượng, còn các tên khác 80 trượng và bắt chúng nhập vào đồn điền để khai thác). Trong khi chỉ đạo thực hiện, dù Nguyễn Tri Phương có nhiều cố gắng nhưng không sao tránh khỏi những bất công áp bức, nhất là. nạn cho vay nặng lãi. Năm 1850, ngay khi nhận chức Kinh Lược sứ, Nguyễn Tri Phương đã .nhận thấy điều đó nên nhắc lại qui định của triều đình, chỉ cho vay một vốn một lời, mỗi tháng không quá 3 phần. Địa chủ phải giảm tô cho tá điền vào những năm mất mùa. Nhưng chắc chắn những lời kêu gọi suông của Nguyễn Tri Phương không đạt kết quả vì những người đi khai hoang đợt này vốn đã nghèo khổ mà không được chánh quyền giúp đỡ, họ chỉ biết trông dựa vào những người giàu có gần gũi họ thôi.

Việc sử dụng dân không căn cước, sử dụng lực lượng tù phạm mà không có biện pháp tích cực giúp họ về tinh thần cũng như vật chất nên khi bị quẫn bách, họ chỉ có hai con đường: hoặc trở lại con đường cũ hoặc bỏ trốn mà sinh ra tình trạng xáo trộn hộ khẩu (Chú thích: + Đại Nam Thực lục chính biên. tập 13: Binh đội đồn điền ở Định Tường tên Nguyễn Văn Đình họp bọn với cướp. + Đại Nam Thực Lục chính biên tập 10 và tập 15 cho biết giữa năm 1854, án sát Gia Định là Lê Văn Nhượng đã đề nghị xóa sổ đinh bỏ hơn 20.000 tên. Gần cuối năm 1856 Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển lại đề nghị xóa 13.800 tên nữa.). 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:41:32 pm »

Thứ nhì: Trong giai đoạn đầu khai hoang lập đồn điền, lập ấp triều đình chấp nhận khai man diện tích đất đai và giảm thuế khóa để thu hút dân chiêu mộ.

Buổi đầu, Nguyễn Tri Phương đề nghị để người ứng mộ đồn điền tự do khai khẩn đất hoang. Ba năm, công việc thành khoảnh mới khai báo để tiến hành lập bộ sổ. Nông dân khai hoang lập ấp cũng được ân huệ đó. Sau 3 năm mới đóng thuế tượng trưng, và sau 10 năm mới đóng thuế theo ngạch ruộng tư. Những qui định này giúp nông dân nhận thấy nếu lỡ thất bại có thể còn lối xoay trở nên dễ bị thu hút vào.

Về biểu thuế, năm 1854, Nguyễn Tri Phương đề nghị mỗi người dân đồn điền đồng niên nộp sưu 2 hộc, người dân lập ấp nộp 3 hộc. Nhưng Tự Đức thấy biểu thuế như thế sợ quá cao nên chỉ cho áp dụng thí điểm một vài nơi; sau ba bốn năm sẽ quyết định. Cuối cùng, sau ba năm, quyết định mỗi mẫu đồng niên nộp một hộc rưỡi mà mỗi người chỉ được khai khẩn tối đa 4 mẫu (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chính biên lập 16, đệ tứ kỷ). Ở Nam kỳ thời bấy giờ bất kỳ ruộng công hay tư đồng niên mỗi mẫu ruộng tốt (thảo điền) nộp 26 thăng và 3 tiền, mỗi mẫu ruộng gò (sơn điền) nộp 23 thăng và 3 tiền (Chú thích: Đại Nam hội điển. quyển 37). Nếu tính theo đơn vị đo lường nhà Nguyễn mỗi hộc bằng 26 thăng, chúng ta thấy hai biểu thuế tương đương. Như thế tại sao nông dân bị việc khai hoang thu hút vào? Thực tế nông dân thời đó bị một cổ đôi tròng. Ở những vùng đông dân đất hẹp nông dân phải đóng tô cho địa chủ rất nặng nên lúc nào họ cũng có khuynh hướng tìm đất mới. Biểu thuế như thế vừa lợi ngân quỹ, vừa thu hút nông dân.

Một điểm đáng lưu ý là Tự Đức đã thấy những phức tạp sắp xảy ra nên chỉ cho mỗi người khai khẩn tối đa 4 mẫu. Quy định này nhằm hạn chế những kẻ có thế lực chiếm cứ nhiều, làm trung gian trục lợi, mà không thực tâm khai phá. Nhưng chắc chắn qui định này không được thực thi triệt để vì trong thực tế có những người quyền thế đã chiếm hữu khá nhiều ruộng đất (Chú thích: Ở Mộc Bài (Hậu Mỹ-Cái Bè, Tiền Giang) có lãnh binh Trần Đăng Trạch chiếm hữu rất nhiều ruộng đất (không rõ số lượng cụ thể) chỉ biết ông đã chia cho cháu nội là Trần Văn Tâm tu tại chùa Minh Sư (Cai Lậy-Tiền Giang) 100 mẫu.).

Đặc điểm nữa là triều đình đã nghiên cứu và đưa ra "qui chế thi đua " thật cụ thể. Người mộ được một đội đồn điền được bổ nhiệm Chánh đội hưởng suất đội (Chánh thất phẩm) người mộ được một cơ được bổ nhiệm Cai cơ thí sai Phó Quản Cơ (Chánh lục phẩm). Một khi khai hoang cày cấy có kết quả thì cơ chế đồn điền được chuyển sang cơ chế hành chánh. Đội được chuyển thành ấp, cơ chuyển thành tổng. Các viên suất đội, Phó Quản Cơ được chuyển qua làm ấp trưởng, Tổng trưởng; ở hình thức khai hoang lập ấp cũng qui định khen thưởng rõ ràng như thế. Người đứng ra chiêu mộ không được các chức tước, mà chỉ được các chức hàm dân sự, thấp hơn hai bậc. Người mộ được 30 người thì được tha thuế thân và tha sai dịch suốt đời. Mộ được 50 người thì được thưởng hàm chánh cửu phẩm bá hộ. Được 100 người thì được thưởng hàm chánh bát phẩm bá hộ. Và vẫn được bổ nhiệm các chức vụ tổng lý (cai tổng, lý trưởng).

Hình thức mộ dân khai hoang lập ấp, hoàn toàn giao khoán cho tư nhân. Chắc chắn ít khi họ thất bại vì trước khi bỏ vốn ra họ phải suy tính kỹ lưỡng. Mà dù có thất bại thì cũng chỉ thiệt thòi cá nhân, không ảnh hưởng đến triều đình. Thế nên ở lĩnh vực này triều đình chỉ cần khen thưởng, không cần răn phạt. Trái lại, ở hình thức mộ dân lập đồn điền việc răn phạt đi đôi với khen thưởng. Nếu người ứng mộ đã cày cấy được 2 mẫu trở lên (tức được phân nửa qui định) thì người chiêu mộ mới được khen thưởng. Nếu cày cấy chưa được 2 mẫu thì gia hạn cho một năm. Hết gia hạn mà vẫn chưa được 7/10 qui định thì chủ mộ sẽ bị răn phạt (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chính biên, tập 27. đệ tứ kỷ). Điều này chứng tỏ triều đình đặt hình thức mộ dân lập đồn điền lên hàng đầu nên có nhiều biện pháp cứng rắn hơn.

Song, nhằm mục đích thúc đẩy các địa phương thi đua thiết lập đồn điền, năm Tự Đức thứ 7 (1854) triều đình cũng qui định khen thưởng và răn phạt các quan lại địa phương: Chương trình thành lập đồn điền dự tính trong ba năm. Năm 1854 là năm đầu, các địa phương phải đôn đốc mộ dân khai khẩn 4/10 kế hoạch, năm 1855 và 1856 mỗi năm thực hiện 3/10. Địa phương nào trong năm đầu đôn đốc mộ dân khẩn ruộng làm nhà hoàn thành kế hoạch năm ấy, thì theo thứ hạng được khen thưởng:

Hạng nhất quan địa phương được gia 1 cấp. 

Hạng nhì quan địa phương được thưởng kỷ lục 2 thứ.

Hạng ba quan địa phương được thưởng kỷ lục 1 thứ. 

Hạng tư quan địa phương được thưởng 3 tháng tiền lương.

Nếu trong 4/10 kế hoạch toàn bộ mà năm đầu: 

Thiếu 1/10 thì quan địa phương bị phạt 6 tháng lương.

Thiếu 2/10 thì bị giáng một cấp nhưng được lưu nhiệm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2009, 07:42:46 pm »

 Qui định khen thưởng hai năm sau giống như năm đầu. Tự Đức giao cho tỉnh theo dõi (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chính biên tập 28, đệ tứ kỷ). 

Tuy thời gian khôi phục và thực hiện chỉ có bảy năm (1853-1859), nhưng nhờ có Nguyễn Tri Phương tích cực và được Tự Đức ủng hộ nên chính sách đồn điền thời bấy giờ đem lại thắng lợi như sau:

- Khai hoang, mở rộng diện tích canh tác nhất là diện tích ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước phong kiến.

- Nhà nước phong kiến thu được một số sản lượng nông nghiệp.

- Nhà nước phong kiến giảm được lương tiền cấp cho quân đội và tù phạm.

- Cuối cùng, chính sách đồn điền đã góp phần bảo đảm trị an, bảo vệ được vùng biên giới, sau này trở thành một trong những cơ sở cung cấp sức người sức của cho các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam kỳ.

* Tuy vậy, chính sách đồn điền không phải đã dễ dàng thành công

Lập đồn điền là một kế sách mà Nguyễn Tri Phương đặt nhiều tâm huyết với mục đích "giữ giặc, yên dân". Nó gần giống như "Tân Pháp" của Vương An Thạch, đem nhiều ích lợi thiết thực nên được đông đảo quần chúng ủng hộ, nhưng kế sách này không phải xuôi chèo mát mái ngay từ đầu. Nó bị nhiều lực cản từ các phía.

Nguyễn Tri Phương đã thấy các lực cản đó và nhận xét như sau: ''tôi xét thấy việc lập đồn điền vẫn lợi nước lợi dân mà không lợi cho tổng lý cho nên tổng lý đặt điều để phỉnh dân. Những người nói bất tiện đó chẳng qua chúng phỉnh mà thôi (Chú thích: Quốc triều chình biên).

Tại sao bọn tổng lý ở địa phương ngăn cản bước phất triển đồn điền? 

Theo họ, vì nếu cho lập đồn điền thì dân trong địa phương họ quản lý có thể bỏ sang địa phương khác làm ăn nếu thấy vùng đất này màu mỡ hơn và như thế địa phương họ sẽ thiếu sưu thiếu thuế. Cũng có trường hợp lập đồn điền thì lưu dân sẽ chiếm những phần đất hoang dự trữ của họ mà họ không thể phản đối. Và một điều chắc chắn là khi lập đồn điền ở địa phương họ thì tình hình an ninh trật tự ở địa phương họ đổi khác. Có khi họ phải vất vả hơn. 

Năm 1854, sau khi thực hiện chính sách đồn điền được một năm thì có nhiều ý kiến phản đối của các quan lại địa phương. Đầu tiên Tổng đốc An Hà là Cao Hữu Bằng cho rằng: “người nào có vật lực phần nhiều không chịu ứng mộ, sợ khó mộ đủ..." (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chính biên, quyển 11. đệ tứ kỷ.). Nhận xét đó rất đúng. Ở các tỉnh biên giới xa xôi như An Giang, Hà Tiên. Do bản chất ngại khó thì có mấy nhà giàu có ở vùng ngoài, ngay cả những vùng Gia Định-Định Tường lặn lội đến đây khẩn đất. Trong khi đó ở những tỉnh đất hẹp người đông thì các nhà giàu có lại thích nhảy vào để chiếm hữu nhiều hơn nữa. Tuần phủ Nguyễn Cửu Trường tỉnh Biên Hòa nhận xét “phần nhiều người nói phóng đại lên một số hão huyền để chiếm trưng những thực điền ruộng đất) (Đại Nam Thực Lục chính biên, quyển 11, đệ tứ kỷ). Tư liệu dân gian cho biết Trương Định đã cưới Trần Thị Sanh, Võ Duy Dương cưới Trần Thị Vàng được gia đình bên vợ ủng hộ lập đồn điền và sau này tiếp tục ủng hộ kháng chiến (Chú thích: Trần Thị Sanh góa phụ Bá hộ Dương Tấn Bổn ở Gò Công. Bà Sanh làm thiếp Trương Định nên đương thời gọi là “bà hầu". Bà “hầu" Trần Thị Sanh rất giàu. Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong có câu “...Gò Công bốn tổng đông giàu. Mà riêng có một bà Hầu giàu to..." Gia phả họ Trần cho biết Trần Thị Sanh đã đưa tiền cho chồng lập đồn điền ở Gia Thuận và cũng đưa tiền cho chồng mua gạo chuyển về Huế cứu đói lúc thực dân Pháp phong tỏa kinh tế. Trần Thị Vàng, con gái bá hộ Trần Văn Học (sui gia với Thủ Khoa Huân) ở Bình Cách.. Trần Thị Vàng làm thiếp Võ Duy Dương. Chưa có dấu hiệu Trần Thị Vàng giúp đỡ chồng tích cực, vì lúc đó bà còn nhỏ chưa có tài sản riêng. Nhưng Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương đã được Bá hộ Học giúp đỡ tích cực, ông rất giàu có, có 464 mẫu đất tốt hàng năm hoa lợi thu gần 7.000 giạ lúa. Chính Bá hộ Học bán ruộng đất mua súng đạn giúp nghĩa quân và dùng nhà mình làm bản doanh khởi nghĩa.).

Một số nhà giàu có khác cũng tích cực ủng hộ như Võ Văn Khoáng ở Tân Hòa (Gò Công) đã hiến 1 vạn quan tiền để góp quỹ xây dựng đồn điền. Nhưng Tự Đức sợ những người này có ý đồ cầu danh lợi nên không nhận.

Tự Đức nhận thấy xây dựng đồn điền có khó khăn và có nhiều ý kiến phản đối. Cuối cùng vào tháng 7, năm Tự Đức thứ 7 (1854) nhà vua quyết định "Lời Nguyễn Tri Phương nói khẩn thiết quả quyết tự đảm đang lấy trách nhiệm, sao nỡ không nghe theo để cho thi thố hết uẩn súc trong lòng”. Nhà vua dứt khoát: "Từ nay chẳng cần bàn tới lợi hại của chính sách đồn điền nữa cho khỏi nghi ngại..."
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:20:46 pm »

Nhưng rồi vẫn có ý kiến chỉ trích. Khoảng tháng 4 năm Tự Đức thứ 9 (1856) án sát Định Tường là Vương Sĩ Kiệt dâng sớ phê bình ba điểm tồn tại trong việc thực hiện chương trình đồn điền.

- Chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang để chúng tập hợp lại cướp bóc.

- Đem tù phạm ghép với người chiêu mộ nên vừa ghép vào chúng có cơ hội bỏ trốn.

- Đồn điền chưa thành hình đã làm sổ đinh, sổ điền dễ làm hại cho dân (Chú thích: Đại Nam Thực Lục chính biên, tập11, đệ tứ kỷ.)

Vương Sĩ Kiệt chĩa mũi nhọn vào những người đề xướng và thực hiện chính sách đồn điền, phê bình Kinh Lược sứ Nguyễn Tri Phương là khư khư bảo thủ nên chẳng dám có ý kiến. Phê bình Tham biện Phạm Thế Hiển xuôi tay áo ngồi nhìn, trên bảo sao đều nghe vậy.

Cuộc tranh luận bùng nổ.

Bộ Hộ binh vực Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển cho rằng hai ông đều hết lòng bàn bạc để mong công việc thành công tốt đẹp. Bộ nhận xét rằng Vương Sĩ Kiệt cố tình vạch một hai điểm là mong được tiếng cương trực. Đề nghị không nên bàn cãi nữa.

Tự Đức cũng có ý binh vực Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển nên giao nguyên tập sớ của Vương Sĩ Kiệt cho Nguyễn Tri Phương nghiên cứu. Nhưng Tự Đức cũng muốn tránh tiếng thiên vị, giao cho bộ Lại gặp Vương Sĩ Kiệt tìm hiểu vấn đề cụ thể hơn nữa để giải quyết hai bên thỏa đáng.

Ngự sử Nguyễn Ích Khiêm thừa dịp đề nghị giảm bớt số lượng đồn điền để số lượng quân đội tăng thì biên giới sẽ vững chắc hơn nữa. Nguyễn Ích Khiêm đề nghị 6 tỉnh nên giữ 6 cơ đồn điền, cắt bỏ 15 cơ. Tự Đức cũng giao cho Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển nghiên cứu ý kiến của Nguyễn Ích Khiêm.

Nguyễn Tri Phương nghiên cứu hai ý kiến thấy không thể thực hiện được. Nhưng ông nhìn nhận có sự sai sót nên đề nghị hai biện pháp cứu chữa:

- Xin gia hạn sau ba năm nữa đồn điền có kết quả mới tiến hành đo đạc và làm địa bạ.

- Xin giúp đỡ quân đồn điền hai cơ tam và tứ Hướng Thiện đóng ở Vĩnh Tế mỗi người mỗi tháng 1 phương gạo. Sau ba năm không trợ cấp nữa.

Vua cho rằng đây là việc to, không nên kể hao phí nhỏ, chuẩn y lời Nguyễn Tri Phương.

Vương Sĩ Kiệt tiêu biểu cho đám quan lại triều Nguyễn. Họ xuất thân Khoa bảng, theo lối học từ chương. Trái lại Nguyễn Tri Phương xuất thân từ ngạch thư lại rồi do thực tài mà được trọng dụng nên bị nhiều người ghen ghét.

Nguyên Vương Sĩ Kiệt làm án sát Định Tường được một năm thì trong địa phương đã xảy ra 8 vụ án cướp bóc. Trời hạn hán. Thời bấy giờ quan niệm ở địa phương việc hình án không thỏa đáng nên bị trời phạt. Kiệt dâng sớ về kinh đợi tội. Tự Đức giao nhiệm vụ cho Nguyễn Tri Phương tìm người thay thế, nhưng rồi chưa tìm người xứng đáng hơn nên để Kiệt ở chức vụ cũ. Vương Sĩ Kiệt chỉ trích chương trình đồn điền của Nguyễn Tri Phương là phản ứng trả thù. 

Nhưng rồi Vương Sĩ Kiệt vẫn còn thuộc quyền Nguyễn Tri Phương quản lý, sợ Nguyễn Tri Phương cố chấp, nên lấy cớ trước kia có lần giải quyết 2 vụ án không thỏa đáng, nay tuổi già học kém lại bươi móc Nguyễn Tri Phương sợ không đảm đang được chức vụ cũ.

Tự Đức cho rằng Vương Sĩ Kiệt thấy Nguyễn Tri Phương làm việc không chu đáo lại hay bảo lưu ý kiến. Kiệt vì chức vụ thấp hơn nên không dám nói, từ đó mới bất mãn. Trước khi chỉ trích kế sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Vương Sĩ Kiệt đã có ý rút lui. Bây giờ sợ Nguyễn Tri Phương không tha thứ nên lấy cớ trốn tránh. Tự Đức vốn ủng hộ việc làm của Nguyễn Tri Phương nên khen Vương Sĩ Kiệt lấy lệ rồi rút Kiệt về kinh đô cho bộ lại xét nghị, để Nguyễn Tri Phương rảnh tay thi hành chương trình của mình.

Qua đó chúng ta thấy chánh sách đồn điền không phải thực hiện được một cách dễ dàng. Song, công cuộc khẩn hoang ở Nam kỳ trước khi Pháp xâm lược, nhờ công sức của đám lưu dân nói chung và điều kiện thiên nhiên thuận lợi, đã biến Nam kỳ thành nơi chẳng những sản xuất lương thực đủ ăn mà còn cung cấp một phần lúa gạo cho các nơi khác và có khi còn xuất qua các cửa khẩu: Cù lao Phố, Bến Nghé, Bãi Xào và Hà Tiên. Nhưng với số lượng rất hạn chế vì chánh sách bế quan tỏa cảng và xuất khẩu vì lý do chánh trị hơn là thương mại. Chính chánh sách này cũng đã kiềm hãm không ít nền sản xuất đang lên của vùng đất mới khai phá này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 19 Tháng Ba, 2009, 06:21:53 pm »

Trước khi đánh chiếm Nam kỳ (2/1859) đô đốc Rigault de Genouilly đã báo cáo về Pháp:

“Khí hậu các tỉnh này rất tốt, đất màu mỡ, nuôi được dân địa phương và sản xuất có thừa để bán đi Trung Quốc... sông rạch chằng chịt và sự lưu thông thương mại dễ dàng.

Sài Gòn cũng là vựa lúa cung cấp một phần lương thực cho Huế, cho quân đội An Nam, mỗi năm tháng ba phải chở lúa ra Bắc” (Chú thích: Dẫn lại theo cuốn Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập II của Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự. NXB Giáo Dục Hà Nội 1959, trang 72.)

Chiếm được thành Gia Định ngày 18/2/1859 thì ngày 23/2/1859, thực dân Pháp đã ra lịnh giảm 50% thuế quan cho tàu thuyền nước ngoài ra vào tự do buôn bán. Chính sách đó đã khơi nguồn cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tăng vọt lên vì đã tìm được một thị trường tiêu thụ ổn định.

Được như thế là nhờ mồ hôi, nước mắt có khi cả xương máu của những người đi “khai cương thác địa". Họ đã gian khổ khắc phục những khó khăn ở vùng đất mới hoang vu đầy rừng rậm thú dữ: 

Ra đi dao bảy giắt lưng;
Ngó sông, sông rộng ngó rừng, rừng cao...
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn.
Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma


Biết bao người đi khai hoang, người dân đồn điền đã ngã xuống trong rừng sâu nước độc, và bao nhiêu người khác nữa cũng đã vĩnh viễn không trở về vì kiệt sức trong lúc đào kinh khơi nguồn nước ngọt vào đồng ruộng, hay đã mất xác vì cá sấu, cọp beo:

U Minh, Rạch Giá, Thị Quá, Sơn Trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua
.

Họ, những người đi khai hoang, những người dân đồn điền, những người đi tiên phong trong công cuộc khai phá miền Nam, những chiến sĩ nghĩa quân chống Pháp; ngày nay họ chỉ còn được biết qua hình ảnh của các vị tiền hiền lập làng lập ấp trong các chuyện dân gian mà thôi.

Chân dung của họ như thế nào?

Tổ chức đồn điền là tổ chức bán quân sự. Theo qui định cứ 50 người biên chế thành một đội, có một viên chánh đội trưởng suất đội và một Ban biện suất đội chỉ huy. Đội được mang số thứ tự từ một đến mười. Mười đội, tức 500 người họp thành một cơ, do một Quản cơ, Phó Quản cơ hiệp quản, Điển ty và mười Đội trưởng chỉ huy. Cơ đồn điền có phiên hiệu, theo từng tỉnh. Khi khai hoang thành khoảnh thì có thể chuyển từ cơ chế đồn điền sang cơ chế dân sự. Đồn điền trở thành làng, cơ trở thành tổng.

Song song với hình thức khai hoang lập đồn điền còn có hình thức khai hoang lập ấp. Đây là tổ chức dân sự, không bị nhiều câu thúc. Chỉ cần đủ 10 người dân hợp pháp để lập sổ đinh và bảo đảm sổ sưu thuế khoán của đơn vị họ. Họ được tự do khai phá, cày cấy. Khi thành khoảnh thì một ấp hoặc vài ba ấp họp lại thành làng. Dân đồn điền sinh hoạt theo nội qui quân đội. Họ phải sống tập trung, Pallu de la Bamègre trong Histoire de l’expédition de Cochinchine en 1861 (mà A. Schreiner trích dẫn trong Les lnstitutions annamites en Basse Cochinchine avant la conquête Fransaise -1900) đã mô tả khu doanh trại đồn điền như sau: “Ngôi nhà của viên quản đồn điền ở giữa, có một chiếc cổng, một chiếc trống không có chiến lũy bao quanh... ". Có chiếc trống hiệu lệnh chứng tỏ rằng thời gian sinh hoạt của dân đồn điền chặt chẽ. Có thể họ ra đồng hoặc xong việc trở về nhà theo trống lệnh. Cũng có thể họ tập hợp để luyện tập võ nghệ, hoặc sinh hoạt khác theo các điệu trống khác nhau.

Ngoài thời gian đồng áng, những lúc rảnh rỗi người dân đồn điền phải luyện tập võ nghệ và canh gác. Điểm canh thường đặt ở các vàm sông rạch, nơi có ghe thuyền qua lại " (Des chasseaux, đã dẫn chứng ở đoạn trước) cho biết: "Việc canh gác cũng như việc ra trận khi có chiến tranh là những bắt buộc quân sự duy nhất đối với đồn điền".

Theo tài liệu điều tra của Pháp lúc chúng mới đặt chân đến Nam kỳ thì đầu mỗi năm dân đồn điền phải tập hợp về tỉnh duyệt binh và ba năm có cuộc thi võ nghệ múa gươm và bắn súng để thăng cấp. 
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM