Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:36:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười  (Đọc 51635 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #70 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:18:13 am »

Bước vào cuộc kháng Pháp, Võ Duy Dương đã thấy và nhanh chóng khắc phục mặt yếu của mình, ông đã liên kết với thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, một khoa bảng tiếng tăm ở Ba Giồng, đang là giáo thọ phủ Kiến an (Định Tường), mới có tư cách nhứt định đứng ra hiệu triệu nhân dân (Chú thích: Sau này, Đinh Công Tráng, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Đình cũng có hành động giống ông. Đinh Công Tráng không là quan lại cũng không là văn thân tiêu biểu để gây tin tưởng trong dân chúng ông đã liên kết với đốc học Phạm Bành, một nhà khoa bảng, đứng ra kêu gọi mới có tác dụng). Rồi với tư cách là một đầu mục nghĩa dõng, ông táo bạo vượt biển về kinh, hiến kế chống giặc ngoại xâm; được triều đình giữ lại dẹp giặc biển và giặc Đá Vách ở Quảng Ngãi, ông đem sở trường của mình ra thi thố hầu tạo ra cái mà mình chưa có. Dẹp được giặc, ông được phong Chánh bát phẩm Thiên hộ. Ông lại quay vào Nam với tư cách này: “dù là một võ quan cấp thấp nhưng vẫn có thể hơn một anh nhà nghèo tha phương cầu thực". Lúc đầu, Võ Duy Dương dựa vào uy tín văn thân của Nguyễn Hữu Huân, nhưng từng bước Võ Duy Dương đã tạo ra được cho mình cái uy thế quan triều đình, một điều kiện hết sức cần thiết để hiệu triệu dân chúng dưới xã hội phong kiến.

Đánh giặc cần phải có người có của. Muốn có người có của phải dựa vào dân. Hai hạng người mà Võ Duy Dương dựa vào là nông dân và điền chủ.

Vốn là một lưu dân đi khẩn hoang, nên Võ Duy Dương rất gần gũi. gắn bó với nông dân, dân lậu, dân đồn điền. Tình cảm tâm tư của những hạng người này đối với ruộng vườn, đất nước cũng là tình cảm tâm tư của Võ Duy Dương. Khắp nơi từ Ba Giồng đến Đồng Tháp Mười, có lẽ trong thời kỳ đi khẩn hoang Võ Duy Dương đều có lui tới. Bản thân Võ Duy Dương cũng có những khổ cực nhọc nhằn, lo toan như bao lưu dân khác. Trên cơ sở đó, trong quá trình chiêu mộ nghĩa dõng, dù Võ Duy Dương không có cái thế của Trương Định, không có cái thế của Phan Đình Phùng sau này, nhưng ông đã nhanh chóng quy tụ được hàng ngàn người. Võ Duy Dương quả thật là một lãnh tụ nông dân khoác áo quan triều đình trong kháng chiến chống Pháp ở Nam

Nhưng đại bộ phận nông dân dân đồn điền đều nghèo khổ, đóng góp của họ cho kháng chiến chủ yếu là sức người, là xương máu. Đóng góp lúa gạo làm quân lương, tiền bạc mua vũ khí phải trông cậy vào đám phú hào, điền chủ. Điền chủ ở Nam kỳ lúc bấy giờ có tới hàng ngàn mẫu ruộng là chuyện thường. Đời sống của họ gắn chặt với ruộng đất và tá điền để thu tô. Thực dân Pháp xâm lược sẽ cướp đất đai của họ, nên họ sẵn sàng bỏ lúa gạo ra nuôi quân, tung tiền bạc ra mua súng đạn. Võ Duy Dương đã triệt để khai thác tình hình này, với tư cách là quan Thiên Hộ, Võ Duy Dương quan hệ, liên kết với nhiều điền chủ, chủ ruộng (Chú thích: Ở Nam kỳ, có sự phân biệt rõ: điền chủ là chủ đất (không gọi là địa chủ). Còn chủ ruộng, không phải là chủ đất mà người đứng ra thuê ruộng của điền chủ rồi mướn người làm để thu huê lợi. Chủ ruộng thường là giàu có) giàu có để có một nguồn tài lực nuôi quân. Một trong những điền chủ có quan hệ mật thiết với ông là bá hộ Trần Văn Học ở thôn Bình Cách, huyện Kiến Hòa (Định Tường), nơi Võ Duy Dương lập căn cứ, ông này có tất cả là 447 mẫu ruộng (Chú thích: Theo di chúc của Trần Văn Học lập năm 1876) hàng năm thu trên dưới 7.000 giạ lúa ruộng. Trần Văn Học đã từng ủng hộ lúa gạo nuôi quân, bán lấy tiền mua súng đạn cho nghĩa quân, sau lại gả người con gái là Trần Thị Vàng cho Võ Duy Dương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:19:10 am »

Cuộc kháng chiến Võ Duy Dương kéo dài suốt 7 năm (1859-1866). cuối cùng cũng bị đàn áp như các phong trào khác. Bên cạnh những nét chung của cuộc kháng Pháp ở Nam kỳ, cuộc kháng Pháp của Võ Duy Dương có mấy điểm đáng lưu ý :

So với các lãnh tụ nghĩa quân khác, trong suốt quá trình kháng chiến, Võ Duy Dương có mối liên hệ khá chặt chẽ với vua Tự Đức. Trước khi ký hòa ước Sài Gòn (1862), Tự Đức đã lần lượt phong chức Chánh quản đạo rồi quản cơ cho Võ Duy Dương, sau đó, Tự Đức còn phong cho Võ Duy Dương làm Chánh Đề Đốc. Qua hai bản tấu trình của Võ Duy Dương gởi cho Tự Đức, chúng ta thấy nhiều lần Tự Đức cử các đoàn kinh phái đến liên hệ với Võ Duy Dương; ngay cả khi Võ Duy Dương sắp vào lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười, Tự Đức đã cử một kinh phái và một thị vệ đến tiếp xúc với ông. Qua mối quan hệ này, chúng ta thấy rõ chánh sách hai mặt của triều đình, muốn dùng lực lượng kháng chiến để khôi phục ba tỉnh miền Đông. Nhưng do thái độ nhu nhược, thiếu cả quyết của Tự Đức cộng với tư tưởng chủ bại, cầu hòa của một số quan lại đã biến chủ trương nhân nhượng với Pháp lúc đầu dần dần trở thành chủ trương đầu hàng nhục nhã. Xuất thân là một lưu dân, có chút ít công lao với triều đình và được ân thưởng hàm chánh bát phẩm Thiên hộ, Võ Duy Dương không hề bị cái hàm ân đó lôi cuốn, không để nghĩa quân thần chi phối hoạt động của mình, mà ông chiến đấu vì lợi ích của nhân dân. Trong cuộc hội kiến với Kinh phái Nguyễn Tánh vào tháng 6 năm 1864, ông đã nói: “tôi bày tỏ với sứ giả của nhà vua là tôi sẽ rút lui vào Tháp Mười ẩn náu đợi thời cơ để quật trả một trận mới và nhắn rằng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân" (Chú thích: Gustave Jeanneau - Tlđd ). Qua mối quan hệ này chúng ta càng thấy rõ cuộc chiến đấu của Võ Duy Dương nhằm đạt mục tiêu cao nhứt là độc lập dân tộc và sự vẹn toàn lãnh thổ. Mục tiêu này càng lộ rõ khi ông chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ, mặc dù trong thâm tâm ông chưa hề có dấu hiệu phản kháng đối với ý thức hệ phong kiến.

Chọn Đồng Tháp Mười làm căn cứ là một bước tiến trong quá trình lãnh đạo kháng chiến của Võ Duy Dương. Trong thời kỳ đầu chống Pháp: có hai căn cứ làm thực dân Pháp lo sợ nhứt là Tân Hòa (Gò Công) và Tháp Mười. Tân Hòa có ưu thế là vùng đất trù phú đông dân cư tiếp tế dễ dàng, nhưng địa hình trống trải không thuận lợi cho cuộc chiến tranh du kích. Lập căn cứ ở Tháp Mười là Võ Duy Dương khắc phục nhược điểm của Tân Hòa về mặt địa hình. Đồng Tháp Mười rộng mênh mông dày ken tràm lau sậy với muỗi đỉa, rắn rết, đường giao thông hầu như không có; một địa bàn lý tường cho loại hình du kích chiến, cho một lực lượng nhỏ yếu đương đầu với một lực lượng lớn mạnh. Do địa hình, nghĩa quân sáng tạo nhiều lối đánh phong phú, đa dạng. Với địa hình này, nghĩa quân ở thế công hay thế thủ đều thuận lợi. Từ đây nghĩa quân tập kích địch ở vùng tạm chiếm, rút về an toàn nhờ địa hình che giấu bảo vệ. Nếu bị tấn công, nghĩa quân lúc ẩn lúc hiện tiêu hao lực lượng địch, làm địch mệt mỏi phải rút lui. Mạng lưới sông rạch chằng chịt ở vùng ven Đồng Tháp Mười còn cho phép nghĩa quân tổ chức những trận du kích chiến linh hoạt với kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ và sáng tạo thêm, tạo điều kiện cho họ giành ưu thế trước quân thù trên các trấp các bưng đầy lau sậy muỗi đỉa, rắn độc ở đây kẻ ngoại xâm rơi vào thế trận của Đất, Nước và Người, do đó không những đối phó với một cộng đồng mà còn đối phó với cả một truyền thống... Nên không lạ gì dù chiếm ưu thế về binh khí kỹ thuật và phương tiện chiến tranh nhưng không sao chúng kiểm soát được Đồng Tháp Mười (Chú thích: Địa chí Đồng Tháp Mười. Nhiều tác giả- NXB CTQG - Hà Nội 1996 tr.239). P. Vial đã cay cú: "Đồng Tháp Mười ở tây bắc Mỹ Tho, nơi trú ẩn của quân phiến loạn An Nam, dùng như là căn cứ bất khả xâm phạm mà từ đó kẻ thù có thể tiến hành hàng ngày nhiều cuộc tấn công vào các làng mạc của chúng ta mà ta không thể trừng trị được” (Chú thích: Paulin Vial Sđd tr 39.) 

Đồng Tháp Mười còn có lợi thế nữa vì nó là đầu cầu để liên lạc giữa miền Đông và miền Tây Nam kỳ, giữa Campuchia và vùng Đông Nam kỳ. Nhưng ngược lại, Đồng Tháp Mười cũng có một hạn chế rất lớn là không thể tự túc sản xuất lương thực, còn khâu tiếp tế từ bên ngoài cũng hết sức khó khăn vì không có đường giao thông. Võ Duy Dương đã thấy rõ điều này. Muốn cho căn cứ Tháp Mười phát huy tác dụng, khâu quan trọng phải giải quyết là tiếp tế. Khi còn hoạt động ở Ba Giồng, Võ Duy Dương nhận ra thế "phên dậu" nương tựa nhau giữa Ba Giồng và Tháp Mười. Ba Giồng là vùng đất khai thác, lâu đời trù phú đông dân ở Định Tường sau đất Gò Công, sức người sức của dồi dào, nên trong các con đường tiếp tế (đường gạo) được hình thành từ căn cứ Tháp Mười đã có tới ba đường hướng ra Ba Giồng: Cái Nứa, Cai Lậy, Trấn Định (Tân Hiệp). Ngoài ra để nhận sự tiếp tế từ các tỉnh miền Tây con đường gạo từ Cần Lố vào Tháp Mười cũng được hình thành. Trên các con đường gạo, các đội vận lương với phương tiện xuồng ghe, cộ trâu, lìa trâu đã mang về cho nghĩa quân mọi vật dụng cần thiết cho sinh hoạt và chiến đấu từ sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân khắp nơi ở Nam kỳ. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:20:52 am »

Hơn thế nữa, từ 1864, 1865 trở đi, khi căn cứ Giao Loan và Tân Hòa thất thủ, Đồng Tháp Mười là chiến khu lớn nhứt đóng vai trò trung tâm của phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ lúc bấy giờ. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ và liên lạc của Đồng Tháp Mười cùng sự liên kết chặt chẽ giữa Võ Duy Dương và các lãnh tụ nghĩa quân khác trên vùng đất tạm chiếm là những yếu tố tạo ra sự qui tụ ấy. Trần Kỳ Phong một thuộc tướng của Phan Trung, năm 1865 đã kéo quân từ Giao Loan về Đồng Tháp Mười. Đầu năm 1866 Bùi Quang Diệu (Quản Là) thủ lãnh nghĩa quân quan trọng nhứt của vùng Cần Đước, Cần Giuộc cũng đã liên kết chặt chẽ với Vô Duy Dương.

Chọn Tháp Mười làm căn cứ, cho thấy Võ Duy Dương đã là một lãnh tụ nghĩa quân có tầm nhìn chiến lược; tổ chức cho căn cứ hoạt động có hiệu quả; quả thật, Võ Duy Dương là một nhà quân sự có tài.

Lấy một nơi như Tháp Mười làm căn cứ còn bộc lộ quyết tâm chống giặc của Võ Duy Dương. Thật vậy, trong bất cứ tình huống nào ông cũng một lòng đem hết sức mình ra đánh đuổi cho kỳ được bọn xâm lược. Từ một lưu dân, có thể nói ông thuộc lớp người ở dưới đáy của xã hội đương thời, ông đã tạo cho mình một địa vị nhứt định trong xã hội hầu có một uy tín tối thiểu để hô hào mọi người tham gia kháng chiến. Quyết tâm này cũng hiện rõ hơn vào tháng 4/1863 khi ông và nghĩa quân bị quân Pháp bao vây, phong tỏa ở khu vực Xoài Tư (Định Tường). Ông đã cho nghĩa quân phân tán về các làng mạc, bản thân ông với 100 chiến sĩ luồn lách hành quân lưu động nhiều nơi ở Nam kỳ để xây dựng lại lực lượng tiếp tục chiến đấu. Đến tháng 8/1864, lúc lực lượng kháng Pháp ở Nam kỳ rơi vào tình trạng bi thảm, Trương Định hy sinh, Nguyễn Hữu Huân bị bắt, tất cả tiền bạc vũ khí quyên góp mua được đều rơi vào tay giặc; Tự Đức lại cử kinh phái Nguyễn Tánh đến tận Tháp Mười khuyên ông nên giải giáp nhưng ông vẫn quyết tâm ở lại chiến đấu chống giặc đến cùng. Trong hai bản tấu trình ông gởi cho Tự Đức đều toát lên nguyện vọng lớn lao của ông là được đánh giặc thu hồi đất đai đã mất. Khi bị quân Pháp đánh bật ra khỏi căn cứ Tháp Mười ông vẫn liên kết với Trương Quyền (con Trương Định), Poucombo để đánh địch, gây cho chúng thiệt hại nặng ở đồn Tây Ninh và dự định cùng nhau thành lập chiến khu ở tổng Cầu An Hạ; nhưng lại bị thực dân Pháp mang đại quân càn quét. Trước khi ông vượt biển về Trung, ông gởi mật báo cho Tự Đức; có lẽ, nội dung của mật báo này cũng bao hàm nguyện vọng tiếp tục được chiến đấu.

Để thực quyết tâm đánh giặc và thắng giặc, ngay từ khi tham giạ kháng chiến, Võ Duy Dương chủ trương liên kết thống nhứt các lực lượng kháng chiến. Lúc hoạt động ở Ba Giồng, ông liên minh chiến đấu cùng Trần Xuân Hòa và đặt lực lượng của mình dưới quyền chỉ huy chung của Trương Định. Sau khi Trần Xuân Hòa hy sinh, ông điều Nguyễn Hữu Huân về chỉ huy căn cứ Thuộc Nhiêu để thống nhứt lực lượng nghĩa quân Ba Giống. Sau khi Trương Định hy sinh, ông rút về lập căn cứ ở Tháp Mười, ông đã khéo léo qui tụ, tập hợp thống nhứt chỉ huy các lực lượng kháng chiến ở ba tỉnh miền Đông Nam kỳ. Chung quanh ông, ngoài những võ tướng có tài tập hợp từ trước như Nguyễn Văn Cẩn ((Đốc binh Cẩn), Lê Văn Ong (Đốc binh Ong), Lê Văn Khả (Đốc binh Khả), Nguyễn Tấn Kiều (Đốc binh Kiều), Nguyễn Văn Linh (Thống Linh), Nguyễn Văn Biểu (Phòng Biểu)...; ông còn tập hợp thêm Bùi Quang Diệu (Quản Là), người chỉ huy trận Cần Giuộc tháng 12/1861; Trần Kỳ Phong nguyên là quản cơ sau thăng Thượng biện quân vụ đạo Phước Lộc, sau khi Trương Định hy sinh đã theo Phan Trung rút về Biên Hòa đến 1865 rút về Đồng Tháp Mười với Võ Duy Dương. Ngoài ra còn có Trương Quyền (con Trương Định), Trần Văn Phú (Trần Võ), Nguyễn Trị . . . Thống nhứt lãnh đạo chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ trong thời kỳ đầu là một nét đặc biệt không tìm thấy ở Trung và Bắc kỳ sau này. Chính nhờ điều đó mà Trương Định rồi đến Võ Duy Dương đã hình thành được bộ máy chính quyền kháng chiến. Một số tài liệu của Quốc sử quán, của thực dân Pháp cho biết Võ Duy Dương đã cử Bùi Quang Diệu làm Tổng đốc Gia Định, Trần Văn Trà làm Tuyên phủ sứ; ông Thành, ông Nên làm Tổng binh.. Và trong một trận đánh Bùi Quang Diệu (Quản Là) đã giết được 4 tên lính Pháp, bắt sống 1 tên giải về Tháp Mười là trung tâm thống nhứt chỉ huy bộ máy kháng chiến ở Nam kỳ trong thời gian 1 864- 1866.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:21:19 am »

Một nét độc đáo nữa trong cuộc kháng chiến Võ Duy Dương mà ít tìm thấy ở các cuộc kháng chiến khác. Đó là sự hiện diện trong hàng ngũ nghĩa quân những người lính Tagal, những lính Pháp. Sự hiện diện này là kết quả một chánh sách tuyên truyền giáo dục cảm hóa được những người lính trong hàng ngũ đối phương. Không phải dễ dàng gì để cho những người lính này thấy được công cuộc chiến đấu của ta là chánh nghĩa và họ đến đây xâm lược xứ sở ta là phi nghĩa, đồng thời lôi cuốn họ đứng vào hàng ngũ nghĩa quân đánh trả lại thực dân Pháp. Võ Duy Dương làm được điều này, chứng tỏ ông đã triệt để khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để đẩy mạnh "công tác địch vận" có kết quả. Điều này còn cho ta thấy được Võ Duy Dương ít nhiều cũng nắm bắt được một lực lượng thông tin nhứt về tình hình quốc tế lúc ấy. Cụ thể hơn hết là vào đầu năm 1865, lợi dụng lúc một phái đoàn của chính phủ hoàng gia Nhựt Bổn đi công cán ở các nước châu Âu ghé qua Sài Gòn, Võ Duy Dương đã tung tin tuyên truyền Nhựt Bổn ủng hộ Việt Nam chống Pháp xâm lược. Đành rằng công cuộc tuyên truyền này chỉ gây được kết quả nhứt định. Nhưng qua đó, ta suy nghĩ, có lẽ, Võ Duy Dương cũng biết được Nhựt Bổn lúc ấy như thế nào mới tung ra cái tin như thế.

Còn một điểm nữa cũng khá nổi bật trong cuộc kháng chiến Võ Duy Dương, đó là sự liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp của hai dân tộc Việt Nam, Khmer. Trong thời gian 1863-1864, khi Nguyễn Hữu Huân quyên góp tiền bạc ở vùng An Giang, Võ Duy Dương hành quân lưu động sang đây; hai ông đã liên kết với Acha-xoa, một thủ lãnh nghĩa quân người Khmer. Về sau Võ Duy Dương còn cùng Trương Quyền liên minh với một thủ lãnh nghĩa quân Khmer khác là Poucombo. Sự liên minh chiến đấu này trước mắt chỉ là sự đoàn kết nương tựa vào nhau của hai lực lượng yếu nhằm chống lại một kẻ thù chung mạnh hơn. Nhưng thực ra, nó còn bao hàm ý nghĩa sự liên minh giữa hai dân tộc, từ lâu đã có truyền thống giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tồn tại; sự thịnh suy, còn mất của nước này, dân tộc này nhứt định sẽ ảnh hưởng đến dân tộc kia, nước kia. 

Các đặc trưng nêu trên cho thấy rõ ràng Võ Duy Dương chẳng những là một thủ lãnh nghĩa quân có quyết tâm chống giặc cao độ mà còn là một lãnh tụ kháng chiến có năng khiếu về tổ chức và chánh trị, có tầm nhìn chiến lược sâu rộng và đặc biệt rất nhạy bén trước mọi thay đổi của tình thế.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #74 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:22:09 am »

Tư liệu Pháp có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Võ Duy Dương

Tư liệu 1:


Ngày 19/7/1865 đội Lộc (Chú thích: Durrwel - Trần Bá Lộc tổng đốc de Thuận Khánh " - Tập Kỷ yếu Đông Dương Học Hội - 1901) đệ nhị lục cá nguyệt.) tr. 39-40. Tức Trần Bá Lộc (1839- 1899), một trong những tay sai khét tiếng của thực dân Pháp. Người làng Tân Đức, cù lao Giêng (An Giang), năm 1861 còn bán cá cho quân đội Pháp ở chợ Mỹ Tho, sau theo cha Mare rồi đi lính bản xứ cho thực dân Pháp. Y thẳng tay tàn sát lực lượng kháng chiến và đồng bào để phục vụ chủ Pháp nên thăng chức rất nhanh. Năm 1862 làm cai thú lại, 1863 lên đội hạng nhì (dưới quyền Philastre) rồi đội hạng nhứt sau khi bắt được một số nghĩa quân ở Rạch Gầm. Tháng 7/1865 làm lại huyện Kiến Phong, tháng 9/1867 làm tri phủ, do công chiếm được một đồn của Thiên Hộ Dương và tham gia chiếm 3 tỉnh miền Tây. Y có công lớn trong việc đàn áp cuộc khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá và được thăng đốc phủ sứ (15/8/1868). Ngày 1/7/1886 Pháp bổ y làm Tổng đốc Thuận Khánh, y đàn áp cuộc khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng thẳng tay, không còn nghĩ gì đến tình đồng bào, đồng loại.

Trước hành động tàn bạo man rợ của y. Chính toàn quyền Paul Doumer cũng xác nhận: “Việc ấy đã biết dư, cố nhiên phải như vậy! Nếu muốn (nhân nghĩa) và chớ chi còn kế hoạch nào khác, thì thà đừng sai hắn cầm binh...") được bổ làm tri huyện ở Kiến Phong (Cái Bè) (Chú thích: Lúc ấy, tỉnh Định Tường có 2 phủ và 4 huyện. Huyện Kiến Phong, trước khi Pháp xâm lược huyện lỵ đóng tại thôn Mỹ Trà.). Cái Bè thuở ấy là một vị trí quan trọng, tiền đồn của Mỹ Tho ngóng qua Vĩnh Long nơi triều đình còn nắm chủ quyền.
 
Ngày 22/7/1865, một bọn phiến loạn (Chú thích: Tức nghĩa quân Võ Duy Dương) võ trang bằng súng kíp vài khẩu thần công đến cướp bóc (Chú thích: Từ bọn thực dân thường dùng để chỉ các cuộc tấn công của nghĩa quân) chợ Mỹ Trà (Chú thích: Nay thuộc thị xã Cao Lãnh) Lính mã tà ra sức chống cự dưới sự điều khiển của huyện Lộc. Bọn phiến loạn chạy mất, bên này tịch thu được một khẩu thần công. Năm sau xảy ra trận tấn công Đồng Tháp Mười (17/4/1866).

Từ lâu rồi, chánh phủ chú ý đến vùng Đồng Tháp Mười này. Bọn phiến loạn ẩn núp, được triều đình tiếp tế vũ khí lương thảo. Sau khi thất bại ở Mỹ Trà, chúng chưa chịu thua. Cuối tháng ba chúng cả gan tấn công chợ Cái Nứa” (Chú thích: Nay thuộc thị xã Cao Lãnh). 

“Chánh phủ quyết định mở cuộc chinh phạt. Ba cánh quân gồm lính Pháp và mã tà do quan ba Gally Passebose và huyện Lộc chỉ huy kéo đến tấn công vào huyện chánh mà bọn phiến loạn xây dựng giữa vùng sình lầy Đồng Tháp Mười. Dọc đường 5 tiền đồn nhỏ của loạn quân (Chú thích: Tức các đồn Tiền, đồn Hữu, đồn ấp Lý, đồn Sa Tiền đồn Bắc Chiêng.) bị triệt hạ. Tiền đồn cuối cùng gọi là Đồn Tải trong đồn có đến 350 người, 40 khẩu thần công và nhiều súng nhỏ.

Ngày 17, ba cánh quân đến trước đồn chánh (Chú thích: Tại Gò Thấp ngày nay). Nhưng loạn quân đã rút lui tản mác khắp vùng bưng biền. 

Ngày 18/5/1866, huyện Lộc, người đã từng được huy chương (médaille militaire) hồi năm ngoái được thêm huy chương danh dự bằng bạc" (Chú thích: Durrwell - Trần Bá Lộc tổng đốc de Thuận Khánh" - Tập Kỷ yếu Đông Dương Học Hội - 1901 (đệ nhị lục cá nguyệt) tr. 39-40.). 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #75 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:24:18 am »

Tư liệu 2:


"Dưới trào đô đốc Roze, 1865 biến cố quan trọng nhứt là việc tấn công vào làng Mỹ Trà (Sa Đéc) (Chú thích: Vào thời điểm nghĩa quân tấn công Mỹ Trà. Mỹ Trà vẫn còn thuộc huyện Kim Phong, tỉnh Định Tường. Sau tháng 2/1867, Mỹ Trà thuộc sở tham biện Cần Lố, và sau nghị định ngày 5/1/1867 Mỹ Trà mới thuộc sở Tham biện Sa Đéc.)

Hàng trăm quân phiến loạn từ Đồng Tháp Mười kéo vào làng, mang vài cây súng, 2 khẩu thần công và gươm giáo. Hương chức làng huy động dân chúng đánh đuổi bọn ấy; chúng bỏ lại một tên bị thương. Bên phe làng thì 1 chết, 3 bị thương.
Đô đốc Roze khen ngợi dân làng, tặng 1.000 quan để thết tiệc và tặng riêng cho Hương quản Khanh (Chú thích: Tức Phạm Văn Khanh, người Mỹ Trà Cao Lãnh, con của Phạm Văn Giai, trước y có tham gia mộ dận lập đồn điền trong cơ Tường Võ (một trong các cơ đồn điền trong tỉnh Định Tường Tường Kiên, Tường Nhuệ, Tường Uy) với chức ban biện suất đội. Sau tham gia kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ nghĩa quân Võ Duy Dương Cuối cùng y đầu hàng thực dân Pháp chống lại nghĩa quân, được thực dân Pháp ban chức Quản bộ đạo.) một cái đồng hồ trái quít vì ông này có công chỉ huy cuộc kháng cự" (Chú thích: A. Schreiner - Abrégé de l'histoire d'annam ". Sài Gòn 1906. tr 269.)

Tư liệu 3:


“Đầu năm 1866, tình hình yên ổn: ngân quỹ thâu các sắc thuế (ba tỉnh miền Đông) tăng đến 5.056.000 quan. Khi đó đô đốc De la Grandière từ Pháp trở qua đến Sài Gòn, nhiều phái đoàn gồm nhiều hương chức bang trưởng đến chúc mừng.

Vì mãn nhiệm kỳ, đô đốc Roze trở về Pháp sau khi gắn Bắc Đẩu bội tinh cho quan phủ Trần Tử Ca (Chú thích: Trần Tử Ca người thôn Hạnh Thông Tây (phủ Tân Bình - nay là thành phố Hồ Chí Minh) xuất thân là phó cai tổng, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ y ra làm tay sai cho thực dân Pháp, thẳng tay sát hại đồng bào được huyện Sĩ tiến cử nên được thực dân bổ làm tri huyện Bình Long. Nhờ hết lòng làm khuyển mã cho giặc nên thăng đốc phủ sứ mọi người quen gọi là Đốc phủ Ca. Đầu 1885, Quản Hớn cùng nhân dân nổi dậy ở Hóc Môn, giết được y.) và kêu tội Huỳnh Văn Tấn (Chú thích: Tức Huỳnh Văn Tấn người làng Phước Hậu, Chợ Lớn (nay thuộc Gò Công). Cha y là phó quản cơ, sau khi đồn Chí Hòa thất thủ, về Tân An buôn bán có nhiều quan hệ với thực dân Pháp. Còn Tấn đầu quân dưới trướng Trương Định, y thông minh, liều lĩnh, gan dạ được Trương Định tin dùng, nhận làm con nuôi. Y cậy thế ức hiếp dân, cưỡng hiếp phụ nữ. Một hôm y nhận tiền hối lộ của một viên cai tổng theo giặc, đưa tên này trốn khỏi Gò Công. Việc bại lộ, Trương Định muốn xử thêm y, có người can gián. Trương Định tha y, chỉ cách chức và phải lập công chuộc tội. Từ đó y thù ghét Trương Định, nửa năm 1862, y đầu giặc, hết lòng đem thân xác làm khuyển mã cho thực dân Pháp.). viên đội Trần Bá Lộc thì được huy chương (médaille militaire). 
 
Tuy nhiên còn một vùng khả nghi, chưa kiểm soát được: Đồng Tháp Mười. Chúng ta khó đi vào nội địa, nhưng loạn quân chọn nơi ấy làm sào huyệt tốt, ra vào khủng bố các làng kế cận. Họ được tiếp tế vũ khí đạn dược từ Rạch Giá, Hà Tiên chở đến (do triều đình Huế). Đô đốc De la Grandìère phản đối việc ấy, cho rằng vi phạm hòa ước 1862 nhưng triều đình chỉ trả lời bằng những lời “xã giao".

Ngày 20/1/1866, Phan Thanh Giản từ Huế về trấn nhậm ba tỉnh miền Tây với chức Kinh lược. Chúng ta ngỡ rằng vị quan này sẽ ra lịnh ngưng mọi việc nổi loạn, nhưng chuyện đâu vẫn vào đấy như cũ. Lịnh của Phan Thanh Giản vẫn là vô hiệu quả, bọn phiến loạn ở Đồng Tháp Mười ngày càng tăng gia hoạt động. Và đồn bót nhỏ ở vùng Mỹ Tho bị tấn công. Đầu tháng ba (dương lịch) bọn phiến loạn truyền hịch kêu gọi dân chúng nổi dậy, hứa rằng sẽ thành công vì có “người Nhựt Bổn ủng hộ". Họ ngờ rằng nước Nhựt là cường quốc, giỏi về quân sự, trước khi nước ấy đánh thắng Nga về sau này, năm 1905 (Năm 1905, vùng Biên Hòa có khởi loạn, họ cũng rêu rao Nhựt ủng hộ như vậy).

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #76 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:24:29 am »

Cuối tháng ba, loạn quân tấn công chợ Cái Nứa. Lúc trước họ tấn công lần đầu, bị đẩy lui; giờ đây họ trở lại. Mặc dù đẩy lui họ được nhưng chánh phủ thấy rằng không thể kéo dài tình trạng.

Mục tiêu chánh phải diệt trừ là đồng Tháp Mười.

Ba cánh quân đồng tiến vào một lượt do ba ngã sình lầy khác nhau. Tổng sinh lực là 100 lính Pháp, 250 lính mã tà do các đại úy Boubée Paris de la Bollardière, Gally Passebose và quản Tấn. huyện Lộc điều khiển. 

Ngày đầu tiên các tiền đồn của loạn quân đều bị chiếm.

Hai ngày sau (16/4), đại úy Gally tấn công đồn Tả trong đồn có 350 người, 40 khẩu thần công - và một lính Pháp đào ngũ theo phiến loạn từ trước. Đại đội lính từ tàu chiến Fusée đổ bộ kéo tới, tập trung những cánh quân lại để tấn công. Chúng chống trả kịch liệt, nhưng chập sau chạy trốn, bỏ lại đồ đạc vũ khí.

Bên phía chúng ta, 2 người chết, 17 người bị thương, cũng trong ngày ấy, chúng ta kéo đến đồn Tháp Mười nhưng loạn quân đã rút từ trước.

Trong trận này. đạn thì thu được rất nhiều, nhưng loạn quân thì bắt được rất ít, chỉ có hai ba tên thôi! Lãnh tụ Thiên Hộ Dương chạy thoát được nhưng tại Cái Thia, chúng ta bắt được nhiều người An Nam, 2 người Tagal (tức là thổ dân Ma Ní, Phi Luật Tân lúc trước theo quân đội viễn chinh, nay đào ngũ) và tên lính Pháp Linguet nọ.

Trên đường về, ngày 24 tháng 4, 15 lính Pháp phải chết chìm ở sông Vàm Cỏ, chỉ vì các viên chỉ huy của họ thiếu cẩn thận! Chiếc “xà lúp" chở lính chạy về đậu giữa sông, phía sau dòng theo một chiếc ghe lồng (ghe này dùng để đưa rước lính vô bờ). Khi chiếc xà lúp đậu trước chợ Tân An, có lịnh cho binh sĩ bước qua chiếc ghe lồng. Mười lăm lính Pháp mang vũ khí, mang "xắc" hí hởn bước qua ghe, chùm nhùm trước mũi, sau lái, trên mui. Vì họ đứng nên ghe nghiêng qua, nghiêng lại rồi chìm. Bao nhiêu vũ khí hành lý nặng nề khiến họ chìm dưới đáy sông như những khối chì. Chỉ vớt được 11 xác chôn không hòm chung một lỗ "nghĩa địa Tây" chợ Tân An bây giờ. Sau này, tại chỗ hầm chôn có dựng bia. Mộ chí ghi mấy chữ... không đúng cho lắm”:

“Để kỷ niệm những người Pháp đã chết trong cuộc tấn công Tháp Mười, tháng 4 năm 1866"

Chúng tôi (tức A. Schreiner) đã viếng hầm chôn này hồi 14/2/1906). Tài liệu trên đây sưu tầm được nhờ nhã ý của quan chủ tỉnh Tân An là Chanin. Quan chủ tỉnh giới thiệu chúng tôi với huyện hàm Huỳnh Văn Tấn; ông này nói rằng có tham gia cuộc tấn công hồi đó với chức quản mã tà ở Tân An.

Paul Via chép rằng: “chiếc xà lúp chở lính bị chìm, 15 chết trôi ". Như vậy là không đúng.

Cha sở Demareq cai quản họ Đạo Tân An đã giúp thêm tư liệu sau đây khác hẳn giả thuyết vừa nói trên.

Đầu đuôi là hai nạn chết trôi khác nhau chớ không phải nhập một. 

- Nạn thứ nhứt: chiếc ghe lồng chở 7 lính Pháp, 1 đại úy (họ đứng trong mui) cập vô gần tới bờ thì bỗng đâu đụng nhầm một gốc dừa ngập dưới nước, không thấy. Ghe nghiêng qua bên này bên nọ. Họ hoảng hốt ngã qua bên kia để quân bình lại. Ghe chìm họ chết hết, tuy nơi chìm ấy nước không sâu lắm.

Sau đó, 7 người chôn chung một hố, viên đại úy thì chôn riêng, cách chừng 5 thước. Mộ của đại úy thì không ghi tên nhưng chúng tôi đoán đó là đại úy Boubée. Hai viên đại úy kia, sau này người thì tử trận tại Nouvelle Calédonie, người kia thì chết già.

- Nạn thứ hai : xảy ra ở giữa sông sáu người lính Pháp tắm gần một tàu chiến (canonnière) bỗng một người mất dạng. Mấy người kia xúm nhau tiếp cứu nhưng đeo vào nhau thành ra chết cả chùm. Hôm sau chỉ vớt được hai tử thi.

Theo lời Paulin Via (sách Les Premières années de la Cochichine, thì tên lính Pháp Linguet đào ngũ theo Thiên Hộ Dương đã chống cự mãnh liệt và bị bắt sống.

Vài người lính Pháp mỉa mai, hỏi "sao súng của các anh bắn không hiệu quả". Linguet trả lời: "Nếu tao có đạn tốt thì tụi bay phải chết nhiều hơn nữa” (Chú thích: A. Schreiner - "Abrégé de l'histoire d'annam" Sài Gòn - 1906 - trang 271-275.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #77 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:26:40 am »

Tư liệu 4:

Trích: NHỰT KÝ MỘT SĨ QUAN BIỆT PHÁI ĐẾN MỸ THO
(Theo De GRAMMONT)
(Từ 29/8/1861 đến 20/3/1862)

Ngày 29/8/1961: đồn Cai Lậy bị tấn công (bởi nhóm Phủ Cao) (Chú thích: Phủ Cao: tức phủ Cậu Trần Xuân Hòa.) đồn do ông Chasseriau trấn đóng, ông này phải nhờ ông Hanès tiếp cứu và 50 lính bố trí rào giậu quanh đồn lũy.

Ngày 4/9/1861: Các nhóm phiến loạn xuất hiện ở đồn Bourdais trên rạch đồn (Chú thích; Tức rạch sông Bảo Định. đồn này nguyên trước là đồn phòng thủ thứ 5 của ta tên sông Bảo Định, khi Pháp tấn công đồn này, tên đại úy Bourdais bị ta bắn chết nên Pháp lấy tên y đặt tên cho đồn này.), cách Mỹ Tho ba dặm.

Ông Mac-dermont, trung tá hải quân tới tiếp viện để đánh đuổi chúng với lính thủy quân lục chiến.

Ngày 5/9/1861: tịch thu được một chiếc ghe mành chở đầy súng của người An Nam.

Ngày 14/9/1861: khởi hành đi hành binh ở khu bốn công sự (Chú thích: Khu vực nằm giữa Thành Mỹ Tho và Cai Lậy, tức vùng Thuộc Nhiêu, Mỹ Quí.) để tìm Phủ Cao. Ông Desvaux sẽ hành quân sau.

Ngày 15/9/1861: Nhóm Phủ Cao lại tấn công đồn Cai Lậy, ông Chasseriau với hai khẩu súng bắn đá An Nam và hộp đựng thức ăn biến thành đạn sắt vụn, đã chống trả kịch liệt.

Ngày 21/91861: Viện binh đi trên chiếc Norsagoray (Chú thích: viện binh Tây Ban Nha) đến nơi.

Ngày 22/9/1861: Đạo quân thứ hai do trung tá Desvaux chỉ huy bắt đầu hành quân. .

Ngày 23/9/1861: Chiếc thuyền bướm nhẹ Sdevad đã được sử dụng từ 15 ngày qua ở Rạch Gầm, nay đã phá hủy được các đập cản mở đường đến tận Thuộc Nhiêu.

Ngày 25/9/1861: Chiếm được Mỹ Quí, thân sinh của Phủ Cao bị bắn chết.

Ngày 28/9/1861: Các đạo quân rút về.

Ngày 29/9/1861: Hành quân xuống phía hạ lưu (sông Cửu Long) tìm kiếm những người ám sát xã trường Gò Công.

Ngày 14/10/1861: Chiếc Gougeard bị các đồn lũy ở Cái Thia (Mỹ Luông, Mỹ Đức tấn công. 

Ngày 22/10/1861: Đuổi theo bọn phiến loạn ở đồn Rạch Gầm, (phía dưới Mỹ Tho một chút).

Ngày 30/10/1861: Đánh nhau với quân phiến loạn ở Rạch Gầm, 22 người An Nam bị thương.

Ngài. 3/11/1861: Lại đánh nhau với quân phiến loạn ở Rạch Gầm; 14 người An Nam bị thương.

Ngày 9/11/1861: Sai trinh sát đi do thám phía Mỹ Quí, Phú Mỹ.

Ngày 14/11/1861: Biến động lại bắt đầu trên sông Vàm Cỏ.

Ngày 15/11/1861: Các quan (An Nam) thu thuế ở chợ cũ Mỹ Tho.

Ngày 1711/1861: ám sát, cướp bóc lẻ tẻ, ngay đối với cả người Âu. Một viên đội ở Cai Lậy bị chặn đánh dọc đường.

Ngày 28 - 30/11/1861: Các sự kiện linh tinh khác và các đám cháy trong vùng phụ cận.

Ngày 10//2/1861: Cuộc nổi dậy bắt đầu; mộ người ứng nghĩa tại Mỹ Tho do những người của Phủ Cao.

Ngày 18//2/1861: Tấn công Gia Thạnh, được phòng thủ bởi các ông Robinet và Pineau. 

Ngày 20/12/1861: Tấn công Cái Bè, được phòng thủ bởi các ông Bottel và Gonon. Mỹ Tho bị đe dọa.

Ngày 22/12/1861: ám sát xã trưởng được ta bổ nhiệm ở Mỹ Quí.

Ngày 23/12/1861: ám sát xã trưởng Trung Lương.

Ngày 25/12/1861: Tấn công Cái Bè lần thứ hai bởi quân chánh qui.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #78 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2009, 10:26:51 am »

Ngày 27/12/1861: ám sát xã trường Tân Lý và người nhà; dân cư tỵ nạn ở Mỹ Tho. 

Ngày 28/12/1861. Báo động, cháy và tín hiệu tại các cù lao.

Ngày 29/12/1861: Viên quan họ Lê (Chú thích: chưa rõ là ai.) trình diện ở đó với quân binh Đồn Rạch Gầm bị tấn công, đồn được phòng thủ bởi Rolz de Couzolaz, trung úy thủy quân lục chiến.

Ngày 30/12/1861: Đồn Rạch Kỳ Hôn bị tấn công trên lộ và dưới sông; đồn được phòng thủ bởi các ông Gonon và Thouroude (Ông này sau bị giết khi chuyển về đồn Rạch Tra).

Ngày 2/1/1862: ám sát xã trường Vĩnh Kim Đông.

Ngày 3/1/1862: ám sát xã trưởng Phú Mỹ và người nhà.

Ngày 4/1/1862: Bốn đồn bị vây một lượt (Chú thích: Rạch Gầm, Kỳ Hôn, Cai Lậy, Cái Bè) hành quân để giải vây.

Ngày 5/1/1862: Hành quân đủ các hướng (mỗi hướng 45 người).

Ngày 6/1/1862: Phủ Cao, bị Rieunier bắt ở giữa Cái Bè và Cai Lậy nơi ông ta chuẩn bị tấn công.

Ngày 7/1/1862: Phủ Cao bị treo cổ lúc 9 giờ sáng với bảng hiệu: “Kẻ trộm và kẻ ám sát".

Ngày 8/1/1862: Tấn công và đốt Tai Ti (Chú thích: Không rõ ở đâu.); chúng ta lấy 5 cờ và hai pháo hạm An Nam.

Ngày 10/1/1862: Phong tỏa và tấn công Gia Thạnh bởi các nhóm phiến loạn Gò Công.

Ngày 11/1/1862: Phong tỏa và tấn công Rạch Gầm bởi quân An Nam và 10 pháo hạm. ông Rolz sử dụng đến viên đạn cuối cùng.   

Ngày 22/1/1862: Đốt cháy đồn rạch Kỳ Hôn bởi nhóm phiến loạn Gò Công.

Ngày 23/1/1862: Tấn công hai lần vào Rạch Gầm.

Ngày 28/1/1862: Tấn công đồng loạt 4 đồn. Mưu toan đốt cháy tàu Sham-roch.

Ngày 3/2/1862: Phong tỏa các điểm do chúng ta chiếm đóng.

Ngày 4/2/1862: ám sát chung quanh Mỹ Tho.

Ngày 17/2/1862: Người An Nam đến thử các công sự để xây thành đắp lũy ở Mỹ Tho.

Ngày 18/2/1862 đến 21: Có nhiều đám cháy rất đẹp . 

Ngày 24/2/1862: Di tản khỏi Gia Thạnh, chúng ta bị đuổi theo và pháo kích.

Ngày 26/2/1862: Di tản khỏi rạch Kỳ Hôn; chúng ta bị đuổi theo và pháo kích.

Ngày 27/2/1862: Pháo kích ngày và đêm.

Ngày 28/2/1862: Tấn công Mỹ Tho cũ.

Ngày 1/3/1862: Những trận đánh mới chung quanh Rạch Gầm:

Ngày 2/3/1862: Những trận đánh mới trên sông của Cam-bốt. Lại tấn công Mỹ Tho cũ.

Ngày 3/3/1862: Đêm báo động, pháo kích bắn súng và đêm còn lại 

Ngày 5/3/1862: Nổ chiếc pháo hạm số 25 đưa người di tản Rạch Gầm về; 35 người chết, 20 người bị phỏng.

Ngày 6/3/1862: Tấn công lần thứ ba vào Mỹ Tho cũ.

Ngày 13/3/1862: Mỹ Tho bị tấn công khi hành quân ở Vĩnh Long.

Ngày 20/3/1862: Chiếm Vĩnh Long.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #79 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2009, 10:07:49 am »

Ô Chavani
Đây là một ghi chú về Thiên hộ, xác nhận cái chết của người chiến sĩ xấu số này.


   Kính gởi: ông Chánh sở
Tôi có vinh dự để cung cấp cho ông những tin tức về Thiên-Hộ. Người này tên là Dương đã bỏ trốn sau khi Tháp-Mười bị chiếm, đã lên một chiếc ghe cửa để đi Bình Thuận, trước khi đến xứ này hắn bị tên Lý Sen, cầm đầu một đám cướp biển, tấn công. Lý Sen đi trên một chiếc thuyền mành mà người ta gọi là Thiền du, đã cho liệng xuống biển tất cả những người An Nam trên chiếc ghe cửa này; Lý Sen đã lấy tất cả đồ vật trong chiếc ghe và sau đó cho nhận chìm ghe. Lý Sen đã lục lọi trong một cái rương lớn, đã lấy quần áo, các bằng cấp và cả mũ miện của Thiên Hộ nguyên soái tên là Võ Di Dương.

Lý Sen đã bị bắt thời gian sau đó tại Vĩnh Hội, bị buộc tội cướp bóc nhiều ghe đi biển, bị tên Hai Sĩ tố cáo và tống giam nó vào ngục, nơi đây nó đã tự tử bằng cách cắn lưỡi cách đây (viết không rõ) năm.

Tôi không ngạc nhiên về việc có một người khác tự gọi là Thiên Hộ để thúc đẩy dân chúng như tôi đã báo với ông về phía Trà Vinh, Bắc Tràng, Mõ  Cày và Bến Tre.

Với sự kính trọng sâu xa
đối với ông Chánh sở
Người đầy tớ nhỏ của ông
(Ký tên: Nguyễn Đức Hạnh)

Loang
Con trai của Lý Sen có lẽ bị chất vấn (một chữ không đọc được) ở Linh (?) Lang với một tên giả (Ký tắt không đọc được)
Vợ của Lý Sen


số 9626
Sài Gòn, ngày 26 tháng 9 năm 1869
26 T. của Giám đốc Nội vụ

Gửi Thanh tra Mỹ Tho

Xin vui lòng cho tôi biết có điều gì bất tiện để nhận sự qui thuận của người đàn bà có tên Thị Vàng, vợ không cưới xin của Thiên Hộ và cho phép người này ở tại làng Bình Cách, nơi ở của gia đình người này.
Ký tên : Laugier


Sở Điện Báo NAM KỲ
---***---
VĂN PHÒNG
 Saigon
------
Số 5042

      Tôi trả lời
Ngày 9/10/1869
Số 1726   ĐIỆN TÍN
Mỹ Tho, ngày 29 tháng 9: 1 869, 10g40 sáng

Thanh tra Mỹ Tho

Gửi ông Giám đốc Nội vụ Saigon

Tôi đã trả lời, không thể có tin tức về họ, họ là những người hèn mọn ở Cai Lậy
Về người vợ của Thiên Hộ, tôi không thấy việc nó trở về có gì bất tiện.

TM.Trưởng Buồng Điện tín
Nhân viên


Ký tên: đọc không được





Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM