Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:58:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế  (Đọc 85580 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #30 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:29:33 pm »

Chương 7
Nền văn minh trước vành móng ngựa


“Tôi sẽ đưa anh đi xem một dalang”, Rasy cười nói. “Anh biết đấy, những nghệ nhận múa rối nổi tiếng của Inđônêxia”. Rõ ràng là anh ta rất vui khi thấy tôi quay lại Bandung. “Tối nay ở đây có một dalang rất quan trọng”.

Anh đưa tôi đi qua nhiều nơi trong thành phố trên chiếc xe máy của mình, những nơi mà tôi chưa từng nghĩ là có trên đời, qua những khu nhà kampong truyền thống của những người nghèo Java, trông giống như những ngôi nhà đền nhỏ lợp mái ngói. Ở đấy không có những ngôi biệt thự từ thời thuộc địa Hà Lan và những cao ốc văn phòng sang trọng. Người dân nơi đây rõ ràng là rất nghèo nhưng họ mang trong mình sự kiêu hãnh. Họ mặc sarong batik tuy đã cũ nhưng sạch sẽ, áo sơmi sáng màu, và đội những chiếc mũ rơm rộng vành. Đến bất cứ đâu chúng tôi cũng đều được chào đón bằng những nụ cười. Khi chúng tôi dừng xe, lũ trẻ lao tới để chạm vào tôi và sờ vào lớp vải của chiếc quần bò tôi đang mặc. Một cô bé gài bông hoa đại thơm ngát lên tóc tôi.

Chúng tôi dựng xe gần một rạp hát vỉa hè, nơi có tới vài trăm người đang tụ tập, một số người đang đứng, số khác thì ngồi trên những chiếc ghế xếp. Một buổi tối thật đẹp và bầu trời thật quang đãng. Mặc dù chúng tôi đang đứng lại trung tâm của khu phố cổ Bandung, nhưng không hề có đèn đường, chỉ có những ngôi sao sáng lấp lánh trên đầu. Không khí tràn ngập mùi thơm của những thanh củi đang cháy, của những cây lạc và cây đinh hương.

Rasy biến mất trong đám đông và nhanh chóng quay trở lại với đám bạn mà trước đó tôi đã gặp ở quán cà phê. Họ mời tôi thưởng thức trà nóng, những chiếc bánh nhỏ, và sate, những miếng thịt nhỏ tẩm dầu lạc. Hẳn là trông tôi khá do dự khi ăn thử một miếng sate, vì một trong số những người phụ nữ chỉ vào đám lửa nhỏ và nói với tôi: “Thịt tươi đấy”, cô ta cười, “vừa mới nướng xong”.

Và sau đó tiếng nhạc bắt đầu vang lên những âm thanh văng vẳng bí ẩn của gamalong, một loại nhạc cụ làm người ta liên tưởng tới những tiếng chuông ở đền thờ. “Dalang tự mình chơi tất cả các nhạc cụ”, Rasy thì thầm. “Ông ta cũng điều khiển tất cả các con rối và lồng tiếng cho chúng bằng nhiều ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ dịch cho anh”. Đó là một buổi biểu diễn rất xuất sắc, kết hợp các câu truyện truyền thuyết với các sự kiện đương đại. Về sau, tôi được biết, dalang là một pháp sư và biểu diễn trong trạng thái bị thôi miên. Ông ta có hơn một trăm con rối và lồng tiếng cho mỗi con rối bằng một giọng khác nhau.

Đó là một buổi tối mà tôi sẽ không bao giờ quên, và nó còn ảnh hưởng sâu sắc tới suốt phần đời còn lại của tôi. Sau khi biểu diễn xong một tác phẩm kinh điển trong sử thi Ramayana bằng ngôn ngữ cổ, dalang đem ra một con rối có hình Richard Nixon, đầy đủ cả cái mũi dài và cái cằm sệ đặc trưng. Tổng thống Mỹ mặc trang phục của Chú Sam, áo đuôi tôm cùng cái mũ cao có sao và vạch. Theo sau là một con rối khác mặc bộ vét kẻ sọc có áo gi lê. Con rối thứ hai xách một cái xô có vẽ ký hiệu đồng đôla. Nó dùng tay kia để vẫy một lá cờ Mỹ trên đầu Nixon theo kiểu nô lệ quạt mát cho ông chủ.

Bản đồ Trung Đông và Viễn Đông xuất hiện đằng sau hai con rối, tên rất nhiều quốc gia được treo trên những cái móc theo đúng vị trí của chúng. Nixong ngay lập tức tiến lại gần tấm bản đồ, nhấc Việt Nam ra khỏi móc treo, và nhét vào mồm. Ông ta hét lên một câu được dịch ra là: “Thật nhục nhã! Đồ rác rưởi. Thế này là quá đủ rồi!” Sau đó ông ta ném nó vào xô và tiếp tục làm như thế với các nước khác.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #31 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:31:28 pm »

Tuy vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những lựa chọn tiếp theo của ông ta không phải là những quốc gia Đông Nam Á nằm trong vòng ảnh hưởng của hiệu ứng domino. Thay vào đó, tất cả đều là các nước Trung Đông - Palestin, Kuwait, Saudi Arabia, Iraq, Siri và Iran. Sau đó, ông ta chuyển sang Pakistan và Afghanistan. Mỗi lần như thế, con rối Nixon lại hét lên một bí danh nào đó trước khi ném nước đó vào trong xô, và mỗi lần như vậy lời lẽ chửi rủa của ông ta đều nhằm chống lại đạo Hồi: “Bọn chó Hồi giáo”, “những con quái vật của Mohammed”, và “những con quỷ đạo Hồi”.

Đám đông trở nên kích động, mức độ căng thẳng tăng lên mỗi khi có thêm một nước bị ném vào xô. Họ như bị giằng xé giữa những trận cười, sự căm phẫn và giận dữ. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy họ hết sức khó chịu vì những ngôn ngữ của người điều khiển con rối. Tôi cũng cảm thấy bị đe dọa, và tôi sợ họ sẽ chĩa sự giận dữ về phía tôi. Rồi con rối Nixon nói vài điều khiến tôi tóat cả mồ hôi khi Rasy dịch ra.

“Hãy đưa cái này cho Ngân hàng Thế giới. Xem xem nó có thể làm gì giúp chúng ta moi tiền của Inđônêxia.” Ông ta nhấc Inđônêxia ra khỏi bản đồ và ném nó vào xô, nhưng đúng lúc đó một con rối khác bước ra từ bóng tối. Con rối này đại diện cho một người đàn ông Inđônêxia, mặc áo sơmi batik và quần kaki, ông ta đeo một tấm bảng có in tên của mình trên đó. “Một chính trị gia nổi tiếng ở Bandung”, Rasy giải thích. Con rối này gần như bay đến giữa Nixon và người đàn ông xách cái xô và giơ tay lên. “Dừng lại!”, ông ta hét lên. “Inđônêxia là một nước có chủ quyền”.

Đám đông vỗ tay rào rào. Người đàn ông xách xô năng lá cờ lên và phóng nó đi như một ngọn giáo, đâm vào nhà chính trị Inđônêxia, làm ông này lảo đảo và chết một cách rất bi thương. Khán giả la ó, huýt gió, gào thét, và vung nắm đấm lên.

Nixon và người đàn ông xách xô đứng đó, nhìn xuống chúng tôi. Tất cả cúi chào rồi rời khỏi sân khấu. “Tôi nghĩ tôi nên rời khỏi đây”, tôi nói với Rasy. Anh ta quàng tay qua vai tôi như để bảo vệ. “Sẽ ổn cả thôi”, anh ta nói. “Họ chẳng có ý phản đối cá nhân anh đâu.” Tôi thì không dám chắc. Sau đó tất cả chúng tôi đi về quán cà phê. Rasy và những người khác bảo đảm với tôi rằng họ không được thông báo trước về vở kịch Nixon- Ngân hàng Thế giới. “Anh không bao giờ biết được nghệ sĩ múa rối đó sẽ chuẩn bị diễn vở gì”, một trong những người trẻ tuổi nhận xét. Tôi nói với họ không biết có phải vở kịch đó được công diễn là do sự có mặt của tôi hay không. Ai đó cười và nói quả là cái Tôi trong tôi quá lớn. “Đó là tính cách điển hình của dân Mỹ các anh”, anh ta nói thêm và vỗ vai tôi một cách thông cảm.

“Người Inđônêxia ý thức rất rõ về chính trị”, người đàn ông ngồi trên chiếc ghế bên cạnh tôi nói. “Người Mỹ không đi xem những buổi biểu diễn như thế này sao?” Một cô gái xinh đẹp là sinh viên khoa Anh ngữ tại trường đại học ngồi đối diện với tôi hỏi: “Nhưng có đúng là anh đang làm việc cho Ngân hàng Thế giới không?” Tôi nói với cô ta là nhiệm vụ hiện tại của tôi là làm cho một dự án Ngân hàng phát triển châu Á và Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID). “Chẳng phải cũng như nhau cả sao?” Cô ta không thèm đợi câu trả lời của tôi. “Nó không giống những gì trong vở kịch tối nay hay sao? Chính phủ của anh lại chẳng xem Inđônêxia và các nước khác giống như một chùm...”

Cô ta tìm từ cho phù hợp. “Nho”, một người bạn của cô ta nhắc. “Chính xác. Một chùm nho. Anh có thể chọn lựa kỹ càng. Giữ nước Anh lại. Ăn Trung Quốc và quẳng Inđônêxia đi.” “Sau khi các anh đã vét cạn kho dầu của chúng tôi”, một người phụ nữ khác thêm vào. Tôi cố bênh vực mình nhưng không thể được. Tôi muốn lấy làm tự hào vì tôi đã đến khu này của thành phố và đã ở lại xem một buổi biểu diễn hoàn toàn chống lại nước Mỹ mà tôi đã nhìn nhận như một sự tấn công cá nhân tôi. Tôi muốn họ nhìn nhận lòng can đảm của tôi, biết rằng tôi là thành viên duy nhất trong nhóm nhân viên của MAIN muốn học tiếng Bahasa hay có ý định đón nhận nền văn hóa của họ, và chỉ ra rằng tôi là người nước ngoài duy nhất tham gia vào buổi biểu diễn này. Nhưng rồi tôi quyết định tốt hơn là nên thận trọng không đề cập đến bất cứ điều gì về buổi biểu diễn này. Thay vào đó, tôi cố gắng tập trung vào cuộc nói chuyện. Tôi hỏi họ rằng tại sao ngoại trừ Việt Nam, tất cả những nước mà dalang chọn đều là các nước đạo Hồi.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #32 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:33:35 pm »

Cô sinh viên Anh ngữ xinh đẹp bật cười vì câu hỏi đó. “Bởi vì đó chính là kế hoạch.” “Việt Nam chỉ là khởi đầu”, một người đàn ông xen vào, “như Hà Lan đối với phát xít Đức. Một bàn đạp.” “Mục tiêu thực sự”, cô sinh viên tiếp tục “là nhằm vào thế giới Hồi giáo”.

Tôi không thể làm ngơ trước nhận xét này. Tôi phản đối: “Chắc cô không tin rằng nước Mỹ chống lại đạo Hồi chứ?” “Không à?”, cô ta hỏi lại. “Từ bao giờ thế? Anh phải đọc những gì mà một trong số những nhà sử học của các anh đã viết - một người Anh tên là Toynbee. Vào những năm 50 ông ta đã dự đóan rằng cuộc chiến thực sự trong thế kỷ tiếp theo sẽ không phải là giữa những người cộng sản và những nhà tư bản mà là giữa những người Thiên chúa giáo và những người Hồi giáo.” “Arnold Toynbee đã nói như thế sao?” tôi thực sự sửng sốt. “Đúng thế. Hãy đọc cuốn Nền văn minh bị lên án và Thế giới và phương Tây.” “Nhưng tại sao lại có sự thù hận như thế giữa những người theo đạo Hồi và những người theo đạo Thiên chúa?”, tôi hỏi       

Những người ngồi xung quanh nhìn nhau. Họ dường như không thể tin nổi là tôi lại hỏi một câu ngu xuẩn đến thế. “Bởi vì” cô ta nói một cách chậm rãi, như thể đang nói với người chậm hiểu hoặc bị lãng tai, “phương Tây - đặc biệt là nước đứng đầu, nước Mỹ - muốn thống trị thế giới, để trở thành đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử. Nó cũng đã đến gần sự thành công. Liên bang Xô Viết sẽ không tồn tại lâu. Toynbee đã nhìn thấy điều đó. Họ không có tôn giáo, không có đức tin, không có căn bản vững chắc đằng sau hệ tư tưởng của ho. Lịch sử chứng minh rằng đức tin - linh hồn, một niềm tin vào những quyền năng cao cả - là điều cần thiết. Những người Hồi giáo chúng tôi có nó. Chúng tôi có đức tin mạnh hơn bất cứ ai trên thế giới, mạnh hơn cả những người Thiên chúa giáo. Vì thế chúng tôi chờ đợi. Chúng tôi sẽ ngày càng lớn mạnh.”

“Chúng tôi cứ thong thả” một trong số những  người đàn ông ngắt lời, “và rồi như một con rắn, chúng tôi sẽ tấn công.” “Thật là một ý nghĩ kinh khủng!” Tôi không thể kiềm chế bản thân. “Chúng ta có thể làm gì để thay đổi điều này?” Cô sinh viên Anh ngữ nhìn thẳng vào mắt tôi. “Đừng quá tham làm”, cô ta nói, “và quá ích kỷ như thế. Hãy nhìn nhận là còn có rất nhiều điều khác trên thế giới ngòai những ngôi nhà lớn và những cửa hàng sang trọng của các ngài. Có những con người đang chết đói và các ngài thì lại lo lắng về dầu cho những chiếc xe hơi của mình. Trẻ em đang chết khát và các ngài thì lại đang ngắm những mẫu mới nhất trong các tạp chí thời trang. Những quốc gia như chúng tôi đang đắm chìm trong nghèo đói, nhưng người dân ở nước này thậm chí không thèm nghe tiếng kêu cứu của chúng tôi. Các ngài thậm chí không thèm để ý đến những tiếng nói của những người đang cố kể cho các ngài biết về những điều này. Các ngài gán cho họ là những người cực đoan hoặc những người cộng sản. Các ngài nên mở rộng tấm lòng với những người nghèo đói và nô lệ. Chẳng còn nhiều thời gian nữa. Nếu các ngài không thay đổi, các ngài sẽ bị hủy diệt.”

Vài ngày sau, chính trị gia nổi tiếng ở Bandung, người mà trong vở rối đã dũng cảm đương đầu với Nixon và bị người đàn ông xách cái xô đâm chết, đã bị một tên lái xe đâm chết rồi bỏ chạy.

Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #33 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:34:11 pm »

Chương 8
Jesus, một cách nhìn khác


Ký ức về dalang đó luôn ám ảnh tôi. Những lời nói của cô gái sinh viên Anh ngữ xinh đẹp cũng vậy. Cái đêm đó ở Bandung đã buộc tôi phải suy nghĩ và cho tôi cách nhìn khác. Mặc dù không hẳn là tôi lờ đi những lý do thật cho những việc làm của mình ở Inđônêxia, và thường bị tình cảm chi phối, song tôi luôn kiềm chế được những cảm giác của mình bằng cách viện dẫn đến lẽ phải, đến ví dụ trong lịch sử, cũng như đến những đòi hỏi tự nhiên của con người. Tôi biện minh rằng, sự dính líu của chúng tôi cũng là do hoàn cảnh bình thường, và tự thuyết phục bản thân mình là: Einar, Charlie, và những người còn lại trong nhóm chúng tôi cũng hành động như bao người khác vẫn làm, đó là chăm sóc cho bản thân và gia đình của chúng tôi.

Song, những thanh niên Inđônêxia mà tôi nói chuyện hôm đó đã khiến tôi nhìn vấn đề ở một góc độ khác. Qua đôi mắt họ, tôi thấy những chính sách ngoại giao ích kỷ chẳng phục vụ hay bảo vệ cho thế hệ tương lai ở bất kỳ nơi nào. Nó cũng thiển cận như những báo cáo thường niên của các công ty hay những chiến lược vận động bầu cử của các nhà chính trị, những người dựng lên cái chính sách ngoại giao ấy.

Cuối cùng thì những số liệu mà tôi cần để làm dự báo kinh tế cũng khiến tôi thường xuyên ở đây để suy ngẫm về những điều này và viết chúng vào một quyển nhật ký. Tôi lang thang khắp thành phố, cho những người ăn xin tiền, và bắt chuyện với những người bị bệnh phong, gái điếm, và những đứa trẻ bụi đời. Cùng lúc đó, tôi nghĩ về bản chất của viện trợ nước ngoài, về vai trò hợp pháp mà cá nước phát triển (DCs, theo thuật ngữ của Ngân hàng Thế giới) khi giúp đỡ các nước kém phát triển (LCDs) xóa đói giảm nghèo.

Tôi bắt đầu tự hỏi, khi nào nó chỉ là để phục vụ cho lòng tham và sự ích kỷ. Thật sự, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu có khi nào sự giúp đỡ này bắt nguồn từ lòng nhân hậu thật không, và nếu không thì liệu có cách nào thay đổi được điều này. Tôi tin rằng những nước như chính đất nước tôi phải kiên quyết đứng lên giúp đỡ những người bệnh tật và nghèo đói trên thế giới, song tôi cũng tin chắc rằng hiếm khi nào đó lại là động lực chính cho sự can thiệp của chúng tôi. Một câu hỏi lớn cứ lởn vởn trong đầu tôi: Có sai trái quá không nếu mục tiêu của viện trợ nước ngoài là xây dựng chủ nghĩa đế quốc?

Tôi thường cảm thấy ghen tỵ với những người như Charlie, những người tin tưởng vào chế độ của chúng ta đến mức họ muốn áp đặt chế độ đó cho tất cả các nước khác trên thế giới. Tôi cũng ngờ rằng những nguồn lực có hạn khó mà cho phép cả thế giới sống một cuộc sống giàu sang như nước Mỹ, bởi ngay cả nước Mỹ cũng có hàng triệu người đang sống trong nghèo đói. Hơn nữa, tôi cũng không rõ là có thật người dân ở nước khác muốn có một cuộc sống như chúng tôi hay không. Những con số thống kê của chính nước Mỹ về bạo lực, tình trạng suy sụp, nghiện hút, ly hôn, và tội phạm đã cho thấy mặc dù xã hội của chúng tôi là một trong những xã hội thịnh vượng nhất trong lịch sử, nhưng đó cũng có thể là một trong những xã hội bất hạnh nhất. Tại sao chúng tôi lại muốn các nước khác phải giống mình?
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #34 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:35:25 pm »

Có thể Claudine đã cảnh bảo cho tôi về tất cả những điều này. Tôi chẳng còn chắc cô ấy đã cố nói với tôi điều gì. Dù sao đi nữa, gạt lý trí sang một bên, sự thật đau lòng là tôi đã mất đi sự vô tội. Tôi viết trong nhật ký. Liệu có ai ở Mỹ là vô tội không? Mặc dù những người giàu có và đầy quyền lực là những người được lợi nhiều nhất, thì hàng triệu người chúng ta, gián tiếp hay trực tiếp, đều đang sống nhờ vào sự bóc lột các nước kém phát triển. Hầu hết các nguồn lực và nhân công rẻ phục vụ cho hoạt động kinh doanh mà chúng ta có đều từ những nơi như Inđônêxia, và hiếm khi quay trở lại. Những khoản nợ dưới dạng viện trợ nước ngoài đảm bảo rằng con cái, rồi cháu chắt của những người lao động này sẽ còn phải tiếp tục trả nợ thay cho cha mẹ họ. Họ buộc phải đồng ý để cho các công ty của chúng ta tàn phá tài nguyên thiên nhiên của họ, và phải từ bỏ giáo dục, y tế, và các dịch vụ xã hội khác chỉ để trả nợ cho chúng ta.

Việc các công ty của chúng ta nhận hầu hết số tiền này để xây dựng các nhà máy điện, sân bay, và các khu công nghiệp chẳng đóng góp được gì trong việc này. Liệu lời bào chữa là phần lớn người Mỹ không ý thức được điều này có giúp họ trở nên vô tội không? Đúng là họ không có thông tin hoặc bị cung cấp những thông tin sai lệch, nhưng vô tội ư?

Tất nhiên, tôi cũng phải đối diện với sự thật là hiện giờ chính tôi cũng đang ở trong số những người chủ động đưa ra những thông tin sai lệch.

Khái niệm về một cuộc chiến tranh tôn giáo trên toàn thế giới là một khái niệm gây nhiều tranh cãi, nhưng càng suy nghĩ về điều này, thì tôi càng tin rằng rất có khả năng nó sẽ xảy ra. Song theo tôi, nếu cuộc chiến tranh này có xảy ra, thì đó sẽ không phải là cuộc chiến giữa người Hồi giáo với Thiên chúa giáo, mà là giữa những nước kém phát triển với nước phát triển, mà có thể người Hồi giáo sẽ đi tiên phong. Chúng tôi, người dân những nước phát triển là những nhà cung cấp. Một lần nữa, đây lại vẫn là hệ thống buôn bán thuộc địa, được dựng lên để giúp những nước mà tài nguyên thiên nhiên hạn chế song có quyền lực dễ bóc lột hơn những nước giàu tài nguyên nhưng không có sức mạnh.

Tôi không có cuốn sách của Tonybee, nhưng tôi biết lịch sử đủ để hiểu rằng khi những nhà cung cấp bị bóc lột quá lâu, họ sẽ nổi dậy. Tôi phải nhắc lại hình mẫu về cuộc cách mạng Mỹ và Tom Paine. Tôi nhớ rằng nước Anh đã thanh minh cho việc thu thuế của mình bằng cách quả quyết rằng nước Anh đang viện trợ cho các nước thuộc địa dưới hình thức cho quân đội bảo vệ những nước này khỏi người Pháp và người da đỏ. Song những người định cư lại giải thích hoàn toàn khác. Những gì mà Paine để lại cho đồng hương của mình trong cuốn Lẽ phải nổi tiếng chính là tâm hồn mà những người bạn trẻ Inđônêxia đã từng nói tới- một ý tưởng, một niền tin vào công lý của một sức mạnh lớn hơn, và một tôn giáo của tự do và công bằng, hoàn toàn đối lập với nền quân chủ Anh và các chế độ giai cấp thượng lưu của nó.

Những điều người Hồi giáo đưa ra cũng tương tự: lòng tin vào một sức mạnh lớn hơn, và niềm tin rằng các nước phát triển không có quyền nô dịch và bóc lột các nước khác trên thế giới. Giống như những người Mỹ trước đây đã từng vùng lên chống lại thuộc địa Anh, những người Hồi giáo cũng đang đe dọa sẽ đấu tranh vì quyền lợi của họ, và cũng chẳng khác gì những người Anh vào những năm 1770, chúng tôi quy những hành động này là khủng bố. Lịch sử dường như đang lặp lại.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #35 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:35:49 pm »

Tôi tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu nước Mỹ và đồng mình của họ thay vì dùng tiền để tiến hành những cuộc chiến tranh - như cuộc chiến ở Việt Nam - để xóa đi nạn đói trên thế giới hoặc đưa giáo dục và chăm sóc y tế cơ bản tới tất cả mọi người, kể cả đồng bào tôi. Tôi tự hỏi những thế hệ tương lai sẽ thế nào nếu chúng ta cam kết xóa bỏ sự nghèo khổ và quyết tâm bảo vệ nguồn nước, rừng, và các tài nguyên thiên nhiên, những thứ đảm bảo cho chúng ta có được nguồn nước sạch, không khí trong lành và tất cả những gì đang nuôi sống tinh thần cũng như thể xác chúng ta. Tôi không thể tin rằng, cha ông tôi, những người lập nước lại hình dung quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc lại chỉ để dành riêng cho người Mỹ. Và vì thế, tại sao giờ đây chúng tôi lại đang thực hiện những chiến lược nhằm củng cố các giá trị của chủ nghĩa đế quốc mà cha ông chúng tôi đã từng đấu tranh chống lại?

Đêm cuối cùng ở Inđônêxia, tôi bừng tỉnh bởi một giấc mơ, ngồi dậy và bật đèn. Tôi cảm giác như có ai đó đang ở trong phòng. Tôi nhìn quanh những đồ đạc quen thuộc của khách sạn InterContinental, những tấm thảm được thêu kiểu batik, và bóng những con rối trong khung treo trên tường. Và giấc mơ quay trở lại.

Tôi thấy Chúa đứng trước mặt mình. Người không khác với Chúa Giêsu mà tôi vẫn hằng đêm cùng nói chuyện và chia sẻ suy nghĩ sau khi cầu nguyện ngày tôi còn bé. Ngoại trừ một điều, Chúa Giêsu trong ký ức thời thơ ấu của tôi da trắng và tóc vàng, trong khi người đứng trước mặt tôi lại có mái tóc xoăn đen và nước da ngăm. Người cúi xuống và nâng một vật gì đó lên vai. Tôi nghĩ đó là cây thánh giá. Nhưng không phải, tôi nhìn thấy trục xe ô tô cùng với vành bánh xe hiện lên trên đâu của người tạo ra một vầng hào quang bằng kim loại. Dầu mở chảy xuống như máu trên trán của người. Người đứng thẳng, nhìn vào mắt tôi và nói: “Nếu bây giờ ta giáng thế, con sẽ thấy ta khác”. Tôi hỏi người tại sao. “Tại thế giới đã thay đổi”, người trả lời.

Kim đồng hồ chỉ trời đã gần sáng. Tôi biết tôi không thể ngủ tiếp, tôi dậy mặc đồ, đi thang máy xuống tiền sảnh vắng vẻ và tha thẩn trong khu vườn bao quanh bể bơi. Trăng hôm nay thật sáng và mùi hương ngọt ngào của hoa lan phảng phất trong không khí. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài và tự hỏi mình đang làm gì ở đây, tại sao những biến cố của cuộc sống lại đưa tôi đi theo con đường này, tại sao lại là Inđônêxia. Tôi biết cuộc sống của tôi đã thay đổi, nhưng tôi không biết nó sẽ thay đổi nhanh đến mức nào.

Tôi và Ann gặp nhau ở Paris trên đường về nhà và cố gắng hòa giải. Nhưng ngay cả trong kỳ nghỉ ở Pháp này chúng tôi vẫn tiếp tục tranh luận. Mặc dù có rất nhiều những khoảng khắc đặc biệt và tuyệt vời, song tôi nghĩ chúng tôi đều nhận ra rằng nỗi giận và sự bực tức trong cả một thời gian dài đã biến thành trở ngại quá lớn. Vả lại, có rất nhiều điều tôi đã không thể nói với cô ấy. Người duy nhất tôi có thể chia sẽ là Claudine, và tôi liên tục nghĩ về cô ấy. Ann và tôi đáp xuống sân bay Logan ở Boston, mỗi người đi tới căn hộ của riêng mình ở vịnh Back.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #36 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:36:31 pm »

Chương 9
Cơ hội ngàn năm có một


Thử thách thực sự về Inđônêxia đang chờ tôi tại MAIN. Buổi sáng, việc trước tiên mà tôi làm là đến trụ sở của MAIN tại Trung tâm Prudential. Khi đi thang máy cùng hàng chục đồng nghiệp khác, tôi được biết Mac Hall, vị Chủ tịch và Tổng giám đốc đầy bí ẩn ngoại bát tuần của MAIN đã tiến cử Einar làm Chủ tịch văn phòng Oreegon tại Portland. Thế là từ giờ tôi sẽ chính thức dưới quyền Bruno Zambotti.

Được mệnh danh là “con cáo bạc” vì mái tóc và khả năng kỳ lạ luôn vượt trội mọi đối thủ muốn thách thức ông ta, Bruno có dáng vẻ bảnh bao của Cary Grant. Ông ta có khả năng hùng biện, và có cả bằng kỹ thuật lẫn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông ta thành thạo kinh tế lượng và là Phó giám đốc phụ trách bộ phận điện năng và hầu hết các dự án quốc tế ở MAIN. Ông ta chắc chắn sẽ kế vị người thầy của ông ta, Jake Dauber lên làm Chủ tịch Tập đoàn khi ông này đến tuổi về hưu. Cũng như hầu hết các đồng nghiệp tại MAIN, tôi rất kính nể và sợ Bruno Zambotti.

Ngay trước bữa ăn, Bruno cho gọi tôi đến văn phòng của ông ta. Sau khi hỏi han rất thân về Inđônêxia, ông ta nói một số câu khiến tôi đứng ngồi không yên. “Tôi sẽ sa thải Howard Paker, chúng ta không cần đi vào chi tiết, trừ một điều là ông ta đã quá xa rời thực tế.” Nụ cười thân thiện của ông ta khiến tôi bối rối. Ông ta lấy ngón tay khẽ gõ lên tập giấy ở trên bàn: “Tám phần trăm một năm. Đó là dự báo lượng điện của ông ta. Anh có tin được không? Ở đâu đất nước đầy tiềm năng như Inđônêxia!” Nụ cười của ông ta tắt ngấm và ông ta nhin thẳng vào mắt tôi. “Charlie Illingworth nói với tôi rằng dự báo kinh tế của anh bám sát mục tiêu đề ra và sẽ cần lượng điện tăng vào khoảng 17 đến 20 phần trăm. Đúng thế không?”

Tôi bảo đảm với ông ta là đúng. Ông ta đứng dậy bắt tay tôi. “Xin chúc mừng. Anh vừa được thăng chức.”

Lẽ ra, tôi nên cũng các đồng nghiệp tại MAIN đi ăn mừng ở một khách sạn sang trọng- hay thậm chí chỉ riêng mình tôi. Tuy nhiên, tâm trí tôi chỉ hướng về Claudine. Tôi rất nóng lòng muốn báo cho cô ta biết về sự thăng tiến của mình và những gì tôi đã trải qua ở Inđônêxia. Cô ta đã bảo tôi không được gọi cho cô ta từ nước ngoài, và tôi đã không gọi. Bây giờ tôi thất vọng khi điện thoại của cô ta không thể liên lạc được và cũng không có số chuyển tiếp. Tôi quyết định đi tìm cô ta.

Một cặp vợ chồng trẻ đã chuyển đến sống trong căn hộ của cô ta. Lúc ấy là giờ ăn trưa nhưng chắc chắn là tôi vừa đánh thức họ; rất khó chịu, họ tuyên bố là không hề biết gì về Claudine. Tôi đến cả văn phòng cho thuê nhà, vờ là anh họ của Claudine. Trong hồ sơ của họ chưa từng có ai thuê nhà với cái tên như vậy; người thuê nhà trước đây là một người đàn ông yêu cầu được giấu tên. Quay lại Trung tâm Prudential, phòng nhân sự của MAIN cũng khẳng định không có hồ sơ nào của cô ta. Họ xác nhận chỉ có hồ sơ của một “cố vấn đặc biệt” nhưng tôi không được phép xem.

Đến cuối buổi chiều, tôi thấy mệt mỏi rã rời, cả thể xác lẫn tinh thần. Thêm vào đó, sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài cũng bắt đầu hành hạ tôi. Trở lại căn hộ trống trải, tôi cảm thấy cô đơn khủng khiếp và bị bỏ rơi. Sự thăng tiến trở nên vô nghĩa, thậm chí còn tệ hơn, nó trở thành dấu hiệu là tôi đã bán rẻ bản thân. Tôi quăng mình xuống giường, quay cuồng với nỗi tuyệt vọng. Claudine đã lợi dụng tôi và sau đó vứt đi. Quyết không để nỗi đau chi phối, tôi gạt bỏ mọi cảm xúc của mình. Tôi lên giường, nhìn chằm chằm vào những bức tường trống hàng tiếng đồng hồ.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #37 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:37:13 pm »

Cuối cùng, tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh. Tôi ngồi dậy, uống hết một chai bia và đập mạnh chai xuống bàn. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhìn xuống con phố phía đằng xa, tôi tưởng như nhìn thấy cô ta đang đi về phía tôi. Tôi chạy vội ra phía cửa nhưng rồi lại quay trở về phía cửa sổ để nhìn kỹ lại. Người phụ nữ đang tiến lại gần hơn. Cô ta rất hấp dẫn, và dáng đi của cô ta rất giống Claudine, nhưng cô ta không phải là Claudine. Tim tôi như thắt lại, và cảm xúc của tôi chuyển từ giận dữ và căm ghét sang sợ hãi. Trong đầu tôi bỗng lóe lên hình ảnh Claudine quằn quại và ngã xuống dưới làn đạn vì bị ám sát. Tôi cố rũ bỏ hình ảnh ấy bằng một vài viên Valium và uống cho đến khi say mềm và ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, cú điện thoại từ phòng nhân sự đã đánh thức tôi khỏi cơn say. Trưởng phòng nhân sự, Paul Mormino, cam đoan là ông ta hiểu tôi cần được nghỉ ngơi, nhưng ông nài nỉ tôi ghé đến văn phòng vào buổi chiều.

“Có tin tốt”, ông ta nói. “Tin này sẽ làm anh hết mệt đấy.” Tôi tuân lệnh triệu tập và được biết rằng Bruno đã giữ lời, và còn hơn thế nữa. Không những tôi có được vị trí của Howard mà còn được thêm chức danh Kinh tế trưởng và được tăng lương. Điều đó khiến tôi phấn chấn hơn một chút.

Chiều hôm đó tôi xin nghỉ và lang thang dọc bờ sông Charles với một chai bia. Khi tôi ngồi nhìn những chiếc thuyền buồm và lấy lại sức sau chuyến bay dài mệt mỏi va sau cơn say, tôi tự thuyết phục bản thân rằng Claudine đã làm xong công việc của mình và đã chuyển sang một nhiệm vụ mới. Cô ta luôn nhấn mạnh phải giữ bí mật. Cô ấy sẽ gọi. Mormino đã đúng. Sự mệt mỏi và nỗi lo âu tiêu tan.

Trong suốt nhiều tuần sau đó, tôi đã cố gạt mọi suy nghĩ về Claudine sang một bên. Tôi tập trung viết báo kinh tế của Inđônêxia và sửa lại phần dự báo lượng tải điện của Howard. Tôi đã đưa ra nghiên cứu theo đúng ý muốn của các sếp: nhu cầu điện tăng trung bình khoảng 19% một năm trong vòng mười hai năm đầu sau khi hệ thống được hoàn thiện, sau đó giảm xuống 17% trong tám năm tiếp theo và duy trì ở mức 15% trong những năm còn lại của hai mươi lăm năm tới.

Tôi đã trình bày kết luận của mình tại những buổi họp chính thức với các tổ chức tài trợ quốc tế. Nhóm chuyên gia của các tổ chức này liên tục hỏi tôi nhiều câu rất tàn nhẫn. Nhưng khi đó, cảm xúc của tôi đã chuyển thành sự quyết tâm không gì lay chuyển được, chẳng khác gì sự quyết tâm đã thôi thúc tôi phấn đấu để vượt trội thay vì nổi loạn trong thời gian ở trường nội trú nam sinh. Tuy nhiên, ký ức về Claudine vẫn luôn ám ảnh tôi.  Khi một nhà kinh tế trẻ ăn mặc bảnh bao muốn ra vẻ ta đây của Ngân hàng Phát triển châu Á hỏi tôi dồn đập suốt cả buổi chiều, tôi chợt nhớ lại lời khuyên của Claudine lúc chúng tôi gặp nhau tại căn hộ của cô ta trên phố Beacon nhiều tháng trước.

“Ai có thể thấy trước được tương lai của hai mươi lăm năm tới cơ chứ?” cô ta hỏi tôi. “Những dự báo của anh cũng tốt chẳng kém gì của họ. Chỉ cần anh tự tin.” Tôi tự nhủ mình là một chuyên gia, có nhiều kinh nghiêm sống ở các nước đang phát triển hơn những người- kể cả nhiều người trong đó còn gấp đôi tuối tôi- đang ngồi phán xét công việc của tôi. Tôi đã từng sống ở Amazon và đã đến rất nhiều nơi của đảo Java, những nơi mà không ai muốn đặt chân đến. Tôi đã tham gia một số khóa đào tạo chuyên môn, được thiết kế để dạy cho các nhà quản lý những điều tinh túy nhất của kinh tế lượng.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #38 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:37:57 pm »

Tôi tự nhủ rằng mình là một trong số những con người của thế hệ mới, những người trẻ tuổi, ưu tú, sùng bái kinh tế lượng và những số liệu thống kê rất hợp gu với Robert McNamara - Chủ tịch đương nhiệm của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc tiền nhiệm Ford Motor và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Tổng thống Kenedy. Ông ta là người đã tạo dựng danh tiếng cho mình dựa trên những con số thống kê, lý thuyết xác suất, các mô hình toán học và - tôi cho là - dựa trên sự táo bạo hão huyền xuất phát từ lòng vị kỷ khủng khiếp.

Tôi cố gắng bắt chước cả McNamara và Bruno. Tôi học cách diễn thuyết của McNamara và dáng đi đầy tự tin của Bruno, cái cặp da luôn kè kè bên mình. Nhìn lại, tôi cũng phải kinh ngạc bởi sự trơ trẽn của chính mình. Thực ra, chuyên môn của tôi rất hạn chế, song những kiến thức tôi thiếu hay không qua đào tạo đã được bổ sung bằng sự táo bạo của tôi.

Và tôi đã thành công. Cuối cùng thì nhóm các chuyên gia cũng chấp nhận những bản báo cáo của tôi. Trong những tháng tiếp theo, tôi tham dự nhiều cuộc họp ở Teheran, Caracas, Guatemala, London, Vienna và Washington DC. Tôi gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cả Quốc vương Iran, những người đã từng là tổng thống của nhiều nước, và cả Robert McMamara. Cũng giống như trường nội trú dành cho nam sinh, đó là một thế giới đàn ông. Tôi kinh ngạc nhận thấy chức danh của mình và những thành công vừa đạt được trong các buổi họp với các tổ chức tài trợ quốc tế đã làm thay đổi thái độ của mọi người với tôi.

Ban đầu, tất cả những điều này khiến tôi choáng ngợp. Tôi bắt đầu nghĩ mình như một vị phù thủy với cây đũa thần, chỉ cần dùng cây đũa chỉ vào một đất nước, phút chốc đất nước này sẽ bừng sáng, và các ngành công nghiệp thăng hoa. Nhưng rồi tôi vỡ mộng. Tôi nghi ngờ động cơ của bản thân và của các đồng nghiệp. Dường như một chức vị danh giá hay một tấm bằng tiến sĩ không làm cho người ta hiểu cảnh thống khổ của một người bị bệnh phong phải sống bên lề xã hội ở Jakarta, và tôi ngờ rằng việc hiểu rõ các số liệu thống kê chẳng thể mang lại cho người ta khả năng nhìn trước được tương lai. Càng biết rõ về những người nắm quyền quyết định vận mệnh thế giới, tôi càng nghi ngờ khả năng và mục đích của họ. Nhìn vào những người đang ngồi quanh bàn họp, tôi thấy khó mà kiềm chế được cơn giận dữ của mình.

Tuy nhiên, cuối cùng cách nhìn này của tôi cũng thay đổi. Tôi chợt hiểu ra rằng hầu hết những người này đều tin tưởng rằng họ đang làm những việc đúng đắn. Cũng giống như Claudine, họ tin chắc rằng chủ nghĩa khủng bố là xấu xa- chứ không phải là cách người ta phản ứng lại những quyết định mà bản thân họ và những người tiền nhiệm đã đưa ra- và rằng trách nhiệm của họ đối với đất nước, với con cái và với Chúa là phải đưa thế giới trở lại với chủ nghĩa tư bản. Họ cũng trung thành với quy luật chỉ những kẻ mạnh nhất mới có thể tồn tại; nếu họ tình cờ có được số phận may mắn là sinh ra trong một tầng lớp có đặc quyền chứ không phải trong những căn lều làm bằng bìa các tông thì nghiễm nhiên việc đảm bảo cho con cháu họ được hưởng những đặc quyền tương tự là một nghĩa vụ mà họ phải hoàn thành.

Tôi không biết phải nhìn nhận những người này như những kẻ thật sự có mưu đồ hay chỉ đơn giản là một nhóm những người có chung đặc quyền đặc lợi đang có khuynh hướng chiếm lĩnh thế giới. Song, càng ngày tôi càng thấy họ giống với những tay chủ đồn điền vào thời kỳ trước cuộc Nội chiến miền Nam. Họ là những người trong cùng một hội với những niềm tin vào lợi ích chung, chứ không phải là một hội kín bí mật với mục đích nham hiểm. Những tay chủ đồn điền lớn lên có người hầu và nô lệ, được nuôi dạy để tin rằng họ có quyền và thậm chí có nghĩa vụ bảo vệ “những kẻ ngoại đạo dốt nát” và dạy cho họ sống theo tôn giáo và cách sống của các ông chủ. Kể cả khi về đạo lý họ phản đối chế độ nô lệ, họ vẫn có thể, giống như Thomas Jefferson, bào chữa rằng chế độ nô lệ là cần thiết để duy trì trật tự xã hội. Những kẻ nắm quyền của những chính thể đầu sỏ ngày nay, mà tôi thường coi là thể chế tập đoàn trị, dường như cũng cùng một giuộc.


Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #39 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:40:29 pm »

Tôi bắt đầu tự hỏi: không biết ai là người được lợi từ chiến tranh từ việc sản xuất vũ kí hàng loạt, từ việc xây đập thủy điện trên những con sông và phá hủy môi trường và văn hóa dân tộc. Tôi cũng bắt đầu để ý ai là người được hưởng lợi khi hàng trăm nghìn người khác chết vì đói, vì nước ô nhiễm và vì những căn bệnh có thể chữa được. Dần dần, tôi nhận ra rằng rốt cuộc chẳng ai được lợi, nhưng trong tương lai gần thì những kẻ ăn trên ngồi trốc - như những ông chủ của tôi và tôi - dường như là có lợi, ít nhất là về mặt vật chất.

Điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao tình trạng này tồn tại? Tại sao nó kéo dài lâu như vậy? Liệu câu trả lời có đơn giản như trong câu châm ngôn cổ “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”, rằng những kẻ nắm quyền lực trong tay sẽ duy trì hệ thống hay không?

Có lẽ là chưa đủ khi nó rằng chỉ có quyền lực gây nên tình trạng kéo dài này. Tuy lời nhận xét “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đã giải thích được phần lớn, nhưng tôi vẫn cảm thấy chắc hẳn phải có một động cơ nào đó mạnh hơn rất nhiều. Tôi nhớ lại những ngày còn học ở đại học, một vị giáo sư kinh tế của tôi, một người Bắc Ấn, đã giảng về những nguồn lực có hạn, về nhu cầu không ngừng phát triển của con người, và về nguồn gốc của nô lệ. Theo vị giáo sư này, mọi hệ thống tư bản chủ nghĩa thành công bao giờ cũng có hệ thống cấp bậc với những chuỗi mệnh lệnh khắt khe, và chỉ có một số ít người ở vị trí cao nhất có quyền kiểm soát cấp dưới và một đội quân khổng lồ những người lao động ở dưới đáy xã hội mà theo thuật ngữ kinh tế có thể được xếp vào hàng nô lệ. Cuối cùng thì tôi tin chắc rằng chúng tôi khuyến khích hệ thống này vì chế độ tập đoàn trị đã thuyết phục chúng tôi rằng Chúa đã trao cho chúng tôi quyền đặt một số người lên trên đỉnh của cái kim tự tháp tư bản này và chúng tôi có sứ mệnh truyền bá hệ thống đó trên khắp thế giới.

Tất nhiên, chúng tôi không phải là những người đầu tiên làm như vậy. Danh sách những người đã làm điều đó có từ thời những đế quốc cổ đại ở Bắc Phi, Trung Đông, và châu Á, rồi tiến dần lên phía vịnh Ba tư, Hy Lạp, Roma, cuộc Thập tự chinh của Thiên chúa giáo, và tất cả những người dựng nên đế chế Châu Âu vào thời đại sau Columbus. Tiến trình phát triển của chủ nghĩa đế quốc đã và sẽ là nguyên nhân của hầu hết các cuộc chiến tranh, sự ô nhiễm, nạn đói, sự tuyệt chủng của các loài, và nạn diệt chủng. Và nó luôn luôn đưa đến sự hủy hoại nghiêm trọng cả tinh thần và hạnh phúc của những công dân thuộc các đế quốc đó, gây bất ổn xã hội. Cuối cùng, những nền văn hóa thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại cũng đều bị hủy hoại vì sự lan tràn của tình trạng tự sát, tệ lạm dụng ma túy và bạo lực.

Tôi nghĩ rất nhiều về những câu hỏi này, nhưng tôi tránh nghĩ về vai trò của mình trong tất cả những vụ việc này. Tôi cố nghĩ rằng bản thân mình không phải là một EHM mà là một Kinh tế trưởng. Điều đó nghe có vẻ hợp pháp, và nếu tôi cần bất cứ sự xác nhận nào, tôi có thể nhìn vào cuốn biên lai tiền lương của tôi: tất cả đều từ MAIN, một công ty tư nhân. Tôi không kiếm được dù chỉ một xu từ phía NSA hay bất kỳ một cơ quan chính phủ nào. Tôi gần như chắc chắn. Gần như vậy.

Vào một buổi chiều, Bruno gọi tôi vào phòng làm việc của ông ta. Ông ta vòng ra sau ghế ngồi và đặt tay lên vai tôi: “Anh đã hoàn thành công việc xuất sắc. Để chứng tỏ chúng tôi đánh giá điều đó cao thế nào, chúng tôi sẽ cho anh một cơ hội ngàn năm có một, một lời đề nghị mà rất ít người, kể cả khi đã gấp đôi tuổi anh có được”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM