Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:05:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lời thú tội của một Sát thủ Kinh tế  (Đọc 85411 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #20 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:54:10 am »

Theo quan điểm ngoại giao của Mỹ, Suharto sẽ phục vụ Washington như Sa của Iran đã từng làm. Mỹ cũng hy vọng Inđônêxia sẽ là một hình mẫu cho các quốc gia khác trong khu vực. Một phần chiến lược của Washington dựa trên giả định rằng những lợi ích đạt được ở Inđônêxia có thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến toàn thế giới Hồi giáo, đặc biệt là điểm nóng Trung Đông. Và nếu điều đó chưa đủ khích lệ thì điều quan trọng là Inđônêxia có dầu. Không ai biết rõ về khối lượng hoặc chất lượng dự trữ dầu mỏ của Inđônêxia nhưng các nhà địa chất học của công ty dầu mỏ lại tràn đầy lạc quan.

Càng nghiền ngẫm các cuốn sách tại PBL, tôi càng cảm thấy phấn khích. Tôi bắt đầu tưởng tượng về những cuộc thám hiểm sắp tới. Làm việc cho MAIN, tôi sẽ có một cuộc sống sang trọng và xa hoa thay cho lối sống khắc khổ trong Quân đoàn Hòa bình. Mối quan hệ với Claudine đã biến những gì trước đây chỉ là trong trí tưởng tượng của tôi trở thành sự thật; tất cả như trong một giấc mơ. Tôi cảm thấy phần nào được đền đáp cho quãng thời gian tù túng mà tôi phải trải qua tại các trường nội trú chỉ dành cho học sinh nam.

Có một sự thay đổi khác nữa trong cuộc đời tôi: Ann và tôi đã không còn gắn bó nữa. Tôi chắc cô ấy phải cảm nhận được rằng tôi đang sống một cuộc sống hai mặt. Tôi tự bào chữa điều đó là kết quả sự phẫn uất của tôi đối với cô ấy vì cô ấy đã ép chúng tôi làm đám cưới. Dù cô ấy đã chăm sóc và ủng hộ tôi trong suốt quãng thời gian khó khăn tại Quân đoàn Hòa bình ở Êcuađo. Song, cô ấy khiến tôi thấy mình vẫn chưa thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ. Tất nhiên, suy cho cùng, tôi biết chắc rằng mối quan hệ của tôi với Claudine mới là nhân tố chính. Tôi không thể kể cho Ann biết về mối quan hệ này, nhưng cô ấy cảm nhận được điều đó. Dẫu sao đi nữa, chúng tôi cũng quyết định bắt đầu sống ly thân.

Vào một ngày trong năm 1971, khoảng một tuần trước khi phải đến Inđônêxia theo kế hoạch, tôi đến chỗ Claudine. Trên chiếc bàn nhỏ trong phòng ăn có bày nhiều loại pho mát với bánh mì và cả một chai Beaujolais loại ngon. Claudine nâng cốc chúc mừng tôi. “Anh đã thành công”. Cô ta mỉm cười nhưng tôi thấy dường như nụ cười của cô ấy không được chân thành cho lắm. “Bây giờ chúng ta đã cùng hội cùng thuyền.”

Chúng tôi trò chuyện khoảng nửa tiếng đồng hồ, sau đó, khi đã gần uống cạn chai rượu, cô ta nhìn tôi với ánh mắt mà tôi chưa từng bắt gặp ở bất cứ ai. “Đừng bao giờ thú nhận với ai về những lần chúng ta gặp nhau”, cô ta nói một cách lạnh lùng. “Nếu anh làm như vậy tôi sẽ không tha thứ, và sẽ phủ nhận là đã từng gặp anh”. Cô ta nhìn tôi chằm chằm- và sau đó cười nhạt. “Kể cho người khác nghe về chúng ta sẽ chỉ làm cho cuộc sống của anh trở nên nguy hiểm”.
Tôi choáng váng. Tôi bàng hoàng. Nhưng sau đó, khi một mình quay trở lại Trung tâm Prudential, tôi phải thừa nhận cái kế hoạch của cô ấy thật sự thông minh. Sự thật là tất cả những lần chúng tôi gặp nhau đều diễn ra tại căn hộ của cô ấy. Không có bất cứ một bằng chứng nào về mối quan hệ của chúng tôi, và không ai ở MAIN dính líu đến chuyện này. Một phần nào đó, tôi thầm đánh giá cao sự trung thực của cô ấy; cô ta đã không lừa tôi như bố mẹ tôi trong vụ Tilton và Middlebury.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #21 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:55:07 am »

Chương 4 Giải thoát một đất nước.

Tôi có một cái nhìn lãng mạn về Inđônêxia, đất nước mà tôi sắp đến sinh sống trong vòng ba tháng tới. Những bức tranh trong một vài quyển sách tôi đọc mô tả những người phụ nữ xinh đẹp với những chiếc sarông màu sắc tươi sáng, những vũ công Bali hấp dẫn, những vị pháp sư thổi lửa, và những chiến binh chèo thuyền độc mộc trên làn nước xanh biếc dưới chân những ngọn núi lửa. Ấn tượng nhất là một loạt ảnh về những chiến thuyền với những cánh buồm đen lộng lẫy của những tên cướp biển thuộc quần đảo, những kẻ đã làm cho các thủy thủ người Châu Âu trước đây phải khiếp sợ đến nỗi họ trở về nhà và dọa bọn trẻ: “Các con phải ngoan, nếu không bọn cướp biển Bugi sẽ đến bắt các con đi đấy”. Ôi, những bức ảnh này làm tâm hồn tôi xao xuyến biết bao.

Lịch sử và những truyền thuyết của đất nước này là một kho tàng lớn với những nhân vật phi thường; những vị thánh đầy giận dữ, những con rồng Cômôđô, những tộc trưởng các bộ lạc Hồi giáo, và những câu chuyện cổ tích mà từ trước khi chúa Giêsu ra đời đã vượt qua những ngọi núi ở Châu Á, xuyên qua các sa mạc xứ Ba Tư và qua cả vùng biển Địa Trung Hải để rồi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta. Những cái tên của các hòn đảo huyền thoại- Java, Sumatra, Borneo, Sulawesi làm mê mẩn tâm trí. Đây là một vùng đất của sự huyền bí, tính thần thoại, và vẻ đẹp gợi tính là kho báu luôn ẩn mình mà Columbus tìm nhưng chưa bao giờ thấy; là nàng công chúa mà cả người Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Nhật Bản luôn muốn chinh phục nhưng chưa bao giờ là sở hữu của riêng ai; là ảo ảnh và giấc mơ. Tôi kỳ vòng rất nhiều, có lẽ chẳng khác nào những nhà thám hiểm vĩ đại trước đây. Nhưng cũng giống như Columbus, đáng lẽ tôi phải biết kiềm chế bớt những ảo tưởng. Đáng lẽ tôi phải biết rằng ngọn đèn của số phận chẳng bao giờ là hình ảnh trong tưởng tượng. Inđônêxia là kho báu đầy hứa hẹn nhưng không phải là một phương thuốc trị bách bệnh mà tôi mong đợi. Thật ra, những ngày đầu tiên của tôi ở thủ đô Jakarta đầy ẩm thấp vào mùa hè năm 1971 là một cú sốc.

Vẻ đẹp vẫn hiện hữu. Những phụ nữ xinh đẹp trong bộ sarông sặc sỡ. Những khu vườn sang trọng rực rỡ đầy hoa. Những vũ công Bali thật hấp dẫn. Những chiếc xích lô với những hình vẽ bảy sắc cầu vồng vui mắt. Những khu biệt thự và những ngọn tháp nhà thờ từ thời thuộc địa Hà Lan. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cái xấu và sự bi thảm cũng tồn tại. Thay cho bàn tay lành lặn là những cùi tay đầy máu của những người bị bệnh phong. Những cô gái trẻ bán thân chỉ để nhận vài đồng. Những con mương tuyệt đẹp từ thời thuộc địa nay đã trở nên ô nhiễm. Những căn nhà làm bằng bìa các tông dọc hai bên bờ rác rưởi của những con sông đen kịt nơi có nhiều gia đình chui rúc. Những tiếng còi inh ỏi và khói bụi đến nghẹt thở. Nét đẹp và cái xấu, sự thanh tao bên cạnh cái thô thiển, tính thiêng liêng và sự trần tục. Đó chính là Jakarta, nơi mà mùi thơm đầy quyến rũ của cây đinh hương và những loài hoa lan nở rộ phải chống chọi lại với luồng khí độc xông lên từ các cống rãnh lộ thiên.

Tôi đã từng nhìn thấy cảnh đói nghèo. Một vài người bạn học ở New Hamsphire đã sống trong những ngôi nhà bằng giấy nhựa lụp xụp, đến trường trong chiếc áo khoác mỏng và đi những đôi giầy thể thao sờn cũ giữa những tháng ngày mùa đông khi nhiệt độ dưới 00; người họ bốc lên mùi mồ hôi và mùi phân bón lâu ngày vì không được tắm rửa. Tôi đã từng sống trong những căn lều đắp bằng bùn cùng những người nông dân vùng núi Andy với những bữa ăn chỉ toàn ngô và khoai tây khô, ở những nơi mà nhiều lúc dường như một đứa trẻ chết ngay khi vừa mới chào đời. Tôi đã từng thấy sự nghèo đói, nhưng không có nơi nào giống với Jakarta.

Tất nhiên đoàn chúng tôi ở lại khách sạn đẹp nhất nước này, khách sạn Inter Continental Inđônêxia. Sở hữu bởi hãng hàng không Pan America, cũng giống như một chuỗi khách sạn Inter Continental khác nằm rải rác khắp toàn cầu, khách sạn này luôn chiều theo ý những người ngoại quốc giàu có, đặc biệt là những tay giám đốc của các công ty dầu lửa và gia đình họ. Vào buổi tối đầu tiên, tay quản lý  dự án, Charlie Illingworth, mở tiệc chiêu đãi chúng tôi tại nhà hàng sang trọng trên tầng thượng.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #22 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:56:08 am »

Charlie là một người rất am hiểu chiến tranh; ông ta dành phần lớn thời gian rảnh rỗi để đọc sách và các tiểu thuyết lịch sử về những vị tướng lĩnh vĩ đại và những trận chiến lẫy lừng. Ông ta là một ví dụ điển hình về những người lính không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng rất ủng hộ cuộc chiến tranh Viêt Nam. Như thường lệ, buổi tối hôm đó ông ta mặc bộ quần áo kaki có hai cầu vai kiểu quân đội trên vai chiếc áo cộc tay.

Sau khi chào đón chúng tôi, ông ta châm một điếu xì gà. “Mừng cuộc sống tốt đẹp”, ông ta nói và nâng cao ly rượu sâm banh. “Mừng cuộc sống tốt đẹp”, chúng tôi cũng đáp lại, và cùng chạm cốc. Khói thuốc xì gà cuộn tròn quanh Charlie, ông ta liếc nhìn quanh căn phòng. “Ở đây chúng ta sẽ được nuông chiều,” ông ta vừa nói vừa gật đầu một cách tán thưởng. “Người Inđônêxia sẽ chăm sóc chúng ta. Người ở Sứ quán Mỹ cũng vậy. Nhưng đừng quên là chúng ta còn có sứ mệnh phải hoàn thành”. Ông ta nhìn xuống tập giấy viết sẵn. “Đúng vậy, chúng ta đến đây để lập một bản qui hoạch tổng thể về điện khí hóa cho đảo Java- vùng đất có mật độ dân số đông nhất thế giới. Nhưng đó mới chỉ là bề mặt của tảng băng.”

Ông ta bỗng trở nên nghiêm túc; ông ta làm tôi liên tưởng tới George C. Scott, người đã từng đóng vai Tướng Patton, một trong những người hùng của Charlie. “Chúng ta đến đây để thực hiện không gì khác ngoài nhiệm vụ giải thoát đất nước này.

Như các bạn đã biết, Inđônêxia đã trải qua một lịch sử dài và đầy bi thảm. Khi mà đất nước này sẵn sàng bước vào thế kỷ hai mươi thì một lần nữa lại phải đối mặt với thử thách. Trách nhiệm của chúng ta là phải đảm bảo rằng Inđônêxia không đi theo bước chân của những người hàng xóm. Một hệ thống điện hợp nhất là nhân tố chủ chốt. Nhân tố đó, hơn cả các yếu tố đơn lẻ khác (có lẽ chỉ loại trừ yếu tố dầu mỏ), sẽ bảo đảm cho sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và chế độ dân chủ”.

“Nói đến dầu mỏ”, ông ta rít một hơi thuốc lá và búng nhẹ lên một tờ giấy. “Tất cả chúng ta đều biết đất nước của chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ đến mức nào. Xét về khía cạnh đó, Inđônêxia có thể là một đồng minh hùng mạnh của chúng ta. Vì thế, khi các bạn dựng bản qui hoạch tổng thể này, hãy làm tất cả để bảo đảm cho ngành công nghiệp dầu mỏ và tất cả những ngành phụ trợ - cầu cảng, ống dẫn dầu, công ty xây dựng - có được lượng điện họ cần thiết trong suốt khoảng thời gian của kế hoạch hai mươi lăm năm”.

Ông ta rời mắt khỏi tập giấy và nhìn thẳng vào tôi. “Thà cứ phóng đại lên còn hơn là dự báo quá thấp.” Đêm hôm đó, khi nằm trên giường, cao vượt lên khỏi thành phố, an toàn trong sự xa hoa của căn phòng hạng nhất, hình ảnh của Claudine lại đến với tôi. Những bài giảng của cô ta về nợ nước ngoài cứ ám ảnh tôi. Tôi tự an ủi mình bằng cách nhớ lại những bài học trong các khóa học kinh tế vĩ mô tại trường kinh tế. Suy cho cùng, tôi tự nhủ, tôi đến đây để giúp Inđônêxia thoát khỏi một nền kinh tế thời Trung cổ và để có chỗ đứng trong thế giới công nghiệp hiện đại.

Nhưng tôi cũng biết rằng, ngay sáng hôm sau, tôi sẽ nhìn ra ngoài cửa sổ, và xa khỏi sự sang trong của những khu vườn và bể bơi của khách sạn, tôi sẽ thấy những ngôi nhà tôi tàn trải dài hàng dặm theo hình quạt phía bên dưới. Tôi biết rằng ở đó trẻ sơ sinh đang chết vì thiếu lương thực và nước uống, và rằng trẻ em cũng như người lớn đang phải gánh chịu những loại bệnh tật truyền nhiễm khủng khiếp và sống trong điều kiện tồi tệ.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #23 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:57:21 am »

Trằn trọc trên giường, tôi nhận thấy không thể chối cãi rằng Charlie và những người khác trong nhóm chúng tôi đến đây với những lý do ích kỷ. Chúng tôi đang giúp đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Mỹ và lợi ích của các doanh nghiệp. Chúng tôi bị chi phối bởi lòng tham hơn là mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phần lớn người dân Inđônêxia. Một từ xuất hiện trong đầu tôi: tập đoàn trị. Tôi không chắc đã nghe từ này trước đây hay vừa mới nghĩ ra nó, nhưng dường như nó miêu tả rất chính xác nhóm người đầy thế lực với quyết tâm thống trị toàn thế giới.

Đó là một nhóm nhỏ gồm những người có chung một mục đích và các thành viên trong nhóm có thể dễ dành chuyển đổi vị trí thường là giữa các vị trí cấp cao của các tập đoàn và của chính phủ. Tôi chợt nhận ra là chủ tịch đương nhiệm của Ngân hàng Thế giới - Robert Mc Mamara là một ví dụ hoàn hảo. Ông ta đã chuyển từ vị trí là giám đốc của công ty Ford Motor sang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Kenedy và Johnson, và bây giờ lại nắm giữ vị trí cao nhất của một tổ chức tài chính có quyền lực lớn nhất thế giới.

Tôi cũng nhận ra rằng các giáo sư đại học của tôi đã không hiểu hết được bản chất thật sự của kinh tế vĩ mô: rằng trong nhiều trường hợp, giúp một nền kinh tế tăng trưởng chỉ làm cho một số ít người đã giàu lại càng giàu thêm, trong khi chẳng làm được gì cho những người ở dưới đáy xã hội ngoại trừ việc đẩy họ xuống thấp hơn. Quả thực, củng cố chủ nghĩa tư bản thường dẫn đến một hệ thống cũng tương tự như những xã hội phong kiến thời Trung cổ. Nếu bất kỳ một giáo sư nào của tôi biết điều này, họ cũng không thừa nhận nó - có thể là vì các tập đoàn lớn và những ông chủ tập đoàn là người tài trợ cho các trường đại học. Vạch trần sự thật chắc chắn sẽ làm những vị giáo sư đó mất việc - cũng như tiết lộ bí mất sẽ làm tôi trắng tay.

Những suy nghĩ đó tiếp tục làm xáo trộn giấc ngủ của tôi hằng đêm ở khách sạn Inter Continental Inđônêxia. Cuối cùng, tôi tìm cách biện hộ cho chính bản thân mình: tôi đã phải đấu tranh để tìm đường thoát khỏi New Hamsphire, thoát khỏi trường nội trú, và thoát quân dịch. Vị trí trong cuộc sống tươi đẹp mà tôi hiện có là kết quả của sự kết hợp giữa một chuỗi các sự kiện ngẫu nhiên và lao động miệt mài. Tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm với sự thật rằng tôi đang làm việc đúng đắn xét theo cái nhìn từ nền văn hóa của chúng tôi. Tôi đang trên đường trở thành một nhà kinh tế học thành công và được kính trọng. Tôi đang làm theo những gì đã được học ở trường kinh tế. Tôi đang giúp thực hiện một mô hình phát triển đã được những chuyên gia cố vấn hàng đầu thế giới với những bộ óc vĩ đại thừa nhận. Tuy nhiên, những lúc nửa đểm, tôi thường phải tự an ủi bản thân với một lời hứa rằng một ngày nào đó tôi sẽ nói lên sự thật. Rồi tôi đọc những tiểu thuyết của Louis L’amour về những tay súng Miền Tây cho đến khi ngủ thiếp đi.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #24 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:58:01 am »

Chương 5 Bán linh hồn cho quỷ

Nhóm mười một người chúng tôi ở lại Jakarta sáu ngày, đến đăng ký với Sứ quán Mỹ, gặp gỡ các quan chức, sắp xếp công việc và thư giãn bên bể bơi. Tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người Mỹ sống tại khách sạn Inter Continental. Tôi thích thú ngắm nhìn những phụ nữ trẻ đẹp- vợ của những tay giám đốc công ty dầu lửa và công ty xây dựng- ngày ngày ở bên bể bơi và tối lang thang khắp nửa tá quán ăn sang trọng trong và ngoài khách sạn.

Sau đó Charlie chuyển nhóm chúng tôi đến Bandung, một thành phố miền núi. Nơi đây khí hậu ôn hòa hơn, người ta ít nhìn thấy cảnh nghèo khổ hơn song cũng ít thú tiêu khiển hơn. Chúng tôi ở lại một khách sạn của Chính phủ tên là Wisma, với một người quản lý, một đầu bếp, một người làm vườn và một đội ngũ nhân viên phục vụ. Được xây dựng từ thời thuộc địa Hà Lan, Wisma vốn là một bến cảng. Đứng trên hiên nhà khách có thể nhìn ra những vườn chè trải dài, qua những quả đồi nhấp nhô, lên tới tận những sườn núi lửa của Java. Ngoài nhà ở, chúng tôi còn được cấp mười một chiếc Toyota, mỗi chiếc xe lại có một lái xe và một phiên dịch riêng. Cuối cùng, chúng tôi được mời làm thành viên của hai nơi sang trọng bậc nhất là Câu lạc bộ Golf và Quần vợt Bandung, và được đặt văn phòng trong khuôn viên của chi nhánh Perusahaan Umum Listrik Negara (PLN), công ty điện lực nhà nước.

Đối với tôi, những ngày đầu ở Bandung là hàng loạt những cuộc gặp gỡ với Charlie và Howard Parker. Howard hơn 70 tuổi và từng là chuyên gia dự báo chính về tải điện cho Hệ thống Điện của New England. Lúc này ông ta đảm trách công việc dự báo về nguồn năng lượng và khả năng sản xuất điện của toàn bộ đảo Java trong vòng hai lăm năm tới, cũng như dự báo riêng cho từng thành phố và các vùng. Vì nhu cầu về điện liên quan chặt chẽ tới tăng trưởng kinh tế nên những dự báo của ông ta cần dựa vào những dự báo kinh tế của tôi. Sau đó, những người còn lại trong nhóm chúng tôi sẽ xây dựng bản qui hoạch tổng thể dựa trên những dự báo này, xác định địa điểm đặt các nhà máy điện, thiết kế các nhà máy, các đường dây tải điện và phân phối điện, các hệ thống cung cấp nhiên liệu làm sao để đáp ứng hiệu quả nhất các dự án của chúng tôi. Trong các buổi gặp gỡ, Charlie bao giờ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc mà tôi làm. Ông ta nhắc đi nhắc lại là tôi phải rất lạc quan khi đưa ra dự báo. Claudine đã nói đúng. Tôi chính là yếu tố then chốt trong toàn bộ qui hoạch tổng thể.

“Những tuần đầu tiên ở đây”, Charlie giải thích, “là để thu thập số liệu”. Charlie, Howard và tôi ngồi trên những chiếc ghế mây to trong phòng làm việc sang trọng của Charlie. Những bức tường được trang trí bằng những tấm thảm thêu theo kiểu batic mô tả câu chuyện sử thi Ramayana bằng văn tự Hindu cổ. Charlie hút một điếu xì gà to. “Các kỹ sư sẽ đưa ra một bức tranh chi tiết về hệ thống điện, năng lực cầu cảng, đường sá, đường ray xe lửa, tất cả mọi thứ đại loại như thế trong hiện tại”.

Ông ta chĩa điếu xì gà về phía tôi. “Anh phải nhanh lên. Đến cuối tháng thứ nhất, Howard phải có được một cách tương đối chính xác con số dự báo sơ bộ về mức độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ sẽ xảy ra khi chúng ta có mạng lưới điện. Cuối tháng thứ hai, anh ta sẽ cần nhiều thông tin chi tiết hơn, tức là phải có được dự báo cho từng vùng. Tháng cuối cùng sẽ là lúc làm nốt những gì còn thiếu. Đó là điều then chốt. Tất cả chúng ta sẽ phải cùng bàn bạc với nhau. Vậy là, trước khi rời khỏi đây chúng ta phải hoàn toàn chắc rằng chúng ta đã có đầy đủ tất cả các thông tin cần thiết. Chúng ta sẽ được về nhà để nghỉ lễ Tạ ơn, đó là phương châm của tôi. Không quay lại nữa đâu”.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #25 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:59:03 am »

Thọat nhìn, Howard có vẻ là một ông già tốt bụng, nhưng thực sự ông là một người đàn ông lúc nào cũng có vẻ cay đắng vì bị đời lừa dối. Ông ta chưa bao giờ đạt được vị trí cao nhất ở Hệ thống điện New England và vô cùng phẫn nộ về điều đó. “Tôi luôn bị bỏ qua”, ông ta lặp đi lặp lại với tôi, “bởi vì tôi đã không để bị mua chuộc”. Ông ta bị buộc phải nghỉ hưu, để rồi không thể chịu đựng được việc ngày ngày phải ở nhà với vợ, ông ta nhận làm tư vấn cho MAIN. Đây là nhiệm vụ thứ hai của ông ta. Cả Einar và Charlie đều cảnh báo tôi phải dè chừng ông ta. Họ mô tả ông ta như một kẻ ngoan cố, bần tiện, và đầy thù hận.

Nhưng hóa ra Howard lại là một trong những người thầy giàu kinh nghiệm nhất mà tôi có được, mặc dù lúc đó tôi khó lòng chấp nhận điều này. Ông ta chưa bao giờ được đào tạo như Claudine đã đào tạo tôi. Tôi đoán họ cho rằng ông ta đã quá già hoặc có lẽ quá ngoan cố. Cũng có thể họ tính ông ta chỉ có thể làm dự án này trong một thời gian ngắn cho đến khi họ lôi kéo thêm được những người làm việc lâu dài và dễ bảo như tôi. Bất luận thế nào đi nữa thì xét từ quan điểm của họ, ông ta rồi cũng trở thành một chướng ngại. Rõ ràng là Howard hiểu rõ tình huống cũng như vai trò mà họ muốn ông ta nắm giữ, và ông ta quyết tâm không trở thành quân cờ trong tay họ. Tất cả những từ mà Einar và Charlie gán cho ông ta là rất thích đáng, nhưng sự ngoan cố của ông ta một phần nào đó bắt nguồn từ sự cam kết của chính bản thân ông ta là không trở thành tay sai cho họ. Tôi ngờ rằng ông ta chưa bao giờ nghe thấy thuật ngữ sát thủ kinh tế, nhưng ông ta biết họ có ý dùng ông ta để xây dựng nên một thứ chủ nghĩa đế quốc mà ông ta không thể chấp nhận được.

Một lần, sau cuộc họp với Charlie, ông ta kéo riêng tôi ra một chỗ. Ông ta đeo một cái máy trợ thính và vân vê chiếc hộp nhỏ đặt trong áo sơ mi để điều chỉnh âm lượng. “Đây chỉ là chuyện giữa hai chúng ta”. Howard nói với giọng bí mật.

Chúng tôi đứng cạnh cửa sổ trong văn phòng, nhìn ra con mương đầy nước tù đọng dẫn ra tòa nhà PLN. Một người đàn bà trẻ đang tắm trong dòng nước hôi hám đó, che mình bằng chiếc sarong quấn quanh người. “Họ cố gắng thuyết phục anh rằng nền kinh tế này sẽ tăng trưởng thần tốc”, ông ta nói. “Charlie rất tàn nhẫn. Đừng chọc giận ông ta.” Những lời nói của ông ta khiến tôi có linh cảm về một điềm chẳng lành nhưng cũng làm tôi muốn thuyết phục ông ta rằng Charlie đã đúng. Dù gì, sự nghiệp của tôi cũng phụ thuộc vào việc làm hài lòng các ông chủ ở MAIN. “Chắc chắn nền kinh tế này sẽ phát triển rất nhanh”, tôi nói, mắt vẫn hướng về phía người phụ nữ dưới con mương. “Cứ nhìn vào những gì đang xảy ra thì thấy”.

“Ra là vậy”, ông ta lẩm bẩm, rõ ràng chẳng để ý gì đến cảnh tượng đang diễn ra trước mắt chúng tôi. “Anh đã bị họ mua chuộc rồi, phải không?” Một việc xảy ra ở bờ mương khiến tôi chú ý. Một người đàn ông lớn tuổi đi xuống phía bờ mương, tụt quần và ngồi xổm bên mép nước để đáp lại tiếng gọi của tự nhiên. Người phụ nữ trẻ nhìn thấy ông ta nhưng cũng chẳng ngăn cản; cô ta vẫn tiếp tục tắm. Tôi xoay lưng lại phía cửa sổ và nhìn thẳng vào Howard.

“Tôi đã đi nhiều nơi”, tôi nói, “có thể tôi ít tuổi nhưng tôi vừa trở về sau ba năm sống tại Nam Mỹ. Tôi đã thấy những gì có thể xảy ra khi dầu mỏ được tìm thấy. Mọi thứ thay đổi rất nhanh”.

“Ồ, tôi cũng đã đi rất nhiều nơi”, ông ta nói một cách chế giễu. “Rất nhiều năm. Để tôi nói cho anh biết điều này, anh bạn trẻ. Tôi chẳng quan tâm đến mấy vụ tìm ra dầu mỏ của anh và tất cả những thứ khác. Tôi đã dự báo về tải trọng điện cả đời rồi- suốt từ thời Đại khủng hoảng Kinh tế, Thế chiến thứ II, qua các chu kỳ suy thoái và tăng trưởng. Tôi đã từng thấy những gì mà Tuyến đường 128 hay còn gọi là Sự thần kỳ Massachusetts đã đem lại cho Boston. Và tôi có thể cam đoan là không có nơi nào tốc độ tăng trưởng tải điện có thể duy trì ở mức bẩy đến chín phần trăm một năm liên tục trong một thời gian dài. Và đó là vào những thời kỳ tốt nhất. Sáu phần trăm thì hợp lý hơn.”

Tôi nhìn ông ta chằm chằm. Một phần nào đó trong tôi ngờ rằng ông ta đúng, nhưng tôi vẫn cảm thấy phải tự vệ. Tôi biết tôi cần phải thuyết phục ông ta vì tôi thấy lương tâm mình cần được bào chữa.

“Howard, đây không phải là Boston. Đây là đất nước mà cho đến giờ người ta vẫn chưa có điện để dùng. Mọi thứ ở đây khác hẳn.” Ông ta quay ngoắt đi và phẩy tay như thể muốn xua tôi đi. “Cứ tự nhiên”, ông ta gầm gừ. “Cứ bán tất đi. Tôi chẳng cần biết anh sẽ nghĩ ra cái gì.” Ông ta kéo mạnh các ghế phía sau bàn làm việc và buông mình xuống. “Tôi sẽ đưa ra dự báo về lượng tải điện dựa  trên những điều tôi tin tưởng chứ không phải những nghiên cứu kinh tế theo kiểu bánh vẽ”. Ông ta nhặt chiếc bút chì lên và bắt đầu vẽ nguệch ngoạch lên một tập giấy.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #26 vào lúc: 22 Tháng Ba, 2009, 11:59:53 am »

Đây quả là một sự thách thức mà tôi không thể làm ngơ. Tôi đi tới và đứng trước bàn làm việc của ông ta. “Người ta sẽ coi ông là thằng ngu nếu tôi chứng minh được những gì mọi người đang trông chờ- một sự phát triển rực rỡ sánh ngang với thời kỳ sốt vang ở California- trong khi ông ta đưa ra dự báo mức tăng trưởng của ngành điện chỉ ở mức ngang với ở Boston vào những năm 60.”

Ông ta ném chiếc bút chì xuống bàn và nhìn tôi trừng trừng. “Vô lương tâm! Đúng vậy. Anh- và tất cả các người.” Ông ta chỉ tay về phía dãy văn phòng bên ngoài, “anh đã bán linh hồn mình cho quỉ dữ. Anh tham gia vụ này cũng chỉ vì tiền thôi”. Bây giờ, ông ta nhếch mép và cho tay vào trong áo, “tôi sẽ tắt máy trợ thính và trở lại làm việc.”

Chuyện này làm tôi choáng váng đến tận tâm can. Tôi lao ra khỏi phòng và đi về phía phòng làm việc của Charlie. Được nửa đường, tôi dừng lại, tôi không chắc mình định làm gì. Thay vì đi tiếp, tôi quay lại và đi xuống cầu thang, ra khỏi cửa, hòa mình vào ánh nắng chiều. Người phụ nữ trẻ đang leo lên bờ mương, chiếc sarong quấn chặt lấy thân hình. Người đàn ông lớn tuổi đã biến mất. Có vài thằng bé đang chơi dưới mương, té nước và la hét với nhau. Một cụ bà đang đứng dưới mương, nước ngập đến đầu gối để đánh răng; một người khác đang giặt quần áo.

Tôi cảm thấy cổ họng mình nghẹn lại. Tôi ngồi xuống một phiến bêtông bị vỡ, cố không để ý đến mùi hôi hám từ phía con mương. Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được nước mắt; tôi phải hiểu được tại sao mình lại cảm thấy đau khổ đến vậy? Anh tham gia vụ này chỉ vì tiền thôi. Những lời nói của Howard cứ văng vẳng bên tai. Ông ta đã chạm vào nỗi đau của tôi. Mấy thằng bé vẫn tiếp tục trò té nước, tiếng la hét vui sướng vang vọng cả không gian. Tôi tự hỏi mình phải làm gì. Làm gì để được vô tư như bọn chúng?

Câu hỏi cứ dày vò khi tôi ngồi đó nhìn bọn trẻ chơi đùa một cách ngây thơ đầy hạnh phúc, chúng rõ ràng không nhận thức được những nguy cơ có thể gặp phải khi chơi đùa dưới dòng nước hôi hám đó. Một người đàn ông lưng gù chống gậy xù xì vặn vẹo đang đi khập khiễng dọc theo bờ mương. Ông ta dừng lại nhìn bọn trẻ và trên khuôn mặt già nua nở nụ cười móm mém.
Có lẽ tôi nên giãi bày tâm sự với Howard và có thể, chúng tôi sẽ cùng nhau tìm ra một giải pháp gì đó. Tôi bỗng cảm thấy nhẹ cả người. Tôi nhặt một hòn đá nhỏ lên và ném nó xuống con mương. Khi mặt nước phẳng lặng trở lại thì sự phấn khích trong tôi cũng tiêu tan. Tôi biết tôi không thể làm điều đó. Howard đã già và đầy cay đắng. Ông ta đã bỏ qua những cơ hội thăng tiến. Chắc chắn là bây giờ ông ta sẽ không tiếp tục phấn đấu nữa. Tôi còn trẻ, vừa mới vào đời và chẳng hề muốn kết thúc như ông ta.

Nhìn chăm chăm vào dòng nước dưới con kênh hôi hám đó, tôi thấy lại hình ảnh của ngôi trường nội trú dành cho nam sinh New Hamsphire trên quả đồi, nơi tôi đã phải trải qua những tháng ngày cô độc trong khi những đứa trẻ khác đi đến những vũ hội đầu tiên trong đời. Sự thật đáng thương đó cứ chầm chậm hiện về. Lại một lần nữa, chẳng có ai để tôi có thể dốc bầu tâm sự.

Tối hôm đó nằm trên giường, tôi suy nghĩ rất lâu về những người tôi đã gặp trong đời- Howard, Charlie, Claudine, Ann, Einar, chú Frank- tự hỏi cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu tôi không bao giờ gặp họ. Tôi sẽ sống ở đâu? Không thể là Inđônêxia, điều đó là chắc chán. Tôi cũng băn khoăn về tương lai của mình, về nơi mà tôi sẽ tới. Tôi suy nghĩ về quyết định mà mình đang phải đương đầu. Charlie đã nói rõ ràng ông ta muốn Howard và tôi đưa ra con số tăng trưởng ít nhất là 17%/năm. Tôi phải đưa ra dự bảo kiểu gì đây?

Một ý nghĩ chợt đến xoa dịu tâm hồn tôi. Tại sao tôi không nghĩ ra điều đó sớm hơn nhỉ? Đó hoàn toàn không phải là quyết định của tôi. Howard đã từng nói ông ta sẽ chỉ làm những điều ông ta cho là đúng, bất chấp kết luận của tôi. Tôi sẽ làm hài lòng các ông chủ của mình bằng cách đưa ra mức dự báo kinh tế cao và ông ta sẽ đưa ra quyết định riêng của mình; công việc của tôi sẽ không ảnh hưởng gì đến bản qui hoạch tổng thể. Mọi người cứ nhấn mạnh tầm quan trọng của tôi, nhưng họ đã nhầm. Gánh nặng lớn đã được rũ bỏ. Tôi chìm vào giấc ngủ sâu.

Vài ngày sau, Howard bị ốm nặng do nhiễm amíp. Chúng tôi đưa ông ta vào Bệnh viện Công giáo. Các bác sĩ kê đơn thuốc và khuyên ông ta nên trở về Mỹ. Howard cam đoan rằng ông ta đã có tất cả dữ liệu cần thiết và có thể dễ dàng hoàn tất phần dự báo về lượng tải điện từ Boston. Khi chia tay, ông ta lại lặp lại lời cảnh báo của mình trước đó. “Không cần phải làm giả số liệu”, ông ta nói, “tôi sẽ không tham gia vào mưu đồ đó, bất luận anh dự báo gì về sự kỳ diệu của tăng trưởng kinh tế!”
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #27 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:26:38 pm »

PHẦN II: 1971-1975

Chương 6 Vai trò điều tra của tôi

Theo những hợp đồng chúng tôi ký với chính phủ Inđônêxia, Ngân hàng Phát triển châu Á và USAID, phải có một người trong nhóm chúng tôi đi thực địa đến tất cả các địa bàn dân cư quan trọng nhất nằm trong qui hoạch tổng thể. Tôi được chỉ định đứng ra làm nhiệm vụ này. Như Charlie nói, “anh đã sống được ở Amazon; anh biết cách giải quyết lũ bọ, rắn và nước bẩn”. Cùng với một lái xe và một phiên dịch, tôi đã đi thăm rất nhiều cảnh đẹp cũng như ở trong một số phòng trọ khá tồi tàn. Tôi gặp gỡ các doanh nhân và chính trị gia ở địa phương và lắng nghe ý kiến của họ về triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Song tôi thấy phần lớn họ đều rất miễn cưỡng khi chia sẻ thông tin với tôi. Hình như họ cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của tôi. Cụ thể là họ thường nói với tôi rằng tôi phải soát lại thông tin với cấp trên của họ, với các cơ quan chính phủ hay với các trụ sở công ty ở Jafarta. Đôi lúc tôi ngờ rằng đang có một âm mưu nào đó nhằm vào tôi.

Những chuyến công tác thường xuyên là ngắn hạn, chỉ khoảng hai đến ba ngày. Giữa các chuyến đi, tôi trở lại Wisma ở Bandung. Bà quản lý ở đó có một cậu con trai kém tôi vài tuổi. Tên cậu ta là Rasmon, nhưng tất cả mọi người trừ mẹ cậu ta đều gọi cậu ta là Rasy. Là một sinh viên kinh tế tại trường đại học địa phương, cậu ta ngay lập tức quan tâm đến công việc của tôi. Thật ra, tôi nghĩ sẽ có lúc cậu ta nhờ tôi kiếm việc. Cậu ta bắt đầu dạy tôi tiếng Bahasa Inđônêxia.

Sáng tạo ra một loại ngôn ngữ dễ học vốn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Sukarno sau khi Inđônêxia giành được độc lập từ tay người Hà Lan. Trên quần đảo này có đến hơn ba trăm năm mươi ngôn ngữ và tiếng địa phương được sử dụng, và Sukarno nhận thấy, đất nước ông cần một ngôn ngữ chung để đoàn kết người dân từ nhiều hòn đảo, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau. Ông đã tuyển một đội ngũ các nhà ngôn ngữ học quốc tế, và sự ra đời của tiếng Bahasa Inđônêxia là một thành công đánh kể. Dựa vào tiếng Mã Lai, Bahasa đã tránh được rất nhiều cách chia động từ, những động từ bất quy tắc, và các phép biến đổi khác mà hầu hết các ngôn ngữ thường đòi hỏi. Vào đầu thập kỷ 70, đa số người Inđônêxia đã sử dụng tiếng Bahasa, mặc dù họ vẫn tiếp tục dùng tiếng Java và các thổ ngữ khác trong cộng đồng riêng của mình. Rasy là một giáo viên giỏi với một khiếu hài hước tuyệt vời, và so với việc học tiếng Shuar hay thậm chí tiếng Tây Ban Nha, học tiếng Bahasa dễ hơn nhiều.

Rasy có một chiếc xe gắn máy và dùng nó chở tôi đi khắp nơi để giới thiệu về thành phố và con người ở đây. “Tôi sẽ chỉ cho anh một Inđônêxia mà anh chưa từng biết đến,” một tối cậu ta hứa với tôi và giục tôi leo lên sau xe.

Chúng tôi đi ngang qua những đám múa rối, các nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc, những người diễn trò thổi lửa, các nghệ sĩ làm xiếc tung hứng và những người bán hàng rong với tất cả các loại mặt hàng, từ những băng cát xét lậu của Mỹ đến những món đồ cổ bản xứ. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một quán cà phê. Ở đây, những người trẻ tuổi mặc quần áo, đội mũ và để tóc giống hệt như trong một buổi hòa nhạc của Beatles vào những năm 60; duy chỉ khác là họ là người Inđônêxia. Rasy giới thiệu tôi với một nhóm người ngồi quanh một chiếc bàn và chúng tôi cùng ngồi trò chuyện.

Họ đều nói tiếng Anh, với mức độ lưu loát khác nhau, nhưng họ đánh giá cao và khuyến khích tôi nói tiếng Bahasa. Họ nói về điều này rất cởi mở và hỏi tôi tại sao người Mỹ lại không bao giờ học ngôn ngữ của họ. Tôi không có câu trả lời. Cũng như tôi không thể giải thích tại sao tôi là người Mỹ hay người Châu Âu duy nhất đến khu này của thành phố, mặc dù người ta có thể thấy rất nhiều người như tôi tại câu lạc bộ golf và quần vợt, trong các nhà hàng sang trong, các rạp chiếu phim và những siêu thị đắt tiền.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #28 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:27:30 pm »

Đó là một buổi tối mà tôi sẽ nhớ mãi. Rasy và những người bạn của cậu ta đối với tôi thật thân tình. Ở đó, tôi cảm thấy thật hạnh phúc, trong cùng một thành phố với họ, cùng thưởng thức đồ ăn và âm nhạc, ngửi mùi hương của những điếu thuốc làm từ nụ hoa đinh hương và những hương vị khác vốn là một phần cuộc sống của họ, cười đùa vui vẻ với họ. Tôi như được sống lại những ngày ở Quân đoàn Hòa bình. Và bỗng nhiên, tôi tự hỏi tại sao tôi lại nghĩ là mình muốn đi vé hạng nhất và tách khỏi những người như họ. Họ rất muốn biết tôi nghĩ gì về đất nước của họ và về cuộc chiến tranh mà đất nước tôi đã khởi xướng ở Việt Nam. Tất cả họ đều cảm thấy khiếp sợ cái mà họ nói đến như một “sự xâm lược bất hợp pháp”, và họ cảm thấy yên tâm khi biết rằng tôi cũng có chung một cảm giác như vậy.

Khi tôi và Rasy quay trở lại nhà nghỉ thì đã rất khuya và xung quanh rất tối. Tôi cảm ơn cậu ta vì đã đón nhận tôi vào thế giới của cậu; cậu ta cảm ơn tôi vì tôi đã cởi mở với những bạn bè của cậu ta. Chúng tôi hứa sẽ còn có những chuyến đi như vậy, chúng tôi ôm nhau, chào tạm biệt và đi về phòng mình.

Những lần đi với Rasy càng khiến tôi muốn có thời gian riêng tách khỏi nhóm. Sáng hôm sau, tôi gặp Charlie và nói với ông ta rằng tôi đã quá chán nản khi cứ phải tìm cách thu thập thông tin từ phía người dân địa phương. Hơn nữa, hầu hết những số liệu thống kê mà tôi cần cho dự báo phát triển kinh tế chỉ có thể được tại các văn phòng chính phủ ở Jakarta. Charlie và tôi nhất trí là tôi phải ở lại Jakarta thêm một đến hai tuần nữa.

Ông ta tỏ ra rất ái ngại vì tôi phải rời khỏi Bandung để đến thủ đô nóng như thiêu như đốt, và tôi nói là tôi cũng chẳng thích thú gì. Nhưng thực ra, tôi rất phấn khởi khi có cơ hội dành chút thời gian cho riêng mình để khám phá Jakarta và để lại được ở tại khách sạn thanh lịch Inter Continental Inđônêxia. Tuy nhiên, khi ở Jakarta, tôi phát hiện ra giờ đây mình đã nhìn cuộc sống từ một khía cạnh khác. Buổi tối với Rasy và những người Inđônêxia trẻ tuổi cũng như những chuyến đi khắp đất nước này đã làm tôi thay đổi. Tôi thấy mình đã nhìn những người đồng hương bằng cái nhìn khác. Những cô vợ trẻ dường như không còn quá đẹp. Cái hàng rào xung quanh bể bơi và những chấn song sắt ngoài cửa sổ dưới tầng trệt, những thứ mà trước đây tôi gần như không để ý thấy, giờ trông thật bất ổn. Thức ăn tại những nhà hàng thanh lịch của khách sạn cũng trở nên vô vị.

Tôi cũng còn nhận thấy vài điều khác nữa. Trong những cuộc họp với các doanh nghiệp và quan chức cấp cao, tôi thấy cái cách mà họ đối xử với tôi thật xảo quyệt. Trước đây tôi không nhận ra điều này, nhưng giờ tôi thấy rõ những người trong số họ không hài lòng với sự có mặt của tôi. Ví dụ khi họ giới thiệu tôi với những người khác, họ thường dùng những cụm từ mà theo như từ điển Bahasa của tôi có nghĩa là người điều tra, và người thẩm vấn. Tôi cố tình giấu việc tôi hiểu tiếng nói của họ - ngay cả người phiên dịch cho tôi cũng chỉ biết là tôi có thể nói vài câu giao tiếp đơn giản - và tôi đã mua một cuốn từ điển Bahasa-Anh khá tốt để dùng sau mỗi lần gặp họ.

Những lời ám chỉ đó có phải chỉ là sự trùng hợp về mặt ngôn ngữ? Hay từ điển của tôi dịch sai? Tôi cố thuyết phục bản thân rằng đúng là như vậy. Nhưng càng tiếp xúc với những người đó, tôi càng thấy rằng tôi chính là kẻ không mời mà đến, rằng họ được lệnh của một ai đó ở trên bắt họ phải hợp tác với tôi, và họ chẳng có sự lựa chọn nào ngoài việc phải tuân theo. Tôi không biết người đưa ra lệnh đó là ai: một quan chức chính phủ, một chủ nhà băng, một sĩ quan cao cấp trong quân đội hay là Sứ quán Mỹ. Tất cả những gì tôi biết là cho dù họ mời tôi đến văn phòng, mời tôi uống trả, trả lời các câu hỏi của tôi một cách lịch sự, và tỏ vẻ như rất hoan nghênh sự có mặt của tôi, nhưng thực chất đằng sau đó là bóng đen của sự cam chịu và lòng thù oán.
Logged
saruman
Thành viên
*
Bài viết: 540



« Trả lời #29 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2009, 07:28:12 pm »

Điều đó cũng khiến tôi nghi ngờ cả những câu trả lời của họ cũng như tính chính xác của những số liệu mà họ cung cấp cho tôi. Ví dụ như, tôi không bao giờ có thể đi thẳng đến một văn phòng, cùng với người phiên dịch, gặp mặt một ai đó. Bao giờ chúng tôi cũng phải hẹn trước. Bản thân điều này không có gì khác thường, trừ việc chúng tôi phải tốn quá nhiều thời gian. Vì hiếm khi liên lạc được bằng điện thoại nên chúng tôi phải đi xe qua những con phố ngoằn nghèo tắc nghẽn đến mức phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến được tòa nhà chỉ cách đấy vài cao ốc. Đến nơi, người ta bắt chúng tôi điền vào rất nhiều tờ khai.

Cuối cùng, một nam thư ký cũng xuất hiện. Rất lịch sự - luôn kèm theo nụ cười nhã nhặn điển hình của người Java - anh ta sẽ hỏi tôi về những thông tin mà tôi cần và sau đó anh ta sẽ hẹn ngày gặp.

Bao giờ cũng vậy, để có được buổi hẹn trước phải mất đến vài ngày, và khi buổi gặp mặt diễn ra, họ trao cho tôi một tập tài liệu đã chuẩn bị sẵn. Các nhà tư bản công nghiệp đưa cho tôi bản kế hoạch 5 năm và 10 năm, các ông chủ nhà băng thì có những bảng biểu và đồ thị, và các quan chức chính phủ thì cung cấp danh sách các dự án đang sắp biến thành động lực tăng trưởng kinh tế. Mọi thứ do các chủ doanh nghiệp và chính phủ cung cấp và tất cả những gì họ nói trong mỗi lần tôi gặp họ đều cho thấy Java đã sẵn sàng cho một sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ nhất mà chưa từng có nền kinh tế nào đạt được. Chưa có ai- dù chỉ là một người - đặt câu hỏi nghi vấn về giả thuyết này cũng như cung cấp cho tôi những thông tin trái chiều.

Vì thế mỗi lần về lại Bandung, tôi lại thấy băn khoăn về tất cả những gì tôi thấy ở Jakarta; có điều gì đó làm tôi lo lắng. Tôi thấy mọi thứ đang làm ở Inđônêxia giống như một trò chơi hơn là thực tế. Cứ như là chúng tôi đang chơi poker. Chúng tôi giữ kín những quân bài của mình. Chúng tôi không thể tin tưởng lẫn nhau hay tin vào những thông tin mà chúng tôi chia sẽ. Thế nhưng trò chơi này lại hết sức nghiêm túc và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trong nhiều thập niên tới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM