Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:04:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nguyễn Trung Trực, anh hùng kháng chiến chống Pháp  (Đọc 38487 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:23:50 pm »

Phụ bản 4


Rạch Lăng Ông: Thuở xưa cạnh đình thần Nguyễn Trung Trực ở số 8 đường Nguyễn Công Trứ ngày nay là xóm chài lưới thường gọi là Vạn lưới, về sau gọi là xóm Phủ, do chữ Ngư phủ nói tắt. Dân chung thấy cá Ông lụy (chết) ngoài biển Rạch Giá ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch (không rõ năm nào), kéo xác vào con rạch xóm Phủ, lập miếu thờ. Con rạch này về sau dân địa phương gọi rạch Lăng ông, sau này đã lấp làm đại lộ Tự Do.

Nghĩa quân không sử dụng kinh ông Hiển để đến thành lính Sơn Đá vì có nhiều nhà cửa ở dọc hai bên con kinh này, nếu dùng trong việc chuyển quân sẽ bị lộ, như vậy không còn yếu tố bất ngờ nữa, mà yếu tố bất ngờ là một quyết định quan trọng trong chiến thuật đột kích.

Vì vậy cụ Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đi theo đường biển.

Phụ bản 5


Thành lính Sơn đá xây dựng cách nay 124 năm, rất kiên cố, nay vẫn còn. Đó là kiến trúc lâu đời nhất còn tồn tại, tường xây bằng đá tảng rất dầy, có nhiều cửa sổ, một số cửa sổ sau này được xây bít lại. Trong thành có sáu cầu thang lên từng trên. Thành xây trên một khu đất cao chung quanh trống trải, bên sông Kiên, nhưng về sau các công sở xây cất kế tiếp đã che khuất thành này.

Khi Pháp mới chiếm Rạch Giá liền cho xây thành này để một đội lính ở nên mới gọi là thành lính Sơn đá do chữ Pháp soldat dịch âm ra, cách thành này không xa là trại lính mộ người Việt, dân địa phương quen gọi là lính mã tà. 

Về sau khi tình hình đã ổn định, Pháp dùng thành này làm cơ quan hành chánh trong tỉnh gọi là Tòa Bố, nhưng dân chúng quen gọi là nhà hầu.

Năm 1945, dân chúng tràn vào thành này. Tuôn hết giấy tờ công văn xuống đất, mang tấm bảng ghi danh sách các công chánh tham biện Rạch Giá đem ra bùng binh chợ Rạch Giá hỏa thiêu.

Phụ bản 6


A.Schreiner thuật trận đánh đồn Rạch Giá như sau:

Đồn Rạch Giá bị tấn công lúc 4 giờ sáng ngày 16-6-1868. Trung úy hải quân, Thanh tra địa phương, người ở đây gọi là Chánh Phèn vì bộ râu vàng hoe, là một trong những người bị giết trước tiên. Trung úy Sauterne chỉ huy đồn lính bị giết chết sau một chập chống trả mãnh liệt, đồn lính này gồm 30 người, ngủ say cạnh những khẩu súng của họ đều bị hạ sát. Khoảng 12 người họp lại mở vòng vây chạy tản mác vào làng, vì lạ người lạ cảnh họ bị giết lần lượt bằng chĩa ba, chỉ trừ tên Duplessis, tên này chạy trốn trong lùm bụi và được một ông lão và một người đàn bà Việt Nam cho ăn. Một viên chủ của sở thâu thuế tự vệ một lúc lâu bằng súng, cuối cùng cũng bị hạ sát với đứa con gái và đứa con trai nhỏ. Mấy tên thông ngôn và viên chức Việt Nam làm việc cho người Pháp bị bắt và bị giết vừa lúc quân Pháp trở lại. Lúc Pháp tái chiếm Rạch Giá, những người Cao Miên quanh vùng dẫn nạp tên Duplessis cho thiếu tá Ausart và bắt đầu lục soát tìm bắt nghĩa quân. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:23:58 pm »

Phụ bản 7

Đảo Phú Quốc hình thoi, diện tích 66.000 héc ta, cách xa bờ biển Hà Tiên 70 cây số và Rạch Giá 130 cây số có nhiều núi rừng và đồi nhỏ.

Thời Mạc Cửu, người Việt ở trên này rất ít, đa số là những chòi được dựng lên để tạm trú bắt đồi mồi, bắt ghẹ, đánh cá, lấy gỗ quí, nhặt vò sò, vỏ ốc để hầm vôi ăn trầu. 

Về sau có người đàn bà tên Kim Giao đưa người nhà và gia súc từ đất liền ra đảo khẩn hoang và cày cấy tại Cửa Cạn thì dân chúng mỗi ngày thêm đông. Đa số những ngôi nhà lúc bấy giờ cất núp sau những hàng cây cao để tránh những trận dông biển và bão biển.

Khi bà mất, dân chúng địa phương lập miếu thờ và tôn bà là Kim Giao thần nữ. 

Trước khi bà mất, bà cho tha hết trâu. Đàn trâu này lên rừng và trở thành trâu hoang. Dân trên đảo vì trọng bà nên không ai dám bắt ăn hay tái sử dụng bầy trâu phóng sanh này.

Khi cụ Nguyễn Trung Trực rút quân lên núi lập căn cứ kháng chiến chống Pháp có giết ăn một số trâu hoang này.

Phụ bản 8.

Ông Lâm Văn Ky (còn gọi Lâm Quang Ky) tự là Hưng Thái, sanh năm 1839 tại Tà Niên, nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, song thân là ông Cai tổng Lâm Kim Diệu và bà Nguyễn Thị Của.

Ông tiến cứ cụ Nguyễn Trung Trực 4 đồng chí của mình là Trịnh Văn Tư, Ngô Văn Búp, Hồng Văn Ngàn, và Nguyễn Văn Miên, ông có công chiêu tập nghĩa quân, rất có uy tín tại địa phương, nên được thuộc cấp gọi tên là phó tướng và được cụ Nguyễn Trung Trực tín nhiệm giao trọng trách.

Vợ ông là bà Nguyễn Thị Thạnh, ông bà có bốn người con: Lâm Văn Di, Lâm Thị Hôn, Lâm Thị Bưởi và Lâm Văn Bửu.
Khi ở Tà Niên, cụ Nguyễn ở tại nhà ông và nhà ông Lê Văn Quyền thường gọi là ca Quyền (Vợ ông ca Quyền là chị ruột của ông Lâm Văn Ky).

Ông Lâm Văn Ky, trước đây người trong vùng quen gọi là Lâm Văn Ky, trong bản thẩm vấn của ông Piquet cũng ghi là Lâm Văn Ky, nhưng sau con cháu lập bia và viết gia phả sửa lại là Lâm Quang Ky.

Ông Lâm Văn Khương là cháu nội của ông Lâm Văn Ky có soạn quyển gia phả họ Lâm. Quyển gia phả trên được giữ tại nhà ông Khương ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hòa Hiệp. Trong gia phả có dấu sửa Lâm Văn Ky thành Lâm Quang Ky. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:26:01 pm »

Phụ bản 9


Huỳnh Công Tấn, người tỉnh Gò Công, theo lãnh binh Trương Công Định kháng chiến chống pháp. Vì bất bình Trương Công Định, Tấn xuất thú điểm chỉ  Pháp vây bắt Trương Công Định tại Kiến Phước. Cụ Trương bị thương, rút gươm chỉ vào mặt Tấn mắng rồi tự sát. Tấn còn vạch nhiều kế hoạch cho Pháp tiễu trừ nghĩa quân. Có công lớn nên được Pháp phong chức lãnh binh và lót chữ Công - Huỳnh Công Tấn.

Về sau lãnh binh Tấn chết, Pháp sợ dân chúng căm thù bằn xác Tấn nên cho đào 5 cái huyệt cách xa nhau trên một cái gò nhiều mồ mả tại làng Yên Luông Đông, tỉnh Gò Công. Khi đi chôn trong đêm tối chỉ có vài người khiêng quan tài nên không ai biết chính xác mả Tấn ở chỗ nào.

Tấn có một người con trai là cậu Hai Miêng, thích võ nghệ, mê bạc bài, rày đây mài đó nên được phong tặng là "Miễn tử lưu linh". Vì Tấn lập công to, để đền ơn, sau khi Tấn chết, Pháp ban cho cậu Hai Miêng một đặc ân là đi đến đâu hết tiền thì cứ vào dinh tỉnh trưởng Pháp trình giấy giới thiệu do Pháp cấp rồi sau đó đến kho bạc lãnh tiền ra mà ăn chơi hoang phí. Việc làm này Pháp muốn khuyến khích một số Việt gian đi theo con đường của Tấn.

Cậu Hai Miêng có tới Rạch Giá hốt me, đá gà và ngồi xuồng đi chơi nhiều nơi trong tỉnh.

Phụ bản 10

Ông Huỳnh Mẫn Đạt, người đương thời thường gọi là Tuần Phó Đạt, sanh năm 1807 tại làng Tân Hội, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Thuở nhỏ ông có học với cụ Võ Trường Toản, đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 12, tức khoa Tân Mão 1831. Làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hà Tiên. 

Ông sống đồng thời với cụ Phan Thanh Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Vàn Trị, Tôn Thọ Tường.

Ông có tất cả mười người con, ông mất ngày mùng 4 tháng 11 âm lịch (1883).

Từ đường thờ ông hiện tại nhà người cháu nội là Huỳnh Trung ở số 28 đường Hùng Vương, Rạch Giá. Nơi đây còn thờ bút tự của ông Huỳnh Mẫn Đạt. Nét chứ đã mờ, tróc nhiều chỗ vì giấy đã mục rả.

Mộ phần của ông hiện nay ở phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá. Mộ nằm trên một giồng đất cát trông ra biển. Sau này mở con đường Lâm Quang Ky chạy ngang qua trước mộ, mộ của ông sau căn nhà số 61/4. Bên phải ngôi mộ ông là mộ của bà Chánh thất, bên trái là mộ của bà Trắc thất. 

Thơ văn của ông còn truyền lại vài bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, hầu hết bằng chứ nôm, chỉ còn truyền lại một bài thơ chữ Hán là bài ông khóc điếu Cụ Nguyễn Trung Trực khi bị Pháp hành quyết tại chợ Rạch Giá.

Có điều hai câu thơ: 

"Hỏa hồng Nhựt Tảo kinh thiên địa .
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỉ thần".'


được nhiều nơi khắc làm câu đối khắc trước cổng đình bị sửa lại: 

"Hỏa phần Nhựt Tảo kinh thiên địa
Kiếm phạt Kiên Giang khấp quỉ thần".


Sự sửa này chắc ngoài ý muốn của ông Huỳnh Mẫn Đạt mà nghĩa lại phản lại .

Chữ "phần" là đốt nhưng làng Nhựt Tảo tội gì mà bị đốt.

Còn Kiên Giang có tội gì mà bị phạt, ắt hẳn là bọn Tây giỏi chữ Hán hay bọn Việt gian bày vẽ chi đây? 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:27:22 pm »

Phụ Bản 11:


Ông Nguyễn Hiền Điều, người tỉnh Vĩnh Long, được phái đến huyện Kiên Giang (thuộc tỉnh Hà Tiên) năm Minh Mạng thứ 21 (1840), làm chức Phó Cơ, người địa phương gọi là Phó Cơ Điều.

Ngày 14 tháng giêng (1840) được tin cấp báo có một nhóm Miên nổi lên cướp phá ở Rạch Sòi (cách chợ Rạch Giá khoảng 7 cây số đường bộ). ông liền tập hợp một toán quân đi tiếp cứu. Bọn giặc rất đông, ông dẫn quân xông vào giao chiến lợi dụng đất ruộng thô cứng, chứng cỡi trâu bao vây. Trâu bị thúc giục chém báng loạn cuồng. Ông và quân sĩ tả xung hữu đột giữa vòng vây khép kín.

Đến chiều tối, đám quân ông dẫn theo đều tử trận chỉ còn ông và thằng phòng (bây giờ gọi là người hộ vệ). Đổi lại bọn giặc chết đầy đồng, vì chung tuy đông song chỉ là đám giặc ô hợp.

Bọn giặc biết ông đang thế cô nhưng chưa dám xông vào bắt, chúng cho bao vây chờ ông sơ hở để phục kích giết chết.
Khi chờ quân tiếp viện tới, phần mệt, phần đói khát, ông đi lần đến giếng cây Trâm tìm nước uống. Vì mùa khô, giếng cạn, ông phải xuống giếng lấy tay hớp từng ngụm nước, trong khi đó thằng phòng canh giữ trên miệng giếng. Bất ngờ bọn giặc đến phóng lao vào ông, ông bị thương nhưng vẫn nhổ lao cắm trong mình phóng lại bọn giặc cho đến khi kiệt sức ngã quỵ. Bọn giặc lấy thủ cấp ông đem về bêu trên ngọn tre cắm tại xóm Rạch So Đũa.

Thủ cấp của ông được ông Tám Giang, người chuyên lấy mật ong, nửa đêm bơi xuồng đến rước đem về thờ tại đình Vân Tập, nay là đình thờ Cụ Nguyễn Trung Trực. 

(Giếng nước này miệng hình vuông loe ra rất rộng, có thể đi lần xuống để gánh nước lên được, vì thành giếng dốc thoai thoải. Về sau muốn bảo vệ di tích trên, dân chúng xây toàn bộ bằng gạch, di tích được bảo vệ nhưng vẻ nguyên thủy đã mất).

Phụ Bản 12


Ông Le Nestour sanh ngày 13-1-1854 tại Quimperle (Pháp). Ông làm chánh sở Douant nên người địa phương thường gọi ông chủ Đoan, tương đương với chức trưởng ty quan thuế ngày nay.

Ông có vợ người Việt Nam tên Nhan Thị Lựu và nhiều bà vợ bé, với tất cả 10 người con đều đặt tên Việt Nam và được người địa phương gọi rất bình dân như Ba Chim (nữ), Tư Chuột (nữ), Năm On (nam), Sáu Ô (nữ)... Con gái của ông hầu hết gả cho người Việt Nam, Trung Hoa hoặc Ấn Độ.

Ông nói tiếng Việt khá rành, ông dịch Le Nestour thành Lê Đức Tu, từng diễn thuyết bằng tiếng Việt cho hội Khai trí Tiến Đức ở Sài Gòn. 

Theo người trong tỉnh, ông là người Pháp tiến bộ. Ông Huỳnh Văn Yến nói rằng ông Le Nestour thường chỉ trích việc làm sai quấy của người Pháp. Ông Le Nestour cho dân xóm chài mượn tàu mang cá đỏ của ông ra hòn Sơn Rái đốn cây danh mộc về cất đình Lăng ông. Ông có xuất bản quyển Ile de Tortue (Hòn Rùa). Nghe nói trong quyển sách này có phần ông đề cập tiểu sử cụ Nguyễn Trung Trực. Tiếc thay nay đã thất lạc. Tôi có đi đến nhiều như viện để tìm nhưng chưa thấy.

Ông mất ngày 22-10-1928 tại Rạch Giá, mộ phần nằm phía sau Sở Công an Kiên Giang.

Phụ Bản 13

+ Gilbert Trần Chánh Chiếu cha là Trần Cửu Thọ, mẹ là Lại Thị Dẹt, sanh ngày mùng 2 tháng 6 năm Đinh Mão, tức ngày 3-7-1867 tại làng Vân Tập, tỉnh Rạch Giá. (Thiên Địa Hội của Sơn Nam trang 99) . .

Ông học chữ Pháp, có Pháp tịch và theo đạo Thiên Chúa, xuất thân làm xã trưởng làng Vĩnh Thanh Vân, nên người đương thời gọi là Xã Chiếu. Về sau được thăng phủ danh dự nên được gọi là Phủ Chiếu.

Trần Chánh Chiếu làm Chủ bút tờ Nông Cổ Mìn Đàm. Sau đó làm chủ bút tờ Lục tỉnh Tân Văn. Ông hoạt động công khai và hăng hái cho cuộc Minh Tân ở Miền Nam lúc bấy giờ. Ông mất năm 1919.

+ Ông viết bài ca ngợi chiến công của Cụ Nguyễn Trung Trực kích động dân chúng noi gương ái quốc của Cụ Nguyễn nổi lên chống Pháp. Bài viết của ông đăng trên Lục tỉnh Tân Văn (Sài Gòn) ngày 12-12-1907 và 13-1-1908 (theo tài liệu của Sơn Nam).

Ông có yết kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Năm 1911, ông bị phát giác ngầm vận động thanh niên trong tỉnh đưa đi du học bên Nhựt nên bị bắt đưa về Mỹ Tho.

Về sau ông chết tại Sài Gòn, mồ mả của ông tại phường Chí Hòa. 

Tại Rạch Giá có con đường mang tên Trần Chánh Chiếu.

Mồ mả song thân ông tại phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá, đã di táng về Sài Gòn năm 1975.

Năm 1971, tôi có đến địa chỉ số 459/6 đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn là nhà của Bà Trần Thị Hiếu gọi ông bằng chú. Lúc đó Bà Hiếu đã 84 tuổi song tinh thần vẫn sáng suốt. 

Theo lời Bà Hiếu, ông Trần Chánh Chiếu cha là Trần Cáo (người Trung Hoa), mẹ là Nguyễn Thị Dẹt, còn một người con gái tên Trần Thị Xuyến, ngoài 80 tuổi đã lẫn, nhà cửa cũng ở Sài Gòn. 

Còn ông Huỳnh Văn Yến cho biết ông Trần Chánh Chiếu có một người con trai tên Trần Chánh Thọ từng làm chef de Sureté (chánh Sở mật thám) tỉnh Mỹ Tho (trước 1945)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:31:14 pm »

Phụ Bản 14


Bản thẩm vấn do Piquet ghi: 

Ngục thất trung ương Sài Gòn.
Lời khai của Nguyễn Trung Trực, 30 tuổi, sanh tại phủ Tân An.
 

Hỏi: Nguyên cớ nào thúc đẩy ngươi tấn công Rạch Giá?

Đáp: Tôi đã rút về Hòn Chông cùng với gia đình từ khi quân Lang Sa chiếm tỉnh Hà Tiên, nơi tôi nhậm chức Thành Thủ úy. Trước khi tấn công Rạch Giá, một vị quan được Triều đình Huế phái đến mang cho tôi lệnh nhóm nghĩa quân để dấy động tỉnh Hà Tiên. Tôi đã trả lời với vị quan đó rằng tôi không đủ sức để tấn công và tôi không tiết lộ lệnh đó cho ai biết.

Hỏi. Lệnh đó có đóng triệu son của vua không? 

Đáp: Không, đó là một bản sao tôi đã đánh mất tại Phú Quốc. 

Hỏi: Ai đã quyết định tấn công đồn Rạch Giá?

Đáp: Ít ngày sau khi nhận lệnh do vị quan chuyển giao, tôi có tiếp tại Hòn Chông xã Lý (xã trưởng Minh Lương, tên một làng Việt Nam ở Rạch Giá), Quản Cầu người cùng làng, và người phụ nữ Thị Bà Đỏ. Ba người này nói với tôi ràng họ đã biết lệnh của Triều đình Huế và họ tìm tôi để giục thúc tôi tấn công Rạch Giá, họ quả quyết nhiều lính mã tà sẽ theo về phía chúng tôi. Tôi khước từ quyết liệt, cảm thấy mình không đủ sức đối với một việc lớn lao như thế. Ba người bất bình từ biệt tôi, vừa đe dọa tôi là sẽ cho quân Lang sa bắt tôi nếu tôi không nghe họ. Tại Hòn Chông, Quản Diêu cho tôi biết viên thanh tra Rạch Giá bắt Quản Cầu, Xã Lý và Bà Đỏ. Tên Lương nào đó lôi thôi với Xã Lý về tiền nợ mới tố giác cho viên thanh tra bắt họ. Quản Diêu nói với tôi rằng khi biết tôi ở Hòn Chông, viên thanh tra sẽ cho người bắt tôi, và tôi chỉ còn một quyết định là điều khiển tức khắc cuộc công hãm đồn Rạch Giá. Tôi đi từ Hòn Chông đến Rạch Giá Tà Niên bằng ghe và tôi tập hợp dễ dàng khoảng 100 người, bốn mươi tám giờ sau khi tôi đến, tôi đổ bộ tại Rạch Giá lúc nửa đêm. 

Hỏi: Chú có thứ vũ khí gì ?

Đáp: Tôi chỉ có giáo. 

Hỏi: Chú có biết các sĩ quan Lang sa được mách báo trước không? 

Đáp: Tên Lương đã mạch báo. Dầu vậy, chúng tôi quả quyết rằng tất cả đều ngủ và không làm được một cuộc biểu dương nào. Lúc bấy giờ là 4 giờ sáng và trời tối đen dầy đặc.

Hỏi: Có lính gác Lang sa nào canh đồn không? 

Đáp: Có 2 lính canh ngủ bên cạnh súng của họ và họ bị hạ sát trước tiên. 

Hỏi: Viên thanh tra và viên trưởng đồn bị giết cách nào? 

Đáp: Tôi không thể cho biết một chi tiết nào rõ ràng về việc đó. Lệnh là phải giết tất cả người Lang sa, và chỉ sáng ra tôi mới biết được số người chết. Hai viên sĩ quan Lang sa đã chết từ lâu họ đã ngã gục ngay từ đầu. 

Hỏi: Những lính Lang sa khi lấy lại bình tĩnh, có họp lại tự vệ không?

Đáp: Có, khoảng 10 người tự vệ trong một giờ, nhưng chúng tôi vây bức quá khiến họ không nạp đạn được ba lần.

Hỏi. Làng có được báo tin về cuộc tấn công này không? Và như vậy trợ lực cho chú là lính mã tà?

Đáp: Chỉ vài dân làng biết, còn những lính mã tà theo hầu viên thanh tra thì không biết, tôi chắc về điều đó nếu họ có đạn để sử dụng không chắc tôi chiếm được đồn.

Hỏi: Ông huyện Hiên có hay biết không?

Đáp: Tôi không biết. Các viên chức làng đã cho tôi hay rằng tôi sẽ dễ dàng chiếm đồn và tôi không hỏi thêm điều gì nữa. Buổi sáng khi mọi người hay tôi thắng trận, tất cả dân chúng và huyện Hiên được dẫn đến do những người Cao Miên. Tôi bảo tập hợp tất cả những lính mã tà và tôi buộc họ theo tôi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:31:35 pm »

Hỏi: Có mấy người lính Lang sa thoát khỏi đồn?

Đáp: Năm, bị bắt lại trong buổi sáng. Hai người trong nhóm muốn kháng cự, tôi cho hạ sát. Còn ba người kia bị giam tại nhà làng cùng với những viên chức và những viên thông ngôn trong tòa bố và số người Thiên Chúa giáo. 

Hỏi. Tại sao chú ra lệnh giết  họ? 

Đáp: Không phải tôi, và không bao giờ tôi muốn làm vậy. Khi tôi hay tin những đoàn lính Lang sa tới tái chiếm đồn, tôi đi ra cản chỉ huy, tôi để ông Lâm Văn Ky, con của ông Cai Tổng ở Rạch Giá thay tôi.

Trong lúc vắng tôi đã không ra lệnh, ông đã chém đầu tất cả những người Thiên Chúa giáo và ba người Lang Sa (Lâm Văn Ky vừa bị bắt và bị bắn sau khi tái chiếm Rạch Giá). 

Khi tôi trở lại Rạch Giá trước sự đuổi theo của lính Lang sa, cuộc hạ sát đã gần kết thúc và đến lượt viên thông ngôn Chomb. Tôi cho phóng thích và tôi lên ghe đi.

Tới đây Nguyễn Trung Trực day qua phía Chomb đang có mặt nói với hắn: "Anh có mặt ở đây để xác nhận rằng tôi đã cứu mạng anh, có thể anh có ảnh hưởng do địa vị thông ngôn của anh. Tôi chỉ yêu cầu anh dùng ảnh hưởng ấy để xin cho tôi được chết ngay”.

Hỏi: Tại sao chú cho giết chết nhân viên của sở thâu thuế nha phiến?

Đáp. Hắn đã ra tay trước khi người ta chưa muốn tấn công hắn vì hắn đã giết ba hoặc bốn người Việt Nam, tôi không thể tha thứ hắn được.

Hỏi: Vì sao mang cấp bực cao chú lại nghe theo lời của những người có hành tích xấu như Quản Cầu, xã Lý và Bà Đỏ. Tôi không cần nhắc hành tích của 3 người đó, nhứt là Bà Đỏ?

Đáp: Tôi không biết họ, tôi tưởng rằng họ được phái từ Huế hay Quảng Nam. 

Hỏi: Chú còn nói thêm điều gì không? 

Đáp: Tôi cho biết rõ rằng tôi đã tự ý qui thuận lãnh binh Tấn. Khi hắn đến đảo, hắn bảo viết thơ yêu cầu tôi qui hàng, vì chúng tôi bị bao vây trong núi không có gì để sống, tôi báo một người dân trói tôi và dẫn tôi đến Tấn. Nếu tôi muốn tiếp tục chiến đấu, hắn không bắt tôi được dễ dàng như thế. Tôi luôn luôn nhiệt thành phụng sự đất nước tôi, tôi ngỡ quân Lang sa không mạnh như thực tế. Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ cống hiến các chiến công của tôi, và tôi dám nói rằng tôi có thể trội hơn lãnh binh Tấn về chiến công. Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi, tôi chỉ xin một điều là người ta kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt và mong rằng người ta cho những đứa con của tôi lên Sài Gòn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:31:46 pm »

Hoi. Chú ở đâu khi rời Rạch Giá ?

Đáp: ở Phú Quốc, tôi không đi đâu cho đến ngày tôi bị bắt. Tôi nói rằng Cai tổng Diêu (Cai tổng Phú Quốc) không tự ý theo tôi. Chính tôi bắt buộc ông ta theo và trao cho tôi tiền thuế mà ông chuẩn bị mang về Hà Tiên.

Hỏi: Xã Lý và Bà Đỏ hiện giờ ra sao? 

Đáp: Có khi trở vào núi và chắc họ sẽ chết đói.

Hỏi: Người Tàu nào bị bắt cùng với chú?

Đáp: Tôi không biết rõ tôi biết ông ta theo phe của nhóm Quản Thứ và Xã Ngãi (xã trưởng Phú Quốc), nhóm này đã khởi nghĩa trước khi tôi tới.

Hỏi: Hồi năm 1861 người ta gọi chú là gì ?

Đáp: Quản Lịch. Chính tôi làm nổ chiếc tàu đậu tại Nhựt Tảo. Kế tôi ra Huế nơi tôi được bổ nhiệm chức quản cơ, và vài năm sau, tôi được phái đến Hà Tiên với chức Thành Thủ úy. Lúc đó quân Lang sa đã chiếm Hà Tiên, tôi và gia đình lui về Hòn Chông.

Lãnh binh Tấn khẩn khoản nài xin người Pháp ân xá Trực, ông tự xem như kẻ thuộc hạ về lòng can đảm cũng như về sự thông minh; ông bảo đảm rằng người đại đởm phản nghịch này sẽ trở nên một trong số người phục vụ hữu ích và tận tâm nhất.

Đô đốc Ohier không thể tha thứ người không kể gì đến quốc tế công pháp đã cướp một trong những đồn của ta và đã cho giết 30 người Lang sa.

Với một tình cảm thương tiếc thành thật, đô đốc truyền lệnh đưa Trực về Rạch Giá và phán xử theo án quyết, Trực bị kết án tử hình và bị hành quyết công khai ngày 27 tháng 10 năm 1868.

Lời khai trên của Cụ Nguyễn Trung Trực chắc chắn nhiều chi tiết Cụ cố tình nói sai đi để đánh lạc hướng quân Pháp. Còn những chi tiết nêu lên sự yếu mềm do Pháp chủ tâm thêm vào. Pháp thêu dệt những chi tiết như vậy để cho các thế hệ sau lầm rằng người Việt Nam nào cũng không giữ trọn lòng trung thành, tức là không có thần tượng anh hùng.

Vì nếu nghiên cứu và phân tích kỹ các lời khai đó ta thấy nó mâu thuẫn một cách rõ rệt, như ở một chỗ: "Tôi ngỡ rằng quân Lang sa không mạnh như thực tế. Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ cống hiến các chiến công của tôi."

Thật là khó tin vì người như Cụ đã từng chạm trán với quân Pháp từ miền Đông sang đến miền Tây mà lại không rõ binh lực của Pháp. 

Tại sạo có câu "Nếu tôi biết, có lẽ tôi sẽ cống hiến các chiến công của tôi".

Thì đàng khác Cụ lại nói: "Số phận tôi đã đầy đủ, tôi đã không thành công trong việc cứu nguy nước tôi tôi chi xin một điều là hay kết liễu đời tôi càng sớm càng tốt." 

Hoặc cụ nói với viên thông ngôn Chomb: "Anh có mặt ở đây để xác nhận rằng tôi cứu mạng anh, có lẽ anh có ảnh hưởng do địa vị thông ngôn của anh. Tôi chỉ yêu cầu anh dùng ảnh hưởng ấy để xin cho tôi được chết ngay."

Thật 1à mâu thuẫn, một người chiến đấu anh dũng như vậy, tận trung ái quốc như vậy, lại có thể tiếc rằng mình không biết trước sức mạnh của Pháp để theo Pháp.

Có người nghĩ ràng có lẽ lúc đó tinh thần của Cụ bị dao động, khủng hoảng chăng? Điều này hoàn toàn không đúng vì chính Piquet nhận xét trong lúc lấy khẩu cung Cụ Nguyễn Trung Trực: "Trực tỏ ra tự trọng và đầy khí phách".

Hay viên thông ngôn cố ý dịch sai chăng?...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2009, 07:32:38 pm »

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Tân Việt, 1964.

2. 200 năm dương lịch và âm lịch đối chiếu của Nguyễn Như Lân, nhà in Man Sanh, 1961. 

3. Địa phương chí Kiên Giang 1965.

4. Tài liệu của ủy ban Khảo cứu lịch sử các bậc anh hùng cận đại trong tỉnh Kiên Giang (Chủ tịch ủy ban ông Huỳnh Văn Yến), 1956.

5. Việt Nam khảo cổ tập san số 1, 1960.

6. Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Bá Thế, 1957.

7. Gò Công cánh cũ người xưa, quyển 1, của Việt Cúc 1969.

8. Đức Cố Quản hay là cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa của Nguyễn Văn Hầu. 1956.

9. Đại Nam Nhứt Thống Chí (Lục tỉnh Nam Việt), tập hạ, dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo, 1959.

10. Gia phả họ Lâm do ông Lâm Văn Khương Soạn

11. Gia phủ họ Nguyễn đo ông Nguyễn Văn Thìn soạn.

12. Tân An ngày xưa cửa Đào Văn Hội, phủ Quốc Vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, 1972. 

13. Miền Nam đầu thế kỷ 20 - Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân của Sơn Nam. Phù Sa xuất bản, 1971 

14. Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ của Nguyễn Thế Anh. 

15. Cụ Nghè Trương Gia Mô của Nguyễn Nam, Nhà xuất bản tổng hợp An Giang, 1989.

16. Bốn vị anh hùng kháng chiến Miền Nam của Thái Bạch.

17. Tập san Sử Địa số 12 "Kỷ niệm 100 năm Nguyễn Trung Trực", Nhà sách Khai Trí bảo trợ, 1968. 

18. Tạp chí Chiêu Anh Các số 5, tòa soạn số 10 đường Tự Do, thị xã Rạch Giá.

19. Abrégé de l'histoire d'annam của Alfred Schreiner, in lần 2, Sài Gòn 1906.

20. Les premières années de la Cochinchine Colonie Francaise của Pauhn Vial, quyển 1, Paris, 1874.

HẾT
Logged
Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM